Tải bản đầy đủ (.doc) (110 trang)

Nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ cho học sinh thông qua dạy học môn giáo dục công dân lớp 6 bậc trung học cơ sở

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.73 MB, 110 trang )

1
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

LÊ THỊ HƯNG

NÂNG CAO Ý THỨC CHẤP HÀNH LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG
BỘ CHO HỌC SINH THCS THÔNG QUA DẠY HỌC MÔN GIÁO
DỤC CÔNG DÂN LỚP 6 (QUA KHẢO SÁT Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC
CƠ SỞ THIỆU TÂN, HUYỆN THIỆU HOÁ, TỈNH THANH HOÁ)

Chuyên ngành: Lý luận và Phương pháp dạy học Bộ môn Giáo
dục chính trị
MÃ SỐ: 60.14.10

LUẬN VĂN THẠC SỸ KHOA HỌC GIÁO DỤC

Người hướng dẫn khoa học: TS. BÙI VĂN DŨNG

NGHỆ AN, 2012


2

MỤC LỤC
Trang
A. MỞ ĐẦU.................................................................................................1
B. NỘI DUNG..............................................................................................11
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc nâng cao ý thức
chấp hành Luật giao thông đường bộ cho học sinh thông qua dạy học
môn GDCD lớp 6 - bậc THCS...................................................................11


1.1. Cơ sở lý luận của việc nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông
đường bộ cho học sinh thông qua dạy học môn GDCD lớp 6 - bậc THCS....11
1.2. Cơ sở thực tiễn của việc nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông
đường bộ cho học sinh thông qua dạy học môn GDCD lớp 6 - bậc THCS....21
Chương 2: Thực nghiệm sư phạm dạy học môn GDCD lớp 6 nhằm
nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ cho học sinh
ở trường THCS Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa............41
2.1. Giới thiệu khái quát về quá trình thực nghiệm......................................41
2.2. Nội dung thực nghiệm............................................................................42
Chương 3: Quy trình và giải pháp dạy học môn GDCD lớp 6 nhằm
nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ cho học sinh
ở trường THCS Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa............65
3.1. Quy trình dạy học môn GDCD lớp 6 nhằm nâng cao ý thức chấp hành
Luật giao thông đường bộ cho học sinh ở trường THCS Thiệu Tân,
huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa................................................................65
3.2. Giải pháp dạy học môn GDCD lớp 6 nhằm nâng cao ý thức chấp hành
Luật giao thông đường bộ cho học sinh ở trường THCS thiệu Tân,
huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa................................................................75
C. KẾT LUẬN.............................................................................................92
D. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO..............................................95
E. PHỤ LỤC................................................................................................


3

DANH MỤC NHỮNG TỪ VIẾT TẮT TRONG LUẬN VĂN

ATGT

An toàn giao thông


CHXHCNVN

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

GDCD

Giáo dục công dân

SGK

Sách giáo khoa

TNGT

Tai nạn giao thông

TTATGT

Trật tự an toàn giao thông

THCS

Trung học cơ sở

THPT

Trung học phổ thông



4

LỜI CẢM ƠN
Bằng tất cả tình cảm chân thành của mình, tôi xin được bày tỏ lòng
biết ơn đối với: Phòng Đào tạo Sau đại học Trường Đại học Vinh, Khoa Giáo
dục Chính trị; các giảng viên đã trực tiếp giảng dạy và giúp đỡ tôi trong quá
trình học tập cũng như hoàn thành luận văn này. Đặc biệt, tôi xin được bày
tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới TS. Bùi Văn Dũng, người đã hết sức quan tâm, tận
tình hướng dẫn, giúp đỡ tôi hoàn thành luận văn.
Tôi cũng xin được chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trong BGH; Hội
đồng giáo dục Trường THCS Thiệu Tân, đã giúp tôi thực hiện việc khảo sát
và cung cấp số liệu để tôi thực hiện luận văn.
Xin cảm ơn gia đình, bạn bè và các đồng nghiệp đã hết sức động viên,
khích lệ tôi trong suốt quá trình học tập.
Trong suốt quá trình nghiên cứu, thực hiện luận văn này, bản thân tôi
đã rất tâm huyết và cố gắng, song chắc chắn không thể tránh khỏi những
thiếu sót, khiếm khuyết. Tôi kính mong sẽ nhận được nhiều sự góp ý, chỉ dẫn
từ các thầy cô giáo, bạn bè và đồng nghiệp để việc nghiên cứu đề tài được
hoàn thiện hơn.
Vinh, tháng 09 năm 2012
Tác giả
Lê Thị Hưng


5

A. MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) là một trong những vấn đề đang
được toàn xã hội quan tâm. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự

phát triển của nền kinh tế - xã hội thì hoạt động giao thông vận tải ở nước ta
ngày càng diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông (TNGT) cũng ngày một gia
tăng, đang trở thành vấn đề bức xúc, được mọi người quan tâm và trở thành
điểm nóng của xã hội. Hàng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng
đều có những thông tin về các vụ TNGT xảy ra trên các địa bàn trong cả
nước. Đáng báo động, số lượng và tính chất các vụ tai nạn ngày càng nghiêm
trọng, thể hiện qua số người chết tăng mạnh.
Thanh Hoá là một tỉnh có dân số đông, xếp thứ 3 trong cả nước (sau
thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội), cùng với sự phát triển đời sống kinh tế
của người dân thì các phương tiện tham gia giao thông cũng tăng lên nhanh
chóng, các vụ TNGT cũng thường xuyên xảy ra trên địa bàn của tỉnh nói
chung và ở huyện Thiệu Hoá nói riêng, đang trở thành mối đe dọa đến tính
mạng con người khi tham gia giao thông. Đối tượng vi phạm Luật giao thông
đường bộ thuộc mọi lức tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở độ tuổi thanh thiếu
niên, trong đó có bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên học sinh ở các trường
trung học cơ sở (THCS).
Hiện tượng học sinh vi phạm Luật ATGT ngày càng trở nên phổ biến
và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ở các em, sự thiếu hiểu biết về Luật
giao thông đường bộ, thái độ coi thường pháp luật, sự chủ quan, ưa mạo
hiểm... đều là những nguyên nhân dẫn đến TNGT. Theo thống kê của Bộ
Giao thông vận tải năm 2010, trong số các vụ TNGT gây chết người, thì tỉ lệ
học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường (từ 8 đến 20 tuổi) chiếm tới 40% [7].


6
Trên địa bàn huyện Thiệu Hoá, tình trạng học sinh vi phạm Luật giao thông
đường bộ còn nhiều, hiện tượng đua xe, đánh võng, lạng lách, kéo đẩy xe, đi
dàn hàng ngang, vượt và rẽ trái quy định… đã trở thành thói quen phổ biến ở
học sinh. Bên cạnh đó, còn xuất hiện một số học sinh đi xe gắn máy khi chưa
đủ tuổi pháp luật quy định, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy

định, uống rượu bia khi tham gia giao thông. Nhiều học sinh không chỉ vi
phạm Luật giao thông đường bộ do thiếu hiểu biết và thiếu ý thức tham gia
giao thông mà có thái độ cố tình vi phạm, tỏ ra coi thường pháp luật, chống
đối người thi hành công vụ khi vi phạm luật, hoặc bỏ chạy gây nguy hiểm cho
người tham gia giao thông khác. Đây thực sự là mối lo ngại đáng báo động
đối với quá trình quản lý và giáo dục học sinh từ gia đình đến nhà trường và
toàn xã hội hiện nay nói chung và trên địa bàn huyện Thiệu Hóa nói riêng.
Giáo dục TTATGT đã được coi trọng, triển khai và thực hiện ở các
trường THCS nói chung từ năm 2002. Tuy nhiên, công tác giáo dục và tuyên
truyền về thực hiện TTATGT vẫn chưa đạt hiệu quả cao, tình trạng học sinh
vi phạm Luật giao thông đường bộ vẫn còn nhiều, ý thức tham gia giao thông
kém. Để khắc phục tình trạng nêu trên, đảm bảo an toàn cho mọi người khi
tham gia giao thông, sự cần thiết phải nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành
Luật giao thông đường bộ cho mọi người dân nói chung, đặc biệt cho thanh
thiếu niên học sinh nói riêng, cần phải trang bị cho học sinh những kiến thức
cơ bản về Luật giao thông đường bộ, nhận thức được sâu sắc nguyên nhân và
hậu quả mà các vụ TNGT gây ra. Từ đó, giúp học sinh nhận thức đúng đắn về
trách nhiệm của bản thân khi tham gia giao thông, nhằm giảm tránh được
TNGT gây ra cho bản thân và cho mọi người trong xã hội.
Với những lý do trên, tác giả thực hiện nghiên cứu đề tài: Nâng cao ý
thức chấp hành Luật giao thông đường bộ cho học sinh thông qua dạy học
môn Giáo dục công dân lớp 6 - bậc Trung học cơ sở (Qua khảo sát ở trường


7
THCS Thiệu Tân, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá) với mong muốn tìm ra
những giải pháp thiết thực để góp phần hạn chế, ngăn ngừa, giảm thiểu tình
trạng TNGT đang diễn ra như hiện nay, đồng thời giúp cho công tác giáo dục,
tuyên truyền về TTATGT trong nhà trường đạt hiệu quả hơn trong thực tế.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

Tai nạn giao thông đã và đang trở thành mối quan tâm mang tính toàn
cầu. Giáo dục ý thức TTATGT vì mục tiêu giảm thiểu TNGT, ổn định xã hội
là nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng ta đã chỉ rõ: "Huy động cả hệ
thống chính trị, các cấp, các ngành triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp
giảm thiểu tại nạn giao thông. Nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật,
đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Tăng
cường hạ tầng kỹ thuật, phương tiện giao thông công cộng, năng lực tổ chức
giao thông; thực hiện phương án điều tiết hợp lý cơ cấu và quản lý chất lượng
các phương tiện giao thông để giảm tới mức thấp nhất tai nạn giao thông" [20;
232-233]. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính
phủ đã ban hành Nghị quyết Số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 08 năm 2011 Về
tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT, đẩy mạnh
công tác giáo dục ATGT trong trường học [28] và ngày 24 tháng 9 năm 2011
ban hành công văn Số 1702/TTg- KTN Về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện
các giải pháp trọng tâm đảm bảo ATGT [18].
Thực hiện Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thanh
Hoá, Ban An toàn giao thông tỉnh đã lập đề án Số 2943/ĐA-ATGT (ngày 06
tháng 9 năm 2004) Về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn
quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật về ATGT [38]. Thực hiện chủ
trương của UBND tỉnh Thanh Hoá và Ban an toàn giao thông tỉnh. Công an
huyện Thiệu Hoá đã ban hành công văn Số 411/CV - CATH (ngày 15 tháng 9


8
năm 2011) Về việc phối hợp, giữ gìn đảm bảo TTATGT [13]. Huyện Thiệu
Hóa cũng đã lồng ghép, tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT trong dân cư,
vào các trường học THPT và THCS ...
Thực hiện Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ Số 88/NQ - CP (ngày
24 tháng 8 năm 2011) Về đẩy mạnh công tác GD TTATGT trong trường học,

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục kiến
thức ATGT trong trường học; triển khai trương trình giảng dạy ATGT vào
các trường sư phạm để đào tạo đội ngũ giáo viên có kiến thức và phương
pháp giáo dục hiệu quả về ATGT. Có phương án đưa giáo dục pháp luật về
đảm bảo TTATGT vào chương trình chính khoá trong các cấp học; tuyên
truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí văn hoá giao thông trong
từng cấp học từ năm 2012.
Thực hiện công văn Số 6165/GD - TrH (ngày 16 tháng 7 năm 2004)
của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã ra
công văn số 2030/GD - THPT về việc GD TTATGT trong các trường THPT
và THCS, tổ chức thực hiện trong các giờ học chính khoá và thực hành
ngoại khoá môn Giáo dục công dân (GDCD) [34], nhằm trang bị cho học
sinh những kiến thức cơ bản về pháp luật ATGT và cho đến nay công tác
giáo dục TTATGT trong các nhà trường THPT và THCS đã và đang thực
hiện có hiệu quả.
Vấn đề giáo dục TTATGT đã được nhiều nhà nghiên cứu khoa học
quan tâm và được công bố trên các tạp chí, in thành sách và các đề tài khoa
học như: tác giả Đặng Thuý Anh, Trần Sơn, Nguyễn Hữu Khải (2007), Giáo
dục trật tự an toàn giao thông (tài liệu dùng trong các trường THCS và
THPT) [1]; Trong cuốn tài liệu này, tác giả đã đề cập đến một số bài dạy về
TTATGT trong chương trình môn GDCD ở Trung học cơ sở và phần tư liệu
tham khảo phục vụ cho việc tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở


9
trường THCS và THPT về TTATGT. Những hoạt động này được tổ chức ở
tất cả các khối lớp nhằm giúp học sinh củng cố, khắc sâu kiến thức đã học.
Tác giả, Hoàng Thị Nho (2009), Hướng dẫn giáo viên tích hợp nội
dung an toàn giao thông vào trò chơi đóng vai theo chủ đề [27]; tác giả đã đề
cập đến những nội dung cơ bản về giáo dục ATGT như: đặc điểm hệ thống

giao thông nước ta, những quy định cơ bản về TTATGT, hành vi lịch sự khi
tham gia giao thông… hướng dẫn tổ chức thực hiện một số trò chơi, đóng vai
theo chủ đề và giới thiệu một số tình huống để học sinh đóng vai.
Tác giả, Nguyễn Thị Thanh Thảo luận văn thạc sĩ, Giáo dục ý thức
chấp hành Luật giao thông đường bộ cho học sinh Trung học phổ thông
trong giai đoạn hiện nay (Qua khảo sát tại một số trường trung học phổ
thông ở quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) [37]. Tác giả đã phân tích nguyên
nhân, thực trạng vi phạm pháp luật ATGT đường bộ của học sinh Trung học
phổ thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và đưa ra giải pháp nhằm nâng
cao giáo dục ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ cho học sinh tại một
số trường trung học phổ thông ở quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.
Tác giả, Trần Văn Long (Phòng CSGT tỉnh Thanh Hoá) luận văn thạc
sĩ, Công tác tuần tra, kiểm soát phát hiện, đấu tranh chống tội phạm hoạt
động trên tuyến giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông
Công an tỉnh Thanh Hóa [24]; tác giả đã làm rõ vai trò của công tác tuần tra
kiểm soát, nội dung, yêu cầu, đặc điểm của công tác tuần tra kiểm soát. Khảo
sát đánh giá thực trạng công tác tuần tra kiểm soát trên tuyến giao thông
đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thanh Hóa. Đưa ra
dự báo về tình hình TTATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và đề
xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát của lực
lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thanh Hóa.


10
Vấn đề an toàn giao thông đã được Quốc hội đặc biệt quan tâm, trong
kì họp thứ II khoá XIII (ngày 27 tháng 10 năm 2011) đã có nhiều đại biểu
Quốc hội đưa ra những giải pháp nhằm giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao
thông, sáng kiến thay đổi giờ học, giờ làm việc hành chính đối với các cơ
quan nhà nước...
Mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu về ATGT nhưng việc giáo

dục để nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ cho học sinh ở
các trường THCS lại chưa được quan tâm đúng mức và chưa có biện pháp
giáo dục hiệu quả. Thông qua dạy học môn GDCD, các em học sinh được
trang bị những kiến thức cơ bản về Luật giao thông đường bộ. Mặc dù vậy,
nhận thức của một bộ phận học sinh về việc chấp hành Luật giao thông đường
bộ còn rất kém, các em còn thiếu ý thức khi tham gia giao thông và kỹ năng
xử lý những tình huống xảy ra khi tham gia giao thông, hiện tượng học sinh vi
phạm Luật giao thông đường bộ còn nhiều. Vì vậy, để khắc phục tình trạng vi
phạm Luật giao thông đường bộ phổ biến hiện nay ở học sinh luôn là mối
quan tâm của nhiều người, của các cơ quan đoàn thể và đặc biệt là các cơ
quan chức năng. Để giúp học sinh nhận thức sâu sắc về hậu quả của TNGT
đối với sự an toàn tính mạng của bản thân và sự cần thiết phải nâng cao ý thức
chấp hành Luật giao thông đường bộ để bảo đảm an toàn cho bản thân, cho
người khác và cho cộng đồng xã hội, giúp các em có những kỹ năng khi tham
gia giao thông và kỹ năng để xử lý những tình huống xảy ra khi tham gia giao
thông, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp Luật giao thông đường bộ. Vì
vậy, chúng tôi thực hiện đề tài: Nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông
đường bộ cho học sinh thông qua dạy học môn GDCD lớp 6 - bậc THCS
(Qua khảo sát ở trường THCS Thiệu Tân, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá)
là sự đòi hỏi tất yếu khách quan.


11
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và đánh giá thực trạng về ý thức chấp
hành Luật giao thông đường bộ của học sinh THCS, mục đích nghiên cứu của
luận văn là nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ cho
học sinh thông qua dạy học môn GDCD lớp 6, ở trường THCS Thiệu Tân,
huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích nêu trên, luận văn phải thực hiện một số nhiệm
vụ sau:
- Nghiên cứu cơ sở lý luận của vấn đề nâng cao ý thức chấp hành Luật
giao thông đường bộ cho học sinh thông qua dạy học môn GDCD lớp 6;
- Nghiên cứu cơ sở thực tiễn của việc nâng cao ý thức chấp hành Luật
giao thông đường bộ cho học sinh THCS thông qua dạy học môn GDCD lớp 6;
- Thực nghiệm sư phạm dạy học môn GDCD lớp 6 nhằm nâng cao ý
thức chấp hành Luật giao thông đường bộ cho học sinh thông qua dạy học
môn GDCD lớp 6 ở trường THCS Thiệu Tân;
- Đề xuất quy trình và các giải pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành
Luật giao thông đường bộ cho học sinh thông qua giảng dạy môn GDCD lớp
6 ở trường THCS Thiệu Tân;
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đề tài tập trung nghiên cứu về ý thức chấp hành Luật giao thông
đường bộ của học sinh lớp 6 trường THCS Thiệu Tân, huyện Thiệu Hoá,
tỉnh Thanh Hoá.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, đề tài giới hạn phạm vi nghiên
cứu là nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ cho học sinh


12
thông qua dạy học môn GDCD lớp 6 ở trường THCS Thiệu Tân, huyện Thiệu
Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Cơ sở lý luận
Dựa trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của Chủ nghĩa duy
vật biện chứng và Chủ nghĩa duy vật lịch sử; Tư tưởng Hồ Chí Minh; các

quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về giáo dục và đào tạo; những vấn
đề cơ bản của giáo dục và giáo dục học hiện đại; các kết quả của những công
trình nghiên cứu về trật tự ATGT và giáo dục ý thức chấp hành Luật giao
thông đường bộ cho học sinh ở trường THCS.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học cụ thể như:
5.2.1. Nhóm phương pháp nghiên cứu lý luận
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: nhằm phân tích, đánh giá và khái
quát hoá các vấn đề trong quá trình nghiên cứu đề tài.
- Phương pháp lịch sử - lôgic: Nghiên cứu các vấn đề theo trình tự,
lịch sử từ trước đến sau, từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa hoàn thiện đến
hoàn thiện.
5.2.2. Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn
- Phương pháp quan sát: quan sát thực tế về ý thức chấp hành Luật
giao thông đường bộ của học sinh ở trường THCS Thiệu Tân, huyện Thiệu
Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
- Phương pháp điều tra: sử dụng phiếu điều tra thăm dò ý kiến của giáo
viên và học sinh về ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của học sinh
ở trường THCS Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
- Phương pháp thực nghiệm: đối tượng thực nghiệm là học sinh lớp 6
trường THCS Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.


13
- Phương pháp thống kê toán học: nhằm để xử lý các số liệu thu được
trong quá trình nghiên cứu.
6. Giả thiết khoa học
Nếu đề ra được các giải pháp khoa học có tính khả thi và áp dụng đồng
bộ các giải pháp đó thì sẽ góp phần nâng cao được ý thức thức chấp hành
Luật giao thông đường bộ cho học sinh thông qua dạy học môn Giáo dục

công dân lớp 6 ở trường THCS Thiệu Tân, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá
7. Những đóng góp của luận văn
Luận văn đã góp phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận của việc nâng cao ý
thức chấp hành Luật giao thông đường bộ cho học sinh qua dạy học môn
GDCD lớp 6 ở trường THCS.
Luận văn góp phần làm cơ sở thực tiễn cho các thầy cô giáo ở các
trường THCS áp dụng linh hoạt nội dung giáo dục ATGT, tùy theo đặc điểm,
tình hình tại địa phương của học sinh thông qua dạy học môn Giáo dục công
dân lớp 6.
Luận văn đề xuất được các quy trình và giải pháp nhằm nâng cao ý
thức chấp hành Luật giao thông đường bộ cho học sinh qua dạy học môn
GDCD lớp 6 ở trường THCS Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa
trong giai đoạn hiện nay.
8. Kết cấu của đề tài
Ngoài phần mở đầu, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn
gồm có 3 chương:
Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc nâng cao ý thức chấp
hành Luật giao thông đường bộ cho học sinh thông qua dạy học môn GDCD
lớp 6 - bậc THCS


14
Chương 2. Thực nghiệm sư phạm dạy học môn GDCD lớp 6 nhằm
nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ cho học sinh ở trường
THCS Thiệu Tân, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá
Chương 3. Quy trình và giải pháp dạy học môn GDCD lớp 6 nhằm
nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ cho học sinh ở trường
THCS Thiệu Tân, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá



15

B. NỘI DUNG
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC NÂNG CAO Ý THỨC
CHẤP HÀNH LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ CHO HỌC SINH
THÔNG QUA DẠY HỌC MÔN GDCD LỚP 6 - BẬC THCS
1.1. Cơ sở lý luận của việc nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông
đường bộ cho học sinh thông qua dạy học môn GDCD lớp 6 - bậc THCS
1.1.1. Khái niệm về Luật giao thông đường bộ, ý thức và ý thức chấp hành
Luật giao thông đường bộ
1.1.1.1. Khái niệm Luật giao thông đường bộ
Cùng với sự phát triển của hệ thống pháp luật và các hoạt động quản
lý xã hội của Nhà nước, Luật giao thông đường bộ xuất hiện, tồn tại, phát
triển như một tất yếu khách quan, gắn liền với việc đảm bảo an ninh, quốc
phòng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và nhu cầu vận tải hàng hóa, đi lại
của nhân dân.
Trong từng giai đoạn phát triển của lịch sử, Nhà nước ta đều có những
văn bản pháp quy điều chỉnh lĩnh vực an toàn giao thông. Trước khi có Luật
giao thông đường bộ, lĩnh vực giao thông đường bộ mới chỉ có các Nghị định
của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp
luật của các ngành ...
Ngày 29 tháng 6 năm 2001, Luật giao thông đường bộ được Quốc hội
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ IX thông qua;
Chủ tịch nước ký lệnh công bố Luật Số 07/2001/L/CTN ngày 12 tháng 07
năm 2001. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/ 01/ 2002. Cấu trúc của
Luật giao thông đường bộ bao gồm: Ngoài phần mở đầu, Luật có 9 chương
với 77 điều. Chương I từ Điều 1 đến Điều 8, đề cập tới “Những quy định



16
chung”; chương II từ Điều 9 đến Điều 36, nêu “Quy tắc giao thông đường
bộ”; chương III từ Điều 37 đến Điều 47, quy định “Kết cấu hạ tầng Giao
thông đường bộ”; chương IV từ Điều 48 đến Điều 52, đề cập tới “Phương tiện
tham gia giao thông đường bộ”; chương V từ Điều 53 đến Điều 58 quy định
“Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”; chương VI từ
Điều 59 đến Điều 67, quy định “Vận tải đường bộ”; chương VII từ Điều 68
đến Điều 73, đề cập tới “Quản lý nhà nước về giao thông đường bộ”; chương
VIII từ Điều 74 đến Điều 75, quy định “Khen thưởng, xử lý vi phạm”; và
chương IX từ Điều 76 đến Điều 77 nêu “Điều khoản thi hành” [25].
Luật giao thông đường bộ ra đời là một dấu mốc trong lịch sử phát triển
của hệ thống pháp Luật giao thông đường bộ, tạo hành lang pháp lý đầy đủ
cho công tác bảo đảm TTATGT đường bộ. Luật giao thông đường bộ được
ban hành nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đề cao ý thức trách
nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân để đảm bảo giao thông đường bộ thông
suốt, trật tự, an toàn, thuận lợi, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và sự
nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Từ sự phân tích trên, chúng ta có thể hiểu khái niệm Luật giao thông
đường bộ như sau: Luật giao thông đường bộ là hệ thống các quy phạm pháp
luật và các quy tắc xử sự hành chính do Nhà nước và các cơ quan có thẩm
quyền của Nhà nước ban hành, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh
trong quá trình tổ chức, thực hiện hoạt động chấp hành và điều hành của các
cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và công dân trên các lĩnh vực đảm
bảo TTATGT.
1.1.1.2. Ý thức và ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ
Theo Từ điển tiếng Việt, thì ý thức là khả năng của con người phản
ánh và tái hiện hiện thực vào trong tư duy [41;1167].


17

Chủ nghĩa duy vật Mácxít “coi ý thức là sự phản ánh hiện thực khách
quan vào trong bộ óc người một cách năng động, sáng tạo” [21;200]. Ý thức có
kết cấu phức tạp bao gồm các yếu tố cơ bản như: cảm xúc, nhu cầu, ý chí, tri
thức... trong đó tri thức là quan trọng nhất và là phương thức tồn tại của ý thức.
Ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. “Ý thức xã hội là mặt
tinh thần của đời sống xã hội, bao gồm những quan điểm, tư tưởng cùng những
tình cảm, tâm trạng, truyền thống... nảy sinh từ tồn tại xã hội và phản ánh tồn
tại xã hội trong những giai đoạn nhất định” [21;568]. Ý thức xã hội và ý thức
cá nhân tồn tại trong mối liên hệ hữu cơ, biện chứng với nhau, thâm nhập vào
nhau và làm phong phú nhau. Ý thức xã hội gồm những hiện tượng tinh thần,
những bộ phận, những hình thái khác nhau, phản ánh tồn tại xã hội bằng những
phương thức khác nhau. Ở góc độ nghiên cứu đề tài này, hình thái ý thức xã
hội được đề cập đến vừa là ý thức đạo đức, vừa là ý thức pháp luật.
Ý thức đạo đức theo triết học Mác-Lênin “là toàn bộ những quan niệm về
thiện, ác, tốt, xấu, lương tâm, trách nhiệm, hạnh phúc, công bằng... và về những
quy tắc đánh giá, điều chỉnh hành vi ứng xử giữa cá nhân với xã hội, giữa cá
nhân với cá nhân trong xã hội” [21;590]. Ý thức đạo đức và đạo đức nói chung
không phát triển tách rời sự phát triển của xã hội. Ý thức đạo đức phản ánh tồn
tại xã hội dưới dạng các quy tắc điều chỉnh hành vi của con người.
Ý thức pháp luật là tổng hợp những quan điểm, tư tưởng, học thuyết thể
hiện thái độ của con người, các nhóm xã hội, giai cấp… đối với pháp luật,
pháp chế cũng như những quan điểm của họ về sự hợp pháp và không hợp
pháp. Ý thức pháp luật được xem như là một hình thái ý thức xã hội, là hệ tư
tưởng pháp luật, dựa trên những lập trường khoa học và xã hội nhất định. Ý
thức pháp luật bao gồm: Sự hiểu biết về pháp luật, thái độ đối với pháp luật,
khả năng thực hiện và áp dụng pháp luật. Ý thức pháp luật gắn bó mật thiết
với văn hóa pháp luật và văn hóa nói chung.


18

Ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ là ý thức của chủ thể cá
nhân chuyển từ nhận thức bình thường sang ý thức cộng đồng, nhận ra được
những nguyên nhân dẫn đến TNGT và hậu quả của các vụ TNGT đối với tính
mạng, tài sản của bản thân, của người khác và ảnh hưởng đến trật tự an toàn
xã hội. Từ đó, nhận thức được sự cần thiết phải chấp hành Luật giao thông
đường bộ để đảm bảo an toàn cho bản thân, cho người khác và cho toàn xã
hội. Cho đến nay, đã có rất nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về ý thức chấp
hành Luật giao thông đường bộ. Tựu chung lại, ý thức chấp hành Luật giao
thông đường bộ; là sự tự giác chấp hành luật giao thông, hệ thống báo hiệu
giao thông gồm: hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao
thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, tường bảo vệ, hàng rào chắn...
1.1.2. Yêu cầu của việc nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường
bộ cho học sinh thông qua dạy học môn GDCD lớp 6
Giáo dục ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ cho học sinh trong
giai đoạn hiện nay đang là một đòi hỏi tất yếu khách quan. Trong Văn kiện Đại
hội Đảng lần thứ IX của Đảng năm 2001, Đảng coi TNGT cũng là một trong
những tệ nạn xã hội cần được ngăn chặn và khắc phục "Có biện pháp đồng bộ
ngăn chặn tai nạn giao thông" [19;215]. Đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội Đảng
lần thứ XI năm 2011, Đảng ta đã chỉ rõ: "Huy động cả hệ thống chính trị, các
cấp, các ngành triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tai nạn
giao thông. Nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật, đồng bộ xử lý
nghiêm các vi phạm Luật giao thông đường bộ..." [20;232 - 233].
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ Số 88/NQ – CP (ngày 24/8/2011)
Về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo TTATGT, trong đó
có nội dung về đẩy mạnh công tác giáo dục ATGT trong trường học. Nội
dung ghi rõ: "Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chỉ đạo các trường học, phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học


19

sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc
giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, không điều
khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe; hiệu
trưởng các trường phải kiên quyết xử lý kỷ luật đối với học sinh, sinh viên
chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe mô tô, xe gắn máy" [28].
Thực hiện công văn: Số 6165/GD - TrH ngày 16 tháng 7 năm 2004 của
Bộ Giáo dục và Đào tạo Về hướng dẫn giáo dục TTATGT trong các nhà
trường THPT và THCS năm 2004 - 2005 [8] như sau:
Giáo dục TTATGT trong giờ chính khóa.
Đối với các trường THCS dạy 4 tiết chính khóa về TTATGT ở môn
GDCD gồm:
Lớp 6: Tiết 23, 24 dạy bài 14 "Thực hiện trật tự an toàn giao thông"
sách giáo khoa lớp 6.
Lớp 7: Tiết 33, dạy nội dung TTATGT vào tiết thực hành, ngoại khóa
"Các vấn đề của địa phương và các nội dung đã học".
Lớp 8: Tiết 32, dạy nội dung TTATGT vào tiết thực hành, ngoại khóa
"Các vấn đề của địa phương và các nội dung đã học".
Đối với các trường THPT, dạy lồng ghép nội dung TTATGT vào các
bài học về pháp luật ở môn GDCD.
Giáo dục TTATGT qua hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Thực hiện ở tất cả các khối lớp trong trường THPT và THCS với các
hình thức: Hoạt động Câu lạc bộ, thi tìm hiểu về TTATGT, các hoạt động
thông tin, tuyên truyền, giữ gìn TTATGT trong và ngoài trường học... Hoạt
động giáo dục TTATGT có thể đưa vào chủ điểm hoạt động của mọi tháng
trong năm học.
Xuất phát từ những yêu cầu trên, việc giáo dục nâng cao ý thức chấp
hành Luật giao thông đường bộ cho học sinh THCS nhằm mục tiêu:


20

Về kiến thức: Nhằm trang bị cho học sinh hệ thống những kiến thức cơ
bản ban đầu về những quy định của Luật giao thông đường bộ ở mức độ phù
hợp với lứa tuổi và tâm lí của học sinh. Cụ thể:
- Học sinh hiểu được những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông
và hậu quả của tai nạn giao thông đối với bản thân mỗi người.
- Hiểu được những quy định của pháp luật đối với người đi bộ, đi xe
đạp, quy định đối với trẻ em... Từ đó giúp học sinh biết sử dụng đúng làn
đường, vượt, rẽ, đúng quy định khi tham gia giao thông.
- Nhận biết được các tín hiệu đèn giao thông và một số biển báo giao
thông thông dụng.
- Hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chấp hành TTATGT và
các biện pháp đảm bảo an toàn khi đi đường. Từ đó, nâng cao ý thức chấp
hành Luật giao thông đường bộ.
Về kỹ năng: Cần trang bị cho học sinh những kỹ năng và hành vi ứng
xử tích cực khi tham gia giao thông. Cụ thể:
- Nhận biết được một số dấu hiệu chỉ dẫn giao thông thông dụng, có kỹ
năng xử lý những tình huống xảy ra khi đi đường, biết ứng xử có văn hóa khi
tham gia giao thông.
- Biết đánh giá hành vi đúng, sai của người khác về thực hiện
TTATGT; có ý thức thực hiện nghiêm chỉnh Luật giao thông đường bộ; tuyên
truyền, nhắc nhở bạn bè cùng thực hiện tốt Luật giao thông đường bộ.
- Biết cách ứng xử và thực hiện nếp sống văn hóa giao thông khi tham
gia giao thông.
Về thái độ: Giúp học sinh có thái độ:
- Tôn trọng và tự giác chấp hành những quy định về TTATGT, luôn
quan tâm, tìm hiểu những quy định của pháp luật về TTATGT để không bị vi
phạm; có thái độ vui vẻ, tự giác chấp hành Luật giao thông đường bộ.


21

- Có thái độ đồng tình, ủng hộ những hành vi, việc làm đúng và phê
phán những hành vi vi phạm pháp Luật giao thông đường bộ.
1.1.3. Nội dung, cấu trúc chương trình và vai trò của môn học GDCD lớp 6
đối với việc nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ cho học
sinh THCS
1.1.3.1. Nội dung, cấu trúc chương trình GDCD lớp 6
Cấu trúc chương trình GDCD lớp 6 được chia làm 2 phần:
Phần 1: Các chuẩn mực đạo đức (gồm 8 chủ đề)
- Sống cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư
- Sống tự trọng và tôn trọng người khác
- Sống có kỉ luật
- Sống nhân ái, vị tha
- Sống hội nhập
- Sống có văn hóa
- Sống chủ động, sáng tạo
- Sống có mục đích
Phần 2: Các chuẩn mực pháp luật (gồm 5 chủ đề)
- Quyền trẻ em và quyền, nghĩa vụ của công dân trong gia đình
- Quyền và nghĩa vụ công dân về giữ gìn trật tự, an toàn xã hội
- Quyền và nghĩa vụ công dân về văn hóa, giáo dục và kinh tế
- Các quyền tự do cơ bản của công dân
- Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lý nhà nước
Nội dung, cấu trúc chương trình phù hợp cho việc tích hợp giáo dục
Luật giao thông đường bộ cho học sinh vào các chủ đề như: sống tự trọng và
tôn trọng người khác; sống có kỉ luật; sống hội nhập; sống có văn hóa; sống
chủ động, sáng tạo; quyền và nghĩa vụ của công dân về giữ gìn trật tự, an toàn
xã hội; các quyền tự do cơ bản của công dân …



22
Mặt khác, việc phân phối thời gian và cấu trúc nội dung chương trình
GDCD lớp 6 phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh THCS, đặc biệt
chương trình đã dành một phần nội dung và thời lượng giới thiệu kiến thức
pháp luật, trong đó có kiến thức về pháp luật an toàn giao thông. Mặt khác,
cấu trúc chương trình GDCD lớp 6 còn thể hiện rõ mục tiêu của giáo dục nói
chung, cụ thể:
Thứ nhất: Nội dung môn GDCD đảm bảo tính kế thừa và phát triển kết
quả dạy - học môn Đạo đức ở cấp Tiểu học (ban hành kèm theo Quyết định
Số 43/QĐ - BGD & ĐT ngày 9 tháng 11 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo).
Thứ hai: Hệ thống các chuẩn mực đạo đức và pháp luật ở lớp 6 góp
phần giáo dục toàn diện nhân cách học sinh. Giúp các em biết cách ứng xử để
giải quyết các mối quan hệ thường ngày, phù hợp với yêu cầu của xã hội và
sự phát triển của bản thân. Những nội dung giáo dục đảm bảo tính thiết thực,
phù hợp với thực tiễn Việt Nam, gần gũi với cuộc sống.
Thứ ba: Nội dung chương trình GDCD lớp 6 là những giá trị đạo đức,
pháp luật thể hiện quan hệ của chủ thể với bản thân, với mọi người, với công
việc và môi trường sống xung quanh các em hàng ngày.
Như vậy, môn GDCD nói chung và môn GDCD lớp 6 nói riêng giữ vai
trò chủ chốt trong việc giáo dục cho học sinh ý thức và hành vi của người
công dân, góp phần hình thành và phát triển ở các em những phẩm chất và
năng lực cần thiết của người công dân trong xã hội hiện đại.
1.1.3.2. Vai trò của môn học GDCD lớp 6 đối với việc nâng cao ý thức chấp
hành Luật giao thông đường bộ cho học sinh THCS
Lứa tuổi học sinh THCS nằm trong độ tuổi từ 12 tuổi đến 15 tuổi,
người ta gọi tuổi này là tuổi thiếu niên. Đây là thời kỳ phức tạp và quan trọng
trong quá trình phát triển của mỗi cá nhân. Thời kỳ này có một vị trí đặc biệt,



23
đó là thời kỳ chuyển từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành. Sự chuyển tiếp đã làm
hình thành những cấu tạo mới về chất trong tất cả mọi mặt. Sự chuyển đổi của
cơ thể, của tự ý thức, của kiểu quan hệ với người lớn và với bạn cùng tuổi,
của hoạt động học tập, hoạt động xã hội... đã làm xuất hiện những yếu tố mới
của sự trưởng thành. Yếu tố đầu tiên là tính tích cực xã hội mạnh mẽ của bản
thân các em nhằm lĩnh hội những chuẩn mực xã hội và giá trị của cuộc sống,
nhằm xây dựng quan hệ thỏa đáng với người lớn và bạn bè, nhằm thay đổi
bản thân theo những ý định và mục đích riêng. Sự thay đổi về điều kiện sống
trong gia đình, nhà trường và đặc biệt là sự phát triển của xã hội đã tác động
không nhỏ đến sự hình thành và phát triển nhận thức, nhân cách của các em.
Các em có nhu cầu cao về sự tìm tòi, khám phá những điều chưa biết và nhu
cầu thực hành những tri thức đã học vào thực tiễn của cuộc sống. Ở các em,
sự tò mò, ưa mạo hiểm, hiếu động là một trong những đặc điểm tâm lý ở lứa
tuổi này.
Môn GDCD ở trường THCS nói chung và môn GDCD lớp 6 nói riêng
nhằm giáo dục cho học sinh các chuẩn mực đạo đức và pháp luật ở mức độ
phù hợp với lứa tuổi. Chuẩn mực đạo đức nhằm giáo dục cho học sinh các
chuẩn mực của người công dân, trên cơ sở đó góp phần hình thành những
phẩm chất, nhân cách của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện tại, phù
hợp với xu thế phát triển và tiến bộ của thời đại. Chuẩn mực pháp luật nhằm
cung cấp cho học sinh những chuẩn mực thuộc các quy tắc xử sự chung, có
tính bắt buộc đối với mỗi công dân, giúp học sinh nâng cao ý thức, trách
nhiệm đối với bản thân và xã hội.
Xuất phát từ những yêu cầu đó, việc tổ chức dạy học môn GDCD là
phải hình thành ở học sinh xúc cảm, tình cảm, niềm tin đạo đức, vì đó là động
cơ bền vững bên trong giúp các em tự hoàn thiện, tự điều chỉnh để vươn tới
cái chân, thiện, mỹ trong cuộc sống. Đây là yêu cầu có tính đặc trưng của



24
môn GDCD so với một số môn học khác và cũng là yêu cầu đặc biệt quan
trọng trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, phương pháp dạy học môn GDCD
cũng có những yêu cầu đổi mới. Dạy - học không chỉ đơn giản là truyền thụ
tri thức mà còn phải hình thành hành vi, thói quen đạo đức, pháp luật ở mỗi
học sinh, tránh lối dạy thiên về lý thuyết khô khan, cần phải tổ chức các hoạt
động học tập đa dạng. Qua các hoạt động, khai thác được những chất liệu
cuộc sống và vốn kinh nghiệm đã có của bản thân mỗi học sinh, từ đó giúp
học sinh hiểu được vai trò của môn học đối với bản thân, ý thức rèn luyện thái
độ, bổn phận, niềm tin, thực hành các chuẩn mực giá trị và mẫu hành vi tích
cực mà mục tiêu bài học đặt ra.
Môn GDCD ở trường THCS có vai trò quan trọng trực tiếp trong quá
trình hình thành ý thức, hành vi đạo đức, pháp luật và lối sống cho học sinh.
Đây là môn học có đặc điểm nổi bật là gần gũi với con người và xã hội, gắn
bó mật thiết với đời sống thực tiễn sinh động của gia đình, nhà trường và xã
hội. Đặc điểm này tạo cho môn GDCD có những lợi thế để tích hợp những
nội dung giáo dục cần thiết cho học sinh như giáo dục môi trường, giáo dục
phòng chống tệ nạn xã hội, giáo dục giới tính, giáo dục ATGT... Trong những
nội dung tích hợp này, thì tích hợp giáo dục ATGT giữ vị trí quan trọng hàng
đầu đối với học sinh trước thực trạng vấn đề giao thông hiện nay ở nước ta.
Giáo dục TTATGT được thực hiện dạy học chính khoá trong chương
trình GDCD lớp 6 ở tiết 23, 24 bài 14 "Thực hiện trật tự an toàn giao thông"
và được lồng ghép tích hợp nội dung giáo dục trật tự an toàn giao thông vào
các tiết thực hành ngoại khoá, các hoạt động chủ điểm của tháng trong năm
học. Giáo dục trật tự an toàn giao thông cho học sinh trong nhà trường THCS
là một trong những chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm nâng cao ý
thức chấp hành Luật giao thông đường bộ cho học sinh trong các nhà trường
THCS và THPT. Vì vậy, nghiên cứu vấn đề Nâng cao ý thức chấp hành Luật



25
giao thông đường bộ cho học sinh thông qua dạy học môn GDCD lớp 6 - bậc
THCS là hoàn toàn phù hợp với nội dung và cấu trúc chương trình GDCD lớp
6, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học.
1.2. Cơ sở thực tiễn của việc nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông
đường bộ cho học sinh thông qua dạy học môn GDCD lớp 6 – bậc THCS
1.2.1. Khái quát vài nét về xã Thiệu Tân và trường THCS Thiệu Tân,
huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh hoá
1.2.1.1. Khái quát về tình hình kinh tế - chính trị - xã hội xã Thiệu Tân, huyện
Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa nằm ngay bên núi Đọ - Cái nôi lịch sử
loài người. Phía Đông và phía Bắc giáp với thành phố Thanh Hóa, phía Nam
giáp với xã Thiệu Châu, phía Tây giáp với sông Chu. Toàn xã có 5 thôn với
tổng số dân là 3356 người, tổng diện tích tự nhiên là 443,57 ha.
Xã Thiệu Tân là một miền quê có bề dày lịch sử với truyền thống văn
hóa đặc sắc, truyền thống đánh giặc ngoại xâm kiên cường đã sản sinh ra
nhiều anh hùng hào kiệt và các bậc khai quốc công thần, đã được ghi vào
trang sử vàng chói ngời của dân tộc.
Thiệu Tân là một xã thuần nông, nền kinh tế mũi nhọn của địa phương
là sản xuất nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm đạt gần
10.000.000đ/người/năm. Đời sống nhân dân ổn định và phát triển trong những
năm gần đây.
Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã
Thiệu Tân trong những năm qua tương đối được giữ vững. Tệ nạn ma túy,
cờ bạc được kiềm chế. Hệ thống giao thông liên xã và lộ nông thôn chưa
hoàn chỉnh đã ảnh hưởng rất lớn đến điều kiện lưu thông phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đặc biệt là việc đi lại của người dân và học tập của
con em trong xã.



×