Tải bản đầy đủ (.docx) (3 trang)

Phân tích nhân vật Ông Hai trong truyện ngắn Làng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (37.7 KB, 3 trang )

Ông Hai:
Quê hương – Chỉ với hai tiếng đơn giản ấy thôi nhưng lại chứa đựng biết bao tình cảm thân
thương. Là nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người, chắp thành đôi cánh đưa họ bay cao, bay xa.
Để rồi khi đi xa, trong lòng họ luôn không nguôi nỗi nhớ quê, nhớ từng căn nhà, mảnh ruộng. Và
một lần nữa, tình cảm ấy được dấy lên trong lòng ta những bồi hồi khi đọc truyện ngắn Làng của
nhà văn Kim Lân. Ai tìm đến với Làng chắc hẳn sẽ không thể quên được nhân vật ông Hai – lão
nông hiền lanh, chân chất, thật thà.
Bối cảnh câu truyện là những năm đầu cuộc kháng chiến. Theo lệnh của ủy ban xã, gia đình ông
hai phải đi tản cư. Có người từng nói: “Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ
không thể tách quê hương ra khỏi con người.” Điều này được thể hiện rõ ở nhân vật ông Hai. Ông
Hai là người nông dân "chân lấm tay bùn", quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", lao
động cần cù, không phút nào ngơi nghỉ. Từng mảnh đất, con trâu, thửa ruộng, nếp nhà., từ lâu đã
trở thành máu thịt trong ông, không thể dứt ra được. Dù xa làng nhưng ông vẫn luôn yêu làng, tự
hào về làng Chợ Dầu. Ông nhớ đến những tháng ngày cùng làm việc với anh em “Ông thấy mình
như trẻ ra”. “Ông muốn về làng, lại muốn được cùng anh em đào đường đắp ụ, xẻ hào, khuân đá,
…”.
Từ ngày cách mạng thành công, ông Hai liên tục khoe về làng mình, ông khoe cái khí thế dồn dập,
hào hùng thời kì khởi nghĩa. Ông khoe làng ông có cái phòng thông tin thoáng mát nhất vùng, cái
chòi phát thanh cao, chiều chiều loa gọi cả làng đều nghe thấy. Mỗi lần kể chuyện về làng, ông nói
một cách say sưa, náo nức lạ thưởng, hai con mắt sáng hẳn lên. Với ông việc nói về làng đã trở
thành một cái “tật”. Và đằng sau cái tật đó chính là tấm lòng chân thật gắn bó của ông với làng, là
niềm tự hào chân chính của ông về quê hương.
Ông cũng thường xuyên đi nghe người ta đọc báo để biết tin tức về làng mình. Khi vào phòng
thông tin, nghe được rất nhiêu tin tức thắng lợi của quân ta, ông lão sung sướng lắm “Ruột gan
ông lão cứ múa cả lên, vui quá!”. Khi đọc đến đây ta cảm nhận được sự gần gũi, chân chất toát ra
từ nhân vật ông Hai. Vì có chăng tác giả xây dựng nhân vật này cũng như để nói đến đức tính hiền
lành, yêu quê hương, đất nước của người dân VN. Ông Hai yêu cái làng của mình như đứa con yêu
mẹ, tự hào về mẹ, tôn thờ mẹ, một tình yêu hồn nhiên như trẻ thơ.
Vì ông yêu làng nên mọi nỗi đau khổ hay niềm vui sướng đều gắn bó với làng quê yêu dấu. Tác giả
đã đặt nhân vật vao tình huống thử thách để bộc lộ rõ chiều sâu tình yêu làng ấy. Đó là khi ông
nghe được tin Làng Chợ Dầu Việt gian theo giặc từ những người đi tản cư. Tin bất ngờ ấy như sét


đánh ngang tai, khiến ông bàng hoàng, đau đớn: “Cổ ông nghẹ ăng hẳn lại, da mặt tê rân rân, ông
lão lặng đi tưởng như đến không thở được, một lúc lâu ông rặn è è nuốt một cái gì đó vướng
vướng ở cổ”. Ông hỏi lại giọng lạc hẳn đi như muốn hy vọng điều vừa nghe không phải sự thật.
Nhưng trước lời khẳng định chắc nịch của người tản cư, ông dần chìm vào vũng bùn của sự đau
khổ. Càng yêu làng, hãnh diện tự hào về làng bao nhiêu thì bây giờ ông Hai lại càng thấy đau đớn,
tủi hổ bấy nhiêu. Nhà văn Kim Lân đã chứng tỏ bút lực dồi dào, khả năng phân tích sắc sảo, tái
hiện sinh động trạng thái tình cảm, hành động của con người khi miêu tả diễn biến tâm trạng và
hành động của nhân vật ông Hai trong biến cố này. Trước nỗi đau đớn đó ông chỉ còn biết ra về.
Về đến nhà, ông chán chường, nằm vật ra giường, nhìn con mà nước ông cứ giàn ra “chúng nó
cũng là trẻ con làng Việt gian đây ứ? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ứ?”. Ông căm


hận những kẻ theo Tây, phản bội làng, ông nắm chặt tay mà rít lên: “chúng bay ăn miếng cơm hay
miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”. Rồi ông từ từ lấy
lại bình tĩnh, kiểm điểm từng người trong óc, thấy họ đều là những người có tinh thần cả. Niềm
tin và nỗi ngờ đấu chọi, giằng xé trong lòng ông. Ông đau khổ. Ông xấu hổ. Ông tự tranh luận với
mình, từ dằn vặt mình rồi cáu gắt với vợ con. Nhiều lúc “nước mắt ông lão cứ trào ra”. Đêm ông
trằn trọc mãi không ngủ được, “Ông hết trở mình bên này lại trở mình bên kia, thở dài”. Nỗi ám
ảnh, day dứt nặng nề biến thành sự sợ hãi trong lòng. Suốt mấy ngày liền ông chẳng dám đi đâu,
lúc nào cũng nơ nớp, lo sợ người ta để ý, bàn tán. “Cứ thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian,
cam – nhông… là ông lủi ra một góc nhà, nín thít.” Tuy nhiên, chính bởi sự đau đớn, dằn vặt, tủi hổ
này của ông Hai đã một lần nữa nhấn mạnh tình yêu làng của ông. Vì trước đó ông đã tự hào về
làng bao nhiêu thì bây giờ ông lại thất vọng, buồn đau nhiều bấy nhiêu.
Tình thế của ông càng trở nên bế tắc khi bà chủ nhà có ý đuổi gia đình ông đi vì lí do không chứ
chấp người của làng Việt gian. Ông tự hỏi “Biết đem nhau đi đâu bây giờ? Biết đâu người ta chứa
bố con ông mà đi bây giờ?”. Trong lúc cùng đường, không biết phải đi đâu ông chợt nghĩ hay là
quay về làng. Nhưng ý nghĩ ấy nhanh chóng bị dập tắt bởi “về làng là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ”.
Xung đột nội tâm giữa lòng yêu làng và yêu nước xảy ra gay gắt trong ông. Biết chọn con đường
nào khi một bên là tình còn một bên là nghĩa. Để rồi tình yêu làng được nhân rộng thành tình yêu
kháng chiến, yêu tổ quốc. Ông Hai dứt khoát “làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù”.

Nhưng ông vẫn không thể vứt bỏ tình yêu làng vốn đã khắc sâu trong lòng ấy. Tâm trạng ông rơi
vào tuyệt vọng, bế tắc. Ông chỉ còn biết tâm sự cùng đứa con trai. Ông đem tâm trạng bị dồn nén
bấy lâu nay nói với con: “Thế nhà con ở đâu?”, “Thế con ủng hộ ai?”. Đứa con trả lời những điều mà
ông muốn nghe nhất “Nhà con ở làng chợ Dầu”, “Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!”. Ông xúc
động đến nỗi nước mắt chảy ròng ròn trên hai má. Tấm lòng son sắt của ông dành cho cuộc kháng
chiến, cho đất nước thật sâu sắc, thiêng liêng. Có lẽ nào tâm trí ông vẫn ôm ấp dáng hình một ngôi
làng tươi đẹp mà con tim từng hết mực yêu quý? Lời con nhỏ hay chính là tấm lòng của ông với
làng, với đất nước?
Ngỡ rằng tình cảnh của ông sẽ mãi chìm trong mảng màu của sự đau khổ, tuyệt vọng nào ngờ một
tia sáng đã chiếu soi, rọi sáng cho ông. Ánh sáng ấy là tin đồn làng chợ Dầu Việt gian được cải
chính bởi ông chủ tịch ở quê. Nhà văn đã nhìn thấy những nét đáng trân trọng bên trong người
nông dân chân lấm tay bùn. Nếu như trong biến cố tâm trạng của ông Hai đau đớn, tủi cực bao
nhiêu thì khi vỡ lẽ ra rằng đó chỉ là tin đồn không đúng, làng Chợ Dầu của ông không hề theo giặc,
sự vui sướng càng tưng bừng, hả hê bấy nhiêu. Ông Hai sung sướng ngỡ như mình được hồi sinh
lần nữa “Cái mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng vui tươi, rạng rỡ hẳn lên”. Ông về nhà lúc sẩm tối còn
mua bánh rán đường cho các con rồi ông “lật đật, vội vàng đi báo tin vui cho mọi người. “Tây nó
đốt nhà tôi rồi bác ạ! Đốt nhẵn! Ông chủ tích làng tôi vừa lên đây cải chính. Cải chính cái tin làn
chợ Dầu chúng tôi Việt gian theo Tây ấy mà. Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả”. Cũng chỉ có
bấy nhiêu câu thôi mà ông nhắc lại mãi, múa tay lên mà khoe với mọi người. Đọc đến đây sẽ có
người nghĩ rằng ông Hai “thật lạ” vì nhà mình bị đốt mất mà ông lại vui mừng, sung sướng như
thế. Bởi lẽ, trong sự cháy rụi của ngôi nhà là sự sống dậy đầy thiêng liêng về danh dự của làng chợ
Dầu đã anh dũng chiến đấu. Đó là một niềm vui kì lạ nhưng thể hiện đầy cảm động về tình yêu
làng, yêu nước, tinh thần kháng chiến của nông dân chân chất nói chung, của ông Hai nói riêng.
Trong số rất nhiều những nhân vật nông dân khác, người đọc khó có thể quên một ông Hai yêu
làng quê, yêu đất nước, thuỷ chung với kháng chiến, với sự nghiệp chung của dân tộc. Một ông Hai


thích khoe làng, một ông Hai sốt sắng nghe tin tức chính trị, một ông Hai tủi nhục, đau đớn khi
nghe tin làng mình theo giặc, một ông Hai vui mừng như trẻ thơ khi biết tin làng mình không theo
giặc.

Ông Hai là một nhân vật độc đáo mang nhiều đặc điếm chung tiêu biểu cho người nông dân Việt
Nam trong kháng chiến chống Pháp nhưng đồng thời cũng mang những đặc điểm tính cách rất
riêng, rất thú vị. Ông đã trở thành linh hồn của Làng và thể hiện trọn vẹn tư tưởng của nhà văn và
tác phẩm.



×