Tải bản đầy đủ (.pdf) (335 trang)

Thành thạo ngoại ngữ mãi mãi

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (11.04 MB, 335 trang )



CHO NHỮNG VUI THÚ CỦA CUỘC HÀNH TRÌNH



Lời người dịch

Xin chào bạn, tôi là Nguyễn Tiến Đạt, người đã thực hiện bản dịch này. Cám ơn bạn vì đã đọc,
hoặc thậm chí có thể chỉ là đang cân nhắc đến việc sẽ đọc nó.
Có ba điều tôi xin được nói với bạn, người đọc của tôi, trước khi bạn bắt đầu với bản dịch cuốn
sách này của tác giả Gabriel Wyner, do tôi thực hiện:
1 : Tôi không phải là một người dịch chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản; và tôi khá chắc là nếu
bạn đọc kỹ, bạn sẽ có thể tìm được những lỗi dịch trong bản dịch này (tôi chỉ dám mong là chúng
không lớn và không quá nghiêm trọng). Đây không phải là một bản dịch hoàn hảo, tôi mong bạn
biết điều đó; và tôi cũng mong bạn biết là tôi biết điều đó.
2 : Đây không phải là bản dịch chính thức, theo nghĩa là nó chưa có bản quyền cho phép dịch chính
thức của tác giả Gabriel Wyner hay bất cứ đơn vị nào do tác giả ủy quyền, và không được phát
hành bởi bất cứ đơn vị phát hành đã được cấp phép nào. Vào thời điểm tôi viết phần “Lời người
dịch” này là tháng 8/2016, tôi vẫn chưa được biết đến có bản dịch chính thức nào như thế của cuốn
sách này (tên tiếng Anh là: “Fluent Forever: How to Learn Any Language Fast and Never Forget
It”) đã, đang trong giai đoạn, hoặc sẽ được sớm xuất bản và phát hành tại Việt Nam.
3 : Bản thân tôi không nhận được lợi ích nào về mặt tiền bạc khi thực hiện và công bố bản dịch
không chính thức và không có bản quyền này; và tôi mong bản dịch này sẽ không được dùng để
bán, cho thuê hay phục vụ cho bất cứ mục đích thương mại nào. Nếu có một ngày có một bản dịch
chính thức của cuốn sách này xuất hiện trong những nhà sách, đã được xin phép bản quyền
từ tác giả và do một đơn vị xuất bản chính thức phát hành, tôi mong là các bạn sẽ mua bản
dịch đó để ủng hộ tác giả và đơn vị xuất bản. Nếu, hoặc khi, bạn chia sẻ lại bản dịch không chính
thức này, tôi mong là bạn sẽ không cắt bỏ, không thêm bớt hay chỉnh sửa, và mong là bạn sẽ không
sử dụng bản dịch này để làm lợi cho bản thân qua các hoạt động bán, cho thuê, quảng cáo, và các
hoạt động tương tự.


Tôi xin thực sự cảm ơn bạn, nếu bạn, người đọc của tôi, đồng ý với mấy yêu cầu nhỏ bé trên của
tôi, và đang sẵn sàng mở bản dịch này ra để đến với cuốn sách và những chia sẻ của tác giả Gabriel


Wyner. Cho phép tôi chỉ xin nói mấy lời nữa thôi (nếu bạn còn quan tâm), về việc tôi làm bản dịch
này vì lý do gì, và tại sao tôi lại chia sẻ nó theo cách tôi đã làm:
Tôi được biết đến cuốn sách này vào đầu năm 2016, hai năm sau ngày nó được phát hành tại Mỹ.
Tại thời điểm khi tìm thấy và được biết đến cuốn sách, tôi đã trải qua một quãng thời gian gắn bó
khá lâu dài, cả được học và tự học, với hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Nhật. Ở ngoại ngữ thứ
nhất, tôi đã đạt đến trình độ C2; và ở ngoại ngữ thứ hai, tôi hiện giờ ở mức B1, với mục tiêu là C1
trong một kế hoạch 5 năm tới. Tôi thực sự nghiêm túc với việc học ngoại ngữ của mình, vì đã biết
được sự quan trọng của nó đối với công việc và đam mê của tôi; và sự nghiêm túc đó là lý do tôi
thường để ý tìm hiểu những tài liệu, công cụ và chia sẻ về học ngoại ngữ. Cuốn sách “Fluent
Forever” đã đến với tôi như thế.
Tôi không tiếc quãng thời gian 4 tháng tôi dành ra đọc và dịch cuốn sách này, trái lại, tôi biết ơn
nó vô cùng. Việc dịch khiến tôi đọc kỹ và ghi nhớ được những chia sẻ của cuốn sách, và, hiện giờ,
trong quá trình tự học tới C1 tiếng Nhật trong dự án cá nhân 5 năm của mình, tôi càng biết ơn hơn
nữa vì tác giả đã viết ra cuốn sách này và tôi đã đọc được nó, khi tôi cứ tự thấy được mình tiến bộ
từng ngày, nhờ sử dụng được những công cụ và phương pháp học mới hiệu quả hơn – những
phương pháp “hack” việc học ngoại ngữ - mà trước khi đọc cuốn sách và thực hiện dịch nó, tôi
chưa được biết đến.
Tôi sẽ để công việc đánh giá cuốn sách này cho bạn, dù tôi thực sự hy vọng bạn sẽ chọn đọc nó và
không thấy hối tiếc vì thời gian đã bỏ ra cho nó. Tôi thậm chí sẽ đi xa hơn, và mong rằng cuốn
sách này sẽ có ích cho bạn và việc học ngoại ngữ của bạn.
Bản dịch này được tôi thực hiện trong vòng 4 tháng, nó không phải là một bản dịch hoàn hảo, và
nó chỉ là một chút nỗ lực nhỏ bé của tôi để mong sẽ có nhiều người hơn được biết đến những chia
sẻ hữu ích của tác giả Gabriel Wyner. Nó sẽ được chia sẻ miễn phí, đó là nguyện vọng của tôi; và
nếu bạn thấy nó có ích cho bạn, xin bạn hãy tìm cách mua bản sách gốc (tôi chắc chắn các hiệu
sách ngoại văn ở Việt Nam có thể giúp bạn đặt mua bản gốc tiếng Anh, và bạn luôn có thể lựa
chọn mua phiên bản ebook chính thức từ Amazon), hoặc tìm mua bản dịch chính thức, có bản

quyền của cuốn sách này khi nó được dịch và phát hành tại nơi bạn sống.
Bản dịch này là một nỗ lực nhỏ của tôi trong việc đạp đổ rào cản ngôn ngữ của cuốn sách. Nếu


bạn thấy nó có ích, xin hãy để lại cho tôi một tin nhắn tại ngôi nhà online của tôi trên facebook
(www.facebook.com/akachan.raion), hoặc gửi cho tôi một lá thư email ().
Bạn không cần phải làm thế, nhưng tôi sẽ rất vui nếu được biết bạn đã tìm thấy được chút gì hữu
ích từ những chia sẻ trong bản dịch này, để tôi thấy công sức của mình bỏ ra không hoàn toàn vô
ích.
Tôi ăn nói đao to búa lớn và hoa mỹ quá. Đây cũng chỉ là thêm một ebook (sách điện tử) nữa trong
hàng vạn ebook đang mỗi ngày được scan/dịch, chia sẻ, tải xuống miễn phí, và rồi phần lớn sẽ bị
vứt xó trong ổ cứng máy tính của hàng ngàn người, ở một xứ sở nơi luật bản quyền còn lỏng lẻo
và chưa có chế tài xử phạt đủ mạnh như Việt Nam mình lúc này, để có những đứa dở hơi như tôi
vẫn có thể tự tiện dịch sách người khác và tự tiện chia sẻ, dù không có sự cho phép của bất kỳ ai
liên quan cả.
Dù thế. Dù thế. Tôi vẫn mong bạn sẽ thấy bản dịch này có ích với bạn.
Sắp hết Lời người dịch rồi, cho phép tôi được nói mấy lời hoa mỹ nốt mấy dòng cuối:
Những lời này nói ra, tôi hy vọng đã giúp bạn hiểu được tôi làm thế này là để làm gì, để đạt được
gì, và để bạn hiểu rằng bạn nên trông mong những gì và không nên trông mong những gì từ bản
dịch này; và từ tôi với tư cách là người dịch, người dẫn đường, là kẻ đồng hành sẽ xin được trợ
giúp bạn trong quá trình khám phá cuốn sách này.
Kể từ giờ trở đi, tôi xin nhường lại công việc quyết định cho bạn. Nếu bạn tin tôi, tin vào những
điều tôi nói, hoặc ít nhất là tin vào giá trị của cuốn sách này, và muốn sử dụng đến bản dịch (dù
thiếu hoàn hảo) này của tôi, tôi xin được nói: Cảm ơn bạn. Chúc bạn tất cả những gì tốt đẹp nhất.
Bản dịch này xin được gửi tặng đến tất cả những người ham đọc sách, ham tìm hiểu, và thích học
ngoại ngữ ở ngoài kia. Những người như tôi, và như tác giả Gabriel Wyner. Cuốn sách này được
Gabriel Wyner viết trước hết là để cho họ. Bản dịch này được tôi thực hiện, trước hết là để cho họ.
Cảm ơn bạn, người đọc của tôi, vì bạn đã đọc đến đây. Cảm ơn bạn, thật đấy, và chúc bạn cũng sẽ
tìm được những hiểu biết và ý tưởng hữu ích, mới mẻ từ cuốn sách này, như tôi đã tìm thấy được
vậy.



Hà Nội, ngày 12 tháng Tám, năm 2016
Người dịch: Nguyễn Tiến Đạt (sutucon)
www.facebook.com/akachan.raion -


Giới thiệu về tác giả

Xin chào, tôi là Gabriel Wyner.
Tác giả của cuốn sách Fluent Forever, và là người sáng lập trang web />Hơn 1,5 triệu người đã đọc các tài liệu của tôi để học hỏi
cách làm thế nào để nói một ngôn ngữ nước ngoài và nhớ
nó mãi mãi. Bạn có thể đang tìm kiếm một cách để học
tốt ngoại ngữ đầu tiên của bạn, hoặc bạn có thể tìm kiếm
những cách hiệu quả hơn để tiếp tục học ngoại ngữ thứ ba
hoặc thứ tư của bạn. Tôi hy vọng sẽ cung cấp cho bạn một
bộ công cụ để giúp thực hiện bất cứ mục tiêu nào trong
những mục tiêu này.
Câu chuyện của tôi và sự phát triển của Phương pháp học ngoại ngữ này

Giống như hầu hết mọi người, tôi đã theo học một ngoại ngữ ở trường trung học, và rời trường
trung học - giống như hầu hết mọi người - mà không còn nhớ được nhiều lắm những gì tôi đã dành
bao nhiêu năm đó để học. Tôi tự đặt một câu hỏi đáng lo ngại: Tôi đã làm việc chăm chỉ và tôi đã


có những giáo viên giỏi; vậy thì tôi đã làm sai ở chỗ nào? và tôi có thể làm những gì để có được
kết quả tốt hơn?
Tôi là một ca sĩ opera, và một phần nghề nghiệp của tôi liên quan đến việc hát bằng tiếng Anh, Ý,
Pháp, Đức, và Nga (và đôi khi là tiếng Séc, Tây Ban Nha, tiếng Hebrew và tiếng Latinh). Sau khi
thất bại trong việc học về gần như bất cứ thứ gì trong các lớp học ngoại ngữ thời trung học của tôi,

tôi đã tìm thấy những tiến bộ thực sự đầu tiên của mình trong một trường đại học hẻo lánh ở
Vermont.
Ở đó, trong mùa hè năm 2004, tôi đã ký giấy cam kết sẽ sử dụng tiếng Đức như là hình thức giao
tiếp liên lạc duy nhất của tôi trong bảy tuần. Vấn đề là, tôi không nói được một từ tiếng Đức nào
cả. Một số học sinh ở trình độ cao đến gần tôi, mỉm cười và nói “Hallo”. Tôi nhìn chằm chằm vào
họ một lúc, suy nghĩ, và sau đó trả lời. “Hallo”, tôi nói. Chúng tôi bắt tay nhau. Từ đó bắt đầu một
quá trình nghiện học ngoại ngữ ngữ kéo dài tám năm (và vẫn còn đang đếm tiếp) của tôi.
Bắt đầu với từ “Hallo” đầu tiên đó, tôi bắt tay vào để xem thực sự liệu có thể trở nên thành thạo
trong tất cả các ngoại ngữ kia được không. Tôi quay trở lại Vermont vào năm 2005 và đăng ký học
tiếng Đức một lần nữa, lần này đạt đến mức độ thành thạo. Tôi chuyển đến Áo để học tiếp Thạc
sĩ, và đã đi đến Perugia, Italy vào năm 2008 để học tiếng Ý. Tôi bắt đầu đọc sách và các blog và
bất cứ điều gì khác tôi có thể tìm thấy để xác định xem có những phương pháp nào giúp việc học
ngoại ngữ trở nên nhanh hơn, và những gì tôi tìm thấy đã khiến tôi ngạc nhiên; có rất nhiều phương
pháp học tập ngoại ngữ vô cùng mạnh mẽ trên mạng, nhưng có vẻ chưa ai từng tập hợp tất cả
chúng lại với nhau.
Trình độ các ngoại ngữ của tôi: Tiếng Đức (C1), Tiếng Pháp (C1), Tiếng Nga (C1 / B2), Tiếng
Ý (B2), Tiếng Hungary (B2), Tiếng Nhật (B1)
Mục tiêu hiện tại: Đưa tiếng Nhật đến mức độ thành thạo C1.
Trích lời giới thiệu về bản thân của tác giả Gabriel Wyner trên trang web của anh, />

MỤC LỤC
Lời người dịch
Giới thiệu về tác giả
1 : Lời giới thiệu : Đâm, đâm, đâm


Điểm bắt đầu




Kẻ gian lận đôi khi lại thành công: Ba chìa khóa quan trọng để học ngoại ngữ



Kế hoạch và chiến lược cho cuộc chơi



Mất bao lâu thì có thể thành thạo một ngoại ngữ?



Hãy làm điều này ngay: con đường phía trước

2 : Tải ngoại ngữ vào trí nhớ: Năm nguyên tắc để ngừng quên


Nguyên tắc 1: Làm cho các ký ức trở nên đáng nhớ hơn.



Nguyên tắc 2: Tối đa hóa sự lười biếng



Nguyên tắc 3: Đừng xem lại. Hãy tập nhớ lại



Nguyên tắc 4: Khoan đã! Khoan đã! Đừng nói cho tôi biết vội!




Nguyên tắc 5: Tái tạo lại ký ức



Xác định đúng thời điểm là quan trọng nhất: Dấu chấm hết cho sự lãng quên



Hãy làm điều này ngay: Học cách dùng một hệ thống nhắc lại cách quãng

3: Chơi với các âm


Luyện tai bạn, và thiết lập lại não bạn



Luyện miệng bạn, và giành lấy cô gái



Luyện mắt bạn, và thấy được những quy luật



Hãy làm điều này ngay: Học hệ thống phát âm trong ngoại ngữ của bạn


4: Chơi với các từ, và bản giao hưởng của một từ ngữ


Điểm bắt đầu: Chúng ta không nói nhiều về những quả mơ




Trò chơi với từ ngữ



Giới tính của một củ cải



Hãy làm điều này ngay: Học 625 từ mới đầu tiên của bạn, với đầy đủ cả âm nhạc và
mọi thứ

5: Chơi với các câu


Sức mạnh của ngôn ngữ đầu vào: Cỗ máy ngôn ngữ của bạn



Đơn giản hóa, đơn giản hóa: Biến những quả núi thành tổ mối




Giờ kể chuyện: Làm cho các quy luật trở nên đáng nhớ



Về Arnold Schwarzenegger và những chú chó bị nổ tung: Các hình ảnh nhớ mẹo cho
ngữ pháp



Sức mạnh của ngôn ngữ đầu ra: Lớp học ngoại ngữ tự chọn của riêng bạn



Hãy làm điều này ngay: học những câu đầu tiên của bạn

6: Trò chơi ngôn ngữ


Đặt mục tiêu: Vốn từ vựng tùy biến của bạn



Vài lời về các từ



Đọc vì thích thú, và đọc vì lợi ích




Khả năng nghe hiểu cho những kẻ lười biếng



Lời nói và Trò chơi Từ cấm kỵ



Hãy làm điều này ngay: khám phá ngoại ngữ của bạn

7: Hồi kết: Những lợi ích và niềm vui từ việc học một ngoại ngữ
Hộp công cụ
Phòng trưng bày: Hướng dẫn về những tấm thẻ flash card có thể dạy cho bạn ngoại ngữ
của bạn


Nghệ thuật của flash card



Phòng trưng bày đầu tiên: Tự làm các bộ công cụ luyện phát âm



Phòng trưng bày thứ hai: Các từ đầu tiên của bạn




Phòng trưng bày thứ ba: Sử dụng và học các câu đầu tiên của bạn




Phòng trưng bày thứ tư: Bộ thẻ từ vựng cuối cùng

Mục chú giải các thuật ngữ và công cụ
Các phần phụ lục


PHỤ LỤC 1: Các tài nguyên học ngoại ngữ cụ thể



PHỤ LỤC 2: Ước tính độ khó của từng ngoại ngữ



PHỤ LỤC 3: Các tài nguyên về hệ thống nhắc lại cách quãng



PHỤ LỤC 4: Bảng giải mã IPA



PHỤ LỤC 5: 625 từ đầu tiên của bạn



PHỤ LỤC 6: Làm sao để sử dụng cuốn sách cùng với một lớp học ngoại ngữ


Một chú thích cuối cùng (về công nghệ)


Chương 1
Lời giới thiệu: Đâm, đâm, đâm

Nếu anh nói với một người bằng một ngôn ngữ người đó hiểu, lời nói đó sẽ đi vào đầu anh ta. Nếu
anh nói với một người bằng ngôn ngữ của người đó, lời nói đó sẽ đi đến trái tim anh ta.
—Nelson Mandela
Những người Mỹ đi du lịch nước ngoài lần đầu tiên thường hay bị sốc khi nhận ra rằng, bất chấp
mọi tiến bộ đã đạt được trong ba mươi năm qua, rất nhiều người nước ngoài vẫn nói tiếng nước
ngoài.
—Dave Barry
Học ngoại ngữ là một môn thể thao. Tôi nói vậy với tư cách của một người không có tư cách để
chém gió về thể thao theo bất cứ cách nào; tôi tham gia đội đấu kiếm hồi học ở trường cấp III chỉ
để khỏi phải học môn thể dục. Nhưng dù thế, việc đâm và chọc bạn bè của bạn bằng những dụng
cụ có đầu nhọn và việc học ngoại ngữ có lẽ vẫn có nhiều chỗ giống nhau hơn bạn tưởng. Mục tiêu
của bạn trong môn đấu kiếm là đâm được người khác một cách tự động. Bạn dành thời gian để ghi
nhớ tên các loại vũ khí và luật lệ thi đấu, và bạn luyện lên luyện xuống mọi thứ cho thật đúng, từ
dáng đứng, từng thế phòng thủ, thế phản công, thế bổ nhào. Và sau đấy cuối cùng bạn tham gia
cuộc chơi, mong mỏi đến thời khắc kỳ diệu khi bạn quên đi hết các thứ luật lệ: Tay bạn tự vung
kiếm lên một cách tự động, bạn khéo léo gạt phăng cú đâm của đối thủ, và bạn đâm thẳng được
một nhát vào đúng chính diện ngực anh ta. Ghi điểm!
Bạn muốn tiến lại gần ai đó, mở miệng ra, quên hết mọi quy tắc luật lệ, và nói được một cách tự
động. Mục tiêu này có vẻ ngoài tầm với bởi ngôn ngữ trông có vẻ khó, nhưng thực ra không phải
thế. Chẳng có thứ gì gọi là một ngôn ngữ “khó” cả; bất cứ tên đần nào trên thế giới này cũng có
thể nói tốt bất cứ ngôn ngữ nào mà bố mẹ của hắn nói khi hắn là một đứa trẻ. Thách thức thực sự
nằm ở chỗ chọn được một con đường học mà phù hợp được với những đòi hỏi của một cuộc sống
bận rộn kìa.



Trong cuộc sống bận rộn của mình, với nghề nghiệp chính là một ca sĩ opera, tôi cần phải học tiếng
Đức, tiếng Ý, tiếng Pháp và tiếng Nga. Từ kinh nghiệm khi học những thứ tiếng đó, tôi đã rút ra
được nền tảng cho cuốn sách này. Các phương pháp học của tôi là kết quả của một nhu cầu đến
gần như ám ảnh của tôi với việc cải tiến, tìm tòi nghiên cứu, rồi lại cải tiến tiếp. Bộ đồ nghề học
ngoại ngữ của tôi đã, theo thời gian, trở thành một cỗ máy vận hành nhịp nhàng và rất hiệu quả,
giúp biến những khoảng thời gian cố định mỗi ngày thành những tiến bộ rõ rệt và liên tục trong
việc học ngoại ngữ của tôi và của mọi học sinh mà tôi dạy. Bằng việc chia sẻ chúng, tôi mong có
thể giúp bạn ghé thăm thế giới kỳ lạ của việc học một ngoại ngữ. Trong quá trình đó, bạn sẽ hiểu
rõ hơn cách làm việc bên trong bộ óc của bạn và của những người khác. Bạn cũng sẽ học được
cách nói một ngôn ngữ khác nữa.

ĐIỂM BẮT ĐẦU
Cho đến giờ, khoảnh khắc ưa thích nhất của tôi trong chuyến hành trình học ngoại ngữ này xảy ra
tại một ga tàu điện ngầm ở Viên vào năm 2012. Đang trở về nhà từ một buổi diễn thì bỗng tôi nhìn
thấy một đồng nghiệp người Nga đang bước về phía tôi. Ngôn ngữ chung giữa hai chúng tôi trước
giờ vẫn luôn là tiếng Đức, bởi vậy, bằng ngôn ngữ đó, chúng tôi chào và trao đổi hỏi han về cuộc
sống của nhau thời gian vừa qua. Và rồi tôi “bật mí” một bí mật vĩ đại kinh hoàng: “Cậu biết
không, tớ giờ nói được tiếng Nga rồi đấy”, tôi nói với cô ấy bằng tiếng Nga.
Vẻ mặt của cô ấy lúc đó phải nói là vô giá. Miệng của cô ấy thật sự há hốc ra, như trong phim hoạt
hình. Cô ấy lắp bắp, “Cái gì? Khi nào? Làm thế nào?”, và chúng tôi lao vào một cuộc nói chuyện
dài về tiếng Nga và về việc học ngoại ngữ, về cuộc sống, và về những thứ giao nhau giữa chúng.
Những nỗ lực học ngoại ngữ đầu tiên của tôi thực sự ít “gây há hốc miệng” hơn thế nhiều. Tôi
từng học ở một trường Do Thái trong bảy năm. Chúng tôi hát các bài hát tiếng Hebrew, học bảng
chữ cái, thắp rất nhiều nến, uống rất nhiều nước quả, và không học được gì nhiều lắm. À, trừ cái
bảng chữ cái; riêng cái bảng chữ cái đó thì tôi thuộc nằm lòng.
Ở cấp ba, tôi “đổ” cô giáo tiếng Nga của mình, cô Nowakowsky. Cô rất thông minh và rất đẹp, và
cô có một cái tên Nga rất chất, và tôi làm mọi thứ mà cô ấy yêu cầu, bất cứ khi nào cô ấy yêu cầu.
Năm năm sau đó, tôi đã học được một vài cụm từ, nhớ được một vài bài thơ, và học được bảng

chữ cái khá là tốt, cám ơn bạn rất nhiều vì đã quan tâm. Đến khi nhìn lại, tôi có cảm giác hình như


có vấn đề gì đó. Tại sao tôi toàn chỉ nhớ được có mỗi bảng chữ cái thế? Tại sao những thứ khác
lại quá khó thế?
Tua nhanh đến tháng Sáu năm 2004, tại thời điểm bắt đầu của khóa học tiếng Đức đào tạo hoàn
toàn bằng tiếng Đức cho các ca sĩ opera tại Vermont. Tại thời điểm đó, tôi là một kỹ sư với một
tình yêu ca hát quá lớn. Tình yêu đó đòi hỏi tôi phải học được tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Ý cơ
bản, và tôi đã quyết định là nhảy xuống bể là cách duy nhất tôi có thể học bơi. Khi tôi tới, tôi phải
ký vào một tờ giấy cam kết là chỉ dùng tiếng Đức như là phương tiện duy nhất để giao tiếp trong
bảy tuần, nếu vi phạm sẽ bị đuổi học không hoàn học phí. Tại thời điểm đó, làm thế nghe có vẻ
thiếu khôn ngoan, bởi khi đó tôi không hề biết nói một từ tiếng Đức nào hết. Tôi vẫn ký và mặc
kệ. Sau đó, một vài học sinh trình độ cao hơn tôi tiến lại, mỉm cười, và nói, “Hallo”. Tôi nhìn lại
họ trong một vài giây rồi đáp lại, “Hallo”. Và chúng tôi bắt tay.
Năm tuần điên rồ sau đó, tôi hát đến thỏa chí trong một lớp diễn xuất bằng tiếng Đức, tìm được
một chỗ kín đáo trong sân trường, và bí mật gọi điện cho bạn gái tôi. “Anh nghĩ là anh sẽ trở thành
một ca sĩ opera”, tôi thì thầm với bạn gái bằng tiếng Anh.Vào ngày hôm đó, tôi quyết định là mình
sẽ thành thạo tất cả các ngôn ngữ mà sự nghiệp mới của tôi yêu cầu. Tôi quay trở lại Đại học
Middlebury tại Vermont và học tiếng Đức một lần nữa. Lần này, tôi đạt được mức độ thành thạo.
Tôi chuyển đến Áo để học tiếp lấy bằng thạc sĩ. Trong thời gian ở châu Âu vào năm 2008, tôi ghé
tới vùng Perugia, nước Ý, và học tiếng Ý. Hai năm sau đó, tôi trở thành một kẻ gian lận.

KẺ GIAN LẬN ĐÔI KHI LẠI THÀNH CÔNG:
BA CHÌA KHÓA QUAN TRỌNG ĐỂ HỌC NGOẠI NGỮ
Cuốn sách này sẽ không tồn tại nếu tôi đã không gian lận trong một bài kiểm tra tiếng Pháp. Tôi
không tự hào về vụ đó, nhưng mọi sự nó là thế. Đầu tiên phải kể rõ ngọn ngành trước. Trường
Ngoại ngữ Middlebury Language Schools cung cấp năm mức độ học khác nhau: cho người hoàn
toàn chưa biết gì, người chưa biết gì “giả” – tức những người đã có học một chút nhưng đã quên
gần hết những cái họ học – rồi trình độ trung cấp, trình độ cao, và gần như hoàn toàn thuần thục.
Lúc làm bài kiểm tra, tôi rơi vào trình độ “hoàn toàn chưa biết gì”, nhưng tôi cũng đã học một thứ

tiếng gốc Rôman rồi, và tôi muốn được ở chung lớp với những người “chưa biết gì ‘giả’. Vậy là,
tôi gian lận lúc làm bài kiểm tra đầu vào, sử dụng Google Dịch và một số trang web về ngữ pháp


để làm bài. Đừng có nói với trường Middlebury nhé.
Một tháng sau, tôi nhận được kết quả đáng buồn của bài kiểm tra. “Chúc mừng và chào mừng đến
với khóa học!”, nó bắt đầu. “Bạn đã được xếp vào lớp trình độ trung cấp!”. Chết rồi. Giờ tôi có ba
tháng để học một lượng tiếng Pháp tương đương với một năm học, nếu không sẽ trông như một
thằng ngốc tại bài thi phỏng vấn đầu vào. Mấy buổi phỏng vấn này thì không gian lận vào đâu
được. Bạn ngồi trong phòng với một người Pháp thật, bạn chém gió với họ mười lăm phút về cuộc
sống, và bạn ra về với kết quả xếp lớp chính thức. Không có chỗ để gian lận; bạn hoặc là nói được
tiếng Pháp, hoặc là bạn làm mặt buồn và múa máy tay chân như một anh hề câm hạng hai tại đất
Paris.
Vì lúc đó tôi đang trong quá trình học lấy bằng thạc sĩ ngành opera và ca khúc nghệ thuật, lượng
thời gian rảnh duy nhất mà tôi có là một giờ mỗi ngày di chuyển trên tàu điện ngầm và toàn bộ các
ngày Chủ Nhật. Tôi điên cuồng lục tung Internet để tìm ra cách học ngoại ngữ một cách nhanh
nhất. Tôi nhận ra một điều rất bất ngờ: Có một loạt những công cụ giúp học ngoại ngữ cực kỳ
mạnh mẽ ở ngoài kia, nhưng không hề có một chương trình học nào tập hợp hết tất cả các phương
pháp và công cụ học đó lại với nhau.
Tôi thu thập được ba chìa khóa quan trọng cho việc học một ngoại ngữ:
1. Học phát âm trước
2. Đừng dịch
3. Dùng các hệ thống nhắc lại cách quãng
Chìa khóa đầu tiên, học phát âm trước, đến từ những năm tháng học tại trường nhạc của tôi (đây
cũng là phương pháp được sử dụng rộng rãi bởi các lực lượng quân đội và bởi các nhà truyền giáo
của các nhà thờ Mormon). Các ca sĩ học cách phát âm của một ngôn ngữ trước tiên, bởi họ cần
phải hát bằng ngôn ngữ đó rất lâu trước khi họ có thời gian để học nó hoàn toàn. Trong quá trình
làm chủ âm thanh của một ngôn ngữ, đôi tai của chúng tôi trở nên quen dần với những âm thanh
đó, giúp cho việc tích lũy từ vựng, khả năng nghe hiểu, và nói bằng ngoại ngữ sau này diễn ra
nhanh hơn. Và trong lúc làm thế, chúng tôi tự dưng cũng có được một khẩu âm nói ngoại ngữ cực

chất và chuẩn.


Chìa khóa thứ hai, đừng dịch, được ẩn giấu trong những kinh nghiệm có được từ thời gian tôi học
ở trường ngoại ngữ Middlebury Language Schools tại Vermont. Một người học chưa biết gì không
những hoàn toàn có thể bỏ qua công đoạn dịch những từ ngữ xa lạ sang tiếng mẹ đẻ, mà đó còn là
một bước cực quan trọng để tiến tới việc nghĩ được bằng ngoại ngữ. Nó là thứ khiến cho việc học
ngoại ngữ trở nên có thể hình thành được. Đây chính là sai lầm chết người của tôi khi cố gắng học
tiếng Hebrew và tiếng Nga: tôi đã tập luyện kỹ năng dịch thay vì kỹ năng nói. Bằng cách vứt hoàn
toàn tiếng Anh đi, tôi có thể dành thời gian xây dựng kỹ năng nói thành thạo thay vì kỹ năng giải
mã từng chữ từng chữ một.
Chìa khóa thứ ba, sử dụng hệ thống nhắc lại cách quãng, đến từ các blog học ngoại ngữ và từ
các nhà phát triển phần mềm. Hệ thống nhắc lại cách quãng là thẻ flash card đã được uống thuốc
tăng lực. Dựa vào những gì bạn nhập vào, những hệ thống này sẽ tạo cho bạn một kế hoạch học
tập cá nhân, có thể “đẩy” thông tin vào sâu trong trí nhớ dài hạn của bạn. Chúng “tăng lực” cho trí
nhớ của chúng ta rất rất nhiều lần, và chúng lại vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Càng ngày đang càng có nhiều người học ngoại ngữ trên Internet tận dụng hệ thống nhắc lại cách
quãng, nhưng hầu hết họ đều chỉ đang sử dụng chúng để nhớ bản dịch của từ mới sang ngôn ngữ
mẹ đẻ của họ. Ngược lại, những nơi ủng hộ phương pháp “không phiên dịch trong học ngoại ngữ”
như Middlebury hay Berlitz lại đang dùng những phương pháp học tập khá là cũ, hoàn toàn không
tận dụng được những công cụ học mới đã được “máy tính hóa” như hệ thống nhắc lại cách quãng.
Trong khi đó, vẫn gần như không có ai ngoại trừ các ca sĩ nhạc thính phòng và các giáo sĩ Mormon
chú trọng vào việc học phát âm.
Tôi quyết định sử dụng tất cả các phương pháp này cùng một lúc. Tôi sử dụng các phần mềm hỗ
trợ ghi nhớ trên điện thoại thông minh để “nạp” tiếng Pháp vào trí nhớ của mình, và tôi đảm bảo
rằng không một cái thẻ flash card nào của tôi có một từ tiếng Anh nào trên đó. Tôi bắt đầu làm thẻ
flash card cho các quy tắc phát âm, tôi cho một đống tranh ảnh minh họa vào các thẻ flash card
cho các danh từ và một số động từ, và rồi tôi tích lũy dần đến mức có thể cho vào thẻ flash card
một số định nghĩa đơn giản bằng tiếng Pháp cho những từ hơi trừu tượng một chút. Đến tháng Sáu,
với một giờ mỗi ngày tranh thủ học trên tàu điện ngầm, tôi đã học được ba nghìn từ và chủ điểm

ngữ pháp. Khi tới Middlebury, tôi ngồi đợi trong một căn phòng, chờ đến lượt kiểm tra phỏng vấn
đầu vào tiếng Pháp của mình. Vòng phỏng vấn này là để đảm bảo tôi đã không chơi trò “ngu” nào,


như là đã gian lận trong lúc làm bài kiểm tra đầu vào chẳng hạn. Đó là lần đầu tiên tôi nói tiếng
Pháp trong đời. Người giáo viên ngồi xuống trước mặt tôi và nói “Bonjour”, và tôi đáp lại bằng từ
tiếng Pháp đầu tiên nảy đến trong đầu mình: “Bonjour”. Đến giờ mọi thứ vẫn suôn sẻ. Khi cuộc
nói chuyện phát triển dần, tôi ngạc nhiên khi nhận ra tôi biết tất cả mọi từ ngữ tôi cần để trả lời
các câu hỏi. Tôi đã có thể nghĩ bằng tiếng Pháp! Dòng suy nghĩ đó rất chậm chạp khó nhọc, nhưng
nó đã là tiếng Pháp. Tôi như bị sốc. Trường Middlebury cho tôi luôn vào lớp trình độ cao. Trong
bảy tuần ở đó, tôi đọc mười cuốn sách, viết một lượng bài luận xấp xỉ gần bảy mươi trang, và
lượng từ vựng của tôi vươn lên mức bốn nghìn năm trăm từ. Đến lúc bắt đầu tháng Tám, tôi đã
thành thạo tiếng Pháp.

KẾ HOẠCH VÀ CHIẾN LƯỢC CHO CUỘC CHƠI
Thế nào gọi là thành thạo ngoại ngữ? Mỗi người trong chúng ta sẽ có một câu trả lời khác nhau
cho câu hỏi này. Thuật ngữ này không chính xác một cách tuyệt đối, và nó cứ bớt chính xác đi một
tí mỗi lần có ai đó viết thêm một cuốn sách về nó, một bài báo về nó, hay một email rác với những
tiêu đề như “U Can B FLUENT in 7 DAY5!1!”. Tuy vậy, chúng ta có lẽ vẫn có một hình ảnh nhất
định trong đầu về thành thạo ngoại ngữ mỗi khi nhắc đến nó: Paris, một buổi chiều tại một quán
cà phê, ngẫu hứng tán chuyện với cô bồi bàn mà không cần phải lo lắng về chia động từ hay từ
này từ nọ trong tiếng Pháp là gì. Nhưng từ quán cà phê đó trở đi, mỗi chúng ta phải tự quyết định
xem chúng ta muốn đi tiếp xa đến đâu.
Tôi chắc chắn có thể tự miêu tả mình là thành thạo tiếng Đức. Tôi đã sống ở Áo sáu năm, và có
thể thoải mái bàn luận với bất cứ ai về bất cứ chủ đề gì, nhưng tôi chắc chắn vẫn sẽ phải vòng vèo
đắn đo một lúc vì thiếu từ để nói khi muốn diễn tả chuyện tôi không muốn phải nộp phạt 200 euro
vì cái xe đi thuê của tôi bị bể nắp bình xăng (có vẻ như cái từ cho “nắp bình xăng” trong tiếng Đức
là Tankdeckel, và các từ cho “Tôi cóc cần quan tâm chuyện tôi có phải là người đầu tiên lái cái xe
này hay không, cái lò xo giữ nắp bình xăng đã hỏng sẵn rồi ông biết chưa?!” bắt đầu với “Das ist
mir völlig Wurst …” và còn dài mãi dài mãi nữa đằng sau nó). Bạn sẽ phải tự xác định xem hình

ảnh về “thành thạo ngoại ngữ” trong đầu bạn có bao gồm bàn luận về chính trị với bạn bè, tham
gia những buổi bình thơ, làm việc như một điệp viên mật, hay giảng dạy về vật lý lượng tử tại
Sorbonne hay không.


Chúng ta phải chật vật khó khăn để đạt đến bất cứ trình độ thành thạo ngoại ngữ nào, bởi vì đơn
giản có quá nhiều thứ để nhớ. Cuốn sách luật chơi của trò chơi ngôn ngữ là quá dày. Chúng ta phải
đến các lớp học để bàn luận về cuốn luật chơi đó, chúng ta luyện lên luyện xuống về từng luật từng
luật một, nhưng chúng ta không bao giờ được tham gia vào cuộc chơi thực sự. Nếu may mắn mà
chúng ta đến được trang cuối cùng của cuốn luật chơi, chúng ta chắc đã quên hết mấy trang đầu
rồi. Hơn nữa, chúng ta vẫn còn đang bỏ qua cuốn sách còn lại (cuốn sách về từ vựng), chứa hàng
ngàn hàng ngàn từ mà cũng khó nhớ như là cuốn luật chơi vậy.
“Quên” là kẻ thù lớn nhất của chúng ta, và chúng ta cần một kế hoạch, một bản chiến lược để đánh
bại nó. Bạn có nhớ đâu là câu chuyện học ngoại ngữ thành công “kinh điển” không? Một anh
chàng chuyển đến Tây Ban Nha, đem lòng yêu một cô gái Tây Ban Nha, và dành mọi phút mỗi
ngày luyện tập ngôn ngữ của cô gái đó cho đến lúc anh đã hoàn toàn thành thạo ngôn ngữ đó chỉ
trong một năm. Đây chính là trải nghiệm “đắm mình”, và nó đánh cho kẻ thù của chúng ta, “quên”,
đến mức nó bẹp dí và chết bê xê lết. Nói chung, người anh hùng kiêu hãnh, nói tiếng Tây Ban Nha
như gió của chúng ta thành công bởi vì anh ta không có thời gian để kịp quên. Mỗi ngày, anh ta
bơi trong một bể ngôn ngữ toàn là tiếng Tây Ban Nha; làm sao mà anh ta có thể quên được những
gì mà anh ta học? Tôi đã học tiếng Đức theo cách này, khi có cơ hội được nghỉ việc, chuyển đến
Vermont, và cắt bỏ mọi liên lạc của tôi với thế giới nói tiếng Anh trong hai mùa hè trọn vẹn. Học
ngoại ngữ bằng cách “đắm mình” là một trải nghiệm tuyệt vời, nhưng nếu bạn có một công việc
ổn định, một chú chó, một gia đình, hay một tài khoản ngân hàng cần phải được nạp tiền thường
xuyên, bạn không thể cứ thế tự nhiên bỏ hết mọi thứ và hy sinh cuộc sống của mình nhiều đến thế
để học một ngoại ngữ. Chúng ta cần một cách học thiết thực hơn để đưa thông tin đúng vào đầu
mình, và ngăn chúng không “chảy” ngược lại ra ngoài.
Tôi sẽ chỉ cho bạn thấy làm thế nào để không quên nữa, để bạn có thể tham gia cuộc chơi thực sự.
Và tôi sẽ cho bạn thấy cần phải nhớ những cái gì, để khi bạn bắt đầu cuộc chơi, bạn sẽ chơi giỏi.
Cũng trong cùng lúc đó, chúng ta sẽ thiết lập lại tai bạn để bạn có thể nghe được những âm mới,

và thiết lập lại lưỡi bạn để bạn làm chủ được một khẩu âm mới. Chúng ta sẽ tìm hiểu cách các từ
ngữ được cấu tạo, cách các quy tắc ngữ pháp lắp ghép lại với nhau thành suy nghĩ trong đầu, và
cách làm thế nào để đưa những suy nghĩ trong đầu đó ra được đến đầu lưỡi của bạn mà không cần
phải tốn thời gian phiên dịch. Chúng ta sẽ tận dụng hết mức lượng thời gian có hạn của bạn, cùng
tìm hiểu xem nên học từ nào trước, làm cách nào để dùng những thuật nhớ mẹo để nhớ những chủ


điểm trừu tượng nhanh hơn, và làm thế nào để giúp bạn tiến bộ ở các kỹ năng Nghe, Nói, Đọc,
Viết một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể.
Tôi muốn bạn học được cách dùng những công cụ tôi đã tìm thấy trên chặng đường đến đây, nhưng
cũng muốn bạn hiểu tại sao chúng lại hiệu quả. Học ngoại ngữ là một trong những chuyến hành
trình cá nhân nhất mà bạn có thể trải qua. Bạn sẽ đi vào trong chính tâm trí của mình, và thay đổi
chính cách bạn suy nghĩ. Nếu bạn sẽ phải cần đến hàng tháng hoặc hàng năm để tiến tới mục tiêu
đó, bạn sẽ cần phải tin tưởng vào những phương pháp này và biến chúng thành của bạn. Tôi hy
vọng có thể chỉ cho bạn thấy con đường ngắn nhất để đi đến cái đích đó, để bạn có thể quên hết
mọi luật lệ đi và bắt đầu chơi luôn được rồi.
Sau khi học xong tiếng Đức, tôi đã nghĩ “Ặc! Nếu mình có thể quay ngược thời gian lại và chỉ bảo
cho mình của quá khứ vài điều, mình có lẽ đã có thể học ngôn ngữ này dễ dàng hơn đến bao
nhiêu!”. Tôi cũng đã có chính xác ý nghĩ đó sau khi học xong tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Nga (mà
tôi cuối cùng đã học xong vào năm 2012), và tiếng Hungary (dự án của năm 2013). Cuốn sách này
có thể coi là cỗ máy thời gian của tôi. Nếu tôi nheo mắt lại đủ chặt, tôi có thể trông thấy bạn như
là tôi khi tôi chưa biết nói tiếng gì ngoài tiếng Anh ở thời điểm chín năm trước, và tôi đang tạo ra
một nghịch lý thời gian để quay lại giúp bạn tránh được tất cả những hố bẫy và chướng ngại đã
giúp tôi tạo ra được cỗ máy thời gian này ngay từ đầu. Bạn biết đấy, kiểu kiểu như thế.

MẤT BAO LÂU THÌ CÓ THỂ THÀNH THẠO MỘT NGOẠI NGỮ?
Để ước tính lượng thời gian bạn sẽ phải cần, chúng ta cần cân nhắc đến những điều như mục tiêu
thành thạo của bạn, những ngôn ngữ nào bạn đã biết từ trước, ngoại ngữ nào mà bạn đang học, và
lượng thời gian bạn có thể bỏ ra mỗi ngày. Như tôi đã nói ở trên, không có thứ gì gọi là một ngôn
ngữ khó cả. Tuy vậy, có những ngôn ngữ sẽ khó với bạn, bởi vì chúng không cùng họ với ngôn

ngữ, hoặc những ngôn ngữ, mà bạn đã biết. Tiếng Nhật khó học với những người nói tiếng mẹ đẻ
là tiếng Anh, vì cùng một lý do với việc tại sao tiếng Anh lại khó học với những người mà tiếng
mẹ đẻ là tiếng Nhật: có quá ít những từ ngữ và chủ điểm ngữ pháp trùng nhau giữa hai ngôn ngữ,
còn chưa kể đến việc hai thứ tiếng có hai kiểu bảng chữ cái khác hẳn nhau. Ngược lại, một người
nói tiếng Anh mẹ đẻ khi cần phải học tiếng Pháp lại có ít việc để làm hơn rất nhiều. Kho từ vựng
tiếng Anh có 28 phần trăm là tiếng Pháp và 28 phần trăm là tiếng La Tinh. Ngay khi một người


nói tiếng Anh học được cách phát âm tiếng Pháp chuẩn, người đấy đã biết sẵn chừng một nghìn từ
rồi.
Viện Ngoại Vụ Mỹ xếp hạng các ngôn ngữ theo độ khó của chúng với một người nói tiếng Anh
(xem thêm ở Phụ lục 2). Theo kinh nghiệm của tôi, các ước đoán của họ trên bảng xếp hạng này
rất chuẩn xác. Đúng như họ dự đoán, tiếng Nga (một ngôn ngữ ở cấp độ khó 2) tốn của tôi gần gấp
đôi lượng thời gian cần so với để học tiếng Pháp (một ngôn ngữ ở cấp độ khó 1), và tôi ngờ rằng
tiếng Nhật (một ngôn ngữ ở cấp độ khó 3) sẽ tốn của tôi gấp đôi lượng thời gian so với tiếng Nga.
Tôi đã chạm được mức trình độ trung cấp theo nghĩa “tôi có thể nghĩ được bằng tiếng Pháp và
dùng được một cuốn từ điển Pháp-Pháp” trong vòng ba tháng, mỗi ngày dành ra một giờ để học
(cộng thêm các ngày cuối tuần), và đã đạt đến mức trình độ tương tự như thế với tiếng Nga trong
sáu tháng, với ba mươi tới bốn mươi lăm phút một ngày (cộng thêm các ngày cuối tuần). Tôi sau
đó dùng khoảng bảy đến tám tuần “đắm mình” để đưa cả hai ngôn ngữ này tới mức “thoải mái nói
chuyện trong một quán cà phê, thoải mái chém gió về bất cứ chủ đề gì, tương đối thoải mái khi
phải miêu tả các vấn đề về xe cộ”. Tôi cũng đã thấy kết quả tương tự ở các học sinh của tôi. Nếu
không có một chương trình “đắm mình”, tôi ngờ rằng để đạt đến trình độ cao ở tiếng Pháp sẽ phải
mất từ năm tới tám tháng, với ba mươi tới bốn mươi lăm phút tự học mỗi ngày. Những ngôn ngữ
ở cấp độ khó 2 như tiếng Nga và tiếng Hebrew sẽ cần gấp đôi mức đó, và những ngôn ngữ cấp độ
khó 3 như tiếng Trung Quốc, tiếng Ả Rập, tiếng Nhật, và tiếng Hàn Quốc có lẽ sẽ cần đến gấp bốn
lượng thời gian của tiếng Pháp.
Những ngôn ngữ khó học hơn này sẽ tốn nhiều thời gian, nhưng không có lý do gì bạn không thể
học được chúng cả. Bạn đã sẵn sàng đáp ứng được điều kiện tiên quyết duy nhất rồi: bạn có hứng
thú với việc học ngôn ngữ đó. Ví dụ, hãy thử nghĩ về việc luyện tập thể dục. Để thành công trong

một bài tập thể dục hoặc thể hình, bạn cần phải thích tập nó, nếu không bạn sẽ bỏ dở không sớm
thì muộn. Hầu hết trong chúng ta đều không có bụng sáu múi hoặc mặc vừa váy cỡ 2. Tôi chắc
chắn đã thử tập bụng sáu múi (tôi đã đầu hàng việc mặc vừa đồ cỡ 2 từ lâu rồi), nhưng tôi chưa
bao giờ thành công được, bởi vì tôi hiếm khi thích tập thể dục. Những người trong chúng ta mà có
thích tập, là những người thành công. Những tên nghiện thể dục thể hình mà thành công là những
kẻ đã tìm được niềm vui (và cả hoocmon endorphin) trong những bài tập nặng nhọc mỗi ngày.
Những người còn lại như chúng ta có thể ép bản thân đến được phòng tập bằng sức mạnh ý chí,
nhưng nếu chúng ta không tìm thấy được hứng thú khi làm nó, sẽ rất ít có khả năng chúng ta tiếp


tục kiên trì tập luyện được từ sáu tới hai mươi tư tháng để thấy được kết quả. Các kế hoạch tập thể
hình cứ giảm dần - Cơ thể gọn gàng trong vòng 30 phút, Giải pháp 10 phút, Cơ thể săn chắc gọn
gàng tuyệt vời với chỉ 5 phút, Bài tập thể dục 3 phút - trong một nỗ lực để khiến một thứ khó khăn
đến thế nghe có vẻ dễ chấp nhận hơn. Nhưng bất kể thế nào, chúng ta vẫn sẽ nằm một đống, đầy
mồ hôi, đầy đau đớn cuối mỗi buổi tập như thế, và việc tự khiến bản thân phải thấy hào hứng để
đi tập đã khó trong ngắn hạn, lại càng trở nên khó hơn trong dài hạn.
Chừng nào việc học ngoại ngữ còn khó, chúng ta sẽ còn gặp phải những vấn đề tương tự. Ai lại
thích làm những bài luyện ngữ pháp lặp đi lặp lại và ngồi nhớ những danh sách dài dằng dặc các
từ mới cơ chứ. Kể cả khi tôi có hứa với bạn một gói “Thành thạo ngoại ngữ với 30 phút mỗi ngày”,
bạn vẫn sẽ thấy khó khăn với việc duy trì nó đều đặn nếu bạn không thích nổi nó.
Chúng ta sẽ bỏ hết đi những thứ đáng chán, và tìm lấy những thứ thú vị hơn để làm. Các công cụ
tôi đã tập hợp ở đây đều rất hiệu quả. Quan trọng hơn nhiều, đấy là sử dụng chúng rất thích. Chúng
ta đều thích học; nó là thứ khiến chúng ta nghiện đọc báo, nghiện đọc sách, nghiện tạp chí và lướt
các trang web như Lifehacker, Facebook, Reddit, và Huffington Post. Mỗi lần chúng ta đọc thấy
một mẩu tin mới trông có vẻ thú vị (ví dụ, “vào năm 536 trước Công Nguyên, một đám mây bụi
lớn đã che khuất mặt trời tại châu Âu và châu Á trong suốt một năm, gây ra nạn đói và đã cướp
đi mạng sống của vô số người khắp từ vùng Scandinavia cho tới tận Trung Quốc. Không ai biết
đâu là nguyên nhân đã tạo ra nó.”), trung tâm hưng phấn trong não chúng ta được kích hoạt, lao
vào hành động, và chúng ta đưa tay nhấp chuột tiếp vào đường link tiếp theo. Trong cuốn sách
này, chúng ta sẽ tự “gây nghiện” bản thân với việc học ngoại ngữ. Quá trình khám phá ra những

từ ngữ và ngữ pháp mới sẽ là Facebook mới của chúng ta; quá trình tập hợp từ, nghĩa, hình ảnh và
các thứ khác lên thẻ flash card sẽ là những dự án làm đồ thủ công mới của chúng ta; và quá trình
ghi nhớ từ mới sẽ là một trò chơi điện tử lôi cuốn hấp dẫn, vừa đủ tính thách thức để khiến chúng
ta thích thú với nó.
Không có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào ở đây hết: chúng ta học tốt hơn khi chúng ta cảm thấy thích
thú với việc học, và trong lúc tìm kiếm những cách học nhanh nhất, tôi cứ tự nhiên tìm tới được
những cách học hấp dẫn thú vị nhất. Thứ tôi thích nhất ở việc học ngoại ngữ là điều này: Tôi, về
cơ bản, có thể chơi điện tử đến thỏa thích mà không phải ngại những cảm giác “hối hận cay đắng”
sau đó (ví dụ: “Không thể tin được là mình vừa dành sáu tiếng sống trên đời để chơi mấy cái trò


chơi vớ vẩn trên Facebook”). Tôi dành ba mươi đến sáu mươi phút mỗi ngày chơi với chiếc điện
thoại thông minh hoặc xem tivi (sêri phim truyền hình “Lost – Mất tích” bằng tiếng Nga xem cực
kỳ chất). Tôi học được ngoại ngữ từ những hoạt động đấy, tôi cảm thấy mình không hề lãng phí
thời gian, và tôi hoàn toàn thích thú, không hề nhàm chán mỗi khi làm thế. Sao lại không thích
những cách học như thế cho được?
Vậy hãy cùng giúp bạn học cách để chơi nào.

HÃY LÀM ĐIỀU NÀY NGAY: CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC
Một chú thích nhỏ: trong suốt cuốn sách này, tôi sẽ giới thiệu tới bạn rất nhiều công cụ và các tài
nguyên học tập. Nếu có bao giờ bạn quên mất cái nào là cái nào, bạn có thể tìm thấy tất cả chúng
được liệt kê một lần nữa tại phần Danh mục Công cụ và Thuật Ngữ ở cuối cuốn sách, cùng với
một phần giải thích giới thiệu ngắn. Được rồi, giờ thì bắt đầu nhé.
Tôi muốn dạy bạn cách học như thế nào, thay vì học cái gì. Chúng ta không thể bàn luận về tất cả
mọi từ ngữ, mọi hệ thống ngữ pháp, và mọi hệ thống phát âm của mọi ngôn ngữ từng tồn tại trên
đời, vậy nên bạn sẽ cần thêm những tài nguyên bên ngoài cụ thể cho từng ngôn ngữ bạn chọn. Mà
nhân tiện nhắc đến cái đấy, bạn nên bắt đầu bằng việc hãy chọn xem bạn muốn học ngoại ngữ nào
đi.
Chọn ngoại ngữ bạn muốn học
Hãy chọn một ngoại ngữ cho mình dựa trên các cơ hội việc làm, độ khó của ngôn ngữ đó với bạn,

mức độ đa dạng và sẵn có của các tài nguyên học tập dành cho ngôn ngữ đó, và số lượng người
nói ngôn ngữ đó. Nhưng xét cho cùng thì, quan trọng nhất, hãy chọn một ngôn ngữ mà bạn thích.
Một độc giả trên trang web của tôi từng một lần hỏi tôi: liệu anh ta nên học tiếng Nga hay tiếng
Pháp? Họ hàng của anh ta đều nói tiếng Nga, và anh ta rất thích nền văn hóa Nga, nhưng anh ấy
lo ngại về độ khó của thứ tiếng này. Tiếng Pháp nghe có vẻ là một lựa chọn an toàn hơn.
Đừng có bao giờ hài lòng với an toàn khi bạn có thể chọn hứng thú và vui thích. Ngôn ngữ mà
bạn chọn sẽ trở thành người đồng hành không ngừng nghỉ, sẽ sống và tồn tại trong đầu bạn. Nếu
bạn thích ngôn ngữ mà mình chọn, vậy thì bạn sẽ thích thú hào hứng khi học nó, và khi bạn đã
thích thú hào hứng với việc học một cái gì đó, bạn sẽ học nó nhanh hơn.


Bạn có rất nhiều nguồn tài nguyên trong tay để lựa chọn.
Sách ngoại ngữ
Hãy mua cho mình vài cuốn sách. Đã có những người ngồi xuống và dành hàng tháng (hoặc thậm
chí hàng nhiều năm, lạy Chúa) để sắp xếp các thông tin bạn cần, và bạn có thể sở hữu thành quả
của tất cả những công sức vất vả đó với chỉ khoảng từ 15 đến 25 đôla Mỹ. Cám ơn ông, Herr
Gutenberg. Trong phần Phụ lục 1, tôi có liệt kê những lựa chọn sách ưa thích nhất của tôi cho tốp
mười một ngôn ngữ bạn có lẽ sẽ muốn học nhất. Nếu ngôn ngữ bạn chọn không có trong danh
sách đó, hãy ghé thăm trang web của tôi, Fluent-Forever.com. Mục tiêu của tôi là có gợi ý chọn
sách để học tốt cho mọi ngôn ngữ mà mọi người khác nhau muốn học.
HÃY MUA NHỮNG THỨ NÀY NGAY LẬP TỨC
Một cuốn sách ngữ pháp tốt sẽ dẫn bạn đi qua hệ thống ngữ pháp của một ngôn ngữ theo một
cách cẩn trọng, từng bước từng bước một 1. Trên đường học đó, nó cũng sẽ giới thiệu cho bạn
chừng một nghìn từ vựng gì đó, cho bạn một đống các ví dụ và bài tập, và sẽ cho bạn đáp án các
bài tập đó ở cuối sách. Bạn sẽ bỏ qua 90 phần trăm số bài tập có trong cuốn sách, nhưng có cuốn
sách trong tay vẫn sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi chúng ta bắt đầu học đến ngữ
pháp. Nếu cuốn sách đó cho bạn mấy cái loại phiên âm kiểu “giống giống tiếng Anh”
(Bonjour: bawn-JURE, Tschüss: chewss), tôi cho phép bạn đốt nó ra tro và đi kiếm một cuốn sách
khác ngay lập tức. Bước chân vào một quán cà phê ở Paris và nói “bawn-JURE” là một cách tốt
để mãi mãi bị cô bồi bàn lờ đi. Và nếu sách của bạn đi kèm với một đĩa CD nữa, thì càng tốt.

Có hai hố bẫy ở đây chúng ta cần phải tránh. Thứ nhất, tránh những cuốn sách mà liệt kê chi tiết
hệ thống mọi thể loại quy tắc luật lệ ngữ pháp cũng như mọi trường hợp không tuân theo những
quy tắc ngữ pháp đó, cùng một lúc, trong một cơn lũ không kiểm soát của ác mộng ngôn từ. Tôi
đã từng thích những cuốn sách như vậy - cho đến khi tôi thử học bằng chúng. Đây là những cuốn
sách tổng tập lớn vĩ đại chứa đầy thuật ngữ, liệt kê chi tiết toàn bộ hệ thống ngữ pháp của một
ngôn ngữ với những bảng biểu khổng lồ. Chúng là những tài liệu nghiên cứu và tra cứu tuyệt vời,

1

Chúng sẽ giải thích những quy tắc ngữ pháp này, trong phần lớn mọi trường hợp, bằng tiếng mẹ đẻ của bạn. Tôi biết, điều này

vi phạm quy tắc “không dùng tiếng mẹ đẻ” của tôi, nhưng bạn biết cái câu “Quy tắc được sinh ra là để bị phá vỡ” rồi đấy.


×