Tải bản đầy đủ (.docx) (17 trang)

Nghiên cứu về nghề thêu quất động trong giai đoạn hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (164.11 KB, 17 trang )

PHẦN MỘT: MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Cách đây từ rất lâu đời, đất Thường Tín ( Hà Nội ) đã được mệnh danh là đất
trăm nghề với những làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Nhân
dân Thường Tín, với bản chất cần củ, thông minh đã chịu khó học hỏi, sáng tạo để chế
biến ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, đặc sắc, đậm đà tính dân tộc. Một trong
những làng nghề thủ công nổi tiếng đi vào ca dao có thể kể tới làng thêu Quất Động:
“Xâm Động là đất trồng hành
Mễ Hòa chẻ nứa đan mành ta mua
Quýt Đức thêu quạt thêu cờ
Nhị Khê tiện gỗ đền thờ chạm hoa”.
Làng thêu Quất Động với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, đã đóng góp
không nhỏ cho tạo dựng bản sắc văn hóa Việt Nam, đã gắn bó, ảnh hưởng tới đời sống
văn hóa kinh tế xã hội cũng như là niềm tự hào cần được giữ gìn và phát huy của
người dân nơi đây.
Tuy nhiên thời gian gần đây, với sự lên nhanh của nền kinh tế thị trường, cùng
với nhiều sự hạn chế về kinh tế, hướng phát triển chưa thật bền vững, phát sinh những
mâu thuẫn,… làng nghề Quất Động không tránh khỏi những thách thức chung cùng với
các làng nghề truyền thống ở Việt Nam hiện nay: nguy cơ mai một những giá trị truyền
thống của làng nghề.
Để cung cấp cho độc giả quan tâm đến nghệ thuật thêu Quất Động những thông
tin, tri thức, nhân định chính xác về giá trị của nghề, làng nghề thêu Quất Động. Đồng
thời góp phần tôn vinh kĩ thuật nghề, những nghệ nhân đá có công đưa làng nghề đến
với ý nghĩa của nó trong việc bảo tồn văn hóa, cũng như thấy được tiềm năng phát
triển của làng nghề trong bối cảnh hiện đại. Nhóm sinh viên chúng tôi chọn đề tài
“Bước đầu tìm hiểu về làng nghề thêu truyền thống Quất Động, Thường Tín, Hà
Nội”.
2. Lịch sử vấn đề
Các làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam đã được nhiều nhà nghiên cứu,
nghiên cứu sinh quan tâm nghiên cứu. Trước hết phải kể đến cuốn “Làng nghề thủ
công truyền thống”, 2001 của Thạc Sĩ Bùi văn Vượng .trong tác phẩm này , Thạc Sỹ


Bùi Văn vượng đã đề cập đến nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng như làng nghề dệt tơ
vải, thổ cẩm ,làng nghề gốm làng nghề quạt giấy làng nghề mây tre đan làng nghề làm
trống … Trong đó có cả nghề thêu với một số làng nghề nổi tiếng như làng thêu Quất
Động, làng thêu Xuân Nẻo, làng thêu ren Văn Lâm... Do nói về nhiều nghề thủ công,
trong mỗi nghề thủ công lại có các làng khác nhau, nên với nghề thêu Quất Động tác
giả chưa đi sâu nghiên cứu về kĩ thuật thêu cũng như nghệ thuật thêu Quất Động mà
chỉ muốn “ tôn vinh nghệ nhân và làng nghề”, “phổ biến tri thức nghề nghiệp vốn rất


phong phú ở đấy” với những nét văn hóa làng nghề tất cả những thuần phong mĩ tục
sinh hoạt làng xóm, đoàn kết cộng đồng tinh hoa nghề nghiện, tài năng nghệ nhân.
Với cuốn “Những bàn tay tài hoa của cha ông”, tác giả Phan Đại Doãn, Nguyễn
Quang Ngọc cũng có đề cập đến làng nghề thêu Quất Động nhưng dưới góc độ lịch sử
những quy trình kĩ thuật sơ lược của nghề thêu trong tạp chí Khoa học của trường Đại
học Sư phạm (số 2/2006) có bài “Một số vấn đề của làng nghề truyền thống Việt Nam
hiện nay” và trong tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 5/1999 có bài “Một số vấn đề về làng
nghề ở nước ta hiện nay”. Các bài này chỉ đề cập đến thực trạng chung của các làng
nghề hiện nay như vấn đề môi trường, vấn đề đầu ra cho sản phẩm, vấn đề nguồn
vốn....
Ở tác phẩm “Hà Tây làng nghề , làng văn” - NXB Văn hóa thông tin- thể thao
(1992) và cuốn “ Thường Tín đất canh hương” - Ban thượng huyện ủy Thường
Tín (2004) các tác giả có những thông tin nghiên cứu khá chi tiết về làng nghề thêu
Quất Động từ lịch sử nghề đến kĩ thuật thêu song lại không đề cập đến thực trạng nghề
thêu Quất Động hiện nay cùng hướng phát triển.
Các tác phẩm, các bài nghiên cứu về làng nghề cũng như nghề truyền thống chỉ
tập trung ở một số vấn đề của làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, ở bài nghiên cứu về
làng nghề thêu Quất Động này nhóm sinh viên thực hiện đã tìm hiểu ,nghiên cứu trên
nhiều vấn đề từ lịch sử nghề đến thực trạng nghề thêu Quất Động hôm nay. Từ các kĩ
thuật thêu đến phương hướng, các giải pháp bảo tồn và phát triển nghề thêu, trong đó
còn có sự so sánh làng nghề thêu Quất Động với các làng nghề thêu nổi tiếng khác.

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu:
Bài viết tập trung nghiên cứu về sự hình thành và sự phát triển thăng trầm của
nghề thêu làng Quất Động qua các giai đoạn, những đặc sắc trong kĩ thuật thêu. Bài
viết cũng chỉ ra thực trạng nghề thêu ở Quất Động hiện nay, từ đó, đưa ra những giải
pháp nhằm góp phần duy trì, bảo tồn và phát triển làng nghề thêu truyền thống Quất
Động.
Phạm vi nghiên cứu: Làng nghề thêu Quất Động – Quất Động – Thường Tín –
Hà Nội.
4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp điền dã
- Phương pháp so sánh
- Phương pháp lịch sử
- Phương pháp logic.


PHẦN HAI: NỘI DUNG
1. KHÁI QUÁT VỀ LÀNG, LÀNG NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG
1.1. Khái niệm nghề, làng nghề thủ công truyền thống
a. Nghề thủ công truyền thống
Nghề thủ công ra đời từ thưở bình minh của lịch sử loài người, khi mà con người
có nhu cầu về ăn, mặc, ở và những vật dụng cho cuộc sống ( cách đây hàng vạn
năm ). Từ thưở ban đầu ấy, tất cả vật dụng đều đơn giản, thô sơ. Để cho việc thủ công
ngày càng chuyên môn hóa và phân lập thành các nghề thủ công thì phải có sự phân
công lao động tạm thời. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những công xưởng bằng đá
thành lập từ cuối thời kì đồ đá. Qua thời đại đồ đá đến thời đại kim khí, nhiều nghề thủ
công đã hình thành và phát triển, nhiều nghề thủ công đã tách khỏi nông nghiệp.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nghề thủ công truyền thống vẫn trường tồn
cùng lịch sử dân tộc và tiếp tục phát triển cả về sau này. Nghề thủ công truyền thống
còn nhiều tên gọi khác như: nghề truyền thống, nghề cổ truyền, nghề phụ, nghề tiểu thủ
công nghiệp… bao gồm rất nhiều nghề: chạm khắc gỗ, làm bánh dày, làm mây tre đan,

làm nón, khảm trai, dệt lụa, thêu, kim hoàn, làm quạt giấy… Những nghề đó muốn gọi
là nghề truyền thống phải đầy đủ các tiêu chí sau:
- Đã hình thành, tồn tại và phát triển lâu đời ở nước ta.
- Sản xuất tập trung, tạo thành các làng nghề, phố nghề
- Có nhiều nghệ nhân tài hoa và đội ngũ thợ lành nghề.
- Kĩ thuật và công nghệ khá ổn định của Việt Nam
- Sử dụng nguyên liệu tại chỗ hoặc hầu hết trong nước.
- Sản phẩm tiêu biểu và độc đáo ở Việt Nam, có giá trị và chất lượng cao, vừa là
hàng hóa, vừa là sản phẩm văn hóa nghệ thuật, thậm chí trở thành di sản văn hóa của
dân tộc, mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
- Là nghề nghiệp nuôi sống một bộ phận dân cư của cộng đồng, có đóng góp
đáng kể vào kinh tế ngân sách nhà nước, địa phương.
b. Làng nghề thủ công truyền thống
Làng nghề là làng cổ truyền làm nghề thủ công truyền thống. Ở đó, không nhất
thiết tất cả dân làng đều sản xuất hàng thủ công những việc sản xuất phải mang tính
chuyên môn hóa cao, có tính hệ thống, có ảnh hưởng đến cả vật chất và tinh thần của
làng.


Làng nghề thủ công truyền thống là trung tâm sản xuất làng thủ công, nơi quy tụ
các nghệ nhân và nhiều hộ gia đình chuyên làm nghề mang tính truyền thống lâu đời,
có sự liên kết hỗ trợ sản xuất, bán sản phẩm theo kiểu phường hội, kiểu hệ thống
doanh nghiệp vừa và nhỏ, có cùng Tổ nghề và các thành viên luôn ý thức tuân thủ
những ước chế xã hội và gia tộc. Sự liên kết hỗ trợ nhau về nghề, kinh tế kĩ thuật, đào
tạo thợ trẻ giữa các gia đình cùng dòng tộc, cùng phường nghề trong quá trình lịch sử
hình thành, phát triển nghề nghiệp đã hình thành ngay trên đơn vị cư trú, làng xóm
truyền thống của họ.
1.2. Một số đặc điểm của làng nghề thủ công truyền thống
a. Tồn tại ở nông thôn và gắn bó chặt chẽ với nông nghiệp.
Các sản phẩm thủ công được sản xuất ở nông thôn, ban đầu chỉ phục vụ nhu

cầu của của gia đình, làng xã, dần dần các sản phẩm mang tính hàng hóa. Nghề
tiểu thủ công nghiệp dần tách ra khỏi nông nghiệp nhưng không tách khỏi nông thôn.
Hầu hết các họ chuyên làm nghề thủ công đồng thời cũng là những người nông dân.
Trong làng nghề vẫn có những hộ gia đình thuần nông.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp và sản xuất kinh doanh thủ công nghiệp ở các
làng nghề đan xen nhau, tạo nên sắc thái riêng của làng nghề thủ công truyền thống.
b. Thường sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ
Các sản phẩm thủ công đơn giản, đáp ứng nhu cầu tiêu dung được sản xuất từ
nguyên liệu có sẵn trong vùng.
c. Kĩ thuật sản xuất thô sơ, đơn giản, chủ yếu là kĩ thuật thủ công.
Công cụ sản xuất của thợ thủ công hết sức đơn giản. Với người thợ thêu chỉ cần
có khung thêu, kim chỉ, vải. Các sản phẩm thủ công truyền thống được làm ra hầu hết
dựa vào đôi bàn tay khéo léo, đức tình cần cù, tính thẩm mĩ, sáng tạo của người thợ,
người nghệ nhân.
d. Phương pháp dạy nghề chủ yếu được thực hiện theo phương thức truyền nghề, dựa
vào trình độ của nghệ nhân và đội ngũ thợ lành nghề.
Việc dạy nghề theo phương thức cha truyền con nối và trong khuôn khổ từng
làng. Những nghệ nhân có vai trò quan trọng đối với làng nghề. Họ nắm giữ bí quyết
nghề nghiệp để truyền nghề và chính tài năng của họ đã tạo nên những sản phẩm độc
đáo, tinh xảo, mang giá trị vật chất và nghệ thuật cao.
e. Sản phẩm thủ công mang tính độc đáo, có tính mỹ thuật cao, đậm đà bản sắc dân
tộc.


Các sản phẩm thủ công sản xuất bằng tay nên không sản xuất một cách ồ ạt và
mang tính rập khuôn. Các sản phẩm đều là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương
pháp thủ công và sự sáng tạo nghệ thuật. Mỗi một làng nghề lại có một nét đặc trưng
riêng, mang bản sắc văn hóa địa phương và dân tộc.
1.3. Vai trò của làng nghề thủ công
Nghề thủ công truyền thống có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Làng nghề thủ công truyền thống đã giải quyết việc làm cho người lao động ở nông
thôn, nâng cao mức sống cho người dân và hạn chế di dân tự do. Sản phẩm của làng
nghề là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa ở nông thôn, tăng
sức mua cho thị trường nông thôn. Các làng nghề hàng năm đã sản xuất một lượng
sản phẩm hàng hóa to lớn, góp phần tăng giá trị tổng sản phẩm hàng hóa cho nền kinh
tế.
Sự hình thành, mở rộng và phát triển các làng nghề có vai trò quan trọng đối
với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa,
hiện đại hóa. Các làng nghề sẽ là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, là nấc thang
phát triển quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa nông thôn ở nước ta. Các làng
nghề còn có thể thu hút vốn nhàn rỗi trong nhân dân để sản xuất, tận dụng thời gian
và lực lượng lao động ngay tại địa phương.
Các sản phẩm của làng nghề thủ công mang tính nghệ thuậ cao, mang đặc
trưng riêng của làng nghề, vượt qua những giá trị hàng hóa đơn thuần để trở thành sản
phẩm văn hóa, biểu tượng đẹp đẽ của làng nghề và đôi khi của cả dân tộc. Những sản
phẩm này bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật, kĩ thuật truyền thống từ đời này sang đời
khác, hun đúc nên từ các thế hệ nghệ nhân tài hoa. Vì vậy, làng nghề thủ công truyền
thống góp phần vào việc giữ gìn, bảo tồn các văn hóa dân tộc.
Làng nghề thủ công truyền thống cũng có vai trò quan trọng đối với du lịch. Đây
là một tài nguyên du lịch độc đáo với cảnh quan, các di tích, lễ hội, các hoạt động nghề
nghiệp với hình mẫu cơ sở sản xuất, công cụ, sản phẩm, các thao tác của nghệ nhân,
làng nghề thực sự trở thành một bảo tang sống động về truyền thống của một vùng đất.
Chính sự phát triển của làng nghề thủ công truyền thống sẽ biến làng trở thành làng
nghề du lịch hấp dẫn. Các sản phẩm thủ công trở thành hàng lưu niệm quý giá, nhanh
chóng tạo thành thị trường quan trọng, được nhiều người biết đến.
2. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA LÀNG NGHỀ THÊU QUẤT ĐỘNG
2.1. Khái quát về làng Quất Động
Làng Quất Động thuộc xã Quất Đông, ở bên trái quốc lộ I, thuộc huyện Thường Tín - Hà
Nội, nằm cạnh quốc lộ 1A, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km. Xã Quất Động có diện tích: 4,83 km², phía Đông giáp xã
Chương Dương (sông Hồng ), phía Tây giáp xã Nguyễn Trãi, phía Nam giáp xã Thắng Lợi, phía Bắc giáp xã Hà Hồi. Xã ở

gần giữa hai ga xe lửa xuyên Việt, cũng là nơi có hai chợ lớn của vùng: chợ Vối và chợ Tóa. Từ xưa, đây đã là nơi có
đường giao thông rất thuận lợi cho sự phát triển của làng nghề.


Thời Nguyễn, Quất Động là một trong chín xã thuộc Tổng Bình Lăng Phủ
Thường Tín trấn sơn Nam Thượng. Ngày nay, tên Quất Động được lấy làm tên xã có 8
thôn: Quất Động, Quất Lâm, Quất Tỉnh, Đức Trạch, Đô Quan, Nguyên Bì, Bì Hướng
( Hướng Xá và Bì Xá ) và Liêu Xá.
Làng Quất Động là một làng lớn với dân số chiếm 2/3 số dân toàn xã.
Quất Động có truyền thống Cách Mạng. Thời chống Pháp vì là nơi có nhiều
phong trào kháng chiến mạnh nên giặc Pháp đã tràn về đốt đình chùa, nhà dân và giết
nhiều người vô tội. Ngày mồng 9 tháng Mười một năm Mậu Tý ( 1948 ) đã trở thành
ngày Giỗ trận của làng.
Quất Động cũng là đất hiếu học. Tại Văn Miếu ( Hà Nội ) còn ghi tên hai vị trong
văn bia là: Phạm Thế Hồ (1565) đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1610), và Trần Khái đỗ
Tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1637). Người làng Quất Động khéo tay hay làm, ruộng đất tuy ít
( 220 mẫu canh tác ) nhưng nhờ có tay nghề tinh xảo, đến nay nhà nhà đã ngói hóa, có
điện thắp sáng và nước sạch. Trường học, nhà trẻ mẫu giáo và đường đi lại khang
trang, sạch đẹp
Đình chùa của làng đã được tu tạo giữ gìn, được nhà nước xếp hạng di tích lịch
sử.
Làng được tỉnh công nhận là làng nghề năm 2001.
2.2. Truyền thuyết về ông tổ nghề thêu và những nơi tôn thờ
Có nhiều người viết về ông tồ nghề thêu làng Quất Động.Có người viết ông
là người họ Bùi.Có người viết ông là người họ Lê.Lại có người viết ông tên thật là
Trần Quốc Khái vốn gốc người họ Mạc.Cũng có người viết ông là người làng
Nguyên Bì (Một làng thuộc xã Quất Động – Thường Tín – Hà Nội.
Theo ý kiến của cụ Bùi Trần Nội 72 tuổi – người trông giữ đình làng Quất Động
thì ông tổ nghề thêu tên là Bùi Công Hành, người làng Quất Động. Cuối đời Trần ông đi
dự thi vừa lúc quân Minh sang xâm lược nước ta nên khoa thi bị lỡ dở. Ông ẩn náu rồi

tìm theo Lê Lợi chống quân Minh. Cuộc bình Ngô thành công, ông được Lê Thái Tổ
trọng dụng. Đến thời Lê Thái Tông, ông dẫn đầu đoàn sứ bộ của triều đình sang nhà
Minh. Vua nhà Minh muốn thử trí thông minh của sứ thần nhà Lê bèn cho dựng một lầu
cao chót vót rồi mời ông lên chơi. Khi ông đã lên lầu chúng bèn rút thang, không còn lối
xuống nữa ông đành ở trên lầu một mình. Đưa mắt nhìn quanh lầu, ông chỉ thấy 2 pho
tượng sơn son thiếp vàng và một chum nước cùng hai cái lọng cắm trước bàn thờ.
Ngoài cửa lầu treo một bức nghi môn thêu nổi ba chữ “Phật tại tâm”. Một ngày rồi hai
ngày trôi qua, chỉ có một mình trên lầu vắng bụng đói mà không có cơm ăn, ông nghĩ
bụng: có chum nước để uống chắc phải có cái ăn. Ông quay ra ngắm bức nghi môn rồi
lẩm nhẩm: “Phật tại tâm” nghĩa là phật ở trong lòng. Ông gật đầu mỉm cười rồi bẻ tay
bức tượng ăn thử xem sao, thì ra hai pho tượng được nặn bằng bột chè lam. Có thức
ăn, thức uống, hàng ngày ông quan sát kĩ cách làm lọng. Nhập tâm cách làm lọng rồi


ông lại hạ bức nghi môn xuống tháo ra xem cách thêu. Nhờ cách ấy ông đã học được
cách làm lọng và cách thêu nổi. Sau đó ông đã mạnh bạo dùng cái lọng làm dù nhảy
xuống đất an toàn. Sau thấy cách ứng xử thông minh ấy vua nhà Minh rất khâm phục.
Khi về nước dù làm quan trong triều ông vẫn tranh thủ về dạy dân làng trong
vùng cách làm lọng và cách làm hàng thêu.
Với những công lao và đóng góp của mình, vua Lê phong ông làm Kim tử vinh
lộc đại phu sung chức tả thị lang bộ công tước thanh lương hầu và cho theo họ Vua,
đổi thành Lê Công Hành. Khi ông mất được truy tặng Thượng thư Thái bảo Lương
quận công.
Như vậy có thể nói rằng, nghề thêu, đặc biệt là cách thêu màu nổi (dân thợ quen
gọi là kiểu thêu Bắc Kinh) ở Quất Động có từ giữa thế kỉ XV đời vua Lê Thái Tông
(1433 – 1442), tính đến nay đã gần 300 năm.
Khi Lê Công Hành học được nghề thêu thời ấy có hàng chục làng trong vùng
được truyền nghề trực tiếp, theo địa danh thời nghĩa là các xã: Quất Động, Tam Xá
(gồm các thôn Nguyên Xá, Bì Xá, Lưu Xá), Vũ Lăng (gồm các thôn Đào Xá, Khoái Nội,
Khoái Cầu), Hướng Dương (gồm các thôn Hướng Xá, Hướng Dương) và Hương Giai.

Năm xã này dựng chung một đền thờ ông ở thôn Hướng Xá (nay thuộc xã Quất Động)
gọi là đền Ngũ Xã. Giỗ ông vào ngày 12 tháng 6 âm lịch.
Năm 1994, họ Bùi Trần Quất Động cũng xây cất mộ nhằm tưởng nhớ công lao
của vị tổ nghề. Trên tấm bia mộ có ghi rõ tên, chức tước, năm sinh, năm mất của cụ tổ
nghề. Mộ hiện đặt tại xóm 1, đội 5 thôn Quất Động.
Ngoài ra ở một số tỉnh khác như Nam Định, Lâm Đồng (Đà Lạt) nơi có nghề thêu
cũng dựng đền thờ ông.
2.3. Nghề thêu làng Quất Động qua các thời kỳ
a. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945
Ở nước ta thời vua Hùng người Lạc Việt đã biết “mặc áo chui đầu, cài khuy bên
trái, các cô gái mặc váy áo thêu”. Sử sách cũ còn ghi: Đời Trần vua quan nước ta đã
dùng lọng và đồ thêu. Như vậy nghề thêu đã có ở nước ta từ rất sớm nhưng rất tiếc
không được ghi chép đầy đủ.
Giai đoạn từ năm 1900 đến năm 1918, sách “Tiểu thủ công nghiệp Việt Nam”
của Vũ Huy Phúc có viết: “Ở Hà Đông nghề xếp đầu tiên là nghề thêu” và nhắc lại
nguồn gốc nghề có từ thời Lê do Lê Công Hành dậy dân vùng Quất Động.
Giai đoạn từ năm 1919 đến năm 1923 sách trên lại chép: “Tại hội chợ Hà Nội
năm 1919 có 264 gian hàng, Hà Đông có 12 mặt hàng trong đó có đồ thêu” hẳn cũng là
đồ thêu của thợ vùng này.


Sách “Hà Đông tỉnh địa dư chí” của J.Rowan (xuất bản năm 1925) nói cụ thể
hơn về số thợ thêu trong vùng: Quất Động 600 người, Vũ Lăng 600 người, Bình Lăng
40 người, Tam Xá 50 người.
Trong phong tròa chấn hưng công nghệ do Hoàng Trọng Phu (Tổng đốc Hà
Đông) khởi xướng vào những năm 30 của thế kỉ trước nghề thêu của vùng Quất Động
được phát triển mạnh. Thời đó đã có xưởng thêu lớn ở Hướng Dương thu hút hàng
trăm tay thợ của cả vùng thêu Quất Động.
Vào năm 1939 theo thống kê số thợ thủ công Việt Nam cử Bulletin, cả Bắc Kỳ khi
đó có 2315 thợ thêu tập trung ở 4 vùng lớn ứng với tứ trấn quanh Hà Nội xưa. Trong đó

số ít cũng có quá nửa là thợ Hà Đông tập trung ở vùng Quất Động.
Có thể đây là thời cực thịnh của nghề thêu trong toàn xứ nói chung và vùng Quất
Động nói riêng. Từ năm 1940 khi Nhật nhảy vào Đông Dương trở về sau, nghề thêu
lâm vào cảnh đình đốn kéo dài.
b. Thời kỳ hợp tác hóa nông thôn (từ 1956 đến 1986)
Sau hòa bình lặp lại ở miền Bắc (1954) và cải cách ruộng đất (1955 – 1956) kế
hoạch phục hồi kinh tế của nước ta đạt rất nhiều thành tựu, phong trào hợp hóa ở nông
thôn lên cao. Cùng với nông nghiệp nhiều hợp tác xã thủ công nghiệp cũng được thành
lập trong đó có hợp tác xã thêu.
Thời nghề thêu phát triển rầm rộ nhất (1972 – 1986) riêng ở huyện Thường Tín
vốn là quê gốc nghề thêu nên nghề này từ Quất Động, Thắng Lợi đã được nhân rộng ra
hầu khắp các xã trong huyện: Lê Lợi, Dũng Tiến, Nguyễn Trãi, Chương Dương,...
Sau khi có chính sách khoán 10 ở nông thôn cộng với việc mất thị trường truyền
thống do chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã các hợp tác
xã thủ công nghiệp trong đó hợp tác xã thêu dần dần giải thể và nghề thêu lại một lần
nữa lắng xuống. Theo ý kiến của cụ Bùi Thị Hánh 74 tuổi – một người có thâm niên hơn
50 năm trong nghề thêu cho biết: tình hình trong nước lúc đó có rất nhiều biến động đã
tác động mạnh mẽ đến nghề thêu ở Quất Động. Lúc đó các nguồn hàng thêu dường
như không có, người dân tưởng chừng như không thể tiếp tục theo nghề.
c. Thời kỳ đổi mới
Chủ trương xóa bỏ nền kinh tế bao cấp, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định
hướng Xã hội chủ nghĩa của Đảng từ Đại Hội lần thứ VI (1986) được thực hiện đã đưa
nền kinh tế nước ta sang một giai đoạn phát triển mới trong đó có nghề thủ công nói
chung và nghề thêu nói riêng.
Tại Hà Tây năm 1996 có 839 làng nghề thủ công, đến năm 2000 đã lên 972 làng
trong đó cos 120 làng được phong danh hiệu làng nghề. Quất Động là một trong số
những làng đạt danh hiệu ấy.


Tính đến 01/02/2002 làng nghề thêu Quất Động có hơn 400 hộ làm nghề thêu (hầu như cả làng) thu hút gần 1000 lao

động . Thu nhập từ nghề thêu chiếm hơn 40% tổng thu nhập hàng năm. Cả làng giàu lên nhờ nghề thêu.

Nhưng một vài năm gần đây, nghề thêu của làng Quất Động dường như lại lắng
xuống, không phát triển như những năm trước đó.
Về thăm làng thêu hôm nay không chỉ có các nhà báo, những người tìm học nghề
mà còn có nhiều khách nước ngoài tìm đến tận nơi để đặt hàng và mua hàng theo ý
muốn. Họ không chỉ biết đến nghề thêu Quất Động mà còn biết đến cả các nghệ nhân
có tay nghề cao như: nghệ nhân Bùi Đình Hán (đã mất), nghệ nhân Phạm Viết Tương
(đã mất), nghệ nhân Phạm Viết Đinh (đã mất), cụ Bùi Thị Tuyết, cụ Bùi Thị Hánh, cô
Hoàng Thị Khương, chú Hoàng Viết Chỉnh,...
Về thăm làng Quất Động chúng tôi tìm đến nhà cô Hoàng Thị Khương – 46 tuổi
tại xóm 1, đội 5, làng Quất Động. Cô sinh ra trong một gia đình có truyền thống với 3
đời theo nghề thêu. Khi mới lên 8 tuổi, sau một trận sốt cô đã bị liệt mất một chân. Sau
đó cô đã được mẹ dạy cho nghề thêu. Lúc đầu cô học thêu chỉ đẻ giết thời gian. Nhưng
rùi niềm đam mê với những đường kim mũi chỉ đã khiến cô hăng say, gắn bó với nghề
thêu. Với đôi tay khéo léo, sự tự mỉ, niềm say với nghề thêu cô đã tạo ra rất nhiều sản
phẩm thêu đẹp, bắt mắt, công phu như: bức tranh Nam Phương hoàng hậu, Cảnh làng
quê, thiếu nữ bên hoa huệ,...Tranh của cô đã được mời tham dự triển lãm tại: the
Gadern, Tuần lễ hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2010do sở Công thương tổ chức
04/08 – 09/08/2010 tại Cung văn hóa Lao động Hữu Nghị. Tranh của cô cũng được rất
nhiều khách nước ngoài yêu thích và đặt mua. Dù chưa có danh hiệu nhưng cô xứng
đáng được coi là một nghệ nhân.
3. KĨ THUẬT THÊU QUẤT ĐỘNG
3.1. Công vụ nghề thêu
Với nghề thêu truyền thống , chủ yếu thêu tay thì công vụ đầu tiên là khung thêu.
Khung thêu khá đa dạng: khung chữ nhật, khung tròn, khung gạn,… phục vụ thêu các
sản phẩm khác nhau.
- Đê đeo tay: Được làm bằng đồng hoặc bằng nhôm cứng. Đeo đê vào đầu ngón
tay giữa để khi đẩy kim không bị thủng đầu ngón tay.


- Kim thêu: Kim có nhiều loại to nhỏ khác nhau ứng với các số từ 1 đến 11.
Thông thường người ta dung kim số 7 hoặc 8. Đặc biệt khi sửa tỉa những họa tiết quan
trọng có thể dùng kim số 10 hoặc 11, là hai loại kim được coi là nhỏ nhất.
- Dụng cụ cắt tỉa: Thường dùng mảnh bát sứ vỡ vì mảnh vỡ có mép, bề mặt
cong nhẵn khi đưa cắt chỉ không làm xước mặt nền, khi cần dùng cả kéo.
3.2. Nguyên liệu thêu


Nguyên liệu thêu gồm có: vải làm nền thêu, vải làm lót, chỉ thêu
a. Về vải làm nền thêu
Là các loại vải sa tanh, lụa tơ tằm hoặc lụa tổng hợp. Đó các loại vải có bề mặt
mịn, khi thêu sẽ giữ được đường chân chỉ đều, đẹp hơn các loại vải khác và có bề mặt
thô
b. Vải làm lót
Là loại vải phin thường dùng để lót phía dưới vải nền. Tác dụng chủ yếu của
vải lót là khi thêu đường chân chỉ ở các họa tiết được đảm bảo đúng kĩ thuật hơn.
Mặt khác vải lót giữ cho vải nền đỡ bị vấy bẩn trong thời gian thêu.
c. Chỉ thêu
Có ba loại chỉ thường dùng trong nghề thêu là: Chỉ màu(sợi bông), chỉ tơ tằm và
kim tuyến:
- Chỉ màu trước đây thường mua từ Trung Quốc có độ bền bóng đẹp, nhiều
màu, thuận tiện cho thợ thêu. Hiện nay tại Việt Nam nhà máy dệt 8 – 3 đã sản xuất
được loại chỉ này với giá rẻ hơn
- Chỉ tơ tằm có độ bền cao, bóng và đẹp dùng để thêu truyền thần và các sản
phẩm may mặc cao cấp, áo Kimono,…
- Chỉ kim tuyến: là loại chỉ được bọc một loại nhũ óng ánh bên ngoài, đường kính
của chỉ kim tuyến to hơn sợi chỉ màu thông thường
Chỉ kim tuyến dùng để thêu các trang phục truyền thống như là các bộ tranh
phục của sân khấu Tuồng, Chèo cổ,… chỉ kim tuyến phải được bảo quản cẩn thận bởi
nó rất dễ bắt bụi hoặc rối chỉ

d. Cách nhuộm màu
Do kĩ thuật nhuộm màu của nước ta cho đến cuối thế kỉ 19 vẫn chủ yếu được chế
ra từ những chất hữu cơ, việc pha nhuộm màu không được phong phú và tiện lợi như kĩ
thuật dùng thuốc nhuộm sau này. Chỉ thêu khi đó thường được nhuộm 5 màu: vàng, đỏ,
tím, lam, lục. Toàn bộ sáng tạo nghệ thuật của mình đều bị bó buộc vào năm loại màu đó,
người thợ thêu dù có tài hoa đi mấy đi nữa thì tác phẩm của họ cũng không tránh khỏi
hạn chế về màu sắc.
Hiện nay kĩ thuật nhuộm màu của nước ta đã hiện đại, phong phú hơn rất nhiều.
Chỉ từ ba màu cơ bản: Đỏ, vàng, lam có thể tạo ra được tất cả các màu cần thiết.
3.3. Kỹ thuật thêu


Để tạo ra được một sản phẩm thêu, những người thợ đã phải làm rất nhiều công
đoạn:
Trước tiên, để có thể thêu, người thợ cần in mẫu thêu lên vải. Để in được mẫu
thêu lên vải cũng cần trải qua rất nhiều các bước:
+ Bước 1: Vẽ hình mẫu thêu lên nền giấy trắng, sau đó chỉnh sửa lại từng đường
nét của họa tiết sao cho mềm mại đơn giản mà vẫn giữ được đặc điểm riêng biệt của
từng họa tiết đó.
+ Bước 2: Căn lại hình mẫu từ nên giấy trắng lên nền giấy bóng. Sau đó dung
kim châm thủng theo đường nét của họa tiết hình mẫu trên giấy bóng. Mỗi lỗ kim cách
nhau 1mm.
+ Bước 3:
● Làm mực in: Dùng dầu hỏa để ngâm giấy than ( hoặc bột vẽ màu đen) làm
mực đen, ngâm bột vẽ màu trắng làm mực nước trắng, khi in vải thì dùng mực đen và
ngược lại
● Làm bút: dung một que dài 40cm đầu cuốn bong
● Cách in: đặt mẫu đã được châm kim lên trên nền vải thêu. Bóc giấy bóng ra, ta
sẽ có mẫu hình in trên vải cần thêu. Lặp đi lặp lại cách này nhiều lần ta sẽ có nhiều
hình mẫu như ý.

Sau khi đã in được mẫu lên vải, người thợ bắt đầu thêu. Theo ý kiến của cô
Hoàng Thị Khương, 48 tuổi, một người đã gắn bó với nghề thêu hơn 30 năm thì có 9
cách thêu cơ bản: thêu bạt, thêu lướt, thêu vờn, thêu nối đầu, thêu sa hạt, thêu chăng
chặn, thêu bó, thêu đâm xô kuyện màu, thêu bó. Mỗi nghệ thuật thêu lại có sự khéo léo,
tinh tế riêng:
+ Thêu bạt: Tức là thêu chéo canh chỉ, được áp dụng rất nhiều mẫu thêu như: lá
cây, cành cây, đường triệu, hoa văn,… người thợ giỏi kĩ thuật thêu bạt sẽ giỏi cả thêu
lướt và thêu vờn.
+ Thêu lướt: Tức là thêu lẫn mũi chỉ: được áp dụng thêu các loại họa tiết nhỏ
như: cành cây, sống lá… Thêu mũi chỉ thứ nhất khoảng 3mm nằm dọc theo nét vẽ. Mũi
chỉ thứ hai lên kim cách mũi chỉ thứ nhất 1mm và xuống kim lấn lên 2/3 của mình chỉ
thứ nhất. Mũi chỉ thứ ba lên kim cách mũi chỉ thứ hai 1mm và xuống kim lấn lên 2/3 của
mũi thứ hai. Cứ thế theo tuần tự như trên.
+ Thêu vờn: Tức là thêu đường chân chỉ ở lớp thêu sau chờm lên đường chân
chỉ của lớp thêu trước tạo thành những họa tiết có thể cùng màu hoặc khác màu,
nhưng vẫn có sự phân cách bằng đường chân chỉ. Thêu vờn được áp dụng để thêu
các loại hoa có cánh hoa ở phía ngoài để lấp một phần cánh hoa bên trong, và thêu
cánh các loại chim.
+ Thêu nối đầu: Tức là thêu đầu mũi chỉ thêu sau nối vào cuối mũi chỉ thêu trước
tạo thành các nét cong theo yêu cầu của mẫu thêu. Thêu nối đầu thường áp dụng để
thêu các họa tiết như lá tre, lá cỏ và các đường nét nhỏ.


+ Thêu chăng, chặn: Tức là thêu chăng tạo thành các đường chỉ dài, sau đó thêu
chặn để giữ cho đường chỉ dài nằm đúng vị trí, khong bị xô lệch.
+ Thêu bó: Tức là thêu canh chỉ. Các mũi chỉ có thể nằm sát nhau để tạo thành
các họa tiết kín hoặc có thể cách nhau một khoảng đều nhất định, tạo thành họa tiết
trang trí cho mẫu thêu. Áp dụng thêu chăng để thêu kín phần họa tiết cần thêu bó. Khi
thêu bó, chọn chỉ phù hợp với màu chỉ chăng, lên kim ở nét vẽ họa tiết bên này; xuống
kim ở nét vẽ họa tiết bên kia. Trước là bó ngang lấy toàn bộ phần họa tiết vừa thêu

chăng. Tùy theo yêu cầu của họa tiết mà ta thêu mà ta thêu bó kín toàn bộ hoặc bó hở
từng phần họa tiết.
+ Thêu đột: Tức là thêu từng mũi chỉ một đứng độc lập và nổi trên nền vải tạo
thành cá ganh chỉ từng mảnh, từng mảnh kết hợp với nhau. Thêu đột được áp dụng để
thêu các nền đất, nhụy hoa, mái ngói.
+ Thêu sa hạt: Tức là thêu cốn mũi chỉ để tạo thành các hạt của nhụy hoa và
thêu mào của một số loài chim. Dùng chỉ phù hợp với yêu cầu của mẫu thêu, lên kim ở
đúng vị trí cần sa hạt; tay phải cầm kim; tay trái cuốn sợi chỉ đang thêu quanh mũi kim
từ 1-3 vòng. Tùy theo nhụy to hay nhỏ mà cuốn nhiều hay ít vòng.
+ Thêu đâm xô luyện màu: Tức là thêu so le quyện các mũi chỉ vào nhau tạo
thành các mảng có họa tiết có các màu đậm nhạt xen lẫn nhau. Thêu đâm xô luyện
màu được áp dụng thêu những mảng phông nền hoặc thêu truyền thần ảnh.
Ngoài 9 cách thêu cơ bản trên, còn rất nhiều cách thêu sửa tỉa. Đây là công việc
cuối cùng để hoàn chỉnh các họa tiết thêu. Bất cứ áp dụng kĩ thuật cao để thêu một họa
tiết thì cuối cùng vẫn phải sửa tỉa cho đúng mẫu hơn; cách pha màu cùng đẹp hơn. Kĩ
thuật thêu sửa tỉa là tổng hợp các kĩ thuật thêu cơ bản nói trên.
Không phải bất cứ người thợ nào cũng thành thạo, sử dụng tốt các kỹ thuật thêu
nói trên. Cần phải trải qua thời gian, học hỏi thêm thì những người thợ mới có thể vận
dụng những kĩ thuật thêu tạo nên những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo.
3.4. Các sản phẩm thêu
Thời kì đầu, nghề thêu chủ yếu là thêu câu đối, trướng, tàu lọng… thở ở các
đình chùa; các loại khăn chầu; áo ngự, mũ miện cho vua chúa… Các sản phẩm thêu
thường nặng về giá trị sử dụng và kĩ thuật còn đơn giản.
Dần dần, theo nhu cầu của thị trường và tài hoa của người thợ, mẫu mã hàng
thêu ngày một phong phú, đa dạng hơn. Từ các mặt hàng thêu trắng đến các mặt hàng
thêu màu; từ các mặt hàng phục vụ đời sống đến các mặt hàng phục vụ nhu cầu
thưởng thức mĩ thuật,… mặt hàng nào cũng đòi hỏi người thợ thêu tính kiên trì, sáng
tạo.
Có thể phân thành các nhóm hàng sau:



- Hàng dùng để thờ cúng
Gồm câu đối, nghi môn, tàn lọng, cờ, biểu, các loại trướng, các loại khăn trầu,
các ngự, các loại trang phục sân khấu cổ truyền… loại này thường thêu các họa tiết tứ
kinh, tứ quý…
- Hàng phục vụ sinh hoạt đời sống:
Gồm mặt gối, ga trải giường, khăn tắm, rèm cửa, áo dài, áo phông, áo ki-mô-nô,
các loại túi xách. Loại này thường thêu các họa tiết chim muông, hoa lá…
- Hàng tranh mỹ thuật:
Gồm tất cả các tác phẩm hội họa được người đặt hàng ưa thích. Từ các sản
phẩm của danh họa nổi tiếng của danh họa phương Tây, phương Đông, đến các tác
phẩm hội họa dân gian Việt Nam như tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ… đều được
các nghệ nhân thêu trên vải một cách tinh xảo.
- Mặt hàng cao cấp đòi hỏi tay nghề cao hơn cả là thêu tranh chân dung.
Bức tranh chân dung Bác Hồ cỡ lớn của nghệ nhân Phạm Viết Tường là một tác
phẩm thêu chân dung tiêu biểu. Bức chân dung này đã được rước trên kiệu bát cống
của đoàn Quất Động tham gia ngày Hội và các làng nghề truyền thống ở Hà Nội năm
1995. Bức tranh hiện nay được treo ở UBND xã Quất Động.
3.5. So sánh thêu Quất Động với một số vùng
Thợ thêu Quất Động và thợ thêu nói chung là những người khéo tay, có con mắt
thẩm mĩ, hết sức cần cù và tỉ mì. Những đức tính ấy, năng khiếu ấy là yêu cầu cơ bản
đối với mỗi người thợ thêu để có thể tao ra những sản phẩm tinh tế, hòa hợp với mày
sắc và hoa văn trên nền lụa, vải, tạo nên nét đặc sắc trong nghệ thuật thêu Quất Động.
Xưa kia, thợ thêu Quất Động chủ yếu là thơ câu đối, trướng, nghi môn,… thờ ở
các đình, chùa, ở cung điện; các loại khăn chầu, áo ngự, mũ, hia… của vua chúa. Kĩ
thuật thêu cũng đơn giản, màu sắc chưa thật phong phú như ngày nay. Đến thể kỉ XX,
nghề thêu đã phát triển lên một bước mới. Đề tài để sản xuất những sản phẩm thêu đã
phong phú hơn rất nhiều. Người thợ thêu đã sáng tạo nên nhiều mẫu thêu long
phượng, hoa lá, chim công, đặc biệt là mẫu thêu chân dung và mẫu thêu phong cảnh.
Với đôi bàn tay khéo léo và bộ óc sáng tạo của người thợ thêu Quất Động, các mẫu

thêu từ truyền thống đến hiện đại đều hiện lên một cách sống động trên nền vải. Các
mẫu thêu truyền thống đều được khai thác, chọn lọc, cải tiến, loại bỏ dần dần các chi
tiết lạc hậu, thô kệch. Mẫu thêu rất đa dạng, phong phú, luôn đổ mới, sáng tạo không
ngừng. Một số nghệ nhân Quất Động còn thêu được những tác phẩm nghệ thuật,
những bức thêu truyền thần và sáng tạo những sản phẩm theo mẫu mới như: bức
tranh “Nàng Mô-na Li-sa” của Lê-ô-na đời Vanh-xi, “Nhà Bác Hồ ở Kim Liên”, “Chùa
Một Cột”, “Chân dung Bác Hồ”. Hiện nay, các nghệ nhân thêu Quất Động có thể thêu
trên nhiều chất liệu khác nhau như vải cotton, lụa, tơ tằm, vải nhung, da, nỉ, dạ… với
nhiều thao tác: thẳng, thêu nổi, thêu kim tuyến, thêu sa hạt… để tạo nên những sản


phẩm tin xảo và hoàn hảo. Các sản phẩm thêu của Quất Động thường đảm bảo những
yêu cầu rất nghiêm ngặt về kĩ thuật thêu: chân mũi chỉ đều nhau, cánh chỉ quyện lấy
nhau, không lỗi chần chỉ hay trái canh, đường thêu càng mềm mại, chần chỉ càng lẩn
thì sản phẩm có mỹ thuật càng cao. Trước đây, người ta còn có công đoạn vẽ lại màu
lên sản phẩm sau khi thêu để đạt tính thẩm mĩ cao. Nhưng ngày nay, các thợ thêu giỏi
đã đạt đến kĩ thuật tỉa màu cho in, sử dung các loại chỉ màu phong phú để tạo nên các
sản phẩm thêu mang tính nghệ thuật.
Làng thêu không chỉ có Quất Động mà còn ở một số vùng khác như làng nghề
thêu ren ở Văn Lâm ( Hoa Lư, Ninh Bình ), làng nghề thêu Xuân Nẻo (Tứ Lộc, Hải
Dương), nghề thêu ở Huế, thêu XQ ở Đà Lạt.
Trong khi các mẫu thêu, kiểu thêu của làng thêu Quất Động vô cùng phong phú
đa dạng thì lảng Xuân Nẻo chỉ tập trung vào thêu ren. Nghề thêu ren chỉ du nhập từ
Pháp cách đây khoảng 100 năm và phát triển nhất vào những năm 70 của thế kỉ XX.
Các sản phẩm thêu ren của làng Văn Lâm thì đạt đến kĩ thuật cao và chủ yếu là để xuất
khẩu ra nước ngoài.
Làng nghề thêu Xuân Nẻo có lịch sử chưa được 100 năm ( từ 1928 ) nhưng
cũng có nghề thêu khá phát triển. Mặt hàng chính của làng Xuân nẻo là hàng thêu
trắng, gồm các loại: khăn trải bàn, phủ ghế, ga trải giường, khăn phủ khay đĩa, vỏ
chăn… Hàng thêu trắng cần một kĩ thuật tinh tế. Nền vải và màu chỉ đều trắng nên

người thợ phải thêu sao cho thật nổi các họa tiết, khối hình. Kĩ thuật thêu hàng trắng rất
tinh vi những màu sắc và mẫu lại không đa dạng, phong phú như sản phẩm thêu Quất
Động và mục đích sử dụng cũng không rộng như sản phẩm thêu Quất Động.
Nghề thêu ở Huế được phát triển từ các nghệ nhân ở đồng bằng sông Hồng,
trong đó có nghệ nhân ở Quất Động và cũng thờ Tổ nghề là Lê Công Hành. Các kĩ
thuật thêu ở Huế có nhiều nét đặc sắc giống với kĩ thuật thêu Quất Động. Các sản
phẩm thêu ban đầu từ thời Nguyễn là các loại triều phục, y phục của vua chúa; các đồ
thờ tự, nghi lễ sang trọng được thêu rồng phượng, các loại lễ phục của quan lại, mũ
hia, làn lọng, trướng… sau đó đã được phát triển lên với các sản phẩm thêu hoa lá,
chim muông, tranh phong cảnh, chân dung… để phục vụ mục đích trang trí. Về sau,
nghề thêu ở Huế có tiếp nhận kĩ thuật thêu phương Tây, chuyển từ kỹ thuật thêu phủ
cốt nổi xổ thành kĩ thuật thêu phẳng. Lúc này, hàng thêu mày ( thêu chỉ màu nổi trên
nền vài màu ) là hàng thêu thuần VIệt, lâu đời. Hàng thêu trắng ( thêu chỉ trắng trên nền
vải trắng ) là kiểu thêu du nhập từ phương Tây, do người PHáp truyền vào. Các sản
phẩm này đều yêu cầu một kĩ thuật thêu tinh xảo với sự kiên trì, tỉ mỉ, sáng tạo của
người thợ.
Nghề thêu ở Văn Lâm, Xuân Nẻo có nét đặc trưng riêng so với nghề thêu ở Quất
Động nhưng lại chưa đạt đến kĩ thuật cao như nghề thêu Quất Động. Nghề thêu ở Huế
đạt đến kĩ thuật tinh vi, tiếp thu những kĩ thuật bên ngoài, còn nghề thêu ở Quất Động
vẫn giữ được những nét truyền thống. Mỗi làng nghề thêu có một nét đặc sắc riêng,
góp phần vào nét đặc sắc, độc đáo của nghề thêu tay ở nước ta.


4. THỰC TRẠNG VÀ HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA LÀNG THÊU QUẤT ĐỘNG
4.1. Thực trạng
Việc phát triển nghề thêu ở Quất Động cho người lao động. Do đặc điểm nghề
thêu là công việc nhẹ, không cần nhiều sức lao động mà chỉ cần đức tính cần cù, đôi
bàn tay khéo léo và óc sáng tạo. Thu nhập nghề thêu của Quất Động chiếm khoảng
66% thu nhập của làng. Cả làng có khoảng có khoảng 420 hộ thị có 90% số hộ có làng
nghề thêu. Bình quân mỗi người thợ có 350-400 nghìn đồng trên tháng (số liệu năm

2003). Đây là một mức thu nhập khá cao so với vùng thuần nông .
Hiện nay, nghề thêu không còn phát triển như trước. Cả làng chỉ còn vài chục hộ
gia đình còn làm nghề thêu và có rất ít hộ gia đình có thu nhập chính từ nghề thêu.
Theo cụ Trịnh Kiều – làng Quất Động, làng nghề đã bị mai một nhiều do thu nhập từ
nghề thêu thấp lại không ổn định nên nhiều thợ thêu đã bỏ nghề để làm nông nghiệp
hoàn toàn hoặc chuyển sang nghề khác. Thu nhập bình quân hiện nay của một thợ
thêu là khoảng 3 triệu đồng. Vì vậy người dân làng Quất Động trong đó có các thợ thêu
đã đi làm công nhân tại cụm công nghiệp Quất Động. Theo lời cô Hoàng Thị Khương
46 tuổi, hiện nay không còn cơ sở thêu lớn nào chỉ có các xưởng thêu 3-5 thợ hoạt
động dựa trên nhiều nguồn hàng mà khách hàng đến đặt một số thợ thêu vẫn còn hoạt
động đơn lẻ và nhận thêu “hàng rối”. Các sản phẩm thêu hiện nay chủ yếu là thêu tranh
phong cảnh, chân dung, thêu bắt vàng (thêu chỉ kim tuyến trên nền vải nhung đỏ)… để
phục vụ mục đích trang trí, thưởng thức nghệ thuật. Các sản phẩm thêu như lọng,
phướn, họa tiết áo kimono, ga trải giường, các loại túi sách… không còn được thêu
nhiều và chỉ thêu khi có khách hàng đặt thêu. Các sản phẩm thêu được thực hiện trên
nền vải cotton, lụa tơ tằm là chính, ít có các sản phẩm thêu trên nền da, nỉ, dạ, len...
Ở làng Quất Động, gia đình cô Hoàng Thị Khương có truyền thống ba đời làm
nghề thêu. Ông của nghệ nhân từng là thợ thêu, sau đó mang các sản phẩm thêu ra Hà
Nội bán. Tiếp đến là mẹ cô - cụ Bùi Thị Hánh, 74 tuổi đã bắt đầu thêu từ năm hơn 10
tuổi. Đến năm hơn 60 tuổi, do mắt kém cụ mới nghỉ thêu. Nghệ nhân Hoàng Thị
Khương cũng thêu từ lúc hơn 10 tuổi đến nay đã được hơn 30 năm. Tuy nhiên , thế hệ
con cháu của nghệ nhân này không còn ai nối nghiệp thêu nữa. Các bạn trẻ tuổi đời
khoảng 20 đều đi học các trường Cao đẳng, Đại học, các trường dạy nghề hay đi làm
nghề khác, không còn ai nối nghiệp thêu nữa.
Làng nghề thêu bắt nguồn từ làng Quất Động nhưng đến nay không còn phát
triển như trước. Nghề thêu được truyền sang một số vùng lân cận và ngày càng phát
triển hơn làng Quất Động như làng thêu Nguyên Bì, Lưu Xá- xã Quất Động, làng thêu
Đào Xá, Hướng Xá, Khoái Nội- xã Thắng Lợi- huyện Thường Tín- Hà Nội.
Làng Quất Động được tỉnh Hà Tây cũ công nhận là làng nghề năm 2001. Năm
2004, sở Du lịch Hà Tây cũ đã quyết định đưa làng nghề thêu thủ công truyền thống

Quất Động trở thành điểm du lịch làng nghề. Làng nghề đã có du khách đến thăm, tuy
nhiên còn rất ít. Hiện nay, cơ sở vật chất kĩ thuật và các dịch vụ phục vụ hoạt động du
lịch cũng chưa có. Thỉnh thoảng mới có khách du lịch nước ngoài đến thăm, mua và đặt


sản phẩm thêu. Họ chủ yếu đi theo nhóm lẻ từ 2 đến 3 người, có người phiên dịch đi
theo. Thời gian lưu trú của khách cũng không lâu, chủ yếu chỉ thăm một vài gia đình
sản xuất hàng thêu có tiếng. Chi tiêu của khách cũng rất ít, hầu hết chỉ mua các sản
phẩm có giá trị từ vài trăm nghìn đến một vài triệu đồng. Lâu lâu cũng có khách du lịch
nước ngoài đến mua hoặc đặt hàng các sản phẩm có giá trị cao.
Nếu không có những biện pháp nhằm phát triển và khác tiềm năng của làng
nghề thêu Quất Động thì nghề thêu sẽ ngày càng bị mai một và có nguy cơ bị thất
truyền.
4.2. Định hướng bảo tồn và phát triển
Bảo tồn và phát triển nghề, các làng nghề là nền tảng phát huy những giá trị văn
hóa dân tộc, giữ gìn những di sản và bản sắc văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao
đời sống người dân, tăng trưởng kinh tế. Để bảo tồn và phát triển những nét đặc sắc
đó, cần có những biện pháp do cả nhà nước là người dân cùng thực hiện.
a. Trong bảo tồn:
Cần lưu ý đến việc lưu giữ nhưng dấu ấn lịch sử của làng nghề truyền thống:
Xây dựng nhà truyền thống, lưu giữ những hình ảnh, hiện vật của làng nghề; Chú trọng
tổ chức lễ hội làng nghề gắn liền với tuyên truyền ý nghĩa, vai trò của làng nghề, phát
triển làng nghề gắn với phát triển du lịch; Tham gia các hội chợ, triển lãm quảng bá văn
hóa làng nghề.
Ông Trịnh Đình Miền – Phó chủ tịch UBND xã Quất Động cho biết, để tạo điều
kiện cho phát triển làng nghề thêu Quất Động, UBND xã đang dự kiến dành riêng
khoảng 5ha xây dựng trung tâm du lịch phát triển làng nghề. Nếu dự án này được thực
hiện, sẽ có phòng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thêu của làng nghề cho khách du
lịch tới thăm. Ngoài ra, sẽ có những hướng dẫn viên thông thạo ngoại ngữ giới thiệu
sản phẩm đến với du khách nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ cơ sở bán

hàng trực tiếp.
Theo cô Hoàng Thị Khương, làng Quất Động cũng đang dự tính mở những lớp
dạy thêu cho các em có niềm đam mê với nghề thêu, nhằm giữ gìn, bảo tồn nghề thêu
truyền thống.
b. Trong định hướng phát triển
Để phát triển làng nghề, cần phải đổi mới và ứng dụng kĩ thuật hiện đại, nâng
cấp cải tạo cơ sở hạ tầng kĩ thuật, kết hợp với kĩ thuật truyền thống.
Cần phát triển thị trường trong và ngoài nước nhằm giải quyết việc tìm “đầu ra”
cho sản phẩm thêu. Đặc biệt chú trọng xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu cho
làng nghề.


PHẦN BA: KẾT LUẬN
Làng nghề trên vùng đất Thường Tín vô cùng phong phú, các làng nghề đều có
thợ giỏi, có nhiều bàn tay vàng được phong tặng nghệ nhân, góp phần làm rạng danh
quê hương đất nước, làm đẹp cho đời.
Nghề thêu Quất Động đã có từ lâu đời, trải qua bao thăng trầm của lịch sử làng
nghề đã từng bước khẳng định vị trí của mình trong hệ thống các làng nghề thủ công
truyền thống của Việt Nam. Làng nghề thêu Quất Động không chỉ nổi tiếng bởi lịch sử
lâu đời, những thợ thêu có đức tính tỉ mỉ, cần cù, đôi tay khéo kéo, đôi mắt tinh tường,
bộ óc sáng tạo và khả năng thẩm mỹ cao…mà còn bởi những tác phẩm nghệ thuật
được làm nên từ những đôi tay khéo léo ấy.
Bước đầu tìm hiểu về làng nghề đã giúp chúng tôi có những hiểu biết sâu
sắc hơn về mảnh đất, con người và những nét văn hóa đặc sắc của làng nghề
Quất Động. Làng nghề thêu truyền thống Quất Động cần được bảo tồn và phát
triển những nét đẹp tiêu biểu đó để góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa lâu đời
của vùng đất “trăm nghề” nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung!
Nhóm Mí, Hảo và Trang (k59)




×