Tải bản đầy đủ (.doc) (107 trang)

Những Mẫu Truyện Về Bác Hồ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (617.22 KB, 107 trang )

BỮA CƠM TRÊN ĐỒI THÔNG
Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Ðại đoàn Bông Lau về việc trở lại xây dựng
Ðiện Biên xong, Bác bắt nhịp cho toàn đơn vị hát bài "Giải phóng Ðiện Biên".
Tiếng hát như cất lên từ hàng trăm lồng ngực, vang mãi tận lớp lớp núi đồi Hưng
Hóa.
Giữa lúc mọi người đang say sưa với bản đồng ca, Bác vui vẻ rời khỏi hội trường
ra thăm doanh trại. Nhìn những dãy nhà thẳng tắp, đường sá lượn quanh các ngọn đồi
thoai thoải nối tiếp nhau, Bác rất hài lòng.
Nhân lúc Bác vui, các đồng chí trong Bộ tư lệnh ngỏ ý mời Bác ở lại ăn cơm. Bác
chưa trả lời, Người bảo đồng chí chính ủy đưa sang thăm các đồng chí anh nuôi.
Từ nhà bếp, mùi xào nấu bay ra thơm phức. Từng chồng bát đĩa men trắng, lấp lánh xếp
gọn trên bàn.
Bác cười, bảo: "Cỗ to đấy!"
Thoáng thấy Bác, các đồng chí anh nuôi đã chạy ra đón. Người vui vẻ hỏi ngay:
- Cỗ có mấy món, các chú?
- Thưa Bác, có sáu món ạ!
- Những món gì ?
- Dạ... có gà quay, chim tần, chân giò hầm...
Ðồng chí chính ủy hơi đỏ mặt, đưa mắt ra hiệu.
Ðồng chí tiểu đội trưởng cấp dưỡng chợt hiểu ý, dừng lại, mỉm cười chữa thẹn:
- Dạ, còn món rau và canh nữa ạ!
Bác cười, rồi thân mật bảo các đồng chí anh nuôi:
- Bác cảm ơn các chú đã săn sóc Bác, nhưng vì Bác bận nhiều việc, nên để đến
khi nào xây dựng Ðiện Biên thắng lợi, Bác sẽ tới liên hoan với các chú.
Bác bắt tay đồng chí tiểu đội trưởng và vẫy chào anh em, rồi đi về phía ô-tô đang đợi.
Một đồng chí anh nuôi khẩn khoản:
- Chúng cháu thức suốt đêm qua để chuẩn bị đón Bác, Bác không ở lại xơi cơm
với chúng cháu được thì xin Bác nhận cho chúng cháu một chút quà.
Không đợi Bác trả lời, mấy anh em khác vội vàng mang quà đặt vào xe. Bác ra
hiệu ngăn lại, nhưng không kịp.
Nhân lúc Bác đang dặn dò thêm đồng chí chính ủy sư đoàn, đồng chí phụ trách khẽ


nhắc tôi:
- Ðồng chí đi trước, tìm chỗ nào "sơn thủy hữu tình" chuẩn bị ăn cơm trưa ở đó.
Ngừng lại, suy nghĩ một lúc, rồi đồng chí ấy ghé sát tai tôi, nói nhỏ: Từ đây về Hà Nội
chỉ độ một giờ, đồng chí cứ liệu xem... Nếu không có chỗ nào thuận tiện, thì ta về thẳng
nhà là tốt nhất!
Tôi lên xe.
Chiếc xe nổ máy, lượn theo con đường quanh ven sườn đồi, rồi lướt nhanh qua
thị trấn Hưng Hóa. Thị trấn Hưng Hóa lúc này, trừ dăm ba gian nhà lá mới dựng và vài


đoạn đường nhựa, còn đều là những đống gạch vụn ngập trong rừng chuối. Ngôi nhà
thờ lớn đứng trơ vơ, mái sập, tường vỡ loang lổ. Ðó là dấu vết tội ác mà giặc Pháp để
lại, trước khi chúng thua chạy khỏi nơi đây.
Qua bến Trung Hà, tôi bắt đầu tìm nơi "sơn thủy hữu tình" như lời đồng chí phụ
trách đã dặn.
Phong cảnh ở đây thật là đẹp. Ven theo sông Ðà, suốt từ Trung Hà tới dãy Tản
Viên, núi đồi thoai thoải. Dãy "Năm Voi" như một đàn voi theo nhau đủng đỉnh đi về
núi Tản. Phía sông Hồng, từ Trung Hà trở xuống, bóng tre xanh đang vươn lên trùm lấy
những mái rạ vàng, vừa được dựng lên sau chiến tranh. Ven đường, gió vờn những cánh
đồng ngô, lúa như những đợt sóng xanh từ chân trời xô lại.
Thế nhưng, tìm cho ra một nơi "sơn thủy hữu tình" nào gần đường, mà lại bảo
đảm yên tĩnh để Bác nghỉ trưa thì thật là khó. Chỉ còn cách Sơn Tây chừng bảy cây số
mà tôi vẫn chưa tìm ra nơi nghỉ. Tôi suy tính: "Từ đây về Hà Nội, toàn đồng bằng, làng
mạc, nhân dân đông đúc. Thấy Bác, nhân dân sẽ đến, làm sao mà bảo đảm được trật tự,
lại còn ăn cơm, nghỉ ngơi... Thôi, cứ theo kế hoạch của đồng chí phụ trách về nhà là tốt
nhất".
Quay lại, thấy xe Bác cách xe chúng tôi chừng bốn trăm thước. Tôi quyết tâm
thực hiện ý định của mình, nên bảo đồng chí lái xe:
- Về Hà Nội! Tăng tốc độ lên sáu mươi cây số giờ.
Ðồng chí lái xe hiểu ý, mỉm cười, dấn ga. Núi, đồi, thôn xóm đưa nhau chạy về

phía sau. Mấy cô gái Sơn Tây áo trắng, chạy tạt sang bên đường cười, nhìn theo xe, lắc
đầu chỉ trỏ... Chắc là các cô ấy đang kêu: "Xe anh bộ đội chạy nhanh quá".
Chừng được ba cây số, tôi quay lại thì không thấy xe Bác, tôi vội hỏi đồng chí lái xe:
- Chậm lại, xe Bác cách xa quá!
- Ðúng rồi, Bác tự tìm lấy nơi nghỉ ăn cơm rồi - Ðồng chí lái xe nhanh trí nghĩ ra,
vừa nói vừa quay xe lại.
Khi xe chúng tôi quay lại, đã thấy xe Bác đỗ ven đường. Bác và các đồng chí
cùng đi, đang lên một ngọn đồi cách đường chừng năm mươi thước. Chúng tôi dừng xe,
chạy theo. Thấy tôi, Bác liền hỏi:
- Chú định tìm "sơn thủy hữu tình" ở Hà Nội hay sao?
Tôi vội đáp :
- Thưa Bác, chỗ này gần làng quá, cháu sợ không yên tĩnh - Nói xong tôi vội chạy
đi giúp đồng chí cấp dưỡng già bày thức ăn.
Chúng tôi chọn khoảnh đất tương đối bằng, giữa đỉnh đồi, dưới gốc mấy cây thông, cây
trám, cành lá la đà làm nơi nghỉ ăn cơm. Mấy đồng chí đi nhặt gạch ở cái lô cốt cũ vỡ,
xếp làm ghế ngồi.
Trong lúc cùng nhau bày món ăn, đồng chí cấp dưỡng già thủ thỉ tâm sự:
- Bữa ăn của Bác thanh đạm lắm. Cá kho sao cho khô đanh và thơm thịt. Canh
cua đồng nấu cho vừa, điểm chút rau thơm, rau ghém, quả ớt đỏ, cơm dẻo nóng sốt là


được rồi. Nếu đổi món thì rau muống luộc cho xanh, trứng luộc hơi lòng đào, thêm
mấy quả cà pháo muối kiểu xứ Nghệ...
Chúng tôi đang mải chuyện, chợt thấy đồng chí phụ trách lại bảo tôi:
- Bác hỏi tình hình chiến đấu ở đây trước kia, mình không hoạt động trên chiến
trường này, nên không rõ.
Tôi vội đến cạnh Bác và thưa :
- Cháu cũng không còn nhớ được mấy ạ.
Bác bảo:
- Ðược, chú nhớ đâu nói đấy!

Tôi lần lượt kể các trận đánh của Ðại đoàn Ðồng Bằng trong chiến dịch Trung Du, đã
tiêu diệt gần một tiểu đoàn của giặc, thu cả đại bác 105 ly và hàng trăm súng các loại
trên chặng đường này. Rồi chiến dịch Hòa Bình, trận phục kích trên đường 87 dưới
chân Ba Vì, tiểu đoàn 115, tiểu đoàn 428 thuộc sư đoàn Sông Lô đã phá hủy hai xe tăng,
tiêu diệt gọn hai đại đội địch, phần lớn là hạ sĩ quan da trắng. Tới trận kỳ tập điểm cao
600 trên sườn núi Ba Vì, thì tôi hứng khởi hẳn lên. Trong điều kiện ta chỉ có vũ khí bộ
binh, địch có pháo binh và phi cơ tới thả pháo sáng, yểm hộ, mà chỉ trong vòng gần hai
tiếng đồng hồ, quân ta đã dũng cảm tiêu diệt gọn hai đại đội địch.
Bác gật đầu tỏ ý hài lòng và hỏi thêm:
- Chú có biết những trận chiến đấu, hoặc đấu tranh của nhân dân địa phương ở
đây không?
Trước câu hỏi của Bác, tôi chưa biết trả lời ra sao, thì mâm cơm đã bày xong,
đồng chí cấp dưỡng già đến mời Bác lại. Trong lúc tới chỗ ăn cơm, Bác thân mật bảo
chúng tôi:
- Chiến sĩ cảnh vệ chẳng những làm công tác cảnh vệ, còn phải biết lịch sử chiến
đấu của nhân dân ta trong kháng chiến, lịch sử đấu tranh của cha ông mình trước kia và
hiểu được cái giàu đẹp của đất nước, thì trong công tác cảnh vệ của mình mới hứng thú.
Chúng tôi vâng lời dạy bảo của Người.
Tới bàn ăn (tạm gọi như vậy), Bác bảo chúng tôi cùng ngồi quây chung quanh,
Người nói đùa:
- "Sơn thủy hữu tình" thế này, mà có thơ nữa thì thật là tuyệt.
- Tiếc quá, anh Tố Hữu mà cùng đi, chúng cháu lại được nghe thơ.
Bác mỉm cười nhìn sang đồng chí vừa thưa với Bác.
Tôi nhủ thầm: Bác khéo chọn thật! Mình đã nhìn vào ngọn đồi này, nhưng không
thấy ra. Bây giờ ngồi trên đỉnh đồi mà ngắm cảnh mới thấy là đẹp: sóng lúa ở đây như
sóng lượn ngoài khơi khi gió nhẹ. Có thôn xóm, những mái trường ngồi xa trông như
những chiếc phao đỏ, lập lờ bên những hòn đảo xanh. Những mương máng ở chân đồi,
và các ruộng mía xếp hàng tăm tắp. Dãy Tản Viên, dãy Tam Ðảo hướng về xuôi như hai
pháo đài khổng lồ bảo vệ đồng bằng.
Cuối bữa, đồng chí cấp dưỡng già toan đặt chuối vào mâm, Bác ngăn lại:



- Khoan chú, ta dành món chuối phần các chú ở nhà, để các chú ấy cũng được
cùng chúng mình hưởng chút quà cho vui. Còn các chú ở đây, Bác thưởng mỗi người
một điếu thuốc lá...
Chúng tôi sung sướng đón nhận phần thuốc Bác cho.
Tay nhận thuốc, lòng tôi cứ nao nao. Bác thương anh em mình hết chỗ nói. Ở Hà
Nội, sau những bữa tiệc, Bác cũng nghĩ tới anh em. Nhiều thì ai nấy đều có phần, ít thì
đồng chí cận vệ, đồng chí lái xe được hưởng. Giờ đây, chút quà nhỏ vậy, Người cũng
nghĩ đến các đồng chí ở nhà.
Thấy một số đồng chí toan thôi, Bác bảo:
- Bác đã dặn nấu cơm cả suất của các chú rồi đấy. Còn quà của đại đoàn cho,
không phải "ăn trông nồi, ngồi trông hướng" đâu!
Chợt như nhớ ra điều gì, Bác quay lại hỏi đồng chí đội trưởng:
- Chú có báo cho các chú ở đại đoàn là chúng ta đã mang cơm theo rồi chứ?
- Dạ, có ạ!
Ðoán được câu hỏi của Bác, một đồng chí vội đỡ lời:
- Thưa Bác, các đồng chí trong đại đoàn muốn nhân dịp Bác tới thăm, mời Bác ở
lại xơi cơm, để trong khi ăn cơm, còn có thể tranh thủ xin ý kiến của Bác.
Bác lắng nghe đồng chí đó, rồi chậm rãi trả lời:
- Bác hiểu, và cũng muốn thế, nhưng bây giờ mình còn phải tiết kiệm. Bác đến,
anh em qúy Bác, chả lẽ dọn mâm cơm thường? Nhiều anh em cũng muốn ăn cơm với
Bác cho vui, thế là có chuyện.
Bác ngừng lại, mỉm cười nhìn chúng tôi một lượt rồi Người nói đùa:
- Cán bộ về xã mà không khéo giữ mình thì thành cán bộ "thịt gà lá chanh". Còn
Bác mà không khéo giữ, thì Chủ tịch ra lệnh không được lạm sát trâu bò, nhưng Chủ
tịch tới đâu, bò non, lợn béo bị lạm sát tới đó!
Nói xong, Người cười rất vui, chúng tôi cũng không thể nín được cười.
Những lời nói vui của Bác, đã xóa tan sự suy nghĩ giản đơn của tôi.
Ăn cơm xong, chúng tôi trải vải bạt mời Bác nghỉ trưa ngay trên đồi.

Bác tựa lưng vào gốc thông, lắng nghe đồng chí cán bộ văn phòng báo cáo về
chương trình xây dựng các nông trường của quân đội ta, và những thuận lợi, khó khăn
trong việc thực hiện...
Tôi ngồi gần đó, thoáng nghe những lời báo cáo, lòng suy nghĩ miên man. Những
hình ảnh Ðiện Biên, Mộc Châu, Than Uyên, v.v... lần lượt hiện ra trong óc, những trận
chiến đấu trong các chiến dịch Lý Thường Kiệt, Tây Bắc, Ðiện Biên cũng hiện lên
theo...
Tôi đang suy nghĩ, bỗng một làn gió mạnh thổi tới. Trong tiếng lá thông reo, tôi
nghe thấy đồng chí cán bộ văn phòng nói to hơn một chút:
- Anh em, về nhận thức đều nhất trí với Ðảng là phải xây dựng Tây Bắc. Nhưng
tới khi hành quân thì có hàng trăm sợi dây vô hình của đồng bằng giữ lại. Có đồng chí
chưa thông, nhưng vẫn lên đường. Có đồng chí ra đi mà lòng đầy băn khoăn...


Có tiếng Bác:
- Rồi không lâu đâu, chính các đồng chí ấy sẽ nói: "Ðảng chủ trương rất đúng và
còn phê bình ta chậm đặt vấn đề củng cố Tây Bắc là khác".
Tôi càng suy nghĩ, càng thấy rõ tầm quan trọng của việc Bác tới thăm sư đoàn và
ý nghĩa của việc các đồng chí mình trở lại Tây Bắc. Chắc là từ nay trên tấm bản đồ
trong phòng làm việc, dấu chì đỏ của Người sẽ theo sát bước đi của quân ta trên chiến
trường mới.
MỘT BỮA ĂN TỐI CỦA BÁC
Tháng 4 -1946, giữa lúc đất nước đang bề bộn công việc, thì Bác vẫn dành những
thì giờ quý báu về Ninh Bình dàn xếp những vấn đề đối nội, đối ngoại có lợi cho quốc
gia. Vào khoảng ngày 10 đến 12, Bác đi qua thị xã Ninh Bình để xuống Phát Diệm. Lúc
đó tôi là Quyền Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh. Một dịp may hiếm có được đón Bác
về tỉnh, nghĩ vậy, tôi mời đồng chí Uỷ viên thư ký kiêm Phó Chủ tịch và Chánh Văn
phòng đến hội ý. Hai đồng chí cũng cùng chung một ý nghĩ như tôi.
Tôi phân công đồng chí Phó Chủ tịch huy động nhân dân ra tập trung đón Bác,
đồng chí Chánh Văn phòng chuẩn bị cơm mời Bác, còn tôi phụ trách việc dọn dẹp văn

phòng, chuẩn bị chỗ nghỉ và chỗ ngủ cho Bác qua đêm.
Quả như tôi dự đoán, sáu giờ chiều thì xe Bác về đến phía Nam thị xã Ninh Bình.
Nhân dân đã vẫy cờ, hô khẩu hiệu rồi ùa xuống lòng đường đón Bác. Bác ra khỏi xe vẫy
chào nhân dân. Nhân lúc đó chúng tôi mời Bác vào trụ sở Uỷ ban hành chính tỉnh.
Trước sự nhiệt tình của nhân dân thị xã, không nỡ từ chối, Bác đã vào gặp Uỷ ban hành
chính tỉnh Ninh Bình.
Đến cổng cơ quan, Bác bảo đồng chí lái xe dừng lại rồi xuống đi bộ. Vừa đi Bác
vừa hỏi tình hình đời sống của nhân dân, đặc biệt đồng bào ở vùng công giáo. Chúng tôi
báo cáo với Bác về những khó khăn trong tỉnh, một số nơi nông còn bị đói.
Bác căn dặn chúng tôi phải chú ý đoàn kết lương giáo, động viên bà con tích cực tăng
gia sản xuất để chống đói, chú ý công tác diệt giặc dốt, mở nhiều lớp bình dân học vụ
vào buổi trưa, buổi tối, vận động bà con đi học.
Chúng tôi mới Bác nghỉ lại cơ quan cho đỡ mệt rồi dùng bữa tối. Thực ra bữa
cơm chúng tôi chuẩn bị cho Bác không có gì ngoài một con gà giò luộc, nước luộc gà
nấu bí đao, vì lúc đó kinh phí của Uỷ ban hành chính tỉnh cũng hết sức khó khăn.
Bác nói:
- Hàng ngàn đồng bào đang chờ Bác ngoài kia, Bác không thể nghỉ ở đây để ăn
cơm được vì 9 giờ tối Bác đã có việc ở Phủ Chủ tịch. Bây giờ các chú giúp Bác: một
chú ra tập hợp đồng bào vào một ngã tư rộng gần đây để Bác ra nói chuyện với đồng
bào mười phút, một chú ra cửa hàng bánh mua cho Bác một cặp bánh giò. Còn các chú
đi với Bác tranh thủ ăn cơm trước. Nói chuyện xong, Bác ngược ra Hà Nội ngay cho kịp
hẹn. Trong xe Bác sẽ ăn bánh vừa đỡ tốn kém, vừa tiết kiệm được thời gian cho Bác.
Chúng tôi vâng lời Bác làm theo.


Nói chuyện với đồng bào Ninh Bình hôm đó, Bác nhấn mạnh:
- Đồng bào chú ý đoàn kết lương giáo vì âm mưu của kẻ thù luôn tìm cách chia rẽ
đồng bào lương giáo.
- Đồng bào tích cực tăng gia sản xuất chống giặc đói, chống giặc dốt.
- Đồng bào chuẩn bị tinh thần chịu đựng gian khổ để chống giặc ngoại xâm bảo

vệ Tổ quốc.
Kết thúc, Bác hỏi:
- Đồng bào có đồng ý thực hiện ba điều tôi nêu ra không?
- Đồng ý! Đồng ý! Hồ Chủ tịch muôn năm.
Hàng ngàn nắm tay gân guốc giơ lên hưởng ứng. Tiếng hô và tiếng vỗ tay râm
ran.
Bác vẫy tay chào đồng bào rồi lên xe về Hà Nội. Xe đi được một quãng Bác mới
bắt đầu dùng "bữa ăn tối" của mình.
CHÚ CÒN TRẺ, CHÚ VÀO HẦM TRÚ ẨN TRƯỚC ĐI
Một ngày tháng 7-1967 ở Hà Nội, đồng chí Mai Văn Bộ được Bác Hồ gọi đến
mời cơm tiễn chân trước khi đồng chí lên đường đi Paris nhận nhiệm vụ Tổng đại diện
Chính phủ ta bên cạnh Chính phủ Pháp.
Trong bữa cơm, Bác kể chuyện về khu Luýcxămbua, Môngpacnát, nơi Bác có
nhiều kỷ niệm. Bác nói Bác rất yêu Paris, Paris đã dạy cho Người nhiều điều...
Bỗng tiếng còi báo động rú lên. Một chiến sĩ bảo vệ yêu cầu Bác và các đồng chí khác
xuống hầm. Ít phút sau đã nghe tiếng đạn nổ.
- Thưa Bác, tác chiến báo cáo chúng nó đánh cầu Long Biên. Mời Bác vào hầm
trú ngay cho.
Bác quay lại đồng chí Bộ, nói:
- Bác già rồi, chẳng bom đế quốc nào ném đâu. Chú còn trẻ, chú cần vào hầm trú
ẩn trước.
Rồi Bác đẩy đồng chí Bộ đi trước, sau đó đến đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí cảnh
vệ.
Bác là người vào hầm trú ẩn sau cùng.
ĐẠO ĐỨC NGƯỜI ĂN CƠM
Một chiến sĩ bảo vệ Bác - sau này được phong quân hàm cấp tướng- có lần nói
rằng: “Bác thường dạy quân dân ta “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, Bác dạy
phải làm gương trước. Bác dạy phải nêu cao đạo đức cách mạng. Có cán bộ nghĩ rằng
“đạo đức” cách mạng là để áp dụng trong công tác thôi. Bản thân tôi, được gần Bác thấy
ngay trong khi ăn cơm. Bác cũng dạy cho chúng tôi thế nào là “đạo đức”.



Thứ nhất, Bác không bao giờ đòi hỏi là Chủ tịch nước phải được ăn thứ này, thứ
kia. Kháng chiến gian khổ đã đành là Bác sống như một người bình thường, khi hòa
bình lập lại có điều kiện Bác cũng không muốn coi mình là “vua” có gì ngon, lạ là
“cống, hiến”.
Thứ hai, món ăn của Bác rất giản dị, toàn là các món dân tộc, tương cà, cá kho...,
thường là chỉ 3 món trong đó có bát canh, khá hơn là 4 - 5 món thôi.
Thứ ba, Bác thường bảo chúng tôi, ăn món gì cho hết món ấy, không đụng đũa
vào các món khác. Gắp thức ăn phải cho có ý. Cắt miếng bơ cũng phải cho vuông vức.
Nhớ lần đi khu IV, đồng chí Bí thư và Chủ tịch Quảng Bình ăn cơm với Bác, trong mâm
có một bát mắm Nghệ hơi nhiều. Bác dùng bữa xong trước, ngồi bên mâm cơm. Hai cán
bộ tỉnh ăn tiếp rồi buông đũa. Bác nhìn bát mắm nói:
- Hai chú xẻ bát mắm ra, cho cơm thêm vào ăn cho hết.
Hai “quan đầu tỉnh” đành phải ăn tiếp, vừa no, vừa mặn... Chiều hôm đó, hai
đồng chí đưa bác đi thăm bờ biển, trời nắng, ăn mặn nên khát nước quá.
Lần khác, một cán bộ ngoại giao cao cấp người Hà Tĩnh được ăn cơm với Bác, đã
gắp mấy cọng rau muống cuối cùng vào bát tương ăn hết. Tưởng là đã “hoàn thành
nhiệm vụ” nào ngờ Bác lại nói:
Tương Nghệ đồng bào cho Bác, ngon lắm. Cháu cho thêm ít cơm vào bát “quẹt”
cho hết...
Thứ tư, có món gì ngon không bao giờ Bác ăn một mình, Bác sẻ cho người này,
người kia rồi sau cùng mới đến phần mình, thường là phần ít nhất. Ăn xong thu xếp bát
đũa gọn gàng, để đỡ vất vã cho người phục vụ.
Thứ năm, tôi có cảm giác là đôi khi ăn cơm có những giây phút Bác cầm đôi đũa,
nâng bát cơm, Bác như tư lự về điều gì đó. Tưởng như Bác nghĩ đến đồng bào, cụ già,
em bé đói rách ở đâu đấy. Tưởng như Bác nhớ lại những ngày lao động ở xứ người
kiếm từng mẩu bánh để ăn, để uống, để làm cách mạng... Hay là Bác nghĩ đến những
lần tù đày không có gì ăn. Thật khó hiểu mà càng khó hiểu, tôi lại càng thương Bác quá.
Bây giờ vào những bữa tiệc cao lương, mỹ vị, rượu bia thức ăn bày la liệt, quái lạ tôi lại

nhớ đến Bác rồi... có ăn cũng chẳng thấy ngon như khi xưa ngồi vào mâm cơm đạm bạc
với Bác”.
Theo cuốn: Tấm lòng của Bác.

YÊU AI YÊU BẰNG CẢ TẤM LÒNG.
Lần Bác sang thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức, các đồng chí ở Bộ Y tế nước
bạn mời Bác đi thăm một số bệnh viện, trường Đại học Y khoa và cơ sở nghiên cứu
khoa học ở Béclin.
Đến một phòng học, các bác sĩ giới thiệu với Hồ Chủ tịch mô hình một người
thủy tinh trong suốt, có đầy đủ các bộ phận cơ thể và có thể lấy ra, đặt vào phục vụ cho
việc nghiên cứu bài giải phẫu.


Khi cầm que chỉ vào trái tim, đồng chí bác sĩ nước bạn nói vui:
- Trái tim này còn chứa đựng bao nhiêu tình yêu...
Bác cười nói với đồng chí người Đức:
- Ở nước chúng tôi, người ta không nói yêu nhau bằng trái tim đâu. Đố đồng chí
biết đấy!
Bác sĩ xin chịu.
Cầm lấy que chỉ, Bác khoanh một vòng tròn vào bụng người mẫu thủy tinh, rồi
nói:
- Chúng tôi yêu ai yêu bằng cả tấm lòng này này
Mọi người cười rộ lên...
Theo: Minh Anh
MÊNH MÔNG QUÁ.
Bác Hồ của chúng ta là Chủ tịch nước, nhưng trong cuộc sống hàng ngày Bác
không coi nhẹ, coi thường các việc nhỏ. Bác thương yêu đồng bào qua từng việc nhỏ.
Bác thương yêu đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài, các dân tộc anh em bị áp
bức. Một em bé da đen bị đói, một người con gái ở nước Pháp bị án tử hình đều làm
Bác xúc động.

Bác không bằng lòng nhiều cán bộ “ra vẻ hăng hái”, “kiên trung”, thấy bạn bè,
đồng đội, đồng bào có lầm lỗi, chưa phân tích đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ
quan, mức độ, đã “vơ đũa cả nắm”, “đánh một đòn chết tươi”. Thường là, nếu cán bộ,
đồng bào có điều gì không phải Bác lại nhận lỗi ấy về mình “mong được lượng thứ”.
Đầu năm 1960, trong một cuộc họp cán bộ, có đồng chí “lên án” gay gắt “bệnh
lười biếng”, “công thần”, đòi phải “xử lý”... Bàn cãi hồi lâu, sắp hết giờ họp, Bác “xin
được phát biểu”. Bác nói đại ý:
- Bể cũng là nước, giọt nước cũng là nước. Trong Đảng hàng ngày là giọt nước
hay là bể. Nếu nói lười biếng, công thần cũng là tư tưởng tư sản thì mênh mông quá.
Theo cuốn: Bác Hồ - con người và phong cách
LÀM CHO CÁC CHÁU ĂN NO, CÓ QUẦN ÁO MẶC
Tháng 8/1945, Ủy ban Cách mạng họp ở đình Tân Trào, có đại biểu khắp nơi đến
dự để chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa toàn quốc. Bác Hồ và các đại biểu đang ngồi họp ở
đình Tân Trào thì đồng bào địa phương - đại biểu các dân tộc Tày, Trại, Nùng đến chào
mừng, thăm hỏi. Hôm đó có khoảng 2, 3 em nhỏ chừng ba, bốn tuổi trong xóm ra chơi
trước đình.
Các em đều xanh gầy, bụng ỏng, đít teo, lại trần truồng, lấm lem, đi chân đất. Bác
Hồ trông thấy rất thương, xúc động, chỉ các cháu, Bác nói với đại biểu đến dự đại hội
Tân Trào:


- Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho các cháu được ăn no, có quần áo mặc.
Câu nói đó của
Người mãi mãi ghi sâu trong trí nhớ mọi người có mặt trong buổi họp và ai cũng
thấy trách nhiệm thiêng liêng chăm lo đời sống trẻ em được cơm no, áo ấm.
Theo lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
ĐIỀU BÁC HỒ YÊU NHẤT, GHÉT NHẤT
Trong kháng chiến chống Pháp, một nhóm người Pháp tiến bộ, cùng với một số
hàng binh đã dứng về phía Việt Nam, chiến đấu với lá cờ giải phóng dân tộc của Chủ
tịch Hồ Chí Minh. Họ thành lập một tờ báo lấy tên là Bạn chiến đấu, bằng tiếng Pháp

xuất bản tại chiến khu Việt Bắc, phát hành bí mật trong quân đội Pháp.
Phóng viên Bạn chiến đấu đã có cuộc phỏng vấn Hồ Chủ tịch. Báo Cứu quốc số
938, ngày 25/5/1948 - Chi nhánh số 6 in tại Liên khu X, đã đăng lại bài trả lời của Bác.
- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch ghét gì nhất?- Trả lời: Điều ác.
- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch yêu gì nhất?
- Trả lời: Điều thiện.
- Hỏi: Chủ tịch cầu mong gì nhất?
- Trả lời: Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu.
- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch sợ cái gì nhất?
- Trả lời: Chẳng sợ gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết
không được sợ gì.
Theo cuốn: Bác Hồ - Con người và phong cách
THI ĐUA VỀ LÒNG YÊU NƯỚC THÌ TA THẮNG
Những bức ảnh Bác Hồ chúng ta biết được đến ngày nay, thường là không thấy
Bác mặc comlê, thắt càvạt. Nhớ lại khoảng tháng 10/1945, khi đi thăm tỉnh Thái Bình,
Bác gặp một đội viên bảo vệ chân đi giầy ghệt, thắt lưng to bản (bấy giờ gọi là
xanhtuyarông) và thắt cả càvạt nữa. Bác dừng lại nói:
- Chú mà cũng phải thắt cái này à?
Trong Bắc bộ phủ, thấy có một số cán bộ từ chiến khu mới về đã “xúng xính”,
Bác nhẹ nhàng:
- Trông các chú ra dáng người thành phố rồi...
Bác bao giờ cũng mong muốn đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học
hành. Rồi Bác còn mong các cháu có áo đẹp, cụ già có khăn lụa... Bác không bao giờ
lấy ý mình áp đặt cho người khác, không bắt ai cứ phải theo mình.
Lần sang thăm một nước bạn, một cán bộ ngoại giao xin phép Bác ra phố. Bác
bắt cán bộ đó mặc quần áo, thắt càvạt nghiêm chỉnh rồi mới cho phép đi.
Bác nói:


- Đời sống khá hơn thì ăn mặc cũng được khá lên. Nhưng phải tùy cảnh, tùy thời.

"Thời” và “cảnh” năm 1945 là đa số đồng bào ta vừa qua 80 năm bị áp bức nô lệ, qua
cơn đói Ất Dậu, vừa bị lụt bão, miếng cơm, củ khoai chưa đủ ăn, áo không đủ mặc. Thế
mà các cán bộ - là những người đầy tớ của nhân dân, như lời Bác dạy - lại mặc những
quần áo sang trọng, đắt tiền, không phải lúc, thì “khó coi”. Khi Bác đi thăm đồng bào
nông dân, Bác đi dép, tới ruộng, Bác bỏ dép, xắn quần lội ruộng, tát nước với bà con.
Trong khi đó, có anh đi giầy bóng loáng, chỉ có thể đứng trên bờ hỏi thăm.
Báo Nhân dân ngày 18/5/1994, có đăng một bài, nội dung tóm tắt như sau:
Chuyện rằng vào khoảng cuối tháng 4/1946, do tình hình thực dân Pháp không
chịu từ bỏ ý đồ xâm lược trở lại Việt Nam, để tạo điều kiện, thời gian chuẩn bị kháng
chiến, Bác và phái đoàn do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, sang thăm
Pháp điều đình với Chính phủ Pháp.
Trước ngày ra đi, vẫn thấy Bác làm việc đúng thời gian biểu đã định, chẳng thấy
Bác “sắm sửa gì”. Trong khi đó, một số cán bộ trong phái đoàn lo tìm hiểu “mốt” Paris,
lo may mặc những bộ comlê, sơ mi, càvạt, đóng giầy mới, và có người còn lo cả khoản
nước hoa.
Việc làm ấy của các cán bộ cũng là điều tốt. Nhưng có điều chắc là các “vị” đi
hơi xa, hay có thể hơi “ồn ào”, có vẻ như một cuộc thi đua may sắm. Chuyện đó đến tai
Bác.
Thương yêu, bình đẳng, nhưng không thể không nhắc nhở, Bác nói:
- Các chú muốn thi đua với Tổng thống, Thủ tướng nước ngoài về ăn mặc thì thua
họ thôi. Bác cháu ta thi đua với họ về lòng yêu nước, thương dân thì ta mới thắng.
LÀM VIỆC NƯỚC NẶNG NỀ, KHÓ KHĂN NÊN PHẢI HẾT SỨC CẨN THẬN
Hồi Bác Hồ ở Pắc Bó, để giữ bí mật, nước được đựng trong những ống dài để
trong hang. Trừ những khi ốm đau, sáng nào Bác cũng đi “kỉn” nước. (Tiếng Tày “kỉn”
là lấy).
Ống nước là một ống luồng, hoặc bương (loại tre lớn) sẵn trong rừng, đục thông
các “mắt” lấy dây thừng hay mây buộc lại đầu trên và dưới, để gánh bằng đòn. Có ống
không cần buộc dây, để vác thẳng lên vai.
Một sáng sớm, trời còn sương, mặt trời chưa lên tỏ, Bác và một đồng chí bảo vệ,
mỗi người hai ống trên vai ra suối “kỉn” nước. Bác đặt chân nhẹ nhàng lên các hòn đá,

vục ống xuống lấy đầy nước, đựng vào một hòn đá, khỏa nước rửa chân tay. Đồng chí
bảo vệ tuy là người miền núi, địa phương nhưng bước đi không vững, trên vai lại ống
nước nặng, đặt ống không thăng bằng, nên vấp đá, chẳng may trượt ngã.
Bác đến nâng đồng chí dậy, dạy cách đặt, cách vác ống nước, cách đi trên đá. Rồi hai
Bác cháu ra về.
Lên bờ Bác nói:
- “Làm việc nước nặng nề, khó khăn nên phải hết sức cẩn thận cháu ạ”.


BÁC HỒ ĐẾN VỚI CÁC CHÁU MỒ CÔI Ở TRẠI KIM ĐỒNG
Một sáng đẹp trời, Bác Hồ đã đến với các cháu ở trại Kim Đồng. Ngay từ phút
đặt chân đến cổng trại nhìn bờ rào dăng dây thép gai, trong mắt Bác hiện lên sự nhức
nhối. Nói với các cán bộ phụ trách giọng Bác nhẹ nhàng, nhưng vô cùng thấm thía:
- Đây là nơi nuôi dạy các cháu mồ côi, được mang tên liệt sĩ Kim Đồng, sao các
cô, các chú lại rào dây thép gai như một nhà tù thế này?
Chú Thuận thưa:
- Dạ thưa Bác, cơ ngơi của thời đại cũ để lại đấy ạ!
Bác lắc đầu: Các cô, các chú phảI tháo gỡ đám dây thép gai ngay. Chế độ cũ
nhóm các cháu vào đây, chúng ta tiếp tục nuôi dạy vì tương lai của các cháu.
Bác đi vào từng căn phòng ở, phòng ăn, phòng học, nơi các cháu vui hơi. Bác
khen: “Được cái gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, nhưng còn – Bác hỏi cán bộ phụ trách trại
– còn thế nào, các cô, các chú biết không?
Mọi người nhìn Bác, vừa xúc động vừa lúng túng. Rồi chú Thuận mạnh dạn đáp:
- Thưa Bác, các cháu ở trại còn chật chội ạ.
Bác Hồ mỉm cười:
- Chú nói mới đúng một phần nhỏ thôi. Đối với các cháu mồ côi, điều lớn nhất là
phải bù đắp tình thương. Các cháu đã không còn bố mẹ, thì các cô, các chú ở đây là bố,
là mẹ của các cháu. Các cô, các chú nuôi dạy các cháu thì phải đem cả tấm lòng làm mẹ,
làm cha mà cư xử, mà săn sóc, mà dạy bảo. Bác thấy ở đây, đối với các cháu, còn cái vẻ
“trại lính”, thiếu cái ấm cúng của gia đình. Dạy cho các cháu vào khuôn phép, sống có

kỷ luật, trật tự là đúng. Nhưng không được để các cháu mất cái hồn nhiên, mất cái vui
tươi, thoải mái. Đừng biến các cháu thành các “ông cụ non”. Các cô, các chú phảI làm
sao cho các cháu thấy trại Kim Đồng là gia đình của các cháu, đi xa các cháu nhớ, lúc ở
nhà các cháu vui. Được như vậy thì cần gì phải rào dây thép gai, phải canh phòng
nghiêm ngặt với các cháu?
Bác lại hỏi:
- Những cháu kém có nhiều không?
- Thưa Bác, còn nhiều lắm ạ.
- Nhiều là bao nhiêu?
Đồng chí phụ trách hơi bối rối. Bác nói ngay:
- Quản lý các cháu thì cần biết cụ thể từng cháu một, biết chắc chắn cái dở, cái
hay của mỗi đứa. Có như vậy thì dạy mới có kết quả tốt.
Bác bảo chú Thuận đứng lên:
- Cho Bác gặp cháu nào kém nhất trại.
Em Quốc đứng khoanh tay trước mặt Bác, Bác cúi xuống vuốt ve nhè nhẹ tóc em.
Bác hỏI:
- Tên cháu là gì?


- Thưa Bác tên cháu là Quốc lủi ạ!
Bác nhìn em, ái ngại:
- Ai đặt cho cháu cái tên ấy?
- Dạ thưa, các bạn gọi cháu thế ạ.
- Vì sao các bạn gọi cháu là Quốc lủi?
- Thưa Bác…Cháu…Cháu hay trốn trại. Cháu chui qua hàng rào, lủi vào các ngõ phố ạ.
Sao cháu không chịu ở trong trại mà lại trốn ra bên ngoài?
- Thưa Bác… ở trong trại khổ cực lắm ạ.
- Khổ cực như thế nào?
- Dạ chúng cháu bị gò bó đủ thứ ạ.
- Cháu nói rõ sự gò bó cho Bác nghe nào?

- Thưa Bác…
Quốc nhìn Bác Hồ mà nước mắt trào ra, nghẹn ngào không nói lên lời. Bác xoa
đầu em, Bác đã hiểu thấu tất cả, dù em chưa nói ra được những điều muốn thưa với Bác.
Bác khuyên Quốc: “Từ nay cháu phải phấn đấu bỏ cái tên “lủi”, giữ lại cái tên Quốc…”.
Nước mắt càng giàn giụa trên hai má Quốc.
Bác Hồ cầm tay em Quốc đi ra chỗ cả trại đang tập hợp đón đợi Bác. Bác thân
mật kể cho các em nghe một số gương tốt của thiếu nhi trong kháng chiến chống Pháp,
gương tốt của thiếu nhi ở Liên Xô và các nước bạn. Các em đã không cầm được nước
mắt khi nghe Bác kể về thời niên thiếu của Bác, Bác đã từng thèm một cái đồ chơi, ước
ao một bộ quần áo mới để mặc Tết. Bác cũng đã mồ côi mẹ từ năm lên chín, lên mười.
Bác đã phải bế em trèo trẹo bên hông đi xin sữa cho em sau ngày mẹ qua đời.
Bác căn dặn các em như ông dặn cháu:
- Các cháu phải vâng lời các cô, các chú phụ trách. Thiếu nhi thì phải ngoan, phải
thật thà, lễ phép với người lớn, kính trọng người già, giúp đỡ người tàn tật yếu đau. Các
cháu ở trong tập thể với nhau càng phảI thương yêu nhau như anh chị em ruột thịt. Và
phải dũng cảm sửa chữa những khuyết điểm, những thói hư tật xấu để lớn lên làm người
chủ của đất nước, đừng để mình là cái gánh nặng của xã hội…
Rồi Bác bảo:
- Các cháu có hứa làm được điều Bác căn dặn không nào?
Một tiếng “có” vang lên, đều khắp và sôi nổi. Bác còn dặn thêm các em là noi
gương dũng cảm của liệt sĩ Kim Đồng trong học tập và rèn luyện, em nào đạt kết quả
tốt, được ban phụ trách báo lên Bác, Bác sẽ gửi phần thưởng. Và Bác thân mật hẹn:
“Nếu cả trại cùng tiến bộ vượt bậc, Bác sẽ còn về thăm các cháu nhiều lần nữa”.
Ngày hôm ấy, Bác đã để lại rất nhiều quà để chia cho các em. Nhận phần quà của
Bác cho, nhiều em đã không ăn, cất làm kỷ niệm.
Từ hôm đó trong từng đôi mắt của các em, ngời lên niềm vui nhận quà Bác. Em
Quốc không lủi ra ngoài trại nữa mà giữ gìn mình như giữ gìn kỷ niệm của Bác trong
trái tim.



LÍNH CANH TRỜI KỂ CHUYỆN BÁC HỒ
Trong khuôn viên nhỏ của đơn vị, một sân khấu nổi ghép bằng những tấm phản
được bộ đội dựng lên, cùng với bộ phận âm thanh, ánh sáng tăng cường từ Lữ đoàn
PPK H.83, làm cho không khí của ngày hội “Lính canh trời kể chuyện Bác Hồ” của
phân đội 2 thêm sinh động.
Ngay sau khi có hướng dẫn, cuộc thi tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của Hồ
Chủ tịch đã được các đơn vị trong Lữ đoàn H.83 (Quân khu 4) nhiệt tình hưởng ứng.
Để cho cuộc thi đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức và sinh động trong cách
thể hiện. Ban Chính trị lữ đoàn đã hướng dẫn theo hướng tập trung vào chủ đề Học tập
và làm theo tấm gương tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Thiếu tá Lê Hải Duy cho biết, hội thi của phân đội 2 gồm các phần: Trình bày và
bình một tác phẩm hát hoặc múa về Bác Hồ; thi trắc nghiệm về cuộc đời và sự nghiệp
của Bác; thi kể các mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong các nội
dung trên, phần sân khấu hóa các mẩu chuyện về Bác được xem là nội dung khó nhất.
Điều lôi cuốn được khán giả trong hội thi của phân đội 2 là thu hút được đông
đảo lực lượng đoàn viên đơn vị kết nghĩa cùng tham gia. Với cơ cấu mỗi đội được một
phần ba đơn vị kết nghĩa được tham gia đã thổi vào hội thi một luồng sinh khí mới. Các
chi đoàn đã tận dụng các “tài năng” của đơn vị bạn để mang về ưu thế cho chi đội mình.
Vài phút trước khi khai mạc, các nữ sinh trường THPT nội trú thành phố Vinh,
đoàn viên phường Trung Nghĩa, trường THPT dân lập Nguyễn Trường Tộ, trường Tiểu
học xã Hưng Đông... xúng xính trong bộ váy hoa sen miệt mài chuốt lại những câu hát,
bài múa lần cuối, bộ đội đứng quanh vỗ tay làm nhịp, sức nóng đã được hâm lên ngay
từ thời điểm đó.
Trong 5 đội dự thi chi đoàn Tiểu đoàn bộ có vẻ nhỉnh hơn, bởi “khéo dùng
người”, bài hát đội lựa chọn là Những bông hoa trong vườn Bác cũng rất hợp người,
hợp cảnh lại được thể hiện bởi một giọng ca thiết tha – Thùy Dung đến từ đoàn phường
Trung Nghĩa.
Phần kể chuyện về Bác của chi đoàn tiểu đoàn bộ cũng có sự cầu kỳ trong trang
phục, đạo cụ, nhưng còn mắc lỗi đối thoại, diễn xuất không có hồn. Còn chi đoàn 4 thì
có sáng tạo trong việc thể hiện lời bình bài hát Người về thăm quê trên nền nhạc bài hát,

nhưng rất tiếc lời bình chưa sắc và chưa bình trúng nội dung cốt lõi tác phẩm.
Chi đoàn 6 đã khắc phục được yếu điểm của chi đoàn 4 nhưng lại không thoát ly
được tài liệu nên chưa gây được ấn tượng cho khán giả. Ngoài ra, cũng phải kể đến sự
công phu, trau chuốt trong màn hát múa của chi đoàn 5, với một dàn diễn viên trẻ trung,
xinh đẹp, uyển chuyển trong múa phụ họa đã làm cho cảm xúc bài hát dâng trào.
Trong hội thi này cũng đáng khen cho sự ứng biến linh hoạt của cặp MC Thu Hà
đến từ Công viên Trung tâm thành phố Vinh và Đại úy Nguyễn Quốc Hiên – Chính trị
viên phó tiểu đoàn.


Không chỉ đơn giản là giới thiệu, khớp nối, dẫn dắt chương trình, hai MC này đã đưa ra
những lời bình hóm hỉnh, khúc chiết, tạo được niềm hứng khởi, tự tin cho các đội dự
thi.
Riêng với Thu Hà, ngay sau thành công hội thi cô đã nhận được rất nhiều bó hoa
tươi thắm từ những người lính trẻ, Thu Hà bẽn lẽn: “Tôi thấy rất tự hào và hạnh phúc
khi được tham gia vào các hoạt động của người lính”.
BÁC HỒ TĂNG GIA RAU CẢI
Mùa đông năm 1952, lúc đó tôi đang công tác ở Văn phòng Trung ương Đảng.
Trụ sở cơ quan đóng tại đèo Re (núi Rồng). Cơ quan Phủ Chủ tịch cũng ở sát ngay cạnh
đó. Sau Hội nghị chính quyền lần thứ 5 (tháng 3 - 1952), Chính phủ đã phát động phong
trào tăng gia, sản xuất, tiết kiệm trong toàn quốc.
Ở Trung ương, cơ quan này thi đua tăng gia với cơ quan khác. Vì hai cơ quan gần
nhau, tôi được công đoàn cử ra thi đua với cơ quan bên Phủ Chủ tịch. Bên Văn phòng
Phủ Chủ tịch lại cử Bác là đại diện các nhân thi đua tăng gia với cơ quan Văn phòng
Trung ương.
Buổi lễ phát động thi đua diễn ra thật sôi nổi. Tôi đang sức trẻ nên thay mặt anh
em đứng lên thách thức thi đua: cùng một khoảng đất như nhau 36m2, trong một thời
gian nhất định, tôi xin trồng rau ăn với sản lượng cao nhất. Bác cũng đứng lên: Bác
nhận thách thức thi đua tăng gia với chú Thông, với mảnh đất 36m2 trong một thời gian
bằng nhau, đạt sản lượng rau nhiều hơn chú Thông. Mọi người vỗ tay hoan hô. Một số

đồng chí xì xào: một cuộc thi đua không cân sức. Bác vừa già, vừa bận nhiều việc, địch
sao được với cậu Thông khỏe như voi, trồng rau đã quen. Có người nêu: "Giải thưởng
thi đua là một con gà trống 2kg". Mọi người lại hoan hô tán thưởng. Mấy đồng chí ở
Văn phòng Trung ương nói to: "Nhất định chuyến này chúng ta được ăn thịt gà của Chủ
tịch thì phải tích cực tăng gia để có nhiều rau xanh cung cấp cho nhà bếp cơ quan".
Tôi về suy nghĩ: để chắc ăn và có năng suất cao thì trồng cải củ, vì cải củ ở vùng
này củ rất to, rất nặng. Tôi trao đổi với anh em công đoàn, mọi người ủng hộ, cho là
sáng kiến.
Sau một tuần, tôi đã làm đất và trồng xong 36m2 cải củ. Ngay sát mảnh đất của
tôi, Bác và anh em bên Phủ Chủ tịch làm rất kỹ, đất nhỏ, mịn và sạch cỏ. Hơn một tuần
thì Bác gieo hạt cải mào gà (cải xanh lá xoan). Anh em văn phòng Phủ Chủ tịch làm chỗ
đi tiểu gần nhà và mua một nồi hông lớn để hứng nước tiểu. Phía Văn phòng Trung
ương tôi cũng huy động anh em làm nhà tiêu để lấy phân bón.
Sau một tuần các cây cải mọc đều và đẹp. Bác lấy nước tiểu pha loãng tưới. Còn
tôi lấy phân bắc tưới hòa ra tưới. Mỗi lần tưới cả cơ quan bịt mũi.
Sau một tháng, hai vạt rau tốt ngang nhau. Nhiều người ủng hộ tôi cho rằng tôi sẽ
thắng vì củ cải lớn rất nhanh.


Một hôm Bác nhổ rau bán cho nhà bếp chỉ được 15kg. Bác để lại những cây to,
khỏe, mỗi cây cách nhau chừng hai gang. Một số anh em lo lắng vì thấy vườn rau Bác
nhổ đi xơ xác mà chỉ được có 15kg rau cải con. Ba buổi chiều liền, sau giờ làm việc Bác
đều ra vườn dùng chiếc dầm xới đất cho cải và tưới nước giải đều.
Sau hai tháng 10 ngày thì củ cải của tôi đã to bằng bắp tay và có cây đã cho nụ.
Tôi nhổ và cân cho nhà bếp được 60kg. Tôi vui mừng vì thắng lợi. Nhưng cũng lúc đó,
cây cải mào gà của Bác đã to bằng cái nơm, chứ năm ngày một lần Bác tỉa tàu cân cho
nhà bếp khoảng 10kg. Kỳ lạ thay cải mào gà càng tỉa cây càng lớn, tàu càng to và càng
trẻ lâu. Sau 2 tháng rưỡi cải mới có ngồng. Lúc đó Bác nhổ cả cây cho nhà bếp muối
dưa. Bác còn đem biếu cụ già dân tộc gần đó 2 cây rất to làm giống. Cụ già sung sướng
khoe với mọi người: "Rau cải Cụ Hồ tốt thật".

Mở sổ nhà bếp ra cộng
- Cải con: 15kg
- Tàu cải canh: 14 lần x 10kg = 140kg
- Cây cải làm dưa nén: 20kg
Cộng: 175kg
Vậy tôi thua đã rõ ràng. Công đoàn Văn phòng Trung ương phải nộp con gà trống
nuôi được cho công đoàn Văn phòng Phủ Chủ tịch. Nhờ có rau tăng gia mà cả mùa
đông nhà bếp đủ rau nấu, không phải ra dân mua. Buổi tổng kết thật vui vẻ. Tôi đứng
dậy xin nhận thua. Bác nói chuyện với anh em: khi tăng gia, các cô, các chú phải lưu ý
bốn điều kiện: giống, cần, phân, nước. Giống: nên chọn loại rau trồng một lần, ăn nhiều
lần, củ cải dễ trồng, năng suất cao, nhưng chỉ được ăn một lần thì không bằng cải mào
gà, trẻ lâu, tỉa ăn được nhiều lần. Cần: người trồng rau phải chăm chỉ, chọn đúng thời vụ
trồng loại rau cho hợp khí hậu, rau mới tốt. Vun xới phải đúng cách. Cải mào gà khi tốt
cứ 10 ngày xới một lần cho rễ con đứt, chúng ta nhiều nhánh rễ hơn và hút được nhiều
phân bón, muối khoáng trong đất. Phân: phải chọn loại phân bón thích hợp. Cải canh rất
hợp nước tiểu pha loãng. Thứ phân tươi chú Thông bón cũng tốt đấy nhưng mất vệ sinh
lắm. Nước: phải tưới đều và tưới đủ độ ẩm rau mới trẻ lâu và xanh tốt.
Lần ấy thua Bác, tôi hết chủ quan và rút được bài học mới về tăng gia
BÀI HỌC LỚN TỪ NHỮNG CHUYỆN NHỎ
Một sớm đầu tháng 5/1976, mươi anh em giảng viên trong tổ Văn học Việt Nam
hiện đại trường ĐH Sư phạm Hà Nội chúng tôi có buổi tọa đàm với ông Vũ Kỳ - người
thư ký riêng thân cận, gắn bó với Bác trong hai mươi năm, từ những ngày đầu kháng
chiến chống Pháp.
Nơi tọa đàm thật đặc biệt: ngay ở tầng trệt của ngôi nhà sàn nhỏ bé nơi Bác sống
12 năm, kể từ sau chuyến đi thăm hữu nghị Indonesia. Cuối buổi làm việc, ông dẫn
chúng tôi lên lầu, thăm phòng ngủ và phòng làm việc của Hồ Chủ tịch.
Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc về cái vỏ lọ thủy tinh nhỏ vốn đựng bột penicillin,
có cắm một nửa điếu thuốc lá để trên bàn làm việc của Hồ Chủ tịch, bên cạnh cuốn
chuyên khảo Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông để mở (chắc là Người



đang đọc dở), ông Vũ Kỳ cười và giải thích: Hồ Chủ tịch nghiện thuốc lá, đến tuổi 70,
bác sĩ khuyên Người nên hút ít đi. Hồ Chủ tịch nghe theo. Trước kia Người hút mỗi
ngày hàng chục điếu, nay hạn chế chỉ bốn năm lần, mỗi lần nửa điếu là dụi tắt. Được
một, hai ngày Bác bảo tôi kiếm cho bác một cái lọ penicillin nhỏ, loại 1 cc. Chưa biết ý
định của lãnh tụ, nhưng ông Vũ Kỳ làm ngay việc Bác giao. Lúc ấy Hồ Chủ tịch vui vẻ
lấy trong hộp ra một điếu thuốc, bật quẹt hút rất khoan khoái. Hút khoảng nửa điếu, thay
vì dụi tắt và vứt đi, Người cắm đầu đang đỏ lửa của nửa điếu thuốc còn lại vào miệng lọ
penicillin. Thuốc tắt. Hồ Chủ tịch bảo ông Vũ Kỳ: "Chiều sẽ hút tiếp, cho đỡ phí, chú
ạ!".
Thấy chúng tôi đang thẫn thờ suy nghĩ, ông Vũ Kỳ lại đưa tay về phía đầu giường
- cái giường rộng khoảng 1m20, không drap, không nệm, chỉ trải một chiếc chiếu cói
đậu - cầm lên cái quạt giấy. Chúng tôi lại thắc mắc, vì ở góc phòng khá xa giường có
một cái quạt máy. Đã có quạt máy, còn cần quạt giấy làm gì? Ông Vũ Kỳ kể, năm 1964,
Chủ tịch Mao Trạch Đông gửi tặng Bác Hồ một sản phẩm mới của ngành công nghiệp
nhẹ ở Thượng Hải: chiếc quạt bàn nhãn hiệu Đông Phong. Bác bảo Vũ Kỳ gọi mấy anh
cảnh vệ lên, rồi cho mở quạt. Mấy bác cháu vừa xem vừa bình phẩm, nhận xét về hình
dáng, tính năng. Được dăm phút, Người bảo tắt đi, để quạt vào góc phòng rồi nói: "Trên
gác này thoáng mát, khi cần dùng quạt giấy cũng đủ. Dùng quạt máy làm gì cho phí
điện". Từ đó đến lúc qua đời, Người không dùng đến nó và chỉ lưu giữ trân trọng như
một món quà kỷ niệm. Ông Vũ Kỳ xòe quạt ra. Một cái quạt quá độc đáo: trên mặt
chiếc quạt cũ kỹ có dán khá nhiều miếng băng keo. Ông Kỳ giải thích, ông đã mua
chiếc quạt này từ đầu mùa hè 1955 - hè đầu tiên Hồ Chủ tịch về thủ đô. Dù giữ gìn cẩn
thận thì sau 4 - 5 năm quạt vẫn bị sờn rách. Ông định mua chiếc khác, Bác Hồ gạt đi:
"Mua làm gì cho tốn tiền. Chú xin chú y sĩ cho Bác một mẩu băng keo". Người lấy băng
keo dán vào chỗ quạt rách và tiếp tục dùng một cách bình thường. Và cứ như thế, chiếc
quạt giấy kia thủy chung bên vị lãnh tụ của chúng ta suốt 15 mùa hè oi nồng ở miền
Bắc.
Trên mặt quạt, tôi không kịp đếm, nhưng chắc phải có vài mươi mẩu băng keo.
Ông Vũ Kỳ còn kể, ông "nhân nhượng" Bác Hồ rất nhiều trong việc hạn chế mua sắm

các đồ dùng, nhưng đến cái vỏ áo bông rách kia thì ông không chịu được nữa, nên đã
hậm hực phản ứng: "Bác là lãnh tụ tối cao của Đảng, của đất nước, mặc áo bông vá sao
tiện?". Hồ Chủ tịch cười, ôn tồn giải thích: "Lãnh tụ tối cao mà mặc áo bông vá càng có
phúc cho dân, cho nước chứ sao! Chú không nên băn khoăn".
Bình sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều ân cần nhắc nhở đến những điều cơ bản của
đạo đức: Cần - Kiệm - Liêm - Chính. Người không những nhắc nhở, giáo dục đồng bào
đồng chí mà luôn quán triệt những yêu cầu đó trong hành động, ứng xử, nếp sống đời
thường của chính mình; luôn giữ cho mình "đời tư trong sáng, tính coi khinh sự xa hoa,
tinh thần yêu lao động, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người
thầy" như Người đã suy nghĩ và viết về V.I.Lenin (xem Mãi mãi đi theo con đường của
Lênin - NXB Sự thật, 1970, trang 14).


Một nhà văn, nhà thơ lớn của Cuba - Phêlích Pita Rôđrighết - sau khi đi thăm
ngôi nhà sàn lịch sử của Hồ Chủ tịch hồi đầu tháng 5.1975 đã suy tư rất chí lý: "Đó là
sự khắc khổ ư? Không, từ này không phải, không định nghĩa đúng điều ta muốn nói.
Bởi sự khắc khổ có thể là một cái gì cường điệu. Đó là sự giản dị, khiêm nhường, khiêm
tốn ư? Những từ này cũng không thể hiện được đúng những điều chúng ta cảm thấy. Có
thể nói đó là tinh thần chí công vô tư. Người chỉ sử dụng cho mình những gì tối cần
thiết chứ không phải bất cứ cái gì cần thiết".
“Chí công vô tư. Đó là tinh thần phục vụ quên mình vì tất cả mọi người. Đó là
việc lãng quên đi tất cả mọi điều có thể làm trở ngại cho tinh thần phục vụ vô điều kiện
của Người" (Ngôi nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Báo Văn nghệ, Hà Nội, 10.5.1975).
Trong cao trào phòng chống lãng phí và tham nhũng hiện nay của nước ta, nhắc lại mấy
mẩu chuyện trên, kể cũng không thừa.
NÂNG NIU TẤT CẢ CHỈ QUÊN MÌNH
Một lần một người bạn nước ngoài hỏi Bác về tài sản riêng Bác vui vẻ chỉ đàn cá
Bác đang cho ǎn và nói: "Đây là tài sản của tôi". Bác sống trọn cuộc đời cống hiến, ra đi
không để lại chút gì riêng tư, từ nguồn vui gia đình sản phẩm tinh thần quý giá của con
người bình thường, đến tài sản vật chất.

Suốt cuộc đời Bác chỉ nghĩ đến giải phóng những người lao động cần lao, nghĩ
đến nhân dân mình, dân tộc mình. Lo từ việc nhỏ bình thường đến đại sự quốc gia.
Quan tâm từ miếng ǎn cho người nghèo đến sự thái bình cho dân tộc. Nhớ hồi làm phụ
bếp bên Anh, khi rửa bát đĩa, Bác để riêng những thức ǎn thừa còn lại, gói vào một gói,
khi về mang ra cho những người nghèo khổ ǎn xin ngoài đường. Khi dự tiệc chiêu đãi ở
Pari, ra về Bác dành quả táo cho em nhỏ. Khi mùa hè đến mồ hôi thấm áo, Người nghĩ
đến những chiến sỹ phòng không trên trận địa nóng bỏng. Khi đi công tác ở nước ngoài
được biết có loại cây lá xanh quanh nǎm không rụng lá, Bác nghĩ tới chị lao công đêm
đêm vất vả quét lá nên Bác khuyên tìm cách đưa loại cây ấy về nước. Khi đi thǎm hồ
Suối Hai thấy nhà nghỉ của Tỉnh ủy xây to đẹp, Bác bảo phải lo xây nhà cho nhân dân
lao động trước. Lúc đi công tác xa lâu ngày Bác nghĩ đến những người phục vụ mình ở
nhà, Bác dặn những ngày Bác đi xa các chú tranh thủ về thǎm quê hương gia đình. Đối
với người phục vụ, Bác quý trọng xem như những người thân thiết nhất, Bác không có
gia đình riêng, họ là những người gần gũi với Bác như những người ruột thịt. Đầu tháng
5 - 1948, đồng chí Lộc, người nấu ǎn cho Bác không may bị sốt rét ác tính mất. Bác
thương xót, và đã khóc như mất đi một người ruột thịt. Đến ngày kỷ niệm sinh nhật
Bác, anh em tìm một bó hoa rừng chúc mừng sinh nhật Người. Trong phút giây xúc
động, Bác rơm rớm nước mắt:
- Cảm ơn các chú, nhưng bó hoa này ta mang ra đặt lên mộ đồng chí Lộc.
Và Bác kể cho mọi người nghe về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí
Lộc. Đồng chí vốn là Việt kiều ở Thái Lan, gặp Bác bên đó, đồng chí đã đi theo giúp


việc Bác. Hai người thường quẩy hai bồ thuốc giả làm người đi bán thuốc rong, đi đến
nơi có bà con Việt kiều để tuyên truyền cách mạng. Bác sang Trung Quốc đồng chí Lộc
cũng theo sang, rồi cùng về nước với Bác. Đồng chí lo công việc ǎn uống cho Bác. Hồi
đó sinh hoạt khó khǎn, có lúc phải ǎn ngô bung, hoặc cơm độn ngô, đồng chí Lộc bao
giờ cũng dành phần nhiều cơm cho Bác. Bữa nào đồng chí cũng chắt lấy nước cơm đặc,
nài nỉ Bác uống cho kỳ được. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí xung phong
ở lại xây dựng công binh xưởng cho cách mạng. Theo Bác hoạt động cách mạng ở nước

ngoài, tới khi cách mạng thành công đồng chí Lộc vẫn an tâm vui vẻ làm một công việc
hết sức bình thường - nấu cơm cho Bác.
Phục vụ Bác có nhiều anh em dân tộc ở Cao Bằng. Có đồng chí được một thời
gian nhớ nhà và cũng vì hoàn cảnh gia đình nên xin Bác cho về giúp gia đình. Bác rất
muốn đồng chí cùng ở lại nhưng vì hoàn cảnh gia đình và ý nguyện của họ, Bác đồng ý.
Khi có ai đi công tác lên vùng đó Bác nhờ ghé vào thǎm, nhắc nhở địa phương giúp đỡ
đồng chí khi gặp khó khǎn. Thời gian ở Pắc Bó có lần Bác nhận được gói quà có đường
và lạc. Bác cho làm kẹo và báo đồng chí Cáp mang vào trong bản phân phát cho các
cháu. Mọi người rất muốn để lại cho Bác bồi dưỡng, biết ý Bác nói: "Người già nên để
kẹo cho các cháu". Trước lý lẽ của Bác, đồng chí Cáp phải mang kẹo vào cho các cháu.
Hồi ở Tân Trào, đồng chí Thắng mới được cử về phục vụ Bác. Đồng chí có một bộ quần
áo vải mộc. Khi làm việc với Bác đồng chí cố nén không ho, nhưng vừa ra khỏi nhà
đồng chí ho rũ rượi, thấy vậy Bảc bảo: "Chú Thắng ốm à". "Sao trông người chú khác
thế". Nói rồi Bác đứng dậy lấy chiếc áo trấn thủ của mình đưa cho đồng chí và dặn:
"Chú mặc tạm cho đỡ lạnh, mùa đông cốt nhất phải giữ ngực cho ấm". Đồng chí Thắng
ngần ngại không dám cầm, vì thấy Bác không có áo ấm tốt mà Bác cũng phải mặc độn
nhiều áo. Thấy vậy Bác giục, rồi Bác hiền từ giúp đồng chí cài từng chiếc nút áo. Có lần
Bác đến thǎm đồng chí Lê Trọng Tấn, gia đình làm bánh mời Bác, Bác ǎn một miếng
thấy ngon, Bác xin một ít mang về cho anh em phục vụ. Hồi ở Việt Bắc, kỹ sư Trần Đại
Nghĩa dồn hết trí tuệ tâm huyết để nghiên cứu vũ khí mới cho quân đội. Biết kỹ sư
thường làm việc ban đêm, có khi làm việc suốt sáng, lại nghiện thuốc lá Bác dành một
phần thuốc của mình đến biếu kỹ sư. Sau đó Bác chỉ thị cho hậu cần dù khó khǎn cũng
cố tìm thuốc lá đủ hút cho kỹ sư. Có lần về ban đêm đồng chí bảo vệ đứng gác nơi ở của
Bác không may trượt chân rơi xuống hầm tránh máy bay. Nghe tiếng động Bác vội chạy
ra không kịp đi dép và mặc áo ấm Bác giúp đồng chí lên khỏi miệng hầm, Bác nắn bóp
chân cho đồng chí ấy rồi ân cần bảo: "Chú cứ ngồi yên cho đỡ đau, để Bác gác cho".
Đồng chí cảm động nói không nên lời, chỉ biết làm theo. Về mùa đông Bác ở gác hai
trên nhà sàn nên gió lạnh, cơ quan tìm cho Bác chiếc lò sưởi điện. Một lần nửa đêm gió
lạnh, Bác thức giấc dậy nghe tiếng người gác ho phía dưới. Bác cầm chiếc lò sưởi điện
và tự tay nối dây điện từ trên gác hai xuống cho đồng chí bảo vệ, và nói: "Bác nằm trên

nhà đã có chǎn đắp ấm rồi!". Một buổi trưa, thấy đã quá giờ đổi gác bình thường, Bác
mang chuối xuống mời, đồng chí bảo vệ thưa với Bác đang bận gác không đặt súng
xuống được, xin Bác lúc khác. Bác bảo đưa súng Bác cầm gác cho: "Ăn đi kẻo đói, cốt


là ǎn lúc này". Đồng chí Tùng vừa được chuyển từ một đơn vị ở chiến trường về làm
nhiệm vụ bảo vệ Bác. Một hôm Bác đang cho cá ǎn, đồng chí đứng gác từ xa. Bác gọi
lại hỏi thǎm sức khoẻ gia đình vợ con... Bác nói "Thế là chú về chỗ Bác được 3 tháng
rồi đấy nhỉ? Dạo này chú đã hết sốt rét chưa?", đồng chí Tùng không cầm được nước
mắt không ngờ Bác bận trǎm công nghìn việc mà vẫn chú ý đến một chiến sĩ bình
thường như mình. Bác không những nhớ mặt, nhớ tên từng người mà còn hiểu rõ hoàn
cảnh gia đình, tâm tư tình cảm của họ. Bác không những quan sát đến đời sống sinh
hoạt hàng ngày mà còn lo lắng tới sự tiến bộ trong công tác của từng người - Bác
thường nhắc nhở mỗi người mỗi việc cố gắng tiến bộ không ngừng. Bác ân cần hỏi
đồng chí Tùng "Chú về đây đã khá lâu, thế chú có biết cầu thang lên xuống nơi cạnh
chú đứng có mấy bậc?". Những việc tưởng bình thường nhưng đối với người công an,
bảo vệ càng cần phải tỷ mỉ, sâu sát cụ thể. Một đêm, lúc khoảng hai giờ mưa phùn gió
bấc, Bác thức giấc đi xuống cầu thang đến cạnh đồng chí bảo vệ, Bác hỏi: "Chú gác từ
mấy giờ?", "Chú mặc thế có đủ ấm không?", Bác đến gần sửa lại vành mũ và kéo lại cổ
áo cho kín và bảo "Lần sau chú gác đêm giá lạnh nhớ đi giày, nếu đi dép phải có tất cho
đủ ấm, đi dép chân không đêm sương giá lạnh dễ bị ốm".
Thời gian sau ngày giải phóng, mới về Hà Nội nhân ngày Tết cổ truyền, các đồng
chí bảo vệ, phục vụ mang bó hoa đến chúc Tết Bác. Bác rất vui mừng và nói "Các chú
khéo vẽ chuyện, Bác và các chú sống bên nhau hàng ngày, việc gì phải hoa. Từ nay các
chú tǎng gia được rau, xu hào, bắp cải, Tết đến chọn mấy cây đẹp cho vào chậu cảnh
mang tới biếu Bác, Bác sẽ để trước cửa phòng khách, khách đến Bác sẽ giới thiệu của
các chú biếu Bác, thế là Bác có quà tặng, các chú lại được Bác tuyên truyền cho. Hết
Tết các chú lại mang về chén, như vậy chẳng mất gì cả". Từ đó thành thông lệ, hàng
nǎm Tết đến anh em chọn 4 cây bắp cải, 4 cây xu hào loại to đẹp nhất tới chúc Tết Bác.
Những cây xu hào bắp cải xen lẫn với gốc quất, gốc đào góp thêm thi vị bên ngôi nhà

Bác ở. Nhớ lại đầu nǎm 1946, nơi nghỉ của anh em bảo vệ Bác ở Bắc Bộ phủ, về mùa
hè nóng ẩm vì ở nhà kho cũ, chật chội. Thấy thế, Bác cho lên phòng khách ngủ cho
thoáng mát, ở phòng khách anh em sơ ý làm vỡ mặt đá của chiếc bàn lớn. Đồng chí cán
bộ phụ trách cáu gắt nặng nề và không cho anh em lên đó ngủ nữa. Bác nghiêm khắc
bảo "Cái bàn quý hơn hay anh em chiến sỹ quý hơn. Vỡ sau ta tìm cái khác, chỉ cần giáo
dục anh em có ý thức bảo vệ của công. Chú mở cửa cho anh em vào ngủ tiếp". Tuy bận
nhưng Bác vẫn thường xuyên xuống nhà bếp, khu vệ sinh để kiểm tra xem có sạch sẽ
không. Bữa ǎn có những món gì phải mua, món gì tǎng gia cải thiện được. Nhớ ngày
Tết cuối cùng của Bác, Bác và Bác Tôn chụp ảnh chung với anh em trong đội bảo vệ có
đồng chí Cương ít tuổi nhất được Bác rất quý. Trước khi chụp ảnh Bác gọi "Viên kim
cương của Bác đâu, lại đây đứng bên Bác" - Bác quan tâm từ cái lớn, sâu sát từ cái nhỏ
đời thường của anh em. Ở chiến khu việt Bắc, tối ngủ anh em thường để dép lộn xộn khi
báo động hoặc sáng dậy, lẫn dép lung tung. Trước khi ngủ Bác đi kiểm tra một vòng,
sắp xếp lại gọn gàng đôi nào đôi nấy sáng ra ai cũng ngạc nhiên, sau mới biết tối qua
Bác kiểm tra và xếp lại. Từ đó trở đi nội vụ từ đôi dép đến đồ dùng cá nhân anh em đều


sắp xếp ngǎn nắp. Bác đi thǎm nhiều nơi, nhưng không qua loa đại khái, Bác quan tâm
đến tập thể nhưng không quên cái nhỏ nhất của người dân. Bác không những rất ghét tội
tham ô ǎn cắp của dân mà còn phê bình gay gắt bệnh hình thức dối cấp trên lừa dân.
Bác đến thǎm một cơ quan thấy đèn trang trí từ cổng vào nhà hội trường sáng trưng,
xung quanh khẩu hiệu đèn xanh đèn đỏ loè loẹt, Bác đi thẳng vào nơi ǎn ở khu vệ sinh
của cán bộ thấy tối tǎm chật chội. Bác cho tập trung cán bộ chủ chốt trong cơ quan, Bác
chỉ nói "Các chú không thương quần chúng". Khi duyệt các chủ trương, chỉ thị Bác sửa
chữa nhiều nhất chú ý nhiều nhất ở chỗ có quan tâm đến lợi ích, đời sống sinh hoạt của
quần chúng hay không. Có lần đồng chí Nguyễn Tạo lên báo cáo Bác về phong trào
trồng cây. Khi nghe xong được biết các cụ có thành tích rất lớn, Bác hỏi "Thế công sá
đối với các cụ thế nào", đồng chí Tạo trả lời Bác "Thưa Bác, các cụ ǎn theo công điểm
của hợp tác xã ạ". Bác hỏi cụ thể và được biết các loại cây như nhãn, vải, cam, quít. Khi
thu hoạch các cụ không được hưởng phần nào, Bác phê bình, đồng chí thưa với Bác sẽ

về nhắc các địa phương dành một phần thu hoạch biếu các cụ. Bác nói ngay "Không
phải biếu mà các cụ có quyền hưởng, người nào làm nhiều hưởng nhiều, hợp tác xã chia
cho các cụ như vậy là không công bằng, không theo nguyên tắc phân phối lao động xã
hội chủ nghĩa - ai làm nhiều hưởng nhiều, ai làm ít hưởng ít".
Nǎm 1963, Bác về thǎm tỉnh Vĩnh Phú, trên đường Bác rẽ vào một gia đình nông
dân. Gặp bà cụ già, Bác hỏi thǎm sức khoẻ và kinh tế, cụ thưa gia đình có 5 người được
chia 3 tạ thóc. Bác hói "Thế có đủ ǎn không?", cụ già chưa kịp trả lời thì một đồng chí
trong tỉnh uỷ trả lời "Thưa Bác, đấy mới là hợp tác xã chia tạm chưa phải chính thức".
Bác phê bình ngay "Bác có hỏi chú đâu mà chú trả lời". Như được thêm chỗ dựa lòng
tin, cụ già thưa thật với Bác hằng nǎm, nếu ǎn uống theo định lượng tằn tiện, độn thêm
ngô sắn thì cũng tạm đủ". Rồi Bác bảo đồng chí có trách nhiệm nghe nói để tính toán lại
cho sát đừng để dân quá vất vả thiệt thòi. Nhà nước phải lấy phục vụ dân làm chính.
Nǎm 1960, Bác ra thǎm đảo Tuần Châu (Vịnh Hạ Long) khi ca nô vừa rời bến thì trong
bờ có tiếng vọng ra: "Sao các ông không cho tôi gặp Cụ Hồ". Biết chuyện Bác cho ca
nô quay lại, trên bờ một cụ già trên 70 tuổi bị mù, Bác vội chạy đến chỗ cụ và nói:
"Thưa cụ, tôi đây, Cụ có khoẻ không". Nghe tiếng Bác, cụ già đứng không vững nữa,
khuỵ xuống trên cánh tay nâng đỡ của Bác: "Bác đây ư Bác Hồ, tôi được gặp Bác thật
ư!". Đôi bàn tay xương xẩu của cụ già vuốt trên cánh tay, trên vai Bác, hai dòng nước
mắt trào ra từ đôi mắt mù loà của cụ chảy xuống hai gò má nhǎn nheo. Bác đứng lặng
hồi lâu, xúc động. Mọi người đứng lặng cảm động trước tình cảm của hai con người.
Một lần đến thǎm bệnh viện Bạch Mai mọi người ra đón và tặng hoa, Bác nhận bó hoa
rồi đến tặng một cụ già đang trông xe đạp ở cổng bệnh viện. Bác bảo với cụ và mọi
người: "Cụ trông xe đạp cũng rất quan trọng, nếu mà trông không cẩn thận mất xe đạp
của các cô các chú, hỏi có ai an tâm công tác không?" Một lần đến thǎm một nhà máy
thấy cô công nhân đang chạy máy để bộ tóc dài, Bác ra hiệu dừng máy đến gần ân cần
nhắc: "Cháu là gái khi lao động vấn tóc lên và đội mũ bảo hiểm để bảo đảm an toàn, bộ
tóc là góc con gái". Lần đi thǎm Vĩnh Phú, trên đường thấy hai chị em ǎn mặc rách rưới,


dắt tay nhau đi, Bác cho dừng xe hỏi chuyện hai chị em về hoàn cảnh gia đình, bố mẹ,

được biết bố hai em đi bộ đội, Bác hỏi ǎn có đủ không, trưa, sáng ǎn gì, cùng lúc đó có
đồng chí tự xưng là cán bộ xã nhanh nhẩu trả lời thay hai em, Bác nhắc nhở: "Bác có
hỏi chú đâu, nếu chú là cán bộ xã thì tại sao lại để con cái người đi bộ đội phải ǎn mặc,
đói rách thế này". Dọc đường, thấy cột số Km chỉ ghi rõ chữ số 65 còn chữ địa danh bị
mờ, Bác nhắc nhở cán bộ giao thông phải chú ý để sửa lại. Đi qua Cổ Nhuế, thấy dân
bón rau phân tươi, Bác nhắc phải đề phòng ruồi, bệnh tật vệ sinh. Đến trạm bơm Chèm,
thấy chân đê bị sụt lở, Bác nhắc trồng tre để bảo vệ đê. Khi giải quyết các vụ tranh chấp
đất đai nhà cửa, các đồng chí phân tích người này sai, người kia có khuyết điểm. Bác
kết luận, do chỗ ở quá chật chội nên mới sinh ra tranh chấp, chứ phải người ta ghét bỏ
nhau đâu. Khi đến thǎm nhà dân nơi chật chội, ổ chuột, bẩn thỉu, Bác phê bình gay gắt
cán bộ không sâu sát dân, quan liêu, không thương dân, phải tìm mọi cách vận động, tổ
chức bà con dọn vệ sinh, sửa sang nhà cửa, lối ra vào và phối hợp với cơ quan chức
nǎng lo nhà cho dân. Khi về hợp tác xã thǎm nông dân, Bác xuống tận các gia đình để
biết mức sống của dân chứ không nghe hoàn toàn các báo cáo. Thǎm xã Nam Chính,
Bác vào nhà anh Giao một nông dân lao động cần cù, đứng ngoài sân, Bác hỏi mấy câu
chuyện làm ǎn sinh hoạt đời sống rồi vào nhà xem vại gạo, cót thóc, vòng ra phía sau
xem chuồng lợn, nhà vệ sinh, thấy hai con lợn đang ăn. Bác khen lợn đẹp, giống lợn
thẳng lưng mông to chắc chóng lớn, rồi Bác xem giếng nước, nhà tắm, Bác nhìn xuống
giếng và bảo: "Giếng nên có nắp đậy, vừa sạch vừa đề phòng tai nạn". Xem nhà tắm
Bác khen xây thế này là tốt nhưng nên đơn giản hơn trong lúc ít gạch, nhà nào không có
gạch nên làm bằng cót, trồng cây dâm bụt xung quanh, khi cót hỏng thì dâm bụt đã tạo
thành nhà tắm kín đáo mà đẹp.
Nhiều lúc Bác muốn đi dã ngoại bí mật vừa thǎm dân được lâu, rõ hơn và thay
đổi không khí. Bác bảo đồng chí phục vụ chuẩn bị thức ǎn, không nói với ai, sáng đi
sớm không mang theo bảo vệ và quay phim, chụp ảnh. Hành trình Bác định trước đến
đâu thǎm nơi nào, nghỉ ǎn cơm ở đâu, mấy giờ về... Bác thấy đi như vậy thoải mái, thích
thú lại đỡ tốn thời gian và tiền bạc. Vì một lần Bác về thǎm một tỉnh nghèo cán bộ tỉnh
tổ chức liên hoan linh đình đón Bác, Bác bảo: "Các chú làm thế này thì lần sau dân
không ai mong Bác về nữa các chú cho công an, bộ đội đứng gác khắp nơi làm dân họ
sợ không dám đến gần Bác. Mà dân có đến cũng là do các chú sắp đặt nên không tự

nhiên vui vẻ". Đến thǎm vào mùa rét Bác đội mũ lông, quấn khǎn kín, hôm đó các đồng
chí quay phim nhiếp ảnh đông Bác nói vui, hôm nay Bác không biểu diễn đâu, các chú
chẳng có làm ǎn được gì. Hôm đó vui kể chuyện đồng chí bác sĩ người Cửu Long kể ở
trong đó có những con tôm to bằng bắp tay, đồng chí Vũ Kỳ không tin, Bác cười góp
vui nghe nói Đồng Tháp mười có muỗi to lắm, muỗi đậu ngoài màn người nằm trong
màn nắm được chân nó, nó dẫy hai cánh đập như hai cái quạt máy mát lắm, mọi người
được phen cười vui vẻ.
Tết nǎm 1966, Bác về thǎm tỉnh Thái Bình. Ngày 30 Tết Bác đi thǎm và nói
chuyện một số nơi. Đêm 30 Tết; Bác tranh thủ làm việc, liên quan đến chương trình


mồng Một Tết, Gần đến Giao thừa, đồng chí phục vụ mời Bác đi nghỉ. Bác bảo "Còn ít
phút nữa bước sang nǎm mới, cộng việc của nǎm cũ không nên để lại". Xong công việc
thời gian đã chuyển sang nǎm mới, biết phòng bên có nhiều người thức dậy đón nǎm
mới, Bác xách đèn bão sang thǎm và chúc tết mọi người, sau đó Bác trở về làm việc
tiếp. Bác về thǎm tỉnh lần thứ 5, Bác bảo Thái Bình là tỉnh 5 tấn, Bác đã về 5 lần, nếu
thêm nhiều tấn nữa Bác sẽ về nhiều nữa.
Lòng tin ở nhân dân trong Bác là tuyệt đối, Bác bảo nếu trong dân còn người xấu,
họ chưa yêu cách mạng thì cách mạng phải tỏ rõ lòng khoan dung, thuyết phục chứ
tuyệt đối không bắt ép. Có lần Bác về thǎm tỉnh Yên Bái, các đồng chí bố trí mít tinh
đón Bác trong doanh trại tỉnh đội Bác không đồng ý, Bác nói mít tinh đón Bác không
nên làm trong đơn vị bộ đội, các chú canh gác cẩn mật thì ai dám vào, vả lại nếu mọi
người vào được thì còn đâu là cẩn mật. Theo ý Bác nên chọn chỗ nào thuận tiện để mọi
người đến được, thành phần đến tham dự là toàn dân. Các đồng chí bảo vệ cứ bǎn khoǎn
sợ kẻ xấu lẫn vào, biết được ý nghĩ đó, Bác nói: "Những người xấu cũng cho họ vào,
nếu không cho họ nghe chuyện thì làm sao họ giác ngộ được, họ sẽ không làm điều gì
xấu đâu". Lần về thǎm mỏ Quảng Ninh công nhân phấn khởi chạy ào ra đón Bác, có chị
cũng vội bế con chạy ra đón Bác, vì vội quá nên không kịp thấy trong tay con mình cầm
vật gì. Thấy hai mẹ con chạy vội, Bác ôn tồn: "Đi từ từ kẻo ngã" Bác tiến lại gần hai mẹ
con, Bác nhẹ nhàng gỡ con dao nhỏ trên tay đứa bé rồi đưa cho chị và ân cần dặn:

"Đừng cho trẻ con chơi dao, nguy hiểm" , lúc đó mọi người mới nhận ra. Bác đi thǎm
đảo Vạn Hoa, Bác hỏi các chiến sỹ có được xem phim, xem vǎn nghệ thường xuyên
không, các chiến sĩ trả lời Bác là 6 tháng được xem phim một lần, còn vǎn nghệ thì
chưa lần nào. Bác quay sang đồng chí Lê Trọng Tấn nói: "Hôm nay có ông tướng đi
cùng đây "ông" nghĩ thế nào?". Đồng chí hứa với Bác là sẽ sửa chữa khuyết điểm, Bác
nói ngay: "Chú hứa chung chung quá" đồng chí hứa với Bác là 6 tháng một lần xem vǎn
công còn 3 tháng một lần xem phim, Bác gật đầu, cười đồng ý.
Ban Việt kiều đưa lên Bác kế hoạch đón Việt kiều ở Thái Lan về nước Bác phê bình, là
chỉ chú trọng đến lễ đón tiếp chứ không chú ý bố trí công ǎn việc làm, nơi ǎn ở cho
người về nước, Bác chỉ thị, phải có biện pháp cụ thể cho tương lai của kiều bào, sử dụng
hợp lý khả nǎng chuyên môn, công việc của họ, và trường học cho con em Việt Kiều.
Bác giáo dục cán bộ đối với nhân dân không được phân biệt, cách biệt, không được có
thái độ cho dân vùng này tốt nơi kia xấu, ở đâu, người nào cũng phải bình đẳng, tôn
trọng yêu quý nhân dân thì họ mới yêu quý cán bộ. Đối với dân tộc ít người, tôn giáo
hay Việt kiều về nước, tinh thần đại đoàn kết của Bác luôn luôn được mọi tầng lớp mọi
giới ủng hộ.
Bác đến thǎm huyện Mường Tè, nơi xa xôi của tỉnh Lai Châu, khi thấy nhân dân
còn cực khổ lạc hậu, Bác đi bộ xuống tận bản làng nơi nhân dân đang sống theo tập
quán cũ, Bác bảo, chúng ta có Đảng, có Chính quyền nhưng chưa mang ánh sáng vǎn
minh đến những vùng cao như ở đây, chúng ta còn có lỗi với dân, rồi Bác chỉ thị cho
cán bộ địa phương phải có biện pháp cụ thể giúp đỡ đồng bào cải thiện đời sống, lối


sống, để họ dần dần tiến kịp miền xuôi, có như vậy cách mạng mới thực sự của toàn
dân, công bằng với mọi nơi. Nǎm 1957 , Bác về thǎm Đồng Hới, khi được biết nguyện
vọng của đại biểu Phật giáo, Thiên chúa giáo xin được thǎm Bác. Mặc dầu chương trình
rất nhiều, Bác bảo, gặp cán bộ cốt cán, đảng viên thì lúc nào cũng được, bây giờ các chú
để Bác được gặp các Cụ. Bác đi bộ đến chỗ các cụ đã tập trung đông đủ, lúc đó có một
bà cụ thay mặt mọi người mang bó hoa lên tặng Bác. Bác sung sướng cầm bó hoa và
cảm ơn, rồi nhanh nhẹn tách bó hoa làm đôi đi đến tặng cho sư Phổ Minh và cha cố

Thông. Những người có mặt lúc đó ai cũng cảm động và quý phục phong cách linh hoạt
tài tình của Bác. Một biểu hiện đoàn kết tôn giáo cao quý đẹp đẽ cử chỉ đó của Bác đã
nói bao điều mà ai cũng hiểu, ghi nhớ sâu sắc. Hai lần về thǎm quê hương Nghệ An,
Bác đều đến thǎm Hội Phật giáo, sư bà Thích Diệu Niệm tặng Bác lẵng hoa làm theo 5
cánh "5 chân lý hợp nhất" và một bài thơ, Bác trân trọng nhận hoa và đọc thơ, xong Bác
lấy bút đề tặng lại thơ cho nhà sư nữ và cho cả tǎng ni phật tử Nghệ An. Đến nǎm 1962,
Bác đến thǎm trường Hội Phật giáo, lúc đó sư nữ Thích Diệu Niệm cũng ra học, từ xa
Bác đã nhận ra, Bác đến nói chuyện hỏi han công việc Hội Phật giáo Nghệ An, nhà sư
tặng Bác bài thơ, ý trong bài thơ là làm tốt những điều Bác dặn khi hai lần về thǎm quê,
Bác vui vẻ bảo: "Như ri thì sư nhớ lời Bác dặn".
Bác quý trọng nhân cách con người, dù người đó là ai, tầng lớp nào, bên Bác dẫu
một lần ai cũng cảm thấy giá trị của cuộc đời được nâng lên. Bác không bao giờ nói
"cho" mà chỉ nói "biếu cô", "biếu chú'', "tặng cô", tặng chú"... Bác không ngồi nghe khi
người khác đứng nói, sẵn có ghế Bác mời cùng ngồi, nếu không có ghế thì cùng đứng
có lần đến thǎm bà con nông dân, có các cụ già đến nghe Bác nói chuyện không có ghế
phải ngồi xuống đất, Bác bảo tìm ghế cho các cụ rồi Bác mới bắt đầu nói chuyện với
mọi người.
Khi có chút quà ngon, Bác không dành riêng cho mình, mà dẫu ít Bác cũng chia
đều cho anh em phục vụ. Bác không quan niệm "lộc bất tận hưởng" một cách máy móc,
mà xuất phát từ tấm lòng quý trọng con người. Có đồng chí đi họp ở Pari về, mang biếu
Bác gói kẹo mà ở bên Pháp Bác rất thích. Có kẹo ngon, lại hiếm, Bác đem chia đều cho
mọi người, có người thấy kẹo của Bác chỉ có ít, muốn để dành cho Bác ǎn, nên từ chối
không dám nhận, Bác bảo, ít cũng phải chia đều, mỗi người hưởng một ít. Ở nhà sàn,
buổi trưa xung quanh mọi người ngủ trưa yên tĩnh, có việc lên xuống, Bác ghì quả
chuông treo ở cầu thang lên xuống cho nó khỏi kêu, làm anh hưởng đến giấc ngủ mọi
người. Bác bận nhiều việc lớn của Đảng, của Nhà nước nhưng việc nhỏ Bác không
quên, khi có anh em phục vụ đi phép, Bác đến gửi quà và gửi lời thǎm sức khoẻ gia
đình, khi trả phép Bác đến hỏi han tình hình gia đình. Có đồng chí vì bận công tác
không về thǎm quê và gia đình được, khi người nhà lên thǎm, Bác biết bao giờ Bác
cũng gặp, nếu gặp vào đúng tối thứ bảy có phim, Bác mời xem phim. Có một lần trong

buổi xem phim, Bác thấy một cụ già ngồi xem, lúc đó hỏi thǎm không tiện, sau Bác hỏi
đồng chí Vũ Kỳ cụ già xem phim là ai mà không báo để Bác biết tiếp chuyện, được biết
là bố của bác sĩ Mẫn (người bảo vệ sức khoẻ riêng của Bác) lúc đó cụ già đã lên đường


về quê, vì không gặp được cụ, Bác gửi bác sĩ Mẫn một chai mật ong nhờ chuyển về làm
quà biếu cụ. Cụ già ở quê rất cảm động khi đón nhận món quà quý giá của Chủ tịch
nước gửi. Hàng nǎm đến tối 30 Tết, anh em không về quê đón Tết. Bác tổ chức gặp mặt
tất niên. Bác thường bố trí Bác ngồi một bên bàn còn Thủ tướng Phạm Vǎn Đồng ngồi
đối diện, anh em ngồi quây quần xung quanh, đêm giao thừa có hai Bác và anh em nên
không khí trong Phủ Chủ tịch thêm ấm cúng không khí gia đình. Khi mọi người yên chỗ
ngồi, Bác đi một vòng xung quanh kiểm tra xem còn thiếu ai. Nếu thiếu Bác dặn đồng
chí cấp dưỡng để phần lại cho anh em đi vắng. Những anh em ngồi cạnh Bác lúc đầu
thường e dè, không tự nhiên tay cầm đũa cứ lóng ngóng. Bác chủ động gắp thức ǎn và
động viên, có khi Bác pha trò một câu gì đó tạo không khí vui vẻ những lúc đó Bác hiện
thân một người Cha bên đàn con yêu quý trong giờ phút thiêng liêng chuyển nǎm cũ
sang nǎm mới. Xong buổi liên hoan Bác cùng anh em chụp ảnh lưu niệm và vui vǎn
nghệ "cây nhà lá vườn" Bác đi thǎm nước ngoài nhiều lần, họ biếu Bác nhiều tiền và
quà , Bác cho vào công quỹ hết, cái nào chia được Bác chia cho anh em. Mỗi lần đi
nước ngoài về Bác thường mua quà kỷ niệm cho anh em phục vụ, khi đôi bít tất lúc
chiếc khǎn hay gói kẹo.
Bác sống cuộc đời một vị Chủ tịch nước, nhưng mỗi người chúng ta đều thấy một
phần cuộc đời mình trong đó, bởi vì Bác là hiện thân cốt cách dân tộc, là cái chung
trong mỗi cái riêng. Bác chu tất với mọi người, mọi việc, có lần Bác đi qua nhà ǎn thấy
đồng chí Lơ người nấu ǎn cho Bác đang dùng cát để đánh xoong cho sạch, Bác rẽ vào
bày cách đánh xoong nồi chóng sạch lại không bị xước mòn. Hồi ở chiến khu khi đi
trong rừng gặp trời mưa vắt nhiều, Bác bày cho cách dùng tàn thuốc lá để chống vắt rất
hiệu quả Bác thường xuyên khuyên bác sĩ học cách chữa bệnh bằng thuốc nam, ta là
người nam hợp với thuốc nam vì cha ông tổ tiên đã để lại kinh nghiệm quý báu đó ta
nên phát huy thêm. Bác kể chuyện hồi xưa Bác đi bộ từ Nghệ An vào Huế. Dọc đường

chân bị sưng lên đau không đi được nhờ xoa bóp bằng nước tiểu đỡ đau mới đi tiếp
được. Khi về già có lần Bác đau ở bả vai, bác sĩ cho chạy vật lý trị liệu mãi không khỏi,
Bác lấy lá ngải cứu vò với nước tiểu xoa vào chỗ đau, chỉ mấy lần làm thấy giảm hẳn.
Đối với khách là người nước ngoài nếu là người quen biết từ trước, Bác tiếp không
những trên cương vị Chủ tịch nước mà còn trên tình cảm anh em gần gũi, khách đến tuy
là lần đầu Bác cũng rất chu tất, trước khi khách về nước, Bác đến thǎm, gửi quà... hôm
sau Bác lại đến chia tay. Bác bảo họ là khách, mình là chủ làm thế mới có tình có nghĩa.
Rời Việt Nam, nhưng khách không quên Việt Nam có Bác Hồ, con người của mọi
người. Một lần có vị quan chức của một nước đi thǎm các nước láng giềng quanh ta,
người này có cảm tình với Việt Nam. Lúc đó nước ta đang có chiến tranh, có người đến
bàn với Bác, ta lấy cớ không có điều kiện tiếp nên không mời, Bác bảo "Khi người anh
em đi qua trước ngõ không mời vào nhà chơi là không lịch sự" Bác đích danh mời vị đó
vào thǎm. Khi về nước vị khách hết lòng ca ngợi Việt Nam và tích cực ủng hộ nhân dân
Việt Nam chiến đấu.


Bác quan tâm con người không chung chung, mà rất cụ thể, không những đối với những
người gần gũi bên Bác, những người Bác gặp mà còn đến những người có thể Bác
không gặp. Khi đi qua chiếc cầu gập ghềnh hay gặp hòn đá khập khiễng Bác dừng lại
cùng anh em sửa sang cho chắc để người đi sau khỏi gặp nguy hiểm. Lội qua suối gặp
hòn đá trơn Bác cúi xuống nhặt ném đi xa để người đi sau không bị ngã. Có lần đi chiến
dịch, đường đi nhiều ổ gà, phía trước có hòn đá to, đồng chí lái xe cứ cho xe vượt,
không ngờ xe va vào hòn đá bị hỏng, Bác xuống xe, chiếu đèn pin giúp cho các đồng
chi sửa xe, Bác động viên cứ bình tĩnh chữa cho cẩn thận. Khi xe sửa chữa xong tiếp tục
lên đường, bấy giờ Bác mới nói: "Đáng ra lúc nãy chú cho xe dừng lại lǎn hòn đá xuống
vực rồi mới đi, có lâu cũng chỉ dǎm phút, không phải dừng sửa chữa mất hơn nửa tiếng,
mà lại giúp các xe sau không bị nạn, chú đã "tham đĩa bỏ mâm".
Trên đường ra trận Bác cùng lǎn lộn với anh em, cùng đổ mồ hôi cùng sôi khí
thế. Khi đi chỗ đường trơn, suối đá trơn gập ghềnh, anh em bảo vệ muốn giúp Bác kẻo
ngã, Bác bảo tự Bác đi dễ hơn, hơn nữa Bác đi nhanh và khéo hơn các chú đấy. Có lần

mùa mưa, gặp con suối nước chảy xiết, việc cần gấp phải qua, các đồng chí đang lúng
túng không biết làm sao qua được. Bác bảo tìm sợi dây rừng thật chắc buộc chặt vào
người rồi dìu dắt nhau qua, Nhớ lần Đại Hội Đảng lần thứ II ở Tuyên Quang, Bác biết
chị Quý nhân viên phục vụ Đại hội mới sinh cháu bé được 5 tháng, Bác bảo, Bác sẽ đến
thǎm, vì ngại nơi ở xa và chưa chu tất, gia đình muốn bế cháu đến thǎm Bác. Bác bảo,
ông phải đến thǎm cháu chứ. Thế rồi Bác tranh thủ thời gian đến thǎm, cho quà và chụp
ảnh với cháu. Nhạc sỹ Phong Nhã lên báo cáo với Bác về tình hình thiếu nhi. Nhạc sĩ
chuẩn bị nhiều nội dung lớn, nhưng khi lên Bác chỉ hỏi kỹ về việc các cháu con nhà
nghèo vào đội ra sao, việc ǎn ở, học hành, vui chơi thế nào, Bác chǎm chú lắng nghe
nhạc sĩ kể về các cháu tham gia mít tinh, tuần hành, cổ động. Bác đǎm chiêu nhìn ra trời
nắng nóng và nói: "nhưng nhớ đừng để các cháu đi đầu trần dưới nắng dễ bị ốm|". Mùa
rét Bác chỉ thị cho Bộ Giáo dục khi nhiệt độ xuống 10 độ C thì cho các cháu học sinh
cấp I nghỉ học, xuống dưới 10 độ C cho các cấp các trường nghỉ học.
Có lần Bác đến dự cuộc họp cán bộ cấp cao, khi nghỉ giải lao các đồng chí vào
phòng giải khát riêng, còn anh em khác không thuộc diện tiêu chuẩn đứng ngoài uống
nước trà, thấy vậy Bác ra mời anh em vào hết, Bác bảo: "Ai đến họp đều có phần như
nhau". Cứ mỗi lần chiêu đãi khách khi tan tiệc Bác bảo "Theo tục lệ Việt Nam, khi đi ǎn
cỗ thì phải có phần mang về, các chú nhớ lấy phần về chia cho người ở nhà cho các
cháu, người được ǎn phải nhớ người ở nhà" . Việc đó thành nếp mãi về sau. Ai được
Bác chiêu đãi đều có phần mang về cho người ở nhà.
Về tặng thưởng của Bác thì có nhiều với mọi đối tượng. Hồi mới đầu kháng chiến
có một phóng viên nước ngoài gửi tặng Bác mấv bức ảnh, Người không quên gửi tặng
lại ảnh có tựa đề thân thiện. Ai có thành tích kháng chiến Bác gửi thư khen ngợi gửi
tặng quà là chiếc áo mà đồng bào tặng Bác. Khi cấp dướí ốm đau Bác biết, Bác đến tận
giường bệnh hỏi thǎm. Người yêu thơ gửi thơ tặng Bác, Bác gửi tặng lại thơ, những bài
thơ đó thường là thơ tức cảnh, là cảm xúc thực, dung dị, xuất phát từ hoàn cảnh thực mà


×