Hình ảnh chú Cuội xuất hiện khá nhiều trong cổ tích, ca dao tục ngữ và trở nên quen thuộc với trẻ thơ.
Mỗi năm vào dịp Tết Trung thu, ngắm vầng trăng sáng, hình ảnh chú Cuội ngồi gốc cây đa lại hiển hiện
rõ ràng trong trí tưởng tượng của các bạn nhỏ. Bài ca dao dưới đây gợi mở về sự tích đầy hấp dẫn đó:
Bắc thang lên tận cung mây,
Hỏi sao Cuội phải ấp cây cả đời?
Cuội nghe thấy nói, Cuội cười:
Bởi hay nói dối, phải ngồi gốc cây.
Từ một hiện tượng thiên nhiên có thật là các vết sẫm trên mặt trăng nhìn thấy rất rõ trong những đêm
trăng sáng; với trí tưởng tượng phong phú, bay bổng, người xưa đã tưởng tượng ra hình ảnh cây đa, chú
Cuội và lồng vào đó những câu chuyện thú vị có ý nghĩa giáo dục sâu xa.
Có hai truyện hoàn toàn khác nhau về nhân vật Cuội. Truyện thứ nhất là về chú Cuội chữa bệnh cứu
người. Truyện thứ hai là về chú Cuội có tật xấu hay nói dối. Cuội ở truyện thứ nhất làm nghề đốn củi.
Một hôm vào rừng, bất ngờ chạm trán với con hổ nhỏ, Cuội lấy búa đập chết nó. Hổ mẹ về, thấy con đã
chết liền đến một gốc cây, bứt ít lá nhai nát đắp vào vết thương, hổ con sống lại. Từ chỗ nấp trên cao,
Cuội nhìn thấy hết. Đợi mẹ con hổ đã đi xa, chàng bứng cả gốc cây đem về nhà trồng. Từ đó, nhờ lá
thuốc thần mà Cuội cải tử hoàn sinh cho nhiều người trong vùng. Phú ông có cô con gái ngã vỡ đầu, Cuội
đắp lá nhiều lần mà cô ta vẫn không sống lại. Chàng bèn nghĩ ra cách nặn một bộ óc bằng đất sét thay thế
rồi đắp lá thần vào. Cô gái ấy sau thành vợ chàng.
Vợ Cuội khỏe mạnh, xinh đẹp nhưng lại có tính hay quên. Nhiều lần, Cuội đã dặn vợ là không được tưới
nước bẩn cho cây nhưng rồi cô ta quên mất, lấy nước giải tưới. Cây rung chuyển dữ dội rồi bật gốc, bay
lên trời. Vừa lúc Cuội đi rừng về, chàng vội vàng bám rễ cố lôi xuống nhưng cây đã kéo chàng lên tới tận
cung trăng. Từ đó, những đêm trăng sáng, Cuội ngồi dưới gốc đa, đau đáu nhìn xuống trần gian, mong
được trở lại.
Còn nhân vật Cuội trong truyện thứ hai là một cậu bé có tật hay nói dối. Đi chăn trâu, Cuội cùng lũ trẻ
thịt trâu nướng ăn, còn cái đuôi đem cắm xuống lỗ nẻ rồi báo tin cho chú thím là trâu đã chui xuống đất.
Thím tắm ngoài sông, Cuội vờ hớt hải chạy về bảo với chủ rằng thím đã chết đuối khiến chú hoảng kinh.
Vì nói dối như thật nên nhiều phen Cuội làm cho xóm làng điên đảo. Thấy mọi người bực bội và tức giận
nên Trời đã đày Cuội lên cung trăng, bắt ở một mình để không thể nói dối được nữa.
Ở truyện thứ nhất, chàng Cuội tốt bụng, giàu lòng thương người, phải ngồi gốc đa là vì tính hay quên của
vợ. Ở truyện sau, Cuội là người xấu, phải ấp cây cả đời là vì bị trừng phạt cho chừa tật nói dối.
Bài ca dao có cấu trúc như một câu chuyện có đủ bối cảnh, sự kiện, nhân vật và đậm chất hoang đường,
kì ảo. Ta hãy tưởng tượng nội dung câu chuyện như sau : Có người hiếu kì đã mất bao công phu Bắc
thang lên đến cung mây, để Hỏi sao Cuội phải ấp cây cả đời. Nghe người kia hỏi thế, Cuội bật cười, trả
lời không giấu điếm: Bởi hay nói dối, phải ngồi gốc cây.
Từ xưa tới nay, người đời ít nói đến cái tốt của nhân vật chú Cuội. Hầu như họ chi đàm tiếu về tật nối dối
của cuội. Việc Cuội phải ấp cây cả đời trên cung trăng được giải thích là do tội nói dối không thể tha thứ
ấy.
Ca dao xưa thường dùng cách nói cường điệu, phóng đại để diễn tả sự việc. Không có cái thang nào có
thể bắc lên tận cung mây được. Đó chi là trí tưởng tượng của người xưa được thể hiện qua cách nói dí
dỏm, hài hước mà thôi. Mục đích của việc Bắc thang lên tận cung mây là để: Hỏi sao Cuội phải ấp cây cả
đời ? Hình ảnh Cuội phải ấp cây cả đời gợi sự mỉa mai, hài hước. Từ ấp cây hàm chứa thái độ giễu cợt
của mọi người đối với chú Cuội. Cuội phải có tội lớn đến mức nào thì mới bị giam lỏng trên cung trăng.
Trước câu hỏi có ý trêu chọc, chế giễu, Cuội không thể không thú thật:
Cuội nghe thấy nói Cuội cười:
Bởi hay nói dối, phải ngồi gốc cây.
Cái cười và lời đáp của Cuội thể hiện tính cách láu linh, tinh nghịch vốn là bản chất của nhân vật này. Lúc
đầu, nghe người ta hỏi, Cuội cũng thoáng chạnh lòng, nhưng vốn dĩ thông minh nên Cuội đã lấy lại được
bình tĩnh và trả lời bằng nụ cười tinh nghịch: Bởi hay nói dối phải ngồi gốc cây. Câu thơ này gồm hai vế
có quan hệ nguyên nhân – kết quả, thể hiện thái độ không vòng vo, loanh quanh mà bộc trực, thẳng thắn
của Cuội. Cuội nhận lỗi ngay, không thanh minh, không đổ lỗi cho ai. Cuội cũng tự nhận thấy việc phải
ấp cây cả đời là sự trừng phạt đích đáng cho thói nói dối quá quắt của mình.
Nói dối như Cuội từ lâu đã là thành ngữ quen thuộc của nhân dân mỗi khi nhận xét về một người nào đó
nói dối một cách trơn tru, tự nhiên như thật. Dân gian thích đùa cợt với Cuội, không ai ghét Cuội, nhưng
cũng ít ai tin… Cuội. Dân gian đã rộng lòng tha thứ cho chú Cuội vì chú biết nhận khuyết điểm. Trẻ em
cũng nhìn chú Cuội với con mắt đáng thương hơn là đáng trách. Hình ảnh Cuội phải ấp cây cả đời mãi
mãi gây ấn tượng sâu sắc về một con người phạm nhiều khuyết điểm nhưng biết nhận lỗi một cách dũng
cảm.
Nói dối là tật xấu khá phổ biến trong xã hội, tuy ở nhiều mức độ khác nhau. Nhưng Đi nói dối cha, về nhà
nói dối chú thì nói dối không còn là biện pháp đối phó nhất thời nữa mà đã thành tật xấu khó sửa, thậm
chí thành bản chất dối trá. Những kẻ dối trá không có lòng tự trọng, luôn dối người và dối cả mình, để
mất niềm tin của mọi người.
Đối với những kẻ nót dối gây thiệt hại tới quyền lợi chính đáng của người khác thì phải có biện pháp xử lí
thích đáng. Như chú Cuội đă bị Trời tách biệt khỏi trần gian, bắt ở một mình trên cung Quảng lạnh lẽo,
không một bóng người để cho chú ta lừa dối. Hình phạt nặng nề như thế là đúng đắn, triệt tận gốc tật xấu
của Cuội, đồng thời là bài học thiết thực nhắc nhở, cảnh tỉnh mọi người.
Nghệ thuật độc đáo của bài ca dao trên là mượn một câu chuyện hoàn toàn hoang đường để nói đến một
hiện tượng hoàn toàn có thật trong cuộc sống hằng ngày. Nội dung bài ca dao là lời nhắc nhở: Nói dối là
một tật xấu đáng bị chê cười, phê phán vì nó chỉ mang lại tác hại mà thôi. Giáo dục một vấn đề đạo đức
quan trọng bằng hình thức hóm hỉnh, nhẹ nhàng như bài ca dao trên là tinh tế, khéo léo, thích hợp không
chỉ với tuổi thơ mà cả với người lớn chúng ta.