Tải bản đầy đủ (.pdf) (75 trang)

ÂM VỊ HỌC

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (642.77 KB, 75 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

NGUYỄN HOÀI NGUYÊN

ÂM VỊ HỌC
Chuyên đề Cao học, chuyên ngành Ngôn ngữ học

VINH 2007


LỜI NÓI ĐẦU
Âm vị học, từ pháp học và cú pháp học là ba bộ môn đỉnh cao, đem lại
cho ngành khoa học nghiên cứu về ngôn ngữ cái uy tín như ngày nay là nhờ
sự thức nhận làm cơ sở cho cách tiếp cận chức năng và cấu trúc trong ngôn
ngữ. Âm vị học là bộ môn của ngôn ngữ học nghiên cứu mặt chức năng của
âm thanh ngôn ngữ với tư cách là phương tiện phân biệt vỏ âm thanh (hay sự
biểu hiện) của hình vị và từ; nghiên cứu khả năng khu biệt của kí hiệu và các
thuộc tính chức năng của âm thanh, tổ hợp âm thanh và các phương tiện
ngôn điệu. Âm vị học có nhiệm vụ nghiên cứu những sự khác biệt nào về
ngữ âm gắn liền với sự khu biệt ý nghĩa trong ngôn ngữ, xem xét các yếu tố
khu biệt liên quan với nhau như thế nào và kết hợp với nhau theo những quy
tắc nào trong khi cấu tạo các từ và câu. Do vậy, ở một mức độ nhất định,
chuyên đề Âm vị học nhằm cung cấp cho người học bức tranh chung về bộ
môn Âm vị học, cho thấy những cố gắng của các nhà âm vị học đã cách tân
bộ môn Ngữ âm học (truyền thống) khi họ phát hiện ra đối tượng đích thực
của bộ môn này.
Nhưng theo giáo sư Cao Xuân Hạo, lí thuyết âm vị học cổ điển, về cơ bản
được xây dựng trên cơ sở những ấn tượng chủ quan của người bản ngữ do
cấu trúc âm vị học của các ngôn ngữ biến hình quy định. Bởi vậy, trong
công trình Âm vị học và tuyến tính, tác giả đã tổng kết lí thuyết âm vị học cổ
điển để phê phán và lập thức lại những định đề của âm vị học dưới dạng hiển


ngôn nhất, trình bày nó thành một hệ thống mạch lạc với mục đích Vì một lí
thuyết âm vị học đại cương đích thực. Chúng tôi giới thiệu ở phần sau của
chuyên đề (Bài 5) để người học tham khảo.
TÁC GIẢ


Bài 1. NGỮ ÂM HỌC VÀ ÂM VỊ HỌC
1. Ngôn ngữ, lời nói và chữ viết
1.1. Về mối quan hệ
Trong giao tiếp hàng ngày, người ta dùng lời nói (parole) và chữ viết
(character). Lời nói và chữ viết do cá nhân tạo nên trên cơ sở những nguyên
tắc chung, những quy luật chung của ngôn ngữ được cả cộng đồng chấp
nhận. Như vậy, về một phương diện nào đó, có thể hiểu ngôn ngữ (langue)
là sự khái quát hoá, trừu tượng hoá thành những quy luật chung từ lời nói và
chữ viết; chúng được đúc kết từ lời nói và chữ viết của cộng đồng. Vậy thì,
lời nói và chữ viết theo cách hiểu trên là sự vận dụng cụ thể những quy luật
chung mang tính xã hội trở lại vào quá trình giao tiếp cụ thể. Về mối quan hệ
giữa lời nói, chữ viết và ngôn ngữ, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến
những khía cạnh sau đây:
- Lời nói là có trước, chữ viết có sau. Chữ viết không nằm trong cơ chế
nội tại của ngôn ngữ mặc dù nó có tác dụng rất quan trọng trong việc tăng
thêm hiệu lực giao tiếp của ngôn ngữ qua không gian, thời gian.
- Ngôn ngữ là sự trừu tượng hoá thành những quy luật chung, những
phép tắc chung, những quy định chung vốn nằm sẵn trong lời nói. Như vậy,
ngôn ngữ là một thực thể trừu tượng, là mặt bằng chung, bó buộc và chi phối
về cách dùng lời ăn tiếng nói để tổ chức giao tiếp trong xã hội.
- Một người trong quá trình trưởng thành, qua tiếp xúc với môi trường ăn
nói xung quanh (xã hội) bao giờ cũng tiếp thu cho cá nhân mình một vốn
liếng ngôn ngữ nhất định. Trong khi làm việc này, anh ta có khả năng cá thể
hoá cái tài sản ngôn ngữ chung của xã hội vào bản thân mình, tạo cho mình

một năng lực ngôn ngữ nhất định. Chính năng lực ngôn ngữ của từng cá


nhân, đặc biệt, những cá nhân có trình độ văn hoá cao lại tác động đến ngôn
ngữ, làm cho ngôn ngữ ngày càng đa dạng, phong phú và hoàn thiện.
- Khi sử dụng vốn ngôn ngữ chung được tích luỹ cho bản thân, người sử
dụng có thể dùng nó ở dạng lời nói hoặc chữ viết để giao tiếp. Dùng ngôn
ngữ ở dạng lời nói và chữ viết sẽ tạo nên ngôn bản (ngôn phẩm/ diễn ngôn),
còn dùng chữ viết sẽ cho văn bản. Do đó, bên cạnh việc phân chia ngôn ngữ
và lời nói như lâu nay, có lẽ nên phân chia theo hướng sau đây để dễ nhận
biết: ngôn ngữ và hành động ngôn ngữ (còn gọi hành vi ngôn ngữ); hành
động ngôn ngữ lại phân chia thành dạng ngôn bản và dạng văn bản.
1.2. Phân biệt ngôn ngữ và lời nói
Để xây dựng bộ môn khoa học về ngôn ngữ, F. de Saussure [4] phân
biệt trước hết nguyên liệu của nó là toàn bộ những hiện tượng phát sinh từ
việc sử dụng ngôn ngữ hàng ngày với đối tượng của nó được coi như hệ
thống các yếu tố quyết định sự tồn tại của những hiện tượng kia. Ông gọi hệ
thống các yếu tố quyết định sự tồn tại của các hiện tượng kia là ngôn ngữ.
Còn nguyên liệu (tức là toàn bộ những hiện tượng phát sinh từ việc sử dụng
ngôn ngữ hàng ngày) là những hiện tượng của lời nói. Sự phân biệt có tính
xã hội này dựa trên một loạt các tiêu chí sau đây:
- Ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu tồn tại trong bộ óc của tất cả những
người cùng nói một thứ tiếng. Nó chỉ được thể hiện ra trong lời nói và bằng
lời nói. Ngôn ngữ là cái mã chung cho một cộng đồng, nó làm cho hình ảnh
thính giác ăn khớp với những khái niệm. Còn lời nói chỉ là sự vận dụng cái
mã (code) này của người nói và chỉ là sự biểu hiện cụ thể của cái hệ thống
tiềm năng kia.
- Ngôn ngữ là một sản phẩm mà người nói ghi nhận một cách thụ động,
sản phẩm được tàng trữ nhờ có kí ức dưới dạng tiềm năng. Vậy là, sự chiếm
lĩnh ngôn ngữ và làm chủ nó chỉ là sự vận dụng những năng lực tàng trữ duy



nhất ấy của trí óc con người. Do đó, mọi hành động ngôn ngữ đều thuộc
phạm vi lời nói, hành động cá nhân, hành động có ý thức, tự do và sáng tạo
của cá nhân.
- Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, một sản phẩm tập thể được hình
thành trong quá trình lao động sản xuất của xã hội. Nó tồn tại dưới dạng
tiềm năng trong bộ óc của mỗi thành viên cộng đồng như một pho từ điển
mà tất cả các bản in đều giống nhau, được phân phối cho từng cá nhân. Như
vậy, ngôn ngữ là phương tiện chung cho mọi người, cho tất cả người nói lẫn
người nghe và hoạt động như một thể chế đặc biệt với tính chất bắt buộc.
Mỗi cá nhân không tự mình sáng tạo ra ngôn ngữ và cũng không thể thay đổi
được nó. Cá nhân phải trải qua một quá trình học tập mới nắm bắt được
ngôn ngữ và sử dụng một cách có hiệu quả.
Lời nói chỉ là những hành động cụ thể, thay đổi từ người này sang người
khác, nó là một hoạt động sinh lí của mỗi cá nhân (sự phát âm) và kết quả
của hành động này cho ta âm thanh (hiện tượng vật lí) nhằm thể hiện tư
tưởng, tình cảm, nguyện vọng và ý chí cá nhân (hiện tượng tâm lí). F.de
Saussure [4] cho rằng, tách ngôn ngữ ra khỏi lời nói là đồng thời cũng tách
ra: a/ Cái có tính chất xã hội và cái có tính chất cá nhân, b/ Cái có tính chất
cốt yếu và cái có tính chất phụ thuộc hay ít nhiều có tính chất ngẫu nhiên.
- Để đảm nhiệm chức năng làm cộng cụ giao tiếp xã hội, ngôn ngữ có
tính chất ổn định trong một thời gian tương đối lâu dài, còn lời nói có tính
nhất thời và luôn luôn thay đổi. Nó được hiện ra trong thiên hình vạn trạng
của những hành động nói năng cụ thể (lời nói là có sự sáng tạo để đáp ứng
những biến chuyển của thực tế khách quan).
2. Ngữ âm học và âm vị học
2.1. Ngữ âm học (phonetic)



Ngữ âm học là bộ môn chuyên nghiên cứu các đơn vị âm thanh của lời
nói về mặt phát âm, nghĩa là nghiên cứu bản chất âm học (cảm thụ - vật lí)
và những phương thức cấu âm (nguồn gốc - sinh lí), tức là mặt tự nhiên của
các đơn vị âm thanh ngôn ngữ. Ngữ âm học được hoàn thiện vào cuối thế kỉ
XIX khi các nhà ngữ học biết áp dụng những phương pháp thực nghiệm của
các ngành khoa học tự nhiên với những máy móc ngày càng tinh xảo.
Dựa vào tính năng của một số công cụ thuộc ngành vật lí, y học và một
số công cụ riêng biệt để quan sát âm thanh ngôn ngữ như máy quay phim ghi
bằng tia X, ngạc đồ để ghi vị trí của các bộ phận phát âm, máy quang phổ,
máy hiện sóng để ghi và phân tích âm thanh, máy ghi lại âm thanh bằng mặt
sáp, mặt nhựa, băng từ tính,... nên bộ môn ngữ âm học ngày càng có những
bước tiến mới trong việc miêu tả ngữ âm.
Những kết quả nghiên cứu về ngữ âm cho thấy, khi nói, âm thanh được
cấu tạo bằng luồng hơi đi từ phổi qua thanh hầu. Ở trong thanh hầu, hai dây
thanh - hai tổ chức cơ nằm sóng đôi chấn động cho phép luồng hơi thoát ra
thành từng đợt nối tiếp nhau tạo thành các sóng âm. Tuỳ theo tốc độ chấn
động của dây thanh mà tạo ra những âm cao/thấp khác nhau. Những âm mà
dây thanh tạo nên còn được biến đổi do cộng hưởng của các khoang thanh
hầu, khoang miệng và khoang mũi nằm ở phía trên thanh hầu. Những âm
nào thoát ra một cách tự do thì chúng có âm hưởng êm ái, dễ nghe, có tần số
xác định và có đường cong biễu diễn tuần hoàn (tức là có chu kì), đó là tiếng
thanh, cơ sở cấu tạo các nguyên âm (vocalic).
Trong quá trình thoát ra, nếu luồng hơi gặp phải một chướng ngại nào đó
như sự thu hẹp khe hở của các dây thanh, sự tiếp xúc của lưỡi và răng, hoặc
sự khép chặt của hai môi thì nó phải lách qua khe hở hoặc phải phá vỡ
chướng ngại nên tạo ra một tiếng cọ xát hay một tiếng nổ. Những tiếng này
có đặc điểm ồn, khó nghe, có tần số không ổn định và được biểu diễn bằng


những đường cong không tuần hoàn. Đó là tiếng động, cơ sở để tạo nên các

phụ âm (consonant).
Với các phụ âm, đặc điểm cơ bản của cơ chế phát âm là sự cản trở của
luồng hơi thoát ra, là sự tạo nên tiếng động. Song, khi phát âm một số phụ
âm, dây thanh cũng có hoạt động và cung cấp thêm tiếng thanh. Tuỳ theo tỉ
lệ giữa tiếng thanh và tiếng động mà ta có các phụ âm vô thanh, hay phụ âm
điếc (được tạo bằng tiếng động), phụ âm hữu thanh, hay phụ âm kêu (ngoài
tiếng động còn có tiếng thanh nhưng tiếng động là chính). Hai loại phụ âm
này được gọi là phụ âm ồn, đối lập với loại thứ ba có tỉ lệ tiếng thanh lớn
hơn, gọi là phụ âm vang (resonnant).
Các nguyên âm do dây thanh tạo nên (vốn là tiếng thanh) khi phát ra
được biến đổi đi thành những đơn vị khác nhau. Sự khác nhau giữa các
nguyên âm là về âm sắc của cùng tiếng thanh. Tiếng thanh là một âm phức
tạp gồm nhiều âm đơn giản trong đó có âm trầm nhất gọi là âm cơ bản và
nhiều âm cao hơn gọi là các hoạ âm. Âm cơ bản và hoạ âm, khi thoát ra qua
các khoang rỗng trên thanh hầu sẽ có thêm sự cộng hưởng. Do hoạt động
của lưỡi, môi, các khoang này luôn có khả năng thay đổi hình dáng và thể
tích, lối thoát không khí (luồng hơi) và vì vậy có khả năng cộng hưởng khác
nhau. Trong mỗi trường hợp cụ thể, với một vị trí nhất định của lưỡi, môi thì
hiện tượng cộng hưởng đối với một số hoạ âm nào đó khiến cho chúng được
tăng cường. Cũng vậy, trong một số trường hợp khác, nhóm hoạ âm khác
cũng sẽ có sự cộng hưởng và sẽ được tăng cường. Như vậy, mỗi khi thay đổi
mối tương quan giữa âm cơ bản và các hoạ âm về cao độ và cường độ là một
lần thay đổi âm sắc, tức là, ta có một nguyên âm khác. Sự khác nhau giữa
các nguyên âm là do những nhóm hoạ âm được tăng cường bởi có sự cộng
hưởng khác nhau của các khoang trên. Các dải tần số được tăng cường đặc
trưng cho mỗi nguyên âm như thế gọi là phoocmăng (formant). Các nguyên


âm trong mọi ngôn ngữ đều có ít nhất hai phoocmăng (F1, F2) để phân biệt
nhau.

2.2. Âm vị học (phonology)
Những đặc trưng cấu âm - âm học của các đơn vị âm thanh có giá trị gì?
Nghĩa là, chúng có chức năng xã hội gì lại là một vấn đề khác hẳn. Vì rằng,
không phải tất cả các đặc trưng cấu âm - âm học đều có giá trị ngang nhau
và được sử dụng như nhau trong ngôn ngữ học. Vậy là, bên cạnh đặc trưng
cấu âm - âm học, từ năm 1926, những thành viên của Câu lạc bộ Praha đã
tìm ra trong những đặc trưng âm học ấy cái gì có chức năng xã hội trong
giao tiếp. Cũng như trong ngôn ngữ học, nhà ngữ âm học cần phân biệt: a/
cái có tính chất xã hội và cái có tính chất cá nhân, b/ cái chủ yếu và cái thứ
yếu và ít nhiều có tính ngẫu nhiên theo công thức của N.S. Trubetskoy:
ngôn ngữ
...................
lời nói

âm vị học
=

....................
ngữ âm học

Đó là đối tượng của một bộ môn khoa học mới: âm vị học, chuyên
nghiên cứu những đơn vị âm thanh có tổ chức của tiếng nói hay những âm
thanh có chức năng xã hội - tức âm vị để tìm ra hệ thống những đơn vị biểu
đạt của ngôn ngữ. Như vậy, âm vị học là bộ môn của ngôn ngữ học nghiên
cứu mặt chức năng của âm thanh ngôn ngữ với tư cách là phương tiện phân
biệt vỏ âm thanh của từ và hình vị, nghiên cứu khả năng khu biệt của kí hiệu
và các thuộc tính chức năng của âm thanh, tổ hợp âm thanh và các phương
tiện ngôn điệu. Âm vị học có nhiệm vụ nghiên cứu những sự khác nhau nào
về ngữ âm trong ngôn ngữ gắn liền với sự khu biệt nghĩa, xem xét các yếu tố
khu biệt liên quan với nhau như thế nào và kết hợp với nhau theo quy tắc

nào trong cấu tạo từ và câu. Tuỳ theo đặc điểm riêng, mỗi ngôn ngữ chỉ chọn
lấy một số lượng các đơn vị âm thanh nhất định làm hình thức biểu đạt cho


ngôn ngữ. Cho nên, trong ngôn ngữ này, yếu tố này là một âm vị nhưng
trong ngôn ngữ kia thì không. Chẳng hạn, trong tiếng Nga có âm vị / Ц/, còn
tiếng Việt thì không, nhưng trong tiếng Việt có âm vị /h/ mà tiếng Nga thì
không. Cũng vậy, /i/ và /i:/ là hai âm vị trong tiếng Anh (nguyên âm ngắn/
nguyên âm dài) còn trong tiếng Pháp, tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác
chỉ là một. Tiếng Việt có các phụ âm /d/, / ʐ/, còn tiếng Hán lại không có,
nhưng tiếng Hán có phụ âm tắc xát /ts/, không có trong tiếng Việt, v.v..
3. Trường phái ngôn ngữ học Praha và bộ môn Âm vị học
3.1. Trường phái ngôn ngữ học Praha
Năm 1926, Câu lạc bộ ngôn ngữ học Praha được thành lập, do sáng kiến
của nhà ngôn ngữ học đại cương V. Mathesius, tập hợp nhiều nhà nghiên
cứu ngôn ngữ và ngữ văn học Slavơ và Giecman như B. Havranek, J.
Mukarovski, J. Vachek, B. Trnka, L. Novak, V. Skaliska, K. Horalek, v.v..
Tham gia vào Câu lạc bộ này còn có N.S. Trubetskoy, R. Jakobson và S.O.
Karsevski. Câu lạc bộ ngôn ngữ học Praha hoạt động mạnh mẽ từ năm 1926
đến năm 1940 nhưng sau năm 1940, do ảnh hưởng của chiến tranh và sự
biến động về chính trị trong nước nên hoạt động rời rạc dần và chấm dứt về
mặt tổ chức vào năm 1943.
Như đã biết, lí thuyết lừng danh của F. de Saussure là lưỡng phân thành
những cặp đối lập cơ bản trong ngôn ngữ và đã tuyệt đối hoá sự đối lập đó.
Nhưng nếu chủ nghĩa miêu tả, trường phái ngữ vị học xây dựng học thuyết
của mình trên cơ sở sự tuyệt đối hoá đó, đặc biệt trên những kết luận về
những mặt tiêu cực của hệ thống ngôn ngữ thì các nhà nghiên cứu trong Câu
lạc bộ Praha lại không phủ định những mặt tích cực trong những cặp đối lập
mà F. de Saussure đã phát hiện, cố gắng tìm ra tính thống nhất giữa các mặt
tiêu cực và tích cực. Xuất phát từ những luận điểm trong học thuyết của F.



de Saussure, đặc biệt là luận điểm ngôn ngữ là công cụ giao tiếp xã hội, một
số nhà ngữ học đã đi sâu tìm hiểu các yếu tố, các lớp, các cơ chế xuất hiện
trong ngôn ngữ, nhấn mạnh chức năng giao tiếp của hệ thống ngôn ngữ và
xây dựng học thuyết của mình trên mối quan hệ hệ thống - chức năng. Vì
vậy, họ được gọi là những nhà chức năng luận, và trường phái ngôn ngữ học
Praha được gọi là trường phái cấu trúc - chức năng (gọi tắt là trường phái
ngôn ngữ học chức năng). Vậy là, cùng xuất phát từ F. de Saussure nhưng
chủ nghĩa miêu tả đi tìm những quy định về miêu tả, còn ngữ vị học xây
dựng lí thuyết tín hiệu học chung thì ngôn ngữ học chức năng luận hướng tới
lí thuyết về các hiện tượng và quá trình thực có của các ngôn ngữ tự nhiên.
Trong công trình Những luận điểm của Câu lạc bộ ngôn ngữ học Praha
(1929), có phần tuyên bố chương trình nghiên cứu của Câu lạc bộ Praha,
gồm những quan điểm chính:
- Là sản phẩm của hoạt động của con người, ngôn ngữ hướng tới một
mục đích nhất định mà rõ ràng nhất, thường gặp nhất là mục đích diễn đạt.
Bởi vậy, phải nghiên cứu ngôn ngữ theo quan điểm chức năng. Theo quan
điểm này thì ngôn ngữ là hệ thống những phương tiện diễn đạt phục vụ cho
mục đích nhất định nào đó. Do đó, mọi hiện tượng ngôn ngữ phải được lí
giải trong hệ thống mà nó nằm trong đó. Quan điểm này có tính chất tiền đề
phương pháp luận nhằm thống nhất hai mặt đối lập hệ thống và chức năng
của hệ thống (chủ nghĩa miêu tả và ngữ vị học bỏ qua mặt chức năng).
- Không tán thành sự cực đoan hoá, sự đối lập giữa hai mặt đồng đại và
lịch đại trong ngôn ngữ, chủ trương phải thống nhất đồng đại và lịch đại.
Nếu theo ngôn ngữ học đồng đại, các yếu tố của hệ thống ngôn ngữ phải
được xem xét về mặt chức năng thì bất cứ sự biến đổi nào trong ngôn ngữ
(lịch đại) cũng không thể tách rời khỏi hệ thống mà những biến đổi này tác
động tới. Ngôn ngữ học lịch đại không thể bỏ qua các khái niệm hệ thống và



chức năng và ngôn ngữ học đồng đại không thể bỏ qua hoàn toàn khái niệm
tiến triển (biến đổi lịch đại).
- Nghiên cứu hệ thống ngôn ngữ có những nhiệm vụ, trước hết có liên
quan đến phương diện âm thanh của ngôn ngữ. Trong nhiệm vụ này, có sự
phân biệt âm thanh như là những hiện tượng vật lí và như là các yếu tố của
hệ thống ngôn ngữ. Không gạt bỏ những đặc điểm thể chất của âm thanh
nhưng xem chúng là thứ yếu; chúng chỉ trở thành yếu tố của hệ thống ngôn
ngữ khi thực hiện chức năng khu biệt ý nghĩa. Các thuộc tính thể chất không
quan trọng bằng các quan hệ giữa chúng trong hệ thống. Như vậy, các nhà
ngữ học Praha hướng tới sự thống nhất hai mặt đối lập là thể chất và cấu trúc
(F. de Saussure và Ngữ vị học tuyệt đối hoá sự đối lập giữa hai mặt này).
Âm vị, theo các nhà chức năng luận là các yếu tố thanh học - vận động
nhỏ nhất, có giá trị khu biệt ý nghĩa của ngôn ngữ. Nghiên cứu hệ thống âm
vị của một ngôn ngữ là lập bảng thống kê các âm vị và xác lập các quan hệ
giữa chúng. Trong các quan hệ âm vị học, quan trọng là các tương liên âm vị
học. Một tương liên âm vị học là một kiểu đối lập giữa một cặp hai âm vị
dựa trên một tiêu chí nào đó (hữu thanh/vô thanh, cứng/mềm, dài/ngắn,...).
Nhiệm vụ nghiên cứu từ và kết hợp từ, đề xuất lí thuyết về sự định danh
của ngôn ngữ. Theo quan điểm chức năng, từ là kết quả của hoạt động định
danh của ngôn ngữ. Mỗi ngôn ngữ có một hệ thống định danh riêng và sử
dụng nhiều hình thức định danh khác nhau như cấu tạo từ, cụm từ cố định.
Nhiệm vụ nghiên cứu các phương thức tuyến tính. Theo các nhà chức
năng luận, kết hợp từ là kết quả của hoạt động tuyến tính của ngôn ngữ.
Hoạt động tuyến tính chủ yếu là hoạt động tạo vị ngữ. Bởi vậy, cú pháp học
chức năng trước hết nghiên cứu các kiểu vị ngữ có tính đến chức năng và
hình thái của chủ ngữ; sự phân đoạn câu thành đề (thème) và thuyết (rthème)


và cho rằng chức năng của chủ ngữ sẽ được làm sáng tỏ nhờ sự so sánh cấu

trúc chủ ngữ/vị ngữ với cấu trúc đề/thuyết, v.v..
3.2. Sự ra đời bộ môn Âm vị học
Đóng góp lớn nhất của trường phái Praha cho ngành ngôn ngữ học là đã
khai sinh bộ môn Âm vị học. Các công trình âm vị học có tiếng vang lớn là
của N.S. Trubetskoy, R. Jakobson, V. Mathesius, B. Trnka, B. Havnanek.
Từ năm 1926, nhóm ngôn ngữ học Praha đã đưa ra một phương pháp nghiên
cứu ngữ âm khác hẳn những cách nghiên cứu trước đây. Phát triển luận điểm
của F. de Saussure [4] trong việc phân biệt ngôn ngữ và lời nói, N.S.
Trubetskoy [5] đã nêu ra lần đầu tiên lí luận về bộ môn âm vị học trên cơ sở
đối lập âm vị học với ngữ âm học theo công thức: ngôn ngữ/ lời nói và âm vị
học/ ngữ âm học.
Qua sự đối lập đó, N.S. Trubetskoy [5] đã xác định nhiệm vụ của bộ
môn âm vị học. Công trình Nguyên lí âm vị học của N.S. Trubetskoy [5] thể
hiện khá đầy đủ và toàn diện phương pháp luận xác định âm vị cùng với
cách nhìn thực chất học thuyết âm vị học: âm của lời nói mang tính chất cá
nhân và thay đổi theo người nói, còn âm của ngôn ngữ bao giờ cũng được tổ
chức chặt chẽ và thuộc về một ngôn ngữ nhất định. Học thuyết khu biệt
nghĩa được xác lập trên khái niệm thế đối lập, chiếm vị trí quan trọng. Ông
cho rằng, mỗi một thành phần của thế đối lập âm vị học được gọi là một đơn
vị âm vị học hay âm vị. Tác giả định nghĩa: Âm vị là một tập hợp các đặc
trưng khu biệt bao hàm một hình ảnh âm thanh, và ngữ âm học là khoa học
nghiên cứu mặt vật chất của các âm thuộc ngôn ngữ loài người, trong lúc
âm vị học chỉ khảo sát âm có một chức năng nhất định trong ngôn ngữ
[5,36]. Với sự phân biệt rạch ròi như vậy, N.S. Trubetskoy đã thúc đẩy việc
nghiên cứu âm thanh ngôn ngữ lên một tầm cao mới. Cùng với N.S.
Trubetskoy, các công trình của R. Jakovson, V. Mathesius tiếp tục đề cập


đến các đặc trưng khu biệt, hình thái học, sự phát triển của hệ thống âm vị.
Khoa âm vị học tiếp tục được khẳng định qua các công trình sau này của L.

Novak, I. Vachek, B. Trnka, v.v..
3.3. Về mối quan hệ giữa ngữ âm học và âm vị học
Ngữ âm học truyền thống nghiên cứu âm thanh như một sự thống nhất
giữa hai mặt âm học - sinh lí học và xã hội (ngôn ngữ học). Mặt xã hội trong
ngữ âm cũng như bất kì hiện tượng ngôn ngữ học nào, vốn đóng vai trò chủ
đạo. Ngữ âm học chỉ có lí do tồn tại trong trường hợp nó nghiên cứu âm
thanh của tiếng nói như một hiện tượng ngôn ngữ, tức là chỉ khi nào nó là
một ngành của ngôn ngữ học. Cố nhiên, trong mỗi trường hợp cụ thể, người
nghiên cứu có thể tập trung sự chú ý vào một mặt nào đó của âm thanh ngôn
ngữ. Có thể nghiên cứu các thuộc tính âm học và sinh lí học của âm thanh
ngôn ngữ mà trừu tượng hoá đến một mức độ nhất định cái chức năng của
nó trong ngôn ngữ, và mặt khác, có thể nói đến chức năng của các đơn vị âm
thanh ngôn ngữ mà không đi sâu vào những chi tiết về tính chất âm học sinh lí học của nó; song trong mỗi trường hợp như vậy mà hoàn toàn không
đếm xỉa gì đến mặt kia thì không thể được. Sau này, I.A. Baudouin de
Courtenay là người đầu tiên đề nghị phân biệt khoa ngữ âm học quan sát và
thí nghiệm trong lĩnh vực các khí quan phát âm và các khí quan thính giác
(khoa nhân âm học) với khoa tâm lí ngữ âm học quan sát và khái quát hoá
những sự kiện ngữ âm học có tính chất tinh thần trong lĩnh vực vận dụng
ngôn ngữ của trí óc. Dựa vào tư tưởng của I.A. Baudouin de Courtenay, các
nhà kết cấu luận cũng cho rằng cần phải phân biệt hai mặt trong ngữ âm học.
N.S. Trubetskoy [5] khẳng định: Việc tách rời âm vị học ra khỏi ngữ âm học
là cần thiết về nguyên tắc và trong thực tiễn có thể thực hiện được nhưng khi
trình bày lí luận về âm vị học, ông lại dựa vào những cứ liệu của ngữ âm
học. Điều đó cho thấy giữa âm vị học và ngữ âm học theo nghĩa hẹp của từ


này vốn gắn bó khăng khít với nhau. L.V. Sherba là người kiên quyết phản
đối khuynh hướng tách rời hai mặt đó. Tác giả khẳng định: Có một điều cần
dứt khoát phản đối, là lối tách rời âm vị học với ngữ âm học theo nghĩa hẹp
của từ này (...) Một số người tưởng rằng có thể nghiên cứu âm vị học mà

tách hẳn ra khỏi ngữ âm học. Điều đó không thể làm được cũng như không
thể nghiên cứu chức năng của một hình thái nào mà tách rời ra khỏi những
trường hợp sử dụng cụ thể hình thái đó trong lời nói /Dẫn theo [6,14]/.
Thật vậy, bất kì sự đối lập âm vị học nào, tức là bất kì sự khu biệt nào
(dùng để phân biệt các từ) giữa các âm tố, hay là những loại hình trọng âm,
hay thanh điệu đều căn cứ trên những đặc trưng ngữ âm học nhất định.
Chẳng hạn, khi nói có sự đối lập giữa các phụ âm hữu thanh và vô thanh,
ngạc hoá và không ngạc hoá, lưỡi trước và lưỡi sau, v.v., hay có sự đối lập
giữa nguyên âm tròn môi và không tròn môi, v.v., giữa ngữ điệu đi xuống và
ngữ điệu đi lên, v.v. thì nói cho cùng là người ta đang vận dụng thuần tuý
những khái niệm ngữ âm học, tức là phẩm chất âm học - sinh lí học của các
hiện tượng tương ứng. Khi phân tích và miêu tả các đặc tính cấu âm của một
âm tố nhất định cũng như hiệu quả âm học do nó gây ra không những là sự
phân tích ngữ âm học mà còn đồng thời cũng là việc phân tích âm vị học. Vì
rằng, không thể phân tích âm vị học mà không đếm xỉa đến ngữ âm học. Mặt
khác, việc nghiên cứu mặt âm học - sinh lí học của ngữ âm cũng lệ thuộc
vào mặt âm vị học, tuy điều này không hiển nhiên bằng. Trước hết, khái
niệm âm tố vốn là đơn vị cơ bản của ngữ âm học, thực chất cũng là khái
niệm âm vị học. Bộ môn ngữ âm học khi chưa ra đời âm vị học, tuy chưa nói
đến khái niệm âm vị nhưng đã vận dụng khái niệm này một cách tự phát. Vì
khi nhận xét rằng trong ngôn ngữ này có âm tố nọ, âm tố kia thì đó không
chỉ là liệt kê các đơn vị âm thanh mà còn liệt kê các âm vị khác nhau trong
một ngôn ngữ. Khi nêu các đặc điểm của một âm tố (tức âm vị), một mặt,


dựa vào các đặc điểm cấu âm - âm học làm cho nó phân biệt với âm tố khác,
mặt khác, dựa vào việc nó được sử dụng như một đơn vị khu biệt với các âm
tố khác để phân biệt nghĩa. Như vậy, ngay việc miêu tả một âm tố, ta thấy
hai mặt ngữ âm học và âm vị học gắn bó khăng khít với nhau.
Có thể kể thêm, ngữ âm học lệ thuộc vào âm vị học ở chỗ, các thuộc

tính ngữ âm học của âm vị lệ thuộc ở một mức độ nhất định vào vị trí của nó
trong hệ thống âm vị của một ngôn ngữ nào đó. Chẳng hạn, trong tiếng
Beludzhi có hai âm vị nguyên âm dài /i:/ và /e:/ khu biệt với nhau một phần
vì /i:/ có thể rút ngắn trong một số vị trí ngữ âm nào đấy, trong khi /e:/
không bao giờ rút ngắn đến mức như vậy. Từ góc độ ngữ âm học theo nghĩa
hẹp thì không thể cắt nghĩa hiện tượng này được mà chỉ có thể lí giải hiện
tượng này trong quan hệ với các âm vị nguyên âm khác, đặc biệt với nguyên
âm /i/ (nguyên âm ngắn). Nguyên âm /i/ (ngắn) khác với nguyên âm /i:/
tương ứng không những về trường độ mà còn cả về phẩm chất nữa: nó rộng
hơn nguyên âm /i:/. Trong vị trí ngữ âm học mà /i:/ rút ngắn đến mức tối đa,
và về trường độ trùng với /i/ thì âm vị này lại cấu âm rộng đến nỗi trùng với
/e/ về phẩm chất và không lẫn lộn với /i:/. Mặt khác, trong những trường hợp
này, nó vẫn không lẫn lộn với /e:/ vì /e:/ bao giờ cũng dài hơn. Cho nên, đặc
điểm về lượng khác nhau của của hai âm vị nguyên âm dài /i:/ và /e:/ trong
tiếng Beludzhi - cụ thể là /e:/ không có biến thể ngắn - sở dĩ có là vì trong
các biến thể của /i/ (ngắn) trùng với /e:/ về phẩm chất.
Tính chất lệ thuộc của ngữ âm học đối với âm vị học còn thể hiện ở chỗ
khi miêu tả các thuộc tính cấu âm - âm học của các âm vị. Chẳng hạn, trong
tiếng Gruzi và tiếng Nivkhe đều có phụ âm /p'/ giống nhau về các thuộc tính
ngữ âm học: phụ âm tắc, môi, vô thanh, bật hơi. Song, trong khi nêu rõ đặc
điểm của phụ âm Gruzi cần phải nói thêm nó cấu tạo không kèm theo âm tắc
thanh hầu vì trong tiếng Gruzi còn có một âm môi, vô thanh khác có tiếng


tắc thanh hầu. Còn đối với âm /p'/ trong tiếng Nivkhe vốn không có âm tắc
thanh hầu thì nói thêm điều đó là thừa.

Bài 2:

PHÂN ĐOẠN TUYẾN TÍNH

VÀ THỦ PHÁP PHÂN TÍCH ÂM VỊ HỌC

1. Âm tiết, âm tố và âm vị
1.1. Âm tiết (syllable)
Âm tiết (syllable) và âm tố (sound) là hai khái niệm cơ sở cho sự hình
thành bộ môn khoa học nghiên cứu âm thanh tiếng nói loài người cũng như
về cơ cấu ngữ âm của một ngôn ngữ cụ thể. Trong bất cứ công trình ngữ âm
học nào, dù chuyên về thực nghiệm hay xác lập các đơn vị ngữ âm, xây
dựng lí thuyết âm vị học, v.v. bao giờ cũng phải làm việc với hai khái niệm,
hai thuật ngữ cơ bản này.
Trong ngữ âm học cổ điển, âm tố là khái niệm chiếm vị trí trung tâm.
Còn sự khác nhau giữa các trường phái âm vị học đương đại là ở cách quan
niệm về mối quan hệ giữa âm vị và âm tố. Đối với trường phái này, đó là
mối quan hệ giữa khái quát và cá biệt (chủng loại và cá thể); đối với trường
phái kia, đó là mối quan hệ giữa sự kiện tâm lí và sự kiện thể chất, giữa cái lí
tưởng và cái hiện thực giữa sự kiện ngôn ngữ và sự kiện lời nói, v.v..
Đối với các nhà âm vị học, âm tiết dường như chỉ là đơn vị ở vào vị trí ít
được quan tâm, đơn giản chỉ là một đại lượng do các âm vị tổ hợp với nhau
theo một quy tắc nhất định mà thành. Chẳng hạn, theo Connr H. và Trim
Y.L.N. Về mặt âm vị học tốt hơn hết là nên xem âm tiết như là đơn vị cấu


trúc, trong đó thể hiện một cách tiết kiệm nhất các khả năng tổ hợp giữa các
nguyên âm và phụ âm. Còn theo R. Jakobson: Âm tiết là mô hình cơ bản
trong bất kì sự tổ hợp nào giữa các âm vị /Dẫn theo Nguyễn Quang Hồng,
[2, 42]/. Cách hiểu như vậy về âm tiết đã có một lịch sử lâu dài trong ngôn
ngữ học châu Âu để miêu tả các quy luật liên kết âm vị học trong từng ngôn
ngữ khác nhau. Song, theo cách lập thức trên thì âm tiết hầu như không có
chức năng gì khác ngoài mỗi một chức năng là làm cái tổ cho các âm vị có
sẵn liên kết tụ họp lại với nhau để tạo thành vỏ âm thanh của từ ngữ. Trong

thực tế, âm tiết có thể mang nhiều chức năng, song có thể quy thành ba chức
năng chính: a/ Là đơn vị nhỏ nhất dùng để tạo thành lời nói và đồng thời
cũng là đơn vị nhỏ nhất để tiếp nhận lời nói thành tiếng; b/ Âm tiết là đơn vị
nhỏ nhất trong cơ cấu nhịp điệu của lời nói; c/ Trong một số ngôn ngữ, âm
tiết có thể có chức năng tạo lập vỏ tiếng cho các đơn vị ngôn ngữ ở cấp độ
hình thái và do đó, có thể được xem như một đơn vị đặc biệt của hệ thống
ngôn ngữ. Chức năng (a) và (b) là phổ quát cho mọi ngôn ngữ, còn chức
năng (c) chỉ có ở một số ngôn ngữ thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập âm tiết
tính. Như vậy, trong ngôn ngữ học đại cương, rõ ràng, âm tiết là là một đơn
vị ngữ âm khá phức tạp. Nó có thể được nghiên cứu và xác định hoặc là
thuần tuý vật chất cấu âm - âm học, hoặc từ bình diện chức năng ngôn ngữ
học. Hệ quả, các nhà ngữ học đã đưa ra nhiều định nghĩa về âm tiết trên từng
khía cạnh đó. Cố nhiên, cũng có những nhà ngữ học mong muốn tìm đến
một định nghĩa sao cho bao hàm được hầu hết tính chất của âm tiết. Chẳng
hạn, R. K. Potarova (1975): Đó là một tổng thể các đơn vị đoạn tính và siêu
đoạn tính, tạo thành một cấu trúc tương đối ổn định mang những đặc trưng
khách quan nhất định (về cấu âm và âm học), hoạt động trong lời nói và
được người bản ngữ phân định ra trong quá trình tiếp nhận dòng ngữ lưu
/Dẫn theo Nguyễn Quang Hồng, 2, 53/. Thế nhưng, cũng có nhiều nhà ngữ


học nghi ngờ tính hiệu quả của những định nghĩa tổng hợp như thế về âm
tiết và cho rằng không thực hiện được và chẳng cần thiết phải làm cái công
việc đó (L.V. Zlatoustova, A.A. Banin, 1978, v.v.).
Liên quan đến đơn vị âm tiết còn có các vấn đề như nhận diện âm tiết
trong ngữ lưu, cấu tạo âm tiết, phân loại âm tiết, v.v.. Vấn đề gây tranh cãi
nhiều nhất trong lí thuyết về âm tiết là vấn đề phân giới âm tiết. Từ trước
đến nay, các nhà ngữ học đã đưa ra nhiều lí thuyết nhận diện âm tiết mà
phần lớn trong số đó đều tiếp cận trên quan điểm ngữ âm học, tức là dựa vào
cứ liệu về cấu âm - âm học của hiện tượng âm tiết. Dựa trên cơ sở cấu âm có

lí thuyết ngắt hơi của R.H. Stéton (Mĩ), lí thuyết độ căng của L. Roudet và
N. Grammont (Pháp), được L.V. Sherba (Nga) phát triển đầy đủ. Theo tiêu
chí âm học, có lí thuyết độ vang mà đại biểu là O. Jespersen (Đức), lí thuyết
về cường độ của N.T. Jinkin. Một số nhà ngữ học như B. Hala, N.T. Jinkin,
L.A. Chistovich,... kết hợp các tiêu chí cấu âm và âm học, cố gắng nhận diện
âm tiết một cách tổng hợp. Một số nhà ngữ học khác như E.N. Vinarskaja,
N.I. Lepskaja, E.B. Trofimova, v.v. đặt vấn đề phân giới âm tiết (trong tiếng
Nga) theo cách tiếp cận của ngôn ngữ học tâm lí (tức là cảm thức của người
bản ngữ). Đối với vấn đề cấu tạo âm tiết, các nhà ngữ học xuất phát từ cách
hình dung âm tiết như là một sự tổ hợp các âm tố (âm vị) để tạo nên âm tiết
trong từng ngôn ngữ cụ thể. Thế là, người ta đã xác lập nhiều lí thuyết khác
nhau về cấu trúc âm tiết. Trong các ngôn ngữ khác nhau, âm tiết được cấu
tạo theo nhiều kiểu đa dạng, được quy định bởi số lượng và trật tự phân bố
của các phụ âm so với nguyên âm trong thành phần âm tiết. Trong mỗi ngôn
ngữ cũng có thể có nhiều kiểu cấu trúc âm tiết khác nhau nhưng có thể coi
kiểu CVC (phụ âm + nguyên âm + phụ âm) và CV (phụ âm + nguyên âm) là
những kiểu cấu trúc phổ quát cho các ngôn ngữ trên thế giới.


Vấn đề phân loại âm tiết, có thể trong từng ngôn ngữ có nhiều cách phân
loại âm tiết theo từng tiêu chí được xác lập nhưng cách phân loại âm tiết có
tính phổ quát là phân loại theo cách kết thúc âm tiết, theo đó cho ta hai loại
âm tiết là âm tiết mở (âm tiết hở) và âm tiết khép (âm tiết đóng).
1.2. Âm tố và âm vị
Âm tố là đơn vị âm thanh ngắn nhất của lời nói, không thể chia cắt được
nữa về thời gian, phẩm chất của nó được tai ta tri giác một cách ổn định, một
đại lượng tách biệt. Theo cách hiểu thông thường của các nhà ngữ học, âm
tố là sự kiện vật chất (cấu âm - âm học) có thể được phân định rạch ròi bằng
vào sự phân tích thuần tuý về mặt cấu âm hoặc âm học trong dòng ngữ lưu.
Vậy, âm tố là một chiết đoạn âm thanh, một âm đoạn có thể được ghi lại

bằng một chữ cái của mẫu tự ngữ âm học quốc tế, còn gọi là ký hiệu API
(API = Alphabet Phonétique Internationale). Ngữ âm học truyền thống châu
Âu hình dung ngữ lưu như một dãy âm tố đoạn tính nối tiếp nhau thành một
tuyến theo thời gian, nghĩa là, những âm tố như những chất liệu dễ dàng tách
riêng ra; người ta tưởng tượng có thể cắt ra được như cắt bằng kéo. Nhưng
trên thực tế, dòng âm thanh được phát ra không hề hiện diện những khúc
đoạn âm thanh tối thiểu tách bạch như vậy. Các âm tố trong ngữ lưu không
hề giống như những hạt cườm trong chuỗi cườm hay như những viên gạch
nối tiếp nhau trong mạch tường mà chúng chuồi lẫn vào nhau, khó lòng phân
định rạch ròi ranh giới giữa các âm tố. Kết quả của các nghiên cứu thực
nghiệm cũng cho thấy không thể xác định được ranh giới giữa các âm tố nếu
chỉ dựa thuần tuý vào cấu âm - âm học. Dù trên bình diện cấu âm hay âm
học, ngữ lưu đều cho thấy một sự chuyển động liên tục. Các âm tố làm thành
một âm tiết không hề được phát ra lần lượt âm trước âm sau và cũng không
nghe ra lần lượt như thế. Mọi hoạt động cấu âm nhằm chuyển giao những
thông báo cần thiết cho việc nhận diện các đơn vị ngôn ngữ đều được thực


hiện đồng thời. Vì vậy, một số nhà nghiên cứu sinh lí học và âm thanh học
thậm chí còn đề nghị trong khoa ngữ âm học nên bỏ khái niệm âm tố vì nó là
một cái gì không hiện thực. Từ cuối thế kỉ XIX, một số nhà ngữ học, chẳng
hạn, G. Pau (Đức) cho rằng: Chia tách từ ra các yếu tố hợp thành nó là một
công việc không chỉ là khó khăn mà không thể làm được. Từ không phải là
một hợp nhất cơ giới một số lượng các âm tố đơn lẻ được thể hiện dưới dạng
các chữ cái mà hoàn toàn ngược lại bao giờ cũng là một chuỗi liên tục của
một tập hợp các yếu tố âm thanh mà chữ cái ở một chừng mực nào đó đánh
dấu những điểm đặc trưng nhất định trong chuỗi âm thanh đó mà thôi /Dẫn
theo Nguyễn Quang Hồng, [2,13]/.
Thế nhưng, việc sáng tạo và xây dựng các hệ thống chữ viết ghi âm
trong thế giới cổ đại rõ ràng không thể tách rời sự hình dung về các âm tố

tách biệt trong lời nói. Khi nảy sinh ý định đặt ra chữ viết ghi âm, trước hết,
phải có được những ấn tượng nhất định về sự tách bạch của các âm tố và đó
là tiền đề làm nảy sinh và bảo đảm cho nhu cầu xây dựng chữ viết ghi âm
được thực hiện. Sau đó, hoạt động thực tiễn của chữ viết ghi âm có tác dụng
củng cố những ấn tượng về sự tồn tại của các âm tố tách biệt trong lời nói.
Trước thực tế này, các nhà ngữ học đã lí giải sự tồn tại khách quan của các
âm tố theo nhiều cách khác nhau nhưng đều cho rằng âm tố là một chiết
đoạn âm thanh dễ dàng phân xuất trong ngữ lưu chỉ cần dựa vào cấu âm hay
âm học. Ngay cả F. de Saussure cũng xem ngữ lưu như một chuỗi âm thanh
tuyến tính và được tác giả đề lên thành một nguyên lí cơ bản của ngôn ngữ.
Mặt năng biểu của ngôn ngữ, vốn có tính âm thanh từ bản chất, chỉ diễn ra
trên một chiều thời gian mà thôi và mang những đặc tính mà nó vay mượn
của thời gian: a. nó có một kích thước, và b. cái kích thước ấy chỉ có thể đo
trên một chiều: đó là một đường thẳng (F. de Saussre, 1916).


Ở đây ta có thể thấy một đặc tính tối quan trọng của chất liệu âm thanh
chưa được nêu lên thật rõ, là nó xuất hiện trước mắt ta như một chuỗi, và do
đó tất nhiên phải mang một đặc tính của thời gian chỉ là một chiều duy nhất.
Có thể gọi đặc tính đó là tính hình tuyến hay tuyến tính, và điều đó có một
tầm quan trọng vô cùng đối với tất cả các quan hệ được xác lập về sau.
Những sự khu biệt về chất chỉ có thể được thể hiện lần lượt mà thôi (...). Tất
cả đều làm thành một tuyến cũng như trong âm nhạc vậy (F. de Saussre
trong Godel, 1957).
Tuyến âm thanh phải được cắt ra như cắt bằng kéo (...). Chính nhờ đó
mà các đơn vị được khẳng định (F. de Saussre trong Godel, 1957).
Một ngữ đoạn, dù ngắn dài ra sao, cũng bao hàm một trật tự, một sự kế
tiếp tuyến tính (...). Sở dĩ ta có thể cắt rời các từ ra được chính là nhờ một
trong những hệ quả của nguyên lí này (F. de Saussre, 1916).
Có lẽ, L.V. Sherba là người đầu tiên lí giải trên quan điểm chức năng về

tính tách biệt và khả năng phân định các âm tố trong lời nói thành những
đơn vị âm thanh riêng biệt. Theo L.V. Sherba, mọi đơn vị âm thanh của lời
nói, trong đó có âm tố, đều có thể phân xuất ra khi có sự tác động của nhân
tố ý nghĩa. Sở dĩ, chúng ta có được ấn tượng về sự chia tách lời nói vì có sự
lỉên hệ nào đó giữa các nhân tố ý nghĩa với các yếu tố âm thanh. Kết quả,
chúng ta phân xuất ra được các âm như a, e, i, o, k, b, l, m, v.v..
Năm 1912, trong công trình Những nguyên âm Nga, L.V. Sherba đã
chứng minh chính mối quan hệ giữa các yếu tố âm thanh với các yếu tố ý
nghĩa là điểm xuất phát để phân chia ngữ lưu ra thành các âm tố riêng biệt.
Tác giả viết: Nhưng số là các yếu tố biểu tượng về ý nghĩa thường được liên
hệ với các yếu tố biểu tượng về âm thanh, chẳng hạn, âm l trong các từ пил

(uống), Бил (đánh), дала (cho) được liên hệ với biểu tượng thời quá khứ, a


trong các từ корова (con bò), вода (nước), liên hệ với biểu tượng chủ ngữ,
u trong các từ корову, ваду liên hệ với biểu tượng đối tượng (...). Nhờ
những sự liên hội như vậy mà các yếu tố biểu tượng về âm thanh có được
một tính chất độc lập nhất định /Dẫn theo [6,44]/.
Như vậy, việc phân chia ngữ lưu là do những nhân tố thuần ngôn ngữ
học quy định, nghĩa là, nó lệ thuộc vào hệ thống của từng ngôn ngữ cụ thể
(cấu trúc và chức năng của ngôn ngữ). Điều đó, phải dùng đến khái niệm âm
vị (phoneme) - đơn vị âm thanh nhỏ nhất không thể chia theo chiều dọc của
một ngôn ngữ. Trong trường hợp này, âm tố chỉ là sự phản ánh âm vị, là
hình thức tồn tại của âm vị trong lời nói. Cả hai khái niệm này tuy có đối lập
nhau như ngôn ngữ và lời nói nhưng lại liên hệ khăng khít với nhau.
Tuy nhiên, nếu triệt để đi theo nguyên tắc này ta phải tính đến một tình
huống, trong một ngôn ngữ nào đó, không phải là các âm tố (âm vị) mà là
các âm tiết nguyên vẹn mới có khả năng liên hệ với các yếu tố ý nghĩa thì
thay vào các ấn tượng âm tố, trong cảm thức của người bản ngữ sẽ nổi lên

các ấn tượng âm tiết riêng biệt. Điều này đã được E.D. Polivanov (1935)
chứng minh trên tài liệu tiếng Hán.
Trở lại vấn đề trên, ta thấy, L.V. Sherba và trường phái của ông coi
nguyên lí trên chẳng những có ý nghĩa về nhận thức luận mà quan trọng hơn
còn có vai trò quyết định trong việc xây dựng phương pháp phân chiết âm vị
học, từ đó, xác lập các âm vị như những đơn vị ngữ âm ngắn nhất của một
hệ thống ngôn ngữ nhất định. Trên quan điểm này mà xét, việc phân chia
ngữ lưu thành những âm tố riêng biệt, về nguyên tắc, cũng là việc phân chiết
âm vị học để có các âm vị độc lập. Bởi lẽ, khi bắt tay nghiên cứu hệ thống
ngữ âm của một ngôn ngữ nào đó, nhà khoa học buộc phải phân chia lời nói
thành âm tố với sự chấp nhận ở đây khái niệm âm tố lời nói ít nhiều mang


tính giả định và quy ước được coi như một đại lượng siêu ngôn ngữ để làm
chỗ dựa cho công việc phân tích ngôn ngữ học tiếp theo. Theo Baudouin de
Courtenay, khái niệm âm tố bao gồm ba nhân tố sau đây: a/ Một thực thể cấu
âm - âm học đơn chất mà bao giờ cũng mang tính chất tương đối, bởi vì,
trong đó cũng có những động tác cấu âm và âm hưởng chuyển tiếp, b/ Một
yếu tố tâm lí nào đó khiến người bản ngữ và cả nhà khoa học nhận định rằng
những động tác cấu âm và âm hưởng chuyển tiếp như vậy là không quan yếu
cho việc xác định âm tố đang xét, c/ Một tính chất ngoài ngôn ngữ, tức là,
âm tố đang xét chưa được xác nhận giá trị đích thực của nó trong một hệ
thống ngôn ngữ nhất định /Dẫn theo Nguyễn Quang Hồng, [2,21-22]/. Áp
dụng định nghĩa của Baudouin de Courtenay về âm tố vào công việc phân
định âm tố trong ngữ lưu, chúng ta phải đụng chạm đến một loạt các thao tác
khác như:
Theo nhân tố (a), cần phải dựa vào định đề về ba giai đoạn cấu âm gồm
giai đoạn tiến, giai đoạn giữ và giai đoạn lùi. Theo nhân tố (b), phải đề cập
đến việc phân chiết và đồng quy tiền âm vị học đối với các cứ liệu âm thanh
lời nói. Còn nhân tố (c), nhắc nhở ta phải khách quan trong việc xử lí các kết

quả đã đạt được (tức các âm tố) trước khi thực sự bắt tay vào việc phân tích
âm vị học đối với các cứ liệu đó.
Nói đến âm vị là ta đang bàn đến câu chuyện hết sức phức tạp. Khái
niệm âm vị (phoneme) - vấn đề trung tâm của các lí thuyết âm vị học được
các nhà ngữ học xác lập bằng nhiều cách hiểu, cách định nghĩa khác nhau.
Người đầu tiên đưa ra cách xác lập âm vị, đặt nền móng cho sự ra đời của bộ
môn âm vị học sau này là Baudouin de Courtenay. Theo ông, có thể gọi âm
vị là những yếu tố sống động của ngôn ngữ, được thể hiện ra trên phương
diện phát âm vốn là đơn giản nhất, không thể chia cắt được nữa về mặt ngôn
ngữ. Đó là những đơn vị âm - tâm lí khác với âm tố chỉ đơn giản là những


đơn vị âm thanh không phụ thuộc vào ý thức ngôn ngữ. Theo Baudouin de
Courtenay, âm vị là những đơn vị ngữ âm nhỏ nhất của một hệ thống ngôn
ngữ nhất định mà người bản ngữ có thể phân định và nhận diện được.
N.S. Trubetskoy cho ta hai cách lập thức: 1/ Các đơn vị âm vị học mà xét
trên quan điểm của thứ tiếng đang xét không thể cắt ra thành những đơn vị
kế tiếp ngắn hơn, 2/ Các tập hợp gồm những nét đặc trưng quan yếu của một
âm thanh (Nguyên lí âm vị học, 1939).
R. Jakobson định nghĩa: Một bộ gồm những nét khu biệt cùng xuất hiện
(...). Các nét khu biệt được xếp thành từng chùm đồng thời xuất hiện gọi là
âm vị; các âm vị được ghép lại với nhau thành những chuỗi kế tiếp
(Jakobson và Halle, 1956).
A. Martinet (1940) định nghĩa âm vị như một chùm nét khu biệt được
thực hiện đồng thời.
Còn trường phái Praha định nghĩa âm vị: Âm vị là đơn vị khu biệt âm
thanh nhỏ nhất có tham gia vào thế đối lập âm vị học về trật tự thời gian.
Âm vị là đơn vị âm vị học tuyến tính nhỏ nhất.
Tác giả Đoàn Thiên Thuật thì cho rằng: Đơn vị nhỏ nhất của hệ thống
biểu đạt thành tiếng của một ngôn ngữ, được quan niệm như một tổng thể

của những nét khu biệt được thể hiện đồng thời (Đoàn Thiện Thuật - Ngữ
âm tiếng Việt, Nxb ĐH & THCN, H.1977, tr.49).
Cao Xuân Hạo tổng kết: Trong các lí thuyết không vật lí luận của âm vị
học hiện đại, đơn vị âm vị học cơ bản của ngôn ngữ - âm vị - được định
nghĩa bằng những định tính thuộc hai bình diện khác nhau: bình diện chức
năng (khu biệt), tức một bình diện của ngôn ngữ học, hay hình thức; và bình
diện thời gian, tức một bình diện thể chất hay vật lí. Âm vị, một là được định
nghĩa như đơn vị âm vị học (nghĩa là có tác dụng khu biệt) không thể phân
tích thành những đơn vị nhỏ hơn kế tiếp nhau theo thời gian, hai là được


định nghĩa như một tập hợp (một bộ, một chùm) nét khu biệt được thực hiện
đồng thời - thật ra, đó là hai cách trình bày khác nhau của chính hai cái
định tính ấy mà thôi [1,28-29].
Cũng theo Cao Xuân Hạo, khái niệm âm vị được định tính bằng các biểu
thức tính đồng thời và tính kế tiếp là chứa đầy những sự nhầm lẫn, là một ảo
giác khi hình dung về tính chiết đoạn của ngữ lưu dựa vào các dữ kiện vật lí
khách quan. Khái niệm âm vị theo các nhà ngôn ngữ học chức năng luận
(N.S. Trubetskoy, A. Martinet, R. Jakobson) là thiếu minh xác, chưa thức
nhận bằng những định tính thực sự ngôn ngữ học. Cách duy nhất để làm việc
đó là thay những định tính hư ảo như tính đồng thời, tính kế tiếp đang hiện
diện hay hàm ẩn trong các định nghĩa trên bằng các biểu thức hiển ngôn hoá:
Một tập hợp gồm những nét khu biệt có tham gia thế đối lập về trật tự thời
gian bên trong các đơn vị ở cấp cao hơn mà nó khu biệt; hay diễn đạt một
cách ngắn gọn hơn: đơn vị âm vị học nhỏ nhất mà sự hoán vị có tác dụng
khu biệt [1,45]. Tác giả còn giải thích thêm:
Khi một đơn vị ngôn ngữ tham gia vào thế đối lập về trật tự thời gian,
nghĩa là, trong một ngôn ngữ mà sự khác nhau giữa hai tổ hợp ab và ba là
quan yếu, thì tổ hợp ấy được phân xuất ra một cách tự phát trong cảm thức
của người bản ngữ, và hai thành phần của nó được tri giác như hai âm đoạn

kế tiếp nhau trên tuyến thời gian. Sở dĩ người bản ngữ của các thứ tiếng châu
Âu tách được âm tiết ra thành hai hay nhiều âm tố và tri giác các âm tố ấy
như những chiết đoạn kế tiếp nhau chính là vì lẽ ấy. (So sánh, tiếng Nga: kot
(con mèo), kto (ai), tok (dòng), ta thấy, trật tự trước sau của các âm tố [k],
[t], [o] có tác dụng khu biệt nghĩa của các hình vị).
1.3. Truyền thống ngôn ngữ học châu Âu và Trung Hoa với việc xác lập các
đơn vị ngôn ngữ


Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×