LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH LONG AN
------------------------------------------------
…………………………………….
HỒ SƠ KIỂM TRA THỰC HÀNH
VỤ ÁN HÌNH SỰ
NGUYỄN ANH TUẤN GIẾT NGƯỜI
Tên người tập sự: ………………………….
Tên Luật sư hướng dẫn: ………………………..
Năm 2015
1
LỜI NÓI ĐẦU
Hoạt động luật sư ở nước ta trong giai đoạn hiện nay đang ngày càng phát triển,
đội ngũ luật sư không ngừng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Hoạt động
luật sư trong thời gian qua không những đã đáp ứng kịp thời nhu cầu giúp đỡ pháp lý
ngày càng cao của cá nhân, tổ chức, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi
ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự khác, phục vụ tích cực cho công cuộc
cải cách Tư pháp, mà còn góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho
các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Bằng sự cố gắng phấn đấu, nghiêm túc trong học tập, làm việc, trao dồi kinh
nghiệm trong thời gian tập sự, tôi rất vinh dự khi sắp được đứng trong hàng ngũ chính
thức của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Tôi cam kết sẽ luôn phấn đấu hết mình, nâng
cao năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, chấp hành nghiêm túc các quy định của
pháp luật nói chung, pháp luật luật sư và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư nói
riêng để góp phần nhỏ công sức của mình vào sự phát triển chung của hoạt động luật
sư tại Việt Nam.
Hồ sơ kiểm tra thực hành này là sự đúc kết kiến thức cũng như kinh nghiệm của
tôi trong suốt thời gian tập sự vừa qua, rất mong nhận được sự phân tích, đánh giá xác
đáng của Hội đồng kiểm tra, giúp tôi nhận ra những ưu, khuyết điểm, những thiếu sót
của mình để hoàn thiện bản thân hơn trong nghề luật sư trong thời gian tới.
Qua đây tôi cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Luật sư Nguyễn Thế Phong –
Trưởng Chi nhánh số 1 – Công ty Luật TNHH A.B.C đã tận tình hướng dẫn, chỉ bảo
tôi trong suốt thời gian tập sự vừa qua. Hy vọng trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nhận
được sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của Luật sư Nguyễn Thế Phong cũng như của các
đồng nghiệp đi trước để tôi ngày càng tiến bộ hơn trong hoạt động luật sư của mình.
Trân trọng cảm ơn.
Người tập sự hành nghề Luật sư
………………………………..
2
MỤC LỤC
Trang 1: Bìa Hồ sơ
Trang 2: Lời nói đầu
Trang 3: Mục lục
Trang 4: Phần I – Tóm tắt nội dung vụ việc
Mục 1. Căn cứ tiếp nhận vụ việc
Mục 2. Nội dung công việc mà Luật sư hướng dẫn giao cho NTSHNLS
Mục 3. Tóm tắt nội dung vụ việc
Mục 4. Yêu cầu cụ thể của Khách hàng
Trang 7: Phần II – Hướng giải quyết các yêu cầu của Khách hàng
Mục 1. Văn bản pháp luật điều chỉnh vụ việc
Mục 2. Định hướng Quan điểm bào chữa
Mục 3. Dự thảo Quan điểm bào chữa (Do NTSHNLS dự thảo trình Luật sư
hướng dẫn
Trang 13: Phần III – Kết quả thực hiện vụ việc
Mục 1. Quan điểm bào chữa cho bị cáo tại Phiên tòa (Luật sư hướng dẫn
trình bày tại Phiên tòa sơ thẩm)
Mục 2. Kết quả công việc cho khách hàng
Trang 19: Phần IV – Các kiến nghị
Mục 1. Những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định về tập sự
hành nghề luật sư của Luật luật sư trong thực tiễn.
Mục 2. Các kiến nghị
Trang 21: Phần V – Danh mục tài liệu đính kèm đến vụ việc
VỤ ÁN HÌNH SỰ
3
NGUYỄN ANH TUẤN GIẾT NGƯỜI
PHẦN 1
TÓM TẮT NỘI DUNG VỤ VIỆC
Mục 1
Căn cứ tiếp nhận vụ việc
Ngày 22/04/2015, khách hàng là bà Lê Thị Ngọc Thắm (Sinh năm 1980;
Địa chỉ: 173/44/5/4 An Dương Vương, Phường An Lạc, Quận Bình Tân, Tp.Hồ
Chí Minh) đến Chi nhánh số 1 – Công ty Luật TNHH A.B.C trình bày bà là vợ
của ông Nguyễn Anh Tuấn (Sinh năm 1974) hiện đang bị Viện kiểm sát nhân
dân Tp.Hồ Chí Minh truy tố về tội “Giết người” theo Cáo trạng số 369/CT-P.1A
ngày 19/08/2014, nạn nhân là ông Huỳnh Văn Liêm (Sinh năm 1960). Tòa án
nhân dân Tp.Hồ Chí Minh đang thụ lý để xét xử sơ thẩm. Bà Thắm đề nghị phía
văn phòng cử luật sư để bào chữa cho chồng bà là bị cáo Nguyễn Anh Tuấn tại
Phiên tòa sơ thẩm.
Luật sư Nguyễn Thế Phong được văn phòng phân công đảm nhận trực
tiếp giải quyết toàn bộ công việc liên quan đến việc bào chữa cho bị cáo Nguyễn
Anh Tuấn tại Phiên tòa sơ thẩm.
Luật sư Nguyễn Thế Phong – Luật sư hướng dẫn đã yêu cầu NTSHNLS
trực tiếp giúp việc cho Luật sư hướng dẫn để thực hiện dịch vụ pháp lý với
khách hàng là bà Lê Thị Ngọc Thắm.
Mục 2
Nội dung công việc mà Luật sư hướng dẫn giao cho NTSHNLS
Luật sư hướng dẫn giao cho NTSHNLS cùng Luật sư hướng dẫn tham gia
quá trình tiếp xúc với khách hàng để tìm hiểu và nắm kỹ một số vấn đề liên
quan.
NTSHNLS giúp việc cho Luật sư hướng dẫn để tập hợp, kiểm tra tính hợp
pháp, hợp lệ của hồ sơ do khách hàng cung cấp, liệt kê xem cần chuẩn bị, thu
thập thêm hồ sơ, tài liệu gì.
NTSHNLS liên hệ với Tòa án nhân dân Tp.Hồ Chí Minh tìm hiểu và nắm
bắt lịch xét xử vụ án.
NTSHNLS hỗ trợ Luật sư hướng dẫn để nghiên cứu kỹ các quy định của
pháp luật để áp dụng bào chữa tại Phiên tòa theo hướng có lợi cho bị cáo.
Soạn nháp “Dự thảo quan điểm bào chữa” trình Luật sư hướng dẫn.
Liên hệ với khách hàng để bổ sung giấy tờ cần thiết, kịp thời và thường
xuyên thông báo cho khách hàng tình hình giải quyết vụ việc theo chỉ đạo của
Luật sư hướng dẫn.
Các công việc khác theo phân công của Luật sư hướng dẫn.
4
Mục 3
Tóm tắt nội dung vụ việc
Vào khoảng 13h00 ngày 01/08/2013, tại chòi lá trên bãi đất trống, bên
cạnh số 440/63 Phú Định, Phường 16, Quận 8 (do Huỳnh Văn Tú thuê nuôi cá),
Huỳnh Văn Tú cùng Nguyễn Anh Tuấn, Lưu Huỳnh Thanh Hải, Trần Văn Hiếu,
Trần Vũ Đức Tiến tổ chức uống rượu. Ông Huỳnh Văn Liêm đi câu cá gần đó
được Tuấn mời vào uống rượu cùng. Đến 18h00 cùng ngày, Tú về trước, còn lại
Tuấn, Hải, Hiếu, Tiến và ông Liêm tiếp tục ngồi uống rượu. Trong lúc say, ông
Liêm làm rơi nón xuống ao (cạnh chòi lá) nên xuống nhặt. Do người ông Liêm
dính bùn đất nên Tuấn và Hải bảo ông Liêm đi tắm sạch rồi mới cho vào. Ông
Liêm không đồng ý nên Hải đóng cửa chòi lại, không cho vào. Ông Liêm dùng
cây tròn đập phá làm bung cửa chòi. Hải dùng tay đẩy ông Liêm ngã xuống đất
và dùng tay tát liên tiếp khoảng 5-6 cái vào mặt ông Liêm rồi bỏ về. Ông Liêm
đứng bên ngoài tiếp tục dùng cây đập phá chòi, gây sự và đẩy ngã xe máy của
Tuấn. Tuần đi ra dùng chân đạp trúng vào bụng làm ông Liêm ngã xuống ao.
Ông Liêm lên bờ tiếp tục cầm đoạn cây đánh trúng vào hông trái của Tuấn. Tuần
dùng thùng nhựa đẩy ông Liêm ngã xuống ao và lấy thùng nhựa ngăn không cho
ông Liêm lên bờ, rồi Tuấn bỏ vào chòi lá. Ông Liêm lên chửi mắng và dọa Tuấn.
Tuấn đi ra, nhặt một đoạn cây bình bát tròn, đường kính đầu to nhất khoảng
3cm, dài 60cm đưa lên dọa đánh làm ông Liêm bỏ chạy. Tuấn đuổi theo khoảng
10 mét thì ông Liêm dừng lại, quay người đối diện với Tuấn, Tuấn dùng tay xô
Liêm ngã ngồi xuống đất, ông Liêm tiếp tục chửi mắng và thách Tuấn đánh.
Tuấn dùng cây đánh ông Liêm nhiều cái trúng vào đầu, ông Liêm đưa tay lên đỡ
nên trúng vào mặt, tay của ông Liêm. Hiếu chạy đến can ngăn, giật lấy khúc cây
ném đi và kéo Tuấn vào trong chòi. Liêm đứng ngoài chòi chửi, thấy vậy, Tiến
cùng Hiếu và Tuấn bỏ ra về. Tiến đẩy xe máy đi trước, thì bị ông Liêm cầm
chiếc cần câu cá bằng nhựa đâm trúng mặt làm rách da, chảy máu mũi nên Tiến
dùng chân phải đá liên tiếp nhiều cái trúng đùi làm ông Liêm té ngã ngồi xuống
đất, Tuấn đến cởi quần đùi, Tiến cởi quần lót của ông Liêm ném xuống ao để
Liêm không đuổi theo gây sự, rồi cả hai bỏ về. Khoảng 9h25 ngày 02/08/2013,
Trần Văn Phú cùng Hải phát hiện ông Liêm nằm ngửa, trong tình trạng đã chết
tại bãi đất trống bên cạnh nhà 440/63 Phú Định, Phường 16, Quận 8 nên trình
báo Công an Phường. Ngày 03/08/2013, anh Nguyễn Anh Tuấn bị bắt.
Tại Bản kết luận giám định pháp y số 666/GPTT.13 ngày 23/08/2013 của
Trung tâm pháp y – Sở Y tế Tp.Hồ Chí Minh kết luận: “Huỳnh Văn Liêm chết
do chấn thương sọ não/Sặc nước, sử dụng rượu”
Tại Công văn số 57/TTPY.GT-14 ngày 31/03/2014 của Trung tâm pháp y
– Sở Y tế Tp.Hồ Chí Minh giải thích nguyên nhân tử vong đối với nạn nhân
Huỳnh Văn Liêm:
- Nguyên nhân gây tử vong của nạn nhân Huỳnh Văn Liêm là do chấn
thương sọ não. Chấn thương sọ não ở nạn nhân là do vật tày gây ra. Do
5
nạn nhân sinh hoạt bình thường nên chấn thương sọ não cũ không liên
quan đến chấn thương sọ não mới gây ra cái chết cho nạn nhân.
Ngày 19/08/2014, VKSND Tp.HCM đã truy tố bị cáo Nguyễn Anh Tuấn
về tội “Giết người” với tình tiết định khung tăng nặng là “có tính chất côn đồ”
theo Điểm n, Khoản 1, Điều 93 BLHS.
Ngày 30/06/2015, Tòa án nhân dân Tp.Hồ Chí Minh đã mở Phiên tòa sơ
thẩm để đưa vụ án ra xét xử. Tại Tòa, vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công
tố đề nghị Hội đồng xét xử, xử phạt: Nguyễn Anh Tuấn phạm tội “Giết người”
theo điểm n, khoản 1, Điều 93 BLHS với mức án từ 17 năm đến 18 năm tù và
bồi thường thêm theo yêu cầu gia đình người bị hại. Luật sư bào chữa không
đồng ý với quan điểm của vị đại diện Viện kiểm sát, đề nghị Hội đồng xét xử
xem xét chỉ xử phạt Nguyễn Anh Tuấn phạm tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến
hậu quả chết người theo khoản 3, Điều 104 BLHS, cùng với các tình tiết giảm
nhẹ xem xét giảm nhẹ mức hình phạt cho bị cáo. Tòa án nhân dân Tp.Hồ Chí
Minh tuyên phạt bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” với mức hình phạt 05
năm tù, buộc bị cáo phải bồi thường thêm cho đại diện hợp pháp của người bị
hại số tiền 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng.
Hiện nay, Viện kiểm sát đã kháng nghị Bản án sơ thẩm số
225/2015/HSST ngày 30/06/2015 của Tòa án nhân dân Tp.Hồ Chí Minh và đang
trong quá trình giải quyết.
Mục 4
Yêu cầu cụ thể của Khách hàng
Khách hàng yêu cầu Chi nhánh số 1 – Công ty Luật TNHH A.B.C bào
chữa cho bị cáo Nguyễn Anh Tuấn tại Phiên tòa sơ thẩm mở tại Tòa án nhân dân
Tp.Hồ Chí Minh.
Cụ thể hơn, khách hàng muốn Luật sư góp ý để ổn định tư tưởng cho bị
cáo, giúp bị cáo bình tĩnh hơn khi ra Tòa.
Khách hàng cũng yêu cầu Luật sư làm hết sức để giúp bị cáo giảm nhẹ
trách nhiệm hình sự tại Phiên tòa sơ thẩm.
PHẦN II
HƯỚNG GIẢI QUYẾT CÁC YÊU CẦU CỦA KHÁCH HÀNG
Mục 1
Văn bản pháp luật điều chỉnh vụ việc
6
1. Quy định trình tự, thủ tục thực hiện vụ án:
Bộ luật tố tụng hình sự số 19/2003/QH11, được Quốc hội thông qua ngày
21/12/1999, có hiệu lực từ 01/07/2014/
2. Quy định tội phạm hình sự:
Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10, được Quốc hội thông qua ngày
21/12/1999, có hiệu lực từ 01/07/2000;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 37/2009/QH12, được
Quốc hội thông qua ngày 19/06/2009, có hiệu lực từ ngày 01/01/2010.
3. Quy định về bồi thường thiệt hại:
Bộ luật dân sự năm 2005; Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày
08/08/2006 của HĐTP Tòa án nhân dân tối cao.
Mục 2
Định hướng Quan điểm bào chữa
Kết cấu bản “Quan điểm bào chữa” gồm 03 phần: Phần tóm tắt quan điểm
truy tố của VKSND Tp.Hồ Chí Minh; Phần Quan điểm của Luật sư (Đánh giá
chứng cứ, các dấu hiệu của tội phạm, căn cứ pháp luật áp dụng); Phần Kết luận
– Đề xuất.
Trong đó, quan trọng nhất là hai phần sau đây:
1. Phần Quan điểm của Luật sư:
1.1. Hành vi của Nguyễn Anh Tuấn trong việc xô xát, đánh nhau dẫn
đến chết người trong trường hợp này không phải là hành vi giết người:
Thứ nhất, xét về ý chí chủ quan, không thể hiện Nguyễn Anh Tuấn cố ý
tước đoạt tính mạng của ông Huỳnh Văn Liêm;
Thứ hai, xét về diễn biến thực tế của hành vi khách quan không tất yếu
dẫn đến hậu quả chết người. Việc chết người như đã xảy ra là hậu quả ngoài ý
muốn.
1.2.
côn đồ”.
Trong diễn biến sự việc hoàn toàn không có yếu tố “có tính chất
2. Phần Kết luận – Đề xuất:
2.1. Về tội danh:
Theo hướng bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến hậu quả chết
người theo khoản 3, Điều 104 BLHS.
2.2. Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo:
Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ: Ngay trong quá trình điều tra, gia
đình bị cáo đã nỗ lực khắc phục hậu quả, đã gửi cho gia đình nạn nhân Huỳnh
văn Liêm số tiền 80 triệu đồng. Vợ nạn nhân là Bà Mai Thị Loan cũng đã có
-
7
đơn bãi nại gửi cho cơ quan điều tra; Bị cáo phạm tội trong trường hợp “ Phạm
tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của
người bị hại”; Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, thể
hiện thái độ ăn năn hối cải về các sai phạm của mình; Bản thân bị cáo có nhân
thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, là quân nhân xuất ngũ về nhà làm ăn lương
thiện, có công việc làm ổn định, đây là lần đầu phạm tội do bộc phát, thiếu kiềm
chế.
Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng mức hình phạt đối với Bị cáo
dưới mức thấp nhất quy định tại Khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự (tức là dưới
05 năm tù), nhằm tạo cơ hội cho bị cáo vừa nhận thức, sửa chữa sai lầm bản
thân, vừa có cơ hội sớm hòa nhập đời sống xã hội để trở thành công dân tốt.
Mục 3
Dự thảo Quan điểm bào chữa
(Do NTSHNLS dự thảo trình Luật sư hướng dẫn)
Kính thưa Hội đồng xét xử;
Kính thưa Vị đại diện Viện kiểm sát;
Tôi là Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG, thuộc Công ty luật TNHH
A.B.C, Đoàn luật sư tỉnh Long An, được bị cáo Nguyễn Anh Tuấn và gia đình
nhờ bào chữa cho bị cáo trong vụ án “Giết người” với tình tiết định khung tăng
nặng là “có tính chất côn đồ”.
Qua nghiên cứu hồ sơ và bản cáo trạng, tôi có ý kiến như sau:
I. QUAN ĐIỂM TRUY TỐ CỦA VKSND TP.HCM
Cáo trạng số 369 của VKSND Tp.HCM đã nhận xét, kết luận hành vi của
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn có dấu hiệu của tội “giết người” theo Khoản 1, Điều
93 Bộ luật hình sự.
Theo cáo trạng thì: vào 18 giờ ngày 01/08/2013, Nguyễn Anh Tuấn sau
khi nhậu chung với nhóm bạn và Ông Huỳnh Văn Liêm đã xảy ra mâu thuẩn, xô
xát. Nguyễn Anh Tuấn đã có hành vi dung cây gỗ tròn (cây bình bát dài 60cm,
hình tròn có đầu lớn nhất đường kính là 3 cm) đánh vào đầu Ông Huỳnh Văn
Liêm gây chết người.
Từ đó,VKSND Tp.HCM đã truy tố Nguyễn Anh Tuấn về tội danh “Giết
người” với tình tiết định khung tăng nặng là “có tính chất côn đồ” theo Điểm n
Khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự.
II. QUAN ĐIỂM CỦA LUẬT SƯ
Căn cứ các chứng cứ trong hồ sơ vụ án, tôi không đồng ý với quan điểm
của Viện kiểm sát và có quan điểm bào chữa như sau:
8
1. Hành vi của Nguyễn Anh Tuấn trong việc xô xát, đánh nhau dẫn
đến chết người trong trường hợp này không phải là hành vi giết người
Căn cứ vào ý chí của Nguyễn Anh Tuấn và diễn biến thực tế của sự việc
mâu thuẫn, xô xát, đánh nhau dẫn đến việc gây ra cái chết của Ông Huỳnh Văn
Liêm thì:
a) Xét về ý chí chủ quan, không thể hiện Nguyễn Anh Tuấn cố ý tước đoạt
tính mạng của Ông Huỳnh Văn Liêm:
- Qua các chứng cứ trong hồ sơ đã thể hiện nguyên nhân xô xát là do
Ông Huỳnh Văn Liêm đã có hành vi càn quấy, quậy phá, gây sự đánh nhau
trước.
- Diễn biến ban đầu thì Nguyễn Anh Tuấn chỉ cầm cây dọa đánh nhằm
làm cho Ông Huỳnh văn Liêm sợ để không quậy phá, tuy nhiên sau đó Ông
Liêm không chấm dứt hành vi càn quấy mà vẫn thách thức nên Tuấn đã đánh lại
Ông Liêm.
- Sau khi đánh nhau thì Tuấn đã bỏ về vào khoảng 18 giờ (chiều tối).
Lúc này Ông Liêm còn sống, khoảng hơn 13 giờ sau mới chết (Giải thích của
Pháp ý thì Ông Liêm chết khoảng từ 07 đến 09 giờ sáng ngày 02/08/2013).
Như vậy: Xét diễn biến thực tế như trên và qua lời khai của Nguyễn Anh
Tuấn thì xét về mặt chủ quan, Tuấn không cố ý tước đoạt mạng sống của Ông
Huỳnh Văn Liêm. Hậu quả chết người trong trường hợp này là ngoài ý muốn
của Bị cáo.
b) Xét về diễn biến thực tế của hành vi khách quan:
- Qua lời khai của Nguyễn Anh Tuấn và các nhân chứng (Trần Vũ Đức
Tiến, Trần Văn Hiếu) thì đã thể hiện việc xô xát qua lại giữa Tuấn với ông Liêm
chủ yếu là bằng tay, chân, can đựng nước bằng nhựa. Việc dùng tay, chân, can
nhựa để đạp, xô ngã, … không phải nguyên nhân dẫn đến cái chết cho nạn nhân.
- Theo Lời khai của Nguyễn Anh Tuấn và các nhân chứng (Trần Vũ
Đức Tiến, Trần Văn Hiếu) thì Tuấn có dùng cành cây bình bát khô đánh một số
cái, trong đó có trúng vùng đầu, mặt, tay của Ông Huỳnh Văn Liêm. Tuy nhiên,
qua lợi khai và vật chứng thu được tại hiện trường thì vật mà Tuấn dùng đánh
Ông Liêm thực tế chỉ là que bình bát có kích thước rất nhỏ (đường kính đầu lớn
nhất là 03cm, dài 60cm). Đây là cành cây kích thước nhỏ, trọng lượng nhẹ,
không nguy hiểm.
Do đó, qua hành vi khách quan thực tế như trên thì hành vi của Nguyễn
Anh Tuấn thực tế không tất yếu dẫn đến hậu quả chết người. Việc chết người
như đã xảy ra là hậu quả ngoài ý muốn.
Ngoài ra, trong trường hợp này, nạn nhân còn đang có sẵn tiền sử chấn
thương sọ não do tai nạn giao thông trước đó (có tài liệu về bệnh án trong hồ sơ
vụ án).
9
Như vậy: Qua hành vi của Nguyễn Anh Tuấn thì xét về ý chí, Tuấn
không cố ý tước đoạt mạng sống của Ông Huỳnh Văn Liêm. Xét về hành vi
khách quan thì việc cây bình bát dùng để đánh nạn nhân thực chất chỉ là vật kích
thước nhỏ, trọng lượng nhẹ, ít nguy hiểm không tất yếu dẫn đến chết người. Hậu
quả chết người xảy ra trong trường hợp này có nhiều nguyên nhân, trong đó còn
có nguyên nhân “sặc nước – sử dụng rượu”. Do vậy, hành vi của Nguyễn Anh
tuấn trong việc xô xát, gây ra cái chết cho Ông Huỳnh Văn Liêm chỉ là hành vi
“cố ý gây thương tích” với hậu quả là dẫn đến chết người. Hậu quả trong tường
hợp này nằm ngoài ý muốn của bị cáo.
2. Trong diễn biến sự việc hoàn toàn không có yếu tố “có tính chất
côn đồ”.
Thực tiễn pháp lý của ta thường xác định một hành vi phạm tội trong các
tội “giết người” hoặc tội “cố ý gây thương tích” là “có tính chất côn đồ” căn cứ
trên các khía cạnh:
- Căn cứ nhân thân người phạm tội: có phải người phạm tội là người có
bản chất hung hãn, hay gây hấn, đánh nhau trong quá trình sống trước đó hay
không?
- Căn cứ diễn biến thực tế sự việc: Có phải người phạm tội chính là
người có hành vi càn quấy, bất chấp lẽ phải, chủ động gây hấn, gây ra sự việc
phạm tội hay không?
Trong trường hợp diễn biến cụ thể của hành vi vi phạm của Nguyễn Anh
Tuấn thì nhận thấy rằng:
- Xét về nhân thân, qua xác minh lý lịch bị can thì thể hiện Tuấn chưa
từng có tiền án tiền sự. Tuấn có nhân thân tốt, bản thân từng thi hành xong nghĩa
vụ quân sự, xuất ngũ về nhà làm ăn lương thiện, vợ chồng làm nghề buôn bán
trái cây, không có vi phạm pháp luật gì ở địa phương.
- Xét về diễn biến sự việc đã xảy ra thì rõ ràng việc xô xát, đánh nhau
hoàn toàn xuất phát từ lỗi ban đầu là của nạn nhân. Từ các hành vi đó mà Tuấn
cùng các bạn bè khác bức xúc, thiếu kiềm chế, phản ứng đánh lại và dẫn đến cái
chết.
Như vậy, diễn biến như trên thể hiện việc đánh nhau là do bị cáo bị kích
động, thiếu kiềm chế trước hành vi càn quấy, trái pháp luật của nạn nhân và
đánh trả lại, dẫn đến hậu quả chết người. Hoàn toàn không phải là hành vi “có
tính chất côn đồ” như nội dung truy tố của Cáo trạng.
III. KẾT LUẬN - ĐỀ XUẤT
1. Về tội danh:
Từ các phân tích nêu trên, hành vi của Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn không
phạm tội “giết người”, và đồng thời cũng không có “tính chất côn đồ” như
nội dung truy tố của Cáo trạng số 369.
10
Kính đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chỉ xử lý hình sự đối với Bị cáo
Nguyễn Anh Tuấn về tội “cố ý gây thương tích” với hậu quả “dẫn đến chết
người” theo Khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự.
2. Về áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
Kính đề nghị Hội đồng xét xử xem xét và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ
trách nhiệm hình sự sau đây để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Anh
Tuấn. Cụ thể là:
- Ngay trong quá trình điều tra, gia đình bị cáo Nguyễn Anh Tuấn đã nỗ
lực khắc phục hậu quả, đã gửi cho gia đình nạn nhân Huỳnh văn Liêm số tiền
80 triệu đồng. Vợ nạn nhân là Bà Mai Thị Loan cũng đã có đơn bãi nại gửi cho
cơ quan điều tra (có trong hồ sơ). Đây là tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm b
Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự.
Hành vi phạm tội xảy ra có phần nguyên nhân từ lỗi của nạn nhân (đã
phân tích ở trên). Do đó, đây là trường hợp “ Phạm tội trong trường hợp bị kích
động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại”, là tình tiết giảm
nhẹ quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự.
-
- Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, thể hiện
thái độ ăn năn hối cải về các sai phạm của mình, là tình tiết giảm nhẹ quy định
tại Điểm p Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự.
- Bản thân bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, là quân nhân
xuất ngũ về nhà làm ăn lương thiện, có công việc làm ổn định, đây là lần đầu
phạm tội do bộc phát, thiếu kiềm chế. Ngoài ra, bản thân bị cáo bị tạm giam đã
25 tháng (từ ngày 03/08/2013 đến nay). Với việc gánh chịu hậu quả mất tự do
trong điều kiện khó khăn trong Trại tạm giam một thời gian dài thời gian qua
cũng là một thiệt thòi cho bị cáo. Do đó khi quyết định hình phạt cũng cần có
xem xét, chiếu cố thêm cho bị cáo.
Kính thưa Hội đồng xét xử !
Qua các phân tích trình bày nêu trên, kính đề nghị Hội đồng xét xử xem
xét để xử lý hình sự bị cáo Nguyễn Anh Tuấn về tội “cố ý gây thương tích” với
hậu quả “dẫn đến chết người” theo Khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự.
Đồng thời, do Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nêu
tại Khoản 1 Điều 46 BLHS nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 47 BLHS
để áp dụng mức hình phạt đối với Bị cáo dưới mức thấp nhất quy định tại Khoản
3 Điều 104 Bộ luật hình sự (tức là dưới 05 năm tù), nhằm tạo cơ hội cho bị cáo
có cơ hội sớm hòa nhập đời sống xã hội để trở thành công dân tốt.
Rất mong Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm của TAND Tp.HCM xem xét và
chấp nhận các quan điểm mà tôi đã trình bày.
Trân trọng.
Người bào chữa
11
Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG
PHẦN III
KẾT QUẢ THỰC HIỆN VỤ VIỆC
Mục 1
Quan điểm bào chữa cho bị cáo tại Phiên tòa
(Luật sư hướng dẫn trình bày tại Phiên tòa sơ thẩm)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------------------Tp.Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 06 năm 2015
QUAN ĐIỂM BÀO CHỮA
− Bị cáo: Ông Nguyễn Anh Tuấn
Sinh năm: 1974
12
− Tội danh đã bị truy tố: “Giết người” theo Khoản 1, Điều 93 Bộ luật hình
sự. (Cáo trạng số 369/CT-P.1A ngày 26/04/2015 của Viện kiểm sát nhân dân
Tp.HCM)
− Cơ quan xét xử sơ thẩm: TAND Tp.HCM dự kiến xét xử ngày 30/06/2015.
---------------------------------------------Kính gửi: TOÀ ÁN NHÂN DÂN TP.HỒ CHÍ MINH
Tôi là Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG, thành viên Đoàn luật sư tỉnh
Long An, Công ty luật TNHH A.B.C, là người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Anh
Tuấn trong giai đoạn sơ thẩm.
Căn cứ vào những chứng cứ phản ánh trong hồ sơ vụ án, căn cứ Cáo trạng
số 369 của VKSND Tp.HCM, tôi có quan điểm bào chữa như sau:
I. QUAN ĐIỂM TRUY TỐ CỦA VKSND TP.HCM
Cáo trạng số 369 của VKSND Tp.HCM đã nhận xét, kết luận hành vi của
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn có dấu hiệu của tội “giết người” theo Khoản 1, Điều
93 Bộ luật hình sự.
Theo cáo trạng thì: căn cứ kết quả điều tra xác định vào 18 giờ ngày
01/08/2013, Nguyễn Anh Tuấn sau khi nhậu chung với nhóm bạn và Ông
Huỳnh Văn Liêm đã xảy ra mâu thuẩn, xô xát. Nguyễn Anh Tuấn đã có hành vi
dung cây gỗ tròn (cây bình bát dài 60cm, hình tròn có đầu lớn nhất đường kính
là 3 cm) đánh vào đầu Ông Huỳnh Văn Liêm gây chết người.
Từ đó,VKSND Tp.HCM đã truy tố Nguyễn Anh Tuấn về tội danh “Giết
người” với tình tiết định khung tăng nặng là “có tính chất côn đồ” theo Điểm n
Khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự.
II. QUAN ĐIỂM CỦA LUẬT SƯ
Căn cứ các chứng cứ thể hiện trong hồ sơ vụ án, tôi có quan điểm bào
chữa như sau:
1. Hành vi của Nguyễn Anh Tuấn trong việc xô xát, đánh nhau dẫn
đến chết người trong trường hợp này không phải là hành vi giết người
Căn cứ vào ý chí của Nguyễn Anh Tuấn và diễn biến thực tế của sự việc
mâu thuẫn, xô xát, đánh nhau dẫn đến việc gây ra cái chết của Ông Huỳnh Văn
Liêm thì:
a) Xét về ý chí chủ quan, không thể hiện Nguyễn Anh Tuấn cố ý tước đoạt
tính mạng của Ông Huỳnh Văn Liêm:
- Qua các chứng cứ trong hồ sơ đã thể hiện nguyên nhân xô xát là do
Ông Huỳnh Văn Liêm đã có hành vi càn quấy, quậy phá, gây sự đánh nhau
trước.
13
- Diễn biến ban đầu thì Nguyễn Anh Tuấn chỉ cầm cây dọa đánh nhằm
làm cho Ông Huỳnh văn Liêm sợ để không quậy phá, tuy nhiên sau đó Ông
Liêm không chấm dứt hành vi càn quấy mà vẫn thách thức nên Tuấn đã đánh lại
Ông Liêm.
- Sau khi đánh nhau thì Tuấn đã bỏ về vào khoảng 18 giờ (chiều tối).
Lúc này Ông Liêm còn sống, khoảng hơn 13 giờ sau mới chết (Giải thích của
Pháp ý thì Ông Liêm chết khoảng từ 07 đến 09 giờ sáng ngày 02/08/2013).
Như vậy: Xét diễn biến thực tế như trên và qua lời khai của Nguyễn Anh
Tuấn thì xét về mặt chủ quan, Tuấn không có ý thức cố ý tước đoạt mạng sống
của Ông Huỳnh Văn Liêm. Hậu quả chết người trong trường hợp này là ngoài ý
muốn của Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn.
b) Xét về diễn biến thực tế của hành vi khách quan:
- Qua lời khai của Nguyễn Anh Tuấn và các nhân chứng (Trần Vũ Đức
Tiến, Trần Văn Hiếu) thì đã thể hiện việc xô xát qua lại giữa Tuấn với ông Liêm
chủ yếu là bằng tay, chân, can đựng nước bằng nhựa. Việc dùng tay, chân, can
nhựa để đạp, xô ngã, … không phải nguyên nhân dẫn đến cái chết cho nạn nhân.
- Theo Lời khai của Nguyễn Anh Tuấn và các nhân chứng (Trần Vũ
Đức Tiến, Trần Văn Hiếu) thì Tuấn có dùng cành cây bình bát khô đánh một số
cái, trong đó có trúng vùng đầu, mặt, tay của Ông Huỳnh Văn Liêm. Tuy nhiên,
qua lợi khai và vật chứng thu được tại hiện trường thì vật mà Tuấn dùng đánh
Ông Liêm thực tế chỉ là que bình bát có kích thước rất nhỏ (đường kính đầu lớn
nhất là 03cm, dài 60cm). Đây là cành cây kích thước nhỏ, trọng lượng nhẹ,
không nguy hiểm. Thực tế rất khó gây ra nguy hiểm tính mạng cho người khác.
Do đó, qua hành vi khách quan thực tế như trên thì hành vi của Nguyễn
Anh Tuấn thực tế không tất yếu dẫn đến hậu quả chết người. Việc chết người
như đã xảy ra là hậu quả ngoài ý muốn.
Mặt khác, Kết luận giám định pháp y đã kết luận nguyên nhân cái chết
của Ông Huỳnh Văn Liêm là do: “Chấn thương sọ não/ sặc nước – sử dụng
rượu”. Do đó, cái chết xảy ra xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có
nguyên nhân “chấn thương sọ não”. Điều này thể hiện nguyên nhân chết người
không phải chỉ do duy nhất là từ hành vi đánh trúng đầu nạn nhân. Ngoài ra,
trong trường hợp này, nạn nhân còn đang có sẳn tiền sử chấn thương sọ não do
tai nạn giao thông trước đó (có tài liệu về bệnh án trong hồ sơ vụ án).
Như vậy: Qua hành vi của Nguyễn Anh Tuấn thì xét về ý chí, Tuấn
không cố ý tước đoạt mạng sống của Ông Huỳnh Văn Liêm. Xét về hành vi
khách quan thì việc cây bình bát dùng để đánh nạn nhân thực chất chỉ là vật kích
thước nhỏ, trọng lượng nhẹ, ít nguy hiểm nên việc sử dụng để đánh nhau thực
chất không tất yếu dẫn đến chết người. Hậu quả chết người xảy ra trong trường
hợp này có nhiều nguyên nhân, trong đó còn có nguyên nhân “sặc nước – sử
dụng rượu”. Do vậy, hành vi của Nguyễn Anh tuấn trong việc xô xát, gây ra cái
14
chết cho Ông Huỳnh Văn Liêm chỉ là hành vi “cố ý gây thương tích” với hậu
quả là dẫn đến chết người. Hậu quả trong tường hợp này chỉ là do vô ý, năm
ngoài ý muốn của bị cáo.
2. Trong diễn biến sự việc hoàn toàn không có yếu tố “có tính chất
côn đồ”.
Để xác định một hành vi phạm tội trong các tội “giết người” hoặc tội “cố
ý gây thương tích” là “có tính chất côn đồ” thì trước nay thực tiễn pháp lý của ta
thường phải xem xét trên các khía cạnh:
- Căn cứ nhân thân người phạm tội: có phải người phạm tội là người có
bản chất hung hãn, hay gây hấn, đánh nhau trong quá trình sống trước đó hay
không ?
- Căn cứ diễn biến thực tế sự việc: Có phải người phạm tội chính là
người có hành vi càn quấy, bất chấp lẽ phải, chủ động gây hấn, gây ra sự việc
phạm tội hay không ?
Trong trường hợp diễn biến cụ thể của hành vi vi phạm của Nguyễn Anh
Tuấn thì chúng ta nhận thấy rằng:
- Xét về nhân thân, qua xác minh lý lịch bị can thì thể hiện Tuấn chưa
từng có tiền án tiền sự. Tuấn có nhân thân tốt, bản thân từng thi hành xong nghĩa
vụ quân sự, xuất ngũ về nhà làm ăn lương thiện, vợ chồng làm nghề buôn bán
trái cây, không có vi phạm pháp luật gì ở địa phương.
- Xét về diễn biến sự việc đã xảy ra thì rõ ràng việc xô xát, đánh nhau
hoàn toàn xuất phát từ lỗi ban đầu là của nạn nhân. Ông Huỳnh Văn Liêm (nạn
nhân) thực chất là người gây gỗ trước. cụ thể là liên tục có những hành vi như:
đạp ngã xe của Tuấn, dùng cây gỗ đánh Tuấn bầm hông trái, dung cán cần câu
đâm vào mặt Trần Vũ Đức Tiến, phá cửa chòi, chặt phá cây cối, chửi bới, …. Từ
một loạt các hành vi đó mà Tuấn cùng các bạn bè khác bức xúc, thiếu kiềm chế,
phản ứng đánh lại và dẫn đến cái chết. Trong sự việc trên, ngay cả cháu ruột của
nạn nhân là Lưu Huỳnh Thanh Hải còn không kiềm chế được mà phải đánh lại
nạn nhân rồi bỏ về trước.
Như vậy, diễn biến như trên thể hiện việc đánh nhau là do bị cáo bị kích
động, thiếu kiềm chế trước hành vi càn quấy, trái pháp luật của nạn nhân và
đánh trả lại, dẫn đến hậu quả chết người. Hoàn toàn không phải là hành vi “có
tính chất côn đồ” như nội dung truy tố của Cáo trạng.
III. KẾT LUẬN - ĐỀ XUẤT
1. Về tội danh:
Từ các phân tích nêu trên, xét về mặt chủ quan (ý thức, lỗi) thì Nguyễn
Anh Tuấn không cố ý tước đoạt mạng sống của Ông Huỳnh Văn Liêm. Xét về
hành vi khách quan thì việc dùng que gỗ bình bát với kích thước nhỏ, trọng
lượng nhẹ để đánh nhau với Ông Liêm không phải là sử dụng hung khí nguy
15
hiểm, không tất yếu dẫn đến chết người. Nguyên nhân chết người trong trường
hợp này có nhiều nguyên nhân và hậu quả xảy ra ngoài ý muốn của bị cáo.
Do đó, hành vi của Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn không phạm tội “giết
người”, và đồng thời cũng không có “tính chất côn đồ” như nội dung truy tố
của Cáo trạng số 369.
Kính đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các chứng cứ và diễn biến thực tế
của hành vi, chỉ xử lý hình sự đối với Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn về tội “cố ý gây
thương tích” với hậu quả “dẫn đến chết người” theo Khoản 3 Điều 104 Bộ luật
hình sự là phù hợp.
2. Về áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
Ngoài đề nghị về mặt tội danh như nêu trên, kính đề nghị Hội đồng xét
xử xem xét và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sau đây để
giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Anh Tuấn. Cụ thể là:
- Ngay trong quá trình điều tra, gia đình bị cáo Nguyễn Anh Tuấn đã nỗ
lực khắc phục hậu quả, đã gửi cho gia đình nạn nhân Huỳnh văn Liêm số tiền
80 triệu đồng. Vợ nạn nhân là Bà Mai Thị Loan cũng đã có đơn bãi nại gửi cho
cơ quan điều tra (có trong hồ sơ). Đây là tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm b
Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự.
Hành vi phạm tội xảy ra có phần nguyên nhân từ lỗi của nạn nhân (đã
phân tích ở trên). Do đó, đây là trường hợp “ Phạm tội trong trường hợp bị kích
động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại”, là tình tiết giảm
nhẹ quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự.
-
- Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, thể hiện
thái độ ăn năn hối cải về các sai phạm của mình, là tình tiết giảm nhẹ quy định
tại Điểm p Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự.
- Bản thân bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, là quân nhân
xuất ngũ về nhà làm ăn lương thiện, có công việc làm ổn định, đây là lần đầu
phạm tội do bộc phát, thiếu kiềm chế. Ngoài ra, bản thân bị cáo bị tạm giam đã
25 tháng (từ ngày 03/08/2013 đến nay). Với việc gánh chịu hậu quả mất tự do
trong điều kiện khó khăn trong Trại tạm giam một thời gian dài thời gian qua
cũng là một thiệt thòi cho bị cáo. Do đó khi quyết định hình phạt cũng cần có
xem xét, chiếu cố thêm cho bị cáo.
Kính thưa Hội đồng xét xử !
Qua các phân tích trình bày nêu trên, kính đề nghị Hội đồng xét xử xem
xét, đánh giá ý thức chủ quan, hành vi khách quan của Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn
về hành vi gây ra cái chết đối với nạn nhân là Ông Huỳnh Văn Liêm. Đồng thời
xem xét nguyên nhân phạm tội, nhân thân, thái độ và các tình tiết giảm nhẹ trách
nhiệm hình sự khác để xử lý hình sự bị cáo Nguyễn Anh Tuấn về tội “cố ý gây
thương tích” với hậu quả “dẫn đến chết người” theo Khoản 3 Điều 104 Bộ luật
hình sự.
16
Đồng thời, do Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nêu
tại Khoản 1 Điều 46 BLHS nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 47 BLHS
để áp dụng mức hình phạt đối với Bị cáo dưới mức thấp nhất quy định tại Khoản
3 Điều 104 Bộ luật hình sự (tức là dưới 05 năm tù), nhằm tạo cơ hội cho bị cáo
vừa nhận thức, sửa chữa sai lầm bản thân, vừa có cơ hội sớm hòa nhập đời sống
xã hội để trở thành công dân tốt.
**********************
Trên đây là quan điểm của tôi về vụ án căn cứ trên những chứng cứ phản
ánh trong hồ sơ vụ án mà tôi đã nghiên cứu. Tại phiên toà sơ thẩm, nếu có
những diễn biến khác đi thì quan điểm bào chữa có thể được thay đổi theo diễn
biến thực tế tại phiên toà.
Rất mong Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm của TAND Tp.HCM xem xét và
chấp nhận các quan điểm mà tôi đã trình bày.
Trân trọng.
Người bào chữa
Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG
Mục 2
Kết quả công việc cho khách hàng
Bản án sơ thẩm số 225/2015/HSST ngày 30/06/2015 của Tòa án nhân dân
Tp.Hồ Chí Minh căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, quá
trình xét hỏi và tranh luận tại Phiên tòa đã quyết định:
Tuyên bố bị cáo Nguyễn Anh Tuấn phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
1.Áp dụng điểm a khoản 1 khoản 3 Điều 104, điểm p, đ khoản 1, 2 Điều
46 của Bộ luật hình sự
Xử phạt: bị cáo Nguyễn Anh Tuấn 05 (năm) năm tù. Thời hạn tù tính từ
ngày 03/08/2013.
2.Áo dụng Điều 42 của Bộ luật hình sự
Buộc bị cáo Nguyễn Anh Tuấn bồi thường thêm cho đại diện hợp pháp
của người bị hại số tiền 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng.
17
Bị cáo chịu 200.000 đồng án phí Hình sự sơ thẩm và 1.000.000 đồng án
phí dân sự sơ thẩm.
Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị hại được quyền kháng cáo trong
hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Các đương sự vắng mặt được quyền kháng cáo
trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được toàn sao bản án.
Như vậy, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn đã được chuyển từ tội danh “Giết
người” với tình tiết định khung tăng nặng là “có tính chất côn đồ” sang tội danh
“Cố ý gây thương tích” và xử ở mức thấp nhất của khung hình phạt. Khách hàng
là bà Lê Thị Ngọc Thắm đã cảm ơn Luật sư bào chữa cho bị cáo tại Tòa. Việc
bào chữa được cho là thành công.
PHẦN IV
CÁC KIẾN NGHỊ
Mục 1
Những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định về tập sự hành
nghề luật sư của Luật luật sư trong thực tiễn
Qua quá trình được Luật sư hướng dẫn cho tham gia vụ việc, người tập sự
xin có một số ý kiến như sau:
Căn cứ Điều 14 Luật Luật sư 2006 và Khoản 5, Điều 1 của Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Luật sư ký ngày 20/11/2012, hiệu lực thi hành từ
01/07/2013, sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 14 Luật Luật sư thì: “Người tập sự
hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp
nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho
khách hàng tại Phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật.”
18
Như vậy, Người tập sự hành nghề luật sư rất khó tự mình thâm nhập vào
thực tế, không có nhiều cơ hội để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn của
nghề nghiệp. Từ đó, Người tập sự không thể nâng cao tính tự chủ, tính tự chịu
trách nhiệm và khó tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp cho mình.
Mục 2
Các kiến nghị
Qua quá trình thực hiện vụ việc trên dưới sự hướng dẫn của Luật sư
hướng dẫn, người tập sự xin có một số kiến nghị liên quan đến những hạn chế
trong các quy định của Bộ luật hình sự hiện nay liên quan đến quá trình giải
quyết vụ việc như sau:
1. Về ranh giới xác định tội danh Giết người và tội danh Cố ý gây thương
tích trong Bộ luật Hình sự hiện nay:
Người tập sự nhận thấy rằng việc xác định ranh giới giữa tội danh Giết
người và tội danh Cố ý gây thương tích trong Bộ luật Hình sự hiện nay là rất
mong manh. Trên thực tế, quan điểm xem xét về ranh giới giữa hai tội danh này
đã có sự khác nhau giữa phía Tòa án và Viện kiểm sát.
Phía các cơ quan lập pháp nên chăng cần có những sửa đổi và đưa ra
những quy định pháp luật mang tính cụ thể hơn để làm thước đo trong việc áp
dụng pháp luật, làm rõ ranh giới xác định giữa hai tội danh trên.
Bên cạnh đó, khi xét xử, phía các cơ quan Tòa án và Viện kiểm sát nên
xem xét đặt hành vi phạm tội trong mối quan hệ giữa ý thức chủ quan và hành vi
khách quan để có những đánh giá phù hợp với hành vi phạm tội trên thực tế của
bị cáo. Từ đó, xem xét, xét xử đúng người đúng tội, tránh oan sai.
2. Về tình tiết định khung tăng nặng “có tính chất côn đồ”
Hiện nay, đây là một trong những tình tiết định khung tăng nặng có nhiều
quan điểm xem xét khác nhau. Tùy theo cách nhìn nhận vấn đề của từng Tòa án,
từng Viện kiểm sát khác nhau mà có nơi áp dụng tình tiết này, có nơi lại cho
rằng không nên áp dụng đối với những vụ án có cùng tình tiết phạm tội giống
nhau.
Theo quan điểm cá nhân người tập sự, việc xem xét nên hay không nên áp
dụng tình tiết định khung tăng nặng “có tính chất côn đồ” này nên được đặt
trong mối quan hệ nhân thân của người thực hiện hành vi phạm tội với ý thức
chủ quan, hành vi khách quan của họ khi thực hiện hành vi trái pháp luật này để
xem xét. Nên chăng một người có nhân thân tốt và quá trình sinh sống, làm việc
từ trước đến nay không gây ra bất kỳ vi phạm pháp luật nào, nay do một phút
thiếu kiềm chế, do sự kích động từ bên ngoài mà gây ra hành vi phạm tội mà hậu
19
quả bản thân không mong muốn thì không nên áp dụng tình tiết định khung tăng
nặng “có tính chất côn đồ” này đối với họ.
Bên cạnh đó, người tập sự cũng nhận thấy các quy định pháp luật hiện nay
hướng dẫn về vấn đề này còn mang tính chung chung, thiếu tính cụ thể, khó áp
dụng trong quá trình thực tiễn khi vụ việc xảy ra. Do đó, rất mong phía các cơ
quan lập pháp nên xem xét việc sửa đổi, bổ sung các quy định này ngày càng chi
tiết, dễ đi vào thực tiễn xét xử trong thời gian tới.
PHẦN V
DANH MỤC TÀI LIỆU ĐÍNH KÈM ĐẾN VỤ VIỆC
1. Bản án số 225/2015/HSST của Tòa án nhân dân Tp.Hồ Chí Minh ngày
30/06/2015;
2. Cáo trạng số 369/CT-P.1A của Viện kiểm sát nhân dân Tp.Hồ Chí Minh ngày
19/08/2014;
3. Kết luận điều tra vụ án Nguyễn Anh Tuấn – can tội “Giết người” của Công an
Tp.Hồ Chí Minh – Cơ quan cảnh sát điều tra ngày 16/07/2014;
4. Kết luận điều tra bổ sung vụ án Nguyễn Anh Tuấn – can tội “Giết người” của
Công an Tp.Hồ Chí Minh – Cơ quan cảnh sát điều tra ngày 29/12/2014;
5. Bản kết luận giám định pháp y tử thi số 666/GPTT.13 của Sở y tế Tp.Hồ Chí
Minh – Trung tâm pháp y ngày 23/08/2013;
20
6. Quyết định trưng cầu giám định số 679/ĐTTH của Công an Quận 8 – Cơ
quan CSĐT ngày 02/08/2013;
7. Biên bản khám nghiệm tử thi ngày 02/08/2013 tại Bệnh viện Bình Chính,
Tp.Hồ Chí Minh;
8. Biên bản ghi lời khai của Trần Văn Hiếu ngày 05/12/2014 tại Cơ quan cảnh
sát điều tra Công an Tp.Hồ Chí Minh;
9. Biên bản ghi lời khai của Trần Vũ Đức Tiến ngày 05/12/2014 tại Cơ quan
cảnh sát điều tra Công an Tp.Hồ Chí Minh;
10. Biên bản hỏi cung bị can của Nguyễn Anh Tuấn ngày 04/12/2014 tại Trại
tạm giam Chí Hòa;
11. Biên bản hỏi cung bị can của Nguyễn Anh Tuấn ngày 27/11/2014 tại Trại
tạm giam Chí Hòa;
12. Biên bản đối chất của Nguyễn Anh Tuấn và Trần Văn Hiếu ngày 25/12/2014
tại Trại tạm giam Chí Hòa;
13. Biên bản đối chất của Nguyễn Anh Tuấn và Trần Vũ Đức Tiến ngày
25/12/2014 tại Trại tạm giam Chí Hòa;
14. Đơn xin cam kết bãi nại của bà Nguyễn Mai Loan (Vợ nạn nhân Huỳnh Văn
Liêm) ngày 19/09/2013;
15. Quyết định số 57/QĐ của Quân đội nhân dân Việt Nam – Quân đoàn 4 – Sư
đoàn 309 – Trung đoàn 31 xác nhận Nguyễn Anh Tuấn cấp bậc Binh nhất đã
được xuất ngũ;
16. Lý lịch bị can Nguyễn Anh Tuấn;
17. Giấy chứng nhận người bào chữa số 2317/HS-GCNNBC của Tòa án nhân
dân Tp.Hồ Chí Minh ngày 26/04/2015;
18. Giấy yêu cầu luật sư ngày 23/04/2015;
19. Giấy giới thiệu ngày 23/04/2015.
21