Tải bản đầy đủ (.doc) (145 trang)

Trường thi hương gia định từ năm 1813 đến năm 1858 luận văn thạc sĩ lịch sử

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (751.98 KB, 145 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH
------------------

NGUYỄN THỊ QUỲNH TRÂM

TRƯỜNG THI HƯƠNG GIA ĐỊNH
TỪ NĂM 1813 ĐẾN NĂM 1858

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC LỊCH SỬ

TP. HỒ CHÍ MINH – 2012


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH
------------------

NGUYỄN THỊ QUỲNH TRÂM

TRƯỜNG THI HƯƠNG GIA ĐỊNH
TỪ NĂM 1813 ĐẾN NĂM 1858
CHUYÊN NGÀNH: LỊCH SỬ VIỆT NAM
MÃ SỐ: 60.22.54
LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC LỊCH SỬ

Cán bộ hướng dẫn khoa học:
PGS. TS. NGUYỄN QUANG HỒNG

TP. HỒ CHÍ MINH – 2012



BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH
------------------

NGUYỄN THỊ QUỲNH TRÂM

TRƯỜNG THI HƯƠNG GIA ĐỊNH
TỪ NĂM 1813 ĐẾN NĂM 1858
CHUYÊN NGÀNH: LỊCH SỬ VIỆT NAM
MÃ SỐ: 60.22.54
LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC LỊCH SỬ

Cán bộ hướng dẫn khoa học:
PGS. TS. NGUYỄN QUANG HỒNG

TP. HỒ CHÍ MINH – 2012


LỜI CẢM ƠN

Lời đầu tiên tôi xin trân trọng gởi lời cảm ơn chân thành đến PGS.TS.
Nguyễn Quang Hồng - người trực tiếp hướng dẫn luận văn, rất quan tâm
giúp đỡ tận tình để tôi hoàn thành luận văn này.
Tôi cũng xin gởi lời cảm ơn đến quý Thầy Cô nhiệt tình giảng dạy và
truyền thụ kiến thức, đến Khoa Lịch Sử của trường Đại học Vinh, Phòng tổ
chức cán bộ trường Đại học Sài Gòn, các thư viện, những nơi tôi đến liên hệ
tìm tư liệu, cùng sự quan tâm động viên, tạo điều kiện thuận lợi của cơ quan,
đồng nghiệp và gia đình.
Cho phép tôi được bày tỏ lòng biết ơn chân thành và gửi lời chúc tốt đẹp

nhất đến tất cả mọi người đã giúp đỡ tôi hoàn thành luận văn này!

Tác giả Luận văn
Nguyễn Thị Quỳnh Trâm


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài................................................................................04
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề..................................................................06
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu......................................................09
4. Phương pháp nghiên cứu....................................................................10
5. Đóng góp của luận văn.......................................................................10
6. Kết cấu của luận văn...........................................................................11
NỘI DUNG
Chương 1: Khái quát về hệ thống trường thi Hương ở Việt Nam dưới
thời Nguyễn
1.1. Chính sách giáo dục, khoa cử của nhà Nguyễn.
1.1.1. Vài nét về triều Nguyễn........................................................12
1.1.2. Khái quát tình hình giáo dục của triều Nguyễn....................14
1.1.3. Khái quát tình hình khoa cử của triều Nguyễn.....................19
1.2. Vài nét về các trường thi Hương ở nước ta từ năm 1807 đến năm
1918.
1.2.1. Thi Hương: Nội dung giáo dục và tổ chức.
1.2.1.1. Nội dung giáo dục....................................................21
1.2.1.2. Tổ chức thi Hương...................................................24
1.2.2. Các trường thi Hương ở nước ta từ năm 1807 đến năm 1918.
1.2.2.1. Trường thi Hương – những quy cách chung............32
1.2.2.2. Các trường thi Hương ở triều Nguyễn.....................34
Tiểu kết chương 1............................................................................39



Chương 2: Lịch sử hình thành, phát triển của trường thi Hương Gia
Định từ năm 1813 đến năm 1858.
2.1. Khái quát chung về vùng đất Gia Định.
2.1.1. Vị trí địa lý............................................................................40
2.1.2. Tình hình chính trị - xã hội...................................................43
2.1.3. Vài nét về tình hình giáo dục ở Gia Định
trước năm 1813...............................................................................................47
2.2. Trường thi Hương Gia Định.
2.2.1. Hoàn cảnh lịch sử và sự ra đời của trường thi Hương
Gia Định.........................................................................................................50
2.2.2. Vị trí, quy mô và kiến trúc trường thi Hương Gia Định.......52
2.3. Các kỳ thi được tổ chức tại trường thi Hương Gia Định
2.3.1. Khoa thi đầu tiên (1813).......................................................57
2.3.2. Các khoa thi tiếp nối (1813 - 1858)......................................59
Tiểu kết chương 2............................................................................91
Chương 3: Đóng góp của học trò trưởng thành từ trường thi Hương
Gia Định đối với lịch sử dân tộc.
3.1. Học trò trường thi Hương Gia Định với công cuộc xây dựng đất
nước và đấu tranh chống ngoại xâm thế kỉ XIX..........................................93
3.2. Một số nho sĩ tiêu biểu của trường thi Hương Gia Định............99
Tiểu kết chương 3..........................................................................115
KẾT LUẬN.................................................................................................117
TÀI LIỆU THAM KHẢO..........................................................................122
CÁC PHỤ LỤC
......................................................................................................................128


MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài:
1.1. Về mặt khoa học
- Từ năm 1075 – 1919 giáo dục khoa cử là một trong những con đường
để nhà nước phong kiến Việt Nam tuyển chọn quan lại. Thật vậy, trong Lịch
triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú có nhận xét “Con đường tìm người
tài giỏi, trước hết là khoa mục. Phàm muốn thu hút người tài năng, tuấn kiệt
vào trong phạm vi của mình, thì người làm vua một nước không thể không có
khoa cử” [8,tr.149] . Các vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Minh Mạng, Tự
Đức…cũng đã nhận thấy được tầm quan trọng của chế độ khoa cử và rất quan
tâm đến. Kể từ thời Minh Mạng, việc đào tạo, tuyển chọn nhân tài ngày càng
được chấn chỉnh, mở mang và đi vào nề nếp, quy củ. Theo số liệu trong Đại
Nam Liệt truyện chỉ tính từ thời Gia Long đến Tự Đức, số người tài được
tuyển chọn qua khoa cử là 247 người, còn không qua thi cử là 99 người, vậy
cũng thấy rõ ưu tiên hàng đầu trong việc tuyển chọn quan lại của triều
Nguyễn là thông qua thi cử.
- Nghiên cứu về giáo dục khoa cử triều Nguyễn và lịch sử hình thành
phát triển của các kỳ thi Hương trong đó có trường thi Hương Gia Định là góp
phần thiết thực vào việc nghiên cứu, đánh giá về vương triều Nguyễn một
cách toàn diện. Mặc dù số lượng trường thi Hương phân bố không đều và tỉ lệ
đỗ đạt ở các trường cao thấp khác nhau nhưng xu hướng thống nhất về học
tập và thi cử là một thực tế không thể phủ nhận được. Đây cũng là một cố
gắng nhằm tạo ra sự thống nhất cho toàn bộ các hoạt động văn hóa khác.
Những người đỗ đạt từ các trường thi Hương trong cả nước được phép về
kinh thành để tham gia thi Hội và thi Đình cho thấy nhà Nguyễn muốn tạo ra
một nền tảng giáo dục và khoa cử chung trên phạm vi cả nước.
- Trường thi Hương Gia Định ra đời từ năm 1813 và kết thúc vai trò
lịch sử vào năm 1858 góp phần quan trọng trong lịch sử của vùng đất Gia


Định. Dù chỉ xuất hiện trong gần nửa thế kỷ nhưng trong thời gian tồn tại của

mình, trường thi Hương Gia Định đã có những đóng góp to lớn cho nền giáo
dục và thi cử Nho học của cả nước nói chung và đặc biệt của đất Gia Định
nói riêng. Vì từ sau năm 1864, Gia Định học và thi theo chương trình quy
định của Pháp, ảnh hưởng của Nho giáo không mất ngay nhưng tất cả các
khoa thi thuộc chương trình giáo dục Nho học ở đây thì chấm dứt hẳn.
- Nghiên cứu về giáo dục khoa cử Nho học nói chung, trường thi
Hương nói riêng là đề tài hấp dẫn thu hút nhiều người tham gia nhưng chưa
được nghiên cứu có hệ thống. Đa phần các tài liệu có nội dung rất chung về
giáo dục và khoa cử, những nội dung đó chưa nêu bật được nét riêng biệt của
từng khu vực. Chắc chắn giáo dục và khoa cử của từng miền, từng địa phương
đều có sự khác nhau, mỗi trường thi Hương có những đặc điểm riêng, vấn đề
là có quá ít tài liệu thể hiện sự khác nhau đó. Vì vậy, tìm hiểu cụ thể về sự
hình thành, phát triển và những đóng góp của trường thi Hương Gia Định cho
lịch sử dân tộc sẽ là một đề tài rất thú vị và cần thiết.
1.2. Về mặt thực tiễn
- Vùng đất Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh là một vùng đất trẻ so
với các kinh đô lớn như Thăng Long, Huế. Đây cũng được xem là vùng đất
mới của phương Nam với quá trình hình thành và phát triển hơn 3 thế kỷ
(1698 – 2012). Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đây vẫn là vùng đất hiền
hòa, mến khách và đầy tiềm năng phát triển . Vùng đất Gia Định- Thành phố
Hồ Chí Minh và nhiều vùng lân cận ngày nay có sự hình thành và phát triển
từ quá trình khai hoang, mở đất của ông cha xưa. Cùng với sự mở mang về
lãnh thổ, sự phát triển về kinh tế, sự quần tụ về dân cư là những đóng góp
không nhỏ của nhiều người con sinh sống trên vùng đất này. Họ không chỉ
xây dựng nên một vùng Gia Định trù phú và phát triển về mọi mặt mà còn
góp phần tạo những nét rất riêng cho thành phố này trên nhiều lĩnh vực, trong
đó có cả giáo dục.


- Lịch sử hình thành và phát triển của giáo dục khoa cử Nho học ở vùng

đất Gia Định nói chung, trường thi Hương Gia Định nói riêng là đề tài có ý
nghĩa thực tiễn sâu sắc. Bởi vì, chỉ một thời gian sau khi Pháp chiếm Gia
Định, vị trí, nơi tổ chức kỳ thi dần dần thay đổi hoặc biến mất. Do đó, đề tài
góp phần phục dựng một khoảng trống trong việc nghiên cứu lịch sử hình
thành và phát triển của vùng đất Gia Định.
- Trong xu thế hội nhập hiện nay, Gia Định xưa – Sài Gòn nay đang
phát triển thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước. Nghiên cứu
về lịch sử trường thi Hương Gia Định là góp phần sáng tỏ thêm về lịch sử
giáo dục và khoa cử dưới triều Nguyễn ở một vùng đất mới - vùng đất Gia
Định. Lịch sử khoa cử và giáo dục của Gia Định bao gồm nhiều nội dung rất
phong phú. Trong đó, sự ra đời của các kỳ thi Hương được tổ chức ở Gia
Định trong thời Nguyễn cùng với sự xuất hiện của lực lượng nho sĩ với những
đóng góp của họ là một nội dung rất cần được tìm hiểu. Một số nho sĩ rất
thành công trong giai đoạn này như: Trương Minh Giảng, Nguyễn Thông,
Nguyễn Hữu Huân, Phan Thanh Giản, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa…và còn
rất nhiều người khác đã góp phần rất lớn cho sự phát triển của lịch sử dân tộc.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề:
Công trình nghiên cứu công phu hơn cả là tài liệu: "Quốc triều hương
khoa lục", do nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh phát hành năm 1993 của
Cao Xuân Dục có đề cập đến tất cả các khoa thi Hương ở triều Nguyễn cũng
như về tên, quê quán của những cử nhân đỗ đạt trong các kỳ thi đó. Tương tự,
các cử nhân của trường thi Hương Gia Định cũng được ghi chép khá đầy đủ
trong tác phẩm này. Phần lớn những thay đổi về thể lệ thi, cách tổ chức đều
có trình bày nhưng là chung cho các trường trong cả nước, vì vậy chúng tôi đã
chọn lọc, thống kê những nội dung có liên quan đến trường thi Gia Định để
đưa vào luận văn cho phù hợp.
Qua các tài liệu như: “Hệ thống giáo dục và khoa cử nho giáo triều
Nguyễn” của Nguyễn Ngọc Quỳnh, “Thi Hương” của Nguyễn Thị Chân



Quỳnh, “Tìm hiểu nền giáo dục Việt Nam trước năm 1945” của Vũ Ngọc
Khánh, “Thi cử, học vị, học hàm dưới các triều đại phong kiến Việt Nam”
của Đinh Văn Niêm. Các công trình nghiên cứu trên đều đề cập rất rõ về kỳ
thi Hương ở triều Nguyễn từ nội dung học tập, nội dung thi cử đến cách thức
để tổ chức các kỳ thi, hệ thống các trường thi…
Khi biên soạn: “Lịch sử giáo dục Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh
(1698 – 1998)” tác giả Hồ Hữu Nhựt có đề cập đến trường thi Hương Gia
Định ít nhiều, nhưng chủ yếu tập trung vào kết quả một số kỳ thi ở trường Gia
Định trong giai đoạn 1813 – 1858. Trong tạp chí Xưa & Nay tháng 4 năm
1998, tác giả Nguyễn Đình Tư có viết một bài đề cập đến trường thi Gia
Định. Đáng chú ý là trong cuốn sách “Lần giở trước đèn” của Nguyễn Khắc
Thuần và Lý Thị Mai cũng có bài viết về trường Hương Gia Định xưa. Với
những góp nhặt ít ỏi đó chúng tôi cố gắng chọn lọc để trình bày trong luận
văn của mình.
Công việc nghiên cứu về các nho sĩ trưởng thành từ trường thi Hương
Gia Định có nhiều thuận lợi hơn, vì có khá nhiều tài liệu liên quan. Công
trình nghiên cứu công phu về Nguyễn Thông được nhà xuất bản Thành phố
Hồ Chí Minh cho ra đời là “Nguyễn Thông, con người và tác phẩm” do Ca
Văn Thỉnh và Bảo Định Giang biên soạn đã nêu bật những đóng góp đáng kể
của Nguyễn Thông trong nhiều lĩnh vực.
Đối với Phan Thanh Giản việc nghiên cứu về cuộc đời ông cũng gây
nhiều tranh luận trong các nhà sử học một thời gian dài, cuộc đời và sự
nghiệp của Phan Thanh Giản đã tạo ra nhiều đánh giá khác nhau ngay ở
những người sống cùng thời với ông và sau đó. Ngay trong cái nhìn của các
vua triều Nguyễn đã có sự khác biệt, vua Tự Đức đã kết án ông phải tội chết,
truy đoạt chức hàm và đẽo bỏ tên ở bia Tiến sĩ. Sau gần 20 năm (1886) vua
Đồng Khánh cho khai phục chức hàm và khắc lại tên ông ở bia Tiến sĩ. Ngay
cả trong nhân dân và giới nghiên cứu lịch sử cũng xuất hiện các quan điểm
khác biệt khi nói về ông. Tuy nhiên, những đánh giá về ông cho đến nay đã có



nhiều thay đổi so với thời gian trước đó. Quỳnh Cư trong “Chuyện hay sử
cũ” có bài viết “ Xem lại bản án về Phan Thanh Giản”. Đặc biệt trong cuộc
hội thảo khoa học về Phan Thanh Giản được tổ chức tại Vĩnh Long năm
1994, những đánh giá về ông có sự khách quan và phù hợp hơn. Tại hội thảo
này, trong bài tổng kết hội thảo có nhan đề “Phan Thanh Giản (1796 –
1867), con người, sự nghiệp và bi kịch cuối đời”, nhà sử học Phan Huy Lê
bày tỏ quan điểm “ Phan Thanh Giản là người thừa hành và thực hiện một
chủ trương đã được hoạch định của Tự Đức và triều đình Huế….Trách nhiệm
của Phan Thanh Giản ở đây là trách nhiệm của người thừa hành và tất nhiên
với cương vị Chánh sứ toàn quyền đại thần, ông cũng có phần trách nhiệm
trong việc thương thuyết và thực thi một chủ trương sai lầm của triều đình
Huế”. Sách viết cho nhân vật Phan Thanh Giản chúng ta có thể tham khảo tác
phẩm “Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản” của tạp chí
Xưa & Nay và nhà xuất bản Đồng Nai.
Các nhân vật khác như Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Nguyễn Hữu
Huân…cũng đều có nhiều tài liệu nghiên cứu liên quan đến cuộc đời và
những đóng góp của các chí sĩ này cho lịch sử. Nhà xuất bản Trẻ có giới thiệu
các cuốn sách như: “Nguyễn Hữu Huân, nhà yêu nước kiên cường, nhà thơ
bất khuất”, “ Phan Văn Trị: cuộc đời và tác phẩm”… Năm 1990, nhà xuất
bản Tiền Giang cho ra mắt “Những danh sĩ miền Nam” của hai tác giả Hoài
Anh và Hồ Sĩ Hiệp đã giới thiệu khá đầy đủ về các nho sĩ ở miển Nam.
Qua nghiên cứu tài liệu, chúng tôi thấy lịch sử khoa cử dưới triều
Nguyễn cũng là mảng đề tài được nhiều người nghiên cứu, khám phá. Tuy
nhiên, riêng ở vùng đất Gia Định các công trình nghiên cứu còn mang tính
chất chung về nội dung và chưa có công trình nào tìm hiểu về trường thi
Hương Gia Định một cách đầy đủ mặc dù sự đóng góp của các nho sĩ đỗ đạt ở
đây cho lịch sử dân tộc - theo chúng tôi, đó là một sự đóng góp không nhỏ.
Chính vì vậy, với những nguồn tư liệu thu thập được, chúng tôi hy vọng sẽ
làm sáng tỏ vấn đề này trong khả năng cho phép.



3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chính của đề tài là sự ra đời, quá trình hình thành
và phát triển của trường thi Hương ở Gia Định
Đề tài cũng dành một nội dung quan trọng trình bày về những đóng
góp của các nho sĩ tiêu biểu xuất thân từ trường thi Hương Gia Định
Phạm vi nghiên cứu của đề tài được giới hạn về mặt thời gian trong
thời Nguyễn (từ năm 1802 đến kỳ thi Hương cuối cùng ở trường thi Hương
Gia Định vào năm 1858), về mặt không gian là địa bàn Gia Định (thời
Nguyễn) - Thành phố Hồ Chí Minh (ngày nay).
Những nội dung khác không nằm trong phạm vi nghiên cứu của đề tài.


4. Phương pháp nghiên cứu:
Thực hiện đề tài này, chúng tôi chủ yếu sử dụng: phương pháp lịch sử
và phương pháp logic, sưu tầm và xử lý tư liệu lịch sử.
Ngoài ra chúng tôi còn sử dụng một số phương pháp như thống kê, so
sánh trong quá trình tiến hành chọn lọc, thẩm định tư liệu.
5. Đóng góp của luận văn
Là công trình đầu tiên tìm hiểu và trình bày có hệ thống về lịch sử hình
thành, phát triển và nguyên nhân sớm kết thúc việc tổ chức các kỳ thi Hương
tại Gia Định đầu thế kỷ XIX.
Thống kê đầy đủ về 259 cử nhân đỗ đạt trong các kỳ thi Hương ở trường
thi Gia Định. Chúng tôi có dành một phần nội dung của luận văn để trình bày
những đóng góp to lớn của các nho sĩ tiêu biểu trưởng thành từ trường thi
Hương Gia Định đối với lịch sử dân tộc trên các phương diện: đấu tranh
chống ngoại xâm và trong công cuộc xây dựng đất nước.
Khi giải quyết những yêu cầu đề tài đặt ra, chúng tôi đặt trường thi
Hương Gia Định trong bối cảnh chung của lịch sử dân tộc và có so sánh với

một số trường thi hương khác, do đó, luận văn góp phần thiết thực vào việc
nghiên cứu về giáo dục khoa cử Nho học nước ta đầu thế kỷ XIX nhất là ở
vùng đất Đàng Trong.
Luận văn góp phần cung cấp một hệ thống danh mục tài liệu tham khảo
có liên quan đến việc nghiên cứu về giáo dục và khoa cử dưới thời Nguyễn
tại Gia Định cũng như của nền giáo dục Việt Nam trong thời kỳ đó cho
những ai quan tâm, tìm hiểu và thực sự là tài liệu hữu ích đối với việc giảng
dạy lịch sử địa phương trong các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ
thông,…
Từ việc nghiên cứu về trường thi Hương Gia Định và các học trò
trưởng thành từ trường thi này, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số đề xuất


nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học lịch sử địa phương tại các
trường trong địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ( phụ lục 9)
6.

Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo, nội dung

chính của đề tài gồm ba chương:
Chương 1: Khái quát về hệ thống trường thi Hương ở Việt Nam dưới
thời Nguyễn.
Chương 2: Lịch sử hình thành và phát triển của trường thi Hương ở Gia
Định từ năm 1813 đến năm 1858.
Chương 3: Đóng góp của học trò trưởng thành từ trường thi Hương Gia
Định đối với lịch sử dân tộc.


CHƯƠNG 1.

KHÁI QUÁT VỀ HỆ THỐNG TRƯỜNG THI HƯƠNG Ở VIỆT NAM
DƯỚI THỜI NGUYỄN
1.1. Chính sách giáo dục, khoa cử của nhà Nguyễn.
1.1.1. Vài nét về triều Nguyễn
Sau khi đánh bại toàn bộ lực lượng của Tây Sơn, tháng 5 năm Nhâm
Tuất (1802), Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế với niên hiệu là Gia Long. Triều
Nguyễn được thành lập kể từ đó. Đây là triều đại cuối cùng của lịch sử chế độ
phong kiến Việt Nam.
Từ thực tế lịch sử chúng ta có thể thấy ở giai đoạn đầu triều Nguyễn tồn
tại với tư cách của một vương triều độc lập từ năm 1802 đến năm 1884, đã
trải qua 7 đời vua là Gia Long (1802 – 1819), Minh Mạng (1820 – 1840),
Thiệu Trị (1841 -1847), Tự Đức (1848 – 1883), Dục Đức (7.1883), Hiệp Hòa
(từ tháng 8 – tháng 11.1883), Kiến Phúc (1884).
Ở giai đoạn thứ hai triều Nguyễn liên tiếp thất bại dẫn đến việc đầu
hàng và cuối cùng làm tay sai cho thực dân Pháp xâm lược từ năm 1884 đến
năm 1945, đã trải qua 6 triều vua là Hàm Nghi (1884 – 1885), Đồng Khánh
(1885 – 1888), Thành Thái (1889 – 1907), Duy Tân (1907 – 1916), Khải Định
( 1916 – 1925), Bảo Đại (1925 -1945).
Như vậy trong thời gian 143 năm tồn tại với 13 đời vua kế tiếp nhau xây
dựng và củng cố nền thống trị phong kiến chuyên chế. Dưới thời Nguyễn, lần
đầu tiên cả nước có chung một hệ thống chính quyền bao trùm lên toàn bộ
lãnh thổ của cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, mà trước đó Tây Sơn đã có công
nối liền. Từ đời vua Minh Mạng trở đi, với những cải cách hành chính, sự
chuyên chế được tăng cường cùng với việc hạn chế quyền hành ở các cấp địa
phương.
Về kinh tế, sau một thời gian nội chiến kéo dài, tình hình nông nghiệp,
công nghiệp, thương nghiệp đều sa sút, dân cư phiêu tán, ruộng đất bị bỏ


hoang. Để khắc phục về nông nghiệp, các vua đầu triều Nguyễn có chú ý đến

việc khai hoang, mở rộng diện tích canh tác nhưng số ruộng đất bị bỏ hoang
vẫn còn nhiều, ruộng đất công bị thu hẹp, nông dân vừa bị cường hào tước
đoạt ruộng đất, vừa chịu sưu thuế nặng nề lại thêm thiên tai dồn dập, mùa
màng thất bát nên ngày càng lâm vào cảnh khốn cùng. Trong kinh tế công –
nông nghiệp do những chính sách “bế quan tỏa cảng”, “trọng nông ức
thương”, thuế khóa nặng nề, nhà nước nắm độc quyền về ngoại thương, về
nhiều ngành công nghiệp… nên nhìn chung còn thiếu những tiền đề để phát
triển.
Những khó khăn về kinh tế đã làm cho mâu thuẫn trong xã hội ngày càng
gay gắt, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân liên tiếp nổ ra. Chỉ riêng trong bốn
triều đại đầu của nhà Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức (1802 – 1884) đã có
466 cuộc khởi nghĩa của nông dân. Để ổn định xã hội, ngoài việc tập trung
lực lượng đàn áp các cuộc khởi nghĩa, triều đình cũng áp dụng một số biện
pháp tích cực như giảm hoặc miễn thuế cho dân chúng ở các vùng bị thiên tai,
hạn hán. Ngoài các biện pháp để giải quyết về hành chính, kinh tế, củng cố bộ
máy quan lại, triều đình cũng đã sử dụng nhiều cách để giải quyết tình trạng
suy yếu trong nếp sống xã hội. Triều đình nhấn mạnh sự tôn trọng đạo lý của
Nho giáo để khôi phục lại trật tự xã hội. Mười điều giáo huấn mà vua Minh
Mạng ban bố năm 1834 là một ví dụ.
Về phương diện lãnh thổ quốc gia “so với các triều đại trước thì dưới
triều Nguyễn, nước Việt Nam rộng lớn hơn hết, có thể xem là hoàn chỉnh từ
Nam Quan đến Cà Mau. Không những chỉ rộng lớn hơn hết về lãnh thổ mà về
phương diện hành chính cũng thống nhất hơn hết. Tất cả các triều đại trước
không nắm được các địa phương, nhưng thời Nguyễn, cụ thể là từ Minh
Mệnh, triều đình đã trực tiếp nắm được các tỉnh” (Kỷ yếu hội thảo: Những
vấn đề văn hóa - xã hội ViệtNam thời Nguyễn, Nxb KHXH, Hà Nội, 1992, tr
19).


Một điểm đặc biệt là mặc dù trong bối cảnh khủng hoảng về kinh tế,

chính trị nhưng ở triều Nguyễn nền văn hóa, nghệ thuật, giáo dục vẫn phát
triển với nhiều thành tựu. Văn chương chữ Nôm, chữ Hán thời kỳ này khá
phát triển. Nhiều nhà văn hóa lớn xuất hiện như Nguyễn Du với Truyện Kiều,
Hồ Xuân Hương, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát…Sử học thời kỳ này với
các bộ sử đồ sộ như “Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ”, “Đại Nam nhất
thống chí”, “Đại Nam thực lục”, “Khâm định Việt sử thông giám cương
mục”… nhiều công trình nghiên cứu lớn xuất hiện như bộ “Lịch triều hiến
chương loại chí” của Phan Huy Chú. Tất cả đều là những tài sản văn hóa vô
cùng giá trị không chỉ đối với triều Nguyễn mà còn đối với lịch sử của dân
tộc. Trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, triều Nguyễn đã đạt được nhiều
thành tựu, nhiều công trình kiến trúc, chùa chiềng, thành trì, đền đài…đặc biệt
là các cung điện và lăng tẩm ở Huế, một quần thể kiến trúc độc đáo và có giá
trị văn hóa đối với dân tộc Việt Nam và là di sản văn hóa thế giới…
1.1.2. Khái quát tình hình giáo dục của nhà Nguyễn
Chính sách giáo dục của triều Nguyễn được thể hiện ở hai cấp độ là
trung ương và địa phương [24,39,27,43]
Tại trung ương, các cơ sở giáo dục của triều đình bao gồm nhà học của
vua, giảng đường, Sở Tôn học và Quốc Tử Giám. Các cơ sở này đều được
thành lập nhằm mục đích phục vụ cho việc dạy và học cho vua, các hoàng tử,
thái tử và những người trong hoàng tộc.
Nhà học của vua chính là nơi các vua đầu triều Nguyễn học tập sau khi
lên ngôi. Năm 1810, Gia Long cho dựng điện Dưỡng Tâm để làm nơi vua đọc
sách. Năm 1821, Minh Mạng cho xây thêm Trí Nhân Đường để đọc sách và
sáng tác. Năm 1887, Đồng Khánh cho xây Thái Bình Ngự Lãm thư lầu làm
nơi cất giữ và đọc sách…Những nơi này chỉ là để vua tự học. Năm 1848, Tự
Đức cho mở Viện Tập Hiền để nghe giảng bài. Quan phụ trách gồm: 2 giảng
quan, 6 nhật giảng quan. Các giảng quan phải soạn bài và giảng cho vua nghe.
Khi nghe giảng, vua có thể phát biểu hoặc góp ý.



Giảng đường được triều Nguyễn lập từ năm 1817, là nơi dạy học cho các
hoàng tử, thái tử là những người trong tương lai sẽ trị vì đất nước nên việc
tuyển thầy dạy học ở các Giảng đường hay còn gọi là Giảng tập rất được triều
đình chú trọng. Ngày lẻ dùng để giảng truyện hoặc kinh, ngày chẵn học sử.
Ngoài ra mỗi tháng vào các buổi sáng ngày mùng 1, 11, 21 vào chầu ở chính
điện, các buổi chiều ngày mùng 6, 16, 26 đem sách học vào chầu ở điện
Quang Minh để vua hỏi bài.
Sở Tôn học là trường học dành cho những người trong tôn thất được xây
dựng bên cạnh Phủ Tôn Nhân trong kinh thành. Tại Sở Tôn học các học quan
được tuyển chọn một phần từ các học sinh ở Quốc Tử Giám, một phần là con
cháu hoàng thân từ 10 tuổi trở lên, 35 tuổi trở xuống,nếu muốn vào học để mở
rộng hiểu biết thì đều được chuẩn. Tôn Học đường do một hoàng thân chỉ
huy, hai hàn lâm học sĩ và nhiều người giảng dạy ở các nơi khác sung vào.
Hàng năm, vào tháng 11, các tôn sinh học ở đây phải trải qua kỳ thi. Sau khi
chấm, người nào được hạng ưu, bình thì được thưởng bạc, tiền theo thứ tự,
hạng thứ sẽ phạt bớt đi nửa lương, hạng liệt thì thôi cấp lương. Người nào bị
phạt 3 năm liền thì truất bỏ, không cho học ở nhà Tôn học nữa
Quốc Tử Giám là trung tâm giáo dục đào tạo Nho giáo của cả nước. Từ
năm 1803, vua Gia Long cho dựng trường Quốc học ở kinh đô Phú Xuân
(Huế). Đến năm 1821, Minh Mạng đổi tên thành Quốc Tử Giám và cho xây
dựng thêm Giảng đường, Di luân đường và hai học xá ở hai bên tả, hữu. Ở
trường, các vị tế tửu, tư nghiệp, giảng quan đều là người thông hiểu nho giáo,
đỗ đạt cao và có tư cách tốt. Số người được triều đình cử ra quản lý, trông coi
Quốc Tử Giám có sự thay đổi theo yêu cầu thực tế của từng thời kỳ. Học sinh
trường Giám bao gồm giám sinh là những người đã đỗ cử nhân đến học để
chuẩn bị thi hội còn có tôn sinh, ấm sinh (con của các vị quan được nhà vua
ban ơn cho vào học tại Quốc Tử Giám) và cống sinh ở các địa phương. Các
học sinh này được triều đình rất ưu đãi, được miễn quân dịch, miễn thuế thân
và miễn sưu dịch. Hằng tháng được cấp gạo, lương và dầu đèn. Ở trường
Giám, ngày khai giảng diễn ra vào đầu xuân, sau ngày khai ấn một ngày. Cuối



năm, sau ngày xếp ấn một ngày thì nghỉ giảng. Chương trình học cũng được
chia theo ngày chẵn, lẻ. Mỗi tháng vào các ngày 3, 9, 17, 25 ra đầu bài cho
học trò làm và có bình duyệt. Ngoài ra, các học sinh trường Giám còn phải
qua nhiều kỳ khảo hạch để phân loại ra 3 hạng: hạng ưu được tăng lương,
hạng bình lương vẫn như cũ, hạng thứ bị giảm lương hay phạt lương tuy theo
mức độ nặng nhẹ. Người nào cả 3 kỳ khảo hạch đều ở hạng thứ thì sẽ bị đuổi
học. Hằng năm, đến kỳ thi Hội, các học sinh ở đây phải qua kỳ khảo hạch,
chia hạng rồi đợi vua sai quan khảo hạch lại, ai trúng mới được vào thi Hội.
Như vậy Quốc Tử Giám dành riêng cho học sinh đã có trình độ Cử nhân
nhằm đào tạo tiến sĩ.
Ngoài ra việc lập Văn Miếu và cho dựng bia tiến sĩ để khuyến khích,
biểu dương việc học. Văn Miếu được lập để thờ đức Khổng Tử và 72 vị tiên
hiền. Việc xây dựng Văn Miếu nhằm nêu rõ sự tôn trọng giáo dục, khoa cử
nước nhà của các vua triều Nguyễn.
Dưới triều Nguyễn giáo dục ở địa phương luôn được nhà nước chú trọng,
việc lập các trường học ở phủ huyện phát triển mạnh, nhất là dưới thời Minh
Mạng và Tự Đức, đây là các trường học do triều đình quản lý. Năm 1822
Minh Mạng xuống chỉ “chuẩn cho mỗi phủ đặt một viên giáo thụ, mỗi huyện
đặt một viên huấn đạo”. Tại các trường công ở phủ, huyện, phương thức học
tập thường bao gồm việc giảng sách, tập văn, bình văn theo định kỳ hàng
tháng. Các học quan ở các địa phương thường chủ trì các cuộc giảng sách,
bình văn và quản lý chung việc học tập trong vùng. Việc giảng sách, tập văn
diễn ra trong mỗi tháng. Theo thông lệ này, học trò ở các trường đến để nghe
các học quan giảng kinh, truyện.
Các học quan địa phương được triều đình quản lý bao gồm:
- Cấp tỉnh có chức đốc học, làm nhiệm vụ thanh tra học vấn, tước quan
hàm ngũ phẩm. Thường được chọn trong số các tiến sĩ
- Cấp phủ có chức giáo thụ, là giám đốc học vấn, tước quan hàng thất

phẩm. Thường dược chọn trong các cử nhân và tú tài


- Cấp huyện có chức huấn đạo, phụ trách giảng dạy, tước quan hàm bát
phẩm.
Ở một số huyện ở xa, giáo dục ít phát triển, số học trò chưa nhiều thì
các tri huyện, tri châu có thể kiêm luôn chức huấn đạo. Còn tại những địa
phương có số học trò ngày càng tăng, triều đình cũng đã chú ý kịp thời ra
chiếu chỉ bổ sung học quan cho các địa phương. Các quy định của triều đình
về việc đặt học quan là khá chi tiết, cụ thể, tuy nhiên chưa theo một hệ thống
rõ ràng, nhất quán từ trên xuống mà thường xuyên thay đổi tùy theo tình hình
của các địa phương.
Ngoài các trường học do triều đình quản lý, việc mở trường học tại các
thôn xóm cũng được khuyến khích nhằm góp phần đào tạo lớp người có tri
thức, tuyển chọn quan lại ra giúp vua trị nước. Việc mở trường tư ở các địa
phương nhìn chung không bị triều đình ràng buộc bởi những quy định phức
tạp, tổ chức việc học ở làng xã do dân tự lo liệu. Đội ngũ thầy đồ gồm các bậc
hưu quan, hoặc những người có đỗ đạt nhưng không ra làm quan, hoặc có học
hành ít nhiều tự do mở trường lớp, được quan niệm là trường tư để phân biệt
với trường công hàng huyện, phủ, tỉnh và kinh kỳ. Số lượng trường tại các
thôn xóm hầu như làng xã nào cũng có, bất cứ nho sĩ nào cũng có thể mở
trường, lớp học tại nhà của mình. Các lớp học bao gồm hai loại: lớp tiểu tập
được mở tại trường hoặc nhà của các gia đình có điều kiện, thầy dạy có thể là
người địa phương hoặc từ nơi khác tới; lớp đại tập thường học ở dinh các
quan đã nghỉ hưu. Trong các lớp học đó học sinh bao gồm nhiều lứa tuổi,
trình độ và chỉ có một thầy dạy. Giờ giấc, nội dung và phương pháp học đều
do thầy quyết định. Thầy không thu học phí hàng tháng, học phí cũng không
có quy định mà tùy theo hoàn cảnh. Các học sinh cùng học một thầy thường
lập hội đồng môn. Các thầy học ở địa phương bao gồm những nho sĩ có học
vấn ở một trình độ nhất định như đã thi đỗ khảo hạch, đỗ tú tài mà không có

điều kiện theo học nữa hoặc đi thi song không đỗ cử nhân. Nhiều người có
học vấn uyên thâm nhưng không thích khoa danh, không chịu đi thi để làm
quan hoặc đã dự thi nhưng rồi chán cảnh khoa cử, ở nhà mở lớp dạy học cho


con cháu. Ngoài những đối tượng trên, các thầy giáo ở địa phương cũng có
thể là những người đã đỗ đạt ra làm quan rồi do chán cảnh quan trường xin từ
quan về quê, hoặc bị bãi chức lui về dạy học, như quan niệm: “Tiến vi quan,
thoái vi sư”. Những thầy giáo này coi việc giáo dục chủ yếu như một nghĩa vụ
tinh thần nhằm truyền thụ tri thức cho thế hệ con cháu.
Qua thực tế, có thể thấy được rằng giáo dục nho học dưới thời Nguyễn
tuy còn một số hạn chế nhất định nhưng cũng đã phát triển. Kết quả đó một
phần do phát huy được những thành quả từ thời Lê, mặt khác cũng không thể
phủ nhận vai trò của các vua đầu triều Nguyễn đã chú ý đến việc phát triển
giáo dục nho học, tiếp nhận có chọn lọc về nhận thức vai trò, vị trí của giáo
dục. Chế độ giáo dục và khoa cử triều Nguyễn đã tạo nên một tầng lớp sĩ tử
tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, hình thành một tầng
lớp trí thức có đủ năng lực và phẩm chất để cống hiến cho dân tộc.
1.1.3. Khái quát tình hình khoa cử ở triều Nguyễn
Trong “Lịch triều hiến chương” của Phan Huy Chú có viết: "Xem việc
thi cử hay hay dở thì biết nước thịnh hay suy ". Thời thịnh của khoa cử là thời
kẻ sĩ coi nó chỉ là phương tiện, tạo điều kiện cho mình thi thố tài năng giúp
đời, đạo đức vẫn là chính, văn học chỉ là thứ yếu ("văn" phải được hiểu theo
nghĩa rộng, bao gồm cả chính trị, mưu lược quân sự, kinh tế, triết học v.v...
chứ không phải chỉ học làm thơ suông). Mục đích dạy "văn" là để đào tạo ra
hạng người có kiến thức, có mưu trí, có tài ứng đối, biết cách cư xử khôn
khéo trên chính trường ngoại giao.
Giống như các triều đại phong kiến trước đó, nhà Nguyễn vẫn lấy nho
học làm đạo trị nước, an dân và làm phương tiện để giáo hóa con người. Ở
các lớp khai tâm, từ tám tuổi trở lên bắt đầu học hiếu kinh, trung kinh; từ 12

tuổi trở lên học Luận ngữ, Mạnh Tử rồi đến Trung dung, Đại học; từ 15 tuổi
trở lên học Thi, Thư rồi sau đến kinh Dịch, kinh Lễ, kinh Xuân Thu...
Chế độ thi cử dưới triều Nguyễn giống như thời Lê về thể lệ và quy chế
thi cử, với 3 kỳ thi chính là thi Hương, thi Hội, thi Đình. Các danh xưng đỗ


đạt trong các kì thi cũng lấy đại khoa (tiến sĩ), trung khoa (cử nhân, tú tài) và
các lễ ban yến, áo mũ, vinh quy như trước đây.
Nho học và khoa cử đã đào tạo được nhiều bậc khoa bảng ngoài sự
nghiệp văn chương đều có công giúp nước, triều nào cũng có.
Về tổ chức khoa thi: Đời vua Gia Long chỉ tổ chức thi Hương, nhưng
đến đời vua Minh Mạng khoa cử được chỉnh đốn lại và mở thi Hội, rồi thi
Đình để chọn tiến sĩ. Thời gian trung bình mở một khoa thi đại khoa dưới
triều Nguyễn là 2, 3 năm.Tính từ khoa thi đại khoa đầu tiên năm Minh Mạng
thứ 3 (1822) đến khoa thi cuối cùng năm Kỷ Mùi (1919), triều Nguyễn đã tổ
chức được 39 khoa thi (có 33chính khoa, 4 ân khoa, 1 chế khoa,1 nhã sĩ), lấy
đỗ được 558 tiến sĩ và phó bảng. Trong đó có 293 vị đỗ chánh bảng được
khắc tên vào 32 tấm bia đá dựng tại Văn Miếu.
Vua Minh Mạng cũng ra thêm học vị Phó bảng năm 1829 để chọn đỗ
thêm người. Đặc biệt, việc thay đổi thời này là việc bỏ Đệ nhất giáp, học vị
Trạng Nguyên, Bảng nhãn không còn trên khoa bảng nữa. Những thay đổi ở
đời Minh Mạng kéo dài mãi đến năm 1918.
Thi Hội: là khoa thi cao hơn khoa thi Hương dành cho những người đã
đỗ Cử nhân. Thi Hội cũng phải trải qua 4 kỳ như thi Hương nhưng mức độ
cao hơn nên còn được gọi là đại khoa. Bài thi sau khi được quan chủ khảo
chấm xong, phải dâng lên vua duyệt, sau đó mới công nhận kết quả, người đỗ
được danh hiệu Tiến sĩ và được vua ban cân đai áo mão để vinh quy bái tổ và
dược dự khoa thi Đình. Thi Hội được tổ chức ở kinh đô Huế vào các năm
Thìn, Tuất, Sửu, Mùi ngoại trừ những ân khoa thì tổ chức bất thường. Các kỳ
thi được tổ chức cách nhau, từ lúc tiến trường đến khi yết bảng khoảng từ 18

đến 28 ngày. Vì kỳ thi Hội ít thí sinh nên chỉ dùng hai vi là vi Ất và vi Giáp.
Kỳ thi này có sẵn lều chõng nên thí sinh chỉ mang theo giấy bút, đèn,
chiếu...Lễ yết bảng rất long trọng, bảng đề tên người đỗ được đem đến Phu
Văn Lâu treo 3 ngày, sau niêm yết còn có một nghi lễ không kém phần long
trọng là rước bảng vàng về lưu giữ ở bộ Lễ. Sau đó kết quả của các khoa thi,


họ tên, quê quán của những người thi đỗ, danh hiệu chính thức mà họ được
ban tặng, đều được triều đình ghi chép chính xác và công bố rộng rãi. Một
mặt triều đình còn làm các bản sao lục rất chính xác để lưu giữ ở các sảnh
viện.
Thi Đình: những người đỗ kỳ thi Hội đều được vào thi Đình (điện thí).
Kỳ thi Đình đầu tiên thời Nguyễn là dưới triều Minh Mạng. Ngày thi Đình
được ấn định tùy thuộc vào kỳ thi Hội trước đó, thường sau ngày yết bảng thi
Hội khoảng từ 10 đến 15 ngày. Thi Đình được tổ chức rất long trọng, lễ khai
mạc thường tổ chức tại điện Cần Chánh có vua ngự giá tại đây. Đến ngày
công bố kết quả, các Đại tân khoa được thết đãi tại điện Thái Hòa, sau đó còn
được khắc tên trên bia Tiến sĩ để lưu danh muôn thuở. Có ba loại học vị
trong kết quả thi Đình dưới triều Nguyễn: Tiến sĩ cập đệ (xếp vào bảng đệ
Nhất giáp), Tiến sĩ xuất thân (xếp vào bảng đệ Nhị giáp) và đồng Tiến sĩ xất
thân (xếp vào bảng đệ Tam giáp). Ở triều Nguyễn có thêm học vị Phó bảng là
người có số điểm thi gần sát với hạng đệ Tam giáp (xem thêm Phụ lục 1)
1.2. Vài nét về các trường thi hương ở nước ta từ 1807 đến năm 1918
1.2.1. Thi hương: Nội dung giáo dục và tổ chức
1.2.1.1. Nội dung giáo dục
 Điều kiện dự thi
Sang đến triều Nguyễn, cũng như các triều đại phong kiến trước đó, khi
tham dự thi Hương, các Nho sinh phải vượt qua kỳ khảo hạch ở địa phương.
Năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), nhà vua định lệ hàng năm vào các ngày 15-4
và tháng 10 tổ chức khảo hạch. Nội dung khảo đủ đề mục của 4 kỳ (trường)

thi. Học quan địa phương tiến hành sơ khảo sau đó chuyển đến quan tế tửu, tư
nghiệp chấm lại. Thí sinh phải làm được bài thì mới đủ điều kiện dự thi.
Trúng tuyển thi khảo được gọi là Khóa sinh, người đỗ đầu gọi là ông Đầu xứ
(không có học vị gì cả) và được ghi đứng đầu danh sách của những người
được dự thi Hương. Người đỗ được xếp hạng, cho miễn binh đao một năm
hoặc nửa năm để đợi khoa thi. Về độ tuổi dự thi, xưa kia không có hạn định


tuổi tối thiểu và tuổi tối đa. Vì thế có người đỗ đạt khi rất trẻ (13,15 tuổi),
song nhiều người phải trên tuổi 50, thậm chí 60 tuổi mới qua được kỳ thi
Hương.
Những sĩ tử vượt qua được kỳ khảo hạch sẽ được lý trưởng lập danh sách
chuyển lên quan trấn. Trong danh sách phải ghi rõ học ở đâu hoặc đốc học,
giáo thụ huấn đạo là người nào; học ở nhà tư, học của quan địa phương khác,
hoặc những người đã đỗ tú tài kỳ thi trước… Nếu đỗ tú tài mà không tiếp tục
dự thi vì có sự cố phải có chứng thực của quan lo việc học ở địa phương.
Mục đích của thi cử dưới thời phong kiến là để tuyển chọn người ra làm
quan cai trị, vì vậy ngoài điều kiện phải vượt qua các kỳ khảo hạch ở địa
phương thì việc xem xét lý lịch, tư cách đạo đức của thí sinh rất được chú ý.
Trong các quyển thi, thí sinh phải khai rõ lý lịch ba đời, nếu thí sinh nào man
trá sẽ bị trị tội. Trước kỳ thi, lý trưởng sở tại phải ghi tên học trò đi thi vào sổ,
những người có trọng tang, những người bất hiếu, bất mục, loạn luân, điêu
toa, con nhà xướng ca và phạm án cướp hay phản nghịch thì không được vào
thi.
 Nội dung học
Học chữ Nho là một lối học kinh điển, học để nắm rõ cương thường đạo
lý. Một số nghiên cứu cho rằng đó là lối học kinh điển vừa nhằm học văn tự,
vừa nhằm hiểu biết kinh điển để từ đó nó mới thâm nhập vào tình cảm và trí
tuệ con người, sau này học nhiều mới thấu rõ hết nghĩa lý của kinh điển đã
học, càng học càng hiểu sâu.

Học trò thường bắt đầu học những câu ngắn, chữ nào nghĩa đó, hoặc câu
ba bốn chữ chọn sao cho có vần, có nghĩa để học trò dễ nhớ, dễ thuộc như các
sách: Sơ học vấn tân, Ấu học ngũ ngôn thi, Nhất thiên tự, Nhị thiên tự, Ngũ
thiên tự, Tam tự kinh.
Sau khi học xong những cuốn sách kể trên, học trò bắt đầu học sang
Kinh truyện đó là Tứ thư ( gồm: Đại học, Trung dung, Luận ngữ và Mạnh Tử)
và Ngũ kinh (gồm: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ và Kinh Xuân


Thu). Đó là những tác phẩm kinh điển của Nho giáo đồng thời là những tác
phẩm văn học cổ đại Trung Quốc. Ngoài ra còn phải kể đến những sử sách và
thơ văn gọi là Cổ văn, Đường thi, Thi vận đời Đường, một bộ Bắc sử (sử
Trung Quốc). Về sau dưới triều Nguyễn còn thêm bộ Nam sử (sử của nước ta)
từ thời xưa đến triều nhà Nguyễn. Sau khi Pháp xâm lược nước ta, một số
khoa thi sau còn có thêm môn tiếng Pháp vì vậy các nho sĩ muốn tham gia thi
phải biết về tiếng Pháp
 Nội dung thi
Về nội dung thi cử triều Nguyễn cũng tương tự triều Lê. Thi hương và
thi hội đều có ba kỳ chính:
- Kỳ đệ nhất: Thi kinh nghĩa là một bài văn giải thích một câu trích trong
kinh truyện gồm 8 vế (phá đề, thừa đề, khởi giảng, khai giảng, trung cổ, hậu
cổ, kết cổ, thúc đề). Mục đích để xem học trò có thuộc và hiểu kinh truyện
không. Người làm phải lấy lời người xưa mà giải thích sao cho đúng ý cổ
nhân chứ không được bày tỏ ý kiến riêng của mình hoặc bình luận về lời
người xưa. Thi hương mỗi bài dài từ 250 chữ trở lên, không được ngắn quá.
- Kỳ đệ nhị: thí sinh phải làm các loại sau
+ Chiếu: lời vua ban bố về một vấn đề gì đó cho toàn dân rõ
+ Chế: lời vua phong thưởng cho công thần
+ Biểu: lời của thần dân dâng lên vua để chúc mừng (hạ biểu) hoặc tạ ơn
(tạ biểu) hoặc bày tỏ một ý kiến gì.

- Kỳ đệ tam: Thông thường là thi Thơ phú, trong thi hương dùng luật thơ
thất ngôn, phú dùng phú luật là một thể văn có từ đời Đường, có vần, đối theo
luật bằng trắc.
- Có một số năm thì thêm kỳ đệ tứ: Thí sinh phải thi Văn sách là bài văn
làm để trả lời những câu hỏi về những vấn đề có liên quan đến lịch sử hoặc
thời sự. Khi làm học trò phải dẫn lời của thánh hiền trong kinh truyện, dùng
những sự kiện lịch sử để chứng minh hoặc minh họa cho ý kiến của mình.


×