Tải bản đầy đủ (.doc) (213 trang)

LUẬN án TIẾN sĩ THÔNG TIN và vấn đề TIẾP NHẬN xử lý THÔNG TIN THEO tư DUY NGƯỜI VIỆT NAM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (821.96 KB, 213 trang )

5

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài
Thông tin và vấn đề tiếp nhận, xử lý thông tin của tư duy người
Việt Nam đang được đặt ra rất cấp bách đối với sự nghiệp công nghiệp hóa,
hiện đại hóa (CNH, HĐH) nước ta. Bởi lẽ, ngày nay với cuộc cách mạng
khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là cuộc cách mạng thông tin
(CMTT), loài người đang thực hiện bước chuyển từ nền văn minh công
nghiệp sang nền văn minh tin học, từ nền kinh tế công nghiệp sang nền
kinh tế tri thức, thì hơn bao giờ hết thông tin đang trở thành tài sản số một
của mỗi quốc gia, dân tộc và sự phồn thịnh của mỗi quốc gia, dân tộc ấy
phụ thuộc trước hết và quyết định vào vấn đề tư duy của con người ở đó
tiếp nhận và xử lý thông tin như thế nào. Hơn nữa, Việt Nam lại là một
nước nông nghiệp, sản xuất nhỏ, thực hiện CNH, HĐH trong điều kiện hiện
nay tất yếu phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ cực kỳ to lớn: chuyển
biến từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp và từ kinh tế công
nghiệp sang kinh tế tri thức thì nhu cầu về thông tin, tri thức càng rất lớn
để mau chóng rút ngắn được khoảng cách về tri thức, và đặc biệt vấn đề
tiếp nhận, xử lý thông tin của tư duy người Việt Nam càng là một thách
thức nghiệt ngã, một bài toán hóc búa!
Thông tin là một trong những nhu cầu sống còn của con người, để
tồn tại và phát triển, tư duy con người phải thường xuyên tiếp nhận và xử lý
thông tin. Nhưng không phải ngay từ đầu thông tin và vấn đề tiếp nhận, xử
lý thông tin của tư duy con người đã được con người đề cập đến. Có thể
nói, phải đến khi lý thuyết thông tin ra đời, con người mới tiếp cận hiện
tượng thông tin ở cấp độ khái niệm và cũng từ đó nó đòi hỏi sự khái quát
triết học về bản chất chung nhất của thông tin vì thông tin là thuộc tính
khách quan của vật chất, nó gắn liền với phản ánh - thuộc tính vốn có của



6

vật chất. Và đồng thời cũng từ đó triết học mới bắt đầu quan tâm tới bản
chất của tư duy con người về phương diện tiếp nhận, xử lý thông tin, đó là
quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin của con người diễn ra như thế nào? theo
cơ chế nào và có những đặc trưng gì? hệ các yếu tố nào quy định năng lực
tiếp nhận, xử lý thông tin của tư duy con người?... Thực sự đây là những
vấn đề rất khó, cho đến nay những hiểu biết và những khái quát triết học về
chúng chưa nhiều, đang còn bỏ ngỏ. Thì nay, thông tin và vấn đề tiếp nhận,
xử lý thông tin của tư duy con người nói chung và tư duy người Việt Nam
nói riêng một lần nữa lại được đặt ra nhưng trực tiếp và cấp thiết hơn lúc
nào hết. Và cũng chính lúc này, với cuộc CMTT toàn cầu hiện nay, lịch sử
đang tạo ra những tiền đề, điều kiện cho phép con người có thể tiếp tục
nghiên cứu làm rõ thêm về bản chất của thông tin cũng như quá trình tiếp
nhận, xử lý thông tin trong tư duy con người (trong đó có tư duy người Việt
Nam). Thật vậy, trong điều kiện cuộc CMTT hiện nay, chưa bao giờ thông
tin phát triển phong phú, đa dạng như bây giờ và cũng chưa bao giờ quá
trình tiếp nhận, xử lý thông tin của tư duy con người lại thể hiện rõ sức
mạnh sáng tạo như bây giờ. Do đó con người sẽ có điều kiện hơn để tiếp
cận làm rõ thông tin và vấn đề tiếp nhận, xử lý thông tin của tư duy con
người. Bởi vì như chúng ta biết, bản chất của sự vật, hiện tượng sẽ bộc lộ
rõ hơn khi chúng vận động, phát triển đến giai đoạn cao của nó!
Như vậy, đã đến lúc cuộc sống đang yêu cầu, đòi hỏi và cũng là
mách bảo chúng ta cần phải có những khái quát triết học về thông tin và
vấn đề tiếp nhận, xử lý thông tin của tư duy người Việt Nam. Thông tin và
vấn đề tiếp nhận, xử lý thông tin của tư duy người Việt Nam, có thể nói
rằng, đang là một trong những đề tài triết học trong tin học, có ý nghĩa lý
luận và thực tiễn quan trọng nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao năng
lực tiếp nhận, xử lý thông tin của tư duy người Việt Nam, giúp họ có thể

đáp ứng và tiến tới làm chủ được thông tin trong điều kiện của cuộc CMTT


7

hiện nay. Vì vậy nghiên cứu đề tài này sẽ góp phần tạo ra và phát huy
nguồn lực tư duy, trí tuệ - nguồn lực quyết định cho sự phồn thịnh của dân
tộc Việt Nam vững bước bước vào thiên niên kỷ mới!
Nhận thức được tính cấp thiết trên đây, chúng tôi đã quyết định
chọn và nghiên cứu đề tài: "Thông tin và vấn đề tiếp nhận, xử lý thông tin
của tư duy người Việt Nam".
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Thông tin là một hiện tượng tồn tại khách quan, nhưng có thể nói,
phải từ khi có sự bùng nổ thông tin thì triết học mới có thêm cơ sở và điều
kiện để chú ý đúng mức hơn đến hiện tượng thông tin và khái niệm "thông
tin" về phương diện triết học, cũng như quan tâm hơn đến mối quan hệ giữa
thông tin và phản ánh (thuộc tính phổ biến của vật chất) và đặc biệt đến quá
trình thông tin diễn ra trong tư duy con người. Một số công trình nghiên
cứu về những vấn đề đó của các tác giả trong và ngoài nước đã được chính
thức công bố.
Trước hết phải kể đến một số công trình của các tác giả nước ngoài.
Trong đó đáng chú ý là các công trình của N.I.Jucôv: "Những cơ sở triết
học của điều khiển học", Nxb Minxcơ, 1973; B.V.Birjukốp: "Điều khiển
học và phương pháp luận của khoa học", Nxb Khoa học Matxcơva, 1974;
và A.D.Urxun: "Vấn đề thông tin trong khoa học hiện đại" Nxb Khoa học
Matxcơva, 1975. Đặc biệt là công trình cộng tác của các nhà triết học và
khoa học Liên Xô (trước đây) và Bungari do T.Páplốp làm chủ biên, đó là:
"Lý luận phản ánh của Lênin và thời đại", Xôphia, 1969; "Lý luận phản
ánh của Lênin và khoa học hiện đại", tập 1, 2, 3, Xôphia, 1973; "Lý luận
phản ánh của Lênin dưới ánh sáng của sự phát triển khoa học và thực

tiễn", tập 1, 2, Xôphia, 1981. Các tác giả trên đây đã tìm hiểu, nghiên cứu
bản chất của thông tin và mối quan hệ giữa thông tin với phản ánh để từ đó
nêu ra định nghĩa triết học về thông tin. Các tác giả cũng đã bước đầu đặt


8

vấn đề vận dụng lý thuyết thông tin và điều khiển học để mô hình hóa hoạt
động trí tuệ, tư duy của con người. Tuy nhiên, những quan điểm trên đây
còn có phần khác nhau, chưa thống nhất và có những vấn đề còn phải tiếp
tục nghiên cứu.
Tiếp thu có chọn lọc và góp phần bổ sung những tư tưởng trên
trong điều kiện CMTT toàn cầu hiện nay, một số các nhà triết học và khoa
học Việt Nam đã có những công trình đề cập đến những khía cạnh nhất
định của các vấn đề đó.
Về thông tin và mối quan hệ giữa thông tin với phản ánh, phải kể
đến các công trình và bài viết như: "Thông tin và phản ánh" của Nguyễn
Duy Thông, Tạp chí Giảng viên, 5/1981, tr. 7-14; "Lý luận phản ánh 70
năm sau cách mạng tháng 10" của Nguyễn Trọng Chuẩn và Phạm Văn
Đức, Triết học, số 3, 1987, tr. 162-177; "Về mối quan hệ giữa con người và
tự nhiên qua các cuộc cách mạng thông tin - công nghệ" của Phạm Thị
Ngọc Trầm, Tạp chí Cộng sản, số 10, 1999, tr. 37-39; "Sức mạnh thông tin
trong xã hội hiện đại" của Trần Hồng Lưu, Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 4,
1994, tr. 49-51,
Về thông tin và vấn đề tiếp nhận, xử lý thông tin của tư duy con
người, những vấn đề đặt ra của thông tin đối với tư duy con người, cũng
như tư duy con người tiếp nhận, xử lý thông tin như thế nào để đáp ứng
được nhu cầu thông tin hiện nay cũng đã được một số công trình của các
nhà triết học và khoa học Việt Nam đề cập đến ở những khía cạnh và mức
độ nhất định. Đó là Vũ Đình Cự với "Khoa học - công nghệ - lực lượng sản

xuất hàng đầu", Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996; Đó là Lê Hữu
Nghĩa và Phạm Duy Hải với "Tư duy khoa học trong giai đoạn cách mạng
khoa học - công nghệ", Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998. Và đó là,
Bùi Biên hòa (chủ biên) với "Sự đột phá của khoa học thông tin trước thế


9

kỷ XXI", Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện Thông tin
khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
Từ đề tài thông tin với vấn đề tiếp nhận, xử lý thông tin của tư duy
con người nói chung, một số tác giả khác đã tiếp cận cụ thể thông tin với
vấn đề tiếp nhận, xử lý thông tin của tư duy người Việt Nam. Nhưng chưa
có công trình nào nghiên cứu một cách khái quát, hệ thống vấn đề đó, cũng
như chưa có công trình nào khái quát được những đặc điểm cơ bản của quá
trình tiếp nhận, xử lý thông tin của tư duy người Việt Nam trên cơ sở chỉ ra
cơ chế và những đặc trưng của quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin của tư
duy con người nói chung. Và, mới chỉ có một số tác giả, công trình đề cập
đến phương diện tiếp nhận và xử lý thông tin của tư duy người Việt Nam
trong một lĩnh vực cụ thể và với một mức độ nhất định nào đó. Chẳng hạn
như Lê Thị Lan với "Tìm hiểu một số quan niệm chi phối tư duy các nhà
cải cách Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX", Tạp chí Triết học, số 1, tháng
3/1995; Lê Hữu Tuấn với "Ảnh hưởng của Phật giáo đối với tư duy của
người Việt trong lịch sử", Tạp chí Triết học, số 6, 12/1998; và Nguyễn
Hùng Hậu: "Âm và Nhu phải chăng là đặc tính cơ bản của người Việt, của
dân tộc Việt?", Tạp chí Triết học, số 3, 6/1999. Vấn đề đó còn được thể
hiện ở một số bài viết, bài nghiên cứu về nhận diện tư duy của các nhân vật
lịch sử như: "Nhận dạng và suy ngẫm về tư duy Hồ Chí Minh" của Hồ Bá
Thâm, Tạp chí Sinh hoạt lý luận, 1/1995; "Tư tưởng đổi mới của Nguyễn
Trường Tộ, một biểu hiện mới của tinh thần dân tộc ở nửa sau thế kỷ XIX"

của Nguyễn Trọng Văn, Triết học, số 4, 12/1991; và "Bản lĩnh văn hóa
Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa" của Hoàng Quốc Hải, Báo Văn nghệ,
số 12, 18-3-2000.
Nhìn chung lại có thể nói rằng, tình hình chung trên thế giới và nhất
là ở Việt Nam, triết học chưa chú ý đúng mức đến việc luận chứng bản


10

chất của thông tin và CMTT hiện nay về mặt thế giới quan và phương pháp
luận cũng như tìm hiểu quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin của tư duy con
người diễn ra như thế nào. Những khái quát triết học về thông tin và vấn đề
tiếp nhận, xử lý thông tin của tư duy con người còn rất "mỏng" so với nhu
cầu, đòi hỏi phát triển của thông tin cũng như nhu cầu xử lý thông tin hiện
nay. Và, đã đến lúc thông tin cũng như nhu cầu tiếp nhận, xử lý thông tin
của tư duy con người đòi hỏi sự khái quát của triết học một cách kịp thời,
đầy đủ hơn và sâu sắc hơn. Và đặc biệt, với tư duy người Việt Nam, tiếp
cận nó từ góc độ thông tin, xem xét nó ở phương diện tiếp nhận, xử lý
thông tin, cho đến nay có thể nói là chưa có công trình nào nghiên cứu đề
tài này một cách trực tiếp, hệ thống, sâu sắc và khái quát. Nó mới chỉ được
đề cập đến ở những khía cạnh cụ thể, với một mức độ nhất định nào đó và
được trình bày một cách rải rác, lồng ghép thông qua các vấn đề khác.
3. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
- Mục đích: Làm sáng tỏ bản chất chung của thông tin và quá trình
tiếp nhận, xử lý thông tin diễn ra trong tư duy con người; khái quát những
đặc điểm cơ bản của quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin của tư duy người
Việt Nam và những tác động của CMTT hiện nay đến quá trình này, trên
cơ sở đó đề xuất những giải pháp cơ bản để nâng cao năng lực tiếp nhận,
xử lý thông tin của tư duy người Việt Nam hiện nay.
- Nhiệm vụ: Để đạt được mục đích trên, luận án cần phải giải quyết

một số nhiệm vụ cơ bản sau đây:
+ Phân tích bản chất thông tin và quá trình thông tin trong thế giới
khách quan, từ đó làm rõ cơ chế và những đặc trưng khác hẳn và hơn hẳn
về chất của quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin của tư duy con người so với
các quá trình thông tin khác.


11

+ Phân tích và khái quát những đặc điểm cơ bản của quá trình tiếp
nhận, xử lý thông tin trong tư duy người Việt Nam và chỉ ra những tác
động của cuộc CMTT hiện nay đến quá trình đó.
+ Trình bày một số giải pháp cơ bản để nâng cao năng lực tiếp
nhận, xử lý thông tin của tư duy người Việt Nam trong điều kiện cuộc
CMTT hiện nay.
4. Phạm vi nghiên cứu của luận án
Với mục đích nghiên cứu ở trên, phạm vi nghiên cứu của luận án
"Thông tin và vấn đề tiếp nhận, xử lý thông tin của tư duy người Việt
Nam" được xác định như sau:
Luận án tiếp cận thông tin ở phương diện triết học, thông tin được
xem xét với tư cách là thuộc tính khách quan của vật chất, là một mặt của
phản ánh. Trong đó, thông tin xã hội - dạng thông tin phát triển cao nhất,
phức tạp nhất - chính là đối tượng tiếp nhận, xử lý của tư duy con người,
trong đó có tư duy người Việt Nam.
Luận án nghiên cứu và làm rõ bản chất của tư duy con người nói
chung và đặc biệt là đặc điểm của tư duy người Việt Nam nói riêng ở
phương diện tiếp nhận và xử lý thông tin.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
- Cơ sở lý luận: Vận dụng các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa
duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, đặc biệt là lý luận nhận thức

mácxít; luận án cũng vận dụng các quan điểm đường lối của Đảng Cộng
sản Việt Nam về phát huy trí tuệ, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước trên
cơ sở CNH, HĐH đất nước, lấy công nghệ thông tin (CNTT) làm công
nghệ số một. Đồng thời luận án còn sử dụng chọn lọc những tư liệu và
kết quả nghiên cứu của các khoa học liên quan đến phạm vi nghiên cứu


12

đề tài như lý thuyết thông tin, điều khiển học, tin học, cũng như tâm lý
học, sinh học hiện đại, âm sinh học... nhằm làm rõ các luận điểm nêu ra
trong luận án.
- Phương pháp nghiên cứu: Luận án sử dụng đồng thời các
phương pháp phân tích và tổng hợp, khái quát hóa và trừu tượng hóa, lôgíc
và lịch sử, phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể, phương pháp hình
thức hóa và mô hình hóa...
6. Đóng góp mới của luận án
- Với việc tiếp cận hai mặt bản thể luận và nhận thức luận của khái
niệm thông tin, luận án đã góp phần làm sáng tỏ và phân tích sâu hơn định
nghĩa triết học về thông tin: "Thông tin là cái đa dạng được phản ánh". Từ
đó làm phong phú thêm phạm trù "phản ánh" của chủ nghĩa duy vật biện
chứng mácxít. Luận án còn trình bày một cách hệ thống nấc thang phát
triển của các dạng thông tin của thế giới vật chất với những cứ liệu xác
đáng của các khoa học cụ thể.
- Luận án đã góp phần làm rõ và sâu sắc thêm nhận thức luận
mácxít về bản chất của tư duy con người nói chung ở phương diện tiếp
nhận và xử lý thông tin. Và, vấn đề tiếp nhận, xử lý thông tin của tư duy
người Việt Nam được xem xét trên bình diện những khái quát triết học,
trong đó đặc biệt là làm rõ những đặc điểm của quá trình tiếp nhận, xử lý
thông tin của tư duy người Việt Nam. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải

pháp cơ bản để nâng cao năng lực tiếp nhận, xử lý thông tin của tư duy
người Việt Nam trong điều kiện CMTT hiện nay.
7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Luận án góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định
đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tạo điều kiện,


13

bồi dưỡng và phát triển tư duy, trí tuệ, nâng cao năng lực tiếp nhận và xử lý
thông tin của tư duy người Việt Nam trong điều kiện của cuộc CMTT hiện
nay. Và, luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu và
giảng dạy triết học, cũng như lý thuyết thông tin, điều khiển học và tin học.
8. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận
án gồm 3 chương, 7 tiết.


14

Chương 1
THÔNG TIN VÀ QUÁ TRÌNH TIẾP NHẬN,
XỬ LÝ THÔNG TIN CỦA TƯ DUY CON NGƯỜI

1.1. BẢN CHẤT CỦA THÔNG TIN

1.1.1. Khái niệm thông tin
1.1.1.1. Hiện tượng thông tin trong thế giới khách quan
Chúng ta đã từng biết, D.Roa der - nhà sinh thái Mỹ khám phá ra
rằng cây cối trao đổi thông tin cho nhau bằng những tín hiệu vô hình. Khi

sâu tấn công vào cây nào đó, cây liền phát ra dấu hiệu hóa học để "báo
động" cho những cây kế cận, những cây này sẽ tăng chất chát trong lá để
hạn chế sâu.
Xung quanh ta có biết bao cây cỏ, hoa lá... thế giới thực vật là đa
dạng, muôn màu, muôn vẻ, chúng không chỉ "thông tin" cho nhau mà còn
luôn luôn tiếp nhận và "xử lý" những thông tin nhận được từ môi trường
xung quanh. Cây cối sống được là nhờ năng lượng lấy từ mặt trời và nguồn
thức ăn lấy từ lòng đất và không khí. Rễ của cây đâm sâu vào lòng đất, len
lách, tìm tòi khắp nơi. Đầu rễ mong manh, mềm mại nhưng lại hoạt động
như một chiếc khoan hiện đại có "đầu óc tinh khôn" và "khoa học" như con
người. Vì thế rễ cây thường vươn rộng và xa về phía đất màu mỡ và khi rễ
gặp chướng ngại vật như hòn đá chẳng hạn, nó "biết", đi vòng hoặc đi lui,
thậm chí phá vỡ đá bằng cách tiết axit phá hủy đá vôi... Cây sống được còn
là nhờ ánh sáng mặt trời, lá cây thường vươn về phía có nhiều ánh nắng. Sự
thích nghi của cây cối để tồn tại và lớn lên hay sự diệt vong của chúng đều
là kết quả của quá trình thường xuyên tiếp nhận thông tin từ môi trường
xung quanh và khả năng tự điều chỉnh phù hợp hay không phù hợp với
những thông tin đó.


15

Và, mỗi loài động vật đều có đời sống riêng của nó. Từng cá thể
loài chỉ có thể tồn tại được nếu nó trao đổi được thông tin không chỉ với
môi trường mà với những cá thể khác trong loài. Với kiến, để trao đổi
thông tin với nhau chúng nhờ vào việc tiết chất dịch đặc biệt để báo hiệu
cho đồng loại. Còn với chim, thực chất của tiếng chim hót là bảo đảm cho
sự tồn tại của chim. Nếu chúng ta lấy đi "món quà" đó thì nhiều loài chim
sẽ bị tiêu diệt bởi vì chúng không còn có thể bảo vệ được khu cư trú khỏi
sự lấn chiếm của chim ngoại lai, không thể quyến rũ con cái để bảo vệ nòi

giống... Nhờ tiếng chim hót của mình và đồng loại, chim thông báo cho
nhau những thông tin nào đó (thông qua tín hiệu tai họa, cảnh giới, thức ăn,
kết đôi, tấn công, gọi bầy, làm tổ...).
Có thể nói, thông tin là một hiện tượng tất yếu, đóng vai trò cực kỳ
quan trọng trong đời sống sinh tồn của động vật. Động vật thường xuyên
trao đổi thông tin cho nhau thông qua tiếng kêu, tiếng hú, mùi vị, qua dáng
điệu và cử động thân thể của chúng...
Với con người và xã hội loài người thì thông tin càng trở thành
một trong những nhu cầu sống còn của mình. Người nguyên thủy thông
tin cho nhau về thú dữ, về sự tấn công của các thị tộc, bộ lạc khác, về
nguồn thức ăn, về nhu cầu tình cảm... Con người hiện đại thông tin cho
nhau về thời tiết, về kinh nghiệm sản xuất, đấu tranh xã hội, về những
vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, về nhu cầu tình cảm, về những nguyên
tắc đạo đức hay thị hiếu thẩm mỹ... Chúng ta có thể cảm nhận được
thông tin ở mọi lúc, mọi nơi với vô vàn cách biểu hiện phong phú và đa
dạng của thế giới xung quanh. Chúng ta thường xuyên nhận được thông
tin về tình hình chính trị, văn hóa - xã hội, thể thao trong nước và trên
thế giới qua ti vi, báo chí, đài phát thanh... chúng ta còn có thể nhận
được thông tin về trận động đất sẽ xảy ra ở một nơi nào đó, về nhật thực,
nguyệt thực...


16

Và ngày nay, qua mạng Internet, con người có thể hàng ngày, hàng
giờ, có khi tới từng phút, từng giây trao đổi thông tin với tất cả mọi người
trên thế giới, biết được về quá khứ, hiện tại và những dự báo tương lai...
Như vậy, thông tin rõ ràng là hiện tượng vốn có của thế giới khách
quan. Dường như mọi dạng vật chất đều có thông tin. Thông tin được thể
hiện qua các thông báo bằng các biểu hiện vật chất hết sức đa dạng do bản

thân tự nhiên, xã hội (trong đó có con người) tạo ra theo các quy tắc nào đó
mà mọi sinh vật (con người, động vật, thực vật) tùy mức độ tiếp nhận và xử
lý mới có thể tồn tại và phát triển được.
Sự tồn tại của hiện tượng thông tin trong thế giới khách quan và vai
trò quan trọng của nó đối với bản thân thế giới đó đặc biệt là cuộc CMTT
trong thời đại ngày nay đã thôi thúc nhân loại cũng như khoa học của họ
phải nghiên cứu và trả lời cho được câu hỏi: thông tin là gì? Cũng có nghĩa
là phải tìm hiểu nguồn gốc, bản chất của thông tin, và từ đó - cũng như quá
trình nhận thức sự vật, hiện tượng bất kỳ nào trong thế giới khách quan chúng ta phải nêu lên được định nghĩa về thông tin!
1.1.1.2. Thông tin là gì?
Không phải ngay từ đầu loài người đã nhận thức được hiện tượng
thông tin ở cấp độ khái niệm. Mặc dù con người nhận thấy rất rõ rằng hiện
tượng thông tin tồn tại ở khắp mọi nơi, xung quanh chúng ta và chính họ
cũng không thể tồn tại được nếu thiếu chúng.
Lần đầu tiên thông tin được con người chú ý nghiên cứu đến về mặt
ý nghĩa xã hội của nó và được đề cập đến trong lý thuyết báo chí vào những
năm 20 - 30 của thế kỷ XX. Theo cách hiểu kinh điển, thông tin chính là
thông báo về một cái gì đó khác với những cái đã biết. Kế thừa tư tưởng
trên, khái niệm thông tin đi vào khoa học hiện đại, trước hết là lý thuyết
thông tin của C.Sênông. Và, đặc biệt ngày nay với cuộc CMTT, thông tin
đã trở thành đối tượng nghiên cứu chủ yếu, trực tiếp của điều khiển học,


17

của lý thuyết thông tin và tin học. Từ đó có rất nhiều định nghĩa về thông
tin và những định nghĩa đó mới chỉ tiếp cận được với hiện tượng thông tin
ở những góc độ, phương diện nhất định.
Có thể, từ góc độ phân biệt các loại thông tin: thông tin kinh tế,
thông tin khoa học kỹ thuật, thông tin văn hóa - xã hội... chẳng hạn như:

"Thông tin kinh tế là các tín hiệu mới thu nhận được, được thụ cảm (hiểu)
và được đánh giá là có ích cho việc ra quyết định quản lý" [20, tr. 15].
Cũng có thể từ góc độ đánh giá vai trò của thông tin, như nhà khoa học
Đức E.Pietch đã chỉ ra: "Thông tin là một sản phẩm mà với ý nghĩa công
dụng của nó có thể xem ngang hàng với trữ lượng nguyên liệu của nước
đó" [102, tr. 41]...
Có thể, từ góc độ nhận thức của con người: "Thông tin thường được
hiểu là nội dung chứa trong thông báo bằng văn bản hay lời nói" [53, tr. 3]
hoặc "thông tin là dữ liệu mà có thể nhận thấy, hiểu được và sắp xếp lại với
nhau thành hình kiến thức" [19, tr. 9], hay "thông tin là nội dung thế giới bên
ngoài được thể hiện trong sự nhận thức của con người" (N.Viner) [45, tr.
8].
Ngoài những cách tiếp cận theo từng góc độ trên, một số cách tiếp
cận đã có tầm khái quát hơn. Đó là: "Thông tin là sự truyền đưa độ đa dạng"
(R.E sbi) [45, tr. 8]; "thông tin là thực thể, là độ đo tính phức tạp" (H.Mole)
[45, tr. 8] và "thông tin là xác suất sự lựa chọn" (I.Aglom) [45, tr. 8].
Dù tiếp cận thông tin ở phương diện, góc độ nào nhưng những định
nghĩa trên đều là cơ sở góp phần làm rõ bản chất của hiện tượng thông tin.
Để làm rõ được bản chất của hiện tượng thông tin, trước hết chúng ta hãy
xuất phát từ một thuộc tính của vật chất mà thuộc tính này có liên quan đến
sự xuất hiện, hình thành thông tin: đó là thuộc tính phản ánh.
Vậy phản ánh là gì? - "Phản ánh là năng lực một hệ thống vật chất
này (A) tái hiện ở trong nó, dưới dạng ít nhiều đã biến đổi những đặc điểm,


18

thuộc tính của một hệ thống vật chất khác (B), khi nó chịu tác động của
B" [44, tr. 39] hay nói cách khác: phản ánh là sự tái tạo những đặc điểm
của hệ thống vật chất này ở hệ thống vật chất khác trong quá trình tác động

qua lại giữa chúng.
Ta có thể hình dung thuộc tính phản ánh của vật chất qua sơ đồ sau:
B >A
(Vật tác động)
vật bị phản ánh

Tác động
trở lại

(Vật bị tác động)
vật phản ánh

Sơ đồ 1.1
Phản ánh gắn liền và thông qua tương tác giữa các sự vật hiện
tượng. A gọi là hệ thống phản ánh, còn B là hệ thống được phản ánh.
Không có hệ thống phản ánh thì không có phản ánh. Nhưng nếu không có
cái được phản ánh cũng không có cái phản ánh. Hệ thống được phản ánh
quy định nội dung phản ánh, nhưng tính chất, mức độ đầy đủ, chính xác
của sự phản ánh lại phụ thuộc vào bản tính, trình độ tổ chức vật chất của hệ
thống phản ánh. Có nghĩa là sự phản ánh phụ thuộc vào cả hai vật.
Nhưng một vấn đề đặt ra là: phản ánh có phải là thuộc tính của mọi
dạng vật chất hay không?
Từ một giả thuyết thiên tài, hợp lôgíc của Lênin, luận điểm: phản
ánh là một thuộc tính phổ biến của vật chất đã được nâng lên là một chân lý
bởi sự chứng minh của khoa học và thực tiễn gần một thế kỷ qua. Nói về sự
luận chứng, bảo vệ và phát triển học thuyết của Lênin về phản ánh phải kể
đến công lao của T.Páplốp với công trình: "Lý luận phản ánh" viết năm
1936; Viện sĩ Anôkhin với công trình: "Sự phản ánh vượt trước hiện thực"
viết năm 1962; đặc biệt là sự hợp tác nghiên cứu của các nhà khoa học, triết
học Liên Xô (cũ) và Bungari với ba công trình: "Lý luận phản ánh của Lênin

và thời đại", Xôphia, 1969; "Lý luận phản ánh của Lênin và khoa học hiện


19

đại" gồm ba tập, Xôphia, 1973 và "Lý luận phản ánh của Lênin dưới ánh
sáng của sự phát triển khoa học và thực tiễn" gồm hai tập, Xôphia, 1981.
Như vậy, phản ánh là thuộc tính của mọi đối tượng vật chất, có
nghĩa là mọi hệ thống vật chất (A) đều có năng lực tái hiện ở trong nó
những đặc điểm, tính chất, mối quan hệ, cấu trúc,... của hệ thống vật chất
khác (B) tác động vào nó. Những đặc điểm, tính chất, mối quan hệ,... ấy
của (B) được lưu lại trong (A) thông qua tác động qua lại giữa chúng, là
những dấu ấn của B trong A. Những dấu ấn này chính là cái mà chúng ta
vẫn thường gọi là thông tin về B đối với A. Mỗi hệ thống vật chất đều là
tổng hợp của những đặc điểm, thuộc tính, mối quan hệ,... và nếu tạm thời
bỏ qua sự khác biệt về chất thì có thể coi mỗi hệ thống vật chất đều là sự
thống nhất của cái đa dạng. Do đó cũng có thể nói, mỗi hệ thống vật chất
(A) đều có năng lực tái hiện ở trong nó cái đa dạng của hệ thống vật chất
khác (B) tác động vào nó. Vì vậy, thông tin về B đối với A chính là cái đa
dạng của B được lưu lại trong A thông qua tác động của B đối với A (tất
nhiên B cũng sẽ chịu tác động trở lại của A đối với nó).
Sự phân tích ở trên cho thấy, thông tin trong thế giới vật chất vô
cùng phong phú, muôn màu, muôn vẻ nhưng chúng đều là cái đa dạng
được truyền tải, được tái tạo của hệ thống vật chất này đối với hệ thống vật
chất khác thông qua sự tác động giữa chúng. Đó là dấu hiệu cơ bản, khác
biệt của hiện tượng thông tin so với các hiện tượng và quá trình khác trong
thế giới khách quan.
Trên cơ sở những thành tựu của điều khiển học, lý thuyết thông tin
và tin học - những khoa học trực tiếp nghiên cứu thông tin, triết học đã
không ngừng cố gắng tiếp cận với bản chất chung nhất ấy của thông tin. Và

một định nghĩa triết học về thông tin đã được A.D.Urơxun nêu lên, đó là:
"Thông tin là cái đa dạng được phản ánh" [137, tr. 25]. Theo chúng tôi,


20

đây là một định nghĩa triết học (ở phương diện triết học) khá xác đáng về
thông tin! Bởi vì, tuy có những vấn đề còn phải tiếp tục nghiên cứu nhưng
cho đến nay, có thể nói sự phát triển của thực tiễn cũng như khoa học về
thông tin, đặc biệt là cuộc CMTT hiện nay không thể phủ nhận được bản
chất vốn có ấy của thông tin.
Hơn nữa, chúng tôi thiết nghĩ rằng để luận chứng cho tính xác đáng
của định nghĩa trên về thông tin cần phải tiếp cận về mặt bản thể luận và
mặt nhận thức luận của khái niệm thông tin trên cơ sở định nghĩa ấy. Đồng
thời qua đó chúng tôi muốn khẳng định và bảo vệ quan điểm cho rằng:
Thông tin là thuộc tính vốn có của thế giới vật chất, khác với quan điểm
cho rằng thông tin không tồn tại trong giới vô sinh.
Trong các từ điển triết học cũng như trong các sách báo triết học
thường mới chỉ để cập đến mặt bản thể luận và nhận thức luận với tư cách
như là học thuyết về bản thân sự vật, về sự tồn tại của sự vật và học thuyết
về quá trình nhận thức sự vật của con người: "Bản thể luận là học thuyết về
những quy luật phát triển chung nhất của tồn tại" [99, tr. 28] và "nhận thức
luận là lý luận nhận thức... nó nghiên cứu bản chất của quan hệ nhận thức
của con người đối với thế giới" [99, tr. 341]. Nhưng từ cấp độ là học
thuyết, chúng ta có thể rút ra được bản thể luận và nhận thức luận ở cấp độ
là hai mặt của khái niệm: Mặt bản thể luận của một khái niệm nói lên sự
vật mà khái niệm đó phản ánh là gì, bản chất của nó như thế nào, nó có
nguồn gốc từ đâu, nó vận động và phát triển ra sao; còn mặt nhận thức luận
của khái niệm nói lên sự vật mà khái niệm đó phản ánh được con người
nhận thức như thế nào.

Vậy trước hết, mặt bản thể luận của khái niệm thông tin bao gồm
những nội dung gì?
- Thứ nhất: Thông tin có nguồn gốc từ tính đa dạng, nhiều vẻ về
thuộc tính, cấu trúc cũng như các mối quan hệ của các sự vật, hiện tượng


21

trong thế giới khách quan. Nếu trong một sự vật đang diễn ra những biến
đổi phản ánh sự tác động của một sự vật khác (sự vật biến đổi ấy phù hợp ít
hay nhiều với những thuộc tính, cấu trúc, mối quan hệ của sự vật khác đó)
thì có thể nói sự vật thứ nhất đang trở thành vật thể mang thông tin về sự
vật thứ hai. Ngay từ vật chất vô sinh, chẳng hạn như một thanh sắt để trong
không khí, lâu ngày sẽ bị gỉ, lớp gỉ đó chính là hợp chất ôxýt sắt do ôxi có
trong thành phần không khí đã tác dụng với sắt mà tạo thành.
4Fe + 3O2 = 2 Fe2O3
Sự biến đổi của sắt thành ôxýt sắt (ở lớp bề ngoài của thanh sắt nơi tiếp giáp với không khí) đã lưu lại (phản ánh) "dấu ấn" ôxi của không
khí, hay nói cách khác sắt đã mang thông tin về không khí. Tuy nhiên
thông tin ấy chỉ tồn tại với tính cách là thông tin về mặt cú pháp (phần này
sẽ được phân tích cụ thể ở 1.1.2.a). Với vật chất hữu sinh, như ví dụ dẫn ra
ở phần 1.1.1.a, cây cối tăng thêm chất chát ở trong lá, sự biến đổi ấy là
phản ánh tác động của môi trường có nhiều sâu bọ phá hoại, hay nói cách
khác khi đó cây cối đã mang thông tin về thuộc tính có sâu bọ phá hoại của
môi trường. Tất nhiên thông tin này (cũng như thông tin trong thế giới
động vật, đặc biệt đối với con người và xã hội loại người), khác với thông
tin trong thế giới vô sinh vì đó là những thông tin có điều khiển, ở đây vật
nhận thông tin có khả năng điều chỉnh sự tồn tại của mình trên cơ sở thông
tin ấy.
Như vậy, thông tin không phải tự nhiên mà có, nó bắt nguồn từ
chính những đặc điểm, tính chất vốn có của sự vật, hiện tượng trong thế

giới khách quan. Thông tin, vì thế là sự phủ định, sự xóa bỏ tính không
khác nhau, hay nói cách khác thông tin chính là tính không khác nhau bị
xóa bỏ, là tính đa dạng. Thông tin có mặt ở nơi nào có tính đa dạng, tính
không đồng nhất.


22

Vậy "cái đa dạng" ấy là gì? chúng ta cần phải làm rõ hơn bản chất
cũng như mặt định tính và định lượng của nó. Như chúng ta biết, đối với
các nhà điều khiển học thì độ bất định trong việc phân bố vật chất và năng
lượng trong không gian và thời gian là hạt nhân xuất phát của tư tưởng
khoa học về thông tin. Hay nói các khác độ bất định của một hệ thống vật
chất quy định cái đa dạng của nó. Theo nhiệt động học thì độ bất định của
mỗi hệ thống vật chất được biểu thị bằng hàm: S = k ln W [51, tr. 247],
được gọi là entrôpi của hệ. Trong đó: W - xác suất nhiệt động của một
trạng thái vĩ mô đã cho, là số các trạng thái vi mô tương ứng với trạng thái
vĩ mô đó, nó đặc trưng cho mức độ hỗn loạn của trạng thái vĩ mô; k là hằng
số Boltzmann. Như vậy, mỗi hệ thống vật chất nhất định đều có entrôpi của
nó. Entrôpi của hệ là con số biểu hiện mức độ vô tổ chức, mất trật tự của hệ
thống. Và do đó, entrôpi của hệ là con số, đại lượng biểu thị tính đa dạng,
là thước đo độ không xác định của hệ.
Mặt bản thể luận của khái niệm thông tin là "cái đa dạng" - biểu thị
bằng entrôpi vốn có của hệ, nhưng nếu chỉ như vậy thì chưa đủ, vì sẽ không
phân biệt rõ thông tin với bản thân các thuộc tính của sự vật, hiện tượng.
Do đó khái niệm thông tin cũng chưa phân xuất được so với khái niệm
"thuộc tính" của sự vật. Mà chúng ta phải thấy rằng "cái đa dạng" của sự
vật chỉ là thông tin khi nó gắn liền và thông qua tác động lại giữa sự vật đó
với các sự vật, hiện tượng khác.
Do đó, nội dung thứ hai của mặt bản thể luận của khái niệm thông

tin là: thông tin gắn liền và thông qua tác động qua lại giữa các sự vật,
hiện tượng. Nếu không có tác động qua lại đó thì không thể có thông tin.
Tác động qua lại giữa các sự vật là quá trình các sự vật đó ảnh hưởng lẫn
nhau, là một hình thức vận động, phát triển chung nhất, phổ biến nhất. Sự
tác động qua lại là "kiểu liên hệ đặc biệt mà trong đó các sự vật, hiện tượng
là đối tượng biến đổi của nhau một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, nhờ đó


23

mà sự vận động biến hóa của thế giới thực hiện thường xuyên, liên tục" [44,
tr. 55]. Sự tác động qua lại quy định sự tồn tại và tổ chức kết cấu của mọi
hệ thống vật chất, quy định sự liên kết của nó cùng với các sự vật khác vào
một hệ thống lớn hơn, quy định các tính chất của tất cả các sự vật, hiện
tượng và quá trình. Chính tác động qua lại giữa các yếu tố trong một sự vật,
giữa các sự vật với nhau,... làm cho chúng vận động, biến đổi. Sự vận
động, biến đổi ấy mang dấu ấn về những đặc điểm, tính chất, mối quan hệ
của vật tác động vào nó. Có nghĩa là chúng có được những thông tin về
nhau. Vì vậy, tác động qua lại giữa các sự vật là cơ sở làm nảy nở, hình
thành thông tin và truyền thông tin đó từ vật tác động sang vật bị tác động.
Chúng ta biết rằng, thế giới khách quan luôn luôn tác động đến con người,
qua đó con người tiếp nhận được những thông tin về thế giới ấy. Nhưng
đồng thời con người (khác hẳn so với con vật) thường xuyên tác động vào
thế giới khách quan một cách chủ động, có ý thức, tích cực và sáng tạo.
Nhờ đó, con người làm cho thế giới khách quan bộc lộ nhiều hơn, rõ hơn,
đầy đủ hơn... những đặc điểm, tính chất, mối quan hệ vốn có của nó. Và
những đặc điểm, tính chất,... ấy lại tác động đến con người, con người sẽ
tiếp nhận được những thông tin phong phú hơn về thế giới khách quan.
Chính ngày nay con người đang nhận được thông điệp của tự nhiên, đó là
nếu con người tiếp tục khai thác đến cạn kiệt và thậm chí phá hoại sự cân

bằng sinh thái thì tất yếu họ sẽ khó tránh khỏi những hiểm họa do tự nhiên
gây ra.
Như vậy, thông tin bắt nguồn từ tính đa dạng của sự vật, và nó
được hình thành thông qua tác động qua lại giữa sự vật đó với các sự vật
khác. Nhưng chúng ta thấy rằng, "cái đa dạng" của sự vật chỉ trở thành
thông tin khi nó được tái hiện, được phản ánh ở một sự vật khác nào đó
trong mối quan hệ tác động qua lại với sự vật ban đầu.


24

Do đó, nội dung thứ ba của mặt bản thể luận của khái niệm thông
tin là: thông tin luôn luôn gắn với quá trình phản ánh. Như vậy, bản chất
của thông tin về sự vật được quy định bởi những thuộc tính vốn có của nó
và năng lực phản ánh những thuộc tính ấy của các sự vật khác trong sự tác
động lẫn nhau với sự vật này. Không có thông tin chung chung mà thông
tin là thông tin về sự vật B đối với sự vật A nào đó. Như chúng ta biết,
Galoa một nhà toán học vĩ đại Pháp (khi mất chưa đầy 21 tuổi) đã tìm ra
điều kiện cần và đủ để một phương trình đại số bậc 5 trở lên có thể giải
được. Trước Galoa, rõ ràng tính chất có thể giải được (với điều kiện nhất
định) của phương trình đại số bậc 5 trở lên chưa nằm trong trường thông tin
của nó, vì nhận thức của loài người chưa phát hiện ra, chưa phản ánh được
mặc dù đó là tính chất vốn có của nó. Nhưng khi tính chất ấy được con
người phát hiện ra thì nó trở thành thông tin đối với những người có nhu
cầu nghiên cứu loại phương trình này.
Như vậy, về mặt bản thể luận, thông tin mang tính khách quan. Nó
bắt nguồn từ tính đa dạng, nhiều vẻ về cấu trúc cũng như về mối quan hệ
của các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan, và nó còn bắt nguồn
từ thuộc tính khách quan, phổ biến của vật chất - thuộc tính phản ánh. Vì
thế chúng tôi hoàn toàn tán thành quan điểm của B. V. Biriukốp là một

trong những chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu lôgíc - phương
pháp luận của điều khiển học: "Vạch ra bản chất của thông tin thông qua
cái đa dạng và giải thích nó như cái đa dạng được phản ánh là cơ sở đầy đủ
cho luận đề về tính khách quan của thông tin" [136, tr. 250]. Và như trên đã
phân tích nếu cái đa dạng biểu thị bằng entrôpi của hệ thì thông tin về hệ
đó sẽ là neentrôpi. Thông tin chính là neentrôpi, cho biết mức độ tổ chức,
trật tự, ổn định của hệ thống!
Hiện nay có một số ý kiến giải thích thông tin gắn liền với phản
ánh chỉ là biểu thị mặt nhận thức luận của nó. Nếu vậy, mặt bản thể luận


25

của khái niệm thông tin bị thu hẹp và chúng ta chưa thấy rõ được bản chất
của thông tin là "cái đa dạng được phản ánh" sự nhìn nhận phiến diện ấy
là do ảnh hưởng của quan niệm triết học trước Mác về nguyên tắc phản
ánh và bản thân khái niệm "phản ánh" theo quan niệm này, nguyên tắc
phản ánh và khái niệm "phản ánh" thường bị tách khỏi mặt bản thể luận
của vấn đề cơ bản của triết học và chỉ đảm nhiệm chức năng nhận thức
luận (!).
Từ việc tiếp cận mặt bản thể luận của khái niệm thông tin, một vấn
đề đặt ra là: Khái niệm thông tin là cái đa dạng được phản ánh có bao quát
được một dạng thông tin đặc biệt - thông tin tiềm năng không? Hay nói
cách khác thông tin tiềm năng có thuộc ngoại diện của khái niệm thông tin
được định nghĩa như trên không?
Theo một số các nhà lý thuyết thông tin, một số nhà triết học thì
thông tin tiềm năng chính là cái đa dạng của khách thể tự nó, là cấu trúc, tổ
chức của nó, có khi còn gọi là vắn tắt là thông tin cấu trúc. Do vậy, định
nghĩa: "Thông tin là cái đa dạng được phản ánh" còn hạn chế là chưa khái
quát được loại thông tin tiềm năng nó mới chỉ bao quát được loại thông tin

hoạt động - là cái đa dạng được truyền đi, được phản ánh. Chính hạn chế
này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện thêm
cái khái niệm thông tin: một khái niệm trừu tượng ở tầng triết học! việc nhận
thức nó đòi hỏi phải có sự khái quát triết học trên cơ sở những kết quả
nghiên cứu của các khoa học cụ thể, đặc biệt là các khoa học chung, liên
ngành như điều khiển học, lý thuyết thông tin,... trong những thập kỷ tới.
Tuy vậy, chúng tôi thấy rằng, nếu dấu hiệu "... được phản ánh" của thông
tin không chỉ bao hàm nội dung: được truyền đi rồi, được phản ánh rồi mà
còn bao hàm cả khả năng sẽ được truyền đi, sẽ được phản ánh (khi hệ
thống vật chất ấy tác động vào hệ thống vật chất nào đó ở thuộc tính, tính
chất này) thì định nghĩa trên vẫn là xác đáng và thông tin tiềm năng chỉ là


26

một dạng đặc biệt của thông tin, bởi vì bản thân các sự vật, hiện tượng
trong thế giới vật chất vốn tồn tại trong mối liên hệ phổ biến, tác động qua
lại lẫn nhau.
Về mặt nhận thức luận, khái niệm thông tin được con người nhận
thức như thế nào?
Như đã trình bày ở 1.1.1.2 các cách tiếp cận với bản chất của thông
tin từ phương diện các khoa học chung liên ngành như: lý thuyết thông tin,
tin học, điều khiển học... hay từ một số cách tiếp cận khái quát hơn, chung
hơn đều chưa thỏa đáng với những gì con người đã biết về thông tin. Hơn
nữa, trên cơ sở phân tích mặt bản thể luận của thông tin chúng ta càng thấy
rằng: tiếp cận với khái niệm thông tin không thể không bắt đầu từ phạm trù
"phản ánh" của triết học. Chính mặt bản thể luận của khái niệm thông tin:
Thông tin bắt nguồn từ thuộc tính phản ánh của vật chất đã quy định mặt
nhận thức luận của nó. Có nghĩa là con người sẽ không nhận thức được bản
chất của thông tin nếu như nghiên cứu nó tách rời với quá trình phản ánh

của vật chất, không thấy được thông tin là một mặt của phản ánh. Như vậy,
thông tin gắn liền với phản ánh, thông tin không phải là phản ánh nhưng
cũng không nằm ngoài phản ánh! Thuật ngữ do R.Esbi nêu lên: "Truyền cái
đa dạng" được giải thích cụ thể hơn trên cơ sở phạm trù phản ánh. Đồng
thời chính khái niệm thông tin đã làm sâu sắc thêm phạm trù "phản ánh"
trong triết học.
Mối quan hệ giữa phản ánh và thông tin, vì vậy không thể không
được đặt ra nếu như chúng ta muốn tìm hiểu mặt nhận thức luận của khái
niệm thông tin.
Trước hết, chúng ta thấy rằng phản ánh của vật chất có bao hàm
phản ánh thông tin. Vì thực chất của quá trình phản ánh giữa các hệ thống
vật chất bao hàm quá trình trao đổi vật liệu, năng lượng, cấu trúc và cái đa


27

dạng thông qua liên hệ tác động qua lại giữa các hệ thống vật chất đó. Mà
truyền cái đa dạng chính là truyền thông tin từ hệ thống vật chất này đến hệ
thống vật chất khác. Như vậy phản ánh của vật chất có bao hàm phản ánh
thông tin nhưng đó mới là một mặt của sự phản ánh, ngoài ra phản ánh
thông tin, phản ánh của vật chất còn phản ánh vật liệu, năng lượng, cấu
trúc. Nhưng vì thông tin bắt nguồn, có nguồn gốc từ tính bất định của hệ
thống vật chất nên thông tin "thẩm thấu" vào tất cả các tính chất của hệ
thống vật chất: vào vật liệu, năng lượng và cấu trúc. Do đó, mọi phản ánh
của vật chất đều bao hàm mặt phản ánh thông tin. Và, vì thông tin được
quy định bởi tính bất định của sự vật nên "thông tin" thường gắn liền với
phương pháp nghiên cứu về mặt số lượng, còn "phản ánh" gắn liền với
phương pháp nghiên cứu về mặt nội dung, chất lượng.
Về vấn đề này, một số đại biểu cho rằng chỉ có giới hữu sinh, con
người và các thiết bị điều khiển mới có thông tin, còn giới vô sinh không

có thông tin, do đó theo họ, phản ánh của giới vô sinh không gắn với thông
tin, không bao hàm thông tin. Theo chúng tôi, thực chất của quan điểm trên
là đã phủ nhận mặt bản thể luận của khái niệm thông tin, tức là phủ nhận
bản chất khách quan của thông tin đó là "thông tin là cái đa dạng được phản
ánh". Theo quan điểm ấy, nội hàm của khái niệm thông tin đã bị thu hẹp:
"Nếu như phản ánh có thể tồn tại độc lập thì thông tin không thể tự tồn tại
nếu thiểu phản ánh, hơn nữa thông tin không gắn liền với bất cứ phản ánh
nào mà chỉ gắn liền với phản ánh tích cực" [2, tr. 34].
Mặt khác chúng ta phải thấy rằng, thông tin luôn luôn gắn liền với
phản ánh, nó không nằm ngoài phản ánh, điều đó không có nghĩa là thông
tin như là một phạm trù phổ biến, ngang hàng và trùng với phạm trù phản
ánh như V.G Aphanaxép đã từng nhận xét khi vạch ra thiếu sót của định
nghĩa thông tin là cái đa dạng của phản ánh: "định nghĩa đó không thể thừa
nhận là đúng vì ở đây thông tin trên thực tế là trùng với khái niệm phản


28

ánh" [2, tr. 28] (!). Thực ra, như chúng tôi đã phân tích ở trên khái niệm
"thông tin là cái đa dạng được phản ánh" là khá xác đáng và nó chỉ rõ rằng:
thông tin là một mặt của phản ánh.
Từ sự phân tích ở trên chúng ta thấy rằng thông tin rõ ràng là một
mặt của phản ánh, đó là mặt phản ánh cái đa dạng. Vì vậy, có thể nói khái
niệm thông tin đã làm sâu sắc thêm phạm trù "phản ánh" trong triết học.
Bởi vì thuộc tính phản ánh được miêu tả về mặt số lượng chính xác bởi
lượng thông tin mà nó phản ánh và thông tin còn làm rõ cơ cấu, trình độ
của thuộc tính phản ánh của vật chất!
Như vậy, tiếp cận với mặt bản thể luận và nhận thức luận của khái
niệm thông tin đã cho chúng ta thấy rõ sự khái quát triết học về bản chất
khách quan, phổ biến của hiện tượng thông tin trên lập trường duy vật biện

chứng là đúng đắn, khoa học. Khái niệm: "Thông tin là cái đa dạng được
phản ánh" thực sự là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận cho các khoa
học cụ thể, đặc biệt là lý thuyết thông tin, điều khiển học, tin học... phát
triển! và hơn nữa nó còn là cơ sở thế giới quan, phương pháp luận để tư
duy con người có thể tiếp nhận, xử lý, làm chủ được thông tin trong thời
đại thông tin hiện nay.
Nhưng một vấn đề tất yếu đặt ra là: "Thông tin là cái đa dạng được
phản ánh" mà phản ánh của vật chất lại phát triển từ thấp đến cao theo nấc
thang phát triển của thế giới vật chất, thông tin là một mặt của phản ánh, vì
vậy nó cũng vận động, phát triển tương ứng với tính chất và trình độ của
phản ánh. Do đó, để làm rõ thêm bản chất của thông tin chúng ta phải tiếp
tục nghiên cứu tính chất, đặc điểm và trình độ của thông tin trong thế giới
vô sinh, trong thế giới hữu sinh, trong xã hội con người và trong các thiết bị
kỹ thuật điều khiển.


29

1.1.2. Thông tin trong thế giới vô sinh, hữu sinh, trong xã hội
con người và trong các thiết bị kỹ thuật điều khiển
1.1.2.1. Thông tin trong thế giới vô sinh (tự nhiên vô sinh)
Thế giới tự nhiên xung quanh chúng ta thật muôn màu, muôn vẻ.
Các sự vật, hiện tượng đó không phải là bất biến mà luôn luôn vận động,
biến đổi trong không gian và thời gian do tác động qua lại với các sự vật,
hiện tượng khác trong môi trường: mất năng lượng, các ngôi sao sẽ tắt;
dưới tác động của gió và nước, các tảng đá sẽ phân hủy; các thanh kim loại
bị biến dạng do va đập mạnh vào nhau hoặc bị hoen gỉ khi để lâu ngày
trong không khí; tiếng vang của âm thanh dội vào vách núi vọng lại... Tất
cả những biến đổi lý - hóa này tuy do những tác động bên ngoài khác nhau
gây ra và phụ thuộc vào các vật nhận tác động khác nhau nhưng chúng đều

là sự phản ánh vật lý - loại phản ánh đặc trưng của giới vô sinh.
Hình thức phản ánh này mang tính chất đơn giản, thụ động, chưa có
tính định hướng và chọn lọc. Đó là trình độ phản ánh thấp nhất trong nấc
thang phát triển của thuộc tính phản ánh của vật chất. Đó là phản ánh mà
vật nhận tác động thường chỉ phản ứng lại môi trường bằng những biến đổi
lý - hóa trong thành phần, cấu trúc của bản thân nó.
Thông tin trong thế giới vô sinh, với tính cách là một mặt của dạng
phản ánh vật lý ấy chính là cái đa dạng về thành phần, cấu trúc, tính chất
của một khách thể này được giữ lại, lưu lại ở một khách thể khác khi chúng
tác động qua lại với nhau. Ở đây, cái đa dạng được truyền từ khách thể này
đến khách thể kia mà không có chủ thể. Bởi vì, khác với giới hữu sinh,
trong đó có động vật bậc cao, đặc biệt là đối với con người, thì vật vô sinh
không có khả năng từ thông tin nhận được đó mà điều chỉnh sự tồn tại của
mình cho thích nghi với môi trường.


×