Phân tích hình tượng cây xà nu trong tác phẩm "Rừng xà nu"
của Nguyễn Trung Thành
I.Mở bài
Rừng xà nu là truyện ngắn xuất xắc của Nguyễn Trung Thành (tức
Nguyễn Ngọc) cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nền
văn học Việt Nam chống Mỹ, cứu nước.
Bên cạnh những anh hùng và tập thể anh hùng, ở Rừng xà nu, Nguyễn
Trung Thành còn sáng tạo nên một hình tượng nghệ thuật mang tính
biểu trưng cho sức mạnh của dân tộc và nhân dân ta trong cuộc kháng
chiến vĩ đại. Đó chính là hình tượng cây xà nu.
II.Thân bài
2.1. Cây xà nu - biểu tượng về dân làng Xô Man, của người Tây
Nguyên:
- Đọc truyện ngắn Rừng xà nu, người ta thấy cây xà nu, rừng xà nu
như chính dân làng Xô Man, như người dân Tây Nguyên trên núi rừng
trùng điệp. Có lẽ vì thế, nàh văn Nguyễn Trung Thành đã đặt tên cho
tác phẩm của mình là Rừng xà nu, đã mở đầu vầ kết thúc tác phẩm
cũng chính bằng hình ảnh của cây xà nu:
Làng ở trong tầm đại bác của giặc... hầu hết đạn đại bác đều rơi vào
ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không
có cây nào không bị thương...
Và:
Ba người đứng ở đây nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì
ngoài những Rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.
Hình ảnh cây xà nu còn xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi. Nó hoá thành
ngọn lửa trong bếp mỗi gia đình, mỗi nhà, trong đống lửa nhà ưng khi
dân làng tập trung lại. Nó làm ánh đèn cho Tnú và Mai học chữ. Nó
rần rật cháy trên đường cụ Mết và dân làng vào rừng tìm vũ khí. Nó
cháy bừng căm thù trên đôi bàn tan Tnú. Nó hừng hực trong đêm dân
làng vùng lên giết giặc... Đấy là một hình tượng nghệ thuật mang tính
ẩn dụ. Nhà văn đã nhân cách hoá cây xà nu trở thành một biểu tượng
về con người.
2.2.Cây xà nu - chứng nhân của tội ác quân thù
Mở đầu tác phẩm là hình tượng hàng trăm, hàng ngàn cây xà nu bị
những mảnh đạn của giặc giày xéo:
Cả Rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có
những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận
bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh
nắng hè gay gắt, rồi dần dần bám lại, đen và đặc quyện thành từng cục
máu lớn.
Rừng xà nu bị tàn hại như vậy vì cũng như dân làng Xô Man của Tnú,
nó đang ở trong tầm đại bác của giặc. Chúng nó bắn, đã thành lệ, mỗi
ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và sẩm
tối, hoặc nửa đêm và trở lại gà gáy. Nhà văn có thể không sừng lại
miêu tả hết những tội ác của quân giặc đối với dân làng Xô Man, bởi
hình ảnh rừng cây kia đã nói lên tất cả. Rừng xà nu cũng như dân làng
đều cùng chung số phận!
2.3.Cây xà nu - biểu trưng về phẩm chất, khát vọng của người dân
làng Xô Man.
Vì mang tính biểu trưng nên trong suốt tác phẩm, mỗi khi miêu tả cây
xà nu, nhà văn Nguyễn Trung Thành luôn đối sánh nó với dân làng
Xô Man.
Cây xà nu có sức sống mãnh liệt Trong rừng ít có loại cây nào sinh sôi
nảy nở khoẻ như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn
năm cây non mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên
bầu trời... Ngay trong làn đạn hằng ngày, hằng đêm của quân thù, cây
xà nu vẫn vương lên, không gì quật ngã đựơc: Có những cây vượt lên
đựoc đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao,
lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của
chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Cú thế, lớp này
ngã xuống đã có năm bảy lớp cây khác lớn lên, trùng trùng điệp điệp
đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối
tiếp tới chân trời. Rừng xà nu trở thành một dũng sĩ ưỡn tấm ngực lớn
của mình ra, che chở cho làng.
Đọc Rừng xà nu không ai không liên tưởng đến sự gắn bó, sóng đôi
giữa cây xà nu và những tập thể anh hùng ở làng Xô Man và cả Tây
Nguyên. Anh Quyết hy sinh, đã có Tnú cường tráng. Chị Mai ngã
xuống lại có cô Dít đầy nhựa sống. Khi Tnú bị bắt, bị hành hạ, tất cả
thanh niên trong làng, mỗi người một cây gậy sáng loáng đạp lên sàn
nhà ưng ào ạt vượt lên trả thù. Khi Tnú vào quân giải phóng, cậu bé
Heng, mới mấy năm, đã khôn lớn nhanh như thổi, thay thế anh làm
người liên lạc... Dân làng Xô Man như rừng cây xà nu, dưới làn mưa
bom bão đạn của quân thù, như lợi cụ Mết, vẫn sống đấy, không có gì
mạnh bằng, cây mẹ ngã, cây con mọc lên, đố nó giết hết rừng xà nu
này!
III.Kết luận
Rừng xà nu trong truyện ngắn của Nguyễn Trung Thành không thuần
tuý là rừng cây đặc trưng của làng Xô Man trên dải Trường Sơn hùng
vĩ. Đó còn là hình tượng ẩn dụ về chính con người ở nơi khác nghiệt
của cuộc chiến tranh chống quân xâm lược. Bao con người trong
những năm tháng gian lao ấy vẫn còn sống, ngoan cường, bền bỉ và
kiêu hãnh. Cho dù cuộc chiến tranh khốc liệt kia đã đi qua, nhưng
hình tượng nghệ thuật đó vẫn rất giàu sức sống, vẫn như một lời nhắc
nhở về những phẩm giá tốt đựp của con người.