Tải bản đầy đủ (.doc) (8 trang)

Văn tả con vật, cây cối Lớp 4

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (83.4 KB, 8 trang )

BÀI VĂN TẢ CON MÈO
Nhà em đang nuôi một chú mèo rất dễ thương. Tên nó là Kẹo Bông. Đây là con
mèo mà bác tặng cho em nhân dịp sinh nhật. Nó cũng đã gắn bó với em được một
năm rồi.
Chú ta ham ăn lắm. Mỗi bữa chú đều ăn một bát cơm đầy cùng thức ăn. Món
khoái khẩu của chú ta là cá rán. Bữa nào có cá là chú ta ăn sạch không còn một hạt
cơm nào. Chẳng thế mà đến bây giờ, Kẹo Bông đã nặng tới 2kg. Trông chú thật
mũm mĩm. Chú khoác trên mình bộ lông màu trắng xen lẫn đen nhìn lại càng yêu
hơn.
Cái đầu chú tròn xoe như quả bóng tennis, lúc nào cũng quay hết bên nọ đến
bên kia như đang tìm kiếm thứ gì đó. Đôi tai luôn vểnh lên như đang nghe ngóng
mọi đọng tĩnh xung quanh chú. Hai mắt tròn xoe như hai viên bi. Vào ban đêm, đôi
mắt ấy phát sáng giúp chú bắt chuột dễ dàng hơn. Phía dưới là cái mũi lúc nào cũng
ươn ướt và có một chấm đen như bị nhọ. Thế nhưng cái mũi ấy rất nhạy, ở đâu có
chuột là chú biết ngay. Tiếp theo là cái miệng nho nhỏ xinh xinh luôn phát ra những
tiếng kêu “meo, meo” rất dễ thương. Hai bên mép là bộ ria thưa và trắng. Thỉnh
thoảng, chú lại đưa chân lên vuốt vuốt bộ ria của mình. Hàm răng chú nhọn và sắc
lắm. Nó không chỉ giúp chú nghiền thức ăn dễ dàng hơn mà còn là vũ khí sắc bén
khiến lũ chuột sợ hãi. Lưỡi chú nhỏ và có màu hồng.
Nối liền đầu với thân là chiếc cổ ngăn ngắn. Vì là giống mèo mướp nên thân
chú thon và hơi dài. Bốn chân nhỏ, dưới bàn chân chú có đệm thịt êm êm khiến cho
từng bước chân rất nhẹ nhàng và không phát ra tiếng động. Mỗi ngón chân đều có
móng vuốt rất sắc và nhọn. Cái đuôi nhỏ như ngón tay và hơi cong cong.
Mỗi bước đi của chú đều rất khoan thai, nhẹ nhàng. Thế nhưng, chỉ cần đánh
hơi thấy chuột là mọi hoạt động của chú lại trở nên nhanh như cắt. Đầu tiên chú
phục ở một góc khuất để theo dõi động tĩnh của con chuột. Chỉ cần con chuột đi vào
tầm ngắm là chú nhảy phốc ra tóm gọn. Thế nhưng chú không ăn ngay mà còn vờn
con chuột cho tới lúc chết mới tha đi chỗ khác để ăn. Từ ngày có mèo, nhà em bớt
chuột hẳn.
Kẹo Bông rất thích tắm nắng. Buổi sáng chú thường ra sân nằm ườn sưởi nắng.
Đôi mắt chú lim dim như đang nằm ngủ. Mỗi khi em đi đâu về, chú lại quấn lấy


chân em như đang làm nũng.
Em rất thích chú mèo ấy. Em còn nhờ bố làm một cái chuồng nho nhỏ cho chú
ngủ. Thỉnh thoảng học bài xong, em lại chơi đùa với chú.


BÀI VĂN TẢ CON GÀ
Hè vừa rồi em có về quê chơi. Nhà bà ngoại có vườn rộng lắm, ngoài trồng rau
bà còn nuôi gà nữa. Trong đàn gà ấy, em thấy nổi bật nhất là chú gà trống. Nghe bà
bảo thì chú gắn bó với gia đình đã được một năm rồi.
Chú thuộc giống gà pha. Cả thân hình chú chắc nịch như võ sĩ trên võ đài. Bà
em ước lượng chú phải được gần 3kg. Mỗi bước đi của chú đều thật oai vệ, hai chân
rộng với bộ ngực nở nang. Ngày mới đem về nuôi, chú chỉ to hơn nắm tay một chút.
Thế mà bây giờ, chú đã to gấp đôi cái ấm tích.
Chú khoác trên mình bộ áo lông vũ gồm rất nhiều màu sắc rực rỡ: đen, tía,
vàng, cam, xanh… Đầu của nó to như cổ tay bố em. Trên đỉnh đầu, cái mào to và
dày màu đỏ tươi như bông hoa mào gà. Đôi mắt tròn và nhỏ, đen láy như hai hạt đỗ
đen. Lúc nào, đôi mắt ấy cũng lúng la lúng liếng, sáng và rất tinh nhanh. Cái mỏ
vàng ươm, nhọn và hơi quằm giống như mỏ con diều hâu. Chú có thể mổ thóc rất
nhanh nhẹn. Cổ chú vươn dài, lúc thì quay bên này, lúc lại quay bên kia rất linh
hoạt. Phần ức lồi ra trông mới oai vệ làm sao. Hai cánh to khỏe, cứng, khum khum
úp vào hai bên sườn như hai rẻ quạt. Mỗi khi đập mạnh, nó lại tạo ra âm thanh rất
to. Đôi chân chú có màu vàng nghệ. Bốn ngón xòe ra giúp chú đi lại dễ dàng. Cựa
gà chìa ra như lưỡi gươm dài và khá cứng. Cặp giò chắc nịch, trông ra dáng lắm.
Đuôi chú cong mượt và hơi rủ xuống gồm nhiều màu pha lẫn với nhau.
Mỗi khi bà em đổ thóc ra, chú liền phi ra đầu tiên tranh ăn với con khác. Mặc
dù rất háu ăn nhưng chú vẫn nhường một phần thóc cho gà mái và đàn gà con. Đôi
khi, chú lững thững đi dạo trong vườn. Bất chợt, chú thấy một con cún trêu chị gà
mái đang cố gắng bảo vệ đàn con của mình. Tức khắc chú liền phi tới giáng cho nó
một cựa và mổ liền mấy phát vào đầu. Cún con bị tấn công bất ngờ liền chạy dạt
sang một bên, chỉ dám đứng nhìn từ xa.

Thỉnh thoảng, chú lại đi kiếm mồi trong vườn. Kiếm được miếng mỗi ngon,
chú tha ra chỗ sạch sẽ và cất tiếng “tục, tục” gọi chị gà mái và đàn gà con. Tờ mờ
sáng là lúc chú thực hiện công việc của mình. Ban đầu, chú cúi đầu xuống như để
lấy hơi. Sau đó, chú cất tiếng gáy vang cả xóm. Cái cổ thì banh ra. Hết một hơi dài,
chú lại nghỉ và tiếp tục gáy. Tiếng gáy của chú như chiếc đồng hồ báo thức giúp
mọi người thức dậy đúng giờ.
Em rất thích chú gà và em sẽ chăm sóc cho chú thật cẩn thận. Bởi vì nhờ có chú
mà mọi sinh hoạt đều diễn ra đúng giờ.


BÀI VĂN TẢ CON LỢN
“Ủn à ủn ỉn”… Đố các bạn biết tiếng kêu đó là tiếng kêu của con vật gì? Đấy là
tiếng của chú lợn nhà em. Chú lợn này được bà em nuôi hai năm nay rồi.
Nghe bà em nói đây là giống lợn lai kinh tế rất dễ nuôi và chóng lớn. Hồi mới
nuôi, chú chỉ bé như cái xô con con. Thế mà sau vài tháng, thân hình chú tròn trùng
trục. Da loang lổ trắng đen. Đầu chú khá to gắn liền với thân nên em không nhận ra
phần cổ. Đặc biệt mắt chú ta lúc nào cũng ti hí như đang muốn ngủ. Hai má phúng
phính chảy xuống trông mới ngô ngố làm sao. Cặp tai to hơn bàn tay người lớn
thỉnh thoảng ve vẩy để đuổi ruồi. Cái mõm chú ta mới buồn cười làm sao. Nó cứ
chu về phía trước, đầu mõm thì tròn lúc nào cũng ươn ướt phát ra tiếng kêu đòi ăn.
Cái bụng phệ mỗi khi ăn no lại xệ xuống mặt đất đi lại rất khó khăn. Quan sát kĩ thì
bốn chân của chú có móng cứng. Trông giống như một cô gái béo phì đi một đôi
dép cao gót ấy. Đáng yêu nhất là cái đuôi có những sợi lông nhỏ xoăn tít lại như lò
xo.
Bà em nói rằng chú lợn này có một cái nết rất xấu là tham ăn. Mỗi lần bà em
đang làm ở vườn chưa kịp bê chậu cám lên cho chú ăn là chú ta kêu inh ỏi chói tai.
Lúc bà em bê chậu cám chú ta lấy cái mõm đại sục xuống chậu cám táp lấy táp để.
Ăn xong rồi thì ôi thôi, mõm chú ta thật buồn cười, hai bên mõm thức ăn vẫn còn
đầy. Xong không thèm để ý đến xung quanh, chú đi tìm chỗ ngủ. Mắt chú lim dim
nằm ườn ra trên đất, hai chân xõng xoài. Thính thoảng bà em còn tắm cho chú.

Những lúc như vậy chú rất thích thú và vui mừng. Cái đuôi thì vẫy tít lên. Mỗi năm
bà cho xuất chuồng từ một đến hai lứa. Sau khi bán, bà lại có nhiều tiền để mua
quần áo mới cho em. Nhờ mỗi lứa lợn, bà em cũng có một số tiền khá lớn.
Mỗi khi về quê, em lại cùng bà chăm sóc đàn lợn. Em rất thích đàn lợn của bà.

BÀI VĂN TẢ CON CHÓ
“Gâu, gâu, gâu…”. Đố các bạn biết đấy là tiếng kêu của con gì? Đó là tiếng kêu
của chú cún cưng Chi Vi nhà em đấy. Cách đây hai năm trong một dịp sinh nhật em
được bố tặng cho chú cún cưng này.
Đó là chú chó Tây rất dễ nuôi và ăn nhiều. Em rất thích vì đây là một chú chó
ngoan và biết nghe lời chủ của mình. Bấy giờ, Chi Vi đã lớn rồi, không còn bé như
xưa nữa. Trông chú dạo này cũng ra dáng thanh niên lắm. Toàn thân chú khoác một
chiếc áo màu đen tuyền và xen lẫn trắng. Đầu chú tròn như quả bưởi nhưng trông
đáng yêu ghê. Thích nhất là đôi tai của Chi Vi vểnh lên như đang nghe ngóng. Đôi


mắt màu đen nháy, to và tròn đảo đi đảo lại. Ban đêm, đôi mắt ấy sáng quắc như hai
cái đèn pin. Mõm của Chi Vi như miếng cao su đen bóng lúc nào cũng chu về đằng
trước nhưng đánh hơi rất giỏi. Đặc biệt, chú ta rất thích liếm tay em. Quan sát kí em
thấy khi chú thè lưỡi ra rất dài và có màu hồng, đôi chỗ có đốm đen. Có nghĩa là
chú chó này rất khôn. Mỗi khi giận dữ nó đều nhe răng ra trắng ởn. Hai cái răng
nanh nhọn hoắt trông càng đáng sợ. Bốn chân của Chi Vi dài và cao, chú rất thích
chạy nhảy. Ở phía dưới chân là những móng vuốt rất sắc nhọn và to. Đó là vũ khí
lợi hại khiến bọn trộm khiếp sợ. Cái đuôi luôn ngoe nguẩy đuổi ruồi, lúc lại cong
cong hình dấu hỏi.
Chi Vi rất đỏng đảnh. Mỗi bữa cơm phải trộn rau, cơm và rất nhiều xương thì
chú ta mới ăn. Chú chén cơm một cách ngon lành và liếm sạch bát không còn một
hạt cơm sót lại. Chú ta thích nhất là được sưởi nắng ở ngoài sân. Những lúc mệt
mỏi, chú lại nằm dài ra sân, hai chân duỗi ra mắt lim dim ngủ. Nhưng chỉ cần một
tiếng động nhỏ là chú liền chồm dậy thật nhanh, mắt dáo dác nhìn xung quanh. Mỗi

khi đi học về, nó lại vẫy đuôi rối rít nhảy bám lên chân em. Lúc có khách nó liền lao
ra sủa vang cả xóm để báo cho mọi người biết. Ban đêm, chú nằm im ở cửa nhà để
nghe ngóng. Cứ thấy ai đi ngang qua Chi Vi lại sủa khi nào hết tiếng động mới thôi.
Mỗi khi em đi đâu xa về là em chơi với Chi Vi ngay. Em rất thích chú cún này.

BÀI VĂN TẢ VƯỜN RAU
Trước cửa nhà em có một khoảng vườn nho nhỏ khoảng 20m vuông. Bà em tận
dụng làm vườn trồng rau cho cả gia đình.
Vườn rau tuy nhỏ nhưng được bà em chăm sóc rất cẩn thận. Từ đầu mùa, bà em
đã làm sạch cỏ và cuốc thành từng luống. Vì thế nên đất trong vườn vừa tơi xốp vừa
không có ngọn cỏ nào. Xung quanh vườn được bao bọc bởi bức tường cao khoảng
một mét. Lối vào vườn cũng được ngăn bởi một cánh cửa bằng tre do bố em làm.
Cửa để ngăn không cho chó hay gà vào phá vườn rau.
Bước chân vào vườn rau, em thấy ngay một luống rau cải. Những cây cải đang
độ phát triển mang trên mình màu xanh non mơn mởn. Chúng đua nhau vươn lên
đón ánh mặt trời. Cây thì cao, cây lại thấp trông thật thích mắt. Có cây lớn nhanh
cao hẳn lên với chùm hoa vàng trên ngọn tô điểm cho cả vườn rau. Kế đến là luống
cải cúc. Luống này thấp hơn luống cải một chút. Rau cải cúc có nhiều chất dinh
dưỡng nên được bà em chăm sóc rất cẩn thận. Trên lá còn đọng lại một vài giọt
sương, có lẽ là từ đêm qua. Khi nắng chiếu vào, chúng lại long lanh trông mới đẹp
làm sao. Tiếp theo là luống su hào. Từng củ su hào tròn, to, da căng mọng. Hơn


chục củ su hào nằm lúc nhúc dưới đất như những chú lợn con vậy. Cuối cùng là
luống rau mùi và xà lách. Tuy đây chỉ là rau gia vị cho bữa ăn nhưng nó cũng rất
quan trọng. Nếu thiếu nó thì các món ăn sẽ không có mùi thơm.
Ở góc vườn, bố em còn trồng thêm một cây khế ngọt. Cứ đến mùa là nhà em lại
được thưởng thức những quả khế ngọt mát.
Vườn rau nhà em chỉ bé vậy thôi nhừn cũng cung cấp được kha khá rau cho
bữa ăn hàng ngày. Nhà em vừa có rau sạch ăn, vừa đỡ được một khoản tiền đáng

kể. Em rất thích vườn rau này.

BÀI VĂN TẢ CÂY NHÃN
Vườn nhà bà em có rất nhiều loại cây. Nào là mít, xoài, na, bưởi… Nhưng nổi
bật nhất là cây nhãn với những tán lá rộng che kín cả một góc vườn.
Đây là cây nhãn do bà em trồng từ rất lâu rồi. Cây cao hơn gian nhà của ông bà
em. Tán cây xòe rộng như một chiếc ô khổng lồ. Rễ cây ăn sâu vào đất để lấy chất
dinh dưỡng. Nhưng vẫn còn một vài cái rễ trồi lên trên mặt đất. Thân cây màu nâu,
rất to. Đã có một lần em thử ôm cây nhưng không thể ôm hết được. Vỏ cây xù xì
chứ không nhẵn bóng như những cây khác. Lên cao, cây mới đẻ nhánh. Các cành
cây vươn ra các phía khác nhau. Cành to nhất cũng phải bằng bắp chân người lớn.
Tất cả đều ngoằn ngoèo, khẳng khiu chứ không thẳng đuột. Càng ra đầu cành thì
cành càng nhỏ. Lá nhãn nhỏ, thon thon dài, màu xanh nhạt. Trên cây có vô số lá, tất
cả đan xen với nhau tạo thành tán lá dày đặc. Mùa hè, em rất thích ra ngồi dưới gốc
nhãn hóng gió và chơi đồ hàng.
Hoa nhãn thường nở vào tháng ba. Chúng mọc thành từng chùm, nhỏ li ti màu
vàng nhạt. Mỗi khi có gió, hoa lại rụng như một cơn mưa nhỏ xuống mặt đất. Cuối
mùa, khi hoa đã tàn và rụng hết, đó là lúc những chùm quả li ti thay thế vào đó. Mới
đầu, quả còn bé lắm, chỉ bằng hạt đỗ đen thôi. Vỏ nó sần sùi và có màu xanh. Theo
thời gian, quả lớn dần bằng hạt lạc. Bẵng đi không lâu, quả nhãn đã to bằng ngón
tay cái. Vỏ quả chuyển sang màu nâu nhạt. Đây cũng là dấu hiệu cho biết nhãn sắp
được thu hoạch.
Khi bóc một quả nhãn ra, ẩn sau lớp vỏ là phần cùi dày, màu trắng đục. Ăn vào
miệng, ta cảm thấy ngọt lịm và thanh mát. Trong cùng là hạt nhãn tròn và đen nháy.
Vì em thích ăn nhãn nên em sẽ chăm sóc cây cẩn thận để cây mau lớn. Và mỗi
lần ăn nhãn em sẽ nhớ tới bà – người đã trồng cây nhãn này.


BÀI VĂN TẢ CÂY PHƯỢNG
Nhắc đến loài hoa gắn liền với tuổi học trò, người ta thường nghĩ ngay đến hoa

phượng. Hầu như trường nào cũng có hoa phượng. Trường em cũng vậy, cây
phượng già ấy đã gắn bó với biết bao thế hệ học trò.
Đây là cây phượng do chính tay thầy hiệu trưởng trồng từ khi mới thành lập
trường. Cây đứng sừng sững ở giữa sân để chứng kiến những sự thay đổi của học
đường. Nhìn từ xa, cây phượng như một cái ô khổng lồ, cao gần bằng nóc nhà. Cây
có dáng đứng thẳng, vươn cao.
Mấy cái rễ cây to trồi lên trên mặt đất như những con trăn lớn. Gốc cây sần sùi,
to, màu nâu sậm. Chao ôi! Thân cây mới to làm sao! Chúng em đã thử vòng tay qua
ôm nhưng cũng không hết. Chắc cái cây cũng nhiều tuổi rồi. Vỏ cây xù xì như da
cóc. Đôi chỗ ở thân cây còn có những vết trầy xước. Đây có lẽ là vết tích của các
anh chị cuối cấp muốn để lại kỉ niệm với cây. Cành cây khẳng khiu tỏa ra nhiều
phía tạo thành các tán lá. Lá phượng nhỏ như hạt đỗ, nhiều vô kể. Tất cả các tán lá
đan xen với nhau tạo thành những tầng lá dày đặc. Ánh nắng khó có thể xuyên qua.
Mùa xuân, từng chùm lá non nhú ra xanh mơn mởn. Đến mùa hè, lá xanh tươi
tốt như có phép màu. Cũng mùa này, phượng bắt đầu ra hoa. Ban đầu, chỉ có một
vài nụ hoa nở sớm. Màu đỏ còn nhạt lắm. Bẵng đi một vài hôm, phượng đã nở đỏ
rực cả một góc sân. Hoa phượng có năm cánh màu đỏ nhưng có một cánh màu
trắng. Nhụy hoa thu hút rất nhiều ong, bướm. Cây càng già thì sức sống càng mãnh
liệt.
Em rất thích cây phượng vì nó là cây thân thiện với học trò. Cây tạo bóng mát
cho chúng em vui chơi. Các lớp đều thay phiên nhau tưới nước cho cây để cây mau
lớn.

BÀI VĂN TẢ CÂY HOA HỒNG
Trong một dịp về bác em chơi, em đã được chiêm ngưỡng rất nhiều loại hoa. Vì
nhà bác bán hoa nên trong vườn không thiếu một thứ hoa nào. Đầu vườn trồng hoa
cúc, tiếp đến là hoa thạch thảo, hoa huệ… Nhưng nổi bật nhất là khóm hồng nhung
ở giữa vườn.
Bác bảo rằng vì đây là giống hồng nhung nên hoa của nó rất đẹp và có giá trị.
Cây thì cao đến vai em thôi. Thân cây mảnh mai, to bằng ngón tay út của em. Toàn

bộ thân có màu xanh đậm. Bao quanh nó là một lớp gai cứng. Nếu không cẩn thận


sẽ bị gai quạc vào quần áo. Từ thân cây, một vài cành mọc ra, cũng mảnh mai như
vậy. Mỗi cành cây lại mang trên mình những chiếc lá. Gốc cây nhỉnh hơn thân cây
một chút. Rễ cây cắm sâu xuống đất để lấy chất dinh dưỡng nuôi cây.
Lá cây hoa hồng to và tròn hơn lá chanh. Trên mặt lá, ta thấy những đường gân
chằng chịt. Xung quanh lá có những viền răng cưa nhỏ. Màu xanh lục cũng là màu
của lá. Đến mùa, cây bắt đầu ra hoa. Lúc mới nhú, hoa chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay út
của em. Khi đài hoa xanh tách ra, những cánh hoa cũng theo đó nở bung ra. Từng
cánh hoa mềm mịn màu đỏ thắm ôm ấp nhau. Lớp ngoài ôm lấy lớp trong tạo thành
một bông hoa hồng tuyệt đẹp. Nhụy hoa màu vàng nổi bật trên nền đỏ. Những chấm
vàng li ti càng làm cho bông hoa thêm rực rỡ. Chỉ cần bước xuống vườn hoa, em
cũng có thể ngửi thấy hương thơm ngào ngạt tỏa khắp vườn. Đây là mùi hương đặc
trưng chỉ hồng nhung mới có.
Em rất thích cây hoa hồng nhung này. Vì vậy, em sẽ giúp bác chăm sóc chúng.
Nếu có thể, em sẽ xin mẹ mua một cây hồng như vậy.

BÀI VĂN TẢ CÂY CHUỐI
Trong vườn nhà em có rất nhiều các loại cây ăn quả. Em thích nhất một cây
chuối tiêu sai quả trong bụi chuối ở góc vườn.
Nhìn từ xa, cây chuối như một chiếc ô xanh mát rượi. Thân cây cao hơn hẳn
đầu người, mọc thẳng không có cành, chung quanh là mấy cây con đứng sát thành
bụi. Trông nó cao hơn những cây chuối khác. Tất cả tạo thành một góc vườn xanh
mát.
Cây chuối có nhiều tàu lá, có tàu đã già khô, bị gió đánh rách ngang và rũ
xuống gốc. Các tàu lá còn xanh thì liền tấm, to như cái máng nước úp sấp. Những
tàu là dưới màu xanh thẫm, những tàu lá ở trên mà xanh mát và nhạt dần. Càng lên
cao, các tàu lá càng bó lại và cuộc tròn lại ở tàu trong cùng. Thân chuối to, bóng
loáng và trơn. Đặc biệt là chuối không có cành. Gốc chuối hay còn gọi là củ chuối

thì ở dưới đất. Trên ngọn chuối có một buồng chuối non mà xanh nhạt. Mỗi cây chỉ
có một buồng chuối. Các quả chuối còn rất nhỏ, chỉ bằng ngón tay. Vì chúng vẫn
còn non. Một buồng chuối có khoảng tám đến mười nải. Dưới buồng chuối, cái hoa
chuối đỏ thẫm vẫn còn đang tiếp tục trổ hoa.
Cây chuối gắn liền với đời sống của người dân. Lá chuối thường dùng để gói
nem, gói giò, gói bánh… Thân chuối có thể làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Củ


chuối hay nấu với ốc, ếch. Hoa chuối dùng làm nộm ăn rất ngon. Quả chuối có chưa
nhiều chất dinh dưỡng tốt cho tất cả mọi người.
Chuối có ích như thế nên bà em thường xuyên chăm bón cho chuối tốt tươi
hơn.

BÀI VĂN TẢ CÂY BÀNG
Hôm qua, đang chơi trong sân nhà, em bất chợt nhìn lên thì thấy cây bàng đã
rụng hết lá. Đây là cây bàng đã gắn bó với em từ bé tới giờ.
Nhìn từ xa, em thấy cây bàng to lớn lắm. Nó như một chiếc ô khổng lồ đứng
sừng sững ở giữa sân nhà em. Tới gần, em càng được quan sát kĩ hơn các bộ phận
của cây.
Bò ngoằn ngoèo trên mặt đất là những cái rễ cây. Trông chúng như những con
rắn đang bò lổm ngổm. Nhưng đây lại là bộ phận để nuôi dưỡng cây. Chúng hút các
chất dinh dưỡng từ đất, đưa vào cây giúp cây mau lớn. Thân cây màu nâu, vỏ xù xì
như da cóc. Em đã thử vòng tay để đo thân cây nhưng khoogn thể ôm hết được. Có
lẽ cái cây hơn em rất nhiều tuổi. Cành cây thì nhiều vô số. Tất cả tỏa ra khắp mọi
phía như các cánh tay cố vươn ra đón ánh nắng mặt trời. Mỗi cành cây khẳng khiu
lại là nơi gắn kết những chiếc lá. Vậy nên, trên cây bàng có bao nhiêu lá em cũng
không đếm hết được. Lá nào to thì gần bằng quyển vở, còn lá nhỏ thì chỉ bằng bàn
tay trẻ con. Hoa bàng nhỏ li ti màu trắng ngà. Cứ đến mùa hoa, sân nhà em như
được dệt một tấm thảm hoa thật đẹp. Hết mùa hoa, quả bắt đầu xuất hiện. Quả bàng
lúc chưa chín thì có màu xanh, khi chín thì chuyển vàng. Mùa xuân, các chồi non

nhú lên xanh mơn mởn như những ngọn nến nhỏ. Sang hè, những chồi non được
thay thế bằng lá to. Cây tỏa bóng mát cả một góc sân. Lá đổi sang màu đỏ vào mùa
thu. Và đến mùa đông, cây trụi hết lá. Chim thường hay đến làm tổ trên cây bàng
nhà em. Gió thổi, cây rì rào như đang nói chuyện với em. Mùa mưa bão, cho dù gió
to đến đâu thì cây cũng chống chọi rất kiên cường.
Em rất thích cây bàng này. Mỗi khi đi đâu xa về, chỉ cần nhìn thấy cây bàng là
em biết sắp về đến nhà. Em sẽ chăm sóc cây cẩn thận.



×