Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Trình bày suy nghĩ về bài thơ Nói với con của Y Phương

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (42.87 KB, 3 trang )

BÀI LÀM
I/ MỞ BÀI:
Ai đã từng đọc “ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm chắc chắn không
thể quên được tình cảm yêu thương nồng thắm của người mẹ Tà ôi vừa địu con vừa làm rẫy. Nhạc điệu
qua mỗi khúc ru là những cung bậc tình cảm khác nhau của người mẹ đối với đứa con, với quê hương đất
nước. Cùng mạch chủ đề này, nhà thơ người dân tộc Tày - Y Phương cũng có bài thơ “ Nói với con”.
Mượn lời của người cha nói với con, nhà thơ gợi về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người, bộc lộ
niềm tự hào, sức sống mạnh mẽ bền bỉ của quê hương mình.
II/ THÂN BÀI:
Mở đầu bài thơ là một khung cảnh gia đình ấm cúng đầy ắp tiếng nói tiếng cười:
“ Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười”
Một mái nhà có cha và mẹ, con lớn lên trong tình thương yêu, sự ấp ủ chở che, nâng đón và mong chờ
của cha mẹ. Chỉ bốn câu thơ thôi, nhà thơ Y Phương đã tạo được không khí gia đình ấm áp, quấn quýt.
Từng bước đi, tiếng nói, tiếng cười của con đều được cha mẹ mừng vui đón nhận. Hơn thế nữa, đứa con
còn sinh ra, trưởng thành trong cuộc sống lao động, trong thiên nhiên thơ mộng và nghĩa tình trên vùng
đất quê hương :
“ Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”
Trong đoạn thơ, tất cả những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc đều được diễn đạt trực tiếp bằng hình ảnh. Nhà
thơ đã vận dụng tự nhiên lối diễn đạt của người niền núi để xây dựng thành công những hình ảnh thơ, làm
cho những hình ảnh ấy vừa cụ thể vừa mang tính khái quát cao mà vẫn giàu chất thơ, bay bổng vẻ đẹp
trong cuoc sống người dân miền núi : “ Đan lờ cài nan hoa - Vách nhà ken câu hát - Rừng cho hoa - Con
đường cho những tấm lòng”. Cật tre đan lờ cài thành những nan hoa, vách nhà ken vào câu hát. Thiên


nhiên gắn bó nghĩa tình, che chơ nuôi dưỡng con người cả về tâm hồn lối sống. Qua những vần thơ vừa tả
thực lại vừa đậm chất trữ tình, người cha muốn cho con mình thấy được những vẻ đẹp , vẻ nên thơ của
cuộc sống làng quê để mà yêu, mà nhớ.
Cách diễn đạt độc đáo ấy còn được thể hiện ở những câu thơ tiếp theo:
“ Người đồng mình thương lắm con ơi


Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”
Tác giả mượn lời người cha nói về sức mạnh truyền thống, lòng thuỷ chung với quê hương. Câu thơ bốn
chữ, đối nhau như tục ngữ, đúc kết một thái độ một phương châm ứng xử cao quý. Lấy chiều “ cao” của
trời, chiều “ xa” của đất để “ đo nỗi buồn, nuôi chí lớn”. Câu thơ thể hiện một bản lĩnh sống cao đẹp của
người dân miền núi. Đọc thơ, ta như gặp lại tầm vóc kì vĩ của những anh hùng trong những bản trường ca
“ Đăm San” “ Xinh Nhã”.
Lời tâm tình của người cha nói với con cũng là lời khuyên răn con phải biết trân trọng mảnh đất quê
hương, nơi mình sinh ra và lớn lên, phải biết sống hồn nhiên cần cù lạc quan để vượt qua gian khó.
“ Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”
Trong câu thơ, ta bắt gặp những hình ảnh ẩn dụ, so sánh, thành ngữ dân gian. Điệp ngữ “ sống” vang lên
ba lần như lời khẳng định một tâm thế, một bản lĩnh một dáng đứng… của “người đồng mình”. Tuy sống
vất vả nhưng mạnh mẽ khoáng đạt, bền bỉ gắn bó với quê hương dẫu cho quê hương còn đói nghèo cực
nhọc. đó là điều người cha vẫn muốn vẫn hi vọng ở con. Phải sống có nghĩa tình chung thuỷ với quê
hương, biết chấp nhận và vượt qua thử thách gian nan bằng ý chí niềm tin của mình.
Những câu thơ tiếp theo là lời khẳng định với con, “ người đồng mình” tuy mộc mạc thô sơ nhưng không
nhỏ bé:
“ Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”
Ở đây, ta bắt gặp lối nói độc đáo của người dân tộc miền núi “ người đồng mình tự đục đá kê cao quê
hương”. Mượn một chi tiết bình thường, người cha khái quát lên thành tinh thần tự tôn, ý thức bảo tồn
nguồn cội. Chính những con người mộc mạc chân chất ấy bằng sự lao động cần cù đã làm nên quê hương
với những phong tục tập quán tốt đẹp.
Những lời cuối nói với con càng trở nên tha thiết:
“ Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”


Mai sau, “ lên đường” không bao giờ được sống tầm thường, nhỏ bé , phải biết giữ lấy cốt cách giản dị
mộc mạc của người lao động, phải làm những điều cao thượng lớn lao. Lời thơ tha thiết, người cha đã
truyền cho con mình vẻ đẹp, sức mạnh của truyền thống quê hương.
III/ KẾT BÀI:
Tóm lại, với thể thơ tự do bay bổng phù hợp với mạch cảm xúc tự nhiên tạo ra sự cộng hưởng hài hoà với
những cung bậc tình cảm khác nhau trong lời cha truyền thấm sang con. Nhà thơ Y Phương đã thấu hiểu
và lột tả được tâm hồn tính cách, tình cảm của người dân miền núi. Khúc tâm tình của người cha trong
thơ cũng là lời dặn dò của lớp người trước gửi trao thế hệ mai sau.



×