Tải bản đầy đủ (.doc) (55 trang)

Chuyện hoa, chuyện quả của phạm hổ nhìn từ phương diện chủ đề và nghệ thuật tự

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (264.13 KB, 55 trang )

LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu đề tài, được sự giúp đỡ tận tình
của cô giáo – Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhàn, tác giả khóa luận xin gửi lời cảm ơn
sâu sắc tới cô!
Tác giả khóa luận cũng xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trong
Khoa Giáo dục Tiểu học – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đã tạo điều kiện tốt
nhất cho tác giả hoàn thành khóa luận này.
Hà Nội, ngày …tháng…năm2014
Sinh viên
Nguyễn Thị Mây


LỜI CAM ĐOAN
Để hoàn thành khóa luận này, ngoài sự nỗ lực của bản thân, tôi đã nhận
được sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của cô giáo – Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhàn.
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Kết quả
nghiên cứu không trùng với kết quả của tác giả nào khác.
Nếu sai, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Hà Nội, ngày…tháng…năm 2014
Sinh viên

Nguyễn Thị Mây


MỤC LỤC

1


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài


1.Văn học thiếu nhi từ lâu đã trở thành “Một bộ phận có vị trí đặc biệt
trong mỗi nền văn học dân tộc”. Nó được xem là hành trang quan trọng cho
trẻ em trên suốt đường đời, bởi lẽ những gì lưu giữ trong thời niên thiếu rất
khó phai mờ. Thực tế, không ai không thừa nhận vai trò của văn học thiếu nhi
đối với việc bồi dưỡng tâm hồn, cao hơn là xây dựng nhân cách cho các thế
hệ trẻ thơ. Bởi vậy, những tác phẩm sáng tác cho thiếu nhi có vai trò quan
trọng, Văn học dành cho thiếu nhi là một bộ phận quan trọng. Chính vì thế,
nhiều nhà thơ, nhà văn yêu quý, tâm huyết dành cả cuộc đời say sưa sáng tác
dành những tác phẩm hay nhất cho các em nhỏ.
2.Trong bài viết phác thảo 50 năm Văn học Thiếu nhi (T9/1995), Vân
Thanh – người có bề dày nghiên cứu Văn học trẻ em – đã gọi một số tác giả
yêu mến trẻ thơ, suốt đời viết cho các em là những cây đa, cây đề như: Tô
Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng, Phạm Hổ. Dẫu rằng từ bấy đến nay, bộ
phận văn học thiếu nhi nước nhà đã có thêm nhiều cây bút mới. Hơn nữa, văn
học thiếu nhi cũng đã trải qua những thăng trầm, thử thách, nhất là trong thời
kỳ hiện đại, nó dễ bị lãng quên bởi trẻ em đang bị thu hút vào những thú vui
mới. Nhưng những sáng tác của các nhà văn tên tuổi viết cho các em vẫn để
lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí bạn đọc nhỏ tuổi. Trong đó không thể không
kể đến một gương mặt quen thuộc mà thiếu nhi Việt Nam rất yêu mến: Phạm
Hổ. Sinh thời Phạm Hổ vẫn thường nói đến một khát vọng giản dị nhưng
mãnh liệt của mình là được làm bạn với trẻ con: “ Đối với tôi, được sống và
viết cho các em là cả một hạnh phúc. Tôi thường lấy lòng yêu các em bé của
tôi để làm cái thước đo lòng tôi yêu nhân dân, yêu Đảng, yêu con người. Tôi
say mê công việc của tôi”. Đây là lời phát biểu của ông – người mà suốt 50

2


năm qua đã không ngừng, không nghỉ trăn trở tìm tòi và sáng tác cho cho bạn
nhỏ. Phạm Hổ đã để lại một sự nghiệp văn học khá đồ sộ dành cho trẻ em

nước nhà. Kho tàng văn chương của ông không chỉ có thơ, truyện. Ông còn
sáng tác kịch dành cho thiếu nhi. Những sáng tác của ông góp phần không
nhỏ đối với nền Văn học thiến nhi hện đại.
Một trong những tác phẩm văn xuôi dành cho trẻ em của Phạm Hổ là
tập Chuyện hoa, chuyện quả. Đây là tác phẩm viết theo lối cổ tích hiện đại
được Phạm Hổ dành nhiều thời gian và tâm sức. Tập truyện có giá trị nội
dung và nghệ thuật đặc sắc. Những câu chuyện hấp dẫn không chỉ cung cấp
cho các em những hiểu biết về sự phong phú, kỳ diệu của thiên nhiên mà còn
giúp các em hiểu thêm những số phận, những cảnh đời đi ra từ cuộc đấu tranh
không ngừng, không nghỉ trong hành trình đi tìm lẽ phải, đề cao sự dũng cảm,
lòng nhân ái, tình yêu thương và đức hi sinh của con người. Được xây dựng
trên sự hư cấu tưởng tượng kỳ diệu từ những hiện tượng cây, hoa, quả là
những số phận con người, tình cảm con người. Bên cạnh đó, nghệ thuật miêu
tả tinh tế cùng cách kể chuyện hấp dẫn đã làm nên những tác phẩm gần gũi,
rất đỗi thân quen với trẻ thơ. Bởi vậy, những câu chuyện của Phạm Hổ mà
đặc biệt là Chuyện hoa, chuyện quả được các độc giả nhỏ tuổi yêu mến và
thích thú.
Tập Chuyện hoa, chuyện quả được sử dụng khá nhiều trong việc cho
trẻ em làm quen với Văn học, được các em tiếp thu tích cực. Bởi Chuyện hoa,
chuyện quả như một khu vườn rộng đầy hương thơm và sắc màu của các loài
hoa, loài quả, gần gũi, quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày của người dân
Việt Nam. Chuyện hoa, chuyện quả cũng đã được giới mến mộ nhìn nhận trên
một số phương diện nội dung và nghệ thuật. Song, chủ yếu ở sự khái quát, gợi
mở. Vì vậy, việc tìm hiểu những truyện này một cách cụ thể hơn vẫn là
khoảng trống cho chúng tôi thực hiện đề tài khóa luận.

3


Với tất cả những lý do trên cộng thêm niềm yêu quý Phạm Hổ - người

đã từng gieo vào tâm hồn bé thơ của chúng tôi những rung động cảm xúc khó
phai mờ. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn đề tài luận văn “Chuyện hoa, chuyện
quả của Phạm Hổ nhìn từ phương diện chủ đề và nghệ thuật tự”. (Khảo sát
qua những truyện tiêu biểu) làm vấn đề khoa học của khóa luận.
2. Lịch sử vấn đề
Được đánh giá là một trong những cây bút tiêu biểu của nền Văn học
thiếu nhi Việt Nam, Phạm Hổ và các sáng tác của ông đã trở thành đề tài của
nhiều nhà nghiên cứu. Tập truyện Chuyện hoa, chuyện quả cũng là đối tượng
được quan tâm.
Trong tham luận “Phạm Hổ với những Chuyện hoa, chuyện quả của
anh” do nhà văn Nguyên Ngọc đọc tại cuộc hội thảo về Tô Hoài, Nguyễn Huy
Tưởng, Phạm Hổ (1968), Nguyên Ngọc đã viết: “ Dường như tác giả Chuyện
hoa chuyện quả đang muốn đưa ra một lý thuyết khác về nguồn gốc muôn
loài. Anh nói với các em: Các em ạ, thế giới quanh ta muôn vẻ kỳ lạ, kỳ diệu
như vậy, tất cả là do con người làm ra đấy. Nguồn gốc của muôn loài chính là
ở tình yêu, tình thương và lòng tốt của con người. Đây là nhận xét xứng đáng
của Nguyên Ngọc về tập Chuyện hoa, chuyện quả. Bài viết của Nguyên Ngọc
nghiêng về khái quát sơ bộ nội dung nhưng chưa quan tâm đến bình diện hình
thức nghệ thuật trong tập truyện.
Trong cuốn Giáo trình Văn học trẻ em của Lã Thị Bắc Lý (Nhà xuất
bản Đại học Sư phạm Hà Nội- 2002), khi bàn tới mảng văn xuôi Phạm Hổ,
đặc biệt là thể loại cổ tích hiện đại. Lã Thị Bắc Lý đánh giá: “ Vấn đề sáng tác
cổ tích mới được nhiều nhà văn quan tâm nhưng trong đó, Phạm Hổ là người
đầu tiên đã mạnh dạn thể nghiệm sáng tác truyện cổ tích cho các em”. Nổi bật
là truyện cổ tích Chuyện hoa, chuyện quả. Lã Thị Bắc Lý đã đánh giá khái
quát về tập truyện, đưa ra nguồn gốc ra đời và khái quát nội dung của tập

4



truyện: “Trong câu chuyện bạn đọc sẽ bắt gặp cùng một lúc hai câu chuyện
mà tác giả muồn thể hiện, đó là chuyện về cây, hoa, quả và chuyện về con
người” (Tr100).
Khóa luận của Nguyễn Thị Thúy với đề tài Nghệ thuật Chuyện hoa,
chuyện của Phạm Hổ (2010), đã nghiên cứu góc nghệ thuật của tập truyện ở
các phương diện như: Nghệ thuật đặt nhan đề; nghệ thuật sử dụng chất liệu
dân gian; nghệ thuật xây dựng tình huống và đặc sắc trong nghệ thuật của
Pham Hổ. Nhưng khóa luận nghiêng về nghiên cứu phương diện nghệ thuật
mà chưa quan tâm tới giá trị nội dung trong tập truyện.
Tiểu luận của tác giả Lê Nhật Ký với nhan đề: “Cái kỳ ảo trong Văn
học Thiếu nhi Việt Nam” (2013) cũng đã đề cập đến Chuyện hoa, chuyện
quả. Lê Nhật Ký tỏ ra rất tâm đắc với Chuyện hoa, chuyện quả của Pham Hổ.
Tác giả viết như sau: “ Phạm Hổ người đã làm nên cả một khu vườn cổ tích
hoa quả xanh biếc, lạ lùng. Ông trở thành “bác chuyện hoa, chuyện quả”, thủ
thỉ kể cho các em về cái kéo cắt nắng, về chiếc vỏ ốc kỳ diệu, về cả bụt, tiên
nhân

hậu

giữa

cuộc

sống

cần

lao”

(lênhâtky.vnweblogs.com/post/23043/418999).

Khóa luận của Nguyễn Ngọc Mai: Giá trị nghệ thuật và nội dung
chuyện hoa,chuyện quả của Phạm Hổ (2013), đã tập trung tìm hiểu nguồn gốc
ra đời của muôn loài trong tập truyện. Góc nghệ thuật bàn tới các phương
diện: Nghệ thuật kể và tả; nghệ thuật tạo cảm giác hồi hộp; quan sát tinh tế, lí
giả độc đáo. Chúng tôi lấy đó làm tư liệu tham khảo để kế thừa cũng vừa bổ
sung, đồng thời triển khóa luận theo hướng tiếp cận khác.
Tiếp thu những thành tựu của giới nghiên cứu, đề tài của khóa luận đi
sâu khảo sát một số truyện tiêu biểu trong tập Chuyện hoa, chuyện quả của
Phạm Hổ từ góc nhìn nội dung và nghệ thuật.

5


3. Mục đích nghiên cứu
- Luận văn tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật trong tập “ Chuyện
hoa, chuyện quả” của Phạm Hổ (khảo sát qua một số truyện tiêu biểu)
- Thông qua giá trị nội dung và nghệ thuật thấy được tác dụng giáo dục
của truyện Phạm Hổ đối với học sinh lứa tuổi Mầm non trong việc bồi dưỡng
giáo dục nhân cách của trẻ.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Tài liệu khảo sát
- Khóa luận lựa chọn 25 truyện tiêu biểu từ ba văn bản sau trong
Chuyện hoa, chuyện quả của Phạm Hổ.
+ Tuyển tập Phạm Hổ - NXB Văn Học (1999)
+ Chuyện hoa, chuyện quả (Tác phẩm chọn lọc dành cho thiếu nhi) NXB Kim Đồng (1999)
+ Chuyện hoa, chuyện quả (Sự tích các loài hoa, quả) - NXB Kim
Đồng (2012)
- Các truyện khảo sát:
+ Bài thi nhập học ( Hay là Sự tích cây Nhân Sâm)
+ Cái kéo kỳ lạ ( Hay là Sự tích hoa Cải Vàng)

+ Cái ô đỏ ( Hay là Sự tích hoa Râm Bụt)
+ Cây chanh quả vàng ( Hay là Sự tích cây Quất)
+ Cây đàn và bầu rượu của người thầy ( Hay là Sự tích cây Ngô
Đồng)
+ Chuyện nàng Mây ( Hay là Sự tích quả Bông Vải)
+ Cô bé và ông táo ( Hay là Sự tích hoa Mai Vàng)
+ Em bé hái củi và chú hươu con ( Hay là Sự tích hoa Đại)
+ Em bé và rồng con ( Hay là Sự tích cây Nhãn)

6


+ Một người con có hiếu ( Hay là Sự tích hoa Vạn Thọ)
+ Những bàn tay nhiều ngón ( Hay là Sự tích cây Chuối)
+ Những con ốc kỳ lạ ( Hay là Sự tích quả Roi)
+ Những thanh gươm xanh (Hay là Sự tích hoa Phượng)
+ Quả tim bằng ngọc ( Hay là Sự tích quả Lòong Boong)
+ Tiếng sáo và con rắn ( Hay là Sự tích hoa Thiên Lý)
+ Ngôi đền đỏ ( Hay là Sự tích cây hoa Gạo)
+ Chim Lưu Ly ( Hay là Sự tích cây Bông Lau)
+ Mùi hương kì lạ ( Hay là Sự tích hoa Mộc)
+ Cây một quả ( Hay là Sự tích quả Mơ)
+ Anh em nhà trăm mắt ( Hay là Sự tích quả Dứa, quả Na)
+ Tép lên cây ( Hay là Sự tích cây bưởi)
+ Ruột vàng lắm hạt ( Hay là Sự tích cây Mít và cây Bí Ngô)
+ Cô gái bán Trầm Hương ( Hay là Sự tích hoa Huệ)
+ Bông hoa hình mũi kim ( Hay là Sự tích hoa Cỏ May)
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Khóa luận tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật Chuyện hoa, chuyện
quả ( Thông qua những truyện khảo sát)

5. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Khóa luận tìm hiểu những tri thức về lý luận liên quan như: truyện cổ
tích, nhân vật, các biện pháp nghệ thuật( miêu tả, liên tưởng và hư cấu…)
- Tìm hiểu đặc trưng của truyện và sự nghiệp sáng tác của Phạm Hổ.
- Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật của Chuyện hoa, chuyện quả.
6. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp thống kê
- Phương pháp nghiên cứu tác phẩm theo thể loại

7


- Kết hợp với các thao tác khoa học khác: Phân tích, tổng hợp, bình
giảng.
7. Cấu trúc khóa luận
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, phần Nội dung
của khóa luận gồm 3 chương như sau:
Chương I. Phạm Hổ và tác phẩm Chuyện hoa, chuyện quả viết cho
thiếu nhi
Chương II. Chuyện hoa, chuyện quả nhìn từ phương diện chủ đề
Chương III. Chuyện hoa, chuyện quả nhìn từ nghệ thuật tự sự

8


NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
PHẠM HỔ VÀ CHUYỆN HOA, CHUYỆN QUẢ
VIẾT CHO THIẾU NHI
1.1. Tác giả Phạm Hổ

1.1.1. Tiểu sử
Vào ngày 28 tháng 11 năm 1928, xã Nhơn An ( ngày trước gọi là xã
Thanh Liêm ), Huyện An Nhơn, Tỉnh Bình Định đón chào sự ra đời của một
“chú bé” mang cái tên rất dữ: Phạm Hổ ( sau này, Phạm Hổ còn lấy bút danh
là Hồ Huy ). Ông sống xa quê hơn 50 năm – hoàn cảnh này là một thôi thúc,
tạo nên chiều sâu cho mảng sáng tác với cảm hứng tình yêu quê hương trong
sáng tác của ông. Mỗi khi có dịp viết về mảnh đất con người Bình Định,
Phạm Hổ luôn tỏ ra say sưa với những tình cảm quê hương ngọt ngào, nhất là khi
nó gắn liền với ký ức tuổi thơ trong trẻo, mộc mạc mà thấm sâu trong lòng ông.
Năm 1943, Phạm Hổ đỗ thành chung nhưng vì tai nạn nên không thể ra
Huế học ban tú tài Trường Quốc học Huế. Ông làm thư ký công nhật cho tòa
soạn Sứ Quy Nhơn để giúp đỡ mẹ nuôi các em và tự học để thi tú tài.
Cách mạng tháng 8 thành công (theo lời tự thuật của Phạm Hổ) cái
duyên nghiệp với văn học nghệ thuật mới bắt đầu, dẫu rằng ông vốn say mê
văn học từ nhỏ. Phạm Hổ làm thư ký thường trực ở chi hội Văn hóa cứu quốc
do nhà thơ Trần Mai Ninh phụ trách, rồi dự lớp hội họa kháng chiến liên khu
5 do họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung chủ nhiệm, rồi đi thực tế sáng tác ở miền tây
Bình Định (vùng giáp Cận Khê). Phạm Hổ vừa vẽ, vừa làm thơ.
Đầu năm 1950, Phạm Hổ được cử đi dự đại hội Văn học Toàn Quốc ở
Việt Bắc với tư cách là một nhà thơ trẻ liên khu 5. Trong khoảng thời gian
1952 – 2953, Phạm Hổ có “Hai năm vàng” (chữ dùng của Phạm Hổ) ở quê.

9


Ông vừa làm công tác văn hóa thông tin,vừa thâm nhập sâu vào thực tế đời sống
để có thể hiểu thế nào là nông dân, thế nào là chân lấm tay bùn, thế nào là đầu tắt
mặt tối. Ông xem đó là tư liệu cần thiết để sáng tác phục vụ nhân dân.
Tháng 1 năm 1954, Phạm Hổ có mặt ở Hà Nội và làm công tác đối
ngoại ở Hội văn nghệ Trung Ương. Năm 1957, ông được kết nạp vào hội nhà

văn Việt Nam ngay khóa đầu tiên. Cũng trong thời gian này, Phạm Hổ cùng
các nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng
– cơ quan chuyên trách ấn hành những tác phẩm dành riêng cho thiếu nhi.
Trong những năm chống Mĩ, Phạm Hổ làm việc trong nhiều cương vị ở
Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản hội nhà văn, báo văn nghệ…. Năm
1983, Phạm Hổ là chủ tịch Hội đồng Văn học Thiếu nhi của hội nhà văn Việt
Nam. Năm 1995, ông về nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục sáng tác.
Ngày 4 tháng 5 năm 2007, Phạm Hổ qua đời ở tuổi 81. Song, ông già
tóc bạc ấy vẫn mãi là người bạn thân thiết của tuổi nhỏ.
1.1.2. Sự nghiệp văn chương
Là một nhà văn tiêu biểu cho nền Văn học thiều nhi Việt Nam, Phạm
Hổ và các sáng tác của ông đã thành công trên nhiều thể loại: thơ, truyện
ngắn, tiểu thuyết cho cả người lớn và trẻ em. Sự phong phú trong thể loại và
số lượng dày dặn của tác phẩm đã chứng minh cây bút Phạm Hổ có nguồn
tiềm lực sáng tác dồi dào và khá linh động. Viết cho người lớn, Phạm Hổ có
những tác phẩm đặc sắc như: Cây bánh tét của người cô, Người vợ lẽ, Vườn
xoan (truyện ngắn), Những ô cửa những ngả đường (thơ)… .
Tuy nhiên, nói đến sự nghiệp của Phạm Hổ không thể không nói đến sự
đóng góp của ông cho nền Văn học thiếu nhi nước nhà. Hơn 60 năm cầm bút
vì yêu trẻ, Phạm Hổ đã để lại trên 20 tập thơ, 9 tập truyện và 4 vở kịch tặng
riêng các em.

10


Những tác phẩm chính:
Thơ:
- Em tre (1948)
- Chú bò tìm bạn (1957)
- Em thích em yêu (1958)

- Những người bạn nhỏ (1960)
- Bạn trong vườn (1967)
- Từ không đến mười (1973)
- Me, mẹ ơi, cô bảo (1980)
- Những người bạn im lặng (1984)
- Đỗ trắng đỗn đen (1991)
- Cháu chọn hạt nào (1992)
- Câu chuyện về Miu trắng (1993)
Truyện:
- Viết thư cho cha (1959)
- Khẩu súng của người ông (1960)
- Cất nhà giữa hồ (1964)
- Chuyện hoa, chuyện quả (tập 1, 1974)
- Lửa vàng, lửa trắng ( 1976)
- Chuyện hoa, chuyện quả (tập 2, 1982)
- Tiếng sáo và con rắn (Chuyện hoa, chuyện quả, tập 3, 1985)
- Ngựa thần từ đâu đến (1986)
- Những chú sẻ con (1988)
- Hai vợ chồng và con voi quý (Chuyện hoa, chuyện quả tập 4,
1988)
- Chim lưu ly (Chuyện hoa, chuyện quả, tập 5, 1990)

11


- Quả tim bằng ngọc ( Chuyện hoa, chuyện quả, tuyển chọn,
1993)
- Lửa vàng, lửa trắng, lửa nâu (1993)
Kịch:
- Nàng tiên nhỏ thành ốc (1981)

- Tìm gặp lại anh (1981)
- Người con gái hầu của Mị Châu (1984)
- Mị Châu và chiếc áo lông ngỗng (1984)
Với những thành công và đóng góp cho Văn học thiếu nhi Phạm Hổ
được ghi nhận xứng đáng. Ông đã được tặng các giải thưởng Văn học như:
Giải A trong các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi với các tập thơ Chú bò
tìm bạn (1957-1958), Chú vịt bông (1967-1968).
Giải thưởng chính thức về thơ viết cho thiếu nhi của Hội đồng Văn học
thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ Những người bạn im lặng (1985).
Giải thưởng về cuộc thi sáng tác kịch Nàng tiên nhỏ Thành Ốc (1986).
Với những đóng góp quan trọng cho nền Văn học thiêú nhi, Phạm Hổ xứng
đáng với giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (đợt 1 – 2001).
1.2. Tác phẩm Chuyện hoa, chuyện quả
Có bề dày kinh nghiệm sáng tác phong phú trên các thể loại, những tác
phẩm của Phạm Hổ đã đánh dấu son quan trọng trong nền văn học thiếu nhi
nước nhà. Chuyện hoa, chuyện quả là một món quà vô giá Phạm Hổ tặng cho
trẻ thơ. Gần 30 năm ông miệt mài, tâm huyết để viết về Chuyện hoa, chuyện
quả, say sưa kể về sự tích muôn loài cây lá quanh ta. Có thể nói, ông đã rất
thành công ở mảng đề tài này với gần năm mươi câu chuyện kể về sự tích của
50 loài cây, loài hoa, loài quả.
Mỗi thứ giống cây quả ấy, thứ hoa ấy lại gắn với một số phận con
người. Để hướng các em đến tình yêu, tình thương và lòng tốt của con

12


người… Ở cuộc đấu tranh gian nan, mỗi lần con người chiến thắng, cái thiện
thắng cái ác; lòng chung hiếu thắng sự bạc nghĩa - vô ơn; tình thương thắng
thói hận thù; sự quên mình thắng thói ích kỷ; sự siêng năng thắng thói lười
nhác,… thì sẽ có một loài hoa đẹp, một thứ hoa quả lạ trên đời. Đó là thông

điệp, là bài học, là giá trị nhân văn sâu sắc mà tác giả để lại trong mỗi câu
chuyện hay mỗi loài hoa, loài quả để mang đến cho các em. Nguyên Ngọc đã
viết trong tham luận đọc tại hội thảo năm 1968: “Đây là lý thuyết mới của anh
Phạm Hổ về nguồn gốc muôn loài quanh ta. Đây không chỉ là một đề tài. Đây
là một chủ đề, thú vị và nghiêm túc”. Với 50 loài cây, loài hoa, loài quả tác
giả đã cố gắng tìm đủ những cách thể hiện khác nhau, để mỗi chuyện một mới
lạ, một hấp dẫn. Thế giới tự nhiên qua cái nhìn của nhà thơ bỗng nhiên bừng
sáng, bởi tâm hồn đầy nhạy cảm và thắm thiết của ông. Sự phong phú của
hương sắc hoa quả không chỉ gợi cho các em lòng yêu thiên nhiên mà còn kích
thích các em tìm hiểu thiên nhiên như một kho báu vô tận, từ đó khơi dậy ý thức
trân trọng và bảo vệ thiên nhiên, vừa bao la, vừa gần gũi đối với trẻ thơ.
Thế giới trong Chuyện hoa, chuyện quả có thần, có bụt, có tiên, có sự
kỳ diệu, có sự biến hóa nhưng vẫn không tách rời cuộc sống hiện thực. Các
chuyện kể đẹp một vẻ tự nhiên. Nhà văn không hề lạm dụng các yếu tố ly kỳ
hoặc có ly kỳ thì vẫn không vi phạm đến quy luật phát triển của tự nhiên. Ví
như hoa quỳnh không nở vào ban mai, hoa mai, hoa đào chỉ nở vào mùa xuân,
hoa mộc, hoa thiên lý với mùi hương êm dịu… Bên cạnh đó, truyện được kể
bằng ngôn ngữ văn xuôi ngắn gọn, trong sáng, không ít chi tiết sắc nhọn,
nhưng cũng chan hòa chất thơ. Ở thiên truyện Cái ô đỏ ca ngợi tình cảm anh
em khiến cả thiên thần phải xúc động. Cây đàn và bầu rượu của người thầy
thể hiện tình yêu, tình thầy trò qua tiếng đàn vĩnh cửu của thời gian v.v...
Phạm Hổ đã đưa các em vào cuộc dạo chơi kỳ thú. Không chỉ làm giàu các

13


giác quan, cho xúc giác, cho thị giác, cho khứu giác và thính giác mà còn làm
giàu và trong trẻo thế giới tâm hồn trẻ thơ.
Với gần 50 truyện và mẩu chuyện xinh xắn về các loại hoa, loại quả,
Chuyện hoa, chuyện quả đã góp một dấu ấn riêng, đặc sắc trong văn xuôi

Phạm Hổ. Đánh dấu son quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông.

14


CHƯƠNG 2
CHUYỆN HOA, CHUYỆN QUẢ
NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN CHỦ ĐỀ
Phạm Hổ từng nói: “Tôi mong rằng khi sáng tác ra những câu chuyện,
khi tạo tình huống, khi tìm chi tiết chất liệu, khi chọn giọng kể ngôn ngữ, có
lẽ chúng ta nên chú ý đến cái tính Việt Nam, cái chất tâm hồn Việt Nam, cái
hương vị Việt Nam”. Thật vậy, qua các sáng tác của ông, người đọc dễ dàng
nhận ra cái chất Việt Nam, cái hương vị Việt Nam ẩn hiện qua từng câu chữ,
ý thơ trong mỗi tác phẩm của ông. Trong thơ của mình, Phạm Hổ đã tạo ra
một thế giới loài cây mang đậm phong vị Việt Nam. Hơn 30 loài cây được
nhắc đến trong tập thơ Chú bò tìm bạn, từ cây cà rốt, bắp cải, cây dừa đến cây
na, cây ổi, cây sung, cây roi, cây táo, cây thị… cây nào, trái nào cũng bước ra
từ cuộc sống gắn bó với nhân dân lao động Việt Nam. Còn với Chuyện hoa,
chuyện quả, gần 50 loài hoa, loài quả: Hoa mai vàng, hoa phượng, hoa đại,
quả lòong boong, quả mít, quả na…,thế giới cây quả ấy đã được Phạm Hổ
hình dung qua tâm hồn con người Việt Nam. Trong mỗi tác phẩm, cây quả trở
thành phương tiện thể hiện những tình cảm, những phẩm chất cao quý của
con người, ẩn chứa trong loài cây đó một triết lý nhân sinh, một ý nghĩa giáo
dục đạo lý. Ngay từ cái tên gọi ban đầu, câu chuyện đã thể hiện một dấu hiệu
dễ nhận biết đặc điểm bên ngoài của hoa, quả. Đi vào chi tiết, tác giả giải
thích nguồn gốc xuất hiện, lý do của mỗi cái tên chúng mang để từ đó nhìn ra
số phận con người.
Đọc Chuyện hoa, chuyện quả, độc giả nhận ra rất rõ những ý tưởng
nghệ thuật sâu sắc mà Phạm Hổ gửi gắm qua những trang văn. Việc giải thích
sự ra đời của một loài cây, loài hoa, loài quả nào đó chỉ là một “cái cớ”. Bởi

vì ai cũng biết những loài hoa, loài quả ấy có trước trong thiên nhiên, trong

15


vườn trái của chúng ta không rõ từ bao giờ. Vậy mà khi đi vào những thiên
truyện của Phạm Hổ, chúng như có một đời sống khác, có một cội nguồn
khác. Cái quy trình lý giải ngược này của truyện nhằm truyền tải những nội
dung thế sự gắn với cuộc sống của con người, của xã hội. Theo quan niệm của
Phạm Hổ, sự tích hoa, quả bao giờ cũng gắn với một phương diện nào đó
trong đời sống lao động chiến đấu và tình cảm con người.
Từ những câu chuyện, Phạm Hổ thường quan tâm tới những vấn đề
(chủ đề) quen thuộc bình dị nhưng có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống nhân thế
Chủ đề là “ Vấn đề cơ bản, vấn đề trung tâm được tác giả nói lên, đặt
ra nội dung cụ thể của tác phẩm văn học […] Nó giải đáp câu hỏi “ vấn đề
cơ bản của tác phẩm là gì. Chủ đề và tư tưởng là hạt nhân cơ bản của nội
dung tác phẩm” [tr.52]. Xác định như vậy, khi tìm hiểu giá trị nội dung của
Chuyện hoa, chuyên quả, khóa luận cho rằng tác phẩm kết tinh những tình
cảm cao quý những tình cảm cao quý như tình mẹ con, tình anh em, tình bạn
bè, tình thầy trò, tình yêu đôi lứa hay tình vợ chồng, tình yêu quê hương đất
nước…Đó là những tình cảm và phẩm chất tốt đẹp của con người và đó cũng
là những chủ đề chính của tác phẩm: Tình cảm gia đình, tình cảm thầy trò
bạn bè, tình yêu quê hương đất nước…
2.1. Tình cảm gia đình thiêng liêng
Những câu chuyện viết về đề tài tình cảm gia đình chiếm phần nhiều
trong sáng tác cho thiếu nhi của Phạm Hổ. Với trẻ em, không gì gần gũi và
thân thiết bằng gia đình, và cũng biết bao điều thú vị nảy sinh từ môi trường
ấy. Qua mỗi câu chuyện, Phạm Hổ đã mang đến cho các em những giá trị
nhân bản đầu tiên xuất phát từ tình yêu thương ruột thịt, với những tình huống
gây xúc động lòng người khi chạm đến những mối dây thâm tình.

Khi viết về tình cảm mẹ (cha) con, Phạm Hổ đã miêu tả mối tương cảm
mẫu tử thật thiêng liêng. Nối kết giữa mẹ và con là sợi dây yêu thương – sợi

16


dây có khả năng chống chọi lại với cái ác và muôn ngàn nỗi đau khổ của cuộc
đời. Người ta có thể chia cách mọi thứ trong cuộc đời trừ tình cảm sâu sắc của
con người, nhất là tình mẹ con. Truyện Sự tích quả Lòong Boong (hay là Quả
tim bằng ngọc), là câu chuyện cảm động về tình mẹ con: Con bị đánh đau ở
đâu người mẹ đau trên thân thể ở đó. Câu chuyện kể rằng, những ngày xưa
lắm, có hai mẹ con nhà nọ nghèo quá, phải đi ở cho một tên nhà giàu. Cả ngày
làm hết mọi công việc nặng nhọc, lại bị đánh mắng, hai mẹ con chỉ thấy vui
sướng khi đêm đến, được nằm bên nhau trên mảnh chiếu rách trải ở xó nhà.
Lúc ấy, người mẹ mới ôm con vào lòng mà vuốt ve, an ủi. Tình cảm thiêng
liêng ấy là tình mẫu tử cao cả, chỉ cần được bên nhau dù khó khăn vất vả, khổ
cực bao nhiêu hai mẹ con cũng thấy vui sướng. Tình cảm ấy càng lạ lùng thay
khi đứa con bị nhà chủ hành hạ đánh đòn: “ Một hôm, em bé gái bị ốm nặng
nằm liệt không dậy nổi. Người mẹ thương con, thỉnh thoảng lại nén vào thăm.
Tên nhà giàu thấy được, hắn nắm lấy tay em bé giật mạnh một cái và lôi dậy
bắt đi làm. Hắn vừa bỏ tay ra thì em bé ngã khụy xuống. Tên nhà giàu càng
tức giận. Hắn chộp lấy cái roi mây và quật vào lưng em mấy cái. Em bé và
người mẹ cùng thét lên. Mà kỳ lạ quá, tên nhà giàu quật bao nhiêu roi trên
lưng đứa con thì bấy nhiêu roi lằn trên lưng bà mẹ”. Tác giả muốn nhắn nhủ
tới các em tình mẫu tử là thế đó, con đau mẹ cũng đau, con đau bao nhiêu mẹ
cũng đau bấy nhiêu. Và rồi, người mẹ yêu con đã hi sinh mạng sống của mình
để cứu con. Mẹ bảo con mình chạy đi khi bị tên nhà giàu phát hiện mất con
chim quý. Người mẹ ở lại nhận tội và chịu chết thay con. Nhưng, người mẹ
đâu biết khi bị mũi mác đâm vào tim thì đứa con của mình cũng như bị mũi
mác đâm vào rồi nằm xuống. Và đây chính là mối tương cảm mẫu tử thiêng

liêng của hai mẹ con em bé nhà nghèo. Kết thúc câu chuyện là sự xuất hiện
của trái lòong boong. Đó là biểu trưng cho tình mẫu tử thiêng liêng. Ở truyện
Sự tích cây Sung có hình ảnh người mẹ chết đi vì không muốn xa con nên hóa

17


thành cây Sung. Hình ảnh cây Sung nhiều quả như người mẹ nhiều con. Quả
sung từ gốc đến cành như đàn con xưa bám lấy mẹ từ chân đến vai.
Cũng từ tình cảm gia đình, tình yêu của người cha dành cho con mà cây
chuối ra đời (Những bàn tay nhiều ngón – hay Sự tích cây Chuối). Hình ảnh
cây chuối (với thân tròn, lá to, quả có mùi thơm ngọt như sữa và mật có hình
giống như bàn tay với những ngón tay xòe ra) là kết quả của tình yêu thương
vô bờ bến mà các bậc sinh thành luôn lo lắng cho sự an nguy của những đứa
con. Khám phá ra Những bàn tay nhiều ngón, ai cũng có thể thấy, bằng tình
yêu vô bờ bến mà người con út của thần cây – Tiêu Ly đã nghĩ ra một giống
cây hoàn toàn mới để dự thi và đạt giải nhất: “ Thân của nó sẽ tròn trĩnh như
tay chân của con, mát mẻ như da thịt con. Lá của nó không nhiều nhưng rất to
và nhìn giống như những cái lông chim khổng lồ buộc túm lại và xòe ra bốn
phía. Lên năm, lên sáu, con có thể bẻ từng lá che đầu đi chơi không sợ mưa,
không sợ nắng. Quả của cây sẽ giống như ngón tay con trẻ và xếp thành hàng
dài dọc sống lá. Đến lúc chín quả sẽ thơm ngọt như có mùi sữa và mật quyện
vào nhau. Con lớn lên chỉ cần với tay là hái được quả, bóc lấy mà ăn”. Từ tình
yêu, sự quan tâm chăm sóc, lo lắng cho đứa con hết mực mà một giống cây
mới – cây chuối ra đời là thế đấy. Bên cạnh đó, tác giả đã rất tinh tế viết về
tình cảm của những người con có hiếu với cha mẹ: Truyện Người con có hiếu
(hay Sự tích Hoa Vạn Thọ). Đó là câu chuyện hay kể về một cậu bé hiếu thảo,
muốn kiếm được ít tiền để về thuốc thang cho cha của mình khỏi bệnh. Nhờ
trí thông minh của mình, cậu bé hết lần này đến lần khác đối đầu với tên nhà
giàu đần độn để kiếm tiền và đã cứu được cha mình khỏi bệnh. Từ câu chuyện

cảm động mà một loài hoa mới ra đời với cái tên hoa Vạn Thọ. Hoa Vạn Thọ
được tạo nên từ những bông hoa kết rơm màu vàng tươi của người con hiếu
thảo, Hoa tượng trưng cho lời chúc ông bà, cha mẹ sống lâu trăm tuổi.

18


Tình cảm gia đình yêu thương, gần gũi, không chỉ có cha, mẹ và con,
tác giả còn viết về tình cảm bà cháu, về anh em trong gia đình. Khi khám phá
câu chuyện Cái kéo kỳ lạ ( hay Sự tích Hoa Cải Vàng), chính là người làm
văn chương ca ngợi lòng hiếu thảo của cậu bé dành cho người bà yêu quý của
mình. Cậu bé vì thương bà phải chịu lạnh vào mùa đông mà quyết tâm tìm
mua bằng được cái kéo có thể cắt được nắng ấm mang về cất giữ cho bà trong
những ngày lạnh giá. Trên thế gian này, đâu có gì cắt được nắng mang về, đâu
có chiếc kéo nào cắt được nắng?. Nhưng tình thương yêu đã làm nên điều kỳ
diệu đó. Thương bà mà cậu bé không quản đường xa xôi, không ngừng hi
vọng tìm mua được chiếc kéo thần kỳ cắt được nắng. Cuối cùng, cậu cũng gặp
được cụ già bán dao, kéo nổi tiếng thần kỳ. Cậu xin cụ bán cho cái kéo có thể
cắt được nắng. Khi cụ hỏi lý do sao lại muốn mua chiếc kéo lạ cắt được nắng,
cậu bé liền trả lời: “ Thưa cụ, bà cháu già yếu quá. Mùa đông vừa mới đến mà
ban đêm, đắp chiếu nằm trên ổ lá. Bà cháu kêu là rét quá cứ như nằm trên
nước… Bà cháu ốm liền hai trận. Bà cháu ước có cái kéo cắt được một vạt
nắng mang về cất giữ, đêm đến mang ra cho bà cháu đắp, chắc bà cháu sẽ
được ấm, sẽ khỏi bị ốm và bị chết rét ạ!”. Xúc động trước tình cảm của người
cháu hiếu thảo dành cho bà của mình, ông cụ thần kì đã cho người cháu cái
kéo cắt được nắng, mang nắng về nhà cất giữ và dệt thành chăn nắng cho bà
đắp những đêm lạnh. Cậu bé đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ để tìm chút
ánh nắng cho bà sưởi ấm, nhờ có chiếc chăn ấm mà tuổi thọ của bà được kéo
dài. Khi bà mất, sợ bà rét, cậu bé đã mang tấm chăn quý ra đắp lên trên mộ
cho bà được ấm. Câu chuyện cảm động về tình bà cháu thật thiêng liêng, cao

cả. Điều kỳ diệu này đã đến với con người giàu tình thương yêu, vị tha.
Cũng từ tình yêu thương mà hi sinh tất cả, vượt qua mọi khó khăn gian
khổ để mong cho em mình khỏi bệnh là câu chuyện cảm động về tình anh em
của Cành và Búp (Cái ô đỏ - hay Sự tích hoa Râm Bụt). Tình cảm huyết thống

19


yêu thương chỉ được khẳng định khi nó đặt trong những hoàn cảnh ngặt
nghèo. Bởi vì, càng trải qua chông gai, giá bị bền vững của tình cảm càng
chứng tỏ. Truyện Sự tích Hoa Râm Bụt (Hay Cái ô đỏ), ca ngợi tấm lòng của
người anh trai (Cành) sẵn sàng làm tất cả mọi việc, chấp nhận hoán đổi số
phận của mình cho em (Búp). Người anh chỉ mong sao em mình khỏi bệnh:
“Cành thương em đến xót xa. Cũng vì vậy mà Cành mong gặp được Bụt để
nhờ Bụt cứu cho đôi chân của em mình không bị liệt nữa”. Ngày ngày Cành
khấn gặp được Bụt “Ban đêm cũng khấn, ban ngày cũng khấn”. Nhưng Cành
chưa gặp được Bụt, không ngừng hi vọng, chỉ cần gặp được Bụt để cứu em
mình: “Cành thương em quá, thương em quanh năm suốt tháng cứ ngồi một
chỗ, hoặc lê lết khắp nhà cho đỡ buồn. Nhìn những cảnh ấy lòng Cành như bị
đứt ra từng khúc”. Cành quyết định đi tìm Bụt dù biết là rất khó khăn, gian
khổ. Nhưng, người anh đó đã vượt qua tất cả, tìm gặp được Bụt, xin Bụt về
cứu giúp em mình khỏi bệnh. Để Bụt về nhà cứu em, Cành phải may một
chiếc ô màu đỏ cho Bụt che nắng đi về. Cành vui mừng khi nhớ ra hai anh em
Cành vừa được mẹ may cho chiếc áo cũng màu đỏ tươi có thể cắt ra may
thành ô cho Bụt. Bụt hỏi Cành lấy chiếc áo của em dùng may ô, Cành thưa:
“Em cháu thích cái áo đấy lắm. Nó cứ đòi mặc luôn, mà thỉnh thoảng mẹ cháu
mới cho mặc thôi… Cháu sẽ lấy cái của cháu vậy…”. Vì yêu em, thương em
mà người anh ấy đã vượt qua bao thử thách, không ngại hi sinh những gì
mình thích nhất để đem lại cho em sự sống. Nhưng khó khăn, thử thách lớn
nhất là để cứu em khỏi liệt, thì người anh sẽ bị liệt thay em. Liệu Cành có

chịu liệt thay em hay không? Cành cũng nghĩ, cũng buồn lắm chứ! Nhưng
Cành quả quyết, chấp nhận hoán đổi số phận nghiệt ngã cho em mình: “Thưa
Bụt: Dẫu sao thì cháu cũng đã được đi lại, bơi, trèo bao nhiêu năm rồi. Còn
em cháu thì nó chưa hề biết được những cái thú ấy. Cháu đã lớn, dù có bị liệt,
cháu sẽ còn có cách này, cách khác… Còn em cháu thì nó bé quá, nó khổ

20


quá…”. Vậy là hi sinh bản thân, người anh đã tự gánh bệnh hiểm nghèo cho
người em. Sự hi sinh như thế của người anh dành cho em xúc động cả thiên
thần, cả Bụt. Cuối cùng, Búp đã khỏi bệnh và Cành cũng đã không bị liệt thay
em. Hai anh em rất vui mừng, sung sướng và cảm ơn Bụt. Đúng vậy, từ tình
thương yêu chân thành, sẽ là động lực cho mỗi người vượt qua mọi khó khăn,
thử thách, chông gai, dù đó là đánh đổi số phận của mình. Tình cảm đó thật
cao quý, thiêng liêng biết bao. Từ tình thương yêu chân thành mạnh mẽ của
Cành đã chiến thắng nỗi sợ hãi và đã làm đôi chân của Búp được chữa lành.
Kết thúc câu chuyện là hình ảnh một loài hoa mang sắc đỏ yêu thương của
tình anh em: Hoa Râm Bụt.
Dừng lại ở tình cảm yêu thương anh em xúc động, tìm hiểu một khía
cạnh khác thuộc chủ đề tình cảm gia đình trong tập Chuyện hoa, chuyện quả
của Phạm Hổ là tình cảm vợ chồng. Không ai không cảm phục trước tình cảm
vợ chồng không thể tách rời trong thiên truyện Sự tích hoa Thiên Lý (Hay
Tiếng sáo và con rắn). Cho dù cách xa ngàn dặm người vợ vẫn có thể nhận ra
chồng mình. Chỉ có tình yêu, sự chung thủy sắt son người vợ mới hiểu chồng
như vậy. Tìm hiểu Sự tích Hoa Thiên lý, độc giả nhận ra sắc màu thủy chung
của tình cảm thiêng liêng ấy. Người vợ hiểu rất rõ về chồng mình qua việc cô
biết mùi mồ hôi của chồng, món canh chồng thích và cả dáng đi của chồng.
Chuyện kể rằng, có một chàng trai thổi sáo rất giỏi, rất hay làm cho con rắn
lục cũng phải mê tiếng sáo của anh. Nó đã hóa thành người phụ nữ giống hệt

vợ anh để có thể nghe tiếng sáo của anh hàng ngày. Sau chuyến đi thi thổi sáo
đạt giải nhất trở về, chàng hoảng hốt sợ hãi khi thấy hai người vợ giống hệt
nhau. Chàng liền tìm đến một ông cụ nổi tiếng là tài giỏi trong việc tìm ra
chuyện phải trái ở trên đời, để giúp đỡ. Để tìm ra người vợ thật, ông cụ cho
hai cô vợ thi tài với nhau ba lần. Lần thứ nhất, ông bịt mắt cả hai lại và đưa
cho hai người ba cái áo có mùi mồ hôi của ba người đàn ông khác nhau và

21


dặn: “Cái áo nào của chồng mình thì gật đầu”. Cô vợ thật dễ dàng tìm được
chiếc áo của chồng, còn cô vợ giả là con rắn, phải liếc nhìn cô vợ thật mới
biết. Lần thứ hai, ông cụ mang ba bát canh, một bát có vị gừng, một bát có vị
hành và một bát có vị lá hẹ. Thứ canh nào chồng mình thích ăn thì gật đầu.
Lần này cô vợ giả cũng làm theo y như cô vợ thật. Thấy cô vợ thật gật đầu cô
vợ giả cũng gật đầu theo. Lần thứ ba, ông cụ để hai người đứng ở hai nơi
không trông thấy nhau nhưng cùng nhìn ra con đường ở trước mặt cách đấy
khá xa và xem ba chàng trai đi ngang qua đường ai là chồng của mình. Lần
này cô vợ giả đã nhận sai người và bị phát hiện là vợ giả, còn cô vợ thật đến
người thứ năm mới nhận đúng đó là chồng của mình. Nàng thưa: “Thưa cụ,
nếu là chồng cháu thì dẫu ở xa trăm dặm, ngàn dặm, cháu cũng nhìn ra”. Chỉ
có tình yêu chung thủy sắt son, luôn quan tâm, chăm sóc chồng mình, người
vợ thật sẽ nhận ra chồng mình ngay. Truyện Sự tích Cây dâu vừa ca ngợi tình
cảm thủy chung của đôi vợ chồng vừa ca ngợi lòng hiếu thảo của người con
dâu với cha mẹ chồng. Mặc dù chồng đã mất, nhưng người con dâu vẫn
thương bố mẹ chồng già yếu. Hễ cô kiếm được nắm gạo, mớ khoai nào cũng
đều dành dụm đem về cho ông bà.
Có thể thấy, đề tài tình cảm gia đình trong Chuyện hoa, chuyện quả của
Phạm Hổ biểu hiện những sắc thái tình cảm khác nhau: Tình mẫu tử thiêng
liêng, tình anh em mãnh liệt, tình vợ chồng sắt son, thủy chung… Những

thiên truyện khiến tâm hồn thêm ấm áp yêu thương, hàm chứa giá trị nhân
văn sâu sắc.
2.2. Tình cảm thầy trò cao đẹp
Cùng với tình cảm gia đình, Chuyện hoa, chuyện quả còn rung động
lòng người bởi tình thầy trò thấm đượm chân tình. Người thầy không chỉ
truyền thụ cho học sinh những “bồ chữ” kiến thức mà còn truyền “lửa” tình
người giúp các trò lớn khôn, trưởng thành, làm đẹp tâm hồn và nhân cách.

22


Đến với Sự tích quả Roi (hay Những con ốc kì lạ) là đến với câu chuyện cảm
động về hai học trò nghèo đã cứu thầy và thực hiện niềm mong ước của người
thầy trong sự nghiệp dạy học. Được thầy nhận vào học cùng với một anh nhà
giàu, hai người học trò nghèo luôn cần cù chịu khó học hành. Truyện kể rằng,
có ba trò theo học một người thầy. Hai học trò nghèo và một trò là con nhà
giàu có. Để phân biệt sự tốt, xấu của các trò, ông thầy cho mỗi trò một con ốc
đeo ở trước ngực. Ai học giỏi thì nó sáng lên như đèn và giúp thành đạt. Ai
học kém thì đen dần như than và chỉ đem vứt đi. Hai anh nhà nghèo vừa làm
thuê kiếm sống vừa đến học thầy. Hai anh học giỏi lại biết đối xử với mọi
người rất tử tế và lễ độ. Còn anh nhà giàu thì cứ học đâu quên đấy, anh say
mê rượu chè, trai gái và đối với mọi người thì anh ta hỗn láo, xấc xược, ngay
cả với thầy anh ta cũng chê. Bởi vậy, con ốc của anh nhà giàu thì nó đen dần
lại như than còn hai học trò nghèo càng sáng ra như ngọc: một con sáng trắng
và một con sáng hồng. Anh nhà giàu ghen tức và căm giận thầy. Khi nén nghe
trộm thầy và hai học trò nghèo nói chuyện, anh ta biết được điều bí mật của
họ: Có một người là gái đã giả trai để đi học. Đó chính là người học trò đã có
con ốc sáng màu hồng. Tên nhà giàu đã tâu vua hại ba thầy trò họ. Biết
chuyện này, hai học trò nghèo đi thi về đã đưa thầy đi lánh nạn. Rồi thầy ốm
nặng, không qua khỏi, hai người nghe lời thầy: “Tiếp tục nghề của thầy, cố

dạy cho lớp đàn em học đủ cái tốt, cái hay, cho đủ cái chữ, cái nghĩa, để sau
này sẽ có lúc đem tài sức ra mà giúp ích cho đời…”. Sau khi hai trò lánh đi
một thời gian, vị vua khác lên ngôi, họ vâng lời thầy trở về làng mở lớp dạy
học, nối nghiệp của người đã khuất. Cũng như thầy cũ, mỗi khi nhận người
vào học, hai người lại trao cho mỗi học trò một con ốc để theo dõi việc ăn ở,
học hành của từng người. Khi chết, từ mộ hai người mọc hai mầm cây rất đẹp.
Khi cây ra hoa kết quả thì đó là một thứ quả mới lạ nhìn giống như những con
ốc roi ngày nào. Đó là cây Roi.

23


×