Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

LÝ - TRẦN TÌNH HẬN (T16)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (75.36 KB, 4 trang )

Ngô Viết Trọng
Lý Trần Tình Hận
Chương 16

Sau ngày Thuận Thiên hoàng hậu qua đời, An Sinh vương Trần Liễu quá đau
khổ nên cũng sinh bệnh. Người vương mỗi ngày mỗi còm cõi. Nhiều lúc vương
có những cử chỉ lẩn thẩn như người quẫn trí. Có một thời gian, ngày nào vương
cũng kêu gào đòi trả thù. Vương tử Doãn quá thương cha nên bất chấp sự nguy
hiểm, nhiều lần lập lại với vương lời hứa của mình.
Một buổi sáng vương tử Doãn vào thăm An Sinh vương, thấy cha mặt mũi lem
luốc, tóc tai bù xù, áo quần dơ dáy, nằm lăn lóc dưới nền nhà miệng lằm bằm vu
vơ, vương tử kinh hãi kêu lên:
- Người nhà đâu hết lại để cha ta ra thế này?
- Dạ... dạ...
Mấy người nhà lấm lét chạy đến. Vương tử Doãn vội vàng đến đỡ cha dậy.
Nhưng An Sinh vương xô Doãn ra:
- Hãy để cho cha sớm về gặp mẹ con! Dưới đó thằng giặc già Trần Thủ Độ không
thể nào chia uyên rẽ thúy được nữa!
Người nhà cho Doãn biết suốt đêm rồi vương cứ nằm ở đó mà khóc mãi. Những
người muốn đỡ vương dậy đều bị vương đánh đập. Ai mở miệng khuyên lơn dỗ
dành cũng bị vương nạt nộ mắng chửi đuổi đi. Thế rồi không ai dám làm phiền
vương nữa, họ chỉ biết chia phiên nhau để canh chừng. Doãn năn nỉ với cha:
- Cha hãy dậy tắm rửa ăn uống chứ sao lại tự làm khổ như thế! Cha phải giữ gìn
sức khỏe cho chúng con vui lòng chứ!
An Sinh vương quơ tay đánh Doãn:
- Cút đi cho rảnh! Đồ bất hiếu! Ta chỉ biết Thuận Thiên công chúa! Hãy để ta
sớm về với nàng!
Vương tử Doãn cầm tay cha lại:
- Cha không thương chúng con sao? Cha hãy nghe con vào tắm rửa, nghỉ ngơi...
An Sinh vương vẫn giận dữ:
- Chúng mày là một lũ bất hiếu! Cha mẹ chúng mày bị người ta làm nhục mà


chúng mày không biết trả thù!
Doãn nhìn thẳng vào mắt cha, dịu dàng nói:
- Cha hãy nghe con đi. Con xin thề độc, con sẽ trả thù cho cha. Nếu trái lời gươm
giáo sẽ phân thây con!
Mọi người nghe vương tử nói thế đều sợ hãi. Riêng đôi mắt An Sinh vương lại
ánh lên vẻ cười cảm động, hài lòng:
- Vậy mới phải chứ, như thế con mới xứng là con hiếu của cha. Con phải giết tên
giặc già Trần Thủ Độ ấy nhé!
Vương tử Doãn gật đầu. Khi ấy An Sinh vương mới chịu im lặng để cho Doãn
cùng mấy người nhà dìu vào bên trong tắm rửa.
Vương tử Doãn rất lo lắng vì tình trạng liều lĩnh của cha mình. Nếu cứ để An
Sinh vương nói năng lung tung như thế thì thế nào cũng có ngày mắc họa. Cũng
may, một thời gian sau vương dần trở lại bình thường. Tuy vương vẫn không quên
chuyện trả thù nhưng dần nói năng kín đáo dè dặt trở lại.
Bình thường An Sinh vương ít nhắc chuyện hận thù với vương tử Tuấn. Qua cách
ăn ở, cư xử với mọi người, vương tử Tuấn luôn tỏ ra là kẻ công minh chính trực.
Ở vương tử Tuấn, An Sinh vương thấy cả một cái gì siêu phàm. Do đó vương còn
ngần ngại mặc dầu vương rất kỳ vọng ở Tuấn. Hình như vương cũng nhột nhạt
thấy lòng hận thù của mình hơi nhỏ nhoi trước vương tử Tuấn. Nhưng rồi một
hôm, Vương cũng cho gọi vương tử Tuấn vào phòng riêng nói chuyện.
- Thưa Phụ vương gọi con có việc gì dạy bảo?
An Sinh vương buồn rầu nói với Tuấn:
- Bây giờ con là kẻ đã nổi tiếng học cao hiểu rộng, cha muốn bàn với con vài
chuyện. Người ta ở đời, cái danh là quan trọng nhất. Vì khi ta chết rồi, nó vẫn lưu
truyền đến hậu thế. Cho nên không thể khinh thường. Như cha đây, tiếng là một
bậc vương hầu, nhưng cha phải gánh chịu rất nhiều nỗi oan khúc, nhục nhã ê chề.
Những điều xấu nếu quả do ta gây nên ta cũng đành cam chịu. Đằng này ta chỉ bị
kẻ khác đổ vấy. Có thể ta phải chịu tai tiếng oan muôn đời. Con là người có khả
năng rửa hận cho ta, chẳng hiểu ý con thế nào?
Vương tử Tuấn suy nghĩ rồi thưa:

- Xin cha nói cụ thể hơn, con chưa thấy rõ vấn đề.
An Sinh vương cúi gầm mặt, khép mắt trầm ngâm như cố nhớ lại một thời quá
khứ, chốc sau ông nói:
- Đời cha quả là cả một chuỗi dài cay đắng. Ban đầu, người ta dàn dựng nên vụ
hiếp dâm cung nữ ở cung Lệ Thiên để triệt hạ uy tín cha. Sau đó người ta vu cho
cha làm phản để tìm cách giết cha. Nhục nhã hơn nữa, người ta lại cướp mất
người vợ yêu quí của cha. Con có bao giờ tưởng tượng nổi nỗi đau đớn của một
người đàn ông bất lực không bảo bọc được người mình thương yêu, để nhìn kẻ
khác nâng niu ôm ấp vợ mình không? Nỗi tủi nhục đó đã khiến cha muốn chết
phứt từ lâu rồi. Nhưng cha vẫn gượng sống vì hi vọng ở các con, vì chờ đợi ở các
con. Giờ đây nhắm mình chẳng còn sống bao lâu nữa nên cha đem tâm sự mà phó
thác cho con. Cha tin rằng một người tài trí như con sẽ rất coi trọng chữ hiếu.
Vương tử Tuấn thưa:
- Thưa cha, con rất hiểu nỗi khổ tâm của cha. Và nỗi tủi nhục của cha cũng chính
là nỗi tủi nhục của chúng con. Cha là đấng sinh thành, dĩ nhiên chúng con sẽ nghe
cha hơn bất cứ ai hết trên đời này theo đúng đạo hiếu. Nhưng đây là vấn đề hết
sức to lớn, không thể khinh xuất. Nếu con hứa bừa đi rồi làm liều như con thiêu
thân hóa ra mình nông nổi, bất trí. Việc không thành tất nhiên để lại danh xấu, chỉ
làm nhục thêm cho cha. Vậy, con xin phép cha cho con được tùy cơ ứng biến. Cha
cứ tin tưởng con sẽ xứng đáng với lòng trông cậy của cha.
Nghe con nói như thế, An Sinh vương rất hài lòng. Vương nghĩ Tuấn là người
bụng dạ quân tử, đã hứa tất làm. Tuấn lại chín chắn, kín đáo, đầy cơ mưu, đã ra
tay tất phải thành công. Vương cảm thấy thoải mái trong lòng như vừa tìm lại
được một vật quí đã mất. Trên môi vương chớm lên một nụ cười chan chứa niềm
tin.
Những tưởng rằng nỗi sầu của vương sẽ vơi bớt phần nào. Nhưng chỉ vài ngày
sau, những nỗi nhục nhã trong quá khứ lại đua nhau quay cuồng trong đầu óc
vương. Vương lại tiếp tục lâm tình trạng mất ăn mất ngủ. Người vương gầy rạc ra
một cách đáng sợ. Vương lại hay tìm chỗ vắng nói lảm nhảm một mình. Người ta
vẫn nghe vương nhắc đến Thuận Thiên công chúa nhiều lần. Vua Thái Tôn nghe

tin An Sinh vương tái phát bệnh, ngài cho ngự y sang thăm để hốt thuốc cho
vương. Nhưng ngày qua tháng lại bệnh trạng vẫn không khá hơn.
Sang năm sau thì bệnh vương chuyển sang chứng bại liệt. Việc đi đứng phải có
người dắt dìu. Người vương khi mê khi tỉnh không thường. Nhiều lúc vương kêu
khóc, than khổ. Nhiều lúc vương lại cười sằng sặc ra vẻ sung sướng: "Ta sắp được
gần Thuận Thiên công chúa rồi! Phen này thằng giặc già Trần Thủ Độ làm sao mà
chia uyên rẽ thúy được nữa?". Mỗi lần vương nói như thế, người chung quanh
phải bưng miệng vương lại. Càng ngày vương càng nhắc đến Thuận Thiên công
chúa nhiều hơn. Cảnh đó lại kéo dài đến hơn một năm. Hai vương tử Tuấn và
Doãn hằng ngày thay nhau vào thăm nom sức khỏe của cha.
Một hôm, trong trạng thái tỉnh táo hơn những ngày thường, vương bảo người hầu
ra mời cả hai vương tử vào nói chuyện. Tuấn cùng Doãn vào đứng bên giường cha
nằm để nghe dạy bảo. Vương thều thào:
- Hai con đã từng hứa sẽ trả thù cho cha, phải không? Rất tiếc, cha không còn hi
vọng trông thấy việc trả thù của hai con nữa đâu. Âu đó cũng là số phận. Tuy
nhiên, cha rất biết tài của hai con, nhất là Tuấn, thừa sức làm việc đó. Các con
phải hứa, sau này, nếu các con không vì cha mà lấy thiên hạ (cướp ngai vàng) thì
cha chết không nhắm mắt được!
Hai vị vương tử đều rưng rưng nước mắt cúi đầu chịu mệnh.
Hình như vương đã gắng dồn hết tinh lực, dồn hết sự minh mẫn cuối cùng vào
những lời trăng trối mấu chốt đó. Sau đó ông lại thiếp đi. Giữa khuya hôm đó ông
lặng lẽ qua đời, chưa thực hiện được lời nguyện để tang ba năm cho công chúa
Thuận Thiên. An Sinh vương sinh năm Tân Mùi*, mất năm Tân Hợi*, hưởng
thọ* được 41 tuổi.
Chú thích:
*Tân Mùi: 1211, Tân Hợi: 1251.
*Vua chúa mất ở tuổi nào cũng được dùng chữ "hưởng thọ". Dân chúng thì khác,
phải trên 60 tuổi mới được dùng chữ "hưởng thọ", ai chết dưới 60 tuổi chỉ được
dùng chữ "hưởng dương".

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×