Định canh định cư
và biến đổi kinh tế xã hội ở người Khmu Việt Nam
Nguyễn Văn Chính
Bộ môn Dân tộc học (1)
1. Nông nghiệp du canh và vấn đề định canh định cư
1.1. Có thể nói rằng nông nghiệp du canh là một đề tài khoa học truyền thống trong các
nghiên cứu nhân học. Lúc đầu, du canh du cư được xem như một loại hình canh tác nguyên
thuỷ, chủ yếu còn tồn tại ở các cư dân lạc hậu sinh sống trong các vùng núi xa xôi biệt lập.
Vào khoảng những năm 1960 trở đi, kinh tế du canh bắt đầu thu hút sự chú ý mạnh mẽ của
các nhà nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, không chỉ nhân học, nông nghiệp
và lâm nghiệp mà cả thổ nhưỡng, địa chất, môi trường, ngôn ngữ, lịch sử, v.v.. Đặc biệt, các
nhà hoạch định chính sách của các chính phủ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến tình trạng suy
thoái môi trường và tài nguyên rừng. Các nghiên cứu định hướng chính sách và hoạt động
thực tiễn đã dược khuyến khích ngày càng nhiều. Hậu quả là đã có nhiều công trình nghiên
cứu và xuất bản phẩm về chủ đề này. Tuy nhiên, có những quan điểm khác nhau, thậm chí đối
lập, về phương thức canh tác đặc biệt này. Các nhà quản lý thường có khuynh hướng xem
kinh tế du canh chỉ là một hình thức canh tác, một hoạ động kinh tế thuần tuý. Trên cơ sở
quan điểm này, người ta có khuynh hướng nhấn mạnh các khía cạnh “tàn phá môi trường” của
phương pháp phát đốt, và tính lạc hậu của cư dân sống về du canh với một ngụ ý rõ ràng rằng
giúp cho các cư dân này hiện đại hoá cuộc sống và cải thiện chất lượng môi trường là việc
làm cần thiết. Ngược lại, các nhà nhân học lại xem xét kinh tế nương rẫy như một loại hình
văn hoá trong đó lối sống và phương thức sản xuất có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tạo nên
một cấu trúc xã hội đặc thù và nó hoàn toàn thích ứng với môi trường sống trong điều kiện
lịch sử và xã hội riêng. Quan điểm kinh tế nương rẫy như một nền văn hoá thường dẫn các
nhà nhân học đến tranh luận rằng cần phải bảo vệ các nền văn hoá có bản sắc riêng của các
nhóm dân tộc sống biệt lập, và rằng “quyết định thay đổi lối sống của cư dân sống bằng kinh
tế nương rẫy là vội vàng và thiếu cơ sở” (UNESCO 1983, vol.1: tr.5).
Ở Việt Nam, vấn đề nương rẫy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát
triển miền núi của chính phủ, và là lĩnh vực nghiên cứu được ưu tiên của các viện dân tộc học,
nông nghiệp, lâm nghiệp và môi trường. Đã có hàng trăm bài viết và kỷ yếu hội thảo khoa học
về kinh tế nương rẫy được công bố trong khoảng vài thập kỷ qua. Tuy nhiên, đáng lưu ý là
phần lớn các nghiên cứu này thường đi đến những nhận xét khá giống nhau, rằng nông nghiệp
du canh là một hình thức canh tác nguyên thuỷ , và không thể chấp nhận một hình thức canh
tác lạc hậu và đời sống thấp kém như vậy tồn tại ở một đất nước đang đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong một nghiên cứu khá sớm về kinh tế nương rẫy, nhà nhân học hàng đầu Việt Nam, GS.
Đặng Nghiêm Vạn, trên cơ sở khảo sát kỹ thuật du canh trên đất dốc của nhiều nhóm tộc
người ở miền núi Việt Nam, đã phê phán ý kiến của các nhà nghiên cứu C. Sauer (1938) và G.
Condominas (1960) cho rằng canh tác nương rẫy là “một hình thức thích hợp trong những
điều kiện nhất định về dân số mà không phá hoại sự cân bằng đời sống của rừng” (Đặng
Nghiêm Vạn, 1975:11-12). Theo ông, nền kinh tế nương rẫy du canh có 5 đặc điểm chính: 1)
Sản xuất cá thể, phân tán, công cụ thô sơ, năng suất thấp và đời sống bấp bênh, phụ thuộc vào
thiên nhiên; 2) Phá hoại môi trường sống, trái với quy luật tự nhiên (phá rừng nuôi người); 3)
Nền kinh tế nhỏ bé, tự cấp tự túc; 4) Không cần học vấn, lao động nặng nhọc với sử dụng sức
người là chính; 5) Đời sống nghèo nàn lạc hâu, phong tục tập quán lỗi thời, đầy mê tín dị
1
TG xin chân thành cảm ơn các cộng sự Lê Mạnh Hùng, Vi Thị Lan Phương và Nguyễn Văn Toàn đã giúp đỡ
trong quá trình thu thập và phân tích thông tin để hoàn thành bài viết.
1
đoan. Kết luận rút ra từ những phân tích này là: Không có sự lựa chọn nào khác là phải từ bỏ
nền kinh tế nương rẫy nhỏ bé, nghèo nàn và lạc hậu để đi vào sản xuất tập thể và hiện đại của
chủ nghĩa xã hội.
Tiếp sau Đặng Nghiêm Vạn, nhiều mô tả dân tộc học về nông nghiệp du canh ở Việt
Nam đã được công bố (Xem, chẳng hạn Nguyễn Anh Ngọc 1981, 1989; Lê Duy Đại 1989; Bế
Viết Đẳng 1989; Bùi Minh Đạo 2000). Tuy nhiên, ngoài việc góp thêm những mô tả từng
trường hợp cụ thể, không thấy có nhận xét nào mới hơn được đưa ra. Quan điểm của Đặng
Nghiêm Vạn về kinh tế nương rẫy ở miền núi Việt Nam được xem như một định hướng cho
các phân tích khoa học về công tác định canh định cư. Bên cạnh các mô tả dân tộc học về
kinh tế nương rẫy, cũng đã có một số bài viết phân tích tác động của chính sách định canh
định cư lên đời sống các dân tộc (Trần Mạnh Cát 1975; Nguyễn Trúc Bình 1975; Nguyễn
Anh Ngọc 1983, 1986 & 1990; Trịnh Bá Bảo 1986; Cư Hoà Vần 1988). Tuy nhiên, các bài
viết này chủ yếu nhằm chứng minh cho sự đúng đắn và cần thiết phải thay đổi lối sống du
canh du cư. Còn thiếu những nghiên cứu thực nghiệm về ảnh hưởng và hậu quả của sự can
thiệp của nhà nước đối với đời sống và bản sắc văn hoá – xã hội ở các nhóm dân tộc.
1.2. Đối lập với quan điểm nhấn mạnh tầm quan trọng phải thay đổi lối sống của cư dân
nương rẫy phổ biến trong các học giả Việt Nam, các nhà nghiên cứu nước ngoài lại tiếp cận
chính sách phát triển ở vùng dân tộc thiểu số như là một cố gắng đồng hoá văn hoá tộc người
của nhà nước. Chẳng hạn, nhà nhân học Mỹ C. Keyes, sau khi xem xét chính sách phát triển ở
vùng các dân tộc thiểu số của các nước Đông Nam Á, đã đưa ra nhận xét rằng:
“Các tộc người thiểu số đã trở thành mục tiêu của những chính sách khá giống nhau là
tiêu diệt sự khác biệt trong bản sắc và lối sống riêng của họ”; và rằng:
“Chính sách của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đối với các dân tộc thiểu số
nói chung là chính sách đồng hoá dân tộc, giống như ở các nước Đông Nam Á khác”.
Theo tác giả này thì chính bản chất của nhà nước chứ không phải là sự khác biệt về tư tưởng
kinh tế và chính trị là cơ sở tạo ra chính sách đối với các dân tộc thiểu số mà các nhà nước ở
Đông Nam Á đang thực thi (Keyes, 1987:19).
Phương thức tiếp cận chính sách đối với các nhóm dân tộc thông qua mối quan hệ nhà
nước - tộc người của Keyes đã được Salemink cụ thể hoá và vận dụng triệt để vào nghiên cứu
chương trình định canh định cư ở Việt Nam. Nhà nghiên cứu này đã phân tích như sau:
Một nhà nước như Việt Nam, do lịch sử can thiệp của thực dân, lúc nào cũng bị ám ảnh bới
vấn đề chủ quyền, an ninh và thống nhất lãnh thổ, thì còn có thể làm được gì hơn ngoài việc
nhận thức vấn đề thông qua lăng kính quản lý, đồng thời dùng việc “cải thiện” phúc lợi của
công dân để đưa họ vào khuôn phép thông qua các sách lược khác nhau. Đối với những người
Thượng ở cao nguyên thì cũng vậy thôi. Họ phải được rèn dạy để trở thành những công dân
văn minh của nước Việt Nam, cần thiết phải làm cho họ quy phục sự giám sát và các phép tắc
của nhà nước. Chương trình để đạt được mục đích này ở vùng Tây Nguyên được gọi là Định
Canh Định Cư để thông qua đó, quản lý lối sống của người Thượng” (Salemink 2000:129).
1.3. Gần đây, một nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế nông nghiệp du canh truyền thống ở
miền núi Việt Nam đã được tiến hành bởi nhóm nghiên cứu của Trung tâm Đông Tây (ĐH
Hawai) và Trung tâm NC Môi trường (ĐHQG Hà Nội). Nghiên cứu của họ tập trung vào các
hệ thống canh tác cổ truyền và sự thích ứng với môi trường sống của các nhóm cư dân miền
núi (T. Rambo 1995; D. Donovan, T. Rambo, Lê Trọng Cúc et al., 1997; Trần Đức Viên
2003). Phát hiện của họ về khả năng thích ứng cao với môi trường sống của các nhóm cư dân
bản địa ở vùng núi Việt Nam đã dẫn đến ngụ ý chính sách trong đó có thể kết hợp giữa
phương thức canh tác nương rẫy cổ truyền với các phương thức sản xuất mới như lúa nước,
làm vườn, v.v., để tạo ra một mô hình phù hợp cho phát triển bền vững ở miền núi. Tuy nhiên,
bằng cách nhấn mạnh vào các hệ thống canh tác và mối liên hệ với môi trường, các nghiên
2
cứu của nhóm này thường bỏ qua bối cảnh văn hoá – chính trị cụ thể của mỗi tộc người và
quan hệ giữa các nhóm tộc người trong lịch sử, vốn được xem là một rào cản đáng kể có ảnh
hưởng đến quá trình phát triển ở khu vực này.2
Mặc dù nông nghiệp nương rẫy cổ truyền ở miền núi Việt Nam và chương trình định
canh định cư của chính phủ đã được quan tâm nghiên cứu nhiều trong thời gian qua. Tuy
nhiên, những nghiên cứu như vậy thường nặng về mô tả, có tính minh hoạ chính sách hoặc chỉ
tập trung vào những trường hợp đơn lẻ. Những nghiên cứu này đã không cố gắng đặt loại hình
canh tác nương rẫy vào trong một bối cảnh lịch sử và xã hội riêng biệt của các tộc người và
của khu vực để xem xét. Chưa có những nghiên cứu liên ngành trên một phạm vi rộng lớn
hơn nhằm giải quyết các vấn đề định hướng chính sách và mang lại nhận thức mới có tính lý
luận. Hơn nữa, cũng chưa có nhiều nỗ lực thực sự nhằm tìm hiểu một cách có hệ thống tác
động của chính sách định canh định cư và hệ thống canh tác nương rẫy vốn là một bộ phận
cấu thành của hệ thống kinh tế - xã hội truyền thống của nhiều tộc người ở miền núi Việt
Nam.
Trong bài viết nhỏ này, tôi sẽ cố gắng nhìn lại quá trình mấy thập kỷ thực hiện định
canh định cư ở người Kmhmu, một dân tộc nhỏ bé nói ngôn ngữ Môn – Khmer ở miền núi
Bắc Việt Nam. Tôi sẽ thử đối chiếu những duy lý của chính sách định canh định cư mà các
nhà hoạch định chính sách chờ đợi và những gì đã thực sự xảy ra ở cộng đồng cư dân này.
Những tài liệu thu thập được từ nghiên cứu của tôi cho thấy chương trình định canh định cư
của chính phủ ở người Kmhmu đã không diễn ra như mong đợi. Tuy nhiên, khác với một vài
nghiên cứu có khuynh hướng nghi ngờ chính sách định canh định cư như một nỗ lực đồng hoá
văn hoá các dân tộc thiểu số của chính phủ, tôi cho rằng mục đích chính của định canh định
cư trên thực tế chỉ là một nỗ lực nhằm cải thiện điều kiện sống của con người và chất lượng
môi trường để đạt được phát triển bền vững ở miền núi. Chia sẻ quan điểm với J. Scott
(1998), tôi thường xuyên đặt ra câu hỏi tại sao nhiều chương trình của nhà nước có mục đích
tốt đẹp là nhằm cải thiện điều kiện sống của con người lại chưa đạt được kết quả như mong
muốn? Bằng cách tập trung vào xem xét quá trình thực hiện định canh định cư và những đáp
ứng của người Kmhmu với chính sách này, tôi hy vọng sẽ góp thêm vào cuộc thảo luận về
kinh tế nương rẫy và chương trình định canh định cư một cách nhìn, từ đó có thể hiểu rõ hơn
về những khía cạnh còn ít được mô tả trong các nghiên cứu dân tộc học.
2. Tóm tắt về địa bàn nghiên cứu
Tổng điều tra dân số năm 1999 cho biết có khoảng 56,542 người Kmhmu đang sinh
sống trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm 28,542 nam và 28,136 nữ (GSO, 2001: 21). Địa bàn cư
trú của tộc người Kmhmu tập trung ở 6 tỉnh miền núi Tây Bắc của Việt Nam, chủ yếu là các
tỉnh có chung đường biên giới với các tỉnh Yunnan của Trung Quốc, Phongsaly, Hua Phan,
Xam Nua, Xieng Khuang và Buly Kham Xay của Lào. Ở Việt nam, có vẻ như lịch sử đã gắn
chặt người Kmhmu với người Thái vì hầu hết các bản làng của người Kmhmu thường xen kẽ
với các bản người Thái.
Bảng 2. Dân số Kmhmu phân theo tỉnh năm 1999
2
Chẳng hạn, nghiên cứu của Trần Đức Viên (2003) chỉ tập trung mô tả hệ thống canh tác ở của các cộng đồng
được lựa chọn (Tày Đà Bắc, Dao Đỏ Yên Bái và H’Mông Hà Giang) là những phân nhóm nhỏ của các dân tộc
Thái, Dao và H’Mông nhưng không xem xét quan hệ tộc người trong khu vực có ảnh hưởng thế nào đến khả
năng tiếp cận nguồn tài nguyên rừng và đất đai trong khu vực. Cần lưu ý một đặc điểm quan trọng trong lịch sử
quan hệ dân tộc ở miền núi Việt Nam là các nhóm dân tộc nhỏ thường bị đối xử phân biệt, bị xem là có thân
phận thấp kém và lệ thuộc vào các nhóm lớn hơn. Ví dụ, các nhóm Kmhmu, Khang, Xinh mun, La Ha, Cống,
Mảng, v.v. thường bị người Thái gọi là Xá (ngụ ý miệt thị) và họ không có quyền kiểm soát nguồn tài nguyên
mà phải xin phép chúa đất Thái và cống lao dịch cho họ.
3
Địa bàn cư trú
Dân số
(Tỉnh)
(người)
Lào Cai
2,822
Yên Bái
1,176
Lai Châu ((3)
14,894
Sơn La
9,950
Thanh Hoá
607
Nghệ An
27,014
Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2001.
Nữ
(người)
1,380
607
7,488
4,917
302
13,460
Tỷ lệ giới
(%)
104
96
99
102
109
106
Tỷ lệ dân số
Khmu
(%)
0.4
0.1
0.2
0.1
0.01
0.9
Đặc điểm nổi bật trong cư trú của người Kmhmu là họ không quần tụ thành các làng
đông đúc như những cư dân định canh trồng lúa nước láng giềng là Thái và Mường. Phần lớn
các làng của người Kmhmu chỉ có quy mô nhỏ, thường dưới 50 hộ. Người Kmhmu sống
trong các làng riêng nhưng mức độ xen kẽ với các nhóm dân tộc khác trên cùng một địa bàn
xã là hiện tượng phổ biến.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu 5 bản Kmhmu thuộc hai tỉnh
có dân số Kmhmu đông nhất Việt Nam là Nghệ An và Điện Biên (Lai Châu cũ). Ngoài các
điểm nghiên cứu ở hai tỉnh này, chúng tôi cũng đã đến thăm các bản Kmhmu ở xã Dồm Cang
huyện Sông Mã và xã Tà Hộc huyện Mai Sơn (Tỉnh Sơn La) để có một cái nhìn khái quát hơn
về tình hình hiện nay của người Kmhmu trên một địa bàn rộng lớn hơn.
Người Kmhmu ở Nghệ An chiếm 48% tổng dân số Kmhmu cả nước trong khi tỷ lệ
này ở Lai Châu là 26%.(4) Để điều tra sâu hơn về tác động của chương trình định canh định
cư và phát triển của nhà nước trong mấy thập kỷ qua ở người Kmhmu, chúng tôi đã chọn làng
làm đơn vị phân tích cơ bản. Tại Nghệ An, 3 làng Kmhmu được chọn nghiên cứu sâu là Huổi
Cụt ở xã Yên Na huyện Tương Dương, bản Bình Sơn và Huổi Nhu ở xã Tà Ka huyện Kỳ Sơn.
Ở Lai Châu (cũ), chúng tôi đã chọn bản Co Pục xã Thanh Nưa và bản Pú Tỉu xã Thanh
Xương thuộc huyện Điện Biên để khảo sát.
Ở Nghệ An, người Kmhmu chủ yếu tụ cư ở 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương. Một bộ
phận nhỏ người Kmhmu (1,883 người) cư trú ở huyện Quế Phong. Dưới đây (Bảng 3) là số
liệu về dân số Kmhmu ở 3 huyện được nghiên cứu.
Bảng 3. Dân số Kmhmu ở Kỳ Sơn, Tương Dương (Nghệ An) và Điện Biên (Lai Châu)
Tên huyện
Kỳ Sơn
Tương Dương
Điện Biên
Dân số Kmhu
(người)
20,810
6,464
5,524
Tỷ lệ dân số
của huyện (%)
38
5
5
Nguồn: 1) Kỳ Sơn và Tương Dương: Ban Định canh Định cư tỉnh Nghệ An, 2000
2) Điện Biên: Phòng Thống kê huyện Điện Biên, 2003.
3
Năm 2004 tỉnh Lai Châu cũ đã tách ra thành hai tỉnh Lai Châu (mới) và Điện Biên. Số liệu thống kê dùng trong
bảng này vẫn là của tỉnh Lai Châu (cũ), tức bao gồm cả 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu (mới).
4
Theo một báo cáo của tỉnh Nghệ An năm 2000 thì dân số Kmhmu ở Nghệ An là 29,273 người, chiếm 10,24%
dân số của tỉnh và 55% dân số Kmhmu cả nước. (Ban Định canh Định cư tỉnh Nghệ An, 6/2000). Con số sử
dụng ở đây được trích từ Tổng cục Thống kê, 2001.
4
Số liệu ở bảng 3 cho thấy người Kmhmu ở huyện Kỳ Sơn chiếm khoảng 37% dân số
Kmhmu trong cả nước và 70% dân số Kmhmu của tỉnh Nghệ An. Về thành phần tộc người
của dân cư trong huyện, người Hmong có dân số đông nhất, chiếm khoảng 38%, tiếp theo là
người Kmhmu có mặt ở 12 xã trong huyện với tỷ lệ dân số là 32%. Người Thái chiếm tỷ lệ
28% dân số của huyện trong khi chỉ có khoảng 2% dân số người Kinh và người Hoa (UBND
Kỳ Sơn, 2003). Ngược lại, ở huyện Tương Dương, người Kmhmu có mặt ở 9 xã nhưng chỉ
chiếm khoảng 10% dân số toàn huyện. Tương tự như 2 huyện của Nghệ An nói trên, huyện
Điện Biên (tỉnh Lai Châu cũ) cũng là nơi cư trú của nhiều tộc người, trong đó người Thái
chiếm đa số với khoảng 54%, sau đó là người Kinh 28%. Người Kmhmu chỉ chiếm khoảng
5% dân số toàn huyện.
Các huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) và Điện Biên đều có cửa khẩu đi sang Lào. Cửa khẩu
Nậm Cắn ở huyện Kỳ Sơn có chợ đường biên hoạt động tấp nập, là nơi giao lưu hàng hoá
giữa Noọng Hét (Lào) và Kỳ Sơn. Người Hmong và Kmhmu ở hai bên đường biên vẫn
thường qua lại thăm họ hàng, trao đổi hàng hoá, và thăm thú người thân. Quan hệ hôn nhân
giữa những người đồng tộc ở các làng biên giới của Lào và Việt Nam cũng là một hiện tượng
khá phổ biến. Ngược lại, ở Điện Biên, các hoạt động trao đổi thường ít diễn ra tại vùng cửa
khẩu Tây Trang nhưng những người Kmhmu ở Việt Nam vẫn thường xuyên vượt biên giới
sang Lào để thu hái lâm thổ sản và thăm người thân.
Cả 5 bản Kmhmu được nghiên cứu ở Nghệ An và Lai Châu đều là kết quả của quá
trình vận động định canh định cư lâu dài của chính phủ ở khu vực miền núi. Các bản này đều
được lập ra từ những năm 1970 đến 1980. Trong số các bản nói trên, bản Pú Tỉu huyện Điện
Biên không phải là một bản mới thành lập nhưng nó đã trải qua nhiều cuộc chuyển cư và chỉ
thực sự ổn định từ năm 1990 sau khi bản cũ được chia tách thành 2 bản mới. Ở các bản này,
nương rẫy vẫn là nguồn sống chính của cư dân.
Bảng 4. Đặc điểm kinh tế - xã hội các làng Khmu được nghiên cứu
Tên bản
Huổi Nhu (Kỳ Sơn)
Bình Sơn (Kỳ Sơn)
Huổi Cụt (T. Dương)
Co Pục (Điện Biên)
Pú Tỉu (Điện Biên)
Năm
lập bản
Tổng số
hộ gia
đình
1982
1974
1970
1970
1957
(1990)
43
59
59
51
30
Diện tích
lúa nước
(ha)
7
3
2.5
3.5
5.5
Diện tích
lúa nương
(ha)
54
122
40
10
11
Sản lượng lúa
bình quân
(kg/người/năm)
240
255
n.a
284
298
Nguồn: Số liệu thống kê 2003 – 2004 do UBND các xã Yên Na (Tương Dương), Tà Kạ (Kỳ
Sơn), Thanh Nưa và Thanh Xương (Điện Biên) cung cấp.
Một đặc điểm chung của cả 5 bản định cư được nghiên cứu là chúng đều được quy
hoạch ở những địa bàn gần các trục đường tiện lợi cho việc đi lại và giao lưu kinh tế. Bốn
trong số 5 bản được điều tra đã có điện lưới quốc gia. Bản Huổi Nhu ở Kỳ Sơn vẫn chưa có
điện lưới. Tại đây chỉ có vài gia đình có máy phát điện nước cỡ nhỏ chỉ vừa đủ để lấy điện
thắp sáng cho sinh hoạt cho gia đình vào mùa mưa.
3. Quan điểm duy lý về định canh định cư
“Nếu chúng ta cứ để tình trạng như lâu nay, và cứ tiếp tục chặt rừng trồng sắn, lúa đồi, thì độ
vài chục năm nữa, hầu hết miền núi của chúng ta sẽ trở thành đồi trọc hết. Đó là một bức tranh
rất đáng sợ. Chẳng những đất đai miền núi sẽ bị xói mòn, kiệt quệ, lâm thổ sản không còn gì
5
nữa, mà khí hậu toàn miền Bắc nước ta sẽ thay đổi hẳn theo chiều hướng tai hại không biết
đâu mà lường” (Lê Duẩn, 1965:361)
Phát biểu trên đây của người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó
cho thấy định canh định cư có ý nghĩa quan trọng thế nào trong chính sách dân tộc và miền
núi của nhà nước Việt nam. Tư tưởng này đã được cụ thể hoá bằng một hệ thống các chính
sách và biện pháp nhằm thay đổi phương thức sản xuất truyền thống của cư dân thực hành
nông nghiệp du canh ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Tính duy lý của chính sách này lần đầu
tiên được phân tích và trình bầy cụ thể trong Nghị quyết 38/CP của Hội đồng Chính phủ năm
1968 (Hội đồng Dân tộc, 2000:318-348), trong đó nhấn mạnh:
1. Du canh du cư là một phương thức sản xuất lạc hậu kìm giữ con người lệ thuộc
vào thiên nhiên và cuộc sống đói nghèo. Chấm dứt du canh du cư do đó là cách
duy nhất chấm dứt đói nghèo và lạc hậu ở miền núi.
2. Du canh du cư sẽ tàn phá rừng gây ra những tác hại tiêu cực lên môi trường. Để
bảo vệ rừng và môi trường, cần phải tổ chức lại sản xuất sản xuất nông nghiệp
bằng cách ổn định chỗ ở và sản xuất.
3. Định canh định cư ở miền núi phải kết hợp với hợp tác hoá nông nghiệp và bảo vệ
an ninh của đất nước.
Nghị quyết 38/CP của Chính phủ đã mang lại một cơ sở pháp lý và phương hướng
hành động cho một phong trào định canh định cư rầm rộ ở miền Bắc Việt Nam, và từ sau năm
1975, lại tiếp tục được mở rộng ra vùng Tây Nguyên ở phía Nam của đất nước. Trong khoảng
hơn ba thập kỷ qua, hàng trăm nghị quyết và thông tư của chính phủ trung ương, các bộ ngành
liên quan và của lãnh đạo các tỉnh đã được phát hành nhằm đẩy mạnh công tác định canh định
cư. Mặc dù nhiều nghị quyết và thông tư đã được các cấp lãnh đạo khác nhau làm ra nhưng về
cơ bản, các chính sách này đều nhấn mạnh định canh định cư phải đi liền với xây dựng lối
sống mới và nâng cao mức sống của người dân.
Trong những năm 1960 và 80, chương trình định canh định cư tập trung vào việc vận
động người dân gia nhập hợp tác xã nông nghiệp và làm ăn tập thể hoặc vào làm trong các
lâm nông trường của nhà nước. Mối quan tâm lớn nhất của chính phủ là làm thế nào để kiểm
soát được những người làm nương du canh vào trong hệ thống sản xuất định canh và định cư.
Người ta tin rằng chỉ có thông qua làm ăn tập thể dưới sự lãnh đạo của các hợp tác xã nông
nghiệp thì chương trình định canh định cư mới thành công, vì chỉ có sức mạnh của tập thể
mới xây dựng được hệ thống thuỷ lợi cung cấp nước tưới cho nông nghiệp, khai phá thêm
diện tích ruộng nước và ruộng bậc thang, và tạo ra cơ sở vật chất cho một cuộc sống mới
Từ năm 1990 trở đi, sau khi chế độ kinh tế tập thể bị thay thế bởi kinh tế định hướng
thị trường, các chương trình định canh định cư vẫn được tiếp tục nhưng không nặng về tuyên
truyền vận động như trước mà dựa vào các dự án đầu tư. Chính sách định canh định cư từ sau
1990 nhấn mạnh sự kết hợp với các chương trình trồng rừng (NQ 327/TTg/1992), phân bố lại
dân cư (NQ số 393/TTg/1992), phát triển kinh tế thị trường ở miền núi (NQ số 20/CP/1998),
xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã vùng sâu (CT 135/TTg/1998, và các chương trình xoá đói
giảm nghèo (NQ số 133/CP/1998). Trên cơ sở này, Bộ Nông nghiệp (NQ số 140) đã nêu rõ
những yêu cầu mới đối với một dự án định canh định cư trong đó nhấn mạnh các yếu tố sau:
1. Sản xuất nông nghiệp phải được tiến hành trên diện tích canh tác cố định
2. Người dân phải định cư lâu dài ở một nơi chốn nhất định
3. Đời sống của người định cư phải được đảm bảo chăm sóc y tế, giáo dục và có đủ
lương thực
4. Phần lớn thu nhập của hộ gia đình (80% hoặc cao hơn) có được từ nông nghiệp
định canh.
Dẫu vậy, có một vấn đề gần như không thay đổi, đó là chính sách định canh định cư
được xây dựng trên cơ sở áp đặt quan điểm của người làm chính sách, chủ yếu là suy kinh
nghiệm của những người sống ở đồng bằng, cho các nhóm cư dân du canh sống trên vùng núi
6
cao. Mô hình định canh định cư cũng được áp dụng cho mọi nhóm dân tộc, mọi hoàn cảnh và
điều kiện sống của họ bất chấp một thực tế là văn hoá và lối sống của các nhóm này rất đa
dạng và do đó, lờ đi một hệ thống kiến thức về sản xuất và sinh tồn ở miền núi mà các cư dân
này đã tích luỹ được từ đời này qua đời khác.5 Nhìn chung, mô hình định canh định cư trong
cả nước đều tập trung vào 5 lĩnh vực chủ yếu như sau:
1. Lập làng định cư và vận động các hộ gia đình hoặc các xóm nhỏ sống biệt lập trên
núi xuống định cư tập trung ở làng;
2. Khai phá ruộng nước, xây dựng hệ thống thuỷ lợi và các hồ chứa nước để cung cấp
nước tưới cho sản xuất nông nghiệp;
3. Giới thiệu các kỹ thuật và giống mới trong nông nghiệp kết hợp với các chương
trình trồng và bảo vệ rừng;
4. Cung cấp dịch vụ tín dụng trực tiếp đến các hợp tác xã và hộ nông dân;
5. Đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng như làm đường, trạm xá, trường học, chợ và hệ
thống cung cấp điện sinh hoạt.
Cùng với việc định canh định cư các nhóm dân tộc bản địa miền núi, nhiều kế hoạch
đầy tham vọng cũng được xây dựng nhằm phân bố lại dân cư và khai thác mọi tiềm năng của
miền núi trong đó di dân xây dựng vùng kinh tế mới ở miền núi là một trong những quyết
sách đó. Nghị quyết số 8/NQ/TW ban hành tháng 4 năm 1963 đã mở đầu cho dòng di dân
khổng lồ này. Giữa năm 1960 và 1975, khoảng 400,000 người dân từ các tỉnh đồng bằng phía
Bắc đã được di chuyển lên miền núi để xây dựng cuộc sống mới. Sau năm 1975, một dòng di
dân hàng triệu người từ các vùng đồng bằng và ven biển miền Bắc và miền Trung đã được
khuyến khích di chuyển lên Tây Nguyên, tạo ra một bức tranh tộc người mới ở miền núi Việt
Nam trong đó mức độ xen kẽ giữa người đa số và các nhóm dân thiểu số bản địa đã tăng lên
nhanh hơn bao giờ hết (Khổng Diễn 1995). Các nhà làm chính sách đã mong đợi chương trình
định canh định cư và di dân xây dựng vùng kinh tế mới sẽ mang lại một bộ mặt mới cho miền
núi Việt Nam.
4. Nông nghiệp du canh truyền thống
Cũng như nhiều nhóm cư dân nói ngôn ngữ Môn Khmer khác ở Việt Nam như Xinh
Mun, Kháng, Mảng, v.v., người Kmhmu được biết đến như là một cư dân sống về nương rẫy
(hre). Ở Nghệ An, người Thái gọi người Kmhmu là “Tày hạy” tức “người làm rẫy” trong khi
ở vùng núi Tây bắc, nhãn hiệu “Kha toong lưa”, nghĩa là người “Xá lá vàng”, được dùng để
chỉ người Kmhmu với ngụ ý rằng nhóm dân tộc này thường không định cư lâu dài ở một nơi.
Cho đến trước khi chương trình định canh định cư được chính thức phát động năm
1968, hầu hết các bản của người Kmhmu chưa biết đến kỹ thuật canh tác lúa nước. Thậm chí
sau khi định canh hàng chục năm, nhiều hộ gia đình Kmhmu vẫn sẵn sàng bỏ làng định cư có
nhiều ruộng nước để đến những nơi khác vẫn còn nhiều diện tích nương rẫy. Nỗi nhớ về nền
kinh tế cổ truyền dường như vẫn khắc khoải trong tâm hồn người Kmhmu đến mức nếu có
thời cơ là họ ngay lập tức quay trở lại phương thức sản xuất nương rẫy truyền thống. Hiện
tượng này cho thấy định canh định cư chưa có sức hấp dẫn đến mức có thể làm thay đổi lối
5
Cư dân sống về nương rẫy ở miền núi Bắc Việt Nam chủ yếu thuộc về 3 nhóm ngôn ngữ , bao gồm Môn –
Khmer, H’Mong – Dao, và Tạng Miến. Một bộ phận cư dân Tày – Thái cũng làm rẫy nhưng quan tâm của họ
trước hết là ruộng nước. Phương thức làm rẫy của 3 nhóm cư dân nói trên cũng khác nhau: nhóm Môn – Khmer
chủ yếu dùng gậy chọc lỗ trong khi nhóm H’Mong – Dao dùng cày - cuốc còn nhóm Tạng Miến có khuynh
hướng chuyển rẫy chờ mưa sang các loại ruộng bậc thang dùng cày. Một vài nhà nghiên cứu (McElwee 1999;
Bass & Morrison 1994) đã cố gắng phân loại các hình thức du canh ở miền núi Việt Nam nhưng không gắn với
nhóm tộc ngư ời.
7
sống cổ truyền của nhóm cư dân này, nhưng từ đây ta cũng có thể hiểu được sức sống mãnh
liệt của tập quán và của hệ thống tri thức gắn liền với nền kinh tế truyền thống.
Các nghiên cứu đã có về nền kinh tế cổ truyền của người Kmhmu đã góp phần làm
sáng tỏ hệ thống kiến thức đặc biệt của họ trong canh tác trên nương rẫy. Hầu như tất cả
những người đàn ông Kmhmu đều thành thạo những kinh nghiệm được truyền từ nhiều thế hệ
đi trước về kỹ thuật chọn đất làm nương, phát đốt, tra hạt, chăm sóc và bảo vệ nương như thế
nào. Người Kmhmu đã tạo ra một nông lịch đặc biệt thích hợp với hệ thống canh tác nương
rẫy vốn đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt về thời vụ (Đặng Nghiêm Vạn 1972:10). Lối canh
tác nương rẫy của người Kmhmu và các cư dân Mon-Khmer khác ở Tây Bắc Việt nam cũng
khác biệt rất căn bản với các cư dân làm rẫy thuộc nhóm Hmong-Dao. Sự khác biệt là ở chỗ
cư dân Môn-Khmer cố gắng dùng các công cụ đơn giản nhất có thể để tránh tác động nhiều
lên lớp đất bề mặt của rẫy đã phát trong khi người Hmong lại dùng cày để làm đất trên nương
dốc. So sánh hai phương pháp này, người ta thấy nương của người Hmông thường bị xói mòn
hoàn toàn chỉ sau vài vụ canh tác. Bên cạnh kỹ thuật phát đốt, tra hạt và thu hoạch theo hướng
duy trì sự bền vững của lớp đất bề mặt, trình độ làm rẫy của người Kmhmu còn được thể hiện
ở hai lĩnh vực sau đây: 1) Khả năng am hiểu đến tường tận tính chất của từng loại rừng, độ
dốc của rẫy, độ mầu mỡ của lớp mùn bề mặt để quyết định về thời gian canh tác và thời gian
bỏ hoá trong bao lâu thì thích hợp. Vì vậy người ta thường thấy rằng có những mảnh nương
người Kmhmu chỉ canh tác một đến hai vụ là bỏ hoá trong khi những mảnh nương khác thời
gian canh tác có thể kéo dài hơn. Tuỳ vào từng loại đất mà người ta có thể bỏ hoá từ 8 đến 10
năm hay lâu hơn nữa mới quay trở lại. 2) Trải qua hàng thế kỷ sống bằng nương rẫy, người
Kmhmu đã hiểu được rằng vấn đề tối quan trọng trong kỹ thuật canh tác trên nền đất dốc là
việc giữ cho lớp đất màu trên bề mặt không bị xói mòn nhanh. Vì vậy, họ luôn tính toán để
trồng những loại cây gì trên loại đất nào nào để một mặt thu được năng suất cao, tận dụng
được tối đa diện tích của rẫy nhưng không làm trôi lớp đất màu. Quan sát một mảnh nương
của người Kmhmu, chúng ta thường thấy trên cùng một diện tích nương, ngoài cây lúa còn
trồng xen các loại rau, cây cho củ hoặc cây ăn quả ngắn hoặc dài ngày. Một số nhà nghiên
cứu cho rằng cách làm này là biểu hiện của một nền kinh tế tự cấp trong đó một mảnh nương
có thể cung cấp mọi nhu cầu về lương thực và thực phẩm cho một hộ gia đình, đồng thời giúp
họ vớt vát được phần nào thu hoạch từ các loại cây trồng khác nếu vụ lúa bị thất bát (Đặng
Nghiêm Vạn 1975:10; Nguyễn Ngọc Thanh 1996: 78; Khổng Diễn 1999:91-92). Nhận xét
này là có cơ sở nhưng có lẽ lý do căn bản để người Kmhmu làm như vậy là có mục đích
chống lại sự xói mòn nhanh chóng của lớp đất mầu trên nương dốc trong suốt thời gian canh
tác. Nhiều người Kmhmu cũng không giải thích được cặn kẽ tại sao họ lại trồng xen canh
nhiều loại cây trên cùng một đám rẫy nhưng kinh nghiệm cho họ thấy cần phải làm như vậy
đám nương mới tốt.(6)
Các nhà làm chính sách định canh định cư có khuynh hướng cho rằng người trồng trọt
du canh thường không có ý niệm rõ ràng về sở hữu đất đai. Họ chỉ khai thác một mảnh đất
trong một khoảng thời gian vài vụ sau đó bỏ đi tìm một mảnh nương khác. Thực ra, quan
niệm như vậy không hẳn đúng trong trường hợp người Kmhmu.(7) Trên thực tế, các cư dân
6
Bao giờ trên nương của người Kmhmu cũng trồng thêm khoai sọ, củ mài, ngô, cây họ đậu, và các loại bầu bí,
cây đu đủ, chuối, mít, v.v.. Khoai sọ thường được trồng ở khu vực ở giữa rẫy, bí đỏ và các loại rau, đậu được
trồng ở xung quanh. Giống lúa cẩm thường được trồng trên đỉnh nương còn ngô và vừng thường trồng xen lẫn
với lúa. Người Kmhmu tin rằng lúa muốn sinh sôi nẩy nở tốt phải được tiếp sức bằng những tinh linh của khoai
sọ và bầu bí, vì thế trong nghi lễ cúng hồn lúa và rước lúa về nhà, người ta cũng rước cả khoai sọ và bầu bí
(Nguyễn Thị Thanh Nga, 1998: 68-77).
7
Cho đến trước cuộc cải cách dân chủ ở miền núi sau 1954, người Kmhmu không có quyền sở hữu với đất đai
mà họ canh tác. Ở địa vực sinh sống của họ, quyền sở hữu danh nghĩa thuộc về người Thái. Người Kmhmu có
nghĩa vụ cống nạp và làm lao dịch cho các chúa đất Thái ở địa phương để được làm rẫy trên đất rừng mà người
Thái cai quản. Thậm chí chủ đất người Thái còn có quyền sang nhượng cả bản Khmu cho chủ khác (Đặng
Nghiêm Vạn 1972: 83; Viện Dân tộc học 1999: 33).
8
làm rẫy Môn – Khmer trong đó có người Kmhmu thường không khai thác đến cạn kiệt một
mảnh nương mà họ thường bỏ hoá trước khi bị xói mòn hoàn toàn với hy vọng sau một thời
gian đủ lâu cho đất và rừng hồi phục, họ sẽ quay trở lại. Vì thế, Đặng Nghiêm Vạn (1975: 720) cho rằng nương rẫy thực chất là một mảnh đất được canh tác không liên tục nhưng đó
không phải là một mảnh đất trồng trọt vĩnh viễn. Hình thức canh tác theo lối quảng canh của
cư dân nương rẫy rõ ràng đòi hỏi một không gian sinh tồn rộng lớn để có thể quay vòng một
chu kỳ sử dụng nương tái sinh.(8) Có thể coi đây như một dạng kiến thức bản địa đặc biệt có ý
nghĩa nhằm duy trì sự ổn định của môi trường sống và tính bền vững của nền nông nghiệp
trong điều kiện mật độ dân số ở mức cho phép. Phát hiện này là bằng chứng phản bác lại quan
điểm cho rằng phương pháp phát đốt là một hình thức tàn phá rừng và làm cạn kiệt môi
trường sống vẫn tồn tại lâu nay trong giới làm chính sách định canh định cư.
Cùng với kỹ thuật xen canh, gối vụ và quay vòng đất để bảo tồn môi trường sống,
người Kmhmu còn có một tập quán khác thường được nhắc đến trong các nghiên cứu về kinh
tế nương rẫy của người Kmhmu là luật tục ngăn cấm việc phát rẫy ở các khu vực rừng đầu
nguồn hoặc rừng cấm (Khổng Diễn 1998:17). Người ta tin rằng nếu phát rẫy ở những khu vực
này, họ sẽ bị thần linh trừng phạt. Kiến thức cổ truyền này có mầu sắc của niềm tin tôn giáo
nhưng rõ ràng họ đã biết một cách chắc chắn phá rừng đầu nguồn đồng nghĩa với việc triệt
tiêu nguồn sống của chính mình.
Nền kinh tế nương rẫy cổ truyền của người Kmhmu có những mối quan hệ chặt chẽ
với hệ thống tổ chức xã hội của họ. Làng (cung) là đơn vị xã hội tự quản của người Kmhmu
dưới sự lãnh đạo của một người trưởng làng gọi là khun cung. Không thấy bộ máy lãnh đạo
của làng được tổ chức thành một Hội đồng như làng của các nhóm dân tộc định cư trồng lúa
nước. Cũng không thấy có các tổ chức xã hội cao hơn đơn vị cung, chẳng hạn như mường của
người Thái. Tuy nhiên, do đặc điểm kinh tế nương rẫy nên làng của người Kmhmu thường rất
nhỏ. Một làng quy mô trung bình thường bao gồm khoảng 30 đến 50 nóc nhà. Nếu số hộ tăng
lên nhiều hơn nữa thì việc tách làng là khó tránh khỏi.
Mặc dù cung là một đơn vị cư trú được xây dựng trên cơ sở quan hệ láng giềng trong
đó một số dòng họ khác nhau cùng cư trú trong một cung nhưng nói chung, những người anh
em thân thích thường có khuynh hướng thích được tụ cư cùng nhau. Đặc điểm này có lẽ xuất
phát từ một thực tế cần sự giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất. Phát nương làm rẫy được
xem là một loại hình lao động đặc biệt nặng nhọc nhưng lại phải tuân thủ nghiêm ngặt về thời
vụ. Vào mùa vụ phát - đốt, dọn rẫy và thu hoạch, các hộ gia đình cần nhiều lao động tập
trung. Chính vì vậy mà người ta thấy hình thức đổi công của các hộ trong làm nương rất phổ
biến ở người Kmhmu.(9) Mặt khác, do đặc điểm du canh, người ta phải bỏ hoá các mảnh rẫy
sau vài vụ canh tác để tìm mảnh rẫy mới nên việc di chuyển chỗ ở khi mảnh rẫy mới ở quá xa
làng là điều khó tránh khỏi. Trong trường hợp rẫy chưa quá xa làng, người ta làm các lều tạm
ngay trên rẫy và ở lại đây trong một khoảng thời gian nhất định trong năm để sản xuất và bảo
vệ mùa màng khỏi phá hoại của chim chóc và thú rừng. Khi rẫy đã quá xa thì người ta sẽ
chuyển nhà đến gần nơi làm rẫy. Tính chất của hệ thống sản xuất này làm cho cái làng của
người Kmhmu không được tổ chức chặt chẽ và có quy mô lớn như ở các cư dân nông nghiệp
định cư khác.
4. Làng định cư
8
Các nhà nghiên cứu cho biết nền kinh tế nương rẫy du canh truyền thống chỉ có thể duy trì ở mật độ dân số
dưới 40 người/km2 (Donovan, D., T. Rambo et al. 1997:25). Không có tỉnh miền núi nào ở Việt Nam hiện này
có mật độ dân số thấp hơn 50 người/km2.
9
Đặng Nghiêm Vạn (1975) ước lượng một hộ gia đình có quy mô trung bình (5 – 7 người) chỉ có thể đảm bảo
sản xuất được một diện tích rẫy khoảng 1 hecta/năm với năng suất lúa bấp bênh từ 600 đến 1,200 kg/ha/năm.
Với thu nhập bình quân trên 100 kg thóc/người/năm thì cùng lắm cũng chỉ đủ lương thực cho hộ gia đình trong
vài tháng.
9
Theo truyền thống, người Kmhmu làm nương rẫy sống phân tán theo những khe suối
hoặc sườn đồi khá biệt lập với bên ngoài, và nơi cư trú của họ chỉ có tính tạm thời trong một
thời gian nhất định. Khi nương rẫy đã quá xa nơi cư trú thì họ lại chuyển nhà. Vì vậy, trọng
tâm của chính sách định canh định cư ở vùng người Kmhmu là vận động các hộ gia đình sống
phân tán chuyển về các địa điểm đã quy hoạch để lập các làng tập trung có quy mô từ 30 đến
70 hộ gia đình (10). Trên thực tế, đây là cuộc vận động lâu dài và kiên trì nhất mà chính quyền
các địa phương đã và vẫn đang làm ở miền núi Việt Nam đối với các nhóm tộc người du canh
cư trú phân tán và biệt lập. Mục đích của việc lập làng định cư là để tổ chức lại sản xuất và
thay đổi phong tục tập quán, cách suy nghĩ, lề lối sinh hoạt được coi là “lạc hậu” của người du
canh. Đây cũng được xem là biện pháp có hiệu quả nhất của để kiểm soát tình trạng phát rừng
làm rẫy.
Kết quả điều tra tại năm bản Kmhmu ở hai tỉnh Nghệ An và Lai Châu cho thấy hình
thức các làng định cư được hình thành vào khoảng những năm 1970, chỉ hai năm sau khi
chính sách định canh định cư được phát động. Chẳng hạn, làng Co Pục ở Điện Biên và làng
Huổi Cụt ở Tương Dương đã được thành lập sớm nhất vào năm 1970. Tiếp theo là các làng
Bình Sơn (1974) và Huổi Nhu (1982). Trường hợp bản Pú Tỉu ở Điện Biên dường như là một
ngoại lệ. Bản này đã phải di chuyển quá nhiều trong thời gian Pháp chiếm đóng Điện Biên
nên ngay sau khi vùng đất này được giải phóng, bộ đội địa phương đã vận động người
Kmhmu trở về làng cũ và chuyển làng xuống vùng thấp từ năm 1957.
Cả năm làng Kmhmu nói trên đều được lập ra trên cơ sở một bộ phận cư dân của một làng
gốc, sau đó các hộ nhỏ lẻ được vận động để về làng định cư vào các thời gian khác nhau. Quá
trình hình thành các làng định cư này tóm tắt như sau:
•
•
•
Bản Pú Tỉu (Điện Biên) vốn là một bản nhỏ định cư ở trên núi, cách địa điểm hiện nay khoảng
5 km. Trước khi xuống núi định cư, bản này có hai cụm dân cư: Cụm thứ nhất có 2 hộ và cụm
thứ hai gồm 8 hộ gia đình. Hai cụm ở cách xa nhau khoảng 4 km. Sau khi làm chủ Điện Biên
Phủ, chính quyền địa phương và bộ đội đã vận động các hộ này di chuyển xuống địa điểm ở
dưới chân núi bên lòng chảo Điện Biên để làm ruộng nước. Trong khoảng thời gian từ 1958
đến 1979, một số hộ ở rải rác trên núi cao cũng được vận động chuyển xuống định cư ở Pú
Tỉu. Vào năm 1990, bản Pú Tỉu đã có tới 90 hộ gia đình Khmu cùng chung sống. Cũng trong
năm này, sau một trận hoả hoạn thiêu rụi cả bản, dân bản đề nghị tách bản lớn thành 2 bản nhỏ
để tiện quản lý. Bản mới cũng ở liền kề bản cũ và cho đến nay đã có 30 hộ gia đình chuyển
đến.
Bản Cò Pục (Điện Biên) được hình thành trên cơ sở nhiều nhóm hộ gia đình rải rác ở các địa
điểm khác nhau. Cốt lõi của bản này là bảy hộ gia đình sinh sống ở khu vực Nặm Khảu Hú.
Năm 1970, chính quyền huyện Điện Biên đã vận động 7 hộ này xuống núi lập bản định cư ở
địa điểm được quy hoạch là bản Co Pục hiện nay. Vì muốn quay trở lại làm rẫy nên 7 hộ này
chỉ làm nhà tạm ở Co Pục và không rời hẳn khỏi bản cũ. Năm 1971, lại thêm mười một hộ gia
đình từ các bản Nà Lơi và Hua Pe cũng được vận động đến định cư ở Co Pục. Năm 1980 một
số hộ khác từ bản Long Gia tự động xin chuyển đến Co Pục định cư với nguyện vọng được kết
hợp ruộng nước với làm nương vì ở Long Gia chỉ có ruộng nước. Quy mô của bản Co Pục đã
lên đến trên 60 hộ vào năm 1980. Tuy nhiên vào năm 1986, mười hộ ở bản Co Pục đã tự động
bỏ lại nhà cửa để di chuyển sang Huổi Lai ở Lào. Một năm sau lại thêm một số hộ khác
chuyển cư sang Huổi Lai. Cái tên Huổi Lái không xa lạ với nhiều người ở Co Pục vì một số hộ
ở đây đã từng sang làm rẫy ở Huổi Lai trong những năm 1952-55. Đến tận năm 1990, vẫn có
bốn hộ khác lại chuyển từ Co Pục sang Huổi Lái với lý do họ không có đất làm rẫy. Hiện nay
những người dân ở Co Pục vẫn thỉnh thoảng sang Huổi Lái bên Lào để thăm bà con của mình.
Bản Huồi Cụt ở Tương Dương trước 1945 là một bản nhỏ gồm 14 hộ gia đình thuộc về 4 dòng
họ khác nhau sinh sống ở đầu Khe Cụt. Năm 1970, chính quyền địa phương vận động các hộ
10
Phỏng vấn với ông Moong Văn Nghệ, một người Kmhmu ở Kỳ Sơn. Ông đã từng kinh qua các cương vị lãnh
đạo từ xã đến huyện và tỉnh từ những năm vận động định canh định cư ở làng 1970 đến nay. Ông trở thành
huyện uỷ viên năm 1982 và chủ tịch huyện Kỳ Sơn năm 1991. Hiện nay là Phó Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.
10
•
•
này xuống định cư ở gần đường giao thông để tiện đi lại và quản lý. Đây vốn là một địa bàn
cư trú cũ của người Thái, địa hình thấp, có thể mở rộng diện tích ruộng nước. Sau mười năm
vận động định cư ở Huổi Cụt, bản này mới chỉ có 20 hộ gia đình vào năm 1980. Sau này một
số hộ khác ở nhiều bản Kmhmu khác nhau lần lượt đến định cư ở Huổi Cụt. Một số trong các
hộ này tự nguyện đến Huồi Cụt để được ở gần anh em họ hàng, số còn lại đến đây theo sự vận
động của chính quyền địa phương. Hiện nay (2005), bản Huổi Cụt đã có 59 hộ gia đình
Kmhmu cùng sinh sống.
Bản Huổi Nhu (Na Nhu) được lập ra vào năm 1982 bao gồm 14 hộ gia đình tập hợp từ nhiều
bản khác như Cò Mỳ, Huổi Hiên, Mường Típ và Tà Cạ. Người trưởng làng đầu tiên là Pha
Phò Thò. Ông là một người Kmhmu sớm giác ngộ cách mạng và có uy tín trong cộng đồng
Kmhmu ở Nghệ An.(11) Đến nay bản Na Nhu đã có 43 hộ gia đình. Từ tháng 2/2005, UBND
tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch mới cho phép bản Huổi Nhu được di chuyển ra định cư
ven đường 7B để gần đường giao thông. Hai mươi ba hộ đã chuyển đến nơi ở mới nhưng vẫn
sản xuất trên những mảnh ruộng và rẫy ở bản cũ.
Bản Bình Sơn được hình thành trên cơ sở hợp nhất các hộ gia đình của 3 bản cũ là Cà Nhăn
lớn, Cà Nhăn bé và Huổi Phôi. Sau năm 1985, số hộ gia đình tăng lên nhanh chóng và nó lại
được chia ra thành 3 bản nhỏ là Bình Sơn 1, Bình Sơn 2 và Nhãn Cù. Năm 1996 chính quyền
huyện Kỳ Sơn đã lập quy hoạch khu dân cư mới và chuyển bản Bình Sơn 1 ra khu vực ven
đường 7 để mở rộng diện tích đất canh tác và tiện đi lại. Có vẻ như cả hai bản Huổi Nhu và
Bình Sơn đều chưa tìm được nơi định cư ổn định cuối cùng vì chính quyền địa phương vẫn
còn đang quy hoạch các địa điểm định cư mới theo hướng đưa các bản ra gần đường giao
thông. Một khi các bản này quá xa rẫy thì việc ổn định cư dân ở nơi ở mới không hề dễ dàng.
Những thông tin tóm tắt trình bày ở trên cho thấy tất cả các làng định cư của người Kmhmu
đều được hình thành trên cơ sở tập hợp các hộ gia đình cá thể hay nhóm hộ biệt lập. Mô hình
cư trú truyền thống nhỏ lẻ phân tán đã hoàn toàn bị bãi bỏ. Sau ba bốn thập kỷ sống trong các
làng định cư, một số hộ gia đình Kmhmu đã và đang dần thích ứng với lối sống mới. Các ngôi
nhà dựng trên nền đất thay cho nhà sàn truyền thống, và những mảnh vườn trồng rau và cây
ăn quả giống như ở nhiều làng vùng đồng bằng xuất hiện ngày một nhiều. Tuy nhiên, những
người già vẫn luôn trăn trở với ý nghĩ rằng tổ tiên sẽ không thể trở về với con cháu vì ngôi
nhà trên nền đất không có chỗ cho những chiếc bếp lửa cổ truyền là nơi linh thiêng dành cho
các vị tổ tiên. Rõ ràng những ngôi làng định cư một đã phá vỡ các cộng đồng cư trú truyền
thống cùng với những ràng buộc của tập quán, nghi lễ, đạo đức, lịch sử, và cả những truyền
thuyết về cội nguònm của tộc người.
5. Tập thể hoá, hợp tác xã và kinh tế lúa nước
Cuộc cải cách dân chủ ở miền núi Nghệ An được phát động vào đầu năm 1956 nhằm
đánh đổ tầng lớp địa chủ và mang lại ruộng đất cho nông dân. Tuy nhiên, mục đích kêu gọi
nhân dân hạ bệ những người đứng đầu các bản Kmhmu và H’Mông không gặt hái được thành
công. Những người này do hoảng sợ bị trừng trị đã bỏ làng chạy trốn vào rừng, dẫn đến việc
chính phủ trung ương phải cử cán bộ đến xem xét tình hình và sửa sai (Huyện uỷ Kỳ Sơn
1995). Đoàn cải cách sửa sai đã xác định rằng phần lớn những người đứng đầu các bản
Kmhmu chỉ là những tay sai của các chủ đất người Thái, bản thân họ cũng bị bóc lột. Chính
sự thay đổi quan điểm này đã giành được sự ủng hộ của người dân và những người đứng đầu
các làng, tạo điều kiện cho sự can thiệp ngày càng sâu hơn của nhà nước vào đời sống của
cộng đồng các dân tộc địa phương.
Tháng 10 năm 1959, huyện Tương Dương thành lập các chi bộ để lãnh đạo các xã
vùng cao gồm Mỹ Lý, Keng Đu, Na Ngoi, Tà Kạ, Bảo Nam và Mường Lống. Hội nghị các
11
Pha Phò Thò là huyện uỷ viên và một trong những lãnh đạo quân sự của huyện Kỳ Sơn trong những năm từ
1982 đến 1988. Ông là đại biểu của người Kmhmu tại Quốc hội khoá 7.
11
nhân vật có ảnh hưởng trong các dân tộc Khmu và H’Mong cũng được tổ chức nhằm giành
được sự ủng hộ của họ cho công cuộc cải cách kinh tế và xã hội ở miền núi Nghệ An. Năm
1961, huyện Tương Dương (cũ) được tách ra thành hai huyện là Tương Dương và Kỳ Sơn để
đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng CS đối với các dân tộc ở hai huyện miền núi này
(Huyện Uỷ Kỳ Sơn 1995: 340-45).
Ở Lai Châu (cũ), chiến thắng Điện Biên phủ 1954 đã mang lại hoà bình cho các dân
tộc vùng Tây Bắc sau nhiều năm bị biến thành một trong các chiến trường ác liệt nhất. Ngay
sau đó, năm 1955 Khu tự trị Tây Bắc được thành lập đã trực tiếp lãnh đạo cải cách dân chủ và
khôi phục sản xuất đối với các dân tộc ít người ở khu vực này. Bên cạnh việc xúc tiến thành
lập các chi bộ của ĐCS ở cấp xã, một đội ngũ cán bộ cốt cán người dân tộc cũng được thành
lập để đảm nhiệm công cuộc vận động dân chủ ở các dân tộc ít người (Ban NCLSĐ Lai Châu
1980:66-70).
Tháng 4/1959 Đảng CSVN ra nghị quyết về cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền núi bằng
cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp, phát triển sản xuất và hoàn thành cải cách dân chủ.
Thực hiện chủ trương này, từ năm 1959 đến 1963, Lai Châu đã vận động được 53% số hộ
tham gia hợp tác xã nông nghiệp (Ban NCLSĐ Lai Châu 1980:66). Ở Tương Dương và Kỳ
Sơn (Nghệ An), đến năm 1961 đã có 37 hợp tác xã nông nghiệp ở vùng các dân tộc ít người
được thành lập. Cũng trong năm này, 547 hộ trong tổng số 867 hộ gia đình người Kmhmu ở
Nghệ An (63%) đã được vận động tham gia hợp tác xã nông nghiệp và các tổ đổi công
(Huyện uỷ Kỳ Sơn 1995:344). Cho đến đầu những năm 1970, phần lớn các hộ Kmhmu ở cả
Lai Châu và Nghệ An đều đã vào các tổ đổi công và hợp tác xã. Cùng với việc thành lập các
làng định cư, việc đưa các hộ gia đình Kmhmu sống phân tán và chuyên làm rẫy vào hợp tác
xã là bước thành công đầu tiên của chính phủ trong chiến lược thay đổi lối sống và tập quán
sản xuất của họ.
Một trong những mục tiêu trọng yếu của chương trình định canh định cư là giảm dần
phát đốt rừng làm rẫy và mở rộng diện tích ruộng nước để ngăn chặn nạn phá rừng và nâng
cao sản lượng lương thực. Bắt đầu từ những năm 1962 – 63, chính quyền các huyện Kỳ Sơn,
Tương Dương và Điện Biên đã phát động các chiến dịch khai hoang phục hoá những vùng đất
có khả năng trồng trọt lúa nước. Trong khi ở các bản người Thái, diện tích ruộng nước đã
được mở mang thêm thì ở các bản người Kmhmu, đồng bào vẫn tiếp tục làm rẫy. Sự khác biệt
căn bản so với trước là thay vì làm ăn riêng lẻ từng hộ gia đình cá thể thì giờ đây, các hộ
Kmhmu bắt đầu làm ăn chung theo sự chỉ đạo thống nhất của lãnh đạo hợp tác xã hoặc tổ đổi
công. Lao động được huy động làm việc theo giờ giấc và được tính công để đến vụ thu hoạch
được chia sản phẩm theo số ngày lao động trong cả vụ. Thông qua hợp tác xã, các cán bộ kỹ
thuật đã hướng dẫn cho người Kmhmu biết cách sử dụng công cụ mới là liềm để cắt lúa thay
cho cái hái (hép) cắt từng bông lúa một như trước kia. Một vài loại giống mới đã được đưa
vào sản xuất như cây bông, đậu tương, mía, v.v. Việc thu hái lâm thổ sản như nấm hương,
mộc nhĩ, mật ong, cây dược liệu cũng được hợp tác xã tổ chức. Ở một vài bản Kmhmu ở
Nghệ An như Xốp Tụ, nuôi cây cánh kiến cũng được tập thể khuyến khích.
Khai phá ruộng nước, làm các công trình thuỷ lợi (đắp đập giữ nước, đào mương dẫn
nước), mở rộng diện tích trồng ngô, đậu và rau các loại chỉ được đẩy mạnh ở các bản Kmhmu
trong khoảng thời gian từ 1965 trở đi. Cho đến trước khi các hợp tác xã tan rã vào giữa những
năm 1980, diện tích ruộng nước khai phá được ở các bản Huổi Cụt, Huổi Nhu, Bình Sơn, Co
Pục và Pú Tỉu chỉ ở khoảng 1,5 đến 3 hecta mỗi bản. Số ruộng này dĩ nhiên không đủ để cung
cấp lương thực cho dân số của các bản. Mặt khác, năng suất lúa nước ở các bản Kmhmu
không cao hơn lúa nương nhiều do họ không nắm được các kỹ thuật sản xuất lúa nước. Nhiều
hướng dẫn viên người Thái và Kinh được cử đến các bản Kmhmu để hướng dẫn kỹ thuật làm
ruộng nước nhưng sự tiến bộ rất chậm chạp. Do đó, nguồn lương thực chính của người
Kmhmu vẫn được sản xuất từ các nương trên đất dốc. Rõ ràng ruộng nước được các hợp tác
xã xem là phương thức sản xuất chủ yếu cung cấp lương thực cho nhân dân nhưng với hầu hết
12
người Kmhmu được hỏi ý kiến, ruộng nước không phải là sự mong đợi của họ.(12) Vì vậy, dù
có cố gắng thì các hợp tác xã cũng không thể tiến xa hơn trong việc biến ruộng nước thành
loại hình sản xuất lương thực chính cho các làng định cư Kmhmu. Câu hỏi có thể được nêu
lên là tại sao nỗ lực phát triển loại hình ruộng nước ở người Kmhmu dưới thời hợp tác xã
không đạt được kết quả như trông đợi? Chúng tôi đã tổng hợp được 4 loại ý kiến từ nhiều
cuộc phỏng vấn với các cán bộ và người dân địa phương liên quan đến vấn đề này như sau:
1. Khai phá ruộng nước đòi hỏi sự đầu tư lớn về lao động và kinh phí, đồng thời phải
kiên trì trong nhiều năm nhưng lại dễ bị thiên nhiên miền núi (mưa lũ) tàn phá chỉ
trong khoảnh khắc. Các hợp tác xã nhỏ bé không thể đủ sức để thực hiện công việc
vượt quá khả năng của họ.(13)
2. Kỹ thuật trồng lúa nước (từ làm đất, gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch) không
chỉ đòi hỏi đầu tư lớn mà còn trình độ thâm canh rất cao trong khi người Khmu
chưa từng biết đến kỹ thuật này cho đến khi các hợp tác xã được thành lập. Trong
khi đó, họ có kiến thức phong phú về kỹ thuật canh tác trên nền đất dốc không thể
áp dụng được vào lúa nước.
3. Người Kmhmu có thói quen ăn gạo nếp trồng trên nương từ lâu đời. Ruộng nước
không thể sản xuất ra thứ gạo mà họ ưa dùng. Rất ít người Kmhmu ăn gạo tẻ. Vì
vậy, chừng nào còn rẫy để trồng lúa thì người Kmhmu sẽ tiếp tục không coi khai
thác ruộng nước có ý nghĩa quan trọng đối với sự sống còn của mình.
4. Cư dân làm rẫy trên đất dốc thường xuyên khô ráo xem việc lội xuống các mảnh
ruộng ngập bùn và phân bón để trồng lúa, làm cỏ và thu hoạch là một cực hình
trong lao động vì nó làm cho người ta luôn bị ướt và vấy bẩn.
Trải qua hơn bốn thập kỷ hợp tác hoá và phát triển kinh tế lúa nước, kết quả đạt được
thật khiêm tốn.(14) Ở tất cả các bản được điều tra, chỉ có từ một phần ba đến dưới một nửa số
hộ gia đình Kmhmu sử dụng ruộng nước. Đáng lưu ý là các hộ này cũng chỉ xem lúa nước
như một nguồn thu nhập phụ thêm. Ngay cả khi lúa nước cho năng suất cao hơn thì phương
thức canh tác lúa trên đất dốc vẫn được ưa thích và là nguồn cung cấp lương thực chủ đạo cho
các làng Kmhmu. Sản lượng lúa nước chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn và chưa bao giờ vượt
quá 15% tổng sản lượng lương thực của các bản được nghiên cứu. Không có hộ gia đình nào
trong số 5 bản này chỉ sống bằng ruộng nước. Khảo sát về mức sống cho thấy các hộ có
ruộng nước đỡ khó khăn hơn về lương thực so với các hộ chỉ làm rẫy. Tuy nhiên, ruộng nước
vẫn không phải là sự lựa chọn được ưu tiên hàng đầu. Trong khi đó, chính sách giao đất giao
rừng đến hộ gia đình đã làm cho phương thức canh tác lúa trên đất dốc của người Kmhmu
hiện nay đang đứng trước một thách thức gay gắt. Với diện tích đất rẫy cố định được chia cho
các hộ, chu kỳ quay vòng trồng lúa trên mỗi mảnh đất đã bị rút ngắn lại và thời gian bỏ hoá
chỉ còn 3 đến 4 năm thay vì trên 10 năm như trước đây. Tình hình này làm cho lớp đất mầu bị
xói mòn nhanh chóng và đất bị kiệt quệ rất nhanh.(15) Sức ép thiếu đất rẫy trồng lúa đang
ngày càng được cảm nhận thấy rõ ràng hơn bao giờ hết ở mỗi hộ gia đình Kmhmu. Hơn 40
12
Tỷ lệ ruộng nước trong tổng diện tích trồng lúa của các bản Kmhmu ở các địa phương khác cũng tương tự như
ở 5 bản trên. Điều tra của Viện dân tộc học tại các bản Co Chai, Pó Mạ và Tà Lếch ở Tây bắc cho thấy bản Tà
Lếch có tỷ lệ ruộng nước cao nhất là 14%. Hai bản còn lại có tỷ lệ 2 % và 8% (Viện Dân tộc học 1999:127).
13
Theo tính toán của các nhà kinh tế, để khai phá một hectare ruộng nước ở miền núi cần đầu tư khoảng 8 đến 10
triệu đồng nhưng ruộng nước rất đễ bị mưa lũ tàn phá.
14
Báo cáo tổng kết 30 năm công tác định canh định cư của UBND tỉnh Lai Châu cho biết trong tổng số 124 xã
được xác định là trọng điểm của chương trình, có tới 94 xã (76%) không đạt được kết quả như kế hoạch đề ra
(UBND Tỉnh Lai Châu, 1996).
15
Theo tính toán của các nhà nông học, trung bình nương đất dốc bị xói mòn khoảng 150 – 200 tấn mỗi năm.
Nếu thời gian bỏ hoá ngắn và trở lại canh tác khi đất chưa hồi phục hẳn thì đất bị cạn kiệt rất nhanh và có thể bị
mất khả năng hồi phục (Trần Đức Viên 1997).
13
năm hợp tác hoá và tham vọng biến loại hình lúa nước thành nguồn sản xuất lương thực chính
ở các bản định cư người Kmhmu rốt cuộc vẫn còn là một ước vọng xa vời.(16)
6. Từ hợp tác xã đến các dự án phát triển
Sự sụp đổ của mô hình hợp tác xã và chế độ làm ăn tập thể vào giữa những năm 1980 đã
dẫn đến hàng loạt thay đổi trong chính sách phát triển ở miền núi Việt Nam. Mở đầu cho sự
đổi mới này là Nghị quyết số 22/NQ-TW của Bộ Chính trị ĐCS Việt Nam ngày 22-11-1989
và Quyết định số 72/HĐBT ngày 13-3-1990 về chủ trương phát triển kinh tế - xã hội miền
núi. Các văn bản này là cơ sở cho hàng loạt các dự án phát triển được thiết kế và thực hiện ở
khu vực miền núi từ sau năm 1990 trở đi. Trong số các chương trình của nhà nước có tác
động trực tiếp đến đời sống các bản Kmhmu ở hai tỉnh Nghệ An và Lai Châu thời kỳ đổi mới,
có thể nói đến các dự án sau đây:
• Chương trình xây dựng các trung tâm cụm xã ở miền núi theo Quyết định số 35/QĐTTg ngày 13-1-1997;
• Chương trình Quốc gia xoá đói giảm nghèo được thực hiện trên cơ sở Quyết định số
133/1998/QĐ-TTg ngày 27-3-1998;
• Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu
vùng xa theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31-7-1998 thực hiện ở 2,325 xã
được lựa chọn;
• Chương trình trồng rừng theo Quyết định 661/QĐ-TTg ngày 27-9-1997;
• Chương trình trợ cước trợ giá cho khu vực miền núi theo Nghị định số 20/1998/NĐCP ngày 31-3-1998;
• Các chương trình hỗ trợ giáo dục đào tạo và chương trình y tế quốc gia chống lại các
căn bệnh phổ biến ở miền núi như sốt rét, bướu cổ, phong, lao, v.v.
Bên cạnh các dự án phát triển của chính phủ thì hoạt động trợ giúp phát triển của các tổ
chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước cũng bắt đầu mở rộng phạm vi hoạt
động của họ ở các nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn của miền núi.
Đáng lưu ý là các dự án phát triển của chính phủ thường lấy xã làm đơn vị cơ sở đầu tư
trong khi các dự án của các tổ chức phi chính phủ có thể lựa chọn nhóm dân tộc hoặc đơn vị
nhỏ hơn như các bản làm đơn vị trợ giúp. Hầu hết các dự án phát triển này đều nhằm vào ba
lĩnh vực:
1) Cung cấp kinh phí xây dựng trường học, trạm xá, bưu điện, đập thuỷ lợi, làm đường
giao thông, hệ thống dẫn điện và tín dụng cho các hộ gia đình.
2) Tổ chức phân loại và khoanh vùng rừng. Giao đất giao rừng để các hộ gia đình hoặc
cộng đồng quản lý. Hướng dẫn kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi. Cung cấp giống
cây trồng mới.
3) Cung cấp dịch vụ (giáo dục, y tế và nước sạch), và tổ chức cứu trợ khẩn cấp cho các
hộ gia đình đặc biệt khó khăn.
Nếu như trong thời kỳ lập làng định cư và tập thể hoá, các cuộc vận động xây dựng lối
sống mới ở các bản Kmhmu chủ yếu sử dụng các biện pháp tuyên truyền và vận động là chính
thì từ sau 1990, các dự án phát triển đã bắt đầu chú ý cung cấp kinh phí và dịch vụ. Tuy nhiên
cả hai thời kỳ của chính sách phát triển miền núi đều có một điểm chung là cách tiếp cận vẫn
theo hướng từ trên xuống (từ việc lập kế hoạch đến quá trình thực hiện) trong khi những
người dân địa phương lại rất ít khi được hỏi ý kiến về các dự án phát triển dành cho chính họ.
16
Cho đến nay, trên 70% diện tích canh tác nông nghiệp của các nhóm dân tộc miền núi vẫn là nương rẫy. Phần
còn lại là ruộng bậc thang và ruộng nước chủ yếu được khai phá dưới thời hợp tác xã nông nghiệp. Những mảnh
ruộng nước này không cho năng suất cao vì chủ nhân của chúng chưa nắm được kỹ thuật làm ruộng nước. Năng
suất trung bình của loại ruộng này khoảng 800 đến 1,500 kg/hectare/năm trong khi một mảnh rẫy mới phát vụ
đầu tiên thường cho năng suất khoảng 2,000 kg/ha/năm hoặc cao hơn nữa (Trần Đức Viên 1998).
14
Cách tiếp cận này đã tạo cho các dân tộc thiểu số nói chung và người Kmhmu nói riêng tâm lý
trông chờ vào sự bao cấp và hỗ trợ của nhà nước. Do đó, kiến thức và trách nhiệm của họ
trong quá trình phát triển đã không được phát huy. Hậu quả của tình trạng này về lâu dài là sự
lệ thuộc ngày càng nặng nề hơn vào các dự án phát triển và nhà nước.
7. Giáo dục ở thôn bản
Có thể nói một trong những thành tựu lớn nhất mà chính phủ Việt Nam đã làm được ở
khu vực miền núi từ sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc (1954) đến nay là đã tạo ra được
một hệ thống giáo dục phổ thông trải rộng ở hầu khắp các bản làng cho con em các dân tộc ít
người (Nghiêm Xuân Vinh, 1986: 25-31). Các lớp học mở tại bản cho trẻ nhỏ và các trường
học tập trung cùng với chế độ ưu đãi giáo dục cho con em các dân tộc ít người là một nỗ lực
không thể phủ nhận. Tuy nhiên, ngoài việc góp phần xoá nạn mù chữ và cung cấp một số kiến
thức phổ thông thì giáo dục miền núi cho các nhóm dân tộc nhỏ vẫn còn xa mới đạt được kết
quả như mong đợi.
Các tài liệu điều tra chính thức cho thấy người Kmhmu là một trong những nhóm dân
tộc có trình độ học vấn thấp và tỷ lệ người mù chữ còn rất cao so với các nhóm dân tộc khác.
Sau 20 năm phát động giáo dục ở miền núi thì đến năm 1974, tỷ lệ biết đọc biết viết của
người Kmhmu trong cả nước vào khoảng 9%, và tỷ lệ người có trình độ tiểu học khoảng 21%.
Năm 1974, khoảng 70% dân số Kmhmu vẫn mù chữ hoàn toàn (Bế Viết Đẳng 1995:231).
Hơn một thập kỷ sau, đến đầu những năm 1990, tỷ lệ mù chữ ở người Kmhmu vẫn ở mức
67% (Nguyễn Chí Huyên 1995: 81).
Trở lại tình hình giáo dục ở các bản được nghiên cứu, chúng ta thấy các lớp học xoá
mù và tiểu học được đưa vào các bản định cư của người Kmhmu ngay từ khi các bản này
được thành lập. Đến năm 2003, các dự án phát triển đã đầu tư xây dựng các lớp bậc tiểu học
ngay tại các bản để đảm bảo các cháu nhỏ không phải đi học xa nhà. Thêm nữa, tất cả con em
các dân tộc ít người đều không phải đóng học phí và không phải trả bất kỳ một khoản kinh phí
nào cho ngành giáo dục. Chính quyền các địa phương và nhà trường cũng đặc biệt quan tâm
đến việc vận động con em người Kmhmu đến lớp. Theo báo cáo hàng năm của các trường thì
100% trẻ em Kmhmu ở độ tuổi đi học đều đã đến trường. Tuy nhiên, phần lớn các em chỉ theo
học một vài năm đầu cho đến khi biết đọc biết viết là bỏ học. Ở lứa tuổi từ 15 trở lên, tỷ lệ dự
học của trẻ em Kmhmu chỉ còn khoảng 5%. Trong số 5 bản mà chúng tôi đã điều tra, chỉ còn
một trường hợp đang theo học phổ thông trung học.
Mặc dù sống tương đối khép kín và ngại tiếp xúc trao đổi với các tộc người láng giềng
nhưng hiện tượng song ngữ và đa ngữ ở người Kmhmu đang trở thành một khuynh hướng
phổ biến ở hầu hết các bản do tình trạng cư trú xen kẽ và tác động của hệ thống giáo dục trong
nhà trường. Ở các bản mà chúng tôi đã nghiên cứu, có đến gần 80% người Kmhmu từ mười
tuổi trở lên biết nói tiếng Thái. Một tỷ lệ nhỏ (khoảng 5%) có thể giao tiếp bằng tiếng
H’Mong. Trong khi đó, tỷ lệ người biết tiếng Việt thông thạo là 43% và biết tiếng Việt ở mức
độ giao tiếp được khoảng 28%. Khảo sát về nhu cầu học tiếng Việt của người Kmhmu ở Nghệ
An, Trần Chí Dõi (2004:160-188) phát hiện rằng 100% số người Kmhmu được hỏi (bao gồm
cả cán bộ và dân thường) đều bầy tỏ nguyện vọng muốn được học tiếng Việt, trong khi có đến
7% người Hmong được hỏi cho biết họ không thấy cần thiết phải học tiếng Việt. Kết quả của
cuộc điều tra nói trên cho thấy đã có sự thay đổi lớn trong nhận thức của người Kmhmu về
tầm quan trọng của tiếng Việt trong giao tiếp, hoạt động kinh tế và theo đuổi các bậc giáo dục
cao hơn.
Trong quá trình nghiên cứu thực địa, chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm câu trả lời cho vấn
đề được đặt ra là những lý do nào đã hạn chế việc dự học của trẻ em Kmhmu? Trong số
những người mà chúng tôi đã trò chuyện, bao gồm các giáo viên, học sinh, những người lãnh
đạo địa phương và phụ huynh học sinh, có nhiều ý kiến nhấn mạnh đến các yếu tố chủ quan
15
như học sinh Kmhmu không có tham vọng trong học tập; ý thức của các bậc cha mẹ về giáo
dục của con cái thấp; tình trạng nghèo đói phổ biến của các hộ gia đình, v.v. Đây là những ý
kiến đáng được lưu ý phân tích để tìm ra gốc rễ của vấn đề. Tuy nhiên, cũng có những lý do
nằm ở ngay trong hệ thống giáo dục nhưng lại ít được xem xét. Như chúng tôi đã quan sát
trên thực địa, hầu hết giáo viên tại các bản Kmhmu đều là người Thái hoặc người Kinh và các
bài giảng được giảng dạy bằng tiếng Kinh. Điều này có nghĩa là trẻ em ngay từ những ngày
đầu đến trường đã phải tiếp thu kiến thức thông qua tiếng phổ thông.(17) Đây thực sự là một
trở ngại khó vượt qua với các em nhỏ. Vì thế có những học sinh Kmhmu đã theo học hết bậc
tiểu học mà vẫn chưa biết đọc biết viết. Hệ thống giáo dục chỉ có một chương trình chính thức
và duy nhất cho sinh viên cả nước không phân biệt khu vực nông thôn, miền núi và vùng dân
tộc trong khi khả năng tiếp cận với kiến thức và điều kiện sống của các em ở miền núi rõ ràng
không giống trẻ em người đa số ở khu vực đô thị. Mặt khác, do đặc thù của miền núi, trẻ em
thường đi học khi tuổi đã lớn và có khi phải học vài năm mới xong một lớp. Vì thế, nhiều em
khi học xong tiểu học thì đã lớn tuổi mà vẫn chưa thạo tiếng phổ thông. Khi vào học trung
học, các em này thường có cảm giác xấu hổ khi phải học chung với trẻ em các dân tộc khác ít
tuổi hơn mình. Hơn nữa, tình trạng tảo hôn và ở rể vẫn còn phổ biến trong xã hội Kmhmu.
Trẻ em gái và trai thường có khuynh hướng kết hôn trước 18 tuổi. Và khi đã kết hôn, trẻ em
thường bắt đầu cuộc đời làm việc cho gia đình thay vì đi học. Một đặc điểm của kinh tế
nương rẫy có ảnh hưởng đến tình hình dự học của học sinh là vào thời vụ phát đốt, hầu hết
người lớn đều ở lại trên rẫy. Thời gian này có khi kéo dài đến hàng tháng để đảm bảo thời vụ
được gieo cấy đúng lịch. Trong thời gian ấy, trẻ em thường được mang theo lên rẫy, và khi
chúng quay về bản thì không thể tiếp tục theo học được nữa.
Tóm lại, tập quán xã hội, đặc điểm của nền kinh tế nương rẫy, rào cản ngôn ngữ và
chương trình giáo dục không thích hợp có thể là yếu tố giúp hiểu được tại sao tỷ lệ mù chữ ở
người Kmhmu vẫn còn rất cao trong khi số đông trẻ em hay bỏ học sớm. Thất học và tỷ lệ mù
chữ cao ở người Kmhmu là một thực tế không thể phủ nhận, và chắc chắn nó là một trong
những nguyên nhân làm cho nhóm cư dân này ngày càng bị lún sâu vào cái vòng luẩn quẩn
của sự nghèo khó.
8. Đói nghèo và phụ thuộc
Có thể nói người Kmhmu nói riêng, các nhóm cư dân Môn-Khmer ở khu vực miền núi
Bắc Việt nam nói chung, thuộc vào nhóm các dân tộc có mức thu nhập hàng năm thấp nhất và
tỷ lệ người đói nghèo cao nhất trong cả nước. Khảo sát của Nguyễn Thị Thiềng (2002:29-33)
về tình trạng đói nghèo của 4 dân tộc thuộc nhóm Mon Khmer là Kmhmu, Kháng, Xinh Mun
và La Ha ở tỉnh Sơn La cho thấy thực trạng này. Tiêu chí đánh giá đói nghèo được dựa trên
mốc chuẩn do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định và chuẩn này đã nhiều lần thay
đổi từ 1993 đến nay. Tiêu chí sử dụng trong phân tích này áp dụng cho khu vực miền núi
trong đó những hộ có mức thu nhập bình quân dưới 80 ngàn đồng/người/tháng được xem là
hộ nghèo.
Bảng 6. Tình trạng đói nghèo ở người Kmhmu, Kháng, Xinh Mun và La Ha (phần
trăm %)
Tình trạng đói nghèo
Chung
cả 4 nhóm
Kmhmu
Kháng
Xinh
Mun
La Ha
17
Ở các nhóm dân tộc Tày, Nùng, Thái, Mường, Hmong, học sinh tiểu học đều học những năm đầu tiên bằng
tiếng mẹ đẻ. Và khuynh hướng sử dụng tiếng mẹ đẻ trong giáo dục phổ thông có chiều hướng được đề cao (Trần
Chí Dõi 2004)
16
Tỷ lệ hộ đói nghèo
77.6
76.6
92.0
70.6
85.1
Trong đó:
• Tỷ lệ hộ đói
• Tỷ lệ hộ nghèo
44.3
33.3
42.0
34.6
69.1
22.9
36.3
34.4
46.3
38.8
Nguồn: Nguyễn Thị Thiềng (2002:30). Theo tác giả, tỷ lệ này được tổng hợp từ khảo sát 1,525 hộ gia
đình.
Các báo cáo về tình hình đói nghèo ở Nghệ An và Lai Châu cũng cho thấy tỷ lệ đói
nghèo của người Kmhmu ở hai tỉnh này tương tự như ở Sơn La. Bảng 7 dưới đây cho chúng
ta biết chi tiết hơn tỷ lệ đói nghèo của người Kmhmu ở ba huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và
Quế Phong tỉnh Nghệ An.
Cũng theo điều tra của tỉnh Nghệ An thì số hộ Khmu có thu nhập dưới 500 ngàn
đồng/người/năm chiếm tỷ lệ 50%. Thậm chí ở một số bản cụ thể như Kèo Pa Tú, Ta Đo Huồi
Thợ, (Kỳ Sơn), Xa Mát (Tương Dương), tỷ lệ hộ gia đình có thu nhập dưới 500 ngàn
đồng/người/tháng ở vào khoảng từ 62% đến 100% (Hoàng Xuân Lương 2004:19).
Bảng 7. Tỷ lệ hộ đói nghèo của người Kmhmu ở Nghệ An (phần trăm%)
Huyện
Kỳ Sơn
Tương Dương
Quế Phong
Tổng số hộ
Kmhmu được
khảo sát
2,067
930
188
Tỷ lệ đói nghèo
Chung của huyện
Tỷ lệ đói nghèo
của người Kmhmu
50
48
35
79.2
71.1
55.8
Nguồn: Hoàng Xuân Lương 2004:17. Số liệu này được tổng hợp từ khảo sát 75% (3,185 trên tổng số
4,253) hộ gia đình Kmhmu ở Nghệ An.
Ở hai bản Co Pục và Pú Tỉu (Điện Biên), số hộ gia đình Khmu khai báo thiếu lương
thực từ 1 đến 4 tháng trong năm chiếm khoảng 87%. Con số này ở bản Pú Tỉu là trên 40%. Ở
bản Huổi Cụt (Tương Dương), tỷ lệ hộ gia đình thiếu lương thực từ 1 đến 3 tháng/năm là
50%. Đặc biệt, có tới 37% số hộ khai báo họ thiếu lương thực trên 5 tháng/năm. Chỉ có
khoảng 3% số hộ cho biết họ đôi khi có dư thừa lương thực.
Đặc điểm phổ biến của các hộ đói nghèo là có nhiều nhân khẩu ăn theo và chủ hộ là
những người mù chữ hoặc trình độ học vấn quá thấp. Các hộ này chủ yếu canh tác nương rẫy
và không có nguồn thu nhập nào khác. Người Kmhmu đã đương đầu với tình trạng thiếu
lương thực nhiều ngày trong năm như vậy bằng cách nào? Hầu hết các hộ gia đình được hỏi
đều đưa ra những giải pháp khá giống nhau. Dưới đây là các biện pháp họ thường sử dụng :
1) Vay lãi (tiền mặt hoặc lương thực) của những người cho vay ở gần khu vực cư trú,
chủ yếu là người Thái và Kinh và trả nợ vào vụ thu hoạch;(18)
2) Bán lúa hoặc ngô ngay từ khi vẫn còn non với giá rẻ;
3) Vào rừng thu hái lâm thổ sản, bẫy thú, kiếm củi đem bán hoặc đổi lấy tiền mua
lương thực;
4) Đi tìm việc làm thuê cho các làng bên cạnh để lấy tiền công hoặc chỉ đơn giản là
được ăn cơm;
5) Làm nghề thủ công, chủ yếu đan lát các đồ gia dụng và tấm lợp nhà bằng cỏ tranh
để bán.
18
Mức lãi suất thông thường là 3% /tháng nhưng có thể cao hơn tuỳ thuộc vào từng người vay và từng thời điểm
trong năm.
17
Trong số các giải pháp nói trên, vay mượn và bán lúa và ngô non là hai giải pháp
thường thấy nhất vì nó dễ dàng đạt được nhưng đó lại chính là cái bẫy đẩy những người
Kmhmu lấn sâu hơn nữa vào tình trạng đói nghèo và phụ thuộc. Nhiều hộ gia đình vào vụ thu
hoạch, sau khi trả nợ xong chỉ có đủ lương thực ăn trong một hai tháng lại tiếp tục đi vay. Một
số hộ cho vay lãi ở địa phương đã sử dụng cho vay như một phương thức để tạo dựng quan hệ
bảo trợ theo kiểu chủ - tớ (patron – client) với người Kmhmu. Chẳng hạn, một người Kmhmu
muốn vay tiền mặt hay lương thực của người cho vay lãi thì khi anh ta thu lượm được lâm sản
như cánh kiến đỏ, mật ong, nấm hương, hay săn bắt được thú rừng, anh ta phải đem bán cho
chủ nợ mà không được bán cho người khác.
Đã có một số nghiên cứu phân tích nguyên nhân của tình trạng đói nghèo ở người
Kmhmu, chẳng hạn Nguyễn Thị Thiềng (2002), Hoàng Xuân Lương (2004) và ở tầm quốc
gia, nhiều dự án xoá đói giảm nghèo đã tập trung phân tích tình trạng đói nghèo và đề xuất
các giải pháp giảm nghèo cho khu vực miền núi nói chung (Hà Quế Lâm 2002; Uỷ ban Dân
tộc 2004). Khi phân tích nguyên nhân của tình trạng đói nghèo lan tràn trong cộng đồng người
Kmhmu, Nguyễn Thị Thiềng (2002:31) tập trung vào các nguyên nhân sau đây:
1) Thiếu kinh nghiệm sản xuất;
2) Thiếu vốn làm ăn;
3) Phương thức sản xuất lạc hậu;
4) Tác động của thiên tai và sâu bệnh nhiều;
5) Vị trí cư trú ở vùng sâu xa có nhiều bất lợi;
Trong khi đó, Hoàng Xuân Lương (2004:20-29) và Cụt Thị Nguyệt (2004:160-167) lại tập
trung phân tích các nguyên nhân sau:
6) Chi tiêu hộ gia đình không có kế hoạch, chi thường cao hơn thu từ 70 đến 90%;
7) Độc canh lúa rẫy năng suất thấp, không có thu nhập phụ thêm ngoài lúa;
8) Tập quán lạc hậu, quá nhiều tục lệ phức tạp làm lãng phí tiền bạc và thời gian;
9) Trình độ dân trí thấp;
10) Tỷ lệ sinh đẻ cao;
11) Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước;
Trong các nhận xét vừa liệt kê ở trên, chúng ta thấy các nhà nghiên cứu có khuynh hướng
nhấn mạnh vào yếu tố chủ quan của người Kmhmu như không có kinh nghiệm sản xuất và chi
tiêu, lối sống lạc hậu và dân trí thấp. Tuy nhiên đây chỉ là những biểu hiện bề nổi của hiện
tượng.(19) Vấn đề đói nghèo ở người Kmhmu có thể được bắt nguồn từ những căn nguyên sâu
xa có tính lịch sử và xã hội. Bằng cách phê phán người Kmhmu không biết làm ăn và lạc hậu,
các nhà nghiên cứu đang nhìn người Kmhmu từ nhãn quan của người ngoài cuộc, thông qua
lăng kính của một nền văn hoá khác mà không tự đặt cách nhìn của mình từ phía những người
trong cuộc.
Trong khi trò chuyện với chúng tôi, ông Pha Phò Thò, một người Kmhmu có uy tín cao
trong cộng đồng đã bầy tỏ suy nghĩ của mình như sau: “Với người Kmhmu ta, rừng là nhà, là
thức ăn, là nơi che chở, bảo vệ. Người Kmhmu sinh ra với rừng, chết lại về với rừng”. Câu
chuyện của ông có một ngụ ý sâu xa: Toàn bộ tri thức sản xuất và văn hoá ứng xử mà người
Khmu tích luỹ được từ thế hệ này qua thế hệ khác có liên quan chặt chẽ đến môi trường sống
của họ là rừng. Như chúng tôi đã phân tích ở phần đầu của bài viết này, người Kmhmu đã
từng là chủ nhân của một phương thức canh tác nương rẫy đặc biệt với một hệ thống kiến
thức phong phú và trình độ canh tác rất cao nhằm duy trì sự bền vững của kinh tế nương rẫy
và môi trường sống. Tuy nhiên, hệ thống kiến thức ấy giờ đây ít phát huy được tác dụng do
điều kiện kinh tế - xã hội đã thay đổi. Rõ ràng người Kmhmu không thể tiếp tục duy trì
phương thức canh tác phát đốt trên một không gian rộng với một chu kỳ bỏ hoá đủ lâu để đất
19
Chúng tôi quan niệm đói nghèo là tình trạng kiệt quệ về nhiều mặt, trong đó bao gồm các yếu tố như thu nhập
thấp, quan hệ xã hội bị hạn chế, dễ bị tổn thương, ít có khả năng tiếp cận các cơ hội và tham gia vào quá trình ra
quyết định chung.
18
và rừng hồi sinh như trước đây. Diện tích rừng đã bị thu hẹp, mật độ dân số miền núi đã tăng
lên nhanh chóng chỉ trong vài thập kỷ qua trong khi đất rừng giờ đây đã được quản lý theo
phương thức mới. Một phần của nền kinh tế tự cấp của người Kmhmu là khai thác các nguồn
lợi tự nhiên từ rừng thì giờ đây các mảnh rừng xưa đã có chủ, không thể tự do khai thác như
cũ. Trong khi đó, một hệ thống kinh tế khác (định cư, trồng lúa nước, chăn nuôi, làm vườn,
và sản xuất hàng hoá) đã được áp đặt vào đời sống của nhóm cư dân này, buộc họ phải thay
đổi lối sống và cách ứng xử với môi trường. Tuy nhiên, để tồn tại được trong điều kiện mới,
họ phải học cách để thích ứng với phương thức sản xuất và lối sống mới, một lối sống mà họ
chưa từng biết đến trước đây. Sự thay đổi này, thực chất là một sự can thiệp vào truyền thống,
mà người Kmhmu không có cách nào khác ngoài việc chấp nhận-- một sự chấp nhận miễn
cưỡng. Những kiến thức phù hợp với hệ thống kinh tế - xã hội cổ truyền của họ đang trở nên
vô dụng trong khi họ lại chưa tích luỹ được đầy đủ những kiến thức mới để thích ứng và tồn
tại với hệ thống kinh tế mới áp đặt lên họ. Thêm vào đó, trong lịch sử của mình, Khmu đã là
một nhóm cư dân luôn sống trong nghèo đói, chịu thân phận của những kẻ tôi tớ. Họ đặc biệt
dễ bị tổn thương vì không có đại diện của mình trong đời sống chính trị địa phương. Vì thế
người Kmhmu chỉ biết thu mình lại, hạn chế mọi quan hệ với thế giới bên ngoài và do đó,
đánh mất tự tin trong khi tham gia vào các chương trình phát triển. Đây chính là lý do tại sao
các nhà quan sát và phân tích tình trạng đói nghèo của người Kmhmu nhận xét rằng họ
“không có kinh nghiệm sản xuất”, “trông chờ ỷ lại vào nhà nước”, “công cụ và kỹ thuật sản
xuất lạc hậu”, “chi tiêu không có kế hoạch”, v.v. và v.v. Phân tích của chúng tôi gợi ý rằng
vấn đề quan trọng nhất của các dự án phát triển hiện nay là phải từ bỏ phương thức tiếp cận
theo kiểu bao cấp và áp đặt từ trên xuống. Thay vào đó, các dự án phát triển cần phải được
thiết kế trên cơ sở những nhu cầu nội tại của cư dân trong đó tận dụng được các kiến thức
phong phú của địa phương phục vụ cho cộng đồng. Ngoài ra, cần có sự tham gia tích cực của
các nhà nông học trong việc trợ giúp các biện pháp kỹ thuật, giống cây trồng và con vật nuôi
thích ứng với nền nông nghiệp trên đất dốc nhằm duy trì sự bền vững của nương rẫy trong
điều kiện không thực hiện được phương thức quảng canh và bỏ hoá lâu như trước. Hỗ trợ của
nhà nước để đa dạng hoá các hoạt động kinh tế hộ gia đình nhằm tăng thêm thu nhập cũng cần
phải được xem là một cứu cánh chống lại đói nghèo thay vì tập trung vào các hoạt động sản
xuất lương thực độc canh như hiện nay.
9. Kết luận
Nông nghiệp nương rẫy không chỉ đơn giản là một hình thức canh tác. Nó phải được
xem như một bộ phận cấu thành của hệ thống cấu trúc kinh tế xã hội của mỗi tộc người mà
trong đó tất cả tri thức và thế ứng xử của con người với thiên nhiên, giữa con người với con
người đã được tích luỹ từ lâu đời được sử dụng để thích ứng với điều kiện của môi trường và
không gian sinh tồn riêng của họ. Sự can thiệp thô bạo và áp đặt của nhà nước, bất luận là
xuất phát từ một mục tiêu tốt đẹp như thế nào, đều có thể để lại hậu quả khôn lường. Nông
nghiệp nương rẫy là một lối sống đã định hình từ trong lịch sử. Những nỗ lực nhằm thay đổi
lối sống này thông qua chương trình định canh định cư thực ra đã can thiệp và phá vỡ toàn bộ
hệ thống cấu trúc cổ truyền của một xã hội được xây dựng trên cơ sở của hệ thống kinh tế du
canh, bao gồm các khuôn mẫu cư trú, hệ thống kiến thức liên quan đến sản xuất và hái lượm,
thói quen ứng xử, các tập tục và nghi lễ của đời sống. Có lẽ đây cũng là lời lý giải thích hợp
để trả lời câu hỏi tại sao chương trình định canh định cư đã không đạt được mục tiêu như
mong đợi.
Ở các vùng núi Việt Nam hiện nay, rõ ràng du canh du cư truyền thống không thể duy
trì như cũ do áp lực mạnh mẽ của tình trạng tăng nhanh dân số, hậu quả của trào lưu di dân ào
ạt lên miền núi, và nhu cầu cải thiện mức sống và hiện đại hoá lối sống của chính người dân
19
bản địa. Việc tìm kiếm một phương thức thích hợp đảm bảo phát triển bền vững đã trở thành
một yêu cầu cấp bách cho miền núi Việt Nam. Trong bối cảnh như vậy, bản sắc văn hoá các
dân tộc đang đứng trước những thách thức của tình thế lưỡng nan: chấp nhận hội nhập và hiện
đại hoá để phát triển hay cố duy trì lối sống cổ truyền và cam chịu đói nghèo. Tham gia vào
quá trình này, không chỉ là những nỗ lực từ phía chính phủ và các tổ kinh tế - xã hội khác
nhau, các cộng đồng vẫn đang duy trì lối sống du canh, mà cả các nhóm dân tộc khác ở vùng
núi, trong trường hợp này là người Thái, H’Mông, Kinh, và các nhóm dân tộc nhỏ nói ngôn
ngữ Môn Khmer khác. Hiện tượng “Thái hoá” về mặt văn hoá và ngôn ngữ quan sát được ở
nhiều nhóm dân tộc nhỏ trong khu vực miền núi Bắc Việt Nam cho thấy lập luận tập trung
vào việc xem xét định canh định cư và các chương trình phát triển của chính phủ như một nỗ
lực đồng hoá người bản địa mà các học giả nước ngoài cố gắng nhấn mạnh là thiếu cơ sở.
Cách tiếp cận như vậy, một mặt đã loại ra khỏi phân tích khoa học các tác nhân khác của quá
trình phát triển và biến đổi trong đó có nhiều nhóm dân tộc khác đang hiện hữu ở miền núi,
nhưng mặt khác, lại thể hiện xu hướng đơn giản hoá quan hệ nhà nước và các tộc người thiểu
số.
Trở lại trường hợp của người Kmhmu, chúng ta có thể thấy lối sống cổ truyền và
phương thức canh tác du canh của họ đã bị phá vỡ bởi chương trình định canh định cư. Mặc
dù phương pháp phát đốt và trồng lúa trên đất dốc vẫn được duy trì nhưng chu kỳ bỏ hoá và
quay vòng đất đã trở nên ngắn hơn rất nhiều, và năng suất đang giảm đi một cách rõ rệt trong
khi thói quen thu lượm lâm sản, săn bắt để bổ sung cho kinh tế tự cấp của họ đã trở nên khó
khăn hơn do đất rừng đã được giao cho các hộ cá thể và các tổ chức kinh tế hoặc các doanh
nghiệp. Trong điều kiện nền nông nghiệp du canh đã tàn tạ, h ệ thống kiến thức bản địa phong
phú mà người Kmhmu đã tích luỹ được trong lịch sử dài lâu của mình đã trở nên vô dụng
trong khi chưa thể thích ứng với những điều kiện kinh tế kỹ thuật mới.
Trong quá khứ, người Kmhmu thường bị xem là những “kẻ không có mường”, bị gọi
là Xá, là Khạ với ngụ ý là những kẻ mồ côi, có thân phận xã hội thấp kém. Họ sống trong các
ngôi làng nhỏ bé, biệt lập, đầy mặc cảm. Quan hệ giữa họ với chủ đất là quan hệ của kẻ bảo
hộ và người lệ thuộc. Họ phải phục dịch và làm lao công cho nhà chúa đất để được phép làm
rẫy và thu hái lâm thổ sản. Những phân biệt về thân phận xã hội như vậy trong quan hệ tộc
người giờ đây đã bị lên án và bãi bỏ. Tuy nhiên, cách nhìn người Kmhmu như một tộc người
đang còn ở giai đoạn thấp của tiến hoá xã hội, cùng với những nhãn hiệu dán cho họ như là
“nguyên thuỷ”, “nhận thức kém”, “lạc hậu”, v.v. vẫn đang còn là một thách thức cho khát
vọng vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Định canh định cư với những mục tiêu cao đẹp được
vạch ra cho người Kmhmu thực ra vẫn đang còn là một giấc mơ chưa được biến thành hiện
thực.
Tài liệu tham khảo đã trích dẫn
Ban NC Lịch sử Đảng Lai Châu
1980 Ba mươi năm phấn đấu và xây dựng của đảng bộ Lai Châu. Đảng bộ Lai Châu
xuất bản.
Bass, Stephen and Elaine Morrison
1994 Shifting cultivation in Thailand, Laos and Vietnam: Regional Overview and
Policy Recommendation. Forestry and Land Use programme. London: International
Institute for Environment and Development.
Bế Viết Đẳng (Ed.)
1995 50 năm các dân tộc thiểu số Việt Nam (1945 – 1995). Hà Nội: Khoa học Xã hội.
Cục Định canh Định cư & Vùng Kinh tế mới
20
2000 Di dân, kinh tế mới, định canh định cư. Lịch sử và Truyền thống. Hà Nội: Nông
nghiệp.
Cụt Thị Nguyệt
2004 Báo cáo chuyên đề công tác xoá đói giảm nghèo ở huyện Kỳ Sơn. Trong sách:
Uỷ Ban Dân tộc Kỷ yếu Hội thảo Xoá đói giảm nghèo. Vấn đề và giải pháp ở vùng
dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam. Hà Nội: Nông nghiệp., Tr. 160-67.
Đặng Nghiêm Vạn
1972 Nhóm Khmu. Trong Đặng Nghiêm Vạn et al.: Những nhóm dân tộc thuộc ngữ
hệ Nam Á ở Tây Bắc Việt Nam. Hà Nội: Khoa học Xã hội. Trang 37-156.
-------- 1975 Vài ý kiến về vấn đề nương rẫy trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Dân tộc học, số 1(1975): tr. 7-21.
Đặng Nghiêm Vạn, Nguyễn Trúc Bình, Nguyễn Văn Huy, Thanh Thiên
Những nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á ở Tây Bắc Việt Nam. Hà Nội: KHXH.
Donovan, D., T.Rambo, J. Fox, Le Trong Cuc, Tran Duc Vien
1997 Những xu hướng phát triển ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, Vol.1. Hanoi: Chính
trị Quốc gia.
Goudineau, Yves (Ed.)
1999 Resettlement & Social Characteristics of New Villages. Basic needs for
Resettled communities in the Lao PDR. An ORSTOM Survey, 2 vols. Vientiane:
UNESCO - UNDP
GSO (General Statistical Office)
2001 Population and Housing Census Vietnam 1999. Completed Census Results.
Hanoi: Thong Ke
Hoàng Xuân Lương
2004 Nghiên cứu các giải pháp và xây dựng mô hình vượt đói giảm nghèo cho đồng
bào K’Mu Nghệ An. Báo cáo Khoa học, UBND tỉnh Nghệ An.
Hội Đồng Dân tộc của Quốc hội
2000 Chính sách và Pháp luật của Đảng và Nhà nước về Dân tộc. Hà Nội: Văn hoá
Dân tộc.
Khổng Diễn
1998 Mối quan hệ giữa môi trường và con người ở miền núi nước ta. Dân tộc học, Số
3 (1998):15-20.
Khổng Diễn (Ch.b.)
1996 Những đặc điểm kinh tế xã hội các dân tộc miền núi phía Bắc. Hà Nội: Khoa học
Xã hội
Khổng Diễn (Ch.b)
1999 Dân tộc Khơ Mú ở Việt Nam. Hà Nội: Văn hóa Dân tộc
Lê Duẩn
1965 Tập trung lãnh đạo, củng cố hợp tác xã, quyết giành thắng lợi quyết định trên
mặt trận nông nghiệp trong những năm tới. In: Giai cấp vô sản với vấn đề nông dân
trong cách mạng Việt Nam. Hà Nội: Sự Thật.
Lê Trọng Cúc
2002 Phát triển bền vững miền núi Nghệ An. Hà Nội: Nông Nghiệp.
McElwee, Pamela
1999 Policies of Prejudice: Ethnicity and Shifting Cultivation in Vietnam. In
Watershed Vol. 5, No. 1, July-October, 1999
Nghiêm Xuân Vinh
1986 Thành tựu 40 năm phát triển giáo dục ở các vùng dân tộc ít người. Dân tộc hoc,
số 2(1986): 25-31.
Nguyễn Chí Huyên
21
1995 đôi nét về trình độ học vấn của cư dân các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Dân tộc
học, No.3 (1995).
Nguyễn Doãn Hương
1985 Dân tộc Khơ Mú 40 năm dưới ánh sáng của Đảng. Ban Dân tộc Nghệ Tĩnh: 40
năm một chặng đường. Vinh: Nghệ Tĩnh.
Nguyễn Đình Lộc
1981 Hình thái chiếm hữu đất đai và việc phân phối sản phẩm nương rẫy ở người Khơ
Mú huyện Kỳ Sơn, Nghệ Tĩnh. Sưu tập Dân tộc học. Hà Nội: Viện Dân tộc học
------- 1991 Ảnh hưởng của việc di chuyển dân cư từ miền xuôi lên miền núi đối với quan hệ
dân tộc ở Nghệ Tĩnh. Dân tộc học, No. 2, 1991, pp. 44-48.
Nguyễn Ngọc Thanh
1996 Một số vấn đề cơ bản về kinh tế truyền thống. Trong Khổng Diễn (Ch.B) Những
đặc điểm kinh tế - xã hội các dân tộc miền núi phía Bắc. Hà Nội: Khoa học Xã hội; tr.
68-129.
Nguyễn Thị Thiềng
2002 Đói nghèo của đồng bào các dân tộc Kháng, Khơ Mũ, La Ha và Xinh Mun ở Sơn
La: Hiện trạng và giải pháp. Dân số và Phát triển, Số 6(2002), tr. 29-33.
Nguyễn Văn Chính
2001 Characteristics of poverty among the small ethnic groups in the northern
mountain regions of Vietnam: Cases of the Khmu, Xinh Mun, Tai (Da Bac), Ha Nhi,
Phu La, Cao Lan and Dao (Quan chet). Hanoi: DFID and WB Report.
-------- 2005 Sedentarization in the Mountain Regions of Vietnam: Policies, Practices and
Consequences. Conference Paper presented at Regional RCSD Conference, An Giang
Vietnam, 4/2005.
Proschan, Frank
1986, Who are the ‘Khaa’? In: The Proceedings of the 6th International Conference on
Thai Studies, Vol.I. Chiang Mai. Pp: 391-414.
Roux, Henri (en collaboration avec M. Tran Van Chu)
1927, “Les Tsa Khmu”. Bulletin de l’Ecole francaise d’Extreme-Orient, p. 169 – 222.
Simana, S.
1997 Kmhmu’ livelihood. Farming the Forest. Vientiane: Institute for Cultural
Research.
Scott, C. James
1998 Seeing Like a State. How Certain Schemes to Improve the Human Condition
Have Failed. New Haven and London: Yale University Press.
Trần Bình
1999 Hoạt động kinh tế của người Khơ – Mú. In: Trần Bình, Tập quán hoạt động kinh
tế của một số dân tộc ở Tây Bắc Việt Nam. Hà Nội: Văn hoá Dân tộc. Tr. 141-181.
Trần Chí Dõi
2004 Thực trạng giáo dục ngôn ngữ ở vùng các dân tộc miền núi phía bắc Việt Nam.
Những kiến nghị và giải pháp. Hà Nội: Đại học Quốc gia.
Trần Đức Viên
1998 The system of agriculture in uplands. Hanoi Agricultural University.
Unpublished paper.
-------- 1997 Soil erosion and nutrient balance in swidden fields of Da Bac district, Vietnam.
Hanoi Agricultural University, unpublished paper.
-------- 2003 Culture, Environment, and Farming Systems in Vietnam’s Northern Mountain
Region. Southeast Asian Studies, Vol.41, No.2, September 2003: 180-205.
Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Lai Châu
22
1996 Báo cáo tổng kết công tác định canh định cư – kinh tế mới giai đoạn 1991-95. Sở
Nông nghiệp Lai Châu.
23