Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Bài dự thi Hưởng ứng tuần lễ toàn cầu hành động " Giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái thiệt thòi"

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.33 MB, 3 trang )

PHÒNG GD & ĐT YÊN DŨNG
TRƯỜNG TIỂU HỌC TÂN DÂN

HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ TOÀN CẦU HÀNH ĐỘNG
"GIÁO DỤC CHO PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM GÁI THIỆT THÒI"
BÀI VIẾT :

VƯỢT LÊN SỐ PHẬN
Người dân Thị trấn Tân Dân chúng tôi thật hiếu học! Điều này không chỉ người
dân quê tôi nhận xét như vậy mà bạn bè nhiều nơi quen biết chúng tôi cũng thường
khen như thế. Phải chăng, mọi người nơi đây sớm nhận ra rằng: Biết chữ cuộc sống sẽ
tốt đẹp hơn rất nhiều. Những tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập để mở rộng
hiểu biết và tạo lập cuộc sống tốt đẹp cho mình ở quê tôi không ít nhưng tôi thực sự
khâm phục cô Hà Thị Luận - một cô gái tàn tật - người hàng xóm của gia đình tôi.
Ngày tôi mới chuyển về khu cổng chợ Rào này ở, được quen biết Luận, tôi mới
tận mắt nhìn thấy việc đi lại và sinh hoạt của cô. Luận đi lại thật khó khăn. Cô phải đi
bằng cả hai tay và hai chân vậy (bởi cô bị tật bẩm sinh nên cả hai tay và hai chân đều
biến dạng). Nếu ai chỉ nhìn thấy dáng hình cùng động tác đi lại khó khăn khác người
của cô thì không thể nào nghĩ được cô có thể làm được mọi việc để phục vụ bản thân
như bán hàng, nấu ăn, giặt giũ khâu vá,…Và đến bây giờ, cô vẫn lao động để tự nuôi
sống bản thân mình. Cô là cô chủ của một quán hàng nhỏ nằm ngay sát cổng chợ Rào
này.

Lúc mới biết cô, tôi cũng đã tự hỏi mình: "Sao cô ấy làm được nhiều việc thế?
Cô bán hàng, nhận hàng mà không tính toán tiền nong hay ghi chép lại được thì liệu
có bị nhầm lẫn không?..." Biết bao câu hỏi về cô cứ ngự trị trong đầu óc tôi. Nhưng,
những câu trả lời đã có ngay sau một thời gian tôi là hàng xóm của cô.


Một buổi chiều, được nghỉ việc trường, sang quán cô ngồi chơi, tôi hết sức ngỡ
ngàng khi thấy cô đang ngồi trên giường đọc cuốn Tạp san Phụ nữ. Tôi buột miệng


hỏi: "Em biết chữ à?". Cô tươi cười đáp: "Chị tưởng em không biết chữ à? Không biết
chữ làm sao em bán được hàng." Rồi, cô kể cho tôi nghe về tuổi thơ với việc học tập
của mình: Cô bị tật bẩm sinh từ nhỏ nên đi lại rất khó khăn, cầm vật gì cũng khó. Lên
7, 8 tuổi, nhìn các bạn cùng trang lứa được cắp sách tới trường, cô buồn lắm! Hiểu
được nỗi lòng con, bố mẹ và các anh chị của cô đã tìm cách đưa cô đến trường học
tập. Những ngày đầu tới lớp, dưới con mắt tò mò của bạn bè, cô vô cùng buồn tủi. Rồi
đến việc tập cầm bút, tập khoanh mãi "chữ 0" mà không thành khiến cô có phần nào
nản chí. Tủi vì số phận mình hẩm hiu, cô chỉ biết khóc. Cô đã bỏ học. Thương mẹ, cô
cố gắng tập làm các công việc vệ sinh cá nhân, ăn uống để mẹ đỡ vất vả. Mẹ cô - một
người phụ nữ tần tảo, yêu chồng thương con, nhiều đêm chong đèn nhìn đứa con gái
bé bỏng tội nghiệp của mình nằm ngủ mà lòng se thắt. Bà không cầm được những
giọt nước mắt cứ tuôn rơi: "Con trai thì còn có chút tương lai, đằng này con bà lại là
gái. Tương lai của con bà sẽ ra sao nếu không được học làm người?" Thế rồi, hằng
ngày, bà giành nhiều thời gian chăm chút cho con hơn. Biết con vẫn ham học, bà
động viên an ủi: " Không biết chữ, cuộc đời con rồi sẽ ra sao? Nay mai, bố mẹ già
yếu qua đi, ai sẽ nuôi con đây?" Thế rồi, với sự động viên an ủi của người mẹ thân
yêu và lòng khao khát học tập, ý chí quyết vượt lên số phận đã khiến cô trở lại trường
vào mùa khai giảng tiếp. Bố cô là một cán bộ cấp huyện (ông là Hà Đình Nghiễn,
Nguyên Phó chủ tịch huyện Yên Dũng vào thập kỷ 80) nên thường xuyên vắng mặt
nhà. Hằng ngày, mẹ bận việc đồng thì đã có chị gái Toan hay bạn Phúc - người bạn
cùng ngõ cõng cô tới lớp. Cứ thế, ngày nắng cũng như ngày mưa, cô đều đặn đến
trường. Không theo kịp bạn bè trên lớp, tối về, cô đã có anh Tuấn, chị Toan dạy kèm
cặp thêm. Ở lớp, thầy Khoát, cô Uyên cũng hết lòng dạy dỗ, động viên giúp đỡ cô
trong học tập. Năm năm học cấp 1 rồi cũng qua đi, cô lại quyết tâm theo học lên cấp
2. Cuối cùng, cô cũng qua được lớp 7 - đủ cái vốn chữ, vốn kiến thức để cô có thể làm
chủ một quán hàng nhỏ như bây giờ. Nhìn cuốn sổ ghi chép tổng hợp của cô, tôi thật
cảm phục: Chữ của cô khá rõ ràng, dễ đọc chứ không như tôi tưởng. Cô còn ham đọc
sách báo nên vốn hiểu biết về xã hội cũng khá. Những lúc rảnh việc, tôi thường sang
thăm cô, cũng có thể đem cho cô mượn vài cuốn tạp san hay báo Giáo dục & Thời đại
mà tôi có. Nhờ được đi học, cô đã trưởng thành một phụ nữ có giáo dục, biết chăm

sóc cho bản thân. Tuy cô không đứng lên được bằng đôi chân của mình nhưng cô đã
thực sự đứng lên bằng nghị lực, trí tuệ và vốn hiểu biết để hoà cùng cuộc sống cộng
đồng.


Làm nghề dạy học, tôi cũng đã từng kể về tấm gương hiếu học, nghị lực, quyết
vươn lên số phận của cô cho học sinh tôi nghe. Mong rằng, các em lấy đó làm tấm
gương sáng để noi theo. Và chúng ta, những giáo viên đang trực tiếp đứng trên bục
giảng hãy cùng xã hội quan tâm và hành động hỗ trợ giáo dục cho mọi người, đặc biết
là cho phụ nữ và trẻ em gái thiệt thòi để họ có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Đúng là: Biết chữ cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều phải không các bạn? Cô
Hà Thị Luận, một tấm gương hiếu học, một nghị lực phi thường giữa đời thường rất
gần gũi với chúng ta, đáng để chúng ta soi vào mình mà vươn lên trong cuộc sống.
Các bạn, nếu muốn hiểu rõ hơn về những ngày học tập đầy gian truân cũng như
cuộc sống hiện tại của cô, xin hãy tìm đến địa chỉ: Cô Hà Thị Luận, cổng chợ Rào,
Tiểu khu Quán Trắng - Thị Trấn Tân Dân - huyện Yên Dũng - tỉnh Bắc Giang.

Tân Dân, ngày 10 tháng 5 năm 2011
Người viết

Hà Thị Xuân.



×