Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Phân tích hai bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm: lòng yêu nước

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (102.79 KB, 5 trang )

[Lê Hiền] Bộ tài liệu 132 đề Ôn thi Đại học môn Ngữ Văn

Đề 8.5. Lòng yêu nước được thể hiện như thế nài qua hai bài thơ ''Đất
nước'' của Nguyễn Đình Thi và ''Đất Nước'' (trích ''Mặt đường khát vọng'')
của Nguyễn Khoa Điềm.
Cách mạng tháng Tám 1945 là một dấu ấn lịch sử vĩ đại đưa nước Việt Nam
từ trong đêm dài của chế độ thực dân nửa phong kiến bước sang buổi bình minh
của một thời đại mới. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, cả dân tộc ta lại tiến hành liên
tiếp hai cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm
lược, để giữ gìn nền độc lập và thống nhất Tổ quốc. Trong suốt hơn ba mươi năm
ấy, vận mệnh của đất nước luôn là vấn đề nóng bỏng, lớn lao và bức thiết nhất chi
phối mọi lĩnh vực của đời sống dân tộc và mỗi con người Việt Nam. Vì thế, rất tự
nhiên là tình cảm yêu nước đã thành cảm hứng chủ đạo trong thơ ca hiện đại Việt
Nam, tiếp nối một truyền thống sâu đậm của văn học dân tộc từ ngàn xưa. Thơ ca
đã tô đậm và làm sáng đẹp thêm tình cảm yêu nước của nhân dân ta. Tình cảm yêu
quý ấy được biểu hiện trong thơ rất thống nhất nhưng cũng hết sức đa dạng, phong
phú, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, tâm trạng và xúc cảm cụ thể của từng bài thơ. Qua
bài thơ ''Đất nước'' của Nguyễn Đình Thi và trích đoạn ''Đất Nước'' (Trong trường
ca ''Mặt đường khát vọng'') của Nguyễn Khoa Điềm chúng ta sẽ thấy một phần
những biểu hiện phong phú của tình cảm yêu nước ấy trong thơ.
''Đất nước'' của Nguyễn Đình Thi được hình thành từ 1948- 1949, những
năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, và hoàn thành năm 1955, sau khi cuộc
kháng chiến thắng lợi. Bài thơ chứa đựng những rung cảm tinh tế và những suy tư
sâu sắc của tác giả về đất nước được tích tụ qua gần suốt cả cuộc kháng chiến. Hai
cảm hứng lớn trong bào thơ hoà quyện với nhau là niềm yêu mến thiết tha và lòng
tự hào, cảm phục về đất nước và những con người ''áo vải''- những người anh hùng
mới của thời đại.
Tình cảm đất nước được gợi lên từ những xúc cảm trước một sáng mùa thu
trong mắt, gợi hoài niệm về mùa thu Hà Nội:
''Sáng mắt trong như sáng năm xưa
Gió thổi, mùa thu, hương cốm mới.''


Từ hương cốm mới mà gợi nhớ về mùa thu Hà Nội, Nguyễn Đình Thi phải
có sự gắn bó sâu sắc và mến yêu tha thiết với Hà Nội lắm: hương cốm và gió heo
may, những thứ hết sức đặc trưng cho mùa thu của Xứ Bắc của Hà Nội. Trong cái
không khí chớm lạnh của thời tiết đầu thu, những làn gió heo may làm những hàng
cây xao xác và những đường phố như dài thêm trong không gian trong trẻo của
dáng thu. Những câu thơ hoài niệm về mùa thu Hà Nội là những câu thơ đẹp nhất
của bài thơ ''Đất nước''. Phải từ giã một Hà Nội đẹp và thân thiết như thế, làm sao
không khỏi lưu luyến, bâng khuâng? ''Người ra đi'' dù có cái dứt khoát của một sự
lựa chọn cuộc ra đi vì nghĩa lớn (người ra đi đầu không ngoảnh lại), nhưng sự lưu
luyến lại chưa đầy trong âm điệu bâng khuâng và hình ảnh đẹp và buồn của câu
thơ tiếp sau.
Đất nước đã bước sang một thời kì mới. Cái nhìn cảnh vật và thi cảm về
mùa thu của nhà thơ cũng không thay đổi. Mùa thu mới của đất nước được nhìn từ

1


[Lê Hiền] Bộ tài liệu 132 đề Ôn thi Đại học môn Ngữ Văn

chiến khu Việt Bắc với những không gian bao la của núi đồi, cánh đồng, bầu trời
cả những cảnh sắc trong trẻo sinh động, tươi sáng, hoà với niềm vui của nhà thơ:
''Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha''
Cảm xúc về mùa thu của đất nước, tác giả trực tiếp biểu hiện tình cảm yêu
mếm và lòng tự hào về quyền làm chủ đất nước. Cái ''tôi'' của nhà thơ đã hoà vào
cái chung, thành tiếng nói đầy tự hào của ''chúng ta''. Tình cảm yêu nước gắn liền
với ý thức về quyền làm chủ đất nước của cả cộng đồng dân tộc mà Nguyễn Đình
Thi thể hiện chính là tư tưởng yêu nước mang tính dân chủ của thời đại:

''Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa''
Có lẽ đây là những dòng thơ sảng khoái nhất trong bài thơ này. Điệp từ
''đây'', điệp ngữ ''của chúng ta'' cứ nhấn đi nhấn lại cái tiếng hát tự hào làm chủ của
con người Việt Nam sau bao năm hi sinh gian khổ để hôm nay thực sự làm chủ đất
nước thân yêu của mình. Đất nước thể hiện với những hình hài cụ thể, tươi đẹp lạ
thường: trời xanh, núi rừng, cánh đồng thơm mát, ngả đường, dòng sông đỏ nặng
phù sa, tất cả đều bát ngát thân thương. Và không chỉ có vậy, đất nước ấy còn là
những âm vang của truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc, là sức mạnh bất
diệt của bao thế hệ Việt Nam vẫn ''rì rầm trong tiếng đất...''. Nếu ở phần trên bài
thơ tập trung làm nổi bật một đất nước tươi đẹp, hiền hoà, thì phần sau của bài là
hình ảnh đất nước đau thương căm hờn và bất khuất, hình ảnh đất nước trong
chiến tranh:
''... Những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều''
Nỗi lòng của nhà thơ cũng quặn thắt, rỉ máu với những nỗi đau thương, tang
tóc của quê hương đất nước. Những câu thơ viết về nỗi đau cũng dấy lên niềm
căm hờn, uất hận với tội ác của kẻ thù:
''Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc tây thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da''
Nhưng đất nước Việt Nam, như bao lần trong lịch sử anh hùng: ''Chìm trong
máu lửa lại vùng đứng lên'', đã vượt qua mọi đau thương, gian khổ, hi sinh để vụt
lớn dậy ngời sáng trong chiến đấu và chiến thắng. Những khổ thơ cuối của bài thơ
''Đất nước'', với nhịp điệu dồn dập, với những hình ảnh trùng điệp và hàng loạt
những từ ngữ, những so sánh, ẩn dụ (rung trời, giận dữ, người lên như nước vỡ bờ,

rũ bùn, đứng dậy, sáng loà) chỉ sự vận động mạnh mẽ đã dựng lên hình tượng khái
quát mang tính sử thi của cả nước đã đứng lên hào hùng, bất khuất. Âm hưởng sôi

2


[Lê Hiền] Bộ tài liệu 132 đề Ôn thi Đại học môn Ngữ Văn

nổi, dồn dập của những khổ thơ cuối như một bản hùng ca đi tới cao trào là khổ
thơ cuối cùng:
''Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà''
Một bức tranh hoành tráng hào hùng, một biểu tượng rất đặc sắc về nước
Việt Nam mới được sinh thành từ trong máu lửa của cuộc kháng chiến anh hùng.
Hình ảnh thơ này cũng bừng sáng lên lòng tự hào, kiêu hãnh chân chính và niềm
tin vào tương lai của Tổ quốc.
Thơ chống Mỹ đã tiếp nối cảm hứng yêu nước trong thơ kháng chiến chống
Pháp, với những tiếng thơ đa dạng, nhất là thơ của thế hệ thơ trẻ, làm phong phú
và sâu sắc thêm tình cảm quê hương đất nước bằng sự phát hiện về dân tộc trong
mối quan hệ hiện tạo với quá khứ và dân tộc với thời đại. Đoạn thơ ''Đất Nước''
(Trong trường ca ''Mặt đường khát vọng'') của Nguyễn Khoa Điềm là một trong
những thành công theo hướng đó.
Bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm là sự cảm nhận về đất nước trong một cái
nhìn tổng hợp từ chiều sâu văn hoá lịch sử và đời sống hàng ngày của con người
Việt Nam, làm nổi bật tình cảm yêu nước của các thế hệ người Việt và tư tưởng
''Đất Nước của Nhân dân''. Đoạn thơ về đất nước bắt đầu bằng những cái hết sức
gần gũi trong cuộc sống của mỗi gia đình chúng ta:
''Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn''
Đó là một tình yêu rất cụ thể, không trừu tượng chung chung. Tất cả những
cái gì làm nên cuộc sống hàng ngày của con người Việt Nam, làm nên khuôn mặt
dân tộc đều khơi nguồn cảm hứng thiết tha: yêu những gì gần gũi, thân thiết trong
cuộc sống hàng ngày của mỗi con người, từ câu chuyện cổ tích của mẹ, miếng trầu
của bà, cái kèo cái cột trong nhà, đến hạt gạo ta ăn hàng ngày, cho đến những
phong tục sinh hoạt có từ xa xưa (''tóc mẹ thì bới sau đầu'')... Những cái hàng ngày
gần gũi với chúng ta lại là những cái bền vững sâu xa, đã hình thành và tồn tại từ
ngàn xưa trong đời sống dân tộc. Những câu thơ mở đầu đã gợi nhớ đến các
truyền thuyết, truyện cổ tích vào loại xa xưa nhất như truyện ''Trầu cau'', sự tích
''Thánh Gióng''... Đó chính là chiều sâu văn hoá- lịch sử của đất nước thể hiện
ngay trong cuộc sống gần gũi hàng ngày.
Theo mạch suy tưởng, tác giả tiếp tục cảm nhận đất nước ở bình diện lịch sử
với huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ, truyền thuyết Hùng Vương với ngày
giỗ Tổ. Đất nước là núi sông rừng biển bao la, là không gian sinh tồn và phát triển
của bao nhiêu thế hệ người Việt, nhưng còn là từng mảnh đất quen thuộc gắn bó
với cuộc sống của mỗi người:
''Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hẹn hò...''
Ca dao xưa nói về nỗi nhơ quê hương qua những chi tiết thật bình dị của
bữa cơm đạm bạc và bóng dáng người thương dầm mưa dãi nắng:
3


[Lê Hiền] Bộ tài liệu 132 đề Ôn thi Đại học môn Ngữ Văn

''Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi nắng dầm sương,

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.''
Nhớ về lịch sử lâu đời của đất nước, ta nhớ đến những người anh hùng, vĩ
nhân, nhưng Nguyễn Khoa Điềm còn muốn nhấn mạnh đến những hi sinh thầm
lặng, những đóng góp lớn lao của những con người vô danh, hiền lành, giản dị.
Chính họ bằng máu xương và lao động đã sáng tạo, giữ gìn, và truyền lại cho các
thế hệ Việt Nam mọi giá trị văn hoá, vật chất tinh thần; họ là nhân dân:
''Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
Họ giữ lại và truyền lại cho ta hạt lúa ta trồng
Họ đã truyền lửa cho mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến đi dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân.''
Lòng yêu nước, vì thế cũng chính là tình yêu và sự gắn bó với nhân dân, với
những con người bình dị và vô danh nhưng đã khiến cho tác giả có cái nhìn sâu
sắc và mới mẻ về thiên nhiên đất nước, về những cảnh quan mỹ lệ và kỳ thú của
non sông:
''Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chống yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
...
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cũng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh''
Và tình yêu phải dẫn tới ý thức trách nhiệm với đất nước. Sự sống của mỗi
con người cũng không chỉ của riêng cá nhân mình mà còn thuộc về đất nước, bởi

vì ''trong anh và em hôm nay, đều có một phần Đất Nước'', mỗi con người đã được
thừa hưởng những di sản vật chất và tinh thần quý báu của đất nước, của nhân dân,
của biết bao thế hệ đi trước. Do đó, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm giữ gìn và
phát triển những giá trị quý báu, làm đẹp thêm cho đất nước muôn đời.
Không chỉ trong thơ Nguyễn Khoa Điềm mà trong thơ của hầu hết các nhà
thơ từ thời chống Mỹ đều có những cảm nhận sâu sắc về nhân dân và đó chính là
nền tảng của lòng yêu nước. Nguyễn Duy suy nghĩ về nhân dân và dân tộc qua
''Hơi ấm ổ rơm'', một hình tượng ''Tre Việt Nam''. Còn Thanh Thảo, trong trường
ca ''Những người đi tới biển đã khắc hoạ chân dung của nhiều con người bình dị
trong nhân dân vô tận của cuộc kháng chiến chống Mỹ, và dùng những lời ngợi ca
xúc động nhất để nói về nhân dân:
4


[Lê Hiền] Bộ tài liệu 132 đề Ôn thi Đại học môn Ngữ Văn

''Và cứ thế nhân dân thường ít nói
Như mẹ tôi lặng lẽ suốt đời
Và cứ thế nhân dân cao vời vợi
Hơn cả những ngôi sao cô độc giữa trời''.
Qua hai bài thơ ''Đất nước'' của Nguyễn Đình Thi và ''Đất Nước'' của
Nguyễn Khoa Điềm, chúng ta thấy được những biểu hiện phong phú, đa dạng của
một nguồn cảm hứng lớn: tình yêu quê hương đất nước trong thơ Việt Nam 19451975. Đồng thời cũng chứng tỏ thơ ca chống Mỹ đã kế tục truyền thống yêu nước
của thơ ca kháng chiến chống Pháp và có những đóng góp làm phong phú và sâu
sắc thêm nguồn cảm hứng lớn này, đặc biệt là bằng những khám phá, phát hiện về
chiều sâu văn hoá- lịch sử đất nước, về sự gắn bó với giữa truyền thống quá khứ
và hiện tại, và nhất là bởi thấm sâu tư tưởng Đất Nước của Nhân dân.
***

5




×