BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH
NGUYỄN THỊ ÚT HẰNG
TÌM HIỂU MỘT SỐ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA TIÊU BIỂU CỦA HUYỆN NGHI XUÂN,
TỈNH HÀ TĨNH
LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC LỊCH SỬ
VINH, 2015
2
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH
NGUYỄN THỊ ÚT HẰNG
TÌM HIỂU MỘT SỐ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA TIÊU BIỂU CỦA HUYỆN NGHI XUÂN,
TỈNH HÀ TĨNH
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 60.22.03.13
LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC LỊCH SỬ
Người hướng dẫn khoa học
TS. TRẦN VŨ TÀI
VINH, 2015
2
LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành luận văn Thạc sĩ của mình tôi đã nhận được rất nhiều
sự giúp đỡ của các các nhân, tập thể và các ban ngành.
Trước tiên, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới thầy TS. Trần Vũ Tài –
người đã tận tình giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập và thời gian
nghiên cứu đề tài.
Tôi xin chân thành cảm ơn Thầy, cô giáo trong Khoa Lịch Sử trường
Đại học Vinh.
Tôi xin trân trọng cảm ơn các quý cơ quan đã tạo điều kiện giúp đỡ tôi
trong quá trình sưu tầm tư liệu như: Thư viện tỉnh Nghệ An, Thư viện Đại
học Vinh, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Hà
Tĩnh, Phòng văn hóa Huyện Nghi Xuân, Ban quản lý Khu di tích văn hóa
Nguyễn Du, BQL di tích Công Trứ….
Cuối cùng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến gia đình, người thân và
bạn bè đã ủng hộ, giúp đỡ và động viên để tôi hoàn thành luận văn.
Do thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và kiến thức còn hạn chế nên luận
văn khó tránh khỏi những thiếu sót. Tôi rất mong được sự cảm thông và
góp ý của các quý Thầy Cô để luận văn được hoàn thiện hơn.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Tác giả
Nguyễn Thị Út Hằng
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Khi tìm hiểu lịch sử tỉnh Hà Tĩnh, tôi rất say mê và khâm phục lịch sử,
văn hóa huyện Nghi Xuân – Vùng đất hội tụ giữa lịch sử và văn hóa, giữa
học vấn và văn chương, giữa tín ngưỡng tâm linh và cảnh quan du lịch . Vì
thế, tôi quyết định chọn đề tài Tìm hiểu một số di tích lịch sử văn hóa
tiêu biểu của huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Nghi Xuân là vùng đất địa linh, nhân kiệt, mảnh đất địa đầu Hà
Tĩnh. Nghi Xuân có 99 đỉnh non Hồng chạy dài giáp huyện Can Lộc phía
Đông Nam và Thị xã Hồng Lĩnh phía Tây Nam; có hạ lưu sông Lam chảy
suốt mạn Tây Bắc làm thành thủy giới với Thành phố Vinh và huyện Hưng
Nguyên, Nghi Lộc – Nghệ An. Nghi Xuân có bờ biển ngang chạy suốt
phía Đông của huyện. Núi – sông – biển tạo cho Nghi Xuân thành “ Nghi
Xuân bát cảnh”, sơn thủy hữu tình. Một vùng đất khép kín ngàn đời nay,
trong tiến trình lịch sử đấu tranh với thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm,
Nghi Xuân được coi như phên dậu an toàn Khu so với cả nước.
Cảnh quan thơ mộng, linh khí thiêng liêng, Nghi Xuân đã sản sinh ra
nhiều thế hệ anh hùng tài tử. Chính người Nghi Xuân đã làm rạng rỡ quê
hương Nghi Xuân như: Danh nhân văn hóa thế giới, đại thi hào Nguyễn Du
và dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Như Dinh điền sứ, nhà văn hóa, nhà thơ,
nhà quân sự xuất chúng Nguyễn Công Trứ… cùng bao nhiêu nhân tài trên
mọi lĩnh vực. Về chính trị - kinh tế có: Nguyễn Nghiễm, Ngụy Khắc Tuần,
5
Ngụy Khắc Đản, Nguyễn Công Trứ… Về quân sự có: Nguyễn Công Trứ,
Phan Thiết Hán, Đặng Đình An, Lê Hữu Đức, Trương Đình Quý… Về sử
học có Nguyễn Nghiễm, Trần Trọng Kim, Hà Văn Tấn… Về toán học có
Lê Hải Châu, về địa lý có Thánh sư Tả Ao, Đông hồ Lê Văn Diễn…Về kỹ
thuật có : Nguyễn Ức, Nguyễn Đảng…
Nhân dân Nghi Xuân bao đời nay có truyền thống lao động cần cù,
trọng đạo học. Là huyện đứng đầu khoa cử của tỉnh Hà Tĩnh và khu vực.
Chỉ tính riêng thời phong kiến từ thế kỷ XIX trở về trước Nghi Xuân đã có
21 người đỗ đại Khoa (trong đó có 1 bảng nhãn, 2 thám hoa, 7 Hoàng giáp)
và 111 người đỗ Hương Khoa (Hương cống, cử nhân). Nghi Xuân còn
đươc suy tôn là đất thơ ca.
Nghi Xuân cũng là cái nôi văn hóa, có nhiều đóng góp cho nền văn
hóa phi vật thể nhân loại như hát nói ca trù và dân ca ví, giặm, đến các loại
hình chơi Kiều. Nghi Xuân cũng là nơi có 4 địa danh: Bãi Phôi Phối,; Đền
Huyện, xã Xuân An và Xuân Hội khai quật được nhiều di chỉ văn hóa từ
thời đồ đá đến đồ đồng.
Cùng với quá trình xây dựng và phát triển, Nghi Xuân đã có trên 100
di tích văn hóa lịch sử được tôn tạo. Trong đó có 1 di tích lịch sử-văn hóa
đặc biệt cấp quốc gia và 5 di tích quốc gia. Nghi Xuân có trên 25 loại hình
lễ hội, tiêu biểu là cụm đình đền trong Cam Lâm Thánh Mẫu Linh Từ (Đền
Củi) hàng năm thu hút hàng triệu khách trong ngoài nước về lễ hội viếng
đền.
Trong bối cảnh nước nhà chính trị ổn định, kinh tế mở, hình thức hoạt
động xã hội phong phú đa dạng (kể cả với nước ngoài), chất lượng cuộc
sống nhân dân đươc nâng cao từng ngày. Vì thế, nhu cầu tìm về cội nguồn
lịch sử cha ông đòi hỏi ngày càng lớn. Nhu cầu đó thật chính đáng, tri ân
quá khứ anh hùng vẻ vang là truyền thống tốt đẹp, uống nước nhớ nguồn
thường xuyên của nhân dân ta.
6
Do tác động của chiến tranh, thời gian và khí hậu thiên nhiên khắc
nghiệt, nhiều công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa đã xuống cấp nghiêm
trọng cần được bảo tồn, tôn tạo gấp gáp để phục vụ nhu cầu tự do tín
ngưỡng của nhân dân ta.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Cho đến nay đã có một số công trình liên quan tới việc nghiên cứu về
di tích lịch sử ở Hà Tĩnh nói chung và Nghi Xuân nói riêng. Tuy nhiên hầu
hết các công trình đó cũng chỉ mới đề cập một cách khái quát và chưa đi
sâu nghiên cứu cụ thể, đầy đủ các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn
huyện:
Cuốn “Việt sử bị lâm cung” của Xuân quận công Nguyễn Nghiễm
(1708 – 1776) nay còn truyền tụng.
Cuốn “Nghi Xuân địa chí” (Quyển I và Quyển II) của Đông hồ Lê Văn
Diễn được viết từ năm 1842 do UBND huyện Nghi Xuân xuất bản năm
2001. Bộ sách cung cấp những tư liệu của Nghi Xuân trên nhiều lĩnh vực tự
nhiên, kinh tế - xã hội và nhân văn, danh mục tổ chức hành chính và chức
sắc, tục lệ, di tích đền miếu thời phong kiến của huyện.
Cuốn “An tĩnh cổ lục” của tác giả người Pháp Hippolyte Le Breton do
Nguyễn Đình Khang và Nguyễn Văn Phú dịch với sự hiệu đính của
Chương Thầu và Phan Trọng Báu được nhà xuất bản Nghệ An phối hợp
với Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây ấn hành năm 2005. Cuốn
sách đã nêu lên một số di tích lịch sử Nghệ An và Hà Tĩnh.
Cuốn “Di tích danh thắng Hà Tĩnh” của tác giả Trần Tấn Hành (chủ
biên) do Sở VHTT Hà Tĩnh xuất bản năm 1997. Cuốn sách đã tập hợp
được di tích và danh thắng trên quê hương Hà Tĩnh. Các di tích khảo cổ
học, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và các danh lam thắng cảnh.
7
Cuốn “Người Nghi Xuân” do Nhà xuất bản Văn Hóa Thông tin ấn
hành năm 2002 và 2013. Trong đó có phần “Đất Nghi Xuân” và “Người
Nghi Xuân” nổi tiếng trên mọi lĩnh vực lịch sử, chính trị, kinh tế, khoa học,
văn học nghệ thuật, kỹ thuật, quân sự và các anh hùng, doanh nhân thành
đạt, các chiến sĩ cách mạng tiền bối, các nhân sĩ trí thức tiêu biểu xưa và
nay.
Cho đến nay vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách
đầy đủ các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu huyện Nghi Xuân, chính vì
vậy mà việc thu thập nguồn tài liệu một cách có hệ thống để phục vụ cho
công tác nghiên cứu là tương đối khó khăn. Tuy nhiên, dù ít hay nhiều thì
các nguồn tài liệu trên cũng là những nguồn tài liệu quý giá làm cơ sở cho
chúng tôi tiếp cận và giải quyết những vấn đề mà đề tài đặt ra.
3. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu
3.1. Nguồn tư liệu
Để nghiên cứu đề tài này, chúng tôi dựa vào nhiều nguồn tư liệu khác
nhau, bao gồm:
Nguồn tư liệu gốc, đó là những thần tích, sắc phong của nhà nước
phong kiến phong cho các vị thần, các danh nhân được thờ ở các đền và các
di tích lịch sử mà ngày nay còn được lưu giữ.
Bên cạnh đó chúng tôi cũng đã kế thừa có chọn lọc nguồn tư liệu
nghiên cứu của các nhà nghiên cứu đi trước với những công trình có liên
quan như đã nêu ở phần lịch sử nghiên cứu vấn đề, các hồ sơ di tích do Sở
Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh soạn thảo, Phòng văn hóa huyện
Nghi Xuân cung cấp.
Ngoài ra, để phong phú thêm nguồn tư liệu và để đảm bảo tính xác
thực và khách quan của lịch sử, chúng tôi trực tiếp tiến hành khảo sát tại
những ngôi đền, những khu di tích văn hóa – lịch sử nghiên cứu một cách
nghiêm túc và khoa học nhằm làm rõ nguồn gốc lịch sử, quá trình xây
dựng, trùng tu và những giá trị lịch sử- văn hóa như kiến trúc, điêu khắc,
8
câu đối, hoành phi, bia đá, lăng mộ...để hình thành cái nhìn khách quan,
chân thực về vấn đề nghiên cứu.
3.2. Phương pháp nghiên cứu
Để có thể tiến hành tìm hiểu, nghiên cứu và hoàn thành đề tài này,
phương pháp luận sử học Mác xít và tư tưởng Hồ Chí Minh chính là
phương pháp, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình hoàn thành đề tài.
Để nghiên cứu đề tài này, chúng tôi sử dụng phối hợp các phương
pháp nghiên cứu cụ thể chuyên ngành như:
- Phương pháp phân tích tổng hợp
- Phương pháp lịch sử và phương pháp lôgic
- Phương pháp điền dã, sưu tầm, xác minh tư liệu lịch sử
4. Đối tượng, nhiệm vụ, phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các di tích lịch sử cấp quốc gia tiêu
biểu ở Nghi Xuân – Hà Tĩnh như: Di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia Khu
lưu niệm Nguyễn Du; Đền thờ nhà văn hóa, nhà thờ Nguyễn Công Trứ;
Đình Hội Thống; Đền Củi; Đình Hoa Vân Hải và Đền thờ Nguyễn Xí.
4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Ở đề tài này chúng tôi đi tìm hiểu một cách toàn diện và hệ thống lịch
sử hình thành, quá trình trùng tu tôn tạo, các nhân vật lịch sử được thờ
phụng, kiến trúc điêu khắc của những di tích lịch sử văn hóa đã nêu trên.
Ngoài ra ,chúng tôi tìm hiểu thêm về lễ hội ở một số di tích được nghiên
cứu trong phạm vi đề tài.
4.3. Phạm vi nghiên cứu
Đề tài tập trung khảo sát các di tích lịch sử tiêu biểu trên địa bàn
huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh trên các khía cạnh: Nguồn gốc lịch sử, diện
mạo, đặc điểm kiến trúc và các giá trị văn hóa – lịch sử của di tích.
5. Đóng góp của luận văn
9
- Nghiên cứu đề tài nhằm làm sáng tỏ diện mạo, quá trình xây dựng,
một số nét kiến trúc điển hình, đề xuất ra các giải pháp nhằm bảo tồn và
phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu
trên địa bàn huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh
- Ngoài ra, đề tài góp phần tìm hiểu truyền thống lịch sử văn hóa của
vùng đất Nghi Xuân địa linh nhân kiệt từ đó hình thành và khơi dậy niềm
tự hào đối với quê hương, đất nước góp thêm phần cơ sở để xây dựng Nghi
Xuân ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.
- Với mong muốn được đóng góp những cố gắng hiểu biết còn hạn hẹp
của mình có thể làm nguồn tài liệu tham khảo cho các tổ chức, cá nhân khi
nghiên cứu về lịch sử địa phương, lịch sử vùng đất Nghi Xuân, tỉnh Hà
Tĩnh.
6. Bố cục luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và phần Phụ lục, nội
dung chính của luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Khái quát chung về vùng đất Nghi Xuân
Chương 2: Diện mạo một số di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu
huyện Nghi Xuân
Chương 3: Giá trị lịch sử, văn hóa và công tác bảo tồn phát huy giá
trị của các di tích
10
Chương 1
KHÁI QUÁT CHUNG VỀ VÙNG ĐẤT NGHI XUÂN
1.1. Khái quát điều kiện tự nhiên và xã hội
1.1.1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên
* Vị trí địa lý
Nghi Xuân, có nghĩa là “Nên Xuân”, vùng đất địa linh nhân kiệt - cửa
ngõ phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh. Thiên nhiên đã ưu ái cho Nghi Xuân cảnh
quan sơn thủy hữu tình, hai bề núi non Hồng Lĩnh, một bề Sông Lam tràng
giang và một bờ biển ngang đại hải chạy suốt chiều dài của huyện mà
không có huyện nào ở Nghệ - Tĩnh có được.
Phía Nam và Tây là 99 ngọn Hồng Lĩnh trập trùng quanh năm mây
phủ được xếp vào một trong 21 danh sơn Việt Nam. Hồng Lĩnh vừa là một
trong 8 cảnh quan trong “Nghi Xuân bát cảnh” của huyện vừa là phên dậu
che chắn, bảo vệ Nghi Xuân trong suốt quá trình thăng trầm của lịch sử .
Phía Đông giáp bờ biển ngang dài 32km từ Cửa Hội (Đan Nhai quy
phàm) đến Cửa Lạch Kèn xã Cương Gián. Biển Nghi Xuân có nhiều hải
sản quý hiếm như hải sâm, rắn biển, mực, cá… mở ra tiềm năng du lịch
biển đã và đang được khai thác phục vụ du khách và đời sống dân sinh.
Phía Bắc và Tây Bắc giáp đoạn cuối sông Lam trong xanh đổ ra Cửa
Hội. Đoạn sông Lam nước lợ, cá tôm quanh năm. Trong đó có loại cá
Vược, cá Sú là loài đặc sản cá biệt có giá trị kinh tế cao. Dọc theo hữu ngạn
sông Lam chảy qua địa phận Nghi Xuân là 8 cảnh quan đặc biệt của “Nghi
11
Xuân bát cảnh” do Hoàng Giáp Bùi Dương Lịch (1757 – 1827) sáng tác ca
ngợi cảnh đẹp tự nhiên Nghi Xuân. Tiêu biểu là những tác phẩm như Hồng
Sơn liệt chướng (Núi Hồng giăng dài); Hoa phẩm thắng triền (Chợ Hoa
Phẩm thắng cảnh ven sông); Uyên Trừng danh dự (Chùa Giằng nổi tiếng);
Quần Mộc bình sa (Lùm cây trên bãi cát bằng); Cô Độc lâm lưu (Núi cô
độc giữa dòng); Giang Đình cổ độ (Giang Đình bến cũ); Đan Nhai quy
phàm (Thuyền về Cửa Hội); Song Ngư hý thủy (Đôi cá dỡn nước).
Phía Tây giáp đoạn giữa sông Lam gặp sông La, có hai cầu mới Bến
Thủy hiên ngang vắt qua sông thơ mộng. Phía tả sông Lam là núi Quyết,
núi Thành phía hữu sông Lam là “Hồng Sơn liệt chướng” soi bóng đôi bờ.
Bên kia là thành phố Vinh hiện đại nguy nga tráng lệ .
Mạng lưới đường sá giao thông đã được bê tông hóa, nhựa hóa về tận
cổng mỗi nhà đã tô điểm cho cảnh sắc Nghi Xuân thêm tươi đẹp, kết hợp
giữa tự nhiên và tác động của con người. Riêng các xã ven bờ Nam sông
Lam vẫn ngược xuôi bán buôn với miền thượng Hương Sơn, Đức Thọ bằng
đò dọc hoặc thuyền máy, bè mảng… Chính mạng lưới giao thông đường
sông, cảnh “đò dọc sông trăng” là nguồn cảm hứng bất tận của dân ca ví
dặm Nghệ - Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể
đại diện nhân loại.
* Địa hình khí hậu
Do ranh giới địa lý đặc thù – phía Tây Nam là núi, Đông giáp biển và
Tây Bắc là sông nên diện tích Nghi Xuân hẹp (220 km 2) so với quận huyện
khác trong tỉnh, nhưng địa hình của huyện lại có đầy đủ các yếu tố vùng
miền rõ rệt như đồi núi, trung du và ven biển.
Vùng đồi núi gồm các xã Xuân Lam, Xuân Hồng, Xuân Viên, Xuân
Lĩnh mảnh đất cấp phối sỏi đồi lẫn đá bọt. Các bờ đá tảng dọc chân núi
Hồng Lĩnh phần lớn còn có dấu vết sóng biển xả xói thành hàm ngấn. Có lẽ
từ xa xưa biển lấn tận vùng này nhưng thời gian bồi lấp, biển rút dần xa núi
tạo thành đất ở, cư dân góp. Bởi lẽ người dân ở đây sống gần nhau, uống
12
chung nguồn nước mà giọng nói, tập tục cũng khác nhau. Xuân Lam và
Xuân Hồng nói nặng, Xuân Viên nói nhẹ, Xuân Lĩnh lại nói nặng. Sống
quanh sườn đồi, cư dân ở đây vừa chăn nuôi vừa trồng lúa nước. Địa thế
dốc dần về phía sông Lam và phía biển. Có lẽ hàng năm lũ lụt qua đây bị
dãy Hồng Lĩnh chắn phù sa lại, đồng thời với trầm tích phân hữu cơ của
xác cây, lá cây trên núi phân hủy trôi xuống mà lúa nước vùng này rất tươi
tốt, bội thu. Bởi thế, ở Nghi Xuân từ bao đời nay có câu “Lúa Xuân Viên,
quan Tiên Điền, tiền Hội Thống”.
Vùng trung du gồm các xã ven sông Lam và hai bên đường quốc lộ 22
chạy qua như Xuân Giang, Xuân Mỹ, Tiên Điền… Vùng này bằng phẳng
nhưng cồn khô, cát bạc chỉ phù hợp với trồng lạc, trồng dưa hơn trồng lúa
nước. Bù lại, ở đây là đất học hành khoa bảng vì thế mới có câu “quan
Tiên Điền” truyền miệng. Sông Lam trước lúc đổ ra biển đã tạo nên vùng
đất cát bồi trung du này. Do “thiên không thời, địa không lợi” nên cư dân
vùng này ngoài chăn nuôi, trồng cây công nghiệp ra còn lợi dụng đường
sông để buôn bán ngược ngàn, xuôi bể. Chợ Giang Đình bao đời nay trên
bên dưới thuyền tấp nập, thương lái khắp nơi đổ về buôn bán đông vui. Bến
Giang Đình, ngoài chức năng giao lưu sinh sống, còn là bến đò duy nhất
cho các sỹ tử trẩy kinh và các ông nghè vinh quy bái tổ qua lại. Vì thế, bến
Giang Đình thành chứng tích lịch sử lâu đời, niềm tự hào của cả huyện
Nghi Xuân.
Vùng ven biển ngang chiếm 70% diện tích cả huyện, có bờ biển ngang
dài 32km có nhiều hải sản khai thác. Vì thế, vùng biển ngang Nghi Xuân là
nơi quần cư của 11 xã còn lại của huyện. Địa mạo vùng này được kiến tạo
bởi phù sa biển. Sóng gió liên hồi đã bồi đắp nên miền duyên hải này
những cồn, đụn cát chạy dài ngăn cách làng với biển. Dân sống tập trung,
mật độ cao, xã biển Xuân Hội lấy nghề ngư làm nghiệp sinh sống chính.
Ngoài ra, các xã khác còn lại đều nông ngư kết hợp nuôi trồng thủy sản, gia
súc và trồng lạc, trồng dưa đỏ.
13
Khí hậu Nghi Xuân nói chung là nhiệt đới gió mùa, hình thành hai
mùa rõ rệt. Mùa hạ, mùa thu mưa nóng ẩm, mùa đông khô lạnh. Khí hậu
trong năm được chia thành hai mua chính ứng với hai chế độ gió mùa. Gió
mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam.
Gió mùa Đông Bắc thổi từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Nhiệt độ trong các tháng này thấp, thường dưới 22 0C, đặc biệt là các tháng
12, tháng 1 và 2 có lúc xuống dưới 15 0C. Khác với các tỉnh ở Bắc Bộ (các
tháng đầu mùa đông thường khô hanh, rét buốt) nhưng ở Hà Tĩnh nói
chung và Nghi Xuân nói riêng, mùa mưa kết thúc muộn nên đầu mùa đông
vẫn mưa nhiều, ẩm ướt, cuối mùa đông thường có mưa phùn, se lạnh phù
hợp với thời tiết trồng hoa màu, rau củ.
Gió mùa Tây Nam còn gọi là gió Lào, gió phơn thường hoạt động từ
tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Trong thời gian này nhiệt độ trung bình
thường trên 240C. Riêng các tháng 6,7,8 nhiệt độ bình quân bình thường
trên 280C do tác động của các đợt gió Tây Nam nóng và khô. Gió Tây Nam
hay gió Lào thổi qua vịnh Thái Lan, qua Lào rồi sang Việt Nam. Mùa màng
ở bờ tây dãy Giăng Màn, nước bạn Lào vào mùa mưa nhiệt độ thấp. Trong
khi đó, ở bờ Đông dãy Giăng Màn đang mùa nóng nắng đỉnh điểm. Vì thế
dòng đối lưu từ phía lạnh (Lào) vượt qua núi cao chắn ngang đi tìm nắng
tạo thành những cơn lốc xoáy cho một số huyện ở Hà Tĩnh, Quảng Bình,
Nghệ An trong đó có huyện Nghi Xuân – Hà Tĩnh. Loại gió khô rang độ
ẩm thấp, tốc độ di chuyển lớn tràn sang Việt Nam làm mùa màng cây cối
chết khô, con người nóng nực, đất cát bụi bị gió cuốn theo đốt cháy da thịt.
Dưới tác động của gió Tây Nam nhiệt độ càng xuống vùng thấp càng tăng
cao lên đến trên 400C, độ ẩm dưới 50% đã tàn phá đồng ruộng, cây cối,
làng quê, con người tiêu điều xơ xác. Mùa mưa ở Nghi Xuân lớn nhất từ
tháng 9 đến hết tháng 10. Trong các tháng này lượng mưa bình quân tới
450 – 550 mm gây nên lũ lụt kéo theo bão tố gây nhiều tổn thất cho nông
nghiệp và cư dân trong vùng.
14
Khoáng sản chưa thấy nhiều, duy nhất chỉ có các mỏ đá ven dãy Hồng
Lĩnh thuộc địa phận xã Xuân An, Xuân Viên, Xuân Lĩnh, Xuân Hoa và
Cương Gián, tuy nhiên trữ lượng không lớn. Loại mắc –ma, trầm tích ở độ
sâu lớn, còn đá phong hóa trên bề mặt lại dày, khó khai thác. Mặt khác, các
mỏ đá này thường nằm trong các di tích được xếp hạng nên không được
phép đầu tư mở rộng. Duy chỉ có mỏ đá Cổng Khánh trữ lượng lớn, tập
trung và lộ thiên nên đã khai thác gần cạn kiệt. Đặc biệt, ở Nghi Xuân chưa
thấy mỏ khoáng sản màu nào được nhắc đến trong địa chất, địa mạo xưa
nay. Ngay cả tài nguyên rừng nguyên sinh trên núi Hồng Lĩnh cũng chẳng
có gì đáng kể, chỉ có rừng nhân tạo như phi lao, bạch đàn ở các xã ven biển
cũng chỉ chủ yếu là rừng phòng hộ chứ khai thác tiềm năng kinh tế rừng
chẳng đang là bao.
Đặc biệt, tài nguyên thiên nhiên ở Nghi Xuân chính là khai thác hải
sản ở biển và sông Lam, vì vậy tiềm năng kinh tế biển ở Nghi Xuân rất to
lớn. Từ xưa đến trước năm 1975, chủ yếu là khai thác tự phát, nhỏ lẻ. Sau
ngày nước nhà thống nhất, trời yên biển lặng nhiều hợp tác xã ngư dân ở
Xuân Hội, Xuân Đan, Xuân Trường, Xuân Hải, Xuân Phổ, Xuân Yên… đã
hình thành và phát triển. Đặc biệt, Hà Tĩnh có cụm cá Xuân Hải là một cơ
sở tập trung hải sản của Nghi Xuân nhiều năm nay có hiệu quả. Trữ lượng
cá ở Nghi Xuân đạt 40.000 tấn/năm chiếm 47% trữ lượng chung của cả
tỉnh. Trữ lượng mực đạt 1.000 tấn, chiếm 33% trữ lượng cả tỉnh. Trữ lượng
tôm (kể cả tôm biển và tôm nuôi) đạt 300 tấn, chiếm xấp xỉ 50% của cả
tỉnh. Biển Nghi Xuân còn có nhiều loại hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế
cao như rắn biển, hải sâm, tôm hùm, sò huyết…Việc nuôi trồng thủy sản ở
Nghi Xuân rất phát triển từ năm 2000 lại nay. Tính đến năm 2015, đã có 20
cơ sở nuôi tôm sú, với diện tích ao hồ lên đến trên 80 ha. Chính công tác
nuôi trồng hải sản ngoài việc tăng thu nhập quốc dân cho huyện nhà, góp
phần nâng cao đời sống vật chất cho ngư dân. Còn tạo điều kiện giải quyết
công ăn việc làm cho người dân lao động toàn huyện.
15
Ngoài ra, Nghi Xuân là một địa điểm “dừng chân” của các loài chim
di cư. Trong đó rất nhiều loài có tác dụng tô đẹp cảnh quan môi trường cho
huyện về mùa Thu (Tháng 8,9,10 hàng năm), bắt diệt sâu bọ mùa màng.
Là một huyện ven biển nhưng chỉ có một con sông Lam chảy qua phía
Bắc huyện nhà là chính. Còn lại, đồng bằng cả huyện trở thành lưu vực
phía đông của dãy Hồng Lĩnh. Hầu như cả huyện là đồng bằng đất cát nên
mưa xong đất thấm, lượng nước dư giả được dồn về các con hói ngang
thoát ra sông Lam hoặc ra biển ngang như Hói Lở, Cầu Trắng (Tiên Điền),
Lạch Kèn (Cương Gián)…
Nguồn lợi thủy sản của sông Lam chảy qua Nghi Xuân không lớn lắm.
Vì thế, một lực lượng thuyền bè đánh bắt dọc sông Lam tự phát, hình thành
hai bờ vạn chài. Một làng vạn chài phía Nghệ An ở Hưng Hòa và một làng
vạn chài Nghi Xuân ở xã Xuân Phổ. Dân vạn chài ngày xưa sống trên
thuyền lênh đênh dọc sông Lam không có đất định cư, phương pháp đánh
bắt bằng lưới quét, rạo nhỏ lẻ. Cuộc sống của họ lệ thuộc vào may mắn,
tạm bợ, đời sống thiếu thốn không ổn định. Ngày nay, bà con đã lên bờ
định cư lập làng, kết hợp đa ngành nghề nên đời sống đảm bảo hơn. Như bà
con vạn chài thường nói: “sống có nhà, già có mồ” chứ không phải như
ngày xưa trôi dạt mom sông, con cái thất học, sinh nhiều, nuôi con cực khổ.
1.1.2. Dân cư
Theo số liệu điều tra dân số năm 2010, dân số huyện Nghi Xuân đến
thời điểm thống kê là 10 vạn người, trong đó 100% là dân tộc Kinh. Mật độ
dân số 455 người/km2 so với 265 người/km2 cả tỉnh thì Nghi Xuân thuộc
diện “đất chật người đông” nhất tỉnh.
Theo “Nghi Xuân địa chí” do Đông hồ Lê Văn Diễn viết năm 1842 thì
“vùng đất Nghi Xuân là do biển bồi đắp nên”. Vì thế, biển rút đến đâu, để
lại bãi bồi là dân tứ xứ kéo đến lập làng ở đó. Chỉ căn cứ vào giọng nói tập
tục văn hóa khác nhau trên một vùng đất để suy ra mảnh đất này tự xa xưa
là dân góp.
16
Người Nghi Xuân phần lớn là “dĩ nông vi bản” chủ yếu là nghề nông
hoặc nông – lâm – ngư kết hợp. Đã bao đời cha ông đúc kết lại “khoai
Phan Xá, lúa Xuân Viên, cá Hội Thống, dưa đỏ Mỹ Dương, chè xanh làng
Trại, nước mắm Vạn Cương, muối Động Kèn, ruốc rươi Quần Mộc”…
Người Nghi Xuân cần cù chất phác, ham công tiếc việc, nhưng vì đất
bãi bồi cồn khô cát bạc nên làm không đủ ăn, quanh năm thiếu thốn. Để
thoát nghèo, một số làng xã đã chuyển dịch ngành nghề để tăng thêm thu
nhập như làng mộc Xuân Phổ nổi tiếng được vua Gia Long xuống chỉ rước
vào làm mộc xây dựng cố đô Huế, hoặc thợ nề Tiên Điền nổi tiếng trong
ngành xây dựng công trình gạch vữa, xi măng. Ngày nay dưới ánh sáng của
phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều cơ sở sản xuất đa ngành nghề
trong huyện hình thành, nhiều doanh nhân thành đạt ngay trên mảnh đất
truyền thống hoặc xuất ngoại kinh doanh. Đặc biệt là những xã Cương
Gián, Cổ Đạm, Xuân Liên đã có phong trào xuất khẩu lao động sang Hàn
Quốc, Đài Loan, Nhật Bản vừa giải quyết được lao động chính dư thừa vừa
có thu nhập cao gửi về giúp gia đình. Đặc biệt là xã Cương Gián được
mệnh danh là “xã thuyền viên triệu phú” nhờ xuất khẩu lao động.
Người Nghi Xuân có truyền thống trọng đạo học, sự học đã trở thành
bổn phận của con em trong các gia đình. Thậm chí nhà nhà, làng làng, họ
này với họ khác thi đua học hành, thi cử. Người Nghi Xuân trọng học vị
trước học hàm các dòng họ, các làng thường lấy kết quả thi cử như là một
tiêu chí để đánh giá thành quả hàng năm của mỗi họ, mỗi làng.
Như nhà thơ Yến Thanh đã viết:
“Làng tôi củ lạc thắt ngang
Quả dưa buộc dọc cho chàng đi thi”
Đất nghèo nên:
“Ông nghè ông cống sống bởi ngọn khoai
Anh học anh nho nhai hoài lộc đỗ” [19, 25]
17
Nhiều anh học, anh nho, tiến sĩ, cử nhân như Phạm Thế Ngự, Hoàng
Ngạn Chương, Võ Thời Mẫn, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Mai, Trần Quang
Cư, Phạm Xuân Chính đều xuất thân từ những gia đình nghèo. Nhiều dòng
họ như họ Nguyễn, họ Hà (Tiên Điền), họ Ngụy (Xuân Viên), họ Trần
(Xuân Phổ), họ Phan (Xuân Mỹ)… thời trước mất mùa phải lấy khoai sắn
thay cơm, thậm chí phải độn thêm ngọn đỗ ăn thay lương thực. Vì thế mới
có câu đối:
“Sáng Khoai, trưa Khoai, tối Khoai, Khoai ba bữa
Ông đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà” [19, 46]
Thời phong kiến, Nghi Xuân có 22 người đỗ đại khoa bằng 1/7 cả tỉnh.
(trong đó Tiên Điền chiếm 5 người) gồm 1 bảng nhãn, 2 thám hoa, 7
Hoàng Giáp và 111 người đỗ Hương Khoa (Hương cống và cử nhân), cao
nhất tỉnh. Nghi Xuân cũng là huyện có nhiều tác giả, tác phẩm tiêu biểu của
các triều đại trên mọi lĩnh vực như sử học, địa chí, văn học, y học, thuật số
học (phong thủy), thư học và dịch thuật. Trong 5 thế kỷ văn Nôm của
người Nghệ, Nghi Xuân là một trong những huyện có nhiều tác phẩm vượt
tầm quốc gia như Truyện Kiều của Nguyễn Du được coi là ngôi sao sáng
nhất trong bầu trời thi ca Việt Nam. Ca trù hát nói của Nguyễn Công Trứ,
thánh sư địa lý Tả Ao… đã mang lại danh thơm dọc thời gian, sử sách,
danh nhân….
1.2. Đặc điểm kinh tế
Từ xa xưa, Nghi Xuân là vùng kinh tế đa dạng, phát đạt. Đất này
chẳng những giàu về lúa gạo mà là một vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm,
đánh bắt hải sản, làm hàng thủ công và buôn bán.
Nghề đúc đồng, đúc gang lưỡi cày ở Uy Viễn, Tiên Điền.
Nghề dệt chiếu ở Cẩm My, Ngọc Lâm (nay là Xuân Giang II)
Nghề dệt cói, gị cói ở Kẻ Giằng, An Lạc
Nghề mộc ở Đan Phổ
Thợ nề, chằm nón, chằm tơi ở Tiên Điền
18
Nghề làm nồi đất ở Mỹ Dương, Cổ Đạm
Nghề nước mắm ở Hội Thống, Cương Gián, Đan Trường, Đan Uyên.
Nghề trồng rau, nuôi tằm, dệt lụa ở Tiên Cầu, Uy Viễn, Tả Ao.
Nghề đò dọc, đò ngang ở Hội Thống, Cương Gián.
Trước khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (trước năm 1945),
Nghi Xuân có 5 tổng: Tam Đăng (gồm 2 xã Xuân Lam và Xuân Hồng),
Xuân Viên, Đan Hải, Phan Xá và Cổ Đạm bao gồm 33 xã, thôn, trang,
phường (trực thuộc huyện). Đến nay huyện Nghi Xuân có 17 xã, 2 thị trấn
với 192 thôn, xóm, khối dân cư.
Thị trấn Nghi Xuân đồng thời là huyện lỵ là trung tâm Chính trị - Kinh
tế của huyện.
Thị trấn Xuân An là thị trấn đầu cầu của Huyện, hai đơn vị hành chính
này nối liền nhau trên một trục đường Quốc lộ 8B, cách nhau 5km.
17 xã gồm: Xuân Lam, Xuân Hồng, Xuân Viên, Xuân Lĩnh, Xuân Mỹ,
Xuân Thành, Xuân Liên, Cổ Đạm, Cương Gián, Xuân Yên, Xuân Hải,
Xuân Phổ, Xuân Giang, Tiên Điền, Xuân Đan, Xuân Trường và Xuân Hội.
Nghi Xuân là một vùng đất cát bạc màu, khí hậu khắc nghiệt, ấy vậy
mà trong các cuộc thiên di, một số dòng họ đã phát hiện ra (đặc biệt là
Thánh sư địa lý Tả Ao) đây là vùng “địa linh” rồi dừng lại để sinh cơ lập
nghiệp. Đó là dòng họ Nguyễn (Tiên Điền), họ Phan (Phan Xá), họ Đặng
(Uy Viễn), họ Võ (Hội Thống), họ Ngụy (XuânViên), họ Thái (Xuân Lam),
họ Lê (Tiên Điền)…
Người Hà Tĩnh nói chung, người Nghi Xuân nói riêng chủ yếu dựa
vào sản xuất nông nghiệp. Các ngành nghề khác như chăn nuôi, trồng cây
công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, ngư nghiệp, trồng rừng, buôn bán…
chỉ là ngành nghề phụ trợ lúc nông nhàn, nếu chuyên canh cũng chỉ là nhỏ
lẻ, tự phát.
Tuy nhiên, do khí hậu “thiên không thời, địa không lợi”, thiếu cơ cấu
kinh tế hợp lí, thiếu cán bộ có trình độ khoa học chuyên sâu, nên từ năm
19
1986 trở về trước (cơ chế bao cấp) ngành sản xuất nông nghiệp và các
ngành kinh tế khác phát triển chậm, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu. Cho
đến những thập niên đầu của thế kỷ XX, nông nghiệp còn chiếm trên 80%
GDP của Nghi Xuân, có nghĩa là trên 80% hộ dân làm không đủ ăn, đời
sống khó khăn dẫn đến con cái hạn chế học hành, trình độ dân trí, kiến thức
kinh tế thấp. Chỉ từ sau Đại hội VI của Đảng ra Nghị quyết xóa bỏ bao cấp,
sản xuất theo cơ chế thị trường, cơ cấu kinh tế thay đổi “tự do đầu vào, tự
lo đầu ra” nên mặt bằng kinh tế huyện nhà có nhiều chuyển biến đa ngành,
đa nghề nên đời sống nhân dân được nâng cao hơn trước. Tuy nhiên, Nghi
Xuân đến nay vẫn là huyện nghèo trong tỉnh Hà Tĩnh.
Tỷ lệ tăng trưởng GDP của Nghi Xuân vẫn nằm trong mặt bằng chung
của cả tỉnh, trong năm 2000, 2005 là 7,03% và 8,9%. Riêng 2012 mức tăng
trưởng 12,1% (so với 14% cả tỉnh).
Ngoài nông nghiệp ra Nghi Xuân còn 2 thế mạnh khác là đánh bắt hải
sản và du lịch sông biển, di tích thắng cảnh chưa đầu tư chiều sâu khai thác.
Nghi Xuân có 32km bờ biển nhưng việc khai thác hải sản còn manh mún,
nhỏ lẻ. Chưa có đầu tư những đội tàu hàng nghìn tấn, những hợp tác xã quy
mô lớn để đánh bắt xa bờ.
Tiềm năng du lịch dồi dào mang lại nguồn lợi lớn nhưng Nghi Xuân
mới chỉ khai thác ở quy mô cấp xã, còn huyện chưa tổ chức được cơ sở
khai thác, kinh doanh. Chưa nơi nào có như “Nghi Xuân bát cảnh”, ba bề
cận thủy, một bề cận sơn, lại ở cạnh thành phố Vinh, đường sá giao thông
thuận tiện cả thủy lẫn bộ mà vẫn chưa phát huy được thế mạnh du lịch.
Vì thế, đến năm 2012 tỷ trọng của khu vực nông – lâm – ngư nghiệp
chiếm 32,3%; công nghiệp – xây dựng 36,7%; thương mại du lịch còn
khiêm tốn (31,1%). GDP bình quân đầu người đạt 19,6 triệu đồng (VNĐ).
Do đặc điểm địa lý không phù hợp, nên một số ngành nghề cả tỉnh
phát huy được thì Nghi Xuân không có như nghề làm muối, nghề trồng cây
công nghiệp dài ngày như cây chè, cao su. Do không tận dụng được sản vật
20
rừng nguyên sinh mà chỉ có rừng nhân tạo, rừng phòng hộ nên tiềm năng
thu nhập về sản phẩm của rừng nói chung đều hạn chế.
Nền kinh tế Nghi Xuân chủ yếu dựa vào thu nhập của ngành kinh tế
trọng điểm sau đây:
Về nông nghiệp: Diện tích đất nông nghiệp Nghi Xuân 8.000 ha.
Trong đó, diện tích nông nghiệp thì tỷ trọng đất trồng trọt chiếm 80%, còn
lại là đất nuôi trồng thủy, hải sản.
Về cây công nghiệp ngắn ngày chiếm diện tích 12.000 ha bằng 1,5 lần
diện tích nông nghiệp. Nghi Xuân phù hợp với thổ nhưỡng trồng lạc và
trồng dưa hấu, đậu, vừng, kê. Cây lạc là nguồn thu nhập của các xã trung
du. Còn dưa hấu là thu nhập chủ yếu của 6 xã ven biển.
Nếu Hà Tĩnh là tỉnh có diện tích trồng lạc dẫn đầu cả nước thì Nghi
Xuân là huyện dẫn đầu cả tỉnh. Bình quân mỗi năm, Nghi Xuân xuất khẩu
ra nước ngoài như Indonexia, Singapo, Thái Lan, Trung Quốc… (32 đối
tác) 5.000 tấn lạc nhân (tương đương với 8.000 tấn lạc vỏ), giải quyết công
ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Đặc biệt ở Nghi Xuân đã có công ty
TNHH Châu Tuấn chuyên thu mua lạc, đảm bảo đầu ra cho nông dân nên
người sản xuất rất an tâm phát triển trồng trọt.
Ngành nghề chăn nuôi gia súc gia cầm đã có từ xa xưa ở Nghi Xuân.
Các xã vùng núi như Xuân Lam, Xuân Hồng, Xuân Viên, Xuân Lĩnh, Cổ
Đạm, Xuân Mỹ, Xuân Liên thường lấy chăn thả trâu bò đàn lên núi tận
dụng địa hình đồi núi sẵn cỏ tự nhiên. Nhà nuôi nhiều đến hàng trăm con,
nhà ít nhất cũng vài ba con. Chưa kể toàn huyện, riêng 7 xã cận núi Hồng
Lĩnh này đã có đến hàng vạn con trâu bò. Đây là nguồn thu nhập chủ yếu
của bà con vùng này, nhờ việc bán bê giống, bò thịt. Cả 7 xã, xã nào cũng
giàu lên nhờ chăn nuôi, nhà cao cửa rộng, đời sống sinh hoạt phát triển.
Riêng hai xã Xuân Viên và Xuân Mỹ là hai xã đạt cả 19 tiêu chí nông thôn
mới, được công nhận từ năm 2013.
21
Rừng ở Nghi Xuân chủ yếu là rừng phi lao phòng hộ ven biển chắn
sóng, chắn gió và rừng thông trên núi Hồng Lĩnh để chống xói lở. Hàng
năm thu nhập tài nguyên rừng chỉ đủ để sản xuất mở rộng rừng, thu nhập
dư dôi còn hạn chế. Tuy nhiên, giá trị của việc phủ xanh đất trống đồi trọc
đã mang lại hiệu quả cải thiện môi trường sinh thái rất lớn, đồng thời cũng
góp phần tô đẹp cảnh quan du lịch của “Nghi Xuân bát cảnh”, nghề nuôi
trồng thủy sản và đánh bắt hải sản ở Nghi Xuân đầu thế kỷ XXI đã được
chính quyền cấp huyện cấp xã chú trọng. Từ trước năm 2000, nguồn lợi
kinh tế biển phụ thuộc vào đánh bắt hải sản. Bờ biển Nghi Xuân chạy dài
32km qua các xã Xuân Hội, Xuân Yên, Xuân Thành, Xuân Liên, Cổ Đạm,
Cương Gián. Tuy nhiên, ngư dân chủ yếu là xã Xuân Hội, còn các xã khác
chỉ manh mún. Biển Nghi Xuân dồi dào tôm, cá, mực…hứa hẹn nhiều tiềm
năng kinh tế mang lại từ biển. Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế về vốn, về
kỹ thuật đánh bắt nên hiệu suất khai thác biển chỉ mới đạt 15% đến 20% trữ
lượng.
Những năm gần đây, tận dụng vùng đất cát, nước lợ nên một số hộ
kinh doanh đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm sú. Đặc biệt là xã Xuân Đan,
Xuân Yên, Xuân Trường đã dồn phần lớn đất đai để đào hồ nuôi tôm. Mỗi
năm, nếu thời tiết thuận lợi, Nghi Xuân đã sản xuất và tiêu thụ hàng trăm
tấn tôm sú phục vụ trong ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do trình độ kỹ thuật cũng
như thời tiết dịch bệnh, nghề nuôi tôm dễ bị phá sản.
Ngành công nghiệp Nghi Xuân, ngoài một vài mỏ đá lộ thiên ở Xuân
Viên, Xuân Lĩnh đã và đang được khai thác ra, một số xã vẫn còn có lò
gạch thủ công đầu tư cho xây dựng thì Nghi Xuân chưa có nhà máy sản
xuất đồ uống, chế biến gỗ nào và cũng có dự án khai thác mỏ kim loại màu
nào.
Du lịch là thế mạnh của Nghi Xuân cả núi rừng (Hồng Lĩnh) và biển.
Ngoài Xuân Thành ra Xuân Liên, Cổ Đạm đã có cơ sở du lịch từ năm 1985
nhưng do nguồn vốn đầu tư hạn hẹp nên không được phát triển. Hiện tại đã
22
có gần 100 cơ quan, cá nhân xây dựng khách sạn cho thuê và cho cán bộ
công nhân viên đi nghĩ dưỡng mùa hè. Các xã khác ven núi, ven biển
nhưng chưa dám nghĩ dám làm nên Nghi Xuân chưa có dự án nào lớn về du
lịch để khai thác tiềm năng ngành công nghiệp không khói này.
1.3. Truyền thống lịch sử, văn hóa
Từ thế kỷ XV, vùng đất ba mặt sông – núi – biển này đã trở thành vị
trí chiến lược quân sự không những của vùng Nghệ Tĩnh, Khu 4 mà còn là
cả nước.
Vì thế đã có câu:
Thiên hạ đại loạn
Nghệ An độc an
Nghệ An đại loạn
Nghi Xuân độc toàn. [27, 45]
Nghi Xuân là mảnh đất tiền tiêu án ngữ che chở cho trấn sở Nghệ An
mà ngã ba Tam Chế trở thành cửa dinh lũy của trấn thành này. Hồng Lam
từ lâu đời là biểu tượng của vùng đất Nghệ - Tĩnh (Xứ Nghệ) mà Nghi
Xuân là huyện duy nhất có cả núi Hồng lẫn sông Lam trong địa phận của
mình.
Lịch sử bao đời nay chứng kiến truyền thống yêu nước của nhân dân
Nghi Xuân đứng lên chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ giang sơn bờ
cõi. Từ phong trào gia nhập nghĩa quân Lê Lợi (Thế kỉ XIV), khởi nghĩa
Lam Sơn đến tham gia phong trào Cần Vương của vua Ham Nghi, khởi
nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng, phong trào Hội Duy Tân ... nhiều
tên tuổi người dân Nghi Xuân đã được ghi vào sử sách như Nguyễn Xí,
Trần Đài, Phan Liêu, Phan Khắc Hòe, Trịnh Khắc Lập... Đặc biệt là Hà
Văn Vỹ và Ngô Quảng (Tiên Điền) đã tổ chức thành lập đội “Quân Thư
Nghi Xuân”, một trong 8 đội quân chủ lực hùng mạnh của Khởi nghĩa
Hương Khê đã chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch.
23
Tháng 7/1925, Hội Phục Việt (tiền thân của Đảng Tân Việt) ra đời,
huyện Nghi Xuân đã có cha con cụ Lê Duy Hy, Phan Viết Biểu, Lế Tính,
Hồ Văn Biển… là những hội viên đầu tiên và là đảng viên Đảng Tân Việt
sớm nhất của Nghi Xuân.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng Sản Đông Dương ra đời, các đảng viên
Đảng Tân Việt chuyển sang gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, huyện
ủy Nghi Xuân đầu tiên được thành lập. Nhiều Đảng viên ưu tú đã đứng lên
lãnh đạo quần chúng nhân dân thàm gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh
năm 1930 như Lê Duy Đại, Lê Tính, Đặng Thị Ba, Trần Mạnh Táo, Phan
Hảo, Trần Sĩ Cơ…Nhiều chiến sĩ cộng sản xuất sắc của Nghi Xuân đã hy
sinh anh dũng trong phong trào 1930 -1931.
Từ phong trào Bình Dân (1936 -1939) đến Tổng khởi nghĩa giành
chính quyền về tay nhân dân (Tháng 8/1945), Nghi Xuân đã tổ chức được
nhiều phong trào thu hút quần chúng nhiệt tình hưởng ứng. Nghi Xuân trở
thành cái nôi của cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân
Pháp 9 năm và kháng chiến chống Mỹ 21 năm.
Trong kháng chiến chống Pháp, Nghi Xuân là vùng tự do là địa bàn
chiến lược đóng góp nhiều sức người sức của cho kháng chiến. Hàng ngàn
thanh niên ưu tú vào bộ đội, thanh niên xung phong đi dân công hỏa tuyến
phục vụ mặt trận Trung Lào, Thượng Lào, Biên giới Việt Bắc, Điện Biên
Phủ… Trong phong trào “Tuần lễ vàng” đồng bào Nghi Xuân đã góp được
0,8175kg vàng ủng hộ kháng chiến.
Đến thời kỳ chống Mỹ, Nghi Xuân trở thành tuyến lửa. Cảng Xuân
Hải, Phà Bến Thủy là hai đầu mối huyết mạch giao thông nằm trên địa bàn
của huyện. Ngoài lực lượng trực chiến như giao thông, bộ đội, TNXP, dân
quân, đồng bào Nghi Xuân đã đóng góp hàng vạn ngày công, hàng vạn
gánh tấp bổi, hàng ngàn cây tre chống lầy đảm bảo giao thông ở hậu
phương. Huyện Nghi Xuân cũng đã đóng góp hàng vạn bộ đội, TNXP vào
24
chiến trường miền Nam, giải tỏa Đồng Lộc, quốc lộ 1A, đường Trường
Sơn…
Trong 30 năm (1945 – 1975) kháng chiến chống Thực dân Pháp và
chống Đế quốc Mỹ, huyện Nghi Xuân đã có 4 cán bộ chiến sĩ được phong
tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (trong đó có 3 anh
hùng liệt sĩ), có 48 bà mẹ được nhà nước tôn vinh Mẹ Việt Nam anh hùng.
Đảng bộ và nhân dân huyện Nghi Xuân, xã Xuân Hải, Xuân Giang, Xuân
Lam, Tiên Điền, Xuân Viên, Xuân Hội, Xuân Liên được tặng danh hiệu
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Truyền thống bảo vệ tổ quốc, dành độc lập tự do của người Nghi Xuân
đã được các thế hệ tiếp nối. Mặc dầu cái giá phải trả không nhỏ, hàng ngàn
chiến sĩ đã nằm lại ở chiến trường, hàng chục ngàn thương binh đã để lại
một phần xương máu cho độc lập tự do. Ngày nay, trong công cuộc bảo vệ
bờ cõi đất liền, biển đảo đã có hàng ngàn con em Nghi Xuân đang ngày
đêm canh giữ Trường Sa, Phú Quý, Phú Quốc, Hòn ngư, Thổ Chu, Côn
Đảo… Cuộc chiến đấu mới với thế lực làm càn không chỉ hảo tổn về tiềm
lực mà còn kìm nén trí lực để bảo vệ hòa bình, hạn chế xung đột trong khu
vực.
Bước vào thời kỳ đổi mới, phong trào xây dựng làng văn hóa, thôn xã
nông thôn mới đã và đang trở thành phong trào thi đua yêu nước rầm rộ.
Tính đến cuối năm 2014, Nghi Xuân đã có 2 xã đạt tiêu chí nông thôn mới
toàn diện, 7 xã có số thôn đạt 15/19 tiêu chí và số xã còn lại đều đạt 10 tiêu
chí/19 tiêu chí, 80% thôn, khối phố đạt khối phố văn hóa, làng văn hóa.
Nhiều nhà khoa học, doanh nhân, lãnh đạo người Nghi Xuân đã trưởng
thành. Doanh nhân thì giàu có, cán bộ lãnh đạo có uy tín được dân tin,
nhiều chiến sỹ, nhà hoa học có đề tài cấp nhà nước mang lại hiệu quả kinh
tế lớn được Đảng tin cậy giao nhiều trọng trách lớn lao.
“Nhân tài sinh ra vốn từ phong thổ. Phong thổ vẻ vang là do có nhân tài”.
25
Qua thực tế được các nhân tài ghi chép lại kết hợp với các cứ liệu khảo
cổ học khai quật được ở Nghi Xuân như bãi Phôi Phối (Xuân Viên), khu
vực Đền Huyện (Xuân Giang), Xuân An, Xuân Hội. Cộng với non nước
Lam Hồng, “Nghi Xuân bát cảnh” ba bề núi Hồng, Sông Lam, bờ biển
ngang còn đó đã khẳng định đất Nghi Xuân có từ thời Văn Lang – Âu Lạc.
Đất văn vật sinh ra người, người sinh ra lịch sử văn hóa nối tiếp từ đời này
qua đời khác đã để lại cho mảnh đất địa linh nhân kiệt này nhiều phong tục
tập quán, loại hình văn hóa đặc sắc mà ngày nay được thụ hưởng và phát
huy.
Nghi Xuân là mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa. Năm 1976,
khi khai quật di tích khảo cổ bãi Phôi Phối tại xã Xuân Viên đã xác định
được 2 lớp địa tầng văn hóa cổ. Lớp dưới, sản vật thu được ở thời kỳ đồ đá,
công cụ ghè đẽo thô sơ từ đá gốc như rìu đá, cuốc đá. Lớp trên là đồ gốm
thô và dày thuộc giai tầng văn hóa Thạch Lạc. Khi khai thác phía Bắc bãi
Phôi Phối còn tìm thấy một số bãi mộ chân bằng thạp, bình, liễn, hũ màu da
lươn trên có đậy bát hoặc đĩa. Theo các nhà khảo cổ học thì loại hũ bình 6
nuốm, 4 nuốm là thuộc thời nhà Trần.
Khi di chỉ khảo cổ Đền Huyện (Xã Xuân Giang) xưa kia là làng Tả Ao
gắn liền với nhân vật Thánh sư địa lý Tả Ao có tên là Võ Đức Huyền (có
sách ghi là Nguyễn Đức Huyền). Đền Huyện gọi là đền Tam tòa thờ ông
Lý Nhật Quang con thứ 8 vua Lý Thái Tổ. Khai quật di chỉ này thu được
gốm sành sứ và lò luyện gang tùy theo độ sâu, các nhà khảo cổ xác định
tầng dưới cùng (sâu 1,2m) là gốm Đông Sơn. Tầng thứ 2 là gốm sứ thời Lý.
Tầng thứ 3 là gốm gạch thời Trần. Tầng thứ 4 là gốm sành thời Lê. Lớp
trên cùng là gốm sành thời Nguyễn. Xen giữa các lớp thi thoảng còn phát
hiện ra gốm sứ Trung Hoa và Nhật Bản. Từ đó suy ra khu vực Đền Huyện
Tả Ao có thể xưa kia là một thương cảng sầm uất buôn bán với thương
nhân nước ngoài (Đền Huyện tọa lạc bên bờ sông Lam, cách bến Giang
Đình cũ 200m).