Tải bản đầy đủ (.pdf) (102 trang)

thế giới nhân vật truyện kể andersen

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.85 MB, 102 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

LÊ THỊ PHƯƠNG THẢO

THẾ GIỚI NHÂN VẬT
TRUYỆN KỂ ANDERSEN

LUẬN VĂN THẠC SĨ

Thành phố Hồ Chí Minh - 2011


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

LÊ THỊ PHƯƠNG THẢO

THẾ GIỚI NHÂN VẬT
TRUYỆN KỂ ANDERSEN
Chuyên ngành: Văn học nước ngoài
MS : 60 22 30

LUẬN VĂN THẠC SĨ

Người hướng dẫn khoa học
TS Nguyễn Thị Anh Thảo

Thành phố Hồ Chí Minh - 2011



LỜI CẢM ƠN
Trước tiên, tôi xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Thảo người
thầy kính mến đã hết lòng hướng dẫn, động viên tôi trong suốt quá trình hoàn thành
luận văn tốt nghiệp.
Xin chân thành cảm ơn quý Thầy Cô trong Khoa Văn học nước ngoài –
Trường Đại học Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh cùng các bạn trong lớp Cao học VHNN
K.19 đã nhiệt tình giúp đỡ tôi trong suốt khóa học vừa qua.
Xin chân thành cảm ơn quý Thầy Cô trong Hội đồng chấm luận văn đã cho
tôi những đóng góp quý báu để hoàn chỉnh luận văn này.
Những lời cảm ơn sau cùng, tôi trân trọng gửi đến gia đình – những người
luôn hết lòng yêu thương, quan tâm và nâng đỡ tôi trong cuộc sống.
TP.Hồ Chí Minh – năm 2011
Lê Thị Phương Thảo


LỜI CAM ĐOAN
Tôi cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi.
Các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng được ai công bố
trong bất kì luận văn nào khác.

Lê Thị Phương Thảo


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU................................................................................................................1
CHƯƠNG 1: ANDERSEN – NGƯỜI KỂ CHUYỆN THIÊN TÀI ...............12
1.1. Thể loại truyện cổ tích của nhà văn .......................................................12
1.1.1. Khái niệm ...........................................................................................12
1.1.2. Đặc trưng thể loại ..............................................................................13
1.1.2.1. Đặc trưng của truyện cổ tích dân gian .......................................13

1.1.2.2. Đặc trưng truyện cổ tích của nhà văn .........................................15
1.1.3. Một số tác giả tiêu biểu .....................................................................16
1.1.3.1. Charles Perrault ..........................................................................16
1.1.3.2. Anh em nhà Grimm .....................................................................18
1.1.3.3. Một số tác giả Việt Nam ..............................................................21
1.2.Tác giả Andersen ......................................................................................23
1.2.1. Hình thái nghệ thuật truyện kể và vai trò vị trí riêng của Andersen23
1.2.2.Yếu tố tự nhiên xã hội ảnh hưởng tài năng của Andersen ..............28
CHƯƠNG 2 : TỪ QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI ĐẾN THẾ
GIỚI NHÂN VẬT CỦA ANDERSEN..............................................................31
2.1.Quan niệm nghệ thuật về con người .......................................................31
2.2. Quan niệm nghệ thuật về con người của Andersen .............................33
2.2.1.Con người – Chủ thể sinh động của cuộc sống và sáng tạo ............33
2.2.2. Con người – Khát vọng cao đẹp về Chân, Thiện, Mĩ ......................36
2.3. Thế giới nhân vật của Andersen ............................................................39
2.3.1. Những nhân vật quen thuộc, gắn bó với cuộc sống con người ......40
2.3.2. Bức tranh thiên nhiên vừa gần gũi, thân thiết vừa bao la kì vĩ ......42
2.3.3. Hình tượng con người trong thế giới đa dạng, muôn màu ............43
2.4. Sức hấp dẫn của truyện kể Andersen thông qua thế giới nhân vật ...44
2.4.1. Nhân vật truyện kể Andersen - Một thế giới cổ tích thần kì dành cho
thiếu nhi .......................................................................................................44
2.4.2. Nhân vật truyện kể Andersen - Một thế giới hiện thực, đời thường của
nhân loại ......................................................................................................48
CHƯƠNG 3 : NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRUYỆN
KỂ ANDERSEN .................................................................................................53
3.1. Thi pháp nhân vật cổ tích .......................................................................53
3.1.1. Nhân vật hành động theo mạch cốt truyện ......................................53
3.1.2. Nhân vật có hành vi mang tính chức năng......................................54
3.1.3. Nhân vật giữ vai trò một chức năng nghệ thuật ..............................55
3.2. Nét đặc sắc trong thi pháp xây dựng nhân vật của Andersen ............55

3.2.1. Sự kế thừa từ truyện cổ tích..............................................................55
3.2.2. Sự sáng tạo của Andesen ..................................................................59
3.2.2.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật .....................................59
3.2.2.2. Nghệ thuật miêu tả tính cách tâm lí nhân vật .............................61
3.2.2.3. Tính triết lí thông qua thế giới nhân vật truyện kể Andersen .....70
KẾT LUẬN .........................................................................................................76


PHỤ LỤC ............................................................................................................80
TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................................92


MỞ ĐẦU
1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
“Tôi tựa hồ như nước, mọi điều chuyển động trong tôi, mọi điều phản chiếu
trong tôi…”
Andersen đã tự nhìn mình như thế trong một bức thư viết vào năm 1855. Trên
mỗi bước đường đi, nhà kể chuyện thiên tài ấy luôn cảm thấy vui sướng và thú vị với
tất cả, dù là lớn lao, vĩ đại, hay nhỏ bé, tầm thường. Chính điều đó đã làm tên tuổi
ông vượt ra khỏi biên giới của đất nước Đan Mạch, để trở thành vĩnh cửu trong lòng
mỗi người đọc trên toàn thế giới.
Trong thế giới nghệ thuật phong phú và đa dạng ấy, Andersen đã tập trung mở
rộng thế giới nhân vật đến mức tối đa. “Nhân vật là nơi tập trung hết thảy, giải quyết
hết thảy trong một sáng tác”(Tô Hoài). Thật vậy, nhà văn sáng tạo ra nhân vật để thể
hiện nhận thức của mình về một cá nhân, một loại người, một vấn đề nào đó của hiện
thực. Nhân vật của Andersen từ con người đến thần linh, loài vật, cỏ cây…tất cả đều
có tiếng nói riêng, tâm hồn riêng, tạo nên một thế giới đa thanh, qua đó ông gởi gắm
nhiều điều từ đơn giản của trẻ thơ đến triết lí sâu xa cho người trưởng thành.
Andersen từ trước đến nay vẫn thường được biết đến như một người kể chuyện
cổ tích thiên tài. Cùng với Charles Perrault của Pháp, anh em nhà Grimm của Đức,

những tác phẩm của Andersen đã làm nức lòng biết bao thế hệ độc giả nhỏ tuổi, đem
đến những bài học giản dị, những ước mơ trong sáng, chân thành… Thế nhưng không
chỉ dừng lại ở đó, đằng sau lớp vỏ cổ tích, sau câu chuyện thần tiên, là trăn trở của
Andersen trước cuộc sống hiện đại, là ước mơ vươn tới Chân, Thiện, Mĩ trong bộn bề
lo toan, vất vả thường nhật. Chính vì thế mà Andersen đã hoàn thành được ý nguyện
của mình, ông nói: “Những truyện ngắn làm tất cả mọi người đều thích thú và làm
xiêu lòng cả những người lớn, theo ý tôi, đó phải là mục đích của người viết truyện ở
thời đại chúng ta. Tôi đã tìm ra con đường dẫn tới tất cả mọi trái tim.”(10, 132).
Và cho đến hôm nay, “mọi trái tim” của người đọc vẫn không ngừng suy tư,
trăn trở. Các nhà nghiên cứu trong những bài viết của mình đã đề cập đến nhiều vấn
đề về Andersen như hình thái truyện kể, sức hấp dẫn về nội dung và nghệ thuật, tính


triết lí độc đáo, trong đó thế giới nhân vật vẫn còn là mảnh đất chờ đợi nhiều sự khám
phá mới mẻ.
Trong khuôn khổ luận văn và trên cơ sở tiếp thu những vấn đề từ các nhà
nghiên cứu trước, chúng tôi sẽ đi sâu vào nghiên cứu về thế giới nhân vật phong phú
và đa dạng của Andersen. Luận văn chắc chắn còn nhiều sai sót, rất mong nhận được
sự đánh giá góp ý từ quý thầy cô và các bạn đồng nghiệp.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Trong phạm vi đề tài, chúng tôi tập trung nghiên cứu về thế giới nhân vật
truyện kể Andersen. Đề tài giới hạn ở những truyện kể của ông và khảo sát ở tập
“Truyện cổ Andersen” do Mạnh Chương dịch(NXB Sài Gòn-1997), và “Truyện cổ
Andersen” do Minh Thu dịch(NXB PHS Sài Gòn-2009). Ngoài ra chúng tôi có liên
hệ so sánh đối chiếu với một số truyện của anh em Grimm, Charrles Perrault, và một
số truyện cổ tích Việt Nam từ « Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam » của Nguyễn
Đổng Chi.

3. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ

Nội dung nghiên cứu của đề tài liên quan đến khái niệm nhân vật, cụ thể là
những nhân vật trong truyện kể Andersen. Ở đây chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các
công trình nghiên cứu về nhân vật văn học, nhân vật trong truyện cổ tích, và các bài
viết về tác giả Andersen cùng thế giới nhân vật của ông.
Đề cập đến vấn đề nhân vật trong tác phẩm văn học, lẽ tất nhiên không thể
không nhắc đến các vấn đề lí luận văn học về nhân vật. Viết về vấn đề này, tác giả
Đoàn Đức Phương trong bài viết “Nhân vật và tính cách” định nghĩa: “Nhân vật văn
học là hiện tượng nghệ thuật mang tính ước lệ, đó không phải là sự sao chụp đầy đủ
mọi chi tiết biểu hiện của con người mà chỉ là sự thể hiện con người qua những đặc
điểm điển hình về tiểu sử, nghề nghiệp, tính cách. Và cần chú ý thêm một điều, khái
niệm nhân vật thường được quan niệm với một phạm vi rộng hơn nhiều, đó không chỉ
là con người, những con người có tên hoặc không tên, được khắc họa sâu đậm hoặc
chỉ thoáng qua trong tác phẩm, mà còn có thể là những sự vật, loài vật khác ít nhiều
mang bóng dáng, tính cách, của con người, được dùng như những phương thức khác
nhau để biểu hiện con người.” [12,159). Ngoài ra, tác giả còn phân loại nhân vật theo


kiểu nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm (xét về vai trò của nhân vật
trong tác phẩm), hay nhân vật chính diện, phản diện (xét về phương diện hệ tư tưởng,
về quan hệ đối với lí tưởng xã hội của nhà văn). Đề cập đến văn học cổ và truyện cổ
tích, tác giả còn nhắc đến kiểu nhân vật chức năng, đó là nhân vật xuất hiện nhằm để
thực hiện một chức năng nhất định nào đó.
Khái niệm nhân vật chức năng được nhiều nhà nghiên cứu tập trung đào sâu
trong các công trình của mình. Đầu tiên phải kể đến nhà nghiên cứu cổ tích người
Nga A.Propp. Trong công trình “Cấu trúc truyện cổ tích”, ông đã chọn một số truyện
cổ tích thần kì và tiến hành so sánh về mặt đề tài. Để làm được điều này, ông đã tách
ra những bộ phận tạo thành của cổ tích thần kì theo thủ pháp riêng, sau đó đem so
sánh các bộ phận tạo thành đó. Kết quả là ông có được hình thái học tức là sự miêu tả
truyện cổ tích theo các bộ phận cấu thành và theo mối quan hệ giữa các bộ phận ấy
với nhau cũng như đối với cái toàn thể. Thông qua một số ví dụ cụ thể thường gặp

trong các truyện cổ tích thần kì:
Ông vua tặng cho chàng trai dũng cảm một con chim ưng. Chim ưng mang
chàng đến một vương quốc khác.
Ông lão cho Xunenko một con ngựa. Con ngựa mang Xunenko đến vương
quốc khác.
Người phù thủy cho Ivan một chiếc thuyền. Chiếc thuyền mang Ivan đến
vương quốc khác.
Nữ hoàng cho Ivan một chiếc nhẫn. Những dũng sĩ từ trong chiếc nhẫn bước ra
và mang Ivan đến vương quốc khác.
Trong những ví dụ trên ta thấy tên gọi có thể thay đổi nhưng hành động của họ
không thay đổi. Do đó có thể kết luận truyện cổ tích thường gắn những hành động
giống nhau cho những nhân vật khác nhau. Nhân vật là những biến số còn hành động
của họ là những hằng số. Propp khẳng định, các nhân vật cổ tích dù đa dạng đến đâu
chăng nữa cũng thường thực hiện những hành động như nhau tuy biện pháp thực hiện
có thể khác. Như vậy, để nghiên cứu truyện cổ tích, vấn đề quan trọng đó là các nhân
vật cổ tích làm gì, còn vấn đề ai làm và làm như thế nào chỉ có tính chất phụ thuộc,
thứ yếu. Và từ những điều này cho phép người nghiên cứu truyện cổ tích dựa theo


những chứ năng của nhân vật hành động. Hay nhân vật cổ tích chính là nhân vật chức
năng.
Tác giả Nguyễn Xuân Đức trong sách “Những vấn đề thi pháp văn học dân
gian”, cũng gọi các nhân vật trong truyện cổ tích là nhân vật chức năng. “Đó là
những nhân vật chưa bộc lộ tính cách rõ ràng, những nhân vật chưa có nội tâm,
thậm chí chưa chú ý tới ngoại hình, tên tuổi, nhân vật cổ tích ít hành động theo suy
nghĩ của mình mà hành động theo những chức năng mà cốt truyện đã định sẵn. Nhân
vật cổ tích thường là những nét nhân cách của một tầng lớp xã hội chứ không phải
của một người”.[13,79]. Từ định nghĩa này tác giả đặt ra một vấn đề quan trọng đó là
khi phân tích một nhân vật cổ tích, chúng ta không thể áp dụng những phương pháp
như khi phân tích một nhân vật của văn học viết, nhân vật tính cách. Nhân vật viết đã

bộc lộ đầy đủ cá tính, tính cách, ngoại hình, nội tâm, nó là nhân vật của một tác phẩm
cụ thể, còn nhân vật cổ tích thì không. Trong bài viết này, tác giả cũng đã đề cập đến
công trình “Hình thái học của truyện cổ tích”của A.Propp, và trên cơ sở tiếp thu
những thành quả nghiên cứu của Propp, ông tiến hành khảo sát nhân vật ở ba dạng
khác nhau: nhân vật hành động trong cái khuôn định sẵn của cốt truyện, nhân vật có
những hành vi mang tính chức năng và nhân vật chỉ giữ vai trò là một chức năng
nghệ thuật. Và ông khẳng định đây là một trong những đặc trưng thi pháp nhân vật
của cổ tích thần kì.
Những điều này có thể áp dụng vào việc nghiên cứu thế giới nhân vật của
truyện kể Andersen. Bởi lẽ, những câu chuyện kể của Andersen luôn gần gũi với
thiếu nhi vì mang đậm màu sắc cổ tích, cho dù những ý nghĩa sâu xa khác của nó thì
người ta vẫn hồn nhiên chấp nhận đó là “truyện cổ tích Andersen”. Hơn nữa, tập
truyện đầu tiên của ông được xuất bản mang tên “Truyện cổ tích cho thiếu nhi”, cho
nên chúng ta không thể bỏ qua những nét đặc điểm thuần cổ tích trong truyện
Andersen. Và trong quá trình xây dựng thế giới nhân vật của mình, Andersen cũng đã
tạo nên một số lượng các nhân vật thuộc thế giới thần tiên, cổ tích với những chức
năng mà các nhà nghiên cứu đã đề cập.
Tác giả Đào Duy Hiệp trong bài viết “Đọc Andersen” đã nhấn mạnh đến sức
hấp dẫn của truyện kể Andersen thông qua một số phương diện nghệ thuật trong thi


pháp truyện kể như nhân vật, cốt truyện, giọng kể…Về nhân vật, ông đã tiến hành
khảo sát các nhân vật mang mẫu gốc của cổ tích, thông qua bốn câu chuyện tiêu biểu
đó là “Nữ chúa tuyết”, “Ip và cô bé Crixtin”, “Người bạn đồng hành”, và “Ông già
làm gì cũng đúng”. Trong đó, chức năng của nhân vật là bất biến, hay hằng số: họ
đều phải trải qua thử thách. Còn trải qua như thế nào là do mỗi sự trợ giúp khá nhau,
mỗi nhân vật khác nhau, đó là những biến số. Ông khẳng định đây là nhân vật chức
năng, các nhân vật có những hằng số về chức năng và biến số về phương tiện thực
hiện chức năng. Ngoài ra tác giả còn phân loại các cách đặt tên cho nhân vật của
Andersen và thống kê những nhân vật có tên gọi giống như cổ tích. Các nhân vật luôn

hành động trong các tình thế tương phản giữa giàu và nghèo, độc ác và lương thiện,
chính và tà, ngay thẳng và gian dối. Ông còn nhận ra nhân vật thiếu nhi chiếm một số
lượng lớn trong các tác phẩm của Andersen, với chất thơ của tuổi thơ rất đậm đặc
trong những hình ảnh và giọng kể. Andersen viết cho trẻ thơ nhưng tôn trọng chúng
đến mức người lớn cũng tìm thấy được mình và say mê trong đó. Đây chính là một
thành công mà không phải ai cũng có thể có được như nhà kể chuyện thiên tài này.
Vấn đề nhân vật của Andersen cũng được đề cập đến trong bài viết của một số
nhà nghiên cứu. Tác giả Lê Thị Thanh Tâm trong bài viết “Bi kịch hồn nhiên trong
truyện cổ Andersen” phát hiện nhân vật đồ vật, động vật rất gần gũi với ngụ ngôn
nhưng có thêm màu sắc của tiểu thuyết, thể hiện ở chất đời thường. Nhân vật của
Andersen như một kiểu mặt nạ, bị hành hạ, bóc trần, thua cuộc mà vẫn cứ là mặt nạ,
trò chơi của tuổi thơ. Các nhân vật vừa là trò chơi của lớp vỏ ngụ ngôn, vừa là thế
giới của con người thường nhật trùng khớp với mọi biến cố của tiểu thuyết hiện đại.
Tác giả khẳng định Andersen đã thiết kế thế giới nhân vật và tình huống trong cảm
hứng sâu kín về tình đời, tình người.
Rất nhiều tác giả đã dành cho Andersen những tình cảm tốt đẹp khi viết về
ông. Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục trong bài viết “Truyện Andersen” khẳng định,
trong mỗi con người luôn tồn tại những kí ức tươi đẹp của tuổi thơ, chỉ cần có một sự
khơi gợi thì đứa trẻ trong mỗi con người sẽ thức giấc. Và Andersen cùng với những
câu chuyện kể của mình đã làm được điều đó cho những độc giả yêu mến và say mê
ông. Có được điều đó là do Andersen suốt đời giữ được tấm lòng và con mắt trẻ thơ,


nên ông đã nhìn thấy, nghe thấy hơi thở của những vật nhỏ bé, tầm thường, vô tri.
Andersen còn là nhà thơ của những người nghèo hèn, yếu đuối, những số phận bị hắt
hủi, những kẻ xấu số…Thành công của Andersen chính là việc đề cao sức mạnh của
con người, của trí tuệ và tình yêu. Ông phản ánh trung thực cuộc đời đầy biến cố, và
ông trở thành niềm đam mê của cả trẻ thơ và người lớn. Truyện của ông dựa trên cơ
sở của hiện thực, của tự nhiên xã hội, kết hợp với tài hư cấu và lăng kính tưởng
tượng. Ông đã tìm thấy được bóng dáng của thực tại, nhìn thực tại bằng con mắt của

nhà thơ, với khiếu quan sát tinh vi hiện thực gắn với trí tưởng tượng mãnh liệt.
Nhưng dù cho có tưởng tượng phong phú đến đâu, dù là nhân vật có đa dạng, phong
phú đến đâu chăng nữa thì Andersen vẫn đề cao sức mạnh trí tuệ của con người. Hay
nói cách khác, Andersen mượn chuyện vật, mượn cổ tích để nói chuyện cuộc đời,
chuyện con người.
Tác giả Hà Minh Đức qua bài “Truyện cổ của Hans Christian Andersen” cũng
khẳng định không có sự ngăn cách lớn giữa hiện thực và thế giới tưởng tượng ước
mơ, giữa đời thường và chuyện thần kì thần thoại, nên số lượng nhân vật của
Andersen khá phong phú. Ở đó, chúng ta có thể thấy được mối quan hệ hòa đồng
giữa con người và thần linh, con người và loài vật, cỏ cây và tạo nên một thế giới
nhân vật giàu có và mang tính phổ biến rộng rãi từ vua chúa, tướng tá, hoàng tử, công
chúa, chàng hiệp sĩ…đến bác thợ giày, vị mục sư, cô gái, người làm vườn. Và đặc
biệt thế giới loài vật cỏ cây cũng có tiếng nói bình đẳng như con người. Việc mở ra
một thế giới nhân vật phong phú và đa dạng như vậy chính là nguồn tài liệu tham
khảo quí báu đối với các bài viết về thế giới nhân vật của Andersen.
Pauxtôpxki với những trang viết đầy chất thơ của mình trong “Người kể
chuyện cổ tích’ đã miêu tả lại cuộc gặp gỡ giữa mình với Andersen vào đêm giáng
sinh cuối cùng của thế kỉ 19. Đó là cuộc gặp gỡ “mộng trong đời thực”, Pauxtôpxki
khi ấy còn là một cậu bé, đã bị cuốn truyện kể của Andersen hấp dẫn tới mức không
còn thiết tha gì đến cây thông sáng lấp lánh trong ngày chào thế kỉ mới. Ông hiểu
được nguyên nhân nào khiến cho Andersen hình thành nên được tài năng. Đó là cuộc
đời gặp nhiều đau khổ nhưng không bao giờ khuất phục, cuộc đời bần hàn nhưng thơ
mộng từ lúc tuổi thơ. Đó còn là khả năng thâu nhận mọi thứ dù là nhỏ bé tầm thường


nhất mà người khác không thấy được, bằng trí tưởng tượng khoáng đạt thâu tóm
trong cuộc sống hàng trăm tiểu tiết và tập hợp chúng lại bằng những câu chuyện
chững chạc và thông minh. Chính vì điều đó mà Andersen đã dạy cho con người biết
tin tưởng vào ánh sáng trước bóng tối và của trái tim con người trên cái ác. Bài viết
của tác giả Pauxtốpxki đã tái hiện lại được quá trình lao động cần cù, sáng tạo và khả

năng thiên tài của một con người vĩ đại nhưng lại quen thuộc và gần gũi với tất cả
mỗi chúng ta.
Việc xác định hình thái nghệ thuật truyện kể Andersen cũng là một vấn đề thu
hút được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, trong đó có tác giả Nguyễn
Trường Lịch với bài viết “Hình thái nghệ thuật truyện kể Andersen”. Tác giả đã liệt
kê các tác phẩm của Andersen với nhiều cách gọi tên khác nhau như truyện kể, truyện
thần tiên, truyện rất ngắn, kiểu truyện dài với nhiều truyện lồng ghép với nhau theo
kiểu “truyện trong truyện”. Tác giả cũng chỉ ra những nét kế thừa từ cổ tích và những
sự khác biệt mới mẻ của riêng Andersen thông qua việc so sánh truyện kể của ông
với “Nghìn lẻ một đêm”, truyện của anh em Grimm, Perrault, và một số truyện cổ tích
Việt Nam. Từ điểm giống nhau như cách mở đầu bằng “ngày xửa ngày xưa” và kết
thúc có hậu như truyện cổ tích, Andersen cũng tạo ra những nét mới cho riêng mình
như một số truyện mở đầu bằng nhiều cách khác nhau mang dáng dấp thời sự của
những câu chuyện hiện đại, và có những câu chuyện kết thúc hoàn toàn không có hậu
như cổ tích. Và theo tác giả, thông qua việc khảo sát những cách mở đầu và kết thúc
đó, ông kết luận nên gọi truyện của Andersen là truyện kể là thích hợp hơn cả.
Nhà nghiên cứu Đào Ngọc Chương trong bài viết “Cái bóng như một cổ mẫu
hay là những suy nghĩ từ truyện Cái bóng của Hans Christian Andersen và một số tác
phẩm khác” đã chỉ ra hai yếu tố trong truyện của Andersen: yếu tố thần tiên huyền
thoại gắn với kiểu truyện cổ tích, và đặc biệt là yếu tố hiện đại của một truyện ngắn
bậc thầy cùng lồng ghép trong tác phẩm này. “Nhờ giữ nguyên đặc điểm nguyên thuỷ
của cổ mẫu cái bóng, tức miêu tả cái bóng từ khi hình hắt bóng, mà câu truyện của
Andersen thấm đẫm màu sắc huyền thoại, gắn với kiểu truyện cổ tích, truyện thần
tiên. Nhưng khi cái bóng tách khỏi hình, có một đời sống riêng độc lập và tự do, rồi
quay lại đẩy con người vào bi kịch thì bấy giờ vẫn với yếu tố li kì của truyện cổ tích,


truyện thần tiên nhưng Cái bóng đã vượt khỏi khuôn khổ của thể loại nguyên gốc này
để bước tới truyện ngắn huyền thoại hiện đại; một cách khác, truyện cổ tích ấy đã
lung linh huyền thoại hiện đại. Cái bóng như một phân thân, như một phản thân, như

một hoá thân, như một hiện thân, và như tất cả những thực thể ấy.”[41]. Bài viết lại
thêm một lần nữa khẳng định sức sáng tạo, tài năng và vị trí riêng không thể trộn lẫn
của Andersen trên văn đàn thế giới.
Cùng nghiên cứu về đặc trưng thể loại truyện kể của Andersen, tác giả Phạm
Thành Hưng có bài viết “Truyện Andersen - Một hình thức tự sự độc đáo”. Ở đây, tác
giả đã cắt nghĩa sức mạnh nghệ thuật của Andersen từ nhiều gốc độ khác nhau. Từ
gốc độ năng lực nghệ sĩ, ấy là óc quan sát tinh tế, lối tư duy - tưởng tượng dân gian;
từ gốc độ nhân cách, ấy là tình yêu tuổi thơ, tình yêu cuộc sống và khát vọng đấu
tranh vì những giá trị Chân, Thiện, Mĩ; từ gốc độ thế giới quan, ấy là tính nhân dân
sâu sắc hình thành tự nhiên từ hoàn cảnh xuất thân và cuộc đời lận đận của nhà văn.
Đặc biệt, từ gốc độ thi pháp học, Andersen cũng đã tạo ra cho mình một chỗ đứng rất
riêng biệt trong văn đàn. Trước hết, về quan niệm nghệ thuật, ông thuộc số người
cầm bút để tôn vinh sự sống và cái đẹp, ông ca ngợi sự hòa điệu giữa con người và
thiên nhiên. Về kết cấu, phần lớn truyện kể của ông phỏng theo lối kết cấu dân gian,
nhưng khác biệt hơn đó là ông không chủ trương những cốt truyện đơn giản mà lại
xây dựng những “kết cấu dàn”, truyện của ông như con sông nhiều nhánh, nhiều
nguồn lạch chảy vào tâm hồn người đọc. Qua những nét đặc trưng đó, tác giả khẳng
định đây là những kinh nghiệm quí báu cho những cây bút sở trường về truyện ngắn,
và góp phần hình thành một phong cách truyện ngắn dân gian trong văn học Châu
Âu.
Nhà nghiên cứu Vân Thanh trong bài viết “Người kể chuyện thiên tài Andersen” đã chỉ ra cho độc giả thấy nguyên nhân làm nên sức hấp dẫn của truyện
Andersen chính là nhờ ở sức tưởng tượng phong phú của tác giả. Dẫn ra một số ví dụ
ở các truyện kể như “Nàng công chúa và hạt đậu”, “Chú lính chì dũng cảm” để tác
giả khẳng định trí tưởng tượng của tác giả đã được phát huy ở những điểm bất ngờ
nhất , “tuy ly kì mà vẫn hợp lí, liên kết với nhau như trong một trận đồ ngoạn mục để
đi đến những kết luận tự nhiên, gần như là khó thay thế được”.[39, 30]. Và tác giả


khẳng định, để làm được điều đó, bên cạnh trí tưởng tượng, Andersen còn gởi gắm cả
vào đó niềm ao ước và mong muốn cho hạnh phúc của con người, và càng là những

con người bình thường, người bất hạnh, những mong ước về hạnh phúc cho họ càng
thiết tha. Điều đó tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc cho các tác phẩm của Andersen.
Tác giả Lê Huy Bắc trong “Truyện cổ tích hiện đại cô bé bán diêm” thì chỉ tập
trung vào một nhân vật duy nhất là cô bé bán diêm bất hạnh và khẳng định đó là
nhân vật mang tính ẩn dụ đại diện và gợi nhớ đến vô vàn em bé nghèo khổ. Chính
điều này cũng đã khẳng định dược tính khái quát cao trong nghệ thuật miêu tả nhân
vật của Andersen. Ông không chỉ nói chuyện của một người, một đời mà là chuyện
của bao kiếp người lầm than trên khắp quả đất này.
Viết về nguyên nhân dẫn đến thiên tài Andersen, bài nghiên cứu “Gặp gỡ văn
học Đan Mạch” của Hữu Ngọc nhận xét Andersen thuộc thế hệ lãng mạn thứ hai
trong giai đoạn hình thành và trưởng thành của văn học Đan Mạch. Ông đặc trưng
cho những nét dân tộc nhất của Đan Mạch. “Truyện của ông có hai bình diện: bình
diện hấp dẫn tức khắc do cốt truyện có kịch tính, bình diện sâu lắng hơn do tính chất
tế nhị nên thơ, toát ra một tấm lòng ưu ái, mẫn cảm, đôi khi ngây thơ mà vẫn chinh
phục được lòng người. Phong cách của ông gắn liền thơ mộng với thực tế, mỉa mai
với tình cảm, luôn có những liên tưởng bất ngờ, thú vị, cơ bản là lạc quan”. [34, 10].
Những nhận xét của tác giả Hữu Ngọc tuy ngắn gọn nhưng đã khái quát được những
đặc trưng hết sức cơ bản về phong cách nghệ thuật cũng như là tài năng của
Andersen.
Lịch sử các công trình nghiên cứu về Andersen chính là nguồn tham khảo quí
báu để chúng tôi tham khảo trong qua trình nghiên cứu của mình. Các nhà nghiên
cứu đã chỉ ra các nguyên nhân hình thành tài năng của Andersen, những nét đặc sắc
về mặt nội dung và nghệ thuật trong truyện kể của ông. Tuy nhiên, về phần thế giới
nhân vật, các bài viết chỉ đưa ra những ý kiến khái quát trong những bình luận, đánh
giá tổng hợp về tác giả mà chưa có một bài viết cụ thể. Chính vì vậy, ở đề tài nghiên
cứu này, trên cơ sở tiếp thu học hỏi và phát hiện ra những nét khác biệt, chúng tôi
mong mỏi sẽ đóng góp thêm được những ý kiến mới về tác giả Andersen, đặc biệt là


về thế giới nhân vật vô cùng phong phú và đa dạng qua những chuyện kể của ông, để

rồi từ đó, tiến gần hơn đến với ông, nhà văn thiên tài của toàn nhân loại.

4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Từ những đặc điểm của đối tượng nghiên cứu và mục đích của Luận văn,
chúng tôi vận dụng những phương pháp nghiên cứu sau đây:
- Phương pháp lịch sử chức năng: Phương pháp này giúp chúng tôi xác định
được những yếu tố tự nhiên, xã hội, lịch sử, tâm lí… đã ảnh hưởng đến tính cách và
tài năng của Andersen.
- Phương pháp hệ thống giúp chúng tôi có cái nhìn bao quát về hệ thống tác
phẩm cũng như các bài nghiên cứu về tác giả Andersen và các tác phẩm của ông.
- Phương pháp thống kê và phân tích tổng hợp giúp chúng tôi phân loại hệ
thống nhân vật của Andersen cũng như nhận xét các yếu tố thuần cổ tích và nét hiện
đại mới mẻ trong truyện của ông.
- Luận văn cũng sử dụng phương pháp so sánh, so sánh tác phẩm của Andersen
với các truyện cổ tích khác để tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt mang dấu
ấn riêng của tác giả.

5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN
Chỉ ra những nét đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật mang cá tính
riêng của Andersen, bao gồm quan niệm nghệ thuật của tác giả về con người, tính
cách nhân vật, và nghệ thuật miêu tả nhân vật.
Phân tích sức hấp dẫn cả ở tính huyền thoại và màu sắc hiện thực trong truyện
Andersen trên cơ sở so sánh đối chiếu với truyện của anh em Grimm và một số
truyện cổ tích khác của Việt Nam và thế giới.

6. CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN
Luận văn gồm có phần mở đầu, ba chương nội dung chính, phần kết luận và
danh mục tài liệu tham khảo. Trong đó nội dung chính của các chương như sau:
Chương 1: Andersen –Người kể chuyện thiên tài.
Chương 1 giới thiệu khái quát về thể loại truyện cổ tích của nhà văn với khái

niệm và những đặc trưng của nó, minh họa qua một số tác giả tiêu biểu của thế giới


và Việt Nam. Giới thiệu về hình thái nghệ thuật truyện kể và vai trò vị trí riêng, cũng
như các yếu tố tự nhiên và xã hội góp phần hình thành tài năng của tác giả Andersen.
Chương 2:Từ quan niệm nghệ thuật về con người đến thế giới nhân vật của
Andersen.
Chương 2 nêu lên nhưng quan điểm lí luận về vấn đề quan niệm nghệ thuật về
con người, chỉ ra quan niệm của tác giả Andersen về con người và những quan niệm
đó được thể hiện qua thế giới nhân vật của ông như thế nào. Điều đó đã tạo nên tính
hấp dẫn cho truyện kể Andersen đối với cả thiếu nhi và người trưởng thành.
Chương 3: Nghệ thuật xây dựng thế giới nhân vật truyện kể Andersen
Chương 3 chỉ ra những thi pháp xây dựng nhân vật của truyện cổ tích dân gian,
để thấy được những điểm mà Andersen đã kế thừa truyện cổ tích và những sáng tạo
đặc sắc của riêng ông, những sáng tạo làm nên dấu ấn riêng không hề trộn lẫn của
Andersen.


CHƯƠNG 1: ANDERSEN – NGƯỜI KỂ CHUYỆN THIÊN TÀI
1.1. Thể loại truyện cổ tích của nhà văn
Tác giả Andersen từ trước đến nay vẫn được nhiều độc giả Việt Nam biết đến
như là một người kể chuyện cổ tích, người sáng tác truyện cổ tích thiên tài. Điều này
không phải là không có nguyên nhân của nó. Những câu chuyện của ông dường như
chỉ viết để dành riêng cho tuổi thơ, ngay cả những chuyện ông viết về cuộc đời mình.
Và điều đặc biệt là ông đã thành công khi mang đến sức hấp dẫn tuyệt vời ở tất cả các
thể loại mà mình thể hiện: huyền thoại, cổ tích, lịch sử…Andersen đã tạo nên một thế
giới vừa kì ảo vừa rất thực, và khẳng định được tên tuổi của mình bên cạnh Perrault,
Grimm và nhiều tác giả khác như Tônxtôi, Puskin… Ở Việt Nam, một số sáng tác
của các nhà văn như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Tú Nam, Phạm Hổ... từ trước
Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay, cũng cho chúng ta thấy có một thể loại văn học

mang phong cách dân gian đã xuất hiện trong văn học nước ta.
1.1.1. Khái niệm
Theo PGS.TS Võ Quang Trọng, ông đã chỉ ra một số khái niệm về thể loại
truyện cổ tích của nhà văn. Ở Nga, các nhà folklore đều thống nhất sử dụng thuật
ngữ truyện cổ tích văn học (literaturnaia xkadka). Truyện cổ tích của L. Tônxtôi,
truyện cổ tích của A. Puskin... thuộc loại này và để phân biệt với truyện cổ tích dân
gian (narotnaia xkadka). Còn giới nghiên cứu ngữ văn và folklore học Việt Nam lại
sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau để chỉ thể loại này. Trên tuần báo Văn nghệ số 21
năm 1984, khi đánh giá tập “Chuyện hoa chuyện quả” của Phạm Hổ, tác giả Thu
Thảo sử dụng thuật ngữ cổ tích mới : “Với thể loại truyện cổ tích mới này, Phạm Hổ
đã đạt tới yêu cầu khắt khe của sáng tác cho thiếu nhi, đó là việc bồi bổ xúc cảm, sự
phát triển của năng lực tưởng tượng, liên tưởng”.[48].
Nhận xét về sáng tác của nhà văn Phạm Hổ, nhà nghiên cứu Vân Thanh cũng
sử dụng khái niệm truyện cổ tích mới: “Với thơ, anh thường qua thiên nhiên, qua
cuộc sống bình thường để làm nổi bật lên vẻ đẹp của con người và qua văn xuôi, anh
lại đi sâu vào cổ tích, truyền thuyết cho các em biết được vẻ đẹp của người Việt Nam,
ca ngợi những đức tính Việt Nam. Trước hết về cổ tích, Phạm Hổ đã mạnh dạn sáng
tác truyện cổ tích mới cho các em". [48]. Còn nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên thì gọi


đây là truyện cổ tích của văn học thành văn. Ông còn giải thích rõ thêm: “tức là
sáng tạo của cá nhân nhà văn và được cố định hóa bằng ngôn ngữ viết.”[8].
Tùy từng nhà nghiên cứu mà thuật ngữ được sử dụng khác nhau: truyện cổ tích
mới, truyện cổ tích văn học, truyện cổ tích thành văn, truyện cổ tích của nhà văn...
Rõ ràng là vấn đề xác định thể loại này cho đến nay trong giới nghiên cứu vẫn chưa
có được một khái niệm thống nhất.
Trong khi chờ đợi các nhà khoa học đưa ra được một thuật ngữ chính xác hơn,
gọi đúng và lột tả được bản chất của thể loại này, chúng tôi sử dụng thuật ngữ truyện
cổ tích của nhà văn, với quan niệm đây là một thể loại thuộc sáng tác văn học viết và
phân biệt với truyện cổ tích dân gian ở đặc trưng thi pháp của nó. Truyện cổ tích của

nhà văn là các câu chuyện thần tiên của các tác giả cụ thể, đây là thể loại phản ánh rõ
nhất mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết.
1.1.2. Đặc trưng thể loại
Bởi vì truyện cổ tích dân gian và truyện cổ tích của các nhà văn có mối liên hệ
hữu cơ với nhau, cho nên trong quá trình nghiên cứu, chúng ta không thể bỏ qua các
đặc trưng cơ bản của truyện cổ tích dân gian.
1.1.2.1. Đặc trưng của truyện cổ tích dân gian
Truyện cổ tích dân gian là một trong những thể loại văn xuôi thể hiện quan
niệm của con người về thiên nhiên, về thế giới xung quanh mình, nhưng lại không
phải biểu hiện nhận thức và sự sáng tạo nghệ thuật một cách có ý thức, không có
phạm trù thế giới quan, mà chỉ có phạm trù thẩm mĩ. Thế giới trong truyện cổ tích
dân gian đó là thế giới của những con người bình thường, thể hiện mình thông qua
những hành động phi thường, diễn ra trong những hoàn cảnh đặc biệt. Ở đó, loài vật
mang phẩm chất của con người, nhân vật là những sinh vật thần kì, những đồ vật có
phép nhiệm màu hoạt động. Hư cấu là một trong những đặc trưng cơ bản của truyện
cổ tích dân gian.
Trong truyện cổ tích dân gian, việc mô tả nhân vật thường theo khuynh hướng
nội dung có sẵn, không qua cá tính hóa mà theo con đường trừu tượng hóa, khái quát
hóa. Nhân vật trong truyện cổ tích dân gian mang đặc điểm tâm lí và khắc họa chân


dung ngắn gọn, được xây dựng chủ yếu qua con đường đối thoại và hành động. Do
vậy, hành động là quy luật xây dựng cốt truyện của truyện cổ tích dân gian. Việc đặt
nhân vật vào hoàn cảnh có tính chất hoang đường để nhân vật thực hiện mục đích
bằng hành động của mình đóng vai trò quan trọng trong truyện cổ tích dân gian.
Trong bất kì truyện cổ tích dân gian nào, những bước ngoặt bất ngờ của cốt truyện
bao giờ cũng có ý nghĩa đặc biệt cho sự phát triển hành động của cốt truyện.
Truyện cổ tích dân gian là những tác phẩm thường bằng văn xuôi truyền
miệng, hư cấu với hình ảnh kì vĩ, có cấu trúc kết cấu truyện ổn định và hướng đến
người nghe bằng hình thức kể chuyện.

Tuy nhiên, truyện cổ tích dân gian vốn lưu truyền bằng hình thức truyền miệng
và về sau được ghi chép lại. Việc truyện cổ tích dân gian được kể lại, thuật lại và ghi
chép lại là kết quả của sự xâm nhập của văn học viết, của sáng tạo cá nhân vào lĩnh
vực nghệ thuật mang tính tập thể.
Trong quá trình ghi chép này làm xuất hiện một số khuynh hướng. Thứ nhất,
một số tác giả trong khi thuật lại, kể lại đã nhấn mạnh đến ý nghĩa tư tưởng của
truyện cổ tích, một số khác quan tâm đến phong cách dân gian hóa qua sự biểu hiện
của tục ngữ, thành ngữ hoặc đưa vào truyện cổ tích những yếu tố, thành phần không
mang tính đặc trưng thi pháp dân gian như thay đổi vị trí, sử dụng vốn từ sách vở, từ
địa phương... Phong cách viết của từng tác giả làm cho tính toàn vẹn của hệ thống
nghệ thuật của truyện cổ tích dân gian bị phá vỡ, nhưng về cơ bản những đặc trưng
được quy định của một tác phẩm cụ thể được bảo lưu. Vào thời kì đầu, những thay
đổi của tác giả hầu như không đụng chạm đến cái cốt lõi của cốt truyện cổ tích dân
gian. Quá trình thay đổi của cả hệ thống nghệ thuật truyện cổ tích dân gian chủ yếu
chỉ thể hiện ở hình thức kể chuyện. Thường các tác giả lưu giữ cốt truyện và các
thành tố quan trọng thuộc cấu trúc kết cấu cốt truyện. Do vậy, tác phẩm sáng tạo
trong trường hợp này không khác nhiều lắm so với truyện cổ tích “nguyên bản”.
Thế nhưng, khi sự chế tác phát triển đến một mức độ nào đó trở thành đặc
điểm nổi trội làm xuất hiện sự biến đổi theo phong cách sách vở và truyện cổ tích
mang phong cách văn học viết ra đời. Một mặt nhà văn giữ lấy cốt truyện, chuyển nó
từ văn học dân gian thành tác phẩm của mình, mặt khác, nhà văn chỉ dựa vào nguyên


tắc và phương pháp sáng tác truyện cổ tích dân gian để tạo ra tác phẩm mới. Nói cách
khác, phương thức sáng tác thứ nhất là tuân thủ nội dung cốt truyện và thi pháp
truyện cổ tích dân gian; phương thức sáng tác thứ hai là dựa vào phong cách dân gian
để xây dựng nên một tác phẩm hoàn toàn mới. Hai phương thức sáng tác này khiến
cho tác phẩm văn học viết liên hệ với sáng tác dân gian theo hai phương diện: một là
quan hệ cội nguồn, hai là quan hệ loại hình. Chính vì vậy có thể nói rằng, thuộc tính
truyện cổ tích của nhà văn do đó là mức độ khác nhau giữa nó và truyện cổ tích dân

gian.
1.1.2.2. Đặc trưng truyện cổ tích của nhà văn
Mặc dù truyện cổ tích dân gian và truyện cổ tích của nhà văn có nhiều đặc
điểm chung giống nhau, nhưng truyện cổ tích của nhà văn cũng có những nét riêng
của một thể loại văn học viết.
Truyện cổ tích của nhà văn là thể loại thuộc sáng tác cá nhân, không phải là
sáng tác tập thể, mặc dù nó tiếp thu và vận dụng kinh nghiệm thẩm mĩ dân gian. Đây
là thể loại được lưu truyền bằng văn bản. Tác phẩm có tác giả rõ ràng, văn bản là cố
định và không có dị bản. Đặc điểm này để phân biệt với truyện cổ tích dân gian là sản
phẩm chung của nhiều thế hệ dân chúng, tồn tại chủ yếu bằng hình thức truyền
miệng. Như vậy, truyện cổ tích của nhà văn đã chuyển từ hình thức truyền miệng dân
gian sang hình thức văn học viết, từ khuyết danh đến có tác giả cụ thể. Nếu ở truyện
cổ tích dân gian có nhiều dị bản khác nhau và hàng loạt mô típ nghệ thuật có sẵn
được lặp đi lặp lại nhiều lần thì truyện cổ tích của nhà văn là tác phẩm duy nhất và
không lặp lại, được thể hiện thông qua cá tính sáng tạo của nhà văn và phát triển theo
quy luật sáng tạo văn học.
Để phù hợp với hình thức lưu truyền bằng miệng, cốt truyện của truyện cổ tích
dân gian thường ngắn gọn đơn giản, còn ở truyện cổ tích của nhà văn không chỉ dùng
để kể mà chủ yếu là để đọc, nên bên cạnh những cốt truyện đơn giản còn có nhiều cốt
truyện phức tạp, có trường hợp có tới hai, ba cốt truyện cổ tích dân gian khác nhau
được tác giả ghép nối vào nhau.
Nếu như truyện cổ tích dân gian nặng về khái quát hóa, nhân vật mang đặc
điểm loại hình nhiều hơn, thì ở truyện cổ tích của nhà văn vừa có tính khái quát vừa


có tính cá thể. Có thể nói rằng với truyện cổ tích của nhà văn, việc đi vào miêu tả tâm
lí nhân vật bước đầu được chú ý hơn. Hơn nữa, trong truyện cổ tích dân gian không
có bình luận, có chăng chỉ là những lời giải thích sự việc xuất hiện ở phần kết thúc
câu chuyện. Còn trong truyện cổ tích của nhà văn, lời bình luận, triết lí của tác giả
không chỉ xuất hiện ở phần kết thúc mà nhiều khi được xen lẫn vào từng phần của

câu chuyện. Nhiều khái niệm mới, hiện đại của đời sống cũng được các nhà văn sử
dụng trong tác phẩm của mình.
Như vậy có thể nói, truyện cổ tích của nhà văn là tác phẩm tự sự, với hình thức
sử thi nhỏ, cốt truyện tưởng tượng, hệ thống hình ảnh ước lệ thần kì và khác với
truyện cổ tích dân gian ở quan niệm của tác giả về thế giới quan, nhiệm vụ tư tưởng
thẩm mĩ của thời đại và mối quan hệ với phương pháp nghệ thuật của nhà văn. Đặc
điểm hư cấu, được thừa nhận bởi tác giả và người nghe hoặc độc giả. Thứ hai, hình
thức truyện là tự sự. Có thể nói, những đặc điểm này là chung đối với truyện cổ tích
của nhà văn.
Thông qua những đặc trưng trên, chúng ta có thể kể ra ở đây rất nhiều những
nhà văn tiêu biểu cho thể loại truyện cổ tích của nhà văn này.
1.1.3. Một số tác giả tiêu biểu
1.1.3.1. Charles Perrault
Nhiều trẻ em Việt Nam từ lâu đã thuộc lòng những truyện cổ tích của
Charles Perrault như Cô gái Lọ Lem, Người đẹp ngủ trong rừng, Chú mèo đi hia, Cô
bé quàng khăn đỏ… mà không hề biết tác giả của chúng là ai. Khác hẳn với anh em
nhà Grimm hay Hans Christians Andersen luôn được hậu thế nhắc đến tên tuổi cùng
với những truyện cổ tích của mình, Charles Perrault lại giữ một vị trí khá khiêm tốn
trong lòng độc giả nhỏ tuổi Việt Nam, mặc dù đối với thế giới ông được coi như một
bậc tiền bối của truyện cổ tích. Hầu như ít người biết ông là ai, những sáng tác của
ông là gì. Một số người lại nhầm lẫn các tác phẩm của ông với anh em nhà Grimm.
Thậm chí có người lại cho rằng đây là những truyện cổ dân gian thuần tuý mà không
hề biết rằng thật ra chúng chỉ mới được sáng tác vào thế kỷ XVII.
Bắt đầu vào học nghề luật sư, nhưng ít lâu sau, nhờ sự bảo trợ của bộ trưởng
Bộ tài chính quyền uy Colbert, Perrault bắt đầu vào làm việc tại bộ của ông ta. Ông


nổi tiếng vì đã tham gia tích cực vào cuộc tranh luận về sau được ghi vào sách giáo
khoa văn học với tên gọi “cuộc tranh luận giữa phái Cổ đại và phái Hiện đại”.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1687, khi Perrault công bố tại Viện Hàn lâm Pháp

truyện thơ của mình “Thời đại của Louis Đại đế”. Perrault đã đánh giá nền văn học
đương thời cao hơn văn học cổ đại, và những người phản biện ông, trước hết là nhà lý
luận văn học Nicola Boileau (1636 – 1711) và nhà viết kịch vĩ đại Jean Racine (1639
– 99), cho rằng nền văn học cổ đại vẫn là “khuôn vàng thước ngọc”, cả trong nghĩa
bóng lẫn nghĩa đen của từ này. Thực chất, cuộc tranh luận diễn ra không chỉ về văn
học. Quan điểm của Perrault trước hết tập trung chống lại sự bắt chước các mẫu mực
cổ đại, mặc dù chính tác phẩm của ông cũng không thể gọi là hoàn toàn đổi mới,
cũng như bản thân ông – không phải là người triệt để ủng hộ sự tiến bộ.
Tuy nhiên, Perrault không bắt tay ngay vào sáng tác các truyện cổ tích mà ngày
nay chúng ta gắn với tên tuổi của ông. Ban đầu ông viết những tác phẩm mẫu mực
mang tính chất truyền thống đối với thời đại ông, những chuyển thể thơ các đề tài
phong nhã, trong đó không hề có đặc điểm dân tộc lẫn những yếu tố hoang đường.
Những tác phẩm này là một kiểu đáp ứng kịp thời mốt truyện cổ tích vốn phát triển
rất nhanh trong xã hội thượng lưu và ngay lập tức được các nhà văn khích lệ. Chỉ cần
một vài thao tác nhỏ nửa – “công khai hóa” hoàn toàn thể loại này và đưa nó vào nền
văn học “lớn”.
Perrault bắt đầu in truyện cổ tích trên các tạp chí từ năm 1695. Đây cũng là
một lời công kích trong cuộc tranh luận giữa phái cũ và phái mới: trong lời nói đầu
Perrault viết rằng những truyện cổ tích của ông cao hơn các tác phẩm cổ đại vì chúng
đề cao những phẩm chất đạo đức mà các mẫu mực cổ đại không có. Tiếp tục in
truyện cổ tích, Perrault gửi gắm vào đó những lời răn dạy đạo đức cần thiết.
Một năm sau truyện cổ tích “Người đẹp ngủ trong rừng” được công bố nặc
danh, và năm sau nữa ra đời cuốn “Truyện bà mẹ Ngỗng của tôi”, dành tặng công
nương Orléans, cháu họ của vua Louis XIV. Không thể nói rằng những truyện cổ tích
này là độc đáo từ đầu tới cuối. Trong sáng tác dân gian châu Âu có những cốt truyện
giống như nhiều câu chuyện của ông: Perrault không xa lạ gì với sáng tác dân gian,
và đã đọc cho con trai mình nghe nhiều truyện dân gian khác nhau. Chúng ta không


thể đoán ra những cốt truyện cổ tích nào, nói một cách nhẹ nhàng, là vay mượn, còn

những truyện nào do chính Perrault sáng tác. Trong mục lục của “Truyện bà mẹ
Ngỗng của tôi” có: “Người đẹp ngủ trong rừng”, “Em bé quàng khăn đỏ”, “Râu
xanh”, “Chú mèo đi hia”, “Lọ lem”, “Riquet có bờm” và “Chú bé ngón tay cái”…Hoá
ra, truyện cổ tích “Em bé quàng khăn đỏ” là tác phẩm của Perrault –nhưng ít ai đoán
biết được điều đó. Bởi truyện cổ tích này đã từ lâu trở nên vô cùng gần gũi đối với tất
cả trẻ em trên thế giới. Có nghĩa, nó là một truyện cổ tích đích thực.
Các truyện cổ tích của Perrault bắt đầu được dịch ra tiếng Nga vào cuối thế kỷ
XVIII. Ban đầu tên gọi của chúng trong bản dịch nghe hơi lỗi thời và buồn cười, ví
dụ: “Truyện cổ tích về chú mèo có cựa và đi giày”. Dịch giả nổi tiếng nhất của
Perrault chính là nhà văn Ivan Turgenev.
Ghi nhận “nét duyên dáng kiểu Pháp cổ khá tinh tế”, Ivan Turgenev viết rằng
“những truyện cổ tích của Perrault xứng đáng có một vị trí danh dự trong nền văn
học thiếu nhi. Chúng vui nhộn, hấp dẫn, thoải mái, không nặng nề bởi quá nhiều giáo
huấn đạo đức lẫn tham vọng của tác giả; trong đó bạn còn cảm nhận được hơi thở
của thơ ca dân gian; trong đó có sự kết hợp giữa cái kỳ diệu - khó hiểu và cái đời
thường - mộc mạc, cái cao thượng và cái ngộ nghĩnh, chúng tạo nên đặc điểm nổi bật
của sự hư cấu cổ tích đích thực”.(49).
Quả thật, tập truyện cổ tích của Perrault là cuốn sách đầu tiên viết cho thiếu
nhi, và cho dù tác giả của nó là ai đi nữa thì cũng là người khai sinh ra một khuynh
hướng lớn trong nền văn học thế giới - người sáng lập nền văn học thiếu nhi.
Perrault đã chiến thắng trong cuộc tranh luận với Boileau – năm 1700 chính
Boileau đã thừa nhận thất bại của mình. Nhưng điều đó chỉ có ý nghĩa đối với các nhà
văn học sử. Riêng tập truyện cổ tích mỏng mảnh dường như không nhận ra nhiều thế
kỷ đã trôi qua kể từ khi nó ra đời.
1.1.3.2. Anh em nhà Grimm
Anh em nhà Grimm là hai anh em người Đức Jacob Ludwig Karl (4 tháng
1 năm 1785 - 20

tháng


9 năm 1863)

và Wilhelm

Karl

Grimm(24

tháng

2 năm 1786 - 16 tháng 12 năm 1859). Hai anh em Grimm là những nhà ngôn ngữ học
và nghiên cứu văn học dân gian, họ được biết tới nhiều nhất với việc xuất bản các bộ


sưu tập truyện dân gian và truyện cổ tích trong đó có nhiều truyện nổi tiếng và phổ
biến trên thế giới như Nàng Bạch Tuyết (Schneewittchen), Cô bé lọ lem (Cinderella)
hay Hansel và Gretel (Hänsel und Gretel). Họ là hai trong số 9 người con của ông
Philipp Wilhelm Grimm. Năm Jacob lên 11 tuổi thì ông Philipp qua đời, cả gia đình
phải chuyển từ vùng làng quê yên bình lên một căn hộ chật hẹp ở thành phố. Hai năm
sau gia đình Grimm lại càng lâm vào cảnh khốn khó sau cái chết của ông Jacob và
Wilhelm. Theo một số nhà tâm lý học hiện đại, hoàn cảnh sống này đã ảnh hưởng tới
những câu truyện cổ tích của anh em Grimm, trong đó người bố thường được lý
tưởng hóa và bỏ qua mọi lỗi lầm, người có quyền lực cao hơn cả lại là các bà mẹ kế
độc ác, tiêu biểu là bà hoàng hậu, mẹ kế của Nàng Bạch Tuyết hay bà mẹ kế của Cô
bé lọ lem..
Hai anh em Grimm theo học phổ thông Gymnasium Friedrichs ở Kassel, sau
đó cả hai cùng theo học luật tại Đại học Marburg. Khi Jacob và Wilhelm bước sang
tuổi 20, hai anh em bắt đầu nghiên cứu ngôn ngữ học mà thành quả lớn nhất sau này
là Luật Grimm trong ngành ngôn ngữ do hai người phát triển. Mặc dù việc nghiên
cứu ngôn ngữ là công việc chính của anh em nhà Grimm, họ lại được biết tới rộng rãi

hơn nhờ những câu chuyện cổ tích và dân gian được hai người sưu tập và kể lại theo
cách của họ.
Hai anh em nhà Grimm bắt đầu sưu tầm các truyện kể dân gian từ khoảng
năm 1807 khi nhu cầu tìm hiểu truyện dân gian ở Đức bắt đầu phát triển sau
khi Ludwig Achim von Arnim và Clemens Brentano phát hành tuyển tập bài hát dân
gian Des Knaben Wunderhorn. Từ năm 1810, hai người bắt đầu thực hiện bộ sưu tập
bản thảo truyện dân gian, những tác phẩm này được Jacob và Wilhelm ghi lại bằng
cách mời những người kể chuyện đến nhà và chép lại những gì họ kể. Trong số
những người kể chuyện này không chỉ có những nông dân mà còn có những người
thuộc tầng lớp trung lưu và các học giả, những người sở hữu các câu chuyện nghe
được từ người hầu của họ, Jacob và Wilhelm còn mời

cả những

người Huguenot gốc Pháp tới kể những truyện dân gian có nguồn gốc từ quê hương
của họ


×