Tải bản đầy đủ (.doc) (8 trang)

TRIẾT LÝ ĐỜI NGƯỜI TRONG NGƯỜI SÔNG MÊ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (113.3 KB, 8 trang )

TRIẾT LÝ ĐỜI NGƯỜI TRONG
"NGƯỜI SÔNG MÊ"
Sau hơn 40 năm vắng bóng, Châu Diên trở lại văn đàn và đã khiến người đọc ngạc
nhiên về khả năng sáng tạo nghệ thuật của mình bằng tiểu thuyết Người sông Mê đẫm
chất thơ. Trong tác phẩm đầy ắp thực ảo đan xen này, nhà văn không chỉ thể hiện những
tìm tòi, phát hiện mới trong nhìn nhận, khám phá hiện thực mà còn bộc lộ những suy tư,
chiêm nghiệm của mình đối với cuộc đời. Trong Người Sông Mê, nhân vật trí thức giữ
một vị trí đặc biệt quan trọng. Đó là một thế giới người được nhìn nhận từ nhiều chiều
dưới sự phân khúc của ánh sáng cá nhân người sáng tạo. Qua thế giới nhân vật này,
những suy tư, trăn trở, triết lý của Châu Diên về cuộc sống, thân phận con người được
hiển lộ.

Châu Diên đã viết về người trí thức trong sự hiểu biết sâu sắc về giá trị
thực của cuộc sống. Một đời theo đuổi ước mơ, lý tưởng, không một vết gợn
hoen tà ý, ông giáo, bà giáo, Chiền Chiện… đã sống bằng một niềm tin vô vụ
lợi. Sự trong sáng, hồn nhiên, vô tư của tâm hồn họ đối với cuộc đời là một báu
vật. Song khi sự vô tư, trong sáng không đồng hành với khả năng tri nhận, nó
lại trở thành sự vô tâm, ích kỷ. Cuộc sống chật chội đã khiến đời họ trở nên quá
giản đơn. Sự trong sáng đến ngô nghê không chỉ gây rắc rối cho bản thân họ mà
còn khiến những người xung quanh phải rơi vào những tình huống trớ trêu.
Hoa, con gái của ông bà giáo “phải bỏ qua tuổi thơ của mình làm người nuôi
dạy trẻ tại gia cho bố mẹ có điều kiện làm công tác xã hội”(1). Ông giáo chỉ
“nhớ đến việc học của con em nhân dân” mà “quên bẵng đi mất là con gái ông
sắp đến tuổi đi học như mọi trẻ con nhà khác”.
Thế giới tinh thần của người trí thức vốn không đơn giản. Chính vì thế,
Châu Diên đặc biệt quan tâm đến không gian tự do bên trong của đời sống tâm
hồn họ. Sự tự do bên trong ấy chính là sự ý thức về sự thay đổi khuynh hướng,
suy nghĩ... của con người. Trình độ nhận thức và khả năng khai thác năng
lượng của bản thân giữ vai trò quyết định giá trị của đời người. Với Châu Diên,
con người vẫn đang “sống mê muội trong dòng nước sông Mê mà không hay
biết hoặc cố tình không nhận ra”. Người ta đầm mình trong đó, “thi nhau uống


cạn nước sông Mê” hoặc bằng một ý thức rõ ràng hoặc bằng sự vô tư “uống mà
không uống hoặc không uống mà vẫn cứ uống”. Bởi thế, không phải ai cũng
nhận thức được giá trị của mình nhất là khi khả năng nhận diện các giá trị cuộc
đời của họ bị thu hẹp lại. Họ mất dần đi sự tự giác trong hành trình sống. Ông
giáo “yêu bao nhiêu năm trời, yêu quên thân mình yêu kiệt lực yêu và tạo ra
cho đời cả bầu đoàn sản phẩm yêu đến cạn kiệt bao nhiêu giấy bút mực” mà
vẫn không biết thế nào là yêu. Là “con đẻ trong trắng của một thời đại. Con đẻ
ngu ngơ của một thời đại trí tuệ cao”, ông giáo không còn có khả năng thay đổi.


Lối ứng xử “oang oang khen chê chửi bới giận hờn vui vẻ yêu thương khóc
khóc cười cười không bao giờ đi nhẹ nói khẽ được” của ông là kết quả của một
quá trình giáo dục, bồi đắp bởi những “niềm tin do người khác tìm hộ”. Cái
niềm tin ấy không có khả năng trưởng thành tâm hồn ông mà chỉ biến ông
thành một kẻ dẻo mồm ích kỷ. Ngay cả khi “không cãi cọ mọi người, không to
tiếng phê phán, không cáu kỉnh lên án, không chọc tức ai, không cười nửa
miệng với ai, không tranh luận ai thắng thua đúng sai ươn hèn suy đồi nhút
nhát dũng cảm, không mắng mọi người là ngu nữa, không trách cứ ai là đã để
mất hết lý tưởng nữa” thì ông giáo thực chất cũng chỉ đang sống với “cái ảo
tưởng cuối cùng của người dũng sĩ hèn nhát một mình cầm kích đứng bâng
khuâng”. Suốt cuộc đời, ông giáo không ngừng tuyên ngôn yêu đương chung
thủy, nhưng trước khi trút hơi thở cuối cùng, bên người vợ lúc nào cũng “yêu
và chịu đựng và tha thứ hết cho mọi điều nhàm chán” của mình, ông giáo lại
chỉ nhớ được những điều hoàn toàn xa lạ với cái chủ đề anh anh em em mà cả
đời ông dành sức ca tụng.
Con người sẽ trở nên tự do hơn khi nhận thức sâu sắc về cái tất yếu. Song
không phải ai cũng nhận ra cái tất yếu ấy. Chính vì thế, để hiểu về tự do và giá
trị cao quý của tự do là không hề đơn giản. Người ta có thể ban phát cái ăn
nhưng không thể ban phát tự do. Cái việc Hoa để cho Khánh “tự do” nhưng
Khánh sợ và Khánh chỉ dám “nhào vào tự dành lấy cái tự do sàm sỡ chốc lát”

là điều không mấy khó hiểu. Con người ta đã quen với “sự trong trắng hèn nhát
khốn kiếp”, đã quen với “trốn chạy tự do” rồi. Thực tế cho thấy, sự tự do, sự
giải phóng tâm trí con người xảy ra không phải do có sự thay thế, thay đổi các
niềm tin mà thường bắt nguồn từ sự tự do thoát khỏi chính niềm tin ấy. Sự tự
giải thoát này có sự góp phần quan trọng của vô thức. Bởi không thể phủ nhận
rằng cái vô thức giữ một vai trò không nhỏ, như một nền tảng định hướng
những hành vi ý thức của con người. Sau lần tự tử, bà giáo hiểu “mình có chết
thì mọi sự vẫn y nguyên như cũ”. Dù chưa kịp nhận ra ngay sự thay đổi trong
mình nhưng bà “thấy mọi việc đều trở nên giản dị hơn”. Thay vào việc phải trở
thành “một nhà cách mạng thực thụ”, cái bà giáo cần bây giờ là sẽ đi bán xôi để
nuôi chồng, nuôi con “cốt sao cho cả nhà no đủ chẳng cần văn hóa làm gì” và
nếu có đi dạy thì “sẽ đủng đỉnh hơn”, “thích yên thân hơn” và “chẳng cần yêu
cầu cao như trước nữa”...
Với tinh thần nhân văn sâu sắc, Châu Diên đã khẳng định vai trò của năng
lực hướng thiện đối với việc nuôi dưỡng nhân cách chống lại sự khô héo, lỗi
thời của trí tuệ và tàn nhạt cảm xúc trong con người. Sống là một hành trình trải
nghiệm nhưng cũng đồng thời là một sự tranh đấu để giữ gìn giá trị sống. “Nếu
ta cương quyết chống lại sông Mê bến Lú thì ta có thể thắng trận, nghĩa là ta có
trí nhớ, một thứ trí nhớ đẹp trong đó chỉ có hình ảnh người mà ta yêu thương”.
Niềm tin là nền móng làm nên tư tưởng, là cơ sở để con người đến với các
tư tưởng. Một khi tư tưởng đã ăn sâu, bám chặt trong con người thì đồng thời


một nỗi sợ hãi cũng chi phối họ. Để được sống, con người ta phải suy nghĩ, trăn
trở, tìm mọi cách vượt thoát khỏi những lưới rào của sự mê muội, để không bị
đánh lừa bởi dày đặc các lý luận. Có thể thấy trong Người sông Mê, con người
nhiều khi đã tự trói buộc mình bằng cách này hay cách khác, ở nơi này hay nơi
khác. Trên hành trình sống của mình, không ít lần Hương nghĩ đến việc sẽ đầu
thai, sẽ hóa kiếp mình vào một ai đó, “em sẽ đẻ ra chính em chứ… Em sẽ làm
con một bà giáo tốt đẹp hơn em… một bà giáo không tên tuổi nào đó nhưng tốt

đẹp hơn em rất nhiều...”. Vẫn biết rằng khi đặt niềm tin vào sự tồn tại của luân
hồi, con người không chỉ tự tìm kiếm cho riêng mình một điểm tựa tinh thần
mà còn dám đối diện với hiện tại dưới sự chỉ dẫn của tâm linh. Điều đó cũng có
nghĩa là khi cái riêng, cái cá thể chìm nhòa trong cái chung, ưu thế sẽ thuộc về
cái vô thức.
Cũng như mọi người, Hương cần niềm tin, sức mạnh tinh thần để hướng
về phía trước. Trong cái xã hội đầy rẫy những bọn người “sống mà như chết”,
“sính hình thức”, đến chết “cũng vẫn không rút được kinh nghiệm” thì để được
sống có ý nghĩa, con người phải “cố đừng để bị rơi vào quên lãng” nhưng
“cũng cần phải biết quên”. Trải qua bao nhiêu biến cố buồn thương, đau đớn ở
đời mà Hương vẫn còn theo đuổi một niềm tin, thứ “niềm tin vô tích sự” như
thế, ở phương diện nhận thức, cô đã tự ngục tù mình.
Tri thức vốn là công cụ quan trọng nhất để khai phá năng lượng đời
người. Chỉ có người biết mới sống. Nhưng oái oăm thay, kết quả của sự biết, sự
giác ngộ ấy lại làm con người phải đau khổ, dằn vặt, cô đơn đến đáng thương
trong thế giới tinh thần của chính mình. Cái nghiệt ngã nhất của cuộc đời chính
là con người không thể thoát ra khỏi sự luẩn quẩn của những định ước đã quấn
riết lấy mình ngay cả khi đã “ngộ”. Trong sự tri nhận “làm sao có thể có lý với
cái bối cảnh không chịu có lý? Chiến đấu chống sự ngu dốt là khó nhất, “chúng
ta phải tự làm thầy chúng ta thôi, không chờ được ai hết. Châu Diên đã đề cập
đến mối quan hệ giữa tri thức và đạo đức của con người. Phải chăng, chỉ có sự
kết hợp giữa khai thác tri thức và ràng buộc đạo đức mới giúp việc giải phóng
năng lượng đi đúng quỹ đạo của nó?
Đôi mắt tinh tường sắc sảo, sự sâu sát, gắn bó với cuộc đời không đủ để
nhà văn có thể cảm nhận hết những thẳm sâu khuất lấp, những âm ỉ nỗi niềm
của tâm hồn con người. Vì thế, để có thể nhận thức cuộc sống, thấu hiểu tận
cùng bản chất của nó, người sáng tạo luôn cần tới một cái tâm trong sáng. Cách
phản ánh hiện thực của Châu Diên bộc lộ rõ năng lực tìm kiếm lẽ phải bằng
tâm hồn của ông.
Lấy sự cá biệt, tính đối thoại làm tiêu chí xây dựng nhân vật, Châu Diên

đã chối từ quan niệm điển hình hóa của chủ nghĩa hiện thực truyền thống. Với
nhà văn, chân dung thực của con người chính là số phận của con người ấy.
Theo ông, mỗi suy nghĩ, trăn trở, buồn vui của con người dù chỉ là một thoáng
qua nhưng chúng cũng đủ sức để cấu thành một kiếp đời và cuộc đời là một


chuỗi kiếp sống mà mỗi con người được, phải, nên sống với tất cả năng lượng
sống của mình. Điều cốt yếu là làm thế nào để con người tri nhận được giá trị
của những điều mình đã được, đã mất, đã phải chịu đựng, tự hào hay ân hận
trong suốt hành trình sống ấy.
Viết về Hoa với mắt mở thao láo quan sát mọi điều và quan sát chính bản
thân mình để thấy “ngu điếc và thong manh thì sống cũng như chết, sinh linh
nào cũng thế”; về Khánh chẳng hề chuẩn bị tinh thần đón nhận cái chết nên
chết rồi mà “vẫn còn cố níu kéo, cố tin tưởng là mình còn sống” mà yêu
thương, chia sẻ với đời; về bà giáo với tấm lòng vị tha và tâm hồn “đầy ấp
những câu hỏi bỏ hoang chẳng ma nào chịu xới lên câu giải đáp”, Châu Diên đã
rất sâu sắc khi quan tâm đến những mâu thuẫn đời sống được biểu hiện cụ thể
qua kết quả ứng xử của con người với cuộc đời. Cả Hoa, Khánh và bà giáo đã
sống với cuộc đời này bằng những năng lực đặc biệt, rất người. Và khi tham gia
vào cuộc sống của mình một cách vừa tích cực vừa chủ động lại vừa hướng
thiện ấy, họ có khả năng bắt gặp trạng thái thần thánh của chính mình mà trở
nên cao thượng.
Cái đẹp vốn luôn tồn tại cùng sự tự nhiên và đa dạng của tâm hồn con
người. Dù phải sống trong một “cuộc sống suốt đời bị lệch nhịp. Không chủ
bụng lệch nhịp mà sao nó cứ lệch nhịp” nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, con
người vẫn luôn lưu giữ niềm tin vào cái thiện, sự sáng láng của trí tuệ, của tư
duy minh triết. Cuộc đời đẹp “vì có ta nhìn vào và có ta nhận thấy nó đẹp”. Ý
thức về cõi sống, và hơn hết là ý thức về giá trị của nhân cách trong cuộc đời
khiến con người còn cảm thấy cuộc đời đáng sống. Không phải ngẫu nhiên mà
bà giáo, người đàn bà sáng suốt ấy đã thốt lên cùng con gái: “cái số con rồi

cũng giống số mẹ, cứ làm cho đàn ông phải vì nể, họ yêu mình mà họ vẫn cứ
hãi hãi mình, thôi thì cái mệnh mình nó vậy...”.
Bởi cái số thì lởn vởn đâu đó trên đầu mình còn mệnh thì “nằm ở trong
tay mình, có khi mình nhận ra nó, cũng nhiều khi mình bị nó lôi đi, mà cả khi
bị lôi thì cũng là mình để nó lôi đi theo kiểu mình bị lôi đi theo cách riêng mình
do cái Mệnh mình lôi nó” nên trăn trở của bà giáo về những tai họa giáng mãi
lên đầu gia đình mình khi ông giáo thì hiền lành, tính nóng nhưng tốt bụng cực
kỳ, trung thực cực kỳ, yêu quý mọi người, còn bà cả đời “tuyệt nhiên chưa khi
nào nhúng tay vào một việc gì gọi là xấu xa, chưa nói gì đến chuyện độc ác thất
đức” đã được trả lời. Đó không phải là lỗi của ai. “đó là lỗi của không khí, lỗi
của gió lỗi của mưa lỗi của nắng, lỗi của những con chó sủa nhí nhách suốt
đêm bên vườn nhà hàng xóm, lỗi của những cặp mèo hoang gào trong đêm, lỗi
của mưa đang rơi chợt tạnh, lỗi của giọt nắng bên thềm chẳng sưởi ấm được
chút gì dù là cũng sưởi ấm được đôi mắt của mình...”. Đó chính là hồi vọng
nhân văn của cuộc sống mà Người sông Mê gởi đến mỗi con người.
Có thể thấy, khi chú ý đến nhân vật trí thức, Châu Diên không hề phủ
nhận năng lực tưởng tượng của con người, cái giúp con người vượt qua những


trở ngại trong quá trình nhận thức, hình dung ra tương lai của mình. Nó là khả
năng liên kết quá khứ - hiện tại - tương lai trong nhận thức của con người, giúp
con người hình dung mình trong tương lai với những kế thừa từ quá khứ. Làm
sao một con người không có trí tưởng tượng, không nhận biết được vẻ đẹp tâm
hồn mình lại có thể biết tạo ra vẻ đẹp? Và vì thế, làm sao họ có thể có được cái
đẹp trong cuộc đời mình? Do không có đủ năng lực để kiểm soát hành động
của mình, ông giáo, Chiền Chiện, Khoa thường rơi vào trạng huống vật vã giữa
các luồng ý kiến, quan điểm. Tâm hồn họ dần khô cứng, nghèo nàn, đơn điệu
và méo mó nên họ không tìm thấy động lực sống đích thực cho đời mình. Họ
không bao giờ cảm thấy hạnh phúc.
Trong tác phẩm của Châu Diên, có thể thấy nhân vật trí thức hiện ra trong

không gian sống rất đặc biệt. Đó là không gian thực ảo, mê tỉnh, chồng chéo
những miền quá khứ, hiện tại, tương lai. Thực ra, hiện tại thường không được
cảm nhận sâu sắc như quá khứ và cũng không được đón đợi nhiều như tương
lai. Chính vì thế, đưa tất cả về quá khứ, thông nối các miền không gian khác
nhau để nhìn ngắm hiện tại và dự cảm về tương là cách mà Châu Diên đã chọn
để tạo tác Người sông Mê. Thế giới tâm linh của con người, do đó, mới có thể
hiện ra chân xác, không hề gợi cảm giác giả tạo.
Bên cạnh đó, như một hiện hữu sinh động, quá khứ đã tạo ra và để lại cho
con người tất cả mọi thứ. Đó là toàn bộ không gian để tạo ra con người, tạo ra
kiến thức, kiến tạo tâm hồn, kinh nghiệm của loài người. Đó cũng là miền sống
thực của con người vì nó gắn liền và xác định một con người cụ thể. Vì thế, dẫu
tâm hồn có thể chai sạn bởi gánh nặng cuộc đời, ước mơ, khát vọng có thể bị
hiện thực phá vỡ nhưng mọi cái mất đi ấy đều đã từng thật sự tồn tại trong mỗi
con người. Không oán trách hay đổ lỗi, Châu Diên muốn người ta hiểu rằng,
thực ra, trong mỗi số phận, luôn tồn tại trách nhiệm thuộc về mình. Sự sống sẽ
trở nên hữu ích khi con người tự biết điều mình cần làm, biết tự chứng giám
mình, dám khóc, cười, hoan hô tất cả để “cùng nhau vui sống cùng nhau làm
cho hết những công việc đang đợi chờ chúng ta”.
Tạo hóa đã ban tặng mỗi người một sự sống và một cái chết. Trong suốt
hành trình sống của mình, con người phải làm cuộc độc hành, phải sống, chết,
khám phá, nhận thức cuộc sống bằng đôi mắt, trái tim của chính mình. Thường
thì con người sẽ tận lực theo đuổi mục đích sống của mình hoặc để cuộc sống
cuốn mình đi vô nghĩa. Chỉ đến khi sắp sửa kết thúc hành trình sinh mệnh, con
người mới cảm nhận điều quan trọng nhất của đời người. Lúc ấy, các giá trị
sống mới thật sự được tri nhận.
Cái chết của con người trong Người sông Mê gắn chặt với niềm khát khao
được sống. Khánh, Hoa, Hương, ông giáo, bà giáo, Chiền Chiện,... đều quý yêu
cuộc sống. Dẫu cuộc sống bị bưng bí, tẻ nhạt nhưng không ai trong họ muốn
chết. Khánh đã chết. Thay vì phải đi qua Sông Mê, bến Lú để linh hồn bị/được
xóa tẩy mọi dấu vết trần thế thì Khánh lại cứ lơ lửng trong không gian của cõi



sống vì “không thể bỏ đi xa vội. Tiếc lắm. Bao nhiêu thứ mình đã quen rồi. Bao
nhiêu điều lặt vặt mình không muốn rời xa. Kể cả cái đói nữa, thì cũng là cái
đói của đời này, cái đói của tôi, cái đói riêng tôi mới có”. Khánh không thể bỏ
mà đi ngay cho đành bởi Khánh còn “cần níu kéo lấy người ấy. Níu kéo đến
đâu không còn níu kéo nữa thì thôi”. Không thể bỏ đi được bởi khi bước vào
cõi chết như thế này, Khánh mới càng thấu hiểu giá trị của cuộc sống. Cái dòng
sông đời vốn đầy ngập bọt bèo rác rưởi trong Khánh của lúc chết này hiện ra
thật khác. Trên dòng sông ấy, các “báu vật trong rác thì chìm mất tăm xuống
đáy sông hoặc vẩn đục phù du mà ngời ngời vô giá sáng cùng phù sa”. Vẫn
dòng sông đời ấy nhưng “bấy nhiêu rác rưởi bấy nhiêu bọt bèo mà sông ơi sao
sông vẫn quá đẹp”.
Có thể thấy trong Người sông Mê, con người bị ám ảnh và không ngừng
nghĩ về cái chết. Cái chết hiện diện trong từng khoảnh khắc sống, chen vào
giữa câu chuyện yêu đương, len cả vào trong những giấc mơ của Khánh, của
Hoa,... làm họ hoang mang, đau đớn, khiếp sợ... Dẫu không nói nhiều đến chiến
tranh, nhưng Người sông Mê cũng gợi nhắc được những ám ảnh của cái chết
đối với con người. Trong tâm trí của chàng lính trẻ, cái chết của người bạn nơi
cánh rừng lim trung du xưa không chỉ giúp anh “nhìn rõ hơn thế nào là chết”,
hiểu rõ nó “như cái chết của chính mình” mà còn khiến anh phải “sống thực
chính cái nỗi đau của người dưng đang giẫy giẫy máu trào ra miệng ra mũi
ngay trước mắt mình”.
Là người của cõi chết, Khánh hiểu rõ “chết là hết. Nói cho đúng, chết là
bất lực. Có thể ở bên kia biên giới sống chết, mình còn muốn làm điều gì đó,
nhưng chết thì dứt khoát muốn làm mà chẳng làm nổi. Chết là chẳng còn một tí
gì uy quyền hết”. Chính vì thế mà Khánh vẫn cứ muốn hiện diện giữa cuộc đời,
ngược chiều thời gian, xuyên qua các kiếp đời mà lý giải quá khứ, nghiệm suy
hiện tại, thấu thị tương lai của chính mình và của những người ở quanh mình.
Trong nhận thức của Khánh, dòng đời đẹp vì nó không bao giờ đứng im, “nó

trôi đi trôi đi, và trôi đi nghĩa là đẹp bởi vì đứng lại tù đọng nghĩa là chết”. Dĩ
nhiên, cái chết là điều không thể tránh khỏi nhưng để đừng bị lãng quên, để
đừng không thể nhớ, con người không được để trí nhớ ngừng lại. Ngừng lại
nghĩa là chết. Vì thế, nếu có chết “cũng phải cố mà không tắm nước sông Mê
không ăn cháo Lú không để mình bị bắt buộc phải quên”.
Thực ra, đã là con người, ai rồi cũng đều phải đi đến tận cùng cõi chết.
Vấn đề đặt ra là trên hành trình đi về miền miên viễn ấy, làm sao thức nhận
được chân giá cuộc đời, làm sao thấu được nỗi nhân văn, nhân cách của cuộc
sống này lại là một điều không bao giờ là đơn giản. Bởi bất luận trong lịch sử
hay trong đời sống hiện thực, sự đánh giá sai lệch về giá trị luôn khiến con
người phải trả giá đắt.
Với Châu Diên, ám ảnh về cái chết trong Người sông Mê không đơn
thuần là trăn trở của con người về sống chết mà nó còn là sự nhận thức sâu sắc


về sự không tương thích giữa thế giới tâm hồn của con người với hiện thực đời
sống nhiều ẩn khuất, phức tạp. Mỗi cái chết, mỗi cách chết đều là biểu hiện của
ứng xử sống. Ông Bách một mình “vật vã mấy giờ đồng hồ liền, rồi vĩnh viễn
ra đi” mang theo trên ngực một vết mổ dài, ông giáo cầm tay vợ, mắt nhắm
nghiền, “thều thào tình ơi tình ơi” và Chiền Chiện lặng lẽ với niềm an ủi vớt vát
là mảnh đất thiên thẹo sát bờ sông… Sự chết bắt đầu đến với Hoa khi cô cảm
thấy mình biết nhẫn nhịn, biết dừng lại, không cãi cọ nữa. Hoa chấp nhận nó và
yên ả ra đi nơi bệnh viện với cảm giác về tường gạch, vườn hoa, rèm cửa sổ
đều tươi tắn.
Như vậy, cái chết không đơn thuần là sự kết thúc một sự sống. Nó còn là
một ý niệm về sự sống. Trong cái nhìn của người trí thức, cuộc sống tù túng,
“thiếu thông tin, không có thông tin cắt đứt hết với mọi thông tin” đồng nghĩa
với cái chết. Đó là “một cuộc sống chỉ dành cho lũ nô lệ, và khi đó sẽ là cái
chết hoàn toàn không còn gì cứu vãn nổi nữa, cái chết trong lãng quên”. Chính
vì vậy mà trong Người sông Mê, đầy ắp hình ảnh của những con người “chưa

kịp sống đã chết”. Họ là những sinh viên bị giam cầm trong địa ngục của cái
đói, 5 năm học chỉ có thể từ “chẳng biết mô tê gì” đến cuối cùng là ‘chưa biết
ra sao”; là bà giáo “cả ngày không nói nửa lời tuyệt nhiên không hé răng nói
điều gì”; là ông giáo “không bao giờ đủ tinh tế và càng không đủ mất dạy để
nhận ra mình là nhân vật chính trong câu chuyện thêu dệt”; là những “sản phẩm
của một thời đại thiếu thông tin thừa nghi ngờ, thiếu nhìn vào lòng mình nhưng
lại thích nhìn vào hành vi bề ngoài của kẻ khác”. Tất cả họ đã đánh mất tâm
hồn mình, cái sự sống đích thực của mỗi cá nhân người để hợp lại với nhau
thành một thực thể duy nhất, trì níu nhau trong sự câu thúc của tính đơn nhất về
tinh thần của một đám đông mà mọi tư tưởng, tình cảm đều hướng về một đích.
Châu Diên đã tỏ rõ sự trải nghiệm sâu sắc của mình qua cách nhìn nhận
giá trị của cuộc sống dưới lăng kính của cái chết. Các nhân vật trong tác phẩm
của ông đã sống - chết trong thực - ảo, tỉnh - mê của tâm hồn mình. Mỗi người
chấp nhận, ứng xử với cái chết một cách khác nhau. Trong số họ, có người đã
ngộ, tuy nhiên vẫn còn lắm kẻ mang trong đầu những ý niệm đã hằn sâu, không
thể nào thay đổi.
Người sông Mê là một thành công lớn của nhà văn Châu Diên. Bằng
nhân vật trí thức, Châu Diên không chỉ thể hiện cái nhìn đầy triết lý của mình
về đời người, quan niệm về sự sống, cái chết, đặc biệt là số phận người trí thức
trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt mà còn chỉ ra sai lầm của con người khi
tuyệt đối hóa vai trò của tư tưởng dẫn đến sự lệch lạc trong đời sống tinh thần
của họ. Dĩ nhiên, không có giá trị nào là duy nhất. Và con người chỉ có thể
khẳng định được giá trị của sinh mệnh đời mình khi thức nhận đầy đủ các giá
trị vật chất, tư tưởng và lý tưởng. Vấn đề là không chỉ cần tri thức để nhận diện
không gian sinh mệnh của chính mình mà con người còn phải có đủ năng lực
để có thể ngược xuôi trong các miền sống ấy, để được sống thực trong thế giới


vật chất, không bị lạc lối trong lý luận hay mê muội, ảo tưởng trong những điều
thần thánh.




×