CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÔNG CHỨC THANH TRA NGÀNH TƯ PHÁP
2.2.1. Thuân lợi và những kết quả đã đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức Thanh tra Tư pháp
a) Thuận lợi
Công tác đào tạo, bồi dưỡng thanh tra nói chung, và công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức Thanh tra ngành Tư pháp nói riêng, trong khoảng hơn 10 năm nay
được Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo Bộ Tư pháp dành cho sự quan tâm đặc biệt. Nhờ có sự quan tâm đặc biệt đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức của ngành
Thanh tra Tư pháp đã phần nào có hiệu quả. Điều này đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức, nói chung và của
ngành Thanh tra Tư pháp nói riêng.
* Những kết quả đào tạo, bồi dưỡng công chức thanh tra của ngành Thanh tra Tư pháp
Thực hiện việc triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành Tư pháp, Thanh tra Ngành Tư pháp đã thực hiện công tác này như sau:
* Về đào tạo: Hiện nay toàn ngành thanh tra Tư pháp đã có 18 lượt công chức đi đào tạo đạt trình độ cử nhân chính trị, 09 đồng chí đạt trình độ Cao cấp lý
luận chính trị, 15 đồng chí đào tạo sau đại học chuyên ngành luật. Ngoài ra có 04 công chức có bằng đại học thứ hai như: tốt nghiệp Đại học Kinh tế, tốt nghiệp Đại học
Ngoại ngữ, tốt nghiệp Đại học Quản trị kinh doanh.
* Về bồi dưỡng:
- Bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ: toàn ngành thanh tra Tư pháp đã cử 53 lượt công chức theo học lớp chương trình cơ bản về nghiệp vụ thanh tra, 05
lượt công chức theo học lớp nghiệp vụ thanh tra nâng cao tại Trường Cán bộ thanh tra
- Bồi dưỡng về tin học: đã có 05 lượt công chức theo học tin học trình độ C; 44 lượt công chức theo học tin học trình độ B, 85 lượt công chức theo học tin
học trình độ A
- Bồi dưỡng về ngoại ngữ: đã có 15 lượt công chức theo học ngoại ngữ anh trình độ C, 45 công chức theo học ngoại ngữ anh trình độ B, 60 lượt công chức
theo học ngoại ngữ anh trình độ A.
- Bồi dưỡng về quản lý nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính: 45 lượt công chức theo học lớp quản lý nhà nước chương trình chuyên viên,
05 lượt công chức theo học lớp quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính.
Ngoài ra, Ngành Tư pháp (do Thanh tra Bộ chủ trì) mở các lớp tập huấn bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra Tư pháp .
- Về số lượng học viên
Đối tượng học viên là các Chánh Thanh tra Sở Tư pháp và thanh tra viên của các Sở Tư pháp của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Về nội dung chương trình
Đối với các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra Tư pháp bao gồm các vấn đề: chuyên đề “Một số vấn đề đổi mới về Tổ chức và hoạt động của Thanh
tra tư pháp theo Nghị định số 74/NĐ - CP”; chuyên đề “Một số vấn đề cơ bản về hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Tư pháp”;
chuyên đề “Thu thập chứng cứ bằng phương pháp chất vấn đối tượng thanh tra”; chuyên đề “ Pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực Tư pháp”; Sự khác nhau giữa khiếu nại và tố cáo; chuyên đề những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo
và Quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan Tư pháp địa phương; chuyên đề một số vấn đề trong xây dựng, tổ chức thanh tra Sở; công tác chỉ đạo của
Giám đốc Sở Tư pháp trong việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; thảo luận tình huống nghiệp vụ;
- Về giảng viên, báo cáo viên
Thanh tra Bộ Tư pháp đã mời và phân công Đội ngũ báo cáo viên, giảng viên là những người nhiệt tình, tâm huyết, có trình độ đảm bảo kiến thức chuyên
sâu về các lĩnh vực thanh tra Tư pháp đáp ứng tốt đối với các đối tượng học viên tham dự lớp học.
- Về giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy học tập
Thanh tra Bộ Tư pháp đã cố gắng đáp ứng một cách tốt nhất về tài liệu để phục vụ cho các buổi bồi dưỡng nghiệp vụ tập huấn của ngành. Các nội dung
chuyên đề bài giảng đều được phát cho các học viên để làm tài liệu sau này phục vụ công tác chuyên môn trong ngành. Nhìn chung, việc tổ chức lớp bồi dưỡng
nghiệp vụ thanh tra đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ công chức trong toàn ngành, kịp thời quán triệt
những điểm đổi mới của pháp luật hiện hành trong công tác thanh tra và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn hiện nay.
b) Những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức thanh tra ngành Tư pháp.
Qua nghiên cứu thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức Thanh tra ngành Tư pháp còn có những hạn
chế cơ bản sau:
Thứ nhất, văn bản quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức của Thanh tra Tư pháp hiện nay chưa được quan tâm.
Hiện nay việc đào tạo, bồi dưỡng công chức thanh tra ngành Tư pháp còn đang thiếu một hành lang pháp lý. Các văn bản pháp lý về
công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức thanh tra Tư pháp chưa được xây dựng, Kế hoạch đào tạo công chức trong ngành chưa đáp ứng
thường xuyên. Chưa khuyến khích, tạo điều kiện để công chức thanh tra trong ngành theo học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành như
xây dựng cơ bản, tài chính kế toán, chuyên ngành luật... Đây cũng là một bất cập lớn nhất của thanh tra ngành Tư pháp trong việc đào tạo
cán bộ, công chức thanh tra Tư pháp.
Thứ hai, việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức thanh tra chuyên ngành đối công chức thanh tra ngành Tư pháp chưa thường xuyên, chưa mang tính
quy hoạch
Hiện nay theo văn bản hiện hành như Nghị định số 93/2008/NĐ - CP ngày 22/8/2008, Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Tư pháp thì Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý Nhà nước các lĩnh vực như: thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật;
kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp và công tác khác trong phạm vi cả nước;
quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Theo thông tư Liên tịch số 04/2005/TTLT – TP – NV ngày 05/5/2005 thì Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra và
xử lý văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, công chứng, chứng thực, hộ tịch, quốc tịch, con nuôi có yếu tố nước ngoài, lý
lịch tư pháp, luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giám định tư pháp, hoà giải cơ sở, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại và công tác tác tư pháp khác theo
quy định của pháp luật... Ở Bộ Tư pháp thì Thanh tra Bộ là đơn vị tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
thanh tra hành chính và thành tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ ( Nghị định số 74/2006/NĐ-CP quy định đổi mới về Tổ
chức và hoạt động của Thanh tra tư pháp). Ở địa phương Thanh tra Sở Tư pháp có nhiệm vụ, quyền hạn : “Thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức cá nhân
trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật gồm: kiểm tra văn bản quy phạm pháp
luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự cấp huyện (theo sự uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp); công chứng, chứng thực; hộ tịch, quốc tịch; lý lịch
tư pháp; nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; luật sư; tư vấn pháp luật; giám định tư pháp; bán đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; trợ giúp pháp lý và công tác tư
pháp khác [5].
Với chức năng quản lý của ngành Tư pháp rất rộng, liên quan đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực trong đời sống - xã hội. Vậy mà hoạt động về đào tạo, bồi dưỡng
công chức thanh tra chưa được quan tâm. Hoạt động tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành mới chú trọng vào mục tiêu “ phủ sóng” . Hơn nữa thời gian dành
cho tập huấn kiến thức chuyên ngành rất ít chỉ từ bảy đến mười ngày. Việc tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành lại không thường xuyên. Do vậy công chức
mới vào nghề, công chức chuyển công tác sang ngành Thanh tra Tư pháp hầu như không được bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra Tư pháp mà đa phần số công chức
này chủ yếu tự đọc, nghiên cứu văn bản pháp luật chuyên ngành hoặc và hỏi kinh nghiệm của những công chức đi trước để vận dụng vào công tác thanh tra.
Thứ ba, các chương trình bồi dưỡng Nghiệp vụ thanh tra cơ bản đối với công chức các Bộ, ngành học tại Trường Cán bộ thanh tra
hiện nay còn nặng lý thuyết và chương trình không chuyên sâu cho từng ngành.
Các lớp bồi nghiệp vụ Nghiệp vụ thanh tra cơ bản dành cho các công chức thanh tra các Bộ, ngành học tại trường Cán bộ thanh tra với quỹ thời gian khoá
học là 2 tháng, nội dung chương trình được xây dựng gồm các phần kiến thức sau: kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước, một số vấn đề về pháp luật, pháp chế
xã hội chủ nghĩa, văn bản quản lý nhà nước, Bộ luật dân sự, luật đất đai, luật doanh nghiệp, luật hình sự, Luật ngân sách nhà nước, luật, Luật Phòng, chống tham
nhũng và thực hành, tiết kiệm, Những nguyên lý cơ bản về tài chính kế toán, Hoạch toán kế toán TSCĐ, Thanh tra, kiểm tra tài chính, ngân sách cơ quan hành chính
và đơn vị sự nghiệp. Trong thời gian hai tháng, công chức của các cơ quan Bộ, ngành được trang bị rất nhiều mảng kiến thức chung chung về các lĩnh vực, không có
thời gian thực hành. Với thời gian học hạn hẹp và kiến thức thì mang tính tổng hợp không mang tính chuyên sâu cho từng ngành, nên khi thực thi công việc đa phần
các công chức thanh tra Tư pháp còn lúng túng, xử lý tình huống trong công việc chưa tốt.
Thứ tư, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất
Trong các chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước, lớp bồi dưỡng Nghiệp vụ thanh tra, lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên
ngành phần lớn các giảng viên giảng bài một chiều theo kiểu thầy đọc - trò chép, chưa có được những phương pháp giảng dạy tích cực phù hợp với đối tượng công
chức. Giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa được chú trọng bồi dưỡng phương pháp đào tạo hiện đại, đa phần giáo viên chưa qua các khóa học
về sư phạm, về tâm lý – giáo dục học.
Tâm lý của nhiều giáo viên ngại phải chuẩn bị, tìm hiểu, tham gia vào việc áp dụng các phương pháp mới. Có thể tâm lý này bắt nguồn từ việc quá thiên về
lý thuyết, xa rời những điều thiết thực cho công việc của công chức, nên việc học chỉ được coi là để lấy chứng chỉ cho đủ tiêu chuẩn cần thiết.
Trang thiết bị cho các phòng học còn thiếu, ít được trang bị những thiết bị hiện đại. Phòng học chưa đảm bảo chất lượng. Vì vậy, số lượng người học trong một
khóa, một lớp học thường rất đông khoảng trên 100 người.
Thứ năm, ngành Tư pháp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và tính cấp thiết của công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức thanh tra. Chưa có hướng dẫn cụ thể
của ngành Tư pháp trong việc xây dựng cơ chế tài chính phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức thanh tra. Chính sách, chế độ đối với công tác
đào tạo, bồi dưỡng còn thiếu và chưa được khuyến khích công chức tham gia tốt. Bản thân công chức thanh tra chưa thực sự coi trọng tự đào tạo, bồi dưỡng để nâng
cao nghiệp vụ, đại đa số mới dừng ở mức hoàn chỉnh bằng cấp cho đủ tiêu chuẩn yêu cầu của ngạch công chức thanh tra.