Đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Mỗi khi nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lòng ta không thể không xúc
động và tự hào bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân
Việt Nam và bạn bè quốc tế, là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam và
là danh nhân văn hoá thế giới đồng thời cũng là một tấm gương đạo đức cách
mạng sáng ngời với “những đức tính quý báu và đạo lý làm người cao cả
nhất”. Nổi bật nhất là đạo đức “Trung với nước, hiếu với dân”; là “Cần, kiệm, liêm, chính, chí
công vô tư”.Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt
Nam, đã được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đồng thời kế thừa tư tưởng đạo đức
phương Đông, những tinh hoa đạo đức của nhân loại; đặc biệt quan trọng là những tư tưởng đạo đức
cũng như những tấm gương đạo đức trong sáng của Mác, Ăngghen, Lênin đã để lại. Đạo đức mới,
đạo đức cách mạng do Hồ Chí Minh đề xướng và cùng Đảng dày công xây dựng, bồi đắp là đạo đức
mang bản chất của giai cấp công nhân, kết hợp với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những
tinh hoa đạo đức của nhân loại.
Sinh ra trong một nhà nho yêu nước, nơi mảnh đất xứ Nghệ “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống
cách mạng, Hồ Chí Minh sớm cảm nhận nỗi đau của thân phận người dân mất nước. Người đã quyết
tâm tìm đường cứu nước: “Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi”. Bao trùm lên cả cuộc đời
hoạt động cách mạng của Người là đạo đức “Trung với nước, Hiếu với dân”. Và đã “Trung với nước,
Hiếu với dân” thì suốt đời tận tuỵ, quên mình phục vụ nước nhà, phục vụ nhân dân. Đây là cái đức
lớn nhất, cái gốc của nhân cách Cụ Hồ, là điều được đồng bào và người nước ngoài đồng thanh ca
ngợi nhất. Trung với nước là trung thành với sự nghiệp giữ nước và dựng nước.
Nước ở đây là nước của dân, còn dân lại là chủ nhân của đất nước. Bao lợi ích đều
vì dân. Bao quyền hạn đều vì dân.Tấm lòng của Bác đối với nước, với dân thật sâu
nặng. Khi rời bến cảng Nhà Rồng, lênh đênh trên đại dương bao la, nỗi nhớ nước
thương nhà vẫn đau đáu trong lòng Bác: “Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ”. Thậm
chí, Bác đau nỗi đau mất nước cả khi ăn, lúc ngắm cảnh:
Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”
Hành trình tìm đường cứu nước thật gian nan: phải làm bồi tàu, phải ăn đói, mặc rét, để chống lại cái
rét của thành Ba-lê, Bác chỉ có một viên gạch hồng bọc trong một tờ báo cũ, phải chịu sự truy lùng
của kẻ thù, bị toà án thực dân xử tử hình, mươi lần thoát khỏi lưu đày và máy chém… Điều gì giúp
Bác vượt qua những thử thách ấy? Đó không phải cái gì khác ngoài khát vọng to lớn, ngoài ham
muốn tột bậc của Người là: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự
do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cả một đời vì nước vì non. Chính vì
vậy mà nhà báo Úc nổi tiếng thế giới Burchett đã có một nhận xét vô cùng sâu sắc: “Nói tới một
người mà cả cuộc đời mình để lại ân tình sâu nặng cho nhân dân thì không có một ai khác ngoài Chủ
tịch Hồ Chí Minh”
Hồ Chí Minh coi đạo đức là nền tảng của người cách mạng, cũng giống như gốc của cây, ngọn nguồn
của sông, của suối. Từ “Trung với nước, hiếu với dân”, Bác đã nêu ra và thực hiện tốt những phẩm
chất đạo đức gắn liền với hoạt động hàng ngày của mọi người. Đó là: cần, kiệm, liêm, chính, chí công
vô tư. Người cách mạng muốn hoàn thành nhiệm vụ cách mạng phải có đủ những đức tính quý báu
đó. Nếu thiếu một trong những đức tính đó thì không thể thành người. Ngay từ rất sớm, năm 1925,
khi dạy lớp cán bộ đầu tiên, Bác đã đặt 23 điều tư cách người cách mạng lên trang đầu của sách
“Đường kách mệnh”. Và Bác đã khẳng định:
Tự mình phải: cần, kiệm. Hoà mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát.
Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không
kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất. Bí mật.
Đối với người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho
người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người.
Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể.
Đối với cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh đã nói, “điều chủ chốt nhất” của đạo đức cách mạng, là
“tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân”, “đặt lợi ích của Đảng lên trên hết”,
“suốt đời đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân” thì mới xứng đáng vừa
là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Bác đã bồi dưỡng phẩm chất cần,
kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và rèn luyện đến độ vững vàng trước mọi thử thách: “Giàu sang
không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”, và có thể”Trợn
mắt coi khinh nghìn lực sỹ, cúi đầu làm ngựa đám nhi đồng”
Suốt 79 tuổi đời, 60 tuổi hoạt động cách mạng, Người luôn rèn luyện mình theo những điều đã răn
dạy mọi người. Cái vĩ đại lớn nhất ở Bác khiến mọi người phải khâm phục là lời nói luôn đi đôi với
việc làm. Bác đã chiến thắng chính mình.
Ta hãy nghe cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét về Bác để thấy cả cuộc đời thanh liêm của
Người: “Cụ Hồ không có cái gì riêng; cái gì của nước của dân là của Người; quyền lợi tối cao của
nước, lợi ích hàng ngày của dân là sự lo lắng hàng ngày của Người; gia đình của Người là đại gia
đình Việt Nam.”Trong suốt 24 năm với cương vị là nguyên thủ quốc gia, đứng ở đỉnh cao của vinh
quang và quyền lực, Hồ Chí Minh vẫn luôn là người: “không công thần, không quyền lực, không kiêu
ngạo, không hủ hoá”. Ký giả Petghi Đaphơ viết: “Cụ Hồ xem khinh mọi vinh hoa và quyền cao chức
trọng. Cụ sống không phải trong Chủ tịch phủ mà trong một căn nhà nhỏ bằng gỗ. Cụ mặc bộ quần áo
ka-ki bạc màu, đi dép lốp cao su. Đây không phải là một hình ảnh nhằm phục vụ mục đích tuyên
truyền hay chính trị; Cụ không phải là một con người như vậy”. Ngay cả phóng viên báo Mỹ cũng
từng viết: “Càng lên cao, Cụ Hồ càng giản dị, trong sạch và luôn luôn gìn giữ những giá trị Việt Nam
vĩnh cửu:tôn kính người già, yêu mến thiếu nhi, coi thường tiền bạc giàu sang”. Đó là nói về việc ở,
việc mặc của Bác, còn việc ăn thì sao? Chúng ta cùng đồng chí Ngọc Châu dự một bữa cơm của Bác-
“Bữa cơm trên đồi thông”: Bữa ăn của Bác thanh đạm lắm. Cá kho sao cho khô đanh. Canh cua đồng
nấu cho vừa, điểm chút rau thơm, rau ghém, quả ớt đỏ, cơm dẻo nóng sốt, là được rồi. Nếu đổi món
thì rau muống luộc cho xanh, trứng luộc hơi lòng đào, thêm mấy quả cà pháo muối kiểu Nghệ”. Bác
giản dị trong suốt cuộc đời của mình . Nhưng, nói như giáo sư Trần Văn Giàu thì: “mấy chục năm
đầu là giản dị bản tính, mấy chục năm sau tính giản dị có nhằm mục đích giáo hoá, làm
gương”.Không phải ngẫu nhiên, trong bài “Thế giới ca ngợi Hồ Chủ Tịch”, cuốn sổ tay tuyên truyền
tháng 4-1980 lại viết: Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị trong sự vĩ đại của mình, ngay kẻ thù tàn bạo
nhất cũng phải thừa nhận đạo đức đó của Người”
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân đầy đủ nhất, cao đẹp nhất cho tinh hoa, khí phách dân tộc Việt.
Đạo đức Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá, là niềm tự hào chính đáng mà toàn Đảng, toàn dân ta
phải giữ gìn, rèn luyện và noi theo. Di sản tinh thần ấy có một giá trị đặc biệt: Đó là sức cảm hoá.
Chúng ta hãy sống như Bác. Sống như trái tim Bác, đập theo nhịp đập lo âu hay phấn khởi của mọi
người. Sống như vầng trán mênh mông của Bác, vượt xa những ràng buộc tầm thường. Sống như đôi
mắt của Bác thấu suốt trong ngoài và chỉ vui khi nhìn được điều vui trong thiên hạ. Hay nói như giáo
sư Trần văn Giàu: “Người ta không thể trở thành Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ mỗi người có thể học
một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn”. Thiết thực kỷ niệm 121 năm ngày sinh nhật Bác, noi
theo tấm gương đạo đức cách mạng của Bác Hồ, chúng ta càng khắc ghi lời dạy của Bác: “Đạo đức
cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát
triển củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Xin mượn 4 câu thơ
sau của Tố Hữu để kết thúc bài thuyết trình này: Bác Hồ đó chiếc áo nâu
giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà
Ta bên Người, Người toả sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút