Tải bản đầy đủ (.doc) (9 trang)

Cảm nhận về bài thơ Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (106.43 KB, 9 trang )

NHỮNG CÁNH BUỒM.

Hai cha con bước đi trên cát
Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh
Bóng cha dài lênh khênh
Bóng con tròn chắc nịch.
Sau trận mưa đêm rả rích
Cát càng mịn, biển càng trong.
Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng
Nghe con bước lòng cha vui phơi phới.
Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi :
“Cha ơi
Sao xa kia chỉ thấy nước, thấy trời
Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”
Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ :
“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa
Sẽ có cây, có cửa, có nhà
Vẫn là đất nước của ta
Những nơi đó cha chưa hề đi đến”
Cha lại dắt con đi trên cát mịn
Ánh nắng chảy đầy vai
Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời
Con lại trỏ cánh buồm xa nói khẽ :
“Cha mượn cho con buồm trắng nhé
Để con đi…”
Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm
Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.
I/ Thi pháp xây dựng không gian nghệ thuật của tác phẩm “Những cánh
buồm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông :


Đọc “Những cánh buồm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông, người đọc
dường như đứng trước không gian mênh mông, vô tận của đại dương. Ngỡ
như nghe được tiếng sóng biển rì rào từ nơi xa thẳm. Ngỡ như nhìn thấy
trong buổi bình minh rực rỡ một cánh buồm đỏ thắm thấp thoáng ngoài khơi.
Ngỡ như nghe đâu đó trong tâm khảm của mình vọng về những khát khao
của tuổi thơ trong sáng… Nghĩa là thi phẩm đã mở ra trước mắt người đọc
những cái tưởng chừng như vô hình mà hữu hình, tưởng như vô thanh mà lại
xôn xao rung động hồi ức. Từng câu, từng chữ như ngân nga, vang vọng,


thấm dần vào tâm khảm người đọc. Tôi nghĩ, thành công của thi phẩm có lẽ
bắt nguồn sâu xa từ việc xây dựng không gian nghệ thuật.
Không gian bao trùm toàn bộ thi phẩm là không gian của biển khơi,
của đại dương bao la vô tận. Không gian được tái hiện từ gần đến xa. Hai
cha con dắt nhau đi trên cát mịn. Sau trận mưa đêm, biển trong xanh mênh
mông, ánh mặt trời rực rỡ trải dài trên mặt nước. Và không gian mở rộng ra
biển khơi xa thẳm theo lời con trẻ :
“Cha ơi
Sao xa kia chỉ thấy nước, thấy trời
Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”
Nước, trời hòa một sắc hiện ra mênh mông, bát ngát. Cái vô tận của trùng
khơi như được nhân lên bởi cách lặp mang tính phủ định “không thấy”,
“không thấy”, “không thấy”. Dường như những gì đại diện cho sự sống của
con người đều không hiện hữu. Chỉ ‘thấy nước”, ‘thấy trời”, “không thấy
nhà, không thấy cây, không thấy người”. Lần đầu tiên tầm mắt non trẻ thấy
một không gian khác lạ ngoài không gian quen thuộc của làng mạc, vườn
tược. Cái không gian đó vừa rợn ngợp vừa cuốn hút. Nhưng nếu không gian
trong tầm mắt của con trẻ chỉ dừng lại ở một giới hạn nhất định thì không
gian trong cái nhìn của người cha lại càng mênh mông, vô tận :
“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa

Sẽ có cây, có cửa, có nhà
Vẫn là đất nước của ta
Những nơi đó cha chưa hề đi đến”
Không gian con thấy chỉ là trời, biển. Không gian trong lời cha mở ra cho
con là chiều dài, chiều rộng của cả một đất nước tươi đẹp : “Vẫn là đất nước
của ta. Những nơi đó cha chưa hề đi đến”. Tôi lại nhớ đến trường ca “Mặt
đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Từ không gian “Đất là
nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc/ Nước là nơi con cá ngư ông
móng nước biển khơi”, ông mở rộng “Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ”.
Quan điểm của Nguyễn Khoa Điềm rất giống với cách lí giải về không gian
Đất nước của Hoàng Trung Thông “Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa …
Vẫn là đất nước của ta”. Không gian trời biển vẫn là không gian hữu hạn, có
thể nhìn thấy, có thể lí giải được. Không gian Đất nước là không gian vô
hạn. Đó không phải là không gian có thể đo đếm mà là không gian rất đỗi
linh thiêng trong tâm linh người Việt. Đó còn là niềm tự hào vô bờ bến về
một đất nước tươi đẹp, hào hùng. Không gian linh thiêng ấy dẫu hết một đời
cha vẫn “chưa hề đi đến”. Và hôm nay, cha mở ra cho con thấy không gian
ấy, như một lời tâm tình, gửi gắm của thế hệ đã qua, để từ đấy thắp lên trong
con một khát vọng cháy bỏng :
“Cha mượn cho con buồm trắng nhé


Để con đi…”
Cánh buồm chở bao mơ ước của tuổi thơ về một chân trời mới, một cuộc
sống mới, một khát vọng mới. Mỗi chúng ta, ai trong đời chẳng có một lần
khát khao được như thế. “Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa ….”.
Niềm khát khao của con trẻ đã đánh thức trong cha những hồi ức tuổi thơ :
“Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm…”
Như tiếng vọng về của một thời đã qua, lời của con thắp lên trong cha niềm

mơ ước cháy bỏng một thời. Vô hình chung, không gian đã có sự dịch
chuyển. Từ không gian mơ ước của con đến không gian hồi ức của cha.
Khoảng cách giữa hai không gian ấy được đo bằng cả một thế hệ. Có bao
điều khác biệt. Nhưng hai thế hệ lại gặp nhau ở một điểm chung :
Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.”
Từ không gian khát vọng của con, cha đã vẽ cho con một khung cảnh tươi
đẹp và không gian bao la của Đất nước. Nhưng cũng chính từ không gian
khát vọng của con, cha đã tìm thấy bóng hình của mình trong đó. Không
gian của con và của cha đã hòa quyện làm một. Ranh giới thế hệ đã bị xóa
nhòa, chỉ còn lại một không gian đồng nhất : không gian mơ ước và khát
vọng của con người.
Không gian nghệ thuật trong bài thơ “Những cánh buồm” là không
gian được chuyển đổi một cách linh hoạt. Nhờ sự thay đổi, sự chuyển cảnh
về mặt không gian mà bài thơ trở nên uyển chuyển, nhịp thơ cân xứng, ý thơ
sâu sắc. Có cảm giác như đó còn là không gian của cả một đời người.
II. Thời gian nghệ thuật của bài thơ.
Khái niệm thời gian là một phạm trù triết học. Thời gian và không
gian là hình thức tồn tại của vật chất. Không có gì tồn tại ngoài không gian
và thời gian. Tồn tại có nghĩa là : Tồn – còn (Thời gian, từ quá khứ đến hiện
tại); tại - ở đây (không gian). Chỉ trong thời gian và không gian thì sự vật
mới có tính xác định.
Thời gian là một đại lượng để xác định quá trình tồn tại, vận động và phát
triển của sự vật trong thế giới. Hình tượng nghệ thuật cũng chỉ có thể được
xác định trong không gian – thời gian. Thời gian khách quan (thời gian tự
nhiên) có một tính chất đặc biệt, đó là qui luật chỉ vận động theo một chiều :
quá khứ - hiện tại – tương lai. Nhưng trong tác phẩm nghệ thuật, thời gian
được tái tạo lại mang tính chất chủ quan của tác giả. Cả chiều dài, qui mô,
hướng vận động của nó đều tùy thuộc tác giả. Trong tác phẩm, thời gian có
thể là cả một đời người, cũng có thể là vài ngày. Nhà thơ Trần Đăng Khoa

viết : “Có những phút giây dài bằng cả đời người”. Đặc điểm của thời gian


nghệ thuật là nó luôn luôn mang tính cảm xúc và tính quan niệm, do đó nó
mang đậm tính chất chủ quan. Thời gian nghệ thuật được dùng làm phương
tiện nghệ thuật để phản ánh đời sống, thể hiện cảm xúc và tư tưởng.
Cách xây dựng thời gian nghệ thuật trong bài thơ “Những cánh buồm”
của nhà thơ Hoàng Trung Thông cũng nằm trong đặc điểm đó.
Bài thơ mở đầu bằng một buổi sáng đẹp trời :
“Hai cha con bước đi trên cát
Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh
Bóng cha dài lênh khênh
Bóng con tròn chắc nịch.
Sau trận mưa đêm rả rích
Cát càng mịn, biển càng trong.
Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng
Nghe con bước lòng vui phơi phới.”
Mặt trời vừa nhô lên, nhuộm hồng mặt biển. Ánh sáng rực rỡ như pha lê trải
dài trên mặt biển xanh màu ngọc bích. Biển sau trận mưa đêm càng mát
trong hơn. Thời gian hiện hữu qua bóng hai cha con đổ trên bờ cát. Bóng cha
dài lênh khênh. Bóng con tròn, chắc nịch. Thời gian hiện hữu qua mỗi bước
chân của hai cha con : “Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng/ Nghe con bước
lòng vui phơi phới”. Một buổi sáng rực rỡ với cảnh cha dắt con đi dạo trên
bờ biển như mở ra những nốt ngân tươi vui, trong trẻo. Thời gian như reo
vui cùng những bước chân nhỏ bé của con. Và cha lắng nghe niềm vui ngân
nga trong hồn khi nghe tiếng chân con bước. Thời gian ở đây như một minh
chứng vô hình cho hạnh phúc đơn sơ và rất đỗi thiêng liêng của con người.
Cái vẻ đẹp rực rỡ của ngoại cảnh, cái nốt ngân lặng lẽ của thời gian đều
được tỏa sáng dưới niềm hạnh phúc đời thường ấy.
Thế rồi, thời gian trôi chảy. Từ niềm vui phơi phới khi nghe tiếng bước chân

con, cha “trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời”. Không gian không thay đổi
nhưng thời gian đã có sự biến thiên “Ánh nắng chảy đầy vai”. Từ ‘chảy”
được dùng rất “đắt”. Nó vừa mang tính tượng hình, vừa mang tính tượng
thanh. Vừa diễn tả được bước đi của thời gian, vừa diễn tả sự biến thiên của
tâm trạng. Trầm ngâm trước câu hỏi của con : “Sao xa kia …. ở đó”. Dường
như là tiếc nuối. Dường như là day dứt. Bởi “Những nơi đó cha chưa hề đi
đến”. Chỉ còn có thể kì vọng ở con như lời con mơ ước : “Cha mượn cho
con buồm trắng nhé/ Để con đi …”. Đến đây, sự trôi chảy không ngừng của
thời gian đã nói lên một cách trọn vẹn cái hữu hạn của con người trước cái
vô hạn của vũ trụ. Thoắt cái đã hết một đời người. Giữa mình và con tuy
cùng hiện hữu nhưng đã là hai thế hệ : “Lời của con hay …. thời xa thẳm”.
Ngày xa thẳm đó, cha cũng đã từng khát vọng như con. Khát vọng cháy


bỏng được đi đến chân trời mơ ước. Hẳn lúc đó cha cũng đã thì thầm : “Cha
mượn cho con buồm trắng nhé/ Để con đi…” như con hôm nay. Khoảnh
khắc, tất cả như chùng xuống trong niềm nuối tiếc vô hạn : “Hay tiếng lòng
cha từ một thời xa thẳm…”. Cũng như Trần Tử Ngang khi bước lên đài U
Châu đã thấy :
“Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc thương nhiên nhi lệ hạ”
(Đăng U Châu đài ca).
Tạm dịch :
“Người trước chẳng thấy đâu
Người sau cùng chẳng thấy
Ngẫm trời đất thật vô cùng
Riêng lòng đau mà lệ chảy”.
Sự trôi chảy về mặt thời gian bao giờ cũng là điều khiến cho con người ta

nuối tiếc nhất.Không ai có thể níu kéo được thời gian. Từ khi tóc còn xanh
cho đến khi đầu bạc, con người luôn vật lộn với từng khoảnh khắc để giữ lại
với đời chút bóng dáng của bản thân. Cũng có lúc, chúng ta bắt gặp bóng
dáng của mình ở một ai đó. Đó là niềm hạnh phúc vô tận. Vì ta đã thấy được
sự trôi chảy của ta ở một người khác. Khoảnh khắc chùng xuống đầy nuối
tiếc, day dứt để bùng lên lòng biết ơn sâu sắc với con trẻ : “Lần đầu tiên
trước biển khơi vô tận/ Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con”. Biết ơn vì
con đã có những ước mơ, những khát vọng đẹp. Biết ơn vì con đã cho mình
gặp lại chính mình từ cái thuở tưởng đã lãng quên. Tìm lại được mình cũng
chính là để ý thức được mình. Thời gian ở đây có sự đảo chiều thú vị. Thời
gian của con vẫn là thời gian tiến triển : hiện tại – tương lai, nhưng thời gian
của cha đã đảo chiều : Tương lai – Hiện tại – Quá khứ. Sự nghịch chuyển
thời gian đã diễn tả một cách sâu sắc diễn biến tâm trạng của cha. Từ niềm
vui phơi phới đến cái trầm ngâm, lặng lẽ tưởng chỉ là khoảnh khắc mà lại
chứa cả đời người. Cả một đời người đã trôi qua cái khoảnh khắc ấy. Nhà
Phật gọi khoảnh khắc đó là “sát – na”. Hay như Trần Đăng Khoa đã nói :
“Có những phút giây dài bằng cả đời người”. Và trong cái phút giây dài
bằng cả đời người ấy, khoảng cách thế hệ đã được xóa nhòa :
“Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.”
Ta nhìn thấy sự trôi chảy của thế hệ trước trong thế hệ sau. Sự hòa nhập kì
diệu đó đã làm nên nét nhân văn cao đẹp của tác phẩm. Khát vọng đẹp đẽ
của cha đã hòa vào khát vọng cháy bỏng của con để vượt qua thử thách


nghiệt ngã của thời gian, không gian, cái hữu hạn của đời người để muôn đời
tỏa sáng. Sự trôi chảy của thời gian cuối cùng đã tìm được điểm dừng. Điểm
dừng đó chính là khát vọng của con người. Khát vọng tồn tại ngoài thời
gian, ngoài không gian. Hay nói cách khắc, thời gian chính là thước đo cho
khát vọng của con người.

Ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm “Những cánh buồm” của Hoàng
Trung Thông :
Ngôn từ là một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự thành công
của văn bản. Ngôn từ được tổ chức một cách có hệ thống, theo một trình tự
nhất định về mặt ngữ nghĩa, về mặt logic. Nếu không có ngôn từ, người đọc,
người nghe sẽ không thể lĩnh hội được nội dung của văn bản. Ngôn từ chính
là những kí hiệu ngôn ngữ đã được mã hóa để truyền tải thông tin đến với
người đọc.
Ngôn ngữ nghệ thuật là những ngôn từ đã được nhà văn chọn lọc, gọt
giũa từ ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ thông dụng để đưa vào tác phẩm văn
học, nhằm tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn, mục đích là để tăng giá trị nghệ thuật
của tác phẩm. Ngôn ngữ nghệ thuật không chỉ để người đọc, người nghe
nhận thức mà còn gợi cho người đọc, người nghe những cảm xúc thẩm mĩ,
hướng người đọc, người nghe đến Chân – Thiện – Mĩ của cuộc sống. Đó là
chức năng và nhiệm vụ của ngôn ngữ nghệ thuật. Nhờ hệ thống ngôn ngữ
nghệ thuật, nhà văn giao lưu với người đọc, gửi gắm cảm xúc, tình cảm đến
với người đọc, nói lên những suy nghĩ và quan điểm của bản thân về cuộc
sống, về con người, về thế giới bên ngoài… Chúng ta tiếp xúc với tác phẩm
văn học cũng đồng nghĩa với việc đang giao lưu với tác giả, tiếp xúc với thế
giới quan của tác giả.
Không nằm ngoài mục đích đó, ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm
“Những cánh buồm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông đã phát huy hết vai
trò và tác dụng của mình, tạo nên giá trị đích thực cho tác phẩm.
Trước hết là ngôn ngữ tái hiện. Hàng loạt sự việc được tái hiện một
cách chân thực, sinh động : hai cha con cùng nhau đi dạo trên bãi biển buổi
sáng. Ánh bình minh nhuộm hồng mặt biển. Con nhìn không gian bao la của
biển khơi hỏi cha về một không gian xa hơn nữa :
“Sao xa kia chỉ thấy nước, thấy trời
Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở
đó ?”

Từ lời thắc mắc ngây thơ của con trẻ, cha hé mở cho con về một khong gian
khác rộng lớn hơn, thiêng liêng hơn :
“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa
Sẽ có cây, có cửa, có nhà


Vẫn là đất nước của ta
Những nơi đó cha chưa hề đi đến”.
Để rồi trong khát vọng cháy bỏng của con :
“Cha mượn cho con buồm trắng nhé
Để con đi …”
Cha bắt gặp bóng hình của mình từ thuở còn thơ :
“Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con”.
Một câu chuyện ngắn gọn, đơn giản và mộc mạc. Câu chuyện được tái hiện
dưới những ngôn từ cũng đơn sơ, mộc mạc không kém. Ngôn ngữ kể và tả
xen kẽ với nhau, bổ sung cho nhau, hỗ trợ nhau tạo nên một câu chuyện nên
thơ, trong sáng mà có chiều sâu. Người đọc bị cuốn hút bởi cách dẫn dắt câu
chuyện có duyên, đằm thắm và ý nhị. Kết thúc câu chuyện cũng là kiểu kết
thúc theo chiều hướng mở. Cha gặp lại mình từ khát vọng của con và con sẽ
mang ước mơ, khát vọng đó đi xa hơn nữa. Câu chuyện gợi cho người đọc
niềm bâng khuâng, đưa người đọc về những hoài niệm tuổi thơ, đánh thức
trong người đọc những khát vọng đẹp đẽ. Tự bản thân của câu chuyện đã là
một bài thơ trong sáng rồi.
Bên cạnh ngôn ngữ tái hiện với những ngôn từ mộc mạc, giản dị,
Hoàng Trung Thông còn khéo léo xây dựng ngôn ngữ đối thoại mang tính
thẩm mĩ cao. Chỉ qua hai lần đối thoại, người đọc dường như đã nắm bắt
toàn bộ câu chuyện. Lời con trẻ đầy thắc mắc : “Sao chỉ thấy…” mà “không
thấy …”. Câu hỏi vừa ngây thơ vừa hàm chứa sự thông minh của một tâm
hồn thích khám phá, tìm hiểu. Lời của cha nhẹ nhàng, thủ thỉ như một lời

tâm tình vừa như là để nói với chính bản thân : “Những nơi đó cha chưa hề
đi đến”. Lượt đối thoại thứ hai, lời con trẻ tràn đầy niềm khát vọng đẹp đẽ :
“Cha mượn cho con buồm trắng nhé. Để con đi …”. Lời của cha từ đối thoại
chuyển sang độc thoại nội tâm : “Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận. Cha
gặp lại mình trong tiếng ước mơ con”. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm đã tăng
thêm chiều sâu của câu chuyện. Người đọc choáng ngợp trong niềm xúc
động về khát vọng trong sáng, mãnh liệt của tuổi thơ để rồi chùng xuống đầy
cảm thông trong nỗi niềm trầm ngâm nuối tiếc của cha và vỡ òa hi vọng khi
bắt gặp sự giao hòa trong khát vọng của cả cha và con. Ngôn ngữ đối thoại
và độc thoại đã làm thăng hoa cảm xúc của người đọc, khơi gợi, gạn lọc ở
người đọc những tình cảm trong sáng, cao đẹp.
Thế giới nội tâm của nhân vật cũng được khắc họa thành công qua
cách sử dụng ngôn ngữ giàu nhạc điệu, giàu giá trị gợi hình. Thế giới hồn
nhiên, trong sáng của con trẻ hiện lên qua những ngôn từ nhẹ nhàng, âu
yếm : “lắc tay cha”, “khẽ hỏi”, “trỏ cánh buồm xa”, “nói khẽ” “mượn cho
con buồm trắng nhé”… Ngôn từ kết hợp với hành động đã dựng lên trước


mắt người đọc hình ảnh của một cậu bé vừa hồn nhiên vừa rất đỗi thông
minh, rất đỗi nhạy cảm. Một tâm hồn đẹp, thánh thiện, trong sáng, giàu khát
vọng. Và khát vọng ấy càng lớn lên qua những rung cảm trước thiên nhiên,
trước đất nước tươi đẹp. Chính sự trong sáng của tâm hồn con trẻ đã đánh
thức trong cha những khát khao tuổi thơ tưởng đã ngủ quên trong những
tháng ngày vật lộn với cuộc sống.
Thế giới nội tâm của cha được tái hiện qua ngôn ngữ độc thoại. Nói với con
cũng là để độc thoại với bản thân. Lời thú nhận về sự hạn hẹp của cuộc đời
cha được thốt lên như lời xin lỗi chính bản thân : “Những nơi ấy cha chưa hề
đi đến”. Để rồi “Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời”. Như là nhìn lại
chặng đường đã qua của cuộc đời mình. Như là trở lại với chính mình của
ngày xưa với bao ước mơ, khát vọng. Để mà day dứt, mà nuối tiếc. Để mà

xao động tâm tư. Rồi khi con thầm thì : “Cha mượn cho con buồm trắng nhé.
Để con đi ...”, cha bàng hoàng xúc động. Khát vọng của con cũng chính là
khát vọng của cha từ những ngày thơ ấu. Hôm nay, gặp lại khát vọng ấy ở
con, cha lại nhen nhóm lên bao nhiêu hi vọng. Hi vọng con sẽ mang khát
vọng của cha và con đi xa hơn nữa trong cuộc đời. Hi vọng những khát vọng
ấy sẽ góp phần làm đất nước tươi đẹp hơn. Hi vọng đó không chỉ là khát
vọng của riêng cha và con mà còn là khát vọng của biết bao thời đại, biết
bao thế hệ con người Việt Nam. Vì thế, tác giả đặt nhan đề bài thơ là
“Những cánh buồm”. Những cánh buồm, những khát vọng của biết bao thế
hệ.
Nói một cách ngắn gọn, ngôn ngữ trong tác phẩm “Những cánh
buồm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông đã được lựa chọn và chắt lọc, gọt
giũa một cách cẩn thận để vừa mang tính giản dị, mộc mạc lại vừa tinh tế,
uyển chuyển. Bằng cách đó, bài thơ đi sâu vào tâm hồn người đọc, khơi gợi
những cảm xúc, tình cảm thẩm mĩ, làm phong phú thêm tâm hồn người đọc.




×