BỘ ĐỀ THI – ĐÁP ÁN
HỘI THI TÌM HIỂU PHÁP LUẬT TẠI UBDT NĂM 2013
I. CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM (Mỗi câu trả lời đúng được 6 điểm)
1. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một số chính sách dân
tộc:
Câu 1: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc có thẩm quyền ban hành
hoặc phối hợp ban hành loại văn bản quy phạm pháp luật nào sau đây?
A) Thông tư, Thông tư liên tịch, Quyết định, Chỉ thị;
B) Thông tư, Thông tư liên tịch, Quyết định, Chỉ thị, Chương trình, Đề án,
Dự án, Kế hoạch;
C) Thông tư, Thông tư liên tịch;
D) Quyết định, Thông tư.
Trả lời:
C là đáp án đúng (khoản 8 và 11 Điều 2 Luật Ban hành VBQPPL)
Câu 2: Để soạn thảo dự thảo Nghị định của Chính phủ, Quyết định của
Thủ tướng Chính phủ, Thông tư, Thông tư liên tịch của Bộ trưởng, đơn vị
soạn thảo có trách nhiệm trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Quyết định thành lập tổ
chức giúp việc nào sau đây?
A) Ban soạn thảo và Tổ biên tập đối với dự thảo Nghị định, đối với dự thảo
Quyết định trong trường hợp cần thiết; thành lập Tổ soạn thảo đối với Thông tư,
Thông tư liên tịch;
B) Ban chỉ đạo và Tổ thư ký giúp việc đối với dự thảo Nghị định, dự thảo
Quyết định; thành lập Ban soạn thảo đối với Thông tư, Thông tư liên tịch;
C) Ban soạn thảo và Tổ biên tập đối với tất cả các văn bản trên;
D) Ban chỉ đạo, Ban biên tập đối với tất cả các văn bản trên.
Trả lời:
A là đáp án đúng (Điều 60 Luật Ban hành VBQPPL, Điều 20 và 25 Nghị
định 24/2009, khoản 2 Điều 18 và Điều 28 Thông tư 03/2010/TT-UBDT)
Câu 3: Xã thuộc vùng dân tộc và miền núi được phân loại theo 3 khu
vực nào sau đây?
1
A) Xã khu vực I là xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất; xã khu
vực II là xã có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nhưng đã tạm thời ổn định;
xã khu vực III là các xã còn lại;
B) Xã khu vực III là xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất; xã khu
vực II là xã có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nhưng đã tạm thời ổn định;
xã khu vực I là các xã còn lại;
C) Xã khu vực I là xã vùng sâu, vùng xa, biên giới; xã khu vực II là xã
đồng bằng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; xã khu vực III là các xã còn lại;
D) Xã khu vực III là xã vùng sâu, vùng xa, biên giới; xã khu vực II là xã
đồng bằng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; xã khu vực I là các xã còn lại;
Trả lời:
B là đáp án đúng (Điều 3 Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg)
2. Luật Cán bộ, Công chức; Luật Viên chức, Quy chế văn hóa công sở
Câu 4: Anh, chị cho biết những việc cán bộ, công chức không được làm
liên quan đến đạo đức công vụ?
A) Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái,
mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công;
B) Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật; lợi dụng,
lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ
lợi;
B) Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn
giáo dưới mọi hình thức;
D) Tất cả các phương án trên đều đúng.
Trả lời:
D là đáp án đúng (Điều 18 luật CBCC 2008)
Câu 5: Anh, chị cho biết, công chức thực hiện hành vi nào sau đây thì bị
xử lý kỷ luật?
A) Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của công
chức trong thi hành công vụ; những việc công chức không được làm quy định tại
Luật Cán bộ, công chức;
B) Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật;
2
C) Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và
các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng chưa đến mức bị
truy cứu trách nhiệm hình sự;
D) Tất cả các phương án đều đúng trên.
Trả lời:
D là đáp án đúng (Điều 3 Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 về xử lý
kỷ luật đối với công chức)
Câu 6: Anh, chị cho biết cán bộ, công chức phải thực hiện quy định văn
hóa giao tiếp ở công sở như thế nào?
A) Trong giao tiếp ở công sở, cán bộ, công chức phải có thái độ lịch sự,
tôn trọng đồng nghiệp; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc.
B) Cán bộ, công chức phải lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp; công bằng,
vô tư, khách quan khi nhận xét, đánh giá; thực hiện dân chủ và đoàn kết nội bộ.
C) Khi thi hành công vụ, cán bộ, công chức phải mang phù hiệu hoặc thẻ
công chức; có tác phong lịch sự; giữ gìn uy tín, danh dự cho cơ quan, tổ chức,
đơn vị và đồng nghiệp.
D) Tất cả các phương án trên đều đúng.
Trả lời:
D là đáp án đúng (Khoản 1 và 2 Điều 16 của Luật Cán bộ công chức)
Câu 7: Anh, chị cho biết cán bộ, công chức phải thực hiện quy định văn
hóa giao tiếp đối với nhân dân như thế nào?
A) Phải gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc,
khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc;
B) Không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân
dân khi thi hành công vụ;
C) A và B là phương án đúng;
D) Tổ chức các hoạt động cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia,
thăng chức và các hoạt động khác của bản thân và gia đình xa hoa, lãng phí vì
mục đích vụ lợi.
Trả lời:
C là đáp án đúng (Điều 17 của Luật Cán bộ công chức)
3
Câu 8: Anh, chị cho biết, theo quy định của Luật Viên chức thì viên
chức có nghĩa vụ nào sau đây?
A) Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt
Nam và pháp luật của Nhà nước;
B) Có nếp sống lành mạnh, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô
tư ; có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp; thực
hiện đúng các quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập;
C) Bảo vệ bí mật nhà nước; giữ gìn và bảo vệ của công, sử dụng hiệu quả,
tiết kiệm tài sản được giao; tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thực hiện
quy tắc ứng xử của viên chức;
D) Tất cả các phương án trên đều đúng.
Trả lời :
D là đáp án đúng (Điều 16 Luật Viên chức)
Câu 9: Theo quy định của Luật Viên chức, thì viên chức không được
làm những việc nào sau đây?
A) Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao;
gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công; sử dụng tài sản của
cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật;
B) Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương
đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại
đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội;
C) Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn
giáo dưới mọi hình thức; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác
trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp;
D) Tất cả các phương án trên đều đúng.
Trả lời :
D là đáp án đúng (Điều 19 Luật Viên chức)
3. Bộ Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành
Câu 10: Anh, chị hãy cho biết có mấy loại hợp đồng lao động, đó là
những loại nào?
A) 2 loại, gồm: hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng
lao động xác định thời hạn;
4
B) 3 loại, gồm: hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao
động 1 năm và hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 đến 3 năm;
C) 3 loại, gồm: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, mà trong đó
hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng; Hợp
đồng lao động xác định thời hạn, mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời
điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến
36 tháng; Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có
thời hạn dưới 12 tháng;
D) 1 loại, gồm: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Trả lời:
C là đáp án đúng (khoản 1 Điều 22 Bộ luật lao động năm 2012)
Câu 11: Bộ luật Lao động năm 2012 quy định thời gian nghỉ thai sản
như thế nào?
A) Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường
hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ
được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02
tháng;
B) Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 05 tháng. Trường
hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ
được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 03
tháng;
C) Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 04 tháng. Trường
hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ
được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 01
tháng.
D) Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 03 tháng.
Trả lời:
A là đáp án đúng (Khoản 1, Điều 157 BLLĐ 2012)
Câu 12: Anh, chị hãy cho biết, theo quy định của Bộ Luật lao động thì
thời gian thử việc được quy định như thế nào?
A) Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ
chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
B) Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ
chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ
thuật, nhân viên nghiệp vụ;
C) Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác;
5
D) Tất cả các phương án trên đều đúng.
Trả lời :
D là đáp án đúng (Điều 27 Bộ Luật lao động năm 2012)
4. Luật Phòng chống tham nhũng, pháp luật về thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí
Câu 13: Theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì
hành vi nào dưới đây là những hành vi nhũng nhiễu vì vụ lợi?
A) Sử dụng tài sản của Nhà nước vượt chế độ, định mức, tiêu chuẩn;
B) Cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ,
công vụ nhằm đòi hỏi, ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải nộp những
khoản chi phí ngoài quy định;
C) Sử dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình để gây khó khăn cho
việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc làm
sai lệch kết quả các hoạt động trên;
D) Hối lộ, môi giới hối lộ để được giao, phê duyệt dự án cho cơ quan, tổ
chức, đơn vị, địa phương.
Trả lời:
B là đáp án đúng (khoản 3 Điều 3 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP)
Câu 14: Theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng,
những nội dung nào dưới đây cần phải công khai, minh bạch trong việc thực
hiện chính sách Dân tộc?
A) Điều kiện, tiêu chuẩn của đối tượng thụ hưởng, mức thụ hưởng; trình
tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện chính sách dân tộc thuộc vùng đồng bào dân tộc
thiểu số khó khăn, đặc biệt khó khăn;
B) Việc thực hiện các chương trình, dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số
khó khăn, đặc biệt khó khăn;
C) Báo cáo kết quả thực hiện chính sách dân tộc;
D) Tất cả các phương án trên đều đúng.
Trả lời:
D là đáp án đúng (Điều 26đ, Luật số 27/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung 1 số
Điều của Luật Phòng chống tham nhũng)
6
Câu 15: Anh, chị cho biết, theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng
phí thì tiết kiệm là những việc làm nào dưới đây?
A) Giảm bớt hao phí trong sử dụng tiền, tài sản, lao động, thời gian lao
động và tài nguyên thiên nhiên nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định;
B) Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tiền, tài sản nhà nước, thời gian
lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên thiên nhiên thấp hơn định mức,
tiêu chuẩn, chế độ theo quy định nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định;
C) Sử dụng ngân sách nhà nước, tiền, tài sản nhà nước, thời gian lao động
trong khu vực nhà nước và tài nguyên thiên nhiên đúng định mức, tiêu chuẩn, chế
độ theo quy định nhưng đạt cao hơn mục tiêu đã định;
D) Tất cả các phương án trên đều đúng.
Trả lời:
D là đáp áp đúng (khoản 1 Điều 3 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí)
5. Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo
Câu 16: Theo quy định tại Luật Khiếu nại năm 2011, cơ quan, tổ chức,
cá nhân nào có quyền khiếu nại?
A) Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân;
B) Công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức khi có căn cứ cho
rằng quyết định hoặc hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi
ích hợp pháp của mình;
C) Cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện quyết định hoặc hành vi hành chính
trái pháp luật;
D) Tất cả các đáp án trên đều đúng.
Trả lời:
B là đáp án đúng (Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011)
Câu 17: Theo quy định tại Luật Tố cáo năm 2011, công dân có quyền tố
cáo các hành vi vi phạm pháp luật của những người nào sau đây?
A) Của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công
vụ;
B) Của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đối với việc chấp hành quy
định pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực;
7
C) Của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây
thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ
chức;
D) Tất cả các phương án trên đều đúng.
Trả lời:
D là đáp án đúng (khoản 1, 2, 3 Điều 2 Luật Tố cáo)
Câu 18: Theo quy định tại Luật Tố cáo năm 2011, thời hạn giải quyết tố
cáo là bao nhiêu ngày?
A) 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì
thời hạn giải quyết là 90 ngày.
B) Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia
hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì
không quá 60 ngày.
C) Không quá 100 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết.
D) Cả A và B là phương án đúng.
Trả lời:
D là đáp án đúng (Điều 21 Luật Tố cáo năm 2011)
Câu 19. Theo quy định tại Luật Khiếu nại năm 2011, thời hạn giải quyết
khiếu nại lần đầu là bao nhiêu ngày?
A) Không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời
hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.
B) Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại
không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải
quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
C) Không quá 45 ngày trong mọi trường hợp.
D) Cả A và B là phương án đúng.
Trả lời:
D là đáp án đúng (Điều 28 Luật Khiếu nại năm 2011)
6. Luật Giao thông đường bộ
Câu 20. Theo Luật Giao thông đường bộ thì xe ô tô biển xanh của một
số Bộ, ngành khi tham gia giao thông (nhưng không có xe cảnh sát dẫn
8
đường; không phải đoàn xe tang; không phải xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự
cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo
quy định của pháp luật) có được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường
giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới không?
A) Được quyền ưu tiên;
B) Không được quyền ưu tiên;
C) Được quyền ưu tiên nhưng phải có còi và đèn tín hiệu ưu tiên;
D) Tùy từng trường hợp.
Trả lời:
B là đáp án đúng (Khoản 1 Điều 22 Luật giao thông đường bộ)
II. CÂU HỎI VÀ TÌNH HUỐNG
(Mỗi câu trả lời đúng, đủ ý được 30 điểm, liên hệ thực tiễn được 10 điểm)
1. Các chính sách dân tộc
Câu 1: Anh, chị hãy cho biết nội dung hỗ trợ của Chương trình 135 giai
đoạn 3 gồm mấy hợp phần? Hãy trình bày nội dung cụ thể 1 hợp phần mà
anh, chị tâm đắc nhất?
Trả lời:
Theo quy định tại Quyết định số 551/QĐ-TTg năm 2013 của Thủ tướng
Chính phủ thì nội dung hỗ trợ của Chương trình 135 giai đoạn 3 gồm 2 hợp phần
là, đó là hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng.
(Lựa chọn trình bày 1 trong 2 hợp phần sau đây)
Phương án 1: Hợp phần về hỗ trợ phát triển sản xuất
1. Bổ sung và nâng cao kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình, áp dụng
các tiến bộ khoa học vào sản xuất, tiếp cận tín dụng, thông tin thị trường, sử dụng
đất đai hiệu quả;
2. Hỗ trợ giống, phân bón, vật tư phục vụ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có
giá trị kinh tế;
3. Hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo diện tích nuôi trồng thủy sản;
4. Hỗ trợ vắc xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia
cầm;
5. Hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho người
dân tham quan, học tập, nhân rộng mô hình;
9
6. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chỉ đạo hỗ trợ phát triển
sản xuất, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; dịch vụ bảo vệ thực vật,
thú y; vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phương án 2: Hợp phần về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng
1. Hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh
doanh và dân sinh;
2. Hoàn thiện hệ thống các công trình bảo đảm cung cấp điện phục vụ sinh
hoạt và sản xuất, kinh doanh;
3. Hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn
hóa trên địa bàn xã gồm: Trạm chuyển tiếp phát thanh xã; nhà văn hóa, nhà sinh
hoạt cộng đồng ở xã, thôn, bản;
4. Hoàn thiện các công trình để bảo đảm chuẩn hóa trạm y tế xã;
5. Hoàn thiện hệ thống các công trình để bảo đảm chuẩn hóa giáo dục trên
địa bàn xã; xây dựng lớp tiểu học, mẫu giáo, nhà trẻ, nhà ở giáo viên, trang bị bàn
ghế, điện, nước sinh hoạt, công trình phụ trên địa bàn thôn, bản;
6. Cải tạo, xây mới hệ thống thủy lợi trên địa bàn xã, thôn, bản;
7. Các công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất phù hợp
với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số;
8. Duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng cơ sở.
2. Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức, Quy chế văn hóa công sở
Câu 2: Anh A là viên chức của Ủy ban Dân tộc, khi chuyển công tác về
Vụ chức năng của Ủy ban, anh, chị cho biết anh A có phải thi tuyển công
chức không?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Viên chức và Điều 42 Nghị định
số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ thì việc tuyển dụng viên chức vào làm công
chức được quy định như sau:
- Viên chức khi được tiếp nhận, bổ nhiệm vào các vị trí việc làm được
pháp luật quy định là công chức trong các cơ quan, tổ chức của Đảng Cộng sản
Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội thì phải thực hiện quy trình xét
chuyển thành công chức không qua thi tuyển theo quy định của pháp luật về công
chức; đồng thời quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm là quyết định tuyển dụng;
- Trường hợp viên chức đã có thời gian làm việc tại đơn vị sự nghiệp công
lập từ đủ 05 năm trở lên thì được xét chuyển thành công chức không qua thi
tuyển;
10
Như vậy, nếu anh A đã có thời gian làm việc trong đơn vị sự nghiệp công
lập từ đủ 05 năm trở lên, khi chuyển công tác về Vụ chức năng của Ủy ban thì
được xét chuyển thành công chức mà không phải qua thi tuyển. Nếu chưa đủ thời
gian công tác 05 năm thì phải thi tuyển theo quy định của Luật Cán bộ, công
chức.
Câu 3: 8h sáng ngày thứ 2, anh B đến UBND phường theo giấy hẹn
nhận kết quả chứng thực Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng anh C là
công chức phụ trách công tác này không có mặt tại phòng tiếp nhận và trả hồ
sơ (đang uống cafe với bạn ở quán gần cơ quan). Anh B ngồi đợi đến 9h thì
thấy anh C về, vào tới bàn làm việc anh C không đeo thẻ công chức và vẫn hút
thuốc lá.
Hỏi: Việc công chức C không đeo thẻ, hút thuốc trong phòng làm việc
và đến cơ quan không đúng thời gian quy định khi thi hành công vụ đã vi
phạm các quy định nào của pháp luật?
Trả lời:
Anh C đã vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 16 của Luật Cán bộ công
chức năm 2008: Khi thi hành công vụ, cán bộ, công chức phải mang phù hiệu
hoặc thẻ công chức; có tác phong lịch sự; giữ gìn uy tín, danh dự cho cơ quan, tổ
chức, đơn vị và đồng nghiệp.
Hành vi hút thuốc là của anh C đã vi phạm quy định tại điểm a Khoản 2
Điều 11 Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá về địa điểm cấm hút thuốc lá
trong nhà hoàn toàn bao gồm nơi làm việc.
Việc tới công sở không đúng giờ làm việc của anh C đã vi phạm nội quy,
quy chế của cơ quan.
Câu 4: Anh, chị hãy cho biết cán bộ, công chức có nghĩa vụ như thế nào
đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân?
Anh, chị hãy liên hệ thực tế ở đơn vị về nghĩa vụ “tận tuỵ phục vụ nhân
dân”.
Trả lời:
Tại Điều 8, Luật cán bộ, công chức 2008 quy định nghĩa vụ của cán bộ,
công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân là:
1. Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia.
2. Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân.
3. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của
nhân dân.
11
4. Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và
pháp luật của Nhà nước.
Về nghĩa vụ “tận tuỵ phục vụ nhân dân”: Các đội trả lời theo thực tế,
trong tình huống thể hiện được các ý cơ bản:
- Thật sự gần gũi nhân dân, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của nhân
dân, học hỏi kinh nghiệm của nhân dân, quan tâm đến đời sống của nhân dân.
- Phải có tinh thần trách nhiệm cao độ. Không quan liêu, mệnh lệnh, hình
thức; không tham ô, lãng phí.
Câu 5: Là một công chức, khi phát hiện quyết định hành chính của thủ
trưởng cơ quan giao cho anh, chị thi hành công vụ có dấu hiệu trái với quy
định của pháp luật, anh, chị sẽ xử lý thế nào?
Trả lời:
Khi phát hiện quyết định hành chính của thủ trưởng cơ quan giao cho tôi
thi hành công vụ có dấu hiệu trái với quy định của pháp luật thì tôi sẽ thực hiện
theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật cán bộ công chức 2008 như sau:
- Kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định;
- Trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì tôi sẽ
chấp hành nhưng đề nghị phải có văn bản (trong trường hợp này tôi không phải
chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành Quyết định).
- Đồng thời tôi sẽ báo cáo cấp trên trực tiếp của Thủ trưởng về việc thi
hành Quyết định để người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về
quyết định của mình.
Câu 6: Anh, chị hãy cho biết Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định
nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị
như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 10 Luật Cán bộ, công chức thì cán bộ, công chức là
người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị ngoài việc thực hiện quy định tại Điều 8
và Điều 9 của Luật này, còn phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
1. Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về
kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
2. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công
chức;
3. Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng,
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan
liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;
12
4. Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hóa
công sở trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công
chức thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, có thái độ quan
liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân;
5. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ
quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, tổ
chức;
6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Câu 7: Anh, chị hãy cho biết Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định nội
dung đánh giá công chức hàng năm đối với công chức lãnh đạo, quản lý như
thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 56 Luật cán bộ, công chức 2008 thì công chức
được đánh giá theo 6 nội dung sau:
1. Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của
Nhà nước;
2. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc;
3. Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;
4. Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ;
5. Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ;
6. Thái độ phục vụ nhân dân.
Ngoài 6 nội dung trên, công chức lãnh đạo, quản lý còn được đánh giá theo
02 nội dung sau đây:
7. Kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo,
quản lý;
8. Năng lực lãnh đạo, quản lý; Năng lực tập hợp, đoàn kết công chức.
Câu 8: Anh, chị hãy cho biết quy định của pháp luật về các hình thức kỷ
luật đối với công chức?
Anh, chị hãy nêu nội dung cơ bản của hình thức kỷ luật “hạ bậc lương”
hoặc “buộc thôi việc”?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của
Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức thì các hình thức kỷ luật
công chức được quy định như sau:
13
Có 04 hình thức kỷ luật đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo,
quản lý:
1. Khiển trách;
2. Cảnh cáo;
3. Hạ bậc lương;
4. Buộc thôi việc.
Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì ngoài 04 hình thức
trên còn 02 hình thức kỷ luật:
5. Giáng chức;
6. Cách chức.
Nội dung cơ bản của hình thức kỷ luật “hạ bậc lương” hoặc “buộc thôi
việc” (lưu ý: chọn 1 trong hai phương án sau để trình bày)
Phương án 1: Hình thức kỷ luật “hạ bậc lương”
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 34/2011/NĐ-CP năm 2011 của Chính
phủ thì hình thức kỷ luật hạ bậc lương áp dụng đối với công chức có một trong
các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Không thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao mà không có lý do
chính đáng, gây ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
2. Lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật với mục đích vụ lợi;
3. Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng,
chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình
đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên
quan đến công chức.
Phương án 2: Hình thức kỷ luật Buộc thôi việc
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 34/2011/NĐ-CP năm 2011 của Chính
phủ thì hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có một trong
các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo;
2. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ
chức, đơn vị;
3. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;
4. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc
từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công
chức thông báo bằng văn bản 03 lần liên tiếp;
5. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về
phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động;
14
phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến
công chức.
3. Bộ Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn
Câu 9: Chị H là viên chức đang có thai, do sức khỏe yếu nên chị thường
phải nghỉ làm. Thủ trưởng đơn vị đã vài lần nhắc nhở nếu chị tiếp tục nghỉ
việc thì chấm dứt hợp đồng làm việc đối với chị. Chị băn khoăn không biết
mình có bị cơ quan đơn phương chấm dứt hợp đồng hay không. Anh, chị cho
biết những trường hợp nào thì không được đơn phương chấm dứt hợp đồng
lao động? Trường hợp của chị H có bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao
động?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Viên chức thì người đứng đầu đơn
vị sự nghiệp công lập không được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với
viên chức trong các trường hợp sau:
1. Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn, đang điều trị bệnh nghề nghiệp theo
quyết định của cơ sở chữa bệnh, trừ trường hợp viên chức làm việc theo hợp
đồng làm việc không xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục,
viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn bị ốm đau đã điều
trị 06 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục;
2. Viên chức đang nghỉ hàng năm, nghỉ về việc riêng và những trường hợp
nghỉ khác được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cho phép;
3. Viên chức nữ đang trong thời gian có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới
36 tháng tuổi, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động.
Như vậy, Chị H thuộc trường hợp thứ 3 nêu trên nên chị không bị cơ quan
đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Luật phòng chống tham nhũng, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí
Câu 10: Ông N là Đại biểu Hội đồng nhân dân giữ chức chủ tịch UBND
xã. Năm 2012, khi thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào bị thiên tai trên địa
bàn, ông N đã chỉ đạo cắt giảm 10% số tiền hỗ trợ đồng bào để chi tiêu cho
mục đích cá nhân. Khi phát hiện hành vi trên thì ông N đã nghỉ hưu nhưng
vẫn là đại biểu Hội đồng nhân dân xã trong nhiệm kỳ. Anh, chị hãy cho biết:
1. Ông N có vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng không?
15
2. Hiện nay ông đã nghỉ hưu thì có bị xử lý về hành vi tham nhũng do
ông đã thực hiện không? Tại sao?
3. Xử lý ông N về Tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân như thế nào?
Trả lời:
1. Ông N đã vi phạm quy định tại khoản 1 và 4 Điều 3 Luật Phòng chống
tham nhũng về hành vi tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi
hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
2. Ông N vẫn bị xử lý về hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện trong
thời gian đang giữ chức vụ. Vì theo quy định tại khoản 6 Điều 4 về nguyên tắc xử
lý tham nhũng thì “Người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển
công tác vẫn phải bị xử lý về hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện”.
3. Điều 69 Luật Phòng chống tham nhũng quy định: “Người có hành vi
tham nhũng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, truy cứu
trách nhiệm hình sự; trong trường hợp bị kết án về hành vi tham nhũng và bản án,
quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì phải bị buộc thôi việc; đối với đại biểu
Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc
hội, đại biểu Hội đồng nhân dân”.
Nếu ông N đã bị kết án về hành vi tham nhũng và bản án, quyết định đã
có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên mất quyền đại biểu Hội đồng nhân dân.
Câu 11: Trong quá trình bình xét hộ nghèo năm 2012, gia đình ông
A không đủ tiêu chí nên nhờ ông B là Chủ tịch xã can thiệp để được hưởng
các chế độ ưu đãi. Chủ tịch B yêu cầu đưa 10 triệu đồng, ông A đồng ý. Sau
đó, các hộ nghèo khác trong thôn không được bình xét đã khiếu nại. Lúc
này, ông B đã được chuyển công tác đến địa phương khác. Anh, chị hãy
cho biết:
1. Ông B có vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng không?
2. Ông B đã chuyển công tác đến địa phương khác thì có bị xử lý về
hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện không? Nếu có thì bị xử lý như
thế nào?
Trả lời:
1. Ông B đã vi phạm quy định tại khoản 2, 4 và 10 Điều 3 Luật Phòng
chống tham nhũng, đó là các hành vi:
- Nhận hối lộ;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ
lợi;
- Nhũng nhiễu vì vụ lợi.
16
2. Tuy ông B đã chuyển công tác đến địa phương khác nhưng vẫn bị xử lý
về hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện, vì theo quy định tại khoản 6 điều 4
về nguyên tắc xử lý tham nhũng thì “Người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu,
thôi việc, chuyển công tác vẫn phải bị xử lý về hành vi tham nhũng do mình đã
thực hiện.”
Ông B có thể thì bị phạt tù từ 7 năm đến mười lăm năm theo quy định tại
khoản 2 Điều 279 Bộ Luật hình sự.
Câu 12: Con ông B có đủ điều kiện, tiêu chuẩn học cử tuyển. Tuy nhiên,
trong quá trình xét duyệt hồ sơ cho các em học sinh hệ cử tuyển, ông A là Phó
Chủ tịch UBND huyện (chủ tịch Hội đồng xét duyệt) gặp riêng và yêu cầu ông
B đưa 50 triệu để sắp xếp cho con ông B đi cử tuyển. Sau khi xong việc, ông B
đã làm đơn tố cáo hành vi nhũng nhiễu của ông A.
Anh, chị hãy cho biết ông A đã có những hành vi tham nhũng nào? Ông
A và B sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Ông A đã có các hành vi tham nhũng quy định tại Điều 3 Luật Phòng,
chống tham nhũng, đó là:
1. Nhận hối lộ.
2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ
lợi.
3. Nhũng nhiễu vì vụ lợi.
Ông A đã phạm tội nhận hối lộ theo quy định tại khoản 3 Điều 279 Bộ
Luật hình sự, có thể bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.
Ông B đã có hành vi đưa hối lộ để giải quyết công việc vì vụ lợi. Hành vi
của ông B đã phạm tội đưa hối lộ quy định tại khoản 3 Điều 289 Bộ Luật hình sự,
có thể bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm. Tuy nhiên, ông B là người bị ép buộc
đưa hối lộ và đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, theo quy định tại
khoản 6 Điều 289 Bộ Luật hình sự thì ông không phạm tội và được trả lại toàn bộ
số tiền 50 triệu đồng đã dùng để đưa hối lộ.
Câu 13: Anh, chị hãy cho biết Luật Phòng, chống tham nhũng quy định
những nội dung nào cần phải công khai, minh bạch trong công tác tổ chức
cán bộ?
Trả lời:
Điều 30 Luật Phòng chống tham nhũng quy định những nội dung cần phải
công khai, minh bạch trong công tác tổ chức cán bộ như sau:
1. Tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác vào
cơ quan, tổ chức, đơn vị;
17
2. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức;
3. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức, cho thôi việc, cho thôi giữ
chức vụ, hưu trí đối với cán bộ, công chức, viên chức;
4. Chuyển ngạch, nâng ngạch, luân chuyển, điều động, biệt phái đối với
cán bộ, công chức, viên chức;
5. Nâng lương, thưởng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức
và người lao động khác;
6. Việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị trực thuộc.
Câu 14: Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng ngày 31 tháng
10 năm 2003 (sau đây gọi tắt là Công ước UNCAC) có những nội dung cơ bản
nào?
Trả lời:
Công ước UNCAC có hiệu lực thi hành đối với Việt Nam vào ngày
18/9/2009 và có những nội dung cơ bản về phòng, chống tham nhũng như sau:
- Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng;
- Hình sự hóa tội phạm và thực thi pháp luật chống tham nhũng;
- Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng;
- Thu hồi tài sản tham nhũng;
- Hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin về phòng, chống tham nhũng;
- Các cơ chế thi hành Công ước;
- Các biện pháp phòng, chống tham nhũng bao gồm: Quy ước về chuẩn
mực hành xử của cán bộ, viên chức nhà nước; các biện pháp bảo đảm sự độc lập
của ngành Tư pháp; tiêu chí tuyển chọn cán bộ, viên chức
Câu 15: Anh, chị có nhận xét gì về công tác phòng, chống tham nhũng ở
nước ta trong thời gian qua? Theo anh, chị cần phải làm gì để ngăn chặn và
đẩy lùi tình trạng tham nhũng trong giai đoạn hiện nay?
Gợi ý trả lời theo các ý sau: (thời gian trả lời không quá 5 phút)
1. Nêu một số nét về thực trạng tham nhũng hiện nay
2. Nêu chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà
nước về phòng, chồng tham nhũng trong những năm qua.
3. Nêu kết quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua.
4. Nêu những biện pháp để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng
trong giai đoạn hiện nay.
5. Liên hệ biện pháp phòng, ngừa tham nhũng tại cơ quan, đơn vị đồng chí
đang thực hiện như: thực hiện quy chế dân chủ, công khai minh bạch tài sản thu
18
nhập; công khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch chi tiêu tài chính, công tác tổ
chức cán bộ
5. Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo
Câu 16: Ông A là người dân tộc thiểu số đến trụ sở tiếp dân của Ủy ban
Dân tộc khiếu nại về việc gia đình ông bị đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo của
xã là không thỏa đáng. Là cán bộ phụ trách công tác tiếp dân, anh, chị giải
quyết tình huống này thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 23 Luật Khiếu nại năm 2011 thì khiếu nại của ông
A không thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban Dân tộc.
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 21/2012/TT-BLĐTBXH năm 2012
của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trường hợp hộ gia đình khiếu nại do
không được điều tra, rà soát thu nhập thì Ban chỉ đạo cấp xã cần tiến hành điều
tra, rà soát bổ sung. Do đó, theo quy định tại Điều 17 Luật Khiếu nại năm 2011
thì việc giải quyết yêu cầu của ông A thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban
nhân dân xã, tôi sẽ tư vấn cho ông A đến Ủy ban nhân dân xã nơi ông cư trú để
được giải quyết theo quy định.
Mặt khác, tôi sẽ giải thích cho ông A biết theo Quyết định số 09/2011/QĐ-
TTg năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ thì:
- Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000
đồng/người/tháng trở xuống;
- Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000
đồng/người/tháng trở xuống.
Nếu mức thu nhập bình quân của gia đình ông A đã đạt trên mức quy định
thì khuyên ông A không nên khiếu nại nữa.
Câu 17: Ông A là người có uy tín cho rằng, ông B là Chủ tịch xã đã vi phạm
chế độ, chính sách đối với ông nên làm đơn tố cáo đến ông C là Chủ tịch huyện
(ông C có quan hệ họ hàng với ông B). Ông C không giải quyết, ông A đến cơ
quan hỏi thì ông C trả lời chế độ, chính sách đã thực hiện đầy đủ, nếu còn tố cáo
tiếp thì sẽ đưa ông ra khỏi danh sách người có uy tín, đồng thời, thông tin cho ông
B sự việc trên.
Anh, chị hãy cho biết cách giải quyết của ông C có vi phạm quy định của
Luật Tố cáo không?
Trả lời:
Ông C đã vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 8 Luật Tố
cáo năm 2011, đó là:
19
1. Gây khó khăn, phiền hà đối với việc thực hiện quyền tố cáo của công
dân.
2. Tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác
có thể làm lộ danh tính của người tố cáo.
3. Không giải quyết tố cáo.
4. Đe doạ người tố cáo.
6. Luật Giao thông đường bộ
Câu 18: Anh H không đội mũ bảo hiểm, vừa nghe điện thoại vừa điều
khiển xe máy trên đường, bị cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm
tra. Anh H không chấp hành mà vẫn tiếp tục điều khiển xe chạy tiếp. Cảnh sát
giao thông đuổi theo, yêu cầu anh H dừng xe để tiến hành xử lý theo quy định
của pháp luật.
Hỏi: Anh H có vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ không? Nếu
có thì bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Anh H đã vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, đó là các hành vi:
Không đội mũ bảo hiểm, nghe điện thoại khi điều khiển xe trên đường và không
chấp hành hiệu lệnh của người thi hành công vụ.
Theo quy định tại điểm h khoản 1, điểm i khoản 3, điểm đ khoản 5 và điểm
c khoản 9 Điều 9 Nghị định số 34/2010/NĐ-CP năm 2010 được sửa đổi, bổ sung
theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP năm 2012 thì các hành vi của anh A sẽ bị xử lý
như sau:
- Hành vi sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe đi trên đường
sẽ bị xử phạt từ 60.000 đến 80.000 đồng.
- Hành vi điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm bị xử phạt từ 100.000
đồng đến 200.000 đồng.
- Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông bị
xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
- Ngoài ra, anh H còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 ngày.
Câu 19: Anh A đang ngồi uống rượu cùng đồng nghiệp tại Dân tộc
quán, thì có người thân gọi điện báo anh phải về ngay đưa vợ đi đẻ. Anh A vội
vã ra về phóng xe chạy quá tốc độ 5km/h so với quy định, bị cảnh sát giao
thông yêu cầu dừng xe kiểm tra và đo được trong hơi thở có nồng độ cồn là 0,3
miligam/1 lít khí thở. Anh A bực tức đã lăng mạ, xúc phạm danh dự các chiến sĩ
cảnh sát đang làm nhiệm vụ.
20
Hỏi: Anh A có vi phạm luật giao thông đường bộ hay không? Nếu có thì
bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Anh A đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đó là các hành vi: điều
khiển xe chạy quá tốc độ, nồng độ cồn trong hơi thở vượt quá mức quy định và
đã lăng mạ, xúc phạm danh dự các chiến sĩ cảnh sát đang làm nhiệm vụ.
Theo quy định tại điểm c khoản 3, điểm b khoản 5 Điều 9, điểm b khoản 2
và điểm b khoản 3 Điều 38 Nghị định số 34/2010 được sửa đổi, bổ sung theo
Nghị định 71/2012/NĐ-CP năm 2012 của Chính phủ thì anh A sẽ bị xử lý như
sau:
- Hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h sẽ bị xử phạt
từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
- Hành vi điều khiển xe trên đường mà có nồng độ cồn hơi thở 0,3
miligam/1lít khí thở sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
- Hành vi có lời nói, lăng mạ, xúc phạm danh dự các chiến sĩ cảnh sát giao
thông đang làm nhiệm vụ của anh A bị xử phạt từ 3.000.000 đến 5.000.000đ.
Ngoài ra, anh A còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 (sáu mươi)
ngày.
BAN TỔ CHỨC
Ghi chú:
- Ban Tổ chức sẽ rút gọn phần Câu hỏi và Tình huống (phần II) của
Bộ Đề này còn 15 câu trước ngày thi chính thức một tuần.
21
- Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị
phản ánh ngay về Ban Tổ chức qua đ/c Nguyễn Chí Tuấn – Trưởng phòng
KSTTHC, Trưởng Ban Thư ký Hội thi để báo cáo Ban Tổ chức xem xét, giải
quyết kịp thời. (ĐT: 0912.559.509, hộp thư: ).
22