Tải bản đầy đủ (.pdf) (86 trang)

khảo sát hiệu quả phòng trị của calci clorua, dịch trích lá neem (azadirachta indica) và lá lược vàng (callisia fragrans) đối với nấm aspergillus niger và colletotrichum sp. gây bệnh trên trái cam sành sau thu hoạch

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.18 MB, 86 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA NÔNG NGHIỆP & SINH HỌC ỨNG DỤNG

VÕ TRỌNG KỲ

KHẢO SÁT HIỆU QUẢ PHÒNG TRỊ CỦA CALCI CLORUA,
DỊCH TRÍCH LÁ NEEM (AZADIRACHTA INDICA) VÀ
LÁ LƯỢC VÀNG (CALLISIA FRAGRANS) ĐỐI VỚI NẤM
ASPERGILLUS NIGER VÀ COLLETOTRICHUM SP.
GÂY BỆNH TRÊN TRÁI CAM SÀNH
SAU THU HOẠCH

Luận văn tốt nghiệp Đại học
Ngành: BẢO VỆ THỰC VẬT

Cần Thơ, 2013


TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA NÔNG NGHIỆP & SINH HỌC ỨNG DỤNG

Luận văn tốt nghiệp Đại học
Ngành: BẢO VỆ THỰC VẬT

Tên đề tài:

KHẢO SÁT HIỆU QUẢ PHÒNG TRỊ CỦA CALCI CLORUA,
DỊCH TRÍCH LÁ NEEM (AZADIRACHTA INDICA) VÀ
LÁ LƯỢC VÀNG (CALLISIA FRAGRANS) ĐỐI VỚI NẤM
ASPERGILLUS NIGER VÀ COLLETOTRICHUM SP.
GÂY BỆNH TRÊN TRÁI CAM SÀNH


SAU THU HOẠCH

Giáo viên hướng dẫn:
ThS. Lê Thanh Toàn

Sinh viên thực hiện:
Võ Trọng Kỳ
MSSV: 3103624
Lớp: TT1073A1

Cần Thơ, 2013


TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA NÔNG NGHIỆP & SINH HỌC ỨNG DỤNG
BỘ MÔN BẢO VỆ THỰC VẬT

Chứng nhận luận văn tốt nghiệp với đề tài:

KHẢO SÁT HIỆU QUẢ PHÒNG TRỊ CỦA CALCI CLORUA,
DỊCH TRÍCH LÁ NEEM (AZADIRACHTA INDICA) VÀ
LÁ LƯỢC VÀNG (CALLISIA FRAGRANS) ĐỐI VỚI NẤM
ASPERGILLUS NIGER VÀ COLLETOTRICHUM SP.
GÂY BỆNH TRÊN TRÁI CAM SÀNH
SAU THU HOẠCH
Do sinh viên Võ Trọng Kỳ thực hiện và đề nạp.
Kính trình Hội Đồng chấm luận văn tốt nghiệp xem xét.

Cần Thơ, ngày tháng năm 2013
Cán bộ hướng dẫn


ThS. Lê Thanh Toàn

i


TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA NÔNG NGHIỆP & SINH HỌC ỨNG DỤNG
BỘ MÔN BẢO VỆ THỰC VẬT

Hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp đã chấp nhận luận văn tốt nghiệp Kỹ sư
Bảo vệ Thực vật với đề tài:

KHẢO SÁT HIỆU QUẢ PHÒNG TRỊ CỦA CALCI CLORUA,
DỊCH TRÍCH LÁ NEEM (AZADIRACHTA INDICA) VÀ
LÁ LƯỢC VÀNG (CALLISIA FRAGRANS) ĐỐI VỚI NẤM
ASPERGILLUS NIGER VÀ COLLETOTRICHUM SP.
GÂY BỆNH TRÊN TRÁI CAM SÀNH
SAU THU HOẠCH
Do sinh viên Võ Trọng Kỳ thực hiện và bảo vệ trước Hội Đồng,
ngày…tháng…năm…
Luận văn đã được hội đồng đánh giá ở mức:………………..điểm.
Ý KIẾN HỘI ĐỒNG ................................................................................................
..................................................................................................................................
..................................................................................................................................

Cần Thơ, ngày tháng năm 2013
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG

DUYỆT KHOA NN & SHƯD

CHỦ NHIỆM KHOA

ii


TIỂU SỬ CÁ NHÂN
Họ và tên sinh viên: Võ Trọng Kỳ
Giới tính: Nam
Ngày sinh: 09/02/1992
Dân tộc: Kinh
Nơi sinh: Xã Long Điền A, Huyện Chợ Mới, An Giang.
Quê quán: Ấp Long Thuận II, Xã Long Điền A, Huyện Chợ Mới. An Giang.
Quá trình học tập:
Năm 1998-2003: học tại trường Tiểu học Phù Đổng.
Năm 2003-2007: học tại trường Trung học Cơ sở Long Điền A.
Năm 2007-2010: học tại trường Trung học Phổ thông Châu Văn Liêm.
Năm 2010-2014: học tại trường Đại học Cần Thơ. Chuyên ngành Bảo vệ
Thực vật, khoá 36, khoa Nông nghiệp & Sinh học Ứng dụng, trường Đại học Cần
Thơ.

iii


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của bản thân. Các số liệu, kết
quả nghiên cứu trong luận văn là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất
kỳ công trình luận văn nào trước đây.
Tôi xin cam đoan rằng, mọi sự giúp đỡ cho việc thực hiện luận văn đã được
cám ơn và các thông tin trích dẫn trong luận văn đều được ghi rõ nguồn gốc.


Cần Thơ, ngày tháng năm 2013
Tác giả luận văn

Võ Trọng Kỳ

iv


LỜI CÁM ƠN
Kính dâng cha mẹ người đã dạy dỗ và nuôi dưỡng con trưởng thành trong
thời gian qua, đã giúp đỡ con trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu cùng với
công lao nuôi dưỡng hết sức to lớn, con xin ghi nhớ công ơn vĩ đại này.
Để hoàn thành đề tài tốt nghiệp này, ngoài sự cố gắng, nổ lực của bản thân,
tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình của thầy cô, bạn bè và
người thân.
Trước tiên tôi xin bày tỏ lời cám ơn chân thành và lòng biết ơn sâu sắc tới
PGS.TS. Trần Thị Thu Thuỷ và ThS. Lê Thanh Toàn đã tận tình chỉ bảo, giúp đỡ và
động viên tôi trong quá trình thực hiện đề tài và hoàn thành tốt luận văn này.
Tôi xin gửi lời cám ơn sâu sắc tới thầy cố vấn học tập, quý thầy cô trong
Khoa Nông nghiệp & Sinh học Ứng dụng – những người đã trực tiếp giảng dạy,
trang bị những kiến thức bổ ích trong suốt thời gian học đại học.
Cuối cùng, tôi xin gửi lời cám ơn chân thành đến chị Nguyễn Thị Hàn Ni,
chị Nguyễn Thị Thu Ngọc, anh Nguyễn Thanh Nam và các bạn trong phòng thí
nghiệm phòng trừ sinh học đã giúp đỡ tôi trong suốt quá trình làm luận văn. Các
bạn thuộc lớp Bảo vệ Thực vật khoá 36 đã nhiệt tình giúp đỡ tôi trong suốt thời gian
học tập.

VÕ TRỌNG KỲ

v



VÕ TRỌNG KỲ, 2013. “KHẢO SÁT HIỆU QUẢ PHÒNG TRỊ CỦA CALCI
CLORUA, DỊCH TRÍCH LÁ NEEM (AZADIRACHTA INDICA) VÀ LÁ LƯỢC
VÀNG (CALLISIA FRAGRANS) ĐỐI VỚI NẤM ASPERGILLUS NIGER VÀ
COLLETOTRICHUM SP. GÂY BỆNH TRÊN TRÁI CAM SÀNH SAU THU
HOẠCH”. Luận văn tốt nghiệp kỹ sư ngành Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp &
Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ. Người hướng dẫn khoa học: ThS. Lê
Thanh Toàn.

TÓM LƯỢC
Đề tài “Khảo sát hiệu quả phòng trị của calci clorua, dịch trích lá neem
(Azadirachta indica) và lá lược vàng (Callisia fragrans) trên hai loại nấm
Aspergillus niger và Colletotrichum sp. gây hại trái cam sành sau thu hoạch” được
thực hiện từ tháng 03 năm 2013 đến tháng 12 năm 2013 tại phòng thí nghiệm phòng
trừ sinh học, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp & Sinh học Ứng dụng,
Trường Đại học Cần Thơ nhằm xác định khả năng ức chế của dịch trích thực vật và
CaCl2 đối với nấm Aspergillus niger và Colletotrichum sp. trong điều kiện in vitro
và in vivo.
Kết quả cho thấy dịch trích lá neem và lá lược vàng có hiệu quả ức chế cả hai
loại nấm trong điều kiện in vitro. Dịch trích lá neem ở nồng độ 6%, lá lược vàng 6%
và CaCl2 20 mM cho hiệu quả ức chế sự phát triển sợi nấm Aspergillus niger tốt
nhất ở thời điểm 72 giờ sau thử nghiệm (GSTN). Đối với nấm Colletotrichum sp.,
dịch trích lá neem 6% cho hiệu quả ức chế tốt nhất ở thời điểm 240 GSTN, lược
vàng 4% ức chế sợi nấm tốt nhất ở thời điểm 120 GSTN.
Trong điều kiện in vivo, trên trái có mầm bệnh hiện diện thì việc xử lý dịch
trích lá neem, lược vàng và CaCl2 cho thấy hiệu quả ức chế sự phát triển vết bệnh ở
cả hai loại nấm khảo sát. Tất cả các nghiệm thức này hầu như đều thể hiện hiệu quả
ức chế sự phát triển của vết bệnh do nấm Aspergillus niger gây ra và ổn định qua
các thời điểm khảo sát, hiệu quả ức chế cao nhất của cả ba nghiệm thức ở thời điểm

6 ngày sau xử lý (NSXL). Dịch trích lá neem 6%, lược vàng 4% và CaCl2 20 mM
được xử lý sau khi lây bệnh nhân tạo với nấm Colletotrichum sp. đạt hiệu quả ức
chế sự phát triển vết bệnh ở thời điểm 11 NSXL. Tuy nhiên, đối với mầm bệnh
chưa hiện diện trên trái thì xử lý với dịch trích lá neem, lược vàng và CaCl2 tỏ ra
không hiệu quả ở cả hai loại nấm khảo sát.

vi


MỤC LỤC
Trang
Trang phụ bìa ......................................................................................................... i
Tiểu sử cá nhân ...................................................................................................... iii
Lời cam đoan.......................................................................................................... iv
Lời cảm ơn ............................................................................................................. v
Tóm lược ................................................................................................................ vi
Mục lục .................................................................................................................. vii
Danh sách bảng ...................................................................................................... ix
Danh sách hình ....................................................................................................... x
MỞ ĐẦU................................................................................................................ 1
CHƯƠNG 1. LƯỢC KHẢO TÀI LIỆU ................................................................ 3
1.1 ĐẶC ĐIỂM GIỐNG CAM SÀNH.............................................................. 3
1.2 BỆNH HẠI TRÁI CAM QUÝT SAU THU HOẠCH ................................ 3
1.2.1 Bệnh thối do nấm Aspergillus niger..................................................... 3
1.2.1.1 Đặc điểm sinh học ...................................................................... 3
1.2.1.2 Triệu chứng ................................................................................. 5
1.2.1.3 Điều kiện phát triển .................................................................... 6
1.2.2 Bệnh thối do nấm Colletotrichum sp. .................................................. 6
1.2.2.1 Đặc điểm sinh học ...................................................................... 6
1.2.2.2 Triệu chứng ................................................................................. 7

1.2.2.3 Điều kiện phát triển .................................................................... 8
1.3 MỘT SỐ NGHIÊN CỨU VỀ XỬ LÝ DỊCH TRÍCH VÀ CALCI CLORUA
TRÊN TRÁI CAM QUÝT SAU THU HOẠCH ..................................................... 9
1.4 MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA CÂY NEEM, LƯỢC VÀNG VÀ CALCI
CLORUA ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG THÍ NGHIỆM .......................................... 10
1.4.1 Cây neem .............................................................................................. 10
1.4.1.1 Đặc điểm ..................................................................................... 10
1.4.1.2 Thành phần hóa học ................................................................... 11
1.4.1.3 Công dụng ................................................................................... 12
1.4.2 Cây lược vàng ...................................................................................... 16
1.4.2.1 Đặc điểm ..................................................................................... 13
1.4.2.2 Thành phần hóa học ................................................................... 13
1.4.2.3 Công dụng ................................................................................... 14
1.4.3 Hóa chất CaCl2 ..................................................................................... 15
1.4.3.1 Đặc điểm ..................................................................................... 15
1.4.3.2 Công dụng ................................................................................... 15
CHƯƠNG 2. PHƯƠNG TIỆN – PHƯƠNG PHÁP .............................................. 17
vii


2.1 PHƯƠNG TIỆN THÍ NGHIỆM ................................................................. 17
2.1.1 Dụng cụ, hóa chất và thiết bị thí nghiệm ............................................. 17
2.1.2 Vật liệu thí nghiệm ............................................................................... 17
2.2 PHƯƠNG PHÁP THÍ NGHIỆM ................................................................ 17
2.2.1 Khảo sát ảnh hưởng của nồng độ và thời gian xử lý của CaCl2 và dịch
trích thực vật đến sự phát triển khuẩn ty nấm Aspergillus niger và Colletotrichum
sp. trong điều kiện in vitro ....................................................................................... 17
2.2.2 Đánh giá hiệu quả của việc xử lý CaCl2, dịch trích lá neem và lá lược
vàng trước khi lây bệnh nhân tạo trên trái ............................................................... 19
2.2.3 Đánh giá hiệu quả của việc xử lý CaCl2, dịch trích lá neem và lá lược

vàng sau khi lây bệnh nhân tạo trên trái................................................................... 21
2.2.4 Xử lý số liệu thống kê .......................................................................... 22
CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN ........................................................... 23
3.1 KẾT QUẢ KHẢO SÁT HIỆU QUẢ PHÒNG TRỊ CỦA CaCl2, DỊCH
TRÍCH LÁ NEEM VÀ LÁ LƯỢC VÀNG ĐỐI VỚI NẤM ASPERGILLUS NIGER
GÂY HẠI TRÊN TRÁI CAM SÀNH SAU THU HOẠCH.................................... 23
3.1.1 Khả năng hạn chế của dịch trích lá neem, lá lược vàng và CaCl2 đối với
sự phát triển khuẩn ty nấm trong điều kiện in vitro ................................................. 23
3.1.2 Đánh giá hiệu quả của việc xử lý CaCl2, dịch trích lá neem và lá lược
vàng trước khi lây bệnh nhân tạo trên trái ............................................................... 28
3.1.3 Đánh giá hiệu quả của việc xử lý CaCl2, dịch trích lá neem và lá lược
vàng sau khi lây bệnh nhân tạo trên trái................................................................... 31
3.2 KẾT QUẢ KHẢO SÁT HIỆU QUẢ PHÒNG TRỊ CỦA CaCl2, DỊCH
TRÍCH LÁ NEEM VÀ LÁ LƯỢC VÀNG ĐỐI VỚI NẤM COLLETOTRICHUM
SP. GÂY HẠI TRÊN TRÁI CAM SÀNH SAU THU HOẠCH ............................. 36
3.2.1 Khả năng hạn chế của dịch trích lá neem, lá lược vàng và CaCl2 đối với
sự phát triển khuẩn ty nấm trong điều kiện in vitro ................................................. 36
3.2.2 Đánh giá hiệu quả của việc xử lý CaCl2, dịch trích lá neem và lá lược
vàng trước khi lây bệnh nhân tạo trên trái ............................................................... 42
3.2.3 Đánh giá hiệu quả của việc xử lý CaCl2, dịch trích lá neem và lá lược
vàng sau khi lây bệnh nhân tạo trên trái................................................................... 45
CHƯƠNG 4. KẾT LUẬN – ĐỀ NGHỊ ................................................................... 50
4.1 KẾT LUẬN ................................................................................................. 50
4.2 ĐỀ NGHỊ ..................................................................................................... 50
TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................................................... 51
PHỤ CHƯƠNG ..................................................................................................... 55

viii



DANH SÁCH BẢNG
Tên bảng
Nồng độ CaCl2 và dịch trích thực vật được sử dụng trong thí
nghiệm 1
Đường kính (mm) khuẩn ty của nấm Aspergillus niger trong điều
kiện in vitro
Hiệu quả ức chế (%) sự phát triển khuẩn ty nấm Aspergillus niger
của các loại dịch trích và dung dịch CaCl2 trong điều kiện in vitro
Đường kính (mm) vết bệnh trên trái do nấm Aspergillus niger gây
ra trong điều kiện in vivo

Trang
18

3.4

Hiệu quả ức chế (%) của dịch trích và CaCl2 đối với đường kính
vết bệnh của trái do nấm Aspergillus niger gây ra trong điều kiện
in vivo

30

3.5

Đường kính (mm) vết bệnh trên trái do nấm Aspergillus niger gây
ra trong điều kiện in vivo

32

3.6


Hiệu quả ức chế (%) của dịch trích và CaCl2 đối với đường kính
vết bệnh của trái do nấm Aspergillus niger gây ra trong điều kiện
in vivo

33

3.7

Đường kính (mm) khuẩn ty của nấm Colletotrichum sp. trong điều
kiện in vitro

38

3.8

Hiệu quả ức chế (%) sự phát triển của khuẩn ty nấm
Colletotrichum sp. của các loại dịch trích và CaCl2 trong điều kiện
in vitro

41

3.9

Đường kính (mm) vết bệnh trên trái do nấm Colletotrichum sp.
gây ra trong điều kiện in vivo

42

3.10


Hiệu quả ức chế (%) của dịch trích và CaCl2 đối với đường kính
vết bệnh của trái do nấm Colletotrichum sp. gây ra trong điều kiện
in vivo

44

3.11

Đường kính (mm) vết bệnh trên trái do nấm Colletotrichum sp.
gây ra trong điều kiện in vivo

46

3.12

Hiệu quả ức chế (%) của dịch trích và CaCl2 đối với đường kính
vết bệnh của trái do nấm Colletotrichum sp. gây ra trong điều kiện
in vivo

47

Bảng
2.1
3.1
3.2
3.3

ix


24
25
28


DANH SÁCH HÌNH
Hình
1.1
1.2
2.1
3.1

3.2

3.3

3.4

3.5

3.6

Tên hình
Cây neem
Cây lược vàng
Sơ đồ bố trí thử nghiệm hiệu quả của dịch trích thực vật đối với
nấm gây bệnh sau thu hoạch
Hiệu quả của dịch trích thực vật và hóa chất CaCl2 đối với nấm
Aspergillus niger trên môi trường PDA thời điểm 96 giờ sau khi
thử nghiệm trong điều kiện in vitro

Hiệu quả hạn chế đường kính vết bệnh trên trái của dịch trích thực
vật và hóa chất CaCl2 trước khi lây bệnh nhân tạo với nấm
Aspergillus niger ở các thời điểm trong điều kiện in vivo
Hiệu quả hạn chế đường kính vết bệnh của dịch trích thực vật và
hóa chất CaCl2 sau khi lây bệnh nhân tạo với nấm Aspergillus
niger ở các thời điểm trong điều kiện in vivo
Hiệu quả của dịch trích thực vật và hóa chất CaCl2 với nấm
Colletotrichum sp. trên môi trường PDA thời điểm 240 giờ sau thử
nghiệm trong điều kiện in vitro
Hiệu quả hạn chế đường kính vết bệnh trên trái của dịch trích thực
vật và hóa chất CaCl2 trước khi lây bệnh nhân tạo với nấm
Colletotrichum sp. ở các thời điểm trong điền kiện in vivo
Hiệu quả hạn chế đường kính vết bệnh trên trái của dịch trích thực
vật và hóa chất CaCl2 sau khi lây bệnh nhân tạo với nấm
Colletotrichum sp. ở các thời điểm trong điền kiện in vivo

x

Trang
11
13
19
27

29

35

39


43

48


MỞ ĐẦU
Cam quýt (Citrus spp.) là loại cây ăn trái quý, trồng được ở vùng nhiệt đới và
bán nhiệt đới. Trái cam quýt được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi vì chứa nhiều chất
dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, không những dùng để ăn tươi, chế biến mà còn có
giá trị cao trong y học, nhất là trong trái chứa nhiều vitamin C. Hiện nay, ngoài các
trở ngại trong quá trình canh tác thì việc bảo quản cam quýt sau thu hoạch cũng gặp
không ít khó khăn do trái bị nấm bệnh tấn công trong quá trình tồn trữ làm trái mau
hư (Nguyễn Bảo Vệ và Lê Thanh Phong, 2011). Nấm là tác nhân quan trọng nhất
gây hại trái sau thu hoạch, chúng làm giảm phẩm chất của trái, tạo độc tố gây ngộ
độc cho con người (Abarc và ctv., 1994; Katta và ctv., 1995; trích dẫn từ
Mohammadifar và ctv., 2012). Nghiên cứu của Nguyễn Thị Mỹ Xuyên (2012) đã
xác định có 6 loại nấm gây bệnh cam quýt sau thu hoạch, trong đó nấm gây hại
nghiêm trọng và lây lan nhanh trên cam sành là Aspergillus niger. Theo Nguyễn
Bảo Vệ (2003), trên trái cam sành, nấm Aspergillus sp. có khả năng gây hại mạnh
nhất, kế đến là nấm Colletotrichum sp. Ploetz (2003) cho biết nấm Aspergillus có
khả năng tiết mycotoxin làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Để phòng trị nấm
bệnh trên trái thì thuốc hóa học là một giải pháp được sử dụng phổ biến, tuy nhiên
sử dụng thuốc hóa học gây dư lượng trong trái làm ảnh hưởng đến sức khỏe người
tiêu dùng (Tripathi và Shukla, 2007; Dubey, 2008; trích dẫn từ Mohammadifar và
ctv., 2012). Vì thế, các nhà khoa học đang tìm kiếm những phương pháp mới thay
thế thuốc hóa học nhằm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, trong đó phương
pháp sử dụng dịch trích thực vật là một hướng đi khá triển vọng vì chúng có chứa
các hợp chất có hoạt tính kháng nấm như alkaloid, phenolic, flavonoid và các hợp
chất terpenoid (Mohamed và El- Hadidy, 2008; trích dẫn từ Talibi và ctv., 2011).
Bên cạnh đó, một vài dịch trích thực vật đã được thử nghiệm để phòng trị một số

loại bệnh sau thu hoạch và kết quả cho thấy chúng không những có hiệu quả ức chế
sự nảy mầm của bào tử nấm (Singh và Singh, 1981; Singh, 1983 và Dubey, 1991;
trích dẫn từ Islam và ctv., 2003) mà còn ức chế sự phát triển của sợi nấm (Khair,
1995; trích dẫn từ Islam và ctv., 2003). Lazar và ctv. (2010; trích dẫn từ Nath và
ctv., 2012) đã chứng minh hoạt tính kháng nấm của dịch trích thực vật và tinh dầu
đối với nhiều tác nhân gây bệnh sau thu hoạch bao gồm Botrytis cinerea,
Penicillium spp., Alternaria spp., Aspergillus spp., Monilinia spp., Geotrichum
candidum, Colletotrichum spp. và Fusarium spp. Ngoài ra, Martin-Diana và ctv.
(2007; trích dẫn từ Yu và ctv., 2012) cho rằng calci clorua cũng là một chất được sử
dụng rộng rãi để bảo quản trái và rau quả vì calci là thành phần xây dựng và làm
vững chắc vách tế bào thực vật, giúp duy trì cấu trúc và hình dạng tế bào (Buescher
và Hobson, 1982; Poovaiah, 1986; Mignani và ctv., 1993; Conway và ctv., 1994;
trích dẫn từ Nguyễn Bảo Vệ và ctv., 2012).
1


Chính những khó khăn trong công tác bảo quản sau thu hoạch trên trái cam
sành do nấm bệnh và cùng với những lợi ích của CaCl2 và dịch trích thực vật đem
lại để phòng trị nấm bệnh sau thu hoạch, nên đề tài “Khảo sát hiệu quả phòng trị
của calci clorua, dịch trích lá neem (Azadirachta indica) và lá lược vàng
(Callisia fragrans) đối với nấm Aspergillus niger và Colletotrichum sp. gây hại
trái cam sành sau thu hoạch” đã được thực hiện nhằm tìm ra được nồng độ hiệu
quả nhất của hai loại dịch trích và CaCl2 để phòng và trị hai loại nấm.

2


CHƯƠNG 1
LƯỢC KHẢO TÀI LIỆU
1.1 ĐẶC ĐIỂM GIỐNG CAM SÀNH

Cam sành có tên khoa học là Citrus nobilis var. typica Hassk, thuộc họ
Rutaceae. Cam sành có tán nhỏ, cao khoảng 3-5 m, nhiều cành, mọc yếu, không gai.
Trái tròn hơi dẹp, đường kính 7-8,2 cm, cao khoảng 6-8 cm. Đáy trái và cuống lõm
xuống, vỏ dầy 4-6 mm, xù xì màu xanh hay vàng đỏ khi chín. Bầu noãn có 10-14
ngăn, dễ lột, con tép to nhiều nước, vị ngọt hơi chua. Trái nặng trung bình 3-4
trái/kg. Hột hình trứng, đa phôi, tử diệp trắng (Nguyễn Bảo Vệ và Lê Thanh Phong,
2011).
Theo Trần Thế Tục và ctv. (1998), thì cam sành là một giống lai giữa cam và
quýt, có nguồn gốc từ miền nam Việt Nam. Trái cam sành có hình thức không đẹp
do có vỏ dày thô, sần sùi không hấp dẫn nhưng màu sắc vỏ trái và thịt trái lại rất
đẹp, phẩm vị rất ngon không thua kém bất cứ giống quýt nào trên thế giới.
Trái cam quýt được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi vì chứa nhiều dưỡng chất
cần thiết cho cơ thể nhất là vitamin C (Nguyễn Bảo Vệ và Lê Thanh Phong, 2011).
Ngoài ra, vitamin và chất khoáng có trong trái cam quýt là những chất rất cần cho
sức khỏe con người, giúp chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ, tăng sức đề kháng chống
chịu bệnh tật, còn chứa lượng lớn chất xơ (xenluloze…) giúp cho quá trình tiêu hóa
và bài tiết của cơ thể được dễ dàng (Nguyễn Hữu Đống, 2003). Trái cam quýt là
nguồn dinh dưỡng có giá trị và chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học như
vitamin C, acid folic, chất xơ, carotenoid, tinh dầu, pectin và hợp chất phenolic bao
gồm flavonoid và phenolic acid (Balasumdram và Ejaz, 2006; trích dẫn từ Sayago
và ctv., 2011). Vì vậy, nó cũng được xem như là thực phẩm chức năng cho con
người (Chasquibol, 2003; trích dẫn từ Sayago và ctv., 2011).
1.2 BỆNH HẠI TRÁI CAM QUÝT SAU THU HOẠCH
1.2.1 Bệnh thối do nấm Aspergillus niger
1.2.1.1 Đặc điểm sinh học
Nấm Aspergillus niger thuộc lớp Eurotiomycetes, lớp phụ Eurotiomycetidae,
bộ Eurotiales, họ Trichocomaceae (Wijayawardene và ctv., 2012).
Nấm thuộc chi Aspergillus có cuống đính bào tử thẳng đứng, đơn giản, kết
thúc ở đỉnh là hình một khối cầu căn phồng ra có dạng giống như cái chùy, cuống
đính bào tử mang cành bào đài dạng thể bình ở đỉnh hoặc xòe ra ở đỉnh. Bào tử đơn

bào, hình cầu, không vách ngăn và có màu sắc thay đổi (Barnett và Hunter, 1998).
Tản nấm phát triển trên môi trường Potato Dextrose Agar (PDA) lúc đầu là
những tơ nấm trắng mọc sát môi trường. Ở thời điểm 3 ngày sau cấy (NSC), xuất
hiện đám bào tử màu nâu đến đen nhô lên so với môi trường đó là khi sợi nấm đã
3


sinh bào tử. Tản nấm phát triển theo vòng tròn đồng tâm đạt kích thước đường kính
là 7,3 cm ở 7 NSC, có mép không đều, ở trung tâm có màu đậm và nhô cao hơn so
với vùng xung quanh, do khu vực này bào tử được sinh ra trên cành bào đài đã
trưởng thành. Ngoài rìa là sợi nấm trắng mọc sát môi trường và tiếp tục sinh bào tử
đến khi phát triển đầy đĩa. Khi quan sát dưới kính soi nổi cho thấy cành bào đài có
hình dạng như bông cúc xòe ra. Mặt dưới đĩa Petri có màu vàng nhạt và những vòng
tròn đồng tâm. Tản nấm phát triển đầy đĩa ở giai đoạn 10 NSC, trên môi trường
nuôi cấy nấm không tạo hạch (Nguyễn Thị Mỹ Xuyên, 2012).
Theo Nguyễn Thị Mỹ Xuyên (2012), khi quan sát dưới kính hiển vi quang
học cho rằng sợi nấm không màu, phân nhánh và có vách ngăn. Bào tử có hình cầu
đến gần cầu, đơn bào, màu nâu nhạt, có vách trơn nhẵn, đường kính của bào tử có
kích thước là 5 µm. Trên môi trường nuôi cấy, đôi khi cũng xuất hiện những bào tử
có gai rất nhỏ và khó thấy, mọc xung quanh bào tử không đều tuy nhiên hiếm gặp.
Cành bào đài mọc trực tiếp từ sợi nấm và không có vách ngăn ngang, vách dày trơn
nhẵn và không màu, ở đỉnh có phần phồng ra gọi là túi (bọng). Bọng có hình cầu,
trên bọng có đính các thể bình xung quanh, thể bình có 1 đến 2 tầng thường có dạng
chai. Bào tử được đính trên thể bình xòe ra xung quanh.
Trên môi trường Czapek Yeast Autolysate Agar (CYA), khuẩn lạc nấm
Aspergillus niger có đường kính 60 mm, đôi khi phủ đầy cả đĩa petri. Khuẩn lạc
bằng phẳng, có lông tơ, sợi nấm màu trắng bao phủ một lớp dày đặc với khối bào tử
màu nâu đen đến đen ở đỉnh sợi nấm. Sợi nấm dài 2-3 mm, thường có màu xám
nhạt đôi khi có màu vàng tươi. Khuẩn lạc trên môi trường Malt Extract Agar (MEA)
có đường kính biến đổi từ 30-60 mm thường nhỏ và mọc thưa thớt hơn trên môi

trường CYA. Khuẩn lạc trên môi trường 25% Glycerol Nitrate Agar (G25N) có
đường kính 18-30 mm, phẳng, có lông tơ với sợi nấm màu trắng đến vàng nhạt có
thể thấy được ngoài mép đĩa, các đặc điểm khác đều tương tự như trên môi trường
CYA. Trên môi trường G25N, khuẩn lạc không phát triển ở 50C. Ở 370C, khuẩn lạc
có đường kính 60 mm hoặc phủ đầy cả đĩa, thỉnh thoảng có rãnh, những đặc điểm
khác tương tự như trên môi trường CYA ở 250C (Pitt và Hocking, 2009).
Aspergillus niger có cuống đính bào tử dài 1-3 mm, đính lên bề mặt sợi nấm
râm rạp, trong suốt, trơn láng. Một khối cầu căng phồng, có đường kính 50-75 µm,
cuống đính bào tử nhỏ (metulae) đính chặt chẽ lên cuống đính bào tử lớn và cành
bào đài có dạng thể bình đính lên phía trên bề mặt của cuống đính bào tử nhỏ.
Cuống đính bào tử nhỏ dài 10-15 µm đôi khi có thể dài hơn, cành bào đài dài 7-10
µm, bào tử hình cầu đường kính 4-5 µm, màu nâu, thành bào tử không trơn láng
thỉnh thoảng có nếp nhăn, được chống đở bởi cành bào đài và phồng ra ở đỉnh (Pitt
và Hocking, 2009).
Aspergillus niger van Tiegh có đính bào tử đơn giản, kích thước 740 µm x
10-14 µm, trong suốt hoặc nâu nhạt, thẳng đứng, vách dày, có khối bào tử hình cầu
4


phồng ra ở đỉnh có đường kính 55-75 µm, cành bào đài có dạng thể bình nhọn ở đầu
dài 5-13,8 µm đính lên túi cầu, bào tử được đính thành một chuỗi (khoảng 15 bào tử
trên một chuỗi) trên cành bào đài đơn lẻ, bào tử hình cầu, đơn bào, màu nâu, đường
kính 3,7-4,5 µm và có gai nhỏ (Raper và Fennell, 1965; trích dẫn từ Watanabe,
2001).
Khuẩn lạc nấm Aspergillus niger có màu nâu đen đến đen trên môi trường
agar (Ellis, 1971; trích dẫn từ Ploetz, 2003). Sợi nấm trong suốt hoặc màu vàng nhạt
và rộng 2-4 µm. Cuống đính bào tử trong suốt có dạng thẳng đứng hoặc hơi khúc
khuỷu, thường dài khoảng 3 mm, rộng 15-20 µm. Phần đỉnh của cuống đính bào tử
có một khối túi màu nâu có dạng hình cầu phồng ra và có đường kính 40-70 µm.
Các nhánh của cành bào đài được sắp xếp và đóng chặt chẽ ở đỉnh, dài 20-30 µm và

rộng 5-6 µm. Các nhánh có dạng thể bình đính lên cành đài và mang bào tử, dài 710 µm và rộng 3-3,5 µm. Bào tử có hình cầu, màu nâu, đường kính 3-5 µm, có gai
nhỏ (Ploetz, 2003).
Theo Lê Thu Thủy (2006), Aspergillus không những có những loại men có
năng lực phân giải rất lớn mà còn có khả năng tiết ra các độc tố gây ảnh hưởng xấu
đối với nông sản. Nhất là chúng có thể sinh trưởng và phát triển trong điều kiện áp
suất thẩm thấu cao và ẩm độ thấp nên tính nguy hiểm của nó trong bảo quản nông
sản rất lớn.
1.2.1.2 Triệu chứng
Phần lớn sự thối rữa của trái cam quýt bắt đầu xuất hiện bên trong trái với
khối bào tử màu đen giống như bột khi trái bị cắt ra. Trên vị trí trái cam quýt bị
nhiễm bệnh, vỏ chuyển sang màu vàng nhạt, đặc trưng là có vầng sáng úng nước ở
lớp biểu bì, trên vỏ trái vết bệnh phát triển thành những đốm mềm lõm xuống và
nhũn nước, sau đó vết bệnh tiếp tục phát triển lan ra và mọc lên bào tử màu đen
trông giống như đốm bồ hóng gây hư hại trái rất nặng. Trái bị thối sẽ kèm theo có
mùi hôi chua (Snowdon, 1990; Ladaniya, 2008; Naqvi, 2004).
Đối với trái cam sành, qua quá trình lây bệnh nhân tạo cho thấy nấm chỉ gây
hại phần thân trái. Ở thời điểm 3 ngày sau khi lây bệnh (NSLB), mô bệnh mới thể
hiện triệu chứng điển hình. Vết bệnh có màu nâu, hơi lõm xuống, có viền nhưng
không rõ và khô, ở trung tâm vết bệnh xuất hiện những khối bào tử màu nâu đến
đen dày đặc nhô lên khỏi mô. Đến giai đoạn 5 NSLB, vết bệnh lan ra nhanh chóng,
khối bào tử tại trung tâm vết bệnh xuất hiện ngày càng dày đặc, mô mềm và có viền
rõ, xung quanh khối bào tử là những sợi nấm trắng thưa thớt, chưa hình thành bào
tử mọc sát mô. Sau đó, vết bệnh tiếp tục lan ra theo vòng tròn, mô mềm, nhũn nước
và hơi nhăn lại kèm theo có mùi hôi ở thời điểm 7 NSLB, đồng thời khối bào tử này
phát triển dày đặc hơn nhìn giống như lớp bồ hóng. Bệnh phát triển khá nhanh, khi
trái thối hoàn toàn khối bào tử này bao phủ cả mô trái. Nấm gây thối cả trái ở thời
điểm 10 NSLB (Nguyễn Thị Mỹ Xuyên, 2012).
5



1.2.1.3 Điều kiện phát triển
Nấm hiện diện trong đất và không khí, nhưng hầu như nó chỉ xâm nhiễm vào
trái cam quýt khi gặp nhiệt độ cao hay trái trở nên suy yếu hoặc trái có vết thương,
ở nhiệt độ từ 250C trở lên thì nấm phát triển và lây lan rất nhanh (Snowdon, 1990).
Ladaniya (2008), cho biết nấm Aspergillus niger V. Tieghem xâm nhập vào
mô trái cam quýt qua vết thương nhỏ hoặc các vết bầm tím. Độ ẩm tương đối và
nhiệt độ cao giúp gia tăng sự phát triển của nấm. Nhiệt độ thuận lợi nhất cho sự phát
triển của nấm là 25-400C. Ở nhiệt độ 30-350C, nấm gây thối và lây lan rất nhanh. Ở
điều kiện tồn trữ lạnh hoặc nhiệt độ bảo quản dưới 150C thì nấm ngừng tăng trưởng.
Nhiệt độ tối thiểu để nấm Aspergillus niger phát triển là 6-80C, tối đa là 45470C và tối hảo là 35-370C (Panasenko, 1967; Leory và ctv., 2006b; trích dẫn từ Pitt
và Hocking, 2009). Tuy nhiên, Năm 2005, Palacios-Cabrera và ctv. (trích dẫn từ
Pitt và Hocking, 2009), đã chứng minh được ở điều kiện nhiệt độ 80C, nấm không
phát triển trên 3 môi trường khác nhau. Aspergillus niger là một loại nấm ưa khô:
Năm 1966, Ayerst đã báo cáo nấm có thể nảy mầm với giá trị aw = 0,77 ở 350C
(Pitt và Hocking, 2009). Aspergillus niger có thể phát triển ở pH = 2 khi aw giá trị
cao (Pitt, 1981; trích dẫn từ Pitt và Hocking, 2009).
1.2.2 Bệnh thối do nấm Colletotrichum sp.
1.2.2.1 Đặc điểm sinh học
Nấm Colletotrichum sp. thuộc lớp Sordariomycetes, lớp phụ
Hypocreomycetidae, bộ Glomerellales, họ Glomerellaceae (Wijayawardene và ctv.,
2012). Ngoài kí chủ là cam quýt thì nấm còn gây hại trên các loại trái trong quá
trình tồn trữ như bơ, sa kê, khế, mãng cầu xiêm, ổi, táo đường, sầu riêng, mít, đu đủ,
chôm chôm, vú sữa, vải và xoài (Ploetz, 2003). Theo Sutton (1980; trích dẫn từ Pitt
và Hocking, 2009) thì viện International Mycological Institute Herbarium (IMIH)
đã ghi nhận nấm Colletotrichum gloeosporioides gây hại 470 loài kí chủ khác nhau,
nấm này là nguyên nhân gây bệnh thán thư trên các loài trái cây nhiệt đới và ôn đới
trong quá trình tồn trữ (Snowdon, 1990; Pitt và Hocking, 2009).
Qua các đặc điểm mô tả của Nguyễn Thị Mỹ Xuyên (2012) về triệu chứng
bệnh, màu sắc của tản nấm, đặc điểm của bào tử, gai cứng và đĩa áp của loài
Colletrotrichum sp. đã xác định đây là loài nấm thuộc dạng 2 của nấm

Colletotrichum gloeosporioides gây bệnh thán thư phổ biến trên cây cam quýt.
Theo Barnett và Hunter (1998) thì đĩa đài của nấm Colletotrichum có dạng
tròn, có kết cấu như sáp, nằm dưới biểu bì, màu đen, có các gai nằm ở rìa hoặc giữa
các cuống đính bào tử. Cuống đính bào tử đơn giản, có dạng thon dài, bào tử trong
suốt, không vách ngăn, dạng trứng hoặc dạng thuôn có khi cong như hình liềm. Giai
đoạn hữu tính của nấm là Glomerella.
Theo Nguyễn Thị Mỹ Xuyên (2012) thì trên môi trường nuôi cấy sợi nấm
không màu, có vách ngăn và phân nhánh khi già sợi nấm chuyển sang màu nâu. Bào
6


tử đơn bào, không màu, có giọt dầu ở giữa, hình dạng thay đổi, hình trụ 2 đầu nhọn
hoặc hình trụ có một đầu 1 đầu nhọn, đôi khi quan sát thấy bào tử có dạng hơi thắt
eo ở giữa, nhưng phổ biến là bào tử có hình trụ 2 đầu nhọn. Kích thước của bào tử
là 5,0-7,5 x 12,5-17,5 μm. Bào tử đính trực tiếp từ sợi nấm. Trong nuôi cấy trên
lame, ở giai đoạn 3 ngày nấm bắt đầu có sự hình thành đĩa áp, đĩa áp có nhiều hình
dạng như hình trứng ngược, đôi khi có hình thùy hoặc hơi cầu, màu nâu đậm, đĩa áp
được sinh trực tiếp từ sợi nấm. Chiều rộng của đĩa áp có kích thước là 5,0-10,0 μm
và chiều dài 7,5-15,0 μm. Trên môi trường nuôi cấy nấm có sự hình thành gai khi
để trong điều kiện ánh sáng cận cực tím 10 ngày lúc này gai được hình thành rất
nhiều. Gai có hình gậy, thẳng và nhọn ở đỉnh, màu nâu, có 1-4 vách ngăn, gai được
hình thành đơn lẻ hay từng cụm trong những hạch màu đen trên đĩa cấy. Chiều dài
của gai đạt kích thước 50,0-95,0 μm.
Trên môi trường CYA và MEA, khuẩn lạc nấm Colletotrichum
gloeosporioides có đường kính khoảng 60 mm, đôi khi phủ đầy đĩa Petri, với lớp
sợi nấm có màu cam hoặc xám phát triển dày đặc, các cấu trúc đĩa đài cũng được
hình thành trên môi trường, có kích thước 500 µm, tại những vị trí mà đĩa đài hình
thành nấm có màu xám nhạt, cam nhạt hoặc cam. Trên môi trường G25N, khuẩn lạc
có đường kính 2-5 mm nhỏ hơn trên môi trường CYA và MEA và có màu xám nhạt
đến đen. Nấm Colletotrichum gloeosporioides có cấu trúc sinh sản phân tầng, đĩa

đài có nắp, mở không đều, chứa cành bào đài đơn lẻ, cành bào đài gằn chặt chẽ vào
đĩa đài, kích thước không đều, bào tử được sinh đơn lẻ, hình trụ tròn ở đỉnh, không
vách ngăn, trong suốt, trơn láng và có kích thước 12-18 x 3-3,5 µm (Pitt và
Hocking, 2009).
Trên môi trường PDA, nấm hình thành khuẩn lạc có màu hơi trắng hoặc xám
đen (Holliday, 1980; Jeffries, 1990; trích dẫn từ Ploetz, 2003). Bào tử trong suốt,
đơn bào, kích thước 7-20 x 2,5-5 µm, có hình trụ tròn ở đỉnh tù hoặc hình elip có
đỉnh tròn và hẹp dần ở đỉnh. Bào tử được hình thành trên cuống đính bào tử màu
nâu sáng nằm trên tầng phân sinh bào tử (đĩa đài). Đĩa đài phát triển ở vết thương
trên lá, nhánh và trái. Bào tử trên đĩa đài vẫn tồn tại được trong một khoảng thời
gian dài, thậm chí dưới điều kiện khí hậu bất lợi. Lông cứng được hình thành từ đĩa
đài có màu nâu, kích thước 4-8 x 200 µm và có từ 2-5 tế bào (Ploetz, 2003).
Theo Phạm Văn Kim (2001), thì nấm Colletotrichum chỉ phát triển ở giữa
các vách của hai tế bào ký chủ, trong quá trình phát triển chúng tiết enzym và độc tố
để phân hủy vách tế bào và nguyên sinh chất của ký chủ.
1.2.2.2 Triệu chứng
Trên trái bưởi, vết bệnh đầu tiên là những chấm nhỏ, tròn màu vàng nhạt.
Sau đó, vết bệnh lớn dần có hình tròn màu vàng đậm. Nơi vết bệnh, da trái bưởi bị
khô sần sùi đôi khi nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau tạo thành vết bất dạng, nơi
vết bệnh bị nứt ra, đôi khi có nhựa chảy ra. Trong điều kiện ẩm độ tương đối vết
7


bệnh khô và có nhiều vòng đồng tâm (Nguyễn Thị Thu Cúc và Phạm Hoàng Oanh,
2002).
Theo Ladaniya (2008), Pitt và Hocking (2009), thì vết thối do nấm
Colletotrichum gloeosporioides trên trái cam quýt thường bắt đầu từ cuống trái hoặc
thân trái làm vỏ trái có màu xám bạc đến nâu và hơi lõm xuống so với mô khỏe. Vết
bệnh tương đối khô ráo, vỏ bị hư hỏng và teo tóp lại, phát triển nhanh khi chín, vết
thương có thể phát triển với khối bào tử trên trái có màu hồng nhạt.

Trên trái cam sành, qua quá trình quan sát nhận thấy nấm gây hại cả phần
thân trái và cuống trái. Ở phần thân trái, vào thời điểm 5 NSLB, mô bệnh bắt đầu
biểu hiện triệu chứng, mô bệnh chuyển sang màu vàng nâu, lõm và khô, trên vết
bệnh xuất hiện những sợi nấm trắng và thưa, mọc sát mô, đồng thời cũng thấy được
những vòng tròn đồng tâm. Trên vết bệnh xuất hiện những ổ nấm màu đen khá
nhiều. Vết bệnh lan ra khá chậm ở những ngày kế tiếp và phát triển thành một vòng
tròn có viền đậm, sau đó ngưng lại. Tại tâm vết bệnh xuất hiện rãi rác khối bào tử
màu cam. Trên cuống trái, vết bệnh biểu hiện chậm hơn, ở giai đoạn 8 NSLB mô
bệnh biểu hiện mềm, khô và có màu vàng nâu, trên vết bệnh xuất hiện lớp nấm
trắng mọc sát mô và thưa thớt. Vết bệnh lan từ cuống trái ra xung quanh nhanh
chóng, trên cuống trái có những ổ nấm màu nâu đến đen được hình thành, nấm gây
thối rất chậm. Thông thường nấm xâm nhiễm qua vết thương là chủ yếu (Nguyễn
Thị Mỹ Xuyên, 2012).
1.2.2.3 Điều kiện phát triển
Bào tử của nấm Colletotrichum có thể lây lan đến trái do mưa, gió và côn
trùng. Nấm có thể tồn tại trong trạng thái không hoạt động (đĩa áp không nảy mầm)
trên bề mặt trái còn non. Trong trái chín, ethylene là nguyên nhân làm cho đĩa áp
nảy mầm, vì vậy mà nấm có thể xâm nhiễm cả trái còn nguyên vẹn hoặc mô trái
khỏe khi trái chín. Brown (1992; trích dẫn từ Ladaniya, 2008) cho biết ethylene đã
được chứng minh là tăng cường sự nảy mầm của bào tử trên vỏ trái. Một vài loài có
múi, đặc biệt là quýt và các giống lai của nó thường nhạy cảm với sự xâm nhiễm
này (Ladaniya, 2008).
Ở nhiệt độ 50C hoặc 370C, bào tử nấm Colletotrichum gloeosporioides sẽ
ngừng phát triển và không nảy mầm. Nấm Colletotrichum gloeosporioides không
nhạy cảm trong điều kiện tồn trữ có nồng độ CO2 10-13% và O2 3-7% (Wade và
ctv., 1993; trích từ Pitt và Hocking, 2009).
Bào tử là một bộ phận quan trọng nhất trong quá trình xâm nhiễm bệnh
(Jeffries, 1990; trích dẫn từ Ploetz, 2003). Chúng được sản xuất khắp các mô kí chủ
và được phát tán chủ yếu do mưa. Nhiệt độ trung bình 25-300C và điều kiện tương
đối khô thì bào tử nấm nảy mầm, hình thành ống mầm và xâm nhiễm tốt nhất

(Ploetz, 2003).
8


1.3 MỘT SỐ NGHIÊN CỨU VỀ XỬ LÝ DỊCH TRÍCH VÀ CALCI CLORUA
TRÊN TRÁI CAM QUÝT SAU THU HOẠCH
Dịch trích của 43 loài thực vật được thu thập từ các vùng khác nhau của phía
Nam Ma-rốc đã được thử nghiệm hoạt tính trong điều kiện in vitro và in vivo để
phòng trị nấm Geotrichum candidum gây bệnh thối chua trên trái cây có múi sau thu
hoạch. Kết quả cho thấy rằng trong 43 loại thực vật được thử nghiệm thì dịch trích
dạng bột các loài Rubus ulmifolius, Ceratonia siliqua, Cistus monspeliensis và
Halimium umbellatum thể hiện sự ức chế hoàn toàn (100%) sự phát triển của sợi
nấm Geotrichum candidum. Ngoài ra, dịch trích dạng bột của các loài Cistus
villosus, Pistacia atlantica, Halimium antiatlanticum, Inula viscosa, Ighermia
pinifolia và Hammada scoparia cũng thể hiện hiệu quả chống lại nấm Geotrichum
candidum với phần trăm ức chế sợi nấm hơn 80%. Dịch trích dạng lỏng từ thực vật
Halimium antiatlanticum (nồng độ 2,5 và 5 mg/ml) và Cistus villosus (nồng độ 5
mg/ml) đã thể hiện hoạt tính mạnh nhất, ức chế hoàn toàn sự nảy mầm của bào tử.
Tỷ lệ nhiễm bệnh thối chua trên quýt giảm khi xử lý với dịch trích dạng lỏng của C.
villosus (44,44%) và H. antiatlanticum (46,30%) so với đối chứng (98,15%).
Nghiên cứu này đã chứng minh được rằng dịch trích thực vật có khả năng hạn chế
được bệnh thối chua (Talibi và ctv., 2011).
Askarne và ctv. (2012) cho biết dịch trích dạng bột của các loài Anvillea
radiata và Thymus leptobotrys đã ức chế hoàn toàn sự phát triển sợi nấm Penicillum
italicum gây thối mốc xanh trên trái cam quýt sau thu hoạch ở nồng độ 10% (w/v).
Ngoài ra, dịch trích dạng bột của của loài Asteriscus graveolens, Bubonium odorum,
lghermia pinifolia, Inula viscosa, Halimium umbellatum, Hammada scoparia,
Rubus ulmifolius, Sanguisorba minor và Ceratonia silliqua cũng thể hiện hiệu quả
chống lại Penicillum italicum với phần trăm ức chế sự phát triển sợi nấm hơn 75%.
Dịch trích dạng lỏng của các loài Asteriscus graveolens, Bubonium odorum và

Halimium umbellatum đã ức chế hoàn toàn sự nảy mầm của bào tử ở nồng độ 10
mg/ml. Tỷ lệ nhiễm bệnh thối mốc xanh trên trái cam giảm khi xử lý với dịch trích
dạng lỏng của H. umbellatum (5%) và I. viscosa (25%) so với đối chứng (98%).
Dịch trích dạng lỏng từ các loài thực vật Chuquiraga atacamesis,
Parastrephia phyliciformis và Parastrephia lepidophylla đã ức chế sự phát triển của
nấm Penicilum digitatum, trong khi dịch trích Parastrephia lepidophylla ức chế
Geotrichum citri-aurantii gây bệnh thối trên cam quýt sau thu hoạch. Dịch trích của
loài Parastrephia lepidophylla ức chế 100% sự hình thành bào tử và sự phát triển
của sợi nấm ở nồng độ 300 mg/l của hai loài nấm Penicilum digitatum và
Geotrichum citri-aurantii (Sayago và ctv., 2011).
Plooy và ctv. (2009) đã tiến hành thử nghiệm trong điều kiện in vitro, sử
dụng tinh dầu của hai loài thực vật Lippia scaberrima và Mentha spicata để phòng
trị nấm Penicillium digitatum gây thối mốc xanh trên trái cam ‘Tomango’. Kết quả
9


cho thấy ở nồng độ 3000 µl/l, tinh dầu của cả hai loài thực vật đều ức chế hoàn toàn
sự phát triển của sợi nấm Penicillium digitatum trên môi trường MEA (malt extract
agar) sau 6 ngày ủ và tồn trữ ở 230C.
Xử lý kết hợp sáp của cây cọ sáp và tinh dầu của cây Lippia scaberrima trên
trái cam ‘Tomango’ khi chưa có mầm bệnh Penicillium digitatum hiện diện và có
mầm bệnh hiện diện. Kết quả cho thấy sau 6 ngày xử lý và tồn trữ ở 210C trên trái
chưa có mầm bệnh thì trái không bị nhiễm bệnh trong khi đối chứng nhiễm bệnh
100%, đối với trên trái đã có mầm bệnh hiện diện thì trái chỉ bị nhiễm 5% trong khi
đối chứng nhiễm 100% (Plooy và ctv., 2009).
Sukorini và ctv. (2013), chứng minh rằng sự kết hợp giữa nấm men Candida
utilis TISTR 5001 và dịch trích của thực vật Eugenia caryophyllata đã cho thấy
giảm được tỷ lệ nhiễm bệnh và mức độ nhiễm bệnh nấm mốc xanh do nấm
Penicilium digitatum gây ra trên trái cam quýt sau thu hoạch. Sự kết hợp giữa nấm
men và dịch trích thực vật trên không những giúp giảm được tỷ lệ nhiễm bệnh mốc

xanh tự nhiên của trái mà còn không ảnh hưởng đến chất lượng của trái.
Hiệu quả của các loại muối như sodium bicarbonate, sodium carbonate, sodium
silicate, potassium bicarbonate, potassium carbonate, potassium sorbate, calcium
chloride và calcium chelate đã được nghiên cứu để chống lại bệnh thối trên trái cam
quýt trước và sau thu hoạch. Kết quả cho thấy rằng khi kết hợp xử lý trước và sau
thu hoạch thì tất cả các loại muối trên ở nồng độ 2% đều thể hiện hiệu quả giảm
được bệnh thối so với đối chứng (Youssef và ctv., 2012).
1.4 MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA CÂY NEEM, LƯỢC VÀNG VÀ CALCI
CLORUA ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG THÍ NGHIỆM
1.4.1 Cây neem
Tên khoa học: Azadirachta indica A. Juss. Thuộc họ: Xoan – Sầu đâu
(Meliaceae).
1.4.1.1 Đặc điểm
Theo mô tả của Đỗ Tất Lợi (2004), các loài cây thuộc họ xoan thường cao to,
có thể đạt tới 25-30 m nhưng thông thường chỉ thấy 10-15 m. Vỏ thân xù xì, nhiều
chỗ lồi lõm, với nhiều vết khía dọc. Lá mọc cách 2-3 lần kép lông chim lẻ. Chiều
dài toàn bộ lá có thể tới 60-100 cm, chiều rộng toàn bộ lá 40-60 cm. Lá chét dài 7-8
cm, rộng 2-3 cm. Cuống lá chét ngắn, mép khứa răng cưa nông, mặt dưới lá và
cuống có lông hình khiên. Cụm hoa có 4-5 lá đài, 4-5 cánh hoa màu tím nhạt, ống
nhị màu tím. Bầu 4-5 lá noãn. Xoan ra trái vào tháng 3, chín vào tháng 12. Khi còn
nhỏ non màu xanh, khi chín có màu vàng. Trong quả chứa nhiều hạt màu nâu nhạt.
Cây neem có dạng thân gỗ, vỏ trên thân có màu xám đến xám đen, gồ ghề,
nứt nẻ. Bề mặt bên trong vỏ có xơ hơi hồng nâu. Cây có thể phát triển lên tới độ cao
20 m và chu vi 2,5 m. Cành mang lá có chiều dài khoảng 20-40 cm, dày đặc ở phần
cuối của cành và thường có khoảng 7-17 lá. Phiến là mỏng và hẹp, lá dài khoảng 210


7 cm và rộng 1-4 cm, có dạng lông chim lẻ, mọc đối, hình mũi mác, không cân đối,
bìa lá có răng cưa. Bề rộng của phiến lá và mức độ răng cưa ở bìa lá khác nhau từ vị
trí này đến vị trí khác trên cành

(Hình 1.1). Hoa lưỡng tính, rất
nhiều, mọc từ nách lá, ngắn hơn
so với lá. Hoa dài từ 4-5 mm và
có màu trắng hồng. Trái có dạng
hình trứng, hạt hình bầu dục, trái
dài 1-2 cm, khi còn non trái có
màu xanh lá cây trơn láng, khi
chín có màu vàng đến nâu. Trái
có vỏ ngoài mỏng, vỏ giữa chứa
Hình 1.1. Cây neem
một ít chất nhầy có vị hơi ngọt, vỏ
trong cứng bao quanh hạt. Rễ có hai lá mầm và hơn một nữa quần thể rễ có nấm rễ
cộng sinh (Puri, 2006).
1.4.1.2 Thành phần hóa học
Thành phần chủ yếu của cây neem là terpenoid (protolimonoid, limonoid,
pentatriterpenoid và hexatriterpenoid) và không có terpenoid (hydrocarbon, axit
béo, steroid, phenol, Flavonoid) và một số hợp chất khác. Trong đó, thành phần
quan trọng nhất của cây Neem là Azadirachtin (Puri, 2006), năm 1968 Butterworth
và Morgan (trích dẫn từ Puri, 2006) đã phân lập được chất Azadirachtin này.
Hoạt chất nimocinol có cấu trúc là 6α-hydroxyazadirone thuộc nhóm
tetranortriterpenoid đã được phân từ lá neem để làm thuốc giảm đau (Siddiqui và
ctv., 1984). Faizi và ctv. (1988), đã phân lập và xác định được cấu trúc của hai hoạt
chất nimbionone (12-hydroxy-13-methoxypodocarpa-8,11,13-trien-3,7-dione) và
nimbionol (3,12-dihydroxy-13-methoxypodocarpa-8,11,13-trien-7-one) thuộc nhóm
phenolic tricyclic diterpenoid từ vỏ của cây neem để chống lại một số loại vi khuẩn
Gram (-) và Gram (+). Majumder và ctv. (1987), dựa trên phương pháp phân tích
quang phổ đã phân lập được chất nimbidiol thuộc nhóm diterpenoid từ vỏ rễ cây
neem.
Ba hoạt chất margocin, margocinin và margocilin thuộc nhóm tricyclic
diterpenoid được phân lập từ vỏ rễ cây neem và cấu trúc của chúng cũng đã được

xác định lần lược là 8,11,13-abietatrien-3,7-dione, 8,11,13-abietatrien-12,16dihydroxy-3,7-dione và 8,11,13-abietatrien-3β,12-dihydroxy-7-one. Các cấu trúc
này được xác định dựa trên phương pháp phân tích quang phổ. Đây là những hoạt
chất được sử dụng để chống viêm sưng, bệnh bạch cầu ở người, ngoài ra còn kháng
vi sinh vật và côn trùng gây bệnh trồng (Ara và ctv., 1989).
11


1.4.1.3 Công dụng
Hoạt tính của các sản phẩm trích từ Neem đã được báo cáo là chống lại côn
trùng gây hại, kháng nấm, vi khuẩn, virus, tuyến trùng kí sinh cây trồng và sử dụng
làm phân bón trong nông nghiệp (Rashid và ctv., 2004; Rajput và ctv., 2011).
Cây neem được người châu Á sử dụng từ lâu để trị côn trùng và nấm gây
bệnh trên cây trồng. Ngoài ra neem còn được sử dụng để làm thuốc để trị một số
bệnh ở người (Ramos và ctv., 2006). Tinh dầu neem được sử dụng rộng rãi để
phòng trị một số bệnh truyền thống như giun sán, bệnh phong, táo bón, thấp khớp,
loét, giảm ngứa và các bệnh ngoài da… ở Ấn Độ, Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan,
Malaysia và Indonesia và nó đã có lịch sử hơn 2000 năm (Mitra, 1963; Aggarwal và
Dhawan, 1995; trích dẫn từ Ramos và ctv., 2006).
Theo Puri (2006) thì hoạt chất Azadirachtin được sử dụng để trị nhiều loài
côn trùng gây hại trong nông nghiệp thông qua các cơ chế như làm cho côn trùng bỏ
ăn khi Azadirachtin xâm nhập vào cơ thể, tiếp xúc qua da xâm nhập biểu bì côn
trùng ức chế tổng hợp chitin, chống lột xác, ảnh hưởng hệ thống tuyến nội tiết và
ngăn cản các hoạt động sinh sản của côn trùng.
Dịch trích lá neem và hạt neem được pha với dung môi là nước hoặc
methanol để thử hoạt tính chống lại các loài côn trùng mọt kho như Callosbruchus
maculatus, Sitophilus oryzae và Cylas puncticolis ở điều kiện nhiệt độ 27±20C và
ẩm độ 65±5%. Kết quả cho thấy dịch trích thể hiện hoạt tính chống lại loài
Callosbruchus maculatus và Sitophilus oryzae làm giảm tỷ lệ (%) đẻ trứng và tỷ lệ
(%) phát triển thành thành trùng của 2 loài này, nhưng không có hiệu quả với loài
Cylas puncticolis (Makanjuola, 1989).

Makanjuola (1989) đã thực hiện thí nghiệm tương tự khi sử dụng dịch trích
lá neem và hạt neem pha với dung môi là nước hoặc cồn phun lên trái đậu đũa và
bắp và tồn trữ ở điều kiện nhiệt độ 28±40C và ẩm độ 82±7% khoảng 5 tháng.
Theo nghiên cứu của Ramos và ctv. (2006), thì dịch trích lá neem trên môi
trường YG ở nồng độ 35% đã ức chế 35% sự phát triển của nấm Phytophthora ssp.
gây bệnh thối vỏ trên cây ca cao và ở nồng độ 20-35% ức chế hoàn toàn sự nảy
mầm của bào tử nấm Crinipellis perniciosa gây bệnh chổi rồng trên ca cao.
Dịch trích lá neem cũng được sử dụng để kích kháng chống lại nấm
Alternaria sesami gây bệnh đốm lá trên mè, xử lý dịch trích lá làm gia tăng đáng kể
các chất chuyển hóa trong cây như enzyme phenylalanine ammonialyase (PAL),
peroxidase (PO) và một số hợp chất phenolic khác (Guleria và Kumar, 2006).
Theo Puri (2006) thì dịch trích lá neem cũng được sử dụng để bảo quản và
phòng trị nấm gây bệnh sau thu hoạch. Hasabnis và D’Souza (1987; trích dẫn từ
Puri, 2006) đã thực hiện nghiên cứu tồn trữ trái xoài Alphonso sau thu hoạch bằng
cách nhúng vào dịch trích lá neem và đóng gói bằng sọt tre có phủ lá neem bên
12


dưới. Ali và ctv. (1992; trích dẫn từ Puri, 2006) đã đánh giá hoạt tính của tinh dầu,
dịch trích lá và vỏ trái neem chống lại các nấm Penicillium italicum, Alternaria
alternata và Aspergillus niger gây bệnh thối trên trái. Moline và Locke (1993; trích
dẫn từ Puri, 2006) đã thử nghiệm hoạt tính của dịch trích hạt neem chống lại chống
lại các nấm như Botrytis cinerea, Penicillium expansum và Glomerella cingulata
gây bệnh trên xoài và táo sau thu hoạch. Ngâm táo trong dịch trích lá neem 2% sau
thu hoạch và bảo quản ở 00C trong 4 tháng và có thể giảm thối đến 30% khi giữ ở
nhiệt độ phòng (Hohn và ctv., 1996; trích dẫn từ Puri, 2006).
1.4.2 Cây lược vàng
Tên khoa học: Callisia fragrans (Lindl) Woods. Thuộc họ: Thài Lài
(Commelinaceae).
1.4.2.1 Đặc điểm

Cây lược vàng là loài thực vật mọng nước, sống lâu năm có thân ngắn, dựng
lên, lan rộng, thân cao 1,5 m, phân nhánh, hơi ưởng ẹo cong, từ nách lá mọc ra
những nhánh thân ngang bên, tăng trưởng nhanh (Nguyễn Thanh Vân, 2011;
Nandikar và ctv., 2010) (Hình 1.2). Lá bền dai màu xanh tươi đến màu xanh đỏ
nhạt, tùy thuộc vào cường độ ánh sáng lá chuyển thành màu đỏ tím. Trên những
thân màu tía, xoắn xen kẻ, hẹp và lá dài 15-25 cm x 2,5-5 cm, không cuống, bầu dục
đến mũi giáo rất nhọn ở một điểm.
Phát hoa mau tàn, lẻ tẻ vào đầu
mùa xuân đến mùa thu tùy theo khí
hậu, thân nách lá xanh tím khoảng
10 cm, lá bắc bầu dục, bó hoa nhỏ.
Hoa lưỡng tính 3 cánh và 3 đài, 6
nhụy đực 2 bao phấn và 1 chỉ
nhuyển mang cụm lông ở đầu.
Những hoa nhỏ, họp thành cụm 3 ở
nách lá, màu trắng hồng có mùi
thơm. Trái viên nang nhỏ, tự khai,
Hình 1.2. Cây lược vàng
3 mảnh chứa những hạt rất nhỏ
khoảng 1 mm (Nguyễn Thanh Vân, 2011). Cây lược vàng sinh trưởng và phát triển
tốt trong điều kiện đất giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt, đủ ẩm, ẩm độ không khí
thấp ở ngưỡng 45-60%, nhiệt độ tối thích 20-250C (Đổ Xuân Cẩm, 2009).
1.4.2.2 Thành phần hóa học:
Bằng phương pháp sắc ký 7 hợp chất đã được xác định từ dịch trích của cây
lược vàng là Aloe-emodin, Umbelliferone, Scopolretin, Quercetin, Gallic acid,
Caffeic acid và Chicoric acid (Olennikov và ctv., 2008).
Theo Olennikov và ctv. (2008) đã xác định thành phần hóa học từ dịch trích
của Callisia fragrans gồm Carbohydrates (polysaccharides và glucose tự do),
13



×