Tháng 10 năm 2010, Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi.
Lòng người nao nức, khao khát thời đại mình sẽ đi vào lịch sử để
đất kinh kì có một năm mừng tuổi huy hoàng.
“Thành Đại La... là trung tâm trời đất có thế rồng cuộn hổ ngồi, đã đúng ngôi nam bắc đông tây, lại tiện
hướng nhìn sông dựa núi...”. Gần một nghìn năm trước, vua Lí Công Uẩn đã sáng suốt nhận ra vị trí địa lí
vô cùng linh thiêng của thành Đại La. Và sau đó, trong chuyến thiên đô về mảnh đất này, vị vua khai triều
nhà Lý đã được nhìn thấy hình ảnh rồng bay lên báo trước những điềm lành cho tương lai dân tộc. Sự
kiện đặc biệt ấy đã dẫn đến việc đổi tên của kinh đô mới: từ Đại La chuyển thành Thăng Long (rồng bay
lên).
Từ năm 1010 đến nay, trải qua nhiều thăng trầm và những biến cố lịch sử quan trọng, trong đó có cả
những lần đổi tên: Thăng Long, Đông Đô, kẻ chợ,... rồi Hà Nội, người và đất kinh thành đã khẳng định
được vị thế quan trọng của mình đối với vận mệnh đất nước.
Là một mảnh đất trù phú về tài nguyên, dân cư chăm chỉ, cần cù lại có vị trí địa lí vô cùng đặc biệt nên
dải đất hình chữ S Đại Việt — Việt Nam luôn bị hoạ xâm lăng đe doạ. Nhưng dù trong bất kì cuộc chiến
nào, Thăng Long - Hà Nội cũng chứng tỏ được vị thế trung tâm chính trị của cả nước.
Năm 1258, 1285, 1287, ba lần quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta, ba lần Thăng Long sát cánh cùng
dân tộc đánh đuổi kẻ thù. Vua tôi nhà Trần cùng nhân dân kinh thành di tản kháng chiến thực hiện kế
sách “vườn không nhà trống”, thành Thăng Long cho giặc mượn tạm mình một đêm làm nơi trú ngụ để
đến hôm sau cùng con người quét sạch giặc khỏi bờ cõi. Đến thế kỉ XV, sau những cay đắng ngậm ngùi
phải chứng kiến cảnh giặc Minh giày xéo, năm 1428, sau khúc khải hoàn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn,
thành Đông Quan (tên Thăng Long - Hà Nội khi ấy) vui mừng chứng kiến “Hội thề Đông Quan" binh
tướng nhà Minh làm lễ tế trời đất rút quân khỏi bờ cõi nước ta. Cuối thế kỉ XIX, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn
thắng lợi thống nhất đất nước, đánh tan âm mưu xâm lược nước ta của nhà Thanh. Ngày mùng năm Tết
Kỉ Sửu 1789, thành Thăng Long trong bầu không khí nồng khói thuốc súng và xôn xao tiếng cười, tiếng
nói, niềm vui sướng của nhân dân kinh thành đón chào vị anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ với
cành đào Nhật Tân tươi thắm trên tay.
Năm 1838, đất cố đô được đổi tên thành Hà Nội. Suốt những năm của thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, Hà Nội
không còn là kinh đô của đất nước nhưng vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội - chính trị của
mảnh đất này không ai có thể phủ nhận được. Cũng trong thời gian ấy, Hà Nội cùng nhân dân cả nước
chứng kiến thời kì suy thoái của chế độ phong kiến Việt Nam và cuộc xâm lược tàn bạo của thực dân
Pháp. Những năm tháng đau thương qua đi, khi cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ngày mùng
2 tháng 9, Hà Nội tưng bừng cờ hoa mừng ngày chiến thắng. Nắng Ba Đình như tươi hơn, trời mùa thu
như trong xanh hơn, và người Hà Nội cũng vui tươi hơn bao giờ hết. Sau ngày thu lịch sử ấy, Hà Nội
chính thức trở lại vị trí Thủ đô - trung tâm chính trị của cả nước - lại sát cánh cùng cả nước trong cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược và cuộc kháng chiến chống Mĩ - nguỵ. Lịch sử
kháng chiến của Hà Nội còn ghi nhận những ngày tháng oanh liệt và hào hùng khác: 10/10/1954,
18/12/1972 - 31/12/1972,... Có thể nói, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hà Nội luôn hoàn
thành sứ mạng của một kinh đô - Thủ đô anh hùng.
Không chỉ chứng tỏ vai trò quan trọng của mình trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, Hà Nội còn
khẳng định được vị trí của mình trong thời bình. Dưới triều đại các vua Lí Thánh Tông, Trần Nhân Tông,
Lê Thánh Tông,... Thăng Long - Hà Nội là biểu tượng của sự phát triển, trù phú:
“Đời vua Thái Tổ Thái Tông thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn”.
Điều đặc biệt nữa ở Thăng Long - Hà Nội là trải qua gần một nghìn năm hình thành và phát triển, dù bao
lần bị kẻ thù đồng hoá nhưng đất kinh thành vẫn giữ vững những truyền thống văn hoá tốt đẹp đồng thời
tiếp thu tinh hoa các nền văn hoá khác để làm giàu có, phong phú cho mình. Thăng Long - Hà Nội dưới
thời Lí từng tồn tại tới ba tôn giáo làm nên hiện tượng Tam giáo đồng nguyên vô cùng thú vị: Đạo Nho,
Đạo Phật, Đạo Giáo.
Đặc biệt, từ xa xưa, đây đã là nơi tụ họp của tinh hoa học vấn khắp đất nước. Người kinh kì lấy việc học
hành, tu rèn đạo đức làm trọng. Năm 1079, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học của nước ta, được
xây dựng giữa chốn phồn hoa đô thị này, và từ đó đến nay, địa danh ấy trở thành biểu tượng cho tinh thần
nhân văn, nhân ái và hiếu học của người Thãng Long. Dưới thời vua Lê Thánh Tông, vua từng sáng lập ra
hội Tao đàn với Nhị thập bát tú nêu cao tinh thần yêu chuộng chữ nghĩa văn chương.
Trong lối sống và những phong tục tập quán hàng ngày, con người nơi này cũng tạo ra cho mình những
nét riêng không thể trộn lẫn. Đó là phong cách thanh lịch, nho nhã:
"Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cùng người Tràng An".
Nét thanh lịch ấy thể hiện rất rõ trong cách nói năng, đi đứng, ăn uống của người Tràng An. Họ "đi nhẹ,
nói khẽ”, "ăn trông nồi ngồi trông hướng",... Và họ cũng góp vào cho văn hoá dân tộc những nét đặc sắc
trong trang phục, ẩm thực,... Nổi tiếng nhất phải kể đến món "Phở" làm say lòng mỗi du khách đến nơi
này.
Gần một nghìn năm đã qua đi. Bụi thời gian không làm phai mờ được những chứng tích của một thời huy
hoàng trong lịch sử: "Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời", "Đài Nghiên Tháp Bút chưa mòn", và vẫn
còn đó những Gò Đống Đa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bia chiến thắng B52,... Thăng Long - Hà Nội trở
thành biểu tượng của niềm tự hào về truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tháng 10 năm 2010, Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. Lòng người nao nức, khao khát thời đại
mình sẽ đi vào lịch sử để đất kinh kì có một năm mừng tuổi huy hoàng.
Là những công dân nhỏ tuổi của Thủ đô, chúng em xúc động và tự hào biết bao vì đã được sinh ra và lớn
lên trên mảnh đất đô thành linh thiêng này. Để góp vào đoá hoa mừng tuổi của Thủ đô, chúng em sẽ học
thật tốt, giành nhiều điểm 10 tươi thắm góp phần hương sắc của mình vào vườn hoa rực rỡ ấy.
Trích: Loigiaihay.com