Tải bản đầy đủ (.pdf) (113 trang)

Nghệ thuật tiểu thuyết của dương hướng (qua bến không chồng và dưới chín tầng trời) (LV00903)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.05 MB, 113 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG NHUNG

NGHỆ THUẬT TIỂU THUYẾT CỦA
DƯƠNG HƯỚNG
(Qua Bến không chồng và Dưới chín tầng trời)

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

HÀ NỘI, 2013


ơ

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG NHUNG

NGHỆ THUẬT TIỂU THUYẾT CỦA
DƯƠNG HƯỚNG
(Qua Bến không chồng và Dưới chín tầng trời)
Chuyên ngành: Lý luận văn học
Mã số: 60 22 01 20

LUẬN VĂN THẠC SĨNGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. TRỊNH BÁ ĐĨNH


HÀ NỘI, 2013


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi.
Các tài liệu, những kết luận, nhận định là trung thực và chưa được
công bố trong công trình của các tác giả khác.

Hà Nội, tháng 06, năm 2013
Tác giả luận văn

Nguyễn Thị Phương Nhung


LỜI CẢM ƠN

Hoàn thành luận văn, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến PGS. TS Trịnh
Bá Đĩnh – người thầy đã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn tôi trong suốt quá trình
nghiên cứu bằng một tinh thần khoa học nhiệt thành và nghiêm túc.
Nhân dịp này, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các thầy cô giáo
khoa Ngữ Văn, Phòng Sau Đại học - Trường Đại học sư phạm Hà Nội II đã
giảng dạy, dìu dắt và giúp đỡ tôi hoàn thành khóa học.
Cuối cùng tôi xin chân thành cảm ơn gia đình, bạn bè và đồng nghiệp
đã quan tâm động viên, khích lệ, giúp đỡ tôi trong suốt thời gian học tập và
nghiên cứu.
Với trình độ và kiến thức hạn chế của người viết, luận văn chắc chắn
không tránh khỏi những thiếu xót. Kính mong nhận được sự lượng thứ và góp
ý chân thành của thầy cô cùng bạn bè, đồng nghiệp đã quan tâm đến vấn đề
được tìm hiểu trong luận văn. Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Hà Nội, tháng 06, năm 2013
Tác giả luận văn

Nguyễn Thị Phương Nhung


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài ....................................................................................................... 1
2. Lịch sử vấn đề............................................................................................................ 2
3. Nhiệm vụ và mục đích nghiên cứu ............................................................................ 5
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ............................................................................. 5
5. Phương pháp nghiên cứu ........................................................................................... 6
6. Đóng góp của luận văn .............................................................................................. 6
7. Cấu trúc của luận văn. ............................................................................................... 6
CHƯƠNG 1: TIỂU THUYẾT DƯƠNG HƯỚNG TRONG XU HƯỚNG
CÁCH TÂN TIỂU THUYẾT SAU NĂM 1986 .......................................... 8
1.1. Hai xu hướng đổi mới của tiểu thuyết sau năm 1986 .............................. 8
1.1.1. Xu hướng “hiện đại hóa” triệt để .......................................................... 10
1.1.2. Xu hướng đổi mới dựa trên lối viết truyền thống ................................. 17
1.2. Các đề tài chính trong tiểu thuyết sau đổi mới ......................................... 24
1.2.1. Đề tài về nông thôn, nông dân ............................................................... 24
1.2.2. Đề tài về chiến tranh và người lính hậu chiến........................................ 27
1.2.3. Đề tài lịch sử ........................................................................................................ 30
1.3.Quan niệm nghệ thuật và quá trình sáng tác của Dương Hướng............... 32
1.3.1. Quan niệm nghệ thuật của Dương Hướng ............................................ 32
1.3.2. Quá trình sáng tác của Dương Hướng................................................... 36
CHƯƠNG 2: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG CÁC
TIỂU THUYẾT CỦA DƯƠNG HƯỚNG ................................................... 40
2.1. Khái niệm nhân vật trong văn học, nhân vật trong tiểu thuyết ................ 40



2.1.1. Khái niệm nhân vật văn học ......................................................... 40
2.1.2. Vấn đề nhân vật tiểu thuyết .......................................................... 42
2.2. Các kiểu nhân vật ..................................................................................... 47
2.2.1. Nhân vật bi kịch ............................................................................ 47
2.2.2. Nhân vật “sám hối” ...................................................................... 59
2.3. Bút pháp thể hiện nhân vật ....................................................................... 63
2.3.1. Sự mô tả mới đối với nhân vật phản diện, kẻ thù ....................... 63
2.3.2. Mô tả ngoại hình, ngôn ngữ và hành động nhân vật .................... 65
CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG CÁC TIỂU THUYẾT
CỦA DƯƠNG HƯỚNG ................................................................................ 72
3.1. Người kể chuyện ...................................................................................... 72
3.1.1. Hình tượng người kể chuyện trong tiểu thuyết Dương Hướng.... 72
3.1.2. Người kể chuyện dị sự toàn năng................................................. 72
3.1.3. Người kể chuyện – nhân vật ....................................................... 78
3.2. Nghệ thuật tổ chức cốt truyện trong Bến không chồng và Dưới chín
tầng trời ........................................................................................................... 82
3.2.1. Cốt truyện ..................................................................................... 82
3.2.2. Sự cải biến cốt truyện kiểu thuyền thống trong Bến không chồng.............................83
3.2.3. Cốt truyện mở trong Dưới chín tầng trờ ...................................... 85
3.3. Ngôn ngữ và giọng điệu trong tiểu thuyết Dương Hướng ....................... 87
3.2.1. Ngôn ngữ ...................................................................................... 87
3.2.2. Giọng điệu .................................................................................... 95
KẾT LUẬN .................................................................................................. 102
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................... 104


1


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Trong công cuộc đổi mới của văn học nước ta từ sau năm 1986,
Dương Hướng là một trong những nhà văn được sự chú ý của bạn đọc và giới
phê bình. Cùng với Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường
và Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng
là một trong ba tác phẩm nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1991. Đây
là một giải thưởng sáng giá, ghi nhận những thành tựu của văn học Việt Nam
sau năm năm đổi mới. Việc đi sâu tìm hiểu tiểu thuyết của Dương Hướng
không chỉ để hiểu nghệ thuật tiểu thuyết của thời sau đổi mới mà còn nhận
diện được phần nào sự vận hành của dòng chảy văn xuôi đương đại nước ta.
1.2. Dương Hướng sáng tác chưa nhiều, nhưng trong các tác phẩm của
ông, nhất là qua hai cuốn tiểu thuyết Bến không chồng (1990) và Dưới chín
tầng trời (2007) đã chứng tỏ bút lực của một nhà văn thực tài, thực tâm, có
bản lĩnh và một cảm quan hiện thực nhạy bén, tinh tế. Sự mới mẻ, hấp dẫn từ
hai tác phẩm này chính là ở nội dung phản ánh hiện thực, một hiện thực đa
dạng, phong phú với những nguồn cảm hứng hướng tới giá trị nhân bản của
thân phận con người, đặc biệt phải kể đến nghệ thuật tiểu thuyết của ông đã
được bạn đọc đón nhận và các nhà phê bình khẳng định.
1.3. Trong khi các nhà văn khác như Nguyễn Khắc Trường và Bảo Ninh,
sau những thành công được ghi nhận chưa có thêm tác phẩm nào lớn hơn tạo
ra bước nhảy vọt thì với Dương Hướng chỉ 15 năm sau, một tác phẩm bề thế
hơn đã lại một lần nữa khẳng định đẳng cấp, tên tuổi của ông trên văn đàn.
Dưới chín tầng trời với quy mô lớn về số trang, phạm vi bao quát về đề tài,
đông đảo về số lượng nhân vật… Điều đó đã minh chứng cho một sức viết dồi
dào, bền bỉ và còn rất nhiều hứa hẹn.


2


1.4. Từ Bến không chồng đến Dưới chín tầng trời, trong một khoảng thời
gian chưa nhiều nhưng Dương Hướng đã chứng tỏ được sự phát triển tài năng
và phong cách nổi trội của mình. Tiểu thuyết Dưới chín tầng trời là một bước
đột phá so với thành công ở Bến không chồng không chỉ bởi độ lớn về quy
mô, độ rộng về đề tài, sự đa dạng về nhân vật mà còn cho thấy sự thay đổi lớn
về tư duy nghệ thuật. Dương Hướng đã kế thừa và cách tân nghệ thuật truyền
thống một cách triệt để, hội tụ được tình cảm của người đọc, thu hút được tầm
đón đợi của độc giả.
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng từng nhận xét: Có thể đoán rằng cái cấu tứ
của Bến không chồng và Trần gian đời người (Hai cuốn tiểu thuyết in liền
trong hai năm 1990 và 1991) là cái "xương sống", cái "cốt tủy” để Dương
Hướng tiếp tục triển khai, mở rộng, đào sâu và nâng tầm lên với một bút lực
mới trong Dưới chín tầng trời.
Việc nghiên cứu nghệ thuật tiểu thuyết của Dương Hướng qua Bến
không chồng và Dưới chín tầng trời là tìm hiểu sự vận động của một phong
cách văn xuôi đương đại nổi bật.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Các công trình nghiên cứu, bài viết về tiểu thuyết đương đại nói
chung và tác phẩm của Dương Hướng nói riêng có khá nhiều. Ở đây chỉ kể
những công trình, bài viết tiêu biểu:
Nguyễn Thị Thu Nguyên: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu
thuyết…
Nguyễn Phượng: Tiểu thuyết về đề tài chiến tranh sau 1975.
Nguyễn Bích Thu: Ý thức cách tân trong tiểu thuyết Việt Nam.
Bùi Việt Thắng: Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975, nhìn từ góc độ thể loại.
Nguyên Ngọc: Văn xuôi Việt Nam, lôgic quanh co của các thể loại…


3


Mỗi tác giả có một góc nhìn khác nhau, song tất cả đều thống nhất ở mục
tiêu chỉ ra sự đổi mới trong sự cách tân về tiểu thuyết, những nỗ lực đáng kể
trong sáng tạo nghệ thuật của các cây bút văn xuôi Việt Nam, nhằm biểu đạt
tư duy và tâm hồn con người thời đại.
2.2. Những bài bình luận, đánh giá xung quanh tiểu thuyết thuyết Bến
không chồng: Nhà văn Nguyên Ngọc đã có những nhận xét như sau: “Đến
Bến không chồng của Dương Hướng thì tiếng kêu thét của cá nhân bị vùi lấp
càng mạnh mẽ, thống thiết hơn”. Viết về vai trò cá nhân, lại đụng đến nhiều
vấn đề của làng quê Việt Nam, Bến không chồng đặt ra rất nhiều vấn đề
nhưng nhà văn chỉ xoáy sâu vào số phận của những nhân vật gắn với thời
đoạn đó, trong hoàn cảnh đó. “Dương Hướng là ngòi bút có tình khi nói về
nỗi đau của con người”.
Nhà văn áo lính Nguyễn Minh Châu từng viết: “Bước ra khỏi một cuộc
chiến tranh cũng cần bản lĩnh và sự tỉnh táo như khi bước vào một cuộc chiến
tranh”. Người lính trong tiểu thuyết hậu chiến phải nếm trải nỗi đau, ngộ nhận
lầm lẫn khi nhận thức cuộc sống, về những đổi thay chóng mặt. Tiểu thuyết
Bến không chồng đã góp thêm sắc màu mới trong việc khắc họa chân dung
người lính. Đó là gam màu trầm tối, xót xa nhưng chân thực và ám ảnh.
Trên Tạp chí Nhà văn (số 9 – 2009), G.S Phong Lê có bài khái quát tiểu
thuyết Dương Hướng với nhan đề: Từ “Bến không chồng” đến “Dưới chín
tầng trời”. Trong bài viết của mình, nhà phê bình Phong Lê cho rằng Dưới
chín tầng trời là một bước tiến so với Bến không chồng trên nhiều phương
diện như sự mở rộng phạm vi phản ánh, sự thay đổi trong hướng vận động
của cốt truyện… Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến sự đa dạng về hệ thống nhân
vật, sự thay đổi của số phận con người qua việc điểm xuyết đến số phận của
một số nhân vật như Hạnh, Dâu, Thắm, Vạn Nghĩa (Bến không chồng); Trần
Tăng, Đào Kinh, Thu Cúc… (Dưới chín tầng trời).


4


Trên trang Web của Hội nhà văn Việt Nam, G.S Hoàng Ngọc Hiến có bài
viết: “Cách nhìn của Dương Hướng trong tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời”.
Trong bài viết này, nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến đã nêu bật “linh hồn” của
tác phẩm qua việc phân tích một số nhân vật trung tâm: Yến Quyên, Hoàng
Kỳ Trung, Trần Tăng, Đào Kinh, Hoàng Kỳ Nam, Đào Thanh Măng, Thu
Cúc… G.S Hoàng Ngọc Hiến còn đề cập đến nghệ thuật xây dựng nhân vật
của nhà văn Dương Hướng, đồng thời cũng nêu bật chủ đề tư tưởng của
truyện.
2.3. Có rất nhiều ý kiến đánh giá, bàn luận về cuốn tiểu thuyết Dưới chín
tầng trời nhưng đáng chú ý hơn cả là Lời bạt của G.S Hoàng Ngọc Hiến in
vào cuối truyện với cái tên là: Cách nhìn của Dương Hướng trong tiểu thuyết
Dưới chín tầng trời, trong đó tác giả khẳng định giá trị của cuốn sách ở những
điểm sau:
- Cốt truyện li kì, hấp dẫn, nhiều tuyến nhân vật có quan hệ éo le, ba
chìm bảy nổi…
- Nhiều tuyến hành động diễn ra khắp các miền Bắc, Trung, Nam, có
làng xóm và thành phố, có chiến trường ác liệt ở miền Nam và sinh hoạt nhộn
nhạo rối ren vùng biên giới phía Bắc…
- Những câu triết lí vặt được xen lẫn giữa những lời bình làm giảm bớt
sự đơn điệu. Nhưng đôi khi đặt ra được những vấn đề có chiều sâu tư tưởng.
- Là cuốn tiểu thuyết ngồn ngộn sức sống và đời sống, nóng hổi tư tưởng
của thời đại và những vấn đề thời sự của đất nước.
Có thể dự đoán Dưới chín tầng trời là cuốn sách “ăn khách” nhất trong
năm 2007. Thế nhưng từ lúc ra mắt tuy dư luận có xôn xao bàn tán, có người
“dãy nảy” lên như phải bỏng, có người lại “xì xầm” về những vấn đề nhạy
cảm, nhưng tới nay chưa có một ý kiến nào đánh giá nó một cách chính thống.
Có chăng cũng chỉ là những lời bình hời hợt, “điểm xuyết”.



5

Bài viết của nhà phê bình Bùi Việt Thắng đăng trên Tạp chí Hội nhà văn
Việt Nam số tháng 10/2008 về tiểu thuyết Dưới chín tầng trời cho rằng: Dưới
chín tầng trời là một cuốn tiểu thuyết "ròng ròng sự sống" và xây cất được
những tư tưởng thời đại thể hiện sinh động trong những số phận bi kịch nhưng là những bi kịch lạc quan - Từ Trần Tăng, Đào Kinh, Măng, Hoàng Kỳ
Trung, Yến Quyên, Tuyết đến Hoàng Kỳ Nam, Thương Huyền, Thu Cúc và
Đào Vương... ngoài ra, tác phẩm còn có những phán quyết táo bạo, những vấn
đề thời sự, đẩy nhân vật đến những cực đối lập và không né tránh những mặt
khuất tối, ê chề của con người, của lịch sử…
Nhìn chung, các ý kiến đều thống nhất khẳng định: Tác phẩm là một
thành công vượt bậc, thể hiện độ chín trong tư duy nghệ thuật của Dương
Hướng. Ông đã hóa giải mọi sự kiện, hiện tượng tưởng như bế tắc qua cách
suy nghĩ sắc sảo, thấu tình, đạt lý của từng nhân vật. Để rồi khi gấp trang sách
ta thấy lòng dịu lại, như tìm thấy sự thanh thản, bình yên như chính những bế
tắc, day dứt, trăn trở của mình được hóa giải trong đó.
3. Nhiệm vụ và mục đích nghiên cứu
3.1. Nhiệm vụ nghiên cứu
Luận văn nhằm khẳng định Dương Hướng với tư cách là một tác giả tiêu
biểu trong hai mươi năm văn học trên bước đường đổi mới vừa qua.
3.2. Mục đích nghiên cứu
Qua việc nghiên cứu những sáng tác của Dương Hướng giúp người đọc
nhận ra diện mạo và sự phát triển của tiểu thuyết thời kì đổi mới. Ông là
người đóng vai trò trung chuyển giữa thế hệ nhà văn tiền trạm thời đầu đổi
mới như: Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu…với
thế hệ nhà văn mới như: Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Phan Thị Vàng Anh… có
thể xem Dương Hướng là gạch nối, thuộc thế hệ chuyển giao.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu



6

4.1. Đối tượng nghiên cứu
Toàn bộ tác phẩm của Dương Hướng trong đó trọng tâm là hai tiểu
thuyết Bến không chồng và Dưới chín tầng trời.
4.2. Phạm vi nghiên cứu.
Một số tiểu thuyết về nông thôn và chiến tranh được viết cùng thời với
Dương Hướng như: Thời xa vắng của Lê Lựu, Mảnh đất lắm người nhiều ma
của Nguyễn Khắc Trường cũng được người viết luận văn đưa vào tham khảo
có tính chất so sánh.
5. Phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp so sánh đối chiếu
Cùng với việc phân tích những nét mới trong tiểu thuyết của Dương
Hướng, tác giả luận văn tiến hành so sánh, đối chiếu với một số tác phẩm, tiểu
thuyết cùng giai đoạn và trước đó, nhằm khẳng định vị trí và giá trị của tác
phẩm.
5.2. Phương pháp khảo sát, thống kê
Trong khi phân tích tác phẩm, luận văn sử dụng các phương pháp khảo
sát, thống kê để tăng thêm độ tin cậy và sức thuyết phục, giúp cho việc triển
khai các luận điểm, luận cứ được sáng tỏ.
5.3. Phương pháp phân tích văn học sử
Từ việc trình bày khái quát sự đổi mới trên phương diện lý thuyết, luận
văn đi sâu vào phân tích những nét mới trong nghệ thuật tiểu thuyết của
Dương Hướng, nằm trong tiến trình đổi mới văn học từ sau năm 1986.
6. Đóng góp của luận văn
Từ việc khẳng định tài năng nghệ thuật của Dương Hướng qua hai tác
phẩm và bước tiến từ Bến không chồng đến Dưới chín tầng trời trong 15 năm
để chỉ ra thành tựu của tiểu thuyết trong thời kì đổi mới.
7. Cấu trúc của luận văn



7

Mở đầu.
Nội dung chính của luận văn: gồm có 3 chương.
Chương 1: Tiểu thuyết Dương Hướng trong xu hướng cách tân tiểu
thuyết sau năm 1986.
Chương 2: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong các tiểu thuyết của
Dương Hướng.
Chương 3: Nghệ thuật tự sự trong các tiểu thuyết của Dương Hướng.
Kết luận.
Tài liệu tham khảo.


8

CHƯƠNG 1: TIỂU THUYẾT DƯƠNG HƯỚNG TRONG XU HƯỚNG
CÁCH TÂN TIỂU THUYẾT SAU NĂM 1986.
1.1. Hai xu hướng đổi mới của tiểu thuyết sau năm 1986
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã khẳng định “Đối với
đất nước ta, đổi mới có ý nghĩa sống còn”. Có thể nói, đổi mới là yếu tố duy
nhất, đảm bảo cho sự phát triển của đất nước, đồng thời cũng là khát khao,
nguyện vọng của toàn dân tộc khi đất nước vừa trải qua những năm tháng
chiến tranh ác liệt. Đời sống sau hòa bình với những khó khăn, bề bộn đòi hỏi
các nhà văn phải sáng tác được những tác phẩm phản ánh được hơi thở của
thời đại. Với tinh thần “cởi trói”, “dân chủ” mà Đảng khuyến khích, các nhà
văn không còn bị gò bó theo những quy phạm, khuôn khổ của giai đoạn trước
mà được thỏa sức sáng tạo, thể nghiệm.
Các nhà văn luôn trăn trở, chủ động tìm cho mình một hướng đi mới
thích hợp với sự vận động của xã hội - thời đại và xu hướng vận động của bản

thân văn học. Điều cốt yếu của cuộc đổi mới này chính là việc đổi mới tư duy,
đổi mới cách nghĩ, cách làm, làm cho đúng và phù hợp với quy luật khách
quan. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn Giáo sư Phan Cự Đệ đưa ra quan niệm
mới về đổi mới tư duy: “Đổi mới tư duy là nhiệm vụ cấp thiết trước mắt
nhưng đồng thời cũng là một công việc lâu dài, phải tiến hành một cách khoa
học, nghiêm túc… Trong quá trình đổi mới tư duy, tất nhiên không chỉ có phê
phán mà chủ yếu là phải suy nghĩ, khám phá, sáng tạo, cá nhân và tập thể
cùng đổi mới và sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI”
[12].
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh cũng đã nói: “Ai cũng đổi mới
nhưng đổi mới thật sự là gì? Theo tôi đổi mới là nghĩ đúng, làm đúng quy luật
khách quan, là tôn trọng tinh thần khoa học” [31].


9

Cùng nhìn nhận về vấn đề đổi mới tư duy, trong cuộc tọa đàm “Văn học
đổi mới và phát triển”, nhà nghiên cứu Hà Xuân Trường đã nhận định: ‘‘Đổi
mới trong văn học, điều quan trọng nhất, quyết định nhất là cái nhìn và cái
tâm của nhà văn. Đề tài, nhân vật, phong cách cá tính không là cái gì nếu
không có cái nhìn thời đại sâu sắc, thấu suốt nhân tình, nếu không có được
một cái tâm trong sáng, nhân ái, cộng với ý thức đầy đủ về chức trách cao cả
của văn học đối với con người, đối với cuộc đời, với nhân dân mình. Không
có những cái đó thì không có đổi mới ’’ [39, tr. 49 - 50].
Dưới ánh sáng của đại hội Đảng lần thứ VI, văn học Việt Nam thời kỳ
sau đổi mới (1986) đang dần chuyển mình và có những thành tựu đáng ghi
nhận. Đời sống văn học đổi mới một cách toàn diện: Với nhà văn có sự thay
đổi sâu sắc về quan niệm nghệ thuật, hiện thực về con người; Với tác phẩm có
sự thay đổi về chủ đề, cảm hứng sáng tác, các thủ pháp nghệ thuật; Với độc
giả là sự thay đổi về thị hiếu thẩm mĩ. Cùng với sự vận động chung của nền

văn học, thể loại tiểu thuyết cũng đã và đang nỗ lực “đổi mới” để phù hợp với
phản ánh hiện thực, phù hợp với sự phát triển của văn học và thị hiếu của
người đọc.
Hơn nữa trong sáng tạo nghệ thuật, việc sáng tạo không lặp lại là quy
luật phát triển của văn học nghệ thuật. Điều đó cũng đã được khẳng định
trong hội nghị “Đổi mới tư duy tiểu thuyết”: Đổi mới tư duy là điều cần kíp
để có được những tiểu thuyết có giá trị thực sự trong bối cảnh văn hoá hiện
nay. Sự đổi mới văn học phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan:
khách quan là môi trường xã hội, thị hiếu độc giả; chủ quan là sự thay đổi của
thế hệ nhà văn sau đổi mới, bên cạnh các nhà văn lão thành, các nhà văn
trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến, đã xuất hiện thế hệ nhà văn hậu chiến,
nhà văn thời đổi mới. Sự thay đổi này khiến cho trong văn học xuất hiện hai


10

xu hướng tìm tòi, sáng tạo tiểu thuyết. Thứ nhất là xu hướng “hiện đại hoá”
triệt để và thứ hai là xu hướng đổi mới dựa trên lối viết truyền thống.
1.1.1. Xu hướng “hiện đại hóa” triệt để
Đổi mới không chỉ là đòi hỏi của đời sống văn học, của độc giả mà còn
là mục đích sáng tạo của các nhà văn. Các nhà văn luôn trăn trở phải viết như
thế nào để tự đổi mới chính mình và không giống với những nhà văn khác. Vì
thế xu hướng “hiện đại hóa triệt để” chính là xu hướng mà người viết tiểu
thuyết mong muốn vượt qua sự “tồn dư ngoan cố của lối viết cũ” (Roland
Barthes).
Sau thời kỳ đổi mới, người ta đã quan niệm tiểu thuyết truyền thống (kết
cấu tuyến tính) đã xưa rồi, không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Các
nhà văn, nhất là những cây bút trẻ đã thể nghiệm những kỹ thuật tự sự mới
nhằm cách tân thể loại tiểu thuyết, đưa tiểu thuyết Việt Nam hòa nhập với tiểu
thuyết hiện đại thế giới. Những cách tân, đổi mới tiểu thuyết theo xu hướng

“hiện đại hóa triệt để” dựa trên sự đổi mới quan niệm tiểu thuyết, vận dụng
những kỹ thuật tự sự hiện đại phương Tây, chủ yếu về lối viết và những thủ
pháp nghệ thuật của văn học hiện sinh, văn học phi lý… Tuy nhiên, không
đơn thuần là việc sao chép máy móc, các cây bút tiểu thuyết Việt Nam đương
đại đã tiếp thu, học tập có chọn lọc. Những cách tân tiểu thuyết Việt Nam theo
xu hướng “hiện đại hóa” thể hiện ở những khía cạnh sau:
Trước hết đó là đổi mới quan niệm về tiểu thuyết theo tinh thần dân chủ,
các nhà tiểu thuyết thỏa sức với những đề tài của cuộc sống bởi tiểu thuyết lúc
này đã được giải phóng khỏi nhiệm vụ phản ánh hiện thực một cách chính
xác, đầy đủ. Sự phản ánh hiện thực không còn là cái nhìn đơn giản, xuôi chiều
như thời kỳ trước nữa mà được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau. Mọi
ngõ ngách về đời sống con người đều được đào xới, mọi góc khuất trong tâm
hồn con người đều được khai thác một cách triệt để.


11

Về hình thức, chúng ta có thể nhận diện những tiểu thuyết viết theo xu
hướng “hiện đại hóa” triệt để ở một số dấu hiệu sau:
- Về dung lượng: thường ngắn.
- Cốt truyện: Tiểu thuyết được viết một cách tự nhiên, không bị ràng
buộc bởi thi pháp truyền thống, có xu hướng mờ nhạt về tính “chuyện”, cốt
truyện có sự “phân rã”, lỏng lẻo, cấu trúc là sự lắp ghép của mảng tâm trạng,
mảng cốt truyện không theo trình tự thời gian mà đảo ngược theo dụng ý của
tác giả tạo nên những hiện thực đứt gãy, quanh co phức tạp trong cấu trúc tiểu
thuyết, tạo ra kiểu “truyện lồng trong truyện”. Ở đó, những sự kiện, tình
huống, những biến cố như không có quan hệ với nhau nhưng lại liên đới gần
nhau. Nói cách khác, đó là lối kết cấu đa tầng, đa tuyến, song hành, xoắn vặn,
sắp đặt, lắp ghép…
- Tiểu thuyết đương đại khước từ truyền thống với sự đề cao tính chất

“Trò chơi”: chơi ngôn từ, chơi kết cấu, chơi nhân vật, chơi lịch sử… với
những sắp đặt, dán ghép, nhảy cóc, dòng ý thức, xen cài lồng ghép, vật hoá,
số hoá, nhiều kết thúc, phá vỡ mạch truyền thống. Cuộc chơi kết cấu dẫn đến
sự pha trộn giữa các thể loại, có nhiều văn bản khác nhau trong một tác phẩm:
Tiểu thuyết đan xen kịch, tiểu thuyết - nhật kí, tiểu thuyết - thư, tiểu thuyết phóng sự, tiểu thuyết trong tiểu thuyết, tiểu thuyết đan xen thơ, ca dao, truyền
thuyết, huyền thoại…
- Nhân vật tiểu thuyết là kiểu nhân vật phức hợp, đa bình diện. Đó là
những nhân vật có tính cách và tâm lý phức tạp; kiểu nhân vật phi trung tâm,
vênh lệch giữa vai tính cách và vai hình tượng, không có nhân vật lý tưởng.
Khá phổ biến là kiểu nhân vật dị biệt, kì ảo, bản năng, người điên, kẻ lạc loài,
có khi chỉ là cái bóng mờ ảo...
- Ngôn ngữ đa thanh, mang tính đối thoại, kết hợp nhiều kênh ngôn ngữ,
có xu hướng làm nhòa ranh giới giữa tính tinh tuyển và thông tục. Trong tác


12

phẩm có sự kết hợp nhiều giọng điệu: giọng điệu trữ tình, giọng điệu triết lý,
giọng điệu hoài nghi, chất vấn, giọng điệu đối thoại, giọng điệu giễu nhại và
giọng vô âm sắc…
- Về nghệ thuật trần thuật, tiểu thuyết đương đại quay lưng lại với vai trò
toàn tri của người kể chuyện ngôi thứ ba, trần thuật theo ngôi thứ nhất chiếm
ưu thế. Trong tác phẩm có nhiều điểm nhìn trần thuật, có sự dịch chuyển điểm
nhìn trần thuật, sự luân chuyển điểm nhìn người trần thuật.
- Về thủ pháp nghệ thuật, trong tiểu thuyết đương đại nhà văn sử dụng
các thủ pháp huyền thoại, kì ảo. Nó cho phép nhà văn nhìn sâu hơn vào thế
giới, vừa tạo ra sự lạ hoá để thu hút người đọc. Trong nhiều tiểu thuyết, bút
pháp huyền thoại có khả năng tạo nên những hình tượng mang tính ẩn dụ cao
và các hình tượng ẩn dụ này tồn hiện như một kí hiệu nghệ thuật đa nghĩa
giàu chất tượng trưng. Ngoài ra các nhà tiểu thuyết còn sử dụng bút pháp

tượng trưng, giễu nhại…
Để làm rõ loại tiểu thuyết với lối viết “hiện đại”, chúng tôi xin lược qua
một số ví dụ tiêu biểu:
1.1.1.1. Nguyễn Bình Phương
Nguyễn Bình Phương tâm niệm: không có sự sáng tạo nhà văn sẽ tự tiêu
diệt mình. Do đó, nhà văn đã vượt qua những ràng buộc của truyền thống, nỗ
lực đổi mới, cách tân tiểu thuyết với một loạt các tác phẩm: Vào cõi (1991),
Những đứa trẻ chết già (1994), Người đi vắng (1999), Trí nhớ suy tàn (2000),
Thoạt kì thủy (2004), Ngồi (2006). Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương ám
ảnh người đọc bởi sự khủng hoảng niềm tin của con người, của nhà văn vào
cuộc đời, sự đổ vỡ của trật tự gia đình và xã hội, sự đánh mất bản ngã, sự
băng hoại về đạo đức, sự khốc liệt, đau đớn, bơ vơ, tình trạng bất an của con
người. Vì thế, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương thường có cốt truyện phân
mảnh, lối kết cấu song hành xoắn vặn.


13

Trong Vào cõi gồm hai mạch truyện: mạch chuyện của Tuấn với cõi
thực và cõi mơ và mạch chuyện của chị em Vang, Vọng với cõi quê và cõi
phố, cõi thế và cõi chết. Hay trong Những đứa trẻ chết già với mạch cõi âm
(Câu chuyện về mấy hồn ma trở về làng trong các Vô thanh) và cõi trần (câu
chuyện về hai gia đình ông Trường hấp và ông Trinh gắn với bí mật kho báu
mà cả hai gia đình đều quyết giành lấy). Trong Thoạt kì thủy có cấu trúc ba
phần: A- Tiểu sử (của 18 nhân vật được đánh số thứ tự từ 1 đến 18 sắp xếp
không theo một tiêu chí cụ thể nào. Phần này chưa có sự thống nhất giữa tiêu
đề và nội dung triển khai, nhà văn không tập trung vào tiểu sử mà chỉ miêu tả
ngoại hình, thói quen của các nhân vật); B- Chuyện (gồm hai câu chuyện
được đan lồng vào nhau: câu chuyện về con cú bị bắn rụng trên sông Cái từ
lúc 11 giờ 15, bay lên lúc 12 giờ và câu chuyện ở một làng nhỏ ven sông chủ

yếu xoay quanh nhân vật tên Tính, bị mọi người coi là điên); C - Phụ chú
(gồm một tác phẩm của ông Phùng tên là Và cỏ và mười một giấc mơ của
Tính và Hiền).
Trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, nhân vật thường có tính cách,
tâm lý phức tạp. Đó là những con người luôn sống với thế giới tâm linh, nhiều
dằn vặt, đau khổ. Nhiều kiểu nhân vật có tính dị biệt, bản năng,… Trong Ngồi
các nhân vật chính đều bị xóa tên, hoặc bị làm mờ hay làm cho bị vắng mặt.
Đó là Khẩn, Minh, Thuý, Trương, Kim đều bị xóa tên đi bằng kỹ thuật bàn
phím. Nhân vật dị biệt như: Tính bị coi là điên hay nhân vật con Cú trong
Thoạt kì thủy …
Nguyễn Bình Phương sử dụng linh hoạt các điểm nhìn trần thuật. Chẳng
hạn trong Thoạt kì thủy bao gồm điểm nhìn bên trong là cõi vô thức của Tính
và điểm nhìn bên ngoài chính là câu chuyện về cuộc đời Tính và những người
dân xóm Sọ. Đặc biệt Nguyễn Bình Phương có lúc đã trao điểm nhìn trần
thuật cho các nhân vật khiếm khuyết về tâm lý do bị những ám ảnh lạ thường


14

và các nhân vật kỳ ảo: những bào thai trong Người đi vắng, những người điên
trong Thoạt kì thuỷ, cô gái trong Trí nhớ suy tàn với những ám ảnh về Tuấn,
Vũ, những góc phố Hà Nội… với sự dịch chuyển điểm nhìn giúp cho ý nghĩa
của tác phẩm trở nên phong phú hơn, dân chủ hơn.
Thủ pháp huyền thoại, kỳ ảo được Nguyễn Bình Phương sử dụng một
cách triệt để. Trong Vào cõi ta thấy xuất hiện cõi thực và cõi mơ, cõi ảo. Ở cõi
ảo là những giấc mơ nhân vật Tuấn, cảnh đáng thương của chị em Vang,
Vọng. Cõi thực bị chi phối bởi cõi ảo, để quên đi những việc đã làm Tuấn tìm
về với tình yêu đã mất thủa nào, nhân vật “Hắn” luôn sống trong ám ảnh kẻ
ăn cắp vô tình hắn giết sẽ quay lại báo thù. Vang thì cam chịu, buông xuôi tất
cả, Vọng cuối cùng phải trở về quê. Trong Những đứa trẻ chết già có nhiều

yếu tố kì ảo đan cài với hiện thực giữa cõi sống và cõi chết, quá khứ và hiện
tại. Không gian hiện tại là vùng đất sống linh dị và quái gở với những điềm
báo, mộng mị. Cõi âm là hình ảnh chiếc xe trâu lao vào hư ảo, những người
ngồi trên xe đối đáp trong hồi ức, liên tưởng. Với thủ pháp huyền thoại hóa
không chỉ giúp nhà văn khám phá những tầng chìm của hiện thực cuộc sống,
xã hội mà còn đi sâu miêu tả, phản ánh đời sống nội tâm, thế giới tâm linh của
con người.
Trong những tiểu thuyết của mình, Nguyễn Bình Phương đã xóa nhòa
ranh giới giữa các thể loại, đan xen các thể loại khác vào tiểu thuyết, mang
đến một hình thức cấu trúc tiểu thuyết mới. Sự hòa nhập của các thể loại đã
mang lại cho tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương những cách tân độc đáo về cấu
trúc để tái hiện một cách sinh động, đa dạng cuộc sống: Vào cõi, Những đứa
trẻ chết già (tiểu thuyết lồng tiểu thuyết), Người đi vắng (tiểu thuyết - huyền sử), Trí nhớ suy tàn (tiểu thuyết - thơ), Thoạt kì thuỷ (Tiểu thuyết - điện ảnh),
Ngồi ( tiểu thuyết - âm nhạc).


15

Như vậy, với sự đổi mới trong cách viết Nguyễn Bình Phương đã khẳng
định được tài năng cũng như những đóng góp của nhà văn trong quá trình
hiện đại hoá thể loại tiểu thuyết.
1.1.1.2. Nguyễn Việt Hà
Trong không khí chung của thời kỳ đổi mới, Nguyễn Việt Hà cũng là
một trong số những người mạnh dạn cách tân thể loại tiểu thuyết. Với Cơ hội
của chúa và Khải huyền muộn, Nguyễn Việt Hà đã được các nhà phê bình
đánh giá cao trong nỗ lực làm mới thể loại tiểu thuyết.
Chúng ta bắt gặp trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà một thế giới hỗn
loạn, hoang mang, sự tha hóa của con người với những đổ vỡ giá trị truyền
thống và con người “chơi cùng cái hỗn loạn ấy”. Qua đó nhà văn cho người
đọc thấy được sự bế tắc, bất lực, thiếu niềm tin và hoài nghi về cuộc sống.

Trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà có sự đan xen, phức hợp nhiều thể loại
khác nhau trong tiểu thuyết. Ở tiểu thuyết Cơ hội của chúa có sự xuất hiện
của các thể loại: kịch (Vở kịch nhiều màn ở chương năm), nhật ký (của Thủy,
Nhã, Tâm, Hoàng); truyện ngắn (2 truyện ngắn của Hoàng); nghị luận (những
vấn đề của đời sống); thư (Thủy viết cho Bình, Thủy viết cho Nhã…). Nhà
văn còn đưa vào tác phẩm của mình kiểu kết cấu nhân vật trong nhân vật,
truyện lồng trong truyện. Khải huyền muộn có kết cấu song trùng của hai câu
chuyện: một câu chuyện được hư cấu cùng với quá trình hư cấu của chính câu
chuyện đó.
Điểm đặc biệt trong tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà là các nhân vật đều
có thể thay nhà văn trong việc kể chuyện. Vì thế, điểm nhìn trần thuật linh
hoạt với nhiều trường nhìn, nhân vật có thể tự kể chuyện của mình, kể về cái
nhìn của mình với những nhân vật khác. Trong Cơ hội của Chúa ngoài lời
người kể chuyện còn có những lời tự thuật dưới hình thức nhật ký, độc thoại
nội tâm của Hoàng, Tâm, Nhã, Thủy. Nhân vật kể chuyện xưng “tôi” với


16

nhiều điểm nhìn khác nhau của nhân vật “lập thân”, “ lập nghiệp”. Các nhân
vật Tâm, Thủy, Bình với trường nhìn đẳng lập với nhau đã có những nhận xét
khá toàn diện về Hoàng. Nhân vật Tâm cho rằng Hoàng là người thông thái,
đáng kính nhưng không hợp thời. Thủy nhìn thấy ở Hoàng là con người sống
tạm bợ, “dựa dẫm”, nghiện ngập và ích kỷ. Còn Bình lại cho rằng Hoàng là gã
lưu manh, kẻ đã “quen hàng chục đàn bà rồi”. Với điểm nhìn tự trị, Hoàng
nhận thấy mình “là kẻ bạc nhược không neo đứng bất cứ chỗ nào”. Còn trong
Khải huyền muộn điểm nhìn trần thuật cũng luôn có sự thay đổi: gồm người
trần thuật và Bạch cùng các nhân vật của anh là Vũ, Cẩm, My.
Viết về hiện thực hỗn mang cho nên nhân vật trong tác phẩm của
Nguyễn Việt Hà không phải là những con người mang lý tưởng mà là những

con người lạc lõng, thiếu hội nhập với cuộc sống thực tại (Hoàng trong Cơ
hội của Chúa); là kiểu nhân vật tha hoá, chạy theo danh lợi, bất chấp thủ đoạn
(Lâm, Trần Bình, Sáng trong Cơ hội của Chúa, Vũ trong Khải huyền muộn).
Tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà với lối kết cấu truyện của nhiều truyện, tính
liên văn bản, lối trần thuật phi trung tâm, thủ pháp nhại, tự nhại… đã biến tiểu
thuyết thành cuộc chơi ngôn từ với nhiều thử nghiệm của nghệ thuật.
Ngoài ra còn phải kể đến Tạ Duy Anh với những cách tân táo bạo về cốt
truyện là sự lồng ghép, đan chéo của các câu chuyện, sự cách tân về điểm
nhìn trần thuật, sử dụng nhiều yếu tố huyền thoại (Nhân vật bào thai kể
chuyện trong Thiên thần sám hối), sử dụng giọng giễu nhại (Giã biệt bóng
tối). Với mong muốn đi sâu vào hiện thực cuộc sống, tiểu thuyết của Tạ Duy
Anh đã khẳng định một xu hướng tất yếu trong tiến trình văn học Việt Nam
hiện đại “Tiếp thu lối viết hiện đại của tiểu thuyết phương Tây đã là một thực
tế lịch sử của quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc từ đầu thế kỷ 20”.
Như vậy có thể thấy, đổi mới tiểu thuyết theo xu hướng hiện đại hóa thực
tế cũng là xu thế tất yếu của văn học Việt Nam đương đại nói chung và tiểu


17

thuyết Việt Nam nói riêng. Các cây bút tiểu thuyết với khát vọng đổi mới thể
loại đã có những dấn thân đầy táo bạo. Sự cách tân đó có thể một số người
chưa chấp nhận nhưng đó là kết quả của những tháng ngày “lao tâm khổ tứ”
của các nhà văn tâm huyết. Và những cách tân đó đã đem lại nguồn sinh khí
mới cho nền tiểu thuyết đương đại của chúng ta.
1.1.2. Xu hướng đổi mới dựa trên lối viết truyền thống
Trong không khí dân chủ của đời sống hòa bình, các nhà tiểu thuyết có
thể tự do khám phá mọi ngõ ngách trong cuộc sống, tâm hồn, số phận của mỗi
cá nhân. Mọi vấn đề của cuộc sống được nhìn nhận từ nhiều góc độ, mọi khía
cạnh với những tốt, xấu, trắng, đen… Nhà văn không né tránh hiện thực,

không ngại phản ánh những hi sinh mất mát, những sai lầm, khuyết điểm,
những suy nghĩ ấu trĩ của một thời văn học ngại nói đến. Để truyền tải những
tư tưởng mới đó nhiều cây bút tiểu thuyết đã không ngại thể nghiệm lối viết
tự sự mới nhằm cách tân thể loại bằng cách phủ nhận hoàn toàn lối viết truyền
thống (Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương,…). Nhưng bên cạnh đó vẫn
có những nhà văn vẫn giữ cho mình một lối viết gần với lối viết hiện thực chủ
nghĩa. Ở đó các nhà văn đề cập đến những vấn đề quen thuộc trong đời sống
văn chương như: chiến tranh, cải cách ruộng đất, số phận con người trong xã
hội… với lối viết bám sát khung truyền thống nhưng bằng một cái nhìn mới
của sự đổi mới về tư duy tiểu thuyết, sự đổi mới về tư tưởng.
Về hình thức, các nhà tiểu thuyết dựa trên lối viết truyền thống của chủ
nghĩa hiện thực nhưng có gia tăng một số yếu tố như có sự thay đổi điểm nhìn
trần thuật, sử dụng các yếu tố hư cấu, kỳ ảo…
Tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa không lý tưởng hóa con người và cuộc
sống, các nhà văn miêu tả hiện thực một cách khách quan, không né tránh bất
cứ sự thực nào. Bạn đọc chúng ta trong một thời gian khá dài đã quen tiếp
nhận lối viết hiện thực chủ nghĩa, từ Phạm Duy Tốn đến Ngô Tất Tố, Nam


18

Cao với các nhà văn hiện thực xã hội chủ nghĩa một lối tiếp nhận đã thành
truyền thống.
Trên tinh thần đổi mới một số nhà văn đã nỗ lực khẳng định tên tuổi của
mình với lối viết “ngược lại” với những xu hướng của thời hiện tại, cách tân
trên lối viết hiện thực chủ nghĩa để làm mới thể loại. Chủ yếu là những tìm
tòi, cách tân về tư duy nghệ thuật tiểu thuyết. Những tiểu thuyết theo xu
hướng này vẫn thu hút được sự quan tâm của độc giả bởi những yếu tố mới đó
người đọc dễ tiếp nhận. Minh chứng cho sự tồn tại và phát triển của xu hướng
này chính là sự xuất hiện, thành công của các nhà văn như: Dương Hướng,

Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Khắc Trường, Lê Lựu, Ma Văn Kháng,…
Dưới đây chúng tôi sẽ nêu qua lối viết của một số nhà tiểu thuyết tiêu biểu
gần lối viết của Dương Hướng.
1.1.2.1. Lê Lựu
Là nhà văn trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nhưng Lê
Lựu vẫn tiếp tục khẳng định tên tuổi của mình trong nền văn học Việt Nam
sau năm 1975. Cuộc sống sau chiến tranh với nhiều bộn bề, nhiều ngã rẽ mỗi
nhà văn đều lựa chọn một hướng đi phù hợp với bản thân, sự vận động của
thời đại và của nền văn học. Nhà văn Lê Lựu cũng hòa mình vào cuộc sống
mới với cái cảm hứng thế sự thay thế cho cảm hứng sử thi ở giai đoạn trước.
Với sự đổi mới trên bước đường nghệ thuật Lê Lựu đã gây được tiếng vang
qua tiểu thuyết Thời xa vắng. Đây là tác phẩm đánh dấu bước ngoặt trong sự
nghiệp sáng tác của Lê Lựu và cũng là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự đổi
mới của nền văn học Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới.
Chúng ta vẫn bắt gặp một Lê Lựu với lối viết gần với truyền thống ở
cách xây dựng cốt truyện, nghệ thuật trần thuật nhưng cũng có những yếu tố
mới về hình thức nghệ thuật và đặc biệt là sự thay đổi về tư duy. Về cốt
truyện, Thời xa vắng có kết cấu của tiểu thuyết truyền thống. Bố cục gồm có


19

ba phần: Phần 1 gồm 6 chương, Phần 2 gồm 6 chương và phần kết. Trong tác
phẩm các sự kiện, các biến cố được trình bày theo trật tự thời gian, các sự
kiện của các biến cố được phát triển phù hợp với lôgic khách quan. Ở đó ta
không bị bất ngờ bởi các yếu tố ly kỳ, xuất hiện đột ngột do đó người đọc dễ
tiếp nhận. Song cái mới là nhà văn đã đưa vào tác phẩm hệ thống những chi
tiết nghệ thuật, hệ thống tính cách góp phần khắc họa tính cách nhân vật và
làm hấp dẫn hơn nghệ thuật xây dựng cốt truyện. Chẳng hạn chi tiết cuộc họp
của dân làng Hạ Vị, chi tiết Sài mua phở cho vợ ăn ba ngày liên tục khiến vợ

phải bỏ về nhà mẹ đẻ, chi tiết Sài cùng mẹ đi làm thuê rồi cay đắng nhận ra
nỗi tủi nhục của kẻ đi làm thuê kiếm miếng ăn, chi tiết Sài và Hương tỏ tình
cùng nhau giữa mênh mông nước lụt…
Thời xa vắng đã thể hiện những cách tân của Lê Lựu cả về nội dung và
hình thức. Trước hết chính là sự đổi mới về đề tài, các đề tài quen thuộc trong
văn chương bấy giờ là viết về nông thôn, chiến tranh, xây dựng đất nước sau
chiến tranh, viết về người lính, việc viết về đề tài thành thị đã đem đến cho
Thời xa vắng có nét khác so với các tác phẩm văn học cùng thời. Lê Lựu đã
không còn nhìn nhận số phận cá nhân gắn với cộng đồng nữa mà nhìn con
người ở góc độ đời tư. Với nhà văn, hạnh phúc của mỗi con người, mỗi cá
nhân không chỉ là được ăn no mặc ấm mà là phải làm chủ được số phận,
khẳng định được vị trí của mình trong xã hội. Trước đây với cái nhìn sử thi,
văn học thường gắn hạnh phúc cá nhân với hạnh phúc của cộng đồng, dân tộc
cho dù cá nhân đó không thực sự hạnh phúc. Thời xa vắng của Lê Lựu chính
là sự nhìn lại, “đánh giá lại” về cuộc sống riêng tư của mỗi con người. Điều
này thể hiện rất rõ qua tính cách và số phận của Giang Minh Sài. Đây là nhân
vật “sống hộ” người khác, “không được là chính mình’’, lúc nhỏ Sài phải làm
theo ý muốn của gia đình, đến lúc trưởng thành cũng không được làm theo ý
mình, không lấy được Hương mà phải lấy người vợ mình không yêu, khi nhập


×