Khóa LUYỆN THI THPT QG 2016 – GV: Vũ Thị Dung
Facebook: DungVuThi.HY
ĐỀ SỐ 04
Chuyên đề: LUYỆN THI THPT QUỐC GIA NĂM 2016
VIDEO và LỜI GIẢI CHI TIẾT chỉ có tại website MOON.VN
[Truy cập tab: Ngữ Văn – Khoá học: LUYỆN ĐỀ THI THPT QUỐC GIA 2016]
I. PHẦN ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
Lá không vàng, lá không rụng, lá lại thêm xanh; ấy là mùa thu đã về; mùa thu mới về, yểu điệu
thục nữ. Trời bớt nóng và thêm mát. Có ai thổi cơm mà khói nhẹ mơ hồ đâu đây.
Chưa có sương mù chưa có hẳn sương mờ; chỉ là đôi thoáng sương mơ, mỏng như chiêm bao.
Mặt trời nhạt vừa khuất mây, thì khối chiếc lá biếc hơi nhòa; mặt trời vừa ló lại ánh vàng, thì khối
lá lại hiện nguyên sắc biếc; không biết có phải sương thu mới nhóm, hay đó chỉ là sự huyền ảo của
chính hồn tôi?
Mùa thu đến với cõi đời như một cô gái xưa đi về nhà chồng, nàng thu bước rất khoan thai, tà
áo thướt tha, chân không có tiếng. Thân hình nàng uốn éo rất thanh quí, mặt ngọc của nàng che
sau cánh quạt mở, thỉnh thoảng cánh quạt khẽ chệch, để lộ đôi mắt êm như trời xanh buổi chiều.
(Trích Trường ca - Xuân Diệu)
Câu 1. Chỉ ra chính xác 02 phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích:
A. Nghị luận, miêu tả
B. Tự sự, biểu cảm
C. Miêu tả, biểu cảm
D. Thuyết minh, tự sự
Câu 2. Khoảng khắc thu sang được Xuân Diệu phác họa bằng những hình ảnh, chi tiết nào?
Câu 3. Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong câu văn: Mùa thu đến với
cõi đời như một cô gái xưa đi về nhà chồng, nàng thu bước rất khoan thai, tà áo thướt tha, chân
không có tiếng..
Câu 4. Ghi lại cảm nhận của anh/chị về khoảnh khắc thu sang.
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 5 đến câu 8:
Hãy nhìn dòng người đang cuộn chảy trên đường phố trong cái ngột ngạt của trưa hè nóng
bức, ai cũng nghẹt thở vì chất thải của động cơ xe máy, ô tô, cho dù khẩu trang che kín mũi miệng.
Hậu quả sẽ ra sao với sức khỏe của con người? Khó mà lường được. Nhưng trước mắt thì vẫn cứ
phải tồn tại bằng cách thở hít vào phổi cái khói bụi độc hại đó để mà bươn chải với cuộc mưu
sinh.
Ai đó mong có dịp về nông thôn để được hít thở không khí trong lành, sẽ khó tránh khỏi cảm
giác thất vọng. Sự “trong lành” mà họ trông đợi đang bị hủy hoại nghiêm trọng bởi chất thải công
nghiệp, chất thải vô tội vạ của làng nghề, chất thải từ “mạnh ai nấy được” trong nuôi trồng thủy
Moon.vn - Học để khẳng định mình
1
Hotline: 0432 99 98 98
Khóa LUYỆN THI THPT QG 2016 – GV: Vũ Thị Dung
Facebook: DungVuThi.HY
sản,… Sông Cầu tiếp nhận thêm ít nhất 180 000 tấn phân hóa học, 1 500 tấn thuốc trừ sâu! Lưu
vực sông Nhuệ, sông Đáy bị nước thải đô thị xối thẳng trực tiếp làm nước sông đen ngòm và đang
bốc mùi. Sông Thị Vải trong lưu vực sông Đồng Nai đã có đoạn bị chết kéo dài sau khu vực hợp
lưu Suối Cả, Đồng Nai đến khu công nghiệp Mĩ Xuân…
Trở lại với chuyện thường ngày ở cái vạch dừng xe trên đường phố. Trong cái nóng thiêu đốt,
tiếng gầm gào của các loại động cơ ô tô, xe máy làm cho bầu không khí càng thêm ngột ngạt. Rồi
đây, “dân giàu” lên thêm, ô tô càng nhiều thêm, nơi cái vạch dừng xe của cái đường phố không
thể mở rộng hơn để tương thích với sự phát triển đó sẽ càng thêm ngột ngạt và nghẹt thở.
Ở một số nước nghèo, bức xúc là chuyện tăng trưởng kinh tế để giảm nghèo cái đã, việc môi
trường, tính sau. Người ta quên mất rằng, cái giá phải trả cho sự hủy hoại môi trường sẽ cao hơn
nhiều cho những sản phẩm có được của sự tăng trưởng kia. Không thể chỉ đơn thuần quan tâm
thúc đẩy sự tăng trưởng mà còn phải thường trực đặt ra câu hỏi tăng trưởng như thế nào. Chẳng
thế mà người ta khuyến cáo sử dụng chỉ số mới mang tên Tổng sản phẩm quốc gia “thuần” và
“xanh” chứ không chỉ sử dụng GDP. “Thuần” là đòi hỏi phải điều chỉnh tổng sản phẩm sau khi
đã khấu trừ các tài sản của đất nước bị hao hụt trong quá trình sản xuất. “Xanh”, nghĩa là phải
chú ý đến mức tiêu hao nguồn tài nguyên thiên nhiên đã bị khai thác gắn với sự hủy hoại môi
trường sống của con người khi tính GDP.
(Theo Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr.162)
Câu 5. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 6. Không khí trong lành ở nông thôn đang bị hủy hoại bởi nguyên nhân nào?
Câu 7. Anh/Chị hiểu thế nào là “hủy hoại”?
Câu 8. Theo anh/chị, cần làm gì để môi trường sống không bị ô nhiễm?
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1. Đọc câu chuyện dưới đây:
Ngày xưa có một vị vua ra lệnh đặt một tảng đá giữa đường. Sau đó ông nấp kín để chờ xem
liệu có ai dời hòn đá to ấy đi không. Một vài viên quan và những thương gia giàu nhất vương quốc
đi ngang, nhưng họ chỉ vòng qua tảng đá. Nhiều người lớn tiếng phiền trách đức vua đã không giữ
cho đường sá quang quẻ, nhưng chẳng ai làm gì để lăn hòn đá ra khỏi mặt đường. Sau đó, một
người nông dân đi tới, vai mang một bao rau củ nặng trĩu. Khi tới gần hòn đá, ông hạ bao xuống
và cố đẩy hòn đá sang lề đường. Sau một hồi cố gắng hết sức, cuối cùng ông cũng làm được.
Khi người nông dân lại vác cái bao của mình lên, ông nhìn thấy một cái ví nằm trên đường,
ngay chỗ hòn đá khi nãy. Cái ví đựng nhiều tiền vàng và một mảnh giấy ghi rõ số vàng trên sẽ
thuộc về người nào đẩy hòn đá ra khỏi lối đi.
(Theo Những tấm lòng cao cả, NXB Trẻ, 2004)
Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày những suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa
của câu chuyện.
Câu 2. Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Moon.vn - Học để khẳng định mình
2
Hotline: 0432 99 98 98
Khóa LUYỆN THI THPT QG 2016 – GV: Vũ Thị Dung
Facebook: DungVuThi.HY
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
(Trích Từ ấy, Tố Hữu, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2009, tr.44)
- Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
- Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…
(Trích Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr.109)
Moon.vn - Học để khẳng định mình
3
Hotline: 0432 99 98 98
Khóa LUYỆN THI THPT QG 2016 – GV: Vũ Thị Dung
Facebook: DungVuThi.HY
GỢI Ý ĐỀ SỐ 04
Chuyên đề: LUYỆN THI THPT QUỐC GIA NĂM 2016
VIDEO và LỜI GIẢI CHI TIẾT chỉ có tại website MOON.VN
[Truy cập tab: Ngữ Văn – Khoá học: LUYỆN ĐỀ THI THPT QUỐC GIA 2016]
I. PHẦN ĐỌC HIỂU
Câu 1
C. Miêu tả, biểu cảm
Câu 2
Khoảnh khắc thu sang được Xuân Diệu phác họa bằng hàng loạt các hình ảnh, chi tiết: lá thêm
xanh, trời bớt nóng và thêm mát, khói nhẹ mơ hồ, đôi thoáng sương mơ, mỏng, cặp hình ảnh mặt
trời – chiếc lá…
Câu 3
Hiệu quả của biện pháp so sánh được sử dụng trong câu văn: Thu sang được ví như bước đi
của cô gái xưa khi lấy chồng, hết sức chậm rãi, nhẹ nhàng, tha thướt, e lệ. Biện pháp so sánh làm
nổi bật vẻ đẹp của mùa thu trong khoảnh khắc giao mùa.
Xuân Diệu không so sánh mùa thu đến với đối tượng nào khác mà so sánh với một cô gái.
Cách so sánh thể hiện quan niệm về cái đẹp của Xuân Diệu: coi con người là chuẩn mực của mọi
vẻ đẹp, thiên nhiên chỉ đẹp khi được đối sánh với con người.
Câu 4
Thí sinh ghi lại cảm nhận về khoảnh khắc thu sang (ví dụ: cảm nhận về bầu trời, về làn nước,
về hoa lá cỏ cây, về lòng người…).
Câu 5
Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là nghị luận.
Câu 6
Không khí trong lành ở nông thôn đang bị hủy hoại bởi: chất thải công nghiệp, chất thải của
các làng nghề, chất thải trong nuôi trồng thủy sản...
Câu 7
“Hủy hoại” là làm cho hư hỏng, tan nát đi.
Câu 8
Thí sinh cần đưa ra được các giải pháp tích cực về trách nhiệm của bản thân đối với việc giữ
gìn để môi trường sống không bị ô nhiễm, ví dụ: không vứt rác bừa bãi, tiêu hủy rác đúng phương
pháp kĩ thuật, trồng nhiều cây xanh, tiết kiệm năng lượng...
II. PHẦN LÀM VĂN
Moon.vn - Học để khẳng định mình
4
Hotline: 0432 99 98 98
Khóa LUYỆN THI THPT QG 2016 – GV: Vũ Thị Dung
Facebook: DungVuThi.HY
Câu 1
1. Yêu cầu về kĩ năng
- Biết cách làm bài nghị luận xã hội, bàn về một tư tưởng đạo lí;
- Vận dụng tốt các thao tác lập luận;
- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp;
- Sáng tạo trong diễn đạt, trong cách nhìn nhận về vấn đề nghị luận.
2. Yêu cầu về kiến thức
Trên cơ sở những hiểu biết về ý nghĩa câu chuyện, thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ của mình về
vấn đề cần bàn luận theo những cách khác nhau nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Dưới đây là
một số gợi ý:
* Giải thích ngắn gọn ý nghĩa câu chuyện
Từ việc giải thích các hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng (“tảng đá”: những trở lực, khó khăn
trong cuộc sống; “cái ví đựng nhiều tiền vàng”: điều tốt đẹp, may mắn), đặc biệt từ cách ứng xử
khác nhau giữa những người qua đường khác và người nông dân khi thấy tảng đá giữa đường, câu
chuyện thể hiện một bài học mang ý nghĩa triết lí sâu sắc: Con người có thể nhận được những điều
may mắn, tốt đẹp khi biết vượt qua những khó khăn, trắc trở, những trở ngại trong cuộc sống.
* Bình luận về vấn đề: Điều tốt đẹp sẽ đến khi con người biết vượt qua trở lực trong cuộc
sống
Thí sinh cần trình bày được ý kiến của mình về vấn đề bàn luận, trong đó cần nêu được:
- Vì sao khi vượt qua những khó khăn, thử thách, con người sẽ gặp những điều tốt đẹp? (cuộc
sống vốn tiềm chứa rất nhiều thách thức, chông gai; con đường dẫn đến thành công không bao giờ
bằng phẳng; không vượt qua khó khăn, thách thức, con người sẽ phải nhận lấy thất bại...);
- Những điều tốt đẹp khi con người biết vượt qua khó khăn thử thách là gì? (thành công; nghị
lực sống phi thường; có sức mạnh bước tiếp, truyền cảm hứng cho người khác; tin yêu vào bản
thân, vào cuộc đời...);
- Làm thế nào để vượt qua những thách thức trong cuộc sống? (dũng cảm đương đầu với trở
lực, thách thức; trau dồi tri thức, kĩ năng, có thái độ sống tích cực; liên kết sức mạnh tập thể...);
- Bày tỏ thái độ ngưỡng mộ, trân trọng những người có ý thức vượt qua khó khăn, thử thách;
phê phán những người yếu đuối, hèn nhát đầu hàng...
* Bài học nhận thức và hành động
- Cuộc sống vốn rất khắc nghiệt, lắm chông gai, vậy nên mỗi người cần phải kiên nhẫn vượt
qua những thử thách trong cuộc sống.
- Biết nhẫn nại vượt qua những thách thức trong cuộc sống.
Câu 2
1. Yêu cầu về kĩ năng
- Biết cách làm bài nghị luận văn học;
- Vận dụng tốt các thao tác lập luận;
Moon.vn - Học để khẳng định mình
5
Hotline: 0432 99 98 98
Khóa LUYỆN THI THPT QG 2016 – GV: Vũ Thị Dung
Facebook: DungVuThi.HY
- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp;
- Sáng tạo trong diễn đạt, trong cách nhìn nhận về vấn đề nghị luận.
2. Yêu cầu về kiến thức
Trên cơ sở hiểu biết về tác giả Tố Hữu và các tác phẩm Từ ấy, Việt Bắc thí sinh có thể cảm
nhận về hai đoạn thơ theo những cách khác nhau nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Dưới đây
là một số gợi ý:
* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận
- Tố Hữu là một trong những lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữu
đậm chất trữ tình chính trị.
- Từ ấy, Việt Bắc là hai trong số những sáng tác tiêu biểu của đời thơ Tố Hữu.
- Hai đoạn thơ được trích từ Từ ấy, Việt Bắc (dẫn hai đoạn thơ).
* Cảm nhận về hai đoạn thơ
- Đoạn thơ trong Từ ấy:
+ Niềm vui lớn khi bắt gặp lí tưởng cộng sản.
+ Thể thơ 7 chữ, ngôn ngữ giản dị, gần gũi, giàu sức gợi hình biểu cảm, sử dụng các biện pháp
tu từ so sánh, ẩn dụ…
- Đoạn thơ trong Việt Bắc:
+ Cuộc chia tay lưu luyến, bịn rịn của cán bộ cách mạng và đồng bào Việt Bắc: lời người ở lại
khơi gợi kỉ niệm, hồi ức; lời người về xuôi gợi nhắc ý nghĩa lịch sử của cuộc chia li.
+ Thể thơ lục bát mang âm hưởng ca dao, dân ca; kết cấu đối đáp được thể hiện qua cặp đại từ
mình - ta; ngôn ngữ giản dị, mộc mạc…
- Điểm tương đồng, khác biệt:
+ Hai đoạn thơ đều được khơi gợi cảm hứng từ những sự kiện trọng đại của bản thân nhà thơ
và của đất nước; đều thể hiện tình cảm lớn đối với đất nước; đều sử dụng từ ngữ, hình ảnh quen
thuộc, gần gũi, giàu tính nhạc…
+ “Cái tôi” trữ tình trong Từ ấy là “cái tôi chiến sĩ”, “cái tôi” trữ tình trong Việt Bắc là cán bộ
cách mạng và nhân dân. Từ ấy sử dụng thể thơ 7 chữ, có ảnh hưởng của phong trào Thơ mới; Việt
Bắc sử dụng thể thơ lục bát, mang âm hưởng ca dao.
* Nhận xét, đánh giá
Hai đoạn thơ thể hiện đậm nét phong cách thơ Tố Hữu: chất trữ tình - chính trị sâu lắng.
Moon.vn - Học để khẳng định mình
6
Hotline: 0432 99 98 98