Tải bản đầy đủ (.pdf) (13 trang)

Phật giáo truyền vào phương Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (581.19 KB, 13 trang )

Tập San ĐN&CL Số 6

Phật giáo truyền vào phương Nam
Tỳ Kheo Thích Bảo Lạc

Hòa Thượng Thích Bảo Lạc

Lê Tấn Tài giới thiệu:
“Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, bút danh khác: Thanh Nghiệp, Giai Không, Sông Thu, pháp
danh Đồng An, pháp hiệu Thanh Nghiệp, thế danh Lê Bảo Lạc, sinh năm 1942 (năm Nhâm
Ngọ) tại Duy Xuyên, Quảng Nam, Việt Nam, con ông Lê Quyên, pháp danh Thị Tế và bà Hồ
Thị Khéo, pháp danh: Thị Sắc, xuất gia năm 1957 tại chùa Linh Ứng, Non Nước, Ngũ Hành
Sơn (Đà Nẳng). Bổn sư là Hòa Thượng thượng Trí hạ Hữu, tự Hương Sơn, Giám Đốc Phật
Học Viện Phổ Đà, Đà Nẳng, (1958 – 1962) và khai sơn chùa Ấn Quang, tiền thân là Ứng
Quang năm 1949 tại vườn Bà Lớn, nay thuộc quận 10, thành phố Saigon.
Hòa Thượng du học Nhật Bản năm 1974, tốt nghiệp ngành Tôn Giáo Xã Hội Học tại Đại Học
Komazawa – Tokyo năm 1980. Sau khi tốt nghiệp, Hòa Thượng sang định cư tại Úc vào
tháng 2 năm 1981.
Hòa Thượng trụ trì chùa Pháp Bảo (1981) và thành lập Tu Viện Đa Bảo (2000), tiểu bang
NSW, Úc Châu. Hòa Thượng có bào đệ cùng chí nguyện xuất gia tu học là Hòa Thượng
Thích Như Điển, Phương Trượng chùa Viên Giác, Đức Quốc.
Hòa Thượng chú trọng việc dịch thuật và sáng tác, đã xuất bản rất nhiều sách về Phật Giáo.
Lãnh vực văn hóa là công tác ưu tiên hàng đầu mà Hòa Thượng luôn đeo đuổi không biết mệt
mỏi và chính Hòa Thượng đã phát nguyện: Mỗi năm phải hoàn thành một tác phẩm, nếu

1


Phật giáo truyền vào phương Nam

không xong là không nhìn thấy đệ tử bổn đạo tại chùa Pháp Bảo. (Xuất xứ: Trang nhà Tu


Viện Quãng Đức, mục: tác giả, dịch giả, )
Hòa Thượng, bút danh Sông Thu, đã xuất bản thi tập “Cho cây rừng còn xanh lá” (1985),
và 20 năm sau đó, cho ra đời tiếp thi tập “Trầm Hương”. Trần Đan Hà nhận xét về thi tập
“Trầm Hương” như sau:
“... Trầm Hương được tích tụ những gì có được không phải chỉ thuần túy là hương trầm
toát ra từ cây rừng, mà còn phảng phất nhiều hương thơm siêu việt khác. “Như hương
Bát Nhã, hương Thiền và hương của Người Đức Hạnh, những thứ hương có thể bay
theo chiều gió ngược, không phai”.
Từ ta chiêm nghiệm pháp nầy
Tâm kinh Bát Nhã phả đầy ngát hương.
(Nghiệp thức, trang 14)
Trong tập san nầy, Hòa Thượng trình bày một chặng đường lịch sữ của Phật Giáo truyền vào
phương Nam. Tâp San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long trân trọng giới thiệu bài
biên khảo công phu và giá trị của Hòa Thượng Thích Bảo Lạc”.
***
Bản sắc Phật giáo không thay đổi, nhưng bản địa Phật giáo có thể tùy duyên mà hành hoạt để
cho phù hợp với hoàn cảnh. Đó là đặc tính dung dị của giáo lý Đại thừa qua mọi thời đại,
quốc thổ như lịch sử truyền thừa của đạo Phật đã chứng minh. Nước Việt Nam cũng vậy,
Phật giáo du nhập từ Ấn Độ từ thế kỷ thứ 2 Tây lịch tới miền Bắc bởi các thiền sư người Ấn
Độ như Ma Ha Kỳ Vực, Khi Cương Lương mà hai trung tâm Phật giáo Luy Lâu - Quỳnh
Viên là một chứng minh. Miền Trung cho tới thế kỷ 15, mới chỉ có hai vùng đất Thuận Quảng tức là Thuận Hóa và Quảng Nam với kinh thành Phú Xuân. Đến thế kỷ 16, thời Trịnh
- Nguyễn phân tranh (1600 – 1801) lãnh thổ được mở rộng về phía Nam của dãy Hoành Sơn
vào đến Bình Định, giáp tới Phú Yên mà công lao không nhỏ của Nguyễn Hoàng, nên được
dân chúng mến mộ tặng cho mỹ danh là chúa Tiên. Cuộc Nam tiến do chúa Tiên - Nguyễn
Hoàng khởi xướng từ năm 1611 và Võ Vương - Nguyễn Phước Khoát hoàn thành 1693, tiến
đến mũi Cà Mau – Hà Tiên. Các chúa Nguyễn đều là những Phật tử tín kính Tam Bảo, hộ trì
Phật giáo, xây dựng chùa chiền, trùng tu tháp viện, trọng đãi tăng tài… nên Phật giáo phát
triển khởi sắc.
Như ngọn gió lành đẩy mạnh Phật giáo vào miền Nam, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu
Long, Đồng Nai và Gia Định từ 1679 là nhờ vào hai lợi điểm:

Thứ nhất: Những người di dân thuộc nhiều diện khác nhau từ miền Trung, được chúa
Nguyễn cho vào khai cơ lập nghiệp, họ mang theo tín ngưỡng Phật giáo như là đạo sẵn có từ
lâu. Công cuộc di dân lúc đó, ngày nay ta quen gọi là vùng kinh tế mới. Đối với đa số người,
chỗ mới như đất dụng võ, họ ra sức làm ăn nên chẳng bao lâu đã trở nên khá giả, đời sống
kinh tế được ổn định. Khi người dân đã an cư, bấy giờ họ nghĩ đến tín ngưỡng mà đa số tin
Phật giáo như là đạo gốc. Tuy nhiên, người dân chỉ tin Phật giáo thuần túy mà chưa biết học

2


Tập San ĐN&CL Số 6

Phật, nên niềm tin của họ còn lỏng lẽo, bị pha trộn bởi Thần, Phật, Thánh, Tiên. Qua cách thờ
tự trong các chùa cho tới nay vẫn còn tại miền Nam, đủ nói lên tính chất lẫn lộn này (sẽ nói
rõ hơn ở phần sau).
Thứ nhì: Một số tướng sĩ nhà Minh không chịu thần phục nhà Thanh, từ bỏ Trung Quốc đi
tìm sinh lộ mới: Họ thà chết nơi núi sâu, rừng vắng hay bỏ thân ở xứ lạ, quê người, hơn là
phò chúa mới, nên quyết định làm một cuộc vượt biển tỵ nạn chính trị sang Việt Nam. Lúc
bấy giờ tình hình chính trị tại Việt Nam cũng không ổn định, nên đất nước phải chia hai phần:
miền Bắc do chúa Trịnh trị vì, miền Nam (Trung) do chúa Nguyễn cát cứ một phương.
Nhưng thế lực của chúa Nguyễn mạnh hơn, phương tiện thuyền tàu tới lui với Việt Nam cũng
thuận tiện hơn, đoàn người tỵ nạn tới cửa biển Đà Nẳng xin tỵ nạn chính trị với Đàng Trong
và thần phục chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn sẵn kế hoạch và chủ trương mở rộng bờ cõi về phía
Nam và đây là cơ hội thuận tiện để đưa họ vào vùng đất mới sinh sống.
Các tướng Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình đem theo
thân quyến và 3000 binh sĩ đi trên 50 chiếc thuyền lớn đến đậu ở cửa biển Tư Dung (nay là
Tư Hiền) vào đến cửa biển Đà Nẳng. Chúa Nguyễn Phước Tần cho người đưa nhóm tướng sĩ
và đoàn người này vào sinh sống ở lưu vực sông Đồng Nai và đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là vùng đất hoang vu không có chân người, chỉ là hang ổ của loài dã thú: cọp, beo, gấu,
khỉ, vượn… Tới vùng đất mới, đám lưu dân vận dụng sức người khai phá rừng, vỡ đất khai

hoang, lập thôn ấp, xóm làng, phố xá, mở chợ buôn bán v.v… chẳng bao lâu trở nên phát đạt,
và nhiều người thành giàu có. Tuy cũng có những vùng đất khô cằn, người dân ra sức canh
tác mà vẫn không đủ sống. Đấy là nổi khổ của người làm việc lao động chân lấm, tay bùn
không biết phải kêu ca vào đâu, cũng như biết phải than thở với ai.
Những người lập nghiệp tại vùng đất mới, đa phần là người Việt, một số người Hoa như ta đã
biết, trong số các vị tăng sĩ người Việt và người Hoa, nổ lực hoằng hóa ở miệt Đồng Nai,
đồng bằng sông Cửu Long, tận mũi Cà Mau tới Trấn Biên (Biên Hòa) và Phiên Trấn (1698)
tức Gia Định ngày nay.
Các vị thiền sư và những ngôi chùa đầu tiên tại miền Nam Việt Nam.
Tổ Nguyên Thiều vào Đồng Nai lập chùa Kim Cang năm 1695, sau cuộc biến loạn năm 1692,
Ngài được điều về trụ trì chùa Hà Trung (Huế), từ bỏ chùa Thập tháp Di Đà – Bình Định, di
cư vào vùng đất mới để hoằng dương đạo pháp.
Cuộc nổi loạn do một người Hoa tên là A Ban xúi giục dân vùng Bình Thuận, giết nhiều quan
chức trấn giữ ở đó. Chúa Nguyễn Phước Châu phải cử đại binh vào dẹp loạn. Qua sự kiện
này, hẳn chúa không còn tin được sự trung thành của người Hoa kiều nữa, ngay cả tổ sư
Nguyên Thiều. Chúa cử Ngài ra trụ trì chùa Hà Trung (Huế) hẳn đã có lý do chính trị hơn là
tôn giáo. Nhưng Ngài Nguyên Thiều chỉ ở chùa Hà Trung từ năm 1692 – 1694, rồi xuôi Nam
để hoằng hóa và yên thân tu hành. Lúc đầu mới từ miền Trung vào, Ngài ở chùa Đại Giác với
thiền sư Thành Đẳng – Minh Lượng, rồi sau mới ra lập chùa Kim Cang.

3


Phật giáo truyền vào phương Nam

Tổ Nguyên Thiều sáng lập ra chùa Kim Cang
(Nguồn: />Chùa Đại Giác và thiền sư Thành Đẳng – Minh Lượng theo như sách Gia Định thành thông
chí, An Toàn hầu Trịnh Hoài Đức (1765-1825) tả cù lao Phố và Đại Phố Đồng Nai như sau:
“Cù lao Phố còn có hai tên nữa, là Giản Phố và Cù Châu. Cù Châu là nói địa thế khuất khúc
hình như con rồng có sừng (hoa cù), uốn khúc giỡn với nước, nên nhơn đó gọi tên”.

Năm Kỷ Mùi (1679) đời Chúa Hiền - Nguyễn Phước Tần, khi nhà Thanh đánh bại nhà Minh
chiếm lãnh Trung Hoa, tổng binh Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình, chạy lánh
nạn sang Việt Nam, được Chúa Hiền chấp thuận cho định cư tại vùng đất Đồng Nai.
Tổng binh Trần Thượng Xuyên có tài cai trị, biết phương pháp phát triển kinh tế ở Đồng Nai,
nên ngoài việc khai hoang ruộng đất, ông còn lo mở mang thương mại ở Cù Lao Phố, mời gọi
những thương gia ngoại quốc đến đây làm ăn buôn bán. Cù Lao Phố trở thành một bến cảng
tấp nập khách thương ngoại quốc như Nhật Bản, Trung Hoa, Mã Lai, Nam Dương v.v… Cù
Lao Phố phát triển mạnh và trở thành Đại Phố Đồng Nai.
Cũng theo như sách đã dẫn, Trịnh Hoài Đức tả Đại Phố Đồng Nai như sau:
“Đại Phố Đồng Nai ở phía Tây Cù Lao Đại Phố, lúc đầu khai thác: tướng Trần Thượng
Xuyên chiêu tập các thương gia Trung Hoa đến kiến thiết phố xá với mái ngói tường vôi, lầu
cao quán rộng, dọc theo bờ sông liên lạc tới 5 dặm, chia vạch làm ba đường phố: đường phố
lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót đá xanh, đường rộng lớn và
bằng phẳng. Các nhà buôn tụ tập, ghe thuyền đi biển, đi sông đến đậu neo ở bến, có nhiều xà
lan đậu san sát nhau. Đó là một chốn đại đô hội, chỉ các nhà buôn bán lớn ở đây là nhiều
hơn cả”.
Theo sách Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức viết:
4


Tập San ĐN&CL Số 6

“Chùa Đại Giác tọa lạc ở khu miền Tây của Đại Phố Đồng Nai, có lẽ được xây dựng vào
thời Nguyễn, tức là vào hậu bán thế kỷ 17, nhưng chưa biết rõ là vị sư nào đã khai sơn chùa
và cũng không rõ chùa chính thức lập vào năm nào. Khoảng năm 1695, thiền sư Nguyên
Thiều vào Nam thì đệ tử Ngài là sư Thành Đẳng – Minh Lượng trụ trì chùa Đại Giác. Kiến
trúc xây dựng đầu tiên đã bị thay đổi nhiều lần. Trong lúc loạn lạc Nguyễn Vương cùng
Hoàng gia đã có một thời gian tá túc tại chùa này. Sau khi lên ngôi vua lấy hiệu Gia Long
(1802), vua đã ra lệnh cho quan trấn Biên Hòa trùng tu lại chùa. Sau đó vua cúng một tượng
Phật A Di Đà bằng gỗ cao 2,25 mét”.

Theo từ điển Phật Học Huệ Quang viết:
“Đến năm 1921, sư Thường Chiếu trùng tu và đúc một quả đại hồng chung (hiện vẫn còn),
đến năm 1959, sư Thiện Hỷ khởi công đại trùng tu, đến năm 1961 mới hoàn tất. Rất tiếc
trong lần trùng tu này, chùa được xây dựng theo kiến trúc và vật liệu mới, xóa hết di tích
xưa”.
Hiện nay, chùa có kiến trúc theo kiểu chữ Tam ( 三 ), chánh điện là căn nhà ba gian rộng lớn,
gian giữa là điện thờ Tam Thế: phía trên tượng A Di Đà bằng gỗ cao 2,25 mét (do vua Gia
Long cúng), phía dưới là tượng bổn sư và Bồ Tát Di Lặc. Phía trước tượng là giàn đèn Dược
sư (49) bằng gỗ, chân đèn chạm trổ tinh vi. Còn hai gian ở 2 bên trái thờ Ngài Đạt Ma và bên
phải thờ Quan Thánh. Sau lưng bàn Phật là bàn thờ Tổ, hai bên vách có thờ 5 vị Diêm vương
và Phán quan.
Chùa lúc đầu đơn sơ, chỉ dựng gỗ lợp lá, vào thế kỷ 18 chùa được xây cất lại. Trãi qua nhiều
lần trùng tu, chùa do các vị trụ trì như Giác Liễu, Thành Đẳng, Linh Nhạc… thuộc phái Lâm
Tế. Về sau, tính từ đời Minh Mạng đến cuối thế kỷ 19, chùa trãi qua sáu đời trụ trì là các
Ngài Mật Hoằng, Tiên Cang, Chánh Trí, Chánh Trung, Hải Huệ và Thường Chiếu. Vì không
có sử liệu ghi chép đầy đủ, nên cũng khó biết được chính xác sự truyền thừa của chùa theo
phổ hệ ra sao. Mặc dù được liệt trong hạng mục chùa cổ, nhưng do lối kiến trúc tân kỳ, nhìn
toàn cảnh ngôi Đại Giác tự, ta không nghĩ đó là ngôi chùa lâu đời. Chùa còn giữ lại được nét
cổ chăng chỉ qua mấy cặp câu đối bên ngoài như:
Đại điện huy hoàng, y bát hoa khai nghinh thụy nhật
Giác Lâm tịch tĩnh, Bồ Đề thọ trưởng Tống Xuân phong.
(Đại điện huy hoàng, y bát hoa khai nghinh bóng nhật
Giác lâm tịch tĩnh, cội Bồ Đề vươn tiễn hơi xuân).
(Đại thể Di Đà thân vàng rực rở miền Tịnh Thổ
Giác quang pháp thân thanh tịnh Phật Tổ độ Ta Bà).
Trong chánh điện có những bức hoành phi như: chánh pháp xương minh (chánh pháp mãi
ngời sáng), pháp vũ triêm ân (mưa pháp thấm nhuần), Từ Vân phổ phú (mây lành phủ che)…
Đặc biệt, phía hậu Tổ sau lưng chánh điện thờ tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma quảy dép trở về Tây
Trúc, tượng cao cở 9 cm, phía trên vách treo 3 ảnh chân dung, đây hẳn là 3 vị khai sơn chùa.
Ngang tượng Tổ, thờ đến 21 long vị, chắc chắn là của các vị trụ trì từ hơn 300 năm qua. Tất

cả long vị đều sơn đỏ, cao độ 8 cm, nên có thể nói, đây là bàn Tổ thờ nhiều long vị nhất trong
các ngôi cổ tự tại Việt Nam.

5


Phật giáo truyền vào phương Nam

Hiện nay, chùa được xem là ngôi chùa cổ ở Đồng Nai, được bộ Văn Hóa công nhận là một di
tích lịch sử nghệ thuật theo như quyết định số 993, VH/QĐ ngày 28/09/1990. Có thể nói Phật
giáo miền Nam có 3 khuynh hướng: Bắc tông, Phật giáo bản địa (Cao Đài, Hòa Hảo),
Nguyên Thủy hay Nam tông.
Bắc tông cũng chia ra thành 2 chi: Thiền Lâm Tế, do Tổ Nguyên Thiều Siêu Bạch truyền
thừa và thiền Lâm Tế do Tổ Minh Hải – Pháp Bảo khai sáng.
1.

Thiền Lâm Tế, phái Nguyên Thiều

Siêu Bạch, chùa Thập Tháp – Di Đà, Bình Định truyền vào Nam sớm nhất, cùng với phong
trào di dân lập nghiệp, mở mang lãnh thổ do chúa Nguyễn chủ trương vào giữa thế kỷ 17.
Lúc đầu, cũng giống như người Việt tỵ nạn cộng sản tại các quốc gia trên thế giới vào cuối
thế kỷ 20, những ngôi chùa thành lập tạm thời như “cải gia vi tự”, am tranh, vách ván… qui
tụ chừng 5, 3 người hay vài chục người tới lễ bái, tu tập. Rồi dần dần mới được xây dựng bề
thế, có sức dung chứa từ vài trăm người trở lên, sau vài ba thập niên định cư, đời sống lần ổn
định. Nhìn lui lại 350 năm trước, tại vùng đất mới ở miền Nam Việt Nam cũng phải qua tiến
trình xây dựng như thế. Trong số, có 2 chùa mang vóc dáng lịch sử này:
Chùa sắc tứ Tam Bảo (Hà Tiên): Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài
Đức ghi:
“Chùa Tam Bảo ở sau trấn thự, phạn cung mở rộng, Phật pháp phát huy. Nguyên xưa
do Thống binh Mạc Cửu xây cất. Sau đó thân mẫu Mạc Cửu là Thái phu nhân, ngoài

80 tuổi, nhớ con tha thiết, từ Lôi Châu theo đường biển đến, Mạc Cửu phụng dưỡng bà
ở chùa này. Phu nhân vốn tánh mộ Phật, hết lòng thành kính, vào ngày lễ tắm Phật (
Phật Đản), phu nhân vào chùa cúng dường chiêm bái, trong khoảnh khắc thốt nhiên
hóa trước bàn thờ (bà đang tới lễ Phật vào ngày Phật Đản, bổng nhiên qua đời trước
bàn Phật). Mạc Cửu theo lễ chôn cất, xây mộ ở núi Bình Sơn, lại đúc tượng bằng đồng
thờ tại chùa này. Nay tượng vẫn còn”.
Ngôi chùa khang trang, nhưng hiện nay không còn dấu vết của ngôi chùa cũ nữa, mà do
Hòa Thượng Phước Ân dòng Lâm Tế đời thứ 40 xây dựng lại vào năm 1930, theo lối
kiến trúc nửa tân, nửa cổ, mặt tiền chánh điện nhô lên 3 cổ lầu, trên cao chính giữa có
cẩn hình Bồ Tát Quan Thế Âm, bên dưới dòng chữ nho “Sắc Tứ Tam Bảo tự”, dưới
vòm cong trên cùng ghi chùa Tam Bảo bằng tiếng Việt. Trước sân, cổng tam quan đơn
giản đúc ximent, tám góc uốn cong bằng hoa văn gắn, trên cùng là bánh xe Pháp luân 8
căm, phía dưới đề “Sắc Tứ Tam Bảo tự” bằng chữ Việt, 2 trụ cột hai bên cổng nổi bật
lên 2 câu đối viết âm Hán Việt, chữ tròn:
Nhất trần bất nhiễm Bồ Đề địa
Vạn thiện đồng qui Bát Nhã môn
Đất Bồ đề không nhiễm trần tâm
Cửa Bát Nhã sạch thanh niệm thiện.
Được biết, tên chùa trước kia có người còn gọi là Tiêu tự, vì cứ theo hai câu mở đầu bài
thơ “tiêu tự thần chung” của Mạc Thiên Tích tả cảnh đẹp ở Hà Tiên.
Khách chùa Tiêu ân cần Phật sự

6


Tập San ĐN&CL Số 6

Đêm đêm hằng phân thứ âm dương
Giấc hòe hồn bướm mơ màng
Lầu quân, trống đã điểm sang năm dùi…

hoặc:
Rừng thiền sát sát án ngoài tào
Chuông gióng chùa Tiêu tiếng tiếng cao
Chày thỏ bạt vang muôn khóm sóng
Oai kình tan tác mấy cung sao
Não phiền kẻ nấu sôi như vạc
Trí tuệ người mài sắc tựa đao
Mờ mịt gẫm đường say mới tĩnh
Phù sinh trong một giấc chiêm bao.

Chùa sắc tứ Tam Bảo (Hà Tiên) ngày nay
(Nguồn: Bách khoa Toàn Thư Wikipedia)
Chùa Kim Cang (Đồng Nai)
Chùa Kim Cang, thuộc xã Bình Phước, huyện Phuớc Long, dinh Trấn Biên (xã Tân
Phước, thị xã Vĩnh An, tỉnh Đồng Nai ngày nay). Chùa lúc đầu chỉ cất đơn sơ như
một thảo am đủ cho một thiền sư tu tập, có thể là khoảng 1679. Từ thành phố Biên
Hòa theo đường liên tỉnh lên thác Trị An (xã Vĩnh An) đến ngã tư Bến Cá (cách Biên
Hòa 8 km) đi thẳng theo đường đất đỏ lên bến đò Bình Lục. Từ ngã tư Bến Cá đi
khoảng non một cây số, đến ấp Bình Thảo, rẻ theo đường mòn nhỏ bên mặt, đi thêm
500 mét là đến chùa.
Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu và bị thiêu hủy năm 1946, hiện chỉ còn nền chùa,
hai tháp cổ (tháp của Tổ Nguyên Thiều và tháp Phổ Đồng), long vị của Hòa Thượng
Minh Vật - Nhất Tri, một số tượng Phật và pháp khí.

7


Phật giáo truyền vào phương Nam

Tuy nhiên, theo lời kể lại của các bậc bô lão và dân làng Bình Thảo, ta biết được rằng

chùa Kim Cang xây cất theo kiểu chữ chữ Tam ( 三 ), bốn trụ xây bằng đá xanh, 2 trụ
giữa cao, 2 trụ ngoài thấp. Trước sân, cách chánh điện độ 50 mét bên trái là tháp của
Tổ Nguyên Thiều, đối diện với tháp Tổ, bên phải là tháp Phổ Đồng. Chùa gồm ba
dãy nhà nằm ngang, bề rộng khoảng 15 mét, bề dài độ 40-50 mét.
Chùa lập trên đỉnh một ngọn đồi rộng và thấp (chỉ cao hơn mặt đất trước chùa độ 2
mét), dưới chân đồi là đồng ruộng, trải dài về phía Bắc giáp tới thác Trị An, phía sau
chùa là sông Bến Cá.
Chánh điện thờ Tam Thế Phật (Tây Phương): A Di Đà, Quán Âm, Đại Thế Chí. Phía
trước thấp hơn một bậc thờ Tam Thế (Hoa Nghiêm): Đức Phật Thích Ca, Bồ Tát Văn
Thù, Bồ Tát Phổ Hiền. Bậc thấp thứ ba là tượng Phật Di Lặc, ở hai bên thờ ông Thiện,
ông Ác.
Đối diện Tam Bảo có bệ thờ Bồ Tát Chuẩn Đề (đồng đen), Bồ Tát Quan Thế Âm ngự
tọa trên tòa sen bằng đá trắng. Sát vách tường, hai bên là các tượng La Hán và Thập
Điện Minh vương toàn bằng gỗ, tượng cao độ 8 cm, nhưng nay đã không còn. Chùa
này có một thời gian Nguyễn Phước Ánh khi chưa lên ngôi có ở đây (1776 – 1790)?
Ngoài ra, chùa có một đại hồng chung và một trống lớn. Hai cổ vật ấy nay cũng
không còn. Ba dãy nhà: dãy giữa thờ Tam Bảo, dãy thứ nhì thờ Tổ và dùng làm nhà
khách, dãy thứ ba là tăng phòng.
Chùa Kim Cang trước đây còn lại một số tượng và cổ vật như: Tượng Bồ Tát Chuẩn
Đề (bằng đồng đen) cao 8 cm, tượng Bồ Tát Địa Tạng bằng gỗ, cùng một số tượng gỗ
khác, tượng Bồ Tát Quan Thế Âm (độ 8 cm), long vị của Hòa Thượng Minh Vật Nhất Tri, tiểu hồng chung hay bảo chúng có khắc chữ Kim Cang tự, cao độ 6 cm,
đường kính chuông 4 cm. Hiện tại chùa còn tháp Tổ Nguyên Thiều – Siêu Bạch gồm
bức bình phong, mộ bia, Tháp Tổ (cao 3 tầng, hình lục giác) và tháp Phổ Đồng hình
vương miện xây bằng hóa chất cao độ 2 mét. Chiếc mão được dựng trên một bệ
vuông cạnh 1 m 40, mặt trước khắc hoa văn. Tháp đã bị hỏng một phần, nên chỉ còn
phần dưới của chiếc mão và bệ vuông, trước có bia nhưng chữ đã bị tróc rã hết, không
còn dấu vết gì. Tháp này có lẽ thờ công chúa Ngọc Vạn (*) và các tướng sĩ có công
trong việc hộ trì Phật pháp ở Chân Lạp, cũng như có công trong việc bảo hộ cho di
dân sanh sống ở vùng đất Đồng Nai – Sài Gòn, những người đi đầu trong cuộc mở
mang bờ cõi Việt Nam.

(*) Theo như bài viết: “Cao Lãnh, Đồng Tháp quê hương tôi” tác giả, ông Trần Văn
Miêng viết:
“ Bấy giờ, Chân Lạp gồm Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp. Chân Lạp chỉ lo phát
triển vùng Lục Chân Lạp, còn vùng Thủy Chân Lạp là đất của Champa mà Chân Lạp
đã chiếm vào cuối thế kỷ thứ sáu, bị bỏ hoang phế, đầy muỗi mòng, rắn rết và thú dữ
suốt 10 thế kỷ, chỉ có vài làng nhỏ của người Chân Lạp sinh sống và gần như tách
biệt với đất Tổ của họ (tức vùng Lục Chân Lạp). Nước Chân Lạp cũng đã qua thời
hoàng kim, đang gặp nhiều khó khăn. Bên ngoài, quân Xiêm thường sang quấy phá,
bên trong có sự tranh chấp nội bộ trong hoàng tộc. Họ cần có sự giúp đỡ của chúa

8


Tập San ĐN&CL Số 6

Nguyễn để ổn định tình hình trong nước và đối đầu với Xiêm La. Năm 1620, vua
Chân Lạp là Chey Chetta II xin cầu hôn công chúa Ngọc Vạn, con gái chúa Sãi
Nguyễn Phúc Nguyên. Theo lời cố vấn của Đào Duy Từ, chúa đã chấp nhận gã công
chúa cho vua Chân Lạp. Dù vua Chey Chetta II đã có hai bà hoàng (người Lào và
Chân Lạp), công chúa Ngọc Vạn cũng được tấn phong để trở thành hoàng hậu Ang
Cuv. Từ đấy đã có sự liên kết giữa Đàng Trong và Chân Lạp. Được sự trợ giúp của
chúa Nguyễn, hai lần quân Xiêm sang đánh phá Chân Lạp (1621 và 1623) đều bị đẩy
lui. Năm 1623, chúa Nguyễn sai sứ thần xin vua Chân Lạp cho dân Việt đến canh tác
và buôn bán trong vùng Prei Nokor và Kampong Trabei (Gia Định và Bến Nghé).
Chúa đã đưa dân từ ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam,
Quảng Ngãi) vào đấy. Có thể coi đây là cuộc di dân đông đảo nhất để khai phá đất
mới. Năm 1679, một số người Hoa trung thành nhà Minh, theo Dương Ngạn Địch vào
Đàng Trong xin thần phục chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần. Chúa cho họ vào sinh sống ở
cù lao Phố (Đồng Nai), Mỹ Tho (Định Tường) và Cao Lãnh (Cai Lậy). Do bất đồng
ngôn ngữ và phong tục, người Chân Lạp tự bỏ đi về Chân Lạp. Năm 1680, toán người

Hoa thứ hai theo Mạc Cửu đến vùng Hà Tiên, Rạch Giá, Phú Quốc lập nghiệp. Lúc
ấy nước Xiêm đang làm bá chủ vùng này nên đe dọa Mạc Cửu; Chân Lạp cũng suy
yếu không giúp gì được cho Mạc Cửu, ông sang xin thần phục và dâng những đất này
cho chúa Nguyễn. Theo chính sách “ tàm thực” dần dần người Việt đã đi khai thác
khắp cõi phương Nam này”.
(Tập san nghiên cứu văn hóa Đồng Nai - Cửu Long số 4 năm 2010)
2.

Thiền Lâm Tế, phái Tổ Minh Hải – Pháp Bảo:

Ở buổi đầu phôi thai của Phật giáo miền Nam, nhất là tại Gia Định, Sài Gòn, Biên Hòa nhờ
hình ảnh các thiền sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch, Minh Vật - Nhất Tri, Minh Lượng – Thành
Đẳng…đi sát dân sinh, dân trí, cũng như trực tiếp giáo hóa cho người dân vừa định cư có đời
sống tâm linh an lạc.
Cũng theo tinh thần đó, môn hạ Tổ Minh Hải – Pháp Bảo, khai sơn tổ đình Chúc Thánh - Hội
An, theo dấu chân lưu dân, xuôi Nam lập chùa Tập Phước tại Gia Định như các ngài Thiệt
Bảo, Cảm Ứng, Toàn Tánh – Chánh Đắc, Pháp Nhân – Thiên Trường, Chương Tâm - Phước
Thường, Ấn Thập - Huệ Thành, Chân Lý - Hoằng Trí… là những vị kế thế trụ trì Tổ đình Tập
Phước. Ngôi chùa này cũng như chùa Kim Cang ở Đồng Nai, có một thời gian lúc Gia Long
bôn tẩu vào những năm 1779 – 1790, có lần bị quân Tây Sơn truy kích, nhà vua và tùy tùng
vào chùa ẩn náu nên thoát nạn. Sau khi lên ngôi, vua nhớ ơn nên sắc phong chùa Tập Phước
là Sắc Tứ Tập Phước tự vào năm Gia Long nguyên niên (1802). Tuy nhiên, chùa trải qua
những đợt trùng tu năm 1927, 1969, 1985 và 2002, hiện không còn giữ được nét cổ kính, chỉ
còn hai tấm hoành bằng gỗ ghi: “ Sắc tiên chế “ và “ Tứ Hoàng Phong”. Nếu đem nối kết hai
bảng này lại thành câu: “ Sắc Tứ tiên hoàng chế phong”, cũng như hai câu đối:
Gia lạc Minh quân, Thiệu thuật Tự Thừa Quang ức tải
Long hưng Mạng chủ Trị bình Đức hóa hiển thiên thu.
Ứng hợp với hai câu trước, bốn vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức được ca ngợi
sự thịnh trị của triều Nguyễn. Đó là những dấu tích cũ, còn ngoài ra tất cả ngôi Tổ đình Tập


9


Phật giáo truyền vào phương Nam

Phước đều thay đổi, kể cả diện tích khuôn viên chùa ngày nay cũng thu hẹp, làm mất đi nét
thiền vị của một ngôi cổ sát. Các chùa Hội Khánh ở Bình Dương và Thiên Tôn đều là Tổ
đình do hậu duệ của Tổ Minh Hải, môn phái Chúc Thánh khai sơn, truyền thừa.
Vào năm 1773 (Quý Tỵ), có hai ngài Toàn Hiệu – Gia Linh và Gia Tiền đến huyện Thuận An
lập chùa Thiên Tôn. Năm 1839, Thiền sư Toàn Tánh – Chánh Đắc kế thừa trú trì chùa Hội
Khánh, sau khi ngài Chân Kính – Minh Huệ ( 1741 – 1839) viên tịch. Ba ngài này đều là đệ
tử của Tổ Pháp Nhân – Thiên Trường tại chùa Tập Phước – Gia Định, truyền thừa đời 37
tông Lâm Tế Chúc Thánh.
Chùa Hội Khánh tọa lạc tại phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Chùa
do thiền sư Đại Ngạn - Từ Tấn (? – 1812) khai sơn vào năm 1741, dưới thời Lê Cảnh Hưng.
Sau khi ngài Từ Tấn viên tịch vào năm 1812 (Nhâm Thân), chùa được ngài Chân Kính –
Minh Huệ kế thừa. Đến năm 1839 ngài Minh Huệ viên tịch, do không có đệ tử kế thừa nên
bổn đạo đã thỉnh ngài Toàn Tánh – Chánh Đắc từ chùa Tập Phước, Gia Định về kế thế trụ trì
chùa Hội Khánh. Kể từ ngài Toàn Tánh – Chánh Đắc trụ trì, chùa Hội Khánh chính thức
truyền thừa theo bài kệ của Tổ Minh Hải – Pháp Bảo.
Từ ngày thành lập tới nay, chùa trải qua 10 đời trụ trì: Đại Ngạn - Từ Tấn từ năm 1741-1812,
ngài Minh Huệ - Chân Kính từ 1812-1839, ngài Toàn Tánh – Chánh Đắc từ 1839-1869, ngài
Chương Đắc – Trí Tập từ 1869-1884, ngài Ấn Long - Thiện Qưới từ 1884-1906, ngài Chơn
Thanh - Từ Văn, ngài Ấn Bửu - Thiện Quý, ngài Thị Huê - Thiện Hương, ngài Đồng Bửu Quảng Viên và ngài Nhật Minh - Huệ Thông từ năm 1988 đến nay.
Đặc biệt ngài Toàn Tánh – Chánh Đắc là người có công rất lớn trong việc phát triển tông
môn tại đây. Cũng khởi đi từ chùa Hội Khánh, ngài đã đào tạo được một số vị danh tăng kế
thừa sự nghiệp Thầy Tổ, làm rạng rỡ tông phong như các ngài Chương Đắc – Trí Tập,
Chương Lành – Nguyên Từ, Chương Nhân - Thiện Đức, Chương Tâm - Phước Thường…

Chùa Hội Khánh tại phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương


10


Tập San ĐN&CL Số 6

Cũng chính ngài Toàn Tánh – Chánh Đắc cho dời vị trí chùa từ trên đồi xuống vị trí như hiện
nay. Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, chùa Hội Khánh vẫn còn giữ được nét cổ kính như
các bao lam, tôn tượng, bảo tháp… là nét nghệ thuật điêu khắc giá trị miền Nam.
Chùa Thiên Tôn: như đã đề cập, chùa Thiên Tôn do các ngài Toàn Hiệu – Gia Linh và Gia
Tiền từ chùa Tập Phước, Gia Định, đều là đệ tử của Tổ Pháp Nhân – Thiên Trường, truyền
thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đời 37 sáng lập. Chùa Thiên Tôn cách thị xã Thủ Dầu
Một 7 km, từ quốc lộ 13 cũ (nay Cách Mạng Tháng Tám) đi vào, chùa tọa lạc trên triền đồi.
Chùa lúc đầu chỉ là một thảo am nhỏ, trên có gác dùng để thờ Phật nên người địa phương
quen gọi là chùa Lầu. Trong lúc bôn tẩu lánh nạn Tây Sơn, Gia Long cũng đã có ở tại ngôi
chùa này. Do vậy, lúc vừa lên ngôi, vua Gia Long đã ban sắc Tứ Thiên Tông tự vào năm
1802, nhưng đến đời vua Thiệu Trị, vì muốn tránh tên húy của vua nên đổi tên chùa lại là Sắc
Tứ Thiên Tôn tự cho đến nay. Mặc dù, mang danh sắc tứ, nhưng chùa nằm trong vùng quê
nên ít người quan tâm. Nơi chánh điện có cặp câu đối, nhưng do 2 tôn tượng che khuất, nên
xem hình chụp chỉ đọc được phần trên như Thiên Bách ức thế giới hóa thân… và Tứ Thập
cửu Xuân Thu thuyết pháp… để xưng tán đức Bổn Sư Thích Ca trải qua trăm nghìn ức hóa
thân ra đời, thuyết pháp giáo hóa độ sanh, đến đời hiện tại, sau khi thành đạo, Ngài chu du
khắp nơi hoằng truyền Phật đạo 49 xuân thu cho tới lúc lâm Niết Bàn thị tịch.
Tại Tổ đường chùa có thờ 5 long vị chư liệt Tổ khai sơn kế thừa thuộc thiền phái Lâm Tế
Chúc Thánh như các Ngài: Toàn Hiệu – Gia Linh, Toàn …Gia Tiền, Chương Phụng - Phước
Lịch, Ấn Nhâm - Từ Lương, Chơn Tân - Thiện Khoa.
Tổ đình Thiên Tôn đã qua những lần trùng tu vào các năm 1934, 1955, 1997… và lần trùng
tu sau cùng mang tính cách qui mô. Hiện nay, kế thừa trụ trì Thiên Tôn tự là Đại Đức Chúc
Minh, đệ tử T.T Đồng Điển – chùa Đông Hưng, quận 2 Sài Gòn, đời 44 dòng Lâm Tế - Chúc
Thánh. Đại Đức có khiếu mỹ thuật nên lần lượt chỉnh trang để xứng đáng ngôi cổ tự của tông

môn Chúc Thánh.
Như ta đã biết, qua tiến trình hành hoạt, đặt cơ sở truyền thừa Phật đạo hơn 300 năm qua tại
miền Nam - Việt Nam của những vị thiền sư, danh tăng người Việt, người Hoa, người Miên,
phải trải qua nhiều cam go, đầy thử thách, để mới có thể hội nhập và tự tồn. Hiển nhiên như
thế, vì địa bàn hoạt động tại một vùng đất mới có nhiều sự khác biệt về phong tục tập quán,
nhất là ngôn ngữ đối với những người sắc tộc mới nhập cư.
Buổi ban đầu miền đất tại miền Nam, nhất là vùng Thủy Chân Lạp vốn có tiếng nước độc ma
thiêng, dã thú, rắn rết, muỗi mòng, vắt, đĩa, cọp, sói, cá sấu v.v… là mối đe dọa tới đời sống
con người… Như qua ca dao:
Cỏ mọc thành tinh
Rắn đồng biết gáy.
hoặc:
Muỗi kêu như sáo thổi
Đĩa lội tựa bánh canh.
Như thế, người dân nếu không phấn đấu, làm sao vượt qua được những chướng ngại bởi hoàn
cảnh, thời tiết khắc nghiệt. Thế nên, đời sống tinh thần lại còn phức tạp hơn, con người cảm

11


Phật giáo truyền vào phương Nam

thấy cô đơn, yếu đuối, bất lực, trước trời đất bao la, thiên nhiên phức tạp, thần linh như lúc
nào cũng theo sát đời sống mọi người. Trong hoàn cảnh đó, chùa chiền, tôn miếu, là những
nơi để mọi người tới lễ bái, cầu nguyện. Các thiền sư là những người theo bước chân người
lưu dân đi khai sơn phá thạch trong việc mở mang bờ cõi. Họ nổ lực không ngừng kiến lập
đạo tràng, kết nạp những mãnh tâm hồn rời rạc đưa về với đạo từ bi, giải thoát. Nguồn động
viên tinh thần như thế thật vô cùng quan trọng, giúp cho người dân được an cư lạc nghiệp.
Các ngài cũng đã trả một giá tương xứng trong hạnh nguyện của mình, để cho ánh đạo vàng
được tỏa rạng khắp chốn nhân gian. Sự hy sinh đời sống riêng tư để phục vụ tha nhân của các

bậc thầy tiền bối đã thể hiện việc dấn thân trong vai trò kiến tạo đời sống an bình cho xã hội.
Đối với các vị thiền sư như Nguyên Thiều – Siêu Bạch, Minh Hải – Pháp Bảo dù là người
Hoa, nhưng đã ở Việt Nam lâu ngày, hẳn có biết tiếng Việt. Nếu các ngài không thông ngôn
ngữ Việt thì đã có các đệ tử người Việt làm gạch nối tiếp xúc, cảm thông được với địa
phương, không gì trở ngại khó khăn. Riêng với các sư người Miên về sau này thuộc phái
Nam Tông, có thể các vị không cần nói tiếng Việt, vì chỉ sinh hoạt với người Campuchea
sinh sống tại Việt Nam, hay cũng có thể đa phần các thầy nói được ngôn ngữ Việt, nên việc
hội nhập vào cộng đồng người Việt để làm Phật sự hay sinh hoạt Phật giáo cũng rất bình
thường như người Việt vậy. Một vấn đề trở ngại lớn nhất, những người mới tới định cư, đời
sống kinh tế chưa ổn định, nên việc đóng góp xây dựng chùa chiền có giới hạn. Các thầy
hành đạo ở giai đoạn đầu này hẳn gặp không ít khó khăn về tài chánh, mỗi khi muốn xây
dựng hay làm bất cứ Phật sự gì.
Đây là hệ quả chung của các sinh hoạt Phật giáo không cứ trước đây, mà ngày nay chúng ta
đang ở trong môi trường ngoại quốc cũng vậy. Thế hệ đi trước phải là những người tiên
phong, đứng mũi chịu sào hay làm lớp gạch lót đường cho các thế hệ kế tiếp đi theo dấu chân
khai phóng tiền nhân. Cho nên, đàn hậu bối phải biết ân đức các bậc Thầy Tổ đã dày công
đóng góp cho tiền đồ Phật giáo mới tồn tại được cho tới ngày nay. Bổn phận của chúng ta,
hàng cháu chắt, đồ tôn phải làm sao cho xứng đáng trong vai trò trọng trách để báo ân các
ngài trong muôn một, bằng cách nổ lực đóng góp bằng tài năng và trí huệ của mình trong sự
tu tập và thừa hành Phật sự như là sứ giả của Như Lai vậy.
(Tiếp kỳ sau: Đạo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo)

12


Tập San ĐN&CL Số 6

Tài liệu tham cứu:
1- Việt Nam Phật giáo sử lược của T.T Mật Thể do chùa P.Vân ấn tống năm 1979 tại Los
Angeles, Hoa Kỳ.

2- Lịch sử Phật giáo Việt Nam I, của thầy Trí Siêu – Lê Mạnh Thát nhà xuất bản Thuận Hóa Huế năm 1999.
3- Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh của Đại Đức Thích Như Tịnh, nhà xuất
bản Phương Đông ấn hành tại Sài Gòn, năm 2009.
4- Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức, nhà xuất bản Thành Phố ấn hành năm
1995.
5- Những ngôi chùa ở Nam Bộ của Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên, nxb
Thành Phố HCM năm 1994.
6- Tập san nghiên cứu văn hóa Đồng Nai và Cửu Long số 3 tháng 6 năm 2009, nhóm nghiên cứu
văn hóa Đồng Nai & Cửu Long – Úc châu.

13



×