Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Hình thức chơi mà học, học mà chơi trong thơ thiếu nhi việt nam hiện đại (qua cái nhìn đối sánh với bộ phận đồng dao gắn với trò chơi)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (189.35 KB, 7 trang )

HÌNH THỨC CHƠI MÀ HỌC, HỌC MÀ CHƠI
TRONG THƠ THIẾU NHI VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
(Qua cái nhìn đối sánh với bộ phận đồng dao gắn với trò chơi)
Trần Thị Minh
1

Tóm tắt: Là một bộ phận quan trọng của văn học thiếu nhi, thơ cho tuổi thơ ngày càng phát
triển và ghi dấu nhiều thành tựu. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy thơ thiếu nhi Việt Nam
mấy thập kỉ qua có sự thâm nhập của rất nhiều yếu tố, trong đó có sự ảnh hưởng rõ nét của
đồng dao. Đặc biệt, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa giáo dục với giải trí, vui chơi dưới dạng
chơi mà học, học mà chơi kế thừa từ bộ phận đồng dao gắn với trò chơi là một mô hình xuất
hiện phổ biến trong thơ thiếu nhi hiện đại.

1. MỞ ĐẦU
Được coi là thể loại biểu tượng cho “tuổi thơ còn sót lại của loài người”, thơ thiếu nhi
Việt Nam ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong lịch sử phát triển văn học và trở
thành một trong những sản phẩm tinh thần được các em yêu thích nhất. Dường như thơ ca và
trẻ thơ có mối quan hệ mật thiết bởi tính chất hồn nhiên, chân thực, trong sáng mà cả hai bên
đều có. Sớm cho trẻ tiếp xúc với thơ ca là cách để cung cấp nguồn “dinh dưỡng” tâm hồn cho
trẻ về nhiều mặt. Với ý nghĩa như vậy, nhiều nhà thơ đã vận dụng sáng tạo thể loại này như
một phương tiện hữu hiệu nhằm góp phần mở rộng nhận thức, giáo dục trí tuệ cho trẻ em.
Tuy nhiên, với đối tượng tiếp nhận đặc thù là trẻ em nên người lớn không thể lấy mĩ cảm của
mình làm thước đo cho chúng. Điều này cũng thắt buộc người viết phải tìm được hình thức
thể hiện sao cho hấp dẫn, vui tươi để tác phẩm văn học hiện ra không phải như người thầy
thuyết giáo mà như người đồng hành với bạn đọc nhỏ tuổi. Qua khảo sát thực tiễn, chúng tôi
nhận thấy, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa giáo dục với giải trí, vui chơi dưới dạng chơi mà
học, học mà chơi là một kiểu mô hình xuất hiện phổ biến trong thơ thiếu nhi hiện đại.
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
Thực tế đã chứng minh rằng, vui chơi là nhu cầu không thể thiếu đối với tuổi thơ. Qua
vui chơi, các em có thể học và phát hiện được nhiều điều mới lạ. Vui chơi lành mạnh không
những giúp các em nâng cao sức khỏe, có đôi mắt tinh tường, đôi tay đôi chân khéo léo,


nhanh nhẹn mà còn giúp các em thêm sảng khoái tâm hồn, minh mẫn trí óc. Nhận thức được
vai trò quan trọng này, ngay từ thưở xa xưa, ông cha ta đã biết khéo léo xen cài tư tưởng giáo
dục trong những trò chơi vui nhộn của trẻ để dạy dỗ con em mình, điển hình nhất là trong bộ
phận đồng dao gắn với trò chơi. Đồng dao thực sự đã “góp phần giữ cho các em vẻ hồn
nhiên, tươi tắn, không đánh mất tuổi thơ dù trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ” [1]. Và như
một cuộc chạy tiếp sức, sự trở lại quen mà lạ của hình thức chơi mà học, học mà chơi này vẫn

1
ThS, Trường ĐHSP Hà Nội 2
tiếp tục tạo nên một sức sống trong thơ thiếu nhi hiện đại. Về đặc điểm này, nhà thơ Hoài
Khánh cho rằng: “Thơ mang hình thức càng giống đồng dao càng tốt”. Kiểu kết cấu lặp, kết
cấu vòng tròn, đối đáp… cùng cấu trúc câu thơ ngắn chỉ có hai, ba, bốn chữ trong một
dòng… là những đặc trưng của dạng thức thơ thiếu nhi in đậm dấu ấn đồng dao. Thậm chí ở
một số bài, dấu ấn đó thể hiện ngay từ cách đặt tên tác phẩm như Đồng dao của Lê Thị Năm,
Đồng dao của Đặng Huy Giang… Trong âm điệu vui tươi quen thuộc của trò chơi Dung
dăng dung dẻ, Đặng Huy Giang đã gây được ấn tượng đặc biệt đối với trẻ, giúp các em mở
rộng tri thức theo mỗi nhịp chân nhún nhảy:
Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Mở cửa tìm người
Thuở nao thuở nào
Hỏi thăm cây gáo
Cây gáo rắc hoa
Hỏi thăm tre ngà
Tre ngà đỏ lá
Tháng ba mưa gió
Cái rét nàng Bân…
(Đồng dao)
Lời thơ gần gũi, mộc mạc thể hiện thái độ ân cần của một người lớn đang muốn chỉ cho
các em thấy muôn điều kì diệu của tự nhiên từ Cây gáo rắc hoa, Tre ngà đỏ lá đến cái rét

tháng ba đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ. Kết cấu vòng tròn gợi cảm giác mọi vật trong thế
giới này không có gì là tuyệt đối mà tất cả đều có quan hệ chặt chẽ với nhau, cùng tồn tại và
phát triển, nối kết nhau trong nụ cười ngộ nghĩnh của bé thơ.
Trong âm điệu vui tai Rềnh rềnh ràng ràng của đồng dao thuở nào, Nguyễn Thị Thủy lại
mở ra trước mắt các em sự đa dạng, hấp dẫn của biết bao loại quả:
Rềnh rềnh ràng ràng
Đi chợ mua hàng
Tìm các loại quả
Quả dứa, quả xoài
Quả mai, quả mận
Ăn thì chua chua
Ngọt mát cũng vừa
Là quả đu đủ
Vỏ xanh ruột đỏ
Là quả dưa hấu
Đem mang xào nấu
Là trái su su
Rau ghém canh chua
Là quả dưa chuột
Nhiều mắt lắm hạt
Là quả na xanh…
(Đồng dao về quả)
Ẩn trong trò chơi mua bán hàng quen thuộc, Đồng dao về quả giúp các em nhận biết
được rất nhiều loại quả cùng với đặc điểm phổ biến dễ nhận dạng của chúng. Thật thú vị khi
nhà thơ cho các em thấy cùng là quả nhưng thứ thì ngọt, thứ lại chua, có quả đem xào nấu
nhưng trái lại để làm rau ghém canh chua… Bằng thể thơ bốn chữ giống thể vãn tư của đồng
dao cùng lối điệp cấu trúc tạo độ kết dính giữa các dòng, những tri thức khoa học đơn giản đã
được truyền đạt một cách dễ hiểu, có hiệu quả nhất đến trẻ.
Không chỉ các loại quả, các loại củ cũng đi vào nhận thức của trẻ thật tự nhiên:
Ngồi chơi trên đất

Là củ su hào
Tập bơi dưới ao
Đen sì củ ấu
Không cần phải nấu
Củ đậu mát lành
Lợn thích củ hành
Chó đòi riềng sả…
(Đồng dao về củ - Vương Trọng)
Vẫn là những thứ củ quen thuộc song cái hay của bài thơ là tác giả đã đặt chúng trong
mối quan hệ liên tưởng thật bất ngờ, kích thích trí tò mò, ưa khám phá của trẻ em. Cách diễn
đạt gần gũi, dí dỏm với lớp từ tượng hình khiến sự vật được miêu tả tồn tại trong trạng thái
động thật vui mắt: củ chơi trên đất, củ bơi dưới ao… tinh nghịch, hồn nhiên như trong một
cuộc chơi đầy tiếng reo cười.
Như vậy, sự kết hợp tự nhiên giữa yếu tố chơi và học không những giúp trẻ có những
phút giây thư giãn mà còn mang đến những hiểu biết thú vị, thúc đẩy trẻ say mê khám phá thế
giới kì diệu xung quanh. Hình thức trò chơi mang âm hưởng đồng dao khiến kiến thức được
truyền đến trẻ không nặng nề theo kiểu áp đặt sách vở mà dễ hiểu, dễ nhớ. Nói như M. Gorki
thì “cái khuynh hướng đó như là một phương tiện, một sự bảo đảm chống lại tính chất nguy
hiểm làm cho trẻ con khô khan bởi tính nghiêm nghị” [3]. Ngay cả với kiến thức toán học vẫn
bị coi là khô cứng cũng trở nên linh hoạt hơn trong hình thức này. Bé học Toán của Thu
Huyền, Tập đếm của Vương Đình Sâm, Làm quen với số của Vương Trọng… là những minh
chứng tiêu biểu. Lời thơ được dệt nên từ những vần điệu nhịp nhàng để trẻ có thể vừa học
vừa nô đùa cùng những con số:
Một cái kéo
Hai cái ca
Thìa có ba
Mũ bốn cái
Bé lại đếm
Năm con chim
Bé đếm tìm

Con số sáu
Bảy dưa hấu
Tám ô tô
Bé tập tô
Tập viết số
Có ai đố
Chín quả xoài
Đếm không sai
Mười con vịt
Thật là thích
Mười số thôi
Mà đồ chơi
Nhiều vô kể…
(Bé học Toán - Thu Huyền)
Những con số một, hai, ba, bốn… dường như không còn vô tri vô giác nữa mà xúm xít
đùa vui trong nhịp điệu rộn ràng của thể vãn ba. Những món đồ gắn bó với trò chơi con trẻ
bỗng chốc gắn kết lại thành bài học quan sát, đếm số thật vui và bổ ích. Những bài thơ như
thế này gợi lại không khí vui tươi của trò chuyền thẻ ngày xưa. Qua lời của bài đồng dao
Chuyền thẻ, các em vừa được chơi vừa được học, vừa tập đếm, thực hiện các phép tính cộng,
trừ, nhân, chia một cách sinh động. Ngay từ khi vào cuộc đếm từ một đến mười, các em
không đếm một cách khô khan mà đếm một cách hình tượng:
Cái mốt
Cái mai
Con trai
Con hến
Con nhện
Chăng tơ
Quả mơ
Quả mít
Chuột chít

Lên bàn đôi
Đôi tôi
Đôi chị
Đôi cái bị
Đôi cành hoa
Đôi lên ba…
(Chuyền thẻ)
Không chỉ có sự lặp lại, gặp gỡ với hình thức chơi mà học, học mà chơi của đồng dao,
thơ thiếu nhi hiện đại còn có xu hướng tự làm mới từ hình thức tưởng như đã quen thuộc này.
Cấu trúc bài thơ biến đổi linh hoạt theo nội dung cảm xúc và tư tưởng của con người hiện đại.
Trong khu vườn tuổi thơ đáng yêu, ngộ nghĩnh, hình ảnh Con chim chích chòe của Phan
Trung Hiếu gợi nên thật nhiều suy nghĩ, vượt qua yếu tố hài hước, đùa chơi để mang đến cho
bản thân mỗi em nhỏ bài học quí:
Con chim chích chòe
Đậu ở vồng khoai
Bảo mày học bài
Mày kêu nhức óc
Bảo mày xay thóc
Mày la mỏi tay
Bảo mày đi cày
Mày than thiếu ách
Bảo mày đọc sách
Mày bảo mắt mờ
(…)
Lười làm nhác học
Dốt đặc cán mai
Chỉ thuộc mỗi bài
Chích chòe chích chòe
(Con chim chích chòe)
Lời thơ vần vè, giản dị, tự nhiên như lời nói chuyện, khắc họa hình ảnh chú chim luôn

tìm mọi lí do để thoái thác công việc, thực chẳng đáng yêu chút nào. Âm điệu vui nhộn xuyên
suốt toàn bài mang lại cảm giác thư thái cho trẻ, đồng thời nhắc nhở các em suy ngẫm để
tránh được tính lười nhác đáng chê ấy.
Trẻ thơ luôn có nhu cầu khám phá thực tế và lí giải hiện thực đang diễn ra ở xung quanh.
Nhưng khác với người lớn, cái các em thực sự cần là thứ tri thức được đúc rút từ linh hồn
sống động của hiện thực chứ không phải những tri thức khô khan, giáo điều. Nắm bắt được
tâm lí ấy, nhiều nhà thơ đã tìm cách nâng nội dung giáo dục trên đôi cánh của hình thức chơi
mang tầm trí tuệ. Chẳng hạn, bài học chữ Y của Đặng Hấn được gửi gắm trong hình ảnh cây
cầu quen thuộc của quê hương:
Cầu nào cũng chữ I
Nhưng chỉ là I ngắn
Cầu quê em lạ lắm
Giống hệt chữ Y dài
Xoáy nước tung bọt cười
Xuồng ghe trôi như hội
Người xe không lạc lối
Vồi vội ngã ba cầu
Ôi! Người đi trên chữ
Chữ nâng người lên cao
(Cầu chữ Y)
Từ những buổi dạo chơi ngắm cảnh, em bé trong bài thơ bỗng phát hiện ra rằng cầu chữ
Y là nét độc đáo của riêng quê em. Hai chữ cái Y, I vốn chỉ là những kí tự trong sách vở, giờ
đây hiển hiện trong tầm mắt em với bao ý nghĩa sâu xa: Chữ đâu còn là những quy ước chính
tả đơn giản, bắt người ta viết sao cho đúng mà còn có ý nghĩa như một cây cầu tri thức nâng
cao tầm vóc của con người. Thế mới hiểu, trẻ thơ tuy bé bỏng nhưng tâm hồn chúng cũng là
bể rộng mênh mông. Có thể từ một trò chơi, một cái nhìn cũng lóe sáng lên một bài học đầy ý
tưởng.
Với Chẳng phải chuyện đùa, Quang Huy lại giúp các em rèn luyện tư duy từ những phản
đề:
Cái chai không đầu

Mà sao có cổ
Bảo rằng ngọn gió
Thì gốc ở đâu
Răng của chiếc cào
Làm sao nhai được
Mũi thuyền rẽ nước
Thì ngửi cái gì
Cái ấm không nghe
Sao tai lại mọc
Ở trong chiếc bút
Lại có ruột gà…
(Chẳng phải chuyện đùa)
Vẫn là thể vãn tư quen thuộc, nhịp kể đều như hình thức đồng dao nhưng ý tưởng của
nhà thơ lại rất mới mẻ. Từng câu thơ gối lên nhau như những câu hỏi không bao giờ dứt, hé
mở cho trẻ em bao điều kì thú từ những sự vật tưởng như đã quá quen thuộc với mình. Và rất
tự nhiên, lời thơ có tác dụng như chất men kích thích, thôi thúc các em đến với sự say mê tìm
hiểu lí do của những sự thực tưởng như trái ngược kia.
3. KẾT LUẬN
Qua sự phân tích sơ bộ ở trên, có thể nhận thấy: Thơ thiếu nhi hiện đại đã có sự học tập
và làm mới hình thức chơi mà học, học mà chơi vốn xuất hiện nhiều trong bộ phận đồng dao
gắn với trò chơi. Đây không chỉ là sự trở về với nguồn cội văn học dân tộc mà còn có ý nghĩa
như một cách thức để đưa thơ về gần hơn với tuổi thơ. Dưới hình thức này, sức tưởng tượng
của trẻ em trở nên phong phú, trí tuệ của các em được mở rộng sâu sắc mà rất đỗi tự nhiên.
Mỗi bài thơ như một trò vui để các em “chơi với nó mà không chán, không sợ nó” (Trần
Quốc Toàn). Qua sự sáng tạo của mỗi tác giả, hai phương diện chơi và học chuyển hóa vào
thơ một cách khá nhuần nhụy, chứa đựng những nội dung tư tưởng mới mẻ. Thể thơ ngắn,
nhịp điệu vui tươi của đồng dao được tái tạo lại khá nhiều song cấu trúc và cách tổ chức nhạc
điệu cũng rất linh hoạt, hiện đại mà tinh tế. Tất cả đều nhằm mục đích hướng đến tiêu chí sáng
tác văn học cho trẻ em nói chung và thơ cho trẻ em nói riêng, đó là “sáng về nhận thức và trong
về nghệ thuật” [2].

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Gia Linh (tuyển chọn và giới thiệu), Kho tàng đồng dao Việt Nam, Nxb Giáo dục,
H., 2007.
2. Lê Phương Liên, Viết cho thiếu nhi là viết cho tương lai, Báo Văn nghệ, số 40, 2009.
3. Nhiều tác giả, Kinh nghiệm viết cho các em, Nxb Văn học, H., 1960.
THE TENDENCY OF STUDYING WHILE HAVING FUN IN VIETNAMESE
CONTEMPORARY CHILDREN POEMS
(In comparison with children folk songs assocated with children games)
Tran Thi Minh
Abstract
Poem for children is an essential part in Vietnamese children literary works and has
achieved numerous successes. Through researches, we found that through decades
Vietnamese children has contained some folk songs elements. To be specific, there is a strong
association between education and enjoying entertainment. It is inherited from children folk
songs related to children games and becomes common in Vietnamese contemporary children
poems.

×