Tải bản đầy đủ (.doc) (115 trang)

Thế giới nhân vật trong truyện dân gian viết lại dành cho thiếu nhi của tô hoài luận văn thạc sĩ ngữ văn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (489.79 KB, 115 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

VŨ THỊ HỢP

THẾ GIỚI NHÂN VẬT
TRONG TRUYỆN DÂN GIAN VIẾT LẠI
DÀNH CHO THIẾU NHI CỦA TÔ HOÀI

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN

NGHỆ AN - 2012


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

VŨ THỊ HỢP

THẾ GIỚI NHÂN VẬT
TRONG TRUYỆN DÂN GIAN VIẾT LẠI
DÀNH CHO THIẾU NHI CỦA TÔ HOÀI

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN

CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM
MÃ SỐ: 60.22.34

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. ĐINH TRÍ DŨNG


NGHỆ AN - 2012


3

MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU......................................................................................................1
1. Lý do chọn đề tài.......................................................................................1
2. Lịch sử vấn đề...........................................................................................2
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.............................................................6
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu............................................................6
5. Phương pháp nghiên cứu..........................................................................6
6. Đóng góp mới của luận văn......................................................................6
7. Cấu trúc của luận văn................................................................................7
Chương 1: Vị trí của mảng truyện dân gian viết lại dành cho thiếu nhi
trong sự nghiệp sáng tác của Tô Hoài.......................................................8
1.1. Tổng quan về sự nghiệp sáng tác của Tô Hoài......................................8
1.1.1. Vài nét về tác giả.................................................................................8
1.1.2. Tô Hoài, ngòi bút đa dạng và thành công trên nhiều mảng
sáng tác..........................................................................................................11
1.2. Truyện viết lại dành cho thiếu nhi trong sự nghiệp sáng tác
của Tô Hoài...................................................................................................24
1.2.1. Khái niệm truyện viết lại dành cho thiếu nhi và khái niệm
truyện dân gian viết lại..................................................................................24
1.2.2. Truyện viết cho thiếu nhi trong Văn học Việt Nam hiện đại..............29
1.2.3. Nhìn chung về truyện viết cho thiếu nhi và truyện dân gian
viết lại cho thiếu nhi của Tô Hoài.................................................................32
Chương 2: Quan niệm nghệ thuật về con người và thế giới nhân vật
trong truyện dân gian viết lại dành cho thiếu nhi của Tô Hoài..............40

2.1. Quan niệm nghệ thuật về con người trong mảng truyện dân gian
viết lại cho thiếu nhi của Tô Hoài.................................................................40


4
2.1.1. Khái niệm quan niệm nghệ thuật về con người..................................40
2.1.2. Mối quan hệ giữa quan niệm nghệ thuật về con người và thế giới
nhân vật.........................................................................................................42
2.1.3. Quan niệm nghệ thuật về con người của Tô Hoài..............................44
2.2. Nhân vật trong truyện viết cho thiếu nhi của Tô Hoài...........................66
2.2.1. Khái niệm nhân vật văn học................................................................66
2.2.2. Các loại hình nhân vật.........................................................................69
Chương 3: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện dân gian
viết lại dành cho thiếu nhi của Tô Hoài....................................................80
3.1. Đặt nhân vật vào các tình huống đặc biệt..............................................81
3.1.1. Tình huống thử thách..........................................................................81
3.1.2. Tình huống phiêu lưu..........................................................................85
3.2. Các chi tiết chọn lọc, sinh động.............................................................86
3.3. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình và hành động của nhân vật...................89
3.4. Nghệ thuật miêu tả nội tâm....................................................................98
3.5. Ngôn ngữ đối thoại................................................................................102
KẾT LUẬN..................................................................................................105
TÀI LIỆU THAM KHẢO..........................................................................107


5

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Tô Hoài là một trong những nhà văn lớn của nền văn học Việt

Nam. Hơn 60 năm cầm bút, ông đã chứng tỏ một năng lực sáng tạo dồi dào
với gần 200 tác phẩm lớn nhỏ ở nhiều thể loại, đề tài khác nhau. Trong đó,
ông đã dành nhiều tâm huyết cho mảng truyện thiếu nhi. Đặc biệt ở đó ông
xây dựng được một thế giới nhân vật độc đáo, đa dạng từ thế giới loài vật
trong Dế mèn phiêu lưu kí đến các nhân vật lịch sử, truyền thuyết trong Nhà
chử, Đảo hoang, Chuyện nỏ thần. Nghiên cứu đề tài này để hiểu hơn tài năng,
sự nghiệp sáng tác của Tô Hoài.
1.2. Bằng trí tưởng tượng phong phú và nghệ thuật miêu tả tài tình, Tô
Hoài đã đưa những độc giả nhỏ tuổi vào không khí sống động, hào hùng trong
buổi đầu dựng nước của cha ông, công cuôc chinh phục thiên nhiên và đưa
các em lạc vào thế giới loài vật phong phú, đầy màu sắc. Những tác phẩm của
ông góp phần vào việc nuôi dưỡng trí tưởng tượng phong phú của trẻ thơ và
hướng các em về với cội nguồn dân tộc, khơi dậy ở các em khát vọng tìm hiểu
thiên nhiên, đất nước, niềm tin vào ý chí, nghị lực của con người, lòng biết
ơn, tri ân đối với ông cha - những người đã có công tạo dựng đất nước.
Nghiên cứu những tác phẩm này chúng ta sẽ hiểu hơn về mảng sáng
tác viết cho thiếu nhi trong Văn học Việt Nam nói chung, của Tô Hoài nói
riêng. Đồng thời, góp phần vào việc giảng dạy văn học trong nhà trường
được tốt hơn.
1.3. “Văn học dân gian luôn là người bạn đồng hành khăng khít và đặc
thù của lịch sử” (M.Goorki) và “Những truyền thuyết của dân gian thường có
một cái lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân ta qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hóa,
gửi gắm vào đó tâm tình tha thiết của mình cùng với thơ và mộng, chắp đôi


6
cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian làm nên những tác phẩm
văn hóa mà đời đời con người yêu thích” (Phạm Văn Đồng). Đặc biệt đối với
lứa tuổi thiếu nhi, truyện dân gian bồi đắp và nuôi dưỡng cho tâm hồn trong
sáng. Nhận thức được tầm quan trọng của các tác phẩm dân gian đối với tâm

hồn con người, đặc biệt là lứa tuổi nhỏ và những đổi thay trong nhận thức của
con người thời đại, Tô Hoài đã “viết lại” rất nhiều những câu chuyện dân gian
tạo nên một mảng quan trọng trong sáng tác của mình - mảng truyện dân gian
viết lại dành cho thiếu nhi. Ở mảng sáng tác này, đã có một số công trình
nghiên cứu tìm hiểu. Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy về phương diện thế giới
nhân vật trong các truyện dân gian dành cho thiếu nhi của Tô Hoài vẫn còn
cần thêm những nghiên cứu chuyên sâu, hệ thống. Vì vậy chúng tôi chọn đề
tài này với hy vọng thấy rõ hơn sự giao thoa giữa văn học dân gian và văn học
viết, để thấy được tài năng chuyển hóa chất liệu dân gian của một cây bút có
đóng góp lớn cho văn học Việt Nam hiện đại.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Cho tới nay đã có rất nhiều những công trình nghiên cứu về đời và
văn Tô Hoài. Trong Tập truyện Tô Hoài (1987), Hà Minh Đức đã giới thiệu
và đánh giá “Tô Hoài là một cây bút văn xuôi sắc sảo và đa dạng”.
Các tập truyện Miền Tây, Truyện Tây Bắc, Núi cứu quốc của Tô Hoài
cũng thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu như: Tô Hoài
với Miền Tây của Phan Cự Đệ, Tô Hoài và Truyện Tây Bắc của Hoàng Trung
Thông... Tất cả các bài viết đều khẳng định tài năng của nhà văn.
2.2. Riêng mảng truyện viết cho thiếu nhi cũng có rất nhiều những công
trình nghiên cứu lớn nhỏ khác nhau. Trong Truyện viết về loài vật của Tô
Hoài, tác giả Hà Minh Đức đã khẳng định “Tô Hoài là nhà văn viết thành
công nhất, hấp dẫn nhất về các loại vật”.
Tác giả Phan Cự Đệ trong bài viết Nhà văn Việt Nam 1945 - 1975 (Nxb
Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H.1975) nói về đặc điểm chuyện đồng


7
thoại của Tô Hoài: “Trong các chuyện đồng thoại (Con mèo lười, Chim chích
vào rừng, Cá đi ăn thề), Tô Hoài đã phát huy nhân tố tưởng tượng, phần
phong phú nhất trong tư duy các em nhỏ. Truyện đồng thoại của Tô Hoài

cũng là sự kết hợp giữa khả năng quan sát loài vật rất tinh tế với một bút pháp
miêu tả giàu chất trữ tình và chất thơ. Thiên nhiên ở đây giàu màu sắc rực rỡ,
âm thanh náo nức và luôn chuyển động rộn ràng, tươi vui, đúng như thị hiếu
hằng ngày của tuổi thơ” [27,94].
Trần Hữu Tá - Văn học Việt Nam 1945 - 1975, tập 2 (Nxb Giáo dục
1990) nói về truyện loài vật của Tô Hoài: “Dế mèn phiêu lưu kí là một thành
công xuất sắc của Tô Hoài, khẳng định tiếng nói đặc sắc cũng như vị trí văn
học độc đáo của ông trong văn học đương thời cũng như trong lịch sử văn học
lâu dài sau này. Mỗi đối tượng độc giả - người lớn và trẻ nhỏ - đều có thể tìm
thấy ở Dế mèn phiêu lưu kí những thích thú riêng. Tuổi thơ bị lôi cuốn bởi cốt
truyện lý thú lạ lùng, giàu kịch tính, pha trộn cả hiện thực và huyền thoại, bởi
thế giới loài vật bé nhỏ gần gũi; chàng Dế Mèn hùng dũng, đường hoàng,
đáng yêu; anh Dế trũi cần cù, chung thủy; bác Xiến tóc trầm lặng chán đời,
các chị Cào Cào ồn ào duyên dáng; cô nhà Trò yếu đuối đáng thương; võ sỹ
Bọ Ngựa kiêu căng ngạo mạn; lão Cóc huyênh hoang dở hơi; Ếch Cốm đại
vương khệnh khạng, thông thái giả...ngần ấy con vật, đông đúc, nhốn nháo mà
sinh động, quen thuộc đấy mà sao vẫn làm ta ngỡ ngàng” [27,148].
Về tác phẩm Dế mèn phiêu lưu kí còn có các ý kiến đánh giá của các
tác giả Trần Đăng Xuyền, Đỗ Quang Lưu, Nguyễn Lộc.... Ngoài ra, tác giả
người Nga G.Gô - lốp- nep đã nói về sự háo hức của bạn đọc Nga đối với tác
phẩm này.
Hà Minh Đức - Đi tìm chân lý nghệ thuật (Nxb Văn học, 1998) nhận
xét thêm về thành công của Tô Hoài trong truyện viết về loài vật cho thiếu
nhi: “Truyện loài vật của Tô Hoài cũng nhằm nói nhiều với thế giới con


8
người, nhưng kín đáo và có hàm ý sâu xa. Ngay từ Dế mèn phiêu lưu ký, qua
chuyến viễn du của chú Dế Mèn đến nhiều miền đất xa lạ tác giả muốn nói
thêm đến một lẽ sống mà “nhân vật tí hon” khao khát và con người cũng khao

khát: đó là một thế giới đại đồng” [27, 465-466]
Riêng mảng truyện dân gian viết lại dành cho thiếu nhi cũng có nhiều
công trình nghiên cứu và những nhận xét, đánh giá. Tác giả Vũ Quần Phương
- Tạp chí Văn học (số 8 - 1994) viết: “Trong văn xuôi, Tô Hoài có lối đi riêng.
Ông nhảy qua các chuyện thời sự mà quay về xa xưa. Ông viết về An Tiêm,
về Loa Thành, về quân cờ đen đánh Pháp. Nhiều huyền thoại lịch sử được
ông viết lại thành truyện cho nhi đồng. Đọc ông, người ta được tắm tâm hồn
mình vào không khí Việt Nam truyền thống. Ông là người lưu giữ được nhiều
nét xưa, nhiều hương vị xưa mà không sa vào hoài cổ” [27,163].
Tác giả Hà Minh Đức - Tuyển tập Tô Hoài - tập 1 (Nxb Văn học,
H.1987) cũng nhận xét: “Đặc điểm đầu tiên dễ thấy qua những sáng tác đầu
tiên của Tô Hoài là tính dân tộc rõ nét và đậm sắc thái. Có thể nói rằng tất cả
những cái ông viết ra đều thuộc về phần bản chất và tiêu biểu của đời sống
dân tộc. Ông muốn trở về với ngọn nguồn của những truyền thuyết, thần tích,
những câu chuyện cổ để tìm hiểu sự sống của dân tộc trong thời kỳ xa xưa và
những cảm nghĩ và hình thái tư duy, với những hành động sáng tạo của người
lao động trong quá trình đấu tranh giữ nước và dựng nước. Tô Hoài với lòng
yêu mến sâu sắc truyền thống của dân tộc đã gửi bao tâm huyết và trí sáng tạo
qua những trang viết” [27,128].
Tác giả Phan Cự Đệ tiếp tục khẳng định sự thành công ở mảng truyện
thiếu nhi của Tô Hoài là đã biết khai thác: “Những truyện cổ tích, thần thoại,
những câu chuyện thơ mộng trong văn học dân gian đã khơi dậy trí tưởng
tượng, lòng khao khát muốn hiểu biết, khám phá đến mênh mông, vô tận của
các em. Tô Hoài chủ trương viết lại câu chuyện ấy dưới một ánh sáng mới


9
nhằm giáo dục thế hệ trẻ, đồng thời cũng nhằm bồi đắp thêm vào kho truyện
huyền ảo, thi vị mà trí tuệ loài người đã để lại cho con cháu về sau” [27,94].
Trong bài Tiểu thuyết Đảo hoang của Tô Hoài”, Phan Cự Đệ đã đánh

giá cao giá trị nội dung, cũng như nghệ thuật của tác phẩm: “Tô Hoài biết
khai thác những đặc điểm của thần thoại truyền thuyết và cổ tích để thỏa mãn
thị hiếu thẩm mỹ riêng biệt của lứa tuổi thiếu niên” và “Tiểu thuyết Đảo
hoang không những thỏa mãn những ước vọng muốn tìm hiểu, khám phá
khoa học của các em mà còn đưa lứa tuổi thiếu niên vào một không gian
mênh mông, tít tắp của tưởng tượng và một niềm vui lạc quan, lấp lánh màu
hy vọng. Trí tưởng tượng phong phú và những ước mơ lãng mạn tích cực vốn
là đặc điểm của thần thoại và truyện cổ tích. Trong truyện viết cho các em Tô
Hoài đã biết khai thác những mặt mạnh đó của nền văn học dân gian”
[26,495-146]. Đảo hoang cũng được bạn đọc nước ngoài đánh giá cao. Tác
giả Ac-ca-đy Xtơ-ru-ga-xki đã gọi Đảo hoang là “cuốn sách tuyệt vời”.
Đỗ Bạch Mai - Báo Văn nghệ (19 - 1 - 1985) đã ca ngợi tiểu thuyết
Chuyện nỏ thần bởi nó đã chinh phục được độc giả nhỏ tuổi bằng chính lối
văn gần gũi, giản dị của mình: “Giọng kể và lời văn đối thoại của nhà văn Tô
Hoài có một phong vị đặc biệt, vừa không xa cách với lối nghĩ, lối nói của
chúng ta ngày nay, vừa gợi được lối nghĩ, lối nói của con người ngày xưa. Có
thể nói, cuốn tiểu thuyết có một giọng văn thuần Việt khá mẫu mực.”
[27,504].
Như vậy, cho đến nay đã có khá nhiều những bài viết, công trình
nghiên cứu về truyện Tô Hoài nói chung và truyện thiếu nhi Tô Hoài, đặc biệt
là mảng truyện dân gian viết lại. Tuy nhiên, về nhân vật của mảng truyện này
vẫn là một vấn đề chưa được nghiên cứu một cách toàn diện. Trên cơ sở
những công trình quý báu của những người đi trước, chúng tôi hy vọng đây sẽ
là đề tài có ý nghĩa đối với độc giả yêu thích truyện dân gian viết lại cho thiếu
nhi của Tô Hoài và đóng góp một cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề nhân vật.


10
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là thế giới nhân vật trong truyện
dân gian viết lại dành cho thiếu nhi của Tô Hoài.
3.2. Phạm vi tư liệu khảo sát
Khảo sát qua bốn tập truyện: 101 chuyện ngày xưa, Nhà Chử, Đảo
hoang và Chuyện nỏ thần.
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Luận văn đặt ra những nhiệm vụ sau:
- Tìm hiểu vị trí của mảng truyện dân gian viết lại dành cho thiếu nhi
trong sự nghiệp sáng tác của Tô Hoài.
- Tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con người và thế giới nhân vật
trong truyện dân gian viết lại dành cho thiếu nhi của Tô Hoài.
- Tìm hiểu nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện dân gian viết lại
dành cho thiếu nhi của Tô Hoài.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trong luận văn này chúng tôi chủ yếu sử dụng các phương pháp:
- Phương pháp phân tích, tổng hợp.
- Phương pháp xã hội -lịch sử.
- Phương pháp so sánh.
- Phương pháp phân loại, thống kê.
6. Đóng góp mới của luận văn
Trên cơ sở kế thừa những thành tựu của người đi trước, chúng tôi cố
gắng chỉ ra những đặc điểm riêng về thế giới nhân vật của Tô Hoài trong
truyện dân gian viết lại, quan niệm con người, sự kế thừa và sáng tạo của Tô
Hoài từ các nhân vật có trong “chuyện xưa” và nghệ thuật xây dựng nhân vật
độc đáo của ông.


11
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung chính

của luận văn được triển khai trong 3 chương:
Chương 1: Mảng truyện dân gian viết lại dành cho thiếu nhi trong sự
nghiệp sáng tác của Tô Hoài.
Chương 2: Quan niệm nghệ thuật về con người và thế giới nhân vật
trong truyện dân gian viết lại dành cho thiếu nhi của Tô Hoài.
Chương 3: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện dân gian viết lại
dành cho thiếu nhi của Tô Hoài.


12
Chương 1
VỊ TRÍ CỦA MẢNG TRUYỆN DÂN GIAN VIẾT LẠI DÀNH
CHO THIẾU NHI TRONG SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC CỦA TÔ HOÀI
1.1. Tổng quan về sự nghiệp sáng tác của Tô Hoài
1.1.1. Vài nét về tác giả
Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920 tại làng Nghĩa
Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ, nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu
Giấy, Hà Nội. Quê nội ông ở Thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà
Tây nhưng nhà văn gắn bó nhiều hơn với quê ngoại Nghĩa Đô. Bút danh Tô
Hoài gắn với dòng sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức. Bút danh ấy đã theo ông
trong suốt cuộc đời cầm bút và trở nên rất đỗi quen thuộc với nhiều thế hệ
bạn đọc.
Thuở nhỏ, Tô Hoài còn có tên là Cu Bưởi. Cu Bưởi thích ẵm em và
ham chơi mà sau này xuất hiện nhiều trong những trang hồi kí, tự truyện của
nhà văn. Cu Bưởi lớn lên ở quê ngoại, một cùng quê nghèo chuyên làm nghề
thủ công dệt lụa. Sau khi bố mất việc phải vào Nam Kỳ kiếm sống, gia cảnh
đã nghèo nàn lại càng sa sút hơn. Cu Bưởi cũng bắt đầu một tuổi thơ khó
khăn và bươn chải. Cu Bưởi nghỉ học ở nhà làm giấy đỡ mẹ.
Sau khi em gái mất, Cu Bưởi được gửi lên Kẻ Chợ trọ học. Đó là
những ngày tháng vô vị và buồn chán “suốt ngày chỉ cọ chai, vần ra vần vào

một cái lốp ô tô, rồi nhìn ra cửa, nhớ nhà; để cuối năm mới được về với cái
đầu bị hắc lào mốc trắng mà chẳng có lấy một hột chữ nào nhét vào bụng.
Được về với mẹ, với bà ngoại và các dì, và với việc cõng em, đó mới chính là
niềm vui của Cu Bưởi, bởi tiếng là đi học nhưng thực ra là đi ở" [27,38]. Và
rồi “bắt đầu những ngày lêu lổng... rồi ngày sau tôi thành anh thợ dệt cửi như
những đứa trẻ khác trong làng” [27,38]. Nhưng cuối cùng, anh thợ dệt “Cu
Bưởi” lại trở thành người viết văn, thành nhà văn tài năng.


13
Sau này, hồi ức về tuổi thơ, về quê hương đã trở thành một mạch nguồn
cảm hứng bất tận. Trong kí ức vẫn còn nguyên vẹn một hình ảnh ông thầy
giáo Tỏi cùng với lũ trò tinh quái trong cảnh thiếu ăn và nghèo chữ của họ.
Cảnh thầy phạt trò bằng cách cho chúng tát vào mặt nhau bôm bốp, hay cái
ngày mà anh thanh niên thất nghiệp đi Hải Phòng tìm việc rê rê ngón chân
cho chạm được vào bàn chân cô gái điếm còm nhom ngồi trước mặt... Ông
viết nhiều nhất về gia đình và bản thân. Trong bài trả lời phỏng vấn trên báo
Kiến thức ngày nay, Tô Hoài nói: “Tuy viết lâu năm, viết nhiều, cho đến bây
giờ đề tài chủ yếu vẫn là viết về người ngoại thành Hà Nội. Ở trong làng,
xung quanh cứ tự nhiên mà vào mình, và mình đã lớn lên, đã sống và hoạt
động trong đó. Còn kỉ niệm nào sâu sắc hơn những sự việc mà chính mình
từng trải” [27,37]. Mạch nguồn về tuổi thơ, về gia đình cứ thế chảy tự nhiên
trong ông.
Vùng quê ngoại ô cũng trở đi trở lại nhiều lần trong sáng tác của Tô
Hoài. Ấn tượng về những con người sống nghèo khổ, những phong tục tập
quán, sự chiến đấu anh dũng của họ trong cuộc kháng chiến khiến Tô Hoài
không thể nào quên. Tác giả Trần Hữu Tá nhận xét: “Tô Hoài có riêng một
vùng ngoại thành cần lao, nhưng thơ mộng gắn với ông từ thuở lọt lòng. Nhà
văn hiểu nó đến tận chân tơ kẽ tóc, từ nghề dệt lĩnh đến nghề lam giấy, từ hội
hè đình đám đến chợ búa, tết nhất, từ phong tục tập quán xưa cũ đến cả quá

trình tham gia cách mạng. Muốn hiểu và yêu Hà Nội, trong danh mục tác giả
cần đọc, không thể thiếu Tô Hoài...”.
Tư liệu tác giả thu nhặt để sáng tác không chỉ có những kí ức về tuổi
thơ, về con người và quê hương ngoại ô nơi tác giả sống mà còn là cả một quá
trình trải nghiệm dài với bao nhiêu biến cố, thăng trầm của lịch sử. Là người
sống và chứng kiến trọn vẹn hai cuộc kháng chiến gian khổ của đất nước,
chứng kiến bao nhiêu sự đổi thay, Tô Hoài đã gom góp tất cả vào trong tác


14
phẩm của mình. Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, ông làm thư kí ban trị sự hội
Ái hữu thợ dệt, tham gia phong trào thanh niên phản để. Lúc này, ngọn lửa
cách mạng bùng cháy trong người thanh niên này và khơi dậy khát vọng của
tuổi trẻ ham hoạt động, khát vọng về một cuộc sống bình yên cho mọi người.
Cách mạng tháng Tám thành công đánh dấu một bước chuyển biến
quan trọng trong tư tưởng và sáng tác của Tô Hoài. Ông làm phóng viên cho
báo Cứu Quốc, đi khắp các mặt trận phía Nam, rồi mặt trận Tây Bắc. Những
chuyến đi đã làm giàu thêm vốn sống, sự hiểu biết và trải nghiệm của tác giả,
vượt ra ngoài khuôn khổ chật hẹp vùng quê ngoại ô Hà Nội trước đây. Trong
thời gian này, miền quê Tây Bắc thực sự đem lại một ấn tượng mới, một hứng
thú mới cho tác giả. Những ngày sống ở miền núi Tây Bắc “ngày ngày vác
dao, mang gùi ra rẫy, ra nương theo bà con, vừa làm việc, vừa nói chuyện
tuyên truyền, tổ chức cơ sở. Đêm dạy họ học chữ, kể chuyện đời xưa, đời nay,
truyền bá văn minh khoa học tiến bộ, hoặc quy tụ trẻ em dạy chúng hát, học
dệt vải sợi thô, học thổi kèn, múa vũ, học bắn ná, làm bẫy, đi săn với các
thanh niên trong bản, cùng các cụ già chuyện trò, uống rượu cần...Tô Hoài
phải tập ăn các món ăn không quen, mặc quần áo bằng vải sợi thô, học nói
tiếng dân tộc. Từ cách sống, từ thói quen, từ nếp nghĩ, phong tục tập quán cho
đến tâm hồn của các đồng bào dân tộc ít người thấm hẳn vào Tô Hoài”. Nhờ
đó mà ông viết nên những tập truyện Truyện Tây Bắc (1953), Cứu đất cứu

Mường (1954), Tào Lường (1955), Miền Tây (1967)... Đồng thời cũng trong
thời gian này tác giả có dịp sưu tầm được những câu chuyện cổ tích, truyền
thuyết của các dân tộc khác nhau để “viết lại” theo cách nghĩ, cách lí giải của
riêng mình.
Những năm miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, không ít nhà văn
hăm hở tham gia. Tô Hoài là một trong số đó. Ông không chỉ viết văn mà còn
trực tiếp tham gia vào công cuộc xây dựng. Nhờ đó có thêm nhiều vốn sống


15
và những kinh nghiệm quý báu. Tiểu thuyết Ba người khác (1992) là một
thành công của ông trong giai đoạn này.
Cả cuộc đời, hơn 60 năm cầm bút, Tô Hoài luôn cần mẫn như con ong
nhặt chữ. Những câu chữ nhà văn góp nhặt được sàng lọc ngặt nghèo qua ý
thức, trách nhiệm nghề nghiệp mà nhà văn luôn đặt lên hàng đầu. Dù viết cho
đối tượng nào, viết về đề tài, chủ đề gì Tô Hoài cũng không một phút lơ là,
qua quýt. Ông được đồng nghiệp đánh giá “là nhà văn giàu chất chuyên
nghiệp bậc nhất. Sống đến đâu, viết đến đấy. Việc viết lách đối với ông là một
thứ lao động hàng ngày” [26,182]. Suốt cuộc đời lao động nghệ thuật, ông để
lại cho người đọc, cho bạn văn một ấn tượng đẹp đẽ, một sự trân trọng,
ngưỡng mộ. Ông là tấm gương về tinh thân say mê lao động và tinh thần tự
học, tự trau dồi kiến thức và vốn sống cho nghề nghiệp của mình. Ông như
một cái cây rất khỏe mà bất cứ mảnh đất nào dù cằn cỗi đến đâu cũng có thể
sống và tốt tươi được. Bởi vậy, “nếu đóng góp của một nhà văn nào vào nền
văn học dân tộc, vào đời sống tinh thần của cộng đồng là ở phong cách, ở
khối lượng và chất lượng tác phẩm thì có thể nói Tô Hoài là một trong những
đời văn đẹp của Văn học Việt Nam đương đại” [27,208].
1.1.2. Tô Hoài, ngòi bút đa dạng và thành công trên nhiều mảng
sáng tác
Tô Hoài đã có một quá trình viết bền bỉ, liên tục không ngừng nghỉ,

trên rất nhiều đề tài khác nhau. Ông viết cho thiếu nhi, viết dã sử, rồi từ nông
thôn đến thành thị, từ miền xuôi lên miền núi, từ cách mạng đến đời thường,
trong chiến tranh rồi trở lại hòa bình, viết về đời sống rộng lớn của tầng lớp
nhân dân rồi lại trải lòng với những hồi ức riêng tư của mình. Không chỉ để
lại dấu ấn ở nhiều đề tài mà ông còn thành công ở nhiều mảng sáng tác khác
nhau. Tô Hoài là nhà văn lớn của dân tộc. Có rất nhiều phương diện làm nên
tầm vóc đó của nhà văn: truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết, hồi ký, tự


16
truyện, tạp văn, tạp bút và những sáng tác dành cho thiếu nhi. Ở phương diện
nào, mảng sáng tác nào Tô Hoài cũng tạo lập được một giá trị riêng, một
gương mặt riêng không thể nhòe lẫn.
Truyện ngắn:
Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Khuôn khổ truyện ngắn nhiều
khi làm cho nó có vẻ gần giống với các hình thức truyện kể dân gian như
truyện cổ, truyện cười, kí. Nhưng thực ra không phải vậy. Truyện ngắn gần
gũi hơn cả với tiểu thuyết bởi nội dung thể loại của truyện ngắn bao trùm hầu
hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự nhưng cái độc đáo làm nên
nét riêng thể loại là ngắn. Nó cho phép người đọc tiếp thu liền một mạch, đọc
một hơi không nghỉ. Nó có thể kể về một cuộc đời, một đoạn đời hay chỉ là
một “chốc lát” trong đời sống của nhân vật.
Khác với tiểu thuyết là thể loại chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy
đặn và toàn vẹn của nó, truyện ngắn thường hướng tới việc khắc họa một hiện
tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm
hồn của con người. Vì thế, trong truyện ngắn thường có ít nhân vật, ít sự kiện
phức tạp và mỗi nhân vật là một mảnh nhỏ của thế giới, là hiện thân cho một
trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người.
Cốt truyện của truyện ngắn thường diễn ra trong một thời gian, không
gian hạn chế nhưng nó đóng vai trò giúp nhận ra một điều gì đó sâu sắc về

cuộc đời và tình người. Yếu tố quan trọng bậc nhất làm nên một truyện ngắn
hay là những chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn và lối hành văn mang nhiều
ẩn ý, tạo cho tác phẩm có chiều sâu.
Truyện ngắn là thể loại gần gũi với đời sống hằng ngày, súc tích, dễ
đọc và có tác dụng ảnh hưởng sâu sắc, kịp thời trong đời sống. Ở Việt Nam và
trên thế giới đã có rất nhiều những nhà văn gặt hái thành công trong địa hạt
truyện ngắn. Trong đó, Tô Hoài là một nhà văn tiêu biểu với nhiều thành công
to lớn.


17
Dường như Tô Hoài xuất hiện trong làng văn là đã bén duyên ngay
cùng truyện ngắn với sáng tác đầu tiên được đăng báo là truyện ngắn Nước
lên đăng trên Hà Nội Tân văn. Với ý thức coi trọng nghề văn nên những trang
truyện ngắn của nhà văn này ta thấy sự tuân theo một cách nghiêm ngặt đặc
trưng thể loại nhưng vẫn thấy một phong cách độc đáo của riêng Tô Hoài.
Trước Cách mạng tháng Tám, có thời kỳ ông viết như chạy đua. Trong
khoảng thời gian “trong ngoài ba năm” mà ông đã cho ra đời đến gần 30 tác
phẩm, trong đó có những tác phẩm tiêu biểu như: Cu Lặc (1941), Nhà nghèo
(1942), Vợ chồng trẻ con (1942), Đực (1942)... Mỗi truyện ngắn thể hiện một
chủ đề khác nhau nhưng thường tập trung ở hai đề tài chính là quê hương và
thế giới động vật trong tập truyện dành cho thiếu nhi. Dù viết ở đề tài nào,
nhà văn cũng khẳng định được tài năng viết truyện ngắn tài tình của mình. Ở
đó, thể hiện bằng những tình huống hấp dẫn, những chi tiết đắt giá. Như trong
Nhà nghèo (1942) đã gây ấn tượng sâu sắc bởi một chuỗi những chi tiết hay:
chi tiết Duyện (người chồng) trong cuộc cãi cọ với vợ đã đòi đốt nhà nhưng
loay hoay mãi mà không tìm ra lửa (bởi mỗi khi thổi cơm, cái Gái vẫn phải ra
tận đầu xóm xin lửa). Duyện tức điên lên dọa: “Mày tưởng ông sợ à? Ông đi
xin lửa cho mà xem”. Chi tiết bếp không lửa và Duyện đòi đi xin lửa đốt nhà
là một sáng tạo độc đáo của nhà văn. Ngọn lửa trong Duyện bị dập tắt cũng

chính bởi “nhà nghèo”.
Về nhân vật của truyện ngắn: ông quan tâm rất nhiều đến những con
người bình thường nên cũng xây dựng nhân vật của mình như những con
người bình thường đó. Họ bước vào và sống trong tác phẩm một cách tự
nhiên, giản dị. Tác giả thường đặt họ vào những tình huống, sự việc rất tự
nhiên để họ bộc lộ một cách tự nhiên nhất về mình. Ngoài ra, Tô Hoài còn
xây dựng kiểu nhân vật loài vật. Thế giới loài vật đa dạng xung quanh con
người bấy lâu nay được tác giả đưa vào tác phẩm của mình tạo nên một thế


18
giới phong phú, sinh động. Từ những con vật nhỏ bé sống trong tự nhiên, đến
những con vật sống cùng con người đều mang một đặc điểm, một nét tính
cách riêng mà phải bằng sự quan sát và hiểu cặn kẽ về loài vật mới có thể
nhìn ra được.
Truyện ngắn của Tô Hoài nhìn chung rất nhẹ nhàng, dễ đọc nhưng lại
tạo cho người đọc một ấn tượng không dễ quên. Ông không cầu kỳ, không
quá trau truốt mà để mọi thứ tự nhiên, bởi vậy, truyện ngắn của ông cũng tự
nhiên mà đi vào lòng người đọc.
Truyện vừa và tiểu thuyết:
Bên cạnh những thành công ở thể loại truyện ngắn, không thể không
nhắc đến truyện vừa và tiểu thuyết. Đây cũng là một mảng thế mạnh của Tô
Hoài. Xét về phương diện thể loại, truyện vừa và tiểu thuyết là hai thể loại
gần gũi với nhau. Ranh giới giữa chúng chỉ mang tính chất tương đối.
Tiểu thuyết là hình thức tự sự cỡ lớn. Nó có thể chứa đựng lịch sử của
nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục đạo đức xã hội, những tính cách
đa dạng bởi giới hạn rộng rãi của hình thức trần thuật. Tiểu thuyết nhìn cuộc
sống từ góc độ đời tư. Yếu tố đời tư như một thước đo sự đậm nhạt của chất
tiểu thuyết. Hay nói một cách khác, nếu yếu tố đời tư càng phát triển thì chất
tiểu thuyết càng tăng và ngược lại. Nét tiêu biểu thứ hai của tiểu thuyết là chất

văn xuôi. Tức là tái hiện cuộc sống không thi vị hóa, lãng mạn hóa, lí tưởng
hóa mà miêu tả cuộc sống như nó vốn có với bao nhiêu sự bộn bề, ngổn
ngang, có cái tốt, cái đẹp nhưng cũng có cái xấu, cái nham nhở, có cái cao cả,
cũng có cả cái tầm thường... Con người sống trong cuộc sống ấy (hay nhân
vật) đều là những con người nếm trải, chiêm nghiệm, suy nghĩ, tư duy, chịu
nhiều đau khổ. Những con người ấy biến đổi theo hoàn cảnh, trưởng thành
theo từng bước của cuộc đời. Khác với truyện ngắn và truyện vừa thường chú
ý đến thành phần chính là cốt truyện thì tiểu thuyết không phải chỉ là cốt


19
truyện. Ngoài hệ thống sự kiện, biến cố và các chi tiết, tiểu thuyết miêu tả
suy tư của nhân vật về thế giới, về đời người, phân tích cặn kẽ các diễn biến
tình cảm, trình bày tường tận tiểu sử của nhân vật, mọi chi tiết về quan hệ
giữa người với người. Đây cũng là thể loại “dân chủ” nhất, cho phép người
trần thuật có thể có thái độ thân mật, thậm chí suồng sã với nhân vật của mình
và cũng là thể loại văn học có khả năng tổng hợp nhiều nhất các khả năng
nghệ thuật của các thể loại văn học khác.
Một nhà văn viết khỏe như Tô Hoài đã tìm thấy ở tiểu thuyết một mảnh
đất thỏa sức cày sới. Từ trước cách mạng, ông đã viết tiểu thuyết và góp vào
dòng tiểu thuyết hiện thực phê phán 1930 - 1945 cùng với những cây bút nổi
tiếng khác như: Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố... Ông để lại những
tác phẩm nổi bật về quê hương, đất nước, con người như: Quê người (1942),
Xóm giếng ngày xưa (1942)... Sau năm 1945, thể tài này vẫn còn nhiều sức
hấp dẫn đối với Tô Hoài. Ông tiếp tục viết về những miền quê, những con
người với các tác phẩm tiêu biểu như: Mười năm (1958), Miền Tây (1967),
Quê nhà (1980), Nhớ Mai Châu (1988)... Mặc dù cũng có những thăng trầm,
những đánh giá khen chê, chỗ được và chỗ chưa được nhưng nhìn chung tiểu
thuyết vẫn là một thành công trong sự nghiệp của tác giả.
Những trang tiểu thuyết của Tô Hoài (chủ yếu là viết về làng quê Nghĩa

Đô) là những trang viết đậm chất đời tư. Bao nhiêu bộn bề, ngổn ngang, đa
chiều, đa diện của cuộc sống được tác giả tái hiện một cách nguyên vẹn và
chân thực. Ông còn đi sâu phản ánh những mối quan hệ phong phú, phức tạp
giữa người với người, giữa con người với cuộc sống. Cũng có những sự biến
đổi trong tầng sâu tính cách, tâm trạng dưới sự tác động của hoàn cảnh, môi
trường sống được tác giả khắc họa sắc nét. Ngay từ tác phẩm tiểu thuyết đầu
tay Quê người (1942) nhà văn đã khẳng định được tài năng ở thể tài này. Ở
đấy nhà văn bộc lộ sự quan sát tinh tế, cặn kẽ và sâu sắc. Qua những biểu


20
hiện, những hành động, lời nói, thói tật nhỏ nhặt mà nếu không chú ý sẽ dễ bỏ
qua nhưng lại hình thành nên nét tính cách khác nhau của mỗi người dân nơi
đây. Những nét tính cách khác nhau ấy làm nên “cả một xã hội con con, một
xã hội dân quê ở hẳn một vùng, cùng sống, cùng một nghề, rồi cùng chịu
những tai biến như nhau, chứ không phải chỉ có một vài nhân vật tiêu biểu
cho một vài hạng người như ở nhiều tiểu thuyết khác” [40,53].
Tiểu thuyết Tô Hoài trước và sau cách mạng là một sự chuyển biến lớn
như hầu hết các nhà văn sống và viết ở cả hai thời kỳ. Trước cách mạng tác
giả viết về những số phận phải chịu cảnh chia ly, tan tác, túng quẫn, khổ sở
thì sau cách mạng, cũng vẫn viết về quê hương mình nhưng cuộc sống trở nên
tươi vui, phấn khởi, khí thế hơn. Cái không khí ảm đạm, buồn tẻ, những con
người nhếch nhác đã được thay thế bằng những hình ảnh tươi sáng hơn.
Nhưng con người dù trước hay sau cách mạng đều có một điểm chung, dù họ
có phải chịu khổ sở về vật chất nhưng tất cả họ đều không phải trải qua những
dằn vặt, đau đớn của cuộc đời. Đối với các nhà văn cùng thời, đây như là một
phép thử nhân vật của mình, nhưng đối với Tô Hoài, ông lại để nhân vật của
mình buồn vui một cách tự nhiên, bình dị như bản thân cuộc sống hằng ngày.
Chính điều này cũng làm nên một Tô Hoài không hòa lẫn.
Bên cạnh tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa cũng là một thể tài giúp

thể hiện tài năng của Tô Hoài. Dù cho ranh giới giữa nó với tiểu thuyết chỉ là
tương đối nhưng bản thân thể tài này vẫn có nhiều những nét riêng.
Truyện vừa là thể loại văn xuôi cỡ trung bình. Phạm vi phản ánh đời
sống thể loại này vẫn rất rộng nhưng so với tiểu thuyết trần thuật thường cô
đọng hơn, hàm súc hơn, bám sát sự phát triển của cốt truyện, đặc điểm nhân
vật. Thế giới truyện vừa được tái hiện trong một khoảng cách xa hơn tiểu
thuyết nên không có những miêu tả chi tiết, tường tận như tiểu thuyết. Cũng
chính vì vậy mà người ta nhận thấy sự trần thuật của truyện vừa gần với anh


21
hùng ca cổ đại, ít xoáy sâu vào các tình thế bi thảm mang kịch tính gay gắt.
Câu văn của truyện vừa thường giản dị, gọn gàng, sáng rõ làm cho tiến độ
trần thuật “nhanh” hơn tiểu thuyết. Bởi thế, đối tượng truyện vừa hướng đến
là các sự kiện, các cuộc đời đặc sắc hay các hiện tượng đời sống nổi bật chứ ít
miêu tả quá trình vận động của tính cách, của các mối quan hệ.
Tô Hoài không viết nhiều ở thể tài này. Giăng thề (1942) được xem là
tác phẩm truyện vừa thành công nhất của ông. Giăng thề xoay quanh câu
chuyện của ba nhà giáo Răng, Kền, Hoạch với cuộc sống túng quẫn. Cuộc
sống lay lắt, tẻ nhạt, tù túng của những con người này được nhà văn miêu tả
cụ thể và tỉ mỉ, chi tiết. Khi viết truyện vừa, nhà văn không chỉ quan tâm đến
thể hiện tính cách nhân vật mà còn chú ý nhiều đến sự vận động, phát triển
của cốt truyện qua các chi tiết, sự kiện của nhân vật. Bởi vậy, các sự kiện đảm
nhận một lúc hai vai trò: thể hiện nhân vật và phát triển cốt truyện. Nhà văn
đặc biệt chú ý đến cuộc tình giữa giáo Câu và cô Miến. Tình yêu trong sáng,
lãng mạn dưới sự soi sáng của ánh trăng tròn viên mãn nơi quê nhà. Và ánh
trăng cũng chính là nhân chứng chứng kiến sự thay đổi của Miến. Lúc này
ánh trăng thề lại trở thành người bạn chia sẻ tâm tình của Câu. Đó là tất cả sự
kiện nổi bật góp phần làm nên sự vận động của câu chuyện này. Tâm lý, tính
cách của nhân vật không quá phức tạp, không có những trăn trở, giằng xé mà

chỉ vận động giản đơn theo các sự kiện của cốt truyện. Kiểu tâm lý như vậy
rất phù hợp với tâm lý nhân vật của truyện vừa.
Truyện vừa trong sự nghiệp sáng tác của Tô Hoài như một sự bổ sung
vào những thành công của ông mặc dù vẫn còn có nhiều hạn chế.
Hồi ký:
Hồi ký là một thể thuộc loại hình kí kể lại những biến cố đã xảy ra
trong quá khứ mà tác giả là người tham dự hoặc chứng kiến [14,127]. Hồi ký
gần với nhật kí ở phương diện quan hệ giữa tác giả với sự kiện được ghi lại về


22
tính chính xác của sự kiện, về góc độ và phương thức diễn đạt còn về phương
diện tư liệu, tính xác thực và không có hư cấu thì hối ký lại gần với văn xuôi
lịch sử, tiểu sử khoa học hơn. Người viết hồi ký luôn được trình bày ở bình
diện thứ nhất để ghi chép lại phần hiện thực mà tác giả nhìn rõ dựa trên cơ sở
những ấn tượng và hồi ức riêng trực tiếp của mình. Bởi thế nên hồi ký thường
khó tránh khỏi tính phiến diện và chủ quan của thông tin, tính không đầy đủ
của sự kiện nhưng nội dung của nó vẫn được tiếp nhận như một tài liệu xác
thực đáng tin cậy do sự diễn đạt sinh động trực tiếp của cá nhân tác giả.
Với Tô Hoài, hồi ký cũng là một thể tài khẳng định tài năng và sức
sáng tạo mãnh liệt của mình. Ông có những tập hồi ký nổi tiếng như: Cỏ dại,
Tự truyện, Những gương mặt - chân dung văn học, Cát bụi chân ai, Chiều
chiều. Cái nhìn xuyên suốt bao trùm lên các tập hồi ký ấy là cảm quan nhân
bản đời thường sâu sắc của nhà văn. Dù viết về ai, những người bạn nghệ sỹ,
những con người bình thường hay viết về chính bản thân mình, Tô Hoài cũng
xuất phát từ quan niệm: “người ta ra người ta thì phải là người ta đã chứ”. Có
sao viết vậy, tốt - xấu, hay - dở, thậm chí cả những thói tật nhà văn cũng
không hề né tránh. Hồi ký Tô Hoài chủ yếu viết về bản thân mình. Qua những
trang hồi ký chúng ta biết được thêm nhiều điều về nhà văn. Đó là tuổi thơ vất
vả, phải lớn lên “giữa những buồn vui, những gian truân trong mọi tập tục

thói quen của tầng lớp tuổi tôi ở làng”. Đến tuổi trưởng thành thì phải làm
nhiều nghề để kiếm sống. Có những lúc bế tắc, khốn khổ. Chính trong hoàn
cảnh đó, ông đã được tận mắt chứng kiến sự buồn thảm, đen tối của xã hội
khiến sự xót thương những con người cùng khổ bất hạnh và nỗi thương chính
bản thân mình trong con người nhà văn từng ngày lớn dần lên biến thành nỗi
khát khao đổi thay.
Bên cạnh những trang viết về chính bản thân mình, Tô Hoài còn viết về
chân dung những người nghệ sỹ. Với cái nhìn nhân bản đời thường ấy, nhà


23
văn đã rút ngắn đến mức thấp nhất khoảng cách giữa người đọc với người kể,
giúp chúng ta tiếp cận, được bước vào một thế giới đời thường phía sau thế
giới nghệ thuật lung linh. Cái nhìn, cách hiểu về con người các nghệ sỹ mà Tô
Hoài cung cấp giúp bạn đọc hiểu hơn về tác phẩm của họ, như Nguyễn Tuân,
Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Nguyễn Bính...
Hồi ký là lối văn nói về chính cái Tôi, nói về bản thân tác giả. Song với
Tô Hoài, hồi ký còn là rất nhiều những cuộc đời, những phong tục, những
miền đất nơi ông có dịp đến... Qua những câu chuyện kể về cuộc đời riêng,
những kỉ niệm, hồi tưởng của bản thân, ông nhằm nói về một cuộc đời chung.
Sự hòa nhập những câu chuyện riêng cuộc đời ông vào cuộc đời chung đã làm
nên đặc trưng phản ánh hiện thực của hồi kí Tô Hoài. Ông trung thành với sự
thực, một sự thực không tô vẽ bởi ông quan niệm “sự thật là đã đẹp rồi”. Và
đã đẹp thì không cần phải thêm bớt, phải tô vẽ gì nữa. Đọc hồi ký Tô Hoài
những chuyện mình, chuyện đời, chuyện người hiện lên chân thưc, rõ nét như
chính bản thân những đối tượng ấy đang sống lại cuộc sống đó trước mắt bạn
đọc. Đó cũng chính là một nét riêng không hòa lẫn, một nét rất Tô Hoài.
Tập hồi ký đầu tiên ông viết ở buổi mới vào nghề là Cỏ dại, khi ông
mới ngoài hai mươi, tiếp đến là Tự truyện ở tuổi năm mươi, Những gương
mặt - chân dung văn học, Cát bụi chân ai, Chiều chiều ở cái tuổi “thất thập”.

Nhưng dù ở tuổi nào chúng ta cũng dễ nhận thấy nét hóm hỉnh, sắc sảo, thông
minh nơi ông. Nhiều khi ông đi hết từ chuyện này sang chuyện khác, có chỗ
tưởng như lan man nhưng lại không hề vô vị. Mọi thứ cứ tự nhiên như thế.
Ngay cả những câu nói, tiếng cười, giọng điệu của từng nhân vật, từng con
người ngoài đời cũng được ông giữ nguyên đưa vào trong tác phẩm. Các câu
chuyện được kể theo một mạch hồi tưởng rất tự nhiên như dòng chảy của
cuộc đời thực, nhớ đến đâu nhà văn kể đến đó bằng một thứ ngôn ngữ dung
dị, đời thường vừa hài hước, dí dỏm lại trữ tình, thấm thía tạo nên sự phức
điệu trong hồi ký.


24
Như vậy, hồi ký trong sự nghiệp sáng tác của Tô Hoài thực sự là một
mạch nguồn càng khơi càng trong, càng ngọt ngào, thú vị.
Tạp văn, tạp bút:
Tô Hoài lúc nào cũng thể hiện là một cây bút viết khỏe. Cuộc đời ông
là đi, chứng kiến và viết. Đến khi tuổi già, không còn đi xa được, ông lại lắng
nghe cuộc đời...và viết. Tác giả Nguyễn Văn Bổng nhận xét: “Tô Hoài viết ở
bất cứ đâu và viết không ngừng nghỉ. Vì anh có nhiều điều để viết. Anh sống
nhiều, biết nhiều. Anh mới kể cho tôi nghe chuyện hàng xóm nhà anh lên
tầng, thuê thợ nông thôn ra làm, hôm sau tôi đã thấy chuyện đó trong một
truyện ngắn của anh. Anh đi hớt tóc nghe một ông cao tuổi kể chuyện mát xa,
chuyện ấy liền được xuất hiện trong bài viết của anh sau đó” [27,560]. Tô
Hoài viết về tất cả những cái trông thấy, nghe thấy, như một nhà quay phim
bằng ngôn ngữ, ghi lại tất cả mọi hoạt động của cuộc sống xung quanh mình.
Điều này được thể hiện rõ nhất trong mảng tạp văn, tạp bút của ông.
“Tạp văn là một loại tản văn có nội dung rộng, hình thức không gò bó
như bài chính luận ngắn, tiểu phẩm, tùy bút...” [42,1147]. Đặc trưng thể loại
của tạp văn, là khá tự do nên rất hợp với khát vọng ghi lại mọi khoảnh khắc
cuộc sống của nhà văn. “Nếu như truyện là một không gian hoàn toàn tưởng

tượng với những nhân vật tưởng tượng thì tạp văn có lúc nhân vật chính là
mình, nói tiếng nói của chính mình, giải tỏa được nhiều tâm tư tình cảm của
mình.” Là ý kiến của Nguyễn Ngọc Tư khi được hỏi tại sao lại chọn tạp văn.
Còn họa sĩ - nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng thì cho rằng: “Tạp văn
thú vị vì nó cho người viết thoải mái với đối tượng, không câu nệ về bố cục
viết và có thể viết rất mâu thuẫn, những ý trái ngược nhau trong cùng một bài
và ngắn dài thế nào cũng được” [46].
Cho đến nay, có những cách hiểu khác nhau về tạp văn. Tuy nhiên các
ý kiến đều có những điểm chung: Tạp văn là thể loại ngắn gọn, hàm súc, linh


25
hoạt phù hợp với nhu cầu thưởng thức của độc giả hiện đại. Nội dung của tạp
văn khá phong phú da dạng, có thể là vấn đề chính trị - xã hội mang tính
chính luận sắc sảo, cũng có thể là những trang viết giàu cảm xúc trữ tình. Tạp
văn thường chớp lấy một ý nghĩ, khoảnh khắc suy tư, một thoáng liên tưởng
bất ngờ, độc đáo, đậm dấu ấn cá nhân của tác giả.
Tạp bút cũng là một thể loại mang những nội dung tương tự như tạp
văn. Giữa tạp văn, tạp bút và tản văn là một ranh giới mờ nhạt, khó xác định.
Trong những tác phẩm của Tô Hoài, dường như tác giả cũng không quan tâm
nhiều đến ranh giới này. Trong mảng sáng tác này, Tô Hoài viết nhiều về Hà
Nội, về phong cảnh thiên nhiên, con người nơi đây. Những thói quen, tập tục
tốt đẹp của người Hà Nội và có cả những ảnh hưởng của đời sống mới dẫn
đến những đổi thay không mong muốn ở con người. Ông còn ngợi ca văn hoá
cổ truyền, vẻ đẹp của nhiều phong tục như tết rằm (Tết rằm), những phong tục
trong hội làng (Hội làng), tục nặn tò he (Con tò he)… Nói chung, trong mảng
sáng tác này, tác giả quan tâm nhiều đến đời sống và con người xung quanh
mình. Bằng sự quan sát tinh tế và nhạy bén với thời cuộc, Tô Hoài đã “chớp”
được nhiều cảnh sống động vào tác phẩm tạp văn, tạp bút của mình. Dù viết
về nhiều câu chuyện, nhiều vấn đề khác nhau nhưng những gì ông thể hiện

trong tác phẩm của mình không hề vụn vặt. Tất cả đều là những mảnh ghép
của cuộc sống. Con mắt nhìn của Tô Hoài khiến cuộc sống đa chiều và toàn
diện hơn.
Truyện cho thiếu nhi:
Vân Thanh khẳng định: “Tô Hoài là một trong số ít nhà văn viết đều
tay nhất cho thiếu nhi. Ông viết nhiều loại truyện, về nhiều đề tài, cho nhiều
lứa tuổi. Và điều quan trọng: có nhiều tác phẩm hay, được các em ưa thích.
Làm đọng lại trong tâm trí và tình cảm các em ấn tượng sâu.” [54,445]. Quả
đúng vậy, ngay từ trước cách mạng, Tô Hoài đã chú ý ngay tới đối tượng là


×