Tải bản đầy đủ (.pdf) (131 trang)

Đền, chùa trong không gian văn hóa làng phấn vũ ( xã thụy xuân, huyện thái thụy, tỉnh thái bình)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.22 MB, 131 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
VIỆN VIỆT NAM HỌC & KHOA HỌC PHÁT TRIỂN
---------------------------------

LÊ THỊ MỸ HUYỀN

ĐỀN, CHÙA TRONG KHÔNG GIAN VĂN HÓA
LÀNG PHẤN VŨ (XÃ THỤY XUÂN,
HUYỆN THÁI THỤY, TỈNH THÁI BÌNH)
Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Việt Nam học
Mã số: 60.22.01.13

Người hướng dẫn khoa học: TS. Phạm Văn Lợi

Hà Nội - 2015


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số
liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng được công bố
trong bất kỳ công trình nào khác.

Tác giả

Lê Thị Mỹ Huyền


LỜI CẢM ƠN

Để hoàn thành luận văn tốt nghiệp này, tôi xin trân trọng bày tỏ lòng


biết ơn sâu sắc đến thầy giáo TS. Phạm Văn Lợi – người đã hướng dẫn tận
tình và giúp đỡ tôi hoàn thành luận văn thạc sĩ này.
Tôi xin chân thành cảm ơn Ủy ban nhân dân xã Thụy Xuân, Ban Quản
lý cụm di tích, các cụ cao niên trong làng xã và đặc biệt là ông Lê Xuân
Hưng - Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa đền, chùa làng Phấn Vũ
và ông Nguyễn Văn Sang - Trưởng Ban Khánh Tiết di tích lịch sử văn hóa
đền, chùa làng Phấn Vũ đã cung cấp cho tôi những tư liệu quý báu và tạo mọi
điều kiện thuận lợi trong suốt thời gian tôi thực hiện luận văn tốt nghiệp.
Tôi xin chân thành cảm ơn Ban lãnh đạo cùng các giảng viên, cán bộ
Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tạo
những điều kiện thuận lợi nhất về mọi mặt để tôi hoàn thành khóa học.
Cuối cùng, xin bày tỏ lòng biết ơn đến gia đình, người thân, thầy cô và
bạn bè đã giúp đỡ, động viên tôi hoàn thành luận văn này.

Tác giả

Lê Thị Mỹ Huyền


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ........................................................................................................ 4
CHƯƠNG 1: KHÔNG GIAN VĂN HÓA LÀNG PHẤN VŨ ................... 11
1.1. Điều kiện tự nhiên ................................................................................ 11
1.1.1. Vị trí địa lý ..................................................................................................... 11
1.1.2. Địa hình .......................................................................................................... 11
1.1.3. Khí hậu ........................................................................................................... 12
1.1.4. Thủy văn......................................................................................................... 13
1.1.5. Thổ nhưỡng .................................................................................................... 14
1.1.6. Động thực vật ................................................................................................. 14
1.2. Một số vấn đề lịch sử và cư dân ........................................................... 15

1.2.1. Lịch sử hình thành làng .................................................................................. 15
1.2.2. Quá trình phát triển cư dân ............................................................................. 16
1.3. Các hoạt động kinh tế........................................................................... 19
1.3.1. Thủ công nghiệp ............................................................................................ 19
1.3.2. Nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản.................................................................. 20
1.3.3. Diêm nghiệp ................................................................................................... 22
1.3.4. Kết cấu hạ tầng............................................................................................... 23
1.4. Một vài vấn đề về xã hội ....................................................................... 24
1.4.1. Dân số, lao động và việc làm ......................................................................... 24
1.4.2. Tổ chức xã hội ................................................................................................ 24
1.5. Đôi nét về văn hóa ................................................................................ 26
1.5.1. Văn hóa ẩm thực............................................................................................. 26
1.5.2. Văn hóa ở ........................................................................................................ 28
1.5.3. Văn hóa mặc ................................................................................................... 30
1.5.4. Văn hóa ứng xử với môi trường biển............................................................. 30
1.5.5. Tôn giáo, tín ngưỡng ...................................................................................... 32
1


Tiểu kết ........................................................................................................ 38
CHƯƠNG 2: CỤM DI TÍCH ĐỀN, CHÙA LÀNG PHẤN VŨ ................ 39
2.1. Lịch sử khu di tích ................................................................................ 39
2.1.1. Chùa Phấn Vũ (Minh Đồng tự)...................................................................... 39
2.1.2. Đền Mẫu ......................................................................................................... 39
2.1.3. Đền Quan Lớn Thống .................................................................................... 40
2.2. Kiến trúc ............................................................................................... 40
2.2.1. Kiến trúc chùa Phấn Vũ ................................................................................. 40
2.2.2. Kiến trúc đền Mẫu .......................................................................................... 41
2.2.3. Kiến trúc đền Quan Lớn Thống ..................................................................... 42
2.3. Điêu khắc .............................................................................................. 44

2.4. Đối tượng thờ tự ................................................................................... 44
2.4.1. Chùa Phấn Vũ ................................................................................................. 44
2.4.2. Đền Mẫu ......................................................................................................... 45
2.4.3. Đền Quan Lớn Thống .................................................................................... 49
2.5. Lễ hội .................................................................................................... 50
2.5.1. Phần lễ............................................................................................................. 50
2.5.2. Phần hội .......................................................................................................... 53
Tiểu kết ........................................................................................................ 61
CHƯƠNG 3: ĐỀN CHÙA LÀNG PHẤN VŨ - MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT
RA VÀ KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP ....................................................... 63
3.1. Mối quan hệ giữa cụm di tích và không gian văn hóa làng ................ 63
3.1.1. Vai trò của không gian văn hóa làng với cụm di tích.................................... 63
3.1.2. Vai trò của cụm di tích với không gian văn hóa làng ........................... 65
3.2. Một số vấn đề đặt ra ............................................................................. 69
3.2.1. Hiện trạng di tích ............................................................................................ 69
3.2.2. Vấn đề khách tham quan ................................................................................ 71
2


3.2.3. Vấn đề quản lý, tổ chức hướng dẫn/ phục vụ khách tham quan ................... 73
3.2.4. Vấn đề tổ chức lễ hội ...................................................................................... 75
3.2.5. Hoạt động mê tín dị đoan tại cụm di tích....................................................... 76
3.3.2. Nhóm giải pháp hoạt động thực tiễn.............................................................. 83
Tiểu kết ........................................................................................................ 92
KẾT LUẬN .................................................................................................. 93
TÀI LIỆU THAM KHẢO........................................................................... 96
PHỤ LỤC....................................................................................................... 1

3



MỞ ĐẦU

1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Văn hoá là một thực thể sống động, có sự vận động cả trong không gian
và thời gian. Nhìn theo chiều thời gian, văn hoá Việt Nam là một diễn trình
lịch sử có những quy luật phát triển của nó. Nhìn trong không gian, văn hoá
Việt Nam có sự khác biệt qua các vùng miền. Mỗi miền quê, mỗi vùng đất
đều tự nó mang trong mình dấu ấn văn hoá riêng biệt, vừa có những nét đặc
thù, lại vừa thống nhất trong tính chỉnh thể của nền văn hoá dân tộc Việt
Nam. Thụy Xuân – một miền quê biển, một quê hương giàu truyền thống
cách mạng, một vùng đất đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử hình thành và
phát triển, chứa đựng trong đó cốt cách bản chất của cư dân vùng ven biển.
Bên cạnh những nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống của cư dân vùng đồng
bằng Bắc Bộ, Thụy Xuân còn mang đặc trưng nếp sinh hoạt của cư dân vùng
biển, thể hiện sức mạnh“Chèo sóng, chém gió”, ý chí kiên cường bất khuất,
chinh phục cải tạo thiên nhiên, chống lại các thế lực cường quyền, áp bức và
giặc ngoại xâm. Mang những nét đặc trưng của vùng đất Thụy Xuân, Thái
Thụy, Thái Bình, làng Phấn Vũ là linh hồn của vùng đất, là không gian văn
hóa thu nhỏ của miền quê biển Thụy Xuân.
Có thể thấy văn hoá làng xã có một vị trí đặc biệt quan trọng trong quá
trình hình thành và phát triển nền văn hoá Việt Nam. Trong đó, đền, chùa lại
là nhân tố phổ biến góp phần tạo nên hệ thống văn hoá làng xã truyền thống
của cộng đồng người Việt (Kinh), có tác động sâu sắc, toàn diện đến nhiều
mặt của xã hội. Đền, chùa ở Việt Nam không đồ sộ nguy nga như ở Ấn Độ,
Trung Hoa, Nhật Bản hay Thái Lan, Campuchia nhưng ở nơi đâu cũng có. Từ
những thảo am trong thôn xóm hẻo lánh đến những ngôi chùa, ngôi đền kiến
trúc bằng vật liệu kiên cố tại các đô thị, tất cả đều mang sắc thái gọn nhẹ,
4



thanh thoát và tĩnh mịch. Chúng hòa quyện lại với nhau tạo thành những gam
màu chủ đạo trong bức tranh văn hóa Việt sống động, đa dạng và phong phú.
Mỗi ngôi đền, ngôi chùa được xây dựng là quá trình lao động sáng tạo nghệ
thuật của các thế hệ cư dân, thể hiện từ những tảng đá kê chân cột đến những
tàu đao lá mái. Đối với người Việt, đền, chùa không chỉ là không gian tôn
giáo, là nơi diễn ra các hoạt động tâm linh, thể hiện lòng thành kính của con
người mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, in dấu những giá trị văn hóa dân
tộc, là nơi mỗi người con khi xa quê luôn hướng về:
“Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”
(“Nhớ chùa” – Huyền Không)
Cũng như bao di sản văn hóa trong mỗi làng quê Việt Nam, những ngôi
đình, đền, chùa trên địa bàn xã Thụy Xuân nói chung, làng Phấn Vũ nói riêng
đã được hình thành và đồng hành tồn tại với quá trình lập đất, giữ làng. Trải
qua bao thăng trầm lịch sử, cụm di tích đền chùa làng Phấn Vũ đã thực sự trở
thành biểu hiện sinh động các giá trị văn hóa tinh thần của người dân Phấn
Vũ; là nơi gặp gỡ của mỗi thành viên vào dịp hội hè, lễ tết, là sợi dây vô hình
cố kết con người trong làng, trong xóm. Chùa Phấn Vũ, đền Mẫu, đền Quan
Lớn Thống mang trong mình những giá trị văn hóa đặc sắc. Sắc phong của
các triều đại từ nhà Lê đến nhà Nguyễn cho thấy: Đền Mẫu làng Phấn Vũ
phụng thờ Đức Nam Hải Thánh Mẫu - vị thần cai quản 12 cửa biển Bắc Bộ và
Bắc Trung Bộ. Đền Quan Lớn Thống là nơi người dân tổ chức cúng lễ cầu an
mong Quan Lớn phù hộ cho mùa màng tôm cá bội thu. Chùa Phấn Vũ đã gắn
bó mật thiết với người dân nơi đây với những sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt
văn hóa cộng đồng qua các thời kỳ. Chùa Phấn Vũ còn đóng góp quan trọng
5



trong công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, là nơi hoạt động của các bậc
tiền bối cách mạng, của du kích làng Phấn Vũ góp phần tô thêm trang sử vẻ
vang của quê hương đất biển Anh Hùng.
Là một người con sinh ra trên mảnh đất Thụy Xuân, tôi chọn đề tài
“Đền, chùa trong không gian văn hóa làng Phấn Vũ (xã Thụy Xuân, huyện
Thái Thụy, tỉnh Thái Bình)” làm luận văn thạc sĩ với hi vọng hiểu rõ thêm về
những giá trị của cụm di tích; thấy được mối quan hệ giữa cụm di tích và
không gian văn hóa làng Phấn Vũ; giúp người dân Thụy Xuân, đặc biệt là thế
hệ trẻ biết trân trọng văn hóa truyền thống ngay trên mảnh đất quê hương.
2. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ
Từ lâu hệ thống đền, chùa Việt Nam nói chung và hệ thống đền, chùa ở
vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng đã trở thành đối tượng quan tâm của các
nhà nghiên cứu dưới nhiều góc độ: văn hoá dân gian, kiến trúc, điêu khắc, tôn
giáo, khảo cổ học, dân tộc học, lịch sử... Có thể kể đến một số công trình sau:
Công trình nghiên cứu đầu tiên cần phải kể đến là cuốn “Chùa Việt”
của tác giả Trần Lâm Biền [8]. Cuốn sách đã khái quát quá trình phát triển
của ngôi chùa Việt, phân tích giá trị văn hoá, hướng, bố cục chung và khảo tả
về hệ thống tượng thờ trong chùa.
Cuốn Đình chùa lăng tẩm nổi tiếng ở Việt Nam của tác giả Trần Mạnh
Thường [59] giới thiệu về các công trình kiến trúc cổ, những thành, lũy, đền,
tháp, đình, chùa, miếu… ở Việt Nam được xếp hạng cấp quốc gia trên phạm
vi cả nước.
Cuốn 250 đình chùa nổi tiếng Việt Nam của tác giả Ngô Thị Kim
Doan [13] nghiên cứu về những ngôi chùa ở Việt Nam từ xưa đến nay,
cùng với phong cách nghệ thuật chùa của Việt Nam từ thế kỷ X đến chùa
đất, chùa gỗ cho tới phong cách nghệ thuật, chùa của người Khơ me,
người Hoa, người Chǎm.
6



Cuốn Nghi lễ thờ cúng tổ tiên, đền chùa, miếu phủ của tác giả Trương
Thìn [53] tìm hiểu về việc thờ cúng gia tiên, về tín ngưỡng lên chùa lễ Phật, lễ
Thánh thần ở các đình, đền, miếu phủ.
Tiếp theo, cuốn Chùa Việt Nam của tác giả Hà Văn Tấn [46] đã giới
thiệu về 118 ngôi chùa trong cả nước, trong đó có hai dạng chùa mới ít thấy
xuất hiện là chùa miền núi và chùa miền hải đảo. Đây là công trình nghiên
cứu kết tinh các hình ảnh và giá trị của khối di sản văn hoá và tôn giáo - tín
ngưỡng, được các tác giả thể hiện tinh tế, súc tích qua bài dẫn luận công phu
về toàn cảnh chùa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử và quá trình du nhập đạo
Phật từ Ấn Độ vào Việt Nam.
Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu, tìm hiểu về đền chùa cụ thể ở
một địa phương, một làng xã thì chưa có nhiều.
Cụm di tích đền, chùa làng Phấn Vũ cũng đã được một số nhà khoa học
quan tâm nghiên cứu nhưng chưa thật sự sâu sắc, cụ thể. Các nhà nghiên cứu
đã đề cập đến cụm di tích đến chùa làng Phấn Vũ trên từng lĩnh vực và khía
cạnh khác nhau, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, như cuốn Địa chí Thái
Bình do Nguyễn Quang Ân và Phạm Minh Đức chủ biên [2] đã thống kê danh
sách các di tích thuộc tỉnh Thái Bình được xếp hạng cấp tỉnh và cấp Quốc gia.
Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Thụy Xuân (1927 – 1975) [33], Lịch sử Đảng bộ
huyện Thái Thụy (1927 - 2005) [32] cung cấp thêm một số tư liệu khái quát về
điều kiện tự nhiên, xã hội, truyền thống đấu tranh bất khuất quật cường của
nhân dân làng Phấn Vũ, trong đó đề cập đến chùa làng Phấn Vũ là di tích lịch
sử, là nơi hoạt động cách mạng của các chiến sỹ yêu nước. Năm 2012, một số
tư liệu nghiên cứu về cụm di tích của Ban Quản lý di tích tỉnh Thái Bình như:
Lý lịch di tích đền, chùa làng Phấn Vũ, xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh
Thái Bình; Báo cáo điều tra giá trị lịch sử đền, chùa làng Phấn Vũ; Bản vẽ
kiến trúc di tích đền, chùa làng Phấn Vũ nhằm đề nghị xếp hạng cụm di tích
Phấn Vũ là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh. Với những tư liệu đó, ngày 10
7



tháng 10 năm 2012, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã ra quyết định công
nhận cụm di tích này là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh. Tuy nhiên, những tư
liệu này chỉ mới tập trung vào khai thác giá trị lịch sử văn hóa cách mạng
nhưng cũng chưa thực sự chuyên sâu, trong khi đó còn nhiều vấn đề chưa
được đề cập đến hoặc đề cập còn ít và sơ sài như: Lịch sử hình thành làng,
hình thành cụm di tích; lễ hội, kiến trúc; công tác bảo tồn, tôn tạo,... Bên cạnh
đó, các nguồn tư liệu này mới chỉ nghiên cứu về cụm di tích; các nhà nghiên
cứu chưa đặt cụm di tích trong mối quan hệ qua lại với các hoạt động kinh tế,
văn hóa, xã hội của cư dân làng Phấn Vũ (hay chính xác hơn) các công trình
nghiên cứu đó chưa đặt cụm di tích (đền chùa) trong không gian văn hóa làng
Phấn Vũ. Vì vậy, có thể thấy đề tài luận văn “Đền, chùa trong không gian
văn hóa làng Phấn Vũ (xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình)” là
một công trình nghiên cứu hoàn toàn mới, cấp thiết, có ý nghĩa khoa học và
thực tiễn.
3. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU


Hệ thống lại toàn bộ các nguồn tư liệu nghiên cứu về làng Phấn Vũ và

cụm di tích đền chùa làng Phấn Vũ.


Đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu cụm di tích đền, chùa làng trong mối quan hệ

với không gian văn hóa làng Phấn Vũ.


Xác định một số vấn đề đang đặt ra và khuyến nghị một số giải pháp


nhằm bảo tồn, phát triển cụm di tích đền chùa làng Phấn Vũ trong thời điểm
hiện tại và tương lai.
4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
4.1.

Đối tượng
Cụm di tích đền, chùa làng Phấn Vũ (bao gồm: chùa Phấn Vũ, đền

Mẫu, đền Quan Lớn Thống) trong mối quan hệ với không gian văn hóa làng
Phấn Vũ.

8


4.2.

Phạm vi nghiên cứu

 Phạm vi không gian: Luận văn tập trung nghiên cứu cụm di tích đền chùa
trong không gian làng Phấn Vũ, xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái
Bình, nhưng có mở rộng ra trong mối quan hệ với một số làng, xã xung quanh.
 Phạm vi thời gian: Luận văn tập trung nghiên cứu cụm di tích đền chùa
làng Phấn Vũ từ năm 1986 - 2014, nhưng có quan tâm đến các vấn đề lịch sử
từ khi đền, chùa được xây dựng cho đến hiện nay (2014)
 Phạm vi vấn đề: Luận văn nghiên cứu cụm di tích đền, chùa làng Phấn Vũ
trên các góc độ kiến trúc, điêu khắc, đối tượng thờ tự và các hoạt động thờ
cúng, lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo… diễn ra tại cụm di tích trong mối quan hệ
qua lại với không gian văn hóa làng Phấn Vũ.
5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

 Phương pháp tiếp cận khu vực học và liên ngành:
Luận văn đặt cụm di tích đền, chùa trong không gian văn hóa làng Phấn
Vũ - một không gian văn hóa có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hóa Việt
vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ và những yếu tố văn hóa Việt vùng ven biển
trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập hiện nay. Luận văn
sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể của các ngành sử học, dân tộc
học, xã hội học,… để thu thập và xử lý tư liệu khi viết luận văn.
 Phương pháp Lịch sử:
Nghiên cứu tài liệu, các công trình nghiên cứu đã được công bố (xuất
bản) để xác định các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong luận văn và xác
định các tài liệu về đền, chùa, về không gian văn hóa làng Phấn Vũ trong quá
khứ và hiện tại có thể sử dụng trong luận văn.
 Phương pháp Dân tộc học/ Nhân học
Phương pháp khảo sát thực địa của ngành Dân tộc học bao gồm một
loạt phương pháp nghiên cứu cụ thể như quan sát (quan sát tham dự và không
tham dự), phỏng vấn (phỏng vấn sâu, phỏng vấn hồi cố), thảo luận nhóm,
9


chụp ảnh, quay video,… được sử dụng để thu thập tư liệu trên thực địa về
kiến trúc, điêu khắc, cách thức bố trí không gian thờ cúng của cụm di tích và
các hoạt động thờ cúng, lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo diễn ra trong cụm di tích
và mối quan hệ giữa cụm di tích với không gian văn hóa làng Phấn Vũ trong
lịch sử và hiện tại. Đây là phương pháp khai thác và cung cấp nguồn tư liệu
định tính chủ yếu để hoàn thành luận văn.
 Phương pháp thống kê:
Khai thác và sử dụng nguồn tư liệu định lượng (các số liệu thống kê) về
điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội,… của cư dân làng Phấn
Vũ, xã Thụy Xuân đã và đang được lưu giữ tại địa phương.



Phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh:
Phân tích, tổng hợp, đối chiếu các nguồn tư liệu. Đây là phương pháp

được sử dụng để viết luận văn.
6. ĐÓNG GÓP CỦA ĐỀ TÀI
 Cung cấp nguồn tư liệu chi tiết, cụ thể và hệ thống về cụm di tích trên các
góc độ kiến trúc, điêu khắc, đối tượng thờ tự và các hoạt động thờ cúng, lễ
hội, tín ngưỡng tôn giáo diễn ra tại cụm di tích, trong mối quan hệ, tác động
qua lại với không gian văn hóa làng Phấn Vũ.
 Chỉ ra những vấn đề đang đặt ra với cụm di tích trong quá trình tồn tại và
phát triển.
 Đưa ra một số khuyến nghị giải pháp góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát
triển cụm di tích.
7. BỐ CỤC ĐỀ TÀI
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, đề tài bao
gồm 3 chương, trong đó:
Chương 1: Không gian văn hóa làng Phấn Vũ
Chương 2: Cụm di tích đền, chùa làng Phấn Vũ
Chương 3: Đền chùa làng Phấn Vũ - một số vấn đề đặt ra và khuyến nghị giải pháp
10


CHƯƠNG 1:
KHÔNG GIAN VĂN HÓA LÀNG PHẤN VŨ

1.1. Điều kiện tự nhiên
1.1.1. Vị trí địa lý
Làng Phấn Vũ thuộc xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Nằm ở vị trí trung tâm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, có

điểm nút giao thông quan trọng của tuyến đường liên xã, liên huyện đi các
tỉnh biên giới phía Bắc sang Trung Quốc và các vùng miền trên cả nước,
thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi buôn bán: Phía Đông giáp với biển. Phía
Tây giáp thôn Xuân Bàng, làng Bình Lạng và đường đi đến xã Thụy An. Phía
Nam giáp làng Vạn Xuân, xã Thụy Xuân. Phía Bắc giáp xã Thụy Trường,
huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Làng Phấn Vũ cách thị trấn Diêm Điền 7km, cách thành phố Thái Bình
khoảng 40km, cách thành phố Hải Phòng 80km, cách thủ đô Hà Nội 120km.
Từ làng đến biển chỉ khoảng 1km rất thuận lợi cho người dân ra biển đánh bắt
hải sản. Năm 2013, xã Thụy Xuân đã xây dựng xong đường đêpan càng tạo
điều kiện thuận lợi hơn nữa cho giao thông đường bộ. Cùng với giao thông
đường bộ thì đường thủy khá phát triển, tạo điều kiện cho Phấn Vũ trong việc
giao lưu kinh tế, văn hoá - xã hội cũng như việc tiếp thu các thành tựu khoa
học, công nghệ và tăng khả năng thu hút vốn đầu tư của các tổ chức trong và
ngoài nước.
1.1.2. Địa hình
Nền địa hình Thái Bình là đồng bằng được hình thành cách đây không
lâu. "Đường bờ biển chỉ mới được bồi đắp trong vòng 100-200 năm trở lại
đây" [2, tr. 30]. Về tổng thể, Thái Bình là một tỉnh đồng bằng, không có đồi
núi, bao gồm các cánh đồng bằng phẳng, xen kẽ các khu dân cư, mạng lưới
11


sông ngòi chằng chịt, độ cao trung bình của tỉnh không quá 3m so với mực
nước biển. Địa hình Thái Bình được chia thành các khu vực: "Loại hình ven
sông; loại hình đất cao phía Tây Bắc; loại hình đất thấp ven sông Hóa; loại
hình đất trũng ở giữa tỉnh và loại hình đất tương đối cao ven biển" [2, tr. 35].
Loại hình đất tương đối cao ven biển gọi là vùng tiếp giáp biển gồm các xã
phía Đông Nam huyện Tiền Hải và Đông Nam huyện Thái Thụy, trong đó có
xã Thụy Xuân. Theo đó, làng Phấn Vũ nằm trên vùng đất cao, chịu tác động

trực tiếp của sóng gió biển Đông. Bờ biển Thái Thụy luôn biến động theo thời
gian, có sự bồi đắp và tiến ra xa biển nên diện tích có sự thay đổi theo chiều
hướng tăng dần lên. Đoạn bờ biển từ cửa sông Trà Lý đến cửa sông Diêm Hộ
cho đến năm 1936 vẫn chưa được bồi đắp. Đến những năm cuối của thế kỷ
XX, nhân dân đã chinh phục bờ biển ở đây và diện tích được bồi đắp tiến xa
ra biển khoảng 3km.
1.1.3. Khí hậu
Khí hậu của làng Phấn Vũ nói riêng và Thụy Xuân nói chung mang tính
chất cơ bản là nhiệt đới ẩm gió mùa, với nhiệt độ trung bình năm là 23 - 24oC,
số giờ nắng 1600 - 1800 h, tổng lượng mưa trong năm 1700 - 2200 mm, độ
ẩm không khí 80 - 90%. Gió mùa mang đến cho Phấn Vũ một mùa đông lạnh
mưa ít, mùa hạ nóng mưa nhiều và hai thời kỳ chuyển tiếp ngắn.
Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, chế độ nhiệt của Phấn Vũ
đạt tiêu chuẩn nhiệt đới với nhiệt độ trung bình hàng năm là 23,3oC. Có sự
phân hóa của chế độ nhiệt thành hai mùa rõ rệt. Mùa hè, nhiệt độ trung bình
trong tháng lớn hơn 25o C, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, trong đó tháng 7
là tháng nóng nhất với nhiệt độ trung bình là 29,2oC. Trong mùa hè, có những
ngày gió đông nam mát mẻ, có ngày có gió tây nam khô nóng. Hoạt động của
các dải hội tụ nhiệt đới gây mưa lớn và giông bão bất thường. Mùa đông có
nhiệt độ trung bình trong tháng dưới 20oC kéo dài từ tháng 12 năm trước đến
12


tháng 3 năm sau. Tuy nhiệt độ có lúc thấp đến 4,1oC nhưng do ảnh hưởng của
biển nên không xảy ra hiện tượng sương muối. Trong mùa đông, thường gặp
các kiểu thời tiết hanh khô, nồm, nắng ấm, lạnh ẩm và mưa phùn. Sự điều hòa
nhiệt ẩm ở vùng ven biển Thái Thụy rõ rệt hơn những vùng xa biển, biên
độ nhiệt trung bình trong năm là 12,8oC, trong khi ở thành phố Thái Bình
là 13,1oC.
Khí hậu nhiệt đới gió mùa tạo thuận lợi cho cây trồng vật nuôi. Những

tháng mùa đông, có thể gieo trồng các loại cây cận nhiệt đới và ôn đới, tạo
sản phẩm tiêu thụ trong vùng và xuất khẩu. Song vùng đất này cũng có những
khó khăn do thời tiết đem lại, là nơi đầu sóng ngọn gió nên mùa bão nổi
thường tràn qua Thụy Xuân, gây nhiều thiệt hại. Tác động bất lợi của tự nhiên
gây ra ngập lụt, vỡ đê, nước mặn xâm nhập vào sâu đất liền gây thiệt hại mùa
màng, nhà cửa, đôi khi còn cướp đi sinh mạng con người. "Trận bão ngày
24/6/1929 còn ghi đậm dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân Thụy Xuân; tiếp
đó là cơn bão tháng 7/1955 kèm theo gió lớn, mưa nhiều, sóng to, nước biển
dâng tràn đã xóa đi dấu vết của nhiều xóm bãi ngoài đê Ngự Hàm, dọc bờ
biển Thụy Xuân - Thụy Trường - Thụy Hải" [2, tr. 49]. Tuy vậy, để sống hòa
hợp với thiên nhiên, tận dụng các điều kiện thuận lợi và hạn chế tác hại của tự
nhiên, người dân đã biết huy động trí tuệ, sức lực của mình đắp đê, đào hệ
thống kênh mương chống úng ngập, tưới tiêu, dùng các biện pháp thủy lợi để
thau chua, rửa mặn, cải tạo đất đai phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.
1.1.4. Thủy văn
Hàng năm đón nhận lượng mưa lớn (1700 - 2200 mm). Hệ thống sông
ngòi dày đặc, các ao hồ, đầm nhỏ nằm rải rác, xen kẽ với với làng xóm hoặc
ven đê, lại tiếp nhận một lượng nước lớn từ các sông: Sông Trà Lý, sông Hóa,
sông Diêm Hộ, sông Hệ tạo nên một hệ thống thủy văn phong phú. Lượng
nước biển lớn với chế độ thủy triều ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông
13


nghiệp và vận tải, nhiều nhất vào các tháng 1, 2, 3. Các tháng này mực nước
ngầm, nước mặt trong đất liền thấp. Khi triều cường, nước mặn thâm nhập
vào đồng ruộng làm cho đồng ruộng bị nhiễm mặn. Mặt khác, thủy triều dâng
có tác dụng làm cho nguồn nước mặt dâng cao, có lợi cho các vùng lấy nước
ngọt tưới cho đồng ruộng. Về các tháng mùa mưa, khi triều thấp có thể tiêu
nước từ các vùng ngập úng ra biển. Khi tiêu úng ra biển, dòng nước đem theo
nhiều tác nhân bất lợi cho mùa màng, giúp thau chua rửa mặn, giải phóng môi

trường nước bị ô nhiễm.
1.1.5. Thổ nhưỡng
Đất của làng Phấn Vũ là loại đất nhiễm mặn, đất thường chưa ổn định,
phân tầng chưa rõ rệt, thường có tầng hữu cơ là xác thực vật. Điều này do ảnh
hưởng của nước biển ngầm và kênh rạch ven biển. Mức độ nhiễm mặn thay
đổi theo mùa lũ cạn và ở các độ sâu khác nhau. Đất mặn có hàm lượng hữu cơ
cao, dinh dưỡng khá. Tuy nhiên độ mặn lại là yếu tố khống chế sản xuất, cũng
chính vì thế nên Phấn Vũ trồng trọt rất ít, người dân chủ yếu làm nghề nuôi
trồng và đánh bắt, khai thác thủy hải sản.
1.1.6. Động thực vật
1.1.6.1. Thực vật
Phấn Vũ nói riêng và Thái Bình nói chung không có đồi núi nên các
nhóm cây tự nhiên rất nghèo nàn, chủ yếu là cây trồng. Trong đó, cây lương
thực là nhóm cây chủ đạo, bao gồm lúa, ngô, khoai, sắn. Rau quả bao gồm rau
quả vụ đông như: Su hào, bắp cải, xà lách, súp lơ, cà chua, đậu, đỗ... và rau
quả vụ hè: Rau muống, cải xanh, rau đay, bí ngô, bí đao, cà, mướp. Vụ đông
và vụ đông xuân rau rất phong phú. Bên cạnh đó, thực vật ngập mặn như: Vẹt,
bần, sú rất phát triển cùng với các loại sinh vật biển tạo nên hệ sinh thái rừng
ngập mặn đa dạng, phong phú.

14


1.1.6.2. Động vật
Xã Thụy Xuân nói chung và làng Phấn Vũ nói riêng là nơi ít có quỹ đất
cho thực vật tự nhiên phát triển, vì vậy chỗ trú ẩn cho các loài động vật tự
nhiên cũng rất ít. Chỉ có một số loại chim như: Cò, diệc, chích chòe; các loài
động vật biển như: Tôm, cá, mực, cua, còng, cáy, don, día, ngao… Còn lại,
động vật chủ yếu là động vật nuôi, bao gồm: Động vật nuôi trên cạn như trâu,
bò, lợn, gà, vịt, ngan; động vật nuôi dưới nước như ngao, cua, cá, tôm nước

lợ, nước ngọt: Tôm sú, cá song, cá bớp, cá vược.
1.2. Một số vấn đề lịch sử và cư dân
1.2.1. Lịch sử hình thành làng
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu trong cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Thái
Thụy, cuốn Địa chí Thái Bình, có thể thấy cũng như các xã ven biển nằm ở
phía Đông Bắc huyện Thái Thụy, làng Phấn Vũ, xã Thụy Xuân không nằm
ngoài quá trình hình thành trải qua hàng chục vạn năm của vùng đồng bằng
ven biển Bắc Bộ. Trải qua quá trình lấn biển, đất đai xã Thụy Xuân nói
chung, làng Phấn Vũ nói riêng đã nhiều lần chìm nổi. Khoảng 2500 năm
trước, địa chất khu vực mới ổn định, mực nước biển rút dần, để lộ ra các vùng
đất với nhiều gò đống, đầm lầy, đất đai Thụy Xuân dần hình thành và bắt đầu
xuất hiện luồng cư dân di cư theo đường biển về đây hội tụ sinh sống. Tuy
nhiên, do sự khó khăn hiếm hoi về mặt tư liệu nên chưa đủ điều kiện làm rõ
được tên tuổi, địa bàn hành chính của Thái Thụy (trong đó có Phấn Vũ - Thụy
Xuân) trong thời kỳ dựng nước trước công nguyên và nghìn năm Bắc thuộc.
"Đến thế kỷ thứ X từ các triều đại Đinh - Lê - Lý - Trần trở đi cùng với thắng lợi
trong đấu tranh chống ngoại xâm, củng cố nền độc lập thì cương vực Thái Thụy
mới dần rõ nét" [5, tr. 8]. Cuối thế kỷ XVIII, Thái Thụy nằm trong 3 huyện
của 2 phủ: "huyện Thụy Anh, huyện Đông Quan của phủ Thái Bình (đời Tây
Sơn gọi là phủ Thái Ninh) và huyện Thanh Lan (hoặc Thanh Quan) của phủ
15


Tiên Hưng" [5, tr. 9]. Tên tuổi, địa bàn hành chính của làng Phấn Vũ trải qua
các thời kỳ này đều nằm trong tên tuổi chung, địa giới hành chính chung của
Thái Thụy với các tên gọi khác nhau qua tiến trình lịch sử.
Theo cuốn “Các Tổng trấn xã danh bị lãm” thì Phấn Vũ nằm trong 9
tổng với 59 xã của huyện Thụy Anh với tên gọi xã Phấn Vũ thuộc tổng Vạn
Xuân (cũng có lúc đổi thành làng Phấn Vũ hoặc xã Minh Vũ của tổng Vạn
Xuân) và tên gọi đó được duy trì đến Cách mạng tháng 8/1945. Theo điều tra

thực địa của một người Pháp có tên P.Gourou vào giữa năm 1930 thì tổng dân
số của xã Phấn Vũ là 1947 người, diện tích đất tự nhiên 0,28 km2.
Tháng 4/1946, thực hiện chủ trương chung, Hội đồng nhân dân tỉnh xóa
bỏ đơn vị tổng, đổi phủ thành huyện. Lúc này Minh Vũ có tên là làng Phấn
Vũ, thuộc xã Xuân Trường, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình. Đến 1956,
Xuân Trường được tách thành 2 xã Thụy Xuân và Thụy Trường. Minh Vũ
cùng 2 làng Vạn Xuân, Bình Lạng thuộc xã Thụy Xuân, huyện Thụy Anh,
tỉnh Thái Bình. "Ngày 17/6/1969, huyện Thụy Anh được sáp nhập với huyện
Thái Ninh lấy tên gọi huyện Thái Thụy" [3, tr. 2]. Năm 1969, làng Phấn Vũ
gồm 5 xóm: 7, 8, 9, 10, 11 đến năm 2003 chỉ gồm hai xóm 8 và 9.
Quá trình lịch sử lâu đời của đất và người làng Phấn Vũ xưa còn được
khẳng định qua thực tế quá trình hình thành đất đai, dân cư và truyền thống
khai hoang lấn biển. Trong đó làng Phấn Vũ nằm trên dải cồn cát được dồn tụ
sóng biển bắt đầu từ đỉnh Gồ Gai xã Thụy Trường gối nhau chạy qua các xã
Thụy Xuân, Thụy Hải, Thụy Hà có chiều dài gần 15 km.
1.2.2. Quá trình phát triển cư dân
Các cứ liệu về khảo cổ học đã chứng minh đậm nét về dấu vết cư trú từ
rất sớm của con người trên vùng đất Tổng Vạn Xuân gồm: Vạn Xuân, Tam
Tri, Lỗ Trường, Tri Trỉ, Chỉ Bồ, Bình Lạng, Phấn Vũ. Năm 1973, Bảo tàng
Thái Bình đã phát hiện được nhiều di chỉ khảo cổ học tại mép biển Thụy
16


Xuân như: Mũi tuyết đồng, ngôi mộ cổ có quan tài hình thuyền hay như ở các
khu gò đống của Phất Lộc (xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình)
cũng tìm được một số mộ gạch lớn kết cấu hình vòm mang đặc trưng của
những ngôi mộ Hán, đó là những căn cứ có thể xác định ngôi mộ tìm thấy tại
ven biển Thụy Xuân cũng là ngôi mộ có niên đại từ rất sớm vì dải đất đều
nằm chung trong đất đai ven biển huyện Thụy Anh.
Bên cạnh những dấu vết còn khiêm tốn trên sự hình thành đất đai, dân

cư của làng Phấn Vũ còn được minh chứng bổ sung sống động bằng nếp sinh
hoạt văn hoá độc đáo mang sắc thái riêng của cư dân ven biển trong đó văn
hoá tâm linh và tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu đóng vai trò hết sức quan trọng
trong đời sống tâm linh của nhân dân.
"Công cuộc khai khoang, trị thuỷ của các xã Bình Lãng, Phấn Vũ, Vạn
Xuân, Chỉ Bồ, Lổ Trường, Tam Chi, Tri Chỉ thuộc Tổng Vạn Xuân đặc biệt
sôi động khi nhà nước phong kiến Đại Việt giành quyền tự chủ, từ thời Lý Bí
hai cha con Lý Thiên Bảo, Lý Bảo Quốc đã lấy nơi đây lập trại, đóng đồn, lập
ấp để huấn luyện quân sỹ tích trữ lương thảo phục vụ cho cuộc khởi nghĩa
đánh đuổi quân Lương ra khỏi bờ cõi dựng lên nước Vạn Xuân" [5, tr.12].
Thời gian tiếp theo luồng cư dân di cư theo đường biển từ nhiều nguồn gốc,
thành phần khác nhau: Có trường hợp đến đây do muốn thoát khỏi cảnh đè
nén, tù túng ở quê cũ; có người phiêu bạt do loạn lạc chiến tranh; có người
phải thay đổi tên họ để tránh sự truy bức của triều đình; có người là nô tì, gia
nhân tự nguyện đi theo công thần về mở mang điền trang, thái ấp.
Đến thời nhà Trần, tổng Vạn Xuân là hậu căn cứ quan trọng để nhà
Trần xây dựng tuyến phòng trữ tích trữ lương thảo, rèn luyện quân sỹ trấn giữ
cửa Đại Bàng. Khi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thắng lợi, Đốc Hậu
đại tướng quân Ngô Đạt đã đem theo gia nhân, binh lính thuộc hạ và vận động

17


trai tráng đắp đê ngăn mặn và con trai cả của tướng quân Nguyễn Liệu Công
đã về tổng Vạn Xuân lập ấp.
Cuối thế kỷ XIV, trước sự lấn át của Hồ Quý Ly, nhiều thân tộc nhà
Trần lánh về Thái Thụy núp dưới danh nghĩa khai khẩn vùng ven biển để
chiêu mộ lực lượng chờ thời cơ khôi phục lại nhà Trần.
Dưới thời Lê sơ, chính sách trị thủy của nhà nước có tác động thuận lợi
đến công cuộc khẩn hoang, mở mang làng xã, đắp đê biển để chắn lũ, ngăn

nước mặn, tiêu biểu cho thời kỳ này là việc khẩn hoang những bãi bồi hoang
hóa ven biển do ông nghè Nguyễn Công Định (Đỗ tiến sỹ khoa Quý Mùi 1463) khởi xướng.
Dưới triều Minh Mệnh (1820-1840) hoạt động bồi trúc đê ngăn lũ mặn,
khẩn hoang có qui mô lớn do Đinh điền sứ Nguyễn Công Trứ đề xuất và tổ
chức. Người dân tổng Vạn Xuân, đặc biệt vùng Ba Gia - Lỗ Trường đã truyền
đời câu răn:
“Đã là con mẹ con cha
Đừng sinh ở đất Ba Gia- Lỗ Trường”.
Câu răn ấy để nói về nhiều lần thất bại, gian nan trong việc bám đất, lập
làng, sự khắc nghiệt của miền đất đầu sóng ngọn gió, bão lũ luôn đe dọa ập
đến bất ngờ chôn vùi những nỗ lực của con người. Trong khi đó, nhiều ngư
dân và thuyền bè vẫn chưa dứt khỏi nỗi ám ảnh về sóng dữ, vực sâu ở các
vùng cửa biển, cửa sông “Sóng cửa Trà, ma cửa Hộ” hoặc “Cửa Tuần Vường
phải nhường của Cun”. Tuy nhiên không chịu lùi bước trước thiên nhiên,
quyết tâm trị thủy, quai đê, lấn biển người dân 7 xã thuộc tổng Vạn Xuân đã
biến miền đất đầy rẫy gò đống và đầm lầy lau lách nhiễm mặn trở thành vùng
đất trù phú như ngày nay.
Hiện nay, làng Phấn Vũ có 298 hộ, 1054 khẩu, có 11 dòng họ bao gồm:
họ Hoàng, Trần, Hà, Nguyễn, Phạm, Lê, Bùi, Vũ, Đỗ, Trịnh, Khúc. Những
18


dòng họ này phần nhiều từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Nam
Định di cư đến.
Cộng đồng cư dân Phấn Vũ qua nhiều lớp dân cư, nhiều thế hệ, nhiều
cội nguồn đã kế tiếp nhau, kề vai sát cánh, hợp cư hòa bình cùng bám đất bám
biển vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên cải tạo vùng đất sình lầy, lau
lách um tùm thành vùng đất cư trú đông đúc, giàu có như ngày nay.
1.3. Các hoạt động kinh tế
1.3.1. Thủ công nghiệp

1.3.1.1. Nghề đan lát mây, tre
Hầu hết các làng xã ở Thái Bình đều có nghề đan lát mây tre. "Theo ghi
chép của người Pháp, vào khoảng năm 1930 - 1932 số người làm nghề đan
lát ở Thái Bình có khoảng 8800 người trong tổng số 42000 người trên toàn
Bắc Bộ. Gần như làng nào cũng có 10 - 15 người làm nghề đan lát" [2, tr.
797]. Dụng cụ của nghề này rất đơn giản, chỉ cần một con dao mác sắc và một
số cây tre, mây là có thể tạo nên các sản phẩm rổ, rá, nong, nia, sàng, quang
gánh, các dụng cụ đánh bắt cá như lờ, nơm. Những người già hoặc những lao
động chính lúc rỗi việc cũng đều tranh thủ đan các thứ đồ để dùng trong nhà
hoặc để bán. Tuy nhiên, hiện nay nghề này hầu như không còn nữa vì thu
nhập thấp, nhiều người đã chuyển sang nghề đan lưới đánh bắt cá hoặc buôn
bán nhỏ tại khu vực chợ Bàng.
1.3.1.2. Nghề đan lưới đánh bắt cá
Trước cách mạng tháng 8/1945, theo ghi chép của người Pháp thì nghề
đan lưới đánh bắt cá ở Thái Bình phát triển hơn so với các tỉnh khác thuộc
vùng đồng bằng Bắc Bộ, có 1200 thợ đan lưới trong số 3000 thợ của toàn Bắc
Kỳ. Thợ đan lưới tập trung ở các làng Phú Lạc (Hưng Nhân), Nam Huân
(Kiến Xương), Tu Trình, Vọng Hải, Vạn Đồn, Vạn Xuân, Đông Dương,
Phương Man (Thụy Anh). Tuy nhiên, trước năm 1945, nghề đánh bắt cá ở
19


Thái Bình nói chung, ở các huyện ven biển (Tiền Hải, Thụy Anh, Thái Ninh)
nói riêng chỉ được xem là nghề phụ, "chưa nơi nào tỏ ra là một làng đánh cá
thực thụ" 1. Hiện nay, phát triển kinh tế biển được xem là ngành kinh tế mũi
nhọn của các huyện Thái Thụy, Tiền Hải trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp
hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn Thái Bình. Điều này góp phần tạo
điều kiện cho nghề đan lưới đánh bắt cá phát triển.
1.3.2. Nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản
Nghề chính của làng là nuôi trồng, đánh bắt và buôn bán hải sản. Hiện

nay, làng có 25 hộ gia với trên 48 ha diện tích đất nuôi trồng2 các loại hải sản
xuất khẩu như: Tôm, cua, cá (cá vược, cá song, cá thu…) thu hút hàng trăm
lao động cho thu nhập giá trị kinh tế cao, trên 400 triệu đồng/ha đầm nuôi,
chiếm 35% tổng thu nhập kinh tế của thôn. Diện tích nuôi trồng ngày càng
được đầu tư mở rộng. Nhiều đồng muối không còn, phần vì giá muối quá thấp
mà làm ra hạt muối rất vất vả, phần vì chuyển đổi diện tích sang nuôi trồng
thủy hải sản. Bên cạnh việc nuôi trồng thì hoạt động khai thác hải sản phát
triển với 3 tàu đánh bắt hải sản tầm trung và hàng trăm lao động hàng ngày
khai thác hải sản ven bờ.
Các bô lão trong làng truyền lại rằng: Ngày xưa vùng biển Xuân
Trường còn sâu, nước triều lên xuống tôm, cá rất nhiều, cả vùng bờ biển chạy
dài từ sông Hóa lên tới sông Diêm Hộ rất thuận tiện cho nghề đánh cá. Thời
kỳ đó dân cư ở đây còn rất thưa thớt, nghề đánh cá có xuất xứ từ những cư
dân di cư theo đường biển về đây. Lúc đầu, họ dùng mấy cây tre đóng thành
mảng để chở lưới và người rồi chèo ra thả lưới kéo vào bờ gọi là nghề “lưới
bồ”, làm xong hết ngày họ lại kéo mảng lên bờ.

1
2

P. Gourou: Les paysans du delta tonkinois, Paris, 1936
Báo cáo thực trạng kinh tế của các thôn trong xã Thụy Xuân (2012), tr.9

20


Đến sau này, từ những kinh nghiệm đi biển của các lão ngư, Mảng đã
dần dần được thay thế bằng phương tiện thuyền (thuyền được đan bằng tre
sơn vỏ cây sắn chét lại, dùng tranh cói để làm cánh buồm). Phương thức đánh
bắt này gọi là Reo Kheo. Nghề Reo Kheo đánh bắt cá ở mực nước sâu hơn,

dựa theo chiều gió mà thả vây lưới (lưới được đan bằng tơ gai) phải cần tới
trên 20 người cùng hợp sức. Khi đánh cá họ thả người xuống nước chia từng
khoảnh thành vòng tròn. Mỗi người đi Kheo có một cây sào dài khoảng 3 mét
vừa lội vừa reo đập sào đuổi cá về phía thuyền lưới. Phương thức này có thể
giúp 20 ngư dân thu hoạch 5 -7 tấn cá/ngày. Càng đánh bắt xa bờ càng được
nhiều tôm cá, từ đó đã phát triển sang nghề Reo Khua. Nghề Reo Khua yêu
cầu phải có nhiều người, nhiều thuyền, đặc biệt lưới phải to, dài và rộng.
Ngoài 2 thuyền lưới ra phải có 8 – 12 thuyền Khua. Phương thức đánh bắt này
cho phép đánh được các loại cá to như cá Thủ, cá Gúng, cá vàng Kép, có mẻ
lưới thu được trên chục tấn cá. Những ngày biển động nghề Reo Khua không
làm được các bạn thuyền tập trung lại 2 thuyền cái để đi đánh Lưới Hà. Nghề
Lưới Hà là nghề lưới thả rê bắt các loại cá Chim, Thu, Nhụ, Đé. Hai nghề
“Lưới hà” và “Reo khua” chỉ khai thác vào thời vụ từ tháng giêng đến trung
tuần tháng 4 (âm lịch), ngoài thời gian này cá đẻ xong nuôi ra ngoài khơi xa
vì thế chỉ đánh cá có thời vụ [3, tr.4]. Năm 1958 đã hình thành các tập đoàn
đánh cá, phương tiện khai thác được cải tiến, thuyền gỗ to buồm vải lưới nghề
làm bằng Ny lon, cải tiến lối đánh bắt, xây dựng phương thức khai thác đa
dạng, phát triển ngư cụ tạo điều kiện để đánh cá quanh năm với nghề lưới rê,
giả đôi, giả tôm, lưới vó mành đánh bằng ánh sáng vào giữa thập niên 60. Đầu
thập kỷ 60 thành lập hợp tác xã đánh cá Vũ Tiến, đến năm 1982 chia tách
thành 02 Hợp tác xã là Xuân Thành và Xuân Tiến. Hiện nay nghề khai thác
thuỷ hải sản được tổ chức quy mô hiện đại hơn với hệ thống tàu to, máy lớn
để vươn ra khơi xa và do các cá nhân đầu tư.
21


Dù đánh bắt bằng phương thức nào thì cuộc sống của ngư dân nơi đây
cũng đầy gian lao. Người đàn ông ra khơi lênh đênh trên biển, phải đối mặt
với sóng to gió lớn, đối mặt với chuyện sinh tử thường ngày. Còn những
người vợ, người mẹ ở nhà luôn phải chịu cảnh: “Ăn với chồng một bữa, ngủ

với chồng nửa đêm”. Nhưng những gian lao đó không khuất phục được ngư
dân nơi đây, họ vẫn ra khơi mang theo những kinh nghiệm được đúc kết qua
nhiều thế hệ:
“Con ơi giữ lấy lời cha
Đôi mươi tháng chín thật là bão rươi
Mùng năm của những tháng Mười
Thì con vào lộng ra khơi mặc lòng”3
Dân làng kể lại vào trước năm 1890 có cụ Lê Văn Ưng là người đánh
cá rất giỏi. Khi đi đánh cá, cụ Ưng nhìn trời đất mà đoán biết được mưa gió
hoặc có bão để tránh. Căn cứ vào thời tiết, hướng gió và tính theo con nước,
cụ sẽ tìm ra đúng bãi cá, đoán biết hướng di chuyển của cá. Ví dụ: Hôm nay
chầu 3 con nước, gió nam cấp 2, cá sẽ di chuyển lui vào và lên phía Bắc.
Những kinh nghiệm đi biển đó vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay.
1.3.3. Diêm nghiệp
Xã Thụy Xuân có nghề làm muối từ năm 1958 bao gồm 2,14 ha đất làm
muối, mỗi năm cho thu hoạch hàng trăm tấn4. Những hạt muối mặn mà thơm
trắng được kết tinh từ biển, phơi cùng nắng gió cũng tăng thêm thu nhập cho
người dân trong xã nói chung và người dân làng Phấn Vũ nói riêng. Tuy
nhiên, làm muối là nghề hết sức vất vả. Để sản xuất ra hạt muối, người dân
phải làm sân, ruộng phơi và hệ thống kênh mương dẫn nước vào đồng muối.
3
Nói đến kinh nghiệm đi biển của ngư dân Phấn Vũ. Nếu là 20/9 thì không nên ra khơi đánh bắt vì mùa này
thường xuất hiện nhiều bão gió to. Còn từ 5/ 10 thì ra khơi không phải lo lắng.
4

Báo cáo thực trạng kinh tế của các thôn trong xã Thụy Xuân (2012), tr.7

22



×