Tải bản đầy đủ (.pdf) (21 trang)

Nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (347.56 KB, 21 trang )

Bộ khoa học và công nghệ

viện chiến lợc và chính sách KH&CN

báo cáo tổng kết đề tài kh&cn cấp bộ

nghiên cứu xây dựng tài liệu hớng dẫn
kỹ năng nghiệp vụ đổi mới công nghệ cho
doanh nghiệp nhỏ và vừa
chủ nhiệm đề tài: nguyễn thanh tùng

7088
13/02/2009
hà nội - 2008


BÁO CÁO TÓM TẮT ĐỀ TÀI CẤP BỘ
NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN
KỸ NĂNG NGHIỆP VỤ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ
CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Thanh Tùng

MỞ ĐẦU
Nhận rõ tiềm năng quan trọng của khu vực DNN&V đối với phát
triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng
nhằm khuyến khích phát triển sản xuất- kinh doanh, ĐMCN, nâng cao khả
năng cạnh tranh của khu vực này. Trong những năm qua, hệ thống pháp
luật, môi trường kinh doanh đang dần được cải thiện, số lượng các
DNN&V gia tăng nhanh chóng, nhiều tổ chức hỗ trợ DNN&V được thành
lập và đang đang có những bước phát triển mới về chất lượng.


Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, trình độ và năng lực
công nghệ của nhiều DNN&V hiện nay còn rất thấp, chưa đáp ứng được
yêu cầu cạnh tranh trong những năm tới. Cùng với nỗ lực cải thiện môi
trường đầu tư – kinh doanh, các biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực ĐMCN
cho các DNN&V thông qua việc cung cấp các tài liệu hướng dẫn, đào tạo
các kỹ năng nghiệp vụ đang giành được sự quan tâm của các cơ quan quản
lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Mục tiêu của đề tài là xây dựng tài liệu hướng dẫn nhằm trang bị một
số kỹ năng nghiệp vụ cần thiết cho các nhà quản trị DNN&V ở Việt Nam
khi tiến hành ĐMCN.
Dựa trên kết quả điều tra nhu cầu của các DNN&V, đề tài tập trung
hướng dẫn một số nội dung cần thiết nhằm nâng cao kỹ năng tìm kiếm công
nghệ, lựa chọn công nghệ thích hợp, lựa chọn hình thức phù hợp để có
được công nghệ mới, đàm phán hợp đồng CGCN và huy động vốn cho
ĐMCN.


Chương Một
MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÁI NIỆM
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhiều thuật ngữ kinh tế - công
nghệ đã được du nhập vào Việt Nam, như: công nghệ, ươm tạo công nghệ,
đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, quản lý công nghệ, v.v... Tuy
nhiên, việc nhận thức và vận dụng các thuật ngữ này đối với nhiều doanh
nghiệp, đặc biệt các DNN&V còn nhiều bất cập. Phần này giới thiệu một số
vấn đề khái niệm nhằm giúp các DNN&V nhận thức và vận dụng đúng đắn
trong các hoạt động quản lý công nghệ.
I. Công nghệ
Về cơ bản, công nghệ bao gồm phần mềm và phần cứng. Phần mềm
bao gồm các giải pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ, thiết kế kỹ thuật và bí
quyết kỹ thuật; phần cứng bao gồm hệ thống máy móc, thiết bị, tư liệu sản

xuất.
Việc hiểu và vận dụng thuật ngữ công nghệ trong hoạt động quản lý
có thể khác nhau, tùy thuộc vào mục đích, chiến lược phát triển và năng lực
công nghệ của từng doanh nghiệp.
II. Các loại hình công nghệ
Dựa vào mục tiêu ứng dụng, có thể phân chia công nghệ thành hai
loại hình: “công nghệ sản phẩm” và “công nghệ quy trình”. Tùy vào điều
kiện, có thể lựa chọn một trong hai loại hình ĐMCN. Trong một số trường
hợp doanh nghiệp tiến hành cả ĐMCN sản phẩm và ĐMCN quy trình.
III. Đổi mới công nghệ
III.1. Đổi mới công nghệ là gì
Đổi mới công nghệ (ĐMCN) là việc chủ động thay thế một phần hay
toàn bộ công nghệ đang được sử dụng bằng một công nghệ khác tiên tiến
hơn nhằm nâng cao hiệu quả của sản xuất - kinh doanh.
Để được xem là đã ĐMCN, sản phẩm mới phải được đưa ra thị
trường (đổi mới sản phẩm), hoặc một quy trình sản xuất mới được đưa vào
ứng dụng trong sản xuất-kinh doanh (đổi mới quy trình).

2


III.2. Các loại hình đổi mới công nghệ
Dựa vào mục tiêu của ĐMCN, có thể phân chia ĐMCN thành hai
loại cơ bản: đổi mới công nghệ sản phẩm (đổi mới sản phẩm) và đổi mới
công nghệ quy trình (đổi mới quy trình).
Liên quan đến mức độ của đổi mới, ĐMCN bao gồm hai mức độ:
mới và cải tiến. Theo đó, ĐMCN có thể nhằm đưa ra thị trường sản phẩm
mới (ứng dụng quy trình sản xuất mới) hoặc được cải tiến đáng kể về công
nghệ.
IV. Đổi mới công nghệ và đổi mới

Tùy phạm vi của hoạt động đổi mới được nói đến, một số trường hợp
gọi chung là đổi mới, nhưng cũng có trường hợp gọi cụ thể hơn là ĐMCN.
ĐMCN thường nhấn mạnh tới đối tượng cụ thể được đổi mới là công nghệ,
còn đổi mới nói chung bao gồm nhiều vấn đề khác, như hoạt động quản lý,
tiếp thị, sản xuất và phân phối, v.v…
V. Quản lý công nghệ
Gaynor phác thảo 5 giai đoạn cơ bản với các hoạt động chủ yếu liên
quan đến quản lý công nghệ (Gaynor, 1996). Theo đó, để được xem là có
thực hiện quản lý công nghệ thì ngoài các hoạt động nghiên cứu và phát
triển doanh nghiệp phải tiến hành thêm các hoạt động thiết kế và sản xuất
marketing, bán hàng, phân phối, và dịch vụ hỗ trợ khách hàng.
Quản lý công nghệ là một hoạt động mang tính tổng hợp cao, đòi hỏi
một sự tiếp cận có hệ thống tất cả các hoạt động sản xuất - kinh doanh và
đổi mới của một doanh nghiệp, trong đó chú trọng tới các hoạt động liên
quan đến công nghệ (quản lý chiến lược công nghệ, quản lý dự án ĐMCN,
tìm kiếm, lựa chọn công nghệ, chuyển giao công nghệ, huy động vốn cho
ĐMCN, tiêu chuẩn chất lượng, tài sản trí tuệ).

3


Chương Hai
TÌM KIẾM CÔNG NGHỆ
Tìm kiếm, thu thập và sử dụng hiệu quả thông tin sẽ giúp các nhà
quản trị doanh nghiệp đưa ra quyết định đúng đắn, hạn chế rủi ro phát sinh
trong quá trình xây dựng và thực hiện các dự án ĐMCN. Phần này giới
thiệu một số loại thông tin công nghệ, các nguồn công nghệ và hướng dẫn
các bước cơ bản để tiến hành tìm kiếm công nghệ.
I. Loại hình thông tin công nghệ
Khi tiến hành tìm kiếm công nghệ, doanh nghiệp cần xác định rõ

ràng và đầy đủ các loại thông tin liên quan đến công nghệ đó. Những thong
tin miễn phí thường bao gồm: Tên công nghệ, lĩnh vực, công dụng, tính năng
nổi trội, thông số kinh tế - kỹ thuật... Các loại thông tin thường được cung cấp
theo phí dịch vụ, bao gồm: Bên chào bán công nghệ, giá tham khảo, khả năng
hỗ trợ của bên bán, các nhà cung cấp liên quan...
II. Các nguồn cung cấp thông tin công nghệ
Nguồn thông tin công nghệ trong thực tế khá phong phú và đa dạng,
bao gồm:
- Doanh nghiệp khác cùng ngành;
- Khách hàng, nhà cung cấp thiết bị;
- Hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp;
- Chợ công nghệ và thiết bị, sàn giao dịch công nghệ trên mạng;
- Trung tâm hỗ trợ DNN&V;
- Công ty tư vấn kỹ thuật, tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ;
- Hiệp hội, hội chuyên ngành;
- Viện nghiên cứu, trường đại học công nghệ.
Tuy nhiên, nhiều DNN&V không biết rõ ràng và đầy đủ các loại
hình tổ chức dịch vụ thông tin, tình trạng của các nguồn thông tin này ra
sao, hoặc không biết tiếp cận các nguồn này như thế nào.
Vì phục vụ cho các mục đích, đối tượng khác nhau nên mỗi nguồn
thông tin thường chuyên sâu vào từng loại thông tin khác nhau, có những

4


điểm mạnh và hạn chế nhất định. Vì vậy, DNN&V cần khai thác tốt nội
dung thông tin từ nhiều nguồn để có những căn cứ đánh giá, so sánh phục
vụ cho việc lựa chọn công nghệ phù hợp.
III. Các bước tìm kiếm công nghệ
Về cơ bản, các DNN&V cần trải qua các bước sau để có thể có được

thông tin công nghệ phù hợp:
-

Bước 1: Xác định rõ nhu cầu công nghệ

-

Bước 2: Khai thác các nguồn thông tin sẵn có

-

Bước 3: Trao đổi chính thức

-

Bước 4: Lập danh sách nhà cung cấp công nghệ phù hợp

5


Chương Ba
ĐÁNH GIÁ VÀ LỰA CHỌN CÔNG NGHỆ THÍCH HỢP
Sau khi thu thập được thông tin về các công nghệ và nhà cung cấp,
công việc tiếp theo là tiến hành đánh giá công nghệ và nhà cung cấp để lựa
chọn công nghệ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
Phần này giới thiệu một phương pháp luận đơn giản, bao gồm quy
trình thực hiện đánh giá và các tiêu chí cơ bản để DNN&V tham khảo cho
việc đánh giá, lựa chọn công nghệ cho dự án đầu tư của mình.
I. Quan điểm về sự thích hợp của công nghệ đối với doanh nghiệp
Sự thích hợp của một công nghệ không phải là bản chất của bất kỳ

công nghệ nào, mà nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như chiến lược
kinh doanh, khả năng tài chính và các điều kiện để sử dụng công nghệ của
một doanh nghiệp. Ngoài ra, mức độ thích hợp của một công nghệ cũng
phụ thuộc vào các yếu tố liên quan đến môi trường kinh tế - xã hội của
quốc gia (hay địa phương) nơi doanh nghiệp hoạt động, như: văn hóa, pháp
luật, nguồn nhân lực, nguồn nguyên liệu, điều kiện môi trường, v.v...
Đối với DNN&V, công nghệ phù hợp là công nghệ đáp ứng được
mục tiêu phát triển sản xuất - kinh doanh và cạnh tranh, trên cơ sở phù hợp
với năng lực của doanh nghiệp, điều kiện của địa phương và quốc gia.
II. Các bước đánh giá để lựa chọn công nghệ phù hợp
Bước 1: Xây dựng các tiêu chuẩn/chỉ số đánh giá
- Cần nghiên cứu, lựa chọn một tập hợp các tiêu chuẩn trên cơ sở kết
hợp đầy đủ các tiêu chí kinh tế-kỹ thuật, năng lực doanh nghiệp và môi
trường kinh tế - xã hội có tác động tới hoạt động sản xuất-kinh doanh của
doanh nghiệp.
- Tiêu chuẩn để đánh giá cần căn cứ vào nhu cầu công nghệ của bản
thân doanh nghiệp tại thời điểm đó.
Bước 2: Đánh giá sơ bộ
Dựa trên các thông tin đã thu thập được (xem Phần tìm kiếm thông
tin), tiến hành đánh giá, so sánh để chọn lọc ra một Danh sách các nhà cung
cấp có nhiều triển vọng.

6


Bước 3: Lập Danh sách một số nhà cung cấp có triển vọng
Bước 4: Đánh giá chi tiết
- Đánh giá, so sánh các công nghệ thuộc Danh sách các nhà cung cấp
có triển vọng.
- Lựa chọn một công nghệ thích hợp nhất.

III. Tiêu chí đánh giá công nghệ thích hợp
Dựa trên các tài liệu nghiên cứu về “công nghệ thích hợp” và đổi
mới công nghệ, các chuyên gia đã tổng kết và đưa các nhiều tiêu chí đánh
giá khác nhau, phục vụ cho các mục tiêu và đối tượng khác nhau (APCTT,
2000, 2002; Kumar, 2000; UNIDO, 1996; ESCAP, 1993).
Về cơ bản, việc đưa quyết định lựa chọn công nghệ cần phải được
xem xét đánh giá khả năng đáp ứng đồng thời 3 điều kiện cơ bản sau:
1) Phù hợp với yêu cầu kinh tế - kỹ thuật do doanh nghiệp đề ra;
2) Phù hợp với năng lực công nghệ và kinh tế của doanh nghiệp;
3) Phù hợp với môi trường kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương
nơi doanh nghiệp sẽ ứng dụng công nghệ đó vào sản xuất- kinhdoanh.
Để tạo dễ dàng cho việc đánh giá, Đề tài giới thiệu hệ thống các tiêu
chí cụ thể.
IV. Tiêu chí dánh giá, lựa chọn nhà cung cấp công nghệ
Trước hết, bên mua cần tìm hiểu nhà cung cấp là tổ chức thuộc loại
hình nào: là một công ty sản xuất, hay tổ chức nghiên cứu công nghệ, hay
là một tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ kỹ thuật? Nếu cung cấp cũng là
một công ty sản xuất đã từng sử dụng công nghệ đó thì bên mua có nhiều
cơ hội để có được sự hỗ trợ kỹ thuật. Bên mua cũng cần chú ý đến năng lực
thị trường và uy tín của nhà cung cấp. Bên mua cần phải tìm hiểu đẩy đủ
thông tin liên quan đến quyền sở hữu và quyền chuyển giao hợp pháp của
nhà cung cấp đối với công nghệ đó. Tình trạng tài chính của nhà cung cấp
công nghệ cũng là một yếu tố cần được lưu ý.
Đề tài giới thiệu một số tiêu chí cơ bản có thể được sử dụng để đánh
giá sự phù hợp của nhà cung cấp công nghệ.

7


Chương Bốn

LỰA CHỌN HÌNH THỨC PHÙ HỢP
ĐỂ CÓ ĐƯỢC CÔNG NGHỆ MỚI
Sau khi lựa chọn được công nghệ phù hợp, vấn đề đặt ra là làm thế
nào để doanh nghiệp có được công nghệ đó. Một doanh nghiệp có thể có
được công nghệ mới bằng nhiều hình thức khác nhau. Mỗi hình thức đều có
tính chất, lợi ích và hạn chế nhất định. Lựa chọn được hình thức phù hợp
tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp nâng cao năng lực công nghệ, giảm
mức độ phụ thuộc vào các nguồn bên ngoài.
Chương này giới thiệu cho các nhà quản trị DNN&V một cách tiếp
cận phân tích khá đơn giản để hỗ trợ đưa ra quyết định lựa chọn đúng đắn.
I. Nguồn đổi mới công nghệ
Về cơ bản, ĐMCN của một doanh nghiệp có thể được tạo ra từ 02
nguồn cơ bản:
- Từ bên trong doanh nghiệp: do doanh nghiệp tự nghiên cứu, tạo ra.
- Từ bên ngoài doanh nghiệp: do doanh nghiệp mua từ các tổ chức
bên ngoài.
Kinh nghiêm cho thấy, khả năng kết hợp 2 nguồn trên (với các mức
độ khác nhau) có ý nghĩa quan trọng đối với sự thành công trong ĐMCN
đối với các DNN&V.
I.1. Nguồn bên trong doanh nghiệp
Trong trường hợp này, công nghệ mới là kết quả của quá trình tự
nghiên cứu và phát triển của doanh nghiêp. Điều này trước hết đòi hỏi
doanh nghiệp phải có năng lực tốt về nghiên cứu và phát triển.
Việc tự nghiên cứu, chế tạo ra công nghệ mới cho phép doanh
nghiệp có một số lợi thế nhất định như khả năng sở hữu độc quyền về công
nghệ và đáp ứng tốt nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hình thức
này thường gắn với nhiều rủi ro, vì thời gian thực hiện ĐMCN lâu hơn, chi
phí đầu tư cao hơn so với việc mua công nghệ sẵn có từ bên ngoài.
Với thực trạng và năng lực công nghệ hiện nay, rất ít DNN&V có
khả năng thực hiện ĐMCN thuần túy dựa vào nguồn lực tự có.


8


I.2. Nguồn bên ngoài doanh nghiệp
Đa số các DNN&V dựa vào các nguồn công nghệ từ bên ngoài, bao
gồm:
- Thiết kế và chế tạo theo mẫu sản phẩm sẵn có trên thị trường
- Mua và làm chủ một số công nghệ hợp phần
- Mua quyền sử dụng công nghệ (li-xăng)
- Mua thiết bị chứa đựng công nghệ
Quyết định lựa chọn hình thức nào trước hết tùy thuộc vào bên bán
công nghệ. Nếu bán đưa ra nhiều hình thức lựa chọn thì quyết định của bên
mua có thể dựa vào việc so sánh mức chi phí và lợi ích giữa các hình thức
đó trên cơ sở đánh giá đầy đủ các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, giá cả, uy
tín của nhà cung cấp, cũng như lợi ích của việc phát triển mối quan hệ hợp
tác kinh doanh lâu dài.
I.3. Tiêu chí đánh giá để lựa chọn hình thức phù hợp để có được công
nghệ mới
-

Năng lực công nghệ

-

Thời gian đưa sản phẩm ra thị trường

-

Rủi ro thất bại


-

Chi phí và khả năng thanh toán

9


Chương Năm
ĐÀM PHÁN HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
Thông thường, hoạt động mua bán công nghệ chính thức được thực
hiện dựa trên những thỏa thuận của bên mua và bên bán trên cơ sở hợp
đồng. Với những bất lợi vốn có, các DNN&V thường tỏ ra yếu thế trong
đàm phán, và do đó phải chịu nhiều thua thiệt về lợi ích trong quá trình
CGCN.
Chương này giới thiệu các bước cơ bản để tiến hành đàm phán hợp
đồng CGCN và một số vấn đề kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong quá
trình đàm phán.
I. Quá trình đàm phán hợp đồng CGCN
Quá trình đàm phán hợp đồng CGCN được thực hiện như sau:
- Các bên đàm phán chủ động dự thảo một bản hợp đồng sơ bộ làm
cơ sở cho việc đàm phán, trong đó có tính đến lợi lích và bất đồng có thể
phát sinh trong quá trình đàm phán;
- Tiến hành đàm phán để cuối cùng đạt được sự đồng thuận về các
điều khoản liên quan đến quyền và trách nhiệm của mỗi bên.
Quá trình đàm phán một hợp đồng CGCN bao gồm các bước cơ bản:
Lập kế hoạch đàm phán, lựa chọn đội ngũ chuyên gia, chuẩn bị đàm phán,
dự thảo hợp đồng, tổ chức đàm phán.
I.1. Lập kế hoạch đàm phán
1. Mục tiêu:

- Xác định rõ ràng các mục tiêu.
- Trao đổi, xác định giá trị thị trường của công nghệ và đưa ra quyết định
xúc tiến mối quan hệ mua bán.
- Chính thức gửi một bản Đề xuất bằng văn bản cho bên kia làm cơ sở
cho việc xúc tiến quá trình đàm phán hợp đồng.
2. Phân tích Đề xuất
Phân công một nhóm chuyên gia kỹ thuật để phân tích các vấn đề
liên quan, đồng thời yêu cầu bên gửi đề xuất cung cấp các thông tin bổ
sung.

10


Phân công một nhóm chuyên gia kỹ thuật tiến hành thu thập và phân
tích thông tin về các nội dung liên quan đến công nghệ tìm mua (chào bán)
từ nhiều nguồn khác.
3. Lựa chọn Xác định hình thức CGCN phù hợp
Dự thảo sơ bộ một bản hợp đồng CGCN phù hợp nhằm đáp ứng
được nhu cầu và mục tiêu đặt ra. Nhóm chuyên gia kỹ thuật cần rà soát,
xem xét thật kỹ để bảo đảm các nội dung quan trọng đã được thể hiện trong
bản dự thảo hợp đồng CGCN.
4. Gợi ý cho giai đoạn lập kế hoạch đàm phán
- Xác định rõ các giải pháp lựa chọn phù hợp với các tình huống
khác nhau để quá trình đàm phán có kết quả.
- Cân nhắc tới các lợi ích lâu dài, không nên chú trọng vào các lợi
ích trước mắt.
- Tìm kiếm sự đồng thuận giữa các bên.
- Lên kế hoạch cho việc đàm phán các nội dung khác nhau một cách
độc lập để tránh nhầm lẫn.
- Xác định đẩy đủ các mục tiêu cần đạt được, thay vì chỉ chú ý tới

từng mục tiêu cụ thể.
I.2. Nhóm chuyên gia đàm phán
Sau khi có dự thảo bản hợp đồng sơ bộ, bước tiếp theo là lựa chọn
một đội ngũ chuyên gia đàm phán.
1. Thành phần
Đội ngũ chuyên gia đàm phán gồm 02 bộ phận chuyên trách: Nhóm
hỗ trợ đàm phán và Nhóm thực hiện đàm phán.
2. Trưởng nhóm đàm phán
3. Thành viên của nhóm đàm phán: Chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia
tài chính, chuyên gia pháp lý.
4. Nguyên tắc ứng xử của Nhóm chuyên gia đàm phán
I.3. Chuẩn bị đàm phán
Sau khi thành lập nhóm chuyên gia đàm phán, các hoạt động chuẩn
bị cho các phiên đàm phán chính thức cần được bắt đầu xúc tiến. Giai đoạn
này các bên đàm phán tập trung thu thập, phân tích, đánh giá đầy đủ các
thông tin liên quan của cả hai Bên.

11


I.4. Dự thảo hợp đồng
1. Thời điểm bắt đầu quá trình đàm phán
Nếu bên có công nghệ đã từng bán công nghệ đó thì bên bán có thể
sử dụng bản hợp đồng đó làm bản mẫu giới thiệu cho bên mua.
Đối với những công nghệ chưa từng được chuyển giao, trước hết bên
chào bán công nghệ cần thu xếp một cuộc họp để giới thiệu, trình diễn công
nghệ chào bán, đồng thời chủ động phác thảo một số điều khoản chung.
Sau đó, các bên sẽ tiến hành một số cuộc họp khác để thảo luận kỹ các điều
khoản còn lại. Cuối cùng, bên bán công nghệ sẽ dự thảo một bản hợp đồng
bao gồm các điều khoản và điều kiện và gửi cho bên có mua công nghệ.

2. Chuẩn bị Dự thảo đầu tiên
Thông thường, bên nào đưa ra dự thảo hợp đồng đầu tiên sẽ có lợi
thế hơn do nắm thế chủ động, đưa bên đối tác vào tình thế phải đưa ra các
lý lẽ để đối phó.
Trong các cuộc họp trù bị, các nhóm đàm phán phác thảo các điều
khoản của hợp đồng. Sau khi được xem xét và chấp thuận, bản hợp đồng sẽ
được gửi trước cho bên đối tác để nghiên cứu trước khi diễn ra phiên đàm
phán đầu tiên.
3. Các Dự thảo tiếp theo
Việc đàm phán có thể phải qua nhiều vòng, và mỗi vòng dẫn tới một
Dự thảo mới. Cần đánh số và thời gian của mỗi dự thảo đó. Mỗi dự thảo đó
cũng nên ghi nhận lại những thay đổi so với dự thảo trước, những thảo
thuận mới đạt được, và những điểm còn bất đồng hoặc bảo lưu ý kiến của
mỗi bên.
I.5. Tổ chức các phiên họp đàm phán
1. Bố trí điều kiện vật chất-kỹ thuật
2. Thời lượng và tần xuất các phiên đàm phán
Thông thường các phiên họp đàm phán không kéo dài quá 8
giờ/ngày. Theo nguyên tắc chung, mỗi buổi đàm phán chỉ nên kéo dài
không qua 3 giờ kết hợp với các lần nghỉ giải lao.
3. Các cuộc gặp không chính thức
Các cuộc gặp gỡ không chính thức tại các bữa ăn với các thành viên
của bên đối tác đàm phán cần được khai thác hiệu quả nhằm tạo điều kiện
cho các bên làm quen và mở rộng các mối quan hệ cá nhân.

12


4. Sự khác biệt về ngôn ngữ
5. Công bố vội vàng

Một dự án có thể thất bại vì vội vàng công bố ra bên ngoài. Việc
công bố có thể qua kênh họp báo, phỏng vấn của thành viên thực hiện dự
án. Vì vậy, cần lưu ý hạn chế thông tin bị lọt ra ngoài khi dự án còn đang
trong giai đoạn chuẩn bị.
6. Sự khác biệt về văn hóa
II. Kỹ thuật đàm phán
II.1. Một số vấn đề kỹ thuật trong đàm phán
- Cần cân nhắc việc tập trung giải quyết những vân đề mang tính
nguyên tắc trước, những vấn đề đơn giản sau, hay là hoãn lại những vấn đề
khó, giải quyết những vấn đề đơn giản trước.
- Trong quá trình đàm phán thường nẩy sinh những vấn đề khó khăn,
khó đạt được sự đồng thuận. Cần phân công một số cán bộ chuyên trách có
kinh nghiệm thảo luận tìm kiếm giải pháp thích hợp và báo cáo lại cho
trưởng nhóm đàm phán.
- Lưu giữ các biên bản tóm tắt về tất cả lần nhượng bộ.
- Phân tán sự nhượng bộ.
- Cần phải xây dựng danh mục các vấn đề quan tâm trước khi tiến
hành đàm phán.

13


Chương Sáu
HUY ĐỘNG VỐN CHO ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ
Một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong ĐMCN là
năng lực huy động vốn cho dự án đầu tư. Ở Việt Nam, huy động vốn từ các
kênh chính thức luôn được coi là một thách thức lớn đối với các DNN&V.
Cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các chính sách tài chính của
chính phủ cũng đang được cải thiện nhằm mở rộng thị trường vốn cho các
DNN&V. Để thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn cho ĐMCN, doanh

nghiệp cần hiểu rõ tính chất và yêu cầu của mỗi hình thức huy động vốn.
Chương này giới thiệu các bước tiến hành huy động vốn, phân tích
một số tiêu chí đánh giá, lựa chọn hình thức huy động vốn phù hợp với nhu
cầu của doanh nghiệp.
I. Các bước thực hiện để huy động vốn
Bước 1: Lập kế hoạch kinh doanh (KHKD) phục vụ mục tiêu ĐMCN
Bước 2: Lựa chọn hình thức huy động vốn phù hợp
Bước 3: Lựa chọn tổ chức tài chính phù hợp
Bước 4: Làm việc chính thức với tổ chức tài chính
II. Lựa chọn hình thức huy động vốn phù hợp cho đổi mới công nghệ
II.1. Xác định tiêu chí lựa chọn
1. Tính chất ĐMCN của dự án đầu tư
Cần xác định rõ mục tiêu chính của ĐMCN để đáp ứng nhu cầu
trước mắt của dự án đầu tư, hay còn nhằm nâng cao năng lực công nghệ để
phục vụ mục tiêu sản xuất - kinh doanh trong nhiều năm tới? Công nghệ
(chủ chốt) trong dự án đầu tư thuộc loại mới hay đã được nhiều doanh
nghiệp sử dụng? Để ĐMCN, doanh nghiệp dự kiến sẽ phải tiến hành các
hoạt động cụ thể gì? Nhu cầu về vốn và thời gian để triển khai các hoạt
động này như thế nào?
2. Tính chất của các tổ chức tài chính
Trước hết cần xem xét hình thức hỗ trợ của các tổ chức tài chính có
phù hợp với dự án đầu tư. Mối quan hệ sẵn có với tổ chức tài chính, điều

14


kiện được hỗ trợ và tổ chức được ưu tiên hỗ trợ cũng là những tiêu chí có
ảnh hưởng lớn tới quyết định lựa chọn tổ chức tài chính để huy động vốn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu khả năng của nhiều tổ chức
tài chính trong việc cùng hợp tác hỗ trợ một dự án ĐMCN.

II.2. Một số hình thức huy động vốn cho ĐMCN
1. Xin vay vốn
a. Vay vốn của các ngân hàng thương mại
b. Vay ưu đãi của một số ngân hàng thương mại
c. Vay ưu đãi từ các quỹ hỗ trợ của Chính phủ về phát triển KH&CN
2. Xin tài trợ kinh phí
Ngoài hình thức tín dụng, DNN&V có thể xin tài trợ từ Quỹ phát
triển KH&CN quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh, thành phố, Quỹ
đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình hỗ trợ sản xuất thử nghiệm,
Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia.
3. Sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp
Ngoài các nguồn vốn có thể huy động từ bên ngoài, doanh nghiệp
được sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để đầu tư cho các
hoạt động KH&CN của mình, bao gồm:
- Cấp kinh phí để thực hiện các đề tài, dự án KH&CN.
- Trang bị cơ sở vật chất- kỹ thuật cho hoạt động KH&CN.
- Mua bản quyền công nghệ, quyền sử dụng, quyền sở hữu sáng chế,
giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp... phục vụ cho hoạt động
KH&CN.
- Trả lương, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức KH&CN
- Chi phí cho đào tạo nhân lực KH&CN của doanh nghiệp.
- Chi cho các hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản
xuất.
4. Thuê tài chính
a) Thuê tài chính là một loại hình huy động tín dụng thông qua việc thuê
máy móc, thiết bị và các động sản khác trên cơ sở hợp đồng cho thuê giữa
công ty CTTC và và bên thuê, qua đó bên thuê được sử dụng tài sản thuê và
thanh toán tiền thuê định kỳ theo thỏa thuận.
b) Các bước doanh nghiệp cần chuẩn bị khi thuê tài chính
- Tính toán hiệu quả kinh tế và lập phương án thuê.

15


- Tìm kiếm và thoả thuận sơ bộ với công ty cho thuê tài chính về tài
sản thuê dự kiến.
- Hoàn thiện hồ sơ thuê tài chính và liên lạc với công ty cho thuê tài
chính.
- Phối hợp với công ty cho thuê tài chính trong quá trình mua bán,
đăng ký, bàn giao và đưa tài sản thuê vào sử dụng.
- Thanh toán tiền thuê.
d) Hồ sơ thuê tài chính
- Đơn đề nghị thuê tài chính (mẫu được công ty cho thuê tài chính
cung cấp miễn phí).
- Hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp.
- Phương án thuê tài chính.
- Báo cáo tài chính 2 năm gần nhất (hoặc báo cáo tài chính đến thời
điểm gần nhất đối với các doanh nghiệp mới thành lập).
- Bản thoả thuận mua bán với nhà cung cấp tài sản thuê (nếu có).

16


TÀI LIỆU THAM KHẢO

Sách, báo cáo nghiên cứu
1.

Acs, Z. and S. C. Isberg (1991): “Innovation, Firm Size and Corporate
Finance”.


2.

Acs, Z. J. and D. B. Audretsch (1988): “Innovation in Large and Small
Firms”.

3.

ADB (2004): Lộ trình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa – Dự án hỗ
trợ Kỹ thuật 4031-VIE.

4.

Advanced Technology Program, NIST (2002): Between Invention and
Innovation, An Analysis of Funding for Early-Stage Technology
Development.

5.

American Economic Review, 78, 678-690.

6.

APCTT (2002): Managing Innovation for the New Economy - How to
Guides and Quick Reference Materials.

7.

APCTT – Trường Nghiệp vụ quản lý KH&CN (2000): Tiếp nhận
chuyển giao công nghệ. (Tài liệu tập huấn).


8.

Bộ Khoa học và Công nghệ (2003): Công nghệ và phát triển thị trường
công nghệ ở Việt Nam.

9.

EC-CORDIS (1999): Innovation Management Techniques (IMTs).

10.

EC-CORDIS (2000): Promoting innovation management techniques in
in Europe.

11.

ESCAP (1993): Technology Transfer – Training Manual.

12.

ESCAP (1999): Technology transfer and technological capability
building in Asia and the Pacific.

13.

Fransman, Martin and Kenneth (1987): Technological Capability in
the Third World), Macmillan Press.

14.


Gaynor, Gerard H (1996): Handbook of Technology Management,
International Edition.

15.

Liên Minh Châu Âu Việt Nam (2007a): Dự án Quỹ Phát triển Doanh
nghiệp Vừa và nhỏ (SMEDF), Hội thảo Đào tạo Đánh giá một đơn xin
vay vốn có kỳ hạn của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

16.

Liên Minh Châu Âu Việt Nam (2007b): Dự án Quỹ Phát triển Doanh
nghiệp Vừa và nhỏ (SMEDF), Tài liệu đào tạo Lập Kế hoạch kinh
doanh dành cho các nhà quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ.

17.

Lý Đình Sơn (2004): Nghiên cứu các yếu tố cản trở đối với quá trình
đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam.
(Luận văn Thạc sỹ khoa học).
17


18.

Lý Đình Sơn (2002): Một số ý kiến trong việc xây dựng hệ thống
thông tin vµ chuyển giao công nghệ trong khu vực các DNNVV. (Báo
cáo tham luận hội thảo).

19.


Mekong Project Development Facility (MPDF, 1999): SME in
Vietnam On the Road of Prosperity. (Private sector discussion). WB

20.

MPDF (1998): Business Services in Vietnam. WB

21.

MPDF (2001): SME finance in Vietnam – SME Intitattives. WB

22.

MPDF (2004): Tư vấn quản lý – Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh nhiều triển
vọng cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. (Chuyên đề nghiên cứu
kinh tế tư nhân số 15). WB

23.

Mekong Capital (2003): Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tư
nhân nhỏ và vừa tại Việt Nam.

24.

Narayanan, V.K (2001): Managing technology and innovation for
comtetitive advantage. Pearson Education, Inc, Singapore.

25.


NISTPASS (2005): Khuyến nghị các nguyên tắc chỉ đạo trong thu
thập và diễn giải số liệu về đổi mới công nghệ. (Tài liệu hướng dẫn
OSLO của OECD).

26.

Nguyễn Võ Hưng (2005): Nghiên cứu cơ chế và chính sách KH&CN
khuyến khích đổi mới công nghệ đối với DNN&V có vốn nhà nước.
(Báo cáo đề tài). Bộ KH&CN.

27.

Nguyễn Tỵ (2002): Xây dựng luận cứ khoa học hình thành khung
chính sách, tổ chức quản lý và hệ thống hỗ trợ các doanh nghiệp vừavà
nhỏ. (Báo cáo đề tài cấp Nhà nước). Liên minh các hợp tác xã Việt
Nam.

28.

Nguyễn Đăng Đậu, Nguyễn Xuân Tài (2003): Giáo trình quản lý công
nghệ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Nhà xuất bản Thống Kê.

29.

Tether, B. S. (1998): “Small and Large Firms: Sources of Unequal
Innovations?”.

30.

Trần Ngọc Ca (2000): Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc xây dựng

một số chính sách và biện pháp thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ
và nghiên cứu triển khai trong các cơ sở sản xuất ở Việt Nam. (Báo
cáo đề tài cấp Bộ KH&CN)

31.

Trần Ngọc Ca (2003): Quản lý công nghệ trong các doanh nghiệp vừa
và nhỏ Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá và tự do hoá kinh tế.
(Báo cáo của Dự án SAREC).

32.

Twiss, B. C (1992): Managing technological innovation. UK.

33.

The Handbook for Industrial Innovation (1996).

34.

UNIDO (1996): Manual on technology transfer negotiation. UN

35.

UNIDO (1998): Traing course on Technology Management. UN
18


36.


World Bank (2001): Committee of Donor Agencies for Small
Enterprise Development. WB

Văn bản pháp quy
1.

Luật Chuyển giao công nghệ được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày
29/11/2006.

2.

Nghị định số 119/1999/NĐ-CP ngày 18/9/1999 của Chính phủ về một
số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu
tư vào hoạt động khoa học và công nghệ.

3.

Nghị định số 122/2003/NĐ-CP ngày 22/10/2003 của Chính phủ về
thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

4.

Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ.

5.

Quyết định của Thủ tướng chính phủ về việc thành lập Quỹ đổi mới
công nghệ quốc gia (Dự thảo).


6.

Quyết định số 117/2005/QĐ-TTg ngày 27/05/2005 của Thủ tướng
Chính phủ ban hành Điều lệ mẫu tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát
triển khoa học và công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

7.

Quyết định số 143 /2004/QĐ-TTg ngày 10/08/2004 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp đµo tạo nguồn nhân lực
cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

8.

Quyết định số 1627/2001/QĐ - NHNN ngày 31/12/2001 về quy chế
cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

9.

Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg ngày 20/12/2001 của Thủ tướng
Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động
của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNN&V.

10.

Quyết định số 236/2006/QĐ-TTg ngày 23/10/2006 của Thủ tướng
Chính phủ Phê duyệt Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 5
năm (2006 - 2010).


11.

Quyết định số 236/2006/QĐ-TTg ngày 23/10/2006 về việc Phê duyệt
Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 5 năm (2006 - 2010).

12.

Quyết định số 290/QÐ-BKH ngày 12/05/2003 Về việc thành lập ba
Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Thành phố Hà
Nội, Thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

13.

Quyết định số 36/2007/QĐ-BTC ngày 16/05/2007 của Bộ trưởng Bộ
Tài chính ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển
khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

19


14.

Quyết định số 76/2007/QĐ-UBND ngày 16/05/2007 của Ủy ban nhân
dân Thành phố Về thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ
thành phố Hồ Chí Minh.

15.

Quyết định số 76/2007/QĐ-UBND ngày 16/05/2007 về việc thành lập

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ thành phố Hồ Chí Minh.

16.

Thông tư liên tịch số 2341/2000/TTLT/BKHCNMT-BTC ngày
28/11/2000 Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 119/1999/NĐ-CP ngày
18/09/1999 của Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính
khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và
công nghệ.

17.

Thông tư liên tịch số 25/ 2003/TTLT/BKHCN ngày 25/08/2003 Về
việc bổ sung một số quy định tại Thông tư liên tịch số
341/2000/TTLT/BKHCNMT-BTC ngày 28/11/2000 "Hướng dẫn thực
hiện Nghị định số 119/1999/NĐ-CP ngày 08/09/1999 của Chính phủ
về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh
nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ".

20



×