Tải bản đầy đủ (.doc) (93 trang)

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn bão vũ luận văn thạc sỹ ngữ văn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (402.82 KB, 93 trang )

1
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH
-----------------------

LƯƠNG THỊ HIỀN

THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG
TRUYỆN NGẮN BÃO VŨ

LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Lý luận văn học

Vinh – 2011
MỞ ĐẦU
0


2

1. Lí do chọn đề tài
1.1. Con người bao giờ cũng là vấn đề trung tâm của văn học trong
mọi thời đại, là đối tượng miêu tả và là tâm điểm của mọi tác phẩm văn
học. Sở dĩ như thế vì con người là kết tinh những giá trị về văn hoá, nhân
cách, tư tưởng, cá tính. Con người ở ngoài đời đi vào tác phẩm văn học trở
thành nhân vật văn học. Nhân vật văn học có vai trò quan trọng, là hình
thức cơ bản để qua đó văn học miêu tả thế giới một cách hình tượng, là
phương tiện giúp nhà văn bộc lộ quan niệm của mình về cuộc sống. Mỗi
thời đại có một quan niệm khác nhau về con người, vì thế hệ thống nhân
vật cũng khác nhau. Nhà thơ Đức J. Bêsê đã nói “nền văn học mới bao giờ
cũng ra đời cùng lúc với con người mới”.


1.2. Bão Vũ xuất hiện trên văn đàn văn học Việt Nam vào đầu thập
niên 90 của thế kỷ XX, không gây xôn xao dư luận như Nguyễn Huy
Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ,… nhưng được xem là một
hiện tượng văn học, một cây bút có nhiều triển vọng xuất sắc, đạt giải
thưởng Báo Người Hà Nội, giải thưởng văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm,
nhiều truyện ngắn được nhà xuất bản Hội nhà văn tuyển chọn trong những
truyện ngắn hay nhất của tháng, của năm, được hãng phim truyền hình Việt
Nam dựng thành phim,… Năm 1999, Bão Vũ được kết nạp vào Hội Nhà
văn Việt Nam.
1.3. Bão Vũ có viết tiểu thuyết, tuy nhiên ông có sở trường hơn ở
thể loại truyện ngắn, đây là thể loại ông viết rất khoái hoạt, thường
xuyên và dành được sự quan tâm của độc giả. Truyện ngắn đưa ông đến
với duyên nghiệp văn chương, là thể loại giúp ông phản ánh nhiều vấn
đề bức thiết của cuộc sống, một thể loại giúp ông thoả sức sáng tạo nhân
vật từ muôn vàn mảnh hiện thực của cuộc sống mà ông gọi đó là “biển
đời luôn biến động”.

0


3
1.4. Mặc dù vậy, gần như chưa có công trình nào tiếp cận truyện
ngắn Bão Vũ một cách toàn diện và có hệ thống, đặc biệt ở phương diện
thế giới nhân vật. Có thể nói đây là một khoảng đất trống cần được khai
phá. Bởi vậy, chúng tôi chọn thế giới nhân vật trong truyện ngắn Bão Vũ
làm đề tài nghiên cứu. Hi vọng sau khi khảo sát thế giới nhân vật trong
truyện ngắn Bão Vũ, chúng tôi sẽ làm sáng tỏ hơn quan niệm nghệ thuật về
con người của nhà văn và những đóng góp của ông về phương diện nghệ
thuật xây dựng nhân vật.
2. Lịch sử vấn đề

Vấn đề truyện ngắn Bão Vũ nói chung, thế giới nhân vật nói riêng
trong truyện ngắn của ông nói riêng chưa được quan tâm đánh giá đúng
mức. Hiện tại mới chỉ có một số bài báo, bài phỏng vấn đề cập đến truyện
ngắn Bão Vũ :
2.1. Bài viết “Bão Vũ và cuộc trình làng muộn” của tác giả Bến Văn
trên www.Vietnam.vn giới thiệu Bão Vũ : “Xuất hiện vào thập kỉ cuối cùng
của thế kỉ XX, Bão Vũ đã ngay lập tức chiếm được cảm tình của bạn viết
và bạn đọc cả nước với một loạt truyện ngắn liên tiếp được giới thiệu trên
báo Văn nghệ, liên tiếp dành được giải cao nhất trong các cuộc thi về thể
loại này, liên tiếp được xếp vào topten truyện ngắn hay trong các tuyển tập
của nhà xuất bản. Và trong mươi mười lăm năm trở lại đây, anh liên tiếp
cho xuất bản gần mười đầu sách trong đó có tập Mây núi Thái Hàng giành
giải thưởng Hội nhà văn năm 2000 và được đề cử giải thưởng văn học
ASEAN. Một số truyện của Bão Vũ được dịch ra tiếng anh như Vết thương
trong không gian, Đào nương và có đến gần chục truyện dựng thành phim
khiến tên tuổi anh nổi như cồn, trở thành một hiện tượng văn học thời mở
cửa” [50, 1].
Đây là bài viết công phu, tác giả có nhiều tìm tòi về Bão Vũ, còn trò
truyện với nhà văn để hiểu hơn về tâm sự của ông. Tuy nhiên bài viết mới
chỉ dừng lại ở việc giới thiệu về truyện ngắn hay của Bão Vũ, những thành
0


4
công của nhà văn gặt hái được khi trình làng văn, chứ chưa đi sâu vào
những đặc điểm nội dung và nghệ thuật truyện ngắn, đặc biệt là thế giới
nhân vật của ông.
Ngoài ra, tác giả còn dẫn lời nhận xét của Hội Nhà văn trên Website
về Bão Vũ: “Tác phẩm của Bão Vũ có cái biến hoá của một người từng trải
qua lắm cung bậc đời thường mà tâm hồn có khát vọng thẩm mĩ, có cái lịch

lãm của người sống nhiều, sống kĩ và nhất là có niềm trân trọng cuộc sống
vì ông chỉ chia sẻ với bạn đọc những điều thú vị với giọng văn ánh lên
niềm sang trọng ngay cả khi tác giả kể về những kẻ bụi đời hay những
cảnh huống dưới đáy” [50, 4]. Tuy nhiên tác giả cũng chỉ ra rằng Hội Nhà
văn mới dừng lại ở việc giới thiệu tác phẩm Bão Vũ ở một số nét chung
nhất như giọng văn, đề tài, vv… chứ chưa đi sâu tìm hiểu thế giới nhân vật
trong tác phẩm của ông với những biểu hiện về phẩm chất, tính cách,…
2.2. Bài viết “Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Việt Nam
đương đại” của Thái Phan Vàng Anh, />khai thác ngôn ngữ trần thuật trong văn xuôi Việt Nam đương đại. Tác giả
cho rằng ngôn ngữ Bão Vũ mang tính hiện đại nhưng chưa tìm hiểu ngôn
ngữ thể hiện nhân vật, miêu tả nhân vật trong truyện ngắn Bão Vũ.
2.3. Khoá luận tốt nghiệp đại học Đặc điểm truyện ngắn Bão Vũ sau
năm 1986 của tác giả Nguyễn Thị Phương tìm hiểu những đặc điểm chung
nhất của truyên ngắn Bão Vũ về cả nội dung và nghệ thuật. Vì phạm vi
nhiên cứu của đề tài là khá rộng nên tác giả chưa đi vào bề sâu. Tác giả
cũng mới giới thiệu qua về nhân vật người phụ nữ, kiến trúc sư, trẻ em
trong truyện ngắn Bão Vũ.
Ngoài ra còn có bài viết “Bão Vũ - Duyên nghiệp văn chương và tác
phẩm” của tác giả Vũ Quốc Văn trên www.Vietnam.vn nói về niềm say mê
văn chương của Bão Vũ, bài phỏng vấn, trao đổi của nhà văn Bão Vũ với
phóng viên Vũ Thị Huyền, với báo thể thao văn hoá, với tạp chí truyền
hình - Đài truyền hình Việt Nam, với báo Văn nghệ,… Thông qua các cuộc
0


5
trao đổi, nhà văn đã bộc lộ những quan niệm của mình về văn chương,
nghệ thuật.
Tóm lại, những ý kiến đánh giá về Bão Vũ chưa nhiều, và dường như
chưa có một công trình dài hơi, hệ thống đánh giá cụ thể về thế giới nhân

vật của ông. Đề tài thế giới nhân vật trong truyện ngắn Bão Vũ của chúng
tôi mong muốn thể hiện một cách nhìn về truyện ngắn Bão Vũ ở phương
diện thế giới nhân vật.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là thế giới nhân vật trong truyện
ngắn Bão Vũ.
3.2. Phạm vi nghiên cứu:
Bão Vũ không chỉ sáng tác truyện ngắn mà còn sáng tác tiểu thuyết
với các tác phẩm : Vĩnh biệt vườn địa đàng, Trận lụt, Bài hát cỏ vi,…;
truyện vừa với các tác phẩm: Bản di chúc sống, Vườn thuốc, Thị trấn Mỵ
Giang, Đảo khổ qua,…; truyện dài với tác phẩm Hành Phương Nam.
Nhưng trong phạm vi đề tài này, chúng tôi chỉ tập trung tìm hiểu
nghiên cứu những loại hình nhân vật được tác giả thể hiện trong truyện
ngắn của ông. Cụ thể là :
- Chúng tôi khảo sát thế giới nhân vật Bão Vũ chủ yếu qua hai tập
truyện ngắn: Cánh đồng mơ mộng (Nxb Hải Phòng - 1998), Biển nổi giận
(Nxb Hải Phòng - 1998).
- Ngoài ra, chúng tôi còn tìm hiểu thêm một số truyện ngắn của ông
được đăng trên các tờ báo, tạp chí, mạng Internet…
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
Thực hiện đề tài này, chúng tôi hướng đến thực hiện những nhiệm vụ sau :
- Tìm hiểu những đóng góp của Bão Vũ trong bức tranh truyện ngắn
Việt Nam sau 1986.
- Tìm hiểu những loại hình nhân vật tiêu biểu trong truyện ngắn Bão Vũ.
0


6
- Tìm hiểu nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Bão Vũ.

5. Phương pháp nghiên cứu
Để triển khai đề tài này, chúng tôi áp dụng các phương pháp chính
như sau :
- Phương pháp lịch sử - xã hội
- Phương pháp thống kê - phân loại
- Phương pháp phân tích - tổng hợp
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Thư mục tham khảo, nội dung của
luận văn gồm 3 chương như sau:
Chương 1. Truyện ngắn Bão Vũ trong bức tranh truyện ngắn Việt
Nam sau 1986
Chương 2. Những loại hình nhân vật tiêu biểu trong truyện ngắn
Bão Vũ
Chương 3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Bão Vũ

0


7
Chương 1
TRUYỆN NGẮN BÃO VŨ TRONG BỨC TRANH TRUYỆN NGẮN
VIỆT NAM SAU 1986
1.1. Bức tranh truyện ngắn Việt Nam sau 1986
1.1.1. Vài nét về thể loại truyện ngắn
Hiện nay có rất nhiều quan niệm về truyện ngắn. Nguyễn Kiên phát
biểu: “Tôi cho rằng mỗi truyện ngắn là một trường hợp… Trong quan hệ
giữa con người và đời sống, có những khoảnh khắc nào đó, một mối quan
hệ nào đó được bộc lộ. Truyện ngắn phải nắm bắt được cái trường hợp ấy.
Trường hợp ở đây là một màn kịch chớp nhoáng, có khi là một trạng thái
tâm lý, một biến chuyển tình cảm kéo dài, chậm rãi trong nhiều ngày.

Nhưng nhìn chung thì vẫn có thể gọi là một trường hợp” [14, 11]. Còn
Nguyễn Công Hoan thì quan niệm: “Truyện ngắn và truyện dài phải khác
nhau ở tính chất. Truyện ngắn không phải là truyện mà là một vấn đề được
xây dựng bằng chi tiết với sự bố trí chặt chẽ bằng thái độ với cách đặt câu
dùng tiếng có cân nhắc. Muốn truyện ấy là truyện ngắn chỉ nên lấy một
trong từng ấy ý làm ý chính, làm chủ đề cho truyện… Những chi tiết trong
truyện chỉ xoay quanh chủ đề ấy” [14, 11]. Nguyên Ngọc cho rằng “không
nên nhất thiết trói buộc truyện ngắn vào những khuôn mẫu gò bó. Truyện
ngắn vốn nhiều vẻ. Cốt truyện viết về cả một đời người lại có truyện chỉ
ghi lại một vài giây phút thoáng qua” [14, 11].
Định nghĩa của sách Từ điển thuật ngữ văn học có lẽ khái quát được
tất cả những quan niệm nói trên: “Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ có
nội dung bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống như đời tư, thế sự
hay sử thi nhưng cái độc đáo là nó ngắn. Truyện ngắn được viết ra để tiếp
thu liền một mạch nhưng cái độc đáo là nó ngắn” [16,170]. Và “nếu mỗi
nhân vật của tiểu thuyết là một thế giới thì nhân vật của truyện ngắn là một
mảnh nhỏ của thế giới ấy” [16, 171].
0


8
Mức độ dài ngắn chưa phải là đặc điểm chủ yếu phân biệt truyện
ngắn với các thể loại khác. Trong văn học hiện đại có nhiều tác phẩm rất
ngắn nhưng thực chất là truyện dài viết ngắn lại. Truyện ngắn Thời trung
đại cũng ngắn nhưng rất gần với truyện vừa. Các hình thức truyện kể dân
gian rất ngắn gọn như cổ tích, truyện cười, giai thoại lại càng không phải là
truyện ngắn.
Truyện ngắn hiện đại là một kiểu tư duy mới, một cách nhìn cuộc
đời, một cách nắm bắt đời sống rất riêng, mang tính chất thể loại. Cho nên
truyện ngắn đích thực xuất hiện rất muộn trong lịch sử văn học.

Nếu tiểu thuyết chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn và
toàn vẹn của nó thì truyện ngắn thường hướng tới việc khắc hoạ một
hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời
sống tâm hồn của con người. Truyện ngắn thường ít sự kiện, ít nhân vật
phức tạp. Và nếu mỗi nhân vật của tiểu thuyết là một thế giới thì nhân
vật của truyện ngắn là một mảnh nhỏ của thế giới ấy. Truyện ngắn
không nhằm tới việc khắc họa những tính cách điển hình đầy đặn, nhiều
mặt trong tương quan với hoàn cảnh. Nhân vật của truyện ngắn thường
là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội, hoặc trạng
thái tồn tại của con người.
Không gian, thời gian diễn ra cốt truyện của truyện ngắn rất hạn chế,
chức năng của nó là nhận ra một điều gì đó sâu sắc về cuộc đời và tình
người. Kết cấu của truyện ngắn không chia làm nhiều tầng, nhiều tuyến mà
được xây dựng theo nguyên tắc liên tưởng hoặc tương phản. Bút pháp
tường thuật chủ yếu của truyện ngắn thường là chấm phá. Chi tiết trong
truyện ngắn thường cô đọng, có dung lượng lớn với lối hành văn mang
nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết.
Truyện ngắn hiện đại có những ưu thế riêng so với những thể loại
khác. M.Bakhtin chỉ rõ: “Mỗi thể loại thể hiện một thái độ thẩm mỹ đối
với hiện thực, một cách cảm thụ, nhìn nhận, giải minh thế giới và con
0


9
người. Truyện ngắn là một thể loại như thế, đặc biệt là trong xã hội hiện
đại. Vì thế nó thu hút được sự quan tâm của người sáng tác, nghiên cứu,
người đọc” [14, 13]. Truyện ngắn là thể loại gần gũi với đời sống hàng
ngày, súc tích, dễ đọc, lại thường gắn liền với báo chí nên nó có tác dụng,
ảnh hưởng kịp thời trong đời sống. Nhiều nhà văn lớn trên thế giới và nước
ta đạt được đỉnh cao của sự nghiệp sáng tạo chủ yếu bằng những truyện

ngắn xuất sắc của mình.
1.1.2. Bức tranh truyện ngắn Việt Nam sau 1986
1.1.2.1. Bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam sau 1986 và nhu cầu đổi mới
văn học
Sau ngày 30 tháng tư năm 1975, miền Nam hoàn toàn được giải
phóng, tổ quốc thống nhất, cả dân tộc bước vào thời kì xây dựng lại đất
nước và đi lên chủ nghĩa xã hội. Thời cơ và thuận lợi để đưa đất nước đi
lên đã đến, nhưng thách thức và khó khăn thì rất nhiều. Hậu quả nặng nề
của hai cuộc chiến tranh ác liệt và dài lâu vào bậc nhất trong lịch sử dân tộc
vẫn chưa khắc phục được hết. Bên cạnh đó chúng ta còn bị rơi vào tình
thế khó khăn gấp bội do chính sách cô lập, cấm vận Việt Nam của các thế
lực đế quốc thù địch, sự tan rã của hệ thống chủ nghĩa xã hội trên thế giới,
sự sụp đổ của liên bang Xô viết. Thêm vào đó còn là những chủ trương,
chính sách kinh tế - xã hội nặng về duy ý chí, chủ quan, nóng vội,… Tất
cả những điều đó đã đẩy đất nước đến cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội
ngày càng nặng nề nửa đầu những năm 80 và hết sức trầm trọng ở giữa
thập kỉ đó.
Nhưng sức sống bền bỉ và mạnh mẽ của một dân tộc đã có lịch sử
mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước lại một lần nữa được thể hiện để
đưa đất nước thoát khỏi tình thế hiểm nghèo. Đại hội Đảng lần thứ VI
(1986) đã đề ra đường lối đổi mới đất nước. Đường lối này đã trở thành
cương lĩnh và con đường đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và bước
vào thời kì phát triển mới.
0


10
Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, đáng chú ý là cuộc gặp gỡ trao
đổi thẳng thắn, dân chủ giữa tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với gần 100 văn
nghệ sĩ đại diện cho các ngành nghệ thuật ngày 6, 7 tháng 10 năm 1987.

Bên cạnh đó là Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam
đưa ra chủ trương phát huy khả năng sáng tạo đưa văn học nghệ thuật và
văn hoá phát triển lên một bước.
Tất cả những điều kiện thuận lợi đó đã thổi một luồng gió mới vào
đời sống văn học nước nhà, mở ra thời kì mới của văn học trên tinh thần
đổi mới tư duy và nhìn thẳng vào sự thật, tự do sáng tạo phải đi đôi với tự
do phê bình và không nhất thiết “cứ viết một câu trung thì phải viết một
câu nịnh”, “tự ép khuôn khổ chiều ngang lại cho khỏi kềnh càng, tự bạt
chiều cao cho thấp đi để khỏi chạm trần”. Nhà văn được trở lại công việc
viết với ý nghĩa đích thực nhất, được làm điều mình muốn, viết điều mình
nghĩ.
Văn học Việt Nam trong ba mươi năm từ 1945 đến 1975 đã làm tròn
sứ mệnh cao cả của một nền văn học phục vụ cách mạng, cổ vũ chiến đấu,
vì tổ quốc, vì nhân dân. Về đặc điểm loại hình, đó là nền văn học theo
khuynh hướng sử thi, được thể hiện trong sự thống nhất trên quan điểm sử
thi của cảm hứng, đề tài và chủ đề, thế giới nhân vật cho đến kết cấu, giọng
điệu. Nền văn học sử thi của ba mươi năm ấy là một giai đoạn có tính đặc
thù, có những đóng góp riêng cho tiến trình văn học dân tộc. Quá trình của
nó còn tiếp tục chi phối nền văn học ở cuối thập kỉ 70 và cả nửa đầu những
năm 80 của thế kỉ XX.
Sau năm 1975, sự chuyển biến của đời sống xã hội, văn hoá, tư tưởng
đã dẫn đến sự đổi thay trong nhu cầu và quan niệm thẩm mĩ, đòi hỏi văn
học phải đổi mới. Trong chiến tranh giữ nước và giải phóng dân tộc, sức
mạnh của tinh thần yêu nước và ý thức cộng đồng đã được phát huy cao độ.
Cuộc sống cá nhân và riêng tư của mỗi con người phải thu hẹp đến mức tối
thiểu, nhường chỗ cho đời sống chung của tập thể, dân tộc. Con người
0


11

được nhìn nhận, đánh giá trước hết ở tư cách công dân, con người của nhân
dân, của dân tộc, của cách mạng. Đó là thời kì, theo cách nói của Chế Lan
Viên “những năm đất nước có chung tâm hồn, có chung khuôn mặt, nụ
cười tiễn đưa con nghìn bà mẹ như nhau”. Nay hoà bình trở lại, con người
trở về cuộc sống đời thường phồn tạp, muôn vẻ, tốt xấu lẫn lộn, rồng
phượng - rắn rết, trắng - đen, bi - hài,… Chiến tranh náo động ồn ào mà lại
có cái yên tĩnh của nó. Còn hoà bình dù tiếng súng đã lặng yên nhưng
những va đập về quyền lợi lại không hề đơn giản chút nào. Các giá trị
truyền thống cần được xem xét lại, nhiều chuẩn mực bị thay đổi. Con người
là một tiểu vũ trụ phức tạp, bí ẩn. Như Nguyễn Khải từng tâm sự : “Tôi
thích cái hôm nay, cái hôm nay ngổn ngang, bề bộn, bóng tối và ánh sáng,
màu đỏ và màu đen, đầy rẫy những biến động, những bất ngờ, mới là mảnh
đất phì nhiêu cho các cây bút thỏa sức khai vỡ” [35, 81].
Như vậy xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, nhu cầu đổi mới văn học đã
dần dần trở thành đòi hỏi chung cho cả giới sáng tác, phê bình lẫn công
chúng. Bằng những thể nghiệm, tìm tòi trên cả sáng tác và hoạt động lí
luận, phê bình, văn học đã hình thành từng bước một tư duy nghệ thuật
mới, trên cơ sở đổi mới toàn diện các quan niệm về văn chương, về hiện
thực và con người, về chính nhà văn và công chúng văn học. Nhiều vấn đề
cơ bản cốt lõi của quan niệm văn học trước đó vốn được xem là những
chân lí hiển nhiên, thì bây giờ phải được xem xét lại, trở thành những vấn
đề tranh cãi, bàn thảo khá sôi nổi cả trong và ngoài giới văn học như văn
học và hiện thực, văn nghệ và chính trị, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ
nghĩa… Đường lối mở cửa, hội nhập quốc tế của Đảng đã tạo cơ hội mở
rộng, giao lưu văn hoá, văn học giữa nước ta với các nước trên thế giớí, đặc
biệt là các nước phương Tây. Nhờ thế mà nhiều trào lưu, khuynh hướng và
lí luận nghệ thuật hiện đại của thế giới đã được giới thiệu tại Việt Nam, tác
động đến sự tìm tòi, sáng tạo của nhà văn và làm biến đổi cả thị hiếu tiếp
nhận của công chúng.
0



12
Cuộc đổi mới văn học vừa là một hệ quả lại vừa là một động lực thúc
đẩy công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Chính trong khi hướng đến mục
tiêu đổi mới xã hội, văn học cần phải và có thể tự đổi mới chính mình.
1.1.2.2. Bức tranh truyện ngắn Việt Nam sau 1986
Sau năm 1975, đặc biệt là từ sau 1986, đời sống văn học Việt Nam
có nhiều thay đổi. Trong bức tranh chung ấy, chúng ta rất dễ nhận ra sự
khởi sắc của thể loại truyện ngắn. Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu đã nhận
ra sự vận động mới. Nguyên Ngọc đã từng hồ hởi nhận định “đến đây bỗng
thấy một quy luật rất thú vị về sự phát triển của thể loại văn học này.
Truyện ngắn bỗng nổi lên hàng đầu. Những năm trước truyện ngắn gần như
lịm đi, bị đè bẹp dưới sức nặng của dã chiến ngồn ngộn. Bây giờ len qua kẻ
hở của vô số tiểu thuyết ngổn ngang kia, nó ngoi lên và bừng nở. Tôi có
cảm giác chúng ta đang đứng trước một vụ được mùa truyện ngắn. Truyện
ngắn đông, nhiều và thực sự có một số truyện ngắn hay” [37, 11]. Còn
Hoàng Minh Tường thì nhiệt tình khẳng định “chưa bao giờ truyện ngắn lại
tung phá và biến ảo như thời kỳ này” [37, 18]. Dung lượng truyện ngắn
tăng có thể xem là đặc điểm nổi bật của truyện ngắn Việt Nam sau 1986.
Qua một vài con số thống kê, ta có thể thấy được tốc độ phát triển của thể
loại truyện ngắn. Cuộc thi truyện ngắn của báo văn nghệ, Hội nhà văn
thành phố Hồ Chí Minh và tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức đã thu hút tới
gần 7000 truyện dự thi. Cuộc thi truyện ngắn 2001-2002 do tạp chí Văn
nghệ quân đội tổ chức có gần 2000 tác phẩm dự thi bằng số lượng truyện
ngắn của bốn năm 1978-1979, 1983 -1984. Điều đó cho thấy tiềm lực rất
lớn của thể loại tự sự cỡ nhỏ. Có thể nói chưa bao giờ truyện ngắn lại phát
triển phong phú về số lượng lẫn chất lượng nghệ thuật như thời kì này.
Có được sự phát triển rực rỡ như vậy ở thể loại truyện ngắn trước hết
là do ưu thế của thể loại. Ở các lĩnh vực khác như thơ, tiểu thuyết, ký, kịch

bản sân khấu đã có lúc đem lại hứng thú nghệ thuật với độc giả, song cũng
có lúc rơi vào sự thờ ơ lãnh đạm bởi không đáp ứng kịp thời đời sống tinh
0


13
thần và thẩm mỹ đang biến đổi và nâng cao trong công chúng. Trong khi
đó truyện ngắn thời kì đổi mới luôn đáp ứng được thị hiếu của công chúng.
“Truyện ngắn tự nó đã hàm chứa cái thú vị của những điều sâu sắc trong
một hình thức nhỏ gọn và truyền dẫn cực nhanh những thông tin mới mẻ.
Đây là thể loại văn học có nội khí một lời mà thiên cổ gợi, mà trăm suy”
[37, 12]. Người đọc thích tìm đến thể loại truyện ngắn bởi nó gần gũi với
đời sống hàng ngày, súc tích, dễ đọc lại thường gắn liền với hoạt động báo
chí nên tiếp xúc với nó khá dễ dàng, thuận tiện. Truyện ngắn khắc hoạ
“một lát cắt của đời sống”. Lát cắt ấy được nhà văn khám phá trong một
khoảnh khắc xuất thần nào đó, hay là kết quả của một sự chiêm nghiệm đời
sống trong giây phút thoáng qua. Cố nhiên cái xuất thần thoáng qua ấy chỉ
có ở những con người luôn trăn trở, suy tư về cuộc sống.
Truyện ngắn sau 1986 trước tiên có sự đổi mới về nội dung. Ra đời
trong không khí đổi mới đất nước, đổi mới văn học, truyện ngắn Việt Nam
sau năm 1986 đã mang một diện mạo mới mẻ. Văn xuôi nói chung và
truyện ngắn nói riêng của giai đoạn này đã được bổ sung thêm một mảng
hiện thực lớn trong đời sống văn học mà trước đây nó bị bỏ quên. Chính vì
vậy hiện thực cuộc sống trong văn đã đầy đủ hơn, phong phú hơn. Truyện
ngắn thời kì đổi mới đi vào mọi vấn đề của cuộc sống thường nhật. Đó là
nỗi đau chiến tranh để lại, là sự mất mát của người lính thời hậu chiến, là
nỗi hận thù của dòng họ, là sự khắc nghiệt của đói khát và cô đơn, có cả
những vấn đề của cõi tâm linh, tiềm thức và vô thức ; có niềm hân hoan
hạnh phúc và cả nỗi đắng cay ngậm ngùi. Mọi cảm xúc, mọi cung bậc của
đời sống đều sống dậy trong những câu chữ giản dị. Bao nhiêu phức tạp ồn

ào, bao nhiêu dư vị đắng chát của cuộc sống thời đổi mới đều được truyện
ngắn phản ánh chân thực… Những lát cắt của cuộc sống đều được ghi lại
đủ sức soi tỏ một phương diện nào đó của hiện thực mà khi nhìn lại, ta vẫn
thấy ở đó cái nhất thời và cái vĩnh viễn của một giai đoạn trong guồng quay
vô tận của bánh xe lịch sử. Truyện ngắn giờ đây đã mang sức nặng của
0


14
những khái quát sâu sắc. Qua mỗi câu chuyện ta có thể thấy một cảnh đời,
một kiếp người, một vận hội, một thời đại. Có những truyện ngắn có sức
nặng như một cuốn tiểu thuyết như Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát
(Nguyễn Minh Châu), Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh), Ác mộng (Ngô
Ngọc Bội). Còn truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh thoạt nghe nhẹ nhàng
như một ngọn gió hay một cơn mưa nhẹ và buồn, dễ nhầm với một thứ
truyện học trò, nhưng đọc kỹ lại nghe chất chứa những xung đột có khi rất
dữ dội mà người ta cố tình nén lại như một vở kịch câm.
Truyện ngắn sau năm 1986 có những đặc điểm cách tân hơn so với
truyện ngắn các giai đoạn trước ở sự thâm nhập và chi phối của tư duy tiểu
thuyết, ở tính tổng hợp cao, khả năng bám sát và thể hiện cuộc sống đang
vận động, tính phức hợp và đa dạng của chủ đề, tăng cường sự phân tích
nội tâm… Nhiều truyện ngắn còn có cấu trúc đan cài các yếu tố thực và ảo,
cái hiện hữu lẫn cái vô hình, mở ra một không gian mới lạ cho truyện ngắn.
Sự dồn nén tổng hợp này khiến cho nhiều truyện ngắn có dáng dấp những
“đoản thiên tiểu thuyết”, rất khác xa với những truyện ngắn giai đoạn
trước.
Trong thời kì đầu đổi mới văn học, truyện ngắn mở những mũi thăm
dò, khai thác và đặt ra nhiều vấn đề đạo đức, thế sự, nhanh chóng đạt được
độ chín cả về hình thức và nội dung mà tiểu thuyết còn chưa kịp đạt đến.
Cho đến những năm 90, dù không còn tạo được những ấn tượng đặc biệt,

thể loại truyện ngắn vẫn ghi được những thành công đều đặn và chắc chắn,
thể hiện được lối tư duy nghệ thuật giàu tìm tòi. Nhìn chung trong các thể
văn xuôi đương đại, truyện ngắn là thể loại có nhiều thành tựu đặc sắc với
những cây bút truyện ngắn quen thuộc và những cây bút mới kế tiếp nhau
xuất hiện, nhanh chóng khẳng định được bản sắc riêng như Nguyễn Huy
Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Quang
Lập, Phan Thị Vàng Anh, Bão Vũ, Quế Hương,…

0


15
Truyện ngắn thời kì đổi mới đã có sự chuyển biến rõ rệt từ cảm hứng
sử thi sang cảm hứng thế sự đời tư, không còn ngợi ca một chiều đầy nhiệt
tình hào sảng như trước mà lắng lại những suy tư, chiêm nghiệm. Mặt khác
cảm hứng phê phán, trào lộng, cảm hứng thân phận cá nhân lại được nhấn
mạnh như là những cảm hứng chủ đạo trong văn học. Có thể nói khi nhà
văn hoà mình vào cuộc sống muôn màu muôn vẻ, trải nghiệm và trăn trở
với chính cuộc sống ấy thì cảm hứng sáng tạo sẽ phong phú, đa dạng hơn.
Được tự do trong cảm hứng sáng tạo, người viết truyện ngắn có điều kiện
để thể nghiệm những tìm tòi về cách viết.
Bên cạnh đó là sự đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người.
Nếu trước đó con người được xem xét ở bình diện dân tộc, giai cấp, cách
mạng, ở tư cách công dân thì con người trong văn học hôm nay được nhìn
ở nhiều vị thế và trong tính đa chiều của mọi mối quan hệ : con người với
xã hội, con người với lịch sử, con người với gia đình, gia tộc, con người
với phong tục, với tự nhiên, với những người khác và với chính mình…
Con người cũng được văn học khám phá, soi chiếu ở nhiều bình diện và
tầng bậc: ý thức và vô thức ; đời sống tư tưởng, tình cảm và đời sống tự
nhiên, bản năng ; khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường ; con người cụ

thể, cá biệt và con người trong tính nhân loại phổ quát. Điều dễ nhận ra là
trong phần lớn các tác phẩm văn học thời kì sau 1986, con người không
còn là nhất phiến, đơn trị mà là con người đa diện, đa trị, lưỡng phân, trong
con người đan cài, chen lẫn, giao tranh bóng tối và ánh sáng, thiên thần và
quỉ sứ, cao cả và tầm thường,… Tất nhiên, nền văn học chân chính luôn
chú ý phản ánh sự thức tỉnh ý thức của con người để hướng tới cái thiện,
cái đẹp và sự hoàn thiện nhân cách.
Về phương diện nghệ thuật, nếu trước đây cốt truyện đóng vai trò chủ
yếu trong truyện ngắn nói riêng và loại hình tự sự nói chung thì truyện
ngắn hôm nay cốt truyện không còn vị trí độc tôn, chủ đạo, thậm chí người
viết không cần đến cốt truyện. Chi tiết và sự kiện lên ngôi, cách nói “bóng
0


16
chữ” thay cho cách nói thông thường. Hiện tượng thường gặp trong văn
xuôi nói chung và truyện ngắn nói riêng trong thời kì đổi mới là lối viết
theo dòng suy tưởng, lối viết phân mảnh rời rạc và lộn xộn một cách có chủ
ý, lối “tiểu tự sự” hướng về các khu vực riêng tư, cá uẩn khúc nội tâm, các
dồn nén hoặc buông thả của tiềm thức hay dục tính… Truyện ngắn hiện đại
đã không còn hoặc không cần nhân vật theo lối có thể hình dung hoặc “sờ
mó”, mà theo lối biểu tượng hoặc chỉ cần một kí hiệu, hướng vào tiềm thức
hoặc dòng ý thức thay cho kể, tả, dẫn truyện ở ngôi thứ ba. Các tác giả còn
thay lôgic thông thường bằng những nghịch lý và phi lý để thấy cuộc sống
đầy những ngẫu nhiên, ngẫu sự, gia tăng yếu tố kỳ ảo, huyền thoại vừa tạo
được chiều sâu trong khám phá hiện thực, vừa tạo nên sự hấp dẫn đối với
công chúng. Những thử nghiệm nghệ thuật có cái đã thành công, có cái
chưa tới đích nhưng nó đã thực sự tạo nên sự phong phú của bức tranh vốn
nhiều màu sắc của truyện ngắn Việt Nam thời kì đổi mới.
Truyện ngắn hiện đại sau 1986 cũng đã có những cách tân mới mẻ

trong bút pháp thể hiện. Bút pháp tả thực được vận dụng trong sáng tác thời
kì này đã có nhiều thay đổi so với truyện ngắn giai đoạn trước 1975. “Tả
thực” bây giờ không còn là lối phản ánh chiếu gương, nhà văn không dừng
lại ở vai trò là người thư kí trung thành của thời đại mà còn phải soi chiếu
hiện thực ở nhiều phương diện, nhiều góc độ khác nhau để bảo đảm tính
chân thực và tính toàn diện. Khi văn học được “cởi trói” để hướng đến sự
đa dạng thì bút pháp này có điều kiện phát huy tối đa. Thêm vào đó bút
pháp phúng dụ, huyền thoại được rất nhiều nhà văn thời kì đổi mới sử dụng
trong tác phẩm của mình như ở các tác giả Nguyễn Minh Châu, Nguyễn
Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Võ Thị Hảo,… Sự có mặt của bút pháp phúng
dụ, huyền thoại bên cạnh bút pháp tả thực cho phép nhà văn nhìn sâu hơn
về thế giới, đồng thời tạo nên sự lạ hoá, thu hút sự chú ý của người đọc.
Bút pháp này tạo cho người đọc có những cảm xúc mới mẻ về hiện thực
nghiệt ngã và phức tạp của cuộc sống thời hiện đại. Bên cạnh đó bút pháp
0


17
trào lộng, giễu nhại được sử dụng rộng rãi xuất phát từ sự cân bằng trở lại
của văn học sau một thời gian dài quá trang nghiêm, từ nhu cầu giải toả áp
lực của cuộc sống thời hiện đại, từ tinh thần dân chủ hoá trong văn học.
Trào lộng, giễu nhại không đơn thuần mục đích gây cười, giải trí mà quan
trọng hơn đó là hình thức tiếp cận các giá trị đời sống một cách dân chủ
hơn. Rồi bút pháp tượng trưng được nhà văn sử dụng để gia tăng chất
lượng và ý nghĩa của văn chương, đồng thời tăng thêm sức mê hoặc của tác
phẩm. Có thể nói chính sự đa dạng trong bút pháp sáng tạo đã tạo nên sự đa
dạng trong hình thức truyện. Đó là truyền kì ảo kiểu Bến trần gian của Lưu
Minh Sơn, truyện dòng ý thức kiểu Tiệm may Sài Gòn của Phạm Thị Hoài,
truyện giả cổ tích kiểu Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp,
truyện ngắn kịch hóa kiểu Kịch câm của Phan Thị Vàng Anh,…

Trong mối quan hệ với độc giả, nhà văn đã thiết lập được mối quan hệ
bình đẳng và giành quyền phán xét cuối cùng cho bạn đọc đối với các tác
phẩm của họ. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cho rằng: “Người viết chỉ nên
làm một người bạn tâm tình với người đọc chứ đừng là người dạy người đọc
vì chưa chắc cứ là nhà văn là đã giỏi, đã có văn hoá” [37, 10]. Ý kiến của
Nguyễn Huy Thiệp cũng xác định rõ hơn quan niệm về mối quan hệ bình
đẳng giữa nhà văn và độc giả: “Văn chương chỉ là một bộ phận của đời sống
mà thôi. Mà đã là đời sống thì phải ứng xử như đời thường. Huyễn hoặc chính
mình, coi mình là thiên chức, nâng cái nghiệp lên thành thần bí thì ắt sinh ra
chứng coi thường bạn đọc” [37, 10]. Và nhiệm vụ của nhà văn không phải nói
ra chân lí mà là thức tỉnh ý thức hướng về chân lí hoặc chí ít cũng thức tỉnh
tình cảm về phẩm giá con người. Nhà văn giữ vai trò là người đối thoại, đưa
ra những nhận xét, đề nghị với người đọc để cùng suy nghĩ, tìm kiếm, có thể
cả tranh luận. Người đọc trở thành nhân tố quan trọng tạo nên sự hoàn chỉnh
cho tác phẩm văn học theo những quan niệm và và giá trị quen thuộc tưởng
như bất biến, họ không chỉ có quyền lựa chọn tác giả, tác phẩm mà hơn thế họ
còn có quyền tự do đồng sáng tạo với nhà văn.
0


18
Như vậy xét ở nhiều phương diện khác nhau ta đều thấy được sự khởi
sắc của truyện ngắn Việt Nam thời kì đổi mới so với thời kì trước đó. Về
nội dung, truyện ngắn sau năm 1986 có những đặc điểm cách tân hơn, đó là
sự thâm nhập và chi phối của tư duy tiểu thuyết, sự chuyển từ cảm hứng thế
sự sang cảm hứng đời tư, sự thay đổi trong quan niệm nghệ thuật về con
người,… Về nghệ thuật, cốt truyện không còn vị trí độc tôn, chi tiết và sự
kiện lên ngôi, lối viết theo dòng suy tưởng, lối viết phân mảnh rời rạc và
lộn xộn một cách có chủ ý, không còn hoặc không cần nhân vật theo lối có
thể hình dung hay sờ mó về nó, mà theo lối biểu tượng hoặc chỉ cần một kí

hiệu, thay lôgíc thông thường bằng nghịch lí và phi lí để thấy cuộc sống
đầy những ngẫu nhiên, bất ngờ, sự gia tăng của yếu tố kì ảo, bút pháp tả
thực soi chiếu hiện thực ở nhiều phương diện khác nhau để đảm bảo tính
chân thực và toàn vẹn, thêm vào đó là bút pháp phúng dụ, huyền thoại,...
Với những thành tựu về nội dung và nghệ thuật, truyện ngắn sau 1986 đã
thực sự khẳng định được vị trí trong các thể loại và đáp ứng được nhu cầu
của độc giả, tỏ ra là một thể loại có nhiều ưu thế trong chiếm lĩnh và phản
ánh đời sống.
1.2. Nhìn chung về truyện ngắn Bão Vũ
1.2.1. Vài nét về nhà văn Bão Vũ
Bão Vũ tên thật là Vũ Bá Bão sinh tại ấp Phụng Dương, huyện An
Hải, Hải Phòng. Nguyên quán thôn Sàng, xã Đạo Lý, huyện Lý nhân, tỉnh
Hà Nam.
Bão Vũ sinh ngày 5 - 10 - 1942. Ngày Bão Vũ sinh đúng lúc trời nổi
cơn bão lớn kéo dài suốt ba ngày liền, ông nội bèn đặt tên là Bão, với hàm
nghĩa “no đủ” và “ôm ấp”, tức có hoài bão lớn. Sau này chiêm nghiệm lại
hai điều ông nội mong ước, Bão Vũ tâm sự “hoài bão thì có nhưng sung
sướng no đủ thì không hẳn”. Vì Bão Vũ mồ côi bố từ năm lên bốn tuổi, đến
năm chín tuổi thì mẹ đi bước nữa, phải ở với bà ngoại, nghèo, không chỉ
luôn thiếu ăn mà còn thiếu cả tình mẹ nữa. Nhưng chính tuổi thơ cơ cực
0


19
lam lũ thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần đã sớm hình thành ở cậu bé ấy
một nghị lực sống lớn lao. Với tư chất thông minh, khi trưởng thành, Bão
Vũ đã trở thành người có tài, đóng góp cho đất nước trên những lĩnh vực
tiêu biểu.
Với tư cách là một kiến trúc sư, Bão Vũ được biết đến như một kiến
trúc sư có tên tuổi. Tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc năm 1972, ông đã

chủ trì và thiết kế nhiều công trình kiến trúc ở thành phố Cảng như nhà Văn
hoá thiếu nhi thành phố, cung văn hoá lao động Hữu nghị Việt - Tiệp, thư
viện thành phố Hải Phòng, từng được đi nhiều nước châu Âu, châu Á hợp
tác trong nghề kiến trúc, từng được mời sang xứ sở Chămpa giúp thiết kế
những công trình dân sinh.
Là một kiến trúc sư nhưng Bão Vũ đã ôm mộng văn chương từ nhỏ.
Năm 11 tuổi, học lớp Nhất trường tiểu học thời Tây, Bão Vũ đã đọc khá
nhiều văn học Pháp, từng được thầy giáo chấm điểm cao khi dịch bài thơ
Con hươu cái sang tiếng Việt : “Con hươu cái kêu gào dưới ánh trăng / Và
nó khóc đến hoà tan cả đôi mắt / Con hươu nhỏ xinh ngoan của nó / Đã
biến mất trong đêm sương mù / Nó kể nỗi đau thương của nó / Với khu
rừng vắng lạnh lẽo / không một tiếng trả lời / và cổ nó vươn mãi lên trời
thẳm”[50,2].
Tuổi thơ thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ đã khiến Bão Vũ
tìm đến với văn chương như một chỗ dựa tinh thần. Ông mê đắm văn
chương từ rất sớm. Từ thời niên thiếu Bão Vũ đã từng khóc trên những
trang sách của A.Đôđê, G.Môpatxăng, Đichxken, đọc bài thơ Tế vật
(Offrande) của Anna de Noel và ngạc nhiên về thế giới nội tâm kì ảo, nỗi
đau đớn dằn vặt của nhà văn khi sáng tác.
Năm 1961, khi mười chín tuổi, Bão Vũ gửi một truyện ngắn mang
tên Những đám mây lên báo Văn học (tiền thân của báo Văn nghệ bây giờ)
nhưng không có hồi âm. Sợ bản thảo thất lạc, Bão Vũ đã hai lần chép lại
cái truyện ấy và gửi tiếp, vẫn không thấy gì, một cái tin nhắn trong mục
0


20
Hộp thư bạn đọc cũng không. Sau này Bão Vũ đã tâm sự : “Đó là cú thất
bại đầu tiên. Nhưng tôi vẫn tin những gì mình viết ra cũng không đến nỗi
nào nên tôi cứ viết. Cứ hùng hục viết nhưng không gửi đi đâu cả cũng

không hề có tham vọng gì ngoài việc nghĩ rằng mình viết được” [48, 3].
Phải chờ đến ba mươi năm sau, những gì Bão Vũ viết mới được ghi
nhận. Riêng truyện ngắn Những đám mây đúng bốn mươi năm mới được
trình làng. Đó là năm 2001, tình cờ tìm lại trong đống bản thảo truyện ngắn
này, Bão Vũ đọc lại vẫn thấy thích, bèn chỉnh đốn đôi chút rồi gửi lên báo
Văn nghệ, đổi tên thành Truyện ngắn đầu tay. Truyện ngắn được in trên
trang nhất và được đưa vào tuyển tập.
Nghề xây dựng giúp Bão Vũ đi khá nhiều trong và ngoài nước,
những ghi chép thu lượm từ những chuyến đi công tác và những vấn đề
chuyên môn của nghề kiến trúc đã rất đắc dụng cho việc viết văn của Bão
Vũ. Trong một lần tâm sự ông đã nói: “xây dựng là một nghề tổng hợp có
mối quan hệ sâu rộng nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Đó là một nghề
khiến tôi say mê và giúp tôi rất nhiều khi viết văn” [37, 18], “thiết kế một
ngôi nhà là tạo một không gian thực để mọi người sử dụng và cảm nhận
như nhau về sự tiện nghi. Còn viết một tác phẩm văn học là tạo ra một
không gian ảo, mỗi người đọc có thể hình dung cái thế giới ảo ấy bằng khả
năng cảm thụ của mình. Khi tôi cầm bút dù viết hay vẽ đều hướng tới cảm
xúc vì cái đẹp. Một đằng là cái đẹp của không gian, của đường nét, của
hình khối sự tối ưu hài hòa của con người. Một đằng là khám phá tâm hồn
ấy” [37, 87]. Truyện ngắn Vết thương trong không gian được viết trong
chuyến đi công tác miền Nam năm 1997 dựa theo chuyện trong gia đình
những người thân trong bối cảnh thành phố Sài Gòn sau chiến tranh.
Truyện Ván bài tỷ điểm tử được gợi ý từ sau lần Bão Vũ tham gia vào công
việc sửa chữa và khôi phục ngôi biệt thự của vua Bảo Đại và khách sạn De
La Point Đồ Sơn. Chuyến đi nghiên cứu công tác và quản lý đô thị ở một
số nước thuộc châu đại dương đã giúp Bão Vũ nhiều tư liệu để viết tiểu
0


21

thuyết Vĩnh biệt vườn địa đàng. Và khi đến thành phố Seebu của Philippin,
đứng trước cây thánh giá Magienlăng, Bão Vũ đã rưng rưng nghĩ đến nhà
văn người Áo Stefan Zweig, tác giả cuốn truyện Magienlăng và kết cục bi
thảm cuộc đời văn chương của một nhà văn muốn vượt lên sự tầm thường,
ông đã tự sát vì sống thêm nữa cũng không có gì mới hơn.
Đầu những năm 1990, khi bước vào tuổi 50, Bão Vũ bắt đầu in một
loạt truyện ngắn trên tạp chí Kiến trúc Hải Phòng : Cánh đồng mơ mộng,
Gã thợ vẽ kiểu nhà, Ngôi đền của tình yêu, Cánh buồm đơn độc, Ngôi nhà
kiểu Pháp… với tên tác giả là “kiến trúc sư Vũ Bão”. Sau đó ông chuyển
sang bút danh Bão Vũ để khỏi trùng với bút danh của bác Phạm Thế Hệ
(tức cố nhà văn Vũ Bão). Từ đó, Bão Vũ bắt đầu “làm mưa làm gió” trên
văn đàn văn học Việt Nam với hàng loạt truyện ngắn liên tiếp được xếp
vào topten truyện ngắn hay trong các tuyển tập của các Nhà xuất bản. Và
trong mươi mười lăm năm trở lại đây, Bão Vũ liên tiếp cho xuất bản gần
mười đầu sách trong đó có tập Mây núi Thái Hàng giành giải thưởng Hội
Nhà văn năm 2000 và được đề cử giải thưởng văn học ASEAN. Một số
truyện của Bão Vũ được dịch ra tiếng Anh như Vết thương trong không
gian, Đào nương và có đến gần chục truyện dựng thành phim khiến tên tuổi
ông nổi như cồn, trở thành một hiện tượng văn học thời mở cửa. Bút danh
Bão Vũ đã được nhắc đến cùng với những tên tuổi đã thành danh trong
công cuộc đổi mới văn học như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài,
Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh,…
1.2.2. Những đề tài nổi bật trong truyện ngắn Bão Vũ
1.2.2.1. Đề tài tình yêu, hôn nhân gia đình
Tình yêu là đề tài muôn thuở của văn chương nghệ thuật. Bão Vũ là
nhà văn có sở trường về đề tài này. Dường như mỗi truyện ngắn của ông là
một cung bậc trong câu chuyện tình yêu của nhân loại.
Ké Linh trong Thung ngàn sương có một tình yêu say đắm với Mai
Thi, cô thôn nữ đến từ núi rừng và bông hoa rừng đã toả hương mê hồn làm
0



22
chết chàng sinh viên si tình. Mai Thi đã đáp lại tình cảm ấy với một tình
yêu chất phác, ngây thơ. Nhưng tình yêu của Linh không làm nguôi ngoai
nỗi nhớ núi rừng của Mai Thi. Rồi Mai Thi bỏ phố phường về quê lấy
chồng. Những tưởng tình yêu của Linh cũng thoáng chốc, mơ hồ như bao
cuộc tình sinh viên khác, nhưng không, Linh đã về vùng sơn cước, nơi có
Mai Thi của anh. Và Vàng Sính, chồng Mai Thi cũng biết. Hắn cho bắt
Linh tra tấn. Mai Thi cũng đánh anh. Một người đánh tình địch, vì “liệu có
phải trong tay hắn chỉ là thân xác của Mai Thi, còn hồn nàng thuộc về kẻ
hào hoa phong nhã kia ?” [52, 40]. Người kia đánh vì chạy trốn tình yêu.
Khi mọi người đã kiệt sức vì tra tấn Linh, Mai Thi đã đưa anh đi, “nàng ôm
anh trong vòng tay, khóc và hôn anh không ngớt, những cái hôn đẫm nước
mưa ngọt lịm và mát lạnh” [52, 43]. Nhưng sau đó Mai Thi đã không về Hà
Nội với Linh. Những tập tục từ ngàn đời đã níu giữ Mai Thi. Nàng hôn
vĩnh biệt Linh lúc anh đang ngất đi rồi biến mất, nhưng nàng cũng không
về với Vàng Sính. Cuộc đời Linh là một cuộc tìm kiếm Mai Thi trong vô
vọng. Sau cách mạng tháng Tám rồi sau trận Điện Biên Phủ anh đã trở về
bản cũ để tìm kiếm người yêu nhưng không thấy. Rồi anh dựng ngôi nhà
sàn ở Thung Ngàn Sương để chờ Mai Thi, hoài niệm về mối tình xưa.
Truyện ngắn được viết dưới hình thức “truyện trong truyện”. Câu
chuyện của Ké Linh được lồng trong câu chuyện của mấy chàng sinh viên
đã để lại cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc. Cái giá phải trả cho tình
yêu là quá lớn. Người Ké Linh chằng chịt những vết thương vì bị tra tấn.
Cuộc đời anh cô độc một mình trên Thung Ngàn Sương vì chờ đợi Mai Thi
trong vô vọng. Định, kẻ si tình nhất lại bao phen trắc trở trên đường tình,
còn “tôi”, kẻ coi tình yêu là hão huyền, chỉ có lí tưởng, hoài bão là trên hết
lại có cuộc sống hôn nhân êm ấm. Dù vậy cả hai đều mơ ước một tình yêu
như tình yêu của Ké Linh, vẫn ngưỡng mộ mối tình say đắm ấy. Bão Vũ đã

tìm vẻ đẹp cổ điển trong tình yêu, dù tình yêu ấy không có hậu theo nghĩa

0


23
thông thường. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã nhận xét rằng: “Tình yêu phải đắm
đuối như vậy, yêu như thế mới là yêu” [37, 79].
Người đọc nhận thấy chất thánh ca trong những câu chuyện về tình yêu
của Bão Vũ, không chỉ trong Thung ngàn sương mà còn trong nhiều truyện
ngắn khác như Người muôn năm cũ, Châu Long, Kỹ nữ Đồng Nai, Trương
Chi,… Đó là tình yêu không mang màu sắc nhục cảm mà trong sáng, thánh
thiện và nghiêng về mặt tinh thần. Đó là tình yêu trong im lặng và chờ đợi
của Hoàng trong Người muôn năm cũ. Tình yêu của Hoàng nhẹ nhàng, kín
đáo nhưng da diết, mãnh liệt nhưng cuối cùng Hoàng đã mất Nga vĩnh
viễn. Còn nhân vật “tôi” và Diễm trong Kĩ nữ Đồng Nai lại có mối tình
ngang trái, éo le. Họ đã không đến được với nhau vì rào cản gia đình và hố
sâu giai cấp nhưng “tôi” đã không lập gia đình và nguyện đi tìm Diễm suốt
đời.
Tiếp thu cốt truyện Lưu Bình - Dương Lễ trong dân gian nhưng nếu
truyện xưa ca ngợi tình bạn thì Châu Long của Bão Vũ lại nghiêng về đề tài
tình yêu. Đó là mối tình mong manh mơ hồ nhưng thiết tha, sâu lắng của
Lưu Bình và Châu Long, kiểu như câu thơ của Xuân Diệu “Không gian
như có dây tơ - Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu”. Bao trùm câu chuyện là
một bầu không khí thoang thoảng mùi hương chi chi và tình cảm vấn
vương giăng mắc không thể nói nên lời của Lưu Bình với Châu Long. Hay
truyện Hậu thân của Đêvagaty nói về cuộc gặp gỡ giữa “tôi” với người nữ
nghệ nhân tạc tượng nữ thần Chămpa cổ. Họ đều là những người say mê
nghệ thuật điêu khắc Chămpa. Từ sự gặp gỡ ấy, họ đã sống mê mị trong
một tình yêu thần thánh “Tôi vẫn chìm trong cơn mê. Tôi gào lên gọi tên

Đêvagaty khắp thung lũng hoang vắng, tay ôm xác nàng chạy điên cuồng
trong đêm, chậm chạp trên cỏ sắc, đá nhọn đến toạc máu”. Khi tỉnh lại “Tôi
vẫn chưa kịp biết tên em. Tôi gọi tên em bằng tên vị nữ thần có khuôn mặt
của em, vì chính em là hậu thân của nàng” [53, 124].

0


24
Trong khi các nhà văn cùng thời thường chú trọng xây dựng những
mối tình tay ba, những toan tính vay trả trên tình trường thì Bão Vũ lại khai
thác đề tài tình yêu mang màu sắc cổ điển, nói đúng ra là tân cổ điển. Tình
yêu trong truyện ngắn Bão Vũ thấm đẫm tính nhân văn. Ông khẳng định
tình yêu đích thực. Ông không ru ngủ độc giả bằng những chuyện tình lãng
mạn. Nhà văn luôn sắc sảo và tỉnh táo để giúp chúng ta đối diện với thực tế
nghiệt ngã của tình yêu và cuộc sống.
Cùng với tình yêu là hôn nhân gia đình. Đây là đề tài được đề cập
nhiều trong văn học sau 1986. Các nhà văn thường chú ý đến bi kịch gia
đình, đỗ vỡ hạnh phúc mà nguyên nhân của nó xuất phát từ lối sống giả tạo
của con người hay những mâu thuẫn bất khả kháng giữa các thế hệ, hoặc
cũng có thể do tiếng gọi của con người cá nhân trước những cám dỗ vật
chất. Viết về gia đình các nhà văn cùng chung nỗi băn khuăn với câu hỏi :
“Gia đình, tế bào của xã hội liệu có vững vàng trong cuộc sống xây dựng
đang có nhiều khó khăn và lắm bê bối này ?” [37, 57] của Ma Văn Kháng.
Đọc những tác phẩm viết về đề tài hôn nhân, gia đình, người đọc nhận ra
được tính chất phức tạp của cuộc sống.
Ở mỗi tác giả, đề tài này được chú trọng ở một phương diện nhất
định. Với Ma Văn Kháng, gia đình là nơi khởi đầu, nâng đỡ hay đoạ đày,
kết thúc bi kịch. Còn Nguyễn Thị Thu Huệ lại khai thác lối sống giả tạo của
những thành viên trong gia đình. Còn với Bão Vũ, ông tiếp cận đề tài hôn

nhân, gia đình theo cách riêng của mình. Trong Chuyện có thể xảy ra, tác
giả đã dùng yếu tố kì ảo để chuyển tải nội dung tư tưởng, quan niệm về hôn
nhân, gia đình của mình. Ngang là một người đàn ông có khả năng kì lạ có
thể đọc được suy nghĩ thầm kín của người đối diện. Chính vì vậy, Ngang
thật sự ngạc nhiên khi đọc được suy nghĩ trong đầu vợ mình “đàn ông mà
không nên hồn thì chết đi cho người khác thay thế” [53, 33]. Ngang tiếp
nhận được tín hiệu từ đầu vợ phát ra và hiểu được mọi chuyện. Ngang
không thể ngờ được sự xấc xược của người vợ, tình cảm vợ chồng ngày
0


25
càng rạn nứt. Và vợ Ngang đã ngoại tình. Anh cảm thấy ghê tởm trước sự
giả dối của vợ. Anh chủ động li dị và quyết định ra đi để tìm sự thanh thản
trong tâm hồn.
Truyện ngắn Mưa phùn kể về hôn nhân, gia đình qua hồi tưởng của
chú bé đánh giầy cũng là một cách tiếp cận đề tài này một cách mới mẻ của
Bão Vũ. Người đàn ông trong gia đình là một kẻ trăng hoa, đa tình và vô
trách nhiệm. Ông ta làm nghề lái xe, “Ông ta thường dừng xe ở những nơi
xa lạ, và khi xe ông đi khỏi thì ít lâu sau, ở nơi đó thường có thêm một
công dân mới do công lao của ông” [54, 75]. Đám bạn lái xe nói về ông
“Thằng cha này khá. Rất gương mẫu, mỗi cặp chỉ có một đến hai con. Trừ
cặp đầu do ảnh hưởng của đế quốc phong kiến ra, không kể, còn lại những
cặp về sau của hắn cứ đúng tăm tắp” [54, 75]. Đó là sự khôi hài, còn sau đó
là những giọt nước mắt. Mẹ con thằng bé đánh giày là nạn nhân đầu tiên
của bố nó, tiếp đến là mẹ con người đàn bà hát rong xin ăn trong mưa phùn,
và còn biết bao người phụ nữ và trẻ em khác bị bố nó bỏ rơi. Qua đó Bão
Vũ thể hiện một cái nhìn hóm hỉnh và sâu sắc về hôn nhân, gia đình, đó là
một thế giới có cả niềm vui và nỗi buồn, ngọt ngào và giả dối, nụ cười và
nước mắt, hưởng thụ và trách nhiệm, niềm hạnh phúc và nỗi bất hạnh,…

Mỗi câu chuyện tình yêu, gia đình trong truyện ngắn Bão Vũ phản
ánh những cảnh đời, những số phận không bình yên. Chuyện xưa hay
chuyện hôm nay, nhân vật dù là người nam hay người nữ, người tốt hay kẻ
xấu dưới ngòi bút của nhà văn đều mang nỗi bất hạnh cần được cảm thông,
chia sẻ. Trong số đó nhà văn thường dành sự quan tâm, ưu ái cho những
người phụ nữ đau khổ trong tình yêu và đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình. Từ
tình yêu của người phụ nữ bị bỏ rơi trên chuyến tàu với đứa con trong bụng
(Cặp mắt đen) đến tình yêu ngang trái vì rào cản giai cấp (Kĩ nữ Đồng
Nai), từ một cặp vợ chồng bỏ nhau vì vợ ngoại tình (Chuyện có thể xảy ra)
đến sự cô đơn mòn mỏi chờ chồng trở về của người vợ (Chúc thư sống),
vv… Tất cả đã đem lại sự phong phú về cuộc sống của con người trong hôn
0


×