Tải bản đầy đủ (.docx) (6 trang)

bản giới thiệu sách mãi mãi tuổi hai mươi Nguyễn Văn Thạc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (110.65 KB, 6 trang )

KỊCH BẢN GIỚI THIỆU SÁCH
“MÃI MÃI TUỔI HAI MƯƠI” – NGUYỄN VĂN THẠC
Thưa Ban giám khảo, quý vị đại biểu cùng toàn thể hội thi thân mến, Thánh Gióng –
người con của quê hương Phù Đổng chúng em, đã đi vào tâm thức người Việt như một vị
thánh bất tử, như một biểu tượng thiêng liêng cho tinh thần yêu nước bất diệt. Tinh thần ấy
luôn luôn tồn tại, hiện hữu trong mỗi cá nhân con người chúng ta. Và trong thế kỉ XX, nó
được thể hiện rõ nhất trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Đó là kháng
chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mĩ. Thời đại ấy đầy gian khổ, khốc liệt
nhưng lại sinh ra những con người vĩ đại, những chiến sĩ anh hùng, quả cảm. Và một trong
số đó là Nguyễn Văn Thạc – chàng trai Hà Nội, một anh lính binh nhì trong đoàn quân
Nam tiến năm nào. Anh cũng là tác giả của cuốn nhật kí nổi tiếng mà chúng em sẽ giới
thiệu ngay sau đây – Nhật kí “Mãi mãi tuổi hai mươi”.
Nguyễn Văn Thạc sinh năm 1952. Anh là người con của đất Hà Nội, nghe theo
tiếng gọi thiêng liêng Tổ quốc lên đường nhập ngũ, gác bút nghiên trả nợ non sông.
Dường như chiến tranh làm con người ta trở nên mạnh mẽ, biến chàng trai trẻ trung, lãng
mạn, từng là học sinh giỏi văn nhất miền Bắc ấy trở nên kiên cường và bất khuất. Chẳng
thế mà anh từng nói: Cuộc đời đẹp nhất của thanh niên là trên trận tuyến đánh quân thù …
Nước còn giặc, còn đi đánh giặc, đánh đến cùng mới thôi”. Thế nhưng, nơi hòn tên mũi
đạn là nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như sợi tóc. Đạn bom giặc Mĩ đã
cướp đi tâm hồn người trai trẻ ấy, khi anh vừa tròn 20 tuổi. Bạn bè anh gửi anh lại miền
đất thôn Đầu Kênh, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Những người chết trẻ mãi. Và những người lính chết trẻ còn mãi tuổi thanh xuân và
luôn là một biểu tượng đẹp, trong sáng trong lòng dân tộc. Nguyễn Văn Thạc cũng vậy.
“Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca”
Sự hi sinh của Nguyễn Văn Thạc vốn đã có ý nghĩa như bao sự hi sinh vì Tổ quốc
khác. Nhưng nó còn ý nghĩa hơn khi anh đã để lại cho đời câu “Chuyện đời” của mình là
tập nhật kí chiến tranh có giá trị lớn lao đối với thời đại ngày nay. Những dòng nhật kí đã
hoen mực ấy được nhà báo, nhà thơ Đặng Vương Hưng sưu tầm và giới thiệu, in thành



cuốn sách mang tên “Mãi mãi tuổi hai mươi” này. Cuốn nhật kí lần đầu tiên được xuất bản
tháng 10/ 2005, do nhà xuất bản Thanh niên ấn hành. Nó dày 296 trang in trên khổ 13 x 19
cm là những dòng tâm tư, suy nghĩ của tác giả từ ngày 02/10/1971 đến ngày 24/05/1972
“về đời, về người, về cuộc sống, về những chân lý mà bất kì ai có trách nhiệm cũng phải
suy nghĩ đến…”. Cho đến nay, cuốn nhật kí đã được tái bản nhiều lần, do nhiều nhà xuất
bản khác nhau ấn hành vì thế quý vị và các bạn rất dễ dàng để có thể sở hữu nó cho mình.
Và đến với thư viện xã Phù Đổng chúng tôi, quý vị có thể tìm đọc cuốn sách với mã số …
mục …. Xin mời quý vị và các bạn một lần ghé thăm!
Thưa ban giám khảo, quý vị đại biểu cùng toàn thể hội thi thân mến, cuốn nhật kí
này là những dòng chân thật nhất về cuộc đời, suy nghĩ, tâm tư của liệt sĩ Nguyễn Văn
Thạc bởi anh “viết cho mình, cho riêng mình đọc” thôi như lời anh tâm niệm. Vì thế những
trang nhật kí ấy có cả những thầm kín, rất riêng tư, có cả những xao động, vui tươi của đời
chàng trai trẻ với cái hăm hở “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy
tương lai”. Nói như vậy cũng có nghĩa cuốn nhật kí trước hết thể hiện tâm tư, tình cảm
của Nguyễn Văn Thạc - chàng trai trẻ tuổi đất Hà Nội với tâm hồn nhạy cảm, lãng
mạn. Trong cuốn sách, có những dòng thật bi quan, chán nản, thất vọng đến cùng cực:
“Phải hết sức trấn tình, tôi mới không xé hoặc không đốt đi cuốn Nhật kí này. Trời ơi!
Chưa bao giờ tôi chán nản và thất vọng như buổi sáng nay, như ngày hôm nay cả… Tôi
ngồi bệt xuống bờ sông, con sông cạn đanh rúc nước. Tôi vốc bùn và cát ở dưới lòng
sông, và qua kẽ ngón tay tôi, nó rớt xuống, rót xuống. Tôi muốn khóc, khóc với dòng sông.
Không, chẳng có ai có thể đem cho tôi được chút gì niềm an ủi hay vui sướng cả. Mọi
người không hiểu được tôi, mọi người gắt gỏng với tôi. Trời ơi, lúc này tôi có thể chết
ngay đi được. Có thể quên hết nỗi phiền muộn và sầu não ngập tràn cả hồn tôi thì sung
sướng biết bao…”. Nhưng những dòng ấy đâu có thể lấn lướt được cái trong sáng của một
tâm hồn thật nhạy cảm với những nhớ nhung da diết: “Mùa đông chưa về đến đây. Mình
yêu cái chuyển tiếp giữa hai mùa này, xốn xanh trong lòng nhiều kỷ niệm. Cây sâu đâu
chưa nở ra những mối sầu cho mình an ủi. Chùm quả chin vàng lấm tấm trên tà áo xanh
của bầu trời, nhắc mình nhớ về cái ngõ hẹp vào nhà. Ao cô Tơ còn mọc trên làn nước
chùm hoa lau cho tụi con trai đánh trận hay không? Mấy cây hồng bì, cây nhãn bên sân

hàng xóm có còn hay không, ngày trước, đấy là nơi tụi trẻ bán hàng và đám cưới; Cái dù
vàng che cô dâu, chủ rể, giờ tơi tả khắp bốn phương. Kỷ niệm càng dâng lên và trào ra
như nước mắt. Sang lạnh nhiều sương, gió táp, cây trên đồi chắc là buốt lắm, nằm nghĩ về
những người thân yêu mà se sắt trái tim…”


Bên cạnh nỗi nhớ, Nguyễn Văn Thạc cũng lạc quan như chính thế hệ của mình, như
chính tác giả của những dòng thơ: “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe
có một trái tim” – thần tượng của anh. Trong nhật kí, anh từng tự phê bình mình gay gắt:
“Không nên yếu đuối, không nên chùn bước, hãy cố gắng lên và nhất định sẽ vượt qua”,
rồi lại không ít lần lo lắng tự hỏi: “Liệu mình có thể làm được gì, đóng góp được gì cho
Văn học chống Mĩ hay không? Biết bắt đầu từ đâu và đi theo con đường nào? Làm sao có
được một bàn tay dẫn dắt của người đi trước?” Những băn khoăn, trăn trở ấy là biểu hiện
của một con người đầy trách nhiệm và cũng tràn đầy ước mơ và khát vọng. Anh đã từng
muốn khi ra trận mình sẽ làm được như Bô- rít Pô–lê–vôi (Một nhà văn Liên xô nổi tiếng
với những tác phẩm viết về chiến tranh). Anh muốn sẽ thu thập thật nhiều vốn sống, để
viết văn, làm thơ, ca ngợi những con người đã hy sinh những gì quý giá nhất của riêng
mình cho giai cấp, cho dân tộc. Và chính vì thế, khát vọng được vào tuyến lửa, giáp mặt
quân thù luôn xuyên suốt cuốn nhật kí. Thạc lúc nào cũng mong “chóng tới gia đình lớn.
nơi ta gửi gắm thời thanh xuân của mình”.
Đặc biệt, cuốn nhật kí còn là câu chuyện tình yêu đôi lứa đằm thắm thuở ban đầu
của Nguyễn Văn Thạc với người bạn gái Phạm Thị Như Anh. Tình yêu ấy đã nâng từng
bước chân, từng nghĩ suy của chàng lính trẻ những lúc phới phới lên đường cũng như lúc
buồn nản, chán chường. Hình ảnh Như Anh xuất hiện xuyên suốt cuốn nhật kí. Đôi lúc anh
viết mà như trò chuyện tâm tình thủ thỉ với Như Anh. Dù họ bên nhau thời gian rất ít ỏi
nhưng đó là một tình yêu lý tưởng tiêu biểu của thanh niên thời chiến tranh. Chàng trai ra
trận, cô gái đi học xa, tình yêu vượt thời gian và không gian chín lên trong sự nhớ thương,
mong ngóng, đợi chờ, hi vọng của hai người. Anh Thạc từng hẹn ước sẽ trả lời cho người
yêu dấu của mình “Hạnh phúc là gì” trong ngày trở về 30/04/1975. Nhưng bốn năm trước
thời điểm ấy, anh đã vĩnh viễn ra đi, và câu hỏi “Hạnh phúc là gì” ấy lặng đi, đọng lại

trong lòng người hôm nay một niềm bi tráng. Gửi lại người con gái mình yêu, anh viết
những dòng cuối:
“Đêm trắng trong là đêm của em
Đèn thành phố và sao trời lẫn lộn
Đêm của anh xếp kín đầy bom đạn
Pháo sáng chập chờn trộn trạo với sao sa.


Đêm trắng trong như màu sắc thiên nga
Đêm âu sầu như ngôi nhà đổ nát
Đêm đen ấy mà vô cùng dịu mát...
Bâng khuâng gì trong ban đêm em ơi?

Đêm của anh trong tầm bom rơi
Không thể ngủ nên đêm thành đêm trắng
Đêm bão thép chất chứa nhiều sâu lắng
Bà mẹ sinh con trai trong mờ tối căn hầm.

Những ban đêm thành cột mốc tháng năm
Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng
Đêm thao thức đón chờ ánh sáng
Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời.”
“Mãi mãi tuổi hai mươi”còn là những dòng văn tái hiện hiện thực chiến tranh
tàn khốc. Ta không thể không hoen lệ trước những dòng văn: “làng xóm chìm trong tang
tóc và bóng đêm… em bé đập tay trên vũng máu. Dưới tay em lẽ ra là chậu nước trong
mát – cái biển mênh mông của tuổi thơ hồn nhiên, nhí nhảnh…”. Song, qua đó, Nguyễn
Văn Thạc lại làm nổi bật lên những kỉ niệm sâu sắc tình quân dân cá nước. Trong một
đoạn, anh Thạc viết cho bố mẹ kể về gia đình người chủ nhà anh đã đã đóng quân tại xã
Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc Bắc Giang): “Sáu đứa chúng con
được phân vào một nhà. Gia đình chỉ có hai vợ chồng và bốn đứa con nhỏ. Cháu lớn mới

7 tuổi. KHi chúng con vào nhà, các cháy đã ngủ yên, anh chị ra đón và tất bật suốt đêm
dọn chỗ. Sáng ra, anh chị ở nhà dọn xuống nhà dưới, dành nhà trên, ba gian, cho sáu đứa
chúng con. Chị chủ còn trẻ, 28 tuổi. Rất tốt vì thương chúng con. Chị cho hai nải chuối và
rất nhiều lạc để ăn sáng. Con cũng không ngờ nổi rằng gia đình lại phóng khoáng đến
như vậy”. Những kỉ niệm về tình đồng chí keo sơn cũng thật đẹp đẽ biết bao. Đây là
những dòng văn Thạc viết cho một người đồng đội: “Năm ơi, quay trở lại đi, quay lại và


rủ thằng Thỏi nữa, đồng đội và tao đang chờ mày. Cái giường ọp ẹp vẫn dành chỗ ấm
nhất cho mày đó. Sao mày lại bỏ đi mà ngủ trên một quãng đồng trống trải, lạnh lùng...
Năm à, quay lại đi!”. Và đất nước đau thương, tình đồng chí thắm thiết, tình quân dân đậm
đà càng làm động lực cho chàng trai trẻ ấy vững thêm tinh thần quyết chiến, quyết thắng:
“Bây giờ cái khao khát nhất của ta – cái day dứt trong ta là khi nào được vào miền Nam,
vào Huế, Sài Gòn – xọc lê vào thỏi tim đen đủi của quân thù… Nước còn giặc còn đi đánh
giặc, đánh đến cùng mới thôi”.
296 trang nhật kí cũng là 296 trang trải lòng của Nguyễn Văn Thạc. Nó làm nổi bật
lên vẻ đẹp tinh thần của thế hệ thanh niên thời kì chống Mĩ: Lạc quan, yêu đời, tràn trề
tình thần yêu nước và cũng không thiếu những rung động của tuổi trẻ. Nguyễn Văn Thạc
anh đã về với đất mẹ đến nay đã hơn 40 năm, anh đã trở thành người thiên cổ nhưng
những dòng nhật kí này vẫn sẽ sống mãi, tiếp thêm cho chúng ta nguồn sống, sức mạnh để
tiếp bước tới tương lai – khi đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ.
Thưa ban giám khảo, quý vị đại biểu và toàn thể hội thi, nhật kí “Mãi mãi tuổi hai
mươi” rất chân thực trong cảm xúc, rất sinh động trong tái hiện khiến tâm hồn người đọc
rung lên những thanh âm trong trẻo. Nguyễn Văn Thạc từng quan niệm về việc viết nhật kí
như sau: “Nếu như người viết Nhật ký là viết cho mình, cho riêng mình đọc thì cuốn Nhật
ký đó sẽ chân thật nhất, sẽ bề bộn và sầm uất nhất – Người ta sẽ mạnh dạn ghi cả vào đấy
những suy nghĩ tồi tệ nhất mà sự thực họ có… Người viết Nhật ký có rất nhiều phương
pháp – Và mỗi người tuỳ theo ý thức và sự quen thuộc của mình mà ghi chép. Có người
chỉ thích viết ý nghĩ, có người hoàn toàn ghi những sự kiện nhỏ nhặt hàng ngày – Còn
mình, mình không biết thế nào, có lẽ vừa ghi những sự kiện, vừa ghi những suy nghĩ –

Nhiều lúc cũng khó mà phân biệt đâu là suy nghĩ, đâu là sự kiện – Và sự trộn lẫn ấy – là
một điều rất qúi (…) Việc rút ra những ý nghĩa từ trong hiện tượng ngay tức khắc có một
tác dụng rất lớn lao – nó cho phép người ta tìm thấy và nắm chắc bản chất sự vật và
không sa vào cái vụn vặt, không bị choáng trước những hình thức màu mè ở bên ngoài”.
Có lẽ chính vì thế, nhật kí “Mãi mãi tuổi hai mươi” đi vào lòng độc giả trẻ một cách rất tự
nhiên mà rất sâu sắc . Nó đã trở thành hành trang của tuổi trẻ lúc nào không hay.
Thưa ban giám khảo, quý vị đại biểu cùng toàn thể hội thi thân mến, tấm gương của
liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là minh chứng cho thế hệ đoàn viên thanh niên Việt Nam anh
dũng, cho dân tộc Việt Nam anh hùng. Hôm nay, khi đất nước ta đã hoà bình, độc lập,
nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ, biết ơn công lao to lớn của thế hệ cha anh, những chiến
sĩ đã anh dũng hi sinh vì Tổ quốc. Và thế hệ trẻ chúng em ngày nay hứa quyết tâm ra sức


phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh và bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam yêu quý.
Hi vọng cuốn nhật kí "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc sẽ là
một cuốn sách thật ý nghĩa, một tư liệu quý giá mà chúng em muốn gửi đến độc giả. Sách
hiện đang được trưng bày tại Thư viện xã Phù Đổng. Xin mời quý vị đại biểu cùng các bạn
cùng đến thăm!



×