Tải bản đầy đủ (.pdf) (67 trang)

Nhân vật nữ trong tiểu thuyết mẫu thượng ngàn của nguyễn xuân khánh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (535.74 KB, 67 trang )


LỜI CẢM ƠN

Tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả các thầy, cô giáo
trong khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã giúp đỡ và tạo
mọi điều kiện thuận lợi để tôi hoàn thành khóa luận.
Đặc biệt, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới TS. Phùng Gia Thế, người
trực tiếp hướng dẫn, chỉ bảo tận tình giúp tôi hoàn thành khóa luận này.
Khóa luận được hoàn thành song không tránh khỏi những hạn chế,
thiếu sót. Tôi rất mong nhận được những đóng góp ý kiến từ phía thầy cô và
các bạn để đề tài nghiên cứu của chúng tôi tiếp tục được hoàn thiện.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2013
Người thực hiện

Nguyễn Thị Phương Lan


LỜI CAM ĐOAN

Khóa luận được hoàn thành bằng sự cố gắng của bản thân dưới sự
hướng dẫn trực tiếp của TS. Phùng Gia Thế. Tôi xin cam đoan:
- Khóa luận này là kết quả nghiên cứu, tìm tòi của riêng tôi.
- Những tư liệu được trích dẫn trong khóa luận là trung thực.
- Kết quả nghiên cứu này không hề trùng khít với bất kì công trình
nghiên cứu nào từng được công bố.
Nếu sai, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2013
Người thực hiện



Nguyễn Thị Phương Lan


MỤC LỤC

Trang
MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 1
1. Lí do chọn đề tài ...........................................................................................1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ............................................................................. 2
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu .................................................................... 5
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu ..................................................................... 6
5. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................... 6
6. Đóng góp của khóa luận ................................................................................ 6
7. Bố cục của khóa luận ..................................................................................... 6
NỘI DUNG ....................................................................................................... 7
CHƯƠNG 1. KHÁI QUÁT VỀ NHÂN VẬT NỮ VÀ MỘT SỐ ĐẶC
ĐIỂM CỦA NHÂN VẬT NỮ TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM
ĐƯƠNG ĐẠI ..................................................................................................... 7
1.1. Khái quát về nhân vật nữ và đặc điểm của nhân vật nữ trong văn
học Việt Nam truyền thống và hiện đại .............................................................7
1.2. Một số đặc điểm của nhân vật nữ trong văn xuôi Việt Nam đương
đại .....................................................................................................................10
CHƯƠNG 2. ĐẶC ĐIỂM NHÂN VẬT NỮ TRONG TIỂU THUYẾT
MẪU THƯỢNG NGÀN CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH ............................13
2.1. Quan niệm nghệ thuật về con người và về người phụ nữ trong tiểu
thuyết của Nguyễn Xuân Khánh ......................................................................13
2.1.1. Quan niệm nghệ thuật mới về con người trong tiểu thuyết Việt
Nam sau năm 1975 ..........................................................................................13
2.1.2. Quan niệm nghệ thuật về con người và về người phụ nữ trong

tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh ...............................................................16


2.2. Đặc điểm nhân vật nữ trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn của
Nguyễn Xuân Khánh .......................................................................................22
2.2.1. Những người phụ nữ xinh đẹp, đầy sức sống ........................................22
2.2.2. Những người phụ nữ tái sinh sự sống, tâm hồn bằng tính thiện
và tình thương yêu ...........................................................................................33
2.2.3. Những người phụ nữ có số phận bất hạnh .............................................38
2.2.4. Những người phụ nữ gìn giữ văn hóa ....................................................41
CHƯƠNG 3. MỘT SỐ THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG
NHÂN VẬT NỮ TRONG TIỂU THUYẾT MẪU THƯỢNG NGÀN
CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH ...................................................................47
3.1. Độc thoại nội tâm ......................................................................................47
3.2. Sử dụng yếu tố huyền ảo...........................................................................52
3.3. Sử dụng ngôn ngữ thân thể .......................................................................54
KẾT LUẬN .....................................................................................................59
TÀI LIỆU THAM KHẢO .............................................................................62

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài


1.1. “Tất cả mọi sự bí ẩn của thế giới này đều không thể sánh nổi với sự
bí ẩn của người phụ nữ” (Vladimir Lobanok). Người phụ nữ - một nửa của
nhân loại, là biểu tượng cho đạo đức và vẻ đẹp bền vững của nghệ thuật và
cuộc sống. Tìm hiểu về người phụ nữ chính là khám phá vẻ đẹp của nghệ thuật
và sự sống của nhân loại. Từ xưa đến nay, nhiều nhà thơ, nhà văn đã viết về
người phụ nữ với tất cả tấm lòng yêu thương rộng mở và người phụ nữ được
xem như là thước đo của những giá trị mĩ học nhân văn. Họ đi từ cuộc sống

vào văn học, trở thành một kiểu hình tượng quan trọng trong văn học Việt
Nam. Theo dòng chảy đó, văn học ngày nay viết về người phụ nữ là sự tiếp nối
truyền thống văn học dân tộc, góp phần hoàn thiện hơn chân dung người phụ
nữ Việt Nam, cũng là sự thể hiện sâu sắc hơn nhận thức về người phụ nữ nói
chung.
Những năm gần đây, tiểu thuyết được xem là một thể loại phát triển
mạnh mẽ nhất của văn học Việt Nam. Đất nước bước vào thời kì đổi mới,
mọi mặt của đời sống đã có nhiều biến đổi, đặc biệt nhà văn có sự thay đổi
cái nhìn về cuộc sống, thay đổi trong quan niệm nghệ thuật. Cùng với đó,
tiểu thuyết Việt Nam đã phát triển theo nhiều khuynh hướng khác nhau như
tiểu thuyết về thế sự, tiểu thuyết về đề tài chiến tranh, tiểu thuyết về lịch sử
phong tục. Có thể nói, trong mỗi hướng đi của mình, tiểu thuyết Việt Nam
đều gặt hái được những thành công nhất định. Làm nên những giá trị của
tiểu thuyết trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam có thể kể đến những thành
công của thể loại tiểu thuyết mang nội dung văn hóa lịch sử. Đây được coi là
một trong những hướng đi đáng chú ý của tiểu thuyết đương đại. Thực tế
văn chương đã chứng minh, các cuốn tiểu thuyết đề cập đến vấn đề phong
tục tập quán, lịch sử, văn hóa thường là những cuốn tiểu thuyết có giá trị lâu
bền. Vì vậy, việc kết hợp lịch sử, văn hóa và văn học chắc chắn sẽ trở thành
một trong những hướng đi có triển vọng của tiểu thuyết đương đại.
1.2. Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh được trình làng năm
2006 và cùng năm đó đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội. Tác phẩm là
sự ấp ủ, lao động miệt mài của nhà văn trong một khoảng thời gian dài. Đó là
cuốn tiểu thuyết về lịch sử, về văn hóa phong tục Việt Nam được thể hiện qua
cuộc sống và những người dân ở một làng quê bán sơn địa Bắc Bộ cuối thế kỉ
XIX đầu thế kỉ XX. Đồng thời, tác phẩm còn là câu chuyện tình yêu của
những người đàn bà Việt trong khung cảnh một làng cổ. Tuyến nhân vật trong
tiểu thuyết khá rộng nhưng nổi bật lên là một thế giới nhân vật nữ sống động:
đẹp đẽ, bao dung, bất hạnh, đầy chất phồn thực. Phân tích hệ thống nhân vật
nữ sẽ là chìa khóa để tìm hiểu thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Mẫu Thượng



Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh. Từ đó thấy được phong cách sáng tác của nhà
văn.
1.3. Bên cạnh đó, việc lựa chọn đề tài này còn xuất phát từ niềm yêu
thích riêng của tác giả đối với việc tìm hiểu nền văn hóa và người phụ nữ
Việt Nam với những nét đẹp riêng được thể hiện trong văn học. Theo chúng
tôi, việc tiếp cận từ góc độ văn hóa, lịch sử chính là một con đường khá mới
mẻ nhưng độc đáo và hấp dẫn để tìm hiểu về hình tượng nhân vật này. Bởi
lẽ, nếu đi theo hướng này thì người đọc các thế hệ sau có thể tiếp nhận nền
văn hóa Việt và cảm nhận nó từ chính số phận con người, từ những câu
chuyện trong đời sống thường ngày của người dân đã được chắt lọc, chọn
lựa trong thể loại tiểu thuyết. Từ những lí do trên, chúng tôi lựa chọn đề tài
“Nhân vật nữ trong tiểu thuyết Mẫu Thương Ngàn của Nguyễn Xuân
Khánh” để nghiên cứu.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Ngay sau khi xuất hiện, Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh
đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, phân tích, đánh giá. Trên nhiều tờ
báo đã xuất hiện những nhận xét về việc nhà văn thể hiện vẻ đẹp của nền
văn hóa Việt, và về đặc điểm nhân vật nữ và nghệ thuật xây dựng nhân vật
nữ trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn.
Nhà văn Châu Diên trong bài “Nguyễn Xuân Khánh và cuộc giành lại
bản sắc” trên báo Tuổi trẻ online ra ngày 16/7/2006 cho rằng đây là cuốn tiểu
tuyết mang tầm khái quát văn hóa, nhân vật không còn là những nhận vật riêng
lẻ mà là cả một cộng đồng. Cuốn tiểu thuyết này đông đúc nhất đẹp nhất, hay
nhất, đậm nhất, mê nhất là những nhân vật nữ từ bà Tổ Cô bí ẩn, bà Ba Váy
đa tình... cho đến cô đồng Mùi, cô mõ Hoa khốn khổ, cô trinh nữ Nhụ tinh
khiết. Hàng chục nhân vật nữ hết sức gần gũi, hiện thực, mơn mởn, sần sùi,
dào dạt, trữ tình, thừa mứa, khát khao cho và nhận, nhận và cho đến cả bà
Đà của ông Đùng huyền thoại... tất cả tràn trề sinh lực, đầm đìa phồn thực.

Cũng ở vấn đề này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trong cuộc trả
lời phỏng vấn của VTC News đã khẳng định: “Mẫu Thượng Ngàn là nhân
vật quần chúng nhưng lại mang tính đại diện tiêu biểu cho dân tộc Việt”;
“Đạo Mẫu trong tiểu thuyết vừa là tín ngưỡng, vừa thể hiện tính phồn thực
và sự trường tồn của dân tộc Việt”. Cũng trong cuộc phỏng vấn này, Phạm
Xuân Nguyên đã đề cập đến vai trò của nhà văn trong việc phản ánh văn hóa
“nhà văn rất cần phải làm văn hóa, nói về văn hóa”. Bản thân Nguyễn Xuân
Khánh cũng nói điều mà ông muốn thể hiện trong tác phẩm đó chính là nét


đẹp của nền văn hóa Việt Nam và ông tận dụng tất cả kinh nghiệm về làng
quê, văn hóa của mình để viết.
Trên tạp chí Văn hóa Văn nghệ Công an có bài “Nguyễn Xuân Khánh
tuổi 74 và cuốn tiểu thuyết mới” của Quỳnh Châu ra ngày 14/9/2006 lý giải
về sự giao thoa văn hóa Đông - Tây trong tiểu thuyết: tác giả (Nguyễn Xuân
Khánh) muốn chứng minh cuộc giao thoa ấy có tiếp nhận, đào thải và trải
nghiệm đớn đau; đồng thời cũng khẳng định một trong những thành công
của cuốn tiểu thuyết là xây dựng tâm lý Việt, cách sống và phong tục Việt
trong xã hội qua từng thời kì. Khi đọc Hồ Quý Ly, người ta thấy tác giả đã
dày công cho những nhân vật đàn ông, đằng sau những đàn ông ấy là bóng
dáng những đàn bà làm nên tâm trạng họ thì ở Mẫu Thượng Ngàn lại thấy
tác giả chú trọng vào những nhân vật đàn bà.
Trên báo Tuổi trẻ ra ngày 12/6/2007, nhà văn Nguyên Ngọc đã nói lên
suy nghĩ của mình về cuốn tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn trong bài viết
“Một cuốn tiểu thuyết thật hay về nền văn hóa Việt”: Nếu đi tìm một nhân
vật chính trong cuốn tiểu thuyết này thì hẳn có thể nói nhân vật chính đó là
nền văn hóa Việt, cái thực tại vừa chứa đựng hiện thực vừa rất hư ảo, bền
chặt xuyên suốt mà cũng lại biến hóa khôn lường, rất riêng và rất chung, rất
bản địa mà cũng rất nhân loại. Tôn giáo bản địa mà nhà văn đề cập tới trong
cuốn tiểu thuyết theo Nguyên Ngọc đó là tôn giáo nảy sinh và thấm sâu, âm

thầm có lẽ từ thuở mới hình thành của dân tộc, đạo Mẫu rất Việt, rất phương
Nam, rất dồi dào, bất tận, bất tử như Đất, như Mẹ, như người Đàn bà.
Bài viết có nhan đề “Nguyên lý tính Mẫu trong truyền thống văn học
Việt Nam” của Dương Thị Huyền được đăng tải trên trang web
ngày 12/7/2006 có nhận xét về nhân vật nữ trong
Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh: Từ việc thể hiện bản năng
mạnh mẽ của người phụ nữ, nhà văn lại một lần nữa phát triển thêm cho
hình tượng người phụ nữ trong văn học Việt Nam. Trong tác phẩm này,
người phụ nữ được “tôn giáo hóa” (nhìn nhận người phụ nữ dưới góc độ văn
hóa tâm linh mà cụ thể là dưới ánh sáng của tín ngưỡng thờ Mẫu - một tín
ngưỡng bản địa của người Việt Nam). Có thể nói, đây không chỉ là sự sáng
tạo độc đáo của nhà văn mà hơn thế nhà văn còn thể hiện một hướng đi mới
cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Người phụ nữ trong Mẫu Thượng Ngàn
được nhìn từ góc độ tâm linh. Họ vừa mạnh mẽ, vừa dịu dàng, có thể chiến
thắng tất cả nhưng lại vẫn cần sự chở che nâng đỡ từ những người đàn ông,
từ sức mạnh vô hình nhưng đầy uy lực của Cổ Mẫu.
Ngày 15/10/2012, Viện Văn học tổ chức cuộc hội thảo Lịch sử và văn
hóa qua tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, với sự tham gia của


nhiều nhà văn, nhà phê bình, nghiên cứu văn học như Lại Nguyên Ân,
Nguyễn Đăng Điệp, Phạm Toàn, Hoàng Quốc Hải, Bùi Việt Thắng, Phạm
Xuân Nguyên... Theo nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp: “Ai đọc tiểu thuyết
của Nguyễn Xuân Khánh cũng nhận thấy trong diễn ngôn nghệ thuật của
ông những suy tư bất tận về lịch sử và văn hóa, những chiêm nghiệm sâu sắc
về lẽ hưng phế của các triều đại, những biến động của cuộc đời làm xô lệch
biết bao số phận cùng cảm thức hướng thiện đã lay thức ở người đọc những
đồng cảm sâu sắc”. Tại hội thảo, 25 bản tham luận đã góp phần luận giải,
phân tích sự thành công trong tư duy nghệ thuật, cấu trúc tư tưởng và diễn
ngôn lịch sử trong tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

Từ những nhận định của các nhà nghiên cứu cũng như từ phía tiếp
nhận của người đọc và bản thân nhà văn, chúng ta có thể thấy đối tượng mà
nhà văn thể hiện trong tác phẩm đó chính là sức sống mạnh mẽ của nền văn
hóa Việt Nam được thể hiện thông qua số phận, cuộc đời của những người
phụ nữ trong những năm đầu thế kỉ XX ở miền Bắc Việt Nam. Trên những
cơ sở đó, đề tài “Nhân vật nữ trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn của
Nguyễn Xuân Khánh” sẽ đi sâu và tìm hiểu thế giới nhân vật nữ trong tiểu
thuyết Mẫu Thượng Ngàn của ông.
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Tìm hiểu những điểm độc đáo, mới mẻ về thế giới nhân vật nữ trong
tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Học tập và nắm vững kĩ năng phân tích và nghiên cứu nhân vật nữ
trong các tác phẩm văn chương nói chung và trong tiểu thuyết đương đại nói
riêng.
- Phân tích những đặc điểm cần chú ý đối với nhân vật nữ trong tiểu
thuyết Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh.
- Phân tích những thủ pháp nghệ thuật độc đáo về xây dựng hình
tượng nhân vật nữ trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân
Khánh.

4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Với đề tài đã chọn, đối tượng nghiên cứu của khóa luận là thế giới
nhân vật nữ trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh.


4.2. Phạm vi nghiên cứu
Tư liệu chúng tôi nghiên cứu là cuốn tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn

của Nguyễn Xuân Khánh do Nxb. Phụ nữ ấn hành năm 2006.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, tác giả khóa luận sử dụng chủ yếu những
phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp phân tích đối tượng theo quan điểm hệ thống.
- Phương pháp phân tích tác phẩm và phân tích nhân vật.
- Phương pháp thống kê, so sánh.
6. Đóng góp của khóa luận
Từ lí thuyết về nhân vật, vận dụng để tìm hiểu đặc điểm thế giới nhân
vật nữ trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh. Từ đó
góp phần hoàn thiện hơn bức tranh người phụ nữ Việt Nam trong văn học.
7. Bố cục của khóa luận
Ngoài phần Mở đầu, phần Kết luận và Tài liệu tham khảo, phần Nội
dung của khóa luận được triển khai thành ba chương. Cụ thể bao gồm:
Chương 1: Khái quát về nhân vật nữ và một số đặc điểm của nhân vật
nữ trong văn xuôi Việt Nam đương đại.
Chương 2: Đặc điểm nhân vật nữ trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn
của Nguyễn Xuân Khánh.
Chương 3: Một số thủ pháp nghệ thuật xây dựng nhân vật nữ trong
tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh.

NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
KHÁI QUÁT VỀ NHÂN VẬT NỮ VÀ MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM
CỦA NHÂN VẬT NỮ TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
1.1. Khái quát về nhân vật nữ và đặc điểm của nhân vật nữ trong văn
học Việt Nam truyền thống và hiện đại
1.1.1. Khái niệm về nhân vật nữ



“Văn học là nhân học” (M. Gorki). Nhiệm vụ cơ bản và mục đích cao
nhất của văn học là khám phá, phát hiện, nhận thức về con người thông qua
những nhân vật văn học.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, nhân vật văn học là “con người cụ
thể được miêu tả trong tác phẩm văn học” [11, tr.235]. Nhân vật là hình thức
cơ bản để văn học miêu tả thế giới một cách hình tượng. Chức năng của nó
là khái quát những quy luật phong phú của cuộc sống con người, từ đó bộc
lộ những hiểu biết, quan niệm và những trăn trở, ước mơ của người nghệ sĩ.
Nhà văn sáng tạo ra nhân vật là để thể hiện cái nhìn của mình về những cá
nhân và xã hội nhất định. Nhân vật là công cụ khái quát hiện thực và phương
tiện để tác giả hiện thực hóa quan niệm nghệ thuật về con người dưới một
hình thức biểu hiện tương ứng. Như vậy, nhân vật đóng vai trò là yếu tố
hàng đầu của tác phẩm, là phương diện để nhà văn truyền tải tư tưởng, thể
hiện cá tính sáng tạo của mình, đồng thời lại mang quan niệm có tính nghệ
thuật của nhà văn về thời đại, đặc biệt là trong các sáng tác thuộc thể loại tự
sự.
Nhân vật nữ là hình tượng người phụ nữ được miêu tả trong tác phẩm
văn học. Đó là một trong những dạng hình tượng nhân vật giàu tính triết
luận về thế sự, cuộc đời.

1.1.2. Nhân vật nữ trong văn học Việt Nam truyền thống và hiện đại
Phụ nữ từ lâu được xem là biểu tượng của cái đẹp, hiện thân của sự
sinh tồn và luân chuyển sự sống. Trong dòng chảy văn học từ cổ chí kim,
hình tượng người phụ nữ luôn là một đề tài quen thuộc nhất và dường như
phụ nữ là một nguồn cảm hứng vô tận mà văn học muôn đời vẫn chưa khai
thác hết.


Văn học truyền thống Việt Nam mọi thời đều dụng công khám phá đề
tài người phụ nữ. Trong văn học dân gian, nhân vật nữ đại diện cho lí tưởng

thẩm mĩ của nhân dân hiện lên trong các câu chuyện cổ tích thường có số
phận bi thảm nhưng luôn tỏa sáng những nét đẹp: hiền lành, chăm chỉ, giàu
đức hi sinh, giàu lòng nhân ái và cuối cùng chắc chắn sẽ được hưởng hạnh
phúc. Người phụ nữ trong ca dao lại mang vẻ đẹp đằm thắm ý nhị, dịu dàng
và kín đáo nhưng đồng thời cũng là hiện thân cho những bi kịch, phải gánh
chịu số phận bất hạnh, không có quyền tự quyết định cho cuộc đời mình.
Đến văn học trung đại đã có biết bao tiếng nói xót xa, thương cảm cho
thân phận người phụ nữ bị chà đạp, vùi dập trong xã hội phong kiến. Trong
Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ là hình ảnh những người phụ nữ đức
hạnh, đẹp người, tốt nết luôn khát khao một cuộc sống bình yên, hạnh phúc
nhưng bị những thế lực cường quyền và cả thế lực phong kiến khắc nghiệt
xô đẩy đến những cảnh ngộ éo le, ngang trái bất hạnh. Cung oán ngâm của
Nguyễn Gia Thiều là tiếng than dài, là sự đau đớn tấm tức và tâm trạng bế
tắc của nàng cung nữ. Còn Truyện Kiều của Nguyễn Du lại là tiếng kêu
thương đến đứt ruột, tiếng kêu xé lòng cho thân phận chìm nổi lênh đênh
trong kiếp đoạn trường của nàng Kiều và cho “phận đàn bà” nói chung.
Tiếng nói mạnh bạo, dám bày tỏ khát khao được yêu và sống hạnh phúc còn
vang lên đầy mạnh mẽ và đó còn là sự kịch liệt phản đối chế độ năm thê bảy
thiếp trong xã hội phong kiến “chém cha cái kiếp lấy chồng chung” của Bà
Chúa Thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Giai đoạn văn học thế kỉ XVIII đầu thế kỉ
XIX là thời kì rất đặc biệt bởi sự xuất hiện của các nữ sĩ như: Hồ Xuân
Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Ngọc Hân Công Chúa…
trong sáng tác văn chương, nhân vật nữ là trung tâm, là nơi gửi gắm bày tỏ
những tư tưởng thẩm mĩ của nhà văn. Không có thời kì nào trong lịch sử văn


học Việt Nam lại rực rỡ như thời kì này với sự biểu hiện nghệ thuật trong sự
khám phá đời sống nội tâm nhiều cung bậc của người phụ nữ.
Văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 tiếp tục khai thác đề tài về
người phụ nữ. Sáng tác của Tự Lực Văn Đoàn, đặc biệt là của Nhất Linh đã

xuất hiện hình ảnh những người phụ nữ mới, đòi quyền tự do yêu đương
vượt lên mọi lễ giáo phong kiến như Nhung trong Lạnh lùng (Nhất Linh),
Loan trong Đoạn tuyệt (Nhất Linh), Tuyết trong Đời mưa gió (Nhất Linh),
Trâm trong Nắng thu (Nhất Linh)… Văn học hiện thực phê phán giai đoạn
này đi tìm hiểu những bi kịch khác nhau trong cuộc đời của người phụ nữ.
Đó là cuộc đời đầy cơ cực, lắm đắng cay của chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô
Tất Tố, Tám Bính trong Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, hay thân phận của một “dị
nữ” như Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao. Người phụ nữ trong
các tiểu thuyết, truyện ngắn của các nhà văn hiện thực hiện lên như một biểu
tượng trong văn học về nỗi khổ đau, bất hạnh chồng chất của kiếp người và
cuộc đời họ bao giờ cũng kết thúc trong sự tuyệt vọng, bế tắc.
Đến văn học giai đoạn 1945 - 1975, nhân vật người phụ nữ tiếp tục
được phản ánh và được làm nổi bật trong mối quan hệ với các vấn đề chung
của thời đại. Tắm mình trong bầu không khí hào hùng của dân tộc, người
phụ nữ góp phần không nhỏ làm nên những chiến thắng vẻ vang. Đó là chị
Sứ trong Hòn đất của Anh Đức, chị Út Tịch trong Người mẹ cầm súng của
Nguyễn Thi, Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu.
Có thể thấy, người phụ nữ trong giai đoạn này là con người của cộng đồng,
của xã hội, gắn với cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc được soi rọi dưới cái
nhìn lí tưởng mang tính sử thi.
1.2. Một số đặc điểm của nhân vật nữ trong văn xuôi Việt Nam đương
đại


Sau năm 1975, văn học có xu hướng trở về cái đời thường muôn mặt,
cảm hứng sử thi nhạt dần thay thế vào đó là cảm hứng thế sự - đời tư. Vấn đề
các nhà văn quan tâm không phải là cuộc sống chiến đấu dũng cảm vì dân vì
nước của người phụ nữ nữa mà là những lo toan thường nhật, nỗi đau đớn mất
mát của họ. Nhân vật nữ xuất hiện đa dạng, phong phú và mỗi nhà văn tìm thấy
cho mình một hướng đi riêng khi khai thác đề tài này: Nguyễn Minh Châu tiếp

tục khai thác vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ nhưng chú ý nhiều hơn đến
đời sống nội tâm của họ như Quỳnh trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc
hành, Thai trong Cỏ lau; Nguyễn Huy Thiệp khai thác về thiên tính nữ qua một
loạt những truyện ngắn: Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần,…
Khi đất nước bước vào thời kì đổi mới, đời sống kinh tế - xã hội và tư
tưởng của con người cũng thay đổi tận gốc rễ. Bởi vậy, trong cách nhìn về
cuộc sống, con người và quan niệm nghệ thuật của các nhà văn cũng tất yếu
biến đổi. Trong bối cảnh xã hội mới, vai trò, vị trí của người phụ nữ ngày
càng được đề cao và khẳng định. Họ tham gia ngày một đông đảo vào tất cả
các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, y tế, thương mại… trong đó có sáng tác
văn chương. Trên diễn đàn văn học, sự xuất hiện đầy ấn tượng của các cây
bút nữ với những tập thơ, truyện ngắn hay tiểu thuyết của họ đã thổi một
“luồng gió mới” và góp phần tô điểm cho diện mạo nền văn học đương đại,
lấy lại thế cân bằng trong sáng tác giữa nam và nữ.
Nếu như ở các giai đoạn trước 1930 - 1945 hay 1945 - 1975 ưu thế
thuộc về các nhà văn nam như Nam Cao, Thạch Lam, Nguyên Hồng,
Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu… thì văn học đương đại
phần đông gắn với tên tuổi các nhà văn nữ như: Phạm Thị Hoài, Phan Thị
Vàng Anh, Võ Thị Hảo, Dạ Ngân, Lê Minh Khuê, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà,
Đoàn Lê, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu… Những trang viết của họ thể
hiện sự quan tâm đến số phận, hạnh phúc và quyền sống của giới mình. Và


có lẽ theo quy luật đồng thanh tương ứng, lúc đầu là một vài cây bút nữ viết
rồi những cây bút khác qua tác phẩm của những người đi trước tìm thấy ở đó
một sự đồng cảm và họ cũng viết để giãi bày làm thành cả một dòng chảy. Ở
dòng chảy đó, họ như được tự do phơi mở “cái tôi” của chính mình với một
giọng điệu riêng, một cách thức riêng. Họ thẳng thắn đối thoại với những
quan niệm cũ về những mẫu hình nữ giới trước đây luôn bị đóng khung
trong những đặc điểm dịu dàng, thùy mị, chỉ viết về những chuyện nhỏ nhặt,

không có tầm tư tưởng lớn. Họ thể hiện sự thức tỉnh ý thức cá nhân, khát
vọng bản thể, khẳng định giá trị sống của chính mình trên diễn đàn văn học
nghệ thuật. Khi viết về tình yêu, họ khám phá toàn diện về mọi mặt, mọi
cung bậc: ngọt ngào, đắng cay, đau đớn, xót xa, nhẹ dạ cả tin, già dặn, mạnh
mẽ, chủ động, từng trải,… tất cả đều là những bộc bạch chân thực nhất của
các cây bút nữ viết về giới mình. Hơn nữa, các nữ văn sĩ viết về phái yếu,
cũng có nghĩa là họ đã hướng ngòi bút vào chính mình, dù tác giả viết về
những người phụ nữ khác thì cái nhìn của họ cũng có phần sâu sắc, triệt để
và thấu đáo hơn.
Thế giới nhân vật nữ của các nhà văn nữ được xây dựng trên những
trang văn thấm đẫm tình cảm, cảm xúc như đang tuôn trào từ trái tim, tâm hồn
của họ với giọng điệu khi thì dịu dàng, ấm áp, khi thì xúc động nghẹn ngào…
Và tình yêu luôn là đề tài trung tâm trong nhiều sáng tác của các cây bút nữ.
Người phụ nữ trong văn học thời kì đổi mới hiện lên với một cá tính mạnh
mẽ, có những người hạnh phúc song hầu hết trong số họ là những người bất
hạnh và cô đơn. Với tâm hồn nhạy cảm và dễ xúc động, nữ văn sĩ là người dễ
nhận ra và dễ khắc sâu những nỗi buồn của người cùng giới hoặc của chính
mình.
Cũng trong xu hướng đó, các nhà văn nam cũng quan tâm tới số phận
của nữ giới. Trong cảm quan của họ, người phụ nữ còn mang trong mình


một sức mạnh (nội lực) âm thầm có thể cảm hóa mọi thế lực. Trong những
tác phẩm ấy, người phụ nữ hiện lên vẫn dịu dàng, đằm thắm, trữ tình đầy
yêu thương. Dù với cuộc sống khổ cực đầy biến động của lịch sử nhưng họ
vẫn hiện lên với vẻ đẹp tươi tắn thể hiện nội lực của dân tộc Việt.
Qua đây, chúng ta thấy hình tượng người phụ nữ là hình tượng xuyên
suốt và nổi bật trong nền văn học Việt Nam, gắn liền với sự vận động trong
quan niệm nghệ thuật về con người qua các giai đoạn văn học. Có một đặc
điểm là người phụ nữ luôn là hình ảnh tích cực, được nhà văn gửi gắm nhiều

tình cảm thương yêu trân trọng: nhẫn nại, đa cảm, thua thiệt và chủ động, đó
dường như là nét tiêu biểu của nhân vật nữ trong văn học Việt Nam ở mọi
thời. Với tư cách là một nhà văn hóa, Nguyễn Xuân Khánh đã khám phá vẻ
đẹp của người phụ nữ trên những phương diện lịch sử, văn hóa, văn học.
Trở lên là những giới thuyết vắn tắt về nhân vật và nhân vật nữ trong
văn xuôi Việt Nam đương đại. Đây sẽ là những tiền đề - lí luận - lịch sử để
chúng tôi tìm hiểu đặc điểm nhân vật nữ trong tiểu thuyết Mẫu Thượng
Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh.

CHƯƠNG 2
ĐẶC ĐIỂM NHÂN VẬT NỮ TRONG TIỂU THUYẾT


MẪU THƯỢNG NGÀN CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH
2.1. Quan niệm nghệ thuật về con người và về người phụ nữ trong tiểu
thuyết của Nguyễn Xuân Khánh
2.1.1. Quan niệm nghệ thuật mới về con người trong tiểu thuyết Việt
Nam sau năm 1975
Trong văn chương, con người là đối tượng nhận thức trung tâm, là thước đo
cho sự tiến bộ nghệ thuật từ xưa đến nay, là cái đích để văn học hướng tới. Khi
đánh giá thành tựu của một nền văn học hay một xu hướng, một tác giả, một
giai đoạn văn học chúng ta không thể không quan tâm đến quan niệm nghệ
thuật về con người của nền văn học ấy. “Quan niệm nghệ thuật về con người là
sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người đã được hóa thân thành các nguyên
tắc, phương tiện, biện pháp hình thức thể hiện con người trong văn học, tạo nên
giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật đó” [32, tr.55]. Quan
niệm nghệ thuật về con người tất nhiên cũng mang dấu ấn sáng tạo của cá tính
nghệ sĩ, gắn liền với cái nhìn độc đáo đầy tính phát hiện của nghệ sĩ.
Trong văn học Việt Nam, Nguyễn Du được đánh giá cao, trước hết là
sự ghi nhận chủ nghĩa nhân đạo trong quan niệm nghệ thuật về con người của

ông. Đến thời kì hiện đại, nếu được phép dẫn một trường hợp cụ thể không
thể không nhắc đến Nam Cao. Tác phẩm của ông là sự nhức nhối về thân
phận con người với những ước mơ, hoài bão đấu tranh vật lộn và khát khao
vươn lên để sống sao cho Người nhất.
Nghiên cứu văn học hiện đại xem toàn bộ sự miêu tả về nhân vật như
là một cái biểu đạt, là sự biểu hiện của trình độ cảm nhận về con người, từ
đó phân tích nhân vật để tìm hiểu quan niệm về con người trong ý thức sáng
tác. Vì vậy, quan niệm nghệ thuật về con người là cơ sở chắc chắn nhất khi
nghiên cứu tính độc đáo của sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, trong mỗi thời
kì, con người được tiếp cận ở những góc độ khác nhau. Chính sự khác nhau


đó đã làm nên tính phong phú, đa dạng nhiều màu sắc cho văn chương nhằm
hướng đến cái đích là khám phá ngày càng sâu sắc hơn về con người như nó
tự cảm thấy trong tự nhiên, xã hội và lịch sử với tất cả sự phong phú tinh tế.
Văn học giai đoạn 1945 – 1975 phát triển trong hoàn cảnh đặc biệt
của cuộc chiến tranh vệ quốc. Nó không thể không bị chi phối bởi các quy
luật bất thường. Chiến tranh đặt ra vấn đề sống còn của dân tộc lên trên hết,
mọi quyền lợi, ứng xử phải nhìn theo quan điểm “địch – ta”, sự thống nhất
muôn người trở thành một nguyên tắc tối thượng. Để phục vụ cho những
nhiệm vụ chính trị, văn học đã tập trung mọi cố gắng vào việc giáo dục, đào
tạo “con người mới”. Cá nhân tự hòa quyện trong cộng đồng, “con người
giải quyết mọi bi kịch, mọi vướng mắc cá nhân là hướng về cách mạng và
cộng đồng”. Phát hiện con người cộng đồng trong mỗi cá nhân, con người
như sản phẩm hoàn hảo của hiện thực cách mạng là cống hiến của văn học
với tư cách là một mặt trận tư tưởng. Nhà văn thông qua con người để biểu
hiện lịch sử. Con người trở thành phương tiện để khám phá lịch sử.
Từ những mối quan hệ cho đến bản ngã của mỗi cá nhân đều được
nhìn nhận theo chuẩn mực chung. Nhà văn nhìn con người chủ yếu như một
ý thức chính trị vận động hợp quy luật lịch sử. Cảm hứng sử thi và khuynh

hướng lãng mạn đã tạo nên những con người đẹp đẽ và hoàn hảo. Trên thực
tế, chúng ta không thể phủ nhận sự trưởng thành của văn học từ chống Pháp
đến chống Mĩ. Đó là sự thể hiện con người ngày càng trưởng thành, sâu sắc
và đầy đặn hơn. Nhưng do chiến tranh kéo dài, nhiều nguyên tắc nhất thời
trở thành quy phạm, hạn chế không nhỏ khả năng sáng tạo của văn học,
trong đó có quan niệm nghệ thuật về con người.
Chiến thắng 30 – 4 – 1975 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử
dân tộc Việt Nam. Bước qua cuộc chiến tranh, dân tộc ta phải đối mặt với biết
bao khó khăn của cuộc sống thời hậu chiến. Thực tế ấy đã làm thay đổi nếp


nghĩ và những quan niệm trước kia được coi là chuẩn mực, những vấn đề mà
người ta có thể gạt ra phía sau để ưu tiên cho cái lớn lao, cao cả của dân tộc
thì giờ đây nó thúc ép, đe dọa con người buộc mỗi người phải lưu tâm giải
quyết. Những chuẩn mực và quan niệm về giá trị con người cũng được nhìn
nhận và đánh giá lại trong bối cảnh cuộc sống đời thường. Nhà văn không thể
nhìn nhận con người bằng cảm hứng lãng mạn cách mạng và cảm hứng anh
hùng ca như thời kì chiến tranh. Lúc này trong văn chương không thể nhìn
nhận con người như “thần thánh nói chuyện với nhau” mà nhà văn phải có
quan niệm đầy đủ hơn về hiện thực và con người. Con người được khám phá
như một cá thể phức tạp, có số phận riêng, với cả thế giới tinh thần phong
phú, đặt trong quan hệ con người với con người, con người với tự nhiên, con
người với xã hội.
Theo thời gian, hình ảnh con người công dân, con người cộng đồng
trong văn học kháng chiến dần nhường chỗ cho những con người bình
thường trong cuộc sống. Đây đồng thời cũng là thời kì đột phá của văn xuôi,
trong đó tiểu thuyết là một thể loại nghệ thuật giữ vai trò quan trọng trong
nền văn học bởi sức mạnh nghệ thuật và tầm bao quát về bề rộng cũng như
chiều sâu trong phản ánh hiện thực của nó. Do vậy, trước yêu cầu đổi mới
văn học, nhiều cuốn tiểu thuyết ra đời. Những cây bút tiêu biểu cho văn học

trước đây như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Lê Lựu…
cùng nhiều tác giả xuất hiện như Bảo Ninh, Dương Hướng, Nguyễn Khắc
Trường… đã khiến cho tiểu thuyết - niềm hi vọng của thế kỉ - tạo ra nhiều
phong cách sáng tạo, có giọng điệu riêng. Thời xa vắng của Lê Lựu, Thân
phận tình yêu của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng… đã
chứng tỏ sự chuyển đổi trong tư duy sáng tạo của nhà văn. Nhà văn đã nhận
diện hình ảnh con người đích thực với nhiều kiểu dáng đa dạng như sự hòa
hợp giữa con người với thiên nhiên, con người tâm linh và con người xã hội.


Phát hiện con người phức tạp, con người lưỡng diện, con người không
nhất quán với mình, có thể nói ở giai đoạn lịch sử mới, các nhà văn đã có
những chuyển hướng trong nhận thức, tư duy về bản thể con người. Các nhà
tiểu thuyết Việt Nam đã phá vỡ cái nhìn đơn phiến, tĩnh tại để tạo ra cái nhìn
phức tạp hơn đa chiều hơn và vì thế sâu sắc hơn. Khắc họa chân dung những
con người vừa đời thường, trần thế vừa đẹp đẽ mang đậm chất nhân văn khi
nhìn nhận về con người Việt Nam sau 1975.
2.1.2. Quan niệm nghệ thuật về con người và về người phụ nữ trong
tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh
Quan niệm về con người được xem là toàn bộ cái nhìn và sự miêu tả
về con người bằng các biện pháp nghệ thuật. Trong quan niệm nghệ thuật có
cái chung của thời đại, của dân tộc và của cả nền văn hóa song lại có vai trò
năng động sáng tạo của mỗi cá nhân người nghệ sĩ. Ở các nhà văn, sự hình
thành quan niệm nghệ thuật có một vai trò đặc biệt quan trọng trong cá tính
sáng tạo, thế giới quan và tư tưởng nghệ thuật của nhà văn.
2.1.2.1. Quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết của
Nguyễn Xuân Khánh
Qua những tác phẩm của mình, Nguyễn Xuân Khánh đã cho ta cái
nhìn đủ đầy về văn hóa, lịch sử. Do vậy, quan niệm nghệ thuật về con người
của nhà văn được xuất phát từ quan niệm về lịch sử trong tiểu thuyết của

ông.
Tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử vấp phải vấn đề muôn thuở, đó là cần
phải giải quyết mâu thuẫn giữa sự thực và hư cấu, lịch sử yêu cầu tính chân
thực trong khi văn học cho phép hư cấu. Giải pháp tốt nhất có thể thực hiện
để nhà văn giải quyết mối mâu thuẫn giữa sự thật và hư cấu là sự thật của
con người, độc giả có quyền không tin nhà văn nhưng sự thật về con người
theo logic khách quan thì không thể phủ nhận. Khám phá con người trong


lịch sử vốn không phải là chuyện mới, bởi “văn học là nhân học”, tuy nhiên,
khi nhà văn tiếp cận lịch sử có thể bị hút vào các sự kiện biến cố mà làm mờ
nhạt đi khả năng khám phá con người. Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh lấy
con người làm tâm điểm chứ không lấy việc tái hiện lịch sử hoặc minh họa
lịch sử làm mục đích phản ánh. Nhà văn muốn khám phá sự phản chiếu của
thời đại lịch sử vào tâm lí, tình cảm, số phận cụ thể của con người, đồng thời
qua đó ông đặt lại một số vấn đề cần nhận thức với tinh thần hoài nghi cái
lịch sử “tại ngoại” mà số đông chúng ta vẫn coi là tất yếu.
Mối quan hệ giữa cá nhân và lịch sử chính là một phương diện giúp
chúng ta tìm ra dấu ấn lịch sử trong con người. Con người làm ra lịch sử
nhưng cũng là nạn nhân của lịch sử. Bằng những hành động của mình, con
người tạo ra biến cố nhưng trong guồng quay của bánh xe lịch sử nó cũng bị
lịch sử quy định. Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh bao gồm một hệ thống
nhân vật đông đảo từ những nhân vật có thật trong lịch sử tới những nhân
vật hư cấu, từ tầng lớp dân thường vô danh tới nhân vật can dự trực tiếp vào
lịch sử, họ đều bị mắc kẹt trong lịch sử và thực sự mang trên mình những ý
nghĩa lịch sử. Nhân vật Hồ Quý Ly là kiểu cá nhân “bị” lịch sử chọn. Trong
Hồ Quý Ly hội tụ đầy đủ phẩm chất của người có thể thực hiện nhiệm vụ
lịch sử, là người tạo ra lịch sử với cá tính mạnh mẽ, quyết liệt, khả năng nắm
bắt tình thế, biết nhìn người, dùng người tài năng, sắp đặt điều khiển mưu đồ
chính trị… Là người đương đầu với giông bão của thời cuộc, ban đầu Hồ

Quý Ly chỉ định làm biến pháp nhưng vấp phải sự chống đối, ông càng
quyết tâm nắm lấy quyền lực tối thượng, gạt bỏ mọi lực cản bằng bạo lực.
Điều đó đã đẩy ông vào vị trí của kẻ thoán nghịch đầy bi kịch cá nhân.
Chính ông là người chủ động tạo ra hoàn cảnh, tạo ra cuộc xoay vần và cơn
bão tố của lịch sử. Tham vọng cải cách của ông lớn dần là do tình thế lịch sử
nhưng cũng chính tham vọng đó chi phối. Ý chí con người dù lớn lao nhưng


trong guồng quay lịch sử, “bị lịch sử lựa chọn” cũng trở thành một số phận
đáng thương. Chẳng hạn, hai anh em nhà Messmer và những consquitador
(nhà chinh phục) trong Mẫu Thượng Ngàn. Theo dấu chân Garnier Riviere,
họ hăm hở rời Pháp quốc trong tư thế của người đi khai hóa cho vùng đất
thuộc địa hoang dã tối tăm với khát khao vinh quang, niềm tin vào sức
mạnh. Nhưng lịch sử có những chuyển dịch ngược chiều, người da trắng đi
xâm chiếm châu Phi và bị đồng hóa trở lại. Tư tưởng thống trị và chiếm đoạt
biểu lộ bằng vệt hắc ám trên ấn đường Philippe đã có lúc mờ nhạt khi ông
tìm thấy sự giao hòa với người đàn bà bản xứ, nhưng đi ngược chiều lại,
cuối cùng Philippe phải lãnh nhận cái chết. Mang trên mình sứ mệnh của
nhà chinh phục nhưng nếu từ chối gánh nặng lich sử đó, nhân vật sẽ có một
số phận khác.
Lịch sử hiện hữu trong con người và số phận mỗi cá nhân. Bên cạnh việc
khai thác sử liệu, nhà văn quan tâm đến khám phá cái lịch sử hiện hữu đó bằng
sự thấu hiểu từng số phận. Nhân vật của Nguyễn Xuân Khánh là những con
người cá nhân với đầy đủ những tính cách phức tạp và đa dạng. Nó lí giải cho
động cơ sâu xa của những hành động có tính lịch sử của nhân vật. Cuộc cải cách
quyết liệt của Hồ Quý Ly bắt nguồn từ tính cách thích “chơi với lửa” của Quý Ly
lúc còn bé cho tới sự quyết đoán trong khát vọng thay đổi của con người có tư
tưởng… sau đó là mưu toan chính trị và tham vọng quyền lực của một bạo chúa.
Dấu ấn lịch sử in đậm trên cuộc đời và số phận con người. Ở Hồ Quý
Ly, giai đoạn lịch sử giao thời đầy mâu thuẫn hiện lên qua cuộc đời ông vua

già Lê Hiển Tông với những dùng dằng của lịch sử: đổi mới để tiến bộ và
chấp nhận rủi ro hay thủ cựu với lề lối của tổ tông dù tình trạng đất nước đã
trở nên mục ruỗng. Hay như trong Mẫu Thượng Ngàn, quá trình xâm lược
và công cuộc khai hóa thuộc địa của thực dân Pháp có thể được hình dung
qua chuyện đời, chuyện tình của anh em nhà Messmer. Những thăng trầm


trong quá trình làm giàu ở thuộc địa, các cấp độ của sự chiếm đoạt tình yêu,
và kết thúc nhiều nghiệt ngã (cái chết của Philippe, chứng hoang tưởng của
Julien, đứa bé ra đời từ đêm hội) cho thấy tương lai phá sản của chủ nghĩa
thực dân ở Việt Nam.
Từ tư duy lịch sử trên, ta có thể thấy quan niệm nghệ thuật về con
người của Nguyễn Xuân Khánh. Con người trong tiểu thuyết của ông không
chỉ khoác bộ áo chính trị mà còn là con người của cuộc đời thực, con người
của cuộc sống đời thường. Nguyễn Xuân Khánh quan niệm con người là
sinh thể phức tạp, đa diện. Từ việc chọn thời điểm lịch sử không phải là quá
khứ hào hùng hay thái bình thịnh trị mà là một giai đoạn rất phức tạp dẫn
đến hệ quả là các nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh hầu như
đều ở thế lưỡng cực, đa trị. Với vai trò của nhà thực dân, Philippe là kẻ đi
chinh phục chỉ tin vào sức mạnh nhưng không hoàn toàn như vậy, cuộc hôn
nhân với người đàn bà bản xứ chứng tỏ anh ta nhận ra giới hạn của sức
mạnh, những lúc đắm say với “đóa hồng phương Đông” biến anh ta trở
thành con người hòa ái. Trần Khát Chân không chỉ là vị tướng tài ba, mưu
lược, có tâm hồn nghệ sĩ và tấm lòng nhân hậu và nhân vật này cũng có thể
tàn bạo và thủ đoạn, không ngần ngại đề nghị Sử Văn Hoa viết sách bôi nhọ
Hồ Quý Ly với nguyên tắc “để tiêu diệt kẻ thù thì ta có quyền làm tất cả,
ngay cả dựng nên sự việc”. Với Nguyễn Xuân Khánh, con người luôn tự
nhận thức về chính mình cũng như về thế giới xung quanh. Nhà văn đặt con
người vào những biến động lịch sử và bắt nó phải gánh trên vai gánh nặng tư
tưởng. Ở Hồ Nguyên Trừng có nỗi khắc khoải khôn nguôi của con người

trước thời cuộc, ông hiểu rất rõ về bản chất của đời sống cung đình nhưng
cũng ý thức về trách nhiệm của cá nhân trước dòng tộc, trách nhiệm của kẻ
sĩ trong thời loạn. Bên cạnh đó, nhân vật Thuận Tôn lại chìm đắm trong suy
tư về cái ác, quyền lực và cái chết… Và mỗi nhân vật là một sự phân thân


nghiệt ngã. Trong Hồ Quý Ly, nhà văn để cho nhân vật Thuận Tôn độc thoại
trong sáu trang sách đối diện với những sự thật đau đớn của cuộc đời mình,
hoang mang giữa một bên là trạng thái hư vô, một bên là những khắc khoải
về thực tại. Nguyễn Xuân Khánh đã sử dụng khá đắc địa thủ pháp độc thoại
nội tâm, nhờ đó có thể nhận thức sâu sắc hơn về con người, bản ngã và sự
tồn tại đồng thời cả những bước đi thầm lặng của tiến trình lịch sử.
2.1.2.2. Quan niệm nghệ thuật về người phụ nữ trong tiểu thuyết
Nguyễn Xuân Khánh
Tác giả của bộ ba tiểu thuyết nổi tiếng: Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn,
Đội gạo lên chùa thực sự đã khiến nhiều độc giả ngạc nhiên về vốn kiến thức
văn hóa, lịch sử và sức viết khỏe khi đã ở tuổi xưa nay hiếm. Ông còn khiến
nhiều người ngạc nhiên hơn nữa khi trong bất cứ cuốn tiểu thuyết nào ông cũng
miêu tả rất sinh động, đầy cảm hứng hình ảnh những người đàn bà của làng quê
Việt Nam. Điều đặc biệt là tất cả những người đàn bà ấy đều rất đẹp, đầy quyến
rũ.
Với ông, người đàn bà Việt ai cũng đẹp. Dù sống trong một không
gian nhỏ bé nhưng điều khiến người ta thấy cuộc sống của ông trở nên giàu
có, chính là cái nhìn của ông ra thế giới bên ngoài, cái nhìn ấy khiến mọi thứ
trở nên nhẹ nhõm dù cho cuộc sống gia đình có những lúc khó khăn và điều
ấy cũng khiến cho tác phẩm của ông mang một hơi thở riêng, mà trong đó,
cái làm nên sức bền cũng như sự hấp dẫn, lôi cuốn (ngoài những vấn đề
thuộc về tính kinh điển của tiểu thuyết, những vấn đề của Phật giáo gắn với
cuộc sống đời thường trong diễn trình lịch sử ở cả ba tiểu thuyết…) chính là
những con người mà ở đây lại là những người đàn bà rất đẹp, quyến rũ, đầy

ma mị dù cho họ sống trong nghèo khổ, rách rưới có khi là kẻ ăn mày. Theo
Nguyễn Xuân Khánh, những người đàn bà Việt Nam vốn đã đẹp sẵn rồi, đẹp
từ trong gian khổ, đói nghèo. Tất nhiên, cảm nhận này xuất phát từ thực tế


cuộc sống của nhà văn. Từ nhỏ, ông sống chủ yếu bên cạnh những người
đàn bà, họ là mẹ, là bác, là dì, là chị em họ của ông. Những con người cần
cù, nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó, những con người có cuộc sống không
mấy suôn sẻ đã cho ông có cái nhìn sinh động, đầy đủ và rõ nét về tính nữ,
chất âm tính mà ông miêu tả trong các tiểu thuyết của mình. Vì thế, trong tác
phẩm, ông luôn dành cho những người đàn bà, các cô gái cái nhìn đầy thiện
cảm. Những người phụ nữ ấy luôn toát lên vẻ đẹp mộc mạc, tròn đầy và tinh
khiết. Họ hôm nay có thể đói lả, bị chồng bỏ, không nhà cửa nhưng hôm sau
đã có thể là người đàn bà đầy nhục cảm, với thân thể ấm nóng và ánh nhìn ướt
át, bàn tay mềm ấm (Khoai trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa). Họ hôm nay
có thể là đứa con gái đang trong cơn hoảng loạn vì cha mẹ bị giặc giết, nhưng
hôm sau là nàng thiếu nữ xinh đẹp, nết na, dịu dàng, cổ trắng như ngó cần ai
thấy cũng muốn đặt một nụ hôn lên đấy, mái tóc đen dài mượt; mà để che mắt
thiên hạ trong thời loạn lạc bằng cách ăn mặc rách rưới, áo bạc thếch, mặt mũi
phải bôi cho thành nhọ nhem (Nguyệt trong Đội gạo lên chùa). Rêu trong Đội
gạo chùa mang một vẻ đẹp tinh khôi. Đó là một đứa con gái gầy gò, bé nhỏ
nhưng da trắng, môi hồng, tóc đen như mun, mắt đen láy long lanh ấm áp, đôi
mắt ấy nhìn vào ai, dù đang lúc tức giận, cũng bỗng nhiên như được xoa dịu.
Mẹ Rêu, bà Thêu cũng là một người đàn bà rất đẹp: tóc đen nhánh, da trắng,
mắt bồ câu long lanh, người cân đối thon thả, bà mặc áo cánh nâu vừa khít.
Hay như Mùi (Mẫu Thượng Ngàn), người đàn bà có tới ba đời chồng cũng là
người đàn bà khiến cho đàn ông khó có thể cầm lòng bởi đôi vú nở nang, eo
thon nhỏ, đôi mông nẩy đều chắc nịch, gương mặt tròn vạnh, mày ngài đen
nhánh như mực nho, đôi mắt đen trắng phân minh nhưng chính thế trở nên bất
hạnh khi mới 18 tuổi xuân sắc và người chồng đầu tiên chết bởi “chân khí suy

kiệt”…


×