Tải bản đầy đủ (.pdf) (78 trang)

Giọng điệu của tập thơ ánh sáng và phù sa

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (581.11 KB, 78 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA SƯ PHẠM

BỘ MÔN NGỮ VĂN

TRIỆU THỊ CẨM LÌNH
MSSV: 6075431

GIỌNG ĐIỆU CỦA TẬP THƠ
ÁNH SÁNG VÀ PHÙ SA

Luận văn tốt nghiệp Đại học
Ngành Ngữ Văn

Cán bộ hướng dẫn: Trần Văn Minh

Cần Thơ, 5-2011


PHẦN MỞ ĐẦU


1. Lí do chọn đề tài
Ngôn ngữ thơ thật diệu kì và phức tạp. Trong các yếu tố ngôn ngữ thì giọng
điệu là yếu tố góp phần hình thành nên một phong cách, một hồn thơ độc đáo.
Chế Lan Viên là nhà thơ có những đóng góp to lớn cho nền thi ca Việt Nam.
Ông là một trong số ít nhà thơ có quá trình “lột xác” thành công. Trước Cách mạng
tháng Tám, sự xuất hiện của thi sĩ trên văn đàn với tập thơ Điêu tàn đã tạo ra một niềm
“kinh dị” (Hoài Thanh) cho người đọc. Cách mạng tháng Tám đã làm thay đổi hồn thơ
Chế Lan Viên, đem lại ánh sáng cho thơ ông. Tập thơ Ánh sáng và phù sa là một niềm
“sửng sốt” cho các bạn thơ, giới nghiên cứu và độc giả. Từ đó cho mãi đến cuối đời,


ngòi bút nhà thơ luôn tận tụy hết mình cống hiến cho sự nghiệp văn chương và đã để
lại những trang văn, trang thơ bất tử trong lòng bao thế hệ.
Trải qua nhiều thế hệ, những công trình nghiên cứu về thơ Chế Lan Viên ngày
càng nhiều hơn và sâu sắc hơn. Điều này giúp cho người đọc có cái nhìn đúng đắn và
toàn diện hơn về những cống hiến mà thi sĩ đã để lại cho nền thi ca Việt Nam hiện đại.
Với sự đam mê và lòng yêu thích thơ, người viết chọn đề tài “Giọng điệu của
tập thơ Ánh sáng và phù sa” của Chế Lan Viên làm đề tài cho luận văn tốt nghiệp của
mình. Thiết nghĩ, đây là việc làm cần thiết và quan trọng, góp thêm một cái nhìn cụ thể
vào việc đánh giá, nhìn nhận tài năng và đóng góp của Chế Lan Viên trong nền văn
học dân tộc.
2. Lịch sử vấn đề
Chế Lan Viên là cây bút xuất sắc của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX. Hơn
nửa thế kỉ sáng tác của mình, Chế Lan Viên đã để lại cho thi ca Việt Nam một sự
nghiệp văn chương đồ sộ. Bước vào thế giới thơ ông, chúng ta sẽ cảm nhận được sự
diệu kì và đa dạng của ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu,... Chính vì vậy, thơ Chế Lan
Viên luôn thu hút đông đảo giới nghiên cứu và các nhà phê bình trước đây cũng như
hiện tại.
Chế Lan Viên là tác gia có tên tuổi trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, cho nên
có nhiều công trình nghiên cứu về thơ ông như các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ,
hình ảnh, tư duy thơ, hình thức nghệ thuật, thể loại,... của các nhà nghiên cứu, nhà phê


bình: Hoài Thanh, Nguyễn Lộc, Trần Đình Sử, Trần Mạnh Hảo, Hồ Thế Hà, Lê Đình
Kỵ, Nguyễn Xuân Nam, Lê Lưu Oanh – Đinh Thị Nguyệt, Nguyễn Lâm Điền...
Về vấn đề giọng điệu thơ Chế Lan Viên, đặc biệt là giọng điệu của tập thơ Ánh
sáng và phù sa, trong các bài nghiên cứu, các tác giả ít nhiều có đề cập đến, tuy mỗi
người đều có một cách nhìn từ góc độ khác nhau.
Nói đến Chế Lan Viên, độc giả nghĩ ngay đến Điêu tàn. Tập thơ khổ nhỏ gồm
36 bài thơ, cách đây gần nửa thế kỉ “quyển Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện ra giữa làng
thơ Việt Nam như một niềm kinh dị” [18; tr.237]. Tập thơ kinh dị không phải vì khi

sáng tác tác giả mới 16, 17 tuổi, đang học trung học. Kinh dị, chính vì nội dung tập
thơ. Trong bài Sức hấp dẫn thơ Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Nam từng nhận định về
giọng điệu tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên: “Trong những giọng buồn quen thuộc
của thơ ca lãng mạn 32 – 45, đây là giọng buồn ảo não, có pha huyền bí” [7; tr.42].
Trong công trình nghiên cứu Đặc trưng nghệ thuật thơ Chế Lan Viên, Nguyễn
Lâm Điền có viết: “Thơ Chế Lan Viên thường có giọng điệu khi xót xa cầu khẩn, khi
đằm thắm thiết tha, khi chân chất giản dị, khi trăn trở suy tư, khi trầm buồn chậm rãi,
khi hùng biện triết lí, khi hào hùng, sôi nổi...” [3; tr.36]. Với công trình nghiên cứu
này, Nguyễn Lâm Điền đã đưa ra cái nhìn khái quát về giọng điệu thơ Chế Lan Viên.
Thơ Chế Lan Viên rất phong phú về giọng điệu. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã
dày công nghiên cứu các tác phẩm thơ Chế Lan Viên và nói về điều này như sau: “Có
lúc thơ ông thì thầm trò chuyện, nói tiếng thở dài trong một câu thơ ngắn, có lúc ông
sang sảng hùng biện, thơ âm vang như cáo, như hịch, lúc mát mẻ lạnh lùng trong thơ
ngụ ngôn, lúc bừng bừng giận dữ trong hơi thơ đả kích, khi thâm trầm ung dung như
người thoát tục nhìn hoa đại, hoa sen... Cái phong phú ấy trong thơ hiện đại chưa ai
bằng Chế Lan Viên” [25; ]. Qua bài nghiên cứu, Vũ Quần Phương đã phát hiện được
những nét độc đáo của giọng điệu thơ Chế Lan Viên. Điều đó có ý nghĩa không nhỏ
đối với người đọc, bởi họ sẽ có cái nhìn khái quát về sự phong phú của giọng điệu
trong thơ của thi sĩ.
Chế Lan Viên là nhà thơ luôn đi song hành cùng thời đại, thi sĩ mải mê tìm tòi,
thi sĩ muốn thử sức, muốn bộc lộ mình trong tất cả giọng điệu ở mọi cung bậc, mọi sắc
thái. Trong bài viết Nhà thơ của thế kỉ, Nguyễn Văn Hạnh đã nhận định về sự phong
phú và phức tạp của giọng điệu thơ Chế Lan Viên: “Lúc cần trang trọng, thì hào hùng
trang trọng; lúc cần đanh thép quyết liệt, thì đanh thép quyết liệt; lúc cần thủ thỉ tâm


tình, thì thủ thỉ tâm tình. Ta gặp anh ở sử thi, anh hùng ca, rồi lại gặp anh trong chính
luận, trào phúng, trữ tình. Giọng cao là anh, mà giọng trầm cũng là anh. Súc tích cổ
điển, truyền thống rất mực, mà phóng túng hiện đại đủ cỡ, khó mà đoán trước hết
được. Nhưng dù trong hình thức truyền thống; trong thể thơ ổn định hay thể thơ tự do,

thơ văn xuôi, anh vẫn là nhà thơ đầy bản lĩnh, hầu như không bao giờ bằng lòng với
những cái đã đạt được, thích lục xới, cật vấn mọi thứ từ cuộc sống, từ sách vở, từ tâm
hồn mình để mở rộng khả năng của thơ, xông xáo mở những con đường mới cho thi ca
hiện đại” [1; tr.214 – 215]. Từ nhận định này, ta thấy Chế Lan Viên là một hồn thơ
phức tạp. Giọng điệu thơ ông vô cùng đa dạng, phong phú, đòi hỏi người đọc phải suy
ngẫm, chiêm nghiệm để có thể khám phá, thấu hiểu được ý thơ của thi sĩ.
Đoàn Trọng Huy với bài viết Khuynh hướng vận động thơ Chế Lan Viên sau
1975 đã cho chúng ta một cách nhìn mới về giọng điệu trong sáng tác của Chế Lan
Viên: “Dễ nhận thấy một giọng điệu khác lạ trong thơ Chế Lan Viên. Giọng cao xưa
kia đắc dụng với những tráng ca, những khúc bi hùng, những khẩu lệnh, những tiếng
thét phẫn nộ của cả một cộng đồng, một dân tộc, đã tạo nên chất sử thi anh hùng trong
thơ. Giờ đây anh lại hát ca với một tiếng thơ, không kém mạnh mẽ nhưng sâu lắng
hơn, trầm tĩnh hơn” [1; tr.105]. Sự thay đổi giọng điệu là điều dễ nhận ra trong thơ
ông, nhưng dù ở giọng điệu nào chúng ta cũng thấy toát lên từ trang thơ thi sĩ sự chân
tình tâm huyết và khát vọng sống hết mình vì con người, vì cuộc đời của ông. Thi sĩ đã
từng tâm sự:
Xưa tôi hát mà bây giờ tôi tập nói
Chỉ nói thôi mới nói hết được đời.
Sổ tay thơ
Hay là:
Giọng cao bao nhiêu năm, giờ anh hát giọng trầm
Tiếng hát lẫn với im lìm của đất.
Giọng trầm
Ở bài viết Chế Lan Viên – một bản lĩnh, một tâm hồn thơ phong phú, đa dạng
và bí ẩn, Hoài Anh đã đề cập đến giọng điệu của tập thơ Ánh sáng và phù sa – tập thơ
đã cắm cái mốc lớn cho thơ Việt Nam: “Từ đây, thơ không phải chỉ để ngân nga, đối
cảnh sinh tình, mà còn để nói lên những vấn đề lớn, không chỉ là lời ru mà có lúc cũng
phải “đập bàn quát tháo, lo toan”, không chỉ là bông hoa mà có khi chỉ là lá nhưng “có



hương tư tưởng”” [1; tr.131]. Mặc dù chưa đi sâu nghiên cứu giọng điệu của tập thơ
nhưng tác giả cũng đã góp thêm một cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ giúp cho những
người nghiên cứu về sau có cái nhìn bao quát hơn.
Ngô Văn Phú với bài viết Từ Điêu tàn đến Hoa trên đá đã khẳng định rằng:
“Trong tập thơ Ánh sáng và phù sa, Chế Lan Viên đã chửi Ngô Đình Diệm bằng thể
thơ đả kích mới, khác hẳn giọng thơ đả kích của trường phái Tú Mỡ” [1; tr.339].
Hà Minh Đức trong Đọc Ánh sáng và phù sa có viết: “Trên chặng đường thơ
này ta bắt gặp sức mạnh vươn tới của một tâm hồn theo ánh sáng của lí tưởng mới.
Sức mạnh ấy sẽ được nhân lên, mạnh mẽ hơn, hùng tráng hơn khi đã bắt được vào cái
thẳm sâu cũng như chất phù sa màu mỡ của đời sống cách mạng.” [7; tr.346]. Trong
thời kì này, thi sĩ đã tìm được ánh sáng mới. Đó là ánh sáng của lí tưởng cách mạng,
giúp nhà thơ vượt qua cái đau khổ của một người chán hết những sắc màu hư ảnh của
xã hội lúc ấy.
Nguyễn Quốc Khánh trong bài viết Vẻ đẹp triết lí trong thơ Chế Lan Viên có
nhận xét: “Đến thời hiện tại, nếu xem xét kĩ thì hầu hết mọi nhà thơ không nhiều thì ít
đều có những câu thơ triết lí. Nhưng khái quát bằng triết lí một cách thường xuyên,
một cách hệ thống và nổi lên như một nét phong cách riêng độc đáo thì phải kể đến
Chế Lan Viên” [1; tr.151].
Trong quá trình nghiên cứu, phê bình thơ Chế Lan Viên, một số tác giả đã phát
hiện và đánh giá cao những nét đẹp, những giá trị của trang thơ thi sĩ: “Đọc thơ Chế
Lan Viên chúng ta thường gặp những câu thơ có tính chất châm ngôn, tính chất triết lí,
một châm ngôn độc đáo nhưng có tính xác thực, một triết lí súc tích không xa lạ với
mọi người, nhưng ở mọi người có khi còn cảm thấy lờ mờ thì nhà thơ nói lên sắc sảo
như một phát hiện” (Nguyễn Lộc) [7; tr.196], “Trong thơ thời sự của mình Chế Lan
Viên kết hợp được óc khái quát và óc phân tích” (Nguyễn Xuân Nam) [7; tr.371].
“Trong một số bài thơ tứ tuyệt và bài thơ ngắn khác, Chế Lan Viên lại nghiêng về suy
nghĩ có tính chất triết học” (Hoàng Lan) [1; tr.151].
Độc giả sẽ nhận thấy ở thơ Chế Lan Viên vẻ đẹp triết lí và trí tuệ sâu sắc của
một hồn thơ sắc sảo, thông minh. Chế Lan Viên là nhà thơ biết khai thác triệt để năng
lượng trí tuệ trong sáng tạo thơ, một lĩnh vực gắn với thế giới cảm xúc. Điều này khiến

thơ ông luôn vượt qua cái cụ thể – cảm tính để mở ra những chiều sâu, đạt đến những
tầm cao mới. Thi sĩ quan niệm “thơ không chỉ để ru mà còn thức tỉnh”.


Nhìn chung, những công trình nghiên cứu trên đây đã phần nào làm nổi bật lên
được giọng điệu của thơ Chế Lan Viên ở những mức độ, những góc độ khác nhau. Mỗi
công trình có một hướng tiếp cận và hướng nghiên cứu riêng, thể hiện cách hiểu riêng
về giọng điệu thơ Chế Lan Viên.
Ánh sáng và phù sa là tập thơ đánh dấu sự thay đổi của hồn thơ Chế Lan Viên
từ sau 1945, hơn nữa, tập thơ còn được đón nhận một cách hào hứng ngay từ khi mới
ra đời, thu hút đông đảo giới nghiên cứu cũng như độc giả. Cho đến nay, tập thơ vẫn
còn giữ nguyên giá trị. Ánh sáng và phù sa được xem như là một niềm “sửng sốt” sau
Điêu tàn, “một tập thơ thuần túy trữ tình bậc nhất” (Trần Đình Sử). Chưa có một
công trình nào chuyên sâu nghiên cứu tìm hiểu tận tường giọng điệu riêng ở tập thơ
Ánh sáng và phù sa. Như vậy giọng điệu của tập thơ này vẫn chưa được nghiên cứu cụ
thể, toàn diện và dĩ nhiên cần được sự quan tâm tìm hiểu nhiều hơn.

3. Mục đích nghiên cứu
Với đề tài “Giọng điệu của tập thơ Ánh sáng và phù sa”, chúng tôi xác định mục
đích nghiên cứu của luận văn cụ thể như sau:
- Nhận diện được giọng điệu của tập thơ Ánh sáng và phù sa.
- Đi sâu phân tích, chứng minh để làm rõ các sắc thái của giọng điệu trong tập
thơ.
- Việc nghiên cứu đề tài này giúp người viết mở mang kiến thức và sự hiểu biết
về cây đại thụ của nền thi ca Việt Nam hiện đại – Chế Lan Viên; đồng thời hiểu thêm
phong cách nghệ thuật của thi sĩ.

4. Phạm vi nghiên cứu
Do yêu cầu cụ thể của đề tài nên luận văn chỉ tập trung khảo sát giọng điệu của
tập thơ Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên qua một số bài thơ tiêu biểu.

Trong quá trình nghiên cứu, người viết chú trọng nghiên cứu giọng điệu của tập
thơ Ánh sáng và phù sa, đồng thời có so sánh với giọng điệu của một số nhà thơ khác
cùng thời để đối chiếu làm rõ vấn đề.
Như vậy, luận văn chỉ nghiên cứu một phương diện nhỏ nhưng rất quan trọng
trong chỉnh thể nghệ thuật là tập thơ Ánh sáng và phù sa.

5. Phương pháp nghiên cứu
Để hoàn tất luận văn, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây:


- Phương pháp lịch sử được sử dụng khi đi sâu nghiên cứu những vấn đề về
giọng điệu trong lịch sử và các công trình nghiên cứu về giọng điệu của tập thơ Ánh
sáng và phù sa.
- Phương pháp so sánh được sử dụng để khẳng định vị trí và tài năng của Chế
Lan Viên.
- Phương pháp mô tả được sử dụng để khảo sát các chi tiết thể hiện giọng điệu
trong tập thơ.
Ngoài ra, các thao tác: phân tích, chứng minh, tổng hợp cũng được sử dụng ở
mức độ hợp lí, góp phần làm sáng tỏ vấn đề.


PHẦN NỘI DUNG

Chương 1


NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1 Về giọng điệu văn chương
1.1.1 Khái niệm “giọng điệu”
Từ lâu, giọng điệu đã được nhắc đến trong mĩ học phương Đông qua các khái

niệm gần gũi như hơi văn, điệu văn, văn khí,... Đây là một yếu tố nghệ thuật có ý
nghĩa quan trọng đối với thi pháp nhưng lại khó xác định về mặt lí thuyết. Trong giao
tiếp, giọng điệu có vai trò rất quan trọng nhiều khi quyết định ý nghĩa câu nói hơn từ
ngữ, biểu thị thái độ của người nói đối với người nghe hoặc đối với sự việc, tình huống
nào đấy. Vì vậy, giọng điệu rất quan trọng trong giao tiếp, nói năng.
Trong văn chương, giọng điệu đặc biệt quan trọng, “phân tích tác phẩm văn
chương mà bỏ qua giọng điệu tức là tước đi cái phần rất quan trọng tạo nên bản sắc
độc đáo của tác phẩm” [8; tr.53]. Chính vì sự quan trọng của nó, nên giọng điệu đã thu
hút được rất nhiều sự quan tâm chú ý của những nhà nghiên cứu văn chương.
Không ít công trình của nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập đến vấn đề “giọng
điệu”.
Trong văn học, giọng điệu là thái độ tình cảm của nhà văn đối với sự vật, hiện
tượng được miêu tả mà người đọc có thể cảm nhận được sắc thái biểu cảm của lời thơ,
lời văn.
Ở góc độ từ vựng, tác giả Từ điển Tiếng Việt định nghĩa giọng điệu là “lối, cách
biểu thị thái độ qua lời nói chung” [15; tr.369]. Còn theo tác giả Từ điển thuật ngữ văn
học, thì giọng điệu được định nghĩa là “thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng đạo đức
của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả, thể hiện qua lời văn quy định cách xưng
hô, gọi tên, dùng sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay
suồng sã, ngợi ca hay châm biếm... giọng điệu là một phạm trù của tác phẩm văn học.
Nó đòi hỏi người trần thuật kể chuyện hay nhà thơ trữ tình phải có khẩu khí, có giọng
và có điệu” [6; tr.134 – 135]. Như vậy, giọng điệu ở đây là thái độ tình cảm của nhà
văn đối với sự việc, hiện tượng được miêu tả. Bên cạnh đó, giọng điệu còn được hiểu
trên cơ sở từ ngữ “giọng” và “điệu” và “giọng điệu trong tác phẩm gắn với giọng trời
phú cho mỗi tác giả nhưng mang nội dung khái quát phù hợp với đối tượng thể hiện.
Giọng điệu trong tác phẩm có giá trị thường đa dạng có nhiều sắc thái trên cơ sở một
giọng điệu cơ bản chứ không đơn điệu” [6; tr.135].


Ở góc độ văn học, Trần Đình Sử quan niệm “giọng điệu là biểu hiện của thái

độ, cảm xúc của chủ thể đối với đời sống” [17; tr.248] và “đối với các sự vật, hiện
tượng thấp kém, tầm thường, người ta thường có giọng điệu mỉa mai, cười cợt; đối với
các sự việc đáng tiếc, mất mát, thương tổn, người ta có giọng điệu buồn thương, ngậm
ngùi” [17; tr.148].
Bên cạnh những phát hiện trên, Trần Đình Sử còn lưu ý, nhấn mạnh rằng
“giọng điệu tác phẩm phụ thuộc vào cảm hứng chủ đạo của tác giả” [17; tr.248].
Ở một công trình nghiên cứu khác, Trần Đình Sử xem giọng điệu là một đơn vị
nghệ thuật: “Đối với văn học hiện đại, để phù hợp với một sự diễn tả mới mẻ, sống
động, đầy ắp, ngôn ngữ phải là tiếng nói. Từ đó xuất hiện một đơn vị nghệ thuật mới:
giọng điệu. Như vậy chất liệu của văn học không chỉ là từ, còn là giọng, là lời của văn
bản” [16; tr.137]. Và đơn vị nghệ thuật ấy thuộc hình thức tinh thần cũng nhằm giúp
con người cảm thụ cuộc đời: “Hình thức nghệ thuật thực sự không chỉ là các cấu tạo
vật chất bên ngoài mà còn là hình thức tinh thần của hình tượng nghệ thuật như là cái
nhìn nghệ thuật, giọng điệu, không khí tác phẩm, thời gian, nhịp điệu... Đó mới chính
là hình thức mà con người dùng để cảm thụ cuộc đời” [16; tr.126]. Từ đó ông đưa ra
nhận xét chung nhất: “Thực chất giọng điệu của nhà thơ không phải giản đơn là chất
giọng trời phú tự nhiên của một danh ca, cũng không phải là giọng quê hương mang
theo từ nơi chôn nhau cắt rốn mà là hình tượng giọng nói do chính nhà thơ tạo ra mang
một tầm khái quát xã hội nhất định” [16; tr.229].
Như vậy, Trần Đình Sử đã cho chúng ta cái nhìn khái quát, hình dung phần nào
giọng điệu trong văn chương, về vai trò và những yếu tố hình thành nên giọng điệu.
Rõ ràng giọng điệu trong tác phẩm không phải tự nhiên mà có, nhà văn nhà thơ phải
có tâm huyết, có tài năng mới tạo ra được giọng điệu đặc biệt, độc đáo. Đến với mỗi
tác phẩm, người đọc sẽ hiểu được phong cách nghệ thuật, thái độ tình cảm, lập trường
tư tưởng của tác giả thông qua giọng điệu đặc biệt rất riêng của mỗi người.
Nguyễn Thị Dư Khánh quan niệm: “Trong văn học, khái niệm giọng điệu vừa
được biểu hiện ở phương diện ngữ âm: trầm, bổng, trong, đục, nhanh, chậm, dài,
ngắn... Vừa được biểu hiện ở phương diện phong cách: nóng, lạnh, nhu, cương; khoan
thai hay dồn dập sôi nổi; trân trọng hay mỉa mai khinh bỉ, phê phán hay ca ngợi, yêu
thương hay căm giận, mềm mại dịu dàng hay cứng cỏi kiên quyết, tha thiết gắn bó hay

thờ ơ lãnh đạm...” [8; tr.52]. Và “đứng ở bình diện thi pháp, chủ yếu chúng ta tìm hiểu


các giọng điệu gắn liền với tình điệu, với văn khí, với hơi văn, mạch văn, cái giai điệu,
cái “hồn” chi phối toàn bộ tác phẩm” [8; tr.52 - 53].
Từ góc độ lí luận văn học, Lê Ngọc Trà quan niệm: “Giọng văn hay giọng thơ
là phạm trù của thi pháp học nghiên cứu một trong những hình thái bộc lộ chủ quan
của nhà văn trong tác phẩm nghệ thuật. Văn học là tiếng nói của con người về cuộc
đời, tác phẩm văn học chứa đựng tiếng nói ấy nên nhất định phải có giọng. Giọng của
tác phẩm cũng giống như giọng nói của con người. Trong giọng thể hiện cả nhận thức,
thái độ, lối sống và cả nội lực của nhà văn (vì vậy giọng nhiều khi có nghĩa là hơi văn,
văn khí). Đồng thời giọng cũng là cái không lẫn được” [22; tr.152].
Theo Lê Ngọc Trà, giọng điệu được hiểu là thái độ tình cảm đạo đức của nhà
văn đối với các hiện tượng được mô tả, thể hiện trong lời văn và khả năng huy động
các biện pháp nghệ thuật làm bật nổi giọng điệu. Và tác giả cũng có nói giọng điệu của
nhà văn là cái rất riêng của mỗi người không thể nào nhầm lẫn được.
Từ nhiều ý kiến trên đây chúng ta có thể thấy có nhiều ý kiến không giống nhau
về khái niệm giọng điệu của các nhà nghiên cứu. Qua đó ta thấy được sự phức tạp
trong việc nghiên cứu về giọng điệu. Mỗi nhà nghiên cứu đứng ở những điểm nhìn,
những góc độ khác nhau và đưa ra những kết luận không thống nhất nhau.
Qua một số công trình nghiên cứu, chúng ta có thể rút ra những nét cơ bản về
giọng điệu như sau:
- Giọng điệu là yếu tố thuộc bình diện nghệ thuật nhưng đồng thời cũng có vai
trò trong việc bộc lộ thái độ, tình cảm, tư tưởng, nội dung của tác phẩm. Đôi khi câu
chữ trong tác phẩm không hoàn toàn dễ hiểu nhưng qua giọng điệu chúng ta có thể
hiểu được nội dung và ý đồ nghệ thuật của tác giả. Nói như vậy để biết các hình thức
nghệ thuật luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nội dung của tác phẩm, chúng ta không
thể tách rời hai bình diện ấy khi nghiên cứu tác phẩm.
- Giọng điệu gắn liền với tình điệu, với hơi văn, với văn khí và cảm hứng chủ
đạo của tác giả. Một tác phẩm khi nói về lòng căm thù giặc hay phẫn nộ trước những

tàn bạo bất công của xã hội thì không thể phù hợp với giọng điệu cảm thương hay tha
thiết trữ tình. Tuy viết về cùng một chủ đề, nhưng nhiều tác giả khác nhau sẽ có những
giọng điệu khác nhau. Bởi họ bị chi phối bởi lập trường tư tưởng và có cảm hứng sáng
tác khác nhau.


Chính điều này đã tạo nên sự phân biệt giữa nhà văn này và nhà văn khác, giữa
nhà thơ này với nhà thơ nọ, giữa những tác phẩm văn chương viết về cùng một chủ đề,
một đề tài, giúp độc giả nhận biết được những bông hoa trong vườn hoa văn chương
vốn lắm màu nhiều sắc. Chính vì vậy, giọng điệu là yếu tố hàng đầu giúp tác giả hình
thành phong cách riêng cho mình. Phong cách riêng rất quan trọng đối với mỗi nhà
văn, nhà thơ. Nó sẽ tạo ra dấu ấn cá nhân của tác giả trong lòng bao thế hệ độc giả. Vì
vậy các nhà nghiên cứu không thể bỏ qua yếu tố giọng điệu khi nghiên cứu phong cách
tác giả, nội dung tác phẩm.
- Cần phân biệt giữa giọng điệu và ngữ điệu. Hai khái niệm này hoàn toàn khác
nhau nhưng đôi khi không tránh được sự nhầm lẫn. Ngữ điệu là phương diện biểu hiện
của lời nói thể hiện qua cách lên giọng, xuống giọng, nhấn mạnh nhịp điệu, chỗ ngừng.
Theo tác giả Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “Ngữ điệu là những biến đổi về độ cao của
giọng khi nói, khi đọc, có liên quan đến cả một ngữ đoạn và có thể dùng để biểu thị
một số ý nghĩa bổ sung” [15; tr.673]. Giọng văn có quan hệ với ngữ điệu và lời nói
nhưng hai khái niệm này không phải là một. Giọng điệu là phạm trù của thi pháp học,
còn ngữ điệu thuộc phạm trù ngôn ngữ học. Và ngữ điệu cũng chính là yếu tố góp
phần hình thành và thể hiện giọng điệu trong tác phẩm.

1.1.2 Các yếu tố thể hiện “giọng điệu”
1.1.2.1 Nhịp điệu
“Nhịp điệu là xương sống của thơ. Thơ có thể bỏ qua vần, bỏ qua hệ đều đặn về
số chữ bỏ mọi quy luật bằng trắc, nhưng không thể vứt bỏ nhịp điệu” [13; tr.214].
Trong thực tế người ta hay nhầm lẫn xem giọng điệu đồng nhất với nhịp điệu.
Thực ra, trong tác phẩm văn chương, nhịp điệu xuất hiện trong hai tư thế. Thứ nhất, đó

là cơ sở vận hành cho giọng điệu. Thứ hai, đó là sự thiết chế để giọng điệu thể hiện
một cách trung thực thái độ cảm xúc, lập trường tư tưởng của nhà thơ.
Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã từng miêu tả tiếng khóc của Thúy Kiều lúc
khóc đến ngất xỉu vì sắp phải dấn thân vào cuộc đời “nước chảy hoa trôi”, tự mình phụ
tình đoạn nghĩa với chàng Kim:
Ôi Kim Lang! hỡi, Kim Lang
Thôi thôi! thiếp đã phụ chàng từ đây.
Truyện Kiều


Cách ngắt câu lục thành hai nhịp, cho thấy sự nức nở nghẹn ngào của Thúy
Kiều khi phải đưa ra quyết định đau đớn: trao duyên lại cho Thúy Vân. Nhịp ngưng
lâu sau hai tiếng “thôi thôi” phối hợp với hai nhịp chính của câu bát, sau tiếng “đã” và
“chàng” cùng với giọng ngang kéo dài ở hai tiếng “Kim Lang” làm cho câu thơ mô
phỏng đúng giọng rên rĩ, nức nở của tiếng khóc.
Khi nói đến Xuân Diệu, ta bắt gặp ngay một hồn thơ tươi trẻ, yêu đời, luôn dồi
dào sức sống. Vì yêu tha thiết cuộc sống, muốn tận hưởng cuộc sống, chúng ta thường
bắt gặp sự gấp gáp trong hồn thơ Xuân Diệu:
Mau lên chứ, vội vàng lên với chứ
Em, em ơi, tình non sắp già rồi.
Giục giã
Nhịp điệu câu thơ nhanh, vội vã, gấp rút, phù hợp với cảm xúc, tâm trạng của
nhân vật trữ tình. Chúng ta cảm nhận được sự nhiệt tình đối với cuộc sống trong hồn
thơ của Xuân Diệu. Đấy không phải là giọng điệu giả tạo do tác giả cố tình dựng nên,
mà rất chân thực từ chính cảm xúc mãnh liệt của bản thân nhà thơ.
Giọng thơ ảo não của Huy Cận thì thể hiện qua nhịp điệu thơ chậm rãi của một
nỗi sầu thiên cổ:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Tràng giang
Còn đây là giọng thơ đồng cảm tha thiết cho thấy sự cảm thông, thương cảm
sâu sắc với những gian truân, vất vả trong chiến tranh mà những chiến sĩ của ta phải
chịu đựng qua ngòi bút của Chính Hữu. Tuy hoàn cảnh khó khăn, gian truân và khắc
nghiệt nhưng họ vẫn giữ vững lòng tin, luôn đoàn kết sát cánh cùng nhau chiến đấu
bảo vệ quê hương đất nước:
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá


Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
Đồng chí
Với Tiếng hát con tàu, Chế Lan Viên kêu gọi mọi người lên đường xây dựng
quê hương mới:
Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng?
Bạn bè đi xa anh giữ trời Hà Nội
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng.
Tiếng hát con tàu
Nhịp điệu giục giã, khẩn trương thể hiện quyết tâm của một tâm hồn nhiệt
huyết, luôn hết lòng vì quê hương đất nước.
Nếu ở Tiếng hát con tàu là nhịp điệu giục giã thì đến Đêm tập kết nhịp thơ như
chùng xuống, tiếc nuối:
Gà ơi đừng gáy vội
Tinh mơ là xuống tàu

Ta đi thì địch tới
Gà ơi mày nỡ sao?
Đêm tập kết
Thơ khác văn xuôi ở chỗ, thơ có vần có điệu. Văn xuôi có thể đọc thầm, nhưng
đối với thơ, thơ chỉ hay khi ta đọc lên thành tiếng, ngân nga, lên giọng xuống giọng
theo nhịp điệu, cách ngắt nhịp của câu thơ. Khi ấy ta mới cảm nhận được cái hay của
câu thơ, nắm bắt được cái hồn của tứ thơ, bài thơ.

1.1.2.2 Cách xưng hô
Tùy theo đối tượng giao tiếp mà cách xưng hô của mỗi cá nhân phải thay đổi
cho phù hợp. Chính các mối quan hệ gia đình, xã hội, các nghi thức giao tiếp đã quy
định cách xưng hô trong giao tiếp. Trong văn chương, cách xưng hô thể hiện tình cảm,
thái độ của nhà văn đối với đối tượng được miêu tả.
Tố Hữu đã sử dụng cặp từ xưng hô “mình – ta” trong Việt Bắc, cho thấy tình
cảm của nhân vật trữ tình. Đó là tiếng nói ân tình, đằm thắm, thiết tha tình người, tình
quân dân, tình đồng chí đồng đội:
Mình về mình có nhớ ta


Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Việt Bắc
Ở bài Bếp lửa, Bằng Việt đã sử dụng từ “cháu” ở ngôi thứ nhất, từ “bà” ở ngôi
thứ hai, làm nên giọng điệu tâm tình của người cháu đối với bà với tất cả lòng yêu
thương, kính mến. Dù bây giờ cháu đã ở xa, ở bất kì phương trời nào chăng nữa thì
hình ảnh của bà vẫn luôn hiện diện trong trái tim của cháu. Đó là tình cảm chân thành,
thắm thiết nhất mà người cháu đã dành cho người bà thân yêu của mình. Tình cảm đó
không lấy gì có thể thay thế được:
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà. Niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở

Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?
Bếp lửa
Chế Lan Viên đã dùng cách xưng hô thâm tình, ruột thịt “con” – “nhân dân”
trong Tiếng hát con tàu:
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.
Tiếng hát con tàu
Trước vòng tay thân thương mở rộng, trước tấm lòng bao dung, nhân hậu của
nhân dân, nhà thơ thấy mình thật nhỏ bé cần được vỗ về, chở che. Hạnh phúc biết bao
khi nhà thơ được sống trong sự đùm bọc, cưu mang của nhân dân. Và chính niềm vui
sướng biết ơn ấy, nhà thơ thấy không thể có cách xưng hô nào khác hơn để bày tỏ tình
cảm và thái độ trân trọng của mình đối với nhân dân nên ông đã bật ra thành lối xưng
hô thắm thiết, ruột thịt, chan chứa tình cảm yêu thương: “con”, “nhân dân”.
Từ đó, mới hay vai trò của cách xưng hô thật quan trọng trong việc thể hiện
giọng điệu của tác giả trong tác phẩm văn chương.

1.1.2.3 Cách sử dụng từ ngữ
Cách sử dụng từ ngữ cũng là một phương diện để bộc lộ giọng điệu. Để nói về
một ông quan có tính keo kiệt, bủn xỉn bị mất cướp nhà thơ Nguyễn Khuyến đã lựa
chọn những từ ngữ hết sức độc đáo, thể hiện giọng đả kích, châm biếm, giễu cợt:


Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông
Nó lại mang ông bỏ giữa đồng
Lấy của đánh người quân tệ nhỉ!
Thân già da cóc có đau không?
Hỏi thăm quan tuần mất cướp
Trong lao động nghệ thuật đòi hỏi phải tốn nhiều công sức để lựa chọn những

từ ngữ phù hợp cho việc thể hiện, diễn đạt. Ta không lạ khi gặp Xuân Diệu – một nhà
thơ rất Tây, khi bộc lộ niềm say mê cuộc sống mãnh liệt của mình, nào là “ôm”, nào là
“riết”, là “say”, “thâu”, “hôn”, “chuếnh choáng”, “đã đầy” và cuối cùng là “cắn”. Tạo
ra một giọng điệu hết sức vồ vập:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều.
Và non nước và cây và cỏ rạng
Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi.
Vội vàng
Đấy là một tình yêu nồng nhiệt đến tột độ đối với cuộc sống. Tình yêu ấy đã
đem đến nhựa sống, chất men say vốn có của một chàng trai trẻ.
Thư mùa nước lũ, thể hiện tài năng lựa chọn từ ngữ của Chế Lan Viên. Thi sĩ đã
sử dụng những từ ngữ gần gũi, giản dị với đời sống hằng ngày của con người. Chỉ với
28 chữ mà bài thơ đã toát lên đủ cả nhớ trông, mừng giận, thương xót, cứ như hòa lẫn
vào nhau:
Nhớ xuôi trông mãi mảnh tin nhà
Nay được phong thư nước suối nhòa
Chẳng dám giận nhiều con thác lũ
Thương tình chú ngựa khổ đường xa.


Thư mùa nước lũ Đọc
thơ Hồ Xuân Hương, người đọc cảm nhận được tất cả cái bực bội, phẫn uất của nữ sĩ
được dồn vào một chữ “chém” rất Xuân Hương:
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Làm lẽ
Động từ “chém” với thanh trắc, sắc thể hiện sự phản kháng trực tiếp với chế độ
đa thê tàn nhẫn bất công đối với người phụ nữ.
Nói tóm lại, tất cả các yếu tố vừa phân tích trên đây đều có vai trò đặc biệt quan
trọng với giọng điệu. Trong từng trường hợp ta có thể thấy yếu tố này quan trọng hơn
yếu tố kia nhưng tựu chung lại các yếu tố đều có vai trò như nhau mà khi nghiên cứu
không thể bỏ qua.

1.1.3 Vai trò của giọng điệu
Như chúng ta đã biết, giọng điệu không chỉ là vấn đề thuộc phong cách nghệ
thuật mà còn là yếu tố quan trọng tạo thành nội dung tư tưởng, thể hiện thái độ tình
cảm của tác giả trong sáng tác. Chính vì lẽ đó, ta không thể phủ nhận vai trò của yếu tố
giọng điệu trong văn chương. Ở đây người viết nhận thấy vai trò của giọng điệu có tác
dụng: góp phần tạo chiều sâu tư tưởng cho tác phẩm, thể hiện phong cách tác giả và
chủ đề của tác phẩm.

1.1.3.1 Giọng điệu góp phần tạo nên chiều sâu tư tưởng cho tác phẩm
Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Thơ phải đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật ngôn
từ, nhưng không phải cứ trau chuốt, cứ dùng từ hay từ đắt là được tác phẩm hay. Mà
cần phải có giọng thích hợp, độc đáo, tạo được ấn tượng riêng.
Cái đậm đà sâu lắng của một tác phẩm chính là ở chỗ có hồn, có giọng. Một tác
phẩm sẽ nhạt nhẽo, vô vị nếu không có giọng cho dù tác giả có cố công lựa chọn từ
ngữ như thế nào đi chăng nữa, cũng không để lại được ấn tượng trong lòng độc giả.
Lâu nay, không ít người không đồng tình với những nội dung, tư tưởng trong
sáng tác của Hồ Xuân Hương, nhưng hầu hết mọi người đều công nhận ở đấy giọng
điệu hóm hỉnh đầy cá tính của người phụ nữ dám chống lại, dám thách thức với những
luật lệ ràng buộc khắc khe của lễ giáo phong kiến:
Quản bao miệng thế lời chênh lệch
Không có nhưng mà có mới ngoan.
Sự dở dang



Hay:
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
Làm lẽ
Với giọng điệu hóm hỉnh, châm biếm, nữ sĩ Xuân Hương đã tạo nên nhiều tác
phẩm đặc sắc cho văn chương Việt Nam không chỉ thời bà sống mà đến nay vẫn còn
giữ nguyên giá trị và ngày càng được khẳng định.
Ta lắng nghe một chút xót xa trong giọng thơ Tố Hữu:
Mới bình minh đó đã hoàng hôn
Đang nụ cười tươi bỗng lệ tuôn
Đời thường sớm nắng chiều mưa vậy
Khuấy động lòng ta biết mấy buồn.
Một tiếng đờn
Cả tập thơ của ông thấm đượm một nỗi buồn day dứt về sự mai một nhất thời
các giá trị tinh thần của xã hội. Trong nỗi cô đơn đến tột cùng, ông chỉ ao ước có một
niềm an ủi: chỉ cần bên ông có một người bạn. Nếu trước đây với ông ai cũng có thể là
bạn, thì giờ đây mọi thứ đều đã khác:
Có khổ đau nào đau khổ hơn
Trái tim tự xát muối cô đơn
Em ơi nghe đó trong đêm lạnh
Đằm thắm bên em một tiếng đờn.
Một tiếng đờn
M.B Khravchenko từng khẳng định: “Đề tài tư tưởng hình tượng chỉ được thể
hiện trong một trường giọng điệu nhất định, trong phạm vi của thái độ cảm xúc nhất
định đối với đối tượng sáng tác, đối với những mặt khác nhau của nó”. Người ta vẫn
thường nói đến tầm quan trọng của câu mở đầu trong tác phẩm, có ý nghĩa quyết định
toàn bộ nội dung tác phẩm. Một khi đã bắt đúng giọng thì không đơn giản là viết nữa,
người nghệ sĩ mặc sức vẫy vùng trên đỉnh cao sáng tạo nghệ thuật.
Nhà văn Marquez có thuật lại, sau khi viết xong truyện Giờ rủi ro ông đã đủ tư

liệu để viết Trăm năm cô đơn, nhưng vẫn không thể nào cầm bút viết được vì chưa tìm
ra được giọng, mãi năm năm sau ông mới tìm được giọng thích hợp. Như vậy, có thể
thấy giọng điệu còn quan trọng hơn cả câu chuyện, cốt truyện. Bởi thế khi phân tích
tác phẩm văn chương mà bỏ qua yếu tố giọng điệu là tước mất phần hồn của tác phẩm.


Như vậy, nhà văn, nhà thơ trước khi bắt tay vào viết tác phẩm phải chọn được
giọng điệu phù hợp. Như cách nói của Lamartin là phải bắt đầu từ “khúc ca bên
trong”. Còn đối với người nghiên cứu, thì chỉ khi nào nắm bắt được cái giọng điệu,
tình điệu thì khi ấy mới thấy được “cái thần”, “cái hồn” của tác phẩm. Đủ thấy giọng
điệu có vai trò quan trọng như thế nào trong việc xác định giá trị của tác phẩm. Có thể
nói, giọng điệu trở thành yếu tố lôi cuốn, thuyết phục người đọc bằng sức truyền cảm
không cưỡng nổi của nó.

1.1.3.2 Giọng điệu – yếu tố hàng đầu của phong cách tác giả
Giọng điệu là một phạm trù thẩm mĩ của văn học, một yếu tố quan trọng để tạo
nên phong cách nhà văn, nhà thơ. Hầu hết các công trình nghiên cứu đều ít nhiều đề
cập đến phong cách tác giả. Phan Ngọc quan niệm: “phong cách là một cấu trúc hữu
cơ của tất cả các kiểu lựa chọn tiêu biểu, hình thành một cách lịch sử, và chịu đựng
một giá trị lịch sử có thể cho phép ta nhận diện một thời đại, một thể loại, một tác
phẩm hay một tác giả” [13; tr.22]. Như vậy phong cách là nét độc đáo, nét riêng phân
biệt giữa nhà văn này và nhà văn khác. Nhà văn muốn để lại dấu ấn sâu sắc cho tác
phẩm của mình thì nhất thiết phải tạo được phong cách riêng cho mình. Điều đó không
ai có thể phủ nhận nhưng để làm được như vậy thì không phải là chuyện dễ dàng đối
với mỗi tác giả.
Trong quá trình sáng tác, có vô số nhà văn, nhà thơ cho ra đời đứa con tinh thần
của mình nhưng để lưu lại tên tuổi trên văn đàn, và ấn tượng trong lòng độc giả thì đó
là điều không dễ đối với một số tác giả. Vì thế, trong vô số tác giả, số người có phong
cách độc đáo không phải nhiều.
Phong cách tác giả được hình thành từ nhiều yếu tố, mỗi yếu tố có vai trò và vị

trí như nhau, có mối quan hệ biện chứng và cùng hỗ trợ lẫn nhau. Trong các yếu tố đó
thì giọng điệu là yếu tố không thể thiếu trong việc tạo nên phong cách riêng của tác
giả.
Nhắc đến nhà văn Nguyễn Tuân, người đọc nghĩ ngay đến một nhà văn có
phong cách độc đáo, không thể lầm lẫn với bất kì một nhà văn nào khác. Nguyễn Đăng
Mạnh có nhận định: “Hạt nhân của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể gói
gọn trong một chữ ngông. Cái ngông vừa có màu sắc cổ điển, kế thừa truyền thống tài
hoa bất đắc chí của Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà,... vừa trực tiếp hơn là cụ Tú
Lan, thân sinh nhà văn; vừa mang dáng vẻ hiện đại, ảnh hưởng từ các hệ thống triết lí


nổi loạn của xã hội tư sản phương Tây như triết lí siêu nhân, quan niệm về con người
cao đẳng, thuyết hiện sinh...” [4; tr.43].
Tùy theo từng chất giọng khác nhau mà tác giả bộc lộ thái độ, tình cảm, cảm
xúc với đối tượng, cuộc sống với những cảm xúc không giống nhau và giọng điệu
cũng khác nhau. Do mỗi tác giả có quan điểm, lập trường, thế giới quan, nhân sinh
quan không giống nhau, tạo nên được sự khác nhau giữa tác giả này và tác giả khác.
Chẳng hạn, có biết bao bài thơ viết về mẹ, về bầm nhưng chúng ta vẫn nhận ra giọng
thơ Tố Hữu:
Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều
Thương con bầm chớ lo nhiều bầm nghe!
Bầm ơi
Đó là giọng trữ tình tha thiết, ngọt ngào, là giọng điệu chủ đạo trong suốt quá
trình sáng tác của nhà thơ cách mạng Tố Hữu.
Với Chế Lan Viên, chúng ta dễ nhận thấy một giọng điệu đầy chất triết lí, suy
ngẫm nhưng có khi cũng rất mềm mại như lời ru của mẹ, như những câu ca dao rất dễ
đi vào lòng người, và thấm sâu trong từng đường gân huyết quản. Vì lẽ đó, đọc thơ
Chế Lan Viên độc giả nhận thấy sự hài hòa giữa trí tuệ sắc sảo và cảm xúc nồng cháy,
mãnh liệt:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.
Tiếng hát con tàu
Hay:
Ta vì ai? Khẽ xoay chiều ngọn bấc
Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh.
Hai câu hỏi
Nói về ý nghĩa quan trọng của giọng điệu làm nên nét rất riêng của phong cách,
có người đã cho rằng: “Cái quan trọng là tiếng nói của mình, cái giọng riêng biệt của
mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác. Muốn nói được
như vậy và muốn có được cái giọng ấy thì phải có cổ họng được cấu tạo một cách đặc
biệt giống như loài chim vậy. Đó chính là đặc điểm phân biệt của tài năng sống độc
đáo”.

1.1.3.3 Giọng điệu góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm


Giọng điệu có khả năng tác động mạnh mẽ đến người đọc, do nhà văn đã cố
gắng lựa chọn để có một giọng điệu phù hợp tạo nên không khí cho tác phẩm, tạo được
sức thu hút lôi cuốn đối với độc giả. Đồng thời, giọng điệu cũng góp phần thể hiện chủ
đề, nội dung tư tưởng của tác phẩm.
Với Từ ấy của Tố Hữu, ta bắt gặp khúc hát ngợi ca, phấn khởi của người thanh
niên vừa bắt gặp lí tưởng cách mạng:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim.
Từ ấy
Trước những số phận bất hạnh, phải chịu nhiều đau khổ, cay đắng và tủi nhục
của cuộc đời thì tác giả thể hiện bằng giọng điệu an ủi, thông cảm chân tình:
Trên dòng Hương Giang
Em buông mái chèo
Trời trong veo

Nước trong veo
Em buông mái chèo
Trên dòng Hương Giang
Tiếng hát Sông Hương
Hay khi cần thể hiện sự căm thù đối với bọn xâm lăng cướp nước thì ta lại bắt
gặp giọng điệu mạnh mẽ, kiên quyết:
Má hét lớn: “Tụi bây đồ chó
Cướp nước tao, cắt cổ dân tao.
Tao già không sức cầm dao
Giết bay, có các con tao trăm vùng!
Con tao, gan dạ anh hùng
Như rừng đước mạnh, như rừng tràm thơm
Thân tao chết, dạ chẳng sờn”.
Bà má Hậu Giang
Trong tác phẩm, giọng điệu có liên quan đến cảm hứng sáng tác, tùy theo cảm
hứng sáng tác, chủ đề tác phẩm mà người nghệ sĩ lựa chọn giọng điệu phù hợp với tác
phẩm mà mình định thể hiện. Tìm hiểu tác phẩm Tướng về hưu của Nguyễn Huy
Thiệp chúng ta sẽ thấy cách kể dường như lộn xộn với cái giọng rời rạc, nhát gừng


kiểu “ông bảo”, “tôi bảo”, “cha tôi bảo”,... được lặp lại nhiều lần. “Chính cái giọng rời
rạc cộc lốc này góp phần diễn tả khá đậm nét thực chất mối quan hệ tình cảm đã trở
nên hết sức lỏng lẻo, rời rạc của những con người trong gia đình Tướng về hưu. Từng
con người ở đây đã trở thành một thế giới cô độc, dường như không có mối giao cảm
gì với chung quanh, ngay cả đối với những người thân thiết” [8; tr.53]. Tác phẩm nói
đến sự rạn vỡ không tránh khỏi của đạo lí truyền thống khi có sự xâm nhập của yếu tố
thực dụng theo mọi kiểu. Chủ đề ấy được thể hiện phần lớn nhờ vào giọng điệu chủ
đạo trong tác phẩm.
Đối với bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy, trước khi tìm hiểu nội dung bài thơ,
phải xác định được giọng điệu tâm tình, hoài niệm và lòng biết ơn sâu sắc của người

cháu đối với người bà thân thương kính yêu của mình. Giọng điệu ấy còn quan trọng
hơn cả những câu chữ trong tác phẩm. Giờ đây khi đã lớn khôn, cháu mới hiểu hết nỗi
cơ cực, vất vả mà bà đã chịu đựng. Dù có ở xa, ở tận phương trời nào chăng nữa cháu
vẫn nhớ đến bà. Dù hiện tại bà không còn tồn tại nữa nhưng hình ảnh và tình cảm yêu
thương mà bà dành cho cháu luôn sống mãi trong lòng cháu. Đó là tình cảm đằm thắm,
tha thiết luôn sống mãi theo thời gian trong trái tim người cháu. Chính giọng điệu tâm
tình ấy đã tạo nên sắc thái trữ tình độc đáo cho bài thơ.
Tuy nhiên, đôi khi nhà văn sử dụng thủ pháp nghệ thuật “giấu mình”, đấy là
tình cảm nồng nàn nhưng lại được thể hiện với giọng văn lãnh đạm. Đối với tác phẩm
của Nam Cao, đằng sau cái giọng lãnh đạm, thờ ơ ấy là cả một tấm lòng yêu cuộc
sống, một trái tim nồng nhiệt sống hết mình và hết lòng yêu thương con người.
“Từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui” là cảm hứng chủ đạo của tập thơ
Ánh sáng và phù sa. Tập thơ thể hiện niềm vui, phấn khởi của Chế Lan Viên đã tìm
được ánh sáng mới. Đó là ánh sáng của lí tưởng cách mạng đã giúp nhà thơ vượt qua
cái đau khổ của một người đã chán hết những sắc màu hư ảnh của xã hội lúc bấy giờ,
thi sĩ tự khẳng định:
Trong thung lũng đau thương vẫn tìm ra vũ khí
Phá cô đơn “ta” hòa hợp với “người”.
Khi đã có hướng rồi
Như vậy, trong tác phẩm văn chương giọng điệu là yếu tố làm nổi bật chủ đề, tư
tưởng tác phẩm dù trực tiếp hay gián tiếp. Do đó, khi nghiên cứu tác phẩm thì phải
nghiên cứu giọng điệu. Đó là yếu tố tạo nên phần “hồn” phần “sắc” cho tác phẩm.


1.2 Chế Lan Viên và tập thơ Ánh sáng và phù sa
1.2.1 Đôi nét về tác giả
Chế Lan Viên là nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng. Ông tên thật là Phan
Ngọc Hoan, sinh ngày 23.10.1920 tại vùng gió Lào cát trắng Cam Lộ, Quảng Trị. Chế
Lan Viên kết hôn với nhà văn Vũ Thị Thường. Ông là thân phụ nhà văn Phan Thị vàng
Anh.

Sinh trưởng trong một gia đình nghèo không có truyền thống văn thơ, lên 7 tuổi
cùng gia đình chuyển vào Bình Định. Thuở niên thiếu Chế Lan Viên học ở Quy Nhơn,
Bình Định. Tại đây ông đã làm những bài thơ đầu tiên, tập tành bước vào nghiệp văn
chương, nên ông coi Bình Định là quê hương thứ hai.
Từ những năm 1935 – 1936, lúc mới 15, 16 tuổi ông đã có thơ đăng báo. Năm
1937, in tập thơ Điêu tàn, lúc ông mới 17 tuổi đang học năm thứ ba trung học ở Quy
Nhơn. Ngay lập tức, tập thơ được công luận và người thơ chú ý, ông trở thành một
trong những nhà thơ nổi tiếng của phong trào thơ Mới. Điêu tàn là một sự phủ định
thực sự, quay về với thế giới mộng ảo kì quái của những giấc mơ. Cùng với ba bạn
thơ: Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, Chế Lan Viên đã nói lên sự bế tắc của mình
trước cuộc sống thực tại. Ông đã gửi gấm lòng mình vào Điêu tàn, đậm màu sắc bi
quan yếm thế của tôn giáo thần bí. Năm 1942 cho ra đời tập thơ Vàng sao lại là một
bước xa hơn vào thế giới siêu hình huyền bí, nói lên sự bế tắc về nhân sinh và nghệ
thuật thần bí, mang màu sắc bi quan.
Cách mạng tháng Tám thực sự thức tỉnh và làm đổi đời cho nhà thơ. Chế Lan
Viên tham gia cách mạng tại Quy Nhơn rồi ra Huế cùng Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư,
Đào Duy Anh tham gia Đoàn xây dựng, cộng tác với báo Quyết Thắng của Mặt trận
Việt Minh Trung bộ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông làm công tác
báo chí ở liên khu IV lúc ở Thanh - Nghệ - Tĩnh lúc vào Bình - Trị – Thiên. Tháng
7.1949 Chế Lan Viên được kết nạp vào Đảng trong chiến dịch ở Tà Cơn – Đường 9
(Quảng Trị).
Có thể nói, từ đây, Chế Lan Viên đã thực sự trở về với cội nguồn dân tộc, đất
nước, vứt bỏ mọi ảo tưởng siêu hình trước đây. Tập thơ Gửi các anh (1955) là những
bài thơ sáng tác trong những năm kháng chiến thể hiện bước tìm tòi con đường nghệ
thuật cách mạng của ông, nhưng chưa thật ổn định về tư tưởng. Phải đợi đến sau ngày
hòa bình lập lại, ông trở về Hà Nội cho đến hết cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước,


Chế Lan Viên cho ra đời một loạt các tập thơ: Ánh sáng và phù sa (1960), Hoa ngày
thường – Chim báo bão (1967), Những bài thơ đánh giặc (1972), Đối thoại mới (1973)

đã đánh dấu bước phát triển mới của ông trong hành trình thơ ca cách mạng. Đúng như
nhà thơ Xuân Diệu nhận định: “Ánh sáng và phù sa là cuộc phấn đấu của một tâm hồn
để giữ gìn cái ánh sáng của tư tưởng Đảng; tinh thần lạc quan tự vượt mình để nghĩ
đến mọi người” [1; tr.274].
Trong suốt thời kì kháng chiến chống Mĩ, ông tham gia ban lãnh đạo Hội nhà
văn Việt Nam, nhiều lần là sứ giả của văn hóa Việt Nam tham dự các diễn đàn văn hóa
quốc tế ở Liên Xô (cũ), Pháp, Nam Tư, Ấn Độ, Na Uy, Thụy Điển... Chế Lan Viên
từng là đại biểu quốc hội bốn khóa liền (từ khóa IV đến khóa VII).
Sau ngày đất nước thống nhất, ông về sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy tuổi
đã cao, Chế Lan Viên vẫn tiếp tục cho ra đời những tập thơ: Hái theo mùa (1977), Hoa
trên đá (1984) và một số tập văn xuôi, trong đó đáng chú ý: Từ gác Khuê Văn đến
quán Trung Tân (1981), Ngoại vi thơ (1987).
Ngày 19.6.1989 Chế Lan Viên mất tại Thành phố Hồ Chí Minh được làm lễ
truy điệu và hỏa táng vào ngày 26.9.1989.
Năm 1992, tức ba năm sau khi ông qua đời, tập Di cảo thơ I gồm hàng trăm bài
thơ phần lớn chưa công bố được ra mắt bạn đọc. Năm 1993 Di cảo thơ II tiếp tục được
phát hành và là tác phẩm độc nhất vô nhị được giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm
1994.
Chế Lan Viên được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I
– 1996.
Sự nghiệp văn chương:
Chế Lan Viên đã để lại một số lượng tác phẩm đồ sộ cho nền văn học nước nhà.
Về thơ:
- Điêu tàn 1937
- Gửi các anh 1955
- Ánh sáng và phù sa 1960
- Hoa ngày thường - chim báo bão 1967
- Những bài thơ đánh giặc 1972
- Đối thoại mới 1972
- Ngày vĩ đại 1976



×