Tải bản đầy đủ (.docx) (24 trang)

kế toán thực chứng đề tài SVNCKH ĐH Ngoại thương

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (318.67 KB, 24 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG
KHOA KẾ TOÁN – KIỂM TOÁN
----------

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Chuyên ngành: Kế toán – Kiểm toán

LÝ THUYẾT KẾ TOÁN THỰC CHỨNG
- KINH NGHIỆM QUỐC TẾ
VÀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT TẠI VIỆT NAM
Nguyễn Thục Anh – 1512230003
Nguyễn Thị Thu Thủy – 1512230087
Ngô Thị Giang – 1512230022

Hà Nội, tháng 10, 2016

1


LỜI MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Cũng như nhiều ngành, lĩnh vực nghiên cứu khác trên thế giới, hiện nay có
nhiều hệ thống lý thuyết kế toán, trường phái, quan điểm khác nhau tuy nhiên vẫn chưa
có hệ thống lý thuyết một cách chính thống và đầy đủ để có thể làm cơ sở cho việc xây
dựng nguyên tắc, giả thuyết, mô hình kế toán. Do vậy dẫn đến kết quả, cách thức
nghiên cứu, ứng dụng đối với lĩnh vực kế toán khác nhau, không tạo được tính nhất
quán nhất định. Khi đề cập tới vấn đề này, ta không thể không bỏ qua hai trường phái
lý thuyết kế toán chủ đạo, đó là: lý thuyết kế toán chuẩn tắc và lý thuyết kế toán thực
chứng. Trong khi trường phái lý thuyết kế toán chuẩn tắc hầu như luôn được đưa vào
sử dụng trong công tác thực hành kế toán, thì trường phái lý thuyết kế toán thực chứng
lại được sử dụng trong nghiên cứu phân tích báo cáo tài chính, đưa ra cái nhìn chính


xác hơn về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Vì thiên về vấn đề nghiên cứu chuyên
sâu, nên lý thuyết kế toán thực chứng chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam.
Tại Việt Nam hiện nay, đã có một số nhà nghiên cứu quan tâm đến trường phái
lý thuyết này tuy nhiên về chất lượng và số lượng còn chưa đáng kể. Ta có thể kể đến
tên của một số các nhà nghiên cứu như: Nguyễn Hữu Ánh, Phan Lê Thành Long hay
Lê Hà Như Thảo. Bởi vậy việc có những nghiên cứu làm sáng rõ phần nào lý thuyết kế
toán thực chứng là cần thiết không phải chỉ ở các quốc gia vững mạnh về kinh tế mà
ngay cả ở Việt Nam, điều đó là rất cần thiết. Nghiên cứu để có thể hiểu rõ hơn về bản
chất, mục đích hướng tới của trường phái lý thuyết này từ đó xem xét việc nên áp dụng
kế toán thực chứng ở Việt Nam bên cạnh đó là hướng nghiên cứu, phát triển tại nước
ta.
Nhận ra được sự cần thiết và tầm quan trọng của các trường phái lý thuyết kế
toán thực chứng đối với lĩnh vực kế toán nói riêng và kinh tế nói chung, nhóm nghiên
cứu đã quyết định chọn đề tài : “Lý thuyết kế toán thực chứng – kinh nghiệm quốc tế
và một số đề xuất tại Việt Nam” cho bài nghiên cứu của mình.

2


2. Mục đích nghiên cứu
Khái quát hóa những lý luận chung về trường phái lý thuyết kế toán thực chứng.
Phân tích, tìm hiểu các ví dụ qua đó làm rõ bản chất của trường phái lý thuyết này. Rút
ra bài học kinh nghiệm và đưa ra các đề xuất để vận dụng vào thực tiễn quản trị, kế
toán - kiểm toán và đầu tư ở các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
3. Đối tượng nghiên cứu
Lý thuyết kế toán thực chứng.
4. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của đề tài này giới hạn ở việc phân tích những lý luận
chung về lý thuyết kế toán thực chứng và các ví dụ.
5. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu thu thập thông
tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, sách báo tạp chí chuyên ngành, luận văn
luận án, đề tài nghiên cứu, từ đó tổng hợp, phân tích, đánh giá, để làm rõ mục đích
nghiên cứu.

3


MỤC LỤC

4


NỘI DUNG
1. Khái niệm kế toán thực chứng
1.1. Khái niệm kế toán thực chứng
Trong điều kiện kinh tế của Việt Nam ngày nay, khi có ngày càng nhiều sự
chênh lệch lớn về lợi nhuận, cũng như sự sai lệch các thông số trong báo cáo tài chính
trước và sau kiểm toán thì việc đòi hỏi có công cụ để đối chiếu, xem xét sự chênh lệch
ấy là điều tất yếu. Đây không chỉ là vấn đề đối với riêng với các doanh nghiệp Việt
Nam mà nó mang tầm quốc tế. Việc nghiên cứu, tìm hiểu các nguyên nhân dựa trên lý
thuyết kế toán thực chứng là công việc cần thiết và có ý nghĩa tại thời điểm hiện tại.
Xét về bản chất, lý thuyết kế toán thực chứng giải thích và dự đoán những
quyết định trong thực hành kế toán . Giải thích và dự đoán các hoạt động ấy được diễn
ra như thế nào trong cuộc sống dựa trên cơ sở những tiền lệ trước đó. Nghiên cứu thực
nghiệm các hoạt động kế toán kế toán đang điễn ra hằng ngày trong cuộc sống, ví dụ
điển hình là việc giái thích “Tại sao nguyên tắc giá gốc vẫn được đưa vào sử dụng
trong nền kinh tế lạm phát đang diễn ra ?”.
Đối tượng phản ánh của dòng lý thuyết này trước tiên là thị trường vốn (thông
qua hoạt động nghiên cứu thị trường vốn – Capital Market Research). Để từ đó nghiên

cứu tác động của việc công bố thông tin kế toán ra ngoài thị trường đối với lãi suất cổ
phiếu, các tác động từ việc thay đổi chính sách kế toán lên giá trị cổ phiếu tại các
doanh nghiệp. Thứ hai, đó là các hành vi điều chỉnh lợi nhuận- phù phép lợi nhuận,
biến lỗ thành lãi hoặc ngược lại, để làm đẹp báo cáo tài chính dựa trên lợi ích của các
nhóm người khác nhau được xuất phát từ “Lý thuyết người đại diện – Agency Theory”;
lợi ích cá nhân (tiền, tài sản, tầm ảnh hưởng, quyền lực,...); lợi ích tổ chức (tăng thu
nhập).
Lợi nhuận bị tác động dựa trên các phí tổn chính trị cũng được xem như là một
trong những đối tượng xem xét của kế toán thực chứng. Có thể hiểu, phí tổn chính trị là
những phí tổn của doanh nghiệp được tạo ra bởi các tổ chức bên ngoài, dựa trên cơ sở
chính sách pháp luật. Ví dụ các loại thuế, chính sách đặc biệt, thông tư nghị định có
liên quan... từ nhà nước; việc các công đoàn yêu cầu tăng lương khi doanh thu, quy mô
doanh nghiệp tăng,... Khi doanh nghiệp phải đối mặt với mức phí tổn chính trị càng lớn
5


thì ban quản trị càng có động cơ điều chỉnh việc thực hành kế toán tại doanh nghiệp.
Biện pháp ban quản trị có thể lựa chọn đó là điều chỉnh giảm doanh thu để giảm phí
tổn chính trị.
Đối tượng sử dụng thông tin của lý thuyết kế toán thực chứng bao gồm các đối
tượng chủ yếu sau: kiểm toán viên, các nhà đầu tư, hoạch định chính sách.Trong khi
kiểm toán viên sử dụng nguồn thông tin này để tiến hành kiểm tra, xác thực về hợp lí
cũng như trung thực, khách quan của các số liệu trong bản báo cáo tài chính, tài liệu có
liên quan tại doanh nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng thông tin của các nhà đầu
tư, các nhà hoạch định. Các nhà đầu tư và hoạch định chính sách lại dựa trên những
thông tin tại doanh nghiệp đã qua kiểm toán đó để có thể đưa ra những quyết định
chính xác, có nên đầu tư hay không hoặc đưa ra những quyết định mang tính định
hướng cho nghiệp mình.
Dựa trên các quan sát và phân tích thực nghiệm tiền lệ trước đó, khách quan và
linh hoạt trong nhiều hoàn cảnh là những đặc điểm của thông tin kế toán thực chứng.

Bên cạnh đó, vì là dòng lý thuyết thực chứng bởi vậy thông tin được phản ánh khá sát
so với các hoạt động thực tế của hoạt động kế toán diễn ra hàng ngày tại các doanh
nghiệp. Được xem như một nhánh của kinh tế học thực chứng (Positive Economic
Theory), thông qua thông tin lý thuyết kế toán thực chứng, chúng ta có thể biết được tại
sao người lập báo cáo lại làm vậy, tại sao lại chọn cách này thay vì cách khác, cái gì
đang diễn ra trong hoạt động kế toán một cách rõ ràng.
Không giống như lý thuyết kế toán chuẩn tắc được xây dựng dựa trên những
quy tắc, chuẩn mực của kế toán, dòng lý thuyết kế toán thực chứng không có tính pháp
lí. Bởi chỉ dựa vào khá linh hoạt những phân tích, đánh giá thực tế, các tiền lệ trên thị
thường để kiểm chứng các giả thuyết mà không dựa vào một khuôn mẫu hay nguyên
tắc nào. Hơn nữa, kỳ kế toán khi doanh nghiệp áp dụng kế toán thực chứng cũng không
rõ ràng, phụ thuộc vào thời điểm xem xét. Kế toán thực chứng được tiến hành khi
muốn kiểm tra độ tin cậy, khách quan của báo cáo tài chính cũng như các thông tin
được thể hiện trong đó. Qua đó, các nhà đầu tư, hoạch định chính sách có thể đưa ra
những quyết sách, hướng đi hợp lý và sáng suốt.
1.2. Lịch sử hình thành và phát triển kế toán thực chứng
6


Sau thời kỳ tiền lý thuyết, thời trước Pacioli cùng với tác phẩm Summa de
Arimethica Geomatria Proportioni et Proportionalità (1494) cùng với các thông lệ kế
toán được hình thành trong thời kỳ này, sự phát triển của nền kinh tế thế kỷ XIX đã kéo
theo đó là các kỹ thuật kế toán tài chính và kế toán quản trị phát triển để phục vụ đắc
lực cho nền kinh tế. Trong hoàn cảnh này đã xuất hiện sự phát triển của lý thuyết kế
toán để thỏa mãn nhu cầu giải thích cho các hoạt động kế toán đương thời. Sau đó, để
đáp ứng các yêu cầu của thực tế, kế toán buộc phải có sự thay đổi. Có thể nói thời kỳ
quy chuẩn giai đoạn 1955-1970, đặt ra nhiều vấn đề mới cho lý thuyết kế toán hiện tại.
Tuy nhiên các lý thuyết quy chuẩn vẫn mang tính chủ quan định hướng và khó có thể
kiểm chứng thông qua thực nghiệm.
Nghiên cứu của Milton Fried-man đã hình thành nền móng công trình lý thuyết

kinh tế học thực chứng giúp giáo sư Ray Ball và Phillip Brown khởi đầu công trình
nghiên cứu kinh điển của mình với tác phẩm “An Empirical Evaluation of Accouting
Income Numbers” năm 1968. Theo TS. Bùi Thị Thanh Tình, trong bài nghiên cứu
“Bàn về kế toán thực chứng”, đã đề cập đến sự phát triển rõ rệt của hệ thống lý thuyết
kế toán thực chứng do hai giáo sư người Mỹ là Ross Watts và Jerold Zimmerman.
Giai đoạn sau đó những năm 1970-2000, các nguyên tắc về kinh tế học và tài
chính bắt đầu được hình thành. Các trường phái thực chứng cũng bắt đầu nhấn mạnh,
đặt trọng tâm vào việc giải thích và dự đoán các hoạt động thực tiễn kế toán dựa trên
việc đưa ra và phát triển các giả thiết, bên cạnh đó cũng phải đồng thời kiểm chứng
chúng dựa trên thực nghiệm. Thời kỳ hiện đại là giai đoạn xuất hiện nhiều quan điểm,
giả thuyết khác nhau về các dòng lý thuyết kế toán, trong đó điển hình là lý thuyết kế
toán thực chứng. Dòng lý thuyết kế toán này được giới học thuật tiến hành các nghiên
cứu, khảo sát để giúp các đối tượng sử dụng thông tin kế toán sử dụng kế toán thực
chứng có thể kiểm chứng được tính khách quan, trung thực của thông tin ấy.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế trên thế giới cũng như tại Việt Nam, lý
thuyết kế toán cũng có nhiều sự chuyển biến về mặt hình thức cũng như có thêm nhiều
lối tiếp cận và hướng đi cũng như nhiều quan điểm khác nhau. Được xem như xuất
phát từ kinh tế học thực chứng, ngay từ đầu những năm 1968 khi được hai giáo sư Mỹ
phát triển, lý thuyết kế toán thực chứng đã có nhiều sự phát triển rõ rệt.
7


Theo Phan Lê Thành Long trong bài viết “Kế toán thực chứng: Hướng đi đúng
cho phát triển ngành kế toán Việt Nam”(2010) đã cho rằng dường như kế toán thực
chứng đã xuất hiện tại Việt Nam. Điều đó được chỉ ra thông qua sự xuất hiện của sự
thay đổi trong các thông tư gần đây của Bộ Tài Chính. Ví dụ thông tư 244/2009/TTBTC đã có sửa đổi và bổ sung chế độ của kế toán doanh nghiệp. Việc ghi nhận chênh
lệch đánh giá lại tăng tài sản khi góp vốn vào thu nhập trong kỳ được thông tư này chỉ
rõ. Điều này vẫn chưa phù hợp với nguyên tắc và chuẩn mực kế toán, đặc biệt với
nguyên tắc thận trọng ghi cho phép ghi nhận thu nhập chưa thực hiện do đánh giá lại
tài sản.

2. Kinh nghiệm quốc tế trong áp dụng kế toán thực chứng
2.1. Nghiên cứu trường hợp Ngân hàng Lehman Brothers
2.1.1. Lịch sử hình thành và phát triển của Lehman Brothers
Lehman Brothers là ngân hàng thương mại được thành lập bởi ba anh em nhà
Lehman là Henry, Mayer và Emanuel tại Hoa Kỳ vào năm 1850, chủ yếu hoạt động
trong lĩnh vực buôn bán cổ phiếu, đầu tư, nghiên cứu thị trường và chứng khoán bất
động sản, tín dụng. Đây từng là một trong những tập đoàn ngân hàng đầu tư lớn mạnh
nhất của Hoa Kỳ và trên thế giới. Lehman đã từng đưa nền tài chính của Hoa Kỳ đạt
đến thời kỳ thịnh vượng vượt quá sức tưởng tượng, tuy nhiên đến năm 2008, chính tập
đoàn tài chính này lại trở thành nguyên nhân khiến cho nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy
thoái trầm trọng tưởng chừng như không thể vực dậy nổi với con số thua lỗ lên đến 768
tỷ USD, lớn nhất trong lịch sử tài chính Hoa Kỳ.

8


2.1.2. Khủng hoảng dẫn đến sụp đổ
Trong khi Lehman Brothers đang trên đà phát triển thịnh vượng bỗng chốc sụp
đổ chỉ sau một đêm. Vậy điều gì đã dẫn đến cái chết của tập đoàn tài chính lớn mạnh
này?
Trước hết phải kể đến sự xuất hiện của “bong bóng” bất động sản. Từ khoảng
năm 1996, giá bất động sản ở Hoa Kỳ bắt đầu tăng cao so với các loại hàng hóa khác
trên thị trường và tạo ra “giá trị bong bóng”. Trong giai đoạn 1996-2005, giá nhà đất ở
Hoa Kỳ đã tăng tới hơn 45%. Bình quân mỗi tuần có tới 140.000 hộ gia đình Hoa Kỳ
mua nhà mới, và trong đó đa phần mua ở mức giá “bong bóng”.
Cuối năm 2002, hoạt động của thị trường bất động sản Hoa Kỳ diễn ra sôi động
nhờ sự tăng nhanh của thu nhập cá nhân, cộng thêm lãi suất cho vay thế chấp thấp và
các khoản tín dụng dồi dào. Tuy nhiên, những người mua nhà lại không cảm nhận được
rủi ro khi mua bởi sự gia tăng liên tục của giá nhà đất cho phép họ trả nợ một cách dễ
dàng bằng việc vay thêm. Bên cạnh đó thì các khoản nợ của họ cũng không được người

cho vay duy trì trong sổ sách mà bán lại cho các ngân hàng đầu tư để những ngân hàng
này biến chúng thành những tài sản được chứng khoán hóa. Nhờ đó, những người cho
vay thế chấp đã liên tục có được thêm các khoản tiền mặt và các khoản nợ tương tự
tiếp tục được tạo ra, đẩy giá nhà lên cao hơn và tiếp đó một chu trình mới lại bắt đầu.
Chính cơ chế đơn giản hoá quá trình cho vay, chỉ dựa hoàn toàn vào những đánh giá
chủ quan của các công ty đánh giá mức độ tín nhiệm, đã dẫn đến nhiều khoản vay
không đủ chuẩn.
Năm 2003, Lehman Brothers đệ trình luật cho vay dưới chuẩn bất chấp những
khuyến cáo về rủi ro và bong bóng bất động sản. Đây được xem là việc đặt dốc mốc
tiền đề, báo trước sự khủng hoảng dẫn đến sụp đổ của Lehman Brothers.
Bên cạnh đó, khủng hoảng bên trong ngân hàng cũng góp phần dẫn đến sự phá
sản của nó. Vào thời điểm nhạy cảm năm 2006, trong khi các ngân hàng đều thận trọng
với mọi quyết định đưa ra thì Lehman Brothers lại chọn một đường lối phát triển mạnh
mẽ nhưng đầy rủi ro: vay thêm nhiều vốn và dùng phần lớn khoản tiền này vào những
vụ đầu tư vào các loại tài sản có chất lượng đáng ngờ. Tuy vậy, trên thực tế, ngân hàng

9


này đang sa lầy trầm trọng với những quyết định tài chính của mình nhưng vẫn tỏ ra
lạc quan cho rằng không phải vậy.
Năm 2007, khi khủng hoảng về vay mượn địa ốc bùng nổ, Dick Fuld- CEO của
Lehman Brothers tại thời điểm bấy giờ khẳng định, đó chỉ là những rắc rối ngắn hạn và
chỉ những công ty dám chấp nhận rủi ro cao mới là những người thu lợi lớn một khi
khủng hoảng chấm dứt. Tiếp tục sa lầy, Lehman đã tăng gấp đôi số tiền đầu tư vào các
loại chứng khoán phái sinh phát hành dựa trên nợ cầm cố. Vào tháng 10 năm 2007, một
vụ đầu tư thua lỗ được báo trước khi Lehman đã chi tới 22,2 tỷ USD để mua lại
Archstone- một công ty đầu tư phát triển nhà chung cư lớn.
Kể từ đó, Lehman Brothers liên tục thua lỗ đậm, điển hình là sự sụt giảm nhanh
chóng của giá cổ phiếu. Các số liệu được tính toán thời điểm đó chỉ ra rằng: Riêng

trong quý III năm 2008, Lehman đã chịu khoản thua lỗ 3,93 tỷ USD, nặng nhất trong
lịch sử của tập đoàn. Mọi nỗ lực đàm phán với Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB)
đi vào bế tắc, giá cổ phiếu của Lehman kết thúc phiên giao dịch đầu tuần này giảm
94,25%, chỉ còn 0,21 USD/cổ phiếu.
Ngày 15 tháng 9 năm 2008, ngân hàng tuyên bố phá sản với khoản nợ tiền mặt
lên đến 613 tỷ USD sau khi không có công ty nào chấp nhận mua lại. Đây là vụ phá
sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
2.1.3. Nguyên nhân dẫn đến phá sản
Thanh tra Anton Valukas đã phải mất tới hơn hai năm để điều tra và tìm ra lí do
dẫn đến sự sụp đổ của Lehman Brothers. Trong đó có ba nguyên nhân nổi bật là các
khoản nợ địa ốc độc hại, những đòi hỏi quá đáng của hai “người hàng xóm” là
JPMorgan Chase và Citigroup, và những “thủ thuật” kế toán mà chính Lehman dùng để
che dấu tình trạng tài chính tồi tệ của họ.
Tuy nhiên vào thời điểm phá sản, trong báo cáo tài chính của Lehman không có
bất kỳ căn cứ hay dấu hiệu vi phạm nào trong nguyên tắc hoạt động của ngân hàng
cũng như những chuẩn mực kế toán hiện hành. Vậy liệu có ẩn chứa sai phạm nào trong
báo cáo tài chính của ngân hàng này hay không và nếu có thì nó nằm ở đâu? Để trả lời
được câu hỏi này, cần phải có phương pháp phân tích thông tin kế toán khác, xem xét
một cách khách quan, thực tế và toàn diện hơn, đó là kế toán thực chứng. Trong quá
trình nghiên cứu và tìm ra nguyên nhân cho vụ phá sản của Lehman, lý thuyết kế toán
10


thực chứng đã được các chuyên gia phân tích sử dụng một cách có hiệu quả, từ đó đứa
đến những kết luận cụ thể, chính xác.
Trong báo cáo của mình, ông Vakulas đã đề cập đến một trong những sai phạm
nghiêm trọng nhất liên quan đến việc Lehman đã sử dụng “thủ thuật” kế toán có tên gọi
trong nội bộ của ngân hàng là Repo 105 và Repo 108 để tạm thời che dấu hệ số nợ quá
cao cuối mỗi quý kể từ năm 2001 cho đến thời điểm phá sản.
Trong giai đoạn cuối năm tài chính 2007 và 2008, Lehman, với sự “trợ giúp”

của Repo 105, đã “hô biến” tạm thời gần 50 tỷ USD giá trị tài sản tại thời điểm cuối
quý I và quý II năm 2008. Đây cũng là thời điểm mà thị trường tài chính đang lo lắng
trước tình trạng sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao của các ngân hàng.
Qua quá trình phân tích báo cáo tài chính và chi tiết về tình hình Nợ phải trả và
Vốn chủ sở hữu của Lehman Brothers, các chuyên gia đã chỉ ra rằng thực chất những
tài sản của Lehman được hình thành từ nguồn vay nợ. Ngân hàng này đã huy động vốn
vay bằng nhiều cách như bán khống và cầm cố chứng khoán, vay mượn vốn thông qua
nghiệp vụ Repo chứng khoán, huy động vốn dài hạn đầu tư bất động sản. Mô hình kinh
doanh của Lehman là đi vay kết hợp đầu tư vào các danh mục rủi ro, được duy trì và
phát triển qua nhiều năm. Trong cơ cấu vốn của Lehman Brothers thì vốn chủ sở hữu
chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong giá trị tổng tài sản, từ 3-4%. Đây là một cơ cấu vốn
ẩn chứa nhiều rủi ro vì nó nói lên nguy cơ về khả năng thanh toán của Lehman. Bảng
cân đối kế toán cũng phần nào nói lên cách thức kinh doanh rối ren, vay mượn lẫn
nhau trong thị trường tài chính Hoa Kỳ mà ở đó Lehman vừa là chủ nợ đồng thời cũng
là con nợ lớn.
Bên cạnh đó, khi phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Lehman Brothers, có
thể thấy rằng mặc dù doanh thu và lợi nhuận tăng qua các năm từ 2004 đến 2007 và
dòng tiền có sự cải thiện qua các năm, tuy nhiên bản chất dòng tiền ấy cho thấy một sự
rủi ro lớn. Dòng tiền của Lehman chủ yếu là từ hoạt động tài chính, thông qua phát
hành các khoản nợ (Issuance retirement of debt). Lehman đã đẩy nhanh việc phát hành
nợ từ 12 tỷ USD vào năm 2005 lên 38 tỷ USD trong năm 2006, và 48 tỷ USD trong
năm 2007. Lehman đã dùng nợ để đầu tư vào các tài sản chứng khoán và bất động sản.

11


Và khi giá của hai loại hàng hoá này trên thị trường sụt giảm nghiệm trọng thì Lehman
đã không đủ tiền để chi trả các khoản nợ vay.
“Mục đích của Báo cáo tài chính là phải cung cấp những thông tin có thể hiểu
được mà qua đó giúp nhà đầu tư và chủ nợ có thể dự báo được dòng tiền của doanh

nghiệp. Nhà đầu tư và chủ nợ muốn thông tin về dòng tiền bởi vì dòng tiền ảnh hưởng
đến khả năng thanh toán nợ và cổ tức của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến giá cổ phiếu
của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán”. Điều này có vẻ trái ngược với những
gì xảy ra với thông tin trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Lehman và quyết định của
những người sử dụng thông tin kế toán. Rõ ràng ban lãnh đạo Lehman, nhà đầu tư và
chính phủ Mỹ đã không quan tâm đến những thông tin về dòng tiền, và giá cổ phiếu
của Lehman cũng tăng đều đặn trước khi phá sản dù dòng tiền của họ qua các năm thể
hiện quá nhiều rủi ro. Đây cũng là một trong những điểm thiếu sót của hệ thống kế toán
chuẩn tắc đương đại.
2.2. Nghiên cứu trường hợp Tập đoàn Enron
2.2.1. Lịch sử hình thành và phát triển
Tập đoàn Enron được thành lập vào năm 1985, trên cơ sở sáp nhập hai công ty
lớn cùng thuộc lĩnh vực năng lượng là Houston Natural Gas và Internorth of Omaha.
Enron là một tập đoàn đa quốc gia, hùng mạnh bậc nhất trong lĩnh vực kinh doanh
năng lượng và mở rộng, đa dạng hóa sang các lĩnh vực khác như kinh doanh giấy, kim
loại, điều hành một loạt nhà máy nước và cung cấp dịch vụ viễn thông cũng như nhiều
loại hình dịch vụ khác trên toàn cầu. Thương hiệu Enron được đánh gía cao, luôn được
xếp hạng trong danh sách “Những công ty tốt nhất để làm việc” và 6 năm liền đạt giải
thưởng “Công ty đột phá nhất nước Mỹ” do tạp chí Fortune trao tặng. Enron cũng xây
dựng hình ảnh doanh nghiệp gương mẫu điển hình, bằng các báo cáo xã hội, thể hiện
sự thận trọng với hệ lụy đến môi trường và quan điểm chống tham nhũng hối lộ trong
công ty.
Enron có khoảng 20.000 nhân viên và mạng lưới công ty hoạt động tại hơn 30
quốc gia trên thế giới, sở hữu 14 nhà máy điện đang hoạt động và 51 nhà máy đang
trong quá trình xây dựng, cùng khối tài sản ước tính 33 tỷ USD vào năm 2000.

12


Từ đỉnh cao vào tháng 8/2000 ở mức 90 USD, giá cổ phiếu Enron dần tụt dốc

thảm hại xuống chưa đầy 1 USD vào cuối năm 2001. Enron lần đầu tiên công bố lỗ 618
triệu USD trong quý III năm 2001, gây chấn động thị trường, nhưng mức lỗ trên thực
tế bị giấu đi lại lên tới 1,2 tỷ USD. Tháng 12 năm 2001, tập đoàn Enron nộp đơn xin
phá sản, khiến cho toàn bộ nhân viên Enron mất việc làm và cơ số các nhà đầu tư phải
gánh chịu mất mát hàng tỷ USD.
2.2.2. Nguyên nhân dẫn đến phá sản
Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất của Enron và các công ty con năm 2000
không cho thấy bất kỳ dấu hiệu gì của việc kinh doanh thua lỗ mà trái lại, các chuyên
gia và nhà phân tích vẫn tích cực đánh giá cao và tư vấn cho khách hàng đầu tư vào cổ
phiếu Enron. Nhưng thực chất mức doanh thu được công bố lại là kết quả của một loạt
các hoạt động gian lận trong kế toán, che giấu thua lỗ bằng nhiều thủ đoạn tinh vi của
các nhân vật chủ chốt ở Enron. Hành vi gian lận có lẽ vẫn sẽ tiếp diễn nếu như không
có những sự kiện lớn xảy ra đầu thế kỷ 20 như sự kiện vỡ bong bong công nghệ (hay
bong bóng dot-com), cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hay sự lớn mạnh gia tăng của các tổ
chức khủng bố,... là nguy cơ dẫn đến bất ổn định về kinh tế và góp phần châm ngòi cho
vụ phá sản lớn nhất lịch sử nước Mỹ lúc bấy giờ. Trong khi thị trường chứng khoán
đang có những dấu hiệu đi xuống, cấp lãnh đạo công ty lại phớt lờ những yếu tố không
thuận lợi trên cũng như các dấu hiệu cảnh báo khác, và bất ngờ đưa ra thông báo lỗ 618
triệu USD, giảm giá trị vốn cổ đông xuống 1,2 tỉ USD với lý do là để điều chỉnh những
sai sót kế toán trong quá khứ. Việc này có thể coi là việc khởi nguồn cho câu chuyện
sụp đổ chóng vánh của Enron, khi giá cổ phiếu đang trên đà giảm mạnh và châm bùng
lên các nghi vấn xung quanh tập đoàn này, khiến cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ và sau
đó là Bộ Tư pháp tiến hành điều tra hình sự.

13


2.2.3. Chi tiết các gian lận
Vậy bằng những thủ thuật nào mà Enron có thể qua mặt được giới đầu tư trong
một thời gian dài như vậy?

Đầu tiên, Enron đã thuê nhiều kế toán viên công chứng được cấp phép (CPA) và
các kế toán viên đã tham gia xây dựng quy tắc kế toán với Ban chuẩn mực Kế toán tài
chính (FASB) để tìm ra những cách thức mới tiết kiệm tiền cho công ty, bao gôm cả
việc tìm ra và tận dụng khai thác sơ hở trong Các nguyên tắc kế toán chấp nhận chung
(GAAP), là tiêu chuẩn trong ngành.
Trong ghi nhận doanh thu, người ta đã điều tra ra được rất nhiều thủ thuật mà
Enron đã sử dụng. Hầu hết có thể quy về việc ghi nhận doanh thu không đúng giữa bản
chất và hình thức của nghiệp vụ, ghi nhận doanh thu theo phương pháp Mark-tomarket và ghi nhận doanh thu chưa thực hiện. Thông thường các nhà cung cấp năng
lượng sử dụng mô hình đại lý, ở đó các giao dịch được thực hiện và doanh thu được
tính là mức chênh lệch trung gian. Thay vào đó, Enron lựa chọn mô hình thương nhân
để báo cáo toàn bộ giá trị của giao dịch là doanh thu. Cách thức này đem lại nhiều tích
cực trong kết quả kế toán, do vậy cũng dần được thông qua và áp dụng bởi các công ty
khác trong ngành kinh doanh năng lượng.
Phương pháp Mark-to-market hay hạch toán theo giá thị trường là phương pháp
đánh giá tài sản theo giá trị hợp lý, dựa trên mức giá của thị trường tại thời điểm hạch
toán thay vì giá gốc. Trong trường hợp của Enron, công ty sẽ xây dựng tài sản, và ngay
lập tức tuyên bố lợi nhuận dự kiến trên sổ sách của nó, dù trên thực tế chưa thu được
một đồng nào. Cụ thể như vào năm 2000 Enron kí một hợp đồng với hãng giải trí
Blockbuster Video để cung cấp dịch vụ giải trí. Sau khi thí điểm một vài dự án, Enron
lập tức công nhận lợi nhuận ước tính 110 triệu USD đạt được từ hợp đồng. Mặc dù dự
án dịch vụ giải trí thất bại, phía Blockbuster rút khỏi hợp đồng, Enron vẫn giữ nguyên
khoản lợi nhuận tương lai đã ghi nhận.
Việc sử dụng các công ty phục vụ mục đích đặc biệt (SPE) nhằm phóng đại
doanh thu, giấu những khoản nợ hay thua lỗ khỏi báo cáo tài chính cũng không còn lạ
với các doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng trường hợp doanh nghiệp khi sở hữu
bốn hay năm SPE đã được coi là vượt quá mức bình thường, trong khi Enron sở hữu
900 các SPE, đều được đặt ở các quốc gia có luật thuế và kế toán lỏng lẻo.
14



SPE (Special Purpose Entity) hay còn có tên khác là SPV (Special Purpose
Vehicle), được thành lập ra nhằm phục vụ một mục đích nhất định, trong một khoảng
thời gian có hạn. Về một vài mặt chúng cũng tương tự như các công ty con, nhưng SPE
là đối tượng nằm ngoài bảng cân đối kế toán của công ty mẹ, có thể dùng để đứng tên
tài sản, tách biệt các khoản tài sản hoặc khoản nợ, tách biệt rủi ro tài chính với công ty
mẹ. Chính vì vậy chúng có thể được lợi dụng để thổi phồng doanh thu và lợi nhuận.
Phổ biến nhất là các giao dịch bán tài sản từ Enron sang các SPE tạo một nguồn lợi
nhuận, tài sản này sẽ được SPE thế chấp vay tiền, tạo thêm một nguồn vốn, nhưng sau
tất cả Enron vẫn có quyền sử dụng tài sản đó. Các khoản lỗ khổng lồ từ việc ghi nhận
doanh thu không hợp lí cũng được chuyển giao sang các SPE, nên sổ sách kế toán của
Enron luôn thể hiện doanh thu vượt trội.
Dù gánh chịu những khoản lỗ lớn, nợ nhiều và rất ít vốn chủ sở hữu, các SPE
vẫn có thể hoạt động và tiếp tục vay ngân hàng. Đó có thể coi là một hình thức tín
chấp, khi các chủ nợ tin tưởng vào liên kết giữa SPE và tập đoàn Enron hùng mạnh.
Xét về khía cạnh luật kế toán thì việc lợi dụng SPE không hề vướng phải trở
ngại gì, vì theo quy định khi Enron chỉ sở hữu dưới 50% cổ phần của SPE, thông tin kế
toán của SPE sẽ độc lập, tức là những khỏa nợ nần thua lỗ sẽ không được phản ánh vào
báo cáo của Enron.
Quy định cũng chỉ rõ rằng trong tổng số cổ phần của SPE mà doanh nghiệp lập
ra, doanh nghiệp phải sở hữu ít nhất 3%, nếu ít hơn mức này doanh nghiệp sẽ buộc
phải hợp nhất SPE vào báo cáo tài chính của mình. Và điều đó đã xảy ra với Enron khi
khoản lỗ của các SPE vượt ra ngoài tầm kiểm soát trong thời điểm khủng hoảng nhiên
liệu năm 2000. Sự việc sau đó diễn ra như vòng lặp không thể kết thúc: những khoản
lỗ được báo cáo ra thị trường, giá cổ phiếu Enron giảm, dẫn đến tài sản của Enron đầu
tư vào SPE giảm, tiếp tục phải hợp nhất vào báo cáo tài chính của Enron, những khoản
nợ từ đó lần lượt được đưa ra ánh sáng...
Công ty kiểm toán của Enron, Arthur Andersen cũng chịu trách nhiệm lớn trong
vụ việc này. Arthur Andersen bị buộc tội áp dụng bừa bãi các chuẩn mực vào việc kiểm
toán, vì xung đột lợi ích do vừa thực hiện kiểm toán, vừa thực hiện công việc tư vấn và
được Enron chi trả khoản lệ phí đáng kể. Việc kiểm toán được cho là hoặc chỉ hoàn

15


thành để nhận lệ phí, hoặc thiếu kiến thức chuyên môn trong việc kiểm định chính xác
những ghi nhận doanh thu, những đơn vị đặc biệt,... Hành động tiêu hủy phần lớn tài
liệu liên quan đến việc kiểm toán cho Enron cũng bị coi là cản trở tới công cuộc điều
tra. Dù cáo buộc đối với Arthur Andersen sau này được gỡ bỏ, công ty thuộc Big Five
kiểm toán một thời này cũng phải đóng cửa hoạt động do mất uy tín và không còn
khách hàng.
Nói chung, Enron đã lợi dụng những lỗ hổng trong quy tắc chuẩn mực kế toán,
điều mà khó thể tránh khỏi khi thực hiện kế toán dựa trên lý thuyết chuẩn tắc. Do đó
việc phân tích xem xét lại thông tin kế toán dựa trên lý thuyết thực chứng là cần thiết
để tránh xảy ra những vụ việc như vậy. Theo quan điểm thực chứng, nhà nghiên cứu có
thể chỉ rõ những điều bất hợp lí trong quá trình làm việc của Enron, từ việc ghi nhận
doanh thu dự kiến cho đến tính pháp lý của các SPE, tính minh bạch trong việc mở
nhiều và thực hiện vô số những giao dịch với SPE, những giao dịch dù không mang lại
lợi ích kinh tế nhưng vẫn mang lại doanh thu cho Enron.
2.3. Bài học kinh nghiệm rút ra từ các trường hợp trên
Đối với chính phủ trong công tác quản lí nền kinh tế vĩ mô, không thể bàng
quan trước những biến động nhanh chóng của thị trường. Quan trọng nhất là việc nhận
định tình hình thị trường của những nhà hoạch định chính sách, cần dựa vào cơ sở lý
thuyết vững vàng để phân tích đánh giá, từ đó mới đưa ra được những chính sách đúng
đắn.
Đối với các công ty kiểm toán hoạt động độc lập, cần phải giữ vững lập trường
và tôn trọng giá trị nghề kiểm toán. Kiểm toán là dịch vụ có tầm quan trọng thiết yếu
đối với thị trường, là cơ sở bảo đảm độ tin cậy của thông tin tài chính. Vì vậy các công
ty phải tuân thủ các quy định và chuẩn mực để tránh bị chi phối bởi lợi ích. Ngoài ra
cũng phải kiểm soát tốt những thông tin kế toán thu nhận được, nhìn nhận các lỗ hổng
trong nguyên tắc thực hành kế toán để nâng cao chất lượng kiểm toán.
Trong doanh nghiệp, nhà quản trị cũng phải biết cách sử dụng thông tin kế toán

khi đưa ra các quyết định kinh doanh. Nhưng để tránh việc tư lợi cá nhân, rất cần thiết
có hội đồng quản trị và các tổ chức công đoàn để kiềm chế, kiểm soát lẫn nhau, tránh

16


tình hình lạm quyền, gian dối có tổ chức, đồng thời bảo vệ quyền lợi cổ đông và nhân
viên doanh nghiệp.
Sau những vụ bê bối như Lehman Brothers và Enron, các nhà đầu tư là những
người chịu hậu quả nặng nề nhất. Bài học cho nhà đầu tư là không thể sử dụng hình
ảnh và danh tiếng doanh nghiệp, thậm chí là báo cáo tài chính công khai làm cơ sở cho
quyết định đầu tư của mình. Họ cần phải có cái nhìn phản biện với thông tin kế toán,
tức là vận dụng kinh nghiệm cá nhân, vận dụng quan sát và phân tích thực tế để tỉnh
táo hơn khi tham gia vào một thị trường đầy rủi ro.
3. Thực trạng và để xuất trong việc áp dụng kế toán thực chứng ở Việt Nam
3.1. Thực trạng kế toán thực chứng ở Việt Nam
Qua kết quả cuộc khảo sát về hiểu biết chung của nhân viên doanh nghiệp về kế
toán thực chứng tại Việt Nam, có thể thấy, nhìn chung các doanh nghiệp hầu như chưa
tiếp cận với kế toán thực chứng.
Tại các doanh nghiệp được khảo sát, việc ghi nhận, xử lý thông tin kế toán và
lập báo cáo tài chính hoàn toàn dựa trên cơ sở luật pháp, cụ thể là chuẩn mực kế toán
hiện hành. Việc này do phòng ban kế toán (85%) hoặc do một cá nhân đảm nhiệm
(10%). Điều này bảo đám tính pháp lý của thông tin kế toán, cũng như đối tượng chịu
trách nhiệm cho chúng, tuy nhiên lại khiến quá trình thực hành kế toán mang tính chất
nội bộ, những thông tin công khai không phản ánh được đúng bản chất.
Đối tượng được khảo sát chủ yếu là kế toán viên, chiếm 60%, ngoài ra còn có
các chủ doanh nghiệp, các nhà quản lí, nhân viên các tổ chức tín dụng và sinh viên
kinh tế, tuy nhiên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Kết quả trả lời khảo sát giữa các nhóm đối tượng
cũng có sự khác nhau rõ rệt.
Đối với câu hỏi về quan điểm lý thuyết kế toán thiên về kế toán chuẩn tắc: “Lý

thuyết kế toán diễn giải cho chúng ta các quy định của khung nguyên tắc kế và các
chuẩn mực kế toán. Lý thuyết kế toán quy định các nghiệp vụ phát sinh thì cần phải
được ghi nhận và công bố như thế nào.”, nhóm nghiên cứu nhận được rất nhiều câu trả
lời đồng ý (85%), số còn lại không đưa ra ý kiến gì thêm.
17


Nhưng đối với quan điểm về lý thuyết kế toán thực chứng: ” Lý thuyết kế toán
giải thích và dự báo các hoạt động kế toán diễn ra hàng ngày trong thực tế. Cho chúng
ta cơ hội khám phá và giải thích những sự vật hiện tượng chưa từng xuất hiện hoặc đã
xuất hiện nhưng chúng ta chưa quan sát thấy trong thế giới tài chính và kế toán.” chỉ
nhận được 55% câu trả lời nhận được là đồng ý, và những câu trả lời này đều đến từ
đối tượng nhà quản lí hoặc chủ doanh nghiệp.
Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu thấy rằng lý thuyết kế toán thực chứng chưa
được biết đến và chấp nhận rộng rãi trong doanh nghiệp Việt Nam. Đối tượng quan tâm
chủ yếu là cấp lãnh đạo quản lí trong doanh nghiệp, và một số ít những kế toán – kiểm
toán viên cùng sinh viên đã có nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này. Khảo sát cũng đã
phản ánh được phần nào thực trạng kế toán ở Việt Nam hiện chỉ thiên về duy nhất lý
thuyết kế toán chuẩn tắc.
3.2. Đề xuất trong việc áp dụng kế toán thực chứng ở Việt Nam
Trước hết, để các doanh nghiệp tiếp cận được với lý thuyết kế toán thực chứng
thì cần phải có thêm nhiều những nhà nghiên cứu, đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Hiện nay, ở nước ta có rất ít những đề tài nghiên cứu về lý thuyết kế toán thực chứng.
Đây cũng là một trong những trở ngại khiến cho nó chưa được biết đến rộng rãi ở các
doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực có hiểu biết sâu
rộng trong lĩnh vực kế toán tài chính cũng là một vấn đề cấp thiết. Các trường đại học
trong khối ngành kinh tế cần đẩy mạnh việc giảng dạy, đưa lý thuyết kế toán thực
chứng gần gũi với sinh viên ngành kế toán tài chính hơn nữa. Thông qua các cuộc thi
sinh viên nghiên cứu khoa học, giúp sinh viên tiếp cận với lý thuyết kế toán này cũng
là một ý tưởng độc đáo.

Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực hành là cả một quá trình. Để lý thuyết kế toán
thực chứng được vận dụng một cách có hiệu quả tại các doanh nghiệp và thị trường tài
chính Việt Nam thì đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của bản thân doanh nghiệp, nhà đầu tư
mà còn cần sự phối hợp từ phía các cơ quan ban ngành, bộ tài chính. Các cấp lãnh đạo
cần phải có biện pháp đưa lý thuyết thực chứng vào sử dụng, biến chúng thành công cụ
kế toán kiểm toán để đảm bảo tính minh bạch của báo cáo tài chính ngay từ giai đoạn
18


đưa ra công bố. Đối với những doanh nghiệp đang hoạt động, nhất là doanh nghiệp có
dấu hiệu gian lận, chính phủ, các cơ quan kiểm toán và các bên liên quan cần tích cực
sử dụng lý thuyết thực chứng vào phân tích thông tin kế toán, để giảm nguy cơ xuất
hiện những vụ bê bối phá sản tốn kém sau này. Đó cũng là việc phải làm đối với những
sự kiện bê bối kinh tế đã từng xảy ra, là trách nhiệm của các cơ quan nghiên cứu để tạo
dựng được cơ sở phân tích thực nghiệm cho lý thuyết thực chứng tại Việt Nam.

19


KẾT LUẬN
Qua quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng lý thuyết về
kế toán thục chứng dù đã khá phát triển trên thế giới nhưng vẫn còn là vấn đề mới mẻ ở
Việt Nam. Công tác thực hành kế toán ở Việt Nam hiện nay vẫn đi theo hướng kế toán
chuẩn tắc theo quy định, vì tồn tại nhiều ưu điểm như hệ thống chuẩn mực rõ ràng cụ
thể, làm cơ sở thực hành cũng như đối chiếu nhanh chóng. Kế toán thực chứng thì
ngược lại, chỉ là cách thức sử dụng phân tích đánh giá thực tế trên thị trường, người sử
dụng kế toán thực chứng có rất ít hỗ trợ về mặt chuyên môn cũng như pháp lý, và kết
quả phân tích bằng kế toán thực chứng cũng chỉ được dùng với mục đích tham khảo.
Tuy vậy nếu được đưa vào sử dụng rộng rãi, kế toán thực chứng có thể là bước đi mới
trong công cuộc làm minh bạch thị trường tài chính. Vì các chuẩn mực kế toán từ trước

đến nay không được xây dựng trên thực tế kế toán, không lường trước được những
hành vì làm thay đổi căn bản kế toán như chuyển đổi doanh thu, lợi dụng cách thức ghi
nhận khác nhau, lạm dụng các thực thể kế toán,... nên việc sử dụng kế toán thực chứng
sẽ tránh được những rủi ro tiềm tàng này, tránh được các hậu quả khôn lường về sau.
Qua những phân tích và đề xuất đã nêu về lý thuyết kế toán thực chứng, nhóm nghiên
cứu hy vọng đã làm rõ được bản chất của trường phái lý thuyết này và cung cấp cho
các nhà quản lý, nhà đầu tư, kế toán – kiểm toán viên cũng như những ai quan tâm một
số thông tin vầ hiểu biết cần thiết, một tài liệu tham khảo để phát triển hoạt động ứng
dụng kế toán thực chứng ở nước ta.

20


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Anthony H. Catanach Jr. & Shelley Rhoades-Catanach, 2003, Enron: A Financial
Reporting Failure.
Arline Savage & Cynthia Miree, Financial Analysts and Enron: Asleep at the Wheel.
Bala G.Drahan & William R. Bufkins, Red Flags in Enron’s Reporting of Revemues and
Key Financial Measures.
Cernuşca Lucian & Dima Cristina, 2007, Fraud Case Analysis: Enron Corporation.
Vũ Hữu Đức, 2010, Những vấn đề cơ bản của lý thuyết kế toán, NXB Lao động.
Enron, 2000. Enron Annual Report.
Phan Lê Thành Long, 2010, Gian lận kế toán trong vụ phá sản của Lehman Brothers.
/>Phan Lê Thành Long, 2014, Kế toán thực chứng: Hướng đúng phát triển ngành kế toán
Việt

Nam,

/>
nganh-ke-toan-viet-nam/

McCullough Research, 2002, Deconstructing Enron’s Collapse.
Ts. Bùi Thị Thanh Tình, 2015, Bàn về kế toán thực chứng ở Việt Nam, Tạp chí nghiên
cứu

Tài

chính

kế

toán

Số

11

(148),

/>Đoàn Thị Thảo Uyên, 2009, Bài học và giải pháp nâng cao vai trò thông tin kế toán từ
cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, />Bùi Văn, 2004, Bài thảo luận: Câu chuyện Enron, Chương trình giảng dạy kinh tế
Fullbright.
Bài học mang tên Lehman Brothers, />
21


Bong bóng tài sản - Căn nguyên khủng hoảng (kỳ 1): Một số điển hình.
/>Chân

tướng


về

sự

sụp

đổ

của

Lehman

Brothers

.

/>Enron, />Enron Scandal, />Enron

Scandal:

The

Fall

of

a

Wall


Street

Darling,

/>History of Lehman Brothers. />Mark To Market – MTM, />Special

Purpose

Vehicle/

Special

Purpose

Entity

-

SPV/SPE

/>
22


PHỤ LỤC
PHIẾU ĐIỀU TRA VỀ LÝ THUYẾT KẾ TOÁN THỰC CHỨNG
TẠI VIỆT NAM
Chương III của nghiên cứu có sử dụng kết quả của mẫu khảo sát này để đánh giá về
tình hình hiểu biết và vận dụng lý thuyết kế toán thực chứng tại Việt Nam.
Câu hỏi

1. Vị trí công việc hiện tại của anh/chị tại
doanh nghiệp:
 Nhà quản lí
 Chủ doanh nghiệp
 Kế toán viên
 Nhân viên tổ chức tín dụng
 Khác.
2. Độ tuổi của anh chị là:
 25-30
 30-35
 35-45
 Khác.
3. Việc ghi nhận báo cáo tài chính tại
doanh nghiệp dựa trên cơ sở:
 Chuẩn mực
 Chế độ Luật hiện hành
 Ý kiến của kế toán viên
 Cơ sở chỉ đạo của ban lãnh đạo công
ty
 Khác.
4. Việc lập báo cáo tài chính tại doanh
nghiệp dựa trên cơ sở:
 Chuẩn mực, nguyên tắc, thông tư và
các quy định của Bộ Tài chính
 Các giả định được khảo sát
 Kết quả điều tra thực nghiệm, khảo sát
 Các nghiên cứu thực nghiệm
 Khác.
5. Tại doanh nghiệp anh/ chị, việc lập
báo cáo tài chính do:

 Phòng, ban kế toán riêng
 Do 1 người kiêm nhiệm
 Khác.
6. Anh/chị có đồng ý với ý kiến: “ Lý
thuyết kế toán giải thích và dự báo các

Kết quả

23


hoạt động kế toán diễn ra hàng ngày
trong thực tế. Cho chúng ta cơ hội khám
phá và giải thích những sự vật hiện tượng
chưa từng xuất hiện hoặc đã xuất hiện
nhưng chúng ta chưa quan sát thấy trong
thế giới tài chính và kế toán.”
 Đồng ý
 Không đồng ý
 Khác.
7. Anh/chị có đồng ý với ý kiến: “Lý
thuyết kế toán diễn giải cho chúng ta các
quy định của khung nguyên tắc kế và các
chuẩn mực kế toán. Lý thuyết kế toán
quy định các nghiệp vụ phát sinh thì cần
phải được ghi nhận và công bố như thế
nào.”
 Đồng ý
 Không đồng ý
 Khác.


24



×