ĐỀ CUONG ÔN TẬP PHẦN VĂN HỌC VIỆT NAM HỌC KÌ I ( LÓP 12)
Câu 1.. Quan điểm sáng tác văn học của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-Hồ Chí Minh xem văn nghệ là một hoạt động tinh thần phong phú và phục vụ có hiệu quả cho sự
nghiệp cách mạng. Người đã xác định vị trí và vai trò to lớn của nghệ sĩ trong sự nghiệp đấu tranh giải
phóng dân tộc và phát triển xã hội. Tinh thần đó đã được Người nói lên trong bài thơ “Cảm tưởng đọc
Thiên gia thi”:
“Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”
Chất thép ở đây chính là xu hướng cách mạng và tiến bộ về tư tưởng là cảm hứng đấu tranh xã hội
tích cực của thơ ca. Quan điểm của Hồ Chí minh là sự tiếp thụ, kế thừa quan điểm dùng văn chương làm
vũ khí chiến đấu trong truyền thống dân tộc và được nâng cao trong thời đại cách mạng vô sản.
-Hồ Chí Minh luôn quan niệm tác phẩm văn chương phải có tính chân thật. Người yêu cầu văn
nghệ sĩ phải “miêu tả cho hay, cho chân thật cho hùng hồn” những đề tài phong phú của hiện thực cách
mạng, phải chú ý nêu gương “ Người tốt, viếc tốt”, uốn nắn và phê bình cái xấu. Nhà văn phải chú ý đến
hình thức biểu hiện, tránh lối viết cầu kì, xa lạ, nặng nề. Hình thức của tác phẩm phải trong sáng, hấp dẫn,
ngôn từ phải chọn lọc, bảo đảm sự trong sáng của tiếng Việt.
- Hồ Chi Minh đặc biệt chú ý đến đối tượng thưởng thức và tiếp nhận văn chương. Văn chương
trong thời đại cách mạng phải coi quảng đại quần chúng là đối tượng phục vụ. Người nêu kinh nghiệm
chung cho hoạt động báo trí và văn chương, mỗi người khi cầm bút cần xác định rõ: Viết cho ai? (Đối
tượng), Viết để làm gì? (Mục đích), Viết cái gì? (Nội dung) và Viết như thế nào? (Hình thức).
Câu 2: Sự nghiệp văn học Hồ Chí Minh
1.Văn chính luận:
- Mục đích: được viết nhằm tấn công trực diện kẻ thù hoặc thực hiện những nhiệm vụ cách mạng
qua những chặng đường lịch sử.
- Tác phẩm tiêu biểu:
+ Các bài báo.
+ Bản án chế độ thực dân Pháp.
+ Tuyên ngôn Độc lập.
+ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
+ Không có gì quý hơn độc lập tự do
+ Di chúc.
- Đặc điểm: giàu chất trí tuệ và tính luận chiến, suốt ½ thế kỉ tấn công trực diện kẻ thù bằng sức mạnh và
ngòi bút. . Mạch văn sắc sảo,thuyết phục.
2. Truyện và kí:
- Tác phẩm tiêu biểu:
Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Đồng tâm nhất trí, Vi hành, Những trò lố hay là Va ren và Phan Bội
Châu, Con rùa, Giấc ngủ 10 năm, Nhật kí chìm tàu…
- Mục đích: Dựa vào sự thật tai nghe mắt thấy và cả hư cấu nghệ thuật để vạch trần tội ác, bản chất
tàn bạo xảo trá của thực dân Pháp và tay sai, đồn thời đề cao tấm gương đấu tranh yêu nước của nhân dân.
- Đặc điểm:
+ Nội dung cô đọng, cốt truyện sáng tạo, kết cấu độc đáo.
+ Mỗi tác phẩm đều có tư tưởng riêng, hấp dẫn, sáng tỏ, ý tưởng thâm thuý,kín đáo, chất trí tuệ toả trong
hình tượng và phong cách giàu tính hiện đại.
3. Thơ ca
- Là lĩnh vực nổi bật nhất trong sáng tạo văn chương Hồ Chí Minh
- Tác phẩm chính:
+ Nhật kí trong tù: 133 bài. Đây là tập thơ tiêu biểu nhất trong di sản thơ ca HCM. , sáng tác khi người bị
chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam 1942-1943. Nội dung : phê phán bộ mặt nhà tù Tưởng Giới
Thạch và xã hội Trung Quốc thời đó, là bức chân dung tự họa thể hiện rõ vẻ đẹp tâm hồn HCM. Nghệ
thuật : sắc thái cổ điển ( bút pháp chấm phá ước lệ, thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật…), tinh thần thời
đại ( hình tượng thơ luôn có sự vận động…)+ Thơ Hồ Chí Minh: 86 bài.
+ Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh: 36 bài.
- Nội dung: + Thể hiện lòng yêu thương con người sâu nặng, khát vọng đấu tranh cho độc lập dân tộc.
+ Ca ngợi thiên nhiên hùng vĩ, phản ánh thời kì hoạt động bí mật, gian khổ nhưng cũng rất
lạc quan, hào hùng.
Câu 3 : Giới thiệu về Phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh
- Văn chính luận: Tư duy sắc sảo, giàu tri thức văn hoá, gắn lí luận với thực tiễn, vận dụng có hiệu
quả nhiều phương thức biểu hiện. Những sáng tác VH của Hồ Chí Minh đều có sự thống nhất giữa cổ điển
và hiện đại, giữa chính trị và nghệ thuật
- Truyện và kí: Chủ động, sáng tạo, chân thực tạo không khí gần gũi. Giọng điệu châm biếm, sắc
sảo, thâm thuý tinh tế, hoà quyện giữa chất trí tuệ và chất hiện đại.
- Thơ ca: Hàm súc, uyên thâm, đạt chuẩn mực cao về nghệ thuật, vận dụng nhiều thể loại, phục vụ
có hiệu quả cho nhiệm vụ cách mạng.
Câu 4: Hoàn cảnh ra đời của “Tuyên ngôn Độc lập” (NAQ-HCM)
-Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Phát xít Nhật, kẻ đang chiếm đóng nước ta lúc bấy giờ đã đầu
hàng Đồng minh.
- 19/8/1945 chính quyền ở thủ đô ở Hà Nội về tay nhân dân. Ngày 23 tháng 8 tại Huế vua Baoe
Đại thoái vị. Ngày 25 tháng 8 , gần 1 triệu đồng bào Sài Gòn-Chợ Lớn quật khởi đứnglên giành chính
quyền. Chỉ không đầy 10 ngày tổng khởi nghĩa và cách mạng tháng 8 thành công..
-26-08-1945, Chủ tịch HCM từ Việt Bắc về thủ đô HN tại căn nhà số 48 ,Hàng Ngang người đã
soạn thảo “Tuyên ngôn Độc lập”
-2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Người thay mặt chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc
lập, khai sinh ra nước Việt Nam DCCH.
-Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn, là lời tuyên bố xóa bỏ chế độ thực
dân phong kiến, là sự khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc ta trên toàn thế giới, là mốc
son lịch sử mở ra kỉ nguyên Độc lập – Tự do trên đất nước ta.
-Tuyên ngôn là một tác phẩm chính luận đặc sắc có sự mạnh và tính thuyết phục, thể hiện ở cách
lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực, ngôn ngữ hùng hồn, đầy cảm xúc.
Câu 5: Nêu đối tượng, mục đích hướng tới của bản “Tuyên ngôn Độc lập”?
• Đối tượng:
-Đồng bào cả nước.
-Nhân dân thế giới.
-Đặc biệt là thực dân Pháp đang lăm le tái xâm lược nước ta.
• Mục đích: (Khẳng bác thể)
-Khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam
-Bác bỏ những luận điệu xảo trá của Pháp và Mĩ trước dư luận Quốc tế
-Thể hiện ý chí gang thép của người Việt Nam, quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc bằng mọi giá.
Câu 6: Bác đã vạch trần luận điệu của thực dân Pháp như thế nào qua Tuyên ngôn Độc lập
1. Cơ sở pháp lý và chính nghĩa của bản Tuyên ngôn Độc lập
- Khẳng định quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con
người. Đó là những quyền không ai có thể xâm phạm đượci.
- Hồ Chủ tịch đã trích dẫn 2 câu nổi tiếng trong 2 bản Tuyên ngôn của Mĩ và Pháp, trước hết là để khẳng
định Nhân quyền và Dân quyền là tư tưởng lớn, cao đẹp của thời đại, sau nữa là “suy rộng ra…” nhằm
nêu cao một lý tưởng về quyền bình đẳng, quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do của các dân tộc
trên thế giới.
- Cách mở bài rất đặc sắc, từ công nhận Nhân quyền và Dân quyền là tư tưởng thời đại đi đến khẳng
định Độc lập, Tự do, Hạnh phúc là khát vọng của các dân tộc. Câu văn “Đó là những lẽ phải không ai chối
cãi được” là sự khẳng định một cách hùng hồn chân lí thời đại: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc, Bình đẳng của
con người, của các dân tộc cần được tôn trọng và bảo vệ.
+ Bác nêu chân lý phổ biến của mọi dân tộc chứ ko chỉ riêng của Pháp Mĩ tạo tính khách quan và cơ
sở pháp lí cho lí lẽ của mình.
+Bác đã dùng một phương pháp luận rất hiệu quả “Gậy ông đập lưng ông”: bác bỏ luận điệu của đối
phương không gì đích đáng hơn và thú vị hơn là dùng lời lẽ của chính họ để phủ định họ.
+ Cách làm này còn thể hiện niềm tự hào dân tộc vì Bác đã đặt 3 bản tuyên ngôn ngang hàng với nhau.
+ Phát triển quyền lợi con người trong 2 bản tuyên ngôn của P&M thành quyền lợi dân tộc. Về lí lẽ, con
người bao giờ cũng tồn tại trong một dân tộc cụ thể nên vấn đề con người, xét đền cũng là vấn đề dân tộc.
Về thực tế, dân tộc VN đang bị đe dọa bởi các lực lượng thù địch nên vế đề dân tộc đang là một vấn đề
bức thiết đồi với người VN lúc ấy đồng thời cũng là mong mỏi lớn nhất của cuộc đời bác.
- Cách mở bài rất hay, hùng hồn trang nghiêm. Người không chỉ nói với nhân dân Việt Nam ta, mà còn
tuyên bố với thế giới. Trong hoàn cảnh lịch sử thời bấy giờ, thế chiến 2 vừa kết thúc, Người trích dẫn như
vậy là để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận tiến bộ thế giới, nhất là các nước trong phe Đồng
minh, đồng thời ngăn chặn âm mưu tái chiếm Đông Dương làm thuộc địa của Đờ Gôn và bọn thực dân
Pháp hiếu chiến, đầy tham vọng.
2.Bản cáo trạng tội ác thực dân Pháp.
- Với những dẫn chứng đa dạng, phong phú vốn là những sự thật hiển nhiên, Bác đã buộc tội kẻ thù
rất hùng hồn, đanh thép qua những phương diện cơ bản: KT, CT, VH, Ngoại giao… bằng phương pháp
tương phản đầy sức thuyết phục. Cái hay của pp tương phản là Bác không cần nói ra mà bản chất xấu xa
của thực dân Pháp cứ lồ lộ hiện ra.
- Năm tội ác về chính trị:
1- tước đoạt tự do dân chủ,
2- luật pháp dã man, chia để trị,
3- chém giết những chiến sĩ yêu nước của ta,
4- ràng buộc dư luận và thi hành chính sách ngu dân,
5- đầu độc bằng rượu cồn, thuốc phiện.
- Năm tội ác lớn về kinh tế:
1- bóc lột tước đoạt,
2- độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng,
3- sưu thuế nặng nề, vô lý đã bần cùng nhân dân ta,
4- đè nén khống chế các nhà tư sản ta, bóc lột tàn nhẫn công nhân ta,
5- gây ra thảm họa làm cho hơn 2 triệu đồng bào ta bị chết đói năm 1945.
- Chúng lên tiếng bảo hộ Việt Nam những thực tế trong vòng 5 năm (1940 – 1945) thực dân Pháp đã
hèn hạ và nhục nhã “bán nước ta 2 lần cho Nhật”.
- Chúng rêu rao tự do bình đẳng nhưng thực tế lại cướp nước ta, áp bức đồng bào ta, dìm các cuộc
khởi nghĩa của ta trong bể máu.Thẳng tay khủng bố Việt Minh; “thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn
nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”.
- Chúng khoe công khai hóa VN nhưng thực tế lại đầu độc dân ta bằng chính sách ngu dân, rượu cồn,
thuốc phiện.
- Chúng tuyên bố Đông Dương là thuộc địa của chúng, nay phải trở về tay chúng nhưng từ mùa thu
năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Nhân dân ta đã
nổi dậy giành chính quyền khi Nhật hàng Đồng minh. Như vậy. chúng ta đã lấy lại VN từ tay Nhật chứ
ko phải từ tay Pháp. Luận điểm này vô cùng quan trọng về mặt pháp lí dẫn tới sự phủ nhận triệt đề mọi đặc
quyền, đặc lợi của thực dân Pháp ở VN.
Hệ thống lí lẽ và dẫn chứng ở trên đã vạch ra một cách sâu sắc bản chất của thực dân Pháp: giả dối,
phản trắc, lọc lừa, có tội chứ không có công với người VN.
Câu 7: Lời tuyên bố độc lập trong bản “Tuyên ngôn Độc lập” có giá trị như thế nào ?
• Đối với kẻ thù:
Thoát li hẳn với thực dân Pháp
Xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp kí với VN
Xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên VN
3 lời tuyên bố với mức độ tăng dần, từ ngữ hết sức chặt chẽ
• Đối với nhân dân Việt Nam:
Họ xứng đáng được hưởng độc lập, tự do
+ Dũng cảm chiến đầu và hy sinh biết bao xương máu chiến đấu cho nền độc lập tự do. Sự khẳng định
rất hùng hồn thể hiện niềm tự hào dân tộc bằng một loạt phép điệp từ đầy tính hùng biện: “Một dân tộc đã
gan góc” (điệp 2 lần), “dân tộc đó phải được”(điệp 2 lần).
+ Đứng về phe đồng minh chống phát xít
+ Nêu cao lá cờ bác ái
Nền độc lập ấy được bảo vệ bằng ý chí lớn của người VN. Bác đã khẳng định “Toàn thể dân tộc
VN…nền tự do độc lập ấy” bộc lộ sức mạnh vô địch của tình cảm yên nước của người VN trong
truyền thống giữ nước quý báu mà Bác đã từng ca ngợi.
Bác cũng kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân thế giới
Khẳng định một lần nữa sự thật nước VN đã thành một nước tự do và độc lập.
Câu 8*: Giá trị thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu được Phạm Văn Đồng phản ảnh như thế nào
qua văn bản “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc”? (Liên hệ với hoàn cảnh
lịch sử đất nước, hoàn cảnh gia đình nhà thơ)
1. Nêu vấn đề
- Đánh giá so sánh Nguyễn Đình Chiểu là:
+ Ngôi sao có ánh sáng khác thường: ánh sáng đẹp nhưng chưa quen nhìn nên khó thấy
+ Phải chăm chú nhìn mới thấy và càng nhìn càng thấy sáng: phải dày công nghiên cứu thì mới thấy.
Luận đề: Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ yêu nước mà các tác phẩm của ông là những trang bất hủ ca
ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta, một tác giả cần được nghiên cứu đề cao hơn nữa.
Tác giả đã vào đề một cách trực tiếp, thẳng thắn, độc đáo: nêu vấn đề một cách trực tiếp và lí giải nguyên
nhân với cách so sánh cụ thể, giàu tính hình tượng. Đó cũng là cách đặt vấn đề khoa học, sâu sắc vừa
khẳng định được vị trí của Nguyễn Đình Chiểu vừa định hướng tìm hiểu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu .
2. Giải quyết vấn đề:
a. Luận điểm 1: Cuộc đời, con người và quan niệm sáng tác thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu.
- Hoàn cảnh sống: nước mất nhà tan, mang thân phận đặc biệt: mù cả hai mắt.
- Con người: nhà nho yêu nước, vì mù mắt nên hoạt động chủ yếu bằng thơ văn; nêu cao tấm gương anh
dũng, khí tiết, sáng chói về tinh thần yêu nước và căm thù giặc sâu sắc.
- Quan niệm sáng tác: dùng văn chương làm vũ khí chiến đấu, ca ngợi đạo đức, chính nghĩa.
Quan niệm văn chương của Nguyễn Đình Chiểu hoàn toàn thống nhất với quan niệm về lẽ làm người.
b. Luận điểm 2: Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu.
- Tái hiện một thời đau thương, khổ nhục mà vĩ đại của đất nước, nhân dân.Thơ văn NĐC đã bám sát
đời sống lịch sử đấu tranh của nhân dân Nam Bộ, có hơi thở nóng bỏng của tình cảm yêu nước thuơng
nòi. Đó cũng là cách khẳng định NĐC xứng đáng là một ngôi sao sáng .
- Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi những người anh hùng suốt đời tận trung với
nước, than khóc cho những người đã trọn nghĩa với dân.
Luận chứng: Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc là một đóng góp lớn
+ Khúc ca của người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang
+ Lần đầu tiên, người nông dân di vào văn học viết, là hình tượng nghệ thuật trung tâm.
- Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu không chỉ có sức nặng đấu tranh mà còn đẹp ở hình thức,
có những đóa hoa, hòn ngọc rất đẹp...
Văn chương NĐC tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh của thời đại, có sức cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc
chiến đấu chống thực dân.
c. Luận điểm 3 :Truyện Lục Vân Tiên.
- Là “một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người
trung nghĩa.
- Không phủ nhận những hạn chế của tác phẩm: giá trị luận lí mà NĐC ca ngợi, ở thời đại chúng ta, theo
quan điểm chúng ta thì có phần đã lỗi thời”, hay văn chương của LVT “có những chỗ lời văn không hay
lắm”.
- Khẳng định tư tưởng, thế giới nhân vật, về nghệ thuật trong truyện LVT có những điểm mạnh và giá trị
riêng: tư tưởng nhân-nghĩa-trí-dũng; nhân vật gần gũi với nhân dân, từ nhân dân mà ra: dũng cảm, đấu
tranh không khoan nhượng cho chính nghĩa; nghệ thuật kể truyện nôm dễ hiểu dễ nhớ, dễ truyền bá dân
gian, thậm chí có cả những lời thơ hay.
Cách lập luận đòn bẩy, bắt đầu lập luận là một sự hạ xuống, nhưng đó là sự hạ xuống để nâng lên;
xem xét LVT trong mối quan hệ mật thiết với đời sống của nhân dân.
3. Kết thúc vấn đề:
- Khẳng định vị trí của NĐC trong lịch sử VH, trong đời sống tâm hồn dân tộc và trong cuộc kháng
chiến chống Mĩ
- Tỏ niềm tiếc thương thành kính.
Vừa có tác dụng khắc sâu, vừa có thể đi vào lòng người niềm xúc cảm thiết tha.
Câu 9 : Ý nghĩa nhan đề bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng
-Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập đầu năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào,
bảo vệ biên giới Việt – Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào cũng như miền tây
Bắc Bộ Việt Nam. Địa bàn đóng quân và hoạt động của đoàn quân Tây Tiến khá rộng, bao gồm các tỉnh
Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền tây Thanh Hóa và cả Sầm Nưa ( Lào). Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là
thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên chiến đấu trong những hoàn cảnh rất gian khổ, vô
cùng thiếu thốn về vật chất, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội. Tuy vậy, họ sống rất lạc quan và chiến đấu rất
dũng cảm. Đoàn quân Tây Tiến, sau một thời gian hoạt động ở Lào, trở về Hòa Bình thành lập trung đoàn
52.
-Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa bao lâu, tại Phù
Lưu Chanh, Quang Dũng viết bài thơ Nhớ Tây Tiến.Tây Tiến có nghĩa là tiến về miền Tây, nơi đoàn quân
đang dốc hết sức mình bảo vệ tổ quốc và giúp sức cho đất nước bạn.
Câu 10: Con đường hành quân gian khổ của binh đoàn Tây tiến được Quang Dũng miêu tả như
thế nào? Phân tích kĩ những biện pháp nghệ thuật đặc sắc.
Bức tranh thiên nhiên ở miền Tây lần lượt hiện ra qua khung cảnh, địa bàn hoạt động. Đoàn
binhTây Tiến phải trải qua một đoạn đường hiểm trở trên một địa bàn rộng với các địa danh Sài Khao,
Mường Lát, Pha Luông, Mai Châu
Dốc lên khúc khuỷu , dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời.
Câu thơ diễn tả con đường gian khổ mang dáng nét tạo hình thông qua năm thanh trắc, hai từ
“dốc”ngăn cách nhau bởi dấu phẩy gợi cảm tưởng cho người đọc chưa vượt qua được dốc này lại đến dốc
khác. Các từ láy “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, các hình ảnh ”heo hút”, ”cồn mây”, ”súng ngửi trời” đã diến
tả sự hiểm trở, trùng điệp của núi đèo miền Tây. Để diễn tả độ cao vòi vọi của con dốc chỉ cần ba chữ
”súng ngửi trời”. Đây là hình ảnh rất thực, lãng mạn, vừa ngộ nghĩnh vừa mang tính chất tinh nghịch, táo
bạo. Người lính nhuư đang đi trong mây, mũi súng chạm mây trời.
Con đường đi lên đầy chông gai, nguy hiểm nhưng con đường đi xuống cũng không dễ dàng:
“Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”
Hình ảnh thơ đối xứng, câu thơ như được gấp lại, thanh điệu biến đổi, từ chỉ số lượng “ngàn thước” đã
diễn tả các dốc núi hút lên và đổ xuống gần như thẳng đứng.
Ba câu thơ được vẽ bằng những nét gân guốc, câu thứ được vẽ bằng những nét mềm mại, đằm
thắm ( toàn thanh bằng
“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Câu thơ diễn tả trận mưa đều đều không ngớt, rộng, xa với chân núi trắng trời, mưa nhẹ trong không
gian lớn, mịt mùng, thấp thoáng những mái nhà như đang trôi bồng bềnh. Vẻ dữ dội, hoang dại còn được
miêu tả không chỉ theo hướng không gian mà còn theo chiều thời gian.
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm mường Hịch cọp trêu người”
Không gian rừng núi hoang vu hiểm trở, luôn là mối de dọa của con người, làm cho con người trở
nên ốm yếu, da xanh, tóc rụng…
Câu 11: Hình tượng người lính trong binh đoàn Tây tiến được xây dựng mang những nét hào
hoa, lãng mạn nhưng cũng rất chân thực sinh động. Hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Đây là hình tượng tập thể của người lính Tây Tiến. Quang Dũng đã chọn lọc những nét tiêu biểu
của từng người lính để tạc nên bức tượng đài tập thể mang tinh thần chung của đoàn quân.
+ Vẻ đẹp hào hoa
- Nếu người lính trong Đồng chí (Chính Hữu), Nhớ (Hồng Nguyên),Cá nước(Tố Hữu) mang dáng dấp
của những người nông dân ra trận, chất phác, hồn nhiên , ra đi từ mái tranh gốc rạ, bến nước cây đa (...), thì
người lính của binh đoàn Tây Tiến hầu hết là các chàng trai Hà thành thuở ấy. Họ là những thanh niên trí
thức mang trong mình sự sôi nổi, lãng mạn và một bầu nhiệt huyết đối với quê hương đất nước. Họ khao
khát được khẳng định mình trong môi trường khốc liệt của chiến tranh (thực chất đây là một sự ý thức sâu
sắc về mình...).
- Sự khác biệt ấy còn xuất phát từ chất tâm hồn của chính Quang Dũng. Cái chơi vơi, thăm thẳm, xa
khơi, oai linh thác gầm thét, oai hùm,... của cảnh và người trong Tây Tiến cũng là những giai điệu, những
sắc màu của thế giới tâm hồn Quang Dũng. Chính vì thế, nhà thơ đặc biệt đồng điệu đồng cảm với chất
lính Tây Tiến hào hoa, phóng khoáng, nên thơ.
+ Vẻ đẹp giản dị mà kiêu hùng
- Hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp hào hùng, lẫm liệt - có bóng dáng của các tráng sĩ xưa
- coi cái chết nhẹ nhàng, thanh thản: Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/áo bào thay chiếu anh về
đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành...nhưng cũng rất thời đại, rất mới mẻ.
-Hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên một cách chân thực, gần gũi trong nét hồn nhiên , tinh nghịch
(Người lính trong Đồng chí của Chính Hữu không có dáng dấp tráng sĩ mà gần với Văn tế NSCG ). Họ là
những người chiến sĩ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bước vào cuộc chiến khốc liệt với tư thế ngang
tàng, bất chấp hiện thực nghiệt ngã: "Heo hút cồn mây súng ngửi trời"... "Tây Tiến đoàn binh không mọc
tóc - Quân xanh mâu lá dữ oai hùm"; "Chiến trường đi chằng tiếc đời xanh". Nhưng điều làm nên sức
mạnh thực sự của người lính Tây Tiến là nguồn lực tinh thần. Ý chí chiến đấu quên mình, tình yêu mãnh
liệt với quê hương đất nước mà biểu hiện cụ thể trong bài thơ là tình yêu với thiên nhiên miền Tây, với núi
rừng, làng bản. Tình yêu cuộc sống làm bừng sáng vẻ đẹp của cuộc đời chiến đấu gian khổ: "nhớ ôi Tây
Tiến cơm lên khói - Mai Châu mùa em thơm nếp xôi" "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa - Kìa em xiêm
áo tự bao giờ"....
- Viết về người lính trong những năm thăng kháng chiến gian khổ, Quang Dũng không né tránh sự mất
mát, đau thương. Vẻ đẹp của người lính không tách rời nỗi đau của chiến tranh ác liệt. Sự hi sinh của
những người lính đã được biểu hiện bằng những hình ảnh bi thương, nhưng không bi luỵ. Cái chết đồng
hành với mỗi bước chân trên con đường chiến trận. Người lính có thể gục xuống, ngã xuống vì bom đạn vì
sốt rét, vì đói khổ, nhưng đó không phải là sự gục ngã: Trong cái bi (nỗi đau mất mát, chiến tranh tàn
khốc) vẫn tiềm tàng một sức mạnh bất khuất: "Anh bạn dãi dầu không bưởi nữa - Gục lên súng mũ bỏ
quên đời"...; "Rải rác biên cương mỏ viễn xứ - Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh - áo bào thay chiếu anh
về đất - Sông Mã gầm lên khúc độc hành"
+ Tâm hồn lạc quan, lãng mạn
- Tâm hồn lạc quan, lãng mạn vốn là phẩm chất tinh thần nổi bật của người lính. Nhiều tác giả đã viết về
điều đó , song ở Tây Tiến, tâm hồn lạc quan, mơ mộng của những chàng trai Hà Nội không giống với cái
hồn nhiên chân chất của những người lính xuất thân từ từ gốc rạ bờ tre, từ cây đa, giếng nước. ( Giếng
nước gốc đa...Đằng nớ vợ chưa đằng nớ...Lũ chúng tôi...). Đã có một thời người ta phê phán câu thơ Đêm
mơ Hà Nộ dáng Kiều thơm- cho rằng QD mộng mơ quá, nhưng suy cho cùng, điều đó lại rất cần thiết.
Đặc biệt, đối với những người lính phải chiến đấu trong một hoàn cảnh khắc nghiệt , nếu không có niềm
lạc quan, mộng mơ thì họ sẽ chết vì nỗi buồn trước khi chết vì bom đạn của kẻ thù (nhất lại là đối với
những chàng trai HN...). Từng là một người lính nên QD hiểu rõ điều đó.
-Vẻ đẹp lãng mạn của người lính Tây Tiến được bộc lộ không phải chỉ ở dáng vẻ oai hùm, phóng túng,
mà luôn thăng hoa trong chất tâm hồn, trong từng giai điệu cảm xúc của người lính giữa cảnh tàn khốc của
chiến tranh. Cái nhìn của nhà thơ cũng là cái nhìn từ đôi mắt mộng mơ của người lính. Đôi mắt ấy đã cảm
nhận được về đẹp đầy chất thơ của thiên nhiên, con người, cuộc sống miền Tây Tổ quốc: "Người đi Châu
Mộc chiều sương ấy - Có thấy hồn lau nẻo bến bờ - Có nhớ dáng người trên độc mộc - Trôi dòng nước lũ
hoa đong đưa". Cũng từ cái nhìn ấy, thế giới của cái đẹp, của thi ca, nhạc hoạ, của tình yêu và tình người
luôn hiện hữu, bất chấp thực tại đầy gian nan, khắc nghiệt, bất chấp cái chết luôn đồng hành: "Doanh trại
bừng lên hội đuốc hoa - Kìa em xiêm áo tự bao giờ - Khèn lên man điệu nàng e ấp - Nhạc về Viên Chăn
xây hồn thơ"; "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới - Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm".... Cũng bằng cảm
quan đầy chất lãng mạn, lí tưởng hoá, sự hi sinh của những người lính vô danh đã được biểu hiện bằng
hình tượng thơ mang vẻ đẹp thiêng liêng, kì vĩ: "Áo bào thay chiếu anh về đất -Sông Mã gầm lên khúc độc
hành".
Câu 12: 1. Tiểu sử Tố Hữu:
- Sinh năm 1920 “ Liên Xô nở trước đời tôi 3 tuổi”- Là đứa con của “Huế đẹp và thơ”, như ông viết:
“Hương Giang ơi, dòng sông êm,
Qua tim ta, vẫn ngày đêm tự tình”
(Bài ca quê hương)
- 19 tuổi đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, tiếp tục hoạt động bí mật chống Pháp - Nhật.
- Sau Cách mạng, ông phụ trách công tác Văn nghệ, là cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.
- Tố Hữu là nhà thơ lớn của đất nước ta. Hơn nửa thế kỷ làm thơ, năm 70 tuổi ông viết:
“Bạc phơ mái tóc, mây đưa mộng
Thanh bạch hồn thơ, nắng nở hoa”.
(“Bảy mươi” – 10/1990)
Tác phẩm thơ
1“Từ ấy”, (1937 – 1946)
2. “Việt Bắc” (1954)
3. “Gió lộng” (1961)
4. “Ra trận” (1972)
5. “Máu và hoa” (1977)
6. “Một tiếng đờn” (1979 – 1992) Ta với ta
2. Phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu
a. Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị thể hiện nồng nhiệt tự hào lý tưởng cách mạng, đời sống cách
mạng của nhân dân ta.
- Tố Hữu là nhà thơ của lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn. Khuynh hướng sử thi, cái tôi trữ tình –
cái tôi chiến sĩ mang tầm vóc hoành tráng, màu sắc lịch sử được diễn tả bằng bút pháp thần thoại hóa, hình
tưởng thơ kì vĩ, tráng lệ.
- Nét đặc sắc trong thơ Tố Hữu là có giọng điệu riêng. Thơ liền mạch, nhất khí tự nhiên, giọng tâm tình,
ngọt ngào tha thiết.
b, Nghệ thuật thơ Tố Hữu giàu tính dân tộc. Phối hợp tài tình ca dao, dân ca các thể thơ dân tộc và thơ
mới. Vận dụng biến hoá cách nói, cách cảm, cách so sánh ví von rất gần gũi với tâm hồn người. Phong
phú vần điệu, câu thơ mượt mà, dễ thuộc dễ ngâm. “Việt Bắc”, “Nước non ngàn dặm”, “Theo chân
Bác”… là những bài thơ tuyệt bút của Tố Hữu.
Câu 13 Tình cảm của người chiến sĩ cách mạng đối với quê hương cách mạng trong bài thơ “Việt
Bắc”
- Những kỷ niệm ân tình sâu nặng một thời gian khổ
- Nhớ con người Việt Bắc
- Nhớ cảnh Việt Bắc trong 4 mùa
- Nhớ chiến khu Việt Bắc oai hùng
- Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.
1. Hai mươi câu đầu là lời nhắn gửi, những câu hỏi của “ta” (người ở lại nhắn gửi hỏi
“mình” (người về). Cảnh tiễn đưa, cảnh phân ly ngập ngừng, lưu luyến bâng khuâng: “Tiếng ai tha thiết
bên cồn… áo chàm đưa buổi phân li…” Có 8 câu hỏi liên tiếp (đặt ở câu 6): “Có nhớ ta… có nhớ
không… có nhớ những ngày… có nhớ những nhà… có nhớ núi non… mình có nhớ mình…” Sự láy đi
láy lại diễn tả nỗi niềm day dứt khôn nguôi của người ở lại. Bao kỷ niệm sâu nặng một thời gian khổ như
vương vấn hồn người:
Các câu 8 hầu như ngắt thành 2 vế tiểu đối 4/4, ngôn ngữ thơ cân xứng, hài hòa, âm điệu thơ êm
ái, nhịp nhàng, nhạc điệu ngân nga thấm sâu vào tâm hồn người, gợi ra một trường thương nhớ, lưu luyến
mênh mông. “Mình” và “ta” trong ca dao, dân ca là lứa đôi giao duyên tình tự. “Mình”, “ta” đi vào thơ
Tố Hữu đã tạo nên âm điệu trữ tình đậm đà màu sắc dân ca, nhưng đã mang một ý nghĩa mới trong quan
hệ: người cán bộ kháng chiến với đồng bào Việt Bắc; tình quân dân, tình kẻ ở người về.
2. Sáu mươi tám câu tiếp theo là người về trả lời kẻ ở lại. Có thể nói đó là khúc tâm tình của
người cán bộ kháng chiến, của người về. Bao trùm nỗi nhớ ấy là “như nhớ người yêu” trong mọi thời gian
và tràn ngập cả không gian:
- Nhớ cảnh Việt Bắc, cảnh nào cũng đầy ắp kỷ niệm:
- Nhớ con người Việt Bắc giàu tình nghĩa cần cù gian khổ: Điều đáng nhớ nhất là nhớ người ở lại rất
giàu tình nghĩa, “đậm đà lòng son”:
Nhớ cảnh 4 mùa chiến khu. Nỗi nhớ gắn liền với tình yêu thiên nhiên, tình yêu sông núi, đầy lạc quan
và tự hào. Nhớ cảnh nhớ người, “ta nhớ những hoa cùng người”. Nhớ mùa đông “Rừng xanh hoa chuối
đỏ tươi”. Nhớ “Ngày xuân mơ nở trắng rừng”. Nhớ mùa hè “Ve kêu rừng phách đổ vàng”. Nhớ cảnh
“Rừng thu trăng rọi hòa bình”. Nỗi nhớ triền miên, kéo dài theo năm tháng.
- Nhớ chiến khu oai hùng:
- Nhớ con đường chiến dịch:
Âm điệu thơ hùng tráng thể hiện sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta. Từ núi rừng
chiến khu đến bộ đội, dân công, tất cả đều mang theo một sức mạnh nhân nghĩa Việt Nam thần kỳ quyết
thắng.
- Nỗi nhớ gắn liền với niềm tin
- Nhớ Việt Bắc là nhớ về cội nguồn, nhớ một chặng đường lịch sử và cách mạng:
Câu 14 : Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn thơ Tố Hữu :
- Khí thế ra trận bừng bừng của quân ta được miêu tả hết sức chân thực bằng
những hình ảnh gân guốc, khỏe khoắn; bằng những từ tượng hình, tượng thanh
chính xác; bằng một so sánh thoáng nhìn qua không có gì mới mẻ nhưng thực
chất lại có ý vị: Đêm đêm rầm rập như là đất rung, các từ láy mang âm hưởng sử
thi hoành tráng.
- Nét lãng mạn trong đời sống kháng chiến cũng được nói tới bằng hình ảnh
vừa giàu ý nghĩa tả thực, vừa thấm đẫm tính tượng trưng: Ánh sao đầu súng, bạn
cùng mũ nan. Cảm hứng lãng mạn còn được thể hiện trong vẻ đẹplý tưởng của cn
ngời về cuộc sống mới mẻ , thể hiện niềm tin vững chắc van tương lai tươi sáng
dẫu còn nhièu khó khăn gian khổ
-Tuy mô tả cảnh ban đêm, nhưng bức tranh thơ của Tố Hữu lại giàu chi tiết nói
về ánh sáng: ánh sáng của sao trời, của lửa đuốc, của đèn pha... Sự so sánh Đèn
pha bật sáng như ngày mai lên tuy có vẻ cường điệu nhưng phản ánh đúng niềm
phấn chấn tràn ngập lòng người kháng chiến.
- Để thể hiện không khí chiến thắng, tác giả lặp lại nhiều lần từ “vui” và đưa
vào thơ một loạt địa danh thuộc cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, quyện hoà, xoắn xuýt
với nhau. So với những nhà thơ khác như Quang Dũng, Hoàng Cầm, cách sử dụng
địa danh của Tố Hữu vẫn có những nét riêng độc đáo.
- Bài thơ tràn đầy âm hưởng anh hùng ca, mang dáng dấp một sử thi hiện
hưđại bởi chỉ cần phác họa khung cảnh hùng tráng ở Việt Bắc, tác giả đã làm sống
dậy khí thế vô cùng mạnh mẽ của cả một dân tộc đứngn lên chiến đấu vì tổ quốc
độc lập tự do.
Câu 15 : Hình ảnh Đất Nước trong bài thơ cùng tên của Nguyễn Khoa Điềm
1. Đất nước - cội nguồn dân tộc
-Đất nước có đã lâu rồi từ những “ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”. Đất nước gắn liền với mĩtục
thuần phong, với cổ tích truyền thuyết “Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn - Đất nước lớn lên
khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc – Tóc mẹ thì bới sau đầu – Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay
muối mặn”.
- Đất nước gắn bó với những cái bình dị thân thuộc quanh ta:
-Đất nước là “nơi ta hò hẹn”, là “nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”, là “nơi anh đến
trường” là “nơi em tắm”…
- Đất nước gắn liền với dân ca “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc…, con cá ngư ông móng
nước biển khơi”, gắn liền với huyền thoại “Trăm trứng” thiêng liêng:
- Đất nước trường tồn theo thời gian đằng đẵng, trải rộng trên một “không gian mênh mông”. Yêu
thương biết bao, bởi lẽ “Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ”, là quê hương xứ sở ngàn đời:
- Đất nước lâu đời “ngày xửa ngày xưa”, Đất nước hôm nay, và Đất nước mai sau. Một niềm tin cao cả
thiêng liêng:
Đất nước là của mọi người, trong đó có một phần của “anh và em hôm nay”. Đất nước mỗi ngày
một tốt đẹp vững bền, trở nên “vẹn tròn to lớn”. Đất nước hình thành và trường tồn bằng máu xương của
mỗi chúng ta. Tình yêu nước là sự “gắn bó và san sẻ”. Đây là một trong những đoạn thơ tâm tình sâu lắng,
hay nhất trong bài thơ nói về tình yêu đất nước:
2. Đất nước của Nhân dân - Đất nước của ca dao thần thoại
- Đất nước hùng vĩ. Giang sơn gấm vóc. Ý tưởng ấy, niềm tự hào ấy đã được nhiều thi sĩ bao đời nay
nói đến thật hay, thật xúc động. Nguyễn Khoa Điềm nói về ý tưởng ấy niềm tự hào ấy rất thơ và rất độc
đáo. Tượng hình, sông núi gắn liền với những đức tính quý báu, những phẩm chất cao đẹp của con người
Việt Nam. Là sự thủy chung trong tình yêu. Là truyền thống anh hùng bất khuất, là tinh thần đoàn kết,
nghĩa tình. Là khát vọng bay bổng, là tinh thần hiếu học. Là đức tính cần mẫn sum vầy, là chí khí tự lập tự
cường. Mỗi tên núi tên sông trở nên gần gũi trong tâm hồn ta:
- Tính phẩm mỹ, tính hình tượng và tính riêng phong cách được hội tụ qua đoạn thơ này, tạo nên giá trị
nhân văn đích thực, làm cho người đọc vô cùng thú vị khi cảm nhận và khám phá.
- Tên núi, tên sông, tên ruộng đồng, gò bãi… mang theo “ao ước”, thể hiện “lối sống ông cha” là tâm
hồn dân tộc:
- Mồ hôi và máu của Nhân dân, của những anh hùng vô danh đã dựng xây và bảo vệ Đất nước:
- Chính nhân dân đã “giữ và truyền” hạt lúa, đã “truyền lửa”, “truyền giọng điệu”, “gánh tên làng tên
xã”…, “đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái”. Chính Nhân dân đã làm nên Đất nước, để Đất
nước là của Nhân dân. Vần thơ hàm chứa ý tưởng đẹp, một lối diễn đạt ý vị ngọt ngào
- Đất nước mang sức sống mãnh liệt, tiềm tàng vì Nhân dân đã biết yêu và biết ghét, bền chí và dẻo
dai, biết “quý công cầm vàng”, “biết trồng tre đợi ngày thành gậy”, biết trả thù cho nước, rửa hận cho
giống nòi mà “không sợ dài lâu”.
- Hình ảnh người chèo đò, kéo thuyền vượt thác cất cao tiếng hát là một biểu tượng nói lên sức mạnh
Nhân dân chiến thắng mọi thử thách, lạc quan tin tưởng đưa Đất nước đi tới một ngày mai vô cùng tươi
sáng:
* Kết luận
Giọng thơ tâm tình tha thiết. Vận dụng tục ngữ ca dao, dân ca, cổ tích, truyền thuyết… một cách
hồn nhiên thú vị. Có một số đoạn thơ rất đặc sắc: ý tưởng đẹp, cảm xúc và hình tượng hài hòa, hội tụ nên
những vần thơ mĩ lệ. Tư tưởng đất nước của Nhân dân được thể hiện vô cùng sâu sắc với tất cả niềm tự
hào và tình yêu nước. Một đôi chỗ còn dàn trải, thiếu hàm súc. Nguyễn Khoa Điềm đã góp cho đề tài Đất
nước một bài thơ hay, ý vị đậm đà.
Câu 16 : Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh:
Sóng của Xuân Quỳnh là tiếng nói của một tâm hồn thiếu nữ đang trong độ tuổi hai mươi, tiếng
nói của một trái tim chân thành và đam mê, luôn rực cháy chất trẻ trung mãnh liệt, khao khát được sống
hết mình và yêu hết mình:
- Ba hình ảnh sông, sóng, bể như là những chi tiết bổ sung cho nhau : sông và bể làm nên đời sóng,
sóng chỉ thực sự có đời sống riêng khi ra với biển khơi mênh mang thăm thẳm. Tất cả các khía cạnh tương
phản dữ dội - dịu êm, ồn ào - lặng lẽ tạo nên một cái nhìn bao quát về sóng. Mạch sóng mạnh mẽ như bứt
phá không gian chật hẹp để khát khao một không gian lớn lao. Hành trình tìm ra tận bể chất chứa sức sống
tiềm tàng, bền bỉ để vươn tới giá trị tuyệt đích của chính mình.
- Trên hành trình ấy, điểm xuất phát của sóng tưởng chừng đã đưọc lý giải rõ ràng: sóng bắt đầu
từ gió. Nhưng rồi những băn khoăn cứ nối tiếp cho đến lúc không thể giải đáp (và cũng không cần giải
đáp) bằng lý trí, đó cũng là lúc tầng tầng lớp lớp nghĩa của sóng hiện ra : con sóng của biển khơi tạo ra
sóng thơ, con sóng thơ dào dạt của tâm hồn làm xuất hiện con sóng của tình yêu bất tận. Và khi đã thành
sóng tình thì không bao giờ có thể lý giải được khi nào ta yêu nhau? Những liên tưởng điệp trùng dào dạt
đã nối kết được con người với không gian biển khơi .
- Gắn với thế giới riêng tư của Anh và Em là cặp hình ảnh sóng - bờ. Con sóng Xuân Quỳnh sâu
kín, tinh tế trong một nỗi nhớ cháy lòng của tình yêu. Nỗi nhớ gói gọn trong thời gian của một ngày đêm
nhưng đủ sức dồn nén dung lượng tình yêu của cả một đời người. Nỗi nhớ không chỉ có mặt trong thời
gian được ý thức mà còn gắn với tiềm thức - thời gian trong mơ. Vị ngọt ngào mê đắm của tình yêu lan tỏa
trong cách nói nghịch lý trong mơ còn thức. Thế giới của Anh và Em không giới hạn chiều dài Bắc - Nam,
không khoanh vùng địa bàn mà nơi nào cũng có nỗi nhớ thường trực của tình yêu vĩnh viễn. Xuân Quỳnh
đã tiếp nhận nỗi nhớ ấy bằng tất cả sự nhạy cảm của lứa tuổi đôi mươi và khẳng định cho một cái tôi của
con người luôn vững tin ở tình yêu.
- Hành trình Tình Yêu cũng là hành trình tự thử thách của lòng kiên trì bền bỉ để đạt mục đích của
mỗi một cá nhân. Cái nhìn về cuộc đời của Xuân Quỳnh thật nhân hậu và nồng nàn :
Cuộc đời là biển lớn tình yêu, kết tinh vị mặn ân tình, được tạo nên và hòa lẫn cùng trăm con sóng nhỏ.
Trong quan niệm của nhà thơ, số phận cá nhân không thể tách khỏi cộng đồng. Sóng không phải là biểu
tượng củaq một cái tôi ngạo nghễ và cô đơn như thơ lãng mạn. Khát vọng lớn nhưng trong cách nói Xuân
Quỳnh lại rất khiêm nhường : trăm con sóng nhỏ như là sự tổng hòa những vẻ đẹp khác nhau để tạo thành
biển lớn. Mỗi một quan hệ riêng tư sẽ làm đẹp thêm cho lẽ sống thời đại "Người yêu người, sống để yêu
nhau" (Tố Hữu). Đó không chỉ là tinh thần của con người thời đại chống Mỹ mà còn là âm vang của một
tấm lòng luôn tha thiết với sự sống, với tình yêu.
-Trong biển lớn tình yêu cuộc đời hôm nay, đã có biết bao con sóng đã tới bờ, đang tới bờ và tìm
về bờ. Tình yêu vẫn luôn luôn là đề tài hấp dẫn với mọi lứa tuổi, để mọi người đi tìm những lới giải đáp
cho ẩn số tình yêu trong một hành trình tìm kiếm không mệt mỏi. Sóng của Xuân Quỳnh vẫn vỗ những
nhịp yêu thương, giúp những người đang yêu thêm tự tin vào chính mình, bởi thế giới của Anh và Em
cũng là thế giới của những con người biết tìm ra ý nghĩa của sự sống thiêng liêng. Sống là đưọc yêu, Yêu
là sống hết mình với cuộc đời vốn rất nhiều yêu thương.
Câu 17 : Tư tưởng đổi mới của Lor-ca có ảnh hưởng như thế nào trong thơ ca Thanh Thảo :
- Một nhân cách cao đẹp: yêu nhạc dân gian, dùng tiếng đàn ghi ta để giãi bày nỗi đau buồn và khát
vọng yêu thương của nhân dân, dũng cảm đấu tranh với nền chính trị độc tài, nền nghệ thuật già nua, bảo
thủ.
- Lor ca là một hịên tượng xuất chúng có sức ảnh hưởng to lớn tới nghệ thuật và chính trị của Tây Ban
Nha lúc bấy giờ, Lor-ca đã nồng nhiệt cổ vũ cho nhân dân đấu tranh đòi quyền sống chính đáng, đồng thời
khởi xướng thúc đẩy mạnh mẽ những cách tân nghệ thuật.
- Là một sự đột phá cho văn minh nhân loại⇒ Thanh Thảo đã từng viết : « Lorca là nhà thơ của những
giấc mơ, của những linh cảm nhoi nhói, một nhà thơ có thể biến những giấc mơ thành nhịp điệu, có thể
biến những linh cảm thành ngôn từ. Lorca siêu thực một cách tự nhiên, và hiện thực một cách tự nhiên »
(Lorca trong tôi – Mãi mãi là bí mật, NXB Lao động, 2004).
Câu 18: Hình tượng sông Đà qua sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân:
-Con sông Đà hùng vĩ, dài trên năm trăm cây số, hiểm trở với hàng trăm thác ghềnh mang những
cái tên cổ sơ, xa lạ (Hát Loóng, thác Giăng, Hót Gió, Mó Tôm…). Ở ghềnh Hát Loóng “nước xô đá, đá xô
sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè…!”. Âm thanh tiếng thác nghe ghê rợn như tiếng rống
của hàng ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, tre nứa bị cháy. Sông Đà có nhiều thạch trận,
nhiều cửa tử ít cửa sinh, với những thần sông, thần đá trấn giữ “nhổm cả dậy vồ lấy thuyền”, đánh hồi
lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vào chổ hiểm chực “đòi ăn chết cái thuyền”. Luồng nước vô sở bất chí,
dòng thác hùm beo hồng hộc tế mạnh trên sông đầy thác ghềnh, thạch trận. Những ông tướng đá mặt xanh
lè đáng sợ.
Nhịp điệu câu văn dồn dập. Từ tượng thanh, từ tượng hình, những ẩn dụ so sánh, tiếng nói đời
thường sông nước, ngôn từ nhà bình, thể thao thể dục, điện ảnh… được ông vận dụng để miêu tả thác
ghềnh, gây ấn tượng về sự dữ dội, hiểm trở, hùng vĩ của sông Đà.
-Sông Đà còn mang vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu
tóc chân tóc, ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai”. “Mùa xuân dòng xanh
ngọc bích. Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ”. Nguyễn Tuân gọi sông Đà là một cố nhân. Cảnh ven
sông ở thượng nguồn lặng tờ. Có bầy hươu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương. Cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt
sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Có đoạn, có khúc sông: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử - Bờ
sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích ngày xưa”.
Một về cố thi, một câu đồng dao, một câu thơ Đường, một vài câu thơ của Tản Đà của Nguyễn
Quang Bích được Nguyễn Tuân lựa chọn đưa vào, cho thấy ông là một cây bút rất sành điệu, tài hoa dẫn
dắt người đọc chiếm lĩnh vẻ đẹp sông Đà với tình yêu sông núi, giang sơn.
Câu 20 : Hình tượng người lái đò sông Đà qua sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân:
-Ông lão lái đò, đơn độc trên chiếc đò nhỏ, xông pha vào một trận đồ bát quái của sông Đà .
Những con sống dồn dập lao tới, xiết mạnh qua những tảng dá nửa nôỉ nửa chìm sôi réo lên , bắn tung
bọt nước vào con đò nhỏ , nhưng con đò với người lái đò cùng những động tác nhanh nhẹn , chính xác đến
từng li từng tí đã khéo léo chèo chống luồn lách qua từng tảng đá ngầm , từng con nước xiết , từng cái hút
mà nếu lỡ lọt vào là lập tức bị cuốn thẳng ngay vào lòng sông rồi bị bao khối đá , bao luồng nước xâu xé
để rồi lúc nổi nên phía hạ lưu chỉ còn những mảnh võ cũng với một nỗi khiếp sợ bao trùm lên dòng sông .
-Đơn phương độc mã chiến đấu với thủy quái Đà Giang , ông lái đò không những không cảm thấy
mệt mỏi mà ông lại càng minh mẫn, càng hào hứng , thích thú và khoái chí mỗi khi kẻ thù của mình bị
rớt lại đằng sau .. Nhưng sông Đà vẫn chưa tung hết thủ đoạn , nó ra sức chảy xiết , cho nổi nên một trận
điạ đá chìm nổi tiềm ẩn bao mưu đồ thâm độc .Nhưng ông lái đò vẫn bình tĩnh , bằng những động tác
thuần thục , với suy nghĩ quyết đoán, quả quyết , ông dần lấy thế chủ động và từ từ tiến vào trận đồ bát
quái ngũ hành _đá ngầm mà con sông Đà dã giắng sẵn chỉ chừo ông vào là ra tay hạ thủ …
-Lúc này không thể dùng sức đấu tay đôi như trước nữa mà bây giờ nếu không có chiến thuật đối
phó kịp thời thì sẽ thua trận và sẽ bị con thủy quái Đà Giang nuốt chửng . Một lần nữa , ông lái đò lại thể
hiện cho con thủy quái kia thấy ông là người không dễ gì chịu khuất phục . Con sông réo lên ùng ục , hiện
lên ba cưả đá . Trong ba cửa thạch môn đó chỉ có duy nhất một của sinh, còn lại hai cửa tử kia lỡ họa họa
đi vào là sẽ vĩnh viên không còn lối ra .Thế nhưng thật kỳ là , ông lái đò luồn lách một hồi rồi đi thẳng vào
cửa sinh trước sự tức giận cảu thủy quái . Thủy quái càng tức giận lồng lên khiến mặt sông đỏ ngầu sủi
bọt , nố tiếp tục dâng đá tăng sóng . Không thể ẩn nấp tấn công du kích như trước nữa , lần này nó hung
hãn bao vậy thập diện rồi từ bốn phương tám hướng ầm lên , tổng tiến công lao tới con đò như vũ bão .
Không một chút run sợ , ông tiếp tục né đỡ , dùng chính mái chèo trong tay mình để làm vũ khí chống lại
và nhanh trí tấn công mạnh vào yếu điểm của thủy quái , dần dần đánh bại mọi sự tấn công của nó. Thủy
quái bị thất thế vội lùi lại đằng sau nhường bước cho ông lái đò . Ông quả là thông minh mưu trí , và rất
có chiến lược .
-Con đò dần trôi qua thác, con thủy quái vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Nó liền dùng biện pháp cuối
cùng , ra sức van vỉ để cầu xin lòng thương hại nhằm khiến ông laõ chủ quan, lúc thì lại rống lên để mong
cho ông lão lo lắng, sợ hãi, lúc lại ghào thét khiến ông căm tức mà hiếu chiến , bỏ quên lí trí .Chỉ cần ông
sa vào một trong ba điều trên là thủy quái lập sẽ đánh úp ông ngay lập tức, và ông sẽ thua trận .Nhưng kài,
ông vẫn vượt qua được.Thục sự ông có một tinh thần rất vững vàng , một tinh thần thép Lúc đó ông ẵhng
còn vừua chèo vừa nói chuyện cá tôm , như chẳng để ý gì đến con thủy quái cả .Kết quả trận chiến , con
thủy quái bại trận lầm lũi nhìn ông từ từ dạo đò đi qua .
Nguyễn Tuân thật tài tình . Không chỉ dùng biện pháp văn học, ông còn sử dụng cả những thủ pháp
nghệ thuật ở mọi lĩnh vức khác nhau khiến giá trị tạo hình cảu tác phẩm lại được nâng lên vượt bậc , và
đã đặc tả rất thành công hình tượng người lái đò sông Đà
Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, ông lão lái đò không những chỉ là một vị tướng quân dũng mãnh
lao vào trận chiến ác lịêt cùng thủy quái sông Đà để chiến đấu và chiến thắng mà ông còn là một nghệ sĩ ,
một nghệ nhân của nghề chèo đò .Những động tác chèo đò thuần thục , nhuần nhuyễn của ông khiến ai
cũng ngưỡng mộ. Mỗi lần ông chèo đờ vượt thác lại là một lần trình diễn nghệ thuật trên sân khấu sông
Đà .Ông đúng là hiện thân cho ước mơ, khát vọng chinh phục thiên nhiên của con người . hình ảnh
người lái đò sông Đà là bức chấn dung của người lao động bình thường nhưng đó lại chính là vẻ đẹp
của cuộc sống, và cũng là vẻ đẹp của con người trong cuộc mưu sinh.
Câu 20: Vài nét về phong cách nghệ thuật của Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những nhà văn chuyên về bút kí. Nét đặc sắc trong sáng tác
của ông là ở sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa
chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí,… Tất cả được thể
hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa.
Câu 21: Hình ảnh sông Hương qua cái nhìn đa chiều của Hoàng Phủ Ngọc Tường
1. Vẻ đẹp sông Hương qua cảnh sắc thiên nhiên :
Khác với nhiều con sông “sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất”. Nghĩa là sông Hương gắn
liền với Huế.Điểm nhìn nghệ thuật của bài thơ là sông Hương
+ Sông Hương ở đầu nguồn (thượng nguồn):Tác giả miêu tả sông Hương ở đầu nguồn với sức
sống mãnh liệt, hoang dại nhưng cũng dịu dàng và say đắm.--> “Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh
gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng”. Dòng sông đã được thổi bằng ngọn gió tâm hồn dào dạt nhạy
cảm, liên tưởng tự do để càng mạnh mẽ hơn, đắm say hơn ở địa phận thượng nguồn.
+ Sông Hương ở đồng bằng:
- Sông Hương được thay đổi về tính cách: “Sông như chế ngự được bản năng của người con gái” để
“mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”
- Sông Hương lại có vẻ đẹp trầm mặc chảy dưới chân những rừng thông u tịch với những lăng mộ
âm u mà kiêu hãnh của các vua chúa triều Nguyễn.
-> Đó là vẻ đẹp mang màu sắc triết lí, cổ thi khi đi trong âm hưởng ngân nga của tiếng chuông chùa
Thiên Mụ, có vẻ đẹp “vui tươi” khi đi qua những bãi bờ xanh biếc vùng ngoại ô Kim Long, có vẻ đẹp
“mơ màng trong sương khói” khi nó rời xa thành phố để đi qua những bờ tre, lũy trúc và những hàng
cau thôn Vĩ Dạ.
+ Đoạn tả sông Hương khi đi qua thành phố đã gây được nhiều ấn tượng:
-Đấy là hình ảnh chiếc cầu bắc qua dòng sông Hương: “Chiếc cầu trắng in ngấn trên nền trời, nhỏ nhắn
như những vành trăng non”
-Nhà văn như thổi linh hồn vào cảnh vật: “đường cong ấy làm cho dòng sông như mềm hẳn đi, như một
tiếng vâng không nói của tình yêu”, “Tôi nhớ sông Hương, quý điệu chảy lững lờ của nó khi ngang qua
thành phố”.
-Dường như sông Hương không muốn xa thành phố: “Rồi như sực nhớ lại một điều gì đó chưa kịp nói.
Nó đột ngột đổi dòng rẽ ngặt sang hướng Đông Tây để gặp lại thành phố ở góc Bao Vinh…khúc quanh
này thật bất ngờ…Đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu”.
- Sông Hương trở lại “để nói một lời thề trước khi về biển cả”.Tác giả liên hệ “Lời thề ấy vang vọngkhắp
khu vực sông Hương thành giọng hò dân gian, ấy là tấm lòng người dân Châu Hóa xưa mãi mãi chung
tình với quê hương xứ sở”.
2.Vẻ đẹp sông Hương được khám phá dưới góc độ văn hóa :
- Tác giả cho có một dòng thi ca về sông Hương. Đó là dòng thơ không lặp lại mình
+ Tác giả gắn sông Hương với âm nhạc cổ điển Huế: “Sông Hương đã trở thành một người tài nữ đánh
đàn lúc đêm khuya…Quả đúng vậy, toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được hình thành trên mặt
nước của dòng sông này”.
+Tác giả tưởng tượng: “trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bán âm của những mái
chèo khuya”.Phải có độ nhạy cảm về thẩm âm, hiểu biết về âm nhạc của xứ Huế, tác giả mới có sự liên
tưởng này.
+ Với ngòi bút tài hoa cộng với sự rung cảm mạnh mẽ, HPNT nhớ tới Nguyễn Du; “Nguyễn Du đã bao
năm lênh đênh trên quãng sông này với một phiến trăng sầu.Và từ đó, những bản đàn đã đi suốt đời
Kiều”.
-Vẻ đẹp sông Hương gắn liền với những sự kiện lịch sử:
+ Tên của dòng sông Hương được ghi trong “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi; “Nó được ghi là linh giang”
+ Dòng sông ấy là điểm tựa, bảo vệ biên cương thời kì Đại Việt.
+ Thế kỉ XVIII, nó vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân, gắn liền với tên tuổi của người anh hùng
Nguyễn Huệ.
+ Nó đọng lại đến bầm da, tím máu “nó sống hết lịch sử bi tráng của thế kỉ XIX”.
+ Nó đi vào thời đại của Cách mạng tháng Tám bằng những chiến công rung chuyển.
+Nó chứng kiến cuộc nổi dậy tổng tiến công tết Mậu Thân 1968. Sông Hương đã gắn liền với lịch sử
của Huế, của dân tộc.
=>Bài bút ký kết thúc bằng cách lí giải tên của dòng sông; sông Hương, sông thơm. Cách lí giải
bằng một huyền thoại:
Người làng Thành Trung có nghề trồng rau thơm. Ở đây kể lại rằng vì yêu quí con sông xinh đẹp,
nhân dân hai bờ sông đã nấu nước của trăm loài hoa đổ xuống dòng sông cho làn nước thơm tho mãi
mãi.Huyền thoại ấy đã trả lời câu hỏi : ai đã đặt tên cho dòng sông?