Tải bản đầy đủ (.pdf) (140 trang)

sự đổi mới cách nhìn về con người trong tiểu thuyết người cùng quê của phan tứ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.95 MB, 140 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Nguyễn Thị Minh Phượng

SỰ ĐỔI MỚI CÁCH NHÌN VỀ CON
NGƯỜI TRONG TIỂU THUYẾT
NGƯỜI CÙNG QUÊ CỦA PHAN TỨ

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60 22 34

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. NGUYỄN VĂN KHA

Thành phố Hồ Chí Minh - 2013


LỜI CẢM ƠN
Tôi xin gửi lời cảm ơn, biết ơn chân thành đến:
TS. Nguyễn Văn Kha, Thầy đã tận tình định hướng, dẫn dắt, giúp đỡ và
động viên tôi trong quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn này.
Tôi xin chân thành cảm ơn quý thầy cô phòng Sau đại học, khoa Ngữ
Văn trường ĐH Sư phạm Tp. HCM và các thầy cô giảng viên đã tạo điều kiện
và giảng dạy tôi trong suốt khóa học.
Tôi xin chân thành cảm ơn gia đình của cố nhà văn Phan Tứ đã tạo điều
kiện và cung cấp cho tôi nhiều tư liệu quý giá về cuộc đời của nhà văn.
Tôi xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu, tổ bộ môn Ngữ Văn trường
THPT Long Thới – Tp.HCM, cùng đồng nghiệp và bạn bè học viên lớp Cao


học Văn học Việt Nam khóa 21 đã tạo điều kiện, giúp đỡ tôi trong suốt quá
trình học.
Cuối cùng, tôi xin gửi lời biết ơn sâu sắc tới gia đình, những người luôn
động viên, cổ vũ và tạo điều kiện tốt nhất cho tôi hoàn thành khóa học này.
Học viên
Nguyễn Thị Minh Phượng


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan: Luận văn này là công trình nghiên cứu thực sự của
riêng tôi, được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của TS. Nguyễn Văn
Kha.
Những kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận văn này trung
thực và chưa từng được công bố trong công trình nghiên cứu nào.
Tôi xin chịu trách nhiệm về nghiên cứu của mình.
Học viên
Nguyễn Thị Minh Phượng


MỤC LỤC
DẪN NHẬP ................................................................................................................1
1. Lý do, mục đích nghiên cứu của đề tài ...............................................................1
2. Lịch sử vấn đề .....................................................................................................3
3. Giới hạn, phạm vi đề tài ......................................................................................7
4. Phương pháp nghiên cứu .....................................................................................8
5. Đóng góp mới của luận văn ................................................................................9
6.Cấu trúc của luận văn ...........................................................................................9
Chương 1 NHÀ VĂN PHAN TỨ VÀ HOÀN CẢNH SÁNG TÁC TIỂU
THUYẾT NGƯỜI CÙNG QUÊ.............................................................................11
1.1. Cuộc đời nhà văn Phan Tứ .............................................................................11

1.2. Sự nghiệp văn chương ....................................................................................16
1.2.1. Quá trình sáng tác....................................................................................16
1.2.2. Các tác phẩm đã xuất bản: ......................................................................23
1.2.3. Những trăn trở của Phan Tứ về vấn đề con người trong sáng tác văn học
...........................................................................................................................24
1.3. Hoàn cảnh sáng tác tiểu thuyết Người cùng quê ............................................32
1.3.1. Bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam sau 1975 ...........................................32
1.3.2. Sự vận động đổi mới văn học sau 1975 qua một số tác phẩm tiêu biểu
(trong phạm vi tiểu thuyết) ................................................................................34
Chương 2 SỰ ĐỔI MỚI CÁCH NHÌN VỀ CON NGƯỜI TRONG TIỂU
THUYẾT NGƯỜI CÙNG QUÊ TỪ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG ..................41
2.1. Con người cá nhân .........................................................................................41
2.2. Con người trong mối quan hệ đan xen, phức tạp ..........................................53
2.3. Con người khát khao tận hưởng tình yêu và hạnh phúc ...............................57


Chương 3 SỰ ĐỔI MỚI CÁCH NHÌN VỀ CON NGƯỜI TRONG TIỂU
THUYẾT NGƯỜI CÙNG QUÊ TỪ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT ............67
3.1.Sự dịch chuyển không – thời gian gắn với hành trình đời tư nhân vật ...........67
3.1.1. Nhà văn đặt nhân vật trong nhiều loại không gian khác nhau, theo sự vận
động của nhân vật..............................................................................................67
3.1.2. Thời gian không theo logic tuyến tính, có thể đảo chiều một cách tự do
...........................................................................................................................77
3.2. Kết cấu đa tuyến .............................................................................................84
3.2.1.Tuyến nhân vật và tuyến sự kiện đan chéo vào nhau...............................84
3.2.2. Sự kiện lịch sử, xã hội chi phối đời sống, số phận nhân vật ...................90
3.3. Cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật ........................................................................95
3.3.1. Ngôn ngữ đối thoại..................................................................................95
3.3.2. Ngôn ngữ độc thoại ...............................................................................102
KẾT LUẬN ............................................................................................................107

TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................111
MỤC LỤC .............................................................................................................. 122


1

DẪN NHẬP
1. Lý do, mục đích nghiên cứu của đề tài
Từ sau cách mạng tháng Tám đến 1975, dân tộc Việt Nam tiến hành hai
cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước. Văn học trong giai đoạn
này phản ánh bức tranh hiện thực “một cách chân thực và hùng hồn” nhằm
mục đích cổ vũ, động viên khí thế đấu tranh của dân tộc. Đội ngũ nhà văn
không chỉ cầm bút mà còn cầm súng với chủ trương sáng tác: “người viết
không được tuyên truyền một chủ nghĩa lạc quan rẻ giá, nhưng người nào
cũng phải có trách nhiệm không được làm nản chí tất cả những ai đang trên
đường ra trận, đang giáp mặt với kẻ thù” [51, tr.102]. Hiện thực cách mạng,
hiện thực cuộc sống được giới văn nghệ sĩ phản ánh qua thể loại tiểu thuyết
đặc biệt là tiểu thuyết sử thi đã gặt hái thành công lớn, bởi nó là “thể loại văn
chương duy nhất luôn biến đổi, do đó nó phản ánh sâu sắc hơn, cơ bản hơn,
nhạy bén trước sự chuyển biến của hiện thực” [2, tr.27]. Trong giai đoạn văn
học này, độc giả biết đến tên tuổi của các nhà văn như: Hữu Mai, Nguyễn Thi,
Nguyễn Minh Châu, Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Anh Đức,… Họ đã xây dựng
hình tượng nhân vật trung tâm của tác phẩm là người anh hùng cách mạng,
quần chúng cách mạng với vẻ đẹp hào hùng, tràn đầy lí tưởng.
Sau đại thắng mùa xuân 1975, dân tộc Việt Nam bước vào cuộc sống mới
với nhiều biến động trên các phương diện của đời sống. Văn học nghệ thuật
cần có bước tìm tòi, sáng tạo mới đáp ứng yêu cầu của thời đại. Cái mới ở đây
thể hiện ở việc khai thác, nhìn nhận những vấn đề của đời sống đặt ra từ hiện
thực. Vẫn là sự tiếp nối đề tài truyền thống về chiến tranh, nhưng sau 1975,
nhà văn có cách nhìn về hiện thực chiến tranh, trong đó trọng tâm là vấn đề

con người có nhiều tìm tòi, đổi mới. Sự đổi mới quan niệm về con người diễn


2

ra mạnh mẽ ở mảng truyện đặc biệt là thể loại tiểu thuyết. Góp phần thay đổi
diện mạo của văn học sau năm 1975 là những sáng tác của nhà văn viết về
con người trong quá trình lao động, sản xuất và con người thế sự, đời tư như:
Nguyễn Khải, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Triệu Xuân, …;
con người trong cái nhìn phong tục – lịch sử: Tô Hoài, Ma Văn Kháng,…và
một loạt nhà văn với những tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh như: Hữu
Mai, Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà, Phan Tứ, Nguyễn Quang Sáng,…
Tìm hiểu sự đổi mới về cách nhìn con người trong văn học sau năm 1975,
luận văn của chúng tôi tập trung khảo sát bộ tiểu thuyết sử thi Người cùng quê
của Phan Tứ với mục đích sau đây:
1. Phan Tứ đã đóng góp không nhỏ tạo nên thành tựu chung của nền văn
học cách mạng Việt Nam. Bước vào nghề văn, Phan Tứ thử ngòi bút trên
nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, hồi ký và đạt được thành công
nhất định ở mỗi thể loại. Gặt hái được nhiều thành công nhất phải kể đến tiểu
thuyết của nhà văn. Ông là nhà văn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến
vĩ đại của dân tộc, vừa viết văn vừa trực tiếp cầm súng đánh giặc nên ông có
vốn sống phong phú về hiện thực xã hội, về con người trong chiến tranh. Hiện
thực con người trong tác phẩm của Phan Tứ là con người miền Trung – quê
hương của nhà văn. Vấn đề “ số phận con người” trước năm 1975 được nhà
văn quan tâm và xây dựng thành công gắn liền với số phận dân tộc. Ông còn
đi sâu lí giải và biểu dương sự biến chuyển tư tưởng của người nông dân bình
thường qua hoàn cảnh thử thách đã trở thành người anh hùng cách mạng.
Phan Tứ cũng như nhiều nhà văn khác trước 1975 đã góp phần làm phong
phú kho tàng văn học cách mạng bằng việc xây dựng thành công những hình
tượng nghệ thuật mang tầm vóc sử thi đẹp đẽ, lôi cuốn công chúng văn học

một thời. Sau năm 1975, sáng tác của Phan Tứ càng chứng tỏ ông là nhà văn


3

đi hết cuộc đời với niềm đam mê văn chương, lao động nghệ thuật bền bỉ,
giàu sức sáng tạo.
2. Sau 1975, trong xu thế vận động đổi mới của nền văn học, tư duy sử thi
đang có sự chuyển dịch sang tư duy tiểu thuyết, các nhà văn đều nhận thức
được sự đổi mới quan niệm nghệ thuật, trong đó cốt lõi là quan niệm nghệ
thuật về con người là hợp với xu thế khách quan. Phan Tứ là một trong số các
nhà văn nhạy bén trước yêu cầu đổi mới văn học. Là nhà văn trực tiếp sống và
sáng tác gắn bó với hai cuộc kháng chiến, với tham vọng kế tiếp truyền thống
của khuynh hướng văn học mang tính chất sử thi với yêu cầu cách tân, đổi
mới xuất phát từ hiện thực đời sống rộng lớn và phức tạp của đất nước sau
1975, Phan Tứ ôm ấp, nghiền ngẫm và cho ra đời bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ
Người cùng quê. Tác phẩm ra đời trước khi cả một nền văn học bước vào thời
kỳ đổi mới thật sự và sâu rộng từ năm 1986. Có thể coi Người cùng quê như
một trong những sáng tác có ý nghĩa “dò đường” góp phần cho sự đổi mới
mạnh mẽ về sau. Vì vậy, việc nghiên cứu đổi mới cách nhìn con người trong
bộ tiểu thuyết này sẽ giúp chúng ta thấy được quan điểm thẩm mĩ của nhà văn
Phan Tứ trong dòng vận động đổi mới của văn học dân tộc.
Chính vì lẽ đó, chúng tôi chọn đề tài: “Sự đổi mới cách nhìn về con người
trong tiểu thuyết Người cùng quê của Phan Tứ” để tìm hiểu và nghiên cứu.

2. Lịch sử vấn đề
Phan Tứ đã gặt hái được nhiều thành công lớn trên con đường sáng tạo
nghệ thuật. Trước 1975, tên tuổi của nhà văn gắn liền với tiểu thuyết sử thi
gây tiếng vang lớn trong dư luận. Khác với nhiều nhà văn cùng thời, Phan Tứ
không “tô hồng” hiện thực chiến tranh. Trong sáng tác của nhà văn, hiện thực

cuộc sống con người Việt Nam luôn sống động, chân thực. Bàn về vấn đề con
người trong sáng tác của Phan Tứ đã có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu:


4

2.1. Những công trình, bài viết liên quan đến vấn đề con người trong
sáng tác của nhà văn Phan Tứ trước 1975
Trong bài viết của Trần Đăng Suyền (1983) nhan đề: Phan Tứ với
những tiểu thuyết viết về chiến tranh (Văn nghệ Quân đội, số 9), tác giả cho
rằng: “Phan Tứ không tìm đến những điển hình nguyên mẫu anh hùng có sẵn
ngoài đời mà chú ý nhiều hơn tới những con người bình thường trong cuộc
sống” [92, tr.988], nhà văn chú ý “quá trình vươn tới chủ nghĩa anh hùng
cách mạng của những con người bình thường và cả những người lạc hậu
nữa” [92, tr.987]. Tác giả bài viết cũng nhận thấy hướng khai thác trong tiểu
thuyết của Phan Tứ là toàn bộ đời sống xã hội, đạo đức, tâm lý, tính cách của
con người chịu ảnh hưởng nhiều bởi chiến tranh. Chiến tranh chính là môi
trường để sàng lọc, phân hóa con người trong sáng tác của Phan Tứ. Bên cạnh
đó, Phan Tứ không chỉ miêu tả mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp đối
kháng mà còn chú ý tới thế giới bên trong của từng cá nhân, sự “giằng xé
trong mỗi con người”. Đánh giá về nhân vật trong tác phẩm của Phan Tứ, tác
giả Hoàng Mạnh Hùng (2004) trong Tiểu thuyết sử thi Việt Nam 1945- 1975
(Luận án Tiến sĩ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), nhận định rằng: những sáng
tác của Phan Tứ như Gia đình má Bảy, Mẫn và Tôi đã quan tâm đến số phận
con người và “là con người mang vẻ đẹp văn hóa, đã tiến gần tới những nhân
cách trong văn học” [43, tr.60]. Phạm Ngọc Hiền (2007) trong Thi pháp tiểu
thuyết sử thi Việt Nam 1945- 1975 (Luận án Tiến sĩ, Đại học KHXH&NV,
ĐHQG Hà Nội), khi trình bày quan niệm nghệ thuật về con người trong sáng
tác văn học trước 1975, trong đó có tác phẩm của Phan Tứ, tác giả phân loại
quan niệm về con người gồm: con người đa diện và con người anh hùng. Tác

giả nhấn mạnh: “Phan Tứ quan niệm về con người không đơn giản, phiến
diện như hàng loạt nhà văn cùng thời” [37, tr.132]. Tức là con người vừa có
mặt tốt vừa có mặt xấu. Tào Thị Hải (2006) trong công trình Yếu tố sử thi


5

trong sáng tác của Phan Tứ (Luận văn tốt nghiệp, ĐH Vinh), chỉ ra nhân vật
của Phan Tứ “thường có lai lịch, có quá trình và phát triển trong sự tác động,
chi phối nhiều chiều của hoàn cảnh và những mối quan hệ đa dạng, đa chiều,
nhiều khi phức tạp” [28, tr.33].
2.2. Những công trình, bài viết liên quan đến vấn đề con người trong tiểu
thuyết Người cùng quê của Phan Tứ
Với Phan Tứ, con người luôn là đối tượng trung tâm của sự phản ánh
thông qua các sự kiện lịch sử, đời sống xã hội. Điều đó được nhà văn gửi gắm
nhiều vào bộ tiểu thuyết sử thi trường thiên Người cùng quê của đời mình.
Tác phẩm ra đời vào những ngày tháng cuối đời của nhà văn, trong thời kỳ
đất nước hòa bình nên điểm nhìn về con người của nhà văn có sự thay đổi.
Nhà nghiên cứu Đoàn Xoa (1985) trong Hội thảo về bộ tiểu thuyết “Người
cùng quê” của nhà văn Phan Tứ (đăng trên báo Quảng Nam – Đà Nẵng),
nhận xét rằng, trong Người cùng quê: “các nhân vật có cùng một quê hương,
mất nước và đói nghèo do bị áp bức bóc lột dã man, họ có những tâm trạng
khác nhau và cùng đi làm cách mạng. Họ đã đạt được mục đích trên con
đường đi là giải phóng cuộc đời họ khỏi ách thống trị của đế quốc và phong
kiến”. Theo tác giả, độc giả ở Quảng Nam – Đà Nẵng đã thấy được Người
cùng quê phản ánh hiện thực không khí cách mạng sục sôi thời kỳ tiền khởi
nghĩa và Cách mạng tháng Tám ở miền Trung lúc ấy cùng với những con
người chung một lí tưởng cách mạng. Họ đã trở thành những người làm chủ
lịch sử, làm chủ số phận của mình.
Lê Thị Đức Hạnh trong Lê Khâm – Phan Tứ…(in lại trong sách Mấy

vấn đề trong văn học Việt Nam hiện đại, Nxb KHXH Hà Nội, 1999) có
nhận xét tinh tế về Người cùng quê: “Truyện được viết công phu, đề cập nhiều
vấn đề thông qua nhiều loại nhân vật: tốt có, xấu có, trung gian có” [34,


6

tr.331]. Tức là Phan Tứ xây dựng nhiều loại nhân vật khác nhau trong tính
phức tạp, đa dạng như hiện thực đời sống đang diễn ra. Nhà nghiên cứu Đặng
Tiến (Việt kiều Pháp) lại quan tâm đến khía cạnh khác của Người cùng quê.
Đó là tính chân thật của tác phẩm: “nhân vật của anh, từ chính diện đến phản
diện đều có thể là bà con, cô bác hay bạn bè tôi” [34, tr.333]. Đó là những
con người của cuộc sống đời thường mà quanh ta đều bắt gặp. Cũng đề cập
tới tính chân thật trong xây dựng hình tượng nhân vật của Người cùng quê,
nhà văn Thanh Quế (1994) trong bài Lang thang với Phan Tứ (báo Đà
Nẵng), cho rằng: “Viết đúng sự thật, đã chứng minh người cộng sản như
những người khác, chỉ khác lý tưởng. Anh không hạ thấp nhân vật hoặc đề
cao nhân vật, anh viết đúng như nhân vật” [88]. Nhận định của Thanh Quế
cho người đọc thấy được sự khác biệt của Phan Tứ so với nhiều nhà văn khác
cùng thời. Trong khi đa số nhà văn miêu tả người cộng sản là những anh hùng
sử thi đẹp toàn diện thì Phan Tứ miêu tả cả cái bình thường, đời thường trong
những con người ấy. Nhân vật của Phan Tứ phát triển tính cách như nó vốn
có, có mặt tích cực, có mặt tiêu cực.
Mai Hương (2002) trong Lê Khâm – Phan Tứ – Nhà văn chiến sĩ (Phan
Tứ toàn tập, T.1, tr.13, Nxb Văn học) nhấn mạnh tính chất cách mạng trong
Người cùng quê: “phản ánh sự trưởng thành của nhiều tầng lớp quần chúng
cách mạng trong suốt cả chặng đường dài lịch sử dân tộc từ trước và sau
cách mạng tháng Tám” [45, tr.24]. Trong bão táp cách mạng, nhân vật của
Phan Tứ thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi đều trải qua những thử thách và
trưởng thành nhanh chóng. Nguyễn Văn Kha (2006) trong cuốn Đổi mới

quan niệm về con người trong truyện Việt Nam 1975- 2000 (Nxb ĐHQG
Tp.HCM) đã chú ý tới cách xây dựng mối quan hệ con người của Phan Tứ:
“Trong Người cùng quê…các nhân vật có quan hệ không xuôi chiều, khó
phân biệt thành hai tuyến địch – ta, tốt – xấu, thiện – ác” [50, tr.57], con


7

người được đặt trong mối quan hệ đan xen. Tác giả khẳng định con người
trong tác phẩm không chỉ là “con người trong lịch sử bị phong trào sự kiện
lịch sử cuốn hút mà con người được nhìn nhận là chủ thể của lịch sử” [50,
tr.27], quan tâm tới yếu tố cách mạng trong mỗi con người. Chính ý thức lịch
sử trong bản thân con người đã tạo nên đời sống tự nhiên của các nhân vật
trong Người cùng quê.
Từ các công trình nghiên cứu về sáng tác của nhà văn Phan Tứ, chúng tôi
nhận thấy rằng, các tác giả đều có chung nhận xét: nhà văn nhìn con người
không phiến diện, tránh được sự dễ dãi trong xây dựng nhân vật. Trong tác
phẩm Người cùng quê, các tác giả tiếp cận ở khía cạnh con người cách mạng
và sự trưởng thành của con người qua các thời kì lịch sử một cách khái quát
nhất, đề cập đến tính chân thật trong cách xây dựng nhân vật, mặt phức tạp –
sự đan xen các mối quan hệ trong đời sống con người.
Trên cơ sở tiếp thu thành tựu nghiên cứu của người đi trước, người viết
tập trung nghiên cứu sự đổi mới cách nhìn về con người của nhà văn trong
tiểu thuyết Người cùng quê.

3. Giới hạn, phạm vi đề tài
Do tính chất của đề tài, trong khuôn khổ luận văn thạc sĩ, chúng tôi chỉ
nghiên cứu cách nhìn mới về con người trong tác phẩm Người cùng quê sau
1975 của Phan Tứ để thấy được sự đổi mới cách nhìn về con người của nhà
văn so với giai đoạn trước 1975.

Luận văn giới hạn tập trung nghiên cứu tiểu thuyết Người cùng quê của
Phan Tứ. Tuy nhiên, chúng tôi mở rộng sự khảo sát đến một số tiểu thuyết
như Ván bài lật ngửa, Hạt mùa sau, Giấy trắng để người đọc thấy được
không khí văn học đang có sự vận động đổi mới. Mặt khác, để có cái nhìn đối


8

sánh về con người trong sáng tác trước và sau năm 1975 của Phan Tứ, chúng
tôi mở rộng, tìm hiểu các tiểu thuyết của nhà văn trước 1975 như: Trước giờ
nổ súng, Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai đề tài, luận văn còn có tham khảo
một số tác phẩm khác của các nhà văn tiêu biểu, với mong muốn làm sáng tỏ
hơn sự đổi mới về cách nhìn con người của Phan Tứ.

4. Phương pháp nghiên cứu
Căn cứ vào mục đích của đề tài, yêu cầu của đối tượng nghiên cứu, luận văn
sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
4.1. Phương pháp cấu trúc – hệ thống: Đặt tiểu thuyết Người cùng quê trong
hệ thống sáng tác của Phan Tứ, hệ thống tác phẩm tiểu thuyết cùng thời, trong
bối cảnh lịch sử xã hội, luận văn làm sáng tỏ hơn điểm riêng biệt trong cách
nhìn về con người của Phan Tứ.
4.2. Phương pháp lịch sử: Nhân vật trong tiểu thuyết sử thi là sản phẩm của
lịch sử. Hoàn cảnh chiến tranh chuyển sang thời hòa bình, những biến động
về kinh tế - xã hội, qua lăng kính cảm thụ hiện thực của nhà văn đều để lại
dấu ấn trong tác phẩm và nhân vật. Vì vậy, khi nghiên cứu sự đổi mới cách
nhìn về con người của Phan Tứ trong Người cùng quê cần sử dụng phương
pháp lịch sử để tìm hiểu.
4.3. Phương pháp so sánh: Mỗi giai đoạn sáng tác, nhà văn có thẩm mĩ nghệ
thuật riêng. Bằng việc so sánh với tư duy nghệ thuật của nhà văn trước 1975,

sẽ giúp chúng ta thấy được sự đổi mới cách nhìn của nhà văn về hiện thực
cuộc sống, nhất là hiện thực con người. Sử dụng phương pháp này, người đọc
thấy sự khác biệt thẩm mĩ nghệ thuật giữa Phan Tứ và các nhà văn cùng thời,
thấy được nét riêng của Phan Tứ về cách nhìn con người.


9

4.4. Hướng tiếp cận thi pháp học: Luận văn sử dụng các kiến thức về thi
pháp học để phân tích các yếu tố hình thức của tác phẩm như thời gian –
không gian, kết cấu – cốt truyện, ngôn ngữ cũng như cách xây dựng nhân vật
của Phan Tứ, qua đó làm sáng tỏ hơn cái nhìn đổi mới về con người sau năm
1975 trong tiểu thuyết Người cùng quê của nhà văn.

5. Đóng góp mới của luận văn
5.1. Trong những năm qua, nhiều bài viết, bài nghiên cứu về Phan Tứ đánh
giá vị trí cũng như đóng góp của ông đối với nền văn học nước nhà. Với đề tài
này, luận văn của chúng tôi mong muốn cung cấp cho độc giả một cái nhìn
mới của nhà văn Phan Tứ về con người sau 1975.
5.2. Thông qua việc phân tích các biểu hiện của sự đổi mới trong cách nhìn
con người của nhà văn, chúng tôi khẳng định sự đổi mới cách nhìn con người
trong bộ tiểu thuyết này là phù hợp với xu hướng vận động đổi mới về quan
niệm con người trong văn học thời kỳ mới. Từ đó góp tiếng nói khẳng định sự
đóng góp của Phan Tứ cho sự vận động đổi mới của văn học Việt Nam sau
1975.

6.Cấu trúc của luận văn

Ngoài phần Dẫn nhập (10 trang), Kết luận (4 trang), Tài liệu tham


khảo (gồm 141 mục), Phụ lục (14 trang), luận văn gồm ba chương chính:
Chương 1: Nhà văn Phan Tứ và hoàn cảnh sáng tác tiểu thuyết Người cùng
quê
Ở chương này, chúng tôi trình bày cuộc đời cũng như đóng góp trong
sự nghiệp văn chương của Phan Tứ; sự ra đời của bộ tiểu thuyết Người cùng
quê trong bối cảnh xã hội Việt Nam sau 1975 có nhiều thay đổi và không khí
văn học sau 1975 (trong phạm vi tiểu thuyết) đang có sự vận động đổi mới.


10

Chương 2: Sự đổi mới cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng
quê từ phương diện nội dung
Tiếp tục cảm hứng sử thi trong tiểu thuyết trước 1975, tiểu thuyết Người
cùng quê khám phá những chiều kích của đời sống con người Việt Nam, thể
hiện cái nhìn nhân văn của Phan Tứ. Con người được nhìn nhận từ bình diện
cá nhân, đặt trong những mối quan hệ đan xen, có niềm khát khao tận hưởng
về tình yêu và hạnh phúc.
Chương 3: Sự đổi mới cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng
quê từ phương diện nghệ thuật
Cùng với sự đổi mới cách nhìn về con người, trong tiểu thuyết Người
cùng quê nhà văn Phan Tứ sử dụng những biện pháp nghệ thuật miêu tả thời
gian, không gian gắn với sự vận động của con người; xây dựng kết cấu đa
tuyến; ngôn ngữ mang tính cá thể.


11

Chương 1
NHÀ VĂN PHAN TỨ VÀ HOÀN CẢNH SÁNG TÁC

TIỂU THUYẾT NGƯỜI CÙNG QUÊ
1.1. Cuộc đời nhà văn Phan Tứ
Phan Tứ là một trong những nhà văn có quan niệm sống và làm việc hết
sức nghiêm khắc, thẳng thắn, trung thực. Đó là đức tính mà ông được thừa
hưởng từ người cha của mình. Cả cuộc đời ông gắn bó với đề tài chiến tranh
bằng nhiệt huyết: “Cuộc đời tôi từ hồi 14 tuổi cho đến nay 64 tuổi hoàn toàn
là sống trong chiến tranh, cho nên tôi rất tha thiết viết về chiến tranh. Viết ra,
hay dở còn tùy bạn đọc. Tôi chỉ muốn nói một điều thôi: Không ai ép mình đi
theo kháng chiến chống Pháp, không ai ép mình đi theo kháng chiến chống
Mỹ thì bây giờ cũng không ai ép mình viết cả... Chỉ ân hận là đã không kịp
làm trọn công việc...” [136].
Phan Tứ tên thật là Lê Khâm, con thứ 4 trong gia đình, nguyên quán xã
Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông sinh ra trong một gia đình
trí thức yêu nước: cha là Lê Ấm (1897-1976), từng làm Đốc học ở trường
Quốc học Huế, mẹ là bà Phan Thị Châu Liên - con gái đầu của nhà Chí sĩ
Phan Châu Trinh. Tuy sinh ở Bình Định nhưng suốt thời niên thiếu, Phan Tứ
lại sống ở quê cha, xã Quế Phong, Quế Sơn, Quảng Nam. Bản thân ông từ
nhỏ đã giỏi về môn văn và tiếng Pháp. Năm 15 tuổi, ông tham gia hoạt động
trong đội tuyên truyền xung phong của tỉnh Quảng Nam, làm liên lạc chuyển
tài liệu, báo chí bí mật và tham gia cướp chính quyền ở địa phương trong
Cách mạng tháng Tám.
Năm 1950, ông nhập ngũ, được kết nạp vào Đảng (20/3/1950), theo
học Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, phân hiệu Trung Bộ, học tập huấn


12

luyện ở vùng Cồn Kênh - Thanh Hóa. Cùng với cặp kính cận luôn “ngự” trên
đôi mắt tươi cười, Phan Tứ là một con người nhiều tài năng, hát hay, đàn giỏi,
viết báo tường cho đơn vị rất hấp dẫn và luôn chan hòa với mọi người, đặc

biệt với nhân dân vùng đóng quân. Cuối năm 1951, ông được phân công theo
đội quân tình nguyện Việt Nam sang chiến đấu ở chiến trường Hạ Lào. Năm
1954, ông từ Hạ Lào hành quân về Cảng Quy Nhơn tập kết ra Bắc, nén lòng
không ghé thăm gia đình đang sống ở miền Tây Quảng Nam. Những tháng
ngày gian khổ ở Lào được nhà văn ghi lại qua dòng hồi tưởng trong nhật ký
chiến trường về những trải nghiệm của ông: “Những cuộc hành quân dưới
nắng trời gay gắt, trong những cơn khát ghê gớm, đi trên những đường mòn
đầy sỏi đá làm trầy da chân, làm phồng dộp và sưng húp chân. Uống nước thì
là nước ao, phải rẽ lăng quăng và nòng nọc để múc. Các cuộc hành quân trên
cao nguyên Bôlôvên: lạnh đến rung cả rừng núi…đỉa và vắt vô kể, thiếu thuốc
hút, cháo nấu với măng rừng cho qua bữa” [53, tr.62]. Ba năm ở Lào, nhà
văn đã tích lũy cho bản thân vốn sống từ thực tiễn đấu tranh đầy khó khăn
gian khổ. Thực tế đó giúp ông sáng tác thành công hai tiểu thuyết lớn Bên kia
biên giới, Trước giờ nổ súng. Phan Tứ chính thức bước vào sự nghiệp văn học
với hai tác phẩm viết về chiến trường Lào, đặc biệt Trước giờ nổ súng dịch ra
tiếng Lào và xây dựng kịch bản phim “Bản anh hùng ca số 5” được bạn Lào
đánh giá tốt.
Năm 1958, ông theo học khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Kể từ
đây, trong con người của Phan Tứ có sự kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa nhà văn
và chiến sĩ cách mạng. Lớp học có 25 sinh viên và 6 lưu học sinh, duy nhất
Phan Tứ là người có tác phẩm đã xuất bản (Bên kia biên giới). Phan Tứ được
bầu làm tổ trưởng tổ sáng tác. Phan Tứ nổi tiếng: “Khắc khổ. Điều độ. Mực
thước”. Trong thời gian này, ông vừa học vừa viết tiểu thuyết Trước giờ nổ


13

súng. Đặc biệt khả năng ghi chép của nhà văn được anh Nùng – bạn học cùng
lớp cam đoan chưa có nhà văn nào ghi nhiều, bền bỉ như Phan Tứ bất kể lúc
nào (giờ nghỉ, xem diễn văn nghệ…), thời gian biểu chặt chẽ thực thi như kỉ

luật quân sự, học tập chăm chỉ, nghiêm túc và học đều các môn kể cả môn
khó nuốt như ngôn ngữ, tiếng Nga.
Sau khi tốt nghiệp năm 1961, hiện thực cách mạng miền Nam luôn giục
giã thôi thúc ông “trở về”, “vào trong kia”, “lên chiến khu”, Phan Tứ đã trở
lại công tác tại chiến trường miền Nam, làm phái viên tuyên truyền khu ủy
Liên khu V, ủy viên đảng đoàn Văn nghệ Khu 5 và viết văn dưới bút danh
Phan Tứ. Tuy được cấp chế độ sinh hoạt của cán bộ nhưng thiếu thốn quá
nhiều, Phan Tứ phải tự xoay sở tìm chỗ sáng tác (nóc ông Bền – làng
Thượng), tìm kiếm lương thực. Vừa chống chọi với khó khăn trong thời chiến
tranh (sốt rét, thiếu lương thực, bom đạn..), ông vừa sáng tác với khát khao:
“viết được một tiểu thuyết về miền Nam chiến tranh”. Từ thực tiễn sáng tác,
nhà văn tự rút ra nhược điểm của bản thân: “tìm cảm hứng trong những tình
huống đặc biệt và nhân vật kiệt xuất và không đi sâu vào những mâu thuẫn
giữa người và người với những tình tiết tế nhị hoặc thô thiển” [53, tr.95]. Để
có cái nhìn hoàn thiện hơn, Phan Tứ quyết định đi thực tế ở Kỳ Liên. Sống
bên cạnh đồng bào, đồng chí của mình, Phan Tứ luôn tâm niệm rằng phải:
“tắm mình trong cuộc sống, vừa chung tay xây dựng nó, vừa rèn giũa mình,
chắt chiu gạn lọc mỗi ngày đêm lấy vài nét độc đáo của nó, không ngừng suy
nghĩ và cảm xúc về nó, nghiền ngẫm tìm cách tái hiện nó” [45, tr.16-17].
Chính ý thức ấy, quan niệm về đời, về nghề ấy đã thúc đẩy Phan Tứ gan góc
bám thực tế, bám phong trào “trải đời, trải đạn” và viết văn. Nhà văn “tắm
mình trong cuộc sống” bằng cách xông pha, lăn lộn với thực tế chiến trường,
tìm hiểu những hoàn cảnh khác nhau và những con người cụ thể cũng như


14

chia sẻ đau thương mất mát với họ. Vì thế, ông có điều kiện hiểu về con
người cách mạng hơn.
Năm 1962, thời kỳ đau khổ tột cùng của nhân dân miền Nam chống càn

của Mỹ – Diệm, Phan Tứ tham gia tổ chức đấu tranh du kích, tiếp xúc với
những con người, những cuộc đời trong những tình huống cụ thể, khốc liệt.
Những khó khăn liên tiếp xảy ra, đấu tranh chính trị ở Kỳ Khương, chống
khủng bố trắng, chống càn ở Kỳ Thanh, tham gia võ trang tuyên truyền…
Phan Tứ đã thanh thản sống và vượt qua tất cả mọi thử thách. Ông đã ghi lại
một cách cảm động tâm sự của ông trong những ngày thật đáng nhớ: “Tôi
không băn khoăn gì trước những khó khăn ấy, bởi thực tế cách mạng miền
Nam cuốn hút tôi rất dữ dội. Tôi đã sống lại những năm tháng vừa chiến đấu
vừa xây dựng cơ sở hạ Lào hồi chống Pháp, nhưng sung sướng hơn trước
nhiều là tôi đang hoạt động trên đất quê hương mà tôi luôn thương nhớ”
[120, tr.82]. Sau đó, ông tiếp tục cuộc hành trình đi trường Tân binh 27, tổ
chức lớp học của cán bộ tuyên truyền xã. Trên đường hành quân tới Nóc ông
Thiêng, chứng kiến đồn Trà My giặc bị tiêu diệt, Phan Tứ dấy lên suy nghĩ
thích chiến đấu trực tiếp hơn là làm công tác chính trị và ông “đã hoàn toàn
tự nguyện dấn thân vào những nguy hiểm này”. Nằm trong bệnh viện vì sốt
rét tái phát nhưng ông vẫn không ngừng ghi chép và sáng tác. Vì sự thật cuộc
sống chiến trường vô cùng khắc nghiệt, chỉ “một mảnh bom, một viên đạn lạc,
một cơn sốt biến chứng có thể bẻ gẫy ngòi bút bất cứ lúc nào” [120, tr.82-83].
Chưa có điều kiện viết tác phẩm dài hơi: “cuốn tiểu thuyết dài ông hằng ao
ước được viết đang lớn dần lên trong óc”, nhưng ông đã phải gác lại để phục
vụ cuộc chiến đấu trước đã. Qua quá trình chiến đấu, học tập, nhà văn cũng
phát hiện ra mặt trái của tấm huy chương, mặt trái của con người.


15

Năm 1963, địch càn trên quy mô lớn và dữ dội. Nhà văn quay trở lại
sống ở cơ sở cách mạng, tham gia Đại hội đại biểu Đảng bộ Đảng nhân dân
cách mạng Tam Kỳ, Đại hội du kích huyện Tam Kỳ, nghe báo cáo các gương
điển hình…Tham gia công tác Mỹ vận, Phan Tứ tự trau dồi vốn tiếng Anh

nhưng ông cũng tự thú: những câu chuyện ăn chơi của tên lính Mỹ đã gợi cho
ông nhớ lại cuộc sống bình yên ngày trước. Điều đó làm ông trở nên khó tính
trước các trở ngại và sự thiếu thốn.
Năm 1966 do sức khỏe yếu và chịu ảnh hưởng bởi tác động của chất độc
hóa học, ông được đưa ra Bắc để chữa bệnh, công tác tại Hội Liên hiệp Văn
học nghệ thuật Việt Nam, giữ chức quyền Tổng biên tập Nhà xuất bản Giải
phóng. Bảy năm ở miền Bắc làm công tác đối ngoại, sáng tác và hoạt động
trong Hội nhà văn, ông tiếp tục ghi thêm 15 cuốn sổ nhật ký với 2400 trang về
thực tế đời sống và hoạt động chiến tranh phá hoại, viết bằng cả các thứ tiếng
Anh, Pháp, Lào và tiếng Nga. Trong nhật ký chiến trường của Phan Tứ, đây
đó ta bắt gặp những dòng thể hiện quyết tâm và lối sống luôn đặt ra định mức
của ông. Như có chỗ ông ghi hướng phấn đấu: “Ít nhất một năm không sốt
rét”, hoặc “Viết một truyện trong ba tháng”.
Tháng 12 năm 1974, nhà văn - chiến sĩ Phan Tứ đi B lần hai để sống tiếp,
để lấy tài liệu cho cuốn tiểu thuyết mà ông dốc toàn bộ sức lực, tài năng để
“chơi một canh bạc lớn trong đời văn nghiệp của mình”; tham gia chiến dịch
tổng tiến công 1975 và đi thực tế các tỉnh Nam Bộ.
Từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 2 năm 1980, ông về sinh sống và làm
việc tại quê hương Quảng Nam. Ông từng là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật
tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn, Ủy viên
Ban Thư ký (Ban thường vụ) Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa III.


16

Từ 1993 đến tháng 4 năm 1995 ông chữa bệnh do hậu quả chất độc màu
da cam, tiếp tục hoàn thành bộ tiểu thuyết Người cùng quê.
Ngày 17 tháng 4 năm 1995 tại thành phố Đà Nẵng, Phan Tứ từ trần khi
còn dang dở bộ tiểu thuyết Người cùng quê. Tang lễ của ông được tổ chức tại
Nhà Văn hóa trung tâm TP Đà Nẵng, đã có một vòng hoa viếng của bạn đọc

có dòng chữ “Mẫn và tôi sống mãi ”.

1.2. Sự nghiệp văn chương
1.2.1. Quá trình sáng tác
Sự nghiệp văn chương của nhà văn Phan Tứ là một hành trang gắn liền
với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ của dân tộc. Từ truyện
ngắn Một ngày bên đồn địch, tiểu thuyết Bên kia biên giới, Trước giờ nổ súng
viết về kháng chiến chống Pháp đến những tác phẩm ra đời ngay trong khói
lửa của cuộc kháng chiến chống Mĩ: Về làng, Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi,
Trại S.T.18 và Người cùng quê như một bộ biên niên sử phản ánh trung thực
những bước đi đầy khó khăn nhưng tất thắng của cách mạng miền Nam.
Trước khi viết cái gì ông đều làm đề cương chi tiết đưa bạn bè đọc, cấp trên
xem xét và góp ý. Cuộc sống quân ngũ khắc nghiệt đã rèn cho Phan Tứ một
nếp sống chặt chẽ, ngăn nắp và điều này ảnh hưởng tới phong cách sáng tác
của ông. Đó là “phong cách hiện thực tỉnh táo”. Bên cạnh đó, theo tác giả
Trần Đăng Suyền thì ngòi bút Phan Tứ có “cái duyên thầm, đôi khi pha chút
hóm hỉnh”. Nhà văn đặt ra chỉ tiêu một tháng một truyện ngắn, hai mươi trang
tiểu thuyết. Vì vậy cuối đời, Phan Tứ có số lượng tác phẩm phong phú, dày
dặn.
Sau truyện ngắn đầu tay Một ngày bên đồn địch (1957) chưa gây được
tiếng vang lớn, đến năm 1958 ông cho xuất bản tiểu thuyết Bên kia biên giới.


17

Theo Nguyễn Gia Nùng – người bạn của Phan Tứ đã kể lại tâm sự của nhà
văn: “sở dĩ anh viết Bên kia biên giới vì sau những năm tháng tham gia chiến
đấu chống Pháp ở nước bạn Lào, anh bị thương, có một thời gian dài phải
nằm điều trị trong bệnh viện. Thời gian ấy, anh có điều kiện đọc nhiều sách
nhất. Tủ sách của bệnh viện và sách nhờ bạn bè tìm giúp anh đều đọc hết và

anh rất ngạc nhiên là chưa thấy có sách nào viết về bộ đội tình nguyện Việt
Nam chiến đấu ở chiến trường Lào” [86, tr.315].Từ trên giường bệnh, Phan
Tứ âm thầm “thai nghén” tác phẩm này và ít lâu sau khi ra viện ông cho xuất
bản. Ông kể rằng: “Khi ra Bắc tập kết, tụi mình đóng quân ở miền tây Nghệ
An. Ngoài lúc luyện tập, làm công tác dân vận, rảnh rỗi mình ngồi ghi lại
những chuyện hồi mình sống ở Lào. Lúc đầu, mình lấy tên tập bản thảo đó là
Những người tình nguyện….. Mình phải viết đi viết lại tới bốn lần, đến năm
1958 mới được in với tên Bên kia biên giới” [89, tr.868]. Khi theo học trường
Tổng hợp, nhà văn bắt tay vào viết và hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ hai với
tay nghề vững vàng hơn: Trước giờ nổ súng cũng lấy đề tài từ cuộc sống và
chiến đấu của bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Lào. Qua hai tác phẩm, nhà
văn đã đặt ra vấn đề nóng bỏng về chiến tranh, về tinh thần Quốc tế vô sản,
tinh thần đoàn kết giữa hai dân tộc. Cả hai tiểu thuyết trên đều ca ngợi, biểu
dương chủ nghĩa anh hùng cách mạng cũng như phê phán mặt tiêu cực, thoái
hóa của nhân vật chiến sĩ.
Năm 1960, ông cho xuất bản tập truyện ngắn Trở về Hà Nội và tiểu thuyết
Trước giờ nổ súng. Trong gần 7 năm ở miền Bắc, Phan Tứ “luôn hình dung
miền Nam là một kho thuốc súng đang đợi châm ngòi, chỉ cần một mồi lửa gí
vào là Mỹ - ngụy tan xác ngay” [120, tr.83]. Nhưng khi ông đi phát động quần
chúng ở khu V thì thấy thực tế không đơn giản như vậy. Ông nghĩ rằng nên có
bài viết về một mặt khác của hiện thực: “quá trình vươn tới chủ nghĩa anh


18

hùng cách mạng của những con người bình thường và cả những người lạc
hậu nữa” [120, tr.84]. Về làng (1964) ra đời trong hoàn cảnh đó, gồm 12
truyện ngắn với bút pháp hiện thực già dặn, sắc sảo, kết cấu gọn gàng và lời
văn trong sáng đã đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình sáng tạo nghệ
thuật của ông. Nhân vật được xây dựng từ góc độ chuyển biến tư tưởng qua

những băn khoăn vướng mắc, cuối cùng tìm ra con đường đi theo cách mạng.
Tuy nhiên những nhân vật có tính bi kịch chưa được khai thác sâu vào tâm
trạng với những dày vò quá phức tạp. Theo Nguyên Ngọc thì “Những sáng
tác này của Phan Tứ có liên quan máu thịt với cuộc tranh cãi quyết liệt mà
anh - và tất cả chúng tôi lao vào hồi bấy giờ. Vấn đề nóng bỏng nhất lúc này
là đánh giá quần chúng, nhận thức về quần chúng và bao giờ cũng vậy quan
trọng nhất là nhận thức về các khối quần chúng ấy, quần chúng trung gian,
đông đảo, “số đông im lặng”. Họ sẽ đi với ai trong bão tố này?” [78, tr.368].
Phan Tứ đã nói về ý định đặt tên tập truyện ngắn Về làng: “cái tên ấy cũng
phản ánh nỗi khát khao của tôi trong những năm dài chiến đấu ở Hạ Lào và
tập kết ra miền Bắc: tôi ao ước được về đánh giặc ngay trên làng quê tôi,
vùng đồng bằng Quảng Nam thân yêu” [120, tr.85].
Từ cuối năm 1962, Phan Tứ trở về Tứ Mỹ sống tại cơ sở gia đình cách mạng
(nhà bà Tôn). Tại đây, Phan Tứ đã “thai nghén” quyển tiểu thuyết Gia đình
má Bảy. Gia đình má Bảy là bức tranh toàn diện và sâu sắc, phản ánh cách
mạng miền Nam trong bước ngoặt lịch sử những năm 1960 - 1961. Với tiểu
thuyết này, Phan Tứ đã tái hiện con đường đi tới chủ nghĩa anh hùng cách
mạng của tập thể quần chúng thông qua nhân vật trung tâm là bà mẹ của một
gia đình. Tiểu thuyết này đã khắc phục nhược điểm trong cách xây dựng nhân
vật ở Về làng. Nhà văn đã mô tả nhân vật với quá trình phát triển của tính
cách, phân tích tâm trạng trong sự chuyển biến vươn lên phù hợp với không
khí của phong trào đồng khởi. Trong nhật ký chiến trường, Phan Tứ đã ghi lại


19

phác thảo chân dung cho tập “Má Bảy” (tức Gia đình Má Bảy), thấy được quá
trình diễn biến tư tưởng của nhân vật má Bảy:
“ 1. Thôn xóm. Nhà má Bảy
Hình dáng. Tính nết: chăm, thật thà, nói lẹ.

Chồng con. Ruộng đất. Vui và buồn trong đời. Tính nết về già. Thờ Phật.
2. Một tối: (gần Tết, tháng Chạp) Sạn đi ráp về. Đứa cháu con cảnh sát
trưởng Rân. Mẹ con xô xát. Sâm buôn ham tiền ăn diện. Đêm Gành tới. Má
lạy van sợ giết con, rồi sợ địch khủng bố. Sâm hỏi thăm anh. Sau: thấy yên,
liên lạc tiếp. Thuế khóa, học tố.
3. Đêm khởi nghĩa: Trà Thọ nổi trước hai đêm. Mít tinh tố khổ. Sạn lên tố, má
lo. Thấy rầm rộ, hạ uy thế địch, má tin. Thắc mắc sao không cho hợp pháp,
cán bộ gạt (tên Gành, dân biển, vui, hăng, chủ quan, tiểu tư sản). Sạn du kích.
Má nuôi cán bộ. Sâm nữ thanh niên bị nghi quen lính và buôn. Bê an ủi..….”
[53, tr.806-807]. Qua nhiều lần chỉnh sửa, đến cuối tháng 12 năm 1965, Phan
Tứ viết lại và hoàn thành tiểu thuyết Gia đình Má Bảy. Trong tiểu thuyết này,
Phan Tứ “phải “lên gân” mới tăng được độ lãng mạn” [53, tr.442]. “Gia đình
má Bảy được viết bằng tấm lòng của những người chiến sĩ, người con yêu quý
của miền Nam, học tập và trưởng thành trên đất Bắc, trở về quê hương nơi
chôn rau cắt rốn, tôn vinh, ngợi ca má Bảy, bà mẹ anh dũng vô danh đại diện
cho hàng ngàn bà mẹ sau này được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ
Việt Nam anh hùng” [129]. Năm 1968, ông xuất bản tiểu thuyết Gia đình má
Bảy, tập truyện ngắn Trong đám mía.
Tháng 3 năm 1965, giặc Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng rồi vào Chu Lai. Ông
đã xuống vùng nam Tam Kỳ để lấy tài liệu và có một cô gái tên là Phận trong
Ban Tuyên huấn Tam Kỳ dẫn đường cho nhà văn. Cô gái ấy về sau trở thành
nhân vật Mẫn trong tiểu thuyết Mẫn và Tôi. Tiểu thuyết này được sáng tác


20

trên chất liệu trải nghiệm cuộc đời của nhà văn. Tác phẩm tái hiện chân thực
cuộc chiến đấu của Làng Cá thuộc Khu V với đế quốc Mỹ trong hai cuộc
chiến tranh đặc biệt và cục bộ. Trung tâm của truyện là xây dựng những tính
cách anh hùng tiêu biểu cho lớp thanh niên: cô Mẫn – bí thư chi bộ xã Tam

Sa; Thiêm – cán bộ quân chủ lực. Mẫn và tôi đánh dấu một bước phát triển
mới của Phan Tứ về phương diện nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Tác phẩm
đáp ứng được nhu cầu cấp bách của thời đại bấy giờ: “Làm sao có những tác
phẩm lớn để ghi lại những trang sử oanh liệt, những tác phẩm bao quát, miêu
tả lại những giai đoạn lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước này”
(trích lược bài nói chuyện của Thủ tướng Phạm Văn Đồng với anh chị em làm
công tác văn học nghệ thuật ngày 6 - 2- 1973, Báo Văn nghệ, số 314, ngày 79 - 1973). Với Gia đình má Bảy và Mẫn và tôi, “Phan Tứ có tham vọng dựng
lên những bức tranh quy mô rộng lớn, xứng với tầm vóc hoàng tráng của
cuộc chiến đấu đã đi vào lịch sử và làm vang động thế giới” [126, tr.767].
Năm 1972, ông lần lượt cho xuất bản: bút ký Măng mọc trong lửa, tiểu thuyết
Mẫn và tôi. Với Trại S.T.18 (xuất bản 1974) – kết quả của 6 tháng (1963)
công tác tại trại tù binh Mỹ. Dưới hình thức là nhật ký của một phóng viên,
Phan Tứ tái hiện cuộc chiến đấu căng thẳng, không đổ máu nhưng gian khổ
của chiến sĩ giải phóng Việt Nam trong việc huấn luyện tù binh Mỹ. Tác
phẩm là sự cắt nghĩa nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam, của
chân lí cách mạng: “Ta càng đổ máu thì càng khao khát thêm bạn bớt thù, ta
càng nắm chắc phần thắng thì càng đối xử cao thượng với kẻ đang hoặc sẽ
thua trận, ta càng nhân đạo thì chính nghĩa của ta càng tỏa sáng trên trái đất
này”[44]. Sau đêm Đà Nẵng giải phóng (1975), Phan Tứ viết tùy bút Khi cuộc
sống vượt xa ước mơ và hàng loạt bút ký phóng sự phản ánh kịp thời không
khí miền Nam sau những ngày thống nhất. Đến năm 1984 hồi ký Trong mưa
núi ra đời chứa đựng những kỷ niệm không quên trong thời hoạt động cách


×