Tải bản đầy đủ (.doc) (24 trang)

tiểu luận cao học Văn hoá ngày tết mang tên “tết việt” dành cho độc giả là bà con kiều bào xa tổ quốc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (203.05 KB, 24 trang )

I. Phần mở đầu
1. Lý do chọn đề tài
Đảng và nhà nước Việt Nam luôn coi người Việt Nam ở nước ngoài là
“một bộ phận không thể tách rời, là máu thịt của dân tộc Việt Nam”.Hiện nay
có khoảng 3,5 triệu người Việt đang sinh sống tại gần 100 nước và vùng lãnh
thổ trên thế giới, đang tiếp tục phát triển, ngày càng ổn định cuộc sống và hội
nhập sâu rộng hơn vào xã hội nơi cư trú. Trải qua hàng chục năm cần cù lao
động, học tập và phấn đấu, cộng đồng đã tạo dựng cho mình tiềm lực đáng kể
về tri thức và kinh tế.Ngày càng có nhiều người thành đạt trong các lĩnh vực
khoa học, công nghệ, văn hoá, nghệ thuật, kinh tế và xã hội. Đại đa số bà con
mang trong mình truyền thống yêu nước, tự tôn dân tộc, luôn hướng về cội
nguồn, gắn bó với gia đình, quê hương.Như con chim Việt đậu cành Nam,
cộng đồng vẫn hướng về Tổ quốc, hướng về gia đình và dòng họ, hướng về
mồ mả và nhà thờ tổ tiên, cùng cầu chúc cho Tổ quốc nhanh chóng phồn vinh,
cho đồng bào ngày thêm giàu mạnh.
Đặc biệt, những dịp Tết đến, xuân về, những người con xa quê lại đau
đáu trong mình một nỗi nhớ nhà, một kỷ niệm, một ký ức về cội nguồn.Tết là
ngày thiêng liêng không chỉ với người dân Việt Nam nói chung mà còn là
ngày thiêng liêng đối với những người con sống xa Tổ quốc.Tết Việt là một
biểu tượng cho niềm khát khao đoàn tụ, để lại được háo hức đón chờ, để lại
sống trong phút giây giao thừa hạnh phúc cùng gia đình. Nơi xứ người, dù có
“mâm cao, cỗ đầy” đến đâu cũng không thể làm cho những người Việt vơi đi
nỗi nhớ .Có những thói quen tưởng đã tan biến vì bận rộn mưu sinh thì Tết
đến, nó lại ùa về khiến ai cũng khao khát trở về đất mẹ được nhẹ bước trên
vỉa hè phố cổ, dang tay đón từng hạt mưa xuân, và lặng yên ngắm một sắc đào
phai.
Nắm bắt được tâm lý đó, tác giả đã lựa chọn tổ chức nội dung một
trang ấn phẩm Thông tin đối ngoại với chủ đề Văn hoá ngày Tết mang tên
“Tết Việt” dành cho độc giả là bà con kiều bào xa Tổ quốc .



Trang “Tết Việt” nằm trong một ấn phẩm thông tin đối ngoại số đặc
biệt Chào mừng năm mới 2009- Đón xuân Kỷ Sửu, phát hành vào ngày mùng
1 tháng 1 năm 2009.Đây là thời điểm mà không khí đón năm mới đã tràn
ngập khắp trên thế giới, bà con trong nứơc cũng như kiều bào đang nhộn
nhịp, háo hức đón xuân.
Ấn phẩm đặc biệt này sẽ tập trung vào những thông tin, những bài viết
về các sự kiện văn hoá, lễ hội, du lịch, ẩm thực cả ở Việt Nam và trên thế giới
nhân dịp đón chào Năm mới 2009 và Tết Nguyên Đán Kỷ Sửu.Trong đó,
trang “Tết Việt” sẽ là điểm nhấn cho cả ấn phẩm bởi nó cung cấp cho kiều
bào những Phong tục tập quán truyền thống ngày tết, những vẻ đẹp giản dị
mang phong vị Tết quê hương, không khí chào đón Tết nơi quê nhà.
Mặc dù rất muốn trở về quê ăn Tết, xum họp cùng gia đình, nhưng
không phải ai cũng có điều kiện.Do vậy, kiều bào có nhu cầu được tiếp nhận
thông tin rất lớn.Và trang “Tết Việt” đóng góp một phần quan trọng cho ấn
phẩm trong sứ mệnh làm ấm áp thêm tình quê hương, vơi đi phần nào nỗi nhớ
nhà da diết của những người con xa xứ luôn hướng về đất mẹ thân yêu.
2. Đối tượng công chúng chính:
Trang “Tết Việt” là một trang trong ấn phẩm đặc biệt chào đón Năm
mới 2009 và Xuân Kỷ Sửu dành cho đối tượng độc giả là cộng đồng người
Việt Nam sống xa Tổ quốc.
3. Mục đích của trang ấn phẩm:
“Tết Việt” tương đương hai trang báo khổ giấy A3, bao gồm các tin bài
liên quan đến những phong tục tập quán truyền thống ngày Tết của quê
hương, không khí đón Tết trong nước cũng như của bà con người Việt ở nước
ngoài.Vì vậy, trang ấn phẩm sẽ có những mục đích chính như sau:
Thứ nhất, cung cấp những thông tin về phong tục tập quán truyền thống
ngày Tết cũng như không khí chuẩn bị đón Tết ở quê nhà, từ đó khơi gợi tình
yêu quê hương đất nước đối với Việt kiều thế hệ thứ nhất - thế hệ đã trưởng
thành ở Việt Nam, văn hoá Việt đã ăn sâu vào tâm hồn, nếp nghĩ.



Thứ hai, Trang ấn phẩm góp phần truyền tải và lưu giữ những giá trị
văn hoá dân tộc, khơi dậy niềm khao khát tìm về với cội nguồn của thế hệ thứ
hai, thứ ba sống xa Tổ quốc.Nó sẽ có tác động tích cực đến suy nghĩ, hành
động của thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngoại, để cho bản sắc văn hoá Việt không
bị phai mờ mà còn như một dòng sông chảy mãi trong trái tim của mỗi người
viễn xứ.
Thứ ba, Trang ấn phẩm này cùng với cả những trang khác trong số ấn
phẩm đặc biệt Chào mừng năm mới 2009 – Đón xuân Kỷ Sửu, góp phần tích
cực vào việc thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đề ra cho cơ quan
truyền thông đại chúng là cầu nối cho kiều bào với quê hương, gắn kết tinh
thần dân tộc của Việt kiều khắp năm châu.
4. Nhiệm vụ đặt ra:
Về nội dung: Trang báo sẽ bao gồm các tin, bài giới thiệu về những
phong tục ngày Tết, không khí chuẩn bị đón Tết ở quê nhà, lồng ghép vào đó
là những tình cảm của con dân nước Việt tự hào về nền văn hoá dân tộc,
những điều gắn bó họ với cội nguồn.Giới thiệu các sự kiện nổi bật mà Nhà
nước sẽ tổ chức để chào đón xuân mới, cũng như những chương trình có liên
quan trực tiếp tới kiều bào, để cho họ thấy rõ sự tích cực quan tâm của Đảng
và Nhà nước tới đời sống của cộng đồng sống xa Tổ quốc. Tóm lại, nội dung
các tin bài phải thể hiện được sự đậm đà bản sắc dân tộc, nét đặc trưng của
văn hoá Việt, mang tính gắn kết lớn.
Về hình thức: Trang “Tết Việt” gồm 2 trang báo khổ A3, trong đó có
những tin tức, sự kiện, các bài viết thuộc 4 thể loại báo chí đã được giới thiệu
trong chương trình học môn “Tổ chức sản xuất ấn phẩm thông tin đối
ngoại”.Trang ấn phẩm phải đảm bảo sự phong phú về thể loại (4 thể loại), có
cách dàn trang, chia cột hợp lý, phối màu nền bắt mắt,cỡ chữ và phông chữ
đạt tiêu chuẩn, dễ đọc.
Về các nguồn thông tin: Đảm bảo sự phong phú, đa dạng, từ các
báo chính thống, đáng tin cậy.Các tin bài sẽ được lấy từ 2 nguồn chính là:



Người thực hiện trang báo trực tiếp viết bài; thu thập và xử lý tin bài từ các
báo thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại.Đối với nguồn tin tù chính người
thực hiện trang báo: Tác giả đã được học các thể loại tin bài báo chí và cách
chọn lọc cũng như cách viết tin bài trong học phần “Tổ chức sản xuất ấn
phẩm thông tin đối ngoại” nên hoàn toàn có khả năng tham gia viết trực
tiếp.Nguồn thứ hai là từ các báo có liên quan đên nhiệm vụ thông tin đối
ngoại như các báo điện tử: www.quehuong.org.vn , Vietnamnet,…các tin bài
trong trang báo này đều nhằm phục vụ cho hoạt động thông tin đối ngoại rất
phù hợp với tiêu chí của trang “Tết Việt”.
Về lực lượng thực hiện:
Thực hiện nội dung chính: Nguyễn Thị Kiều Vân – Sinh viên lớp
Thông tin đối ngoại k25 – tham gia viết bài, biên tập các tin bài khác và đưa
ra ý tưởng trình bày.
Cố vấn maket: Phan Chí Tuệ - Sinh viên năm thứ tư Khoa Công
nghệ thông tin, Học viện Kỹ thuật quân sự.
II. Nội dung trang ấn phẩm
1. Tin tức
Tin 1: Cầu truyền hình Xuân Quê Hương cho kiều bào
Chuẩn bị phục vụ kiều bào đón Tết Kỷ Sửu (2009), Ủy ban về Người
Việt Nam ở nước ngoài đang tích cực xây dựng chương trình Cầu truyền hình
Xuân Quê Hương tạo cơ hội giao lưu giữa kiều bào với bà con ở quê nhà và
giữa các vị lãnh đạo Nhà nước với nhân dân ở trong nước và ở nước ngoài,
mang không khí đón Tết thiêng liêng và ấm cúng đến từng gia đình kiều bào.
Đây sẽ là cuộc giao lưu trực tiếp đầu tiên trên sóng truyền hình Việt
Nam với sự hỗ trợ của vệ tinh truyền thông đầu tiên của Việt Nam - vệ tinh
Vinasat.
(Theo Quê Hương)



Tin 2: Chợ hoa Tết Kỷ Sửu tổ chức ở 3 điểm
Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chợ hoa Tết Kỷ
Sửu năm 2009 sẽ tổ chức tập trung tại 3 điểm: Công viên 23-9 (quận 1), Công
viên Gia Định (quận Gò Vấp) và Công viên Lê Văn Tám (quận 1).
Theo đó, Công viên 23-9 sẽ là chợ hoa tết chính của TP. Hồ Chí Minh,
giữ vai trò trung tâm với quy mô lớn ở cả 2 khu A và B của công viên với
khoảng 900 lô hàng (20m²/lô).Chợ hoa tết được tổ chức từ ngày 23 tháng
chạp đến trưa 30 tháng chạp Âm lịch.
Cũng theo kế hoạch, Hội hoa Xuân Tết Kỷ Sửu năm 2009 sẽ được tổ
chức tại Công viên Tao Đàn (quận 1), từ ngày 25 tháng chạp đến hết ngày
mùng 6 tháng giêng Âm lịch. Dự kiến, có khoảng 5.000 hiện vật trưng bày và
dự thi tại Hội hoa Xuân này, trong đó có khoảng 3.000 hiện vật trưng bày và
2.000 hiện vật dự thi.
(Theo Mỹ Hạnh/Sài Gòn Giải Phóng)
Tin 3: Lễ hội Dừa tỉnh Bến tre lần thứ I
Lễ hội Dừa lần thứ I năm 2009 sẽ được tổ chức tại Bến Tre từ ngày 13
đến 19/1/2009.Lễ hội là hoạt động kỷ niệm 49 năm ngày Bến Tre Đồng khởi
(17/1/1960 – 17/1/2009), chào mừng sự kiện cầu Rạch Miễu khánh thành và
đón Xuân Kỷ Sửu 2009.
Dự kiến có khoảng 300 gian hàng của nhà vườn và doanh nghiệp trưng
bày các sản phẩm từ dừa như giống, công nghệ thu hoạch, chế biến, kênh tiêu
thụ, các mặt hàng liên quan đến dừa. Lễ hội còn có hội thảo, đấu xảo, trình
diễn ẩm thực đồng bằng, triển lãm thương mại của ngành công nghiệp, nông
nghiệp, thủy sản, xây dựng, du lịch, ngân hàng, hàng tiêu dùng phục vụ người
tiêu dùng mua sắm tết.
Lễ hội là một hoạt động đa ý nghĩa của tỉnh trong không khí tưng bừng
bước vào một mùa xuân mới với những niềm vui, ước vọng mới – Mùa xuân
giao thương và hội nhập.



Chương trình Lễ hội được thiết kế với nhiều ý tưởng và hình thức mới
lạ, đầy ấn tượng chưa từng có tại Việt Nam chắc chắn sẽ là sự kiện kinh tế
thương mại văn hóa lớn nhất đầu năm 2009 và đón xuân Kỷ Sửu trong nước.
(Kiều Vân - tổng hợp)
2. Sự kiện
Bài 1:
Chương trình “Tiếng hát từ nguồn cội” đón Năm mới Kỷ Sửu
Ngày 13/1/2009, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài
(UBNVNONN), Bộ Ngoại giao phối hợp với Cty RAAS sẽ tổ chức đêm ca
nhạc từ thiện “Tiếng hát từ nguồn cội” đón Năm mới Kỷ Sửu.Chương
trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài truyền hình Việt
Nam.Đặc biệt, đêm ca nhạc sẽ có màn giao lưu giữa Hoa hậu thế giới năm
2007 và 2008.
Thông điệp của “Tiếng hát từ nguồn cội” là tinh thần đại đoàn kết dân
tộc, tình cảm hướng về quê hương, nguồn cội - nơi nuôi dưỡng tâm hồn Việt
Nam, tiếng hát Việt Nam. Chương trình do đạo diễn Đinh Anh Dũng thực
hiện, gồm 3 phần:
Phần 1: Giao lưu giữa hoa hậu Thế giới năm 2007 và 2008
Phần 2: Chương trình ca nhạc của các ca sĩ Việt kiều và trong nước
với sự tham gia của các ca sĩ hải ngoại là: Thanh Hà, Phi Nhung, Ái Vân,
Lynđa Trang Đài, Tommy Ngô, nhạc sĩ Hoàng Thi Thi…, các nghệ sĩ trong
nước là: Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Linh, Hồ Quỳnh Hương, Quang Dũng, nhóm
Mặt trời mới...
Phần 3: Vinh danh một số cá nhân và doanh nghiệp kiều bào tiêu
biểu có nhiều thành tích trong công tác cộng đồng và đóng góp cho đất nước.
Chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng, hiện đại với tính chuyên
nghiệp cao và các ca sĩ Việt kiều sẽ trình bày những tác phẩm đặc sắc về tình
yêu quê hương, đất nước.Chắc chắn đêm ca nhạc “Tiếng hát từ nguồn cội” sẽ



gây được ấn tượng sâu đậm và tốt đẹp với đông đảo công chúng ở trong cũng
như ngoài nước.
Phát biểu tại buổi họp báo về chương trình này, Nguyên Phó Chủ tịch
nước Trương Mỹ Hoa chia sẻ: “Không phải kiều bào nào ở nước ngoài cũng
có một cuộc sống giàu sang, no đủ.Vì thế mục đích của chương trình là hướng
về cội nguồn, kêu gọi những tấm lòng hảo tâm cùng sẻ chia, giúp đỡ những
kiều bào gặp nhiều khó khăn ở nơi xa xứ.Tinh thần đó mới là ý nghĩa quan
trọng nhất của chương trình”.
Chương trình Đêm ca nhạc đặc biệt này sẽ thể hiện được phần nào tình
cảm của những người con Việt, dù sống ở trong nước hay ngoài nước, đối với
cội nguồn quê hương – nơi nuôi dưỡng tâm hồn Việt, tiếng hát Việt. Đồng
thời, thúc đẩy sự giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa trong và ngoài nước, tăng
cường tình cảm đối với quê hương, cổ vũ tinh thần đoàn kết dân tộc, qua đó
huy động sự đóng góp, tài trợ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp ở trong
nước và ngoài nước ủng hộ cho Quỹ Hỗ trợ, vận động cộng đồng NVNONN.
Quỹ Hỗ trợ này do UBNVNONN, Bộ Ngoại giao quản lý nhằm hỗ trợ
cho công tác về NVNONN như xây dựng trường học cho con em kiều bào ở
những địa bàn khó khăn, tổ chức các lớp dạy và học tiếng Việt, giữ gìn bản
sắc văn hóa và truyền thống dân tộc; tổ chức các đoàn nghệ thuật đi biểu diễn
phục vụ đồng bào ta ở nước ngoài cũng như các cuộc gặp gỡ thanh niên sinh
viên, trại hè và các chuyến thăm “Về nguồn”… Những năm qua, Quỹ đã tài
trợ hàng chục dự án với kinh phí nhiều tỷ đồng để hỗ trợ cho công tác đối với
NVNONN.Việc thành lập và duy trì hoạt động của Quỹ thể hiện sự quan tâm
to lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác về NVNONN.Tuy nhiên, với
nguồn kinh phí hạn hẹp từ ngân sách nhà nước, việc hỗ trợ của Quỹ cho công
tác về NVNONN còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được sự mong mỏi của
đồng bào ta ở nước ngoài.Việc tổ chức chương trình ca nhạc đặc biệt này
cũng nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, huy động thêm tài trợ của các nhà hảo tâm,
các doanh nhân, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước để Quỹ có thêm



nguồn lực phục vụ ngày càng tốt hơn lợi ích của đồng bào ta ở nước ngoài.
Việc thực hiện Chương trình “Tiếng hát từ nguồn cội” là sự kiện mở đầu cho
một loạt hoạt động sôi nổi về công tác đối với NVNONN năm 2009.Tiếp sau
chương trình này sẽ là chương trình Cầu Truyền hình Xuân Quê hương nhân
dịp Xuân Kỷ Sửu 2009, Hội nghị thành lập Hội doanh nhân Việt Nam ở nước
ngoài, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới, kỷ niệm 50 năm
ngày thành lập UBNVNONN, chuẩn bị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị quyết
36 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN.
(Theo Quê Hương)
3. Tết Việt
Bài 2: Những phong tục đẹp ngày Tết Việt
Tết Nguyên đán (Tết Cả) là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền
thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm
mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên đán
Việt Nam từ buổi "khai thiên lập địa" đã tiềm tàng những giá trị nhân văn thể
hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuânhạ-thu-đông và quan niệm "ơn trời mưa nắng phải thì" chân chất của người
nông dân cày cấy ở Việt Nam... Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng
nhớ, tri tâm tổ tiên, nguồn cội, giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý (ăn
quả nhờ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm làng ...Phong tục đón Tết của dân ta
thoạt nghe như chuyện thần tiên nhưng vẫn tồn tại vì trong cái huyền bí có
những ý nghĩa thực tế.
Tống cự nghênh tân:
Cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác
rưởi, cùng làng xóm dọn dẹp nhà thờ, lau giặt, cắt tóc, may sắm quần áo mới,
trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng.
Con cháu trong nhà từ phút giao thừa trở đi được nhắc nhở không được
nghịch nghợm, cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy... anh chị, cha mẹ cũng



không quở mắng, tra phạt con em, đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ
niềm nở, chúc nhau những điều tốt lành.
Tục đưa ông táo:
Tết Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp - người ta coi đây là ngày "vua
bếp" lên chầu Trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong
năm qua.Theo tập tục hàng năm ông Táo phải thu xếp lên trời vào ngày 23
tháng chạp để tâu bày mọi việc dưới trần thế với Ngọc Hoàng.Bởi thế nên,
trong ngày này, mọi gia đình người Việt Nam đều làm mâm cơm đạm bạc tiễn
đưa "ông Táo ". Cứ phiên chợ 23 tháng Chạp, mỗi gia đình thường mua 2 mũ
ông Táo, 1 mũ bà Táo bằng giấy và 3 con cá chép làm "ngựa" đế Táo quân lên
chầu trời. Sau khi cúng trong bếp, mũ được đốt và cá chép được mang ra thả
ở ao, hồ, sông...Ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của
Tết Nguyên đán.Sau khi tiễn đưa ông Táo người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa,
lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi
trang trọng để chuẩn bị đón tết.
Tục chưng mâm ngũ quả:
Cùng với tranh (tranh dân gian, câu đối), hoa quả là yếu tố tinh thần
cao quý thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân.Miền
Bắc có hoa Ðào, miền Nam có hoa Mai, hoa Ðào, hoa Mai tượng trưng cho
phước lộc đầu xuân của mọi gia đình người Việt Nam. Ngoài cành Ðào, cành
Mai, mấy ngày tết người ta còn "chơi" thêm cây Quất chi chít trái vàng mọng,
đặt ở phòng khách như biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc...
Tết trên bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình, ngoài các thứ bánh trái đều không
thể thiếu mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả ở miền Bắc thường gồm có nải chuối
xanh, quả bưởi, quả cam (hoặc quít), hồng, quất. Còn ở miền Nam, mâm ngũ
quả là dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, nhành sung. Ngũ quả là lộc của
trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc.



Tục dựng cây nêu:
Cây nêu ở đây là cây tre dài khoảng 2,5 – 3 mét, được dựng trước sân
nhà vào buổi tối trước giao thừa. Trên ngọn nêu có buộc nhiều thứ (tùy từng
địa phương) như cái túi nhỏ đựng trầu cau và ống sáo, những miếng kim loại
lớn nhỏ. Khi có giỏ thổi chúng chạm vào nhau và phát ra tiếng leng keng như
tiếng phong linh, rất vui tai. Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng
thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết
rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu... Vào buổi tối, người
ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với
con cháu.
Vào đêm trừ tịch còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới,
xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không maỵ.Cây nêu thường được dựng vào
ngày 23 tháng chạp, là ngày Táo quân về trời chính vì từ ngày này cho tới
đêm Giao thừa vắng mặt Táo quân, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về
quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà.Đến hết ngày mùng Bảy thì cây
nêu được hạ xuống.
Tục xông đất ngày Tết:
Ngày đầu năm cũng gọi là ngày Mồng Một Tết( Nguyên Đán),có ý
nghĩa đặc biệt trang nghiêm.Vì ngày đó bắt đầu một năm nên mọi công việc
làm trong khoảng 24 tiếng đồng hồ đều có ảnh hưởng trọn năm.Do vậy, tục
xông đất được coi là quan trọng hơn hết.
Ngay từ nửa đêm sau lễ giao thừa đánh dấu một năm đã qua, nhường
cho một năm mới tốt đẹp đến, nhà ở được coi như hoàn toàn đổi mới, người
bước chân tới xông đất sẽ là sứ giả do sự may mắn đưa đến! Do đó, mọi
người đã cân nhắc kỹ về nhân phẩm, chức phận, sự giàu sang, cũng như về
tính tình, hạn vận khi mong cầu người đến xông nhà ngày đầu năm là hệ trọng
hơn cả. Chính vì nghĩ đến ảnh hưởng của việc xông đất đên việc làm ăn cho
cả năm, nên các bậc cao niên rất thận trọng đối với người đến đầu tiên trong
ngày Nguyên Đán để mang lại cho họ sự tốt lành suốt năm mới.



Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc tết chừng năm mười phút
chứ không ở lại lâu, cầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà được trôi chảy
thông suốt.Người đi xông đất xong có niềm vui vì đã làm được việc phước,
người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo mình sẽ may mắn
trong suốt năm tới.Thời xưa chỉ có 2 cách chọn người tốt vía xông đất ngày
đầu năm.Kẻ làm quan, người có học chọn người xông đất có tuồi hợp tuổi với
chủ nhà.Người xông đất phải là đàn ông trụ cột trong gia đình. Đối với người
dân lao động thì đơn giản hơn nhiều. Người được chọn xông đất phải khoẻ
mạnh, tốt tính, và gia cảnh khấm khá, hoà thuận...
Tục chúc Tết:
Tết là dịp hội hè vui chơi sau một năm lao động vất vả, và là dịp để
những người tha phương tìm về sum họp với gia đình, cùng nhau tưởng nhớ
đến tổ tiên, cội nguồn.Đó là thời gian bày tỏ sự thương yêu thấm thiết và
mong muốn cho mọi người được như ý.Trong những ngày Tết họ kiêng cữ
không nóng giận, cãi cọ.Tết là dịp để mọi người hàn gắn những hiềm khích đã
qua và là dịp để chuộc lỗi.Mọi người đi thăm viếng nhau và chúc nhau những
lời đầy ý nghĩa.Lời chúc tết thường là sức khoẻ, phát tài phát lộc, những
người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau "tai qua nạn khỏi"hay "của đi thay
người"nghĩa là trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành.
Nhưng nhìn chung trong những ngày đầu năm, người ta thường kiêng không
nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa.
“Mồng một là Tết nhà cha”: sáng mùng một sau khi lễ gia tiên thì cha
mẹ được mời ngồi vào ghế để cho con cháu lần lượt mừng tuổi chúc Tết.
Ngày xưa họ còn được con cháu tế sống với hai lạy hai vái. Để mừng tuổi con
cháu là những bao lì xì đỏ tươi làm rạng ngời ánh mắt bọn trẻ.
“Mồng hai nhà mẹ”: cha mẹ và con cháu phải sang nhà ngoại để
mừng tuổi chúc Tết. Cũng tuần tự những nghi thức như bên nội vậy. Sau đó
thì nán lại để ăn cỗ đầu xuân nhằm thắt chặt tình cảm giữa hai gia đình.
“Mồng ba Tết thầy”: sau công ơn đấng sinh thành dưỡng dục là ơn dạy dỗ

của thầy cô. Đến mừng tuổi chúc Tết thầy cô là một phong tục nói lên tư cách


đạo đức của một con người.Có thể nói, tục chúc Tết là một nét văn hoá thể
hiện tình cảm sâu sắc và sự quan tâm, lòng hiếu thảo trong một thứ tự phải có
của sự tồn tại và phát triển của một dân tộc.
Tục khai bút, khai nghề:
Cũng vào dịp đầu Xuân, người có chức tước khai ấn, học trò, sĩ phu
khai bút, nhà nông khai canh, người buôn bán mở hàng lấy ngày.Sĩ, Nông,
Công, Thương "Tứ dân bách nghệ" của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn
năm mới vận hội hành thông, làm ăn suôn sẻ.Sau ngày mùng Một, dù có mải
vui tết cũng chọn ngày "Khai nghề", "Làm lấy ngày".Nếu như mùng Một tốt
thì chiều mùng Một bắt đầu.Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ
Hoàng đạo không kể mùng Một là ngày tốt hay xấu.Người thợ thủ công nếu
chưa ai thuê mướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình một sản phẩm, một
dụng cụ gì đó.Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu
xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi
chơi xuân.
Chơi Cờ bạc:
Ngày xưa các gia đình có nề nếp quanh năm cấm đoán con cháu không
được cờ bạc rượi chè nhưng trong dịp tết, nhất là tối 28, 29; gia đình quây
quần bên nồi bánh chưng thì người bố cho phép vui chơi.Tam cúc, cờ gánh,
cờ nhảy, cờ tướng, kiệu, chắn, tổ tôm... ai thích trò nào chơi trò ấy. Ðến lễ
khai hạ, tiễn đưa gia tiên, coi như hết Tết thì xé bộ tam cúc, thu bàn cờ tướng,
cất bộ tổ tôm hoặc đốt luôn hoá vàng.
Kiêng hót rác đổ đi trong ba ngày Tết:
Trong "Sưu thần ký" có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi
qua hồ Thanh Thảo được thuỷ thần cho một con hầu tên là Như Nguyên, đem
về nhà được vài năm thì giàu to. Một hôm, vào đúng ngày mùng Một Tết, Âu
Minh đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà Âu Minh lại

nghèo như xưa.Kể từ đó, người ta có tục kiêng không hót rác.
Kiều Vân (Tổng hợp)


Bài 3: Hoa Tết Sài Gòn
Tôi cũng chẳng còn nhớ chính xác lần đầu tiên vào Sài Gòn là năm
nào, cũng khoảng ba bốn năm về trước, trong chuyến thăm quê nội những
ngày giáp Tết.
Có thể nói, khung cảnh nơi đây thực sự làm tôi choáng ngợp.Bắt đầu từ
20 tháng Chạp trở đi, Sài Gòn giống như một vườn hoa khổng lồ.Từ chợ lớn
đến chợ nhỏ, chỗ nào cũng có hoa bán.Hoa đồng bằng sông Cửu Long theo
đường sông, đường bộ đưa lên. Hoa từ Hà Nội chuyển bằng tàu hoả, máy bay
mang vào. Nhiều nhất vẫn là hoa Đà Lạt được chở bằng xe tải về thành phố.
Theo các chủ vườn, từ ba, bốn tháng trước Tết, họ đã phải tính toán
trồng loại hoa nào, số lượng bao nhiêu để đủ cung cấp cho thị trường.Các loại
cúc, lay ơn, huệ và mai được trồng nhiều nhất vì đây là các loại hoa thích hợp
để cúng bái, trang trí nhà cửa trong dịp Tết.
Những ngày cuối năm, thời tiết Sài Gòn se se lạnh.Tôi cùng ông nội
dạo chợ hoa tổ chức ở công viên 23/9, gần cửa chợ Bến Thành.Cảm giác đầu
tiên của tôi là sung sướng đến sững sờ trước một rừng hoa muôn sắc muôn
hương.Hàng trăm loài kì hoa dị thảo từ khắp mọi miền đất nước tụ hội về đây,
tạo thành một hội hoa xuân tưng bừng, rực rỡ. Phong lan, địa lan với vẻ đẹp
kiêu sa, đài các, xứng đáng là “Vương giả chi hoa” được mọi người trầm trồ
khen ngợi. Hồng nhung đỏ thắm, hồng vàng lộng lẫy khoe tươi bên lay ơn,
thược dược, cẩm tú cầu, hướng dương, loa kèn, cẩm chướng…Hoa nào cũng
đẹp cũng quyến rũ vô cùng! Quả là tạo hoá đã hào phóng ban tặng cho con
người những món quà đa dạng và phong phú từ thiên nhiên kì diệu.
Chúng tôi cũng như mọi người khách, tập trung lại chỗ trưng bày hoa
mai.Có những chậu mai ghép cho tới mấy mầu hoa: Trắng, vàng, vàng
nghệ.Bông mai kép vài ba tầng cánh, khác hẳn mai thường.Những cây mai

kiểng được uốn thành nhiều hình dạng lạ mắt, thể hiện công phu và tài năng
của các nghệ nhân làm vườn.


Ông nội tôi nói, mấy năm nay gần đây, người Sài Gòn ngoài thú chơi
mai còn thích chơi đào.Ông kể, năm ngoái, để chọn được cây đào ưng ý, ông
đã phải đi dạo chợ hoa dăm ba lần.Những cây đào thế có hình dáng đặc biệt
được đưa ra giá vài triệu đồng, thậm chí cả chục triệu đồng.
Càng về đêm, chợ hoa càng đông.Mặc những cơn gió se lạnh, chúng tôi
vẫn háo hức, say mê thưởng thức hương sắc đặc biệt của mùa xuân.Và tôi
cũng cảm nhận được điều đó trong ánh mắt, nụ cười, giọng nói của mọi người
xung quanh.Hai ông cháu cũng được dịp chụp ảnh kỷ niệm, lấy những gốc
mai, gốc đào, chậu cảnh làm nền.
Năm ngoái, ông nội tôi lên tận làng hoa Gò Vấp mua về một cây mai để
trưng trong phòng khách.Sau Tết, ông đem trồng trước sân.Khi mọi người
đang náo nức chờ Tết đến, cây mai dường như cũng âm thầm chuẩn bị đón
xuân – mùa mà nó sẽ phô bày hết vẻ đẹp rực rỡ mà tạo hoá ban cho nó.
Đi hết mấy lượt chợ hoa, cuối cùng thì hai ông cháu tôi cũng đã tìm
được hai chậu hoa vừa ý cho mình, một chậu đào ông chọn và một chậu mai
tôi ưng.Ông bảo rằng hoa đào là thứ hoa tượng trưng cho mùa xuân phương
Bắc, còn hoa mai tiêu biểu cho mùa xuân phương Nam.
Cây mai, sau khi được tuốt lá một tuần, thì đã nảy chi chít những chùm
nụ màu xanh, xen lẫn những túm lá non màu tím nhạt, phất phơ trong gió se
se lạnh.Lác đác vài bông hoa nở sớm xoè cánh mỏng như lụa, vàng tươi như
nắng mặt trời, khiến lòng người thêm rạo rực.
Còn cây đào, trên những cành khẳng khiu màu nâu đất, các nụ đào đã
nảy khắp cành.Chỉ vài ngày nữa thôi là cả cây sẽ được bao trùm một màu
hồng rực, tạo nên vẻ quyến rũ lạ lùng.
Trong hàng trăm loại hoa ở chợ Sài Gòn, hoa nào cũng có những vẻ
đẹp riêng, nhưng đặc biệt hơn cả vẫn là hoa đào và hoa mai.Hai thứ hoa này

mang tới cho con người sức sống rạo rực của mùa xuân.Sắc đỏ của hoa đào
sánh cùng sắc vàng rực rỡ của hoa mai như báo trước một năm mới với bao
điều may mắn và hạnh phúc cho con người.


Không khí náo nức của Tết đã theo hoa đến với từng con đường, từng
hẻm nhỏ, từng ngôi nhà trong thành phố thân yêu này.
Kiều Vân (Thông tin đối ngoại 25)
Bài 4: Trái vả và chuối chát chua ngọt: Món quà xứ Huế
Tết là rộn ràng bánh bứt và bao của ngon vật lạ… với bàn tay khéo léo
tài hoa của phụ nữ Huế, tất cả các thức ấy đều rất ngon, đẹp và vô cùng hấp
dẫn, bởi thói thường người ta thưởng thức món ăn bằng cả khứu giác, thị giác
và thính giác mà.
Nếu hoa hoa là phải có màu sắc và hương thơm, bánh mứt luôn có vị
ngọt để uống với trà ngon thì rượu cay cần phải có đồ nhắm. Vào ngày Tết, ở
Huế ngoài những món sang trọng như nem, chả, tré… cũng có một vài món
dân dã để nhâm nhi cùng rượu rất tuyệt vời, đó là trái vả và chuối chát chua
chua ngọt, tuy là món bình dân, rẻ tiền nhưng lắm người giàu rất mê, món
nhậu này luôn hiện hữu và chiếm vị trí không kém phần quan trọng trong thực
đơn ngày Tết của mọi nhà.
Đây là một loại kim chi mà thời gian sử dụng và bảo quản được khá
lâu, ta vẫn có thể dùng được trong tròn một tháng giêng.Cứ vào khoảng từ 25
tháng Chạp, trong mỗi gia đình đều bắt đầu làm món đặc biệt này.Với các
tiệm chuyên kinh doanh thực phẩm Tết, họ đã lùng sục khắp các chợ, có khi
phải đến tận các vườn ở Kim Long, Nguyệt Biều, Long Thọ để mua trái vả,
trái chuối chát, do vậy mà giá cả các mặt hàng này đến gần ngày Tết thường
tăng lên vùn vụt, bởi năm mới có một lần, đắt mấy cũng phải theo, chẳng ai
kêu ca than vãn, cứ thế mà chen nhau chọn mua.
Món này rất dễ làm, trước tiên là chọn trái vả thật tươi, vỏ xanh biếc,
ruột đỏ hồng, gọt sạch vỏ, dầm nước muối cho bớt vị chát và giữ được màu

trắng xanh, khứa từng lát mỏng theo hình tròn của trái vả trông cho đẹp mắt
và cũng để dễ ăn, dấm và đường đun sôi để nguội, xếp trái vả vào thẩu, trộn
thêm ít ớt đỏ tươi, một vài múi tỏi để có vị cay, lưu ý là phải có gừng để có


được mùi thơm và để ăn vào bụng cho ấm.Màu đỏ của ớt, màu trắng của tỏi,
màu vàng của gừng tạo thêm hương sắc hấp dẫn.
Chuối chát chua ngọt còn gọi là sùng bởi nói được tạo hình dáng như
một con sùng, chọn trái chuối đừng non mà sẽ bị mềm, nhưng nếu quá già thì
sẽ bị cứng và chát, với những trái ở độ tuổi dậy thì là ngon nhất, cách làm
giống như trái vả vậy, càng nhiều ớt tỏi gừng càng ngon. Có lẽ điều thu hút
mọi người nhất là trái vả và chuối chát không những ngon mà còn vừa túi tiền
của mọi thành phần trong xã hội.Thường người ta xếp vả và chuối chát trong
cùng một thẩu, vừa đẹp mắt vừa đủ chủng loại.Ngày Tết, ai cũng ngán thịt
mỡ, bánh mứt ngọt lịm, được ăn một miếng vả hoặc sùng chua ngọt thay đổi
khẩu vị thật là khoái khẩu. Các tiệm bán buôn quà Tết của Huế không bao giờ
thiếu mặt hàng này, đây cũng là món quà xuân thanh lịch, đầy ý nghĩa cho
bạn bè và người thân nhân dịp Tết đến.
(Theo Việt Nam Net)
4. Phỏng vấn
Bài 5:
Phụ nữ Việt ở hải ngoại và phong tục ngày Tết
Tết là một ngày lễ vô cùng trọng đại của người Việt Nam.Dù ở bất cứ
nơi nào, mỗi dịp Tết đến hầu như nhà nào cũng phải sửa soạn một chút gì đó
để gọi là đón Tết. Và trong dịp này, người nội trợ đóng một vai trò khá quan
trọng.Từ khâu sắm sửa, chuẩn bị thức ăn, cho đến việc trang hoàng nhà cửa...
nhất nhất đều phải có bàn tay người phụ nữ.Đối với những gia đình người
Việt ở hải ngoại, gần đến Tết, thì các chị em phụ nữ lại càng bận rộn hơn.
Với mục đích duy trì Tết Việt Nam trên xứ người cho gia đình và con
cái, ngoài giờ đi làm như moị người, các chị em còn phải chuẩn bị rất nhiều

thứ.Sau đây là những lời tâm sự của các chị em phụ nữ ở hải ngoại vào dịp
Tết trong việc giữ gìn phong tục tập quán của người Việt chúng ta.
Chị Ngọc Dung, hiện ở Toronto, Canada, một nơi mà Tết Việt Nam
đến vào những ngày mùa đông lạnh lẽo, tuyết phủ khắp trời. Thế nhưng, mặc


dù thời tiết giá lạnh, chị vẫn cố gắng làm sao cho có được một chút gì đó của
không khí ngày Tết. Được hỏi, năm nay, chị chuẩn bị ăn Tết ra sao, chị nói:
Chuẩn bị chút chút cho có ý nghĩa, thực ra, ai cũng bận rộn hết, nếu
mình không nhớ là …quên luôn…Mỗi năm, mình cũng nhớ cái phong tục của
các cụ, tổ chức ở nhà, không cầu kỳ lắm thì cũng phải có chút ý nghĩa…
chuẩn bị các món ăn ngày Tết, như giao thừa, cũng cố gắng thổi xôi, nấu chè,
chè kho…
Cũng có chút phong bao lì xì cho các cháu, cũng có bánh mứt, hoa quả
để cúng tổ tiên. Ở nhà thì nấu món ăn tượng trưng ngày Tết, làm dưa chua,
giò thủ, mua hay đặt, bánh chưng… nhiều khi còn làm thịt nấu đông nữa…
Ngày Tết không rơi được vào weekend nên phải cố gắng đợi đến ngày
weekend, mời bạn bè đến…
Chị cũng cho biết rằng vào đêm giao thừa, thời tiết có lạnh đến mấy đi
chăng nữa, chị vẫn cố gắng đi hái lộc đầu năm, có năm thì còn đi xin “xâm”
và coi bói, chị kể:
Ở đây, mình cũng có gọi là “hái lộc” tổ chức ở chuà, nhưng mà xin
xâm thì không có nữa. Nếu mình đi chuà nào mà không có xâm thì không xin
được…Ngày Tết thì bên này không có cơ hội coi bói, nhưng thầy nào hay thì
mới coi thôi…nhưng coi cho vui thôi, chứ không tin theo kiểu dị đoan.
Còn chị Thu Hồng, ở Tây Đức, tuy đã sống xa quê hương gần 25 năm,
nhưng mỗi lần Tết đến, chị đều cố gắng làm các món ăn truyền thống của
người Việt như gói bánh chưng, giò thủ, nấu thịt đông. Ngoài ra, chị còn dậy
cho các con biết về ý nghĩa của ngày Tết, nhất là tục cúng ông Táo, lễ giao
thừa, chúc Tết vào sáng mồng Một. Chị nói:

Trong gia đình, các con thì phải giải thích cho tụi nó, ngày 23 tháng
chạp, cúng ông táo về trời, rồi sau đó đêm giao thưà, thì chuẩn bị bánh
chưng…mình cũng phải giải thích cho tụi nó hiểu những phong tục như vậy.
Ở đây, mình cũng gói giò thủ, làm mứt dưà, mứt gừng, gói bánh chưng.Ở


Đức, nếu gặp dịp đi Pháp về thì mua được lá tươi, thì gói bằng lá đông đá, để
cho mềm rồi rửa sạch…Thường thì chỉ gói trước một hai ngày thôi.
Chị cũng cho hay rằng vì ở xứ người, phải vất vả làm ăn nên nếu Tết
rơi vào ngày thường thì việc ăn Tết với cộng đồng người Việt hoặc các nhà
thờ, chuà chiền có tổ chức lễ giao thừa thì cũng phải chờ vào ngày thuận tiện
cho mọi người. Cho nên, nhiều khi cũng chẳng còn vào đúng vào ngày Tết
như ở Việt Nam, chị cho hay: Đi lễ giao thưà thì ít vì nó vào ngày thường,
nên dời hết vào ngày cuối tuần, thứ Bảy hay Chủ Nhật…Nhiều khi phải dời
qua ngaỳ 17 tháng 2, thì cũng mừng Tết vào ngày đó.
Riêng với chị Thuỷ, ở Sugartt, thuộc miền Nam nước Đức thì lại
khác.Nơi chị đang sinh sống là một thành phố nhỏ, có rất ít người Việt.Có lẽ
vì thế nên từ khi chị và gia đình đặt chân đến đây, đã 28 năm qua, mỗi lần Tết
đến, chị đều giữ tập quán mà ngày xưa khi còn ở quê nhà, được mẹ dậy cho.
Chị nói:
Theo phong tục Việt Nam, từ ngày 23 đến Tết, mình thường giặt giũ đồ
đạc, nhất là bàn thờ, lau bụi, y như ở Việt Nam, tới ngày Tết mình hay chùi
lư…ở hải ngoại thì không có lư thì mình quét tượng cho hết bụi…Gần Tết,
mình hay mua bông, mình làm một bàn thờ. Trên bàn thờ đó có chưng bông,
mâm ngũ quả, rồi chuẩn bị nấu đồ ăn trước, vì người ta nói nấu trước, mồng
1 không nên nấu vì nếu không, cả năm sẽ khổ…
Vì ở nơi xa xôi, không có người Việt nhiều, nên tục xin xâm, coi bói
đầu năm chị không còn giữ, nhưng bù lại, chị luôn giữ việc “xông đất” đầu
năm. Chị kể:
Coi bói xin xâm thì mình không coi, nhưng mình giữ phong tục xông

đất. Ngày mồng một, mình chọn người nào hợp trong nhà, vui vẻ, mình sẽ
mời người đó hoặc là người đó là sẽ là xông đất đầu tiên đến nhà mình….
Chị cũng tâm sự rằng, mỗi khi Tết đến, lòng chị luôn bồi hồi nhớ lại
hương vị Tết nơi quê nhà.Thế nên, ngoài việc lo cho gia đình ăn Tết, chị còn


muốn duy trì và dậy dỗ cho con cái biết Tết Việt Nam là gì, dẫu cho các con
chị đều sinh ra và lớn lên tại Đức. Chị nói:
Thực sự, khi mình rời xa quê hương, cái Tết mình vẫn nhớ bên quê nhà
rất nhiều…vẫn nhớ cái hương vị, cành bông mai, những không khí…Bây giờ
mình muốn cho con mình biết phong tục Việt Nam mình, thành ra, đêm 30 là
cúng tổ tiên, con cái cũng biết cầu nguyện…
Đó là tâm sự của một số chị em ở Đức, còn ở Thuỵ Sĩ, tại một làng
nhỏ, nơi chỉ có chừng 5 gia đình Việt Nam cư ngụ, chị Nguyệt cho hay rằng:
gia đình chị đã sống ở nơi này đã 28 năm qua.Mỗi năm Tết đến, ba mẹ chị
đều cố gắng sửa soạn sao cho đúng ý nghĩa ngày Tết Việt Nam. Chị kể lại:
Mình phải gói bánh, tự gói, mua lá, ở Thuỵ Sĩ naỳ thì mỗi tháng có hai
lần họ có về đồ tươi, trái cây, lá chuối, ngày 30 Tết thì tự nấu, lo cúng kiến
trong nhà…Đêm giao thừa thì nấu chè, cúng, nhưng không đốt vàng mã vì
Thuỵ Sĩ không thích cho đốt…
Ở các nước châu Âu, tuy người Việt tương đối ít ỏi, nhưng các chị em
vẫn luôn vẫn cố gắng gìn giữ tập quán của người Việt mình trong dịp tết.Và
ngay tại Hoa Kỳ cũng vậy, ở các tiểu bang xa xôi, ít có người Việt sinh sống,
các chị em cũng cố gắng bảo nhau gìn giữ truyền thống ăn Tết nơi xứ người.
Chị Thanh, ở một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang Wisconsin 30 năm
qua, cho hay rằng, vì bận rộn đi làm, quên cả thời gian, may sao một chị bạn
nhắc Tết đến rồi, thế là cũng phải làm sao thu xếp bàn thờ trong gia đình để
đón Tết. Nhưng theo chị, ở đây, với lứa tuổi trung niên như chị thì còn cố
gắng giữ gìn, còn lớp trẻ hơn thì không biết sau này, liệu có còn tiếp tục duy
trì Tết Việt Nam hay không, chị nói:

Cũng làm bàn thờ, cúng. Tuổi bốn mươi mấy trở lên thì vẫn giữ phong
tục Việt Nam, còn ba mươi trở xuống thì không nghĩ tới, còn người lớn tuổi
thì vẫn cúng kiến…Có nhiều người không đi chuà, xin xâm… nhưng người ta
cúng ở trong nhà.


Trên đây là tâm sự của một số chị em ở khắp nơi, đang sinh sống tại
những vùng xa xôi, ít có người Việt cư ngụ.Dù cho hoàn cảnh nơi xứ người
như thế nào chăng nữa, trong dịp Tết Nguyên Đán này, các chị em luôn cố
gắng duy trì những tập tục từ thời ông bà để lại.Đó cũng là một đóng góp
không nhỏ trong việc giữ gìn truyền thống cao đẹp của người Việt ở xứ
người. Bên cạnh đó, còn làm cho bản thân họ tìm lại được hương vị tết nơi
quê nhà, như lời chị Ngọc Dung ở Toronto, Canada tâm sự:
Tết ở đây không có không khí như ở Việt Nam, nếu như mình không
đến chùa chiền, không đến các tổ chức sinh hoạt cộng đồng thì nhà ai biết
nhà nấy…Mỗi năm mình lại nhớ lại ngày xưa thì cố gắng làm sao để cho có
được cái hương vị Tết. Mỗi lần đến Tết, mình chỉ muốn duy trì phong tục có
từ trước, mình cảm thấy lòng cũng ấm áp thêm một tí.
(Nguồn Đài RFA)

III. Ý tưởng trình bày
Ý tưởng bố cục trình bày của trang ấn phẩm được thể hiện theo maket
thu nhỏ dưới đây.


Chuyªn trang tÕt viÖt
Sù kiÖn

Tin tøc


Bµi 1
Bµi 2

Tin 1

Tin 2
Bµi 3

Bµi 4

Bµi 5

Tin 3


HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN
KHOA QUAN HỆ QUỐC TẾ

Tác giả: Nguyễn Thị Kiều Vân
Lớp: Thông tin đối ngoại 25
Giáo viên hướng dẫn: Th.S Nguyễn Đình Hoà

BÀI TẬP LỚN

Môn: Tổ chức sản xuất ấn phẩm thông tin đối ngoại I

Đề tài: Tổ chức 1 trang ấn phẩm thông tin đối ngoại
Hà Nội, tháng 12 năm 2008



Môc Lôc
I. Phần mở đầu.................................................................................................1
1. Lý do chọn đề tài.................................................................................1
2. Đối tượng công chúng.........................................................................2
3. Mục đích trang ấn phẩm......................................................................2
4. Nhiệm vụ đặt ra...................................................................................3
II. Nội dung ấn phẩm......................................................................................4
1. Tin tức...........................................................................................................4
Cầu truyền hình Xuân Quê Hương cho kiều bào....................................4
Chợ hoa Tết Kỷ Sửu tổ chức ở 3 điểm....................................................5
Lễ hội Dừa Tỉnh Bến Tre lần thứ I..........................................................5
2. Sự kiện...........................................................................................................6
Chương trình “Tiếng hát từ nguồn cội” đón Năm mới Kỷ Sửu..............6
3. Tết Việt..........................................................................................................8
Những phong tục đẹp của Tết Việt.........................................................8
Hoa Tết Sài Gòn....................................................................................13
Trái vả và chuối chát chua ngọt: Món quà xứ Huế...............................15
4. Phỏng vấn....................................................................................................16
Phụ nữ Việt ở hải ngoại và phong tục ngày Tết....................................16
III. Ý tưởng trình bày...................................................................................20




×