PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THANH OAI
TRƯỜNG THCS XUÂN DƯƠNG
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9
Môn thi: NGỮ VĂN
Năm học: 2014 - 2015
Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
Câu 1: (4,0 điểm)
Viết về cảnh đất trời mùa xuân ở đoạn trích Cảnh ngày xuân (Truyện Kiều –
Nguyễn Du), có ý kiến cho rằng: Từ cặp lục bát thứ nhất sang cặp lục bát thứ hai có sự
biến đổi của mạch thơ; riêng cặp lục bát thứ hai đã thể hiện tài tình nghệ thuật “thi
trung hữu họa”.
Em hãy viết đoạn văn trình bày ý kiến của mình về nhận xét trên?
Câu 2 (6,0 điểm)
Bài học giáo dục mà em nhận được từ câu chuyện dưới đây:
Ngọn gió và cây sồi
Một ngọn gió dữ dội băng qua khu rừng già. Nó ngạo nghễ thổi tung tất cả các sinh
vật trong rừng, cuốn phăng những đám lá, quật gẫy các cành cây. Nó muốn mọi cây cối
đều phải ngã rạp trước sức mạnh của mình. Riêng một cây sồi già vẫn đứng hiên ngang,
không bị khuất phục trước ngọn gió hung hăng. Như bị thách thức ngọn gió lồng lộn, điên
cuồng lật tung khu rừng một lần nữa. Cây sồi vẫn bám chặt đất, im lặng chịu đựng cơn
giận dữ của ngọn gió và không hề gục ngã. Ngọn gió mỏi mệt đành đầu hàng và hỏi:
- Cây sồi kia! Làm sao ngươi có thể đứng vững như thế?
Cây sồi từ tốn trả lời:
- Tôi biết sức mạnh của ông có thể bẻ gẫy hết các nhánh cây của tôi, cuốn sạch đám
lá của tôi và làm thân tôi lay động. Nhưng ông sẽ không bao giờ quật ngã được tôi. Bởi tôi
có những nhánh rễ vươn dài, bám sâu vào lòng đất. Đó chính là sức mạnh sâu thẳm nhất
của tôi. Nhưng tôi cũng phải cảm ơn ông ngọn gió ạ! Chính cơn điên cuồng của ông đã
giúp tôi chứng tỏ được khả năng chịu đựng và sức mạnh của mình.
(Theo: Hạt giống tâm hồn- Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, NXB Tổng hợp TP. Hồ
Chí Minh, 2011)
Câu 3: (10 điểm)
Trong văn bản “Tiếng nói của văn nghệ”, Nguyễn Đình Thi viết:
“Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại.
Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ.
Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp
vào đời sống chung quanh”.
(Ngữ Văn 9, Tập II, Tr 12,13 - NXB GD 2005)
Qua “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, em hãy làm sáng tỏ “điều mới mẻ”, “lời
nhắn nhủ” mà nhà thơ Phạm Tiến Duật muốn đem “góp vào đời sống”.
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THANH OAI
TRƯỜNG THCS XUÂN DƯƠNG
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9
Môn thi: NGỮ VĂN
Năm học: 2014 - 2015
Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
A. HƯỚNG DẪN CHUNG
- Giám khảo căn cứ vào nội dung triển khai và mức độ đáp ứng các yêu cầu về kỹ
năng để cho từng ý điểm tối đa hoặc thấp hơn.
- Điểm toàn bài là tổng số điểm của hai câu, không làm tròn số, có thể cho: 0; 0,25;
0,5; 0,75... đến tối đa là 10.
- Cần khuyến khích những bài viết có lập luận chặt chẽ, văn viết sáng tạo, giàu cảm
xúc, trình bày sạch đẹp, chuẩn chính tả.
B. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ
Câu 1: (4 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng
- Đoạn văn có bố cục và cách trình bày hợp lí.
- Luận điểm rõ ràng và được triển khai tốt.
- Diễn đạt suôn sẻ; mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp..
II. Yêu cầu về nội dung và cách cho điểm
Đồng ý với nhận xét trên
+ Sự biến đổi của mạch thơ (1 điểm)
Hai câu đầu gợi dòng chảy thời gian bất tận, nhịp thơ êm xuôi:“Ngày xuân con én…
ngoài sáu mươi”. Hình ảnh “chim én đưa thoi” vừa gợi không gian, vừa ngụ ý mùa xuân
qua nhanh. (0,5 điểm)
Hai câu tiếp theo, mạch thơ dừng lại, mở ra một không gian mênh mông, không còn
ranh giới giữa trời và đất: “Cỏ non xanh tận chân trời…một vài bông hoa”. (0,5 điểm)
+ Nghệ thuật “Thi trung hữu họa” ở cặp thơ thứ hai: (2,5 điểm)
Trời đất một màu xanh non tươi tốt của cỏ mùa xuân. Trên nền màu xanh non ấy
điểm xuyết sắc trắng của hoa lê. Hai màu: xanh, trắng là những gam màu sáng tươi dịu mát,
tôn nhau lên, màu trắng hoa lê làm cỏ như xanh hơn và sắc trắng của hoa càng trở nên
thanh khiết trên nền cỏ xanh mịn. (1 diểm)
Cách dùng từ “trắng điểm” (chứ không phải là điểm trắng) giúp ta nhận ra tín hiệu
của mùa xuân ở vẻ đẹp ẩn chìm mà sống động của tạo vật vốn vô tri vô giác. (1 diểm)
Liên hệ đến câu thơ cổ của Trung Quốc: “Phương thảo liên thiên bích/ Lê chi sổ
điểm hoa”. (0,5 diểm)
+ Khả năng rung động tinh tế của thi nhân trước cái đẹp của mùa xuân. (0,5 điểm)
(Không cho điểm tối đa những bài viết không trình bày đúng hình thức của một đoạn văn).
Câu 2 (6,0 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng
- Bài văn có bố cục và cách trình bày hợp lí.
- Luận điểm rõ ràng và được triển khai tốt.
- Diễn đạt suôn sẻ; mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
II. Yêu cầu về nội dung và cách cho điểm
(Học sinh có thể sắp xếp, trình bày theo nhiều cách, nhưng cần đảm bảo một số ý cơ bản
mang tính định hướng dưới đây)
* Hiểu nội dung, ý nghĩa câu chuyện. (1,5 diểm)
- Ngọn gió: Hình ảnh tượng trưng cho những khó khăn, thử thách, những nghịch cảnh
trong cuộc sống. (0,5 diểm)
- Cây sồi: Hình ảnh tượng trưng cho lòng dũng cảm, dám đối đầu, không gục ngã
trước hoàn cảnh. (0,5 diểm)
-Ý nghĩa câu chuyện: Trong cuộc sống con người cần có lòng dũng cảm, tự tin, nghị lực và
bản lĩnh vững vàng trước những khó khăn, trở ngại của cuộc sống. (0,5 điểm)
* Bài học giáo dục từ câu chuyện. (2,5 điểm)
- Cuộc sống luôn ẩn chứa muôn vàn trở ngại, khó khăn và thách thức nếu con người
không có lòng dũng cảm, sự tự tin để đối mặt sẽ dễ đi đến thất bại (Một ngọn gió dữ dội
băng qua khu rừng già. Nó ngạo nghễ thổi tung tất cả các sinh vật trong rừng, cuốn phăng
những đám lá, quật gẫy các cành cây). (1 điểm)
- Muốn thành công trong cuộc sống, con người phải có niềm tin vào bản thân, phải tôi
luyện cho mình ý chí và khát vọng vươn lên để chiến thắng nghịch cảnh. (Tôi có những
nhánh rễ vươn dài, bám sâu vào lòng đất. Đó chính là sức mạnh sâu thẳm nhất của tôi).
(1,5 điểm)
Lưu ý: Trong quá trình lập luận học sinh nên có dẫn chứng về những tấm gương dũng cảm,
không gục ngã trước hoàn cảnh để cách lập luận thuyết phục hơn.
Bàn luận về bài học giáo dục của câu chuyện:(2 điểm)
+ Không nên tuyệt vọng, bi quan, chán nản trước hoàn cảnh mà phải luôn tự tin, bình tĩnh
để tìm ra các giải pháp cần thiết nhằm vượt qua các khó khăn, thử thách của cuộc sống. (1
diểm)
+ Biết tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân để luôn có một bản lĩnh kiên cường trước hoàn
cảnh và cũng phải biết lên án, phê phán những người có hành động và thái độ buông xuôi,
thiếu nghị lực. (1 điểm)
Câu 3: (10 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng
- Bố cục bài rõ ràng, lập luận thuyết phục bằng việc phân tích các dẫn chứng cụ thể
để làm sáng rõ luận điểm.
- Văn viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc; ít mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả.
I. Yêu cầu về nội dung
Bài làm đúng kiểu văn nghị luận, các ý có thể trình bày theo những cách khác nhau
nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
- Giải thích sơ lược tinh thần đoạn văn của Nguyễn Đình Thi:
+ Nội dung của một tác phẩm nghệ thuật là hiện thực cuộc sống và những khám phá,
phát hiện riêng của người nghệ sĩ.
+ Những khám phá, phát hiện ấy chính là điều mới mẻ góp phần quan trọng tạo nên
giá trị của một tác phẩm nghệ thuật và mang theo thông điệp của người nghệ sĩ.
- “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật đã thể hiện được “điều
mới mẻ” và “lời nhắn nhủ” của riêng nhà thơ trên cơ sở “vật liệu mượn ở thực tại”.
+ “Vật liệu mượn ở thực tại” trong tác phẩm là hiện thực cuộc kháng chiến chống
Mĩ với nhiều khó khăn, gian khổ và tinh thần chiến đấu, đời sống tình cảm của những
người lính trên tuyến đường Trường Sơn
+ Điều mới mẻ:
* Nhà thơ đã khám phá ra vẻ đẹp riêng của những người lính lái xe trên tuyến đường
Trường Sơn trong thời kì kháng chiến chống Mĩ từ chính những khó khăc, gian khổ của
hiện thực:
- Phong thái ung dung, tự tin và tinh thần dũng cảm, hiên ngang, bất chấp bom đạn,
coi thường gian khổ, hiểm nguy, luôn hướng về phía trước.
- Tâm hồn trẻ trung, sôi nổi, nét tinh nghịch đáng yêu của những người lính trẻ;
niềm lạc quan phơi phới vượt lên hiện thực khốc liệt của chiến tranh.
- Trong gian khổ, tình đồng chí, đồng đội được thể hiện cũng thật vô tư, tinh nghịch
mà chân thành.
- Trái tim mang tình yêu Tổ quốc là sức mạnh thôi thúc tinh thần, ý chí quyết tâm
chiến đấu vì miền Nam, tình yêu đó mạnh hơn tất cả đạn bom, cái chết.
(so sánh với hình ảnh người lính trong thời kì chống Pháp)
=> Vẻ đẹp của họ có sự kết hợp hài hòa, tự nhiên giữa cái vĩ đại phi thường với cái
giản dị đời thường
* Điều mới mẻ thể hiện trong nghệ thuật của bài thơ: nhan đề lạ, sáng tạo ra một
hình ảnh thơ độc đáo, giọng điệu và ngôn ngữ thơ rất đặc sắc, rất gần vời lời nói thường
ngày, đậm chất văn xuôi; sự đối lập giữa cái không và cái có… để thể hiện chân thực và
sinh động vẻ đẹp của những người lính.
+ Lời nhắn nhủ (Đây cũng là tư tưởng chủ đề của tác phẩm): hình ảnh những người
lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mĩ mãi là biểu tượng đẹp của chủ
nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Họ chính là những con người đã góp phần làm nên
những trang sử vẻ vang của dân tộc, sức mạnh và tinh thần chiến đấu của họ đã khẳng định
một chân lí của thời đại: sức mạnh tinh thần có thể chiến thắng sức mạnh vật chất.
Tiêu chuẩn cho điểm:
- Điểm 9, 10: Đạt được các yêu cầu nêu trên. Văn viết mạch lạc, có cảm xúc, thể
hiện sự sáng tạo, không mắc lỗi diễn đạt thông thường.
- Điểm 7, 8: Đạt được các yêu cầu nêu trên. Văn viết mạch lạc, mắc it lỗi diễn đạt
thông thường.
- Điểm 5, 6: Đạt được quá nửa yêu cầu về kiến thức. Còn một số lỗi về diễn đạt.
- Điểm 3, 4 Đạt được quá nửa yêu cầu về kiến thức, mắc nhiều lỗi về câu, từ, chính
tả.
- Điểm 1, 2: Chưa đạt yêu cầu nêu trên. Nội dung sơ sài, diễn đạt yếu, mắc nhiều lỗi
về câu, từ, chính tả.
- Điểm 0: Lạc đề, sai cả nội dung và phương pháp.
* Lưu ý: Khi cho điểm giáo viên cần trân trọng những cảm nhận tinh tế, cách viết
sáng tạo của học sinh để cho điểm phù hợp.
----------------------- Hết -------------------------