Ngô Viết Trọng
Lý Trần Tình Hận
Chương 14
Hôm ấy, vua Thái Tôn đang ngự thuyền rong chơi trên sông Thao. Trước và
sau thuyền rồng đều có thuyền chở những lính hộ vệ. Thình lình một anh dân chài
ăn mặc rách rưới đến gần một người lính xin ra mắt vua. Y nói có chuyện cơ mật
cần báo cáo gấp. Người lính trình lại, vua ngạc nhiên cho đòi vào. Sau khi lục xét
kỹ khắp thân thể người lạ không thấy có gì khả nghi, tên lính hầu dẫn y đến trước
mặt vua. Vừa thấy vua, người lạ bỗng quì xuống khóc tức tưởi. Vua bỡ ngỡ một
chút rồi lật đật bước tới đỡ người ấy đứng dậy, hai người ôm nhau mà khóc. Bọn
lính hầu vô cùng ngạc nhiên trước cảnh tượng lạ đời ấy. Sau đó chúng quân mới
biết người lạ chính là Hoài vương Trần Liễu. Thái Tôn truyền lấy quần áo cho
Hoài vương thay rồi cho quân hầu ra ngoài hết. Xong ngài hỏi vương về những
chuyện đã xảy ra trong thời gian vừa rồi...
Sau khi Hoài vương thành thật kể lại mọi chuyện với vua Thái Tôn, nhà vua nói
với giọng bùi ngùi:
- Cái giống phản chủ nó đã làm cho vương huynh lâm tình cảnh thảm thiết như
thế đó! Nếu trẫm hồ đồ một chút thì hai vương tử cũng mang khốn rồi!
Hoài vương chợt thấy nhói trong lòng. Vua Thái Tôn đâu có ghét bỏ gì vương
đâu! Vua vẫn nặng tình, vẫn thương yêu vương cơ mà!
- Thế bây giờ tình trạng hai vương tử như thế nào?
- Vương huynh yên chí! Hai cháu vẫn mạnh khỏe. Sau khi Thái sư đã ra lệnh tịch
biên gia sản và phân tán kẻ ăn người ở trong phủ vương huynh, trẫm đã cho đưa
hai cháu về hoàng cung, cho ở phòng riêng, vẫn cắt cử giáo sư giỏi dạy dỗ và cho
người hầu hạ săn sóc chúng đàng hoàng.
- Cám ơn bệ hạ. Thế viên quản gia Đinh Lang bây giờ ở đâu?
- Tên phản chủ ấy bây giờ đang ở trong phủ Thái sư. Chính hắn đã báo cáo với
Thái sư rằng vương huynh tổ chức nổi loạn, vương huynh còn tiếc gì hắn nữa?
- Tôi vẫn tin tưởng và đối đãi với nó như bát nước đầy, thật không ngờ được!
Hoài vương bùi ngùi nghĩ đến cảnh tan nát không thể nào hàn gắn được của
mình. Vương lại nghĩ về Thuận Thiên công chúa. Bây giờ nàng còn nhớ đến ta
chăng? Nàng vui hay nàng buồn? Vương nhìn vẻ mặt thông minh, hiền lành của
vua Thái Tôn rồi nhớ đến gương mặt diễm kiều của Thuận Thiên, lòng vương đau
như cắt. Sao trời bắt ta khổ thế này? Thuận Thiên diễm lệ tuyệt trần nàng ơi! Ôi,
người cùng ta môi kề má áp bao nhiêu năm bây giờ để cho kẻ khác dày vò! Mỉa
mai thay, kẻ ấy lại là em ruột ta! Nó đang ngồi trước mặt ta đó! Nếu không có nó
thì ta đâu đến nỗi mất vợ! Nó không cố tình cướp đoạt thật, nhưng chính nó lại là
cái nhân gây nên chuyện! Ôi chao là nhục nhã! Tại sao ta phải sống nhục như thế
này? Lòng sân hận đang ngùn ngụt bốc lên trong người làm cho Hoài vương xâm
xoàng...
Giữa lúc đó, một viên thị vệ bước vào:
- Muôn tâu, Trần Thái sư đến xin gặp bệ hạ!
Vua Thái Tôn nói với Hoài vương:
- Bọn tai mắt của Thái sư nhanh đến thế là cùng! Vương huynh hãy tạm lánh vào
trong khoang thuyền một chốc vậy.
Hoài vương chợt tỉnh người, chân tay rụng rời. Ông bước vào ngăn trong của
khoang thuyền, mồ hôi ra như tắm. Thuyền Thái sư đã cập sát thuyền ngự. Thái
sư tay cầm kiếm tuốt nắp bước qua thuyền ngự, đi thẳng đến trước mặt vua Thái
Tôn:
- Bệ hạ, nghe nói giặc Liễu vừa đến đây, thần xin mạn phép trừ hắn để tuyệt hậu
hoạn!
Vua Thái Tôn đứng chắn cửa vào:
- Thái sư, Hoài vương đến đầu hàng đấy. Xin Thái sư bỏ qua cho!
Thấy vua Thái Tôn che chở Trần Liễu, Thủ Độ nổi giận quăng cây gươm xuống
sông, nói lớn:
- Tao thật chỉ là con chó săn! Biết đâu anh em mày hòa thuận với nhau hay
nghịch ý nhau?
Vua Thái Tôn phải khuyên lơn mãi Trần Thái sư mới chịu cho êm.
*
Sau khi Hoài vương đã yên ổn về triều, vua Thái Tôn lấy đất các ấp An Phụ, An
Dưỡng, An Sinh và An Bang giao cho Hoài vương làm thực ấp. Sau đó, vua cải
phong cho Trần Liễu thành tước An Sinh vương.
Tin hoàng huynh Trần Liễu được xá tội và được cải phong làm An Sinh vương
truyền đi làm dân chúng xa gần đều hài lòng. Chỉ mấy hôm sau thì Trần Quang
Thiệu cũng trở về ra mắt vương. Quang Thiệu trình cho vương biết, Đinh Lang,
người quản gia của vương trước đây chính là người đã ám hại vương. Tiếp tay
Đinh Lang, còn vài người khác nữa, ông đang phanh phui tìm hiểu thêm để vạch
tội chúng. Quang Thiệu cũng kể thêm như thế này:
Đinh Lang vốn là kẻ tham lam, gian ác. Trước đây y được Hoài vương cho dựng
một căn nhà trong khuôn viên vương phủ để gia đình y ăn ở cho tiện. Thời gian
giữ việc quản lý ở phủ cùng với Lữ Ngân, y đã ra tay chắt bóp, vơ vét bất cứ cái
gì làm được. Y là kẻ khéo nịnh chủ, được tín nhiệm nên những người khác biết
mà không ai dám hé miệng. Gần đây, Đinh Lang được người của Thái sư Trần
Thủ Độ móc nối để tìm tòi tội lỗi của Hoài vương. Khi biết được Hoài vương đã
mang án tử hình và Lữ Ngân đã chết, y càng lên mặt, không còn biết sợ ai nữa. Đã
có ý định bỏ chủ, Đinh Lang cho vợ con đi trước, chỉ giữ đứa con lớn mười tám
tuổi tên Đinh Vĩnh ở lại với mình. Khi vương bị nạn, tình trạng kẻ ăn người ở
trong phủ càng nhốn nháo. Hai cha con y ăn cắp thêm một mớ vàng trong phủ nữa
định đem đi thì bị một người tên Phát biết được hô hoán ngăn lại. Tên Vĩnh tuổi
trẻ hung hăng bèn đánh gục ông Phát. Không ngờ ông Phát lại có đứa con gái là
Diệu Liên, mười sáu tuổi, đang là nữ võ sinh ở một trường dạy võ gần đó. Diệu
Liên nghe tin cha bị đánh tức giận bèn rủ một toán bạn bè hơn mười người kéo
vào vây đánh hai cha con Đinh Lang tả tơi. Chống trả không nổi, cha con hắn
chạy vào nhà riêng đóng cửa lại. Nhưng toán thiếu nữ võ sinh này nhất quyết
không tha, vây nhà Đinh Lang phá phách dữ dội. Trong phủ người ta đều ghét
Đinh Lang nên đã chẳng ai thèm can, có người còn xúi giục họ đánh phá nữa. Ai
cũng chắc nẫm phen này cha con thằng phản chủ sẽ đền tội xứng đáng. Không
ngờ trong cơn nguy cấp, chúng đã nghĩ ra được một mưu. Cả hai cha con đồng
loạt cởi truồng tồng ngồng, ôm quần áo ở tay, thình lình mở cửa xông ra. Bọn
Diệu Liên thấy vậy hổ thẹn quay mặt tránh vẹt ra hết. Nhờ đó cha con Đinh Lang
mới thoát thân được. Bây giờ thì chúng đang ở phủ Thái sư...
Nghe xong, An Sinh vương thở dài:
- Bây giờ có điều tra ra tội ác của chúng ta cũng lấy mắt mà ngó chứ làm được
gì? Đáng tiếc là cha con tên ác nô ấy không bị chết dưới tay bọn con gái đó!
Quang Thiệu nói:
- Vương gia đừng lo! Trần Thái sư ngày càng già không lẽ ông ta lột da sống mãi
cho chúng dựa hơi! Trong khi đó công chúa nhà ta đang là hoàng hậu, vợ của
đương kim Hoàng đế, vương gia lo gì không có ngày trị được chúng?
Hôm sau Quang Thiệu ra ngoài thành sớm. Chiều hôm ấy, trong khi Quang Thiệu
vào một quán ăn, bất ngờ bị một toán côn đồ xuất hiện gây sự. Hai bên ẩu đả,
Quang Thiệu cô thế chống không lại nên bị đâm chết.
Cái chết của người môn khách thân tín đã làm An Sinh vương hoảng sợ vô cùng.
Điều này làm cho vương tin rằng chung quanh mình vẫn đang có những âm mưu
đen tối rình rập. Và vương cũng cảm nhận mình đang ở một vị thế cô đơn vô hạn.
*
Từ ngày xây dựng xong vương phủ mới, An Sinh vương chỉ quanh quẩn trong
phủ, đốc thúc con cái học hành hoặc nghiên cứu sách vở để khuây khỏa chứ
không mấy khi bước ra ngoài nữa. Thân thể vương càng ngày càng gầy gò teo tóp.
Vua Thái Tôn nghe tin như vậy đã cử hẳn một viên ngự y sang chăm sóc sức khỏe
cho vương. Vua cũng chỉ thị người nhà lưu ý việc ăn uống của vương. Người nhà
không quản tốn kém, lo đổi món ăn hàng ngày cho vương. Nhưng dù nem công
chả phụng vương cũng chẳng nuốt trôi được, lúc nào vương cũng chỉ ăn qua quít
lấy lệ. Không mấy khi người ta thấy trên môi vương một nụ cười. Thỉnh thoảng
vương lại đọc vài câu thơ cổ. Hai câu thơ vương hay đọc nhất là "Hầu môn nhất
nhập thâm như hải, Tùng thử Tiêu lang thị lộ nhân". Mỗi lần đọc xong, mắt vương
lại đỏ lên ngấn lệ.
Nhưng rồi lại có một ngày trọng đại bất ngờ xảy tới đã làm cho An Sinh vương
hết sức vui mừng. Thuận Thiên công chúa vào cung hoàng hậu được nửa năm thì
sinh ra một hoàng tử. Vua Thái Tôn cho đặt tên là Trần Quốc Khang. Hoàng gia
nhà Trần, dưới sự thúc đẩy của vợ chồng Thái sư Trần Thủ Độ đã rầm rộ tổ chức
ăn mừng. Dân chúng cũng được cổ động hòa chung niềm vui với triều đình. Thái
sư Trần Thủ Độ vui sướng quá định đề nghị vua Thái Tôn tấn phong cho Quốc
Khang làm Thái tử.
Nhưng sau đó, Thái sư nghe được trong dân gian người ta đang đàm tiếu về
chuyện "trê cóc" nhiều quá nên phải tạm ngưng. Không biết ai đã sáng tác ra
chuyện ngụ ngôn này. Con trê thấy đàn nòng nọc (cóc mới nở sống dưới nước)
quá giống mình thì bắt trộm hết về làm con mình. Sau một thời gian được nuôi
nấng chiều chuộng, đàn nòng nọc lớn lên đứt đuôi lại trở thành cóc. Chúng bèn tự
động về tìm lại bố mẹ chính thức của chúng.
An Sinh vương tuy rất vui mừng nhưng biết thân phận mình, không dám để lộ nỗi
vui mừng đó ra ngoài. Quả là trời đem đến cho: Bất chiến tự nhiên thành - vương
đã nghĩ như vậy. Từ một kẻ bẩm thụ yếu đuối, tài năng thô thiển, lúc nào cũng sẵn
sàng cam phận khuất phục trước sức mạnh, đây là lần đầu tiên trong đời, An Sinh
vương mơ ước đến ngai vàng nhà Trần. Đầu óc vương sau những ngày đen tối
tuyệt vọng lại nhen nhúm lên những tư tưởng về danh vọng và oai quyền tuyệt
đối. Mỗi ngày những tư tưởng đó mỗi lớn thêm lên. Vương dần quên đi tấm lòng
cao thượng của người em đã tha thứ và che chở cho vương trước sự hung bạo của
người chú họ. Vương dần quên đi lòng nhân ái của người em đối xử vuông tròn
với hai con của vương khi vương lâm nạn. Vương dần quên rằng chính người em
ấy cũng hết sức khổ tâm đang muốn trốn thoát ngai vàng để mưu cầu chút thanh
thản cho tâm hồn. Vương bắt đầu nôn nóng trông cho thời gian qua mau. Vương
bắt đầu cầu trời giáng họa cho người em ruột mình phải tuyệt tự. Trong đầu
vương, vị vua cao thượng nhân ái kia chỉ còn là một tên bạo chúa cần phải diệt
trừ. Mộng cướp lấy ngai vàng lớn mãi, lớn mãi trong óc vương cho đến một
ngày...
Phải nói là thời gian đó, tinh thần An Sinh vương trở lại phấn chấn, ăn được, ngủ
được. Chẳng bao lâu, vương đã lấy lại phong độ như xưa.
Sự ra đời của hoàng tử Quốc Khang đương nhiên cũng là một niềm an ủi lớn cho
hoàng hậu Thuận Thiên. Nó xoa dịu bớt những nỗi đau vì tình của nàng, làm cho
nàng khỏi rơi vào hố thẳm tuyệt vọng. Nàng đành chấp nhận lối sống cam phận
trong khuôn khổ lễ giáo như bao nhiêu phụ nữ khác.
Nhưng rồi ba năm sau, lại có thêm một ngày trọng đại khác, vượt hẳn ngày hoàng
tử Trần Quốc Khang ra đời: Thuận Thiên hoàng hậu lại sinh thêm một nam tử