Tải bản đầy đủ (.docx) (5 trang)

CẢM THỤ văn CHƯƠNG HAY TIÊU THỤ rác

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (124.32 KB, 5 trang )

Không ai biết văn chương có từ bao giờ… Nhưng từ khi văn chương có ở trên đời,
loài người đã biết tư duy, biết bay bổng và mơ mộng, đã biết trải nghiệm cuộc đời
của người khác, và nhờ đó, con người vượt lên khỏi bản chất “con” của mình. Văn
chương ở những thời kỳ thịnh trị của các nền văn minh như Hy Lạp cổ đại, kỷ
nguyên vàng Islam, Thịnh Đường… đều giữ một địa vị cao quý và luôn xuất hiện các
tác phẩm kiệt xuất, có tầm vóc lớn lao, ở một đẳng cấp rất cao về trí tuệ. Ngược lại,
ở những xã hội hủ bại, văn chương bị rẻ rúng, thậm chí bị làm cho trở nên thấp kém.
Nhìn vào văn chương của một thời đại ở mỗi xã hội, ta có thể thấy được tình trạng
dân trí ở chính xã hội ấy. Bởi vì, văn chương là những kết tinh của tinh thần thời đại
bởi các bộ não lớn sẵn sàng tự quăng quật đời mình vào cuộc đời để ghi chép lại tất
cả những ngóc ngách của số phận. Nếu văn chương của một thời đại không có gì
thú vị, nguyên nhân có thể bởi hoặc là các bộ não của thời đại ấy không đủ lớn,
hoặc là do thời đại quá nhiều “rác rưởi”, hoặc có thể là cả hai. Đến đây, các bạn có
thể tự suy nghĩ thêm về tình cảnh văn chương nước Việt ta.
Tác giả chỉ có thể được kích thích để tạo ra kiệt tác khi trình độ cảm thụ văn chương
ở xã hội ấy đạt đến một đẳng cấp cao. Điều này không đồng nghĩa với việc tác giả
phải chạy theo thị hiếu của độc giả. Ngược lại, độc giả có thị hiếu tốt sẽ luôn đòi hỏi
các tác phẩm hay hơn, sáng tạo hơn và sâu sắc hơn, tới mức tác giả phải ngày
càng rèn rũa tài của mình hơn. Trong khi đó, một xã hội với thị hiếu đọc thấp sẽ tạo
cơ hội cho những tác giả không chuyên, đồng thời kéo tụt các tài năng vào lối viết
dễ dãi và thiếu chiều sâu cũng như thiếu sự đột phá. Như nước ta hiện nay, tình
trạng “vàng thau lẫn lộn” trong văn chương đang diễn ra khiến văn chương đích


thực, tiểu thuyết thị trường và các tiểu thuyết đạo nhái, thậm chí sách rác bị đánh
đồng với nhau, không có sự phân cấp rõ rệt, là biểu hiện của khả năng cảm thụ văn
chương không phải chỉ ở đa số độc giả, mà còn ở các nhà thẩm định, nhà xuất bản
và các nhà báo văn nghệ cũng đang dần thui chột (Nếu có, thì cũng rất ít và phải cố
hòa đồng với thị trường để sinh tồn, khiến người đọc khó lòng mà phân biệt).
Mà suy cho cùng, “cảm thụ văn chương” rốt cuộc là gì? Ở đây, tôi cho rằng “cảm thụ
văn chương” là khả năng thấu hiểu các thang bậc cảm xúc của tác giả, phát hiện ra


những biện pháp nghệ thuật đặc biệt, đánh giá được cái hay cái đẹp, đánh giá được
tầm vóc của tác phẩm đối với thời đại và với nhân loại. Không thể nói rằng tất cả các
độc giả đều không có khả năng cảm thụ văn chương, nhưng những người có khả
năng cảm thụ văn chương càng ngày càng ít. Tạm thời có thể phân loại ra các cấp
độc giả như sau:
Độc giả cao cấp nhất là những người có đủ tri thức, đủ sự nhạy cảm để có thể
nhìn thấu từng tâm trạng của tác giả, có thể tâm đắc với cái hay cái đẹp, có thể hiểu
được tầm cỡ của một tác phẩm. Nói một cách khác, độc giả cao cấp có thể là tri âm
tri kỉ với tác giả, giống như câu chuyện Bá Nha – Tử Kỳ trong điển tích vậy. Bá Nha
trọng Tử Kỳ vì Tử Kỷ hiểu tiếng đàn của Bá Nha, Tử Kỳ yêu mến Bá Nha bởi chỉ có
tiếng đàn của Bá Nha mới thỏa mãn Tử Kỳ. Thế mới biết, độc giả cao cấp không dễ
tìm được tác giả như ý vậy, bởi họ chỉ thấu cảm với những linh hồn đáng được thấu
cảm, xúc động với những cái đẹp tuyệt đích và hưng phấn với những tác phẩm tầm
cỡ. Thời nay, nhất là ở nước ta, những độc giả cao cấp như vậy có thể gọi là hiếm
hoi…
Ở cấp độ có tư duy, độc giả chỉ có thể phân tích được cái hay cái đẹp, các biện
pháp nghệ thuật, những đột phá trong tư tưởng của tác phẩm. Thế nhưng, đó vẫn
chỉ là cái đọc của lý trí, không có sự cộng hưởng về tinh thần với tác giả. Nhưng
những độc giả có tư duy lại là những người hướng dẫn cách đọc sách thông minh
cho các độc giả còn non nớt trong cảm thụ. Những độc giả ở cấp độ tư duy này
thường là các nhà phê bình, nhà nghiên cứu và khẳng định uy tín của mình chính
bằng sự dẫn hướng đúng đắn cho độc giả. Tuy nhiên, phê bình và nghiên cứu cũng
rất dễ lệch hướng nếu họ thay vì nghiên cứu và giải mã tác phẩm lại cố gắng áp đặt
các lý thuyết, tư tưởng hoặc góc nhìn chủ quan để bình phẩm một văn bản có tính


nghệ thuật. Hiện trạng này cũng khá phổ biến trong giới phê bình và nghiên cứu ở
Việt Nam hiện nay.
Ở cấp độ có xúc cảm, độc giả cảm nhận về tác phẩm do bị lôi kéo bởi dòng cảm
xúc của tác giả. Những người đọc xúc cảm dễ bị thu hút bởi giọng điệu, sắc thái của

câu văn, những từ ngữ kỳ lạ, những tính cách độc đáo. Những xúc cảm này không
sâu, bởi độc giả không thật sự thấu cảm được tâm tư của tác giả mà chỉ thích thú
với bề mặt của câu chữ. Nhưng dù sao, những độc giả ở cấp độ xúc cảm này vẫn
đáng quý, bởi họ còn biết rung động. Nhược điểm của những độc giả đọc theo xúc
cảm, đó là họ dễ bị hấp dẫn bởi các thủ thuật của những cây viết thị trường, thậm
chí những cây viết hạ cấp ( những tác giả viết thứ văn đạo và nhái để dễ dàng kiếm
lợi). Một khi đã dễ bị hấp dẫn bởi tiểu thuyết thị trường và tiểu thuyết hạ cấp, gu
thẩm mỹ của họ sẽ đi xuống. Vậy nên, những người đọc bằng xúc cảm nếu không
nâng cao vốn kiến thức và khả năng tư duy của mình thì chẳng mấy chốc sẽ bị đồng
hóa vào các cấp độc giả thấp hơn.
Ở cấp độ “đọc cho biết”, độc giả chưa có khả năng cảm nhận cái hay cái đẹp hay
rung động với tác phẩm, mà chỉ đọc sách vì được truyền thông dẫn dắt. Thông
thường, họ đọc một bài phân tích tác phẩm rồi dùng sự phân tích của người khác để
làm mạch tư duy cho mình khi tiếp cận văn bản. Họ vẫn là những người biết chọn
sách tử tế để đọc nếu biết chọn cho mình một nhà phê bình hoặc một nhà nghiên
cứu hoặc một hệ thống thẩm định đáng tin cậy. Nếu không, họ sẽ chỉ là những con
mọt sách, có đọc mà không hiểu, đọc càng nhiều sẽ càng thui chột đi khả năng cảm
nhận. Dấu hiệu để nhận biết những con mọt sách, đó là: họ luôn nói chuyện như
những người muốn khai sáng người khác mà không cần biết người khác có sẵn
sàng nghe hay không; họ có thể tầm chương trích cú rất giỏi nhưng không hiểu về
tư tưởng của tác phẩm, không phân tích được điểm thú vị của tác phẩm; họ không
có một đời sống phong phú về tinh thần mà chỉ sống cuộc đời của chiếc máy lưu trữ
tư liệu. Lối “đọc cho biết” này vô cùng nguy hiểm, vì nó làm hủy hoại linh hồn của
độc giả nhưng lại tạo ra cho độc giả ảo tưởng rằng mình là người vô cùng vĩ đại vì
đọc nhiều sách. Hiện nay, những lời cổ súy văn hóa đọc ở Việt Nam đang đi theo lối
kích thích cấp độ “đọc cho biết” này, bởi nó giúp ngành xuất bản bán được nhiều
sách hơn so với những cấp độ đọc sách cao mà tôi đã đưa ra ở trên.


Cấp độ đọc sách kém nhất là “đọc bừa phứa”, đọc những điều dễ dãi và chỉ đọc để

giải trí mua vui. Sách giải trí không xấu, nhưng sách giải trí (hay còn gọi là tiểu
thuyết thị trường) chỉ có giá trị nếu người đọc quá căng thẳng với việc dùng trí tuệ
rồi, cần phải thư gian. Thế mới đúng nghĩa với từ “giải trí” vậy. Nhưng hiện nay, tiểu
thuyết giải trí chỉ phục vụ một thị trường kém hiểu biết, kém nhận thức, dễ bị kích
động bởi các cảm xúc tiêu cực. Họ tìm đến văn thơ giải trí để thỏa mãn nhu cầu
được nói bậy, được chế nhạo, được chứng kiến những cảnh hành hạ về tâm lý cũng
như cơ thể, được thích thú với sự xoa dịu ve vuốt tâng bốc các giá trị thấp kém…
Lối “đọc bừa phứa” này khiến các độc giả còn non trẻ hình thành tâm lý lười tư duy,
dễ bị các chiêu trò và thủ thuật viết hấp dẫn. Nguy hiểm hơn, các độc giả trẻ do lười
suy nghĩ nên khả năng lý trí bị thui chột, dễ bị ám thị các hình ảnh, các tính cách
nhân vật, các khuôn thước ứng xử từ các tác phẩm tiểu thuyết giải trí này vào cuộc
đời mình. Nếu một tác phẩm giải trí được viết dựa trên những nền tảng nhân văn và
lối sống lành mạnh thì tác phẩm ấy còn phần nào dẫn dắt độc giả non trẻ sống tốt.
Ngược lại, nếu để câu khách, tác giả thị trường sẵn sàng nhồi nhét vào sách đủ các
thứ tư tưởng bệnh hoạn, lối sống vô đạo đức, khuếch trương sự biến thái hoặc vô
cảm… thì người đọc giải trí sẽ bị “ám”, và dần dần tự mô phỏng cuộc đời mình theo
những gì được viết trong tiểu thuyết. Những người không hiểu về giải trí, thường
đánh đồng hai loại tác phẩm thị trường này với nhau. Nhưng trên thực tế, văn
chương thị trường cũng chia ra loại hàng hóa có đảm báo và phế phẩm “rác rưởi”
như tôi vừa kể ở trên. Nếu đã lựa chọn dòng sách giải trí để không phải dùng não,
không phải dùng tim, không phải cảm thụ, thôi thì hãy cố chọn thứ lành mạnh thay vì
rác.
Có một cấp độ đọc sách thấp kém một cách ngoại hạng đó là đọc sách “kiểu
zombie”. Những người đọc “kiểu zombie” này đọc chẳng vì lý do gì cả, kể cả để giải
trí. Họ cứ thấy chữ là đọc, mà đặc biệt thích thứ thơ tuyên truyền. Họ không có khả
năng đọc dài, không đọc được truyện ngắn hay tiểu thuyết, cho dù là lối văn dễ dãi
nhất. Họ chỉ thích đọc thứ thơ xuống dòng vô tội vạ, không tư duy, không nghệ
thuật, không độc đáo, không êm tai, mà chỉ là thứ thơ chặt khúc từ văn xuôi, dùng
để tuyên truyền cho các đường lối, các chủ trương, các tư tưởng. Có thể nói, đây là
một lối viết “rác rưởi”, bởi chúng sẽ bị đào thải khỏi dòng lịch sử và chúng chỉ có vai

trò làm ô uế mọi linh hồn khi cố nhồi nhét những câu thơ ấy vào đầu. Lối thơ này
đặc biệt thịnh hành khi xã hội bắt đầu chuyển đổi về chính trị và xuất hiện nhiều


phong trào cần tuyên truyền để lôi kéo đám đông. Những người đọc “kiểu zombie”
dễ thấy “hô hào ồn ào” nên xông đến, giống như trong phim, mỗi khi có tiếng động là
zombie lại ồ ạt lao vào. Hiện tượng đọc “kiểu zombie” này đến nay vẫn khó lý giải
như tâm lý đám đông vậy. Sự nguy hại của lối đọc này đó là người đọc từ bỏ não
của mình, sẵn sàng trở thành công cụ của người khác. Nếu phong trào chính trị của
họ thành công, những con zombie này sẽ tàn phá tất cả các tác phẩm từ cao cấp
đến giải trí, để bắt mọi người phải đọc thứ văn thơ tuyên truyền của họ. Câu chuyện
này có lẽ cũng không phải là khoa học viễn tưởng mà không ít lần đã có trong lịch
sử nhân loại.
Trong tất cả các cấp độ cảm thụ văn chương này, ba cấp độ đầu tiên đang ngày một
vắng bóng, hai cấp độ đọc giải trí và “đọc cho biết” đang giữ thế thượng phong, còn
cấp độ đọc tuyên truyền tưởng như đã giảm sau thời mở cửa nay lại được dịp bùng
phát. Với hiện trạng như vậy, ta có thể thấy rằng khả năng cảm thụ văn chương của
người Việt ta đang ngày càng thui chột với số người đọc văn chương ở cấp độ thấp
gia tăng, trong khi đọc văn chương ở cấp độ cao thì giảm đáng kể. Đây là một vấn
nạn đáng lo ngại với tương lai của xã hội Việt Nam. Bởi như đã nói ở trên, văn
chương nói riêng và nghệ thuật nói chung khiến con người đúng nghĩa là con người.
Nếu văn chương mất đi chỗ đứng xứng đáng của mình, con người có thể sẽ chỉ là
một đạo quân robot hoặc một bầy đàn zombie. Với tình trạng như vậy, các tác giả tài
năng cũng như Bá Nha khi Tử Kỳ qua đời, thà đập nát cây đàn của mình đi chứ
không chịu lãng phí tinh túy của mình hòa lẫn vào rác rưởi.



×