Tải bản đầy đủ (.doc) (17 trang)

Đặc điểm ngôn ngữ thơ xuân diệu và xuân quỳnh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (137.77 KB, 17 trang )

ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ
THƠ XUÂN DIỆU VÀ XUÂN QUỲNH

Xuân Diệu và Xuân Quỳnh là niềm tự hào của thơ ca Việt Nam. Xuân Diệu là thi sĩ
tiêu biểu cho thế hệ những nhà thơ mới đầu tiên của văn học Việt Nam giai đoạn 1930 –
1945. Trong khi đó, Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ tiêu biểu cho văn học Việt Nam những
năm từ 1945 đến 1975. Cả hai thi sĩ, người thì được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình”,
người thì thì được bạn đọc mến mộ phong tặng danh hiệu “bà hoàng thơ tình”. Thơ ca
của mỗi thi sĩ mang vẻ đẹp riêng, giá trị riêng. Việc tìm hiểu vẻ đẹp ấy trong thế so sánh
sẽ làm sáng tỏ hơn phong cách của mỗi người, từ đó có được cách nhìn nhận, phân tích
tác phẩm đúng đắn, đa chiều hơn.
1. Mở đầu
Xuân Diệu và Xuân Quỳnh là hai nhà thơ xuất sắc của nền văn học Việt Nam.
Những sáng tác của hai nhà thơ trên luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ độc
giả, và trở thành tác phẩm được giảng dạy trong nhà trường phổ thông. Chính vì vậy,
nghiên cứu và tìm hiểu đặc điểm ngôn ngữ trong thơ của Xuân Diệu và Xuân Quỳnh là
một điều lí thú và thật sự cần thiết. Từ trước đến nay, Xuân Diệu và Xuân Quỳnh là hai
tác giả thường được nhắc đến cùng với những bài thơ tình hay. Đông đảo bạn đọc đều
thừa nhận rằng Xuân Diệu và Xuân Quỳnh là hai tiếng thơ độc đáo, hấp dẫn. Theo chúng
tôi, cả Xuân Diệu, Xuân Quỳnh đều giống nhau ở giọng thơ nồng nàn, da diết và đều có
chung tâm trạng lo lắng, cuống quýt trong tình yêu.
Bài báo khoa học này sẽ nêu ra một vài so sánh về vấn đề sử dụng ngôn từ của hai
tác giả trên nhằm góp phần tìm hiểu đặc điểm ngôn ngữ và phong cách sáng tác của hai
tác giả và để thấy được mối quan hệ mật thiết giữa ngôn ngữ và văn chương; vấn đề ngôn
ngữ và quá trình tiếp nhận văn chương; đóng góp ý kiến cho việc giảng dạy ngôn ngữ nói
riêng và việc dạy học Ngữ Văn ở nhà trường phổ thông nói chung. Từ trước đến nay đã
có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này nhưng những bài viết đó thường chỉ đề cập
đến hoặc là đặc điểm ngôn ngữ thơ Xuân Diệu hoặc là đặc điểm ngôn ngữ thơ Xuân


Quỳnh, còn rất ít công trình nghiên cứu về việc so sánh đặc điểm ngôn ngữ thơ Xuân


Diệu và Xuân Quỳnh.
2. Đặc điểm ngôn ngữ thơ Xuân Diệu và Xuân Quỳnh
2.1. Nhạc tính trong ngôn từ
Thơ là những xúc cảm mạnh mẽ mà nhà thơ có được trước cuộc đời. Như nhịp đập
của trái tim khi rung cảm, ngôn ngữ thơ cũng có nhịp điệu riêng của nó. Một bài thơ hay
là một bài thơ tồn tại trong nó sự hài hoà giữa âm thanh, nhịp điệu của từ với ý nghĩa,
hình ảnh của từ ngữ ấy. Khi nhận xét về mối quan hệ giữa ý và nhạc trong thơ, nhà thơ
Chế Lan Viên đã từng nhận định: “Nếu thơ rơi vào cái vực ý thì thơ sẽ sâu nhưng rất dễ
khô khan. Rơi vào cái vực nhạc thì thơ dễ làm say lòng người nhưng dễ nông cạn” . Một
trong những đặc điểm khác biệt giữa thơ và văn xuôi chính là bởi cái âm thanh, nhịp điệu
ấy. “Nhạc điệu là một yếu tính của thi ca. Thiếu nhạc tính thơ trở thành văn xuôi” . Vì
vậy, có thể xem tính nhạc là nét đặc thù rất cơ bản của ngôn ngữ thơ.
Nhạc tính chính là yếu tố quan trọng làm nên vẻ đẹp trong thơ, đây cũng chính là
yếu tố tạo mĩ cảm cho người thưởng thức. “Ly khai với nhạc tính, thơ chỉ còn là một
nhan sắc trơ trẽn thiếu duyên” . Từ đó cho thấy, ngôn ngữ trong thơ là thứ ngôn ngữ đặc
biệt, vừa mang nhiều ý nghĩa hình tượng, vừa giàu nhịp điệu, phong phú về cách hoà âm,
tiết tấu. Nhạc tính trong thơ được tạo nên từ những yếu tố như nhịp điệu, cách gieo vần,
phối thanh,…
Một trong những yếu tố tạo nên nhạc tính trong thơ chính là vần. Vần là bộ phận
chủ yếu của âm tiết, là âm tiết trừ đi thanh điệu và phụ âm đầu. Hiện tượng lặp lại vần
hoặc có vần nghe giống nhau giữa những âm tiết có vị trí nhất định trong câu (thường là
câu thơ), được tạo ra để làm cho lời có nhịp điệu và tăng sức gợi cảm . Thơ truyền thống
thường tuân thủ rất nghiêm nhặt các quy tắc gieo vần. Đến thơ hiện đại, đặc biệt là thơ
mới không còn bó buộc về hiệp vần, nhưng các nhà thơ vẫn sử dụng vần như một yếu tố
biểu cảm làm tăng vẻ đẹp của thơ. Họ dùng nhạc của ngôn từ để mô phỏng nhạc của cuộc
sống và tâm hồn mình.
Đề cập đến tính nhạc trong thơ, không thể không kể đến thơ Xuân Diệu. Thơ ông
có cái rạo rực của lòng khát khao được sống, được giao cảm với đời và nhạy cảm với



những rung động nhỏ nhất của cuộc sống. Một hồn thơ như thế không thể không viết về
nhạc. Cảm hứng về nhạc của nhà thơ là đi mãi vào cái thế giới bên trong nhạc. Vào thế
giới riêng của Nguyệt Cầm, thi sĩ đã hoà tan vào một niềm thơ duy nhất, thành mối tương
giao kỳ diệu giữa hồn người, hồn nhạc và hồn tạo vật.
Ở những câu đầu của bài thơ, tác giả đã đưa tâm hồn người đọc vào thế giới của âm
thanh, đó là một thế giới tràn đầy tiếng nhạc của trăng và đàn:
Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm!
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.
Những điệp từ: “trăng” và “đàn”, cùng với cách ngắt nhịp 2/2/3 vừa tạo nên nhạc
tính nhuần nhị cho câu thơ vừa gợi lên một bức tranh đã có hình lại có thanh. Nếu ngôn
ngữ là sợi dây đàn thì nhạc tính và âm điệu là những cung bậc thanh âm ngân lên từ sợi
dây đàn ấy. Bằng khả năng sử dụng ngôn ngữ điêu luyện, Xuân Diệu tạo ra âm điệu cũng
chính là tạo nên nhạc tính trong thơ. Từ đó dẫn dụ người đọc đi vào thế giới lung linh
màu nhiệm của Nguyệt Cầm.
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
Câu thơ trên sở dĩ “đầy nhạc” chính vì sự tập trung dày đặc các nguyên âm mở và
phụ âm vang tạo âm điệu cho thơ. Việc sử dụng những từ láy và lặp lại chúng “long
lanh”, “lung linh”… là một trong những biện pháp tạo nhịp điệu trong thơ. Nhịp điệu có
vai trò quan trọng trong việc tạo nhạc tính trong thơ, đồng thời thể hiện một cách tinh tế
những trạng thái cảm xúc của nhà thơ. Theo giáo sư Hà Minh Đức: “Nhịp điệu là kết quả
của một sự chuyển động nhịp nhàng, sự lặp lại đều đặn những âm thanh nào đó ở trong
thơ” . Câu thơ thu hút người đọc ngoài việc ý hay lời đẹp còn phải thu hút người nghe
bằng nhịp điệu của sự hài hoà.
Ngoài ra, nhạc thơ chủ yếu còn do các thanh điệu tạo nên. Trong bài Nhị Hồ, để gợi
tả điệu nhạc du dương, đưa tâm hồn phiêu diêu bay bổng cùng tiếng đàn, Xuân Diệu đã
viết hai dòng thơ toàn vần bằng:



Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi …
Cái tài của Xuân Diệu không chỉ dừng lại ở việc đưa nhạc vào thơ, mà còn được
thể hiện ở chỗ dùng nhạc của ngôn ngữ để tạo hình. Trong bài thơ Đây màu thu tới, bằng
việc sử dụng chuỗi phụ âm r: Những luồng run rẩy rung rinh lá. Bằng những từ láy: “run
rẩy”, “rung rinh” Xuân Diệu không chỉ mang đến những xúc cảm mạnh mẽ về mặt thính
giác mà còn mang đến cho người đọc những trải nghiệm về một mùa thu mới lạ và độc
đáo. Nhịp của bài thơ là 2/2/3 rất quen thuộc trong thể thơ 7 chữ của thơ Mới, nhưng
Xuân Diệu vẫn tạo được tính nhạc riêng nhờ nghệ thuật láy âm. Ba cặp láy âm: âm “iu”
(liễu – đìu – hiu – chịu), âm “ang” (tang – ngàn – hàng), âm “uông” (buồn – buông –
xuống) làm cho các chữ thơ như quyện chặt vào nhau, dính vào nhau. Đặc biệt là ba chữ
âm “ang” (âm mở) lại là thanh không dấu và dấu huyền đứng ở cuối hai dòng thơ đã tạo
nên một nhạc điệu buồn mênh mang lan toả thấm thía. Câu thơ không thể đọc nhanh mà
phải đọc chậm theo một nhịp dàn trải từng chỗ lên bổng xuống trầm du dương thú vị.
Chính điều này đã tạo nên một mùa thu đầy khắc khoải trong lòng của bao thế hệ người
đọc.
Nhạc tính trong thơ Xuân Diệu và thứ nhạc tính mạnh mẽ với những âm sắc trầm
độc đáo. Cách thể hiện mới lạ, gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc, dẫn dắt người đọc
vào một thế giới hư hư thực thực, đầy âm sắc. Qua đó thể hiện cái tôi thi nhân mãnh liệt
và giàu cá tính.
Nếu như nhạc tính trong thơ Xuân Diệu được tạo nên bởi cách sử dụng ngôn ngữ
độc đáo, cách tân táo bạo làm nên một thế giới nghệ thuật khác biệt thì đến nữ nhà thơ
Xuân Quỳnh nhạc tính trong thơ lại được thể hiện bằng một cách khác.
Trong quá trình sáng tác, bên cạnh việc sử dụng những thể thơ tự do, Xuân Quỳnh
là nhà thơ rất thích sử dụng những thể thơ truyền thống. Trong thơ Xuân Quỳnh tồn tại sự
đan xen giữa truyền thống và hiện đại, từ đó tạo nên mạch thơ trữ tình, tươi tắn. Chính
điều này đã làm cho thơ của Xuân Quỳnh có nhạc điệu độc đáo. Khi mới đọc, người
thưởng thức có thể cảm thấy quen như đã gặp ở đâu, nhưng vẫn có trong thơ những cảm
nhận mới lạ. Ví như trong bài Thơ viết tặng anh:



Tháng mười trời trải nắng hanh
Có cô hàng phố phơi chăn trước thềm
Gió qua lay động bức rèm
Tấm gương trong suốt ánh đèn nê-ông
Việc sử dụng thể thơ lục bát đã làm cho bài thơ của Xuân Quỳnh mang âm điệu du
dương, nhẹ nhàng, đậm đà màu sắc dân tộc. Mặc dù Xuân Quỳnh thuộc thế hệ những nhà
thơ mới, bà không quá chú trọng đến niêm luật, cho phép những cảm xúc được tự do
trong thơ nhưng không vì thế mà thơ lục bát của bà mất đi vẻ mềm mại vốn có của nó.
Âm điệu trong thơ không trúc trắc mà vẫn êm ái như một lời thì thầm. Thơ lục bát của
Xuân Quỳnh vẫn giữ được những uyển chuyển, dễ đọc và dễ thuộc như thể thơ truyền
thống.
Thành công nhất của Xuân Quỳnh là phải kể đến thể thơ ngũ ngôn với những tác
phẩm như: Sóng, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu… Ngoài thành công trong việc
sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật điển hình cho phong cách thơ của riêng mình,
Xuân Quỳnh còn thể hiện được nhạc điệu quen thuộc, gần gũi, kéo gần khoảng cách giữa
người sáng tác và người tiếp nhận thơ ca. Thông qua việc thể hiện nhịp điệu trong thơ,
Xuân Quỳnh đồng thời cũng diễn tả nhịp điệu của trái tim mình, vừa nhẹ nhàng, duyên
dáng nhưng cũng vừa sắc sảo, nồng nàn và da diết.
2.2. Ngôn từ nghệ thuật
Nếu như âm nhạc lấy âm thanh làm chất liệu; hội hoạ dùng đường nét, màu sắc;
kiến trúc được tạo nên từ những mảng khối, thì ngôn từ chính là chất liệu của tác phẩm
thi ca. Macxim Gorki đã từng nói: “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học”. Không có
ngôn từ thì không làm nên được tác phẩm văn chương. Ngôn từ trong thơ có những khác
biệt so với ngôn từ bình thường, nó được xem là phần tinh lọc nhất của ngôn ngữ. Ngôn
ngữ thơ ngoài việc biểu hiện tính nhạc (như đã nêu ở trên) còn biểu hiện hình ảnh, sắc
màu trong thơ. Ngôn ngữ thơ là thứ ngôn ngữ có tính tinh luyện, hàm xúc; ngôn ngữ gợi
hình cụ thể; và có tính biểu cảm cao. Chính vì vậy, nhà thơ phải lựa chọn ngôn từ một
cách khéo léo, sắp đặt chúng để tạo ra một bài thơ hoàn chỉnh. Maiakopxki đã từng nói:
“Nhà thơ trả chữ với giá cắt cổ như khai thác chất hiếm Radium. Lấy một gam phải mất



hàng năm lao lực. Lấy một chữ phải mất hàng tấn quặng ngôn từ”. Và việc sử dụng ngôn
từ như thế nào cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng để hình thành nên phong
cách nhà thơ.
Đối với Xuân Diệu, cách sử dụng từ ngữ của ông có vẻ tân kì và rất Tây. Ví như
trong bài thơ Đây mùa thu tới, tác giả sử dụng những từ như “hơn một” và “rụng cành”,
thay vì gọi “luồng gió” thi sĩ đã gọi là “luồng run rẩy”… Những từ ngữ mới mẻ chưa
từng có trước đây trong thi ca, đã tạo cho người đọc cảm giác kì lạ và độc đáo, đồng thời
đó cũng là điểm đặc trưng cho thi cảm của Xuân Diệu. Như một nhà quay phim cận cạnh
tài ba, Xuân Diệu đã đưa sát ống kính thi ca vào từng cảnh vật, cảm nhận tinh tế dù chỉ là
rung động khẽ khàng của nhánh cây nhỏ bé, mảnh mai, đang run lên tựa những dây đàn.
Người đọc không chỉ nhìn mà còn có thể nghe được, cảm được những rung động ấy.
Chính vì vậy mà nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã từng nhận xét: “Xuân Diệu mới
nhất trong các nhà thơ mới”
Ngoài ra, Xuân Diệu còn đặc biệt ở chỗ, ông là người đã đưa nhục thể vào thơ một
cách đầy tinh tế bằng việc sử dụng những động từ mạnh như: “muốn”, “ôm”, “riết”,
“say”, “cắn”, “ngoàm”, “hút” …
Chúng ta đau, thôi em tới đây mà!
Mơn man nào, em đừng khóc, đôi ta
Thế, riết thế, hãy vòng tay chật nữa.
Cho em hút những chút hồn đã rữa;
Cho em chuyền hơi độc rất tê ngon
(Sầu)
Trong thơ xưa chưa hề có cảm giác như thế, có mạnh mẽ, táo tợn như Hồ Xuân
Hương cũng chỉ dừng lại ở những hình ảnh mang tính chất ám tượng. Tuy nhiên, không
vì thế mà thơ Xuân Diệu trở nên trần trụi hay sống sượng, xác thịt mà trái lại thơ ông lại
gợi lên những nồng nàn, thiết tha, rạo rực của tình yêu. Thơ ông diễn tả một phần tất yếu
của con người, mà khi đọc, người thưởng thức có thể dễ dàng đồng cảm với ông.



Ngược với thơ Xuân Diệu, Xuân Quỳnh lại có cách thể hiện khác, nhà thơ ưu tiên
sử dụng từ ngữ đơn giản, gần gũi với ngôn ngữ đời thường nhưng biết cách đặt chúng
vào vị trí phù hợp nhất. Vì vậy mà ngôn từ trong thơ Xuân Quỳnh có tính biểu cảm cao.
Xuân Quỳnh viết về người phụ nữ rất gần, rất thật nhưng thơ vẫn hay và cuốn hút lạ
thường.
Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi
Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
(Thơ vui về phái yếu)
Dù rằng hình ảnh người phụ nữ trong thơ được thi sĩ khắc hoạ rất đỗi bình thường
và quen thuộc nhưng bằng cách nhìn nhận tinh tường và sự sắp xếp khéo léo của mình,
Xuân Quỳnh đã khẳng định vai trò không thể thiếu của phái yếu. Bà đã làm nổi bật lên
hình tượng người phụ nữ nhỏ bé nhưng giàu đức hi sinh, chịu thương chịu khó.
Anh thân yêu, người vĩ đại của em
Anh là mặt trời, em chỉ là hạt muối
Một chút mặn giữa đại dương vời vợi
Loài rong rêu chưa ai biết tới bao giờ
Em chỉ là ngọn cỏ dưới chân qua
Là hạt bụi vô tình trên áo
Nhưng nếu sáng nay em chẳng đong được gạo
Chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ăn.
(Thơ vui về phái yếu)
Các nhân xưng trong thơ của Xuân Quỳnh cũng rất gần gũi với những cách gọi
thân mật hằng ngày. Ở ngôi thứ nhất bà xưng “tôi”, “em”, “mẹ”, “ta”, “chúng tôi”... Ngôi
thứ hai bà gọi “anh”, “con”, “các anh”… Ngôi thứ ba, bà dùng “cha tôi”, “anh ta”, “cỏ”,
“thuyền”, “sóng”… Đặc biệt, trong bài thơ Chị, Xuân Quỳnh đưa cả tên mình vào:


Đi qua đường là phải trông xe
Chị biết Quỳnh rất hay vô ý

Qua những vần thơ tinh tế, chúng ta có thể thấy một hình ảnh Xuân Quỳnh rất nữ
tính, giàu cảm xúc, không chỉ dành cho chồng cho con mà bà còn thể hiện tình cảm của
mình với mẹ chồng:
Chắt chiu tự những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em
(Mẹ của anh)
Với từ “chắt chiu” dường như Xuân Quỳnh đã nói được hết những tình cảm mà
người mẹ đã dành cho con, đồng thời cũng nói lên cả sự biết ơn của người con dâu đối
với mẹ chồng. Nhìn chung, Xuân Quỳnh là một giọng thơ trữ tình, linh hoạt, tự nhiên và
đầy cá tính. Người ta nhận ra sự đằm thắm, sâu lắng trong mảng thơ tình; sự hồn nhiên,
dí dỏm trong mảng thơ thiếu nhi; sự lạc quan, mạnh mẽ trong mảng thơ viết về cuộc
sống. Những cảm xúc tươi mới kết hợp với kĩ thuật viết tài hoa đã tạo ra một Xuân
Quỳnh rất đời mà cũng rất thơ.
Ngoài ra điểm phải nói đến về đặc điểm ngôn ngữ trong thơ Xuân Quỳnh, chính là
cách sử dụng từ ngữ chỉ màu sắc. Bằng nhãn quang bay bổng và lí tưởng của mình, Xuân
Quỳnh đã vẽ ra những bức tranh thi ca đầy màu sắc và mê hoặc lòng người. Gam màu mà
bà thường sử dụng trong thơ thường là những gam màu tươi sáng. Đó là những màu mô
phỏng màu có trong thực tế như: xanh, trắng, vàng, đỏ… Tần số xuất hiện của từ ngữ chỉ
màu sắc trong thơ Xuân Quỳnh là rất cao. Chính vì điều này mà người đọc thường nhận
xét trong thơ Xuân Quỳnh có hoạ.
Hàng bí ngô bên cạnh hàng bầu
Xanh mườn mượt màu xanh rau muống
Những bắp cải tròn vo đẫm nước
Lớp rau cần óng ả xếp đầy quang


Đỏ ối cà chua, vàng rực đậu vàng
(Rau – Xuân Quỳnh)
Trong thơ Xuân Quỳnh, màu sắc được nữ thi sĩ hay sử dụng nhất chính là màu
xanh. Đây là màu sắc ưa nhìn, không chỉ biểu thị màu sắc của tạo vật mà đó còn là màu

của ước mơ và hi vọng. Thể hiện một tâm hồn thơ đầy mơ ước và luôn tươi mới của
Xuân Quỳnh.
Nắng đùa mái tóc
Chồi biếc trên cây
Lá vàng bay bay
Như ngàn cánh bướm
(Chồi biếc – Xuân Quỳnh)
Đa phần màu sắc trong thơ của Xuân Quỳnh đều là những màu sắc cụ thể, không
pha trộn. Đó là những màu sắc của thế giới thực được phản ánh vào trong thơ, tạo cho
người đọc cảm giác gần gũi và quen thuộc. Đây cũng chính là điểm khác biệt của thơ
Xuân Quỳnh so với thơ của Xuân Diệu. Thế giới màu sắc của Xuân Diệu có phần đa
dạng hơn, vừa có màu thực, vừa có màu hư. Trong thơ của ông hoàng thơ tình thường tồn
tại những màu sắc được pha trộn, đặc biệt là màu của cảm xúc.
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
(Đây mùa thu tới – Xuân Diệu)
Hay như:
Trăng ở đó. Đất vườn thêu bóng lá
Trời trên kia vàng mạ, sáng như băng…
Hoa lài xanh dưới ánh nguyệt tuôn trời;


Ánh nguyệt trắng trên hoa lài đúc sữa.
(Hoa đêm – Xuân Diệu)
Thêm vào đó, Xuân Quỳnh hầu như không sử dụng những màu sắc mang tính chất
ước lệ. Tức là nhà thơ chỉ sử dụng những màu chuẩn của sự vật, không dùng màu đã pha
trộn. Trong thực tế những gam màu chuẩn thường không đủ để diễn tả hết những màu sắc
của sự vật nên người ta thường dùng thêm những màu pha tạp của sự vật. Cách sử dụng
màu này mang tính chất ước lệ và thường gặp trong thơ cổ. Việc không sử dụng những
màu sắc như vậy đã tạo nên điểm khác biệt giữa thơ Xuân Quỳnh và thơ Xuân Diệu. Mặc

dù được xem là nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới nhưng Xuân Diệu vẫn sử
dụng những màu sắc ước lệ trong thơ.
Ta gửi trời ta giữa mắt nào
Ở gần má lửa, cạnh mày dao...
Khi ta trở lại, trời đâu vắng
Lạnh lẽo mày xanh phản má đào.
(Gửi trời – Xuân Diệu)
Ngoài việc hai nhà thơ lựa chọn và sử dụng từ ngữ khác nhau, có đôi lúc các tác giả
này cùng sử dụng những từ giống nhau nhưng lại mang ý nghĩa và hiệu quả thẩm mĩ khác
nhau. Cùng xây dựng những hình tượng về biển để viết đề tài về tình yêu, thậm chí là sử
dụng từ ngữ giống nhau cả về mặt con chữ nhưng mỗi nhà thơ ở mỗi từ lại mang những
cách cảm nhận khác nhau. Đối với Xuân Diệu:
Đã hôn rồi hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt...
(Biển – Xuân Diệu)


Nếu như động từ “tan” của Xuân Diệu diễn tả một tình yêu mạnh mẽ, ước muốn
cháy bỏng muốn làm tan chảy mọi thứ xung quanh, khiến người đọc cảm nhận được tình
cảm mãnh liệt của một người đàn ông với mong muốn khát khao chinh phục. Thì đến
Xuân Quỳnh, nhà thơ cũng sử dụng động từ ấy trong bài Sóng nhưng lại mang đến cho
người đọc những cách cảm hoàn toàn khác so với Xuân Diệu:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Ðể ngàn năm còn vỗ.
(Sóng – Xuân Quỳnh)
Động từ “tan” được đặt trong câu thơ: “Làm sao được tan ra”, nghe như một câu

hỏi tu từ, diễn tả ước muốn được yêu trong một tình yêu rộng lớn và vĩnh cửu. Rõ ràng
cách thể hiện của Xuân Quỳnh có phần kín đáo, nhẹ nhàng và đằm thắm hơn. Nhà thơ hỏi
để mà khẳng định ước muốn, khao khát có được tình yêu, chứ không bộc lộ một cách trực
tiếp và mạnh mẽ như thi sĩ Xuân Diệu.
2.3. Hình tượng nghệ thuật
Một bài thơ hay và để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó phai là một bài
thơ có hình tượng nghệ thuật độc đáo. Hình tượng nghệ thuật là biểu hiện cho tư duy
nghệ thuật của tác giả, là sự phản ánh hiện thực trong tính toàn vẹn, sinh động, cảm tính,
cụ thể theo quy luật của cái đẹp. Thông qua hình tượng nghệ thuật, chúng ta có thể nắm
bắt được quan niệm và phong cách sáng tác của tác giả.
Trong nền thi ca Việt Nam, Xuân Diệu và Xuân Quỳnh là hai hiện tượng văn học
nổi bật, đặc biệt là trong lĩnh vực thơ tình yêu. Nếu như Xuân Diệu được mệnh danh là
“ông hoàng thơ tình” thì Xuân Quỳnh cũng được bạn đọc mến mộ phong tặng danh hiệu
“bà hoàng thơ tình”. Nói đến tài năng của hai nhà thơ này, không thể bỏ qua tài năng sử
dụng ngôn ngữ của họ. Bằng việc lựa chọn ngôn ngữ phù hợp, Xuân Diệu và Xuân
Quỳnh đã tạo nên những hình tượng nghệ thuật giàu tính thẩm mĩ. Điều đáng chú ý ở đây
là những hình tượng nghệ thuật trong thơ tình của họ, thoạt nhìn có vẻ giống nhau, như


cùng một môtíp nhưng khi tiến hành khảo sát và phân tích sẽ thấy được nhiều điểm dị
biệt thú vị.
2.3.1. Hình tượng trái tim
Đối với Xuân Diệu, ông không phải là người duy nhất đưa trái tim vào trong thi ca.
Trong văn học, đã từ lâu trái tim được coi là biểu tượng của tình yêu, của tình cảm con
người. Hình tượng này đã xuất hiện rất nhiều trong văn học cũng như trong đời sống. Rất
nhiều những tác gia lớn trên thế giới khi đề cập đến tình yêu thì thường hay nói tới trái
tim: “Ái tình không nhìn bằng mắt mà cảm nhận bằng trái tim. Vì vậy nhân loại khắc hoạ
thần tình ái có hai cánh nhưng con mắt mù loà” (W. Shakespeare).
Ở Việt Nam, hình ảnh trái tim vốn được du nhập từ phương Tây, đã được các nhà
văn nhà thơ sử dụng làm biểu tượng về tình yêu trong các sáng tác của mình. Những sáng

tác của Xuân Diệu cũng không ngoại lệ. Hình ảnh “trái tim” được sử dụng rất hiệu quả
trong việc diễn tả các cung bậc tình yêu trong thơ Xuân Diệu. Xuân Diệu là người nghệ sĩ
có sự giao cảm hết mình với cuộc đời trần tục. Bằng hình ảnh trái tim, Xuân Diệu đã thể
hiện một tình yêu đích thực, giao cảm tuyệt đối từ nhục dục đến tâm hồn. Ông cảm nhận
tình yêu bằng tất cả trái tim và tâm hồn nghệ sĩ của mình.
Trái tim em thức đập
Nơi gốc của thời gian
Một nhịp mạnh nhịp khẽ
Ẩy tay anh nồng nàn
Anh gìn giữ trái tim
Cho em yên giấc ngủ...
… Trái tim em lạc đường
Anh thức hoài thức huỷ
Anh là trái tim thương
(Trái tim em thức đập – Xuân Diệu)


Trái tim cũng chính là nơi thể hiện sự tự cảm thấy mình, là nơi suy nghĩ và thể hiện
lăng kính nhìn sự vật, hiện tượng, cuộc sống, con người của tác giả. Trong thơ Xuân
Diệu, ngoài việc thể hiện trực tiếp hình tượng trái tim bằng chính từ ngữ ấy, tác giả còn
thể hiện hình tượng bằng từ “lồng ngực” dựa trên mối quan hệ liên tưởng giữa chỉnh thể
và bộ phận để nói về những cung bậc cảm xúc của tình yêu. Từ đó mang lại những nhục
cảm rất thực trong thơ.
Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!
Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai!
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!
(Xa cách – Xuân Diệu)
Trong tình yêu, Xuân Diệu là người rất mãnh liệt vì vậy ông luôn cảm thấy không
bao giờ là đủ. Ông muốn người yêu sát lại gần mình, gần đến mức có thể nghe được từng

nhịp thở của nhau, gần hơn nữa để hai trái tim cùng hoà nhịp yêu thương.
Với Xuân Diệu là thế, còn đối với nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, bà lại có xu hướng đi tìm
một cách lí giải khác cho hình tượng trái tim. Xuân Quỳnh đưa trái tim về đúng với chức
năng và nghĩa thực của nó.
Em trở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách yêu tin…
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
(Tự hát – Xuân Quỳnh)
Trong tình yêu, Xuân Quỳnh không nói đến những gì quá cao siêu, quá bóng bẩy
mà chỉ đề cập đến một trái tim bình thường, một trái tim bằng máu thịt mà ai cũng có.


Nhưng lại khác thường là bởi: “biết yêu anh cả khi chết đi rồi!”. Tình yêu rất đỗi thiêng
liêng nhưng cũng vô cùng giản dị, nó ở ngay xung quanh ta và ta có thể cảm nhận được,
không đơn giản là bằng mắt nhìn mà phải cảm nhận nó theo từng nhịp đập của con tim.
Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực
Giây phút nào tim đập chẳng vì anh.
(Chỉ có sóng và em – Xuân Quỳnh)
2.3.2. Hình tượng hoa
Như đã nói ở trên Xuân Diệu là nhà thơ vô cùng nhạy cảm với thiên nhiên. Vì thế
không thể thiếu trong thơ ông những hình ảnh của cỏ, cây, hoa, lá. Chúng được nhà thơ
sử dụng làm chất liệu để viết lên những trang thơ tình lãng mạn. Trong số đó, hoa là vật
có hương sắc và năng lực quyến rũ nhất. Hình ảnh “hoa” vì thế không thể thiếu được
trong thơ ông. Hình ảnh này xuất hiện trong thơ ông có khi là hoa thật trong đời sống.
Chen lá lục, những búp lài mở nửa
Hớp bóng trăng đầy miệng nhỏ xinh xinh;
(Hoa đêm – Xuân Diệu)
Nhưng thông thường khi hình ảnh hoa đi vào thơ ông, ông luôn xem chúng như

một chủ thể trữ tình sống động:
Ôi vắng lặng! – Trong giờ mơ ngủ ấy
Bông hoa lài thức dậy, sáng từng đôi…
Sao họ khéo nõn nà mà bợ ngợ,
Những nàng hoa chờ đợi gió phong lưu!
(Hoa đêm – Xuân Diệu)
Có lúc ông gọi thẳng: hoa kĩ nữ. Phải chăng kỹ nữ đẹp như hoa mà hoa cũng là kỹ
nữ, người và hoa lúc này là một.“Miệng thở ra hương, hương toả tình ngầm/ Hoa kĩ nữ đã
mở lời trêu ghẹo…”. Chính vì vậy mà ông đã tạo ra sự kết hợp từ độc đáo: người hoa “Có


lẽ người hoa nay đã tươi” (Gặp gỡ I), môi hoa “Và các môi hoa như sắp nói:/ Ái tình đẹp
tợ chúng em đây.” (Rạo rực). Như vậy, hình ảnh hoa trong đời thực khi bước vào thơ của
Xuân Diệu đã trở nên rất khác biệt, ông dùng hoa để nói đến người, nói đến vẻ đẹp của
con người và tình yêu. Đây chính là điểm khác biệt so với hình tượng hoa trong thơ của
Xuân Quỳnh.
Cũng giống như Xuân Diệu, Xuân Quỳnh cũng có một hồn thơ nồng nàn và nhạy
cảm. Vì vậy, khi bắt gặp vẻ đẹp của hoa, Xuân Quỳnh cũng có những rung động của
riêng mình. Không khó để giải thích vì sao Xuân Quỳnh lại đặt tên hai tập thơ của mình
có liên quan đến hình ảnh này, đó là tập thơ Hoa dọc chiến hào (1968) và tập thơ Hoa cỏ
may (1989). Tuy nhiên, hình tượng hoa trong thơ Xuân Quỳnh so với thơ Xuân Diệu có
nhiều điểm khác biệt.
Nếu thơ tình Xuân Diệu miêu tả vẻ đẹp nao lòng của hoa dưới ánh trăng đêm: “Hoa
lài xanh dưới ánh nguyệt tuôn trời/ Ánh nguyệt trắng trên hoa lài đúc sữa” (Hoa đêm), thì
đến thơ Xuân Quỳnh những hình ảnh hoa được đưa vào thơ lại là những cánh hoa rất
bình dị và nhỏ bé như: “mùa hoa doi”, “hoa ti gôn”, “hoa tường vi”, “hoa cỏ may”, hay
đơn giản chỉ là loài “hoa dại trên núi Hoàng Liên”… Hoa trong thơ Xuân Quỳnh mang vẻ
đẹp mong manh, kín đáo và có phần thầm lặng, khiến người ta dễ liên tưởng đến hình ảnh
e ấp, dịu dàng của những cô gái tuổi đôi mươi.
Hoa nếp mỏng manh trước tầm gió thổi

Hoa diếp vàng cô độc giữa thâm u
Và bên đường hoa nghệ dại ngẩn ngơ
Hoa sim tím một nỗi buồn hoang dã
Hoa lay ơn góc vườn xưa còn nhớ
Mà thấy người cành lá khẽ lung lay…
(Hoa dại trên núi Hoàng Liên)
Hình tượng hoa trong thơ Xuân Quỳnh không gắn với người nào cụ thể mà nó lại
gắn với những kỉ niệm về tình yêu. Mỗi bài thơ như một mảnh ghép nho nhỏ về ký ức.


Và vẻ đẹp của hoa như một chất xúc tác mạnh mẽ thổi bùng lên ngọn lửa yêu thương
trong trái tim của người con gái.
Anh có nghe hoa doi
Quanh chỗ mình đứng đó?
Hoa ơi sao chẳng nói
Anh ơi, sao lặng thinh?
(Mùa hoa doi)
Bằng hình tượng những loài hoa có thật trong đời sống, Xuân Quỳnh làm người ta
ngạc nhiên trước những lời tâm tình rất ngây thơ, nồng nàn của một cô gái chớm yêu,
nhưng lại mang giọng điệu trầm tĩnh của một người phụ nữ từng trải. Nhà thơ thấy được
vẻ đẹp thầm kín và lặng lẽ của mỗi loài hoa, thấy được sự hi sinh, không cần được đáp
lại, không cần được biết đến. Phải là người tinh tế và nhạy cảm mới có thể rung động và
cảm thông trước nỗi niềm của hoa kia.
Anh đừng hỏi tên hoa làm chi nữa
Những hoa này chỉ hoa dại mà thôi!…
Chỉ thấy núi muôn màu rực rỡ
Đôi khi giẫm lên hoa mà chẳng nhớ…
Những hoa này chỉ hoa dại mà thôi.
(Hoa dại trên núi Hoàng Liên)
Nhìn chung, thơ Xuân Quỳnh như là nhật kí, là tình yêu, là sự tri ân… Xuân Quỳnh

viết bằng tất cả cái sôi nổi, đắm say của trái tim, chắt hết phần tinh tuý nhất của mình vào
sáng tạo nghệ thuật một cách có trách nhiệm và đầy tự chủ.
Không khó để nhận ra phong cách thơ Xuân Quỳnh, bởi trong mỗi trang viết tồn tại
một cái tôi trữ tình: trẻ trung mà chững chạc, mãnh liệt mà nữ tính, mâu thuẫn mà thống
nhất. Thơ bà luôn gắn bó mật thiết với cuộc đời, mơ ước luôn trỗi dậy xanh tươi giữa


hiện thực khắc nghiệt. Thơ Xuân Quỳnh đẹp như một bông cúc xanh tràn đầy hivọng
giữa muôn ngàn sắc hương của thi đàn Việt Nam.
3. Kết luận
Xuân Diệu và Xuân Quỳnh là niềm tự hào của thơ ca Việt Nam. Xuân Diệu là thi sĩ
tiêu biểu cho thế hệ những nhà thơ mới đầu tiên của văn học Việt Nam giai đoạn 1930 –
1945. Trong khi đó, Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ tiêu biểu cho văn học Việt Nam những
năm từ 1945 đến 1975. Cả hai thi sĩ, người thì được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình”,
người thì thì được bạn đọc mến mộ phong tặng danh hiệu “bà hoàng thơ tình”. Thơ ca
của mỗi thi sĩ mang vẻ đẹp riêng, giá trị riêng. Việc tìm hiểu vẻ đẹp ấy trong thế so sánh
sẽ làm sáng tỏ hơn phong cách của mỗi người, từ đó có được cách nhìn nhận, phân tích
tác phẩm đúng đắn, đa chiều hơn.



×