SỞ GD&ĐT NGHỆ AN
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH LỚP 9 CẤP THCS
NĂM HỌC 2011 – 2012
Đề chính thức
Môn thi: NGỮ VĂN - BẢNG A
Thời gian làm bài: 120 phút
Câu 1 (8,0 điểm):
“Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó, nhưng chớ quên người cầm đèn đang kiên nhẫn
đứng trong đêm” (R. Ta - gor).
Trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên.
Câu 2 (12,0 điểm):
“Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự
sống mà nghệ sỹ mang trong lòng”.
(“Tiếng nói của văn nghệ” - Nguyễn Đình Thi - Ngữ văn 9 - tập 2)
Hãy làm rõ điều đó trong bài thơ “ Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải (Ngữ văn 9 –
tập 2).
------ Hết ------
Họ và tên thí sinh:......................................................................... Số báo danh:....................
SỞ GD&ĐT NGHỆ AN
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH LỚP 9 CẤP THCS
NĂM HỌC 2011 – 2012
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI CHÍNH THỨC
Môn: NGỮ VĂN - BẢNG A
( Hướng dấn chấm gồm có 02 trang)
I. Hướng dẫn chung
- Giám khảo nắm bắt được nội dung trình bày trong bài làm của học sinh để đánh giá một cách
tổng quát. Cần linh hoạt khi vận dụng hướng dẫn chấm, tránh đếm ý cho điểm một cách máy móc.
Phát hiện và trân trọng những bài làm thể hiện tính sáng tạo, tư duy độc lập. Nếu học sinh làm bài theo
cách riêng (không có trong đáp án) nhưng đáp ứng yêu cầu cơ bản, hợp lý, có sức thuyết phục vẫn
được chấp nhận.
- Tổng điểm toàn bài là 20,0 điểm, chiết đến 0,25 điểm. Hướng dẫn chấm chỉ nêu những thang
điểm chính, giám khảo bàn bạc thống nhất trong việc chi tiết hóa điểm số.
II. Những yêu cầu cụ thể
Câu 1.(8,0 điểm)
* Yêu cầu về kĩ năng :
- Biết kết hợp nhiều thao tác lập luận để viết một bài văn nghị luận xã hội.
- Bài viết có bố cục rõ ràng, trình bày chặt chẽ, dùng từ đặt câu đúng, diễn đạt trong sáng, giàu
tính biểu cảm và sức thuyết phục.
*Yêu cầu về kiến thức: Học sinh hiểu và nêu được những suy nghĩ của cá nhân về vấn đề đặt ra trong
đề bài.
1. Giải thích về nội dung ý nghĩa của câu nói: (3,0 điểm)
a. Giải thích nghĩa đen ( 0,5 điểm): ánh sáng của ngọn đèn giúp soi rõ mọi vật, tỏa sáng bóng
đêm. Nhưng để có được ánh sáng đó phải có người làm ra ngọn đèn và người cầm đèn soi sáng trong
đêm .
b. Ý nghĩa biểu tượng (2,5 điểm):
- Hình ảnh ngọn đèn, ánh sáng của ngọn đèn chỉ những thành quả tốt đẹp do cuộc đời mang lại.
Người cầm đèn tượng trưng cho những đóng góp, những hy sinh lặng thầm bền bỉ.
→ Nhắc nhở chúng ta phải biết ơn, trân trọng những thành quả đang có, biết tri ân những người
làm ra nó và đặc biệt là phải hiểu, tri ân trước những hi sinh âm thầm, khó thấy.
2. Suy nghĩ, đánh giá của người viết về ý kiến: (5,0 điểm)
Học sinh được tự do nêu những ý kiến của mình trên cơ sở những định hướng cơ bản sau:
- Khẳng định tính đúng đắn của câu nói.
- Khẳng định ý nghĩa nhân văn và giá trị giáo dục của nó (Nhắc nhở, hướng con người đến với lối
sống ân nghĩa) .
- Bàn bạc mở rộng vấn đề, liên hệ thực tiễn (có thể nêu ra hai mặt của vấn đề để bàn luận: Lối
sống tri ân và lối sống bội bạc, vô tình).
Câu 2. (12,0 điểm)
* Yêu cầu về kĩ năng :
- Biết kết hợp nhiều thao tác lập luận để viết một bài văn nghị luận văn học.
- Bài viết có bố cục rõ ràng, trình bày chặt chẽ, dùng từ đặt câu đúng, diễn đạt trong sáng, giàu tính
biểu cảm và sức thuyết phục.
- Có kĩ năng cảm thụ về tác phẩm văn học.
* Yêu cầu về kiến thức:
1. Giảỉ thích nhận định: (4,0 điểm)
Ý kiến trên là sự khẳng định các giá trị đồng thời của tác phẩm văn chương.
- Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác: Tác phẩm là đứa con tinh thần của nhà
văn, là nơi nhà văn gửi gắm những tình cảm sâu sắc nhất, những cảm xúc chân thành nhất, những khát
vọng mãnh liệt nhất về con người và cuộc sống.
- Tác phẩm vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sỹ mang trong lòng:
Tác phẩm là cầu nối giữa nhà văn với bạn đọc. Nhà văn tự quan sát thế giới hiện thực, rồi từ đó tái
hiện, tái tạo một đời sống riêng trong tác phẩm của mình. Đến lượt mình, tác phẩm lại đưa đời sống cá
biệt ấy đến với cuộc đời chung, với mọi người, tạo ra sự đồng cảm, đồng điệu, tiếng nói tri âm, tri kỉ
giữa tác giả với các thế hệ bạn đọc.
2. Làm rõ vấn đề trên trong tác phẩm: “ Mùa xuân nho nhỏ” (8,0 điểm)
Học sinh bám vào những chi tiết nghệ thuật đặc sắc và hoàn cảnh ra đời của bài thơ để làm rõ những
nội dung sau:
- “Mùa xuân nho nhỏ”là tiếng nói chân thành, tha thiết của nhà thơ Thanh Hải: tiếng nói của một
tâm hồn nghệ sỹ tinh tế, nhạy cảm, yêu say mê vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời; tiếng nói của một con
người yêu, gắn bó sâu nặng với cuộc đời, với quê hương đất nước.
- Bài thơ là tiếng lòng náo nức, là khát vọng mãnh liệt, là ước nguyện chân thành được dâng hiến
những gì đẹp đẽ nhất cuộc đời mình cho quê hương, cho cuộc đời chung.
- Với sự chân thành của cảm xúc, sự tinh tế, giàu sức biểu cảm của ngôn từ và hình ảnh, “Mùa
xuân nho nhỏ” đã tạo nên một sự cộng hưởng giữa nhà thơ với độc giả để rồi trở thành tiếng hát của
muôn người, tiếng hát của lý tưởng sống cao đẹp, cái “Tôi” riêng của người nghệ sỹ đã hòa vào cái
“Ta” chung của cuộc đời, làm thức dậy trong mỗi con người ý thức về một lẽ sống đẹp.
→ “Mùa xuân nho nhỏ” là sự kết tinh, chắt lọc của tâm hồn thơ Thanh Hải, một tiếng nói nhỏ
nhẹ, khiêm nhường mà có sức lay động, mà làm xao xuyến lòng người.
Lời thơ cất cánh từ cảm xúc, tình cảm riêng của cái “Tôi” trữ tình đã có sức tác động mạnh mẽ đến
tâm hồn tình cảm mỗi con người ./.
---------- Hết ----------