Tải bản đầy đủ (.pdf) (68 trang)

NGHIÊN CỨU TỘC NGƯỜI VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ DÂN TỘC Ở VIỆT NAM TỪ NĂM 1986 ĐẾN NAY

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (802.61 KB, 68 trang )

TỔNG LUẬN
NGHIÊN CỨU TỘC NGƯỜI
VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ DÂN TỘC
Ở VIỆT NAM TỪ NĂM 1986 ĐẾN NAY
PGS.TS. VƯƠNG XUÂN TÌNH*

C

ũng như các quốc gia đa tộc người khác, ở Việt Nam, vấn
đề dân tộc có vị trí rất quan trọng, cả trong sự nghiệp
đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và
bảo vệ đất nước. Bởi vậy, sau hòa bình được lập lại ở miền
Bắc không lâu, vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX, ngành
Dân tộc học Việt Nam đã ra đời. Từ thập niên 60 đến thập
niên 70 của thế kỷ XX, với nòng cốt là Viện Dân tộc học,
ngành Dân tộc học Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan
trọng. Thành tựu nổi bật của ngành trong thời gian này là
thực hiện nhiều nghiên cứu, điều tra cơ bản đối với các dân
tộc ở nước ta, qua đó nâng cao nhận thức về các tộc người,
giúp cho việc thực hiện công tác dân tộc hiệu quả hơn. Kết
quả lớn nhất của những nghiên cứu này là sự ra đời của bản
Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam (1979) và bộ
sách gồm hai tập: Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh
phía Bắc) (Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978) và Các dân
__________
* Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

19


tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía Nam) (Nxb. Khoa học


xã hội, Hà Nội, 1984). Đây là dấu mốc quan trọng trong sự
nghiệp nghiên cứu về tộc người ở nước ta.
Sau khi các công trình trên ra đời không lâu, đất nước
bước vào sự nghiệp đổi mới. Từ đó đến nay, sự phát triển
của ngành Dân tộc học Việt Nam và đời sống của các tộc
người ở nước ta đã có nhiều đổi thay; việc nghiên cứu về đời
sống các dân tộc cũng đa dạng. Tuy nhiên, trải qua gần 30
năm đổi mới đất nước (1986), ngành Dân tộc học/Nhân học
của Việt Nam vẫn chưa có những tổng kết xứng tầm về việc
nghiên cứu tộc người, điều đó thể hiện trong ngành chưa có
những công trình phản ánh một cách tổng thể về các dân tộc
ở Việt Nam trong khoảng thời gian này.
Các dân tộc ở Việt Nam là bộ sách tiếp nối công trình
Các dân tộc ít người ở Việt Nam - gồm hai tập như đã nêu.
Ngoài xem xét việc nghiên cứu về các tộc người, bộ sách
còn phản ánh sự phát triển, biến đổi của các dân tộc ở nước
ta từ năm 1986 đến nay, trong đó dân tộc Kinh (Việt) lần
đầu tiên được giới thiệu. Bộ sách được biên soạn chủ yếu
dựa trên nghiên cứu tài liệu thứ cấp kết hợp với tài liệu
điền dã ở một số dân tộc.
I- BỐI CẢNH QUỐC TẾ VÀ TRONG NƯỚC ẢNH HƯỞNG
ĐẾN CÁC DÂN TỘC Ở NƯỚC TA TỪ NĂM 1986 ĐẾN NAY
1. Bối cảnh quốc tế
Kể từ khi Liên Xô (cũ) và các nước xã hội chủ nghĩa ở
Đông Âu (cũ) tan rã, Chiến tranh lạnh kết thúc, vấn đề dân
tộc trên thế giới đã có nhiều biến đổi theo cả chiều hướng tích
cực và tiêu cực.
20

CÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM (Tập 1: Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường)



Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, ý thức về
tộc người, quốc gia - dân tộc (Nation - State) được khơi dậy
mạnh mẽ. Đó là ý thức về sự bình đẳng giữa các dân tộc,
chống áp bức dân tộc trên mọi chiều cạnh; mối quan hệ giữa
tộc người và quốc gia; vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa của tộc
người... Ý thức ấy đã được chuyển hóa thành hành động
trong chính sách, chương trình, dự án phát triển của nhiều
nước, của nhiều tổ chức liên quan đến tộc người và nhóm xã
hội. Sự khơi dậy của ý thức tộc người đã góp phần giữ gìn,
bảo vệ văn hóa tộc người trước tác động của toàn cầu hóa.
Bên cạnh đó, với xu hướng giao lưu, hội nhập quốc tế diễn ra
mạnh mẽ, các tộc người cũng có cơ hội học hỏi, chia sẻ lẫn
nhau, dẫn tới bước phát triển mới trong đời sống kinh tế, xã
hội và văn hóa.
Cùng với xu hướng tích cực, đã xuất hiện chiều hướng
tiêu cực về vấn đề dân tộc. Do tác động của yếu tố lịch sử,
chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới và khu vực, mối quan
hệ dân tộc ở một số nơi trở nên nóng bỏng, đặc biệt ở vùng
bán đảo Ban Căng, Cápcadơ, Trung Cận Đông, Nam Á và
Đông Nam Á. Tại các khu vực này vẫn đang diễn ra nhiều
cuộc chiến tranh hoặc nội chiến mang màu sắc dân tộc kết
hợp với tôn giáo. Một số thế lực chính trị cực đoan đã lợi
dụng đặc thù về quan hệ, tình cảm, lòng tự tôn dân tộc để
kích động sự nghi kỵ, hận thù và xung đột dân tộc. Các tổ
chức khủng bố quốc tế cũng chủ yếu dựa vào vấn đề dân tộc,
tôn giáo để chiêu tập lực lượng, đẩy mạnh hoạt động.
Thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, một số thế lực
quốc tế đã gắn vấn đề dân tộc, tôn giáo với vấn đề dân chủ và

nhân quyền. Với luận điểm cho rằng, các dân tộc thiểu số bị
mất nhân quyền, thiếu tự do, dân chủ, các thế lực này sẽ tiếp
TỔNG LUẬN NGHIÊN CỨU TỘC NGƯỜI…

21


tục thúc đẩy mâu thuẫn giữa dân tộc thiểu số với nhà nước,
giữa dân tộc thiểu số với dân tộc đa số trong những quốc gia
đa dân tộc, nhất là những quốc gia theo con đường xã hội chủ
nghĩa như Việt Nam1.
Trong bối cảnh chung đó, có một số vấn đề của khu vực và
quốc tế ảnh hưởng trực tiếp đến các tộc người ở Việt Nam như:
- Sự hình thành trục hành lang kinh tế của khu vực tiểu
vùng sông Mê Kông, gồm:
+ Trục hành lang kinh tế Bắc - Nam (Côn Minh (Trung
Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam);
Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng Quảng Ninh);
+ Trục hành lang kinh tế Đông - Tây (Đà Nẵng, Thừa
Thiên Huế, Quảng Trị (Việt Nam) - Savannakhet (Lào) - 7
tỉnh Đông Bắc (Thái Lan) - Mawlamyine (Mianma));
+ Trục hành lang kinh tế Nam - Nam (Băng Cốc (Thái
Lan) - Phnôm Pênh (Campuchia) - Thành phố Hồ Chí Minh
(Việt Nam)).
Các trục hành lang kinh tế trên đều ảnh hưởng đến đời
sống kinh tế - xã hội của nhiều tộc người ở Việt Nam, nhất là
gia tăng quan hệ dân tộc xuyên quốc gia.
- Việc ký kết hiệp ước biên giới hòa bình, hữu nghị giữa
Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia, trên cơ sở đó
bảo đảm an ninh và phát triển kinh tế - xã hội vùng biên

giới, thúc đẩy quan hệ mậu dịch biên giới giữa Việt Nam với
các nước trong khu vực. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử
__________
1. Xem Vương Xuân Tình: “Định hướng phát triển của Viện Dân tộc
học giai đoạn 2013 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, Tạp chí Dân tộc
học, số 5-2013, tr.4-13.

22

CÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM (Tập 1: Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường)


nước ta, biên giới được xác định rõ ràng và ổn định như hiện
nay. Điều đó có tác động tích cực đến sự phát triển, song
cũng đặt ra những thách thức trong quản lý quan hệ dân tộc,
nhất là quan hệ dân tộc xuyên biên giới.
- Chính sách dân tộc của những quốc gia láng giềng. Các
chính sách dân tộc của Trung Quốc, Lào và Campuchia, đặc
biệt là chính sách Hưng biên phú dân1 của Trung Quốc có
ảnh hưởng nhất định đến các dân tộc ở vùng biên giới nước ta
trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
- Hoạt động của các tổ chức phản động, ly khai ở nước
ngoài. Một số tổ chức phản động tại nước ngoài của người
Chăm, người Khơ-me, người Hmông, của các dân tộc tại
chỗ Tây Nguyên và những tổ chức khác hoạt động ráo riết
đòi tự trị, ly khai cho các dân tộc thiểu số. Những tổ chức
này thường xuyên chỉ đạo, tài trợ cho các hoạt động chống
phá chính quyền, chống lại sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc
ở Việt Nam.
- Các quan điểm, giá trị về tự do, dân chủ, nhân quyền

của một số nước phương Tây. Trong quan hệ hợp tác phát
triển liên quan đến dân tộc thiểu số của nước ta, một số
nước phương Tây thường sử dụng quan điểm, giá trị về tự
do, dân chủ, nhân quyền như một điều kiện. Điều đó cũng
ảnh hưởng đến phạm vi, mức độ và tiến độ hợp tác, bởi có
quan điểm và giá trị của phương Tây chưa được Nhà nước
Việt Nam chấp nhận.
__________
1. Xem Vương Xuân Tình (Chủ biên): Văn hóa với phát triển bền
vững ở vùng biên giới Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014,
tr.53-55.
TỔNG LUẬN NGHIÊN CỨU TỘC NGƯỜI…

23


2. Ở trong nước
Từ năm 1986 đến nay, có rất nhiều chính sách và sự kiện
tác động tới các dân tộc ở Việt Nam. Có thể nêu một số chính
sách và sự kiện chính sau đây:
- Chính sách kinh tế thị trường. Chính sách này góp
phần cơ bản làm xóa bỏ chế độ tập trung quan liêu bao cấp,
ngày càng gắn chặt chẽ về sản xuất và đời sống của các tộc
người, kể cả ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa với thị trường
vùng, thị trường quốc gia và quốc tế.
- Chính sách đất đai và việc xóa bỏ mô hình hợp tác xã
kiểu cũ. Việc thực hiện Khoán 10 trong nông nghiệp, chính
sách giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cho cộng đồng
dân cư thôn bản được thể hiện trong Luật đất đai năm 1993,
Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Luật đất đai sửa

đổi năm 2003, Luật đất đai sửa đổi năm 2014, cùng việc xóa
bỏ mô hình hợp tác xã kiểu cũ, tái lập vị trí của thôn, bản
trong hệ thống hành chính cấp cơ sở đã làm thay đổi sự phát
triển trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở tất cả các
tộc người của nước ta.
- Chính sách phát triển đối với các dân tộc thiểu số.
Chính sách này được tập trung thực hiện trong hơn hai thập
kỷ qua, trong đó chú trọng vào các vấn đề đói nghèo, giáo dục
và đào tạo, y tế, cán bộ..., có liên quan đến nhiều chương
trình, dự án phát triển, như Chương trình 135, 134; Chương
trình 661 và Chương trình trồng mới 5 triệu hécta rừng;
Chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho các huyện
nghèo, cho các dân tộc đặc biệt khó khăn, cho một số dân tộc
có điều kiện phát triển đặc thù (Khơ-me, Chăm, Hmông)...
Theo một thống kê của TS. Nguyễn Lâm Thành, tại vùng
24

CÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM (Tập 1: Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường)


miền núi phía Bắc, chỉ tính từ năm 2006 đến năm 2012, đã
có 211 chính sách chung và chính sách đặc thù cho vùng này
liên quan đến phát triển1. Bên cạnh những chính sách nêu
trên, còn có những quan điểm, chủ trương, chính sách không
liên quan trực tiếp đến các dân tộc thiểu số, nhưng vẫn có tác
động sâu sắc tới các tộc người này. Ví dụ, quan điểm chỉ đạo
về văn hóa, mà trọng tâm là giữ gìn, phát huy bản sắc văn
hóa, được thể hiện qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5
(khóa VIII); Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI).
Những quan điểm chỉ đạo đó có vai trò chủ yếu trong việc tạo

nên sự thay đổi lớn ở nhiều vùng dân tộc và nhiều tộc người.
Trong chính sách phát triển đối với các dân tộc thiểu số
kể từ sau năm 1986, còn phải kể tới việc lập ra ba Ban Chỉ
đạo ở ba vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Trưởng
Ban Chỉ đạo của mỗi vùng là một Ủy viên Bộ Chính trị. Điều
đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước Việt
Nam đến sự phát triển của ba vùng chiến lược này.
- Di dân tự do vào Tây Nguyên. Cuộc di dân tự do ồ ạt vào
Tây Nguyên của người Kinh (Việt) từ vùng đồng bằng Bắc Bộ,
duyên hải miền Trung và của các dân tộc thiểu số ở vùng miền
núi phía Bắc, nhất là trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX đã làm
đảo lộn phân bố dân cư, dân tộc; làm thay đổi sâu sắc đời sống
kinh tế - xã hội của các tộc người tại chỗ ở Tây Nguyên.
- Xây dựng các nhà máy thủy điện. Việc xây dựng hàng
loạt các nhà máy thủy điện, đặc biệt là thủy điện Sơn La,
Yaly, Đa Nhim, Lai Châu, Sê San, Sêrêpốk, Bản Vẽ... đã dẫn
__________
1. Xem Nguyễn Lâm Thành: Chính sách phát triển vùng dân tộc
thiểu số phía Bắc Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2014, tr.132.
TỔNG LUẬN NGHIÊN CỨU TỘC NGƯỜI…

25


tới việc thực hiện tái định cư cho hàng trăm ngàn đồng bào
các dân tộc. Điều đó có tác động mạnh mẽ đến phát triển
kinh tế - xã hội và biến đổi văn hóa của các tộc người ở nhiều
vùng tại Tây Bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên1.
- Bất ổn định ở Thái Bình, bạo loạn ở Tây Nguyên, Tây Bắc

và những xung đột tại Tây Nam Bộ. Sự bất ổn định ở nông thôn
tỉnh Thái Bình vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, ở một số
nơi của người Khơ-me thuộc Tây Nam Bộ vào thập kỷ 90 và
những năm 2000, và bạo loạn tại Tây Nguyên vào đầu những
năm 2000, ở Tây Bắc vào năm 2011 đã tác động đến sự phát
triển kinh tế - xã hội, tình hình an ninh - quốc phòng ở vùng
nông thôn người Kinh (Việt) và ở ba vùng dân tộc.
Bối cảnh trên cùng với các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội
và văn hóa đã có tác động nhiều chiều tới sự phát triển của
các tộc người ở Việt Nam. Tuy nhiên, cần nhận thấy rằng,
việc nêu lên các yếu tố đó chỉ có ý nghĩa khái quát, còn trên
thực tế, có rất nhiều yếu tố khác đan xen, tác động đến các
tộc người ở nước ta kể từ năm 1986 đến nay.
II- VÀI NÉT VỀ NGHIÊN CỨU TỘC NGƯỜI Ở VIỆT NAM
1. Vai trò và lịch sử nghiên cứu về tộc người
Cho đến nay ở nước ta, mặc dù Dân tộc học đã tiếp thu
__________
1. Theo tài liệu của Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, nếu
chỉ tính các nhà máy thủy điện lớn trên 100MW, đến nay, nước ta đã có 8
nhà máy đang vận hành, 17 nhà máy đang xây dựng, 12 nhà máy đang chuẩn
bị xây dựng và 2 nhà máy đã quy hoạch (nguồn: />Content .aspx?distid=112, truy cập ngày 21-8-2014). Cần lưu ý: tất cả các
nhà máy này đều được xây dựng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

26

CÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM (Tập 1: Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường)


nhiều thế mạnh của Nhân học, thậm chí có những cơ sở đào
tạo chuyển đổi mã ngành, tên gọi từ Dân tộc học sang Nhân

học, song việc nghiên cứu về tộc người vẫn được quan tâm.
Có hai lý do của thực trạng đã nêu: 1- Việt Nam là quốc gia
đa dân tộc, vấn đề tộc người có vị trí rất quan trọng đối với sự
phát triển, kể cả trong lịch sử cũng như hiện tại; 2- Nhân
học ở nước ta hiện nay chỉ là sự chuyển đổi từ Dân tộc học
hay là sự mở rộng của Dân tộc học. Điều này có thể nhận
thấy, ngay trong công trình Hiện đại và động thái của truyền
thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận Nhân học1, với tập
hợp nhiều nghiên cứu của các học giả nước ngoài và trong
nước2 thời gian gần đây, có khoảng trên 30% bài viết lấy tộc
người là đối tượng hoặc môi trường nghiên cứu. Tổng kết 10
năm xây dựng và phát triển Nhân học của Khoa Nhân học
thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành
phố Hồ Chí Minh cũng cho biết: trong số 8 đề tài nghiên cứu
trọng điểm của Khoa, đã có tới 5 đề tài lấy tộc người là đối
tượng hoặc môi trường nghiên cứu3. Nếu nhìn rộng hơn ra
thế giới, việc nghiên cứu tộc người vẫn rất được chú trọng,
thậm chí có xu hướng hồi sinh và phát triển mạnh trở lại ở
ngay những nước có truyền thống phát triển về Nhân học4.
__________
1. Xem Hiện đại và động thái truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp
cận Nhân học, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, q.1.
2. Nhiều tác giả là người Việt Nam trong công trình này được đào tạo
về Nhân học ở nước ngoài.
3. Xem Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc
gia Thành phố Hồ Chí Minh: Ngành Nhân học 10 năm xây dựng và phát
triển (2002 - 2012), Thành phố Hồ Chí Minh, 2012, tr.11-12.
4. Xem Nguyễn Văn Chính: “Dân tộc học ở Mỹ: Đặc điểm, khuynh
hướng và cơ sở lý luận”, Tạp chí Dân tộc học, số 1, 2-2013, tr.103-114.
TỔNG LUẬN NGHIÊN CỨU TỘC NGƯỜI…


27


Trong bối cảnh quan trọng của việc nghiên cứu về tộc người,
thời gian qua đã xuất hiện các tổng kết, đánh giá có liên quan.
Công trình ghi dấu ấn khó phai mờ, có thể nói, vẫn là bộ
sách Các dân tộc ít người ở Việt Nam, gồm hai tập1. Đây là kết
quả chủ yếu dựa trên nghiên cứu cơ bản và điều tra, xác minh
thành phần các dân tộc ở Việt Nam vào cuối những năm 60 và
những năm 70 của thế kỷ XX. Đối tượng để trình bày chính là
các dân tộc thiểu số của nước ta, vì thế, ngoài phần viết tổng
luận về quá trình hình thành và phát triển của đại gia đình
các dân tộc Việt Nam, công trình đã tập trung giới thiệu về
những dân tộc thiểu số ở hai miền của đất nước. Tuy nhiên,
tập thứ nhất viết về các dân tộc thiểu số ở phía Bắc được xuất
bản trước khi công bố bản Danh mục các thành phần dân tộc
Việt Nam nên tộc danh một số dân tộc của công trình chưa
thống nhất với bản Danh mục được ban hành sau đó một năm.
Dẫu còn những hạn chế khó tránh khỏi, song công trình này
vẫn được ghi nhận như là bộ “bách khoa thư”, phản ánh tương
đối đầy đủ và toàn diện về các dân tộc thiểu số của nước ta. Ở
đây, người đọc có thể tìm thấy những chỉ dẫn cơ bản và cần
thiết về từng dân tộc trong cả nước. Hai công trình trên cũng
là cơ sở cho các nghiên cứu của những ngành kế cận như văn
hóa, tôn giáo, lịch sử, nông nghiệp, kinh tế2... Đây có thể xem
như cuộc tổng kết lớn đầu tiên về nghiên cứu tộc người ở nước
ta, với hướng chính không phải là tổng kết việc tác nghiệp, mà
là sự vận động, phát triển của các dân tộc thiểu số.
__________

1. Xem Viện Dân tộc học: Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía
Bắc), Sđd; Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía Nam), Sđd.
2. Xem Khổng Diễn: “Viện Dân tộc học”, Trung tâm Khoa học xã hội
và Nhân văn quốc gia - 50 năm xây dựng và phát triển, Nxb. Khoa học xã
hội, Hà Nội, 2003.

28

CÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM (Tập 1: Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường)


Cuộc tổng kết thứ hai nghiên cứu về tộc người, có thể được
ghi nhận qua công trình Dân tộc học Việt Nam thế kỷ XX và
những năm đầu thế kỷ XXI, do Khổng Diễn - Bùi Minh Đạo
chủ biên1, có sự tài trợ của Ford Foundation. Công trình này
ra đời trong bối cảnh tìm hướng đổi mới cho Dân tộc học bằng việc tiếp nhận những yếu tố tích cực của Nhân học. Để
đổi mới Dân tộc học, trước hết cần có tổng kết nghiên cứu
trong những năm qua và vấn đề chủ yếu của công trình là
nhìn nhận việc tác nghiệp Dân tộc học, mà không bàn về các
tộc người. Vì vậy, ngoài việc xem xét các lĩnh vực nghiên cứu,
công trình còn quan tâm đến sự hình thành và phát triển của
tổ chức và đào tạo trong Dân tộc học. Nếu nhìn sâu vào việc
xem xét các lĩnh vực nghiên cứu đã nêu, ngoài những vấn đề
chung (tổng quan, phương pháp nghiên cứu), công trình đã có
những tổng kết của một số chuyên gia về những vấn đề như
kinh tế truyền thống, nông nghiệp, sở hữu đất đai, thiết chế
xã hội, hệ thống thân tộc, dân số, gia đình, luật tục, tri thức
địa phương, tôn giáo, văn hóa vật chất, ăn uống, giao tiếp văn
hóa, ngôn ngữ...; chỉ có duy nhất một tổng kết nghiên cứu về
một tộc người cụ thể, đó là dân tộc Chăm. Những tổng kết này

tuy chưa phản ánh hết sự đa dạng trong Dân tộc học Việt Nam
cho đến thời điểm đó, song vẫn tạo được nền tảng nhất định
cho việc đánh giá một giai đoạn nghiên cứu đã qua.
Bên cạnh hai cuộc tổng kết nêu trên, còn phải kể tới các
đánh giá về nghiên cứu của Viện Dân tộc học - cơ quan có
nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, toàn diện về các tộc người ở
__________
1. Xem Khổng Diễn, Bùi Minh Đạo (Chủ biên): Dân tộc học Việt Nam
thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,
2003.
TỔNG LUẬN NGHIÊN CỨU TỘC NGƯỜI…

29


Việt Nam, vào những dịp kỷ niệm 15, 20, 25, 30, 35, 40, 45
năm thành lập Viện. Đánh giá này thường được phản ánh
trong báo cáo tổng kết nhân dịp kỷ niệm nêu trên của lãnh
đạo Viện, công bố trên Tạp chí Dân tộc học1.
Trong bối cảnh nghiên cứu về tộc người của Viện Dân tộc
học còn phải kể tới một hoạt động khác cần được ghi nhận, đó
là việc điều tra, nghiên cứu để xác minh lại thành phần một
số dân tộc ở Việt Nam vào nửa đầu thập kỷ đầu tiên của thế
kỷ XXI. Trước tình hình có một số dân tộc muốn đổi tộc danh,
những nhóm địa phương muốn tách thành dân tộc riêng, một
số tộc bị ghép vào các tộc khác trước đây, nay cũng muốn
tách ra, Viện Dân tộc học đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu
để xây dựng kiến nghị về vấn đề này. Ngoài việc tổ chức tọa
đàm về lý luận và phương pháp, việc điều tra, nghiên cứu đã
được tiến hành ở trên 40 dân tộc và nhóm địa phương trong

cả nước2. Đây có thể được coi là đợt tổng kết về một vấn đề
__________
1. Xem Bế Viết Đẳng: “15 năm nghiên cứu Dân tộc học và những
nhiệm vụ hiện nay”, Tạp chí Dân tộc học, số 4-1983, tr.6-11; Bế Viết
Đẳng: “Nhìn lại 20 năm nghiên cứu của Viện Dân tộc học”, Tạp chí Dân
tộc học, số 1-1988, tr.9-13; Bế Viết Đẳng: “Công tác nghiên cứu Dân tộc
học trong những năm qua và những nhiệm vụ trong những năm tới”, Tạp
chí Dân tộc học, số 1-1994, tr.5-15; Khổng Diễn: “Viện Dân tộc học 30
năm xây dựng và phát triển (1968 - 1998)”, Tạp chí Dân tộc học, số 1-1999,
tr.5-10; Khổng Diễn: “35 năm Viện Dân tộc học (1968 - 2013)”, Tạp chí
Dân tộc học, số 6-2003, tr.5-10; Phạm Quang Hoan: “Viện Dân tộc học Thành tựu 40 năm xây dựng và phát triển (1968 - 2008)”, Tạp chí Dân
tộc học, số 1, 2-2009, tr.6-9; Vương Xuân Tình: “Định hướng phát triển
của Viện Dân tộc học giai đoạn 2013 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”,
Tạp chí Dân tộc học, số 5-2013, tr.4-13.
2. Xem Khổng Diễn: “Về việc xác định lại một số thành phần các dân
tộc ở Việt Nam”, Tạp chí Dân tộc học, số 4-2002, tr.51-59.

30

CÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM (Tập 1: Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường)


liên quan đến phát triển và biến đổi của các dân tộc ở nước
ta. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan nên đến
nay, nghiên cứu này vẫn chưa có điều kiện công bố.
Cùng với những tổng kết, đánh giá nêu trên, còn phải kể
đến các đánh giá, tổng kết liên quan đến việc nghiên cứu về
tộc người trong công trình của một số tác giả, như về sự phát
triển của Dân tộc học ở Việt Nam1; về quá trình tộc người ở
Việt Nam2; về sự hình thành và phát triển của cộng đồng dân

tộc Việt Nam3...
2. Yêu cầu và bối cảnh mới trong nghiên cứu về tộc người
Kể từ khi công bố bản Danh mục các thành phần dân tộc
Việt Nam vào năm 1979 đến nay, trải qua gần 40 năm, Dân
tộc học Việt Nam chưa có cuộc tổng kết trọn vẹn nào trong
việc nghiên cứu về tộc người trên cả hai phương diện: tác
nghiệp nghiên cứu và những biến đổi về kinh tế - xã hội của
các dân tộc. Trong khi đó, sự đổi thay trên cả hai phương
__________
1. Xem Phan Hữu Dật: Một số vấn đề về dân tộc học Việt Nam,
Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998, tr.74-88; Nguyễn Văn Chính: “Một
thế kỷ Dân tộc học Việt Nam và những thách thức trên con đường đổi mới
và hội nhập”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 5 (113)-2007, tr.47-67.
2. Xem Bế Viết Đẳng: “Các quá trình tộc người ở Việt Nam”, Tạp chí
Dân tộc học, số 3-1988, tr.3-15; Phan Hữu Dật: Góp phần nghiên cứu
Dân tộc học Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.381-500;
Nguyễn Văn Huy: Từ Dân tộc học đến Bảo tàng Dân tộc học: Con
đường học tập và nghiên cứu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, t.II,
tr.339-369.
3. Xem Đặng Nghiêm Vạn: Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam,
Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2003; Nguyễn Văn Huy:
Từ Dân tộc học đến Bảo tàng Dân tộc học: Con đường học tập và nghiên cứu,
Sđd, tr.407-428.
TỔNG LUẬN NGHIÊN CỨU TỘC NGƯỜI…

31


diện ấy lại diễn ra khá mạnh mẽ, đặc biệt kể từ những năm
cuối của thế kỷ XX và bước sang thế kỷ XXI. Đây là thời điểm

Việt Nam mở rộng hội nhập, chú trọng chính sách phát triển
đối với các dân tộc thiểu số và cũng là khi Dân tộc học có
những đổi mới. Mặt khác, đây cũng là thời điểm vấn đề dân
tộc của nước ta có những diễn biến phức tạp - trong xu hướng
chung của thế giới: đó là việc diễn ra các cuộc bạo loạn hay
xung đột cục bộ ở Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ, do
tác động của các thế lực thù địch và phần nào cả từ mâu
thuẫn nội tại chưa được giải quyết kịp thời.
Tuy nhiên cần nhận rõ, sự cần thiết của việc tổng kết
nghiên cứu một giai đoạn đã qua không phải chỉ để tổng kết,
mà quan trọng hơn là nhằm đáp ứng nhu cầu của tình hình
mới là xác định những vấn đề đang đặt ra với các tộc người ở
nước ta hiện nay và xu hướng trong thời gian tới. Bởi vậy, để
thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, toàn diện về các
dân tộc ở Việt Nam, Viện Dân tộc học đã đề xuất một kế
hoạch tổng kết nghiên cứu về tộc người, được triển khai từ
những năm 2012 - 2015, với sự hợp tác của các tổ chức, cá
nhân nghiên cứu khác. Trong khoảng thời gian này, Viện tổ
chức ba hội nghị Thông báo Dân tộc học với mục đích nêu
trên và biên soạn bộ sách về Các dân tộc ở Việt Nam.
Năm 2012, Viện Dân tộc học đã tổ chức Hội nghị Thông
báo Dân tộc học với chủ đề: Nghiên cứu tộc người ở Việt
Nam (1980 - 2012): Vấn đề chung và các dân tộc thuộc
nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, Tày - Thái Kađai. Đây là hội
nghị đầu tiên của kế hoạch tổ chức Hội nghị Thông báo
Dân tộc học trong ba năm (2012 - 2014), nhằm phục vụ cho
việc tổng kết nghiên cứu về tộc người ở nước ta từ năm 1980
32

CÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM (Tập 1: Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường)



đến nay. Thời điểm xem xét vấn đề được tính bắt đầu từ
năm 1980 chính là dấu mốc sau khi công bố bản Danh mục
các thành phần dân tộc Việt Nam vào năm 1979. Hội nghị
năm 2013, ngoài các vấn đề chung, đã chủ yếu xem xét
những lĩnh vực nghiên cứu về tộc người của các dân tộc thuộc
nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ-me. Còn Hội nghị năm 2014,
ngoài những vấn đề chung, còn đi sâu xem xét các dân tộc
thuộc nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao, Hán, Tạng - Miến và
Mã Lai - Đa Đảo. Nội dung chính của các hội nghị là tìm
hiểu những vấn đề lý thuyết về tộc người; xem xét toàn diện
vấn đề tộc người, trong đó tập trung vào các khía cạnh: quá
trình tộc người (quá trình phát triển nội tại và biến đổi của
tộc người), quan hệ tộc người và bản sắc văn hóa tộc người.
Tại Hội nghị năm 2012, Ban Tổ chức đã nhận được 74 báo
cáo, trong đó có 14 báo cáo phản ánh việc nghiên cứu về tộc
người của các tổ chức nghiên cứu, đào tạo và nghiệp vụ liên
quan đến Dân tộc học/Nhân học ở nước ta. Hội nghị năm
2013, Ban Tổ chức đã nhận được 89 báo cáo. Còn Hội nghị
năm 2014, Ban Tổ chức đã nhận được 107 báo cáo. Kết quả
của ba hội nghị này đã được biên tập thành kỷ yếu và chắt
lọc để xây dựng các số chuyên đề, gồm các số 1, 2-2013, số 1,
2-2014 và số 1, 2-2015 của Tạp chí Dân tộc học.
3. Một số nhận diện trong nghiên cứu về tộc người kể
từ năm 1986 đến nay
Xem xét nghiên cứu về tộc người từ năm 1986 đến nay là
một việc lớn, cần có sự tổng kết công phu, nhất là phải dựa
trên cơ sở những nghiên cứu ở từng tộc người và nhóm tộc
người. Bởi vậy, phần viết này chỉ là những nhận diện bước

TỔNG LUẬN NGHIÊN CỨU TỘC NGƯỜI…

33


đầu, dựa trên kết quả đánh giá của Viện Dân tộc học cùng
một số cơ quan làm công tác nghiên cứu và giảng dạy khác
được trình bày trong các hội nghị Thông báo Dân tộc học năm
2012, năm 2013, năm 2014 và kế thừa một bài viết của tác
giả Vương Xuân Tình1.
Qua thống kê của Viện Dân tộc học và một số tổ chức
nghiên cứu, giảng dạy hoặc công tác liên quan đến Dân tộc
học/Nhân học trong cả nước, nghiên cứu về tộc người ở nước
ta trong gần 30 năm qua vẫn được quan tâm. Theo thống kê
chưa đầy đủ, chỉ ở nguồn tư liệu của Thư viện Viện Dân tộc
học, cho đến năm 2012 đã có 1.667 cuốn sách liên quan đến
các tộc người ở Việt Nam2. Còn trên Tạp chí Dân tộc học, đến
năm 2012, số lượng bài viết có nội dung như vậy gồm 1.809
bài trong tổng số 2.062 bài đã đăng. Những công trình này
phản ánh nhiều chiều về đời sống các dân tộc, đặc biệt là về
những lĩnh vực của văn hóa tộc người.
Tuy nhiên, qua thống kê đã nhận thấy một số bất cập,
mà trước hết là sự thiên lệch trong nghiên cứu. Sự thiên
lệch này biểu hiện ở ba khía cạnh: tộc người, địa bàn và vấn
đề nghiên cứu.
Về tộc người, hầu như các dân tộc có dân số đông, dễ tiếp
cận hoặc cần quan tâm đặc biệt đến phát triển kinh tế - xã
__________
1. Xem Vương Xuân Tình: “Nghiên cứu về tộc người ở Việt Nam từ
năm 1980 đến nay: Bước đầu nhận diện”, Tạp chí Dân tộc học, số 1, 2-2013,

tr.7-14.
2. Thống kê này chưa phản ánh đầy đủ, song vẫn có thể nhận thấy,
Thư viện của Viện Dân tộc học đã lưu trữ được về cơ bản những cuốn
sách có giá trị liên quan đến nghiên cứu tộc người ở Việt Nam.

34

CÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM (Tập 1: Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường)


hội, an ninh - quốc phòng thường được chú trọng; còn các dân
tộc có dân số ít, lại cư trú ở địa bàn xa xôi, hẻo lánh đều ít
được nghiên cứu. Thống kê về sách và tạp chí xuất bản đã
nêu, đều phản ánh tình trạng này: trong 32 năm, có 8 dân
tộc chỉ được đề cập đến trong 1 cuốn sách (Chơ-ro, Xtiêng,
Hrê, Cơ Lao, Thổ, Chu-ru). Có 5 dân tộc chỉ có 2 bài tạp chí
đề cập (Co, La Chí, Lự, Pu Péo, Ơ-đu); và 3 dân tộc chỉ có 1
bài (Mạ, Rơ-măm, Brâu). Sự thiên lệch như vậy không chỉ
được phản ánh ở bình diện chung của toàn ngành, mà còn ở
từng cơ quan có nhiệm vụ nghiên cứu về vấn đề tộc người.
Tại Viện Dân tộc học, qua 32 năm, có 12 dân tộc chưa từng
được nghiên cứu (Bố Y, Pu Péo, Ngái, Hrê, Xtiêng, Bru - Vân
Kiều, Tà-ôi, Co, Chơ-ro, Brâu)1. Tình trạng này cũng diễn ra
tại những tổ chức có nhiệm vụ thực hiện công tác có liên
quan đến các tộc người trong cả nước, như Bảo tàng Dân tộc
học Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam2.
Sự thiên lệch này có nguyên nhân chủ yếu từ nguồn lực
của các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu về vấn đề tộc
người. Đơn cử tại Viện Dân tộc học, kinh phí nghiên cứu của
__________

1. Thống kê này được xây dựng qua xem xét 340 công trình nghiên
cứu, bao gồm các đề tài cấp nhà nước, đề tài cấp bộ, dự án điều tra, đề tài
cấp cơ sở (cấp viện) và các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, khóa luận đại
học (văn bằng 2). Số lượng trên có thể chưa đầy đủ, với nhiều lý do khác
nhau. Xem Vương Xuân Tình: “Nghiên cứu về tộc người ở Việt Nam từ
năm 1980 đến nay: Bước đầu nhận diện”, Tlđd.
2. Xem Lưu Hùng: “Tình hình nghiên cứu về các tộc người ở Việt Nam
của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam”, Tạp chí Dân tộc học, số 1, 2-2013,
tr.30-36; Ma Ngọc Dung: “Công tác nghiên cứu dân tộc học tại Bảo tàng
Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, Tạp chí Dân tộc học, số 1, 2- 2013, tr.49-57.
TỔNG LUẬN NGHIÊN CỨU TỘC NGƯỜI…

35


Viện vốn đã hạn chế, lại được tập trung cho những nhiệm vụ
cấp thiết, như các đề tài, chương trình cấp bộ; các dự án,
chương trình điều tra và đề tài cấp nhà nước. Số kinh phí còn
lại dành cho đề tài cấp cơ sở (cấp viện) không nhiều, vì vậy,
đã ảnh hưởng nhất định đến việc tổ chức nghiên cứu cơ bản
đối với các dân tộc sống tại các địa bàn khó khăn, xa xôi, cách
trở về giao thông. Bên cạnh đó, có những nguyên nhân chủ
quan, trong đó có việc thiếu kế hoạch tổng thể của Viện cũng
như của cá nhân các nhà nghiên cứu nhằm bảo đảm mối
quan tâm tới mọi tộc người. Tuy nhiên, đây cũng là tình
trạng chung của tất cả các cơ sở nghiên cứu và đào tạo trong
cả nước1.
Nghiên cứu tộc người thường gắn với địa bàn, vì vậy, sự
bất cập trong nghiên cứu các tộc người cũng gắn với bất cập
về mối quan tâm tới địa bàn nghiên cứu. Miền núi phía Bắc

và đồng bằng Bắc Bộ là nơi có nhiều công trình đề cập hơn
cả: trong số 1.604 bài viết đăng trên Tạp chí Dân tộc học gắn
với vùng nghiên cứu, có 973 bài (chiếm 60,9%) dựa trên kết
quả nghiên cứu ở hai vùng này. Trong khi đó, vùng Nam Bộ
chỉ có 53 bài (chiếm 3,4%); còn lại là vùng Trung Bộ và Tây
Nguyên (có 568 bài viết, chiếm 35,7%). Nếu xem xét các sách
__________
1. Chúng tôi đồng tình với sự nhận diện tình trạng này của các tác
giả: Lâm Bá Nam và cộng sự (2013): “Nghiên cứu và giảng dạy về tộc
người ở bộ môn Nhân học”, Tạp chí Dân tộc học, số 1, 2, tr.15-23; Lưu
Hùng: “Tình hình nghiên cứu về các tộc người ở Việt Nam của Bảo tàng
Dân tộc học Việt Nam”, Tlđd, tr.30-36; Ma Ngọc Dung: “Công tác nghiên
cứu dân tộc học tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, Tlđd, tr.49-57,
khi có ý cho rằng, những thiếu sót như vậy có phần từ sự tự lựa chọn của
các nhà nghiên cứu theo kiểu dễ làm, khó tránh.

36

CÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM (Tập 1: Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường)


đã xuất bản được lưu trữ ở Thư viện Viện Dân tộc học, việc
nghiên cứu tộc người theo vùng khá cân bằng hơn khi so
sánh giữa đồng bằng Bắc Bộ, miền núi phía Bắc với vùng
Trung Bộ và Tây Nguyên. Theo đó, có 445 công trình (chiếm
45,6%) nghiên cứu ở vùng Bắc Bộ và miền núi phía Bắc;
tương tự, số lượng ở vùng Trung Bộ, Tây Nguyên là 424
(chiếm 43,8%); còn tại Nam Bộ là 107 công trình (chiếm
10,6%). Tuy nhiên, cần lưu ý tác giả của các công trình sách
thống kê nêu trên không chỉ làm việc ở lĩnh vực Dân tộc

học/Nhân học, mà còn ở nhiều ngành khoa học khác, như
Văn hóa học, Xã hội học, Sử học, Chính trị học1...
Sự thiên lệch về vùng nghiên cứu được thể hiện rõ hơn
trong kết quả nghiên cứu của những tổ chức có nhiệm vụ
công tác gắn với vấn đề tộc người. Ví dụ, tại Viện Dân tộc
học, có 251 nghiên cứu (chiếm 79,4%) ở vùng Bắc Bộ và miền
núi phía Bắc; 52 nghiên cứu (chiếm 16,5%) ở vùng Trung Bộ
và Tây Nguyên và 13 nghiên cứu (chiếm 4,1%) ở vùng Nam
Bộ2. Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, số liệu tương ứng
là: 164 (chiếm 70,4%), 64 (chiếm 27,4%) và 5 (chiếm 2,2%)3.
Còn ở Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, số liệu tương
ứng là: 69 (chiếm 84,1%), 11 (chiếm 3,4%) và 2 (chiếm 2,5%)4.
Như vậy, sự thiên lệch về vùng trong nghiên cứu của các cơ
__________
1, 2. Xem Vương Xuân Tình: “Nghiên cứu về tộc người ở Việt Nam từ
năm 1980 đến nay: Bước đầu nhận diện”, Tlđd.
3. Xem Lưu Hùng: “Tình hình nghiên cứu về các tộc người ở Việt
Nam của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam”, Tlđd.
4. Xem Ma Ngọc Dung: “Công tác nghiên cứu dân tộc học tại Bảo
tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, Tlđd.
TỔNG LUẬN NGHIÊN CỨU TỘC NGƯỜI…

37


quan có nhiệm vụ công tác gắn với các tộc người trong cả
nước là khá rõ. Dĩ nhiên, không phủ nhận việc phần lớn các
cơ quan nghiên cứu, đào tạo, nghiệp vụ liên quan đến Dân
tộc học/Nhân học của nước ta được tập trung ở phía Bắc, song
điều đó hẳn không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình

trạng mất cân đối về địa bàn được nghiên cứu như đã nêu.
Việc thiên lệch giữa nghiên cứu cơ bản và phát triển của
nghiên cứu tộc người cũng là vấn đề đáng lưu ý trong giai
đoạn vừa qua. Với các bài đăng trên Tạp chí Dân tộc học, chỉ
có 453 bài, chiếm 25% của tổng số bài nghiên cứu liên quan
đến vấn đề tộc người ở Việt Nam, có nội dung nghiên cứu
phát triển. Còn với các sách xuất bản được lưu trữ tại Thư
viện Viện Dân tộc học, nghiên cứu về phát triển chỉ có 189
tác phẩm, chiếm 11,3%. Điều đáng nói là những công trình
nghiên cứu được coi là “cơ bản”, phần lớn nặng về miêu
thuật, ít tham khảo lý thuyết, ít tính lý luận. Thậm chí, ngay
việc miêu thuật cũng còn nhiều bất cập về kỹ năng và độ tin
cậy của tư liệu thu thập được. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó,
vẫn nhận thấy sự nỗ lực đổi mới khi nghiên cứu về tộc người.
Có thể nêu ví dụ: trong công trình Hiện đại và động thái
truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận Nhân học1,
mặc dù chỉ có khoảng trên 30% số bài viết về tộc người, song
các nghiên cứu đã thể hiện phương pháp và cách tiếp cận
mới. Nghiên cứu ấy đề cập đến những vấn đề nóng bỏng
trong đời sống các dân tộc hiện nay và không sa vào miêu
thuật kiểu dân tộc chí, góp phần đổi mới cách thức nghiên
__________
1. Xem Hiện đại và động thái truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp
cận Nhân học, Sđd, q.1, 2.

38

CÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM (Tập 1: Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường)



cứu về tộc người ở Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa1.
Sau cùng, có một điểm mới trong nghiên cứu về tộc người
ở Việt Nam kể từ năm 1986 đến nay cần được ghi nhận, đó là
sự tham gia ngày càng nhiều của các tác giả nước ngoài.
Những tác giả này là chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam;
nghiên cứu sinh hay học viên cao học lấy tộc người hoặc vấn
đề liên quan đến tộc người ở Việt Nam làm đề tài luận án
tiến sĩ, luận văn thạc sĩ. Một số nghiên cứu của họ còn có sự
hợp tác với các nhà nghiên cứu Việt Nam. Những nghiên cứu
ấy có thể dưới góc độ Dân tộc học/Nhân học hoặc thuộc ngành
khoa học khác, như văn hóa, xã hội học, môi trường, nông
nghiệp, lâm nghiệp, kinh tế..., song có liên quan đến tộc
người. Đây là hệ quả của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, mà
trực tiếp là nhu cầu hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo, nhu
cầu nghiên cứu phát triển của các tổ chức có liên quan. Kết
quả này không chỉ đem lại một số cách tiếp cận, phương
pháp nghiên cứu mới, mà còn có cả những luận điểm mới
hoặc khác biệt so với nghiên cứu của các tác giả Việt Nam.
Điều đó tạo nên sự đa dạng hay vấn đề cần thảo luận, đồng
__________
1. Xem Nguyễn Thị Thanh Bình: “Sự thách thức đối với những mô
hình thuần nhất về nuôi dạy trẻ: Tiến trình giáo dục ngôn ngữ ở một cộng
đồng người Việt”, Hiện đại và động thái truyền thống ở Việt Nam: Những
cách tiếp cận Nhân học, Sđd, q.1, tr.265-271; Trương Huyền Chi: “Họ nói
đồng bào không biết quý sự học: Những mâu thuẫn trong giáo dục ở vùng
đa dân tộc Tây Nguyên Việt Nam”, Hiện đại và động thái truyền thống ở
Việt Nam: Những cách tiếp cận Nhân học, Sđd, q.1, tr.349-360; Nguyễn
Thị Hiền: “Bệnh âm: chẩn đoán và chữa bệnh trong lên đồng của người
Việt”, Hiện đại và động thái truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp

cận Nhân học, Sđd, q.2, tr.37-51.
TỔNG LUẬN NGHIÊN CỨU TỘC NGƯỜI…

39


thời cũng góp phần đổi mới trong nghiên cứu về tộc người ở
nước ta1.
III- MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ DÂN TỘC Ở VIỆT NAM
Từ năm 1986 đến nay, có rất nhiều vấn đề về dân tộc ở
Việt Nam, song chúng tôi chỉ tập trung vào ba vấn đề lớn:
1. Chính sách dân tộc
Chính sách dân tộc là một bộ phận không thể tách rời
trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Điều đó
thể hiện rõ trong nguyên tắc “đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ
nhau cùng phát triển” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong
Hiến pháp các năm 1980, 1992; Hiến pháp năm 2013,
nguyên tắc ấy càng được làm rõ, đó là Nhà nước thực hiện
chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc,
nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân
tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân
tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống
và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính
sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống
vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Các
__________
1. Xem Philip Taylo: “Minorities at Large: New Approaches to
Minority Ethnicity in Vietnam”, in Journal Vietnamese Studies, Vol. 3,
Issue 3, p. 3-43. ISSN 1559-372x, electronic ISSN 1559-3738, the
Regents of the University of California; Hiện đại và động thái truyền

thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận Nhân học, Sđd, q.1, 2; Tạp chí
Dân tộc học, số 3-2014 (Số chuyên đề về chợ ở Việt Nam - kết quả hợp
tác nghiên cứu giữa Institute of Anthropology, Max-Planck và Viện Dân
tộc học).

40

CÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM (Tập 1: Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường)


chính sách cơ bản nêu trên tiếp tục được cụ thể hóa trong
nhiều lĩnh vực của công tác dân tộc, từ chính trị, kinh tế, xã
hội đến văn hóa.
Khái niệm “chính sách dân tộc” đã được văn bản của
Đảng, Nhà nước và một số công trình nghiên cứu quan
tâm1... Điểm chung của khái niệm này là đều cho rằng, đây
là hệ thống chính sách của chính đảng hay nhà nước đối với
các tộc người trong một quốc gia, để giải quyết vấn đề dân
tộc. Với Việt Nam, chính sách này có thể cho tất cả các dân
tộc, cho từng vùng dân tộc hay một tộc người cụ thể, nhằm
thực hiện đoàn kết giữa các dân tộc, bảo đảm phát triển của
các tộc người. Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là
Ban Tuyên giáo Trung ương) và Ủy ban Dân tộc còn nhấn
mạnh, chính sách dân tộc của nước ta mang bản chất, quan
điểm giai cấp của đảng cầm quyền2.
Cho đến nay ở Việt Nam, có rất nhiều chính sách dân tộc
được thực hiện. Theo Đặng Kim Sơn và cộng sự3, tính đến
năm 2011, đã có 182 chính sách cho đồng bào dân tộc
thiểu số, do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành.
__________

1. Xem Lê Ngọc Thắng: “Một số vấn đề về tác động của các thế lực
thù địch đến mối quan hệ tộc người ở nước ta hiện nay”, Viện Nghiên cứu
phát triển Thành phố Hồ Chí Minh: Quan hệ tộc người và phát triển xã
hội ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2010.
2. Xem Lê Ngọc Thắng: “Quan điểm và chính sách cơ bản của Nhà
nước ta về dân tộc”, Đậu Tuấn Nam (Chủ biên): Vấn đề dân tộc và quan
hệ dân tộc ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.
3. Xem Đặng Kim Sơn và cộng sự: Nghiên cứu rà soát, phân tích các
chính sách dân tộc thiểu số và hỗ trợ xây dựng khung chính sách cho Ủy
ban Dân tộc, CEMA, UNDP, 2012, tr.52, 53.
TỔNG LUẬN NGHIÊN CỨU TỘC NGƯỜI…

41


Việc phân loại chính sách dân tộc là vấn đề khó khăn, vì vậy,
khi đề cập, không ít tác giả bị lẫn giữa nguyên tắc với chính
sách, giữa chính sách này với chính sách khác... Bởi trên
thực tế, có những chính sách chồng chéo nhau. Ví dụ, chính
sách xóa đói, giảm nghèo lại bao gồm nhiều chính sách khác
như đầu tư, tài chính, giáo dục, y tế... Trong Nghị định số
05/2011/NĐ-CP, ngày 14-1-2011 của Chính phủ về công tác
dân số, đã phân loại chính sách dân tộc thành 12 loại khác
nhau, song chỉ là những chính sách rất cụ thể, mà không đưa
các quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước như một loại
hình chính sách dân tộc.
a) Chính sách vĩ mô
Chính sách này ít có thay đổi so với giai đoạn trước năm
1986 và những thay đổi chủ yếu chỉ ở một số câu chữ để phù
hợp với bối cảnh mới. Điều đó được thể hiện ngay trong cương

lĩnh, nghị quyết đại hội của Đảng, trong Hiến pháp năm
2013. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ
rõ: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và
giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân
tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung
của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”1. Báo cáo chính trị của
Đại hội lần thứ XI của Đảng cũng xác định: “Các dân tộc
trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng,
__________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.24-25.

42

CÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM (Tập 1: Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường)


giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc”1.
Có thể nói, bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng
tiến bộ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong chính sách dân tộc của
Đảng và Nhà nước Việt Nam trong chặng đường cách mạng
vừa qua. Giáo sư Phan Hữu Dật còn cho rằng, đó là nguyên
tắc cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng, mang bản chất
của giai cấp vô sản2. Lê Ngọc Thắng thì chỉ xếp “bình đẳng,
đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc” vào phạm trù
nguyên tắc trong công tác dân tộc mà không phải là chính
sách dân tộc, song cũng thừa nhận nguyên tắc này là nền

tảng cơ bản của chính sách đó3.
Chính sách dân tộc ở tầm vĩ mô của Việt Nam đều xác
định lợi ích, sự phát triển của mỗi tộc người phải gắn liền với
lợi ích và phát triển của quốc gia - dân tộc. Dẫu được diễn
đạt bằng hình thức nào trong văn kiện, như “Đại gia đình
Việt Nam”, “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam” hay “54 dân
tộc anh em”, thì về bản chất, việc xác định nêu trên không có
gì thay đổi.
Trong khi các nhà khoa học và hoạt động thực tiễn ở
Việt Nam hầu như không có ý kiến khác nhau về chính
__________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.51.
2. Phan Hữu Dật: Góp phần nghiên cứu Dân tộc học Việt Nam,
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.713-724.
3. Xem Lê Ngọc Thắng: “Một số vấn đề về tác động của các thế lực thù
địch đến mối quan hệ tộc người ở nước ta hiện nay”, Viện Nghiên cứu phát
triển Thành phố Hồ Chí Minh: Quan hệ tộc người và phát triển xã hội ở
Việt Nam hiện nay, Sđd, tr.77-79.
TỔNG LUẬN NGHIÊN CỨU TỘC NGƯỜI…

43


×