Tải bản đầy đủ (.pdf) (67 trang)

Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn trào phúng của nguyễn công hoan

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (614.71 KB, 67 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN
======

NGUYỄN THỊ THANH HOÀ

NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT
TRONG TRUYỆN NGẮN TRÀO PHÚNG
CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN
KHOÁ LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

Hà Nội - 2013


TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI II
KHOA NGỮ VĂN
======

NGUYỄN THỊ THANH HOÀ

NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT
TRONG TRUYỆN NGẮN TRÀO PHÚNG
CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN

KHOÁ LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Người hướng dẫn khoa học
Th.S VŨ VĂN KÝ


Hà Nội - 2013


LỜI CẢM ƠN

Trong quá trình thực hiện khoá luận này, chúng tôi đã nhận được sự
quan tâm, giúp đỡ của các thầy cô giáo trong Khoa Ngữ Văn, tổ bộ môn Văn
học Việt Nam và thầy Vũ Văn Ký - giáo viên trực tiếp hướng dẫn.
Nhân khoá luận hoàn thành, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành
đến các thầy cô giáo và thầy hướng dẫn.
Do khả năng hạn chế và thời gian có hạn, chắc chắn khoá luận không
tránh khỏi những thiếu sót, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự đóng góp
của các thầy, cô để khoá luận được hoàn thiện hơn.

Hà Nội, ngày 03 tháng 05 năm 2013.
Tác giả khoá luận

Nguyễn Thị Thanh Hoà


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan:
1. Khoá luận Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn trào
phúng của Nguyễn Công Hoan là kết quả nghiên cứu của riêng tôi, có
tham khảo ý kiến của người đi trước, dưới sự hướng dẫn của Thạc sĩ,
Giảng viên chính Vũ Văn Ký.
2. Khoá luận không sao chép từ một công trình có sẵn nào.
3. Kết quả nghiên cứu là đúc kết của bản thân mà ít nhiều có đóng góp
khoa học trong việc tìm hiểu tác giả Nguyễn Công Hoan.


Hà Nội, ngày 03 tháng 05 năm 2013.
Tác giả khoá luận

Nguyễn Thị Thanh Hoà


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU

Trang

1. Lí do chọn đề tài

1

2. Lịch sử vấn đề

2

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

5

4. Mục đích và nhiệm vụ

5

5. Ý nghĩa của đề tài


5

6. Phương pháp nghiên cứu

6

7. Cấu trúc khoá luận

6

NỘI DUNG
Chương 1: Những vấn đề chung

7

1.1. Nguyễn Công Hoan - con người và sự nghiệp sáng tác

7

1.1.1. Cuộc đời tác giả

7

1.1.2. Quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Công Hoan
trước cách mạng tháng Tám

9

1.1.3. Sự nghiệp sáng tác


11

1.1.3.1. Trước cách mạng tháng Tám

11

1.1.3.2. Sau cách mạng tháng Tám

17

1.2. Nguyễn Công Hoan - Cây bút sở trường về truyện ngắn trào phúng

19

1.2.1. Thể loại truyện ngắn

19

1.2.2. Truyện ngắn trào phúng

19

1.2.3. Truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan

20

1.3. Nhân vật và vai trò của nhân vật

21


1.3.1. Nhân vật

21

1.3.2. Vai trò của nhân vật

26

1.3.2.1. Vai trò của nhân vật trong tiểu thuyết

26


1.3.2.2. Vai trò của nhân vật trong truyện ngắn
1.3.2.3. Vai trò của nhân vật trong truyện ngắn trào phúng

27
27

Chương 2: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn
trào phúng của Nguyễn Công Hoan

28

2.1. Các kiểu nhân vật

28

2.1.1. Nhân vật thuộc tầng lớp thống trị


30

2.1.2. Nhân vật thuộc tầng lớp bị trị

31

2.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

32

2.2.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật thông qua ngoại hình

33

2.2.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật thông qua hành động

38

2.2.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật thông qua ngôn ngữ

40

2.2.3.1. Ngôn ngữ đối thoại

40

2.2.3.2. Ngôn ngữ độc thoại

45


2.2.3.3. Ngôn ngữ trần thuật

48

2.2.4. Nghệ thuật xây dựng nhân vật thông qua giọng điệu

51

2.3. Thành công và hạn chế

54

2.3.1. Thành công

54

2.3.2. Hạn chế

55

KẾT LUẬN

TÀI LIỆU THAM KHẢO

56


MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Trong các nhà văn hiện thực của nền văn học hiện đại Việt Nam, Nguyễn
Công Hoan nổi lên là một cây bút có sức sáng tạo dồi dào, dẻo dai, một tài năng
xuất sắc độc đáo và mang đậm bản sắc dân tộc. Hơn nửa thế kỷ cầm bút,
Nguyễn Công Hoan đã để lại cho kho tàng văn học dân tộc hơn 200 truyện ngắn,
gần 30 truyện dài và nhiều công trình nghiên cứu văn học có giá trị. Nói đến tài
năng và phong cách Nguyễn Công Hoan, trước hết người ta nhớ đến ông với tư
cách bậc thầy truyện ngắn trào phúng “Người ta nhận thấy Nguyễn Công Hoan
sở trường về truyện ngắn hơn truyện dài. Trong các truyện dài nhiều chỗ lúng
túng rồi ông kết thúc giản dị quá, không xứng với một truyện to tát ông dựng.
Trái lại ở truyện ngắn ông tỏ ra là một người kể truyện có duyên. Phần nhiều
truyện ngắn của ông linh động lại có nhiều cái bất ngờ, làm cho người đọc
khoái trá vô cùng. Những truyện ngắn của ông tiêu biểu cho một thứ văn rất vui,
thứ văn mà có lẽ từ ngày nước Việt Nam có tiểu thuyết viết theo lối mòn người
ta chỉ thấy ở ngòi bút của ông thôi.” (Vũ Ngọc Phan)
Khác với Ngô Tất Tố, Nam Cao hay nhiều cây bút viết truyện ngắn khác,
Nguyễn Công Hoan tiếp cận đời sống bằng cái nhìn đả kích giễu cợt sâu cay
xuất phát từ tấm lòng căm giận kẻ cường quyền và tình yêu thương những người
nghèo khổ. Hay nói cách khác ông dùng tiếng cười để tố cáo “những đau khổ tột
cùng”. Văn Nguyễn Công Hoan dễ hiểu, giản dị, trong sáng, tự nhiên lại rất
sống động. Ông khai thác câu chữ chọn lọc, tinh tế, sắc sảo, cùng với đó là hệ
thống nhân vật phong phú đa dạng, xuất hiện đủ các tầng lớp, giai cấp trong xã
hội. Điều này lý giải vì sao các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan được đông đảo
bạn đọc trong và ngoài nước yêu thích, mến mộ.

1


Nguyễn Công Hoan là một trong số các nhà văn Việt Nam hiện đại được
đưa vào giảng dạy ở các bậc học từ Trung học phổ thông đến Cao đẳng, Đại
học.

Hiện nay công việc nghiên cứu về nền văn học nước ta trước cách mạng
đương tiến hành. Trong nền văn học ấy, Nguyễn Công Hoan đã có đóng góp rất
to lớn và đem lại nhiều kinh nghiệm thành công và cả thất bại đối với một nhà
văn. Bởi vậy, nghiên cứu về Nguyễn Công Hoan, khám phá giá trị tác phẩm của
ông là việc làm vô cùng cần thiết và bổ ích.
Trên đây là những lý do để chúng tôi chọn đề tài Nghệ thuật xây dựng
nhân vật trong truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan làm đối tượng
nghiên cứu.
2. Lịch sử vấn đề
Nguyễn Công Hoan gây được chú ý của dư luận ngay từ những truyện
ngắn đầu tiên. Sau khi tập Kép Tư Bền xuất bản 1935, truyện ngắn của ông ngày
càng nhận được chú ý, quan tâm của giới nghiên cứu. Có không ít nhận định,
đánh giá về tác phẩm của ông. Đến nay, con người và sự nghiệp sáng tác của
Nguyễn Công Hoan đã được chọn làm đối tượng khảo sát của nhiều luận án
Thạc sĩ, Tiến sĩ văn học.
Sau đây là một số nhận định, đánh giá mà chúng tôi thống kê được có liên
quan đến đề tài nghiên cứu.
Về thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, Vũ Ngọc
Phan nhận định: “Ông miêu tả đủ hạng người trong xã hội, nhưng ít khi ông tả
những ý nghĩ của họ nhất là những điều u uất của họ thì không bao giờ ông đả
động, bao giờ cũng đặt họ vào khuôn riêng, đó là khuôn lễ giáo hay phong tục
mà họ đã ra trò với những bộ mặt phường tuồng của họ”. [18, 1078]
Tác giả cuốn Sơ khảo lịch sử văn học Việt Nam nhận xét về nghệ thuật
khắc hoạ nhân vật của Nguyễn Công Hoan như sau “ông có sở trường về cách

2


mô tả tư cách hèn hạ, đê tiện hết chỗ nói của bọn quan lại sâu mọt, bọn nha lại,
bọn hãnh tiến, sang trọng và khinh người”. [2, 101]

Trong cuốn Lịch sử văn học Việt Nam, tác giả Nguyễn Trác nhận định
“Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan là một tấn trò đời rộng rãi và phong phú, ông
chỉ cốt khám phá trong hiện thực, những mâu thuẫn, những cảnh tượng trái và
phản lẫn nhau… Thế giới của Nguyễn Công Hoan là thế giới những kẻ khốn khổ
đáng thương. Đọc truyện ngắn Nguyễn Công Hoan người đọc như được trực
tiếp sống giữa cái xã hội khốn cùng của những con người dưới đáy, những thói
hư tật xấu của đám thanh niên tiểu tư sản thành thị chạy theo lối sống “Âu
hoá”. Hoặc “khi nhân vật ông miêu tả vừa là kẻ có tiền, có quyền vừa có nhân
cách và hành động trái ngược với thứ đạo đức ông ưa, thì ông lên án bằng cả lý
trí và tình cảm. Tiếng cười đả kích của ông sảng khoái, nhân vật của ông sống,
tác phẩm của ông thành công”. [21, 222]
Nguyễn Hoành Khung trong Từ điển văn học - tập 2 đánh giá về nghệ
thuật khắc hoạ tính cách nhân vật của Nguyễn Công Hoan: “Mỗi nhân vật nhà
văn thường chỉ nêu lên một nét tính cách cơ bản, bộc lộ qua hành động ngôn
ngữ, tình huống nào đó (…). Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan
chưa hề có bề sâu tâm lý. Song không vì vậy mà chúng không chân thực, không
sinh động. Có thể nói trái lại, chỉ bằng vài nét vẽ, nhà văn đã phác ra được bộ
mặt, một tư thế, một chân dung khá sinh động với nét tâm lý chủ yếu nổi bật,
phù hợp với bản chất xã hội nhân vật” [13, 56].
Vũ Ngọc Khánh trong Thơ văn trào phúng Việt Nam viết về thủ pháp
nghệ thuật, cách mô tả nhân vật của Nguyễn Công Hoan như sau: “Thủ pháp
quen thuộc và độc đáo của Nguyễn Công Hoan là hay làm cho bộ mặt đối tượng
trở nên méo mó hơn, lố bịch hơn để bản chất ti tiện của nố được nổi rõ hơn”
[11, 375].
Nguyễn Đức Đàn trong Mấy vấn đề văn học hiện thực phê phán Việt Nam
đã nhận xét: “Với số lượng khá lớn như vậy… Nguyễn Công Hoan đã hợp thành
3


một bức tranh rộng lớn khá đầy đủ về xã hội cũ. Hầu hết trong xã hội thực dân

phong kiến đều có mặt: nông dân, công nhân, tiểu tư sản, trí thức làm nghề tự
do như thầy thuốc, nhà giáo, nhà văn, các nghệ sĩ, tư sản, các nhà buôn, nhà
thầu khoán, địa chủ, quan lại, cường hào, nghị viên, công chức, học sinh, đứa ở,
phu xe, kẻ cắp, anh hát xẩm, chọ bán hàng rong, binh lính, bồi bếp…từ các giai
cấp bị bóc lột, các giai cấp thống trị và các tầng lớp trung gian cho đến những
người ở dưới đáy của một xã hội hết sức phức tạp”. “Quả thật, Nguyễn Công
Hoan là một nhà văn có tài xây dựng nhân vật phản diện (…) việc xây dựng
nhân vật phản diện cho phép nhà văn được tô đậm khuếch đại những nét tiêu
biểu” [4, 351].
Nghiên cứu về Nguyễn Công Hoan, Lê Thị Đức Hạnh đã chỉ ra những đặc
điểm nghệ thuật trong truyện ngắn của ông “Cách miêu tả nhân vật trong sự đối
lập giữa hai sự vật bản chất khác nhau, giữa bản chất hiện tượng, nội dung với
hình thức…” [6, 58].
Nhận xét về chân dung nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan,
tác giả Hoàng Anh khẳng định: “Những chân dung Nguyễn Công Hoan vẽ nên
là những ký hoạ hoặc biếm hoạ linh hoạt, không chỉ đặc tả tính cách của từng
loại nhân vật qua cái thần của họ, mà xếp bên cạnh nhau còn hiện lồ lộ bức
tranh toàn cảnh xã hội thực dân nửa phong kiến, mặc dù chúng cố tình che đậy,
giấu giếm sau tấm phông loè loẹt, mỹ miều” [19, 54].
Nhìn dưới góc độ thi pháp học, Trần Đình Sử nhận xét: “Con người trong
truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan là con người bị tha hoá, vật hoá,
sống và hoạt động hầu như phi nhân tính. Thế giới truyện ngắn Nguyễn Công
Hoan là thế giới làm trò, nhân vật là những kẻ làm trò” [15, 142].
Nhìn chung các nhà nghiên cứu đều đứng trên một góc độ, một phương
diện để tìm hiểu, đánh giá về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Công Hoan.
Nghiên cứu nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật một cách độc lập, riêng rẽ

4



thì chưa có một công trình khoa học nào tương xứng với vấn đề có ý nghĩa cả về
lí luận lẫn thực tiễn trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan.
Chúng tôi cho rằng đây là một đề tài hay và hấp dẫn. Kế thừa ý kiến của
người đi trước, coi đó là những tiền đề quan trọng, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu
nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công
Hoan thông qua các tác phẩm tiêu biểu trước cách mạng tháng Tám. Hy vọng
khoá luận sẽ có ít nhiều đóng góp để hiểu sâu sắc hơn nhà văn lớn của văn học
Việt Nam hiện đại thế kỷ XX.
3. Phạm vi nghiên cứu:
Do khuôn khổ của đề tài và giới hạn của khoá luận, chúng tôi tập trung
chủ yếu vào các truyện ngắn trào phúng tiêu biểu của Nguyễn Công Hoan trước
cách mạng tháng Tám.
Khi cần thiết, sẽ có cái nhìn tổng quát đối với toàn bộ truyện ngắn
Nguyễn Công Hoan và liên hệ, so sánh với các truyện ngắn của các nhà văn
khác.
4. Đối tượng nghiên cứu:
- Một số lí luận về nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn trào phúng Nguyễn
Công Hoan.
5. Ý nghĩa đề tài:
Ý nghĩa khoa học: Thông qua các vấn đề về nhân vật và nghệ thuật xây
dựng nhân vật, đề tài đi sâu tìm hiểu đặc sắc truyện ngắn Nguyễn Công Hoan về
nhân vật, từ đó, chỉ ra đóng góp của nhà văn trong thể loại truyện ngắn, khẳng
định vị trí của ông trong nền văn học Việt Nam hiện đại.
Ý nghĩa thực tiễn: Góp phần vào việc giảng dạy tác phẩm văn học nói
chung và giảng dạy tác phẩm của Nguyễn Công Hoan nói riêng trong nhà
trường.

5



6. Phương pháp nghiên cứu:
Trong đề tài này chúng tôi sử dụng kết hợp các phương pháp sau:
1. Phương pháp hệ thống
2. Phương pháp thống kê phân loại
3. Phương pháp phân tích tác phẩm
4. Phương pháp so sánh
7. Cấu trúc khoá luận:
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Mục lục, Tài liệu tham khảo, Khoá luận
gồm hai chương:
- Chương 1: Những vấn đề chung.
- Chương 2: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn trào phúng
của Nguyễn Công Hoan.

6


NỘI DUNG
CHƯƠNG 1:
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1.1. Nguyễn Công Hoan - con người và sự nghiệp
1.1.1. Cuộc đời tác giả
Trong cuốn Đời viết văn của tôi, Nguyễn Công Hoan đã tự thuật về hoàn
cảnh gia đình, ảnh hưởng của xã hội đương thời cũng như những diễn biến chính
trong cuộc đời ông.
Nguyễn Công Hoan sinh ngày 06/03/1903 tại làng Xuân Cầu, huyện Văn
Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Hưng Yên) trong một gia đình “từ xưa tới nay,
vào đời nào cũng có người đỗ đại khoa và làm quan to”. Đến đời cụ thân sinh ra
ông vẫn “nối được nghiệp nhà” đi thi và làm quan nhưng chỉ làm quan cấp thấp,

thêm phần đông con nên cha ông là cụ Nguyễn Đạo Khang đã gửi Nguyễn Công
Hoan đến ở nhà người anh ruột là Phó bảng Nguyễn Đạo Quán.
Từ nhỏ, trong những buổi tối gia đình, Nguyễn Công Hoan đã được nghe
kể bao chuyện đáng khinh, đáng cười, đáng chửi về các quan lại làm việc cho
Pháp thời bấy giờ. “Tôi sinh trưởng trong một gia đình phong kiến suy tàn về
chế độ đổi thay nên bị nép vế. Do đó tôi đã chịu sự giáo dục hằn học với quan
lại ôm chân đế quốc để mưu cầu phú quý trên lưng những người nghèo hèn.
Những câu chuyện kể tội ác của bọn quyền quý tạo cho tôi tính tò mò, thích
nhìn, thích nghe lại những truyện ấy. Mắt tôi lại được chứng kiến những cảnh
ấy, củng cố cho tôi lập trường chính trị, thiện cảm với ai, ác cảm với ai.” [10].
Năm 1926, Nguyễn Công Hoan tốt nghiệp trường Sư Phạm, ông đi dạy
học và cũng bắt đầu viết văn. Ông tâm sự về nghề của mình “Nghề dạy học của
tôi cũng là nghề bạc đãi, nghề viết văn của tôi, lại là nghề bị tình nghi. Đế quốc
7


ghét tôi, quan lại, gian ác thì tôi cho nên quá mù ra mưa, tôi cũng không yêu
quý gì bọn ấy. Nếp nhìn, nếp nghe trong thủa thiếu thời của tôi vẫn được tiếp
tục trong tuổi thanh niên. Sự đụng chạm với các tầng lớp nhà giàu ở thành thị,
giao thiệp với các nhà nghèo ở nông thôn, những việc mắt thấy tai nghe ở cửa
quyền làm cho tôi hiểu biết rộng rãi về trường đời. Tất cả những cái ấy ảnh
hưởng đến tôi, đào tạo cho tôi một sở trường viết truyện ngắn và một khả năng
sáng tác truyện xã hội” [10].
Thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1935 - 1939, Nguyễn Công Hoan đã tiếp xúc
với một số chiến sĩ cộng sản ở Nam Định như Lê Đức Thọ, Lê Văn Phúc…và
được nghe giảng về “thặng dư giá trị”, “đấu tranh giai cấp”. Thời kỳ này, nhà
văn chịu ảnh hưởng rõ rệt của Đảng cộng sản.
Thời kỳ đại chiến lần hai ông bị sở kiểm duyệt theo dõi, tiến hành khám
nhà và đã có lần bị truy tố trước toà.
Năm 1945, Nguyễn Công Hoan bị Nhật bắt vì những hoạt động chính trị

của bản thân và vì gia đình có người làm cách mạng.
Cách mạng tháng Tám diễn ra, Nguyễn Công Hoan hào hứng chào đón.
Ông được giao làm Phó giám đốc Sở tuyên truyền Bắc Bộ.
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông gia nhập quân đội, làm báo Vệ
quốc quân rồi làm Giám đốc Sở văn hoá quân nhân trung cấp, Chủ nhiệm tờ
Quân nhân học báo và được kết nạp vào Đảng Cộng sản (1948).
Năm 1957, khi Hội nhà văn được thành lập, ông được bầu làm Chủ tịch
Hội khoá đầu tiên và uỷ viên thường vụ Hội các khoá tiếp theo.
Nguyễn Công Hoan mất tại Hà Nội ngày 6/6/1977. Ông được truy tặng
giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996).
Có thể nói, Nguyễn Công Hoan là nhà văn có tư tưởng tiến bộ từ rất sớm. Ông
không chỉ hoạt động trên địa hạt văn chương mà còn tham gia nhiều hoạt động
chính trị. Là nhà văn, Nguyễn Công Hoan có cái nhìn nhạy cảm về số phận và

8


thân phận con người, nhất là những con người dưới đáy trong một xã hội tồn tại
nhiều bất công ngang trái.
1.1.2. Quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Công Hoan trước
cách mạng tháng Tám
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, quan niệm nghệ thuật “là nguyên tắc cắt
nghĩa thế giới và con người vốn có của hình thức nghệ thuật, đảm bảo cho nó
khả năng thể hiện đời sống với một chiều sâu nào đó”. [15]
Hạt nhân của quan niệm nghệ thuật là quan niệm về con người. Quan
niệm nghệ thuật về con người được hiểu là sự lí giải cắt nghĩa về con người từ
đó tạo thành nguyên tắc, phương tiện, biện pháp, hình thức thể hiện con người
trong văn học tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho hình tượng nhân vật.
Mỗi nhà văn có quan niệm nghệ thuật riêng về con người. Quan niệm này
sẽ chi phối quá trình sáng tác, thế giới hình tượng và là cơ sở để tạo nên tư duy

nghệ thuật. Muốn đi sâu, chiếm lĩnh giá trị nghệ thuật của một tác phẩm văn học
trước hết phải tìm quan niệm nghệ thuật về cuộc đời và con người của nghệ sĩ đã
sáng tạo ra tác phẩm văn học ấy. Ở đây là khám phá cách cảm nhận con người
qua việc miêu tả nhân vật chứ không làm nhiệm vụ phân tích nhân vật.
Như đã nói ở trên, Nguyễn Công Hoan là một trong những cây bút truyện
ngắn trào phúng bậc thầy của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Để xây dựng thế
giới ấy, nhà văn đã tạo ra những “hiệu ứng”, những “thủ pháp” nghệ thuật đặc
biệt góp phần tạo ra nét riêng, nét cá biệt, nét “con người này” (nói như
Heghen).
Văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 xem con
người là sản phẩm của hoàn cảnh, miêu tả con người trong mối quan hệ biện
chứng với xã hội. Dòng chảy ấy có nhiều cây bút xuất sắc đã ghi dấu bằng
những quan niệm nghệ thuật rất riêng và Nguyễn Công Hoan là một cây bút như
thế. Ông quan niệm: “Cuộc đời là sân khấu hài kịch và con người là những
thằng hề diễn trò”. Trong Đời viết văn của tôi [10], Nguyễn Công Hoan từng
9


nói: “Sống dưới chế độ thống trị của thực dân, tôi thấy cái gì cũng giả tạo, lừa
bịp, đáng khôi hài. Thế mà thằng làm trò khôi hài là thằng thực dân, lại làm ra
mặt nghiêm chỉnh, thật là buồn cười”. Thông qua cái nhìn mang tính phát hiện
sắc sảo, Nguyễn Công Hoan nhận diện cả một xã hội đang diễn trò. Sân khấu
của trò diễn là bối cảnh xã hội, nhân vật diễn trò bằng những hành động, cử chỉ
và ngôn ngữ đầy chủ động. Ở đó có trò diễn của nhà nước với dân đen (Đào kép
mới, Tinh thần thể dục), trò diễn của vợ với chồng (Một tấm gương sáng, Thế là
mợ nó đi Tây, Nỗi vui sướng của thằng bé khốn nạn), chồng với vợ (Xuất giá
tòng phu, Cho tròn bổn phận), trò diễn của con cái với bố mẹ (Báo hiếu: Trả
nghĩa cha, Báo hiếu: Trả nghĩa mẹ), trò diễn của các cô gái tân thời Âu hoá (Cô
Kếu, gái tân thời, Nỗi lòng ai tỏ, Oẳn tà rroằn) và nhiều nhất, đa dạng, phong
phú nhất là trò diễn của quan lại, cường hào với nhau và với dân nghèo (Thịt

người chết, Đồng hào có ma, Tôi tự tử, Gánh khoai lang). Mỗi truyện ngắn
Nguyễn Công Hoan đều là bức tranh hài hước của tấn trò đời.
GS Phan Cự Đệ nhận xét: “Đi vào thế giới truyện ngắn Nguyễn Công
Hoan, ta có cảm tưởng như bước vào khu triển lãm phong phú, nhiều màu,
nhiều vẻ về những cảnh ngộ, những con người đang múa may, khóc cười trong
xã hội cũ. Có những truyện độc ác, tàn nhẫn; những truyện xấu xa rởm hợm,
những truyện thương tâm ai oán cùng những truyện nực cười lố lăng trong cái
xã hội thực dân phong kiến đầy những ngang trái bất công” [5]. Con mắt của
ông nhìn vào đâu cũng thấy sự “giả dối, lừa bịp”, những nghịch cảnh, phi đạo
lý, nhìn vào đâu cũng thấy những cái đáng cười, đáng chế giễu.
Như vậy, trong quan niệm của Nguyễn Công Hoan, con người là sản
phẩm của xã hội đương thời, với sự tha hoá về nhân hình và nhân tính. Con
người giống như những thằng hề làm trò trên sân khấu cuộc đời. Trong cuốn
Lịch sử văn học Việt Nam, tác giả Nguyễn Trác nhận định: “truyện ngắn Nguyễn
Công Hoan là một tấn trò đời rộng rãi và phong phú. Ông chỉ cốt khám phá
trong hiện thực những mâu thuẫn, những cảnh tương phản hoặc trái ngược
10


nhau. Thế giới của Nguyễn Công Hoan là thế giới của những kẻ khốn khổ đáng
thương”.
Với quan niệm về con người như vậy, Nguyễn Công Hoan thiên về khai
thác, khám phá những mặt trái của tấn hài kịch cuộc đời, của phần đen tối, xấu
xa trong mỗi con người thuộc đủ các thành phần tầng lớp dưới xã hội cũ. Tất
nhiên để thành công, Nguyễn Công Hoan phải là cây bút tài năng, có sở trường
về trào phúng.
Quan niệm nghệ thuật về con người không chỉ chi phối phương diện nội
dung mà còn chi phối toàn bộ thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn trào phúng
Nguyễn Công Hoan. Những thành công trên phương diện nghệ thuật trong
truyện ngắn Nguyễn Công Hoan đều có xuất phát điểm từ quan niệm này.

1.1.3. Sự nghiệp sáng tác
Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Công Hoan là một khối lượng lớn, đồ
sộ. Ông để lại di sản nghệ thuật với hơn 200 truyện ngắn, gần 30 truyện dài và
nhiều tiểu luận văn học. Tác phẩm của ông không những được bạn đọc trong
nước hâm mộ, yêu mến mà còn có tiếng vang ở nước ngoài. Nhiều truyện của
ông được dịch ở Liên Xô, Ba Lan, Ấn Độ, Trung Quốc…
Theo nghiên cứu, tìm hiểu của chúng tôi, sự nghiệp sáng tác của Nguyễn
Công Hoan có thể chia làm hai thời kỳ: trước cách mạng tháng Tám và sau cách
mạng tháng Tám.
1.1.3.1. Trước cách mạng tháng Tám
Trước cách mạng tháng Tám, ngòi bút Nguyễn Công Hoan tập trung vào
thể loại chính là truyện (bao gồm các truyện dài và truyện ngắn).
Về truyện dài, có thể điểm một số tác phẩm chính sau:
Tắt lửa lòng được đăng trên báo Nhật Tân, 1933. Đây là sáng tác đầu tiên
của Nguyễn Công Hoan, kể về một câu chuyện tình hết sức lãng mạn nhưng lại
là thứ lãng mạn nền nếp “nho phong” - thứ lãng mạn “tiền Tự lực”. Giá trị của
cuốn tiểu thuyết chủ yếu ở mặt phê phán xã hội, trước hết là phê phán bọn quan
11


lại thối nát đương thời. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là tác phẩm hiện thực. Nhà
văn không phản ánh hiện thực trên bình diện xã hội mà dừng lại ở bình diện đạo
đức.
Điều đáng nói ở Tắt lửa lòng là sự pha trộn nhiều bút pháp khác nhau.
Đây là tác phẩm đánh dấu thời kỳ phát triển buổi đầu của tiểu thuyết quốc ngữ
lối mới.
Cô giáo Minh (1935) là một tiểu thuyết luận đề, trong đó Nguyễn Công
Hoan đã chống lại cách giải quyết của Tự lực văn đoàn về vấn đề phụ nữ và hôn
nhân gia đình. Trong phần đầu tác phẩm, ngòi bút Nguyễn Công Hoan với sự
châm biếm sâu sắc, phóng đại mạnh mẽ đã miêu tả thành công sự hủ lậu đến

quái gở của bà mẹ chồng phong kiến. Cảnh cưới chạy tang hiện lên trước mắt
người đọc giống như một cuộc bắt cóc, một cảnh ngược đời: mẹ chết cô dâu
không được khóc, không được nhìn mẹ lần cuối…Đồng thời tác giả cũng thể
hiện mối xung đột mẹ chồng nàng dâu hết sức căng thẳng. Kết thúc tác phẩm,
tác giả “gỡ nút” bằng cách cho cô giáo Minh ở lại nhà chồng, “ăn ở lại với mẹ
chồng, với chồng” để cảm hoá họ.
Lá ngọc cành vàng (Tiểu thuyết thứ 7, 1935). Trong tác phẩm nhà văn đề
cập tới sự đụng độ giai cấp, sự đối lập giàu nghèo và ông đứng về phía những
con người nhỏ bé bị ức hiếp, xúc phạm. Chính lập trường tiến bộ đó đã giúp
Nguyễn Công Hoan chiến thắng được tư tưởng bảo thủ phong kiến cố hữu của
bản thân để tiến tới quan điểm tiến bộ trong vấn đề tình yêu, hôn nhân.
Ông chủ (Tiểu thuyết thứ 7,1935) là truyện dài đầu tiên đề cập trực tiếp
tới mâu thuẫn giai cấp gay gắt ở nông thôn, giữa người nông dân lao động nghèo
khổ và bọn địa chủ thống trị. Với cuốn tiểu thuyết có giá trị tố cáo mạnh mẽ này,
Nguyễn Công Hoan đã đứng hẳn về phía nông dân bị áp bức, bóc lột và vạch
trần bộ mặt tàn ác, dã man của bọn địa chủ sống trên mồ hôi nước mắt người
nghèo lương thiện.

12


Bà chủ (1935), tác phẩm dựng chân dung nhân vật bà chủ đóng vai đức
hạnh - Trưởng ban chấn hưng đạo đức - song kì thật rất đĩ thoã, chẳng qua nhờ
đồng tiền che dấu đời tư nhem nhuốc lại được xã hội tôn kính.
Một công trình vĩ đại (1937), tác giả đả kích thẳng tay bọn quan lại độc
ác, nhất là hạng công tử con quan với lối sống ăn chơi dâm ô tàn bạo, đồng thời
đả kích phong trào “Âu hoá”, “vui vẻ, trẻ trung” có tính chất truỵ lạc đương
thời.
Tình khuyển mã (1936 - 1937), tác phẩm tiếp tục mạch đả kích bọn quan
lại tàn ác trong cách đối xử tàn nhẫn với cả bọn tay chân khuyển mã rất mực

trung thành với chúng.
Cô làm công (1936), tồn tại dưới hình thức nhật ký của nhân vật chính một cô làm công cho hãng buôn lớn, tác phẩm đã phản ánh khá chân thực đời
sống khổ nhục của đám tư sản nghèo bị xã hội đồng tiền hắt hủi, xúc phạm nhân
phẩm.
Bước đường cùng (1938), đây được coi là tác phẩm đánh dấu đỉnh cao tư
tưởng Nguyễn Công Hoan trước cách mạng tháng Tám và là một trong những
tiểu thuyết tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán đương thời. Tác phẩm
mang chủ đề xã hội chính trị tiến bộ. Đó chính là sự hưởng ứng tích cực của nhà
văn đối với phong trào Mặt trận Dân chủ. Bước đường cùng đã phản ánh trực
tiếp bức tranh nông thôn Việt Nam trước cách mạng trên bình diện xung đột giai
cấp, đã làm nổi bật bộ mặt tàn bạo thối nát của giai cấp địa chủ phong kiến và sự
cùng khổ của người nông dân bị áp bức bóc lột, bị đẩy tới “bước đường cùng”
không cách gì cưỡng nổi. Với hơn 200 trang sách, Bước đường cùng đã dựng
bức tranh rộng lớn về đời sống nông thôn đương thời. Tác giả có ý thức phản
ánh thật đầy đủ những nỗi khổ điển hình của người nông dân, với bao nhiêu tai
hoạ khác nhau cứ chồng chất đè nặng lên số phận họ.
Thanh đạm (1942), hình tượng nhân vật quan lại phong kiến chính thống
trong tác phẩm được lý tưởng hoá với tất cả đạo lý, lễ giáo, phong tục phong
13


kiến. Không những thế, nhà văn còn tô vẽ cả cái trật tự xã hội của chế độ phong
kiến xưa. Trong tác phẩm, từ vua đến quan, quan trên đến quan dưới - những
quan Tuần, quan Bảng, quan Huấn, quan huyện Văn Lâm, quan huyện Phượng
Nhỡn - tất cả đều hiền đức cả. Cái làng Tân Thanh của Lê Sĩ Cư được miêu tả
như một xã hội mang màu sắc cải lương phong kiến với giấc mơ thái bình
Nghiêu - Thuấn, đều nhờ sự giáo hoá, “công đức” của quan Nghè Lê Sĩ Cư. Tác
phẩm được giới nghiên cứu coi là bước thụt lùi trong tư tưởng của nhà văn
Nguyễn Công Hoan.
Nhìn chung, truyện dài của Nguyễn Công Hoan không có giá trị cao bằng

truyện ngắn. Tuy nhiên khối lượng truyện dài của nhà văn khá lớn, trong đó có
những truyện có giá trị đặc sắc, thuộc vào những tác phẩm tiêu biểu nhất của
văn học hiện thực phê phán.
Về truyện ngắn, Nguyễn Công Hoan có một sức viết rất lớn. Ông sáng tác
hầu như song song cả truyện ngắn và truyện dài. Song có thể nói, chính ở truyện
ngắn, vị trí vẻ vang trong văn học của ông mới thực sự khẳng định.
Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Công Hoan thường ngắn, cấu trúc gọn,
chặt chẽ, mang đậm tính hài hước. Mỗi câu chuyện là một cảnh đời, một số phận
nhưng đã khái quát được toàn bộ bức tranh đời sống thế sự đặc biệt là những
mâu thuẫn xã hội đương thời.
Sự nghiệp truyện ngắn Nguyễn Công Hoan thật sự bắt đầu từ1929 khi ông
xuất hiện khá thường xuyên trên mục “Xã hội ba đào ký” của An Nam tạp chí
do Tản Đà chủ trương. Sau đó ông viết đều trên báo Nhật Tân rồi Tiểu thuyết
thứ 7 và Phổ thông bán nguyệt san của nhà Tân Dân. Trước cách mạng một số
truyện ngắn của ông được tập hợp xuất bản thành tập: Hai thằng khốn nạn
(1934), Kép Tư Bền (1935), Đào kép mới (1938), Sóng Vũ Môn (1939), Người
vợ lẽ bạn tôi (1939), Ông chủ báo (1940).

14


Quá trình sáng tác truyện ngắn Nguyễn Công Hoan trước cách mạng có
thể chia thành ba giai đoạn phù hợp với ba giai đoạn vận động và phát triển của
văn học dân tộc cũng như tình hình xã hội.
Thời kỳ 1929 - 1935:
Trong khi Tự lực văn đoàn với Tiếng cười phong hoá và những truyện
ngắn, truyện dài lãng mạn đang lôi cuốn công chúng tiểu tư sản mạnh mẽ thì
ngay từ khi ra mắt trong mục “Xã hội ba đào ký” trên An Nam tạp chí - Nguyễn
Công Hoan đã tự vạch con đường riêng “nhìn thẳng vào hiện thực, bằng tiếng
cười trào phúng, phơi ra mặt trái của xã hội đầy bất công thối nát, kẻ giàu sống

phè phỡn, vô đạo, còn người nghèo bị ức hiếp và đói khổ cùng cực”. Tập Kép
Tư Bền, xuất bản 1935 gồm 15 truyện ngắn sáng tác trong khoảng 1929 - 1935,
đã gây được tiếng vang lớn, được Hải Triều biểu dương coi đó là “cái tác phẩm
thuộc về trào lưu tả thực xã hội của nước ta”.
Tập truyện bao gồm các truyện như: Răng con chó Nhà tư sản, Thằng ăn
cắp, Bữa no… đòn, Kép Tư Bền, Ngựa người người ngựa, Mất cái ví, Thế là mợ
nó đi Tây, Báo hiếu: Trả nghĩa cha, Báo hiếu: Trả nghĩa mẹ, Thật là phúc, Cụ
Chánh Bá mất giầy, Thanh dạ!, Cái nạn ôtô…Với Kép Tư Bền Nguyễn Công
Hoan là một trong những người mở màn, người cắm ngọn cờ chiến thắng cho
khuynh hướng văn học hiện thực của văn học công khai hợp pháp đương thời.
Như vậy, khuynh hướng hiện thực, ý thức phê phán xã hội đã được khẳng
định rõ rệt trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan thời kỳ này. Tuy vậy, ý nghĩa
hiện thực và sức mạnh phê phán của những sáng tác đó còn hạn chế. Phạm vi
phản ánh hiện thực còn hạn hẹp. Nhận thức của tình cảm nhân đạo còn chưa sâu.
Ông đã đứng về phía người nghèo khổ để bênh vực họ song chưa thật sâu sắc.
Thời kỳ 1936 - 1939
Bước sang thời kỳ cao trào Mặt trận Dân chủ, được tiếp xúc với các chiến
sĩ cộng sản và sách báo cách mạng, lại được không khí đấu tranh sôi nổi cổ vũ,
ngòi bút Nguyễn Công Hoan xông xáo tung hoành, đứng vững hơn trên lập
15


trường hiện thực để đánh mạnh, đánh trúng hơn trước. Tiếng cười trào phúng
của ông càng sảng khoái, hả hê, nhưng lại có ý nghĩa xã hội nghiêm túc, sâu sắc.
Với bọn quan lại bên cạnh những truyện ngắn trực tiếp đả kích cay độc
thói dâm ô, bỉ ổi như: Vẫn còn trịch thượng, Chiếc đèn pin, Nạn râu, Tôi tự tử,
Nguyễn Công Hoan còn viết một loạt truyện khác tập trung vạch trần thói ăn
tiền hết sức tệ hại của chúng như: Thịt người chết, Gánh khoai lang, Chính sách
thân dân, Đồng hào có ma, Hé! Hé! Hé, Cái nạn ô tô, Ngượng mồm…
Khi viết về người nghèo khổ, ngòi bút Nguyễn Công Hoan thể hiện thấm

thía, sâu sắc hơn trước. Họ không chỉ là phu xe, gái điếm, ăn mày, ăn cắp…mà
còn là nông dân, công nhân và cách nhìn của nhà văn đối với họ cũng tri âm,
trân trọng hơn. Các sáng tác tiêu biểu như: Một tin buồn, Đào kép mới, Anh xẩm,
Được chuyến khách, Thằng Quýt (I,II), Quyền chủ, Phành phạch, Chiếc quan
tài, Thằng ăn cướp, Sáu mạng người, Sáng, chị phu mỏ, Giá ai cho cháu một
hào, Tôi cũng không hiểu tại làm sao (I,II), Hai cái bụng, Tấm giấy một trăm…
Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan thời kỳ này có sự chuyển biến tiến bộ rõ
rệt, nội dung phản ánh phong phú, sâu sắc hơn, chất lượng tư tưởng và tính
chiến đấu cao hơn. Cao trào cách mạng thời kỳ Mặt trận Dân chủ đã có ảnh
hưởng tích cực đến Nguyễn Công Hoan, phát huy mạnh mẽ những nhân tố tiến
bộ trong tư tưởng và tài năng của nhà văn.
Thời kỳ 1940 - 1945
Thời kỳ này, cách mạng bị đàn áp, xã hội Việt Nam thuộc địa trở nên hết
sức đen tối, ngòi bút Nguyễn Công Hoan có sự sa sút rõ rệt. Nhưng ông vẫn
đăng nhiều truyện ngắn tiếp tục mạch hiện thực trào phúng có giá trị như: Cái
tết của những nhà đại văn hào, Công dụng của cái miệng, Người thứ ba, Con ve,
Chuộc cụ, Hồi còi báo động, Êu êu Mê đo…Tuy nhiên trong thời kỳ này chính
quyền thực dân ra mật lệnh cho sở kiểm duyệt không cho in tất cả những gì
Nguyễn Công Hoan sáng tác và sự nghiệp viết truyện ngắn của Nguyện Công
Hoan trước cách mạng tháng Tám coi như kết thúc.
16


Với thành tựu xuất sắc đã đạt được trước cách mạng tháng Tám (hơn 200
truyện ngắn và hơn 20 truyện dài), Nguyễn Công Hoan xứng đáng là một nhà
văn lớn, tiêu biểu cho nền văn học hiện thực phê phán Việt Nam.
1.1.3.2. Sau cách mạng tháng Tám
Sau cách mạng tháng Tám, hoạt động văn học của Nguyễn Công Hoan
được mở rộng ở nhiều lĩnh vực hơn trước.
Nhà văn tiếp tục viết một số truyện ngắn như: Bà lái đò, Hai mẹ con,

Trung thành, Cây mít, Trong chuyến xe lam…Tuy nhiên các tác phẩm của ông
thời kỳ này không được đánh giá cao.
Về truyện dài, từ sau cách mạng tháng Tám, đặc biệt từ 1954 trở đi,
Nguyễn Công Hoan chuyển sang viết thể loại tiểu thuyết đề tài lịch sử cách
mạng.
Tranh tối tranh sáng (1956), qua tác phẩm, Nguyễn Công Hoan đã dựng
lại thảm cảnh đầy bi đát và đau đớn của dân tộc - nạn đói 1945 - cái nạn đói làm
người ta nghĩ đến là rùng mình, rùng mình vì những cái xác khô bên đường, da
đen hơn cả chì, rùng mình về những câu chuyện chỉ có thể có trong truyện ma:
Chuyện một người đàn bà đã dóc cả thịt con ăn đỡ đói, chuyện cả nhà chết giữa
đường vì ăn phải thứ thổ tả của bọn thực dân cho chó ăn, chuyện cái xác không
chỗ chôn làm người ta phải đau, phải xót, phải tỉnh ngộ và nhận ra thứ đằng sau
tấm liếp màu hồng bọn phát xít thực dân vừa treo lên.
Hỗn canh hỗn cư (1961), viết về vấn đề đấu tranh của nhân dân lao động
dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt:
đế quốc Nhật, Pháp cấu kết với bọn địa chủ phong kiến phản động để bóc lột
nhân dân ta khiến mâu thuẫn giai cấp trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Đồng
thời, mặt trận Việt Minh ra đời và ngày càng phát triển sâu rộng trong mọi tầng
lớp nhân dân.
Đống rác cũ (tập 1 - 1963) là một tác phẩm có giá trị hiện thực, một đóng
góp không thể thay thế được của Nguyễn Công Hoan về sự hiểu biết bản chất xã
17


hội cũ. Nhà văn Tô Hoài nhận xét: “Chỉ mới nói riêng về những chương miêu tả
gia đình một nhà nho, một gia đình phong kiến điển hình với những thói tục hủ
hậu , giam hãm và hành hạ những người phụ nữ trong ngưỡng cửa của gia đình,
người đọc phải sửng sốt trước tài năng của ông. Ông đã phơi bày, đã kết tội chế
độ phong kiến, giai cấp bóc lột một cách đặc sắc nhất” [7].
Anh con trai người bạn đọc ấy (viết 1965 in 1976), tác phẩm nói lên tấm

lòng yêu mến và khâm phục của nhà văn Nguyễn Công Hoan đối với các chiến
sĩ cộng sản và nhân dân anh hùng.
Ngoài ra ông còn viết ký sự, hồi ký, trong đó Những ngày tháng Tám ở
Côn Đảo và Người cập rằng hầm xay lúa năm (viết năm 1960 kể lại những
tháng ngày ở Côn Đảo của Chủ tịch Tôn Đức Thắng) là những tác phẩm tiêu
biểu.
Đặc biệt là tập hồi ký về cuộc đời cầm bút của nhà văn Đời viết văn của
tôi (1971) [10]. Tác phẩm không chỉ có giá trị ở chỗ đã kể lại trung thực, sinh
động quá trình hoạt động văn học của tác giả, một nhà văn lớn mà còn dựng lại
diện mạo, không khí của đời sống văn học khu vực hợp pháp Việt Nam thời kỳ
trước cách mạng tháng Tám, một thời kỳ văn học sôi động, phức tạp, lý thú.
Bằng sức sáng tạo dẻo dai, tài năng xuất sắc, độc đáo, thấm đẫm bản sắc
dân tộc, Nguyễn Công Hoan đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ
đặc biệt của văn xuôi dân tộc thời kỳ hiện đại hoá hết sức khẩn trương. Tô Hoài
viết: “nếu như ta nhẩm từ cái hồi mà lời văn bổng trầm khóc đứng khóc ngồi.
Đến thời kỳ văn chương sạch sẽ kiểu Tự lực thì lực lưỡng như một tay đô vật
không có địch thủ, từ Kiếp hồng nhan tới nay, truyện ngắn, truyện dài, Nguyễn
Công Hoan sừng sững tạo thành một cái thế Tam Đảo, Ba Vì hùng vĩ vượt qua
hai thời kỳ tiến vào cách mạng tháng Tám…”
1.2. Nguyễn Công Hoan – Cây bút sở trường về truyện ngắn trào phúng
1.2.1. Thể loại truyện ngắn

18


Theo Từ điển thuật ngữ văn học [15, 370] truyện ngắn là “tác phẩm tự sự
cỡ nhỏ. Nội dung truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện đời sống: đời
tư, thế sự hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn. Truyện ngắn được viết
ra để tiếp thu liền mạch, đọc một hơi không nghỉ”.
Yếu tố quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là những chi tiết cô đúc, có ý

nghĩa kết tinh dung lượng hiện thực lớn và lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo
cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết.
Truyện ngắn là thể loại gần gũi với đời sống hàng ngày, súc tích, dễ đọc,
lại thường gắn liền với hoạt động báo chí, do đó có tác dụng, ảnh hưởng kịp thời
trong đời sống. Nhiều nhà văn lớn trên thế giới và nước ta đạt được đỉnh cao của
sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật chủ yếu bằng những truyện ngắn xuất sắc của
mình.
1.2.2. Truyện ngắn trào phúng
Theo Từ điển thuật ngữ văn học [15, 363], trào phúng “Một loại đặc biệt
của sáng tác văn học và đồng thời cũng là một nguyên tắc phản ánh nghệ thuật
trong đó các yếu tố của tiếng cười mỉa mai, châm biếm, phóng đại, khoa trương,
hài hước được sử dụng để, chế nhạo, chỉ trích, tố cáo, phản kháng… những cái
tiêu cực xấu xa, lỗi thời, độc ác trong xã hội”.
Trào phúng là dùng những lời lẽ bóng bẩy, kín đáo để cười nhạo, mỉa mai
kẻ khác, song trong lĩnh vực văn học, trào phúng gắn liền với phạm trù mĩ học,
với cái hài và các cung bậc hài hước umua, châm biếm.
Văn học trào phúng bao hàm một lĩnh vực rộng lớn, trong đó truyện ngắn
trào phúng là một trong những cung bậc của cái hài, được hiểu là truyện ngắn
“chứa đựng tiếng cười có nội dung phê phán, đả kích mạnh mẽ”. [15, 370]
1.2.3. Truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan
Nguyễn Công Hoan bắt đầu cầm bút khoảng những năm 1920 - 1923 và
khẳng định một cách mạnh mẽ, vững chắc tên tuổi của mình từ những năm 1929
- 1931 trở đi.
19


×