Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Phân tích nhân vật Thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (124.36 KB, 6 trang )

Phân tích nhân vật Thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao
Bài văn mẫu 1
Là một nhà văn hiện thực cho nên Nam Cao không hề tô vẽ những cuộc đời, những
số phận của người nông dân. Những nhân vật của ông luôn là những con người bình dị,
chân quê và có phần xấu xí. Trong đó có thể kể đến Thị Nở trong truyện ngắn “Chí Phèo”
là một người đàn bà xấu xí và dở hơi có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam.
Vậy mà người đàn bà ấy lại có khả năng đánh thức con người lương thiện trong hình hài
quỷ dữ Chí Phèo. Có lẽ, điều kì diệu ấy chắc chỉ có Thị Nở mới làm được và chắc cũng
chỉ có Nam Cao mới có thể biến hóa được.
Xây dựng nhân vật Thị Nở xấu xí không phải nhà văn muốn bôi bác người phụ nữ
Việt Nam, mà ngược lại, tác giả chính là muốn nói đến vẻ đẹp sâu thẳm trong tâm hồn của
họ, mặc dù hình hài của họ có phần xấu xí. Mà Thị Nở thì xấu thật “cái mặt của thị thực là
một sự mỉa mai của hóa công: Nó ngắn đến nỗi mà bề ngang hơn bề dài, thế mà hai má nó
lại hóp vào mới thật là tai hại, nếu hai má nó phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao
như mặt lợn…Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành…” Với
những dòng miêu tả đầy chân thực như thế này, người đọc có cảm tưởng cả trong văn học
lẫn ngoài đời thực thì không có ai có thể xấu hơn Thị Nở được nữa. “Đã thế thị lại dở
hơi…Và thị lại nghèo…Và thị lại là dòng giống của một nhà có mả hủi…”. Thế nên, Thị
Nở không có chồng và “người ta tránh thị như tránh một con vật rất tởm”.
Vậy mà Thị Nở lại có tình cảm với Chí Phèo – con quỷ của làng Vũ Đại mà ai ai
cũng xa lánh. Có lẽ đây cũng là một dụng ý của nhà văn Nam Cao khi để cho một kẻ dở
hơi xấu xí và một kẻ cùng đường lưu manh đến với nhau và yêu nhau. Chính tình yêu ấy
đã làm thức tỉnh những vẻ đẹp trong sâu thẳm tâm hồn con người.
Thị từ một người đàn bà xấu xí dở hơi đã trở thành một người phụ nữ biết quan tâm
và lo lắng cho người khác: “Mình mà bỏ hắn lúc này thì cũng bạc. Dẫu sao cũng đã ăn
nằm với nhau! Ăn nằm với nhau như vợ chồng…Đêm qua thổ trận ấy thật là phải biết. Cứ
gọi hôm nay nhọc đừ. Phải cho hắn ăn tí gì mới được. Đang ốm thế thì chỉ ăn cháo hành.
Ra được mồ hôi thì là nhẹ nhõm người ngay đó mà…”. Không những thế, khi Thị tự tay
nấu cháo rồi đem đến cho Chí Phèo, Thị đã coi đó là người đàn ông của đời mình cho nên



hết sức lo lắng và thương yêu. Ánh mắt và nụ cười toe toét của Thị tưởng chừng như rất
vô duyên nhưng kì thực nó lại khiến cho Chí cảm thấy Thị thật có duyên.
Bát cháo hành mà Thị nở mang sang cùng những quan tâm mà Thị dành cho Chí đã
khiến cho hắn thực sự xúc động. Hắn nghĩ đến những mơ ước thời trai trẻ, hắn ăn năn và
hối hận về những việc mình đã làm. Chính vì thế hắn muốn được trở lại làm người lương
thiện, muốn sống một cuộc đời bình dị mà hạnh phúc với Thị Nở. Có thể nói tình yêu của
người đàn bà dù xấu xí nhưng vẫn có thể khiến cho con người ta rung động. Không những
thế, có lẽ, cả làng Vũ Đại không ai có thể cảm hóa được con quỷ dữ Chí Phèo, vậy mà chỉ
một người phụ nữ xấu xí, dở hơi bằng tình yêu chân thành của mình lại có thể làm được.
Quả thật Nam Cao đã rất thành công khi xây dựng hình ảnh con quỷ dũ làng Vũ Đại
và còn thành công hơn nữa khi xây dựng nhân vật Thị Nở – người phụ nữ đầy tình thương
yêu và bao dung đã đánh thức phần con người lương thiện trong Chí Phèo. Tình yêu của
người đàn bà xấu xí là tình yêu chân thành, xuất phát tự trái tim, từ lòng cảm thông sâu
sắc, không vụ lợi cho nên nó là một tình yêu đẹp và rất đáng trân trọng. Thị chính là tia
sáng, là niềm hy vọng, là cầu nối để Chí Phèo trở về làm người, sống với cộng đồng. Mặc
dù sau này Chí Phèo có tự kết liễu đời mình thì nhân vật Thị Nở và chi tiết bát cháo hành
vẫn có ý nghĩa to lớn đối với một cuộc đời, một số phận. Để cho ngay cả những kẻ cùng
đường, lạc lối vẫn biết hy vọng về tương lai tốt đẹp, vẫn khao khát được sống và được
yêu.
Với tác phẩm “Chí Phèo”, người đọc có thể thấy rằng, không phải chỉ những người
phụ nữ xinh đẹp mới có thể để lại những ấn tượng tốt đẹp. Những người phụ nữ có hình
hài xấu xí nhưng có tấm lòng yêu thương, nhân hậu như Thị Nở cũng khiến cho người
đọc nhớ mãi. Tuy rằng xấu xí nhưng chính cái nét duyên thầm của người phụ nữ đã làm
cảm hóa được một “con quỷ dữ”, thổi bùng lên ngọn lửa thương yêu giữa những con
người với nhau. Đó chính là giá trị nhân văn, nhân đạo mà Nam Cao muốn gửi gắm trong
tác phẩm.
Bài văn mẫu 2
Cùng với Lão Hạc, truyện ngắn Chí Phèo là một trong những kiệt tác của Nam Cao
viết về đề tài người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945. Cả hai truyện



ngắn xuất sắc này đều được chọn đưa vào chương trình phổ thông (Ngữ văn 8 và Ngữ văn
11, tập 1) cùng với nhiều truyện ngắn khác, từng đem đến cho Nam Cao vinh dự là tác gia
có số lượng truyện ngắn trong nhà trường phổ thông nhiều nhất.
Lâu nay, nhắc đến hình tượng nhân vật điển hình của truyện ngắn Chí Phèo, người ta
nghĩ ngay đến nhân vật chính mà tác giả lấy làm nhan đề tác phẩm mình lúc đầu được
Nam Cao đặt tên là Cái lò gạch cũ. Khi in thành sách lần đầu (1941), Nhà xuất bản Đời
mới đổi tên là Đôi lứa xứng đôi. Đến khi in lại trong tập Luống cày (Hội Văn hóa cứu
quốc xuất bản, Hà Nội, 1946), Nam Cao đặt lại tên là Chí Phèo (Ngữ văn 11 Nâng cao,
tập 1, NXB Giáo dục, H., 2007, tr. 178). Đã có không ít những công trình, bài viết về
nhân vật độc đáo, có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam này. Đây là điều tất
yếu. Bởi toàn bộ ý nghĩa của nội dung truyện ngắn hầu như toát ra từ hình tượng nhân vật
Chí Phèo (Trần Tuấn Lộ trong bài viết Qua truyện ngắn “Chí Phèo” bàn thêm về cái nhìn
hiện thực của Nam Cao, T/c Văn học, số 4/1964) và Chí Phèo là kết tinh những thành
công của Nam Cao trong đề tài nông dân.
Bên cạnh Chí Phèo, theo chúng tôi, còn có một hình tượng nhân vật điển hình nữa
mà ta vẫn ít nhắc tới. Nhân vật này xuất hiện không nhiều, chỉ có mặt ở gần cuối truyện,
là một nhân vật phụ nhưng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển mạch truyện.
Sự xuất hiện của nhân vật này là một bước ngoặt đối với sự chuyển biến của câu chuyện
cũng như đối với cuộc đời, số phận của nhân vật trung tâm. Hơn nữa, nhân vật này còn
mang tính điển hình rất rõ nét. Đó là nhân vật bà cô Thị Nở.
Quả thật, nhân vật bà cô Thị Nở chỉ là một nhân vật phụ. Trong truyện, Nam Cao
miêu tả nhân vật bà cô ấy không nhiều, chỉ phát thảo sơ lược vài nét. Về lai lịch, tác giả
chỉ kể ngắn gọn: “trừ một người cô đã có thể gọi được là già, và đã không chồng như
thị…Người cô làm thuê cho một người đàn bà buôn chuối và trầu không xếp tàu đi Hải
Phòng, có khi đi tận Hòn Gia, Cẩm Phả”. Ngay cả cái tên nhân vật này cũng không có, chỉ
được gọi theo quan hệ họ hàng với nhân vật chính. Ở gần cuối truyện, khi Thị Nở sau
năm ngày ăn ở với Chí, đến ngày thứ sáu, sực nhớ mình còn người cô và “nghĩ bụng: Hãy
dừng yêu để hỏi cô thị đã” thì nhân vật bà cô này mới hiện lên qua một ít suy nghĩ và hai
lời thoại. Tất cả chỉ có vậy. Cho nên rất khó để dựng chân dung nhân vật này.



Tuy chỉ là nhân vật rất phụ nhưng có thể nói, nhân vật bà cô này lại là một tình tiết
bất ngờ, vô cùng quan trọng làm xoay chuyển toàn bộ câu chuyện cũng như cuộc đời nhân
vật Chí Phèo. Chỉ một câu nói tàn nhẫn “Đã nhịn được đến bằng tuổi này thì nhịn hẳn, ai
lại đi lấy thằng Chí Phèo” đã đụng chạm đến tận cùng đến lòng tự ái của một người đàn
bà đã quá ba mươi, “ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ
hờn” và dở hơi, ế chồng. Chính câu nói cay độc vô ấy đã đoạn tuyệt một cách đau đớn
một tình yêu vừa mới chớm, đã lạnh lùng cắt đứt sợi dây liên lạc cuối cùng giữa Chí với
loài người. Bát cháo hành “mới thơm làm sao” chưa kịp đưa Chí từ thế giới loài quỷ quay
về xã hội con người thì một câu nói cay nghiệt ấy coi như là dấu chấm hết cho mọi quá
trình tái sinh trong Chí, đẩy Chí xuống tận cùng vực thẳm khổ đau và cái chết dữ dội. Có
người bảo phải chi Nam Cao đừng xây dựng nhân vật này, hay ít nhất đừng để bà cô Thị
Nở không xuất hiện ở cuối truyện thì câu chuyện sẽ kết thúc có hậu hơn biết mấy. Có thể
là như vậy. Nhưng theo chúng tôi, nếu cắt đi chi tiết này thì Nam Cao không còn là chính
ông nữa. Giá trị của Chí Phèo cũng vì thế giảm sút rất nhiều. Bởi cái chết của Chí với
nhiều nguyên nhân, trong đó trực tiếp nhất là sự khước từ một cách thô bạo của bà cô Thị
Nở, mang nhiều ý nghĩa. Riêng ở nhân vật người cô này cũng mang nhiều giá trị điển
hình.
Trước hết nhân vật này rất tiêu biểu cho câu thành ngữ của dân gian “giặc bên ngô
không bằng bà cô không chồng” (Còn có dị bản “giặc bên ngô không bằng bà cô bên
chồng”). Bà cô Thị Nở đã ngoài năm mươi, hơn nửa cuộc đời mà vẫn không tìm được
một tấm chồng. Trong mắt của người đàn bà khốn khổ ấy, chuyện chồng con của “con
cháu gái ba mươi tuổi mà chưa trót đời” “sao mà đĩ thế! Thật đốn mạt…Nhục nhã ơi là
nhục nhã”. Thái độ giãy nảy lên, những lời cay độc, “xỉa xói vào mặt con cháu gái” đã có
hiệu quả ngay lập tức. Bởi bà cô này tự ái, uất ức bao nhiêu thì cháu bà càng tự ái, uất ức
bấy nhiêu. Thậm chí cả khi Chí chết đi rồi, bà vẫn không tha cho cháu mình mà còn “chỉ
vào mặt cháu mà đay nghiến”. Rõ ràng, thái độ, lời nói của nhân vật rất tiêu biểu cho
những nét tính cách của những người phụ nữ lớn tuổi lận đận trong chuyện tình duyên.
Xét cho cùng, nó mang nỗi ẩn ức tính nữ cả về tâm lí lẫn sinh lí mà biểu hiện rõ nhất là



thái độ “không ăn được thì đạp đổ”, “trâu buộc ghét trâu ăn”. Bà cô không chồng trong
truyện, xét ở phương diện nào đó, có thể xem là một điển hình. Tuy vậy, ở nhân vật này
cũng có những điểm làm cho người đọc xót xa, tội nghiệp, thấy đáng thương hơn là đáng
ghét. Ngòi bút nhân đạo Nam Cao không dừng lại ở lời nói, hành động nhân vật mà còn đi
sâu mổ xẻ tâm trạng khi nhân vật rơi vào hoàn cảnh trớ trêu trên. Nhà văn viết : “Cũng có
lẽ tủi cho thân bà. Bà nghĩ đến cái đời dằng dặc của bà, không có chồng. Bà thấy chua xót
lắm…” Chỉ từng ấy thôi, ta cũng hiểu hết được nỗi đau thân phận phụ nữ không chồng
trong xã hội cũ – xã hội thực dân nửa phong kiến cũng bất công, ngang trái không thua gì
xã hội trước đó.
Đặc biệt, nhân vật bà cô Thị Nở rất điển hình cho người nông dân ở làng Vũ Đại
ngày ấy nói riêng và làng quê nông thôn Bắc Bộ trước Cách mạng 1945 nói chung. Đó là
một xã hội bị tha hóa toàn diện (tha hóa vì quyền lực, tha hóa vì cùng cực cùng đường, tha
hóa vì bản thân). Quan hệ xã hội ở đây là quan hệ giữa các đơn vị đã bị tha hóa (cá nhân
với cá nhân, nhóm loại với nhóm loại) (Đức Mậu trong bài Các mối quan hệ xã hội trong
làng Vũ Đại, in trong Nghĩ tiếp về Nam Cao, NXB Hội Nhà văn, H., 1992). Nghiêm trọng
nhất, đó là xã hội sống trong những định kiến nghiệt ngã. Trong cái làng đóng kín vùng
đồng bằng Bắc Bộ (Đức Mậu, tài liệu đã dẫn) ấy, người ta sống quẩn quanh, đói nghèo,
bế tắc đã đành, họ lại còn tỏ ra lạnh lùng, tàn nhẫn, định kiến với người xung quanh. Với
một đứa con hoang, một thằng không cha không mẹ, không tấc đất cắm dùi, một con quỷ
dữ chuyên sống bằng nghề rạch mặt ăn vạ Chí Phèo, chẳng một ai trong cái làng Vũ Đại
chấp nhận. Người làng dường như loại bỏ Chí ra khỏi quan hệ của mình, mặc thây cha nó,
coi như Chí không hề tồn tại trong cộng đồng “người” ấy. Cái định kiến hẹp hòi về nguồn
gốc, gia cảnh, về những quãng đời u ám của Chí này có một sức mạnh ghê gớm, như bức
tường vô hình cao ngất mà Chí khi được tình yêu Thị Nở tái sinh trở nên “thèm lương
thiện”, “muốn làm hòa với mọi người biết bao”, tìm mọi cách vượt qua nhưng mãi không
phá bỏ được. Ngay cả khi Chí chết đi một cách thảm khốc, người làng chẳng một ai tỏ ra
xót xa cho Chí, dẫu một giọt nước mắt thương hại. Làng Vũ Đại là một điển hình cho làng
quê nông thôn miền Bắc trước 1945. Trong cái làng quê nghèo nàn, tù túng và đầy những

định kiến hẹp hòi, lạc hậu ấy, nhân vật bà cô Thị Nở được Nam Cao xây dựng thành công


mang giá trị điển hình rõ nét. Những suy nghĩ của bà cô khi đứa cháu thưa chuyện “vợ
chồng” với Chí (Đàn ông chết hết cả rồi sao, mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha.
Ai lại đi lấy một thằng chỉ có một nghề là đi rạch mặt ra ăn vạ) cũng như câu nói đay
nghiến của bà cuối truyện với Thị Nở trước cái chết không ai ngờ được của Chí “Phúc đời
nhà mày, con nhé. Chả ôm lấy ông Chí Phèo” đã nói lên tất cả. Bà cô không được mô tả
nhiều nhưng qua những suy nghĩ, thái độ, ngôn ngữ của nhân vật này, hiện thực làng quê
nông thôn Bắc Bộ trước 1945 còn mang nhiều định kiến nặng nề, lạc hậu đã được phản
ánh, khái quát rất thành công.
Tóm lại, không được miêu tả cụ thể, đầy đủ nhưng nhân vật bà cô Thị Nở là một
sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Nam Cao. Bên cạnh Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, nhân vật
này cũng mang trong mình nhiều ý nghĩa điển hình như trên đã phân tích, do đó mang
nhiều giá trị nội dung của tác phẩm. Xây dựng nhân vật này, Nam Cao đã sử dụng một
ngòi bút sắc sảo, không tả nhiều nhưng giàu sức ám ảnh. Nhiều người thường nghĩ về
nhân vật này với cái nhìn ác cảm, ghét bỏ. Tuy nhiên, theo chúng tôi, suy cho cùng nhân
vật bà cô Thị Nở cũng chỉ là nạn nhân của số phận, của chế độ xã hội cũ đen tối mà thôi.
Nhân vật náy đáng thương hơn là đáng ghét. Đây cũng là một biểu hiện của ngòi bút lấp
lánh tình người, sáng ngời giá trị nhân văn của Nam Cao.



×